Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:54:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Gestapo  (Đọc 102014 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2010, 05:56:13 pm »


Ngày 2-5-1935, tòa án hành chính Phổ đã phát thông báo: cảnh sát bí mật không phụ thuộc vào sự xét xử của tòa án. Thông báo đó của Phổ đã nâng thành nguyên tắc điều luật ra ngày 10-2-1936: “Những quyền hành và những công việc của cảnh sát mật không là vấn đề cho những tòa án hành chính phân xử.”

Việc không có cơ sở pháp lý cho Gestapo cũng không làm ai khó chịu. Giáo sư Huber viết: “Quyền hành của cảnh sát chính trị dựa trên quyền theo tập quán của Reich.”

Tiến sĩ Best, viên chức cao cấp của Bộ nội vụ đánh giá về quyền hành của Gestapo phát sinh ra từ “triết lý mới” và không cần đến nền móng luật pháp hợp pháp chuyên biệt.

Tháng 5-1935, tòa án hành chính Phổ cũng đã ra một điều luật công bố phương pháp “bắt để phòng xa” của Gestapo và không cần phải thông qua tòa án.

Tháng 3-1936 một linh mục đạo Tin lành đã vận động những giám mục nổi tiếng có quan hệ với Quốc xã ngay trong nhà thờ của ông. Sáng hôm sau, Gestapo ra lệnh cho ông phải đi khỏi xứ đạo. Vị linh mục từ chối lệnh đó và nhờ tòa án can thiệp. Tòa án đã trả lời ông là lệnh của Gestapo có giá trị như một quyết định của tòa án, và không có vấn đề phải bàn cãi về nó nữa.

Với một cha xứ đạo Thiên chúa, Gestapo đã đòi hỏi ông phải cung cấp những tin tức về các tổ chức của những người tu hành và những người trung thành trong nhà thờ của ông.

Ông cũng đã nhờ tòa án can thiệp, nhưng tòa án bác bỏ ngay lời yêu cầu đó bằng văn bản với một câu ngắn gọn: “Khi Gestapo đã ra lệnh thì không nên bàn cãi gì. Ông phải chấp hành.”

Con bạch tuộc đã vươn vòi ra khắp nơi. Cần phải có những tấm phiếu để điều tra về vài nghề buôn bán. Và chỉ qua một cuộc điều tra đơn giản về đạo đức thương nhân, Gestapo đã lập phiếu ngay về người đó. Gestapo thấy một phạm vi mới để kiểm soát nghề buôn bán. Chúng nhận thấy cần phải can thiệp vào giá trị của những môn bài kinh doanh và đưa vấn đề này ra trước tòa hành chính ở Saxe.

Lệnh ngừng cấp môn bài đã trở thành một “kiệt tác” về tính nô lệ. “Bởi vì những người buôn bán có thể điều hành công việc của họ theo cách phát triển hành động lật đổ. Cảnh sát kinh tế buộc phải xin ý kiến của Gestapo trước khi phát thẻ môn bài.”

Như thế là Gestapo có thể gây áp lực bằng mọi cách lên những thương gia bị tình nghi có hoạt động chính trị. Chính thức, Gestapo có thể áp dụng ba sự trừng phạt không cần xét xử là: Cảnh cáo, bắt giữ để phòng xa và trại tập trung.

Sự trừng phạt “hợp pháp” ấy cho phép Gestapo bắt ngay một người được tòa án kết luận trắng án, vừa ra khỏi toà.

Bên cạnh những phương pháp ấy, người ta còn thấy những vụ bắt cóc, ám sát, những vụ giết người dưới hình thức tai nạn hay tự tử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2010, 05:56:50 pm »


Ông giám đốc “ban hành động công giáo” ở Berlin, Klausener bị ám sát vào ngày 30-6-1934, theo sự thanh trừng của Roehm, nhưng người ta lại chính thức báo là ông tự tử. Những hãng bảo hiểm từ chối không trả tiền bảo hiểm cho bà vợ góa của ông, bởi vì đây là vụ tự tử, và thêm vào một lí do nữa là nếu nghi ngờ vụ này không phải tự tử thì rất nguy hiểm.

Luật sư của bà Klausener đã vận động Bộ nội vụ can thiệp (ông Klausener là giám đốc của bộ). Người ta báo cho ông luật sư là phải làm đơn khiếu nại nếu muốn được xem xét lại vụ án. Bộ tư pháp cũng trả lời như vậy. Đây chỉ là cách thông dụng của hai bộ để tránh kẻ gây rắc rối ấy (chỉ Gestapo) và ông luật sư cũng hiểu ngay việc làm đơn khiếu nại coi như tuyệt vọng rồi.

Nhưng Gestapo đã phong thanh biết được chuyện này và ông luật sư bị bắt giam trong nhiều tuần lễ vì đã cả gan nghi ngờ về vụ tự tử của ông Klausener.

Tiến sĩ Best đã viết rõ ràng về việc này: “Không có sự cản trở nào của pháp lý có thể gây phiền toái cho việc bảo vệ nhà nước. Mà việc này lại thích ứng với chiến lược của kẻ thù. Cũng như công việc của Gestapo. Cần phải có một quy chế cho quân đội. Quy chế này chỉ phải chịu phiền phức về những điều khoản trái ngược với quy chế của quân đội trong chiến đấu.”

Trong vài năm, dư luận công chúng và chính nghĩa đã phải đầu hàng Gestapo. Đấy là lúc Goering phát biểu ở Bộ tài chính : “Tôi đã nói với các ông rằng khi vị chỉ huy tối cao muốn 2 + 2 = 5 thì cũng là đúng!”

Mặc dầu có nhiều sự đề phòng, những tiếng kêu báo động gay gắt về những việc làm đồi bại của Gestapo vẫn truyền khắp trên nước Đức, mà những người khốn khổ rơi vào móng vuốt của nó phải chịu đựng.

Chúng cấm những người mà lương tâm đã trỗi dậy tỏ sự phẫn nộ của họ, bằng cách tuyên truyền “bổn phận của người yêu nước là phải im lặng”.

Theo những tiêu chuẩn của Quốc xã, không phải những kẻ tra tấn, những tên giết người đã đưa đất nước đến bên bờ vực, ngược lại những người tố cáo chúng mới bị coi là những kẻ phản bội và cần bị trừng phạt.

Luận chứng này được khẳng định ngay từ khi bọn Quốc xã mở những chiến dịch quân sự năm 1938. Nó được “những công dân tốt” chấp nhận nhẹ nhàng. Họ chỉ muốn được yên ổn trong sự mê muội.

Hàng triệu người Đức đã chơi trò ú tim với chính bản thân họ; hay ít ra là họ cũng làm như dốt nát, nhưng thật vô cùng khó khăn phải làm nhu vậy, vì rằng sự dốt nát mà họ phải đóng là thực tế. Bởi vì họ không bao giờ chịu khó tìm hiểu mình cho chính xác. Làm như kiểu người dân trung thực, họ phải bằng lòng với điều gì mà người ta muốn bắt họ hiểu.” - Đó là lời của Gisevius. Nếu có một sự kiện tình cờ bị ở trong thế thụ động, đôi khi chúng cũng phải tự vạch trần những việc làm quá đáng của những tên thuộc cấp. Khi ấy giống như có một sự hồi tiếc: “A! Nếu ngài Hitler biết được chuyện này!”

Nhưng khốn thay, tên chỉ huy tối cao mất mặt trong đám mây mù nên khó khăn để nắm biết được những việc làm của bọn Gestapo, để có thể đấu tranh cho cái thiện của dân chúng và quên những sự lạm dụng quyền lực, những điều khủng khiếp mà Gestapo đã nhân danh Hitler thực hiện. Nhưng chắc chắn không phải hắn không biết... Hitler biết rõ tất cả những việc đó. Nhưng hắn không thể nói được gì về những hành động của bọn Gestapo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2010, 05:57:08 pm »


Những người chống đối lại chế độ Quốc xã đành phải rút vào bí mật. Ông Gisevius viết rất rõ ràng: “Chế độ cực quyền và sự chống đối là do hai quan niệm chính trị sinh ra.” Sự chống đối của người Đức dấy lên từ 1934, nhưng cũng đã giảm bớt ý nghĩa. Những tổ chức chính trị và các nghiệp đoàn là nền tảng cho những phong trào chống đối, dù hoạt động bí mật, cũng đã bị bọn Quốc xã triệt hạ.

Những người cầm đầu các phong trào đối lập đều bị bắt giam hoặc phải lẩn trốn. Những hạt nhân đấu tranh hiếm hoi được thành lập lại, nhưng cũng chỉ có thể hoạt động rất hạn chế, nhỏ hẹp, vẫn bị theo dõi sát sao. Đôi khi chính là một người trong các tổ chức ấy phản bội, tố cáo đồng sự với Quốc xã.

Vài sự thắng lợi không làm cho bọn Quốc xã mất cảnh giác. Chúng hiểu rằng sự nhẫn nhục này chỉ là bề ngoài và còn có nhiều nỗi hờn căm đang ấp ủ. Những người lưu vong, nhất là những người Cộng sản, thâm nhập bí mật vào Đức với những truyền đơn, những cuốn sách nhỏ, họ có nhiều chứng cớ đầy đủ để tuyên truyền chống lại chế độ quốc xã. Gestapo ráo riết săn lùng những người phát truyền đơn. Khi bắt được những người này, chúng đưa ngay họ vào trại tập trung và không để họ được chết lặng lẽ trong xà lim của nhà tù Prinz Alberchstrasse.

Giải thích lý do về việc thành lập Gestapo, Goering nói: “Tôi đã có một đòn xứng đáng bắt hàng ngàn đảng viên Cộng sản để ngăn chặn ngay từ đầu mối hiểm hoạ, mà khó có cách nào để trừ diệt. Cần phải hành động để chống lại những hội bí mật bằng cách thường xuyên giám sát chúng. Vì thế cần phải có một lực lượng chuyên trách đặc biệt.”.

Lực lượng “chuyên trách đặc biệt” ấy có được thuận lợi là nhờ vào quyền hạn quá mức, trên cả luật pháp.

Sau này Schweder đã viết: “Lực lượng cảnh sát chính trị bao trùm tất cả, bởi vì nó có quyền hành tuyệt đối. Nó đánh không thương xót bằng biện pháp trừng phạt mà nó có quyền sử dụng nhưng cũng trong thời gian đó nó co dãn theo sự sống còn của Tổ quốc và Nhà nước Quốc xã, mà nó phục vụ.”

Giáo sư Hubert, nhà luật học Quốc xã, cũng khẳng định về Gestapo: “Nó cần phải có thời hạn để đạt được thực chất bằng những hành động công khai.”

Thời hạn ấy đã đến khi những tên Gestapo chứng minh được tính đúng đắn của lý thuyết ấy một cách đáng kinh ngạc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2010, 05:57:39 pm »


5. Gestapo chống lại Roehm

Với Himmler, chỉ huy tối cao của S.S và Heydrich, chỉ huy cơ quan trung ương Gestapo, thì Gestapo đã hoàn toàn thuộc dưới quyền của S.S.

Mùa xuân năm 1934 khi Himmler củng cố xong quyền lực, thì cuộc cạnh tranh với Roehm cũng đến hồi ác liệt.

Theo lý thuyết thì Himmler chỉ là người trợ tá của Roehm, vì S.S chỉ là một bộ phận của S.A. Nhưng thực tế Roehm không hề có một quyền hành nào đối với S.S. Dẫu vậy Himmler vẫn nóng lòng muốn tách S.S khỏi hẳn S.A. Gestapo đã thực sự ở trong tay Himmler và Roehm không có quyền nhòm ngó đến tổ chức này. Còn Goering, hắn chỉ chờ dịp hạ bệ vĩnh viễn kẻ thù lâu đời, Roehm. Vậy là tham mưu trưởng S.A bị đặt dưới sự giám sát của Gestapo.

Himmler, Heydrich, lúc này thêm Goering, đã tập hợp đầy đủ tài liệu để lập một hồ sơ đệ trình lên Hitler xin xem xét lại vai trò của Roehm, người bạn lâu đời và đã là chỗ dựa vững chắc cho Himmler trước đây.

Cũng như Goering, Himmler, Roehm sinh ra ở xứ Bavière trong một gia đình tư sản. Vóc người to lớn, tính khí rất nóng nảy. Với lớp mỡ bao bọc lấy các cơ bắp, nhưng Roehm chưa đến nỗi béo phì như Goering. Dẫu vậy Roehm là kẻ tham ăn. Hắn có thể tọng vào mồm vô số thứ khi ngồi trước bàn tiệc. Thân hình béo múp, khoẻ mạnh, Roehm bộc lộ rõ những bản chất của một kẻ tàn ác khó tưởng.

Khuôn mặt hắn gần tròn, hai lớp cằm núng nính mỡ, hai cái má sệ, mặt sùi đỏ vằn lên những tia máu và đường gân xanh. Dưới cái trán rộng và thấp là đôi mắt ti hí liếc nhìn rất nhanh, hoắm sâu vào trong đồng tử và bị lớp mỡ ở má che gần khuất. Có một vết sẹo rạch sâu trên mặt, khắc họa thêm sự tàn ác của hắn. Chiếc sẹo này chạy suốt từ gò má bên trái đến tận gần mũi, gần như là chia cái má bên trái làm hai phần. Sống mũi dẹt, đầu mũi tròn và đỏ, khoằm như mỏ diều hâu, làm cho bộ mặt có vẻ rất hề. Bộ ria ngắn và cứng hình tam giác che gần kín môi trên quá dài và chiếc miệng mỏng, rộng.

Khác với giới quân sự Phổ truyền thống, Roehm không có cái trán hói. Tóc hắn cắt ngắn nhưng luôn chải chuốt cẩn thận. Hai tai to, phần trên tai cong ra phía ngoài như một vật nhọn, làm cho bộ mặt của hắn hơi giống như thần Rượu nho. Roehm là tên khoác lác, rượu chè truỵ lạc, lúc nào cũng có một bọn thanh niên vây xung quanh, một bọn được lựa chọn bởi vẻ đẹp mã như thời Hy Lạp cổ đại. Khi đám thanh niên này bị sa thải thì họ cũng đã bị làm cho đồi bại. Đó là những tên đồng tình luyến ái làm đủ công việc như lái xe và hậu cần.

Roehm tiếp thu những thói quen này trong quân đội, những thói vẫn được coi như sự sang trọng của giới sĩ quan. Khi một tờ báo của phe Dân chủ đăng những bức thư của Roehm gửi cho bạn bè thân mật của hắn là các cựu sĩ quan, Hitler đã phẫn nộ gọi Roehm đến chất vấn. Roehm cười ngượng nghịu thú thật hắn là người đồng tình luyến ái. Cuối cùng Hitler cũng bỏ qua chuyện này, vì Roehm đã có công làm cho S.A trở nên đáng sợ. Có 34 đội cảm tử và 10 đội S.A dưới quyền chỉ huy của hắn. Đến giữa năm 1931, hắn đã tập họp được 400.000 tên cho hai đội trên.

Roehm thấm sâu lý tưởng Quốc xã và tham vọng đối với vai trò một sĩ quan. Người ta muốn coi như Hitler là “đứa con hoang của hòa ước Versailles” (Hitler bị gạt ra khỏi hiệp ước này). Nhưng Roehm, với sự sáng lập S.A, đã ẩn ý muốn trả thù quân đội. Còn Hitler đang bị vướng vào công cuộc chống lại cách mạng, chống lại bọn “đỏ”, tức là những người Dân chủ và Cộng hòa.

Lúc này Roehm đã coi khinh, vứt bỏ mọi nguyên tắc của quân đội vì nó không có khả năng mang lại thắng lợi. Lệ thuộc một cách vô ý thức về thuyết di truyền linh hồn, Roehm tin tưởng sẽ phục hồi sự vĩ đại của quân đội Đức, bằng cách gạt bỏ hết các lề lối hình thức cũ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2010, 05:58:02 pm »


Khi Goering và Himmler đã nắm được quyền lực của S.A và dùng lực lượng này gieo rắc mọi nỗi kinh hoàng trên đường phố chúng đã giám sát chặt Roehm. Hai kẻ đồng minh này tiến hành phá hoại ngầm và dựa vào Hitler để làm chuyện đó.

Đó là thời kỳ Hitler đã trở thành người chỉ huy tối cao của Reich và đang bận rộn với dư luận quốc tế.

Mùa hè 1933, Hitler muốn cho thế giới thấy về một đất nước có kỷ luật dưới sự lãnh đạo của hắn. S.A tăng cường quấy rối đường phố đã trở thành một tổ chức cồng kềnh.

Bọn S.A hành động theo gương Strasser, chỉ huy đội P.O, kẻ chủ trương dè chừng hết sức đối với những người theo chủ nghĩa xã hội. Chúng nói đến vấn đề quốc hữu hóa các công xưởng, xí nghiệp tư nhân, nói đến vấn đề cải cách ruộng đất v.v... nhưng chúng quên rằng: chỉ vì những chuyện đó mà tháng 12-1932, Strasser phải xin từ chức. Và chính chúng cũng kết tội Hitler là “phản bội cách mạng”.

Việc chinh phục quyền lực đối với Roehm chỉ là bước đầu. Hắn hô hào S.A phải liên kết với nhau. Trong lời kêu gọi cảnh giác, Roehm đã nói với bọn S.A: “Các anh đừng rời xa cái thắt lưng”, có nghĩa là phải luôn ở tư thế hành động. Không phải chỉ có S.A mới gợi lại những nguyên tắc xã hội của N.S.D.A.P. Ngày 9-5-1933 ở Beuthen, Brückner, thống đốc của Silésie thượng đã tấn công dữ dội các hãng công nghiệp lớn, theo hắn ở đây đã “có sự kích động thường xuyên”. Brückner cũng đã bị cách chức, bị đuổi ra khỏi Quốc xã và đến năm sau thì bị bắt ở Berlin. Koeler, chủ tịch liên hiệp thợ thuyền quốc xã kêu gào: “Chủ nghĩa tư bản đã đưa ra những quyền về lao động theo điều luật mà nó ấn định, sự đàn áp người lao động của nó là vô đạo đức Cần phải xóa bỏ.”

Tháng 7, Kube, phụ trách nhóm Quốc xã ở Phổ bắt đầu tấn công các địa chủ. Hắn nói: “Nhà nước Quốc xã bắt những tên chủ ruộng đất phải nhả một phần ruộng đất cho nông dân sử dụng.”

Những kẻ ngây thơ đó quên rằng mọi nguyên tắc lớn đều phải do những tên chỉ huy tối cao của Quốc xã đẻ ra.

Nhưng thực tế, những mệnh lệnh của cấp trên, không lâu lại đã giống như những điều mà Brückner, Koeler hay Kube nhằm đến. Khi Hiler quyết định cải tổ lại nền công nghiệp “theo những ý tưởng mới”, thì chính M.Krupp Von Bohlen được chỉ định là chủ tịch hội đồng kinh tế trung ương, gồm 17 thành viên là những chủ tư bản lớn ở Đức: Krupp, Siemens, Bosch, Thuyssen, Voegler và những chủ nhà băng như: Schroeder, Reinhardt, Von Finck v. v...

Hội đồng kinh tế trung ương được thành lập từ ngày 15-7, và áp dụng ngay những cách thức “chủ nghĩa xã hội” một cách lạ lùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2010, 05:59:53 pm »


*

Những lời huênh hoang không làm cho Hitler bận tâm. Hắn dễ dàng đưa mọi chuyện vào trật tư. Nhưng Hitler phải dè chừng trước hết chính là Roehm. Về nguyên tắc chỉ huy tối cao lực lượng S.A phải là Hitler và Roehm chỉ là người do Hitler chỉ định để chỉ huy S.A, nhưng Roehm đã làm như S.A là của riêng hắn. Và đám lính S.A cũng thuộc loại đáng nể sợ.

Đã đến lúc Hitler thấy cần phải trừ diệt cái mầm mống muốn nhấn chìm hắn và đám thuộc hạ trung thành. Ngày 1-7, Hitler triệu tập họp các chỉ huy của S.A tại Bad - Reichenhall, thuộc Bavière, cảnh báo rằng sẽ không thể có cuộc cách mạng thứ hai. Đó như một ẩn ý báo trước không úp mở cho Roehm: “Ta quyết định thanh toán không thương tiếc những dự định đảo lộn trật tự hiện nay. Ta chống đối lại đến cùng một làn sóng cách mạng thứ hai, bởi vì nó sẽ dẫn đến sự xáo trộn to lớn. Với kẻ nào muốn đứng lên để chống lại quyền lực của Nhà nước Quốc xã thì người ta phải khóa tay hắn lại, dù hắn ở cương vị nào.1.

Ngày 6-7, Hitler nói trong cuộc họp những người chỉ huy của Đảng Quốc xã: “Cách mạng không thể diễn ra liên tiếp. Cần phải chỉ đạo dòng thác cách mạng để nó trở nên hiền hòa (...) Cần trước hết phải duy trì được nền kinh tế (…) vì kinh tế là một cơ cấu sống còn. Nó phải được xây dựng theo những điều luật từ trước đã ăn sâu trong đời sống con người.”. Với những ai muốn đẩy bộ máy kinh tế sang một hướng khác, phải được loại ra khỏi, bởi vì họ là “mối nguy hiểm cho nhà nước và quốc gia.”

Vì vậy, những người chỉ huy của Đảng Quốc xã phải coi chừng không để một tổ chức nào của Đảng Quốc xã dính líu vào nền kinh tế. Công việc này do Bộ kinh tế đảm nhận.

Ngày 11-7, Frick, bộ trưởng Bộ nội vụ ký một lệnh ghi rõ sự kết thúc thắng lợi của cuộc cách mạng Đức và nước Đức đang ở trong “giai đoạn phát triển.”

Roehm đã trở thành một can phạm. Thay thế hắn là Schmidt, một nhà tư bản thuộc Bộ kinh tế, sẽ chỉ huy những đường lối mới của S.A. Có nhiều bài đăng trên các tờ báo quan trọng của Quốc xã như Kreuzzeitung, báo Deutsche Allgemeine Zeitung... đã nhắc lại bài diễn văn của Hitler và hoan nghênh “Cuộc chấm hết cho cách mạng Đức” không để lại một chỗ cho sự can thiệp nào khác. Cần phải đưa các cuộc chống đối lại Hitler vào quy củ, không thể để một sự lũng đoạn nào đối với vị trí của ông chủ quốc xã, một vị trí đã được khẳng định.

Lúc này Roehm, được biết sự cảnh báo ấy, đã phải nới bỏ sự đối đầu với Hitler. Chắc Roehm cũng không hình dung ra được trong nội bộ lực lượng S.A đang có sự phân hoá, mà phe ủng hộ Hitler đã mạnh hơn nhiều. Nếu khối đông Quốc xã đứng ra làm trọng tài cho cuộc đối đầu này thì chắc chắn Hitler phải nắm thắng lợi.

Nhưng còn có một lực lượng khác mà hình như Roehm không chú ý tới. Đó là S.A. và S.S do Himmler chỉ huy. Lúc đó S.S đã trở thành đội cận vệ đáng gờm. Năm 1934, quân số của S.S còn kém quân số của S.A, và nó chỉ có 200.000 người. Đến nay S.S đã có tới 95 trung đoàn, hợp thành những đơn vị xuất sắc mạnh hơn các đơn vị của S.A.
___________________________________
1. Cuộc cách mạng thứ nhất: chỉ cuộc lật đổ của Quốc xã đối với nền Cộng hòa Đức - ND.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2010, 06:00:17 pm »


Ngoài ra Roehm cũng còn chưa biết đến đội quân huyền bí của Himmler là Gestapo. Tin chắc vào sức mạnh của mình, Himmler đã không cần che giấu những ý định của mình về đội Gestapo. Himmler mơ ước đến chức bộ trưởng quốc phòng trong nội các của Hitler. Đấy là điều ham muốn tột bực của Himmler. Vì ở cương vị đó Himmler mới có thể rèn giũa đội quân Gestapo, vừa theo tính truyền thống vừa thức thời. Đội quân chính trị này sẽ là lãnh đạo đất nước.

Chính để có được cương vị ấy nên theo yêu cầu của Hitler, Roehm phải về Bolivie và thay thế chức vụ chỉ huy S.A là tướng Blomberg, một địch thủ mà Roehm rất coi khinh.

Roehm đã ngồi ở trụ sở chính của S.A tại Munich. Và mỗi lần đến Berlin, không đề phòng, hắn thường lui tới khách sạn Fasanenhof ở Charlotten-bourg. Tại đây Roehm công khai bình luận về đường lối chính trị của Hitler. Hắn còn thường xuyên mời bạn bè thân cận ăn cơm. Những tên này ít nhiều đều bộc lộ tư tưởng phản loạn.

Roehm cố chịu đựng và không che giấu sự khinh bỉ đối với Hitler. Hắn tức giận vì bị tước mất quyền hành. Hitler đã muốn làm dịu sự khát khao quyền lực và danh dự của Roehm, nên đã bổ nhiệm Rohem là bộ trưởng (không bộ) một chức vụ coi như ngang hàng các bộ trưởng khác trong Đảng Quốc xã và trong bộ máy nhà nước, theo đạo luật ra ngày 1-12-1933.

Roehm nhận ngay ra sự phân biệt khi cùng ngày, Hitler phong cấp cho Rudolf Hess, đại diện của Hitler, đứng đầu “ủy ban trung ương chính trị” của N.S.D.A.P.

Đầu năm 1934, thái độ thù địch của Roehm càng ngày càng bộc lộ rõ, Gestapo giám sát chặt chẽ Roehm, đã nhận thấy có nhiều người cánh tả thường lui lới với Roehm. Hilter luôn nhận được những bản báo cáo về việc Roehm hay bình phẩm Hitler và Hitler không còn có thể yên tâm về Roehm nữa.

Đối với Himmler và Goering, thì Roehm là kẻ thù số một. Tất cả những hành động và cử chỉ của Roehm đều được can thiệp không khoan nhượng. Cả lực lượng S.A cũng bị Gestapo giám sát chặt. Những tên linh S.A hay uống rượu, quậy phá trên đường phố hát những bài ca tục tĩu và cực kỳ phản động:

Treo cổ những tên Hohenzollern lên cột đèn
Hãy để mặc những con chó ấy đung đưa cho đến hhi nó rơi xuống
Treo cổ những con lợn bẩn thỉu trong nhà thờ Do Thái
Và ném lựu đạn vào nhà thờ Thiên Chúa giáo...


Băng ghi âm bài hát này được bí mật đặt lên bàn làm việc của Hitler làm cho hắn tức giận điên cuồng. Hitler đã cố chứng tỏ những người quốc xã là những người biết tôn trọng thể chế và tín ngưỡng. Và chính vị thống chế già là một Hohenzollern được mọi người quý mến.

Không đếm xỉa đến những khiển trách của Hitler, Roehm vẫn cặp kè với những tên S.A trong các cuộc chè chén ghê tởm. Những cuộc chiêu đãi do Roehm tổ chức để lấy lòng bọn lính S.A, thường gây ra những tai tiếng quá đáng - những hành động phóng đãng của Roehm gần như công khai. Những kẻ thân cận của hắn càng lợi dụng ý tưởng của Roehm để có những hành động nghiêm trọng hơn. Ví dụ như tên Karl Ernst, một tên bán bánh mì, sau đó làm nghề gác cầu thang máy, bảo vệ quán ăn, đã được đề bạt làm chỉ huy S.A ở Berlin do những thành tích bất hảo. Tên Karl Ernst đã dùng tiền tước đoạt của dân chúng để tiêu pha phung phí. Những việc làm của hắn được báo cáo tỉ mỉ cho Hitler.

Nhưng Hitler vẫn có nỗi lo sợ mơ hồ khi công khai chống lại Roehm. Có một chút hàm ơn pha lẫn với tình cảm của cấp dưới, khi Hitler còn ở quân đội, đối với đại úy Roehm. Tất cả những điều đó đã ngăn cản Hitler thí Roehm, vậy tốt nhất là để Roehm cho những kẻ thù của hắn hành xử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2010, 06:00:45 pm »


Đầu năm 1934, Roehm đã thấy được những báo động nguy hiểm. Hitler hiểu rõ sự thù địch của quân đội đối với lực lượng S.A do Roehm chỉ huy. Hitler cũng tìm cách xoa dịu các nhà tư bản và những cường hào ở miền Đông nước Đức. Hitler muốn để cho quân đội kiểm soát lực lượng S.A nhưng các sĩ quan quân đội không muốn nhận “quà biếu độc hại” này chút nào, họ sợ những tên lưu manh của Roehm làm lụn bại những tập tục cổ truyền của quân đội.

Hitler không thể quên được rằng: khi một chế độ không nắm được quân đội của mình, thì sẽ không có gì đảm bảo sự chắc chắn của nó. Trước đây nền cộng hòa đã mặc cả với quân đội, và nay Hitler lựa chọn thỏa hiệp bằng cách đưa S.A vào dưới quyền quân đội.

Chỉ có một nạn nhân là tướng Von Hammerstein, chỉ huy trưởng đội quân S.A bị cách chức vào cuối năm 1933, do có quan hệ với cựu tổng trưởng Von Schleider. Chức vụ của Hammerstein được giao lại cho Von Fritsch, một viên tướng cũ và là bạn thân của tổng thống Hindenburg.

Sự chứng tỏ thiện ý ấy đã làm cho các viên tướng trong quân đội yên tâm.

Trong cuộc họp với các tướng ở Ulm, Blomberg đã nói: “Về phía chúng tôi, chúng tôi hết sức tin tưởng và tán thành không chút ngần ngừ việc sáp nhập vào quân đội. Chúng tôi vẫn sẽ tận tâm trung thành. Chúng tôi chỉ có một nguyện vọng là sống và làm việc. Và nếu cần phải chết trong quân đội mới, chúng tôi sẽ chết với bầu máu mới.”

Đối với quân đội, Hitler cũng xoa dịu bằng việc đề ra những luật lệ mới: Những tổ chức chính quyền có viên chức là người Do Thái hay là hậu duệ của Do Thái, bị sa thải ngay không cần một lý do nhỏ nào. Việc này cũng được áp dụng trong quân đội.

Nhưng ngày 31-5-1934 quân đội đã bác bỏ điều luật này. Lý do chỉ vì sẽ có rất nhiều sĩ quan bị loại bỏ, vì hầu hết họ thuộc dòng dõi quý phái ở Đức, hay tổ tiên họ là người Do Thái, từng được tặng thưởng rất nhiều huân chương và huy hiệu.

Dù sao “việc thanh lọc” này cũng được tiến hành bí mật: 5 sĩ quan, 2 học viên sĩ quan, 31 hạ sĩ quan và binh lính đã bị bắt giam. Ở hải quân cũng có 02 sĩ quan, học viên sĩ quan, 5 hạ sĩ quan và thủy thủ bị loại trừ.

Việc sáp nhập S.A vào quân đội đã được thực hiện. Nhưng chỉ còn một cản trở để hoàn thành công việc này, đó chính là Roehm.

Roehm hắn thấy lo sợ, vì quân đội đã chia sẻ những tay chân thân cận của hắn. Roehm nhằm vào những người thuộc phe cánh xã hội của đảng để đưa những mệnh lệnh đã bị cấm.

Ngày 18-4-1934, trước các đại diện báo chí nước ngoài đến dự họp ở Bộ tuyên truyền, Roehm không ngần ngại khẳng định: “Cuộc cách mạng mà chúng tôi đã tiến hành, không phải là cuộc cách mạng quốc gia, mà là cuộc cách mạng của Quốc xã. Chúng tôi chỉ nhấn mạnh đến từ “xã””.

Cuối tháng 5, Heines, viên trung úy của Roehm tuyên bố ở Silésie: “Chúng tôi có bổn phận là người cách mạng. Chúng tôi mới chỉ bắt đầu và chỉ ngừng lại khi cuộc cách mạng ở Đức thực sự hoàn thành.”

Nhưng Gestapo đã canh chừng mọi hành động và lời nói của phe cánh Roehm. Mọi tài liệu thường xuyên được báo cáo cho Hitler. Công việc đang được chuẩn bị. Tiếp sau đó lại có một sự kiện xảy ra. Đầu tháng 4, Hitler có cuộc du hành ngắn ngày trên chiến hạm Deutschland. Khi tàu ra ngoài khơi ở Kiel, Hitler đã gặp Blomberg.

Người ta cho biết là Blomberg đã đề nghị với Hitler cho loại trừ Roehm cùng ban tham mưu S.A và Hitler đã chấp nhận điều đó để hoàn thành việc chinh phục quân đội. Nhưng đấy mới chỉ là một giả thuyết. Thực ra ý định thanh toán Roehm đã có trong đầu óc của Hitler từ lâu rồi.

Bị sức ép của quân đội, của Goering, của Hess và lực lượng P.O của Himmler và lực lượng Gestapo, Hitler vẫn chần chừ rất lâu, theo thói quen của hắn. Qua một thời gian dài không dứt khoát, rồi với một sự quyết tâm tàn ác đến khó hiểu, và do đó, Hitler được tôn xưng là “nhạy cảm”, như một điểm đánh dấu “thiên tài” của hắn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2010, 10:07:32 pm »


6. Gestapo thanh toán Roehm

Hitler đi Ý vào ngày 14-6-1934 trong bầu không khí căng thẳng tiềm tàng. Mussolini mời Hitler đến thăm nước Ý. Hitler cùng đoàn tuỳ tùng rất hạn chế, đã đi máy bay đến Venise.

Ở đây Hitler đã gặp bộ trưởng Von Neurath và đại sứ Đức Von Hassell, về phía Ý, Mussolini đi cùng với em rể Ciano, thứ trưởng Bộ ngoại giao Suvich và đại sứ Ý ở Berlin là Cerutti.

Đây là lần đầu tiên hai nhà độc tài gặp nhau. Mussolini xử sự hơi tự do quá trớn đối với Hitler kẻ mà bắn chỉ coi như là một tên học trò.

Hitler hơi thất vọng vì kết quả không đáng cho một chuyến đi. Rồi thất vọng ấy đã nẩy mầm cho một tai họa mà hậu quả của nó là thật đặc biệt.

Ngày 17-6, Von Papen, cựu thủ tướng Cộng hòa và nay là phó tổng thống của Hitler, đã đọc bài diễn văn trước các sinh viên ở một thành phố nhỏ Marburg. Người ta chờ đợi một bài diễn văn vô hại, nhưng Von Papen lại tung ra quả bom ở giữa nơi công cộng.

Mặc dầu những lời đe dọa của Hitler cấm “làn sóng phản cách mạng”, mặc dầu những bảo lãnh công khai cho những thế lực kinh tế tư sản, những đảng viên bảo thủ vẫn lo ngại sự đe dọa nhằm chống lại họ của phe cực hữu quốc xã và của bọn S.A. Chính Von Papen, nhân danh những người bảo thủ tuyên bố với Hitler, nhắc cho Hitler đừng quên thỏa thuận về sự giúp đỡ những đảng viên bảo thủ mỗi khi Hitler nắm được quyền lực.

Von Papen muốn có một điều là người ta đừng làm mất giá trị của những công dân tiên phong và những người yêu nước. Người ta cũng đừng làm những trò lố lăng, đừng xúc phạm đến trí tuệ và tinh thần, đặc biệt là đối với tín ngưỡng, như Roehm và cộng sự của hắn đã làm một cách thô tục. Cuối cùng cần phải có một nền tảng toàn cục: chế độ của một đảng thống nhất. Cần phải định hướng cho những cuộc bầu cử tự do và tái xây dựng lại một vài đảng.

Hitler đồng ý với đề xuất ấy. Sau quân đội, bây giờ là giới tư sản muốn lấy cái đầu của Roehm. Von Papen là thành viên của Chính phủ. Bài diễn văn của Von Papen đã được thống chế - tổng thống hoan hô nhiệt liệt. Ông Hindenburg đã gửi bức điện tín khen ngợi Von Papen. Ý kiến của Von Papen cần phải có sự đồng tình của quân đội và những đại diện của giới tài chính và công nghiệp, Von Papen đưa ra một tối hậu thư. Tất cả mọi việc ấy đều đáng chú ý. Nhưng Hitler không chịu để những cuộc tấn công trực diện như vậy nhằm vào chế độ Quốc xã. Hắn liền ra lệnh phải dùng đến mọi biện pháp để đối phó. Các báo chí bị cương quyết cấm không được đăng lại bài diễn văn của Von Papen. Nếu báo nào đã đăng cần phải thu hồi lại.

Goering, Goebbels và Hess đã đe dọa trên đài phát thanh: “Đứa trẻ lang thang hỗn láo” ấy lại muốn ngăn cản Quốc xã thực hiện quyền lực. Lúc này hoàn cảnh đã gay gắt, Roehm, câu kết với các hội sĩ quan, buộc phải nghỉ việc để “chữa bệnh thấp khớp cánh tay.”

Để đánh trả lại bài diễn văn của Von Papen, nhưng vì không thể đánh vào ông phó tổng thống (chỉ Von Papen) nên Gestapo chỉ còn biết lưu lại một điểm để trả thù sau này.

Gestapo cũng không khó khăn gì trong việc sử dụng máy nghe trộm và cho người dò xét xung quanh Von Papen để phát hiện ra tác giả thực của bài diễn văn ấy: luật sư Edgar Jung, một nhà văn trẻ, là một trong những cha đẻ của lý thuyết “Cuộc cách mạng bảo thủ”.

Edgar Jung là trí thức tự do đã đạt được thắng lợi trong vài cuộc nói chuyện trước công chúng.

Ngài 21-6, sau khi Von Papen đọc bài diễn văn được bốn ngày, chỉ còn luật sư Edgar Jung lưu lại một mình ở Munich trong vài giờ. Khi bà vợ Edgar Jung trở về nhà đã phát hiện thấy người chồng bị mất tích. Bà sục tìm khắp nơi không thấy chồng đâu, chỉ thấy ở buồng tắm có găm một mảnh giấy do Edgar Jung bí mật cài lại vẻn vẹn có một chữ “Gestapo”.

Ngày 30-6, người ta phát hiện ra xác của Edgar Jung trong cái hố bên đường đi Orianenburg. Sau này người ta còn được biết: trước khi Edgar Jung bị bắn chết anh đã bị giam ở xà lim, bị hỏi cung và tra tấn khủng khiếp.

Heydrich rất lấy làm hãnh diện về việc chứng tỏ quyền lực của Gestapo. Hành động của Gestapo trong vụ Edgar Jung là nhanh chóng, sạch sẽ và có tác động mạnh.

Câu chuyện nhỏ này của Gestapo chẳng qua chỉ là một thủ đoạn đơn giản được lặp lại. Bây giờ đến lúc phải tấn công vào Roehm. Hitler đã quyết định gạt bỏ Roehm, nhưng còn chần chừ chưa biết sử dụng cách gì mà thôi.

Himmler và Gestapo đã đứng ra đảm nhận công việc đó. Goering tỏ vẻ sốt ruột. Bản năng giết người của hắn đã trỗi dậy. Hắn không thể tha thứ cho Roehm về những lăng nhục vừa qua.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2010, 10:09:20 pm »


*

Gestapo hăng hái tập hợp những tài liệu mà nó đã thu thập ở Roehm, và cả ở những bọn vô lại xung quanh Roehm từ nhiều tháng trước.

Những cuộc gặp gỡ bình thường, những cuộc nói chuyện vô hại... đều được chú giải tỉ mỉ. Học viện Hermann Goering cũng thực hiện việc cài máy nghe trộm ở nhà Roehm.

Gestapo khai thác tất cả những tài liệu này, từng đoạn, từng câu, từng chữ và vài tên người. Đây là một công việc ghép mảnh. Với những tài liệu tạp nham, lủng củng, cần phải kết hợp nó lại thành một tài liệu chính thức. Một tài liệu có thể làm cho Hitler phải sợ và phải ra lệnh xử lý tàn nhẫn đối với Roehm. Vì chỉ có một cuộc mưu phản, một cuộc đảo chính cập kề, đe dọa tính mạng Hitler mới có thể làm cho hắn thoát ra khỏi sự chần chừ.

Hồ sơ Roehm được hình thành. Bây giờ chỉ cần gẩy ngón tay là mọi việc sẽ được tiến hành ngay.

Roehm muốn cưỡng bức Hitler thành lập quân đội nhân dân cách mạng mà Roehm sẽ là chi huy tối cao.

Để đạt được điều này, Roehm muốn dùng vũ lực, nghĩa là gây ra cuộc đối đầu để buộc những đồng minh mới của Hitler phải khuất phục và buộc Hitler phải quay về với những người bạn cũ, những dũng sĩ trung thành, những cựu chiến binh của S.A.

Nhưng những lời nói bạo lực, những hành động thái quá, những sự bất cẩn của Roehm đều được hàng ngàn tai mắt của Gestapo ghi nhận và chúng đã thấy ở Roehm không chỉ ý định lật đổ Hitler mà còn muốn ám sát hắn.

Cảm thấy có sự nguy hiểm, Roehm đã ra tay trước. Qua một thông báo ra ngày 19-6, Roehm lệnh cho lực lượng S.A nghỉ một tháng bắt đầu từ ngày 1-7, cấm các lính S.A được mặc quân phục trong thời gian ấy. Việc này làm cho Hitler yên tâm về những lời đồn đại đảo chính.

Để thanh minh điều đó với Hitler, Roehm đã đi nghỉ ở khu suối nước nóng tại Bad Wiesee, Bavière, miền Nam Munich.

Sự tránh né của Roehm đã làm cho Goering và Himmler tức giận đến cực điểm. Nhưng chúng không thể để con mồi thoát một cách nhẹ nhàng.
Victor Lutze một Obergruppenführer, phó của Pleffer không bao giờ tha thứ cho Roehm, vì khi Pleffer chuyển đi nơi khác Roehm đã không cử Lutze vào chức vụ thay thế Pleffer.

Lutze đã đến thăm Von Reichenau, một sĩ quan tán thành Quốc xã, để báo cho tên này biết tin về những dự định của Roehm muốn “ép” Hitler phải có ngay một quyết định.

Các sự kiện xảy ra dồn dập. Himmler và Goering năn nỉ Hitler sớm cho hành động vì cuộc lật đổ đã đến gần. Nhưng lúc đó có rất nhiều dấu hiệu chứng tỏ không có cuộc lật đổ nào khiến người ta phải lo sợ.

Ví dụ: Karl Ernst, chỉ huy lực lượng S.A ở Berlin - Brandeburg, sẽ có vai trò chủ chốt nếu xảy ra một vụ bạo động, đang thu xếp hành lý để đi thanh tra ở Madère và ở Canaries. Ernst đã được phép của Roehm cử đi công cán. Có rất nhiều chỉ huy của S.A đang lợi dụng tháng nghỉ phép này để đi du lịch.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM