Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:57:58 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Gestapo  (Đọc 102139 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #150 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:10:12 pm »


Dannecker đặt trụ sở riêng ở số 31bis, đại lộ Foch và ở số 11 phố Saussaies. Để dùng người Pháp chống Do Thái trên chính đất Pháp, hắn lập ra một học viện nghiên cứu Do Thái, qua đó hắn trưng dụng các nhà xưởng của một hãng Do Thái ở đại lộ Haussmann. Những người Pháp dễ dàng trở thành người của Gestapo, đã hoan nghênh học viện này và người ta thấy tên phó của Darquier de Pellepoir là đại uý Sézille trở thành kẻ sốt sắng tiếp tay cho những trại giết người của Đức Quốc xã.

Việc tuyên truyền chống Do Thái của Đức Quốc xã đã có kết quả. Ngày 3-10-1940, chính phủ Vichy đã ban bố một điều luật về Do Thái. Điều luật ấy kết luận: “Tất cả những người có gốc gác ba đời đều thuộc một nòi giống được coi là thuần chủng. Nhưng nếu người đàn bà thuần chủng có chồng theo đạo Do Thái thì bị coi là người Do Thái.” Tuy vậy họ cũng có thể được giao chức vụ công cộng hay được ủy quyền làm việc đó. Còn đối với người Do Thái những quyền đó bị cấm hẳn. Dù sao người Do Thái cũng được thu xếp lối thoát bằng cách được làm một vài nghề tự do hay buôn bán.

Dannecker yêu cầu có độ 12 viên thanh tra tách ra khỏi Sở cảnh sát để chuyên theo dõi người Do Thái. Hắn sẽ trực tiếp chỉ huy số người này và hắn sẽ thực hiện những yêu cầu của Ban hành chính quân đội: để cho người Pháp tự giải quyết những công việc thấp kém, không đáng bận tâm.

Ngày 24-8-1941, dưới sức ép của Đức, Chính phủ Pháp đã ban bố luật trừng trị tử hình đối với những người có “âm mưu chống lại dân tộc chủ nghĩa” và lập một tòa án đặc biệt để xử những người này.

Tháng 10-1941, bộ trưởng Bộ nội vụ Pháp, để tránh người Đức, đã ra lệnh cho những cảnh sát trực tiếp ở dưới quyền của Đức, thành lập ba lực lượng cảnh sát về vấn đề Do Thái, cảnh sát chống cộng sản và cảnh sát chống các hội bí mật chuyên trách truy xét hội Tam Điểm, những kẻ thù của Tổ quốc.

Việc thành lập 3 đơn vị này tiến hành dưới sự giúp đỡ của một kẻ bất tài, vì vậy nó trở thành tạp nham. Ba viên chỉ huy không phải là người của cảnh sát cử ra mà là những người của phe cực tả. Ví dụ: trưởng ban cảnh sát chống Cộng sản S.P.A.C là một người làm nghề buôn bán, nhưng là hội viên của P.P.C, tên là Doriot, nhận nhiệm vụ với mức lương 10.000 francs mỗi tháng. Nhân viên của ban cảnh sát chống Cộng sản cũng là những hội viên của P.P.C và chỉ có vài cảnh sát cũ tình nguyện nhận công việc vì mức lương cao. Sở dĩ họ phải tuyển mộ những hội viên của P.P.C vào làm việc là do các viên chức chán nản không muốn dính vào những công việc bẩn thỉu ấy.

Một lần nữa, người ta thấy có chuyện ngược đời! Các hội viên của những đảng phái tả lại tỏ ra là những “người yêu nước nồng nhiệt”, khiến bọn Quốc xã phải tuyển mộ họ như là những nhân viên phụ tá đắc lực.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #151 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:10:38 pm »


*

Những sự tính toán của Bộ chỉ huy quân đội Đức không đạt được kết quả như ý muốn. Bởi vì theo thể thức của Keitel thì những thủ tục bình thường là “không có tác dụng”, nên họ đành chọn con đường trấn áp mỗi khi có vụ mưu sát chống lại một quân nhân quân đội Đức chiếm đóng, thủ phạm sẽ bị xử tử hình như tội bắt cóc con tin.

Ngày 22-8-1941, một mệnh lệnh do tướng Stülpnagel, tổng tư lệnh quân đội Đức ở nước Pháp bị chiếm đóng, nêu rõ: “Tất cả những người Pháp bị giam giữ bởi một cơ quan của Đức, bắt đầu từ ngày 23-8 sẽ bị coi là con tin và sẽ bị xử bắn tuỳ theo mức độ phạm tội.”

Ngày 19-9, một mệnh lệnh khác bổ sung thêm về tiêu chí con tin: “Tất cả những đàn ông Pháp bị giam giữ về tội hoạt động Cộng sản hay theo chủ nghĩa vô chính phủ bị các cơ quan của Pháp bắt, hay bị bắt sau này” đều bị coi là tù nhân và sẽ do Bộ tư lệnh quân đội Đức ở Pháp quyết định xử lý.

Tất cả những điều này đều mang chung tên gọi là: “Luật về con tin”, trái ngược với điều khoản số 50 trong hiệp ước La Haye về việc cấm bắt và giam giữ con tin. Những biện pháp trấn áp ngày càng nặng thêm khi tháng 7-1942, tướng Otto Von Stülpnagel được thay thế bởi người em họ là tướng Heinrich Von Stülpnagel.

Báo Pariser Zeitung đã đăng thông báo vào ngày 16-7 như sau:

- “Nam giới có họ hàng gần gũi, là anh em rể, người có liên quan gia tộc với người phạm tội gây rối, từ 18 tuổi trở lên đều bị xử bắn.

- Phụ nữ có quan hệ như trên với kẻ gây rối sẽ bị kết tội lao động khổ sai.

- Trẻ em dưới 18 tuổi bất kể trai, gái can vào những đối tượng trên đều bị đưa vào trại cải tạo.”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #152 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:11:22 pm »


*

Trong suốt thời kỳ chiếm đóng, cảnh sát Đức, Gestapo, S.D đều ở tư thế sẵn sàng hành động. Còn khi các lực lượng này chưa có được vai trò hàng đầu dưới cái bóng quản lý hành chính quân sự thì nó cũng không ngừng tăng cường môi trường hành động.

Ngay từ đầu, Knochen đã tổ chức bộ máy của hắn theo kiểu mẫu như R.S.H.A chia người ra thành 6 ban dưới sở R.S.H.A ở Berlin, cùng với những đơn vị thuộc cấp giống hệt như tổ chức R.S.H.A ở Đức. Mặc dầu các tổ chức của Knochen chưa được công khai hoạt động, nhưng nó vẫn tiến hành thu thập các tài liệu và tuyển nhân viên là người Pháp, được lựa chọn công bằng và một số nhân viên của ban cảnh sát chống Cộng sản của Doriot.

Trong năm 1941, gọng kìm giám sát của quân đội càng chặt. Ban cảnh sát mật của chiến dịch (G.F.P) bận túi bụi nên lúc đầu phải giao bớt cho Gestapo việc khám xét rồi dần dần cả việc bắt giữ người. Họ chỉ yêu cầu Gestapo phải có báo cáo tường trình đầy đủ về mọi hành động gửi cho Ban cảnh sát mật của chiến dịch. Nhưng thủ tục này hầu như bị Gestapo bỏ quên, sau đó Bộ tư lệnh quân đội Đức đã tự phải giải quyết các công việc điều tra mà không giao cho Ban cảnh sát mật của chiến dịch nữa.

Sau một thỏa thuận giữa Bộ tư lệnh quân đội Đức, Gestapo và S.D sẽ đảm nhận việc giữ gìn an ninh ở hậu tuyến đối với các vấn đề dân sự và chính trị. Riêng các hoạt động tình báo quân sự là lĩnh vực tuyệt đối của Bộ tư lệnh quân đội. Nhưng thực ra ranh giới của các nhiệm vụ này là nhập nhằng. Những nhân viên Gestapo của Knochen vẫn thường vượt qua ranh giới ấy, giẫm chân lên những công việc của tình báo quân đội, gây ra thường xuyên những cuộc va chạm. Giữa Gestapo - S.D với tư lệnh quân đội luôn có sự đối đầu ngấm ngầm, nó cũng là phản ánh cuộc đối đầu giữa những người chỉ huy cao cấp của hai phe trong nội bộ nước Đức.

Những cuộc va chạm mỗi ngày làm tăng thêm vai trò chính trị của các tổ chức của Knochen.

Cuối năm 1941, Knochen đã đặt chân vào tất cả các lĩnh vực, chỉ trừ vài công việc mà quân đội vẫn giữ được quyền hành tuyệt đối như kiểm duyệt báo chí, truyền thông, nhà hát, rạp chiếu bóng, với những vụ việc về Do Thái và vấn đề kinh tế của chính phủ Pháp.

Dù vậy, Knochen cũng đã cài được ba nhánh phụ lo các công việc bên ngoài ở Bordeaux, Dijon và Rouen. Với bản thân Pétain, Himmler đã cử một người kèm sát ông ta ngay từ ngày đầu quân Đức chiếm được nước Pháp. Đó là Reiche. Hắn có nhiệm vụ báo cáo mọi tình hình ở “thủ đô tạm thời Vichy” thẳng đến Himmler. Reiche không phụ thuộc vào Knochen. Nhưng Knochen đã thu được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu gay gắt chống lại các ý đồ của quân đội. Từ ngày tướng Thomas rời nhiệm sở, chỉ còn mình Knochen chịu trách nhiệm về các hoạt động của Gestapo và S.D ở Pháp. Thay tướng Thomas là tướng Bierkamp, nhưng trong sáu tháng chờ đợi sếp mới, Knochen tạm thời chỉ huy công việc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #153 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:12:02 pm »


*

Tháng 4-1942, Himmler đã nhận được những chỉ thị cần thiết của Hitler: tước bỏ mọi quyền hành về an ninh của Bộ tham mưu quân đội Đức chiếm đóng ở Pháp và cử một người khác là đại diện của Himmler làm công việc này.

Để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của Gestapo ở Pháp, Himmler đã chọn một người do Heydrich sốt sắng giới thiệu: tướng Karl Oberg.

Karl Albrecht Oberg sinh ngày 27-1-1897 ở Hambourg. Cha hắn là tiến sĩ Karl Oberg làm nghề thầy thuốc. Oberg học ở thành phố Hanse. Năm 17 tuổi, tốt nghiệp trung học, vào tháng 8, chiến tranh xảy ra, hắn gia nhập quân đội chiến đấu ở mặt trận Pháp với hàm trung uý Trước khi chiến tranh kết. Thúc. Oberg được thưởng huân chương chữ thập sắt hạng nhất và hạng nhì.

Trở về Hambourg, trong khi gia đình gặp nhiều khó khăn, Oberg xin vào làm việc cho một người chuyên mua đi bán lại nhà đất. Hắn ở đây cho đến năm 1921 rồi chuyển sang làm đại diện cho một người buôn bán giấy, sau đó làm công cho xưởng làm men Christiansen ở Flensburg, gần biên giới Đan Mạch. Năm 1923 Oberg lấy vợ là Frieda Tramm, kém hắn 5 tuổi. Năm 1926 cặp vợ chồng mới cưới trở về Hambourg. Ở đây Oberg xin được việc làm ở hãng nhập khẩu hoa quả West - India Bananenvertriebsgesellschaft. Hắn làm việc ba năm ở đây, sau đó trở thành đại lý đặc quyền cho một nhà nhập khẩu hoa quả khác là Banjac, cạnh tranh với hãng West – India. Hắn làm việc này không được thành công lắm. Sau 10 tháng, đến mùa thu năm 1930, Oberg mất việc làm. Trong các thành phố ở Đức có hơn 3 triệu người thất nghiệp. May cho Oberg, hắn chưa phải xếp hàng rồng rắn để lĩnh cháo cứu đói. Nhờ có ít vốn của gia đình, hắn mở quầy bán lẻ thuốc lá ngay giữa phố Schauenburgerstrasse, một phố buôn bán nhỏ nép mình dưới tòa nhà đồ sộ và sáng rực của khách sạn Rathaus ở Hambourg.

Suốt thời gian này, Oberg đã bị tiêm nhiễm bởi tuyên truyền Quốc xã. Khi đã trở thành nhà buôn xì gà, hắn mở thêm cửa hàng trong thành phố độc quyền buôn lậu của giới hàng hải đang sôi động vì hậu quả của suy thoái kinh tế. Vào tháng 6-1931, hắn xin vào làm việc ở N.S.D.A.P, nhận số hiệu 575.205. Mười tháng sau, hắn lại chuyển sang làm S.S và ở đây Oberg nhanh chóng thể hiện phẩm chất của một nhà tổ chức kiểu mẫu. Năm sau vào ngày 15- 5-1933, Heydrich đến Hambourg để thanh tra cơ quan S.D địa phương, đang lúc cơ quan này sắp xếp tổ chức. Trước đó ít lâu Oberg đã được nhận vào ban an ninh của Đảng Quốc xã. Hắn đến trình diện với Heydrich, được Heydrich chấp nhận và làm việc ở S.D. Oberg trở thành một viên chức được trả lương, chấm dứt thời kỳ buôn bán và không còn có thu nhập nào khác ngoài lương của một nhân viên S D. Được đề bạt là thiếu uý (untersturmführer) vào ngày 1-7-1933, Oberg được ban tham mưu của Heydrich tuyên dương và nhanh chóng trở thành cộng sự đắc lực cho ban này. Hắn theo Heydrich về Munich. Đến tháng 9, hắn lại về Berlin để nhận công việc của cơ quan trung ương S.D. Sau đó, Oberg được cử làm chỉ huy đội bảo vệ của Heydrich cho đến tháng 11-1935. Trong thời gian Oberg ở gần Heydrich, hắn đã tích cực dự vào việc thanh toán Roehm.

Rồi Oberg tự nguyện rời bỏ S.D để chuyển sang làm việc cho S.S ở Mecklenbourg với hàm đại tá (Standartenführer), sau đó trở thành chỉ huy trưởng S.S thuộc cơ quan Abschmitts IV ở Hanovre cho đến tháng 12-1938.

Tháng 1-1939, Oberg được đề bạt làm cảnh sát trưởng thành phố Zwikau tại miền Saxe và tháng 4-1939 đã là một tướng S.S (Oberführer). Chiến tranh xẩy ra, hắn vẫn giữ nguyên hàm cấp tướng. Cho đến tháng 9-1941, Himmler đã cử Oberg tạm quyền giữ chức vụ quan trọng là chủ tịch hội đồng cảnh sát ở Brême. Nhưng tên trùm Quốc xã ở địa phương là Kaufmann đã có một người khác đề cử vào chức vụ này, đã phản đối Oberg nên sau một tuần Oberg lại phải trở về Zwickau.

Tháng 9-1941, Oberg được đề bạt cảnh sát trưởng và chỉ huy trưởng của S.S tại Radom, Ba Lan. Hắn dự vào cuộc thanh toán người Do Thái và săn đuổi những người lao động Ba Lan.

Hắn chỉ rời bỏ chức vụ này khi được chuyển về Paris với hàm thiếu tướng lữ đoàn trưởng. Đây là sự tiến bộ vượt bậc của Oberg, vì 9 năm trước hắn mới là thiếu uý.

Tròn 45 tuổi, hắn được Himmler cử sang Pháp. Lúc đó Oberg là người có đầy đủ sức mạnh, một tên người Đức chính cống ở miền Bắc, tóc hoe vàng, mặt đỏ hồng, thân hình tráng kiện, cái bụng hơi to vì uống khá nhiều bia. Khuôn mặt quá dài với đôi mắt màu xanh xám, hơi lồi, nhưng không tỏ rõ sự tàn ác đặc biệt nào. Hắn đeo đôi mắt kính to trên cái mũi dài, sống mũi hơi gồ và đầu mũi nhọn hếch lên. Nhìn bề nghiêng khuôn mặt hắn trông hơi giống anh hề xiếc, trán gồ và đỏ hồng dưới mái tóc hoe vàng và thưa. Hắn để lại ấn tượng cho cơ quan S.S là một người điềm tĩnh và cần cù, hiền lành và cư xử tốt với thuộc cấp. Hắn là người chồng đứng đắn, nền nếp, sau 13 năm lập gia đình hắn có đứa con trai đầu lòng vào năm 1936, con trai thứ hai sinh năm 1941 và con gái thứ ba sinh năm 1942.

Tóm lại, người mà Himmler chọn đã thể hiện rõ là con người trung hậu ở giữa đàn thú dữ Gestapo và S.S. Oberg còn có một phẩm chất tốt khác là người biết giữ gìn kỷ luật nghiêm túc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #154 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:12:37 pm »


Ngày 22-4-1942, Himmler đã chọn Oberg đại diện hắn sang phụ trách lực lượng Gestapo và S.D ở Pháp. Oberg đến Paris ngày 5-5. Sự can dự của Oberg đã gây ra thay đổi căn bản trong mối quan hệ giữa cảnh sát Đức và quân đội chiếm đóng. Để đánh dấu bước chuyển biến tích cực này, Oberg được phong là Höhere S.S und Polizei Führer (Chỉ huy tối cao lực lượng S.S và cảnh sát) và là người thay mặt cho Himmler giải quyết mọi công việc của Gestapo và S.S ở Pháp.

So với Oberg, Thomas chỉ là người đại diện của Heydrich. Thời gian này, Oberg đã bỏ nhiều công sức tăng cường quyền hành cảnh sát và đảm bảo sự liên lạc giữa các chỉ huy tối cao của cảnh sát Đức với S.S của Himmler, và một số nhà chức trách ở Pháp, như Bộ tư lệnh quân đội của Von Stülpnagel, với người chỉ huy, tư lệnh trưởng mặt trận phía Tây là thống chế Von Rundstedt, đại sứ Abetz và các thành viên trong Chính phủ Pháp.

Để quảng bá sự kiện quan trọng này và để nhấn mạnh thêm tính nghiêm trang của nó, Himmler dự định đến Paris để tự phong chức cho Oberg. Nhưng vì bận nhiều công việc, hắn đành cử Heydrich thay mặt hắn làm việc đó. Heydrich đến Paris, giới thiệu Oberg với các nhà chức trách Đức và Pháp. Hắn đã tổ chức buổi lễ long trọng ở khách sạn Ritz. Heydrich mời tổng trưởng cảnh sát Paris René Bousquet, tổng trưởng của Bộ nội vụ Pháp là Hilaire. Hai người này cũng mới được đề bạt từ 15 ngày trước. Heydrich đã cùng với ông Fernand de Brinon, đại diện cho Chính phủ Pháp ở vùng chiếm đóng, và Darquier de Pellepoix, tổng ủy viên về vấn đề Do Thái, mới thay cho Xavier Vallat, đón tiếp họ. Trong buổi lễ, Heydrich đọc bài diễn văn dài kêu gọi René Bousquet và Hilaire cộng tác chặt chẽ với các nhà chức trách Đức, và trong phạm vi công việc của mình tham gia tích cực vào cơ quan cảnh sát mới của Oberg để cùng phục vụ “lợi ích chung” cho cả hai nước Đức và Pháp. Điều này cũng có ý nhằm đến René Bousquet là người chỉ huy của cảnh sát Pháp. Heydrich nói: “Ông Oberg chịu trách nhiệm cải tổ lại tổ chức cảnh sát Đức trên miền đất chiếm đóng. Đơn vị của Oberg từ nay sẽ giữ quyền hành pháp, còn quyền cảnh sát sẽ trả về cho Ban hành chính quân đội. Việc giữ gìn an ninh phía sau các đội quân sẽ ủy nhiệm cho cơ quan cảnh sát và lực lượng S.S của ngài Himmler do ông Oberg phụ trách.”

Để nhiệm vụ này được thực thi đầy đủ, không gặp cản trở, Heydrich buộc cảnh sát Pháp ở các vùng chiếm đóng phải được đặt dưới quyền bảo trợ của cảnh sát Đức. Đó như một yêu sách đúng đắn thể hiện trong văn bản công ước đình chiến. Heydrich nói: “Đây là một trong những quyền và bổn phận của lực lượng chiếm đóng, để đảm bảo duy trì trật tự. Đến nay, Hitler và Himmler đều nghĩ rằng cảnh sát Pháp mới được thành lập, sẽ mang lại sự hợp tác trung thực và có tác dụng.”

Trên thực tế, tên chỉ huy tối cao S.S Heydrich đã có sự cải tổ sâu sắc đối với lực lượng cảnh sát Pháp.

Lực lượng này gồm những tên chắc chắn tin cậy, lựa chọn trong các đảng phải chính trị ở Pháp, cộng tác đắc lực với các cơ quan cảnh sát Đức, trong mục tiêu “xây dựng một Châu Âu mới.” Đứng đầu các lực lượng này là đảng P.P.F của ông Doriot (Đảng nhân dân Pháp - Parti Populaire Français) và Binh đoàn lê dương trật tự (S.O.L. – Services d’ordre lé gionnaire) của Darnand.

Tại Pháp, Thomas cũng có ý định đưa người của quốc xã vào những vị trí chủ chốt. Pucheu cũng cho thành lập ba cơ quan đặc biệt là P.Q.J, S.P.A.C và S.S.S.

Heydrich tưởng rằng trước hắn, Pucheu là kẻ dễ dàng cúi đầu nghe lệnh, nhưng hắn đã ngạc nhiên khi gặp phải sự chống đối quyết liệt. Ngay đến René Bousquet cũng không chịu sự đỡ đầu của cảnh sát Đức, đã tuyển những đảng viên cực tả đảm trách các chức vụ trong sở cảnh sát của mình. Theo Bousquet, điều này sẽ giúp cảnh sát Pháp hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ và có thể đem lại sự bình yên cho dân chúng Pháp, loại trừ việc người Đức gây ra những vụ trả thù mù quáng. Heydrich đành phải chấp nhận lí lẽ của Bousquet.

Heydrich cuối cùng cũng phải thỏa thuận rằng Đức sẽ không có ý định trả đũa nếu Bousquet lãnh đạo cảnh sát Pháp đi đúng hướng, thuận tiện cho những quyền lợi của Đức, trên cơ sở những cộng tác chặt chẽ, hữu nghị của cả hai bên.

René Bousquet cam kết với điều kiện là cảnh sát Đức đừng can dự vào những công việc của cảnh sát Pháp và hai lực lượng này sẽ hoạt động tách biệt nhau.

Heydrich phải thú nhận rằng hắn không có quyền quyết định một thỏa thuận theo kiểu đó. Hắn chỉ có quyền hoãn thi hành những mệnh lệnh từ cấp trên, do Hitler và Himmler ban xuống.

Sau khi đạt được thỏa thuận với René Bousquet, Heydrich quay về Berlin và không bao giờ hắn trở lại Paris nữa.

Cuộc hội kiến giữa Bousquet và Heydrich đã tránh cho nước Pháp sự đe doạ nghiêm trọng. Trong khi ở Ba Lan, Đan Mạch, Tiệp Khắc, cảnh sát Đức đã toàn quyền kiểm soát các lực lượng cảnh sát địa phương. Ở Đan Mạch hầu như toàn bộ cảnh sát của nước này đều bị bắt và đưa đi đày ở Tiệp Khắc, chính “người che chở xứ Bohême - Moravie” Heydrich đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhân dân Tiệp. Ở Ba Lan bọn S.S thi hành mệnh lệnh của Gestapo nhằm loại bỏ dân tộc Ba Lan.

Người ta đã tự hỏi rằng nếu giải pháp của Bousquet không được cảnh sát Đức chấp nhận thì số phận nhân dân Pháp sẽ ra sao?

Được đảm bảo về số phận, toàn bộ cảnh sát Pháp đã động viên được nhiều người xứng đáng, vào giờ mà mỗi binh sĩ Đức ở mặt trận phía Đông này đã phải đối phó ngày càng khó khăn để duy trì phòng tuyến của họ, nhân dân Pháp đã ít chịu theo lệnh của bọn chiếm đóng mà chỉ tin cậy vào các cơ quan của người Pháp nhưng trật tự vẫn bị đảo lộn. Nước Pháp phải chịu đựng những hành động tàn bạo, dã man đổ xuống đầu, giống như những gì mà bọn Quốc xã làm ở Trung và Đông Âu, để khuất phục dân tộc ương ngạnh này.

Kết quả là cả hai bên đều cùng trả giá cho “sự thỏa thuận” ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #155 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:13:35 pm »


*

Ở Paris, Oberg lao vào việc cải tổ các lực lượng cảnh sát dưới quyền. Đầu tiên là việc sáp nhập các phòng ban cảnh sát mật và S.D vào các ban kiểm soát cảnh sát Pháp của bộ phận hành chính quân đội. Ban cảnh sát mật của chiến dịch (thuộc quân đội Đức chiếm đóng) hầu như đã bị bãi bỏ gần hết. 23 toán trong số 25 toán đã bị giải tán. Người của những toán này phải chuyển sang cho Sipo S.D hay bị đưa sang mặt trận Nga. Những nhân viên của Ban cảnh sát mật buộc phải ra khỏi quân ngũ, sau đó mới được tái tuyển vào Gestapo và S.D và được ưu tiên sử dụng.

Đến lúc này Ban hành chính quân đội chỉ còn mỗi việc canh gác nhà tù và trại tập trung, trông coi thuế quan và cảnh binh.

Đây là thắng lợi của Knochen. Hắn đã kiên trì để đảm bảo cho Đảng Quốc xã có sức nặng đối với quân đội chiếm đóng. Khi quyền lực đã vào tay Oberg, Gestapo đã tiếm quyền quân đội và ban chính trị ở Đức đã thuộc về cảnh sát mặc dù danh nghĩa vẫn là do đại sứ Abetz quản lý.

Oberg đã chia các cơ quan cảnh sát thành hai nhóm, tương tự cách tổ chức của Đức: Cảnh sát trật tự (Orpo - Ordnungs Polizei); và Cảnh sát an ninh (Sicherheits Polizei-Sipo - S.D). Mỗi nhóm được đặt dưới quyền một thiếu tá (Befehlshaber).

Nhóm Orpo đóng trụ sở ở số 49, phố Faisanderie, thiếu tá phụ trách là Schweinichen, đến năm 1943 Scheer thay thế phụ trách. Nhóm Sipo S.D có trụ sở ở phố Des Saussaies và ở đại lộ Foch.

Để bành trướng quyền lực chính trị, mỗi một vùng lại có một ban chính trị để thực hiện mọi đường lối của Đảng Quốc xã. Ở Bordeaux, Rouen và Dijon đã lập ban này trước rồi, nên chỉ cần đặt thêm 7 ban chính trị ở Angers, Châlons sur Marne, Nancy, Orléans, Poitier, Rennes và Saint Quentin, đưa số ban chính trị ở các vùng lên thành 11 ban, kể cả ở Paris.

Mỗi ban này lại đặt ra tiểu tổ ở cáo thị trấn thuộc vùng đó cùng hoạt động với ban lãnh đạo địa phương. Ví dụ ở Rouen có chi nhánh ở Évreux, Caen và Cherbourg và ba tiểu tổ không quan trọng lắm ở Granville, Dieppe và Le Havre.

Miền Bắc và miền Đông không thuộc về ban chính trị Paris. Ban chính trị ở Lille thuộc thẩm quyền của miền Bắc và của Pas-de-Calais, sáp nhập vào ban chính trị trung ương ở Bruselles, còn ban chính trị ở Strasbourg lại thuộc về ban chính trị một vùng của nước Đức.

Tất cả các ban chính trị ở từng vùng đều nằm dưới quyền ban trung ương đóng tại Paris. Ban chính trị trung ương cũng rập theo khuôn mẫu tổ chức của R.S.H.A.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #156 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:14:17 pm »


Cơ quan trung ương Sipo- S.D và những bộ phận phòng, ban... hoạt động ngoài nước cũng chia ra làm 7 cục. Với nhiệm vụ vốn có, cục này còn cáng đáng thêm công việc chuyên trách ở những vùng chiếm đóng nước ngoài. Cục II (S.D) trước đó vẫn phụ trách quản lý hành chính, nay phải kiêm nhiệm thêm công việc khác gọi là IIPol, hình thành do một toán cũ tách ra khỏi Ban hành chính quân đội, chịu trách nhiệm giám sát, nghiên cứu các vấn đề về pháp lý với cảnh sát Pháp. Cục II (S.D) còn giữ quan hệ với Ban quản lý hành chính quân đội đang phụ trách canh gác các nhà tù và trại tập trung.

Cục III (S.D) mang tên là “Otto” theo tổ chức cũ của ban tuyên truyền Staffel của Quốc xã, nay kiểm soát các báo chí Pháp. Từ “Otto” để chỉ các việc cấm, một khi tác giả là người Do Thái hay chống đối Quốc xã, hoặc là các vấn đề nội dung cần xử lý, kiểm duyệt.

Cục III trông coi các tổ chức kinh doanh của Đức và kiêm việc quản lý nhân công và các công việc bắt buộc khác qua khu trưởng Quốc xã.

Cục IV gọi đúng nghĩa là Gestapo, chịu trách nhiệm đấu tranh chống mọi kẻ thù của nhà nước Đức, những tên phá hoại, bọn khủng bố và bọn gián điệp quốc tế. Những đơn vị này cắm chốt ở Paris, dò la những phần tử chống đối kể trên. Và cũng có lúc nó nhờ Cục III và VI giúp đỡ.

Cục IV nghe trộm các đài phát tin bí mật đặt ở London, phát những tin tức phản tuyên truyền.

Cục này kiểm soát cả đội đặc nhiệm Sonderkommando tách ra từ Berlin, gọi là đội đặc nhiệm IV J, sau đó là đội IV B4, chuyên đấu tranh chống Do Thái. Đội đặc nhiệm này nhận chỉ thị trực tiếp từ tên Eichmann ở Berlin, dưới quyền Dannecker. Hắn chuẩn bị các biện pháp sơ bộ để “di cư” người Do Thái và người thực hiện là các nhà chức trách Pháp.

Sau những đợt vây ráp, những người Do Thái bị đưa vào trại tập trung Drancy, sau đó bị đày sang Ba Lan hoặc bị thanh toán.

Dannecker thường tổ chức các cuộc họp gồm Abetz, Zeitschel, hai người của quân đội là Ernst và Blanke, với một đại diện của Rosenberg là Von Behr. Trong các cuộc họp này, chúng bàn đến các biện pháp đối phó với các nạn nhân người Pháp.

Tòa đại sứ Đức cũng chỉ định những chuyên gia là người Pháp giúp cho Dannecker. Những chuyên gia này được lựa chọn trong những toán cộng tác với quân đội chiếm đóng và trong số những người chống Do Thái, như Bucard, Darquier de Pellepoix, Clementi và một nhà “bác học gàn” là “giáo sư” Georges Montandon, nhà nhân loại học Quốc xã.

Dannecker đã lợi dụng quyền độc lập công việc và với thái độ sỗ sàng, thường lấn át cả Knochen. Knochen lo lắng cố giữ uy tín người chỉ huy, muốn thuyên chuyển Dannecker “với lý do kỷ luật”. Vì thế Dannecker phải rời khỏi Paris vào tháng 9-1942 và sau đó chấm dứt công việc của hắn ở Sofia.

Tháng 5-1943, Eichmann đánh giá nước Pháp “rất trì trệ” hơn các nước khác ở Châu Âu trong việc “thanh toán vấn đề Do Thái”, nên đã cử cánh tay phải của hắn là tên Brünner đến Paris với nhiệm vụ thúc đẩy việc đưa người Do Thái vào các trại tập trung. Tên Brünner từ Salonique đến Paris và hắn đã để lại ở đấy dấu ấn về một tên thú vật tàn ác.

Báo chí chống Do Thái của Pháp, đứng đầu là báo Pilori, đã mở cuộc vận động chống lại người Do Thái đang được chứa chấp ở Nice. Eichmann đã đến Nice để thẩm tra xem “tất cả người Do Thái ở đây” đang lẩn trốn như thế nào như báo Pilori đã đưa.

Brünner đến Paris, truyền đạt cho Knochen lệnh của Himmler phải thúc cảnh sát Pháp cộng tác với cảnh sát Đức để săn đuổi những người Do Thái.

Brünner lợi dụng quyền, đem theo một đơn vị gồm 25 người và một đội xe. Hắn nhận lệnh từ Berlin buộc ủy viên Pháp phải tích cực thi hành các biện pháp chống Do Thái. Hắn đã qua mặt cả Knochen.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #157 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:14:48 pm »


Bắt đầu từ tháng 8-1943, trại tập trung người Do Thái ở Drancy bị đặt dưới quyền chỉ huy của Đức. Cảnh binh Pháp chỉ còn có trách nhiệm canh gác bên ngoài mà thôi.

Brünner càng xúc tiến mạnh mẽ công việc. Cục IV (Gestapo) có nhiệm vụ thực hiện một hành động thật ác độc.

Chúng thanh toán tất cả những người Do Thái rơi vào tay chúng, dù bị tòa án binh xét xử hay bị đi đày không cần xử án. Bọn Gestapo đã chọn các hành động kinh khủng là bắt cóc rồi thủ tiêu ngay.

Cục IV có một cục phụ thuộc là Cục IV 5, chuyên làm các “nhiệm vụ đặc biệt”, và một cục phụ thuộc khác là IV N chuyên thâm nhập vào hàng ngũ đối phương để do thám.

Cục IV còn có hai đơn vị mà người Pháp, nhất là ở Paris, đều rất muốn biết đến tên gọi của nó.

Đấy là đơn vị Intervention-Référat (can thiệp và xét xử) mà trụ sở đóng ở số 48, phố Villejust, gồm toàn những tên giết người, tuyển mộ từ các đội xung kích của P.P.F và của bảo an binh- những tên giết người không ghê tay là thuộc về băng Carbone. Gestapo và S.D không muốn lộ mặt nên đã sử dụng bọn này vào việc giết người Do Thái. Bọn chúng hạ sát các tổ chức chống đối và thực hiện các vụ bắt cóc, ám sát.

Đơn vị thứ hai gọi là Cảnh sát ứug cúu, do tên Bickler, người Alsace chỉ huy, tuyển mộ những người Pháp làm việc cho Gestapo. Chúng lập một trường chuyên đào tạo tự vệ, bảo an binh.

Việc tuyển mộ người của hai đơn vị này rất lạ lùng. Tên Hanri Chamberlin, cựu quản lý nhà ăn của Sở cảnh sát Paris, bị giam ở trại tập trung Cépoy từ năm 1939. Ở đây hắn quen nhiều người Đức cùng bị giam và đã cùng họ tổ chức vượt ngục. Ngay từ khi Knochen đến Paris, tên Hanri Chamberlin đã xin làm việc cho Gestapo. Lúc đầu hắn chỉ được coi như một tên chỉ điểm. Sau đó do yêu cầu của Gestapo, hắn được đề bạt trưởng toán. Chamberlin lấy tên giả là Lafont, tự lập một nhóm người và cùng với tên cựu thanh tra Bony, phụ trách nhóm này. Chúng đóng quân ở số nhà 93, phố Lauriston. Để lập ra nhóm này, tên Chamberlin- Lafont đã tha 20 tên tội phạm và nhận chúng là nhân viên dưới quyền của hắn. Những nhóm kỳ lạ như vậy cũng được tên Martin biệt hiệu “kẻ tàn ác ở Mérode” lập nên. Những tên này đã hành động hung bạo như hiếp dâm, giết người, tra tấn để hỏi cung và lợi dụng việc được miễn sai dịch, được mang vũ khí để cướp bóc tài sản trong lúc tiến hành khám xét nhà dân, tịch thu bừa bãi của cải của họ, gây ra những vụ doạ phát giác để vơ vét buôn lậu đủ thứ hàng...

Những nhóm này làm việc cho Gestapo, cho S.D, và cho cả tình báo quân đội.

Gestapo còn kiêm cả công việc của cục V: bắt người, hỏi cung và tịch thu tài sản. Tên Boemelburg chỉ huy Gestapo ở Pháp cho đến hết năm 1943.

Đối với cơ quan của Knochen đóng ở Paris thì tên Boemelburg là rất đáng giá với nhiều lý do. Hắn là một cựu cảnh sát chuyên nghiệp, thành thạo các dụng cụ và kỹ thuật của nghề cảnh sát và pháp lý quốc tế. Hắn đã là nhân viên của lực lượng cảnh sát hình sự quốc tế (Organisation Internationnale de Police Criminelle – I.K.P.K) tiền thân của Interpol ngày nay. Trụ sở của Cục cảnh sát hình sự quốc tế đóng ở Vienne. Qua những tổ chức này hắn đã gián tiếp quen những người chỉ huy quan trọng của cảnh sát Pháp. Hơn nữa, hắn còn nói thành thạo tiếng Pháp, ngay cả đến những tiếng lóng hắn cũng thuộc lòng. Hắn đã có thời gian ở lâu tại Paris trong vai trò là kỹ thuật viên công ty trung tâm chất đốt của Đức. Trong chuyến đi của nhà vua Anh, hắn có mặt với tư cách đại diện của I.K.P.K, nghiên cứu các cơ quan cảnh sát Pháp về những vấn đề an ninh, đề ra những biện pháp chống lại bọn khủng bố quốc tế. Lúc bấy giờ người ta nghi bọn này sẽ tổ chức mưu sát vua Anh. Chính phủ Pháp đã có một kỷ mềm cay đắng về vụ mưu sát ở Marseille khiến vua Alexandre của Tiệp Khắc cùng với ông bộ trưởng Louis Barthou thiệt mạng.

Khi trở thành sếp của Gestapo, đóng trụ sở ở phố Saussaies, hắn đã có thể liên lạc trực tiếp với Chính phủ Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #158 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:15:13 pm »


Nhưng năm 1943, bất ngờ Boemelburg bị tuổi tác làm hại. Hắn trở nên hay lú lẫn, những quyết định không còn nhạy bén, việc xét đoán không còn chính xác. Trong khi đó những hoạt động chống đối về chính trị đã làm tăng sức ép đối với hắn. Gestapo đã thực hiện cuộc chiến không khoan nhượng với những đòn đánh dã man không thể tưởng nổi. Boemelburg đã già, tỏ ra kém hiệu quả.

Oberg và Knochen, được sự đồng ý của R.S.H.A đã tìm cách thay Boemelburg nhưng không làm cho lòng tự ái của hắn bị tổn thương. Khi Geissler, người đại diện cho Oberg ở Vichy bị lực lượng chống đối sát hại, thì người ta buộc phải bàn đến giới hạn tuổi tác. Vị trí của Geissler được giao cho Boemelburg, bây giờ đến lượt Stindt thay thế Boemelburg ở Paris. Stindt chỉ huy Gestapo ở Pháp cho đến kết thúc cuộc chiếm đóng của Đức ở nước này.

Sau khi rời khỏi nước Pháp, Boemelburg đã theo Chính phủ Pháp, trở thành người thân cận của thống chế Pétain ở Sigmaringen. Đây là vị trí cuối cùng của hắn.

Cục V là Cảnh sát hình sự (Kripo). Theo nguyên tắc tổ chức, cục này phải đấu tranh với mọi vấn đề chợ đen. Nhưng hoạt động của cục này chỉ là trên lý thuyết vì chính các cơ quan của Đức lại là những nơi tổ chức chợ đen lớn nhất vì lợi ích của họ.

Cục V cộng tác với Gestapo để lấy nhân dạng của người tù, những dấu hiệu về những kẻ bị truy nã, giám định các loại vũ khí, lấy các dấu vân tay... Cục V, tham gia với cục IV (Gestapo) để thực hiện các quyền lực. Lúc đầu Koppenhofer chỉ huy cục V, sau đó Odewald thay thế.

Cục VI chịu trách nhiệm tập hợp các tài liệu, tin tức về các nhóm chính trị và giám sát việc họ liên lạc với nước ngoài. Ở Paris, Cục VI đã bố trí 7 chuyên viên đặc biệt phụ trách các nhiệm vụ thường là rất bí mật.

Đội đặc nhiệm Pannwitz của phòng IV (Ämt IV thuộc R.S.H.A) được Berlin cử đặc biệt đến làm việc lúc thì với Cục IV, lúc với Cục VI trong vụ án gọi là Rote Kapelle (nhà thờ đỏ), triệt hạ mạng lưới tình báo của Liên Xô đang hoạt động ở Pháp, thu thập các tin tức về các đội quân của Đức, trang bị vũ khí, các binh đoàn sau khi lui về tuyến sau được điều ra mặt trận phía Đông... Những tin tức này được chuyển thẳng qua đài phát chuyển về Maxcơva, hay qua đài chuyển tiếp đặt ở Thuỵ Sĩ.

Đội đặc nhiệm Pannwitz đã nhờ đến đội đặc nhiệm chuyên biệt thứ hai giúp đỡ là đội Funkspiel.
 
Đội Funkspiel Kommando (Funkspiel có nghĩa là trò chơi radio hay cái bẫy của radio) gồm những tên thành thạo về phát hiện các làn sóng truyền phát tin bí mật.

Đội thứ ba đảm bảo an toàn cho những chỉ huy cao cấp Đức sang công cán ở Pháp. Đội này gồm những tên lính S.S được lựa chọn kỹ lưỡng trong những thành phần của cảnh sát trật tự ở các thành phố.

Đội thứ tư gọi là Wenger (lấy tên của chỉ huy đặt tên cho đội) chuyên giám sát đặc biệt về việc cấp hộ chiếu.

Đội Sonder- Référat (dò xét và xét xử) của tên Wagner giám sát giới thượng lưu của Pháp.

Một đội khác về kỹ thuật chịu trách nhiệm phát hiện những chuyến xe trá hình, chuyên chở vũ khí bí mật cho đội quân bí mật mới được thành lập ở miền Nam nước Pháp.

Cuối cùng là đội thứ bảy, chuyên tuyển mộ gái điếm cho các nhà chứa của quân đội Đức và đôi khi để phục vụ cho bọn lính canh gác ở một vài trại tập trung.

Ở Pháp không có Cục VII rõ ràng mà chỉ có vài tên chuyên gia của Ämt VII từ Berlin đến Paris nhiều lần để nghiên cứu những “công việc” trong học viện chống lại Do Thái của Pháp, để phân loại những thư viện đã bị đội công tác của Rosenberg trưng dụng. Đội này đặt trụ sở ở số nhà 12, phố Dumont-d’Urville ở Paris và cướp được nhiều vật phẩm nghệ thuật, các đồ cổ, và tất cả các vật có giá trị, mỗi khi phát hiện được trong số tài sản của những người Do Thái.

Bắt đầu từ tháng 5-1942, các cơ quan của Đức đóng tại Pháp đã tiến hành thông suốt công việc. Tất cả các đội quân này đều có quyền hành và trở nên đáng sợ.

Mặc dầu sự phân chia theo lý thuyết cho các đơn vị theo đúng kiểu của các cơ quan ở trung ương, nhưng ở Pháp những đơn vị này vẫn chia tách nhau, không liên kết chặt chẽ và cụ thể như ở Đức.

Trong những đơn vị hoạt động ngoài nước mà quân số không vượt quá 100 người, kể cả những người chỉ huy hay quản lý bộ phận thì các nhân viên ở các ngành này làm việc thất thường cốt để cho qua ngày nên mọi việc điều tra thu thập tin tức chúng đều giao cho những nhân viên giúp việc là người Pháp thực hiện. Chúng sử dụng các tài liệu tin tức phát giác do một vài tổ chức hợp tác hay do các đảng phái chính trị của Pháp cung cấp, mà rất ít khi tự điều tra để nắm tình hình. Những nhân viên thuộc “Đội đặc nhiệm của tổ chức Sipo-S.D” đều mang quân phục giống như lính S.S, nhưng trên cánh tay áo bên trái có dải băng phân biệt mang hai chữ S.D. Dấu hiệu này không chứng tỏ chúng là người của S.D, nó chỉ chứng tỏ việc sắp đặt người của ban an ninh hay cảnh sát thuộc S.S.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #159 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:16:47 pm »


*

Quyền lực trong tay quân đội đã chuyển sang tay của những tên chỉ huy Gestapo. Vì vậy việc chỉ huy quân sự thành phụ thuộc vào việc bổ nhiệm các viên chức người Pháp ở trong vùng chiếm đóng. Khi Gestapo đã nắm quyền độc lập, chúng đòi lại quyền can thiệp vào các công việc quân sự và những việc bổ nhiệm dễ đụng chạm đến quyền lợi của cảnh sát.

Vào tháng 9-1942, sau khi quân đức chiếm nốt miền Nam nước Pháp, Gestapo đã buộc việc chỉ định những tỉnh trưởng của hai miền phải là người của chúng đưa ra, chống lại các đề xuất của quân đội và của sứ quán Đức.

Chính vì thế Cục III tăng cường sàng lọc những người Pháp được chỉ định vào các chức vụ, giám sát họ chặt chẽ.

Oberg cử Darnand là người của hắn, vào ghế chỉ huy cảnh sát Pháp. Ngoài các nguồn tin đặc biệt, Gestapo đã thỏa thuận với Ban chỉ huy quân sự về các thông tin bình thường cho từng thời điểm.

Trong thời gian chiến tranh, chi phí cho quân sự trở thành gánh nặng và nước Đức ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chi phí quân sự chiếm 42% nguồn thu ngân sách trong năm 1939. Năm 1942 là 33% và đến năm 1944 chỉ còn 19%. Con số phải chi cho những khoản tiền gọi là “chi phí chiếm đóng” ở các nước đã mất hơn 66 tỷ, cộng vào những khoản tiền thất thoát hay bị chiếm đoạt với lý do này khác thì tổng cộng số tiền chi cho việc chiếm đóng của Đức đã gần 100 tỷ mác. Nước Pháp chỉ có thể đóng góp được 31 tỷ 600 triệu mác cho riêng chi phí chiếm đóng. Đây lại là một gánh nặng cho các nước bị Đức chiếm đóng. Con số này là rất xa thực tế vì chỉ tính riêng năm thứ 5 của chiến tranh nó đã đạt tới 100 tỷ mác rồi1.

Đức không thể đòi hỏi hơn ở nước Pháp các khoản đóng góp, vì thế các cơ quan của Đức phải kiếm nguồn thu nhập khác bằng cách tổ chức chợ đen để kiếm lợi. Chúng lập ra một tổ chức gọi là Văn phòng mua bán nhằm chuyển nguyên liệu đều đặn từ các xí nghiệp của Pháp. Thực tế, những “Văn phòng” này đã trở thành trung tâm thông tin khổng lồ về sự chia rẽ. Chúng đã giải quyết những vụ không thể tưởng tượng nổi. Có những tên thu được những món lợi khổng lồ mà không bị trừng phạt chỉ vì chúng được Gestapo che chở. Ở các văn phòng mua bán, chúng mua đi, bán lại, đổi chác những hàng hóa khan hiếm nhất như thép, đồng, tungstene (Vonfam), cao su, thủy ngân, các sản phẩm về y dược, len, vải, các loại da thuộc quý giá, dây thép gai cũng như rượu vang nguyên chất, rượu cognac Pháp, rượu champagne và da sống, nước hoa, bít tất lụa, gỗ cây hay thanh ray đường sắt, đủ thứ thượng vàng, hạ cám.

Chúng thường giao cho những tên Gestapo làm đại lý, thậm chí cả cho quân đội, nhưng phải trả lãi cho văn phòng mua bán. Số tiền lãi là rất lớn. Cũng có vài thứ tài sản không từ một nguồn gốc nào mà có. Chúng còn buôn lậu vàng, buôn chứng khoán, ngoại hối và còn cả những mặt hàng thuộc về quản lý của hậu cần quân đội. Những nhà buôn hay các xí nghiệp của Pháp không khó khăn gì để vượt qua mọi sự khinh bỉ để tự cho mình là người yêu nước, đã cung cấp những hàng hóa cho văn phòng mua bán ấy. Người ta hiểu rằng bọn Đức đã biến họ thành những tên gián điệp, chỉ điểm, có ý thức hay không có ý thức, mà có vài người Pháp đã chấp nhận làm việc đó chỉ để không mất một số quyền lợi cá nhân.

Toàn bộ các văn phòng mua bán đều do một cơ quan gọi là Tổ chức Otto quản lý. Nó phân chia ra làm 3 văn phòng đặt ở Paris: một ở số nhà 21-23 công viên rừng Boulogne, một ở số nhà 25 phố Astorg và một ở số nhà 6 phố Adolphe-Yvon, cùng nhiều kho hàng tích trữ ở Saint- Ouen và ở Saint-Denis.

Tổ chức Otto do 2 người Đức là Hermann Brandl biệt danh là “Otto” và Robert Pöschl quản lý. Hai người này chịu trách nhiệm về mọi công việc mua hàng hóa ở Pháp để đưa về Đức. Và tổ chức của chúng được quân đội bảo kê. Người ta ước tính, mỗi tên này đã bỏ túi số tiền lãi đến nhiều tỷ đồng Francs.
____________________________________
1. Kết thúc chiến tranh món nợ của Quốc xã đã lên tới 387 tỷ mác: có 143 tỷ mác nợ dài và trung hạn; 235 tỷ nợ ngắn hạn. Chi phí chiến tranh của Đức lên tới 670 tỷ mác.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM