Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:33:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Gestapo  (Đọc 102129 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 10:22:09 pm »


Sự đảo lộn không chỉ dừng ở các cấp sĩ quan quan trọng. 13 vị tướng bị cách chức chỉ huy, 44 tướng khác bị đình chỉ nhiệm vụ hay phải về hưu và một số các sĩ quan cao cấp cũng bị chung số phận.

Những người tỏ thái độ không hài lòng hay bị Gestapo coi là “phản động” chống lại tôn ti trật tự, hay quá khích tôn giáo cũng bị Gestapo “đánh”.

Trong số những người được hưởng lợi từ cuộc cách mạng ngắn ngủi này phải kể đến tướng Guderian, nhà chiến lược về chiến tranh cơ khí được chỉ định làm tư lệnh Quân đoàn 16, quân đoàn thiết giáp duy nhất vẫn còn tồn tại đến lúc đó.

Không chỉ có giới quân sự bị Gestapo sờ gáy, mà cả bạn bè của họ bị Gestapo nghi có sự phản ứng, cũng bị đánh tiếp.

Nam tước Von Neurath, bộ trưởng Bộ ngoại giao bị cách chức, thay vào là Joachim Von Ribbentrop, một tên quốc xã chính cống. Ba đại sứ Hassel ở Rome, Von Papen ở Vienne và Von Dirksen ở Tokyo bị thay thế. Goering thấy chức bộ trưởng Bộ chiến tranh, mục tiêu thèm muốn của hắn, đã bị vuột khỏi tay, được nhận cái giá an ủi là thống chế - nguyên soái. Hắn trở thành nhân vật cao cấp nhất của quân đội Đức. Mà cuối cùng là vào tháng 11-1937, tiến sĩ Schacht xin từ chức bộ trưởng Bộ kinh tế, thay chức đó là Funk. Tất cả dân chúng Đức không ai không biết hắn là tên đồng tính luyến ái.

Cuối cùng giới quân sự cũng hiểu rõ sự lật đổ này, vì vậy Beck và các bạn thân của ông định đấu tranh để làm rõ sự thật. Họ muốn buộc tội Gestapo biết rõ âm mưu này và đã khởi xướng cuộc điều tra. Nhưng than ôi, đã quá muộn.

Himmler và Heydrich có bao giờ dễ dàng để cho người ta vạch mặt. Nhưng giới quân sự vẫn còn dựa được vài thế lực. Ít lâu sau họ muốn mở lại cuộc điều tra từ lúc bắt đầu xẩy ra chuyện về Blomberg, rồi đến Fritsch. Tất cả đều đặt vào những người trùng tên với Fritsch và họ đã lần ra thủ phạm chính là đại úy kỵ binh đã nghỉ hưu tên là Von Frisch (không có chữ T trong cách đọc tên). Nơi ở của Frisch cũng dễ dàng tìm ra ở phố Lichterfeldest, hắn ở đây trong sáu năm. Nhưng viên đại úy trùng tên này đang ốm nặng. Người ở gái của Frisch nói rằng Gestapo cũng đã đến đây vào ngày 15-1 nghĩa là chín ngày trước khi tên ca sĩ Hanh Schmidt đối mặt với tướng Von Fritsch ở dinh tổng thống.

Ngày hôm sau, quân đội định đưa người bệnh đến nơi an toàn nhưng Gestapo đã đến sớm hơn, từ tối hôm trước. Vài ngày sau Frisch chết. Những cuộc điều tra do một viên chức ở Bộ tư pháp tiến hành cho thấy một nhà băng ở gần nhà ga đã cho Frisch rút số tiền đúng với lời của tên Hans Schmidt khai vào thời gian đó. Nhưng những tài liệu về việc Frisch rút số tiền đó ở nhà băng cũng bị Gestapo thu tất cả từ ngày 15-1.

Cũng trong thời gian này, một tên thượng sĩ hầu cận của tướng Von Fritsch bị bắt đưa vào doanh trại ở Furstenwald. Gestapo đã khai thác ở tên thượng sĩ này những lời tố cáo mờ ám. Bà quản gia của tướng Von Fritsch cũng bị câu thúc để Gestapo tra hỏi. Người ta còn được biết là trước lúc tên Hans Schmidt bị dẫn vào dinh tổng thống, hắn đã gặp Goering. Và tại đây Himmler và Goering đã trực tiếp giải thích cho hắn hiểu rằng: khi bị dẫn vào dinh tổng thống để nhận mặt người khách đồng tính luyến ái hắn đã làm tiền, nếu không chịu nhận đúng là người đó hắn sẽ phải chịu cái chết cực hình.

Giới quân sự đã có trong tay một mớ những chứng cớ đáng thuyết phục về âm mưu của Gestapo. Họ có đòi hỏi Hitler phải minh oan cho tướng Von Fritsch và trừng phạt không thương xót những tên chỉ huy Gestapo. Hitler có thấy sự đe dọa của vụ án ấy, và hắn có dám đưa vụ này ra trước tòa án không?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 10:22:42 pm »


Nhưng giới quân sự, nhất là các tướng linh vẫn đòi hỏi phải làm rõ ràng. Họ cũng hiểu rằng họ đang rơi vào bãi sa mạc của nền chính trị đang trở thành sinh tử của người dân Đức. Rốt cuộc người ta nhận sửa sai theo yêu cầu của giới quân sự. Hội đồng xét xử Von Fritsch đã được triệu tập.

Hội đồng này là một kiệt tác của thái độ vô sỉ: Von Brauchitsch, người kế tục Von Fritsch; Raeder, chỉ huy mới của hải quân là hai người có quyền lợi chính trong sự “thanh lọc” này, là hai công tố viên của quân đội. Và chủ tọa phiên tòa này lại chính là thống chế nguyên soái Goering, kẻ đóng vai trò chính trong vụ bịa đặt ra chuyện về Von Fritsch. Vì hắn là chỉ huy tối cao của quân đội.

Ngày 10-3, hội đồng xét xử đã nhóm họp. Nhưng không phải chờ lâu, đến trưa, một sĩ quan tùy tùng đã mang lệnh của Hitler bắt hoãn cuộc họp và triệu tập Goering, Brauchitsch và Raeder đến ngay dinh tổng thống. Đằng sau vụ thay đổi bất ngờ này có ẩn giấu mưu mô gì?

Chỉ 36 giờ sau đã có câu trả lời cho vấn đề đó.

Ngày 12, quân đội Đức vượt qua biên giới nước Áo. Cũng tối hôm đó Hitler có mặt ở Linz, và ngày hôm sau là ở Vienne. Quân đội Đức tiến vào hai nước này trong tiếng hoan hô của dân chúng. Thế thì làm sao còn khiếu nại được với Gestapo và làm sao minh oan được cho Von Fritsch?

Tuy vậy ngày 17-3 hội đồng quân sự xét xử vụ Von Fritsch cũng đã có cuộc họp bí mật và dự vào cuộc thẩm vấn tên ca sĩ Hans Schmidt. Goering hỏi dồn dập nhiều vấn đề và “yêu cầu hắn nói ra sự thật”. Theo màn kịch được dựng lên từ trước, Schmidt nhận là hắn đã sai lầm. Lúc đầu hắn tưởng là có chuyện với tổng tư lệnh Von Fritsch, nhưng khi hắn biết là nhầm, hắn đã không dám nói sự thực vì sợ bị trả thù.

Màn hài kịch này kết thúc ngay. Hội đồng quân sự xét xử thấy rõ Von Fritsch là nạn nhân của một loạt hiểu nhầm và tuyên bố Von Fritsch vô tội.

Không ai tuyên bố buộc Himmler và Heydrich phải ra tòa. Cũng không ai cáo giác chúng.

Còn về phần tên Hans Schmidt, mặc dù được Goering trịnh trọng tuyên bố lời hứa danh dự đảm bảo mạng sống cho hắn trước tòa án quân sự, nhưng Gestapo đã bắn chết hắn vài ngày sau. Cũng như tên thân tàn ma dại Van der Lubbe đã đốt nhà quốc hội, rồi cũng phải biến mất khỏi cuộc đời.

Còn Von Fritsch, mặc dù đã được khôi phục danh dự, nhưng cũng không được gọi ra làm việc. Trong việc phải nghỉ hưu non, có thể ông đã ngẫm nghĩ lại lời của Ludendorff nói với ông vào cuối năm 1937. Fritsch khẳng định là tin tưởng vào Hitler cũng như người chỉ huy Blomberg. Ludendorff đã trả lời Von Fritsch: “Sau đây, hắn (chỉ Hitler) sẽ phản bội anh ngay”.

Ngày 22-12-1937, Blomberg và Von Fritsch đi sau quan tài của Ludendorff, không nghĩ rằng lời tiên tri của ông lại thành hiện thực nhanh đến thế.

Sự kết thúc cuộc đời của Von Fritsch hết sức kỳ lạ. Theo kế hoạch của ông đề ra vào năm 1937, cuộc xâm lược Ba Lan sẽ diễn ra vào năm 1939. Ngược đời là ở nơi nghỉ hưu, Von Fritsch vẫn theo dõi chiến sự nhưng lại thấy người ta thực hiện một kế hoạch khác với kế hoạch ông đã soạn thảo. Không thể phân giải được điều gì, ông đi ôtô tới trung đoàn pháo binh mà trước đó ông là đại tá chỉ huy. Von Fritsch bị giết chết trên đường phố Varsava. Có rất nhiều người là nạn nhân bị ám sát bởi Gestapo. Đám tang của ông thật long trọng: Thật dễ dàng giải quyết theo công lý đối với người chết hơn là người sống.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 04:23:54 pm »


2. Gestapo chiếm Châu Âu.

Nỗi nhục nhã của các tướng vào ngày 4-2-1938 nhanh chóng bị lãng quên. Sự chiến thắng dễ dàng của quân đội khi tiến vào Áo là điều an ủi đầu tiên cho họ. Việc quân đội được vũ trang triệt để cho họ thấy là chiến tranh đã đến gần. Họ nghĩ rằng trong trường hợp có chiến tranh thì quyền hành về chính trị sẽ phải thuộc về quân đội.

Nhưng tương lai lại một lần nữa làm họ thất vọng.

Trong số họ chỉ có ít người nghĩ đến sự quan trọng của sắc lệnh do Hitler ký ngày 4-2-1938: “Từ nay trở đi, tôi sẽ đảm nhận trực tiếp việc chỉ huy tất cả các lực lượng vũ trang”.

Chỉ với dòng chữ ngắn ngủi như vậy Hitler đã nắm hết toàn bộ quyền hành của đất nước mà chưa có người đứng đầu nước Đức nào có được, kể cả Bismarck và Guillaume II.

Tướng Ludwig Beck là vị tướng hiếm hoi hiểu được tầm quan trọng của hoàn cảnh. Hành động của Hitler không cho phép các tướng quân đội có ảnh hưởng gì đến quyết định chính trị và chứng tỏ từ nay chiến tranh hay hòa bình là do “thiên tài” Hitler, và là cơ sở cho chế độ Quốc xã.

Hướng đường lối chính trị ra nước ngoài của Hitler nhằm vào việc sẽ tấn công Tiệp Khắc. Mùa xuân năm 1938, Hitler họp với các tướng ở Füterbog, một thành phố nhỏ ở nam Berlin. Và trong lời phát biểu bất ngờ khi nói chuyện linh tinh với các tướng, Hitler đã cho biết ý định hiếu chiến của hắn. Tướng Beck thấy hoảng sợ. Ông cũng thấy phẫn nộ vì Hitler đưa ra quyết định ấy mà không tham khảo ý kiến của tổng tham mưu trưởng, cũng không cần quan tâm đến thực tế và khả năng của quân đội, xem xét đến hoàn cảnh của quân đội một cách mơ hồ và chỉ có niềm tin vào đường lối chính trị là quan trọng, hơn bất kỳ một sức mạnh quân đội nào. Beck lo lắng thấy rằng Hitler đã không chú ý đến những phản ứng của quốc tế. Ông cho rằng cuộc xâm chiếm phi nghĩa sẽ làm nổ ra cuộc đối đầu toàn diện cho lực lượng quân sự Đức trong khi nó còn đang cải tổ, nó sẽ không đủ sức chống đỡ.

Ngày 30-5, Hitler ký duyệt “kế hoạch bất ngờ” chống lại Tiệp Khắc. Lấy danh nghĩa là tổng tham mưu trưởng, Beck đã soạn thảo bức giác thư dài phản đối lại cuộc phiêu lưu của Hitler.

Sau đó ông xin từ chức. Ông hy vọng các tướng khác sẽ theo ông. Nhưng xung quanh ông là khoảng không trống vắng, vì không có tướng nào dám làm như ông làm. Ông đưa bức giác thư của mình cho Brauchitsch và ông này thấy tâm hồn mình chết lặng, buộc lòng phải chuyển nó cho Hitler.

Hitler từ chối việc từ chức theo yêu cầu của Beck và ông này ra đi trong im lặng, thay chức vụ của ông là tướng Halder.

Lúc này thì Hitler không còn vật chướng ngại nào để tiến trên con đường chiến tranh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 04:24:46 pm »


Trong khi tướng Beck, dóng lên tiếng nói của lẽ phải thì các tướng lĩnh khác đã không biết rằng những người trong bộ chỉ huy chỉ là những người thợ thủ công không phải xuất thân từ giới quân sự. Họ chỉ là “kiệt tác” của những tên trùm đứng đầu S.D và Gestapo là Himmler, Heydrich và các thuộc hạ của chúng.

Ý tưởng muốn sáp nhập Áo vào nước Đức đã có từ lâu. Năm 1921 đã có cuộc bỏ phiếu toàn dân tự phát được tổ chức ở nhiều vùng của nước Áo, nhưng sau đó bị Đồng minh cấm. Việc đó chứng tỏ sự mong muốn của một phần nhân dân nước Áo muốn hợp nhất vào nước láng giềng lớn. Người dân có khuynh hướng xã hội đều ở những thành phố lớn, đặc biệt là Vienne. Dân chúng ở thành phố này muốn sáp nhập vào nước Đức cộng hòa. Nhưng dân chúng ở nông thôn lại chống đối, chờ việc quay trở lại của Habsbourg. Ý định thứ hai này đã lôi cuốn nước Đức.

Trên một đất nước đang có hai phe thù địch nhau, bọn Quốc xã đã lợi dụng sự chia rẽ để gieo rắc thêm hận thù. Chúng tổ chức những khối nông dân ở vùng biên giới Innsbruck và ở Linz, và khối thợ thuyền xã hội dân chủ ở Vienne. Chúng tiếp cận khối thợ thuyền này để tuyên truyền chương trình “xã hội chủ nghĩa” của chúng.

Khi chính phủ của Dollfuss ổn định, nó càng tăng thêm sự thôi thúc đối với các phần tử Quốc xã người Áo dựa vào tổ chức Quốc xã nước ngoài.

Tổ chức Quốc xã Áo đã đặt một ban thường trực ở Munich và thành lập ngay ở Đức đội quân lê dương người Áo để tập hợp những tên Quốc xã Áo đang sinh sống ở Đức và bí mật huấn luyện quân sự cho chúng. Bọn S.D đã duy trì ở Áo sự hoạt động thường xuyên, sau khi cuộc biểu tình của các phần tử theo Xã hội chủ nghĩa trên đường phố ngày 11-2-1934, trấn áp mạnh làn sóng những cuộc mưu sát nổ ra ở Áo. Lợi dụng hoạt động bất hợp pháp của những phần tử Quốc xã ở Áo, bọn S.D Ausland (S.D ở nước ngoài) đã thực hiện những biện pháp chuẩn bị cho những năm sắp tới.

Cuối tháng 7, các nhóm khủng bố đã mọc lên như cỏ dại. Thủ tướng Dollfuss của Áo, được Mussolini công khai che chở, đã được mời sang nghỉ vài ngày ở Duce thuộc nước Ý nơi gia đình Dollfuss đang sinh sống. Dollfuss định ra đi ngày 25-7.

Cũng trong ngày ấy, vào buổi trưa, 154 tên S.S thuộc đơn vị 89 của Áo, do Holzweber chỉ huy, mặc quân phục vệ quốc Áo bất ngờ xông vào chiếm dinh thủ tướng và được cảnh sát trưởng Fey của Áo làm nội ứng.

Dollfuss bị thương nặng, được đặt nằm trên tràng kỷ trong phòng hội nghị. Bọn S.S Áo vờ đến săn sóc Dollfuss, nhưng cốt để buộc ông từ chức. Dollfuss đã từ chối. Chúng đặt bút và giấy bên cạnh ông, trong giờ phút ông hấp hối vẫn buộc phải ký vào đơn từ chức. Vào lúc 18 giờ Dollfuss tắt thở, không có thầy thuốc chăm sóc, không có cha xứ làm lễ rửa tội, nhưng ông đã không chịu đầu hàng.

Trong lúc đó, các toán quân hợp pháp và cảnh sát đã bao vây nhà quốc hội Áo. Đến tối người ta được tin Mussolini phản đối mạnh hành động bạo lực ấy, huy động 5 sư đoàn, tập trung ở biên giới Brenner.

19 giờ, những kẻ nổi dậy đầu hàng. Hitler công khai gọi lại bác sĩ Rieth làm bộ trưởng Đức ở Vienne. Và trong ngày 25 quân nổi dậy vẫn thường xuyên liên lạc được qua đường dây điện thoại với Rieth.

Một lần nữa, cách dùng bạo lực đã không thành công. Hitler thấy rõ những hành động bạo lực không đạt được mục đích. Hắn buộc lòng phải chấp nhận sự hoạt động ngấm ngầm và chỉ để cho mình lực lượng S.D hành động. Gestapo chỉ có thể can thiệp sau này. Bởi vì Hitler không lúc nào chịu từ bỏ ý định thôn tính nước Áo. Nhưng vẫn vờ vĩnh tỏ thái độ trong sáng với Chính phủ Áo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 04:25:23 pm »


Sau hai tháng xẩy ra cuộc đảo chính hụt Hitler họp với các chỉ huy Quốc xã vào hai ngày 29 và 30-9-1934.

Hội nghị đã ra những chỉ thị có ý nghĩa về những dự định của Quốc xã. Tất nhiên trong những âm mưu này Gestapo luôn đứng ở hàng đầu.

Người ta thấy trong chỉ thị ấy có hai yếu tố cổ điển về hành động của Quốc xã: khủng bố và bắt giam những người chống đối. Cách thức này gợi lại những thủ đoạn của bọn S.D. Còn Gestapo chỉ cộng tác bằng cách cung cấp những đối thủ của chế độ Quốc xã. Đấy là thời kỳ mà Hitler giải thích cho Rauschning: “Chúng tôi sẽ không đạt được kết quả gì một khi chúng tôi không có đội quân phát xít gồm những người tình nguyện hoạt động và lấy điều đó làm động cơ của họ”. Các viên chức ghê tởm công việc này. Vì vậy cần phải dùng đến phụ nữ, mà nhất là những người phụ nữ có vấn đề tinh thần, muốn lao vào cuộc phiêu lưu để tìm một cảm giác mạnh. Người ta có thể dùng những phụ nữ kém cỏi, những người tình dục đồng giới, những người hay bị ám thị, vào công việc này.

Hitler cũng đã tự soạn thảo biểu mẫu cho những người xét hỏi của những cơ quan đặc biệt phải thực hiện. Hắn muốn tìm ở đấy những thông tin đáng kể. Nếu người đó có thể “mua” được, sẽ có cách mua khác mà không dùng bằng tiền. Nếu là kẻ thích khoe khoang thì cần phải tìm hiểu thói dâm dục của họ, nếu là đồng tính luyến ái thì đây sẽ là một điểm đặc biệt quan trọng và cần lục tìm lại quá khứ của họ, nếu che giấu vài điều bí mật, thì có thể dùng cách nào đấy đe dọa phát giác. Hắn có nghiện rượu không? Hắn có cờ bạc không?... Cần phải nắm tất cả những người có cương vị quan trọng, nhất là những thói quen của họ, sự ám ảnh điên rồ của họ, những môn thể thao họ ưa thích, hoặc là họ thích đi du lịch, hoặc có khiếu về thẩm mỹ, nghệ thuật v. v...

Người ta đã khai thác về những thói hư và những điểm yếu của con người. “Và chính vì thế, nên tôi đã làm chính trị theo đúng nghĩa của nó, tôi đã dùng những cách đó để thu phục mọi người, buộc người ta phải nhận làm việc cho tôi; Tôi đã đưa nhũng điều đó và ảnh hưởng của tôi đền các nước”.

Lúc này ở Vienne, Schuschnigg, người kế tục Dollfuss, hiểu rằng cuộc đối đầu không thể kéo dài được, nhưng cũng cố tìm cách trì hoãn và cuối cùng đành phải ký hiệp ước với nước Đức vào ngày 11-7-1936. Qua hiệp ước này, nước Áo đã có thái độ hữu nghị đối với nước Đức, và tự coi là một bang của Đức. Đổi lại, Đức cũng nhận sự thần phục của Áo và công nhận nền độc lập của nước này, thỏa thuận sẽ không có hành động chính trị gì đối với Áo.

Để cụ thể hóa sự sắp đặt, Schuschnigg đã cử những tên Quốc xã Áo vào các cương vị chính trong chính quyền và chấp nhận tổ chức của bọn này vào mặt trận yêu nước. Sau đó Schuschnigg còn tha hàng ngàn tên Quốc xã đang bị giam giữ ở các nhà tù. Từ đây, bọn Quốc xã Áo thực sự chiếm được phần thắng lợi. Đây đúng là cách thức cũ đã dùng để phá hoại nền cộng hòa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 04:26:05 pm »


Đảng Quốc xã và bọn S.D nhấn mạnh thêm công việc phá hoại ngầm.

Từ mùa thu năm 1934, một khoản ngân sách hàng tháng là 200.000 mác được bí mật trao cho kỹ sư Reinthaler. Reinthaler là cựu chỉ huy những người nông dân Quốc xã, trở thành người lãnh đạo ngầm của Đảng Quốc xã Áo.

Biên giới giữa hai nước Đức và Áo ngày càng dễ dàng qua lại, những nhân viên S.D, Gestapo, N.S.D.A.P qua lại như mắc cửi. Những người chống đối thuộc phe Xã hội hay Thiên chúa giáo thấy lo sợ vì họ hiểu rằng họ đã bị theo dõi và lập hồ sơ. Cơ quan cảnh sát của Áo cũng bị tê liệt, và đại sứ Mỹ ở Vienne là M. Messersmith đã báo cáo về Bộ ngoại giao Mỹ: “Triển vọng bọn Quốc xã nắm quyền hành đã ngăn cản các hoạt động an ninh và pháp lý có hiệu quả, vì những người ngay thẳng lo sợ chính phủ Quốc xã tương lai sẽ trả thù họ và dùng mọi biện pháp để đối phó với họ”.

Việc bọn S.D và Gestapo cài người vào lũng đoạn chính quyền Áo càng tăng bằng cách lập ra một Ostmärkischeverein (Liên hiệp các cuộc tiến quân về phía Đông) do Glaise - Horstenau phụ trách. Horstenau sau này trở thành bộ trưởng Bộ nội vụ.

Cũng từ đó, bọn quốc xã Áo cố gắng cài người tín nhiệm vào chức vụ chỉ huy ban an ninh Áo. Chúng áp đặt cho chính quyền và nhân dân Áo điều trước đây Von Papen vẫn gọi là “Đòn tấn công tâm lý từ từ”.

Áp lực ấy càng tăng đến mức buộc Schuschnigg, ngày 12-2-1938, phải về Berchtesgaden theo sự triệu tập của Hitler. Khi ra khỏi cuộc họp, Schuschnigg thấy mình như một bị cáo trước sự đe dọa có cuộc xâm lăng bằng quân sự ngay tức khắc. Schuschnigg buộc phải chấp nhận ba điều kiện:

1 - Tiến sĩ Seyss-Inquart, đảng viên Quốc xã từ năm 1931 sẽ là bộ trưởng Bộ nội vụ kiêm bộ trưởng Bộ an ninh. Điều đó cho phép Quốc xã có quyền tuyệt đối nắm cảnh sát Áo.

2 - Có một đợt ân xá chính trị mới, tha các đảng viên Quốc xã đã bị kết án.

3 - Đảng Quốc xã Áo sẽ gia nhập vào mặt trận yêu nước.

Ngày 9-3-1938, Schuschnigg định làm một việc cuối cùng. Để có thể làm nản lòng bọn Quốc xã và chứng tỏ trước dư luận thế giới là người Áo vẫn có quyền độc lập, Schuschnigg, tuyên bố ngày chủ nhật sau, 13-3, sẽ có cuộc bỏ phiếu toàn dân. Hitler nhìn thấy sự nguy hiểm, đã ra lệnh hoãn các biện pháp chuẩn bị cho cuộc xâm lăng.

Ngày 11-3, Schuschnigg buộc phải từ chức, nhưng tổng thống nền cộng hòa là Miklas từ chối giao cho Seyss-Inquart, đảng viên Đảng Quốc xã tiếp giữ chức vụ này.

Nhưng đến 23 giờ 15, ông Miklas đã phải đầu hàng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 04:26:53 pm »


Rạng đông ngày 12-3, các đoàn quân Đức tiến vào nước Áo. Cũng trước thời gian này Himmler có mặt ở Vienne. Theo nguyên tắc của Quốc xã, việc thanh lọc cảnh sát và vô hiệu hóa các thế lực chính trị chống đối là công việc hàng đầu trong quá trình cai trị. Vì thế Gestapo có mặt đầu tiên khi người Đức chiếm được Vienne.

Trong đêm đó, Himmler và Schllenberg, một trong những tên chỉ huy S.D ở nước ngoài, đã cùng Hess và một số người của trung đoàn lê dương Áo, đi máy bay đến Vienne. Một máy bay khác chở bọn S.S đi cùng với đoàn của Himmler.

Đến 4 giờ sáng, Himmler đã có mặt ở Vienne, là đại diện đầu tiên của chính quyền Quốc xã. Sau đó không lâu, Heydrich cũng dùng máy bay riêng bay đến Vienne gặp bọn người của Himmler. Gestapo đóng trụ sở ở khu trung tâm Morzinplatz. Tổng thống Schuschnigg bị giam giữ trong nhiều tuần lễ và bị đối xử rất tồi tệ trước khi bị đưa vào trại tập trung. Ông đã phải ở trại cho đến tháng 5- 1945.

Ngay từ đầu tháng 4, Himmler và Heydrich đã chuẩn bị thiết lập ở Áo một trại tập trung. Đấy là trại Mauthausen, mà tiếng tăm về sự tàn bạo đã lan rộng khắp thế giới.

Gestapo sở tại còn quản thúc một người khác nữa là nam tước Ferdinand Von Rothschild, là người bị bắt đầu tiên và nơi ở của ông, lâu đài ở Auf der Wieden bị cơ quan S.D của Heydrich chiếm giữ. Hắn tuyên bố là nam tước Ferdinand Von Rothschild được coi như người từ đầu tiên của hắn. Đến bữa ăn, một người đầu bếp Vienne mang thức ăn đến cho nam tước.

Nhưng rồi bọn S.D đã tước bỏ đặc quyền này của Ferdinand Von Rothschild. Chúng lấy cớ giải thích là vì nam tước có mối quan hệ với quận công Windsor. Quận công Windsor mới trở về lâu đài của ông tại Vienne sau khi thoái vị vào tháng 12-1936.

Hitler đã tìm cách chinh phục giới thượng lưu người Anh.

Con gái huân tước Lord Redesdale một nhân vật kỳ quặc của Unity Mitford (hoàng gia) đã có đôi lần đến gặp thân mật Hitler. Hình như cô gái đã can thiệp với Hitler để có những biện pháp rộng lượng đối với nam tước Ferdinand Von Rothschild. Vì ông là bạn thân của cựu hoàng Edouard VIII.

Heydrich đã lợi dụng dịp này tiến hành một công việc có hiệu quả là buộc nam tước Ferdinand Von Rothschild phải bỏ lại hết của cải của mình ở Đức để đổi lấy sự tự do. Ông được quyền đi sang Paris. Sự thanh lọc này còn được tiến hành vào sáng ngày 12, khi Schllenberg đã hoàn thành nhiệm vụ nẫng tay trên chiếm giữ hết các mật mã và hồ sơ của người chỉ huy cơ quan mật vụ Áo là đại tá Rouge, trước khi những nhân viên cơ quan điều tra của quân đội là Abwehr đến cùng với đội quân đầu tiên của Đức chiếm nước Áo.

Đám đông nhân dân ở thủ đô Vienne vỗ tay chào mừng những người chiến thắng trong khi những người xã hội Áo lại bồn chồn chờ đợi những sự kiện tiếp. Những người Do Thái đã biết đến những biện pháp của Gestapo thực hiện ở Đức đối với đông đảo đồng bào của họ, đã chạy trốn hay tự tử. Có rất nhiều người thuộc tầng lớp lãnh đạo cũ ở Áo cũng phải dùng đến biện pháp như của người Do Thái. Con số nạn nhân không bao giờ được công bố, nhưng người ta ước tính có đến hàng trăm người cộng với số người bị những tên giết người Quốc xã ám sát trong ba ngày đầu quân Đức chiếm đóng. Có hàng trăm người khác bị bắt đưa đến các trại tập trung, phải kể đến đại công tước Max và hoàng tử Ernst Von Hohenberg, con trai của người đàn bà thường dân đã kết hôn với vua François Ferdinand.

Những người Xã hội và những người chống đối thuộc cánh hữu bị bắt hàng loạt. Đến giữa tháng tư người ta đếm được gần 80.000 cuộc bắt bớ chỉ tính riêng ở Vienne.

Sau đó Gestapo còn thực hiện hai vụ ám sát tai tiếng. Một nạn nhân khá bất ngờ. Ngay ngày đầu khi quân đội Đức tiến vào nước Áo, bọn Gestapo đã bắt cóc nam tước Von Ketteler, cố vấn tòa đại sứ và là cố vấn thân cận nhất với Von Papen khi ông này còn là đại sứ của Đức ở Áo. Ba tuần sau, người ta thấy xác của Von Ketteler nổi lên trên sông Danube. Động cơ của vụ ám sát này không bao giờ được tiết lộ. Nhưng hình như đây là cách Gestapo nhắn ngầm cho Von Papen là chúng nghi cho ông chơi con bài hai mặt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 04:27:18 pm »


Heydrich nghi Ketteler đã bí mật gửi một vài tài liệu quan trọng qua Thụy Sỹ theo yêu cầu của Von Papen. Cũng lúc này Von Papen bị cách chức vĩnh viễn ở Vienne. Sau đó ít lâu Von Papen bị đầy đến Ankara.

Vẫn thường lẩn tránh nhưng hành động hèn hạ, Gestapo không nhận gây ra việc ám sát Ketteler như chúng đã làm đối với cả Edgar Jung và Von Bose ngày 30-6.

Vụ ám sát thứ hai không gây bất ngờ lắm. Tướng Zchener mà tổng thống Miklas muốn chỉ định thay thế Schuschnigg đã bị bọn Gestapo áo đen bắn gục. Chúng đã không quên vai trò của ông trong vụ đảo chính hụt năm 1934.

Sáng ngày 12, tham mưu trưởng Fey, cũng có vai trò đáng kể trong vụ đảo chính hụt năm 1934, tự tử sau khi tự tay giết vợ và con.

“Chính phủ” do Seyss-Inquart thành lập vào sáng ngày 12 gồm có tiến sĩ Ernst Kaltenbrunner, chỉ huy S.S Áo làm bộ trưởng Bộ an ninh, bác sĩ Hüber một viên thư lại, nhưng là em rể của Georing, làm bộ trưởng Bộ tư pháp.

Seyss-Inquart hứa với Reichstathalter (quốc xã Áo) là sẽ bố trí kèm thêm hai người của Đảng Quốc xã chịu trách nhiệm về công việc của Keppler cùng một ủy viên Bürckel của Đức Quốc xã, để “đưa công việc vào khuôn phép”.

Kể từ đó số phận của người Áo đã được định đoạt.

Ngày 13-3 vào lúc 19 giờ, Hitler chiến thắng tiến vào Vienne. Đi kèm hắn có Keitel, chỉ huy O.K.W. Cùng ngày hôm ấy có đạo luật hợp nhất Áo với Đức dưới tên gọi là Ostmark - “Cuộc tiến quân về phía Đông”. Và Hitler đã cân nhắc tuyên bố ngày 15-3 ở Hofburg của Vienne: “Tôi công bố với nhân dân Đức là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất của đời tôi”.

Sau đó, sáu triệu nhân dân nước Áo bị gắn liền với số phận của nước Đức, phải theo Đức cho đến ngày thảm họa được chấm dứt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 04:28:16 pm »


*

Nếu những cơ quan cảnh sát của S.D, của S.S và của Gestapo có ảnh hưởng trong vụ nước Áo thì vai trò của chúng còn quan trọng hơn trong tình hình khủng hoảng ở Tiệp Khắc. Những phương pháp áp dụng ở Áo liên quan đến đường lối của người Áo do Đức dựng lên cho đến khi họ phải tuân theo “lệnh của Quốc xã” Đức.

Còn sự ô hợp của các nhóm dân tộc của quốc gia Tiệp Khắc được thành lập do hòa ước Versailles, gồm những đất đai của vương quốc Áo - Hung, cho phép bọn Quốc xã kết hợp hành động của chúng về những giải pháp giống như khi chúng dùng cách giải quyết tình cảm đối với Anschluss.

Tiệp Khắc là một nhà nước dân chủ nhất Trung Âu, tồn tại như khiêu khích đối với bọn Quốc xã.

Ngày 20-2-1938, Hitler đọc bài diễn văn quan trọng tại Quốc hội Đức; sau khi nhấn mạnh đến sự thống nhất của đảng, quân đội và nhà nước, hắn khẳng định là người Đức không chịu để cho 10 triệu người anh em sống sát biên giới với nước Đức bị ức hiếp. Anschluss đã hứa cho phép 6.500.000 người dân Áo hòa hợp với Tổ quốc Đức. Nhưng người ta có thể hiểu rằng chưa kể đến những người Đức đang sống ở Tiệp Khắc.

Quốc gia Tiệp Khắc gồm 7 triệu người Tiệp, 3 triệu người xứ Slovaquie, 700.000 người Hung, 400.000 người Ucraine, 100.000 người Ba Lan và 3.600.000 người Đức. Đây là những tộc người thiểu số mạnh nhất của Tiệp Khắc hầu hết sinh sống trong vùng gọi là “vùng phía Đông Nam”, họp thành một vòng cung bọc lấy biên giới nước Đức và bao vây hình như toàn bộ vùng Bohême và Moravie của Đức.

Vùng này đã kích thích sự thèm muốn của Quốc xã. Nếu chúng tập họp được các xí nghiệp phát đạt trong các ngành thủy tinh, kỹ nghệ cao cấp, xung quanh các mỏ than và mỏ khoáng sản đặc biệt giàu có thì sẽ thu được rất nhiều của cải.

Tại vùng này có 2.900.000 người Đức sinh sống, đó là điều kiện dễ dàng để chúng dùng cách mị dân, như đã làm ở Áo là hứa cho nhân dân quyền dân chủ, tự định đoạt lấy đời sống của mình.

Từ năm 1923, bọn Quốc xã đã cắm vài xí nghiệp ở Tiệp Khắc để tuyên truyền khẩu hiệu quốc gia - xã hội dựa vào chủ nghĩa liên Đức và lòng yêu nước của người Đức. Nhưng dù sao chúng cũng đã cố gắng hoạt động theo cách bí mật, chờ đợi một cơ hội công khai cho một tổ chức tự hoạt động được.

Trước hết, chúng sử dụng một người không phải là Quốc xã để khôn khéo điều khiển tổ chức này. Ngày 1-10-1934, huấn luyện viên thể dục Conrad Henlein yêu cầu chính quyền tự trị thuộc nhà nước Tiệp Khắc cho thành lập một quốc gia liên bang giống như hệ thống các bang của Thụy Sỹ để giúp các dân tộc ít người có cảm tưởng như được độc lập mà không làm hại gì cho khối đoàn kết quốc gia.

Đến đó tổ chức của Henlein đã được hình thành theo đúng nguyên tắc của Hitler định ra.

Dấu hiệu đáng báo động đã gợi lên mối nghi ngờ. Năm 1935, sau khi đã tập hợp được một số người đáng kể vào tổ chức “Mặt trận của người Đức yêu nước” đã thay đổi tên gọi là Sudeten Deutschen Partei (gọi tắt là S.D.P - Đảng người Đức ở Tiệp Khắc).

Sau đó, sức mạnh của Quốc xã trong mặt trận này càng ngày càng tăng, chúng đã đưa ra những yêu sách.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 04:28:44 pm »

Từ năm 1936, tổ chức S.D.P hoạt động như vai trò lực lượng thứ Năm của Đức tại Tiệp Khắc và nhận được tài sản, tiền nong qua trung gian Volksdeutsche Mittelstell và do tên chỉ huy S.S là Lorenz kiểm soát dưới danh nghĩa của Himmler. Sứ quán Đức ở Praha đã giúp vốn cho Henlein và đồng thời hướng dẫn cho Henlein mục tiêu do thám.

Tổ chức A.O (tổ chức người nước ngoài) do Bohle bộ trưởng Bộ ngoại giao lãnh đạo, cũng hàng tháng chi cho Henlein 15.000 mác, và cài các hệ thống do thám vào tổ chức của Henlein.

Những hoạt động này đều phải bí mật. Bắt đầu từ năm 1937, Henlein lại kích động người Tiệp Khắc xin được quyền tự trị theo chương trình công khai ủng hộ Quốc xã và bài Do Thái. Mùa hè 1938 hoạt động của quốc xã càng gia tăng giống như ở Áo trước khi Anschluss làm tổng thống.

Các cơ quan của Gestapo đã hoạt động. Theo chỉ thị của S.D, Gestapo đã kiểm soát chặt các tổ chức bí mật ở Tiệp Khắc.

Bọn Quốc xã ở Tiệp đi sâu vào các tổ chức của từng miền, các đoàn thể thao, câu lạc bộ bơi, hội âm nhạc hay các hiệp hội đoàn hợp xướng, hội cựu chiến binh hay hội văn hóa, để tổ chức ra nhiều nhóm ủng hộ Quốc xã. Bọn Quốc xã ở Tiệp còn dò xét những người chống đối lại các nguyên tắc của Quốc xã hay phản đối việc phụ thuộc vào nước Đức. Chúng cũng đã thu thập được số tài liệu đáng kể về hoàn cảnh chính trị, kinh tế và quân sự của Tiệp Khắc. Chúng chui sâu vào các nhà máy, xí nghiệp, tuyển mộ, mua chuộc các giám đốc nhà máy, nhà băng, cả những người đã chống lại chúng, chống lại người cộng tác với chúng.

Tất cả những tổ chức do thám trên đã thu thập được khối lượng lớn tin tức quan trọng. Tên Schellenberg còn đặt hai trạm điện thoại đặc biệt ở sát biên giới Đức - Tiệp, để chuyển tải tin tức về Berlin.

Các vùng của Tiệp lúc nhúc những tên do thám Đức.

Bọn S.D và Gestapo đã nhúng vào mọi công việc và sử dụng Henlein và ban điều hành làm công việc điều tra cho chúng. Chúng giám sát chặt chẽ những người này để ngăn họ không làm suy yếu hoạt động của chúng.

Bên kia biên giới Đức chúng thành lập một đơn vị tình nguyện, giống như đội quân lê dương ở Áo vào năm 1937, lấy tên là Đội quân Đông Nam Tiệp Khắc ủng hộ Đức trụ sở chính đặt ở lâu đài Donndorf gần Bayreuth.

Hitler muốn tạo ra một tiền đề để dùng lực lượng quân sự xâm lăng nước Tiệp. Các cơ sở kiểm soát của hệ thống quốc xã đã có mặt ở khắp nơi trên đất Tiệp, được gọi là Sudetendeutsch Kontrollstelle, hình thành từ đầu tháng 9-1938. Những cơ sở này đã bắt đầu những chiến dịch đòi yêu sách.

Ngày 12-9 Hitler đọc bài diễn văn quan trọng trong hội nghị của Đảng Quốc xã tại Nuremberg. Hắn kết tội tổng thống Tiệp Khắc là Benès đã tra tấn hành hạ người Đức ở Tiệp và muốn trục xuất họ về nước. Henlein và người phó là Frank đã trở về nước Đức.

Để trả lời lại sự đe dọa của Đức, Chính phủ Tiệp khắc bị thụ động từng cho phép Đức đặt các tổ chức Quốc xã nguy hiểm nhất trên đất Tiệp, đã cho bắt một số tên Quốc xã người Tiệp. Gestapo có ngay những hành động trả đũa. Trong đêm 15 và 16-9, chúng đã bắt 150 người quốc tịch Tiệp đang sinh sống ở Đức. Gestapo đã thực hiện hơn 300 cuộc vây bắt, dùng đoàn quân tình nguyện chia nhỏ thành từng toán 12 tên, bắt giữ 1.500 người, bắn nhiều người chết và bị thương. Bọn chúng sử dụng 25 súng máy, trang bị các loại vũ khí nhẹ, hoạt động liên tục ngay trên vùng đất Tiệp sát biên giới với Đức.

Ngày 22 thủ tướng Anh Chamberlain đến Bad Godesberg và ngày 29 cuộc hội nghị ở Munich đã được mở. Mussolini, Hitler, Chamberlain và Daladier đã bàn luận đến số phận của nước Tiệp, mà không có một đại diện nào của Tiệp tham dự.

Ngày 30, hội nghị quyết định Chính phủ Tiệp Khắc phải buộc những người Tiệp ở miền Đông Nam sơ tán vào ngày 1 đến 10 tháng 10.

Chính phủ Tiệp phản kháng. Tổng thống Benès từ chức. Nhưng không ai chú ý đến việc ấy. Bọn Quốc xã khuếch trương rầm rộ ở khắp nơi các chiến thắng hòa bình ấy.

Lúc này, Hitler nhận thấy cơ quan do thám của Pháp, Anh còn kém xa với vai trò của Gestapo. Hắn đảm bảo là không đặt ra một yêu sách nào về đất đai; nhưng các việc chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm Tiệp Khắc đã bắt đầu. Những dấu hiệu báo bão đã được thực hiện từ lâu rồi.

Thỏa thuận của hội nghị Munich cho phép Đức xâm chiếm hòa bình những dân tộc miền Đông Nam thuộc đất Tiệp. Đội quân tình nguyện của Henlein được đặt dưới quyền chỉ huy của Himmler, hợp nhất những công việc của cảnh sát, sau khi được chỉ huy quốc xã của S.S chấp thuận.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM