Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:01:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Gestapo  (Đọc 102007 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #180 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 09:06:55 pm »


*

Người đến Berlin cuối tháng 1-1943 để nhận nhiệm vụ nặng nề thay cho Heydrich là một tên cao lớn. khổng lồ. Kaltenbrunner cao gần 1m90, hai vai rộng lớn. Ở hai đầu cánh tay to và dài lại là hai bàn tay nhỏ bé và rất thon, nhưng có thể bóp nát một hòn đá nhỏ. Khuôn mặt hắn dài, khắc khổ, to bè, một bộ mặt như bị cắt bởi nhiều vết dao quắm. Cái trán to và phẳng dẹt, mặc dù cao nhưng lại tỏ ra không có nét gì là trí thức, hai mắt nhỏ nâu sẫm, lóng lánh, tàn ác dưới hàng mi mắt nặng sùm sụp che gần kín cả con ngươi, miệng rộng, đôi môi mỏng như lưỡi dao, chiếc cằm mập ú, vuông vắn làm cho hắn mang vẻ của một dã thú hơn là một con người. Vẻ mặt nhìn nghiêng của hắn thấy dễ sợ, còn điểm thêm những vết sẹo sâu, kỷ niệm trong cuộc đấu kiếm khi hắn còn là sinh viên ở Đức, nơi mà bọn sinh viên thách đấu với nhau để được vạch những vết thương ở mặt cho thành sẹo để trông có vẻ trai tráng rắn rỏi. Khuôn mặt cứng như gỗ, vô cảm. Tiếng nói trầm đục đặc giọng của người Áo, nhưng đã trở nên khàn do uống nhiều rượu. Vì Kaltenbrunner cũng như những tên chỉ huy Quốc xã khác đều là những con sâu rượu không thể chừa được. Tính xấu của hắn đã làm cho Himmler khinh bỉ. Kaltenbrunner còn hút thuốc luôn miệng; mỗi ngày hắn đốt từ 80 đến 100 điếu thuốc. Những ngón tay và móng tay của hắn đen xỉn vì chất nicotine.

Từ 10 giờ sáng, Kaltenbrunner bắt đầu uống champagne và đủ các loại rượu khác, phần nhiều là rượu cognac xuất từ Pháp sang. Mỗi khi nói chuyện với ai, hắn cứ nhìn đi đâu, thi thoảng mới nhìn vào người đối thoại với con mắt lờ đờ của tên say rượu, nhìn mà như chẳng thấy gì. Hắn mấp máy những lời vô nghĩa, đôi khi còn không thốt được thành tiếng, mà như chỉ rít lên qua kẽ răng vàng xỉn và sâu vì khói thuốc. Mặc dầu Himmler đã ra lệnh cho hắn phải đi chữa răng, nhưng hắn không bao giờ có ý định đến gặp nha sĩ. Chuyện đó đối với hắn hình như quá sức chịu đựng.

Himmler muốn giao quyền chỉ huy R.S.H.A cho một tên tầm thường như vậy chính là để cục này hoàn toàn dưới tay hắn điều khiển. Chắc chắn là sẽ không có sự phản bội nào từ phía tên Ernst Kaltenbrunner. Ernst là một tên Quốc xã cuồng tín, một tín đồ mê muội của Đảng Quốc xã. Có lẽ hắn chỉ có một điểm duy nhất ấy để thể hiện tính trội. Việc bổ nhiệm, đối với hắn như là cuộc trả thù thích thú bởi nếu không có sự giúp đỡ của Schellenberg và không có cơ hội thuận lợi, thì đến nay hắn không thể áp dụng được những ý tưởng của hắn vào công việc do thám. Nhưng thực tế, chỉ huy việc do thám của Quốc xã lại là tên Schellenberg. Tên này nhận trực tiếp chỉ thị của Himmler dù theo tôn ti trật tự thứ bậc, thì Schellenberg vẫn phải là cấp dưới của Kaltenbrunner. Nhưng tên Kaltenbrunner cũng có lúc giữ được vai trò một cách nghiêm chỉnh. Cũng như người tiền nhiệm trước, hắn chỉ bắt thật nhiều người đưa vào trại tập trung và xử tử họ. Nếu tên Heydrich ranh mãnh còn dùng những biện pháp xảo trá như đã thực hiện ở Pháp và ở Tiệp thì Ernst Kaltenbrunner lại không biết đến cách thức ấy. Hắn bám chặt vào ý nghĩ tấn công tàn ác nhất. Hắn thường tự đến các trại tập trung để dự vào các cuộc hành quyết người tù. Mùa thu năm 1942, hắn có nhiệm vụ ở Áo là giám sát trại tập trung Mauthausen. Hắn cùng đi với tên Ziereis, trưởng trại tập trung, dự vào việc giám sát lối đi của người tù vào phòng hơi ngạt, nhìn qua ô cửa sổ nhỏ đặc biệt, để xem lúc người tù hấp hối giãy chết.

Đầu năm 1943, hắn lại đến trại tập trung Mauthausen để dự các cuộc hành quyết người tù ngay trước mắt hắn để làm “kinh nghiệm” cho ba cách xử tử khác nhau: treo cổ, bắn vào gáy nạn nhân và đưa vào phòng hơi ngạt. Những người tù và người làm việc ở trại tập trung này đã kể về tên Kaltenbrunner: Hắn đến trại tập trung với vẻ phấn khởi, cười, nói, đùa bỡn cho đến khi tới phòng hơi ngạt để dự vào việc thực thi những “sáng kiến” giết người của hắn. Hắn thích thú chờ đợi bọn lính dẫn nạn nhân vào phòng hơi ngạt.

Vào thời kỳ mà tên Ernst Kaltenbrunner phụ trách R.S.H.A thì cục này trở thành cái máy giết người khổng lồ. Cái lề lối quan liêu bàn giấy của Đức, đã cho hắn được tự do khuếch trương mạng lưới do thám vươn rất xa ra khỏi Châu Âu. Những cơ quan do thám, những bộ phiếu sưu tập những trung tâm nghe trộm, radio, phòng thí nghiệm, phòng lưu trữ hồ sơ, tất cả đều được mở rộng, vượt ra khỏi khuôn khổ của cơ quan trung ương R.S.H.A ở phố Albrechstrasse, trải ra khắp Berlin, chiếm tới 38 tòa nhà lớn của thủ đô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #181 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 09:07:31 pm »


Khi những cuộc tấn công bằng không quân của Đồng minh đã hầu như phá hủy toàn bộ những trụ sở này, Himmler đã có ý định sắp đặt cơ sở sử dụng mới. Hàng ngày các tên chỉ huy chủ chốt tập trung để ăn bữa sáng tại tòa nhà số 116, phố Kurfürtenstrasse là nơi đặt văn phòng của tên Eichmann, cùng với nhiều tên thân tình với hắn. Kaltenbrunner, người gốc ở vùng này nên có nhiều mối thân tình và thường nhân dịp này về thăm gia đình ở Linz. Ở đây hắn biết rõ các trẻ em học tập ra sao, những đứa trẻ mới sinh, sức khoẻ các ông bà già và sự thịnh vượng của thế giới nhỏ bé này.

Những tình cảm dào dạt, những mối quan hệ thân thiết đã nối hai kẻ Himmler và Kaltenbrunner trong buổi sáng bằng nét bút gạch thẳng, quyết định số phận của hàng ngàn người khốn khổ. Và khi chúng ra khỏi bàn ăn sau khi đã ký lệnh hay ban phát một câu có nghĩa sẽ là cái chết cho hàng ngàn người ở tận cùng bên kia Châu Âu. Có thể đó như là chuyện ngược đời.

Himmler thường dự vào bữa ăn sáng chung như vậy. Đó là lúc những tên phụ tá của hắn có thể chứng tỏ được tinh thần, đôi khi cũng có lúc dao động về sự thất bại liên tiếp của quân đội Đức ở mặt trận phía Đông hay trước cuộc ném bom ồ ạt của không quân Đồng minh xuống nước Đức. Nhưng trong những bữa ăn chung, chúng đều phải tỏ ra lạc quan và thân thiết gắn bó với nhau, và những vấn đề đặt ra là nhàm chán. Thường thì Müller và Eichmann hay lợi dụng dịp này để xin ý kiến Kaltenbrunner hay Himmler và trong khi ăn những món ăn như táo, lê, pho mát, hay uống những cốc rượu ngon nhập từ Pháp, chúng quyết định xử tử hay không loại người tù nào, và sẽ dùng cách hành quyết gì đối với số người đó. Những dự định ghê tởm của bọn chúng được bàn định hàng ngày, trở nên nhàm chán đến nỗi bàn tay cầm tách cà phê không hề run. Chính trong những bữa ăn chung chúng đã bàn đến chi tiết việc lắp đặt phòng hơi ngạt và bình luận về kết quả các vụ xử tử, nhất là đối với người Do Thái. Chúng so sánh về những cái chết nhanh chóng của người tù, đến lợi ích của việc hành quyết đến những cách thức dễ dàng khác. Những câu chuyện rùng rợn không làm cho chúng bỏ quên việc chăm chú vào món ăn và thưởng thức rượu ngon.

Chỉ có mình tên Nebe là kẻ thù đã âm mưu cùng quân đội để hạ gục Hitler. Theo Gisevius kể lại thì tên Nebe đã phải chịu nhiều đau khổ khi hiểu rằng hắn hoàn toàn bất lực.

Mỗi khi Himmler vắng mặt khi thì Kaltenbrunner chủ trì các bữa ăn. Hắn thường lợi dụng bữa ăn để đưa ra ý kiến chống lại các cộng sự dưới quyền mà hắn không ưa hay công kích những việc mà họ trực tiếp giao dịch thẳng với Himmler, không qua hắn.

Tên Schellelberg được Himmler che chở nên thường là mục tiêu tấn công của Kaltenbrunner, đến nỗi Schellelberg phải phàn nàn với Himmler và xin phép không dự vào các bữa ăn chung. Nhưng Himmler lại rất tôn trọng thể chế ấy và không cho phép Schellelberg được vi phạm.

Mặc dầu tên Kaltenbrunner là sản phẩm của Himmler, được Himmler đặt vào vị trí đứng đầu Cục R.S.H.A. nhưng hắn lại tỏ ra thiển cận trong ý nghĩ và sự hiểu biết về pháp lý. Gisevius đã viết về tên Kaltenbrunner như sau: “Từ khi Kaltenbrunner chỉ huy R.S.H.A thì tình hình càng trở nên xấu đi. Chúng tôi thấy rõ sẽ có cuộc mưu sát như đã xảy ra với Heydrich nhưng có thể kém khủng khiếp hơn theo logic và pháp lý của một tên luật sư nắm trong tay công cụ nguy hiểm như Gestapo.” Trong Gestapo, tên Eichmann là chỉ huy cục IV B, thường giao dịch thường xuyên với Kaltenbrunner, nhưng cũng thường xuyên nhận lệnh trực tiếp từ Himmler, đồng thời lại chịu sự quản lý hành chính của Müller. Chúng đã cử Eichmann chăm sóc cẩn thận vấn đề Do Thái, nghĩa là thanh toán triệt để người Do Thái ở Châu Âu. Đây là đường lối chính trị bài Do Thái đến triệt để đã được khởi đầu ở nước Đức do Heydrich chủ trương, được đánh dấu bằng cuộc tàn sát người Do Thái vào ngày 9-11-1938.

Theo ước tính của tòa án Nuremberg các cuộc tàn sát người Do Thái đã làm cho sáu triệu người Do Thái sống ở Đức và ở các nước bị quốc xã chiếm đóng phải chết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #182 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 09:08:08 pm »


Theo lệnh ngày 1-7-1943 do tên Bormann ký ủy nhiệm cho tên Eichmann, thì hắn có quyền hành tuyệt đối bắt giữ những người Do Thái, đưa họ ra trước tòa án nhưng do bọn Gestapo xử án.

Một mệnh lệnh trước đó cũng do tên Bormann ký ngày 9-10-1942 đã nêu rõ “việc thường xuyên loại trừ bọn Do Thái trên các vùng đất của nước Đức đại đế không phải bằng cách bắt chúng lưu vong mà bằng cách đưa vào các trại tập trung đặc biệt ở phía Đông, bằng sức mạnh không thương xót.”

Hệ thống tàn sát Do Thái được áp dụng ở các nước phía Đông theo cách thức khoa học và bằng những công nghệ hành quyết. Tên Eichmann đã cho lập bốn trại tập trung mà một trong số trại nổi tiếng tàn bạo ấy là Mauthausen.

Cách thức mà trại này dùng để giết người chứng tỏ bọn Quốc xã đã coi đó là một công việc lâu dài, qua nhiều thời gian, thực hiện trên tất cả các nước ở Châu Âu. Sau người Do Thái, còn có rất nhiều người chống lại chúng đã bị thủ tiêu. Trại tập trung Mauthausen là một pháo đài xây bằng đá, rộng lớn, nằm trên đỉnh núi. Các sườn núi xung quanh có những ngôi nhà tồi tàn là nơi giam giữ người. Mauthausen không chỉ là trại tập trung thường xuyên giam giữ người, mà còn là một điểm đồn trú quan trọng của binh lính và sĩ quan, cũng có nhiều cơ sở cần thiết khác. Pháo đài này là một nhà máy giết người, là nơi chúng chuyển những người tù đã kiệt sức, không còn làm việc được nữa, đến đây để xử tử. Những người quá yếu thường là những người tù ở các trại tập trung phụ như trại Gusen và trại Ebensee. Khi cái đói và những đòn đánh đập làm cho họ không còn sức để làm việc ở mức độ tối thiểu, họ bị chuyển đến trại Mauthausen để “giải quyết trong vài giờ là xong.”

Nói chung không có người nào còn sống mà ra được khỏi trại Mauthausen.

Eichmann đã tổ chức hệ thống vận chuyển người Do Thái ở Châu Âu đến các trại tập trung ấy, để đưa họ đến cái chết. Những chuyến xe chở người chứng tỏ khả năng hoạt động đến mức tối đa của các trại tập trung và thường phải dùng xe lửa để chở được nhiều người.

Các tên chỉ huy trại tập trung chỉ sử dụng cách giết người bằng hơi ga độc theo lệnh của Eichmann. Nếu chưa có lệnh của tên này thì trại Mauthausen không được giết người bằng hơi độc. Những tên S.S, chỉ huy các đoàn xe, tàu vận chuyển đều nhận được lệnh cần thiết đưa người tù đến trại giết người hay trại lao động khổ sai, và cách đối xử với người tù trong lúc đi đường. Ví dụ: Đoàn xe chở người mang ký hiệu A hay M, có nghĩa là chuyến tàu ấy chở người đến trại Auschwitz hay trại Maidenek, là số người cần phải xử bằng hơi ngạt.

Ở trại Auschwitz cũng có điều lệ riêng, “trẻ em từ 12 đến 14 tuổi, người trên 50 tuổi, người ốm yếu hay người bị tòa án kết án được chuyển bằng tàu hỏa có gắn biển đặc biệt tới trại tập trung, khi họ đến nơi phải cho vào phòng hơi độc ngay. Những người tù khác không thuộc diện trên, phải đi diễu qua trước mặt lính S.S để họ nhận định được người nào còn làm việc được, người nào không còn đủ sức làm việc. Người không đủ sức làm việc, cũng phải chuyển qua phòng hơi độc. Trong khi người khác được phân chia về các trại để lao động.”

Loại người còn làm việc được cũng chỉ là tạm thời, vì chế độ làm việc quá nặng nhọc, ăn không đủ, ốm không có thuốc, rồi phòng hơi ngạt cũng là cái đích cuối cùng của họ.

Ở phía đông Ba Lan, có một thủ tục thật ma quỷ, do tên Wirth, cựu ủy viên của tổ chức Kripo ở Stuttgart nghĩ ra và được cục R.S.H.A áp dụng ở Lublin. Tên Wirth phát hiện trong số tù nhân người Do Thái một số tên là tội phạm, hắn hứa với chúng là sẽ cho lợi ích về vật chất nếu chúng tuyển mộ được những tên cộng tác sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Hắn đã tuyển khoảng 5.000 đàn ông và đàn bà, ngoài việc đảm bảo cho những người này được sống, họ còn nhận được một khoản tiền trong các vụ cướp bóc. Những người này phải giết những người đồng đạo của họ. Chúng lập những trại tập trung giết người trá hình ở trong rừng hay ở các truông, trảng. Tiến sĩ Morgen đã kể: Thoạt mới nhìn, người ta cứ tưởng đây là nơi dân cư sinh sống đông đúc. Khi đoàn tàu đến một nhà ga giả, những người lái tàu và bọn đi hộ tống liền bỏ đi nơi khác. Các toa tàu mở cửa và những người Do Thái bước xuống sân ga. Ngay lập tức bọn Do Thái làm tay sai cho bọn Gestapo liền vây kín lấy họ. Tên ủy viên Wirth, hay một tên nào đấy đại diện cho hắn nói vài câu: “Các người Do Thái! Bà con được đưa đến đây để định cư. Nhưng trước khi hình thành một quốc gia Do Thái mới, các người bắt buộc phải học lấy một nghề mới. Ở đây người ta sẽ dạy cho bà con biết lấy một nghề và ai cũng có bổn phận của người ấy. Trước hết, theo luật lệ, mọi người phải cởi bỏ hết quần áo để làm cho thật sạch không còn hôi thối, sau đó mọi người sẽ đi tắm để trừ tiệt chấy rận trong trại.”

Những người mới đến xếp thành hàng. Đến chỗ dừng chân đầu tiên, chúng phân chia đàn ông, đàn bà rồi đến một gian phòng tiếp theo, mọi người lại phải bỏ mũ, áo veston, áo sơ mi, giày và cả bít tất. Để gửi lại các vật này, họ được phát một tích kê.

Tất cả những công việc này đều do bọn Do Thái ăn lương của Gestapo thi hành, nên không ai nghi ngờ gì. Sau đó họ bị bọn Do Thái tay sai của Gestapo khuyến khích làm nhanh mọi công việc để không kịp suy nghĩ điều gì. Những người mới đến ngoan ngoãn làm theo lời chúng. Sau đó họ vào phòng tắm. Cửa được đóng kín lại. Họ bị chết ngạt ngay sau vài phút. Thi thể của họ được chúng đem đi theo cửa khác rồi thiêu đốt ra tro. Toán người khác tiếp tục vào để rồi lại phải đi theo những người trước cũng theo cách thức như vậy.

Wirth thiết kế hệ thống giết người này không khó khăn gì bởi vì hắn phải chịu thanh toán các đồng đạo của hắn theo lệnh làm chết không đau và đó là cách tốt nhất mà Quốc hội quốc xã đã duyệt thông qua.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #183 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 10:51:01 pm »


3. Những “kinh nghiệm” của bọn bác học Quốc xã.

Khi tên Kaltenbrunner trở thành chỉ huy tối cao của tổ chức R.S.H.A thì mọi công việc đều được mở rộng đáng kể. Những trại tập trung mới giam giữ tù binh chiến tranh và những người lao động bình thường được giao cho Gestapo quản lý.

Những trại giam tù binh trước đây thuộc quyền của quân đội vì người ta tin là Bộ tổng tư lệnh quân đội sẽ tôn trọng các quy định quốc tế về việc đối xử với binh lính và sĩ quan đối phương rơi vào tay họ. Bộ tổng tư lệnh đã không phản đối việc này, còn cộng tác hoạt động với Himmler và các nhân viên của hắn. Đây là bắt đầu công việc mở rộng sự cộng tác trên tinh thần thông cảm lẫn nhau để giới quân sự phải đối mặt với việc tàn sát và phải chi tiền cho các đội hiến binh. Vì vậy Bộ tổng tư lệnh đã dần dần quen với những cảnh giết người khủng khiếp và đã áp dụng những kiểu hành quyết ấy trong những hoàn cảnh của mình.

Biện pháp tàn sát khủng khiếp đổ đầu tiên xuống các tù binh chiến tranh là người Xô Viết. Từ tháng 7-1941 đã có một hội nghị giữa tướng Reinecke, phụ trách ban hành chính của Bộ quốc phòng với các tên Brener phụ trách về tù binh chiến tranh; Lahousen đại diện cho Canaris và Bộ quốc phòng, Müller chỉ huy Gestapo đại diện của cục R. S. H.A. Trong cuộc họp này, những quyết định đã được đề ra và giao cho Müller thực hiện. Đó là các vấn đề hướng dẫn hành động trong cuộc chiến giữa các nước phía Đông.

Những quyết định này còn được ghi vào văn bản ra ngày 08-9-1941 “Binh lính Xô Viết đã không còn được hưởng quyền lợi đối xử như một kẻ địch xứng đáng, theo các điều khoản của hiệp ước Genève (...) người ta buộc phải ra lệnh hành động không thương xót và cương quyết với một dấu hiệu nhỏ tỏ ra không chịu phục tùng, đặc biệt với những kẻ cuồng tín Bôn- se-vich. Việc không chịu phục tùng, việc chống lại mệnh lệnh theo cách tích cực hay thụ động đều bị đập tan ngay lập tức bằng vũ khí (lưỡi lê, roi và súng). Ai chống lại lệnh ấy hay chưa có hành động chấp hành đầy đủ cũng bị trùng phạt (...). Cần bắn không thương tiếc những tên định tìm cách chạy trốn mà không cần phải bắn cảnh cáo (...). Việc dùng vũ khí chống lại những tù binh chiến tranh ở đây là hợp pháp, là luật lệ chung.


*

Một đơn vị đặc biệt trông coi về tù binh chiến tranh đã được Gestapo thành lập gọi là IVa, do tên tiểu đoàn trưởng S.S Franz Königshaus chỉ huy. Đầu năm 1943 toán IVa hợp vào với toán IVb 2a, do tên trung đoàn trưởng Haus - Helmuch Wolf chỉ huy. Đơn vị này ra quân lệnh cho những tên đại diện Gestapo ở các trại tập trung. Kết quả là bọn Gestapo và S.D đã có mặt ở các trại tù binh và chúng thường nguỵ trang dưới danh nghĩa người này hay người khác. Một chỉ thị của Müller ra ngày 17-7-1941 cho chúng có quyền điều tra trong các trại tù binh về “các vấn đề chính trị, tội phạm hình sự hay bất cứ vấn đề gì” và “tất cả mọi tù binh đều phải làm việc để tái xây dựng các vùng đất đai bị chiếm đóng”, cuối cùng có thể loại trừ họ hay bắt họ “chịu sự trừng phạt đặc biệt.” Đồng thời lệnh này còn cho phép người ta tìm kiếm trong số tù binh những người có thể tin được để sử dụng làm do thám ngay trong nội bộ các trại tập trung. Nhờ có những tên chỉ điểm này chúng đã phát hiện ra những người tù cần phải thanh toán ngay...

Mọi cách thức của Gestapo thường sử dụng là không có gì thay đổi. Số phận của các tù binh chiến tranh Xô Viết ở Đức thật thảm khốc. Rosenberg đã ghi lại như sau: “Phần lớn các chiến binh trong thế chiến thứ Hai đều biết rõ các trại tù binh ở Đức. Ghi lại trong ký ức của họ là những đoàn tù binh người Xô Viết, xanh xao, hốc hác, đói lả loạng choạng vì mệt mỏi. Khi các đoàn tàu chở họ đến, họ buộc phải đi bộ hàng trăm cây số - nhiều người không chịu nổi sự đối xử tàn ác đã gục chết. Số này có đến hàng ngàn, họ nằm chết rải rác bên đường. Những người sống sót qua chuyến đi ác mộng ấy, đều bị nhốt trong những khu đất bị rào kín, tách biệt nhau.” Ngày 22-11-1941, Himmler đã ra lệnh: “Tất cả tù binh chiến tranh người Xô Viết có dự định vượt ngục sẽ bị đưa đến trại tập trung của Gestapo gần nhất.” Có nghĩa là phải nhận cái chết thật nhanh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #184 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 10:53:22 pm »


Năm 1941, 2.000 tù binh Xô Viết bị giam ở trại tập trung Flossenburg, chỉ còn có 102 người sống sót, và ở trại tập trung Auschwitz có hơn 20.000 người bị giết.

Ngày 20-7-1942, tên Keitel ra lệnh đóng dấu bằng sắt nung đỏ lên người những ai còn sống sót: hình dấu sắt nung đỏ là một tam giác có góc 450, cạnh lớn rộng 1cm, và in ở mông bên trái. Việc đóng dấu này cũng có thể thực hiện bằng cách dùng dao mổ rạch thành nét rồi bôi mực lên vết rạch. Chúng tạo thành những hình xăm không thể nào tẩy sạch.

Bọn Quốc xã đã coi con người như con vật. Bộ tổng tư lệnh quân đội Đức còn ra mệnh lệnh ám sát các tướng Pháp là tù binh của chúng.

Năm 1940 Bộ tổng tư lệnh quân đội Đức đã quy định cấp bậc tướng tá theo các hành động chính trị để hành quyết. Trong cuộc họp ngày 23-12-1940 do Canaris chủ trì cùng với ba tên chỉ huy các ban nội bộ Bộ quốc phòng và tên chỉ huy cục đối ngoại là đô đốc Bürckner, Canaris đã cho biết tên Keitel vừa cho thanh toán tướng Weygand ở Bắc Phi. Keitel nghi tướng này đang tổ chức một trung tâm kháng chiến cùng với các vũ khí của quân đội Pháp, đã ra lệnh bắn gục ngay tướng Weygand. Nhưng đã có hạt nhân chống Quốc xã bắt đầu hình thành trong nội bộ Bộ quốc phòng và Canaris đã tránh khéo sự trừng phạt bằng cách nêu ra việc không thể hành quyết vì lý do kỹ thuật1.

Hơn nữa, khi tướng Giraud vượt ngục thoát khỏi pháo đài Königstein vào tháng 4-1942, Bộ tổng tư lệnh Đức đã nghĩ đến việc cử một toán đặc công đặc biệt đến Vichy bắt lại tướng Giraud và ủy nhiệm cho Bộ quốc phòng ám sát ngay viên tướng này. Keitel ra lệnh cho Canaris truyền đạt mệnh lệnh tới một chỉ huy đơn vị là Lahousen.

Lahousen lừng khừng không muốn thi hành ngay, đã bị Keitel triệu tập về vào tháng 8. Lahousen đã không chịu tiếp xúc với Müller. Sự việc diễn ra có chiều hướng xấu đối với Bộ quốc phòng. Canaris đã chối bỏ trách nhiệm với lý do trong cuộc họp của Cục VII ở Praha, Heydrich đã yêu cầu để hắn tự cáng đáng lấy vụ việc, chính vì thế mà Canaris đã ưng thuận với Heydrich. Chỉ vì tôn trọng sự thỏa thuận nên Canaris không quan tâm tới chuyện đó nữa. Nhưng Heydrich đã chết vào ngày 4-6, Canaris cũng không bác bỏ sự thỏa thuận ấy, nên vụ việc được xếp lại. Nhưng Gestapo vẫn không chịu từ bỏ ý đồ trả thù quân đội. Tháng 11-1942 khi Giraud đến Bắc Phi thì sự trả thù của Gestapo đã nhằm xuống đầu gia đình ông. Con gái của tướng Giraud là Granger bị Gestapo bắt cùng bốn con gái của bà, trong đó có một đứa mới lên hai tuổi. Bà Granger cùng bị bắt với người em rể và cô vợ trẻ. Bà Granger chết ở Đức vào tháng 9-1943. Các con bà sau đó được trả về nước. Nhưng đến cuối cùng, Gestapo lại nhúng tay vào và mãi sáu tháng sau những đứa trẻ mới được đưa về nước. Tổng cộng có 17 người trong gia đình tướng Giraud đã bị bắt và đưa đi đày.
______________________________________
1. Trong trận đánh chiếm miền Nam, Weygand bị bọn S.S bắt ngày 12-11-1942 ở gần Vichy và bị dẫn về Đức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #185 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 10:54:20 pm »


*

Hai dự định ám sát hai vị tướng người Pháp đã không được thực hiện. Người ta thấy rằng bọn Quốc xã có thể làm tất cả, bởi vì chúng vin vào mệnh lệnh cuối năm 1944. Với những lý do còn mờ ám và cũng để gây nỗi sợ hãi cho các vị tướng người Pháp bị cầm tù, ngăn chặn không để họ tìm cách vượt ngục, chúng đã quyết định tìm cách trừ khử một hay hai tướng nữa đang bị giam giữ ở pháo đài Königstein. Họ sẽ bị chuyển sang trại tập trung ở Colditz chuyên thực hiện công việc trả thù. Trại này ở cách pháo đài Konigstein gần 100 cây số. Chúng dự định gây ra vụ trốn tù trong khi di chuyển. Kaltenbrunner sẽ phối hợp cùng với Ribbentrop để đặc biệt giám sát hành động này. Lúc đó Ribbentrop đang là bộ trưởng Bộ ngoại giao, chịu trách nhiệm đối phó với các chất vấn từ phía hội Chữ thập đỏ quốc tế hay của người Pháp, đồng thời thỏa thuận với Bộ quốc phòng về những tình huống cần thiết.

Kaltenbrunner giao cho tên cựu chỉ huy đội IVa là Panzinger chịu trách nhiệm xử lý các tù binh chiến tranh. Panzinger thay chân tên Nebe đã chết, phụ trách Ämt V (Kripo). Panzinger có tên phó chỉ huy Schulze giúp sức đã nghĩ đến kế hoạch dùng xe Camion S để trừ khừ hai vị tướng người Pháp. Nhưng xe Camion S lần này nhỏ hơn. Tướng René Mortemard de Boisse được chọn làm đối tượng xử lý. Cuối tháng 11-1944, kế hoạch được tiến hành trong cuộc họp lần cuối giữa Panzinger và Wagner, đại diện của Ribbentrop, rồi đệ trình lên Kaltenbrunner. Nội dung kế hoạch như sau:

“1. Trong khi chở 5 người trong xe ô tô có số hiệu của quân đội, sẽ có xẩy ra vụ trốn tù vào lúc chiếc xe cuối cùng bị hỏng máy.

2. Lái xe sẽ mở van hơi độc vào phía sau xe đã được đóng kín các cửa. Máy hơi độc được lắp đặt đơn giản và sau khi xong việc có thể tháo bỏ ngay được. Sau nhiều khó khăn đáng kể, đến nay chiếc xe dùng cho kế hoạch đã được hoàn thành.

3. Những khả năng khác như đầu độc thực phẩm, nước uống cũng đã được chuẩn bị nhằm tránh các sự cố đáng tiếc.

Đã chuẩn bị những biện pháp đề phòng về sau như các thông báo, khám nghiệm pháp y, chứng cớ và việc mai táng. Chỉ huy đội xe và người lái xe sẽ do R.S.H.A cung cấp, mặc quân phục và có một sổ về số hiệu quân nhân.”

Tên của tướng de Boisse được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các cuộc trao đổi bằng điện thoại. Cuối cùng chúng quyết định phải tìm một nạn nhân khác vì sợ có thể xảy ra sự rỏ rỉ tin tức đánh động đến dư luận nước ngoài.

Số phận một con người dưới chế độ Quốc xã được quyết định như vậy.

Mọi việc đã được trù tính xong. Việc di chuyển sáu vị tướng của Pháp được ấn định vào ngày 19-2-1945. Có ba xe dùng vào việc chuyên chở - xe thứ nhất chở tướng Daine và tướng de Boisse; xe thứ hai chở tướng Flaviguy và tướng Buisson; xe thứ ba chở tướng Mesny và tướng Vauthier. Các xe đi cách nhau khoảng 15 phút. Xe thứ nhất rời pháo đài Künigstein vào lúc 6 giờ sáng. Xe đi bình thường. Nhưng giờ đi của hai xe sau đã được thay đổi, vào lúc cuối cùng và xe thứ ba chỉ chở một mình tướng Mesny, còn tướng Vauthier được bỏ lại.

Tướng Mesny đã không đến được trại tập trung ở Colditz. Sáng hôm sau, bốn vị tướng đến trại tập trung được tên thiếu tá Prawill chỉ huy trại tù binh IVc thông báo cho biết tướng Mesny đã bị bắn chết ở Dresde trong khi ông này định chạy trốn. “Ông ta đã được chôn cất ở Dresde theo nghi thức danh dự, do một đơn vị của Bộ quốc phòng thực hiện!”

Tin đấy là chính xác, vì bọn Quốc xã đã không lùi bước trước dự tính giết người này.

Các bạn tù của tướng Mesny tỏ ra nghi ngờ việc ông định chạy trốn. Họ hiểu rằng tướng Mesny đã định chạy trốn từ khi con trai cả của ông bị bắt đưa đi đày sang Đức. Ông sợ con trai thứ hai bị sát hại. Nhưng chỉ sau khi chiến tranh kết thúc, thu được các tài liệu lưu trữ, người ta mới biết được sự thật.

Ngài David Maxwell- Fyfe, phó chánh án người Anh ở tòa án Nuremberg đã thẩm cứu cẩn thận các tài liệu này và thấy đó là những thông tin chính xác.

Đoạn tài liệu về vụ sát hại tướng Mesny một cách bẩn thỉu, đã cho người ta thấy toàn bộ hành động tinh vi và xuất chúng của bọn Quốc xã: Đó là sự đạo đức giả. Một sự giết người được phủi sạch dấu vết, được tiến hành theo yêu cầu của Bộ ngoại giao, nhưng lại là hành động lạnh lùng của bọn S.D và Gestapo do tên Kaltenbrunner cầm đầu. Hắn đã dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài của quân đội cho nghề nghiệp của hắn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #186 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 10:55:46 pm »


*

Những biện pháp trả đũa chống lại các tù binh chiến tranh như là những biện pháp tất yếu đã được thể chế hoá trong các văn bản do Bộ tổng tư lệnh ban bố. Văn bản ấy mang các tên mà bọn Quốc xã rất thích thú: Sắc lệnh Kugel (Sắc lệnh viên đạn). Sắc lệnh này ra ngày 27-7-1944 dưới cái mác “vấn đề bí mật của nhà nước”, gửi cho các trại trưởng trại tập trung giam giữ tù binh chiến tranh và cho cơ quan Gestapo ở địa phương: “Tất cả tù binh chiến tranh vượt ngục bị bắt lại, những sĩ quan và hạ sĩ quan không chịu làm việc theo lệnh của trại trưởng, trừ tù binh chiến tranh là người Anh và người Mỹ, đều phải giao cho cảnh sát trưởng và cơ quan an ninh. Biện pháp này không được tiết lộ với bất kỳ lý do gì.” Những tù binh nhất thiết không được biết đến. Cục tình báo quân đội chỉ báo là họ đã vượt ngục và không nói gì hơn đối với báo chí và Hội chữ thập đỏ quốc tế. Biện pháp đó nhằm đảm bảo giữ bí mật cao nhất.

Thực ra những biện pháp này đã được bọn Gestapo áp dụng từ ngày 4-3-1944, có sự hướng dẫn tỉ mỉ từng hành động của cơ quan trung ương Gestapo.

Cũng trong thời gian ấy, Müller đã thông báo cho những tên chỉ huy các bốt Gestapo trông coi trại Mauthausen danh sách những người tù vượt ngục và đã bị bắt lại và báo cho chúng biết sẽ chuyển những người tù này trong khuôn khổ của chiến dịch “Kugel”. Các sĩ quan, hạ sĩ quan có dính tới sắc lệnh “Kugel” sẽ nhận một viên đạn vào sau gáy, ngay khi họ đến Mauthausen.

Sắc lệnh Kugel thứ hai, được áp dụng cho những người tù là lao động bình thường người nước ngoài đã nhiều lần tìm cách thoát khỏi trại lao động khổ sai, những người tù được chuyển đến trại tập trung Mauthausen phải theo điều kiện của sắc lệnh “Kugel” được gọi là “người tù K”, không phải ghi vào sổ danh sách tù của trại, cũng không có số hiệu. Họ được chuyển ngay vào xà lim của trại tập trung. Ở đây chúng bắt họ cởi bỏ hết quần áo, vào nhà tắm với lý do là để kiểm tra sức khoẻ. Chúng để họ đứng vào chỗ thước đo trá hình. Khi họ đứng đúng vào tầm, một viên đạn tự động sẽ bắn vào gáy họ xuyên qua đầu ra phía bên trên trán. Khi người tù loại K thuộc nhân vật quan trọng thì chúng chuyển họ đến phòng tắm vòi hoa sen, ống dẫn khí độc có thể hòa vào trong dòng nước, hay mở van phun hơi ngạt chết người vào phòng tắm. Việc này do tên chỉ huy trại tự quyết định.

Đầu tháng 9-1944, một toán gồm 47 sĩ quan người Anh, người Mỹ và Hà Lan, các phi công bị bắt sau khi máy bay của họ bị bắn rơi, đã nhảy dù xuống đất, bị dẫn đến trại Mauthausen. Họ bị giam giữ ở đây trong vòng 18 tháng, và vì đã có ý định vượt ngục nên đều bị xử tử. Thay vào sự hành hình bằng cái chết tức khắc, tên chỉ huy trại đã bắt họ phải chịu cái chết thảm khốc từ từ.

Một cái hố lòng chảo rất rộng. Muốn xuống đáy lòng chảo, người ta phải leo 186 bậc, bậc thang đẽo xù xì ngay vào thành đá. 47 người tù Anh, chỉ mặc áo sơ mi, quần đùi chân trần, phải vác tảng đá nặng từ 25 đến 30kg trên lưng hay ôm trong hai cánh tay bước lên bậc thang trên cùng “dưới cơn mưa” gậy ma trắc, dưới những cú đá bằng giày ủng và cả bằng đá đập vào người. Khi họ đã lặc lè mang được tảng đá lên thành cao, họ bị bọn đao phủ bắt phải chạy thật nhanh xuống đáy lòng chảo để vác hòn đá nặng hơn hòn trước, leo lên bậc đá.

Chỉ trong ngày đầu, 21 người trong số 47 người tù đã gục chết. 26 người còn lại tiếp tục làm công việc ấy vào ngày hôm sau. Đến ngày thứ hai chỉ còn một người sống thoi thóp.

Trong dịp này, tên Himmler đến thanh tra trại tập trung. Chúng mời Himmler dự vào cuộc hành hình 50 sĩ quan Xô Viết, để giải trí.

Bản chất kỳ lạ của quân đội Quốc xã là như thế, cái danh dự mà chúng thường cường điệu như một thứ đáng tự hào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #187 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 10:57:53 pm »


Một vụ khác về tù binh chiến tranh cũng gây nhiều tai tiếng.

Đó là vụ những người tù vượt ngục ở Sagan. Sagan là một tỉnh nhỏ của Silésie gần Breslau, có gần 10.000 phi công Anh, Mỹ bị giam giữ trong trại tù binh Luft III. Họ là những người luôn nghĩ đến việc bỏ trốn. Cuối tháng 2-1944, bọn lính gác phát hiện ra 99 đường hầm đã được đào gần xong. Một đội thanh tra cứng rắn được đặc biệt giao cho các quân nhân dự bị gồm những tên S.A do Jüttner chỉ huy cũng không ngăn cản được những dự định chạy trốn của các phi công trên. Thậm chí họ còn đào xong đường hầm thứ 100.

80 sĩ quan Anh đã trốn thoát trong đêm 24, rạng ngày 25-3-1944.

Tính ngoan cường điển hình của các sĩ quan Anh làm cho Hitler và Himmler giận dữ điên cuồng. Khi phát hiện cuộc vượt ngục vào sáng ngày 25-3, một cuộc báo động tổng hợp (grossfahndung) được phát rộng rãi. Gestapo ở Breslau cũng được báo động. Nhiều đội truy lùng được lệnh lên đường ngay. Chúng đã bắt được số người chạy trốn ở gần Sagan, và đưa họ ngay đến trại tập trung. Nhưng vào ngày chủ nhật, 26-3-1944, Müller đã ra lệnh cho các đồn của Gestapo xử bắn ngay những người trốn tù bị bắt lại.

Ngày thứ hai, 27-3, đại tá Walde, đại diện không quân đã họp với R.S.H.A, cùng với đại tá Von Reurmont; đại diện của Bộ tổng tư lệnh quân đội; Müller và Nebe. Chúng bàn đến những biện pháp giải quyết vụ trốn trại điển hình này.

Nhưng Müller nói ngay là người của hắn (Gestapo) đã được lệnh trực tiếp của Hitler xử bắn ngay 12 đến 15 người vượt ngục vào sáng ngày 26-3 rồi. Nhiều người phản đối sự việc đã rồi. Người ta sợ rằng các phi công người Đức bị bắt làm tù binh ở Anh sẽ bị giết để trả thù. Và những phi công của phi đoàn Luftwaffe đi làm nhiệm vụ ở Anh sẽ lo sợ về hậu quả của biện pháp cứng rắn ấy. Cuối cùng Hitler phải đồng ý cho những tù binh Anh ở trại tập trung được sống. Còn với những phi công trốn trại bị bắt lại thì vẫn bị xử tử. Cuộc hành hình được giao cho tên Scharpwinkel, chỉ huy binh đoàn S.S ở Breslau thi hành.

Những phi công vượt ngục bị bắt lại, có một số người bị bắt ở Kiel và Strasbourg đều bị chuyển đến Breslau và bị xử bắn.

50 sĩ quan trẻ phải trả giá cuộc đời cho sự can đảm của họ. Theo thói quen của Gestapo, Müller cấm tuyệt đối các báo chí không được đăng một tin nhỏ nào về vụ việc này. Tất cả các mệnh lệnh của Müller cũng chỉ được truyền bằng miệng, mà không có một văn bản nào.

Mặc dầu Gestapo đã có sự phòng xa như vậy, nhưng tin tức về cuộc hành quyết vẫn lọt ra ngoài. Tên Kaltenbrunner ra lệnh đưa tin những tù binh phi công đã chết dưới làn bom của Đồng minh. Số khác bị bắn hạ vì có sự chống trả quyết liệt khi người ta đến bắt lại họ. Còn vài người khác bị thương nặng do chạy trốn trong khi bị đưa lại về trại tập trung.

Cuối cùng có một lời chú thích ý là đã không có một chứng cớ nào chứng tỏ hành động của Gestapo là bất hợp pháp. Nhưng điều mà người ta còn nghi ngờ về tính chất hành quyết thì mãi đến khi chiến tranh kết thúc, người ta mới biết chắc chắn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #188 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 10:59:56 pm »


Gestapo lại có thêm hai lĩnh vực cần khai thác. Lĩnh vực thứ nhất rộng lớn nhưng ít có ấn tượng vì chỉ nhằm vào lợi ích kinh tế trong chiến tranh của Đức, Gestapo đã liên tục cung cấp một số lượng nhân công lớn để thỏa mãn nhu cầu của các nhà máy, các xưởng, xí nghiệp công nghiệp. Con số này đã làm rõ hành động của cảnh sát Quốc xã ở các nước chiếm đóng, đã vây ráp bắt bớ số lớn người làm con tin và bắt họ làm việc phục vụ nền kinh tế thời chiến của Đức.

Chúng đưa ra cách đánh đổi người tù. Đây là sự lừa đảo của chính phủ tay sai Pháp khi chấp nhận đổi 5 nhân công công nghiệp thay cho 1 người tù được tha. Việc đổi chác này được công bố rộng rãi cho dân chúng biết. Cơ quan S.I.O (Service du Travail Obligatoire - Cơ quan về lao động bắt buộc) cho phép tuyển người trong giới thanh niên để đưa sang Đức làm việc. Tên đội trưởng S.S Sauckel là tên tuyển mộ lao động bậc thầy. Chỉ riêng hắn đã tuyển được 200.000 người nước ngoài tình nguyện lao động ở Đức trong số 5 triệu người thuộc diện đánh đổi. Nhưng sau đó, số người bỏ hàng ngũ lao động cũng rất nhiều. Họ vào các vùng rừng núi tham gia các đội du kích kháng chiến. Cuối cùng vẫn có 875.952 người thợ Pháp phải sang làm việc ở Đức.

Người ta ước tính đến cuối năm 1942 có 1.036.319 người Pháp bị bắt làm tù binh chiến tranh. Và nếu kể cả những người hoạt động chính trị hay theo kháng chiến đã có hơn 2 triệu người Pháp bị bọn Quốc xã bắt với nhiều lý do khác nhau.

Lĩnh vực thứ hai là một tổ chức thật đặc biệt, được khoa trương với danh từ là Những kinh nghiệm y học.

Để hiểu được vì sao số thầy thuốc, mà trong số họ có những bác sĩ nổi tiếng, lại có thể tin vào những nguyên lý quốc xã để chấp nhận tự mình làm “những kinh nghiệm ấy”, dù rằng đó là việc trái hẳn với đạo đức y học cổ truyền. Họ được bọn Quốc xã đưa đến các trung tâm y tế Đức để thực hiện những công việc làm lũng đoạn nền y tế.

Phải kể rằng những nhà bác học, thầy thuốc, giáo sư có tư tưởng tự do hay phản động, Do Thái hay người của hội Tam Điểm, hay người Pháp đã tự thi hành việc thanh lọc ngay trong hàng ngũ của họ, để loại ra tới 40% đồng nghiệp. Họ cho rằng làm theo “những kinh nghiệm y học” sẽ đề cao vai trò của mình hơn, và gạt bỏ được một số đồng nghiệp.

Chính tên Himmler đã say mê với “những kinh nghiệm y học” với nhiệm vụ nghiên cứu về nòi giống hay thừa kế dòng dõi tổ tiên. Một cơ quan được thành lập vào năm 1933 gọi là hội Ahnenerbe (thừa kế tổ tiên) chuyên nghiên cứu những điểm về trí tuệ, hành động, những truyền thống cổ điển và vấn đề di truyền nòi giống “Bắc Âu- Indo- Đức.”

Ngày 1-1-1939, tổ chức này công bố điều lệ mới về nghiên cứu khoa học và thực hiện việc nghiên cứu này trong các trại tập trung. Ngày 1-1-1942, nó chính thức trực thuộc vào bộ tham mưu riêng của Himmler. Đứng đầu tổ chức này gồm có Himmler với chức danh chủ tịch; bác sĩ Wuest, hiệu trưởng trường đại học ở Munich, và Sievers, một nhà buôn sách cũ trở thành đại tá S.S làm thư ký. Sievers giữ một vai trò rất quan trọng.

Theo chỉ thị của Himmler, tổ chức nghiên cứu khoa học sẽ khuyến khích, tổ chức và tài trợ cho phần lớn các đề tài nghiên cứu. Tổ chức “nghiên cứu khoa học” đã phát triển rất rộng, có tới 50 học viện khoa học chuyên nghiệp. Các đề tài nghiên cứu sẽ do Himmler yêu cầu và chuyển tới tiến sĩ Sigmund Rascher để phổ biến cho các học viện chuyên ngành.

Rascher là đại uý quân y của lực lượng không quân dự bị. Hắn lấy vợ hơn hắn 15 tuổi và qua người vợ, Rascher mới biết Himmler. Đầu năm 1941, Rascher tham gia lực lượng S.S chịu trách nhiệm mở lớp y tế cho đội tiêm kích VII ở Munich. Những ý kiến do Rascher đưa ra như sự phản ứng của cơ thể, những rồi loạn về tâm lý và thể chất trong khi máy bay ở độ cao1. Ngày 15-5-1941, Rascher viết tường trình lên Himmler: “Tôi rất lấy làm tiếc là chưa tìm ra một kinh nghiệm nào để có thể áp dụng cho các phi công của chúng ta. Hơn nữa, những thử nghiệm là rất nguy hiểm mà không có ai tự nguyện bay thử. Tôi nghiêm túc đặt vấn đề như sau: Ngài có thể chấp nhận cho tôi toàn quyền sử dụng hai hay ba tên tội phạm để thử vào việc này? (...) Những cuộc thử nghiệm ấy có thể gây ra cái chết. Chúng rất cần thiết cho việc thử nghiệm bay ở độ cao, trong khi không thể dùng khỉ cho các cuộc thử nghiệm về sự phản ứng vật chất của con người.”

Lời đề nghị của Rascher không có gì đáng ngạc nhiên. Thực tế đã có việc báo trước cái chết không đau cho những người bệnh không chữa khỏi được, những bệnh nhân tâm thần, và vài người bệnh khác ngay từ những ngày đầu chiến tranh. Việc xử tử này được mang cái màn che đậy là thử nghiệm khoa học.
___________________________________
1. Đức nghiên cứu trần bay cho các loại máy bay của chúng thấp hơn độ cao của máy bay Anh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #189 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 11:01:52 pm »


Còn có những cuộc thử nghiệm, theo đúng cách gọi của nó, là dùng người tù Đức để thực hành vào tháng 10 và 11-1938. Tiến sĩ Semestrang đã cho phép dùng người tù ở các trại tập trung Sachsenhausen cho các cuộc thí nghiệm bằng cách làm họ chết cóng trong nước. Việc thử nghiệm này cũng được trại tập trung ở Dachau áp dụng để xử tử những người tù.

Mọi yêu cầu của Rascher được hoan nghênh và thỏa mãn ngay. Rascher đã nịnh nọt về tài năng “khoa học” của Himmler. Ngày 22-5-1941, Karl Brandt, thư ký riêng của Himmler viết trả lời Rascher như sau:

“Chúng tôi rất vui mừng giao cho ông vài tên tù để ông thử nghiệm trong các chuyến bay ở độ rất cao.”

Trại Dachau liền thiết kế ngay các phòng có áp lực thấp tại trung tâm có sự dự trữ vô tận những con chuột lang giống người.

Một bác sĩ là người tù của trại Dachau, Anton Pacholegg, được Pascher sử dụng làm phụ tá, đã kể lại câu chuyện như sau: “Tôi đã tự mình quan sát qua cửa sổ giám sát xem một người tù bị nhốt vào cái buồng không trọng lượng cho đến lúc buồng ngực người tù nổ tung. Có vài cuộc thử nghiệm cho áp lực vào đầu đến mức độ nào đó và sau đấy nhũng người tù dùng vào cuộc thử nghiệm ấy đã bị điên, họ cố gắng dứt tóc của họ để bớt áp lực trong đầu. Họ lấy móng tay cào cấu đầu và mặt làm rách da để giảm áp lực ở hai màng nhĩ.” 1.

Những trường hợp dùng người tù vào môi trường chân không dẫn đến cái chết cho họ. Và sau đó nhiều buồng không có không khí đã được thiết kế để giết người tù.

Những cuộc nghiên cứu khủng khiếp này được tiến hành cho tới tháng 5-1942. Có khoảng 200 người tù đã bị dùng làm vật thí nghiệm, 80 người trong số họ đã chết ngay trong phòng có áp lực thấp. Những người khác ra thoát khỏi cuộc thí nghiệm này cũng bị tổn thương nặng nề. Rascher còn thử nghiệm một loạt việc nghiên cứu về tác dụng của cái rét trên độ cao. Cuối cùng hắn đã thành công trong việc sáng chế ra bộ quần áo bay cho các phi công thực hiện các cuộc ném bom xuống đất Anh. Những phi công này thường bị bắn hạ trên biển Bắc. Có nhiều người trong số họ bị rơi xuống nước không bị thương gì, tuy có dùng phao nổi, nhưng sau vài giờ ngâm xuống nước đã bị chết cóng. 

Rascher đã cho đặt ở Dachau những thùng đặc biệt và các dụng cụ làm đông lạnh. Lực lượng không quân chăm chú theo dõi các thử nghiệm của Rascher. Rascher đã yêu cầu cử thêm cho hắn ba đồng sự. Nhưng trước khi chấp nhận giáo sư Jarisch ở trường đại học Innsbruek, giáo sư Holzlöhner ở Kiel và giáo sư Singer, Rascher đã yêu cầu Gestapo điều tra tỉ mỉ, kỹ lưỡng để đảm bảo ba giáo sư bác sĩ trên có lý lịch chính trị trong sạch. Rascher muốn đảm bảo tuyệt đối bí mật cho các cuộc thí nghiệm, dù trên thực tế hắn chưa hình dung ra được những bất trắc có thể xảy ra.

Các cuộc thử nghiệm về sự chịu đựng nhiệt độ thấp được tiến hành từ tháng 8-1942 đến tháng 5-1943. Trong các cuộc thử nghiệm này những người tù phải chịu cực hình, họ bị lột hết quần áo, phơi mình trong cái lạnh khắc nghiệt ở Đức, trong suốt cả đêm. Thân nhiệt của họ tụt xuống 250. Khi họ đã ngất đi, chúng lại đưa họ vào nhà làm cho cơ thể họ nóng dần để họ tỉnh lại. Himmler đã dự một cuộc thử nghiệm làm hồi sức bằng “sức nóng động vật bằng cách cho gọi bốn người đàn bà ở trại tập trung Ravensbruck đến, bắt họ cởi hết quần áo, ép mình trần của họ vào thân người tù đã lạnh giá nhằm làm cho anh ta tỉnh lại. Nhưng cách làm đó cũng vô ích. Người tù ấy đã bị chết cóng.
____________________________________
1. Đã có lệnh xử tử bác sĩ Anton Pacholegg để đảm bảo bí mật chuyện này, nhưng ông đã vượt ngục vào đầu năm 1944, và là một nhân chứng quan trọng sau chiến tranh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM