Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:44:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Gestapo  (Đọc 102133 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #200 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 11:17:23 pm »


*

Ngày 11-11-1942, những cán bộ cao cấp của Bộ quốc phòng, Bridoux, Aupthan và Jannekeyn ra lệnh cho quân đội trong thời kỳ đình chiến không được tổ chức cuộc chống cự nào. Ông Bousquet cũng phải truyền đạt mệnh lệnh này cho cảnh sát, vì thế đội quân Đức tiến xuống khu vực phía Nam nước Pháp không gặp trở ngại nào.

Ngày 8, quân Mỹ đổ bộ lên Algérie, trong khi quân Đức tiến vào Tunisie. Quân Đức không tin là nhân dân Pháp lại nồng nhiệt đón chào quân đội Mỹ khi quân Đồng minh đổ bộ lên vùng bờ biển Méditerranée. Trong đêm 10 và 11, một chỉ thị hăm dọa gửi đến chính phủ Vichy là quân đội Đức cần thiết phải chiếm lấy vùng ven biển Méditerranée. Vào lúc 7 giờ sáng ngày 11, những đơn vị quân đội Đức đã vượt qua đường ranh giới tiến quân xuống miền Nam, thực hiện kế hoạch đã định sẵn từ lâu dưới cái tên chiến dịch Anton.

Ngay buổi sáng hôm đó, Von Rundstedt đến Vichy để báo chính thức cho thống chế Pétain việc quân Đức đã chiếm xong miền đất vẫn gọi là “Tự do” của Pháp. Những trung đoàn quân đình chiến đã nhận lệnh của Bridoux phải rời bỏ vị trí trong các doanh trại để tránh khỏi bị bắt làm tù binh.

Những đội quân tiến về phía Nam gồm có 6 đội đặc công chiến đấu (Einsatzkommandos) chiếm 6 tỉnh của Pháp và đóng quân ở đấy. Những đội quân này của Oberg và Knochen đã thành lập ở miền Nam những cơ sở phụ của Gestapo và S.D, dù từ lâu chúng đã cài những trạm quan sát các trạm hoạt động dưới hình thức như: đội đình chiến, hội chữ thập đỏ của Đức, lãnh sự Đức... Các nhân viên Gestapo và S.D đã hoạt động bí mật để thu thập tình hình. Tên tư lệnh quân đội Đức chiếm đóng, Geissler chính thức đặt một đại diện lực lượng cảnh sát bên cạnh chính phủ Vichy để tiến hành các thủ tục bắt giữ người kể từ ngày 11-11.

Bắt đầu từ ngày 11, 12 và 13, 14, Gestapo cũng đặt các tổ chức của chúng trong các vùng. Các tỉnh lỵ, huyện lỵ của vùng quân đội chiếm đóng ở miền Nam cũng thành lập một lực lượng đặc công chiến đấu. Đến đầu tháng 12 thì những đội đặc công này chuyển thành lực lượng của Sipo-S.D. Những mạng lưới của Gestapo và S.D giống như các tổ chức chúng đã thành lập ở miền Bắc bị chiếm đóng, như ở Limoges, Lyon, Marseille, Montpellier, Toulouse và Vichy. Những tổ chức này lại phân nhánh ra khắp nơi, cũng như cách chúng đã làm ở miền Bắc, ngoài ra chúng còn đặt một loạt các trạm phụ trong các tỉnh và các vùng. Công việc này làm xong thì mạng lưới cảnh sát chặt chẽ của Đức đã hoàn toàn phủ kín nước Pháp. Mạng lưới cảnh sát này được cơ cấu như sau:

Trung ương Cục cảnh sát ở Paris kiểm soát toàn nước Pháp, trừ phía Bắc và Pas-de-Calais vẫn là đất của Bỉ; vùng Thượng, Hạ sông Rhin và vùng Moselle vốn thuộc Đức.

Trung ương Cục cảnh sát chia ra làm 17 sở địa phương đóng ở Paris, Angers, Bordeaux, Châlons-sur-Marne, Dijon, Nancy, Orléans, Poitiers, Rennes, Rouen, Saint Quentin, Limoges, Lyon, Marsseille, Montpellier, Toulouse và Vichy. 17 sở cảnh sát có 45 phòng đối ngoại (Đến tháng 6-1944 đã tăng lên 55 phòng) trong đó có 18 phòng không quan trọng lắm (6-1944, giảm bớt chỉ còn 15 phòng) và 3 cục đặc biệt chuyên trách về biên phòng. Toàn bộ có 111 phòng phụ thuộc vào trung ương Cục cảnh sát ở Paris, đảm bảo cho Gestapo nắm trọn nước Pháp đúng vào lúc quân Đồng minh đổ bộ lên nước Pháp. Thêm vào đó còn có ba sở cảnh sát ở Lille, Metz, Strasbourg và những phòng ban đối ngoại của 3 sở cảnh sát này, đưa tổng số các cơ quan cảnh sát ở Pháp lên tới 131.

Cũng cần phải nói thêm có rất nhiều các đơn vị phụ những cơ quan này như: các đội giết người thuê, các đội chuyên trách, các đội đặc công chiến đấu đủ mọi thành phần mà các đội này càng ngày càng phát triển rộng ra khắp nơi, chưa kể đến còn có những đội người Pháp cộng tác hành động, những dân quân, tự vệ v.v...

Người ta thấy rõ mỗi cơ quan Gestapo còn có nhiều nhân viên cài vào các công sở của Pháp, hoạt động với nhiều lợi thế như các đội Kommandanturen, các văn phòng lao động, các cơ quan tuyên truyền v.v... Những người ở đây lại đã tuyển mộ, sử dụng nhiều chỉ điểm, bọn lưu manh trộm cắp, những người tố giác không công hay có lĩnh lương v. v...

Trong tháng 4, Himmler đến Paris để giám sát trung ương Cục cảnh sát, rất hài lòng vì công việc đã thu được nhiều kết quả, nhất là về mặt chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #201 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 11:17:54 pm »


Ngày 30-1, có đạo luật thành lập Sở cảnh binh và Darnand được cử làm chỉ huy trưởng. Tên này được Oberg tin tưởng. Trong thời gian ngắn Sở cảnh binh đã tăng người lên gấp đôi, rồi chiếm luôn nhiệm vụ của cảnh sát Pháp, nắm lấy vai trò hành động như của bọn S.A ở Đức.

Sau 19 tháng tồn tại, ngày 11-2 có sắc lệnh công bố chính thức hóa tổ chức L.V.F do “nhu cầu của nhân dân.” Những người Pháp tình nguyện, được tuyển mộ qua việc tuyên truyền, qua việc được hứa trả lương cao. (Một người lính tình nguyện hạng hai còn độc thân được trả lương 2.400 Francs một tháng. Còn một đại úy độc thân được trả 10.760 Francs một tháng, ngoài ra còn có tiền thưởng tiền trợ cấp cho gia đình, tiền công chiến đấu v.v...)

Người Đức quản lý lực lượng này ngay từ khi họ mới vào trại ở Versailles, sau đó họ được đưa đến trại giáo dưỡng ở Kruzina, đặt ở giữa rừng ở Ba Lan, cách Radom 22 cây số. Sau đó, tổ chức Những đứa trẻ thân yêu của Himmler gọi là Waffen S.S bắt đầu tuyển người khắp nơi trong nước Pháp. Mùa thu 1924 hội nghị Những người bạn của Waffen S.S được tổ chức. Dưới sự chủ tọa của Paul Marion, tổng thư ký Waffen S.S, chịu trách nhiệm về thông tin, có Doriot, Déat, Lousteau, Darnand, Kniffing và Cance, chỉ huy binh đoàn thứ nhất Waffen S.S người Pháp, đã kêu gọi nhân dân giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho các “chiến sĩ” này mang quân phục của lính Đức bảo vệ nước Pháp.

Năm 1943, nước Đức tuyên bố đặc biệt tán thành cách làm của Himmler và đến cuối năm 1943, hắn đã trở thành bộ trưởng Bộ nội vụ, đứng đầu tất cả các lực lượng cảnh sát Đức, người quyết định mọi vấn đề về nòi giống và sinh sản. Hắn chịu trách nhiệm về những người Đức ở nước ngoài hồi hương về Đức Quốc xã, kiêm thêm chức bộ trưởng Bộ y tế, bởi vì bộ này cũng nằm trong Bộ nội vụ.

Himmler là ông chủ lớn của S.S nên quản lý luôn các cơ quan phụ của nó như học viện khoa học, đại học y, cai quản tuyệt đối các trại tập trung, thu lợi nhuận cho S.S rất nhiều, đến nỗi nhà băng Quốc xã của S.S tăng số tài khoản lớn, nhưng nhà băng này đã kín đáo lấy cái tên là tài khoản Max Heiliger. Cuối cùng đến năm 1943, quân đội riêng của S.S đã tăng lên 7 sư đoàn gồm 4 sư đoàn S.S của Đức và 3 sư đoàn Waffen S.S người nước ngoài. Cộng với các sư đoàn cũ thành 15 sư đoàn S.S chiến đấu.

Sự nghiệp của Himmler phát triển theo con đường ngược lại với cơ nghiệp đất nước của hắn. Năm 1943 khi Himmler đạt đến sức mạnh tuyệt đỉnh thì cũng là lúc nước Đức bắt đầu bại trận trên các mặt quân sự, chính trị, mà không thể nào gượng dậy nổi. Bại trận ở Stalingrad, sự sụp đổ của mặt trận Châu Phi, nước Ý bắt đầu lung lay, chế độ phát xít của Ý sụp đổ; khi Mussolini bị hạ bệ, Himmler lấy quyền bộ trưởng Bộ nội vụ đã nắm hết quyền của Quốc xã; khi bom đạn của quân đội Đồng minh hủy diệt Hambourg và khi tướng Jeschonnek, tư lệnh đội quân Luftwaffe tự tử vì thất vọng; khi Manstein chiến đấu giáp lá cà và phải rút lui khỏi sông Dniepr trước sức mạnh tuyệt vời của hồng quân Liên Xô; Himmler đã kiêu hãnh giới thiệu với Hitler sư đoàn quân Waffen S.S, những sư đoàn sẽ ra trận để “cứu lấy Châu Âu.” Những sự tàn phá đất nước, những đau khổ của nhân dân Đức đã dựng nên những bậc thang danh vọng cho Himmler.

Năm 1943 đánh dấu sự chi phối của Gestapo trên toàn nước Pháp. Không có một thành phố, thị trấn hay làng mạc nào thoát khỏi những tên cho thám của Knochen. Ban đêm, dân chúng bịt hết các khe cửa sổ, cửa ra vào để nghe trộm đài B.B.C. Đài này loan báo những tin mừng làm mọi người phấn khởi, hy vọng vào những người kháng chiến Pháp đang chiến đấu ở Châu Phi, rồi truyền về Sicile và Ý. Người ta sẽ không phải chết nữa. Tuy vậy người ta vẫn có thể chết bởi những tên đao phủ rẫy chết làm càn.

Các nhà tù đều chật ních người (chỉ trong năm 1943 có hơn 40.000 người bị bắt giam) nhưng những đội quân du kích ở các nơi đã ngày càng đông hơn, được máy bay Đồng minh thả dù tiếp tế vũ khí, và ngày càng mạnh hơn.

Họ không chịu sang Đức chết thay cho bọn Quốc xã. Họ bỏ trốn, hoạt động bí mật và gia nhập quân du kích. Gestapo đã phải nới rộng cách hoạt động trước tình thế như vậy.

Để đối phó lại tình thế, Oberg đã tìm cách lôi kéo sự hợp tác của người dân Pháp và nhất là của lực lượng cảnh sát Pháp, đang tỏ ra yếu ớt trong các vụ bắt bớ người. Mùa xuân năm ấy, Oberg có Knochen và sĩ quan hầu cận Hagen đi cùng đến Vichy. Pétain đã đồng ý tiếp đón Oberg. Cuộc gặp gỡ này được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Tiến sĩ Ménétrel đã đến Paris trước mấy hôm, gặp Oberg để thỏa thuận những chi tiết của buổi tiếp đón này và họ còn có nhiệm vụ bảo vệ chu đáo cho người đứng đầu nhà nước Pháp.

Pétain tiếp Oberg và hai người phụ tá là Knochen và Hagen ở khách sạn Du Parc. Phía thống chế Pétain có Bousquet và Ménétrel dự cùng. Cuộc họp diễn ra nhanh chóng trong mười phút, thỏa thuận tuyệt đối về việc khai thác lại bản thỏa thuận Oberg-Bousquet trước đây. Oberg và hai phụ tá đã kể lại cuộc gặp gỡ này: “Pétain đã tỏ rõ bản thỏa thuận ấy chỉ được ông và Oberg đồng ý bằng miệng và chua chát nhấn mạnh với Bousquet cần báo trước điều đó cho các cảnh sát trưởng ở từng vùng. Sau đó ông Pétain còn nói với Oberg: “Tất cả mọi việc diễn ra trên đất Pháp đều làm tôi quan tâm.” Khi tiễn khách ra cầu thang máy ông ta còn kết luận: “Với tôi, tôi mong kẻ thù lớn nhất của nước Pháp là bọn Tam Điểm và Cộng sản!”

Sau này Oberg cũng nhận xét về Pétain: “Tôi ngạc nhiên thấy ông ta rất nhã nhặn và có tư duy sắc sảo.”

Sau cuộc đối thoại ngắn ngủi, thủ tướng Laval đã tiếp đón Oberg, mời dự tiệc ở khách sạn Majestic. Cùng dự về phía Pháp có Laval, Abel Bonnard, Ménétrel, Jardel, Gabolde, Bousquet, Rochat, Guerard. Phía Đức có Oberg, Knochen, Hagen, tướng Neubroun và lãnh sự Krugg von Nidda.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #202 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 11:19:02 pm »


*

Những sự cam kết chính thức về hợp tác vẫn không thay đổi được hoàn cảnh thực tế. Hàng ngày báo cáo của các cơ quan Gestapo các địa phương vẫn cho thấy những vùng chiến khu kháng chiến đã phát triển khắp nơi và trong các thành phố có các tổ chức kháng chiến hoạt động bí mật, thường tấn công vào bọn Đức. Bọn Gestapo cũng bắt đầu tuyên bố công khai là chúng sẽ hành động để bảo vệ người Đức, chúng kết tội cảnh sát Pháp đã đồng lõa với những người ngoài vòng pháp luật. Bởi vì, ngoài vài kẻ phản bội hay làm thuê, chỉ vì ham thích chính trị, vì muốn được trả công cao, còn tuyệt đại đa số cảnh sát Pháp phẫn nộ về những hành động của bọn Gestapo đã chống lại những yêu sách của kẻ thù, thường báo trước cho những người Pháp đang bị đe dọa bắt bớ trốn khỏi bàn tay của Gestapo. Những nhân mối trung thành với nước Pháp, thường có ngay trong bộ cảnh sát quốc gia của chính phủ Vichy. Họ tích cực hoạt động bất chấp hiểm nguy. Đã không có cơ quan nhà nước Pháp nào không phải trả phần đóng góp nặng nề các vật cống nộp cho Gestapo và chế độ quốc xã Gestapo đã cho lập một ban đặc biệt để giám sát mọi hành động của cảnh sát Pháp. Ban đặc biệt này do tên Horst Laube trung tá S.S chỉ huy, đã gây ra nhiều vụ bắt bớ và đưa đi đày nhiều cảnh sát Pháp; nhưng chúng không thể nào chặt đứt được các đường dây hoạt động kháng chiến nằm ngay trong các cơ quan của Pháp.

Đầu mùa xuân 1943, Gestapo thấy cần phải thay đổi. Chúng thuyên chuyển người của cục II Pol từ chỉ huy, người có vị trí cao đến người có vị trí thấp, đề bạt nâng cấp cho tất cả mọi người làm việc bình thường, đến các cấp cao của cảnh sát.


*

Hoạt động của quân du kích ở các chiến khu ngày càng tăng, đã làm cho Gestapo lo sợ. Vào giữa tháng 11-1943 xẩy ra sự việc mà bọn Đức gọi là cuộc ly dị giữa Pétain và Laval. Tên Abetz chỉ biết có Laval là nhân vật quan trọng lãnh đạo đất nước, nhưng theo Gestapo thì lực lượng kháng chiến muốn bắt cóc Pétain. Nếu việc này xẩy ra sẽ dẫn đến hậu quả quan trọng trong dư luận nhân dân. Theo một vài nguồn tin thì ông này cũng đang có ý định từ chức, và có vài nhân vật đã khuyên Pétain như vậy.

Oberg đã đặt ra những biện pháp chặt chẽ để “bảo vệ Pétain và toàn bộ chiến dịch này được gọi tên là Opération Fuchsbau - Chiến dịch chó săn cáo. Các vùng xung quanh Vichy đều bị càn đi, quét lại. Tất cả những người tình nghi đều bị bắt hay bị đẩy đi xa khỏi Vichy. Sau đó một vòng vây tổ chức bao quanh thành phố. Những đồn, bốt đóng trên tất cả các ngả đường ra vào thành phố để kiểm soát mọi xe cộ và người qua lại. Ngoài ra còn có các bốt của lực lượng Oripo đóng rải rác ở các vùng nông thôn xung quanh thành phố. Tất cả mọi việc đã được sắp đặt nghiêm mật, thì Skorzeny bất ngờ từ Đức tới cùng với đội đặc công chuyên trách. Skorzeny, với đủ thẩm quyền đảm bảo an toàn cho Vichy bằng các biện pháp cần thiết và chỉ báo cho tướng Von Rundstedt, tư lệnh các lực lượng quân đội ở phương Tây biết trước chuyến đi. Skorzeny kiểm tra lại các lực lượng trong chiến dịch Fuchsbau và đã chuẩn y cách bố phòng. Hắn chỉ gợi ý thêm là cần bố trí lực lượng bảo vệ cho phi trường Vichy “đề phòng trường hợp Anh cho máy bay đến tìm Pétain.” Sau đó y trở về Berlin.

Cuối năm 1943, Oberg đã đấu tranh với Pháp để áp đặt người của hắn vào chức vụ phụ trách cảnh sát Pháp. Đã từ lâu Oberg nhằm vào Darnand người của lực lượng cảnh binh và Waffen S.S. Oberg coi cảnh binh chỉ là “một phong trào” mang màu sắc S.S, có thể thúc đẩy tích cực lực lượng cảnh sát Pháp.

Oberg luôn ủng hộ Darnand và giúp cho Darnand tổ chức tốt đội quân của hắn.

Cuối mùa hè năm 1943, tướng Berger của S.S đã mời Darnand và viên thư ký sang thăm nước Đức. Sau chuyến đi ấy, Oberg càng năng lui tới gặp Darnand. Mùa thu năm 1943, Darnand được tôn là Obersturmführer S.S (tướng S S) người Pháp và Oberg là người trực tiếp báo cho Darnand biết vinh hạnh ấy.

Vào thời kỳ đó, Oberg, Knochen và giới quân sự bắt đầu nghi ngờ thiện chí của Bousquet. Chúng gợi ý với Laval là nên cho thay Bousquet bằng người khác có tư tưởng quốc xã. Cuộc liên minh Pétain-Laval kết thúc vào cuối tháng 11. Nhân dịp này Oberg đã nói với Laval là cần gạt bỏ Bousquet và thay vào đó là Darnand.

Laval tỏ ra ít muốn cử Darnand thay cho Bousquet vì đã nhiều lần Darnand bị coi là “bạn thân của bọn Tam Điểm” và là kẻ đồng lõa với đệ tam cộng hòa. Laval muốn cử Lemoine, vốn là cảnh sát trưởng Marseille, nhưng sau đó lại cho Lemoine giữ chức bộ trưởng Bộ nội vụ, và dùng Georges Hilaire, rồi lại hạ bệ ngay Hilaire.

Ngày 20-12, Bousquet rời bỏ chức vụ bộ trưởng Bộ cảnh sát quốc gia. Trước khi rút lui, Bousquet đã cho hủy một số tài liệu vì không muốn trao cho người kế nhiệm. Ngày 31-12, Darnand đến nhậm chức trong tình trạng cơ quan vắng như sa mạc.

Ngày đó như là ngày đen tối nhất của chế độ Vichy.

Oberg hiểu rằng, sớm hay muộn thì lực lượng của cảnh binh sẽ phải chuyển thành đội S.S người Pháp và chỉ vài tháng sau sẽ đứng vào hàng ngũ của Himmler.

René Bousquet về Paris nhưng bị quản thúc. Ngày 6-6-1944 ngày quân Đồng minh đổ bộ vào nước Pháp, Bousquet bị bắt ở Paris, trong khi cha ông ta cũng đang bị tù ở Montauban. Nhưng độ nửa tháng sau người cha được tha.

Boemelburg chiếm một biệt thự ở Neuilly. Hắn ở đây cùng với người lái xe Braun và một trong nhưng cộng sự là Damelow và được chính phủ Vichy hoan nghênh. Nhưng sau đó Boemelburg bị quân kháng chiến Pháp giết chết. Thay chức vụ của hắn là Geissler.

Ngôi biệt thự ấy rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, đôi khi cũng có vài người tạm trú, đôi khi dùng để giam giữ những tù nhân có tiếng tăm. Bousquet cũng bị giam ở đây độ mười ngày. Sau đó Bousquet bị chuyển về Đức bằng đường ô tô và bị bắt buộc ở trong một biệt thự gần Tegersee. Sau đó vài ngày vợ và cậu con trai 5 tuổi cũng đến với Bousquet.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #203 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 11:20:06 pm »


*

Khi đã yên vị, Darnand nhận được quyền hành rất rộng rãi. Ngày 10-1, có sắc lệnh cử Darnand làm đại diện thường trực chỉ huy toàn bộ cảnh sát Pháp.

Bắt đầu từ đó, lực lượng cảnh binh Pháp được chính thức thành một tổ chức. Những đơn vị nhỏ của cảnh binh Pháp cũng đã trở thành đơn vị phụ thuộc của Gestapo. Chúng đã công khai cộng tác với nhau. Những người bị tạm giam trong ngôi biệt thự đều phải qua tay bọn Gestapo hỏi cung, mà không cần một thủ tục nào cả. Con số người bị bắt đã tăng lên hàng tuần. Chỉ riêng trong tháng 3-1943 đã có hơn 10.000 người bị nhà đương cục Pháp bắt. Cũng cần thêm vào con số người bị Gestapo bắt, mà số này không ai biết được là bao nhiêu. Có nhiều người bị cảnh binh Pháp bắt giam trong nhiều tuần vẫn không được chúng báo cho tòa án hay cơ quan luật pháp biết.

Ngày 20-1, một đạo luật mới cho phép thành lập tòa án binh. Cái tòa án bù nhìn ấy gồm có ba thẩm phán họ tên được giữ bí mật, không có quan tòa. Những cuộc bắt bớ không có lệnh vẫn được thi hành. Tòa án không có luật sư và công tố viên. Đã từ lâu bọn Đức tuyên bố thành lập những phiên tòa đặc biệt để loại trừ những hoạt động kháng chiến.

Chỉ trong ít lâu, Oberg nhận ngay ra việc dùng biện pháp trấn áp đã không được nhanh chóng. Tòa án binh bắt đầu hoạt động ở Marseille vào cuối tháng 1, sau đó ở Paris cũng có tòa án binh xét xử và kết án tử hình 16 người kháng chiến và họ bị bắn chết ngay. Những vụ xét xử của tòa án binh đã giết nhiều người Pháp. Những tên cảnh binh làm công việc đao phủ đều là người Pháp, đeo mặt nạ để che dấu tông tích. Những người Pháp bị bắt chỉ cần có vài lời xì xào cũng đủ để bị kết tội chết, còn công lý chỉ là một khái niệm kỳ lạ mà thôi.

Tòa án quân sự thường mở phiên tòa xét xử vào sau buổi trưa, người ta hình dung ra ba thẩm phán bí mật, vừa rời khỏi bàn ăn đã đến ngay nhà tù để xử án. Mỗi khi chúng đến, nhà tù lại như diễn ra một buổi lễ long trọng. Tất cả người tù phạm tội thông thường được cử ra làm những công việc chung như: quét sân, nấu bếp, mang thức ăn cho các trại tù, làm việc ở phòng thư ký tòa án, đều bị nhốt vào trong xà lim. Một lúc sau, cánh cổng nhà tù mở rộng, chiếc xe tải đi qua cổng, dừng lại trên đường vòng và người ta nghe thấy những tiếng động nặng nề của những chiếc quan tài bị kéo xuống vỉa hè lối đi. Chiếc xe tải đi theo đường vòng đỗ lại một chỗ, rồi lại di chuyển, nhưng lần này các quan tài đã có xác người chết.

Cánh cổng lại rít lên ghê rợn lần nữa. Một toán cảnh binh đi đều, bước chân vang đập vào bức tường của con đường vòng, một lệnh phát ra, tiếng báng súng đập xuống nền gạch lát. Đội quân hành quyết đã sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh.

Tất cả mọi vật đều im lặng. Những người tù trong các xà lim lắng tai nghe tiếng động. Những người không có nhiệm vụ đều phải ở nguyên tại chỗ, chờ những tên làm nhiệm vụ chủ chốt đến. Một cánh cửa nhỏ khẽ động mở ra, tiếng bước chân trên lối đi rải đá sỏi ở sân đằng trước, sau đó là tiếng cửa song sắt rít lên: Phiên tòa bắt đầu xét xử.

Thảm kịch xẩy ra rất nhanh. Một tiếng rì rầm mơ hồ vang ở tầng hầm của nhà tù, tiếng cửa một gian xà lim mở ra rồi đóng ngay lại, những bước chân vang trong phòng tiếp người nhà tù nhân.

Cả nhà tù nín thở. Lúc này không còn phân biệt chính trị hay thường phạm, ai cũng hướng về phía người tù bị dẫn đến “cái bẫy” khủng khiếp ấy để rồi khi ra đã là một xác chết.

Vài phút trôi qua. Có thể là năm hay mười phút. Nếu có nhiều người bị xử tội thì phiên tòa cũng chỉ diễn ra trong 15 phút là cùng. Mười lăm phút ấy như kéo dài vô tận. Sau đó tiếng động cánh cổng, bước chân người xa dần. Phiên tòa đã kết thúc. Đôi khi người ta chỉ còn nghe được vài tiếng kêu thất vọng hay phản kháng, rồi nhanh chóng tắt ngấm ngay. Những cánh cửa sắt ở phòng xà lim khác lại rít lên, những bước chân lạo xạo trên đường rải đá sỏi, cánh cửa nhỏ thông ra đường đóng lại và ba “ông quan tòa” đã thanh thản đi dưới ánh mặt trời ở ngoài phố. Trong khi đó những người tù khác đang vội vã viết lá thư cuối cùng gửi cho người thân.

Lại có những bước chân của toán dẫn giải tù tiến lại gần, một tiếng kêu, tiếng thét vì giận dữ điên cuồng đẫm nước mắt, tiếng hát quốc ca vang trong con đường vòng, hay đôi khi là bài hát quốc tế ca, rồi tiếng kêu xa dần: “Vĩnh biệt các đồng đội. Nước Pháp muôn năm!

Một loạt tiếng súng nổ vang lên, đập vào các bức tường, dội lại thành tiếng động ầm ầm khủng khiếp, vọng vào các góc nhà tù và trong đầu mọi người tù. Một tiếng nổ đanh gọn như tiếng sét. Đấy là phát đạn “ân huệ.”

Trong khi bước chân toán lính hành quyết xa dần về phía cổng, người ta lại nghe thấy những tiếng búa đập xuống nắp quan tài bằng gỗ mộc. Chiếc xe tải lại đi. Thế là hết. Tòa án của tên Darnand cũng kết thúc.

Một lúc sau, cha tuyên úy vào từng xà lim, khuôn nhặt thuỗn ra vì mệt mỏi, đôi mắt cận thị nặng sau mắt kính to lồi, chứa đầy nỗi tuyệt vọng ở trên đời, nghẹn ngào nói: “Các bạn! Các bạn đã biết là những người đồng chí...

Giọng của ông nghẹn ngào: “Họ đã chết một cách dũng cảm. Nếu các bạn là tín đồ hãy cầu nguyện cho họ. Và các bạn nữa, hãy can đảm lên, hy vọng và tin tưởng...

Sau đó cha tuyên úy rút lui, đến từng xà lim nhắc lại lời nói ấy với đầy nỗi xót thương và hy vọng. 12 hay 15 người tù đang chờ sau song cửa sắt để phải ra trước tòa.

Sau khi nước Pháp được giải phóng người ta rất tiếc là không thể vạch mặt những tên thẩm phán của tòa án binh ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #204 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 10:38:52 pm »


PHẦN THỨ SÁU
SỰ SỤP ĐỔ CỦA GESTAPO - 1944


1. Quân đội chống lại Gestapo

Đêm 6-6-1944, có những luồng sáng mơ hồ từ một hạm đội lớn, chọc thủng bóng tối tiến về bờ biển nước Pháp. Một giờ sau, những đội quân của binh đoàn số 21 của tướng Montgoméry đã đặt chân lên bãi cát vùng Calvados và cuộc chiến trên nước Pháp bắt đầu bằng mọi sự mong đợi, hy vọng, nghi ngờ.

Quân đội Đức đã cố trụ lại, chiến đấu dữ dội, bảo vệ từng tấc đất của những vùng đã được tăng cường lực lượng từ nhiều tháng trước. Lúc này vai trò của Gestapo chỉ là thứ yếu.

Binh lính Đức đã chiến đấu đến người cuối cùng vì lệnh của Hitler cấm được rút lui, bọn S.S cũng tham gia chiến đấu, không như Gestapo đã biến đi. Sư đoàn S.S Das Reich đóng quân ở vùng Tây Nam đã hoàn thành nhiệm vụ càn quét các vùng chiến khu một cách hết sức tàn ác, đã đi qua nước Pháp, từ Montauban đến Saint-Lô để giáp trận với quân Đồng minh. Bước chân của chúng dẫm lên hàng trăm xác chết. Có 99 người bị chúng treo cổ, và dân làng Oradour Sur-glane bị bắn và thiêu sống, gục chết dưới những làn đạn của sư đoàn S.S này. Bắt đầu từ tháng 6-1944, họ đã gục xuống cùng với những người dân ở các vùng phía Đông, trong vụ thảm sát tràn lan của bọn Quốc xã.

Nhưng rồi sự tàn ác của chúng cũng phải chấm dứt. Sư đoàn S.S Das Reich đã mất tới 60% quân số trong cuộc chiến ở Saint-Lô, sau đó quân Đồng minh chọc thủng phòng tuyến ở Avranches, xông tới vùng Bretagne, bao vây các đội quân của Đức đang vừa chiến đấu vừa rút lui.

Các tổ chức Gestapo của Oberg và Knochen ở Paris bắt đầu lo sợ. Chúng không còn kịp lẩn trốn vì quân Đồng minh đã tiến rất nhanh vào thủ đô nước Pháp. Vào lúc chúng tháo chạy, quân Đồng minh đã có ngay nhiều biện pháp để duy trì trật tự và tạo điều kiện cho các phong trào, cơ quan kháng chiến Pháp. Các đội quân kháng chiến đã chiến đấu để giam chân quân Đức, không cho chúng rút.

Đối phó với tình hình, Oberg đã ra lệnh bắt giữ tất cả những kẻ cầm đầu cuộc chạy trốn hay về hàng quân Đồng minh. Từ tháng 4 đến tháng 5, hắn đã cho bắt 13 cảnh sát trưởng với lý do làm hại cho nước Đức, và đã bắt một số các nhân vật khác. Ngày 10 tháng 8, 43 người bị bắt và đưa đi các trại tập trung, họ gồm các cảnh sát trưởng, thanh tra tài chính, viên chức cao cấp của kho bạc, các tướng, tá và úy, các chủ nhà băng, luật sư, các giáo sư...

Sau đó, Oberg cho hạn chế các hoạt động của đội A.B. Những biện pháp này không ích gì đối với người dân Paris, vì họ như đang sống trong cơn mê sảng, lóa mắt bởi bước tiến triển nhanh của đội quân giải phóng đang đến gần thủ đô, chỉ còn cách độ 200 cây số. Ngày 14-7 trong nhiều khu phố của Paris, người dân đã đi diễu hành dưới lá cờ tam tài. Đâu đâu người ta cũng chuẩn bị cho cuộc chiến đấu cuối cùng.

Người dân Paris không nghi ngờ thảm kịch ngày 20-7 đã lay động đến các nhà chức trách Đức, đặc biệt là bọn Gestapo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #205 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 10:50:37 pm »


Đã từ lâu có vài người trong giới quân sự định tập hợp lực lượng ngay trong nước Đức nhằm ngăn chặn mọi hành động của S.D và Gestapo. Họ đã thành lập ra những đội chống lại Gestapo. Họ đã chấp nhận từ bỏ một số lợi ích mà chế độ Quốc xã ban phát cho: sự dễ dàng được thăng cấp, được đối xử rộng rãi, chưa nói đến những lợi ích khác mà Hitler thường kỳ ban phát cho các vị tướng1.

Nhưng dù sao thì giới quân sự cũng phải có một hành động can đảm. Trong thời kỳ chiến tranh họ đã khởi động những phong trào chống chế độ quốc xã trong các trường đại học, chống lại sự vô đạo của bọn Gestapo.

Các hệ thống do thám của Quốc xã, cài trong các trường đại học, đã phá tan mọi truyền thống về độc lập, tự do và quyền con người mà các sinh viên trong toàn quốc rất thiết tha.

Ở Munich một nhóm là Hoa hồng trắng đã hoạt động bí mật dưới danh nghĩa của trường đại học.

Trong nhiều năm, hoạt động bí mật của nhóm Hoa hồng trắng cắm rễ vào các câu lạc bộ sinh viên. Họ in và phát các bài thuyết giáo can đảm của đức giám mục Mgr Von Ghen ở Münster. Sau đó vào mùa hè năm 1942 họ sao trích các đoạn trong chuyên luận của Lycurge và của Solon để phân phát cho mọi người.

Đầu năm 1943, các hội viên của nhóm Hoa hồng trắng đã chuyển sang hoạt động bán công khai chống lại chế độ Quốc xã. Các thanh niên đã viết hàng chữ lớn lên các bức tường “Đả đảo Hitler.” Việc làm ấy tuy còn yếu ớt nhưng cũng đòi hỏi phải có lòng can đảm. Sau trận Đức thất bại ở mặt trận Stalingrad vào ngày 18-2, họ đã in nhiều truyền đơn kêu gọi cuộc nổi dậy chống lại Đức Quốc xã, họ ném từng bó truyền đơn vào giảng đường ở trường đại học. Truyền đơn cũng kêu gọi binh lính Đức với danh dự và lương tâm của các sĩ quan, hãy ngừng ngay những cuộc chiến đấu phi nghĩa vô vọng. Canaris và một trong những vị tướng chỉ huy của ông ta là Lahousen bị Kaltenbrunner gọi về Munich, được ủy quyền giải quyết vụ này. Họ đều biết rõ nội dung của những lời kêu gọi ấy.

Ngày 22-2, là ngày chúng sẽ xử bắn những người rải truyền đơn. Lời kêu gọi của những thanh niên Pháp đã vang lên trong tâm tưởng của binh lính Đức, có thể đã thúc đẩy những người của quân đội không thể im lặng.

Các hội viên nhóm Hoa hồng trắng không bằng lòng với việc chỉ rải truyền đơn, nên ngày 19-2, họ đã đi đầu trong cuộc biểu tình tuần hành ở Munich. Đây là cảnh tượng phi thường trong thế giới của Quốc xã. Một viên đội Đức đã nhận ra hai người trẻ tuổi là em trai và em gái của hắn đúng lúc hai thanh niên này đang ở cửa sổ trường đại học ném truyền đơn xuống đường. Hắn vội chạy đến tố cáo hai em hắn với Gestapo. Sự việc diễn ra nhanh chóng. Cũng ngày hôm đó, Gestapo đã bắt ba sinh viên: Christoph Probst 24 tuổi, Hans Scholl 25 tuổi, hai người này là sinh viên đại học y. Còn Sophie Scholl 22 tuổi, sinh viên triết học.

Sau ba ngày bị hỏi cung và tra tấn, cả ba đều bị kết án tử hình và phải hành quyết ngay tối hôm đó. Cuộc điều tra vẫn tiếp tục. Ngày 13-7, đến lượt giáo sư triết học Kurt Huber và sinh viên y khoa Alexander Schmorell, ngày 12-10, sinh viên y Willi Graf cũng bị bắt và xử tử. Ba người này bị “tòa án của nhân dân” xử tử bằng cách lấy rìu chặt đứt đầu. Tên của những người đã phải chết vì lòng hận thù với Quốc xã không được người dân Pháp biết đến. Họ đã phải trả giá cao, để bây giờ mới được người Pháp tôn kính.
_______________________________________
1. Chính vì thế mà ngày 19-7-1940 đã có 12 vị thống chế cùng được phong cấp một lúc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #206 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 10:54:55 pm »


*

Đối với giới quân sự Đức, cuộc bại trận ở Stalingrad đã như chất xúc tác thôi thúc họ nổi dậy. Những người sáng suốt nhất hiểu rõ từ đây nước Đức đã đi vào con đường bại trận. Một quá trình không thể cứu vãn và chỉ còn chờ sự sụp đổ hoàn toàn. Quân đội Đức sẽ tiêu tan cùng với đất nước trong cuộc thất bại lớn lao này. Vậy cần phải cứu lấy những ai có thể cứu được bằng cách nổi dậy chống lại những tội ác do Quốc xã gây ra, quân đội đã nghĩ đến cách hành động trực tiếp. Qua nhiều năm họ đã tận mắt chứng kiến những tội ác của bọn Quốc xã, nhưng chưa bao giờ họ dám đặt ra một lời phản đối. Nỗi lo sợ của việc bại trận, những phản xạ của cuộc chiến đấu bảo vệ những đặc quyền đã buộc họ phải hành động.

Ngay từ thời kỳ đầu của chế độ Quốc xã, Himmler đã giám sát chặt chẽ quân đội. Các cơ quan an ninh lúc ấy đã đoán là có sự mưu phản bí mật của Bộ tham mưu quân đội, đôi khi còn có sự giúp đỡ của những nhà ngoại giao.

R.S.H.A đã cử những nhân viên điều tra xuất sắc nhất theo dõi các dấu vết. Nhưng những người của quân đội mưu phản đã bố trí một thành trì vững chắc không ai có thể lọt vào được là Abwehr (tình báo quân đội), một vị trí mà Himmler rất thèm muốn. Hắn mơ ước tập hợp được tất cả các cơ quan do thám vào trong tay. Một cuộc chạy đua tốc độ đã diễn ra giữa tình báo quốc phòng (Abwehr) và Gestapo. Những người quân đội mưu phản quyết định phải hành động trước, đấy là việc trừ khử Hitler. Đáng ra những sĩ quan quân đội có thể gạt bỏ được Hitler sớm hơn bằng những cách thức hợp pháp, nhưng họ đã không thể hành động vào lúc vẫn còn khả năng. Lần này họ đã quyết định hành động, qua nhiều lần uổng công vô ích. Một lần, vào ngày 13-3 họ đã có cơ may thành công nhưng cuối cùng lại bị thanh toán.

Tướng Von Treskow, trưởng ban tham mưu của đội quân trung tâm trên mặt trận Nga, và tướng Olbricht, chánh văn phòng quân đội đã ấn định ngày giờ hành động cho chiến dịch Tia chớp, làm máy bay chở Hitler nổ tung trên không.

Ngày 13-3-1943, khi Hitler rời bản doanh ở Smolensk để về Berlin, Fabian von Schlabrendroff, sĩ quan tham mưu của tướng Treskow đã gửi một trong số người cùng đi với Hitler trên máy bay hai chai rượu Cognac, nhờ người này chuyển giúp cho người bạn ở Berlin. Gói quà này có đặt quả bom mà đại tá Lahousen, người của tình báo quân đội sẽ mang về Berlin. Nhưng kíp nổ bị hỏng nên Hitler đã về được Berlin an toàn. Những người mưu phản đã thu lại gói quà ấy và vụ mưu sát may mắn không bị bại lộ. Nhiều kế hoạch khác tiếp tục được phác thảo, nhưng những lần mưu sát đều bị thất bại.

Những nhân viên của Müller và Schellenberg vẫn kiên trì đeo đuổi cuộc điều tra. Ngày 5-4-1943 bọn Gestapo đã mở ra được một kẽ hở trong cuộc bảo vệ âm mưu này của tình báo quân đội. Chúng bắt giữ những cộng sự chủ chốt của Hans Oster, chỉ huy trung tâm tình báo ở nước ngoài (Ausland Abwehr) và là một trong những người đứng đầu vụ mưu phản. Một trong số những người này là tiến sĩ Dohnanyi, là người của tình báo quân đội, đã cất trong ngăn kéo của mình những tài liệu giúp cho Gestapo thu được những nét chính về vụ mưu sát. Những tài liệu còn rất sơ sài vụn vặt để có thể dựng lên những hoạt động với tầm rộng lớn. Nhưng lại có một sự kiện làm cho Gestapo phải dừng lại cuộc điều tra. Himmler đã phải chịu đựng rắc rối khi đối mặt với Canaris, nên hắn không thể ra lệnh cho Gestapo trực tiếp tấn công thẳng vào quân đội, và việc này đã giúp cho tình báo quân đội yên ổn trong nhiều tháng sau.

Những tài liệu mà Gestapo thu được vào tháng 4, kết hợp với những tài liệu thu được vào tháng 9 trong chiến dịch đặc biệt kiểu Gestapo, dưới cái tên mật mã Chén nước trà của Frau Solf. Frau Solf là một bà già đẹp lão trong giới thượng lưu, nhà bà là nơi có vài người trong nhóm mưu phản của quân đội thường hay hội họp để uống trà tìm thú vui. Họ có mối liên hệ với những người Đức chống Quốc xã, những người lưu vong ẩn trốn ở Thụy Sĩ. Và đôi khi qua trung gian là những người này để bắt liên lạc với tình báo Anh và Mỹ. Ngày 10-9-1943, một thực khách mới tham gia vào câu lạc bộ này. Đó là bác sĩ Reckse, một thầy thuốc Thụy Sĩ, nhưng lại là nhân viên mật của Gestapo. Nhưng lần này nữa, Himmler vẫn phải cân nhắc trước khi hành động, vì những tài liệu này vẫn chưa đủ để đánh Canaris một đòn trí mạng.

Tháng 12, cuộc điều tra đã thu thập được khá nhiều tài liệu để có thể ép buộc Hans Oster, chỉ huy trung tâm tình báo ở nước ngoài phải từ chức, sau đó chúng mới bắt ông này được. Tháng 1, có 75 người dính dáng đến vụ Chén nước trà của Frau Solf đã bị bắt. Vài ngày sau, những người nặng tội nhất bị đưa ra xét xử và hành hình1.
______________________________________
1. Tất cả những người này đều bị kết tội bởi “tòa án nhân dân” của tên khát máu Freisler. Bà Frau Solf và con gái thoát khỏi tội chết, bị đày đến Ravensbruck. Bà Frau Solf là vợ góa của cựu bộ trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ Cộng hoà.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #207 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 10:56:49 pm »


*

Đầu năm 1944, nhiều sự kiện mới xuất hiện có sự tham gia của tình báo quân đội. Cơ quan này thường bị coi là “vỏ bọc” của những kẻ mưu phản. Himmler nhận được lệnh từ Hitler chống lại quân đội, sử dụng Schellenberg, không cần đếm xỉa gì đến chức vụ của Canaris (bộ trưởng Bộ quốc phòng) nữa.

Ngày 14-2, Hitler ra sắc lệnh giải tán Cục tình báo quân đội. Cơ quan trung ương của Cục tình báo có cái tên đúng là “Amt Ausland Nachrichten Und Abwehr” (cơ quan do thám đối ngoại của bộ Quốc phòng) đã là một trong 5 ban của O.K.W. Cục tình báo chia ra hai ban lớn gọi là Amtsgruppe Ausland và Abwehr Amt.

Sắc lệnh ngày 14-2 có tác dụng mở rộng toàn bộ các ban này. Amtsgruppe Ausland xử lý những tài liệu chính, có nghĩa là những tin tức quan trọng nhưng không bí mật, có liên quan với Bộ ngoại giao, được gộp vào Wehrmacht-Sführungstab (Ban tham mưu các chiến dịch) gọi là O.K.W. Còn ban Abwehr Ämt, nguyên là cơ quan bí mật và bốn phòng của ban này đều nhập vào với R.S.H.A, để tổ chức thành một ban phụ gọi là Militärisches Ämt (ban quân đội) gọi tắt là “Mil. Ämt.”

Trong thời gian này Hitler ra mệnh lệnh giao “toàn quyền hành động ở nước ngoài” cho Ämt VI là cơ quan của Schellenberg. Tên này trở thành chỉ huy tuyệt đối của các cơ quan do thám Quốc xã. Như vậy Canaris chỉ còn một việc là xin từ chức, vì thực ra không còn quyền hành gì nữa.

Ban quân đội (Mil. Ämt) của R.S.H.A được đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá Hansen, cựu chỉ huy của Abteilung I, thuộc Cục tình báo quân đội. Ban này bao gồm ba cơ quan tình báo của bộ binh, hải quân và không quân. Sau Hansen, người kế nhiệm là Pieckenbrock, một bạn cũ của Canaris. Hansen cũng là một trong hai hội viên kỳ cựu của phong trào bí mật ngay trong Cục tình báo quân đội. Một sự may mắn kỳ lạ đã che chở cho Hansen: Gestapo không nghi ngờ gì về hành động của ông.

Khi trở thành chỉ huy của “ban quân đội” Hansen lại tiếp tục dự vào cuộc mưu phản và cuối cùng Hansen cùng với vài người bạn đều bị xử tử sau vụ mưu sát ngày 20-7. Freytag-Loringhoven là hội viên kỳ cựu cùng với Hansen của phong trào bí mật đã tự tử vì không muốn sa vào tay bọn Gestapo và bị chúng hành quyết.

Cục tình báo quân đội ở nước ngoài, đối thủ với R.S.H.A, cũng bị xóa sổ. Himmler đã chiến thắng địch thủ Canaris và làm xong việc củng cố sức mạnh của hắn. Những người mưu phản chưa bị bắt đều tìm chỗ ẩn náu. Nguồn cung cấp giấy tờ giả, lệnh đi làm nhiệm vụ, thuốc nổ v.v... đều đã chấm dứt. Những người mưu phản đã không có thể chạy sang Thụy Sĩ được. Việc liên lạc với tình báo Mỹ và Anh cũng gặp khó khăn. Sự bất đồng xẩy ra từ lâu trong nội bộ những người mưu phản càng tăng thêm do tình hình mới. Nếu không giải tán Cục tình báo quân đội hẳn sẽ xẩy ra mâu thuẫn mới và lần này có thể là một đòn trí mạng. Trung tá, bá tước Von Stauffenberg, sĩ quan tham mưu quân dự bị, bị thương nặng ở Tunisie, là hậu duệ lâu đời của dòng dõi quý tộc quân đội, chắt ngoại của Gneisenau, cũng từng coi chế độ Quốc xã là ưu việt và mơ ước thấy một nước Đức vĩ đại. Nhưng rồi Von Stauffenberg cũng nhìn thấy tương lai thảm hại của cuộc chiến, Hitler sẽ đưa đất nước và quân đội tới vực thẳm, vì thế ông ta gia nhập nhóm mưu phản, tổ chức do tiến sĩ Goerdeler, cựu đốc lý ở Leipzig và cựu tổng tham mưu trưởng, cùng với tướng Beck là linh hồn, lãnh đạo. Họ thấy cần nhanh chóng thoát ra khỏi tình huống cấp bách.

Sau này nhà báo Gisevius nói rõ về những động cơ của họ: “Stauffenberg không muốn Hitler đưa quân đội xuống mồ. Là quân nhân, Stauffenberrg đã nghĩ rằng có thể cứu đất nước và quân đội khỏi thảm họa ấy (....) Stauffenberg không chỉ là một người điển hình, mà là đại diện cho nhóm quân sự đã thực hiện vụ 20-7. Bắt đầu từ năm 1942, sau mỗi lần thất bại, nhóm mưu phản càng được củng cố mạnh hơn và có quyết tâm hơn.”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #208 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 10:59:21 pm »


Stauffenberg hiểu rằng tất cả những câu chuyện tán gẫu trong Ban tham mưu, những dự định xa vời, những “hồi ức” và những ghi chép của các vị tướng, cũng chẳng có ích lợi gì. Stauffenberg thấy tự mình phải lao vào hành động: lần đầu tiên, một trong những người chỉ huy nhóm mưu phản đã phải chết. Ngày 26-12-1943, khi đại bản doanh của Hitler đòi Stauffenberg đến Rastenburg để trình bày bản báo cáo, Stauffenberg đã gói quả bom nhỏ định giờ trong khăn tay để mưu sát Hitler. Nhưng theo thói quen cố hữu của Hitler, cuộc họp này bị bỏ vào giờ cuối cùng. Và Stauffenberg mang quả bom về Berlin. Sự năng động của Stauffenberg đã thổi phồng sinh khí mới cho những người mưu phản. Khi Cục tình báo quân đội bị xóa bỏ, Stauffenberg đã tìm nơi ẩn náu mới ngay trong lòng của O.K.W và tập hợp một số tướng lĩnh, những người ít ra cũng được đảm bảo về thái độ trung lập và được Gestapo đối xử khá khoan dung.

Họ không thể tìm được ngay trong lòng Gestapo và S.D sự đồng lõa nào. Nhưng ngay từ đầu, hai nhân viên cảnh sát quan trọng, là Quốc xã, đã thay đổi tư tưởng, chuyển sang giúp đỡ cho những người mưu phản: Nebe, chỉ huy Cục Kripo, đã từng lãnh đạo đội quân đặc công chiến đấu trên đất Nga, bá tước Helldorff, cảnh sát trưởng ở Berlin, và cả người phó cảnh sát trưởng Von der Schulenburg, một đảng viên Quốc xã. Vai trò của họ trong cuộc đảo chính rất quan trọng. Họ đã liên lạc được với tướng Von Hase, chỉ huy khu vực Berlin. Von Hase cũng là người trong nhóm mưu phản.

Có nhiều chỉ huy các đội quân chiếm đóng ở phương Tây là chỗ dựa cho nhóm mưu phản: Von Stulpnagel, tư lệnh quân khu ở Pháp; Von Falkenhausen, tư lệnh quân khu ở Bỉ, và nhất là thống chế Rommel tư lệnh quân đoàn B đã khuyến khích bí mật những phái viên của nhóm mưu phản đến gặp ông. Tướng Hans Speidel, một tham mưu trưởng của ông ta cũng ngấm ngầm ủng hộ nhóm mưu phản.

Sự vượt trội về vật chất, vũ khí của quân Đồng minh đã đè bẹp lực lượng quân đội xâm lược, càng làm cho họ tin rằng quân đội Đức không thể cầm cự lâu dài ở mặt trận Normandie mà sẽ phải chịu đựng những tổn thất lớn. Dẫu vậy Hitler đã không chấp nhận những luận chứng của các vị thống chế, các tướng lĩnh về hoàn cảnh bất lợi của quân đội Đức.

Việc Cục tình báo quân đội bị giải tán đã gây cho những người mưu phản nhiều khó khăn. Trong năm 1943, ít ra cũng đã có 6 vụ định mưu sát Hitler, nhưng đều không thành. Stauffenberg hiểu rằng việc lật đổ chế độ Quốc xã là khó thành công, trừ khi không còn Hitler nữa. Sự có mặt của Hitler đã làm tê liệt ý chí các tướng tá, thêm vào đó, họ đã gắn bó với lời thề trung thành đã được nêu lên trước Hitler và ông thống chế, tổng thống già Hindenburg.

Cuộc đổ bộ và những thắng lợi quân sự đầu tiên trên mặt trận Pháp, cuộc tiến quân của Đồng minh vào nước Ý và Rome, sự tan vỡ, tháo chạy của quân Đức ở mặt trận phía Đông, và Hồng quân Liên Xô đã tiến vào Ba Lan, đã cho Stauffenberg thấy không còn tránh được nữa. Nhưng những người mưu phản lại trù tính sai lầm. Họ cho rằng cái chết của Hitler có thể cho họ cơ hội ký hòa ước với các nước phía Tây. Họ mong có cuộc đình chiến ngay, nhưng lại từ chối không chịu đầu hàng vô điều kiện. Kế hoạch hòa bình do Carl Goerdeler đưa ra là không tưởng. Hòa bình ở phía Tây cũng không ngăn được sự tiến quân như vũ bão của quân Đồng minh ở phía Đông, ngược lại, những người mưu phản tin rằng khi thành lập được chính quyền tạm thời thì quân đội Mỹ và Anh sẽ hợp tác với họ để chống lại người Nga. Điều đó chứng tỏ họ không biết gì về hiệp ước Yalta1. Cũng có nghĩa nếu cuộc mưu phản thành công thì mọi việc cũng không có chuyển biến sâu sắc nào. Quân Đồng minh và Liên Xô vẫn tiến quân tiêu diệt bọn Quốc xã tận hang ổ của nó.

Nếu Hitler chết, những người mưu phản sẽ nắm lấy chính phủ Đức thì chắc các nước phương Tây vẫn từ chối lời đề nghị hòa bình của họ. Chưa kể đến sự tôn trọng hiệp ước Yalta. Những người mưu phản đánh giá sai về Churchill (thủ tướng Anh), một con người được tôi luyện cứng rắn đã nhắc lại việc đầu hàng vô điều kiện của nước Đức một khi lực lượng quân sự của nước này chiếm được chính quyền. Trước sự từ chối kế hoạch hòa bình của những người mưu phản, quân Đồng minh vẫn tin chắc một khi giới quân sự Đức nắm chính quyền hẳn họ vẫn đeo đuổi chiến tranh.

Ngược lại. với Goerdeler và Beck, Stauffenberg và những người bạn của ông lại có cái nhìn đúng đắn về hoàn cảnh của nước Đức. Sự sụp đổ của toàn mặt trận chứng tỏ cuộc chống cự của Hitler chỉ là một cách tự tử của đất nước Đức. Việc kéo dài chiến tranh ngay trên nước Đức sẽ phá hủy nền kinh tế sẽ làm cho hàng trăm ngàn đến hàng triệu người phải chết, và như vậy việc nước Đức hồi sinh là hầu như không thể được.

Dựa trên những nhận định đó, Stauffenberg vẫn giữ quan hệ với Goerdeler và Beck, nhưng gấp rút tiến hành kế hoạch Walkyrie (nữ thần chiến tranh của Bắc Âu) là ám sát Hitler, sau đó sắp đặt ngay chính phủ, do giới quân sự cầm đầu ở Berlin, và vô hiệu hóa các đội quân của Quốc xã nguy hiểm nhất như S.S, Gestapo và S.D.

Stauffenberg được phong đại tá vào cuối tháng 6, đồng thời được chỉ định là tham mưu trưởng quân đội trong nước, vị trí này giúp cho Stauffenberg có điều kiện lui tới đại bản doanh của Hitler. Các việc chuẩn bị được tiến hành gấp, và việc ấn định ngày hành động là 20-7.
______________________________________
1. Hội nghị thượng đỉnh ở Yalta giữa Stalin, Roosevelt và Churchill thỏa thuận hợp tác cùng nhau chống lại quân Đức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #209 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 11:01:42 pm »


Ngày 20-7, có cuộc họp quan trọng để bàn về cuộc tấn công của quân đội Nga vào Galicie. Keitel triệu tập Stauffenberg đến bản doanh của Rastenburg, để giao cho việc thành lập các đơn vị quân đội trong nước để chiến đấu giữ từng làng mạc của Đức, và điểm cuối cùng là Volksturm. Trong những ngày đó Mussolini đang trốn tránh ở Đức, sẽ đến thăm. đại bản doanh của Hitler vào lúc 14 giờ 30 phút một cách rất chính xác tính theo từng phút.

Stauffenberg đến Wolfsschanze1 vẫn mang theo quả bom bằng chất exogène do Anh sản xuất, vẫn được giữ lại trong kho vũ khí bí mật của Cục tình báo quân đội.

12 giờ 30 phút, Keitel và Stauffenberg đã có mặt ở đại bản doanh trong rừng của Hitler. Nơi đây được dùng làm địa điểm cuộc họp. Stauffenberg đã vặn đồng hồ định giờ cho bom nổ vào lúc 12 giờ 40.

Cuộc họp khai mạc. Lúc 12 giờ 36 phút Stauffenberg đặt gói bom xuống đất, dùng chân đẩy nó tới chân bàn bằng khối gỗ to, cách Hitler chưa đến 2 mét. Sau đó, Stauffenberg bí mật rời khỏi phòng họp với lý do có cuộc giao dịch cần kíp với Berlin. Trong khi đó, đại tá Brandt tiếp tục trình bày hoàn cảnh chiến sự ở Galicie. Khi cúi xuống tấm bản đồ hắn thấy vướng vào chiếc khăn của Stauffenberg dùng để gói quả bom còn để lại. Brandt cầm lấy chiếc khăn đó đặt sang cạnh chân bàn nơi có quả bom đặt gần Hitler.

12 giờ 45 phút quả bom nổ phá tung căn nhà mặc dù nó được xây trát rất chắc chắn. Lúc này Stauffenberg cách nơi đó 200 mét, nhìn thấy mái nhà bay lên cao, ngọn lửa, khói cùng với các mảnh tường, ngói gỗ bay tứ tung. Chắc chắn lần này Hitler sẽ phải chết cùng với tất cả những người có mặt trong ngôi nhà ấy. Nhưng chỉ có đại tá Brandt bị chết, hai viên tướng bị tử thương, những người khác đều ít nhiều bị thương nặng, nhẹ. Hitler đã ra khỏi nhà hầu như không bị thương do chân chiếc bàn gỗ to lớn đã ngăn cản các mảnh bom, bảo vệ cho hắn được an toàn.

Stauffenberg không có thì giờ tìm hiểu kỹ về kết quả, chạy vội ra bãi đậu máy bay gần đó, bay về Berlin. Điều bất ngờ xẩy ra với Stauffenberg là trái với kế hoạch đã ấn định trước, những người mưu phản ở Berlin vẫn không hành động gì. Họ còn chờ xem Hitler có đúng chết thật không. Họ cũng không công bố trên làn sóng phát thanh về việc Hitler đã chết và việc thành lập một chính phủ mới mà Beck sẽ là thủ tướng, thống chế Von Witzleben làm bộ trưởng Bộ quốc phòng.

Stauffenberg tin là Hitler đã chết và thúc những người mưu phản phải hành động gấp. Nhưng thời cơ rất quý ấy đã mất đi do sự chậm trễ của những người mưu phản. Trong khi có những mệnh lệnh đầu tiên truyền tới các doanh trại quân đội, thì những người quan trọng trong nhóm mưu phản được tin là Hitler chỉ bị thương rất nhẹ. Những sự quan hệ với Rastenburg, một đồng lõa của Stauffenberg đã bị cắt trong khi vụ mưu sát xẩy ra, mãi đến 15 giờ 30 mới được khôi phục lại. Trong lúc đó những người kém can đảm, hoảng sợ, hy vọng cứu được mạng sống của mình, đã bỏ rơi bè bạn, mà chỉ mấy ngày sau, họ đã chấp nhận tham dự vào các cuộc trừng phạt, như tướng Herfurth sau này cũng không tránh được tội treo cổ.

Còn những ai đã tự nguyện giúp đỡ những người mưu phản, cố tìm đường chạy trốn, hay có dự định bắt giữ họ, như trường hợp của tướng Fromm. Có vài trường hợp hiếm hoi, một số tướng lĩnh tỏ ra không dính dáng gì tới chuyện đó nhưng sự năng động của Stauffenberg đã có lúc làm cho người ta quên những kẻ cơ hội hèn hạ. Vào lúc 19 giờ 30, thống chế nguyên soái Witzleben cho phát trên làn sóng phát thanh bức điện gửi cho các giới quân sự khẳng định vẫn nắm tất cả quyền hành. Cũng vào lúc 16 giờ, tên Goebbels thông báo về vụ mưu sát trên đài phát thanh và nói rằng Hitler vẫn khỏe mạnh.

Himmler được đề bạt làm tổng tư lệnh quân đội ở trong nước (giấc mơ cũ của hắn đã trở thành sự thật) đã bay về Berlin để chỉ huy cuộc trấn áp. Schellenberg được sự giúp đỡ của Skorzeny đã tập hợp lại được một phần những đội quân để trấn áp những người mưu phản.

Vào lúc 1 giờ sáng, Hitler tuyên bố trên đài phát thanh là cuộc đảo chính đã thất bại và cuộc trấn áp đẫm máu đang được tiến hành.

Ở Paris, cũng như ở Praha và Vienne, lúc 16 giờ các thành viên của cuộc mưu phản, thuộc lực lượng quân đội Đức chiếm đóng đã biết tin là vụ mưu sát đã xẩy ra như kế hoạch.

Vào lúc 19 giờ 30, Beck gọi dây nói cho Stülpnagel đề nghị phải tiến hành ngay những biện pháp đã ấn định. Stülpnagel nhận lệnh, dù rằng ngay từ lúc đầu ông ta đã định bỏ hàng ngũ làm ảnh hưởng đến kết quả của chiến dịch.
______________________________________
1. “Hang ổ của sói”, tên Hitler đặt cho đại bản doanh của hắn ở giữa rừng sâu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM