Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:58:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những âm mưu sách lược của chính phủ Rigân làm tan rã Liên bang Xô Viết  (Đọc 100673 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 08:53:24 pm »


Năm 1983, Mat-xcơ-va bắt đầu chú ý đến Pa-ki-xtan “Điện Krem-li và Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô đều biết rằng, nếu không có sự trợ giúp của Pa-ki-xtan thì tổ chức chống đối của Áp-ga-ni-xtan sẽ bị tiêu diệt” Mô-ha-mét Ưu-xư-phu nhớ lại. Người Liên Xô cố ý dồn hàng triệu nạn dân Áp-ga-ni-xtan vào Pa-ki-xtan để phá hoại sự ổn định của quốc gia này. Đây là một hành động lật đổ đại quy mô. Trong số nạn dân có hàng nghìn nhân viên Cảnh sát bí mật (KHAI) Áp-ga-ni-xtan. Bom nổ trong các chợ ở mọi nơi của toàn quốc, máy bay bay qua biên giới bắn phá các căn cứ và các cơ sở của quân du kích Mu-xlim; hàng nghìn loại vũ khí của Liên Xô được gửi tới các quần thể và bộ lạc oán hận Zi-a. Trước đây khi Zi-a đến Mat-xcơ-va, Yu-ri An-đrô-pốp và An-đrây Grô-mi-cô đã không thuyết phục được ông. Có lẽ việc hùng hổ doạ người này báo hiệu sẽ có những hành động đích đáng sắp tới!

Hoạt động quan trọng nhất của Cô-xây ở Pa-ki-xtan lần này là hội kiến với Zi-a. Khi đến Phủ Tổng thống, ông được Zi-a hoan nghênh nhiệt liệt. Zi-a mời ông ngồi trên chiếc ghế mạ vàng. Một viên phó quan của Zi-a đưa ra cốc pha lê rượu ngọt nóng hổi. Zi-a mời khách uống loại rượu này. Chủ khách bắt đầu hàn huyên; theo thường lệ, toàn bộ cuộc chuyện trò này chỉ có 2 người. Một là giáo đồ Thiên chúa giáo người Ai-len, một là một vị tướng Mu-xlim. Họ đi sâu vào thảo luận mối uy hiếp chung mà họ phải đối đầu. Nhưng họ không kiên nhẫn được, và cũng không có hứng thú gì với những câu chuyện phiếm.

Cô-xây mang đến cho Zi-a một tập ảnh vệ tinh, trên đó ghi lại tình hình bố trí của quân đội Liên Xô ở Áp-ga-ni-xtan và tình hình bố trí của quân đội Ấn Độ - kẻ thù chủ yếu của Zi-a! Zi-a vốn mong có được loại ảnh này. Cuộc hội đàm kéo dài 3 tiếng đồng hồ, họ trao đổi với nhau về Áp-ga-ni-xtan, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tổng thống, thành viên Ủy ban An ninh quốc gia - Cai-xpa Uyn-pak và Cô-xây ngày càng chú trọng đến khả năng Liên Xô sẽ xâm nhập Áp-ga-ni-xtan. Tuy chưa có tin tình báo gì về việc Liên Xô sẽ đánh nước này, nhưng mọi người đều nhất trí cho rằng hành động đó rất phù hợp với phương thức hành động của Liên Xô. Cô-xây yêu cầu Tổng thống bảo đảm rằng, nước Mỹ sẽ hoàn toàn ủng hộ Zi-a.

Sau đó, Cô-xây đưa ra vấn đề quân sự “có tính lí luận”. Đầu năm 1983, Cô-xây, Tổng thống và Cơ-lắc thảo luận về tình hình Áp-ga-ni-xtan ở phòng Bầu dục, sau đó họ chuyển đề mục sang phía Mat-xcơ-va. Cô-xây kiến nghị đưa chiến tranh vào đất Liên Xô. Ri-gân rất thích chủ ý này “Tổng thống và Cô-xây quyết tâm bắt Liên Xô phải trả giá đắt cho cuộc chiến tranh do họ phát động ở Áp-ga-ni-xtan, nên khả năng đưa chiến tranh vào nội địa Liên Xô” Cơ-lắc nhớ lại.

Loại hành động mạo hiểm này của nước Mỹ tuyệt đồi cần đến sự hợp tác của Pa-ki-xtan. Tổng thống nói với Cô-xây đề xuất vấn đề này với Zi-a. Tổng thống Pa-ki-xtan đã thoái thác lời thỉnh cầu này của Cô-xây. Ông giải thích là vấn đề này cần căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định. Do vậy họ không thảo luận lại vấn đề này nữa.

Do được Mỹ giúp đỡ nên cơ quan tình báo Pa-ki-xtan đã có thể huấn luyện được một số lượng lớn quân du kích Mu-xlim Áp-ga-ni-xtan. Những người này khá dũng cảm, nhưng nếu cho rằng họ là những chiến sĩ “trời sinh” thì cũng không đúng. Sau khi Cô-xây hội ý với Zi-a, ông lại hội ý với tướng A-khơ-tan về tình hình chiến trường Áp-ga-ni-xtan. Hai người đều cho rằng, kế hoạch sớm bắt đầu việc huấn luyện quân du kích Mu-xlim Áp-ga-ni-xtan là hết sức cần thiết, vì như vậy có thể nâng cao sức chiến đấu của họ lên một bước. Tổ chức chống đối Áp-ga-ni-xtan cần học tập chiến thuật. Họ cần phải biết hành động như thế nào để không khác gì một đơn vị quân sự và cần phải làm như thế nào đó để vũ khí của họ phát huy được tác dụng tốt nhất.

Do thiếu tiền, vì vậy mỗi tháng chỉ có thể có mấy trăm đội viên Mu-xlim được huấn luyện. A-khơ-tan muốn biết Cô-xây có thể chuẩn bị cho kế hoạch này nhiều tiền hơn nữa không? Cô-xây so sánh tình hình lúc đó với kinh nghiệm ở văn phòng tình báo chiến lược thời kì Thế chiến lần thứ hai. Trong đó huấn luyện là một nhân tố ông đã có được sự thành công! Các đội viên du kích Mu-xlim mà thiếu huấn luyện thì rõ ràng là tự đi tìm cái chết! Cô-xây đáp ứng cho A-khơ-tan là sẽ cố gắng để có được nhiều tiền hơn và sẽ gửi cho họ các chuyên gia về chất nổ và về các khí tài điện tử để trong các tình huống đặc biệt có thể tư vấn cho cơ quan tình báo Pa-ki-xtan.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 08:58:35 pm »


Sứ mạng của Cục Tình báo trung ương ngày càng trở thành chuyên nghiệp hoá, đồng thời tổ chức chống đối càng phải sử dụng chất nổ và các thiết bị điện tử nhiều hơn. Mặc dầu những vũ khí mà các đội viên Mu-xlim có chỉ là tín ngưỡng tôn giáo và một khẩu AK-47, nhưng cuộc chiến tranh này sẽ trở thành một cuộc chiến tranh kĩ thuật cao.

Trong việc huấn luyện du kích Mu-xlim, nhân khi Cục Tình báo trung ương trực tiếp huấn luyện chuyên gia Pa-ki-xtan đánh những mục tiêu phải thọc sâu ở một địa điểm tại Áp-ga-ni-xtan, (nhất là khi những mục tiêu đó người Liên Xô có thể giành được những lợi ích về kinh tế hoặc quân sự), A-khơ-tan và Cô-xây đã đưa ra một kế hoạch bí mật. A-khơ-tan gộp những người tình nguyện là các nhân viên của cơ quan tình báo Pa-ki-xtan lại. Những người tình nguyện này trong các hành động bí mật rất đáng tin vì họ đã qua những đợt huấn luyện có cường độ cao. Những tổ này do vậy có thể chấp hành những nhiệm vụ nguy hiểm ở Áp-ga-ni-xtan, ví dụ có thể gài bom cho nổ một kho nhiên liệu, một cây cầu, một đoạn đường hoặc một kho đạn dược. Cô-xây đáp ứng sẽ phái các chuyên gia gây nổ của Cục ông đến huấn luyện cho những người tình nguyện Pa-ki-xtan cách sử dụng những thiết bị định giờ hoá học và điện tử, cùng với những cách khống chế đóng, mở đặc biệt.

A-khơ-tan và Cô-xây cũng nhất trí cho rằng, nếu muốn thành công thì các đảng phái và bộ lạc trong phong trào chống đối của Áp-ga-ni-xtan cần phải có sự đoàn kết chiến đấu chặt chẽ. Như thế mới có thể có được những ưu thế càng lớn hơn, làm cho hiệu suất phong trào chiến đấu càng cao, chiến lược chiến thuật cũng sẽ càng hữu hiệu hơn. Nhưng A-khơ-tan nói, các đảng phái ở Áp-ga-ni-xtan rất khó hợp tác với nhau; những người lãnh đạo thì căm ghét nhau, họ bao giờ cũng chỉ nghĩ đến chuyện tranh quyền, đoạt lợi; hình thái ý thức của họ cũng không có chút tương đồng. Trong họ có một số người thuộc về dòng phái tôn giáo ôn hoà, thân phương Tây; một số khác là những người theo chủ nghĩa nguyên giáo và họ là những người chống Mỹ.

Cô-xây muốn cuộc chiến tranh này không ngừng nâng cấp mà muốn “tiếng bạc này” càng cứ sát phạt mãi lên. Ông nói với vị chủ nhà, nước Mỹ đã bị thiệt nhiều trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nên lần này chúng tôi nhất định phải nắm lấy cơ hội này để báo thù người Liên Xô. Vì vậy ông cho rằng trong việc này nên làm đúng sẽ gây cho kẻ chiếm đóng những tổn thất lớn về người và họ sẽ phải trả giá đắt. “Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, người Liên Xô đã cung cấp vũ khí cho Việt cộng, Việt cộng đã sử dụng những thứ đó để đánh nước Mỹ và trong chiến đấu những thứ vũ khí đó đã giết người Mỹ! - Ưu-xu-phu nói - Vì vậy, ngày nay nước Mỹ sẽ qua những người du kích Mu-xlim Áp-ga-ni-xtan làm những việc giống như người Liên Xô đã làm ở Việt Nam để quân du kích Mu-xlim này đi giết người Liên Xô. Các quan chức ở Cục Tình báo trung ương nói chung đều có quan điểm như vậy, nhất là Uy-li-am Cô-xây”.

Số thương vong của Liên Xô không đạt được con số như Chính phủ Ri-gân mong muốn. Ri-gân nói với các trợ thủ của mình rằng, Krem-li có thể chịu được những tổn thất này, đó là do bản chất phong bế của thể chế Liên Xô quyết định. Ông muốn số thương vong của Liên Xô nhiều lên, khiến cho ý chí của bộ thống soái tối cao Liên Xô phải tiêu ma. Cho đến những ngày gần đây, du kích Mu-xlim Áp-ga-ni-xtan vẫn thiếu vũ khí tầm xa, vì vậy họ chỉ có thể sát thương người Liên Xô ở cự li tương đối gần. Hiện nay, Cục Tình báo trung ương đang chuyển giao những pháo lớn và tên lửa cho quân du kích với một số lượng khá nhiều, vì vậy hình thái chiến tranh sẽ biến đổi. Có một số tin tình báo cho biết, để duy trì chính quyền Ca-bun, người Liên Xô đang dự tính yêu cầu các nước trong tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va và quân đội Cu-ba “cùng chia sẻ gánh nặng về nhân lực”. Tháng 10 năm 1983, một quan chức Áp-ga-ni-xtan là một kẻ đã quay về với phái chống đối nói; đã nhìn thấy người Cu-ba và người Bun-ga-ri mặc quân phục của quân đội Chính phủ Áp-ga-ni-xtan. Đội du kích tuyên bố: một căn cứ quân sự của người Bun-ga-ri đã được xây dựng ở miền Nam Ma-da-li-sa-lip để làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến cung ứng nhiên liệu. Nếu những điều đó là sự thực, thì có nghĩa là, Krem-li đã cảm thấy bất an trước cái giá phải trả về nhân mạng trong chiến tranh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 09:00:10 pm »


Ở Ca-bun, tổ chức chống đối đã bắt đầu tiến hành một loạt những vụ đánh bom vào mục tiêu quân sự của Liên Xô. Những hành động này đã có một hiệu quả tâm lí là làm tê liệt ý chí đối với các sĩ quan chỉ huy của quân đội Liên Xô và đối với các quan chức Chính phủ. Chiến tranh trước đây chủ yếu hạn chế ở vùng nông thôn, nay đã lan vào cả thành phố. Ngay thời gian gần đây, giữa thanh thiên bạch nhật, quân du kích Mu-xlim Áp-ga-ni-xtan đã bắt cóc một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô ở ngay giữa một phố lớn Ca-bun. E.R Ao-cli-mi-uk, là bạn của Thủ tướng Liên Xô Ni-cô-la Đô-kha-nốp, là cố vấn của Đại sứ quán Liên Xô tại Ca-bun. Khi ông đang trên đường đến Kha-cu-ru-oát thì ông đã trở thành mục tiêu bị bắt cóc! Người lái xe cho ông là một người Tát-gi-ki-xtan. Người này đã lái chiếc xe chống đạn chở Ao-cli-mi-uk đến nơi anh ta định trước. Khi đó thì Ao-cli-mi-uk này bị đánh ngất đi. Còn xe của ông thì chạy qua trạm kiểm soát quân sự rồi chạy về một làng gần đó.

Đối với Cô-xây mà nói, trong cuộc chiến tranh leo thang này, việc nhằm vào những người lãnh đạo Liên Xô mà hành động là một bước đi quan trọng. Nếu những người Liên Xô không bị “đánh”, không bị uy hiếp thì họ sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan. Nhưng nếu một khi các con của những quan chức cao cấp và các tướng lĩnh quân sự của Đảng Cộng sản Liên Xô bắt đầu đặt vào trong quan tài rồi chuyển về nước thì sự tình sẽ biến đổi! Cô-xây nói với A-khơ-tan: ngắm đúng mục tiêu vào những người đó là một chủ ý tuyệt diệu!

Mùa xuân năm ấy, trên đường đi công cán Cô-xây đã dừng chân bên bờ biển Tây Ban Nha, một nơi phong cảnh hữu tình. Lần này, Cô-xây đi thăm người bạn tốt của ông, quốc vương A-rập Xau-đi Pha-khơ-đơ; Trước đây không lâu ông đã nối ngôi Quốc vương Kha-lid, và từ ngôi Trứ vương ông đã trở thành Quốc vương. Pha-khơ-đơ vừa cho xây xong một toà biệt thự lớn ở ven biển Tây Ban Nha. Hôm nọ gặp nhau ở vùng ven biển xanh rờn Địa Trung Hải thì khi đó đã khuya. Trời đầy sao, gió hiu hiu thổi khiến 2 người đều thấy rất khoan khoái!

Thị trường dầu mỏ lên xuống bất thường đó là vấn đề chính yếu khiến Pha-khơ-đơ phải suy nghĩ. Mấy tuần trước, các bộ trưởng dầu mỏ toàn thế giới đã có một cuộc hội nghị ở Luân Đôn để thảo luận vấn đề dầu mỏ quốc tế.

Một cuộc khủng hoảng về giá dầu mỏ xem ra sắp xẩy ra! Trong khách sạn quốc tế các bộ trưởng đã qua những ngày căng thẳng mà kém phấn khởi. Công ty dầu mỏ quốc gia nước Anh giảm giá dầu ở mỏ dầu Bắc Hải xuống 3 đôla Mỹ mỗi thùng. Như vậy giá mỗi thùng còn 30 đôla; từ đó đã khiến thị trường dầu chao đảo. Có người hình dung, hành động này của nước Anh có thể đã châm ngòi cho một cuộc chiến về giá dầu mỏ. Cuối cùng, OPEC có sự nhượng bộ, họ giảm giá dầu xuống 15%, mỗi thùng từ 34 đô-la1 nay hạ xuống còn có 29 đô-la. Đây là sự giảm giá đầu tiên của OPEC.

Khi hai người bàn bạc với nhau trong biệt thự của Pha-khơ-đơ thì nhân viên bảo vệ đi tuần chung quanh. Do sự thu nhập về dầu mỏ xuất khẩu giảm đi, nên người A- rập Xau-đi phải đối mặt với một mối nguy hiểm về kinh tế. Họ đã phải giảm sản lượng để giữ được giá dầu trên thị trường quốc tế. Điều này đã khiến cho họ bị o ép trên thị trường dầu đó! Đồng thời, các nước láng giềng của A-rập Xau-đi do lợi ích chính trị ngày càng tăng nên họ càng tăng thêm thù địch với nước này. Ở vùng Vịnh đã xảy ra chuyện đường cung ứng dầu bị công kích: tuy tàu chở dầu của nước này chưa bị đánh, nhưng Tê-hê-ran đang có những uy hiếp đất nước A-rập Xau-đi.
______________________________________
1. Để được gọn, cụm từ đô-la Mỹ chúng tôi chỉ dịch là “đô-la” (ND).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 09:03:05 pm »


Người Liên Xô đang dần dần tăng cường những nỗ lực ngoại giao ở khu vực này. Đầu tháng 3 năm 1984, Gai-dai A-ri-ep đến thăm Sy-ri. Bản thân lần thăm này có một ý nghĩa quan trọng. Từ năm 1974, An-đrây Grô-mi-cô đến thăm Sy-ri cho đến nay, đây là lần đầu một Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đến thăm Da-ma-quig (Damascus). A-ri-ep là người A-déc-bai-gian, có một thân hình cao lớn của vận động viên. Ông thích quần áo của nước Anh và giầy “lười” của Ý. Ông là chuyên gia về vấn đề Trung Đông của tập đoàn lãnh đạo Liên Xô. Mục đích lần này đến thăm Sy-ri của ông là củng cố mối quan hệ giữa Liên Xô với nước này. Chuyến thăm của ông cũng tăng áp lực với A-rập Xau-đi. Ở vùng Vịnh, người Sy-ri đã có sự tuyên truyền chống đối A-rập Xau-đi. Họ dự tính xúc tiến một sự lật đổ; đối với nước này Pha-khơ-đơ rất chú ý đến chuyến thăm của A-ri-ép, vì trong cuộc chiến tranh “hai I”; Sy-ri đã ra sức ủng hộ I-ran. Đầu năm 1982, Tổng thống Sy-ri Kha-phây As-sat1 (Hafij al Assad) đã cắt đứt đường ống dầu từ I-rắc thông với Địa Trung Hải. Có tin đồn, quân đội Sy-ri đã đứng về phía I-ran tác chiến với I-rắc. Các phần tử cực đoan của phái Thập diệp, kẻ thù không đội trời chung với vương thất Xau-đi đã dựa vào I-ran để mưu sinh, đồng thời họ lại được Sy-ri bảo vệ ở Ba-an-bếch(Baalbek) và ở Bê-cas2 (Bekas). Hiện tại, sự đến thăm Sy-ri của A-ri-ep đã biểu thị sự thích thú của Liên Xô đối với khu vực này tăng lên. Điều đó biểu thị tất cả những kẻ thù của A-rập Xau-đi đều cùng mật mưu phản đối họ. Cai-xpa Uyn-pak nhớ lại: “Liên Xô đang ra sức doạ dẫm A-rập Xau-đi. Đế quốc này muốn thông qua động tác mạnh để có ảnh hưởng đến họ. Vì vậy, chúng ta tin chắc rằng, người A-rập Xau-đi sẽ một lòng, một dạ cộng tác với chúng ta”.

Quốc vương cho rằng người I-ran sẽ đánh các tầu vận tải của A-rập Xau-đi, đồng thời họ dự tính phong toả eo biển Hoóc-muy vì đây là một con đường hẹp mà tầu chở dầu từ vịnh Ba-tư đi vào Ấn Độ Dương. Pha-khơ-đơ nói với Cô-xây, Tê-hê-ran ngày càng ra vẻ hùng hổ doạ người, bất cứ việc gì họ cũng có thể làm tới. Cô-xây đồng ý với ý đó của Pha-khơ-đơ! Các phần tử quá khích của I-ran có nguyện vọng duy nhất là có thể công kích mạnh vào các nước quân chủ bảo thủ, họ không muốn cho những nước này đem bất cứ thứ gì mà họ cự tuyệt vào vùng Vịnh. Pha-khơ-đơ có một thỉnh cầu với Cô-xây là Vương quốc ông muốn mua một số “tên lửa đặc biệt”. Pha-khơ-đơ muốn mua loại tên lửa “Độc thích3, đây là một loại tên lửa đối không tiên tiến. Nó được “thổi phồng” lên là một loại tên lửa tốt nhất trong kho vũ khí của Mỹ, thậm chí còn là loại tên lửa tốt nhất thế giới! Đây là một thỉnh cầu rất thực chất. Một số đồng minh thân cận nhất của nước Mỹ còn chưa có được loại tên lửa “Độc thích” này. Hai năm trước đây quân đội Mỹ mới bố trí loại tên lửa ấy ở nước Đức!

Việc bán loại tên lửa này phải có được sự đồng ý của Quốc hội, nhưng khả năng sẽ khó hơn việc bán AWACS. Có thể là Quốc hội sợ loại tên lửa này rơi vào tay bọn khủng bố, hoặc vào tay một tổ chức quá khích A-rập nào đó. Nhưng Cô-xây cũng đáp ứng Quốc vương là sẽ chuyển lời thỉnh cầu ấy về Oa-sinh-tơn. Song Vương tử Ban-đan ở Oa-sinh-tơn đã đề xuất lời thỉnh cầu này với các quan chức khác trong Chính phủ Mỹ rồi.

Hai người thảo luận về vấn đề Áp-ga-ni-xtan, Cô-xây đề xuất triển vọng sẽ nâng cấp chiến tranh ở nơi đây. Pha-khơ-đơ hoàn toàn tán thành chủ ý này. Ông nói, nếu cần thiết, Xau-đi có thể giành cho việc này một khoản tiền là 120 triệu đô-la. Quốc vương còn đồng ý phát động một đợt hành động phản đối Ca-đa-phi (Al - Qathafi); hành động này ông đang cùng với A-bu-đu-lây Kha-lim A-bu Ga-za-la, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập lên kế hoạch. Sau đó, Cô-xây đưa ra một vấn đề rất nhậy cảm:

Cô-xây hỏi Pha-khơ-đơ: “Ngài thấy vấn đề đưa chiến tranh Áp-ga-ni-xtan vào vùng Trung Á của Liên Xô như thế nào?” Cô-xây biết rằng Pha-khơ-đơ và Vương thất Xau-đi đang chuyển tiền vào vùng này để ủng hộ phong trào Mu-xlim bí mật đang phát triển nhanh chóng ở nơi đó. Có người dự đoán, số tiền chuyển vào vùng ấy lên tới hàng chục triệu đô-la! Từ trong nội tâm, Cô-xây muốn phát động một cuộc chiến chính trị chống Liên Xô, để từ trong nội địa Liên Xô sẽ bùng lên một ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt. Ông đưa ra lời thỉnh cầu này là từ góc độ đạo đức và tôn giáo. Chính phủ Oa-sinh-tơn Cơ đốc giáo chống cộng mãnh liệt nay liên hiệp hành động với Chính phủ A-rập Xau-đi Mu-xlim cũng chống cộng. Họ cùng phản đối Liên Xô vô thần luận! Vì vậy, đó là một liên minh thần thánh mang tính phổ biến!

Chủ ý này đã khơi dậy một niềm hứng thú trong lòng Pha-khơ-đơ, do vậy 2 người quyết định trong cuộc hội kiến lần sau họ sẽ thảo luận kĩ hơn về vấn đề này.
_____________________________________
1. Kha-phây As-sat: chính trị gia Sy-ri (1930 - 2000), năm 1963 là Tư lệnh không quân Sy-ri. Năm 1971 trúng cử Tổng thống. Làm Tổng thống trong 30 năm, ông đã đem hết sức mình trong một thời gian dài vì sự nghiệp phục hưng dân tộc A-rập. Ngày 10-6-2000 ông từ trần do bệnh đau tim.
2. Ba-an-bếch và Bê-cas: Ba-an-bếch: thành phố chính và trung tâm nông nghiệp của tỉnh Lé-ba-non Bê-cat. Vào giữa thập kỉ 70 thế kỉ trước, nơi đây trở thành cứ điểm Lê-ba-non của quân đội Palestin và Sy-ri. Bé-cas: vùng thung lũng rộng ở miền Trung Lê-ba-non.
3. Độc thích: tên lửa đất đối không của Mỹ. Tháng 11 năm 1980 bắt đầu trang bị cho quân đội. Hiện nay đã trang bị cho Lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ, đồng thời cũng bán cho nhiều nước. Loại tên lửa này áp dụng kỹ thuật hồng ngoại và tử ngoại tìm mục tiêu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 09:04:17 pm »


Nơi Cô-xây đến lần này là nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Kể từ lần trước ông đến thăm Bắc Kinh cho đến nay, thời gian cũng đã lâu rồi. Lần này ông rất muốn được thảo luận với Bắc Kinh một số vấn đề nhậy cảm. Trong thời gian tranh cử năm 1980, Tổng thống đã ủng hộ Đài Loan hết sức mạnh mẽ, nhưng đến nay ông đã bắt đầu nhận ra giá trị sự hợp tác nhiều mặt với đảng Cộng sản Trung Quốc. Quan niệm về mặt chính trị của Cô-xây là, kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta. Quan niệm đó của ông đã sớm hình thành ngay từ thời kì Thế chiến thứ hai, khi đó các nước dân chủ phương Tây với sự giúp đỡ của Liên Xô đã đánh bại phát xít Đức và Nhật. Uyn-pak và Cô-xây đều nhận thức được giá trị của Trung Quốc trong sự qua lại giữa họ với Liên Xô. Uyn-pak chủ trương hợp tác quân sự mật thiết giữa họ với Trung Quốc. Tháng 5, Nhà Trắng tuyên bố nới rộng xuất khẩu kĩ thuật đối với Trung Quốc. Căn cứ vào chính sách mới này, Trung Quốc được kể là một nước có quan hệ hữu hảo với nước Mỹ, vì vậy việc Trung Quốc giành được kĩ thuật của Mỹ trở thành rất dễ dàng. Do 2 nước Trung - Mỹ cùng chung lợi ích, vì vậy Cô-xây muốn hợp tác với Bắc Kinh về phương diện tình báo và hành động bí mật. 2 bên đã hợp tác về vấn đề Áp-ga-ni-xtan là một dẫn chứng. Đặt quan hệ với Trung Quốc về vấn đề nhậy cảm thì thật rất dễ dàng, vì Trung Quốc không bị Quốc hội hoặc giới truyền thông gây trở ngại. Vì vậy các hành động bí mật sẽ rất dễ thực thi, đồng thời lại giữ được bí mật!

Về rất nhiều vấn đề, Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh đã có sự hợp tác mật thiết. Sự thật đã chứng minh, giá trị của việc đặt máy nghe trộm ở biên giới Trung Xô thì “không chê vào đâu được!” Nhân viên kĩ thuật của nước Mỹ bí mật lắp đặt các thiết bị ở vùng trọng yếu của Trung Á, đó là một việc khiến người ta phải kinh ngạc biết mấy! Trong quá trình thực thi kế hoạch Áp-ga-ni-xtan người Trung Quốc đã phát huy tác dụng vô cùng hữu ích, họ đã giúp cho nước Mỹ về mặt vũ khí và về các mặt khác của tập đoàn Liên Xô. Cô-xây đã giới thiệu với chủ nhà về những thành công mà nước Mỹ giành được ở Áp-ga-ni-xtan và kế hoạch trong tương lai.

Trong khi đó, mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Mat-xcơ-va lại càng thêm gay gắt, nhất là ở vùng giáp giới. Điều khiến người ta phải chú ý là, hai nước cộng sản chỉ vì vấn đề Mu-xlim mà đấu đá lẫn nhau. Trong khu vực châu Á ở giữa Trung Quốc và Liên Xô có tới 40 triệu đến 50 triệu cư dân Mu-xlim. Sự thật này đã khiến cho 2 nước, nước nào cũng phải định ra “Chiến lược Mu-xlim” vừa đánh vừa giữ! Liên Xô đã ra sức gieo rắc sự bất mãn đối với Chính phủ trong dân chúng Mu-xlim của Trung quốc, đồng thời họ còn có hành động cài gián điệp. Một tình báo viên Liên Xô tên là Ni-cô-la Pit-rô-uây Trương và 2 người Hán gần đây do hoạt động gián điệp nên đã bị bắt. Một người dân tên là Nhạc Trung Cổ (âm dịch) do có hành động phản quốc nên đã bị kết án tù! Theo một nguồn tin thì năm 1980 người này đã vượt biên chạy sang Liên Xô rồi bị KGB chiêu mộ làm gián điệp. KGB đã nhiều lần phái y quay về Trung Quốc thu thập các tin tình báo về các mặt chính trị, quân sự và kinh tế. Về phương diện đó, Liên Xô đã có những nỗ lực vượt bậc, điều ấy là nhất trí với hành động xâm nhập Áp-ga-ni-xtan của họ! Mục tiêu tuyên truyền của Liên Xô là cư dân Mu-xlim ở Tân Cương Trung Quốc. Thủ đoạn của họ là xây dựng những đài phát thanh ở Tas-ken, ở Al-ma A-ta, ở Phun-de; qua đó phát những tiết mục với nội dung chống Trung Hoa bằng tiếng Hán và tiếng Thổ Nhĩ Kì.

Trước năm 1980, Liên Xô trong việc chiến đấu với người Trung Quốc để tranh đoạt những cư dân Mu-xlim thì họ chiếm ưu thế lớn, vì Mat-xcơ-va có thể dành cho những người đó một cuộc sống với mức sinh hoạt tương đối cao, còn Trung Quốc chỉ có thể tranh thủ những người đó về phương diện hình thái ý thức chính thống. Nhưng đến năm 1980, do xảy ra 2 chiến lược nên Trung Quốc đã ở vào tư thế chủ động công kích Liên Xô, và họ đã thành công trong việc này. Liên Xô xâm nhập Áp-ga-ni-xtan khiến cho Trung Quốc càng có lí do tuyên bố Liên Xô là nước chống Mu-xlim, nội dung những lời lẽ của các buổi phát thanh tuyên truyền phát sang Liên Xô của Trung Quốc đều lặp lại nhiều lần về luận điệu này. Đồng thời Trung Quốc lại có những nhượng bộ quan trọng đối với dân tộc thiểu số Mu-xlim, bao gồm sự đình chỉ phong trào cải cách chống tôn giáo và cho mở lại các đền của đạo I-xlam.

Khi bàn đến vấn đề Áp-ga-ni-xtan, Cô-xây lái câu chiến lược sang cái Liên Xô gọi là “vấn đề dân tộc”. Mặc dù ông không nói thẳng ra, nhưng ông vẫn ngầm tỏ ra là nước Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tuyên truyền đối với vùng Trung Á của Liên Xô, với mục đích là khơi ra những mối bất hoà ở đó. Chu Khải Trinh cho rằng, cách làm ấy rất có giá trị, đồng thời ông kiến nghị nên có sự hợp tác Trung - Mỹ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 09:05:26 pm »


Mùa xuân, tổ Quy hoạch An ninh quốc gia triệu tập một cuộc hội nghị chính thức, tiêu điểm chú trọng tập trung vào vùng Trung Đông, nhất là những nỗ lực ngoại giao đang triển khai ở khu vực này đều được mọi người hết sức chú ý. Tiến trình hoà bình ở vùng Trung Đông tạm thời đình chỉ, tình hình ở đó vẫn rất căng thẳng. Chiến tranh “2I” đã rất quyết liệt. Sự uy hiếp của chủ nghĩa nguyên giáo chỉ I-slam đối với chính quyền thế tục ở vùng này ngày càng nghiêm trọng.

Trong hội nghị, Quốc vụ khanh Gióoc-giơ Xu-ơn-xư trở thành vai trò chính yếu. Ông kiến nghị thực thi một kế hoạch hoà bình toàn diện ở vùng Trung Đông. Cô-xây và Uyn-pak cũng không nói nhiều trong cuộc họp, vì sự thúc đẩy tiến trình hoà bình chủ yếu là chức trách của Quốc vụ viện. Nhưng trong cuộc họp Cô-xây đã ra sức chủ trương bán tên lửa “Độc thích” cho A-rập Xau-đi. Cô-xây cho rằng, người nước này cần có được một tín hiệu khác chứng tỏ là nước Mỹ giữ lời hứa bảo đảm sự an ninh cho họ. Rô-béc Mác Phơ-ran cho rằng có thể suy nghĩ về việc bán tên lửa cho Xau-đi. Nhưng ông cũng nói thêm là, Quốc hội nếu có đồng ý bán loại tên lửa đó cho Xau-đi thì họ cũng phải có một điều kiện gì đó. A-rập Xau-đi muốn có nó, họ còn phải nỗ lực nhiều hơn.

Do phương án này đã được đề xuất nên Ủy ban An ninh quốc gia thấy cần phải tiến hành thẩm tra nó. Sau hội nghị này ít lâu, Cô-xây lại lên đường đi công cán. Lần này, ông đi châu Âu để kiểm tra việc làm của Cục ông ở Ba Lan, vì Tổng thống từ lâu đã mong muốn được nghe những tin tốt lành từ Ba Lan tới.

Trên thực tế, Chính phủ Ri-gân đã dồn tướng Da-ru-del-xki vào chân tường. Nước Mỹ coi việc Ba Lan trả thù chính trị là một điều kiện để nới lỏng sự trừng phạt: Ba Lan nếu đáp ứng điều kiện này thì đó là một sự khích lệ phái phản đối và đe doạ sự sinh tồn của chính quyền này. Nhưng nếu không đáp ứng thì nước Mỹ vẫn duy trì sự trừng phạt, như vậy sẽ làm cho tình hình kinh tế của Ba Lan gay go thêm, kết quả sẽ làm cho họ càng phải dựa vào Mat-xcơ-va! Mặc dầu Da-ru-del-xki có một lòng tin vững chắc vào Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng ông không tín nhiệm điện Krem-li, mà ông cũng không muốn Ba Lan phải quì gối trước Liên Xô. Bố của Da-ru-del-xki đã từng bị giam trong trại tập trung tù binh của Liên Xô, vì vậy suốt đời ông không có được mối thiện cảm với Liên Xô. Thật ra, chính là do sự trừng phạt của nước Mỹ, Mat-xcơ-va mới bắt buộc mỗi năm phải viện trợ cho Chính phủ Da-ru-del-xki 3 tỉ đến 4 tỉ đô-la. Do tình trạng này vẫn cứ tồn tại, vì vậy sự “viện trợ” đó đã khiến cho Ba Lan phải trả giá rất đắt.

Mặc dầu sự trừng phạt đã gây ra một áp lực nặng nề đối với Ba Lan nhưng Ba Lan vẫn không chọn giải pháp thả chính trị phạm, do vậy nên Công đoàn Đoàn kết không thể nào phục hồi được. Nhưng nếu trong không khí bùng nổ này mà phóng thích hết các phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết đang bị giam giữ thì việc đó sẽ trở thành một tai nạn. Tuy nhiên trước khi Chính phủ Ba Lan tuyên bố bất kì một sự đại xá nào thì Da-ru-del-xki và các đồng bọn của ông chắc sẽ có những hành động cứng rắn đối với phái chống đối.

Trạm đến đầu tiên của Cô-xây trong chuyến công cán này của ông là Phơ-răng-phuốc, đó chỉ là sự dừng chân ngắn ngủi trong 2 tiếng đồng hồ cốt để tiếp dầu và duy tu máy bay. 9 giờ 30 tối, các quan chức của Cục Tình báo trung ương làm việc tại Phơ-răng-phuốc và tại trụ sở ở Bon đều đến hội kiến với Cô-xây ở một căn phòng bảo mật tại căn cứ không quân Mỹ. Trong những người có mặt lúc đó, có 6 người trực tiếp tham dự vào hành động ở Ba Lan, có người ở trong phòng chuẩn bị rót cà phê nóng vào những chiếc cốc bằng chất dẻo. Khi động cơ phản lực của máy bay nổ ầm ầm, mọi người vẫn còn túm tụm xung quanh bàn.

Chỉ thị của Quyết sách An ninh quốc gia số 32 do Tổng thống kí đã trở thành một chính sách để nước Mỹ làm suy yếu thế lực của Liên Xô ở Đông Âu. Tâm tư của Tổng thống là, đường dây cung cấp bí mật thông với Ba Lan một ngày nào đó tổ chức được, thì sẽ bằng mọi cách phát triển nó lên. Hiện nay tiền viện trợ hàng năm cung cấp cho Công đoàn Đoàn kết bí mật nhiều hơn 2 triệu đô-la một chút. Tổng thống muốn tăng con số đó lên 4 lần. Ông cùng các trợ thủ chính của mình trong Ủy ban An ninh quốc gia cũng đều muốn tìm được một cơ hội mới trong khu vực ấy. Từ đó những hoạt động của phái chống đổi sẽ nhận được sự chi viện về tài chính của nước Mỹ. Vấn đề lớn nhất là, cơ hội đó có tồn tại không?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #106 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 09:06:53 pm »


Những tin tình báo đến từ Ba Lan chứng tỏ, đã có được sự liên hệ giữa các phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết trong nước với các phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết lưu lạc ở Tiệp Khắc. Họ đã tổ chức được các cuộc họp trong một cánh rừng hẻo lánh ở nơi giáp ranh giữa Tiệp với Ba Lan. Quy mô những cuộc hội nghị này tuy rất nhỏ nhưng đã khiến cho Cô-xây cảm thấy rất hứng thú.

Lại có tin tình báo cho biết, ở Bun-ga-ri có một tổ chức bí mật, thành viên của nó đều là những phần tử theo chủ nghĩa li khai thân phương Tây; tổ chức này được sự ủng hộ của một số nhân sĩ tiếp cận với xã hội thượng lưu Bun-ga-ri. Người tổ chức đầu tiên ra tổ chức này không phải ai xa lạ đó là Lut-mi-la Du-kha-oa, con gái của Tô-đo Juýp-cốp, nhà lãnh đạo đất nước Bun-ga-ri! Bà tốt nghiệp Trường Đại học Ôc-pho, là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Bun-ga-ri. Bà có một người bạn thân là Stan-cơ Tô-đa-rốp, Thủ tướng Chính phủ Bun-ga-ri. Đầu năm 1981, KGB mệnh lệnh cho Bun-ga-ri phải chế áp đối với mọi hoạt động chính trị. Thế là Tô-đa-rôp đột nhiên bị miễn nhiệm, sau đó Du-kha-oa cũng bị o ép nhiều! Đến tháng 3, bà chết do tai nạn giao thông nhưng nhiều chứng cớ chứng tỏ bà bị mưu sát. Do sự việc cũng không có gì quan trọng lắm nên nó đã bị “vứt đó bỏ mặc”. Mọi phong trào trong tổ chức trước kia của bà dần dần mất đi ánh hào quang của những ngày trước đó; Cuối cùng nó đã phải chuyển vào hoạt động bí mật!

Tin tình báo về những hoạt động của phe chống đối trong nội bộ tập đoàn Liên Xô được truyền tay nhau đọc trong nội bộ Ủy ban An ninh quốc gia. Cô-xây cũng đọc những báo cáo này. Có khi những báo cáo đó cũng được đưa lên để Tổng thống đọc. Trạm tình báo Phơ-răng-phuốc của Cục Tình báo trung ương có ưu thế rất lớn trong việc thu thập loại tình báo này với sự giúp đỡ của nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Liên Xô, vì trạm này là trạm trung chuyển của những kẻ phản bội tập đoàn Liên Xô đi đến phương Tây. Cục Tình báo trung ương còn cung cấp tiền cho một số đoàn thể lưu vong ở châu Âu để đổi lấy những tin tức tình báo mà dân di cư từ phương Đông đến cho họ biết.

Cô-xây và một số quan chức tình báo đã thẩm tra, đánh giá những hành động ở Ba Lan của Cục ông, đồng thời ông còn đòi hỏi càng nhiều những tin tình báo của các tổ chức bí mật sau “bức màn sắt”! Ông thích những sự việc như vậy. Ri-gân cho rằng: Ủy ban An ninh quốc gia và Lầu Năm Góc phụ trách soạn thảo về chiến lược, còn Cô-xây thì thực thi hành động cụ thể. “Cô-xây với những kinh nghiệm già dặn của ông, chỉ cần có khả năng là ông sẽ lên đường viễn hành ngay - Gơ-ren Căm-bel nhớ lại - Ông thích tập trung mọi việc lại, sau đó sẽ giải quyết một thể. Mọi hoạt động vô nghĩa ở Oa-sinh-tơn (như các cuộc họp của các loại uỷ ban cùng các sự đấu đá giữa các bè này, phái khác), ông đều không muốn tham gia. Ông thích đi ra ngoài làm những việc khiến người Liên Xô phải đau đầu”.

Sau mấy phút thì Cô-xây rời phòng họp. Chiếc máy bay KC-11 của ông cất cánh. Từ xa người ta chỉ còn nhìn thấy cảnh lửa loé sáng từ động cơ của máy bay phát ra.

Khi máy bay của Cô-xây hạ cánh xuống Rô-ma thì đã là quá nửa đêm. Người phụ trách trạm tình báo Rô-ma của Cục ông đã ở sân bay đón ông. Tại sân bay còn có mấy nhân viên bảo vệ vũ trang đầy đủ. Những quan chức nước Mỹ khi đi công cán ra nước ngoài bao giờ cũng lo sẽ gặp phải hoạt động khủng bố. Khi sân bay đỗ lại ở dọc đường là I-ta-li-a và vị quan chức đến đây là Cục trưởng Cục Tình báo trung ương thì lại càng phải cẩn thận! Tên của Uy-li-am Cô-xây từ lâu đã ở trong danh sách ám sát của tổ chức khủng bố “Lữ đoàn đỏ” I-ta-li-a. Bất kì ai cũng không thể không thận trọng trước việc này, vì “Lữ đoàn đỏ” chỉ trong 2 năm trước đây đã bằng hành động cụ thể chứng minh sự to gan làm liều của họ, khi bắt cóc tướng Giêm Đa-xen1 người được nước Mỹ phái đến I-ta-li-a.
______________________________________
1. Tướng Giêm Đa-xen là quan chức Mỹ làm việc tại NATO. Tháng 12 năm 1981 ông bị “Lữ đoàn đỏ” bắt cóc. Sau 42 ngày bị chúng giam giữ, ông được Cảnh sát I-ta-li-a giải thoát.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #107 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 09:08:34 pm »


Nhân viên bảo vệ Cục Tình báo trung ương đã dựa vào sự dày công chuẩn bị và hành động kín đáo để bảo vệ cho Cục trưởng của họ được an toàn tại hải ngoại. Cục trưởng Cục Tình báo trung ương thông thường có một đội xe cỡ nhỏ. Về thời gian và địa điểm cất cánh, hạ cánh của máy bay chở ông, người ta không bao giờ báo trước! Vì lo rằng những tin tức trong lần ông đi công cán này bị tiết lộ nên các nhà đương cục I-ta-li-a không dám sơ xuất một chút nào. Họ đã phái một lực lượng đáng kể để bảo vệ sự an toàn của ông. Cô-xây, thế là đã bình an vô sự đến được nơi cần đến, và khoảng 3 giờ sáng hôm ấy ông đã được thoải mái nằm ngủ trong chăn ấm, đệm êm!

Sáng sớm hôm sau chưa đến 6 giờ ông đã thức giấc và chuẩn bị chu đáo mọi điều để làm việc. Đối với cá nhân ông mà nói, đó là một ngày khó quên. Ông, một tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo, bí mật đến hội kiến với Giáo hoàng Rô-ma. Năm 1982, Tổng thống Ri-gân trong lần đầu tiên được gặp Giáo hoàng, đã đáp ứng lời đề nghị của Giáo hoàng là Chính phủ Mỹ sẽ thông báo với Va-ti-căng mọi hoạt động tình báo của Cục Tình báo trung ương tiến hành tại Ba Lan. Liên tiếp các đại diện ngoại giao của Mỹ, trong đó bao gồm cả tướng Phơ-rom Von-tas đều được uỷ nhiệm làm việc này. Chủ đề của cuộc hội đàm chuyển đến vấn đề Ba Lan.

Ăn sáng xong, Cô-xây nghe báo cáo của người phụ trách trạm tình báo Ba Lan, sau đó ông đến nơi ở riêng của Giáo hoàng Giăng Pôn II cùng Giáo hoàng hội kiến phi chính thức. Họ gặp riêng nhau trong 40 phút và 2 bên đều không có người ghi biên bản. Trước đây họ chỉ chia xẻ tình báo ở tầng thứ thấp, nhưng lần hội kiến này Cô-xây đã trình bầy với Giáo hoàng về chính sách của nước Mỹ. Giăng Pôn biết Oa-sinh-tơn đang ủng hộ Công đoàn Đoàn kết, nhưng ông không nắm được tình hình chi tiết. Tuy nhiên lần này Cô-xây vẫn không trình bày hết mọi điều với ông.

Thời gian dừng chân lại của Cô-xây ở Rô-ma rất ngắn, nhưng ông cần tuân thủ thời gian biểu đã định từ trước. Hôm ông rời Rô-ma trời đã rất muộn. Sau đó lộ trình bay vẫn còn dài lắm. Máy bay rời vùng biển Địa Trung Hải ấm áp với những công trình xây dựng mang đậm phong cách La-tinh và bay tới Stốc-khôm lạnh giá của phương Bắc.

Bầu trời Stốc-khôm đang lúc nhiều mây u ám, không khí ẩm ướt, hơn nữa từ vùng biển Ban-tích lại có luồng không khí lạnh thổi về. Cô-xây mong rằng người Thụy Điển sẽ làm ông vui vì sự đón tiếp của họ. Thế nhưng họ lại không hứng thú gì đối với việc đến thăm của ông. Chính phủ Ri-gân hi vọng rằng họ sẽ giúp người Mỹ trong việc cắt đứt con đường chuyển nhượng kĩ thuật phươg Tây đối với Mat-xcơ-va. Thụy Điển là một nước trung lập, họ công khai bộc lộ sự nghi ngại của họ đối với việc một Cục trưởng Cục Tình báo trung ương đến thăm. Họ sợ rằng việc này sẽ gây ra một vấn đề nghiêm trọng! Đầu tiên, Thụy Điển công khai ủng hộ Chính phủ San-đi-nô1 của Ni-ca-ra-qua, trong khi đó thì Chính phủ Ri-gân lại đang muốn lật đổ Chính phủ ấy. Nhất là, chính sách ngoại giao của Ri-gân lại không thích ứng ở đất nước này.

Có 2 nguyên nhân khiến Cô-xây đến Stốc-khôm. Một là, Lầu Năm Góc suy đoán rằng, do nguyên nhân chính trị và địa lí, thành phố này có thể trở thành một yếu địa yết hầu để cắt đứt sự xuất khẩu kĩ thuật sang Liên Xô; hai là, theo sự đoán định của Cô-xây thì Thụy Điển sẽ là nơi rất tiện lợi trong việc cung cấp mọi thứ cho Công đoàn Đoàn kết.
________________________________________
1. San-đi-nô tức César Angusto Sandio, (1893 - 1934) anh hùng dân tộc Ni-ca-ra-goa. Năm 1927, ông lãnh đạo quân khởi nghĩa phản kháng nước Mỹ vũ trang can thiệp Ni-ca-ra-goa. Quân khởi nghĩa thắng lợi khiến quân xâm lược Mỹ phải rút khỏi đất nước này, nhưng San-đi-nô bị ám sát ngày 21 tháng 2 năm 1933. Sau, người ta lấy tên ông đặt cho phong trào giải phóng dân tộc Ni-ca-ra-goa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #108 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 09:10:42 pm »


Mặc dầu người San-đi-na-vi-an thực hiện chính sách của Nhà nước họ là giữ thái độ yên lặng và trung lập, nhưng về phương diện nhập khẩu các vật phẩm kĩ thuật cao, tập đoàn Liên Xô phải dựa rất nhiều vào Stốc-khôm. Điều này khiến Stốc-khôm có được không ít điều lợi. Cuối thập kỉ 70, Thụy Điển là trạm trung chuyển mà từ đây Mat-xcơ-va có được các vật phẩm kĩ thuật cao. Rất nhiều công ty Thụy Điển mua các vật phẩm từ Mỹ rồi bán lại với giá chợ đen cho Mat-xcơ-va. Về phương diện này họ quả là một tay lành nghề và họ đã thu được lợi nhuận cao. Cách kiếm tiền này hết sức giản đơn vì các công ty Mỹ rất muốn bán được hàng cho Thụy Điển. Vả chăng họ đâu cần hỏi người Thụy Điển mua số hàng ấy để làm gì. Còn các công ty Thụy Điển xuất khẩu các hàng đó sang tập đoàn Liên Xô thì lại chẳng có điều gì hạn chế!

Cai-xpa Uyn-pak cho rằng, nếu muốn “đánh” thật mạnh về lĩnh vực kĩ thuật cao đối với Mat-xcơ-va, thì cắt đứt đường dây Scan-đi-na-vi-an là hết sức quan trọng. Đầu năm 1981, nước Mỹ mở một chiến dịch bí mật về phương diện cấm vận vật tư chiến lược. Họ muốn tranh thủ sự hợp tác của Thụy Điển. Nhưng liệu có làm được điều này không, nước Mỹ cũng không tin tưởng lắm!” Người Thụy Điển thật ra không cho họ là một bộ phận của hệ thống an ninh phương Tây - Sư-thai-ep Han-pua nhớ lại - Họ cho rằng đó không phải là vấn đề của họ mà là vấn đề của chúng ta!” Vì vậy, phó Quốc vụ khanh Ri-xác Pua-rơ đã thành công trong việc làm cho vấn đề đó trở thành vấn đề của họ.

Năm 1979, nước Mỹ đã ban hành “Luật quản lí và khống chế xuất khẩu”, luật này đã trao thêm cho Tổng thống một quyền hạn. Đó là ông có thể hạn chế các nước ngoài hoặc những công ty giành được kĩ thuật của nước Mỹ về vấn đề xuất khẩu. Về điểm này, trong cuộc đấu tranh về kế hoạch đường ống dẫn khí đốt của Liên Xô đã có sự nghiệm chứng, tức Chính phủ nước Mỹ có thể lấy danh nghĩa vì vấn đề an ninh quốc gia mà hạn chế những nước và những công ty nào có được kĩ thuật của nước Mỹ. Vì vậy, nếu nước Mỹ tăng cường việc hạn chế xuất khẩu đối với Liên Xô, thì người Thụy Điển sẽ bị ảnh hưởng. Căn cứ vào bản bị vong lục bí mật do Bộ Quốc phòng khởi thảo đầu năm 1982, thì mục tiêu của Mỹ đối với Thụy Điển (và các nước trung lập khác tương tự nước này như Thụy Sĩ và Áo) có 3 mặt:

Mục tiêu thứ nhất: Nước Mỹ muốn Thụy Điển bảo vệ kĩ thuật của Mỹ, những kĩ thuật mà họ nhập khẩu chỉ có thể sử dụng cho riêng nước họ. Mục tiêu thứ hai: Chính phủ nước Mỹ muốn Thụy Điển ngăn chặn các sản phẩm của Mỹ thông qua cảng tự do, khu miễn thuế và kho bảo thuế của hải quan để chuyển đến tập đoàn Liên Xô. Mục tiêu thứ ba: Nước Mỹ muốn các nước trung lập cự tuyệt cung cấp cho tập đoàn Liên Xô những sản xuất khoa học kĩ thuật cao do các nước đó tự chế tạo.

Để thực hiện được những mục tiêu này nước Mỹ đang sử dụng chính sách 2 tay “cái gậy và củ cà rốt”. Một mặt nước Mỹ sẽ đe doạ các công ty của Thụy Điển (công ty Điện cơ thông dụng); nếu những công ty này bị tố cáo là xuất khẩu kĩ thuật cao sang Liên Xô thì nước Mỹ sẽ hạn chế các hàng đó nhập vào thị trường Mỹ. Mặt khác, nước Mỹ về phương diện phân phát giấy phép sẽ đối xử với các công ty Thụy Điển chẳng khác nào đối xử với những công ty của các nước đồng minh. Như thế là một đặc quyền hết sức có lợi đối với họ.

Ngoài ra Chính phủ Mỹ còn phân cho Stốc-khôm một số kĩ thuật mũi nhọn để họ thấy được có quan hệ tốt với Mỹ thì rất có lợi! Thụy Điển hết sức cần một số kĩ thuật mới để hoàn thiện loại máy bay oanh tạc chiến đấu “Ưng sư” JAS39 mà họ đang chế tạo. Nếu người Thụy Điển có thể hạn chế xuất khẩu kĩ thuật cao sang Liên Xô thì Uyn-pak sẽ cung cấp cho Stốc-khôm bản thiết kế động cơ phản lực tiên tiến nhất của Công ty Điện khí thông dụng và các kĩ thuật du hành vũ trụ khác của các công ty Khua-ni-nêl, công ty Ril S-cơ-lây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #109 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 09:14:01 pm »


Ở Stốc-khôm, Cô-xây kiểm tra những sự nỗ lực này, đồng thời ông nghiên cứu một số tiến triển đã giành được. Những sự việc về chính trị thường không có cách nào dự đoán được. Chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng Tho-bi-don Fal-din1 đã bị đổ. Ô-lôf Pan-mơ2, người Đảng xã hội có thái độ gay gắt khi phê bình chính sách ngoại giao của Chính phủ Mỹ nay lại lên nắm chính quyền. Sau khi ăn sáng, Cô-xây hội kiến với các quan chức Chính phủ Thụy Điển. Ông còn có sự gặp mặt bí mật với các quan chức Bộ Quốc phòng và Phủ Thủ tướng. Đó là những cuộc gặp mặt trước nay chưa từng có! Những lời lẽ 2 bên đều khéo léo, tế nhị và họ đều cảm thấy có chút lúng túng.

Một điều khiến Cô-xây kinh ngạc là, Thụy Điển đồng ý hợp tác chặt chẽ với Oa-sinh-tơn. Điều này vượt quá sự mong muốn của nước Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng lo tàu ngầm của Liên Xô lại xâm nhập vào vùng biển của Thụy Điển và cho đến nay việc đó hầu như ngày nào cũng xẩy ra. Trong việc hải quân Thụy Điển theo dõi tàu ngầm của Liên Xô đang gặp phải sự phiền phức, vì vậy đối với bất cứ tin tình báo nào được Mỹ cung cấp, Thụy Điển đều rất hoan nghênh. Cô-xây nói ông sẽ can thiệp vào việc này.

Phủ Thủ tướng cũng tỏ ý hoan nghênh việc hợp tác với Oa-sinh-tơn về vấn đề kĩ thuật. Thụy Điển không đồng ý nước Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh kinh tế với Mat-xcơ-va, nhưng do tình hình kinh tế trong nước nên đã khiến họ phải hợp tác với Mỹ. Nước Mỹ đã thay thế nước Đức trở thành một nước nhập khẩu lớn nhất đối với các sản phẩm của Thụy Điển. Lượng hàng của Thụy Điển xuất khẩu sang Mỹ trong 6 năm trước đây gần như tăng gấp đôi. Nếu nước Mỹ khống chế chặt việc cấp giấy phép xuất khẩu đối với Thụy Điển thì nước này sẽ lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm. Pal-mơ không muốn mạo hiểm gây ra chuyện đó, vì nếu xẩy ra vấn đề gì thì nó có thể phá hoại nền kinh tế Thụy Điển. Cô-xây nói với vị chủ nhà rằng nước Mỹ muốn có mối quan hệ hữu hảo với Thụy Điển. Nếu Thụy Điển ngăn được việc xuất khẩu kĩ thuật cao sang Liên Xô thì về mặt kinh tế Thụy Điển sẽ được lợi về nhiều mặt.

Sau đó, Cô-xây nói, ông đến đây còn vì một vấn đề khác. Stốc-khôm là một con đường thông sang Ba Lan tốt nhất. Cục Tình báo trung ương muốn bằng con đường Thụy Điển cung cấp “vật tự chiến lược” cho Công đoàn Đoàn kết, nhưng việc này cần có sự giúp đỡ của Chính phủ Thụy Điển. Năm 1981, Chính phủ Fal-đin đã từng giúp Cục Tình báo trung ương đưa lén các thiết bị sang Ba Lan để Công đoàn Đoàn kết xây dựng một hệ thống khống chế, chỉ huy và thông tin. Nhưng, hiện nay Cô-xây muốn xây dựng một con đường liên lạc vĩnh cửu để định kì cung cấp các hàng viện trợ cho Công đoàn Đoàn kết.

Lời đề nghị này đối với Thụy Điển, một nước trung lập thật là một việc quá bất ngờ. Pal-mơ vẫn có thái độ gay gắt trong việc phê bình chính sách Trung Mỹ của nước Mỹ. Ngoài ra ông còn là một người lãnh đạo châu Âu duy nhất ủng hộ Việt cộng. Nhưng dù vậy, Cô-xây vẫn mạnh dạn đưa ra lời thỉnh cầu đó có thể được tiếp nhận. Người Thụy Điển đã có sự hợp tác với Cục ông trong vấn đề Áp-ga-ni-xtan. Tuy họ tránh cung cấp loại vũ khí “đặc biệt” cho quân du kích Mu-xlim của Áp-ga-ni-xtan, nhưng họ lại quyên tặng cho đội du kích đó các thiết bị về y tế đáng giá hàng triệu đôla. Những thiết bị này đã được Cục Tình báo trung ương vận chuyển tới Ca-ra-chi.
________________________________________
1. Tho bi-don Fal-din: Ông sinh năm 1926, đã 2 lần đảm nhận chức Thủ tướng Thụy Điển (1976 - 1978, 1979 - 1982). Sau một thời gian tham gia Trung ương Đảng Nông dân năm 1971 ông trở thành lãnh tụ Đảng này.
2. Ô-lôf Pan-mơ: Lãnh tụ kiệt xuất của Công đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển. Ông đã đảm nhận chức vụ Thủ tướng trong một thời gian dài (1968 - 1976, 1982 - 1986). Do phản đối Mỹ về chính sách Việt Nam nên quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng. Ông muốn Thụy Điển lại thực hiện chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM