Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:25:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt  (Đọc 375020 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
khongquan94
Thành viên
*
Bài viết: 55



« Trả lời #410 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2010, 10:46:39 pm »

 Cảm ơn khongquan94 ! Giá mà có ảnh bến thả hoa năm nay ở bờ bắc sông Thạch Hãn !
Tối mai em mới lên đường vào QT , không biết có chớp được tấm nào gửi các bác không .
Chú của em hy sinh tại Cửa Việt trong trận đánh mở màn đêm 29 rạng 30/3 năm 1972 thuộc Đoàn 305 .

Đây là Cửa Việt năm 2007 khi chưa khởi công xây dựng cầu Cửa Việt .
Logged

Rộn ràng tung cánh bay , phi đội ta xuất kích
Đại bàng vút cao lên trời mây,
Trận đầu ta đã mang chiến thắng ...
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #411 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2010, 10:59:17 pm »


CHUYỆN IX   CHUYỆN KỂ CỦA LÊ XUÂN TƯỜNG   (tiếp 13)

       Trời tối hẳn, tôi trườn về phía trước nơi mấy tên địch nằm gần nhất, chính thằng này khi trúng đạn rên la gọi bạn rất to. Nó nằm ngửa, mũ sắt lật sang bên, áo giáp của nó phanh ra, tôi kéo cái ba-lô ra khỏi người nó, trong ba-lô ngoài bộ quần áo rằn ri hôi rình tôi tìm thấy vài ba thứ lặt vặt như mấy bao thuốc Bastos Quân tiếp vụ, dao cạo râu cụp xòe, mũ nồi, mấy túi cơm sấy, thịt hộp...những thứ mà lính ta đều cần. Thằng bên cạnh không có ba-lô nhưng túi ngực của nó có một cái bật lửa Zippo và một cuốn sổ tay bìa ni-lon. Tôi nhét bật lửa và cuốn sổ vào túi áo ngực thì Phồm đi hội ý về cho biết ông Nghĩ C trưởng bị thương ngay từ sáng, một số hy sinh, cả đại đội còn chục tay súng đợi đêm xuống sẽ rút ra.
 
       Ba anh em ngồi dựa vào nhau nhai trệu trạo cơm sấy trộn nước hố bom với thịt hộp vừa kiếm được, hít hà hơi thuốc lá một cách khoan khoái, Lào vẫn còn rên khe khẽ nó chẳng ăn được gì chỉ uống nước. Phồm phân công tôi khi rút sẽ mang Lào theo.

       Phía bên kia sông địch bắn pháo sáng rực trời kèm đủ các loại pháo hiệu xanh đỏ, sao chúng bắn lắm thế. Sau này tôi mới biết địch ăn mừng vì đã chiếm được Thành Cổ - đấy là đêm 16/9/1972.

       Xốc Lào lên lưng, chúng tôi lui lại phía lớp học. Gặp Chiến, nó không bị sao, mừng quá. Chỉ huy đại đội và trung đội không còn ai, chỉ còn lại mấy tiểu đội trưởng sẽ chỉ huy anh em tìm đường rút ra. Liệt sĩ sẽ để lại để dẫn trinh sát vào mang ra.

       Tiếng địch nói chuyện với nhau rất gần, chúng tôi sẽ từ khu trường học lách qua những căn nhà đổ rồi xuống đường tăng. Tôi cõng Lào trên lưng trườn qua gần hết đường tăng thì tốp đi trước dừng lại. Địch ở bên kia con đường trong các dãy nhà đổ ven đường. Quyết định phải phá vây mà ra. Tôi đặt Lào vào một cái hố pháo trên đường tăng, vơ vội ít cỏ rác phủ lên. Tôi ghé vào tai nó thì thào: “Nằm yên ở đây, chúng tao phải phá vây rồi sẽ đưa mày ra”. Dường như nó không muốn rời tôi, bàn tay nó bấu vào cánh tay tôi như muốn nói: “Đừng bỏ em lại...”.

       Cái cảm giác bàn tay nó bấu vào tay tôi cứ tuột dần, tuột dần ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Không mang được nó ra, tôi ân hận lắm nhưng liền sau đó tôi cũng bị thương. Khu vực nầy là khu vực tranh chấp của hai bên và sau Hiệp định Paris 1973 do địch kiểm soát. Không hiểu trong số những ngôi mộ chưa biết tên của NTLS xã Triệu Thành có mộ của Lào và của anh Tạo không ? Lần nào đi Quảng Trị và trở lại nơi anh Tạo và Lào hy sinh (giờ là trường Tiểu học Triệu Thành) tôi không khỏi nghẹn ngào nhớ tới trận đánh đầu tiên đó với những người đồng đội đã hy sinh mà mình không thể mang họ ra được. Cầu mong các anh sống khôn chết thiêng, ở nơi xa các anh hãy phù hộ độ trì cho gia đình, người thân có một cuộc sống an lành, phù hộ cho quốc thái dân an và đừng bao giờ để những thảm cảnh do chiến tranh gây ra như thế nữa . . .        

       Lên khỏi đường tăng, trong ánh sáng mờ ảo của hỏa châu, tôi phát hiện mấy đốm đỏ của thuốc lá cách không xa liền sau đó một tiếng la: “Ai ! Đ. má...”. Phía trước tôi là Chiến, nó bật dậy phóng luôn một quả B40 vào chỗ đó, luồng lửa quả đạn sẹt ngang qua người tôi làm tôi tối tăm mặt mũi.

       Một chớp đạn nổ cách tôi không xa khiến tôi tê dại hết cả người và sau đấy không biết gì hết . . .

       Tôi mở mắt, định thần một lúc nhớ lại những gì đã xảy ra. Xung quanh tôi không còn ai cả, đồng đội đâu hết cả rồi. . . ? Có ai làm sao không . . .?  

       Sau khi thằng Chiến bắn quả B40, địch bắn một loạt M79 vào chỗ chúng tôi và tôi hứng trọn một quả. Tay phải tôi tê cứng, ngón cái đẫm máu, chỗ nào cũng đau và thấy máu. Chân trái cũng bị nên cử động rất khó khăn. Hướng nào là hướng ta ?. . . Hướng nào là hướng địch ? . . . Không biết !

       Dần dần rồi tôi cũng xác định được hướng. Phía bên trái nơi các loại pháo sáng, pháo hiệu bắn lên rực trời, chính diện là con đường chạy từ cầu xuống và đi chếch về phía phải - nơi đó chắc chắn sẽ có quân ta vì từ sáng địch tập trung đánh nhiều về phía đó, cũng từ phía đó tôi cũng đã nghe thấy tiếng nổ rất đặc trưng của đạn AK. “Phải đi thôi !”

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Bảy, 2010, 11:05:18 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #412 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2010, 12:46:08 am »

Rất trân trọng nghĩa tình đồng đội của các CCB.
Đây là một bài của bác LXT đăng trên Lao động năm 2008. Chuyên mục "kết nối thông tin, tìm báo tin mộ liệt sĩ".
(LĐ) - CCB Lê Xuân Tường - nguyên chiến sĩ Trung đoàn 101, F325 đã gửi đến chuyên mục kiến nghị phải có biện pháp bảo quản những tài liệu, hồ sơ quý giá, cung cấp thông tin chính xác nhất về các liệt sĩ.

Tôi nguyên là chiến sĩ của Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (C3-D1-E101-F325), chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị năm 1972. Nhiều năm qua, nhóm cựu sinh viên Đại học Xây dựng - cựu chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị chúng tôi đã nhiều lần đi tìm những đồng đội hy sinh trong mùa hè 1972.

Chúng tôi có dịp làm việc với Phòng Chính sách của Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị và được biết, tại đây còn lưu giữ rất nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến các LS hy sinh tại Quảng Trị. Trong số tài liệu này có rất nhiều biên bản bàn giao cho địa phương gồm danh sách, sơ đồ mộ chí của các LS các đơn vị thuộc F325 như danh sách hơn 70 LS của E101 đã hy sinh và không tìm thấy thân thể trong trận tập kích tại chợ Sải, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong đêm 25.8.1972; danh sách và sơ đồ mộ chí của 26 LS tại xóm Đồng Chiều, thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong...

Số hồ sơ tài liệu nói trên đang cất trữ tại BCHQS tỉnh Quảng Trị. Đã hơn 35 năm, số tài liệu này ngày càng xuống cấp nghiêm trọng do thời gian, do mối xông... Rất nhiều gia đình LS cũng như các CCB trong quá trình đi tìm đồng đội đã không biết và không được tiếp xúc với số hồ sơ nói trên. Chính chúng tôi sau khi làm việc với BCHQS tỉnh Quảng Trị và biết được số tài liệu này, nhờ có nó và thông qua địa phương, chúng tôi đã tìm được nơi chôn cất LS Phạm Vũ Hồng.

Thông qua chuyên mục"Kết nối thông tin tìm, báo tin mộ liệt sĩ", chúng tôi rất mong số hồ sơ, tài liệu nói trên hiện đang lưu trữ tại BCHQS tỉnh Quảng Trị được công khai và thông báo về địa phương để gia đình, đồng đội của liệt sĩ được biết, nhất là danh sách các LS chưa tìm thấy phần mộ hoặc bị mất tích, tránh những trường hợp vì không xác định nơi hy sinh, đã lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc đi tìm một cách vô vọng. Chúng tôi chắc rằng không riêng gì Quảng Trị, tại các tỉnh khác, những hồ sơ tài liệu như trên còn rất nhiều.

Mấy năm trước tôi có gửi thư cho quý báo, đề xuất một số ý kiến đóng góp cho việc đi tìm thông tin của các LS như: Công khai các phiên hiệu của các đơn vị chiến đấu của liệt sĩ trong các giấy báo tử về cho gia đình như TQ, NB, KN... Công khai địa bàn và thời gian tác chiến của các đơn vị quân đội trong thời gian chiến tranh nhằm khoanh lại thời gian, địa điểm hy sinh của các LS cũng như góp phần kết nối với các CCB hiện còn sống - đây là những nhân chứng của một thời nhằm giúp cho việc biên soạn lịch sử của địa phương hay của các đơn vị quân đội trong thời gian chiến tranh khi có điều kiện sau này.

Trong chiến dịch Quảng Trị, Trung đoàn 101 chúng tôi chiến đấu tại mặt trận cánh đông thị xã Quảng Trị cho tới Cửa Việt và lần lượt mang các mật danh Bắc Bình, Trà Châu, Thuận Thu và Triệu Phong.

Trên đây là những đề xuất của chúng tôi với quý báo, hy vọng sẽ giúp một phần nào đó cho việc tìm kiếm thông tin về các LS được thuận lợi hơn, xin chân thành cảm ơn.

 Lê Xuân Tường

Ghi chú của báo:
Thân nhân LS xin lưu ý:
Trên số báo ra ngày 18.8, chuyên mục đã hướng dẫn rất rõ: Nhiều giấy báo tử ghi rõ đơn vị, thân nhân LS cần tìm đến phòng chính sách của đơn vị để tra cứu hồ sơ lưu về LS, nếu chưa xác định được địa chỉ của đơn vị cần qua Tổng đài quân đội nhờ chỉ dẫn.

Còn những giấy báo tử mà đơn vị chỉ ghi ký hiệu như NB,KH, KHG... chuyên mục mới chỉ giải mã được rất ít ký hiệu, tổng đài quân đội cũng không thể trả lời cho thân nhân LS biết được những ký hiệu đó của đơn vị nào.

Mong thân nhân LS thông cảm, giải mã được ký hiệu nào, chúng tôi sẽ đăng tải trên báo.  
Ảnh: bến thả hoa bờ bắc, nguồn: báo quảng tri.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #413 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2010, 12:56:28 am »

Tiếp: bến thả hoa bờ bắc
Nguồn: báo quảng trị.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #414 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2010, 01:00:58 am »

Bức ảnh người còn sống thả hoa cho đồng đội đã hy sinh 38 năm trước.
Nguồn: báo quảng trị.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #415 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2010, 01:03:48 am »

Mặt chính bến thả hoa bờ bắc. Nguồn: báo quảng trị.
Trong khi chờ hình do các thành viên có điều kiện đến tận nơi thăm viếng, chụp và gửi lên, chúng ta hãy xem tạm các hình ảnh trên.
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #416 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2010, 02:38:23 am »

Mặt chính bến thả hoa bờ bắc. Nguồn: báo quảng trị.
Trong khi chờ hình do các thành viên có điều kiện đến tận nơi thăm viếng, chụp và gửi lên, chúng ta hãy xem tạm các hình ảnh trên.

       Cảm ơn bác QTDC !

       Những năm gần đây, Lê Xuân Tường và các bạn anh năm nào cũng vào Quảng Trị một vài lần. Trong số các anh, anh H. có 2 người bạn chiến đấu hy sinh ở Quảng Trị. Năm nào, trước ngày giỗ bạn anh cũng đi xe đò vào thắp hương cho bạn xong lại đi xe đò về Hà Nội ngay: 9 giờ tối thứ bảy lên xe từ Hà Nội, xe chạy suốt khoảng 9 giờ sáng đến Quảng Trị, đi tiếp xe ôm ra mộ. Hương khói xong, ăn trưa rồi lại lên xe ra Hà Nội. Đến tối thì về đến nhà. Hôm sau vẫn đi làm bình thường. 2 lần như vậy cho 2 người bạn và 1 lần 27/7 cho tất cả các đồng đội khác trong một năm.

Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #417 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2010, 09:54:56 am »


 9 giờ tối thứ bảy lên xe từ Hà Nội, xe chạy suốt khoảng 9 giờ sáng đến Quảng Trị, đi tiếp xe ôm ra mộ. Hương khói xong, ăn trưa rồi lại lên xe ra Hà Nội. Đến tối thì về đến nhà. Hôm sau vẫn đi làm bình thường. 2 lần như vậy cho 2 người bạn và 1 lần 27/7 cho tất cả các đồng đội khác trong một năm.
--------

Cảm động và trân trọng nghĩa tình của Bác Lê Xuân Tường và các CCB Quảng Trị với những đồng đội đã hy sinh.
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #418 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2010, 10:05:33 am »

Bác TTNL: Nét vẽ của một người có nghề, đẹp, đúng tỷ lệ và chính xác. Những kỷ vật thân thiết của một thời. Trông nét chữ " CAO ĐIỂM..." và nét vẽ, em có thể nhận ra anh em cùng trường thế hệ trước, nét vẽ của họ nhà "kiến". Thời ở trường, bác TTNL học vẽ thầy nào vậy? Thầy Đinh Ngọc Vịnh chẳng hạn ?... Có điều, sau giải phóng ra quân, có nhiều cựu sv xd chuyển sang học trường khác, sao vậy bác nhỉ?

       TTNL không học trường ĐHXD mà học một cái trường toàn lý thuyết thôi, không có một tiết vẽ nào.
Logged

qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #419 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2010, 10:45:55 am »

Bác TTNL: vậy thì em nghĩ hội CB SV ĐHXD nên đề nghị cấp bằng danh dự cho bác. Năm tốt nghiệp: 1972, địa điểm làm đồ án: mặt trận Quảng Trị.Grin Thực sự là bác vẽ rất đẹp. Cụ già nhà em cũng thường gọi những bức vẽ phối cảnh của bọn sv chúng em hồi xưa là "cảnh đồ".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM