Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:20:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những âm mưu sách lược của chính phủ Rigân làm tan rã Liên bang Xô Viết  (Đọc 100678 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 10:02:50 am »


Với sự khích lệ của Cô-xây và của Cai-xpa Uyn-pak; Bi-en Cơ-lắc đã giao cho Uỷ ban An ninh quốc gia một loạt nhiệm vụ nghiên cứu; ban này cần thảo luận nghiên cứu một con đường khác để phá hoại kinh tế Liên Xô, đồng thời có sự đánh giá, dự đoán năng lực sinh tồn của cuộc kinh tế chiến đại quy mô nhằm vào Liên Xô. Dưới sự lãnh đạo của Nốp Bây-li, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu quy hoạch, nhân viên nghiên cứu sẽ nghiên cứu, thảo luận về cơ chế có thể sử dụng để phá hoại kinh tế Liên Xô. Bao gồm việc tổ chức một Các-ten ngũ cốc (bao gồm Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a và Ác-hen-ti-na), từ đó hạn chế việc xuất khẩu lương thực sang Liên Xô.

Khi giữa Oa-sinh-tơn và châu Âu có sự tranh luận kịch liệt về kế hoạch đường ống khí đốt thì giữa phương Tây và lực lượng tân du của Công đoàn Đoàn kết đã bí mật tiến hành sự tiếp xúc với nhau lần đầu. Tình hình Ba Lan rất nghiêm trọng, các phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết bị bộ đội Bảo an Ba Lan truy bắt từng người. Các thành phố, thị trấn chủ yếu đều lâm vào tình trạng thiếu thốn lương thực. Ngoài đường phố toàn là nhân viên Bảo an. Ngày 2 tháng 2, công nhân ở một mỏ than Ba Lan bãi công. Đó là một hành vi có tính tượng trưng biểu thị sự kháng nghị đối với nhà cầm quyền. Tình hình ở mỏ than Đôn-bát 1 Liên Xô cũng xẩy ra tương tự.

Việc này đối với Krem-li mà nói là một tiền lệ nguy hiểm, vì rằng nó là một thí dụ tươi rói thứ nhất của công nhân Liên Xô ủng hộ Công đoàn Đoàn kết, xuất hiện ngay trên đất Liên Xô! Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thường xuyên chú ý tới sự phát triển của tình hình. Nếu ngọn lửa rực cháy này của Công đoàn Đoàn kết không kịp thời dập tắt thì rất có khả năng nó sẽ cháy lan sang Liên Xô. Hơn nữa, hàng ngày ở Ba Lan đều ra đời những tổ chức công đoàn mới!

Tháng 2, hai người Mỹ gốc Ba Lan từ Viên đã đi tàu nhanh đến Ba Lan. Họ đến phương Tây liền tham gia hoạt động cùng Công đoàn Đoàn kết, lần này họ mang theo giấy tuỳ thân giả và tin tình báo, họ đặt kế hoạch là sẽ liên lạc với những phần tử tàn dư bí mật của Công đoàn Đoàn kết. Hai bên gặp nhau ở Dư-la-đôp một thị trấn nhỏ tại ngoại thành Vác-sa-va. Nơi đây cư dân có hơn 40.000 người, tình hình ở đây tương đối yên tĩnh. Ngày 17 tháng 2, bộ đội Bảo an Ba Lan tổ chức một cuộc lùng bắt đại quy mô. Hàng vạn dân binh trong vòng 2 ngày đã bắt khoảng 4.000 người. Có lệnh lùng bắt 2 người Mỹ nọ khi một phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết hẹn gặp họ.

Đại biểu Công đoàn Đoàn kết đến gặp 2 người Mỹ là một người đồng sự của Lai-khơ Bon-đô-côp-xki, người phát ngôn của Công đoàn Đoàn kết ở Gơ-đan-sư-khơ (Gdansk). Trong thời kì Thế chiến thứ hai Ban-đô-côp-xki ở Luân-đôn; khi ở đây ông đã tổ chức cho bộ đội hải quân Ba Lan tham gia chiến đấu. Sau khi quay trở về Ba Lan, ông vẫn giữ được mối liên hệ với cơ quan tình báo nước Anh. Giờ đây ông chủ trương, có được mối liên hệ với phương Tây là hi vọng duy nhất để cứu vãn phong trào này. Hai người Mỹ trên, 4 ngày trước khi gặp đại biểu Công đoàn Đoàn kết ở Dư-la-đôp, họ đã rời khỏi trung tâm Vác-sa-va, đến ở tại nhà thờ ngoại thành. Vị mục sư của nhà thờ này cũng không hỏi han gì họ, theo mọi người thì ông ta là người của một đường dây tình báo I-xra-en.

Lần gặp mặt ở ngay trong nước Ba Lan này của họ là lần đầu. Cuối tháng 1, Cục Tình báo trung ương có cuộc tiếp xúc với những người Ba Lan lưu vong ở Tây Đức. Những người lưu vong này đã ở bên “bức màn sắt” và có được mối liên hệ với các phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết. Trong thời gian gặp nhau họ đã có sự sắp xếp sơ bộ. Họ hy vọng có thể được gặp một người lãnh đạo cao cấp của công đoàn Ba Lan ở bên ngoài Ba Lan để cùng ông bố trí mọi việc, dù ông ta phải quay về Ba Lan ngay. Nhưng muốn gặp được ông ở ngoài nước Ba Lan thì không thể được! Hai người Mỹ gốc Ba Lan đã chuyển giao tin tình báo cho Cục Tình báo trung ương.
__________________________________
1. Mỏ than Đôn-bát: khu công nhân mỏ rất lớn ở miền Đông Nam châu Âu, nổi tiếng vì trữ lượng than đá phong phú. Tổng trữ lượng than đá ở đây tới hơn 50 tỉ tấn, trữ lượng tiềm tại là 63,5 tỉ tấn, trữ lượng khả năng là 76,2 tỉ tấn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 10:03:28 am »


Đại biểu của Công đoàn Đoàn kết nói với 2 người Mỹ, công đoàn này đã bị tổn thất rất nặng. Ngay đêm thứ nhất, khi công bố “Luật quân quản” (ngày 12 tháng 12), bộ đội Bảo an Ba Lan đã bắt 5.000 người lãnh đạo, trong đó rất nhiều người là nhân vật quan trọng của Công đoàn Đoàn kết. Lần hành động này khiến nhiều người rất kinh ngạc. Họ những tưởng Chính phủ không thể ban bố “Luật quân quản”. Đến trung tuần tháng 2, người ta ước đoán sẽ có khoảng 40.000 người bị bắt, những người lãnh đạo của công đoàn này không mấy người thoát khỏi cuộc vây ráp. Những tài sản của Công đoàn Đoàn kết đều bị tịch thu hết. Ngoài cách truyền tin bằng những mẩu giấy nhỏ và bằng máy phô-tô thô kệch ra thì những người lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết không có cách liên hệ nào khác với quần chúng.

Công đoàn Đoàn kết có lẽ còn chưa bị diệt, nhưng trên thực tế nó đã mất sức sống!

Bầu không khí của lần gặp mặt đầu tiên ở thị trấn Dư-la-đốp, ngoại thành Vác-sa-va rất căng thẳng. Người đại biểu Công đoàn Đoàn kết vì có thông báo truy nã nên anh ta tỏ ra không được bình tĩnh. Mặc dầu 2 người Mỹ nói tiếng Ba Lan rất lưu loát, nhưng thực ra trong lòng người đại biểu này cũng không dám chắc tin tưởng được họ. Hai người Mỹ nọ cũng rất căng thẳng vì sợ bị nhà cầm quyền bắt vì tội hoạt động gián điệp.

Trong cuộc gặp kéo dài 6 giờ, họ thảo luận rất nhiều vấn đề: sự giúp đỡ của phương Tây như thế nào để có lợi nhất cho Công đoàn Đoàn kết; khả năng giúp đỡ đến mức độ nào, làm thế nào để sự giúp đỡ đó đạt được mục đích. Đại biểu Công đoàn Đoàn kết nói rất rõ ý của họ là, phương Tây cần giúp “vô điều kiện” cho Công đoàn Đoàn kết. Họ cũng thảo luận vấn đề kĩ thuật cụ thể: làm thế nào để chuyển tiền đến tài khoản của Công đoàn Đoàn kết và khả năng viện trợ các công cụ thông tin? Hai người Mỹ nói tên của một thương gia châu Âu hiện ở Vác-sa-va với người đại biểu; tiền sẽ thông qua người thương nhân này chuyển cho Công đoàn Đoàn kết, vì ông này có một tài khoản đặc biệt.

Sau khi quay trở về phương Tây không lâu, hai người Mỹ này đã nhanh chóng viết báo cáo gửi Cô-xây. Theo lệnh của Tổng thống, Cô-xây cần lập một đường dây để cung cấp tiền cho Công đoàn Đoàn kết. “Cô-xây là một người có tài về chuyện cung cấp tiền bạc bí mật”. Gơ-ren Căm-bel nhớ lại – “Mỗi năm ông ta có thể giải quyết được mấy triệu đôla, nhưng mọi người xưa nay chẳng ai biết ông ta làm cách nào để chuyển số tiền đó vào được Ba Lan”.

Mọi người cũng có thể thấy được là, Công đoàn Đoàn kết bí mật cần cải thiện điều kiện kĩ thuật của mình, nhất là cần có các công cụ thông tin tiên tiến. Cục Tình báo trung ương đã nghiên cứu, thảo luận mấy loại phương án. Có một phương án đề nghị Cục coi công cụ thông tin như một loại vật tư ngoại giao, cho người đưa vào Ba Lan; sau đó kèm lẫn với các loại vật tư khác, rồi lén chuyển đi từ Đại sứ quán Mỹ ở Ba Lan. Nhưng phương án này không thể thực hiện được, vì Đại sứ quán Mỹ đã bị giám sát rất chặt, xung quanh đều là các dân binh có vũ trang! Phương án thứ hai là đề nghị với nhà thờ Thiên chúa giáo coi những “của cấm” này như các vật phẩm cứu tế bình thường để lén đưa vào Ba Lan. Nhưng, Cô-xây không muốn mạo hiểm làm việc này. Nhà thờ cùng chia sẻ tin tình báo với Cục Tình báo thì không được tiện lắm. Cuối cùng, nước Mỹ đã hết đường xoay xở, đành chịu bó tay!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 10:04:36 am »


Không lâu sau, Cục Tình báo trung ương đã giải quyết được vấn đề này. Đường dây tình báo I-xra-en có một liên lạc viên, người này vốn không chỉ là cư dân ở Gơ-đan-sư-khơ, mà còn là giám đốc của một xưởng đóng tàu. I-xra-en yêu cầu người này bố trí đưa 2 chuyến tàu chở vật tư vào Ba Lan. Công cụ thông tin sẽ chở từ Thuỵ Điển; lúc mới đầu người ta coi nó như một bộ phận của máy cái dùng để sản xuất máy kéo; 4 ngày sau lại coi như là thiết bị công trình, chuyển vào Ba Lan. Trong tay người này có số hiệu của hoá đơn phát hàng và ngày tháng của hàng được phát. Nhiệm vụ của người này là trước khi hải quan và nhân viên an ninh Ba Lan kiểm tra những công cụ thông tin này thì ông ta cần nhanh chóng đưa chúng vào giấu ở nơi an toàn của Công đoàn Đoàn kết. Theo kế hoạch ấy, vị giám đốc này lập tức chuyển ngay những thùng đó vào trong nhà kho của ông vào ban đêm. Những thứ này có thể là những mặt hàng quan trọng nhất mà ông phụ trách. Rô-be Mác Fơ-răng nói, những công cụ này “khiến những người lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết có thể liên hệ với toàn thể thành viên của họ và toàn thể quốc gia; mà cũng có thể liên hệ giữa họ với nhau, từ đó tránh bị tổn hại. Đó là một kế hoạch C3I, cung cấp cho họ một loại thiết bị cơ bản để họ chỉ huy và khống chế.

Việc phân phát bí mật những công cụ thông tin này, Công đoàn Đoàn kết phải mất mấy tháng trời. Khi các thành viên Công đoàn Đoàn kết bí mật ở Cơ-ra-cốp (Krakóv) mỏi mắt chờ mong nó thì càng mất tăm. Có người lo những thứ đó đã bị tình báo Ba Lan phát hiện và tịch thu rồi. Nếu quả là như vậy thật thì toàn bộ công việc trước khi bắt đầu đã lâm vào vòng nguy hiểm, mà Công đoàn Đoàn kết lại bị ô danh. Nhưng may sao, chỉ mấy hôm sau những ngày dài cổ chờ đợi đó đã chuyển đến Cơ-ra-cốp. Thì ra trong những xe tải chuyên chở thứ hàng quý giá đó có một chiếc bị nổ lốp! Với hoàn cảnh Ba Lan đang tình trạng thực hiện luật quân quản mà muốn có được một chiếc lốp xe tải để thay thì không phải là chuyện dễ!

Cô-xây từ nơi xa chăm chú theo dõi việc làm này. Ông đứng ngồi không yên mong sao cho việc làm đó thành công. Khi Tổng thống biết tin các loại vật tư đó đã đưa vào Ba Lan, mọi hành động tiếp theo đang tiến hành thì ông tỏ ra lo lắng không yên. Vì thế, Cô-xây lại cùng Tổng thống bí mật hội kiến trong Phòng Tình báo của Nhà Trắng. Họ trao đổi với nhau rất nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu là tình hình Ba Lan. Ri-gân vui mừng vì biết tin đã bắt đầu hành động. Thậm chí Cô-xây còn đưa cho ông cả mấy tư liệu của Công đoàn Đoàn kết bí mật, trong đó có một bức thư: bức thư này do A-xai-cơ Cô-lông, một phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết viết trong nhà tù. Bức thư này công khai mạnh dạn chủ trương cần phải có sự kháng nghị; người viết nó tuyên bố “Cuộc khởi nghĩa đại quy mô này” ở Ba Lan đương trong lúc nguy khốn nhưng hành động trấn áp của nhà đương cục không thể đạt được mục đích của họ. Tổng thống đã để phong thư đó vào trong ngăn kéo bàn làm việc của ông ở phòng Bầu dục. Ông và Cô-xây cùng thống nhất với nhau là, trong phòng Bầu dục này họ chỉ thảo luận về những hành động bí mật sẽ tiến hành ở Ba Lan và khi họ qua điện thoại thảo luận sâu về một vấn đề nào đó. Cô-xây sẽ sử dụng điện thoại bảo mật ở gia đình hoặc điện thoại bảo mật trong phòng làm việc ở lầu phía tây Nhà Trắng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, người Liên Xô có thể đoán được rằng hiện nay đang xẩy ra một số việc gì đó! “Nếu cho rằng người Liên Xô đối với những việc mà chúng ta đang làm không có một sự suy nghĩ gì hợp tình, hợp lí, tôi cho rằng cách đặt vấn đề như vậy là ngu xuẩn! - Giôn Pin-đơ Kơ-xtơ nhớ lại - Họ có rất nhiều kẻ “cáo mật”, những người đó sẽ bảo họ rằng Ba Lan đương xẩy ra một việc gì đó. Vì vậy tôi cho rằng chúng ta cần nghĩ là, khi chúng ta định ra kế hoạch hành động, thì về đại thể họ sẽ biết là chúng ta muốn làm gì! Họ hết sức quan tâm đến điều đó, đồng thời họ đã có những hành động uy hiếp chúng ta. Nhưng sự uy hiếp đó từ trước đến nay không bao giờ khiến chúng ta phải vì thế mà thay đổi chính sách. Chúng ta rất kiềm chế những việc chúng ta làm cho Công đoàn Đoàn kết do vậy nên đã không kích nộ họ, đẩy họ can thiệp quân sự vào Ba Lan.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 10:06:46 am »


Cuối tháng 3, Cô-xây tập hợp toàn thể nhân viên Phòng Hành động, bắt đầu thực thi bước thứ ba theo như chiến lược ủng hộ Công đoàn Đoàn kết do ông soạn thảo. Vì lực lượng của Công đoàn Đoàn kết yếu, mỏng nên thường họ phải dựa vào bản năng và trí tuệ rất năng động thì mới có thể sinh tồn được trước một kẻ địch hùng mạnh. Bởi thế Cô-xây muốn Cục Tình báo trung ương trở thành tai mắt của Công đoàn Đoàn kết. Công đoàn Đoàn kết bí mật cần có được những tin tình báo lấy từ nhà đương cục cao nhất của Chính phủ Ba Lan. Có như vậy họ mới dự đoán được bước sau, Chính phủ Ba Lan sẽ thi hành những biện pháp gì. Công đoàn này có rất nhiều những người ủng hộ ở các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Nhà nước, những người này có thể giành được những tin tình báo có liên quan đến hành động bước sau của Chính phủ, nhưng họ lại thiếu năng lực và tiền của để giữ gìn, bảo vệ con đường truyền dẫn các tin tình báo. Cuối năm 1981, Cô-xây phái đến toà đại sứ Mỹ ở Vác-sa-va một tổ liên hợp do Cục Tình báo trung ương và Cục An ninh quốc gia 1 (NSA) tổ chức thành, với mục đích triển khai nhanh chóng hoạt động tình báo điện tử ở thành phố này.

Tổ có 4 thành viên, họ sử dụng điện tử tiên tiến với kĩ năng rất cao về phương diện nghe trộm. Tổ này có biệt hiệu là “Đơn nguyên thu thập tình báo đặc biệt”. Họ là một bộ phận thường xuyên luân chuyển các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ, giờ đây đã đến Vác-sa-va. Tổ này bắt đầu công tác vào cuối tháng giêng năm 1982. Họ sử dụng một hệ thống nghe trộm điện tử phức tạp để nghe trộm đường dây của Ba Lan. Về sau, họ đã tăng việc sử dụng máy nghe trộm và các thiết bị tình báo điện tử khác lên một cách rõ rệt.

Cô-xây cũng rất tích cực trong công tác chiêu mộ nhân lực. Ông muốn các nhân viên Phòng Hành động thâm nhập một cách hữu hiệu vào các nước họ đang hoạt động, nhất là vào các nước trong tập đoàn Liên Xô. Khi chiêu mộ nhân viên tình báo, ông yêu cầu phòng hành động cần hết sức thận trọng. Mấy tháng đầu sau khi nhận chức, với phương châm chỉ đạo mới, Cô-xây đã thay thế “Quyển sổ tay” dài dòng, rườm rà về vấn đề chiêu mộ nhân viên tình báo của Cục Tình báo trung ương. Quyển sổ tay cũ có nhiều điều lôi thôi, rắc rối. Ông nói với các trợ thủ của mình là quyển sổ đó chỉ “gây trở ngại” cho công việc; nó đề ra những quy tắc nghiêm ngặt làm mất hết sức sáng tạo của nhân viên tình báo, đồng thời còn làm cho các tình báo viên không tin tưởng vào những người tình nguyện. Theo quan điểm của Cô-xây hành động cốt sao thu được kết quả chứ dâu phải cứ chấp hành quy tắc một cách cứng nhắc. Vì thế, quyển sổ tay trước kia dày tới 130 trang nay bỏ bớt đi chỉ còn lại có mấy đoạn. Đặc biệt là, Cô-xây khuyến khích các tình báo viên ở phía sau “tấm màn sắt” cần tích cực, chủ động triển khai công tác.

Cơ quan tình báo nước Mỹ hi vọng sẽ trở thành hệ thống báo động sớm cho Công đoàn Đoàn kết. Nếu Ba Lan lại tiến hành trấn áp nữa hoặc tìm cách “dử” những người lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết ra khỏi nơi ẩn náu, thì Tổng thống và Cô-xây sẽ tác động để hệ thống đó phát ra lời cảnh cáo. Cùng với thời gian, hệ thống này ngày càng làm việc tốt. “Chúng ta có thể biết ngay Chính phủ Ba Lan đang làm gì và họ sẽ làm gì - Pin-đơ Kơ-xtơ nhớ lại - hơn nữa chuyển số tin tình báo đó cho Công đoàn Đoàn kết là rất thích hợp”.

Biện pháp hữu hiệu nhất để truyền đạt tin tình báo cho Công đoàn Đoàn kết đài phát thanh “Tiếng nói nước Mỹ (VOA)”. Phòng Thông tin nước Mỹ, do Xác-lơ Uây-kơ - một người bạn cũ của Ri-gân phụ trách. Trừ khi Tổng thống tranh cử và quyết định coi “Tiếng nói nước Mỹ” như một công cụ phát đi các tin tình báo thì Cô-xây và Uây-kơ trở nên rất thân với nhau. “Đài nàyy sẽ tuân lệnh phát đi các tin tình báo - Uây-kơ nhớ lại - Vì đó là lợi ích của quốc gia, bởi thế miễn là những tin tình báo đó không ảnh hưởng đến tính hoàn chỉnh của các tiết mục của Đài, thì chúng tôi sẽ vui lòng phát”. Những tin tình báo muốn phát đi phải thông qua một loạt những mật mã phức tạp. Trong một thời điểm nhất định, khi phát thanh, “Tiếng nói nước Mỹ” sử dụng loại chữ đã mã hoá hoặc những đoản ngữ. Ví dụ, có thể sẽ phát một bài hát đặc biệt. Một lần nào đó, qua một tiết mục đã được chuẩn bị công phu, đó có thể là Đài sẽ phát đi một tin tình báo về một hoạt động trấn áp của đối phương sắp xẩy ra, về một đợt hàng đặc biệt hoặc về thời gian và địa điểm của một cuộc hội nghị. Thật ra, thì trong chương trình của “Tiếng nói nước Mỹ” cấm phát các tín hiệu tình báo ra ngoài, nhưng hiện nay tình thế ở Ba Lan đang ở trong bước đường tuyệt vọng, vì thế đối với Cô-xây mà nói, dù rằng có phải vi phạm một số quy tắc, thì cũng cứ phải tiến hành!
______________________________________
1. Cục An ninh quốc gia (NSA). cơ quan tình báo trực thuộc Bộ Quốc phòng phụ trách việc đặt ra các điện mã, mật mã và các ẩn ngữ khác, đồng thời phụ trách cả công tác bảo mật cho các cơ quan quân sự và các cơ quan của Chính phủ Mỹ. Cục này thành lập năm 1952, nó là một cơ quan tình báo bí mật nhất ở nước Mỹ vì nó không phải chịu sự giám sát của Quốc hội nước này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 10:08:31 am »


Con đường cung cấp tiền cho Công đoàn Đoàn kết, đến tháng 3 năm 1982 thì khai thông. Khoản tiền này chủ yếu dùng để ủng hộ công tác xuất bản và phát hành các ấn loát phẩm. “Luật quân quản” làm cho mọi người rất muốn có những tin tức tin cậy được. Nhà đương cục ngày càng khống chế chặt giới truyền thông, cho nên những tin phát ra bên ngoài ngày càng ít. Do tác dụng của nhiều nhân tố, nên các nhà xuất bản bí mật đã hoạt động trở lại được. Một số nhà xuất bản này do không đề cao cảnh giác, nên đã bị bắt. Sau khi ban bố “Luật quân quản”, các thiết bị và vật tư của họ đều bị cảnh sát tịch thu, rất nhiều những phần tử tích cục của Công đoàn Đoàn kết làm việc ở nhà xuất bản đã bị bắt.

Đầu tiên, khoản tiền này được dùng để mua máy phát thanh vô tuyến. Trước khi “Luật quân quản” được ban bố, Công đoàn Đoàn kết đã cất giấu những loại máy đó vào nơi bí mật, nhưng phần lớn các thứ đó đều đã cũ, nên phạm vi truyền thanh rất hạn chế. Vì vậy họ đã dùng tiền của Cục Tình báo trung ương tài trợ mua 15 bộ máy phát thanh vô tuyến xách tay. Ngày 12 tháng 4, cũng tức là 4 tháng sau khi có hành động trấn áp. Cư dân Vác-sa-va lần đầu tiên nghe được đài phát thanh của Công đoàn Đoàn kết. Chi-pi-rôk Rô-ma-xep-xki một người lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết ở Vác-sa-va phụ trách công tác này. Ngày 9 tháng 5, từ đài phát thanh này ông đã tìm cách phát đi một tin vắn, hô hào mọi người tham gia tổng bãi công.

Để đề phòng nhà đương cục phát hiện, Đài Phát thanh này đã phải di chuyển vị trí thường xuyên. Ngày 30 tháng 4, cảnh sát từ Liên Xô và Đông Đức đem về được loại thiết bị đặc biệt dò tìm sóng vô tuyến. Họ đã mở một cuộc lùng sục đại quy mô trong phạm vi toàn thành phố. Thế là, trên các phố lớn của Vác-sa-va, hàng ngày đều diễn ra trò “mèo vờn bắt chuột”. Cảnh sát vào từng nhà một lục soát, đồng thời phong toả phần lớn các khu vực, nhưng cuối cùng họ không phát hiện được gì hết!

Theo lời đề nghị của các phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết chạy sang phương Tây; số tiền cung cấp của phương Tây chủ yếu dùng cho một nhà xuất bản tên là Nô-va, đã xuất bản được mấy chục loại trước tác về những nội dung như: quân sự, kinh tế và văn hoá. Ngoài ra một nhà xuất bản quan trọng khác là nhà xuất bản Cơ-lác, chủ yếu xuất bản các sách về lịch sử. Mặc dầu đã qua đi sự o ép của “Luật quân quản”, nhà xuất bản Nô-va, với trăm phương ngàn kế đã tồn tại được, và vẫn tương đối hoàn hảo! Vấn đề chính của nhà xuất bản này là sự khó khăn về tài chính vì số tiền tài trợ cho họ của Công đoàn Đoàn kết đã cam kết, mà giá thành in ấn lại tăng lên rất nhanh. Riêng giá thành in ra một trang từ 1 zlô-ti tăng lên khoảng 4 zlô-ti. Tháng 1 năm 1982, nhà xuất bản này dần dần đi vào cả các lĩnh vực khác. Đầu tiên nó in “Tuần báo Ma-dô-uyếc-ki (Mazowiecki)” và tạp chí “Bình luận” hướng về phần tử trí thức. Lượng phát hành của “Tuần báo Ma-dô-uyếc-ki” là 5 vạn bản. Đây chính là “người phát ngôn” của Công đoàn Đoàn kết ở Vác-sa-va! Đồng thời Công đoàn Đoàn kết còn xây dựng được một màng lưới phát hành bí mật rất linh hoạt. Việc xuất bản và phát hanh “Tuần báo Ma-dô-uyếc-ki” cần có sự tham gia của 37 cơ sở bí mật của công nhân trong cả nước.

Sự ủng hộ về phương diện công cụ thông tin và tài chính của phương Tây đối với Công đoàn Đoàn kết dường như có ảnh hưởng ngay. Cuối tháng 4 năm 1982, những phần tử tích cực quan trọng của Công đoàn Đoàn kết trốn được khỏi các trại giam đã tổ chức thành một tổ độc lập lấy tên là “Uỷ ban phối hợp lâm thời” (TKK), đồng thời họ ra một bản tuyên bố. Đó là một tổ chức bí mật, mong muốn có sự phối hợp hành động để phản đối “Luật quân quản”. Các thành viên ban đầu của tổ chức này có: Chư-pik-nep Pu-ak ở Vác-sa-va, Oa-đi-xoap Han-tai ở Cơ-ra-côp, Pik-tan Liss ở Gơ-đan-sư-khơ và Oa-đi-xoap Fu-la-nin ở Roôc-lao (Wroclaw). Trong lần họp đầu, Uỷ ban phối hợp lâm thời chỉ là một tổ chức lâm thời, họ chuẩn bị tổ chức thành một mạng lưới bí mật phân tán ở các nơi trong toàn quốc. Trong bản tuyên bố đầu tiên, lời lẽ của Uỷ ban này có tính khiêu chiến hết sức. Điều kiện đàm phán họ đưa ra là Chính phủ phải thả toàn bộ những người bị bắt, đồng thời những người bị kết án do “Luật quân quản” đều được xoá tội.

Phương Tây chuẩn bị ủng hộ tiền và kĩ thuật cho Uỷ ban phối hợp lâm thời. Các thành viên trong Uỷ ban này vẫn giữ được mối liên hệ với nhau, có khi họ còn tranh luận với nhau về vấn đề sách lược. Bản tuyên bố chung của Uỷ ban này được truyền đi rất rộng. Nó đã khích lệ được mọi người, đồng thời làm cho chính quyền Da-ru-den-xki rất đau đầu. Trong suốt mùa đông dài dằng dặc thực thi “Luật quân quản”, Công đoàn Đoàn kết bí mật vẫn tồn tại được. Đó thật là một điều kì diệu!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 10:09:33 am »


Chỉ có một khu của Uỷ ban mới thành lập này là không phát biểu, bình luận gì. Đó là khu trung tâm Ka-tô-oai của công nghiệp khai thác mỏ Ba Lan. Đường dây điện thoại của khu này vẫn trục trặc, đồng thời Công đoàn Đoàn kết cũng không lén chuyển được công cụ thông tin đến đó. Ka-tô-oai là đại bản doanh của công đoàn, nằm dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cảnh sát.

Ngày 17 tháng 5 Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Côn-xtan-tin Rô-xcôp đột nhiên đến thăm Da-ru-den-xki ở Vác-sa-va. Ông được Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô phái đến Ba Lan để thu thập những tư liệu đầu tiên về chính trị ở đó. Một loạt những cuộc bãi công và kháng nghị có tính tượng trưng đã tiếp tục làm cho Ba Lan lúng túng. Không biết vì sao, việc đối phó với Công đoàn Đoàn kết của Chính phủ lại nhẹ tay hẳn lại, khiến cho Krem-li rất không vui.

Chính phủ Da-ru-den-xki dường như tuân theo một chiến lược hàm hồ không rõ rệt nên người ta không biết là rút cục họ muốn lung lạc Công đoàn Đoàn kết, hay là muốn áp dụng biện pháp thẳng tay diệt trừ. Rô-xcôp yêu cầu Da-ru-den-xki tăng cường việc giữ gìn an ninh trong nước. Ông nói: “Sự thật đã chứng minh, các nước đế quốc do Mỹ cầm đầu đã hình thành một tập đoàn xâm lược đương thực hiện chính sách lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa. Với chính sách này, chúng sẽ có những hành động lật đổ, do đó khả năng chúng sẽ thực hiện nhưng hành động quyết liệt”.

Mat-xcơ-va rất lo lắng về những việc “can thiệp vào nội chính” của nước Mỹ. Từ khi xẩy ra những chuyện rắc rối ở Ba Lan, Krem-li và chính phủ Ba Lan đều cho rằng những khó khăn trước mắt họ đều do Oa-sinh-tơn gây ra. Khi Ri-gân tuyên bố tăng cường cấm vận, ông đã diễn đạt ý của mình, hết sức rõ ràng, đó là nước Mỹ và Chính phủ Ba Lan xây dựng lại vấn đề về mối quan hệ kinh tế, họ muốn gắn liền với vận mệnh của Công đoàn Đoàn kết. Giờ đây những nhân viên an ninh của Liên Xô và Ba Lan đang hết sức chú ý tới đủ các loại hiện tượng về việc Mỹ cung cấp tiền của giúp Công đoàn Đoàn kết. Tuy nhiên, những người hiểu được nội tình đều biết rằng, Oa-sinh-tơn quả thực đã bắt đầu ủng hộ Công đoàn Đoàn kết. “Chúng tôi, những người làm công tác An ninh quốc gia trước nay đều không tin về những lời tuyên truyền rằng nước Mỹ ủng hộ Công đoàn Đoàn kết - Một quan chức trước đây làm công tác tình báo của Liên Xô nhớ lại - Đối với chúng tôi mà nói, loại tuyên truyền đó, về góc độ hình thái ý thức mà nhìn nhận thì có thể thông được, nhưng lại không nắm được chứng cứ. Nhưng bắt đầu từ mùa xuân năm 1982 những người “cáo mật” cung cấp các chứng cứ ngày càng nhiều. Tiền của của Công đoàn Đoàn kết rất hùng hậu. Đồng thời họ còn sử dụng các thủ đoạn phức tạp để thực hiện việc làm của họ. Vì thế chúng tôi biết là họ đang có được một số thứ từ một số người ở đó gửi tới!”

Do Công đoàn Đoàn kết không những tiếp tục tồn tại, mà xem ra thì họ đang tiến thêm một bước trong việc tích tụ lực lượng, vì vậy các quan chức an ninh ở Vác-sa-va quyết định mở một cuộc công kích mãnh liệt đối với Oa-sinh-tơn. Đầu tháng 5 năm 1982, phía Ba Lan quyết định sẽ chuẩn bị để xây dựng một tổ chức tương tự như KGB của Liên Xô.

Giôn Ê-rô-lis, quan chức phụ trách khoa học sĩ thuật ở Đại sứ quán Mỹ tại Ba-lan và Giêm Khuô-khoa-đơ Bí thư thứ nhất phụ trách văn hoá ở Đại sứ quán này cùng đến nhà riêng để gặp Li-xia Hen-xin-ki, nhà khoa học ở Viện Khoa học Ba Lan. Người này đã từng bị nhà đương cục bắt. Chính phủ Ba Lan đã lên án 2 quan chức ngoại giao này và cho rằng họ đến lấy tin tình báo ở Hen-xin-xki. Một hôm, cảnh sát thường phục và quan chức an ninh đột nhiên đến bắt và đánh đập 2 người này. Sau đó, họ đưa 2 người đến Tổng bộ Cảnh sát bằng ô-tô bịt kín. Các quan chức Ba Lan cảnh cáo họ đã ủng hộ Công đoàn Đoàn kết, đồng thời cho rằng họ đã làm những việc tổn hại đến tiến trình ổn định của Ba Lan. Sau đó, các quan chức này tuyên bố không hoan nghênh và trục xuất họ! Các nhân viên khác ở Đại sứ quán cũng luôn bị phía an ninh đến gây chuyện và đe nẹt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 10:12:38 am »


Vác-sa-va cũng tiến hành một cuộc chiến tranh cân não với Chính phủ Ri-gân. Nhân viên an ninh Ba Lan bất chấp mọi điều, ra sức tìm kiếm mọi hoạt động của Mỹ tiến hành ở Ba Lan. Nếu phát hiện ra điều gì họ lập tức đưa ra công khai ngay. Họ tập trung chú ý vào Đại sứ quán Mỹ; nhưng trên thực tế, trong kế hoạch này, Đại sứ quán Mỹ chỉ có tác dụng thứ yếu. Họ rất ít biết rằng ở đó những hành động ấy đều tiến hành độc lập, nhưng đại sứ quán Mỹ lại phát huy quan trọng về tác dụng kiềm chế.

Cùng với kế hoạch bí mật bắt đầu thực hiện ở Ba Lan và chỉ thị bí mật của Lầu Năm Góc bắt đầu được quán triệt, trong cuộc kinh tế chiến nhằm vào Liên Xô này, Cai-xpa Uyn-pak đã tăng cường liên hệ được với một bạn đồng minh ẩn tiếng mà có ích. Ngày 19 tháng 2, ông đã có cuộc hội đàm bí mật với người lãnh đạo Xau-đi ở Ri-yat. Uyn-pak là bạn thân của vương tử Ban-đan và cũng rất hợp với thân vương Pha-khơ-đơ 1 là người sẽ kế thừa vương vị. Pha-kha-đơ nói tiếng Anh rất lưu loát, ông đã cho con sang phương Tây du học, 3 người con học ở Đại học Ca-li-phoóc-ni-a, 1 người học ở Học viện quân sự hoàng gia Xan-đơ-khơ-xtơ 2. Ông vốn có tiếng là người thân phương Tây. Nghe nói, năm 1973 ông đã phản đối các nước A-rập cấm vận dầu xăng đối với phương Tây. Ông muốn hợp tác mật thiết về quân sự nước Mỹ. Ông có một cuộc sống riêng tư rất phóng túng. Thời còn trẻ ông là một con bạc thực thụ, một đêm tại Mông-tơ Các-lô 3, số tiền thua bạc của ông lên tới 6 triệu đôla Mỹ.

Uyn-pak đến thăm Xau-đi không chỉ có ý nghĩa tượng trưng, mà đến đó ông còn kí kết với họ một hiệp ước quân sự phức tạp. Cuộc chiến tranh I-ran và I-rắc đã kéo dài mãi, điều này đối với vương thất Xau-đi thân phương Tây mà nói không phải là điều gì tốt. Chiến tranh càng kéo dài, thì về mặt nhân lực và nhiệt tình tôn giáo I-ran so với ưu thế thiên nhiên của Bát-đa càng lớn hơn. Pha-khơ-đơ coi Sat-đam Hut-xen như một con đê chắn sóng ngăn chủ nghĩa Khô-mê-ni 4, vì rằng như nghĩa này đối với vương quốc ông là một uy hiếp rất lớn. Khi Uyn-pak và ông hội kiến, vị thân vương này còn tỏ ra bứt rứt không yên vì điều đó.

Ngay từ 2 tháng trước, Xau-đi và quan chức an ninh của Ba-rin đã bắt 65 người, lí do là số người này âm mưu lật đổ Chính phủ bảo thủ của 2 nước giàu có về đầu mỏ. Họ được huấn luyện ở I-ran và có một số lượng lớn vũ khí. Người ta gọi tổ chức này là “A-lây ta-oa”, hoặc “hò gọi”. Tổ chức phái Thập Diệp, bí mật thông qua toàn bộ thế giới A-rập chiêu mộ giáo đồ phái Thập Diệp Mu-xlim và đã có sự phát triển, đồng thời họ còn truyền bá cách mạng sang tận vịnh Ba-tư. Cơ quan tình báo Mỹ thông qua biện pháp trinh sát điện tử đã có được nội dung của một phần nhỏ kế hoạch này, cơ quan này liền tiết lộ tin đó cho Vương tử Nội chính đại thần Xau-đi, Nây-phu.

Nhưng, ở A-rập Xau-đi Uyn-pak đã vắt óc nghĩ cách sao cho quân đội Mỹ có thể đến đóng ở vịnh Ba-tư. Mục tiêu cơ bản của ông rất đơn giản: triển khai lực lượng quân sự cần thiết ở vịnh Ba-tư để khiến cho vòi dầu bao giờ cũng mở ra được. Như vậy có nghĩa là, nước Mỹ muốn có sự bảo vệ quân sự đối với các nước thân phương Tây ở khu vực vịnh Ba-tư và nước quan trọng nhất trong đó là A-rập Xau-đi. Ngày 21 tháng 4 năm 1981, Uyn-pak tuyên bố, nước Mỹ sẽ mở rộng và tăng cấp lưu lượng hỗn hợp phản ứng nhanh (RDF, đơn vị quân đội này thành lập do lời đề nghị của Tổng thống Ca-tơ, mục đích là khi cần thiết, nước Mỹ có thể đưa ngay quân đội đến Trung Đông). Nó sẽ biến thành một Bộ Tư lệnh liên hợp, có hệ thống quân đội, tình báo, hệ thống thông tin của mình và sĩ quan tư lệnh liên hợp của mình. Nó phụ trách mọi việc bố trí và hành động của quân đội Mỹ ở khu trung ương. Bộ Tư lệnh trung ương quân Mỹ (USCENT - COM) mới xây dựng so với lưu lượng hỗn hợp phản ứng nhanh thì lớn hơn nhiều. Bộ Tư lệnh này nói thẳng lên là binh đoàn này có tới 300.000 quân. Việc này đối với vương thất A-rập Xau-đi mà nói, nó giống như một tấm thảm an ninh rất hợp ý; duy nhất có một điều mạo hiểm là, nó thành lập do sự cần thiết về an ninh của mình nên Ri-yat phải có quan hệ rất mật thiết với nước Mỹ; vả chăng dầu mỏ của Xau-đi cần thiết cho Mỹ biết chừng nào! Bộ Tư lệnh này không phải như một bộ phận hợp thành của liên minh quân sự chính thức như NATO. Ở đây không có bất cứ một điều ước nào có thể ràng buộc đối với chức trách của nó. Quân đội Mỹ đóng trên lãnh thổ Xau-đi cũng phải chịu một sự mạo hiểm về chính trị; Xau-đi đối với điều này rất nhậy cảm. Để cho Xau-đi được yên lòng, nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh trung ương quân Mỹ và quân đội trực thuộc nó đều bố trí ở ngoài chiến khu.

Pha-khơ-đơ nhắc lại với Uyn-pak lời cảm ơn của ông đối với Bộ Tư lệnh trung ương quân Mỹ. Đây là lực lượng răn đe về quân sự duy nhất, mà Vương thất Xau-đi, trong sự mênh mông biển cả, đầy ắp địch có thể trông mong vào. Tê-hê-ran đối với sự ủng hộ của “A-lây-ta-oa” đã biểu thị hết sức rõ ràng về ý đồ của nó, tức là họ muốn thông qua bạo lực để lật đổ vương thất Xau-đi. Mặc dầu I-rắc có được món tiền ủng hộ về tài chính khoảng 20 tỉ đô-la Mỹ từ A-rập Xau-đi và các nước A-rập giàu có về dầu mỏ khác, nhưng I-ran vẫn đẩy quân đội I-rắc phải quay trở về biên giới nước mình. Ngoài ra, số lượng cố vấn quân sự của Liên Xô ở Xi-ri trong vòng 1 năm đã từ 2.500 người tăng vọt lên gần 6.000 người. Hơn nữa quân của Liên Xô hiện đang ở Ap-ga-ni-xtan có khoảng 100.000 người.

Chính phủ Ri-gân đối với Xau-đi đã có sự bảo đảm về an toàn, vấn đề này trong 12 tháng qua đã được chứng minh. Để thuyết phục Quốc hội bán hệ thống “báo động và khống chế, vận chuyển được trên không”, Nhà Trắng đã phải tiến hành một cuộc đấu tranh kịch liệt. Tổng thống đã phải bỏ ra một vốn chính trị khá lớn mới làm cho cuộc giao dịch đó được thông qua ở Quốc hội. Ông đã phải hứa bằng lời, bảo đảm chắc chắn về tính hoàn chỉnh của Chính phủ Xau-đi, đồng thời đề phòng sự xuất hiện của một I-ran khác. Tuy những lời lẽ này rất được Vương cung Xau-đi hoan nghênh, nhưng Xau-đi vẫn không tín nhiệm Oa-sinh-tơn. Pha-khơ-đơ thật ra cũng không muốn từ Uyn-pak để có được một hiệp ước bảo đảm công khai, vì như vậy có khác nào nổ một quả bom chính trị hết sức dữ dội ở Trung Đông. Nhưng Oa-sinh-tơn rút cục có thể, bằng một phương thức thiết thực và trực tiếp để biểu thị một cách rõ ràng rằng có một lời hứa về sự an toàn đối với Xau-đi hay không? Xau-đi có thể từ Ri-gân để có được sự bảo đảm không? Tức là nếu A-rập Xau-đi bị tấn công, nước Mỹ có cố sức bảo vệ nước đó không?

Uyn-pak nói, ông sẽ đề xuất vấn đề này với Tổng thống. A-rập Xau-đi rất nhạy cảm với chính sách vịnh Ba-tư của quân Mỹ. Đối với việc này Uyn-pak cũng muốn tìm cách xoa dịu. Chiến lược mới của Lầu Năm Góc (Phương hướng quốc phòng năm tài chính 1984 - 1988) đã chỉ ra rằng, lúc nào quân đội Mỹ cũng phải có sự chuẩn bị tốt, để khi cần sẽ cấp tốc tiến vào A-rập Xau-đi, chứ không cần phải đợi Chính phủ bạn có lời đề nghị.
_______________________________________
1. Pha-khơ-đơ; tức Fahd Bin Abdul Ariz.
2. Học viện quân sự Hoàng gia Xan-đơ-khơ-xtơ: Trường quân sự huấn luyện sĩ quan lục quân nước Anh. Thành lập năm 1802, sau sát nhập với Học viện quân sự Hoàng gia U-lix. Đến khi sát nhập vẫn lấy tên cũ.
3. Mông-tơ Các-lô: Một nơi có phong cảnh đẹp ở Mô-na-cô, gần Địa Trung Hải. 1956 xây dựng sòng bạc ở đây, 1961 bắt đầu kinh doanh. Là nơi ăn chơi của những người giầu sang trên thế giới. Sòng bạc này năm 1967 do Chính phủ tiếp quản, mỗi năm thu nhập chiếm 5% dự toán ngân quĩ quốc gia.
4. Chủ nghĩa Khô-mê-ni: tư tưởng của lãnh tụ phái Thập diệp, đạo Is-lam Iran; nội dung chủ yếu là làm cách mạng ở các nước Is-lam, xây dựng lại các nước Is-lam thống trị bởi chủ nghĩa thần quyền, phản đối chính sách thân phương Tày, đồng thời truyền nguyên giáo chỉ Is-lam sang các nước Mu-xlim láng giềng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:17:03 pm »


CHƯƠNG TÁM

Tháng 5 năm 1982, Cô-xây là khách quý của quốc vương Kha-lit, khi ông đến thăm bán đảo A-rập Xau-đi. Kha-lit sống rất giản dị, người yếu nhiều bệnh. Ông là con đẻ của thời đại trước! Trước khi ông có được số tài sản khổng lồ từ phía dưới sa mạc thì ông luôn nhớ lại những ngày tháng đã qua. Nhìn từ nhiều mặt, mọi người đều có thể coi ông như một nhân vật thần bí. Qua cách cư xử, ông thấy rất hợp với vị Cục trưởng Cục Tình báo trung ương nước Mỹ mộc mạc này. Điều ấy khiến cho nhiều người lạ lùng khó hiểu. Hai người đã thảo luận với nhau về tinh thần kỵ sĩ và vinh dự của thời đại hiện tại. Hai điều này ngày nay dường như đều rất ít có. Kha-lit lấy làm tự hào vì trước kia ông đã cùng sống với người Bê-đu-in1, đồng thời ông kể với Cô-xây rất nhiều về gia tộc sử của vương triều.

Sau khi đã cùng nhau thảo luận ngắn gọn về tình hình thế giới và chính trị, Quốc vương mời Cô-xây xem một số vật quý của ông. Đầu tiên họ đi xem đàn bò sữa. Số bò này đều phải nuôi bằng loại thức ăn nhập khẩu. Chúng được giao cho một người Ai-len chăm sóc. Vị Cục trưởng này thấy rất thú vị: khi ông chuyện trò với người Ai-len này, đột nhiên từ miệng ông bật ra mấy câu tiếng Ai-len. Họ trao đổi với nhau cũng không lâu, nhưng Quốc vương đứng đợi cảm thấy không kiên nhẫn được nữa. Ông muốn mời vị khách quý đi xem số lạc đà của Hoàng gia, những con vật khiến ông tự hào và vui thích. Chúng là những con vật khổng lồ, có đến mấy trăm con. Quốc vương đề nghị Cô-xây cưỡi lên một con, nhưng ông cám ơn và từ chối. Sau đó Quốc vương lại mời vị Cục trưởng này hưởng “một lần khoái lạc thực sự”, uống một cốc sữa lạc đà nóng, đặc, nhưng Cô-xây lại lấy cớ sức khoẻ không tốt, một lần nữa cảm ơn và từ chối!

Cùng quốc vương Kha-lit nói những chuyện dông dài về sinh hoạt đời thường, Cô-xây thấy rất vui! Nhưng dụng ý thực sự của ông đến A-rập Xau-đi lần này là muốn hội kiến với vị Trứ vương2 Pha-khơ-đơ. Năm 1981, Trứ vương Pha-khơ-đơ đã có một quan hệ thân tình, nồng nhiệt với Cô-xây; tình cảm đó 2 người vẫn giữ cho đến nay. Cô-xây và Chính phủ Mỹ đã cùng thúc đẩy chuyện bán hệ thống “báo động và khống chế, vận chuyển được trên không” cho A-rập Xau-đi; Pha-khơ-đơ đã rất biết ơn Cô-xây vì chuyện đó. Họ thảo luận với nhau rất nhiều vấn đề. Mấy tuần lễ trước, Pha-khơ-đơ và Cai-xpa Uyn-pak cũng đã thảo luận với nhau những vấn đề tương tự. Do khi ở Oa-sinh-tơn, vương tử Ban-đan có lời thỉnh cầu nên Chính phủ Ri-gân ủng hộ việc Xau-đi gửi tiền ở nước Mỹ. Ngày 6 tháng 5 năm 1982, “Hội nghị thính chứng” được triệu tập bí mật để bàn về vấn đề này ở Uỷ ban tiểu tổ sự vụ thương nghiệp, tiền tệ của Hạ nghị viện. Ngay từ ngày 9 tháng 2, Ben-gia-min Rô-sưn-tan, đã viết thư cho Tổng thống Ri-gân, đe sẽ công bố công khai chuyện Xau-đi gửi tiền vào ngân hàng nước Mỹ. Ngày 17 tháng 2, do có áp lực mạnh của Cô-xây, Đô-nal Ri-can, Bi-en Cơ-lac; Tổng thống phê: “Công bố vấn đề này sẽ đưa lại những tác hại lớn trong quan hệ đối ngoại của nước ta... Cần tránh việc công bố bất cứ những sự việc gì có hại cho lợi ích công chúng”.
___________________________________________
1. Người Bê-đu-in: một dân tộc du mục nói tiếng A-rập sống ở vùng sa mạc Trung Đông.
2. Trứ vương: người sẽ được nối ngôi vua.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:19:15 pm »


Ngày 6 tháng 5, một tiếng đồng hồ trước “Hội nghị thính chứng” của Uỷ ban tiểu tổ trên, có 10 quan chức của Cục Tình báo trung ương đột nhiên xông vào phòng tầng 2 của cao ốc văn phòng Hạ nghị viện, 5 người lục soát máy nghe trộm điện tử, còn 5 người kia đứng gác. Việc lục soát này dù căn cứ vào quyền hạn của Cục Tình báo trung ương thì đó cũng là việc bất bình thường, vì nó vượt qua cả phạm vi chức quyền của Cục. Chỉ có cảnh sát của Lầu lớn Quốc hội mới có quyền hạn đối với cao ốc Văn phòng Quốc hội. Nhưng, một khi cuộc hội nghị thính chứng này bắt đầu thì Cục Tình báo trung ương không có đường lui nữa, vì Cục này không muốn công khai bất kì một số liệu nào. Quan chức an ninh của Cục Tình báo sau khi nói xong lòi cuối cùng, liền cầm lấy bản tốc kí của hội nghị. Tiếp đó ông đưa người thư kí của cuộc họp đến văn phòng của các thành viên trong Uỷ ban tiểu tổ tại tầng 3 để thu hết các bản sao, chụp khác. Một quan chức của Cục Tình báo trung ương nói với Uỷ ban này: bản sao phải do Lăng-lây chụp lại, chứ các thành viên của Uỷ ban không được làm!

Tuy không nói, nhưng ai cũng đoán biết được là tất có sự tranh cãi giữa 2 bên: Pe-tơ Pa-las, người phụ trách ban cố vấn của ủy ban tiểu tổ ở trong phòng, nhìn ngó ra phía ngoài một chút thấy viên thư kí của Hạ nghị viện bị người của Cục Tình báo trung ương vây quanh. Ông lập tức bước ra để xem xẩy ra chuyện gì. Ông nói với các quan chức bên Cục Tình báo trung ương rằng, các tờ biên bản này là tài sản của Quốc hội, chứ không phải của Cục Tình báo trung ương. “Đây không phải là cuộc hội nghị của Cục Tình báo trung ương - Ông nói - mà là cuộc hội nghị của Ủy ban tiểu tổ quốc hội!” Một quan chức của Cục Tình báo trung ương nói ngay rằng, họ nhận được chỉ thị đặc biệt không thể để cho những tờ biên bản này được lưu giữ ở nhiều nơi. Trước khi Rô-sưn-tan đến toà cao ốc Quốc hội thì hai bên vẫn ở trong tình trạng găng nhau. Thấy vậy Rô-sưn-tan tuyên bố rõ ràng, Cục Tình báo trung ương không được lấy đi những tờ biên bản đó! Bấy giờ những người ở Cục Tình báo mới đành nhượng bộ.

Sau sự kiện này, các thành viên của Ủy ban tiểu tổ họp riêng với người của Cục Tình báo trung ương, hai bên đi đến một phương án thoả hiệp: chỉ được phát biểu khi đó là văn kiện thiết yếu. Kết quả này đối với Cục Tình báo trung ương tuy không phải là hoàn toàn thắng lợi, nhưng Chính phủ mỹ thông qua sự nỗ lực gian khổ, một lần nữa mới bảo vệ được lợi ích của A-rập Xau-đi. Như vậy cũng có thể nói đó là thắng lợi của Cục Tình báo trung ương. Tổng thống Ri-gân “thân chinh ra trận”, đã nỗ lực ngăn chặn ý đồ giải mật các tư liệu này của Ủy ban tiểu tổ Quốc hội, từ đó đã giữ được bí mật cho các tình báo về mặt tài chính của Xau-đi. Đó là một thử thách quan trọng đối với quan hệ giữa nước Mỹ và Xau-đi. Chính phủ Mỹ đã qua được sự thử thách này.

Về nhiều mặt khác, giữa Ủy ban An ninh quốc gia và Cục Tình báo trung ương cũng đã có những sự “giao phong”, qua đó cũng có tác dụng tốt đối với Xau-đi. Với mấy tin tình báo nước Mỹ thông báo cho Xau-đi đã giúp cho Vương thất tránh được những sự uy hiếp đáng kể trong nước. Chính phủ vẫn tiếp tục theo kế hoạch của mình và đã thiết lập được những tấm bình phong quân sự chung quanh A-rập Xau-đi.

Một hôm, trong một bữa ăn tối, Cô-xây và Pha-khơ-đơ đã chuyện trò và làm một cuộc du lịch miệng về tình hình chính trị trên thế giới. Họ thảo luận về các vấn đề ở Ap-ga-ni-xtan, Trung Mỹ, Tây Âu và Pa-le-xtin. Hai vị du khách này đã nhiều lần chuyển hướng về phía Liên Xô. Trong con mắt của họ, Liên Xô là nguồn gốc của rất nhiều vấn đề gay cấn trên thế giới. Pha-khơ-đơ cũng giống như Cô-xây, 2 người đều bị Liên Xô làm cho tâm thần bất an.

Pha-khơ-đơ hỏi Cô-xây, tình hình nước Mỹ thực thi vấn đề trừng phạt Liên Xô về phương diện kĩ thuật dầu mỏ và khí dốt như thế nào? Trên thực tế, về phương diện sản xuất dầu mỏ thì Liên Xô là nước cạnh tranh chủ yếu của A-rập Xau-đi. “Nước Mỹ hạn chế Liên Xô để họ không có được kĩ thuật tiên tiến về phương diện dầu mỏ và khí đốt. Điều này phù hợp với lợi ích thiết thân của Xau-đi – Uy-li-am Sư-nat, phó Quốc vụ khanh phụ trách viện trợ quân sự và kĩ thuật nói - “Họ khuyến khích chúng tôi làm như vậy”. Cô-xây nói với Pha-khơ-đơ; sự trừng phạt Liên Xô về mặt kĩ thuật xây dựng đường ống khí đốt cùng với sự hạn chế họ về mặt kĩ thuật khai thác dầu mỏ, nước Mỹ sẽ kiên trì thực hiện một cách thích đáng! Cô-xây nói: “Điện hạ, nếu chúng ta cứ tiếp tục làm như vậy thì ngay một “Qua-tưa1 dầu mỏ họ cũng không bơm lên được”. Pha-khơ-đơ nghe Cô-xây nói vậy, ông “khà khà” cười lớn!
___________________________________
1. Qua-tưa (Quarts): Lít Anh (góc tư ga-lông, bằng 1,135 lít)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:20:40 pm »


Sự trừng phạt của nước Mỹ ít nhất cũng làm cho việc xây dựng đường ống khí đốt đại quy mô bị hoãn lại. Pha-khơ-đơ rất vui thích đối với việc này, vì các nước châu Âu đã thổi phồng công trình đó, cho rằng nó có thể thay thế cho sự cung ứng dầu mỏ của Trung Đông. Sự thực thì việc trừng phạt này của nước Mỹ không chỉ phục vụ cho lợi ích chiến lược của nước Mỹ, mà còn phục vụ lợi ích về dầu mỏ cả cho Xau-đi.

Cô-xây nói với vị Trứ vương: “Điện hạ, chúng tôi sẽ gắng hết sức mình để ngăn cản một số nước không cho họ mua dầu thô của Liên Xô”. Ông nhắc lại rằng Chính phủ Mỹ sẽ gây sức ép với Chính phủ Pháp và Công ty dầu mỏ quốc gia Pháp để họ không mua dầu thô của Liên Xô mà mua của các nước khác. Mat-xcơ-va có được ngoại tệ mạnh là do họ xuất khẩu năng lượng, họ sẽ giảm bớt 10% lượng dầu mỏ xuất sang Đông Âu để rồi xuất khẩu số dầu này sang bất cứ nước nào ở Tây Âu có thể trả cho họ bằng ngoại tệ mạnh. Việc Liên Xô ra sức xuất khẩu dầu mỏ sang phương Tây sẽ khiến cho Xau-đi có nguy cơ bị hất khỏi một số thị trường. Bỉ và Pháp đều dự định lại tiến hành đàm phán để kí kết với Liên Xô và Xau-đi những hợp đồng đắt giá. Công ty quốc doanh Pháp, ví dụ như Công ty En-phơ A-ki-ten1 được toàn quyền tìm nguồn cung ứng dầu thô mới, cho nên Pháp có khả năng lớn là sẽ mua dầu thô giá rẻ của Liên Xô. Sau 1 năm, sự đầu cơ của Mat-xcơ-va đã thành công, đến cuối năm 1982, mức xuất khẩu dầu thô của Liên Xô sang các nước tư bản châu Âu tăng lên 32%.

Có thể dự tính, sự giảm thiểu lượng xuất khẩu dầu mỏ của Liên Xô sang Đông Âu sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho khu vực này. Sự giảm thiểu lượng xuất khẩu dầu mỏ, sẽ làm cho hiệu suất tăng trưởng kinh tế vốn thấp kém của khu vực này sẽ càng hạ thấp hơn nữa. “Nhật báo phố U-ôn” thậm chí dự đoán, sự giảm thiểu lượng xuất khẩu dầu mỏ “có thể làm cho rất nhiều các nước Đông Âu do Liên Xô khống chế lâm vào cảnh phá sản về kinh tế, hơn nữa còn có thể tan rã về mặt chính trị”.

Cô-xây nói với Pha-khơ-đơ, Chính phủ Mỹ sẽ đem hết sức mình để hạn chế kế hoạch năng lượng của Liên Xô. Nhưng ông ngầm tỏ ý Chính phủ Mỹ muốn Xau-đi bán dầu cho Mỹ với giá tương đối rẻ để “có đi, có lại”. Giá năng lượng tương đối rẻ sẽ tăng cường nền kinh tế của nước Mỹ, đó là mục tiêu trong nước quan trọng nhất của Ri-gân. Một nước Mỹ hùng mạnh rất phù hợp với lợi ích của Xau-đi. Nhất là nước Mỹ đang nhanh chóng trở thành một nhân tố then chốt bảo đảm chắc chắn cho sự sinh tồn của Xau-đi. Đồng thời, giá dầu rẻ sẽ ngăn được việc các nước châu Âu đi tìm nguồn năng lượng thay thế, ví như tìm đến mua khí đốt của Liên Xô! Hành động này còn có thể làm cho kẻ thù không đội trời chung của chính quyền Xau-đi là I-ran và Liên Xô bị một đòn đau: 2 nước này vào những năm 70 do giá dầu cao vọt đã “phát tài” to!

Trứ vương vốn có một bản lĩnh thương nghiệp kì diệu, vì thế ta có thể nói một cách không nghi ngờ rằng, nhưng điều mà Chính phủ Mỹ biết, thì khẳng định là ông cũng biết. Nhưng, nghe được những việc đó từ miệng một nước đồng minh chủ yếu và người đảm bảo thì ý nghĩa của nó lại không giống nhau.

Quan hệ giữa họ đặt trên sự tôn trọng lẫn nhau, nhưng đối với vị Trứ vương này thì Cô-xây rõ ràng là đảm đang chức trách “bồi dưỡng” và chỉ đạo ông. Pha-khơ-đơ thích nghe Cô-xây nói những chuyện về Cục Tình báo chiến lược Mỹ và những sự uy hiếp gây ra bởi chủ nghĩa cực quyền. Chủ nghĩa cực quyền này đầu tiên ở nước Đức, nay thì ở Liên Xô! Đối với Pha-khơ-đơ, về danh nghĩa là người bạn của Mu-xlim và của phương Tây mà nói, người Liên Xô là “dị giáo đồ” thật sự!

Cô-xây khuyến cáo Trứ vương, cần chú ý chính quyền Xau-đi có thể đối mặt với sự uy hiếp khác trong nước. Có một số người A-rập Xau-đi đã chịu sự giáo dục trong các trường đại học của tập đoàn Liên Xô, mà số người này hiện đang làm việc trong Chính phủ. “Ngài nên miễn nhiệm những người đó - Cô-xây nói với Pha-khơ-đơ - Họ rất có thể là gián điệp, là mật thám hoặc là những phần tử phá hoại. Tốt nhất là không sử dụng những người đã từng chịu sự giáo dục của tập đoàn Liên Xô”. Cuối cùng, Trứ vương đã tiếp thu kiến nghị này và cuối năm 1983, ông đã thực hiện điều đó.
__________________________________________
1. Công ty En-phơ A-ki-ten: toàn văn tiếng Pháp là Societé Nationale Elf Aquitaine; đó là một Công ty tập đoàn Pháp, ngày 1 tháng 5 năm 1976 do mấy Công ty Công nghiệp hoá dầu, đơn vị ngành mỏ và đơn vị công nghiệp khác cải tổ rồi họp lại mà thành. Năm 1994, Chính phủ bán một phần lớn cổ phiếu, tư hữu hoá Công ty này. Tổng bộ Công ty ở Pa-ri.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM