Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:26:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Gestapo  (Đọc 102142 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 06:16:43 pm »


Đạo luật ra ngày 17-6-1936 đã mang lại thắng lợi cho Himmler, hắn được bầu là chỉ huy tối cao các lực lượng cảnh sát mặc quân phục và thường phục.

Như vậy Himmler chính thức tập trung quyền hành và thống nhất các lực lượng cảnh sát. Thực tế việc thống nhất đã có hiệu lực từ khi Himmler kiểm soát lực lượng cảnh sát chính trị vào mùa xuân năm 1934. Nhưng nó mới chỉ thực hiện qua ý chí cá nhân của Himmler mà chưa được xác nhận bằng một văn bản chính thức nào.

Đạo luật ngày 17-6 đã cho Gestapo quyền hợp pháp, rút lực lượng cảnh sát khỏi thẩm quyền của nhà nước để đặt dưới quyền của Quốc xã, dù vậy các viên chức của cảnh sát vẫn lĩnh lương theo ngân sách của nhà nước. Đến ngày 19-3-1937, một đạo luật về tài chính mới chuyển khoản lương đó cho ngân sách Quốc xã.

Bắt đầu từ ngày 17-6, Gestapo chính thức thuộc về Bộ nội vụ Quốc xã, và cũng ngày hôm ấy Himmler trở thành bộ trưởng Bộ cảnh sát và chỉ thuộc dưới quyền của Hitler. Himmler thường phải dự các cuộc họp ở văn phòng Reich và phải bàn luận những vấn đề của cảnh sát, và hắn luôn tìm cách bảo vệ lợi ích cho các cơ quan cảnh sát.

Đấy là chặng đầu để Himmler trở thành bộ trưởng Bộ nội vụ. Hắn giữ chức vụ này cho đến hết năm 1943.

Câu mở đầu trong đạo luật thống nhất lực lượng cảnh sát đã nêu rõ quan niệm về cảnh sát Quốc xã như sau:

“Trở thành người của Quốc xã, cảnh sát chỉ có một nhiệm vụ là đảm bảo vững chắc cho mệnh lệnh của Quốc hội và hiến pháp là:

1. Để chấp hành ý muốn của người chỉ huy duy nhất.

2. Để phòng giữ cho dân tộc Đức chống lại các âm mưu phá hoại của kẻ thù trong và ngoài nước.

Để đạt được mục đích ấy, cảnh sát cần phải có đầy đủ sức mạnh.”

Himmler, tên chỉ huy tối cao cảnh sát Đức, đã tập hợp các bộ phận chia ra làm hai ngành:

- ORPO (Ordnungs Polizei - cảnh sát trật tự).

- SIPO (Sicherheits Polizei - cảnh sát an ninh) sáp nhập cả những bộ phận điều tra dân sự.

Lực lượng cảnh sát này được hợp nhất chặt chẽ, tập trung cao độ, quân sự hóa và quốc xã hóa, đều do người của Himmler đảm trách.

Chỉ một tuần lễ sau khi nắm quyền hành, Himmler lấy danh nghĩa của cuộc họp giữa S.S và cảnh sát, ra một quyết định công nhận những người đã phục vụ cho Quốc xã và mở rộng nhiệm vụ của họ:

- Orpo sẽ giao cho tướng Daluege của S.S phụ trách. Ngành này gồm lực lượng cảnh sát đô thị (Schutz Polizei - Schupo); (Cũng như cảnh sát an ninh) cảnh binh (Verwaltungs Polizei - cảnh sát hành chính), cảnh sát đường thủy, cảnh sát biên phòng, lính cứu hỏa, cảnh sát trật tự và cảnh sát kỹ thuật phụ trợ.

- Sipo do Heydrich phụ trách. Lực lượng cảnh sát an ninh này được hoàn thiện thêm bằng vài hoạt động của bộ máy cảnh sát. Nó gồm Gestapo, cảnh sát bí mật của nhà nước, cảnh sát Kripo (Kriminal Polizei - cảnh sát hình sự)

Một cuốn sách được in và phát hành vào năm sau ở Munich đã quy định rõ sẽ đối phó với mọi sự khởi xướng chống lại nhà nước của kẻ thù và phải coi chúng là kẻ xâm lược:

1. Những người thoái hóa về thể chất và tinh thần, xâm phạm đến lợi ích công cộng, đều phải bị cách ly khỏi cộng đồng nhân dân. Chống lại những tên tội phạm ấy là trách nhiệm của cảnh sát hình sự.

2. Gestapo phải đấu tranh không mệt mỏi để chống lại những kẻ được kẻ thù chính trị của dân tộc Đức giao cho việc phá hoại sự thống nhất quốc gia và xóa bỏ sức mạnh của nhà nước.

Từ đó cảnh sát chính trị và cảnh sát hình sự sẽ làm việc chung để thu được thắng lợi to lớn nhất cho Himmler và cho sự phồn vinh của chế độ Quốc xã. Heydrich đã giao cục Gestapo cho người phó chỉ huy là Heinrich Müller phụ trách, kể từ năm 1935 mới là chỉ huy tạm quyền.

Heydrich giao lại cục Kripo (cảnh sát hình sự) cho Arthur Nebe, kỹ thuật gia nắm cương vị chỉ huy.

Heydrich tự nắm quyền chỉ huy lực lượng S.D, và trở thành xếp của Sipo (cảnh sát an ninh) và S.D.

Cơ quan cuối cùng này, một tổ chức của Quốc xã, được coi là độc lập với các tổ chức của nhà nước.

Quân đội không tỏ dấu hiệu chống lại những xâm nhập mới của Đảng Quốc xã vào nội bộ nhà nước. Rõ ràng sự quan trọng của việc tái tập hợp quyền lực cho cảnh sát đã không còn trong tay quân đội nữa.

Chúng đã thấy trong tương lai cơ hội để thao túng vai trò của lực lượng cảnh sát.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 06:18:31 pm »


PHẦN THỨ BA
GESTAPO CHUẨN BỊ CHO CUỘC XÂM LĂNG
1936 – 1939


1. Gestapo tấn công quân đội

Nếu giới quân sự không chú ý đến việc tăng cường sức mạnh của bộ máy cảnh sát của Himmler vào tháng 6-1936 chỉ vì họ còn đang say sưa vị ngọt ngào của vụ trả thù đầu tiên thắng lợi.

Ba tháng trước, ngày 7-3-1936, Hitler vi phạm hiệp ước Locarno, tàn nhẫn lấn chiếm vùng phi quân sự ở Rhénanie.

Cùng giờ khi Đức gửi những văn bản ngoại giao cho các đại sứ Pháp, Anh, Ý và tòa lãnh sự Bỉ, thì những đoàn quân của Đức đã diễu binh trên các đại lộ của Coblence.

Sáng ngày 7-3, có gần 20.000 lính Đức đã vượt qua sông Rhin. Dưới sự hoan hô của nhân dân, quân đội Đức chiếm lại các vị trí quân sự của binh lính Rhénanie. Từ năm 1918, họ chưa hề nhìn thấy những trung đoàn quân lính Đức.

Những “đơn vị tượng trưng” hay còn gọi là đơn vị của Von Neurath tiến qua sông Rhin tối hôm ấy gồm có 13 tiểu đoàn bộ binh và 13 đơn vị pháo binh.

Paris và London phản ứng chuyện bất ngờ này. Người ta đã nói đến việc dùng quân đội đánh trả để chiếm lại Sarrebruck. Những ông bộ trưởng dân sự tán thành việc đánh trả. Nhưng quân đội lại phản đối. Tướng Gamelin chỉ đồng ý can thiệp một khi có lệnh tổng động viên. Người ta đành thỏa thuận dàn xếp bằng ngoại giao.

Những đội quân Đức đã tiến vào Rhénanie nhận được lệnh phải rút lui ngay trong trường hợp quân đội Pháp phản ứng. Bởi vì nếu thất bại uy tín của Hitler sẽ bị thương tổn nặng nề.

Cũng trong năm 1936, nước Đức bắt đầu đi vào con đường chiến tranh. Các chính sách kinh tế và tài chính đều hướng nước Đức vào nền kinh tế chiến tranh.

Cũng trong năm ấy, bắt đầu có những nghiên cứu khoa học và những sản phẩm vũ khí được sản xuất mới thay thế cho các loại vũ khí cũ. Các “thế phẩm” ấy đã kích thích những nhà hài hước và như trêu chọc những người Pháp chưa bao giờ ngờ đến những điều bình thường trong tương lai đang tiến lại gần.

Ngày 12-5-1936, Goering tuyên bố “nếu xảy ra chiến tranh vào ngày mai, chúng ta cần phải có những sản phẩm thay thế. Tiền bạc không giữ vai trò gì. Nếu việc đó xẩy ra, chúng ta cần phải có những điều kiện tiên quyết ngay từ bây giờ.”

Ngày 27-5: “Mọi biện pháp đều phải tiến hành nhằm vào cuộc chiến tranh đang trở thành hiện thực.”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 06:19:04 pm »


Vào mùa thu, kế hoạch thứ hai cho bốn năm chuẩn bị hình thành và Goering được chỉ định là chủ của kế hoạch này. Hắn phải tìm cho nước Đức những mẫu vũ khí tiên tiến trên thế giới để trang bị cho quân đội. Các xưởng máy được chỉ thị cương quyết phải đẩy mạnh sản xuất. Một xí nghiệp mới được thành lập mang tên Reichswerke Hermann Goering, là nơi chuyên nghiên cứu các loại vũ khí mới có vốn đầu tư vượt quá 5 đến 400 triệu mác. Xí nghiệp này chịu trách nhiệm khai thác những khoáng sản quý hiếm, và nhanh chóng trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất của Đức. Xí nghiệp cần tới 700.000 nhân công. Các xí nghiệp liên hợp về sắt, than... đều hướng duy nhất vào cuộc chiến tranh đang gần kề.

Hai cục của Bộ tài chính được chuyển sang quân đội nắm giữ: Tướng Von Loeb trở thành người phụ trách về nguyên liệu và tướng Von Hanneken phụ trách năng lượng, sắt và than.

Những biện pháp này rõ ràng đều nhằm phục vụ quân sự: người ta chuẩn bị chiến tranh, có nghĩa là quay lại ưu thế quân sự. Ưu thế ấy tập trung trong những công việc của Himmler và nó đã giúp đỡ mọi điều kiện cho những người đang âm thầm dệt mạng lưới bí mật cho một âm mưu mới trong đại bản doanh Gestapo ở phố Prinz Albrechstrasse.

Tên chỉ huy mới của Gestapo là Heinrich Müller chuẩn bị hết sức tỉ mỉ, như một viên chức kỳ cựu, phục vụ cho việc quyết định thuần phục quân đội của Đảng Quốc xã.

Mặc dầu có những kháng nghị của giới quân sự, Hitler cũng không bao giờ từ bỏ được nỗi nghi ngờ đối với các sĩ quan. Chỉ vì hắn không từ bỏ được cảm giác của một cựu hạ sĩ quan, đã phải một thời gian dài đứng nghiêm trước mặt các sĩ quan. Hắn đã tận mắt thấy thói quen xum xoe trước các đại tá, các tướng để xin họ ân huệ. Với hắn, các cấp trên như là những người nước ngoài xa lạ.

Với sự ngờ vực đáng khinh ấy, Hitler luôn gọi họ là “Die Oberschicht - tầng lớp trên”, những kẻ muốn cáng đáng trách nhiệm của quân đội Đức cũ, nhưng đã không đạt được điều gì hết. Cũng có thể Hitler còn mối oán giận của một tên cựu chiến binh trong chiến hào, một tên lính khúm núm ở mặt trận chỉ việc hầu hạ các viên tướng cả đời đứng từ xa xem súng nổ, đó là một oán giận của những người lính mà cuộc đời chỉ là một thứ “vật chất mang tính người” trong tay các viên tướng. Về điểm này, Hitler bị ảnh hưởng bởi thuyết của Roehm: cần thiết phải quần chúng hóa quân đội.

Những người xung quanh Hitler cũng có mối ngờ vực đó. Chúng tin dễ dàng rằng cần thiết phải làm cho quân đội chịu sự kiểm soát chặt chẽ, không để xẩy ra các vụ nổi dậy.

Nhờ đảng cung cấp cho một số người có năng lực, Goering đã cố gắng đào luyện một lực lượng không quân mạnh. Nhưng quân đội mới này phải tuân theo thứ tự cấp bậc một cách triệt để.

Hitler tin rằng thiên tài quân sự của hắn vượt trội các kỹ thuật học ở các học viện và các trường quân sự. Hắn thấy cần phải ổn định lại Bộ tổng tham mưu quân đội để thực thi các chiến lược về quân sự.

Các tên đứng đầu Gestapo như Himmler và Heydrich cũng khuyến khích Hitler thanh toán nốt kẻ thù còn lại là giới lãnh đạo quân đội cũ.

Trong ý nghĩ của chúng, sự chiến thắng sẽ không trọn vẹn khi chưa triệt hạ được Bộ tổng tham mưu của quân đội.

Chính vì mục đích ấy mà Himmler đã tiến hành xây dựng một bộ máy hoàn hảo. Bộ máy này nhằm vào những người có vị trí cao nhất trong quân đội Đức: Thống chế nguyên soái Blomberg và tướng Von Fritsch. Muốn hạ hai địch thủ này, chúng cần làm mất danh dự họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 10:15:16 pm »


Heydrich giao việc này cho Heinrich Müller, chỉ huy Gestapo. Hắn là tên súc sinh, việc gì cũng phải dúng vào một chút. Lề lối của một viên chức thuần túy đã ăn sâu vào đầu hắn. Hắn sống với đống giấy tờ, các biểu đồ, các bài báo. Hắn chỉ thấy thoải mái trên đống giấy tờ, các ghi chép, biểu đồ tổ chức, các điều lệ. Hắn lo lắng nhất đến “sự tiến bộ”. Hắn thích đổ vấy những chuyện bẩn thỉu cho người khác, những bức thư nặc danh chẳng cần đến sự việc gì to tát. Những điều gây ra sự hoảng sợ cho người khác đã hoàn toàn làm cho hắn mất nhân cách. Hắn lấy các báo cáo, các ghi chép làm sự an ủi về tinh thần.

Heinrich Müller người xứ Bavière, có cái trán vuông của một gã nông dân; Hắn thấp nhưng béo tròn, hơi có vẻ nặng nề, thô kệch. Dáng đi nặng nhọc và hơi lắc lư, tố cáo hoàn toàn nguồn gốc nông dân. Hắn kém thông minh nhưng ngoan cố bướng bỉnh. Hắn muốn thoát khỏi kiếp sống nông dân và chúi đầu vào việc học để mong trở thành một viên chức. Chỉ vì thiếu người nên hắn được đề bạt, thật đúng như ao ước. Hắn gia nhập cảnh sát nhà nước ở Munich. Chính ở đây Himmler đã nhận thấy khả năng kỷ luật đến mù quáng và khả năng nghề nghiệp của Müller. Müller làm việc như mọi viên chức trong lực lượng cảnh sát chính trị, chống lại quốc xã cho đến năm 1933. Nhưng Himmller đã không nghiêm khắc với Müller bởi vì hắn có thể cũng hăng hái như thế khi phục vụ cho một ông chủ khác.

Müller đã cố gắng quên đi quá khứ và cố gắng vượt qua sự thù ghét của vài người có ảnh hưởng của đảng.

Mặc dầu cố gắng xin gia nhập vào Đảng Quốc xã, nhưng Müller vẫn bị từ chối trong sáu năm. Và chỉ đến 1939 hắn mới được kết nạp. Sở dĩ hắn bị tẩy chay vì hai lý do khác nhau: sự hằn thù của những người đối nghịch và sự tính toán của những tên cầm đầu Gestapo và S.S: Müller sẽ phải cố gắng hết sức để gạt bỏ nỗi căm ghét của những người còn chống đối hắn.

Sự tính toán ấy thật tuyệt vời. Müller hết lòng làm việc để mong được tha thứ. Và có thể nói đúng là hắn đã dễ dàng và tận tâm sửa đổi theo giáo lý Quốc xã. Hắn chẳng phải là người thông minh và cũng không phải là người có tình cảm.

Dưới cái trán dô, khuôn mặt hắn thêm khắc khổ, khô khan, ít biểu lộ tình cảm. Đôi môi mỏng và lạnh lùng. Đôi mắt ti hí màu nâu, nhìn chằm chằm vào mắt người đối thoại, che phủ ánh mắt dưới hai mi sùm sụp. Hắn còn cạo trán theo mốt cũ chỉ để lại ít tóc ngắn trên đỉnh trán. Hai bàn tay thật hài hòa với khuôn mặt, đúng là hai bàn tay nông dân, vuông, to, rộng, với những ngón tay dùi đục. Kẻ thù của hắn vẫn thường nói hai bàn tay đó chính là của kẻ bóp cổ người chuyên nghiệp. Müller có lòng tin tuyệt đối về sức mạnh của kẻ bề trên. Điều đó giải thích sự ngoan ngoãn tuân lệnh của hắn.

Hệ quả của sự tôn thờ ấy, là mối căm hờn của hắn đối với giới trí thức. Có lần hắn đã nói với Schellenlerg là cần phải giam tất cả trí thức xuống hầm than rồi cho mìn nổ tung.

Như những người phải mất nhiều thì giờ thay đổi hoàn cảnh, Müller luôn lo sợ người khác vượt trội và thấy mình là kẻ yếu. Chính vì thế hắn luôn tranh đua với S.D. Hắn cho rằng S.D là nguyên cớ gây khó khăn cho hắn vào Đảng Quốc xã.

Do nghề nghiệp, S.D trở thành đối thủ của hắn. Hắn cho rằng nhân viên của S.D cũng chỉ là những kẻ không chuyên nghiệp và là những cựu nhân viên cảnh sát chính trị, đã may mắn leo được lên chức cao.

Himmler đã đánh giá đúng sự thông minh của Müller. Đến giờ phút cuối cùng Himmler vẫn tin tưởng ở hắn, lệnh cho hắn ở lại Berlin, trong khi các cơ quan khác đã sơ tán hết.

Được Himmler tin tưởng và trọng dụng Müller đã qua những lần cải tổ, làm cho Gestapo có được vị trí đặc biệt, độc lập một cách đáng ngạc nhiên giữa hệ thống thứ bậc chằng chịt của Quốc xã.

Để tranh thủ Heydrich, Müller đã làm những việc hèn hạ, dò xét, tố giác những đồng nghiệp của hắn, để loại bỏ những người mà hắn không ưa thích.

Hắn tham dự vào mọi công việc do Himmler tổ chức. Hắn thường được Himmler giao cho thực hiện những nhiệm vụ “tế nhị”.

Để làm những việc này, cần phải có người không biết ghê tởm như Müller. Đòn đầu tiên đã trở thành một đòn vào loại bậc thầy mà Müller đánh vào Blomberg và Fritsch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 10:16:31 pm »


*

Mùa xuân năm 1933, Bộ tổng tham mưu quân đội Đức được trao vào tay ba người, tướng Von Blomberg, bộ trưởng Bộ chiến tranh, tướng Von Fritsch, tư lệnh quân đội, tướng Beck, tổng tham mưu trưởng. Ba người này đều là những viên tướng kỳ cựu, được quân đội yêu mến và kính trọng. Nhất là Blomberg thường có những xét đoán cứng rắn và dư luận cho rằng ông đã “đồng tình” với Quốc xã. Blomberg là một trong những người đầu tiên, tỏ ra có cảm tình với phong trào Quốc xã. Năm 1931 trong khi các đảng trung lập và các đảng phái tả còn đang chống lại cuộc tấn công của Quốc xã, Blomberg đã gặp Hitler, không giấu giếm sự khâm phục đối với Hitler. Blomberg là tư lệnh Quân đoàn 1 ở Đông Phổ và tham mưu trưởng của Blomberg là đại tá Von Reichenau.

Reichenau chú của Blomberg, là cựu đại sứ và cũng là người hâm mộ Hitler và niềm tin chính trị ấy của Von Reichenau đã ảnh hưởng đến người cháu là Von Blomberg.

Blomberg thông minh nhưng không có lập trường ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Vào thời kỳ có sự hợp tác giữa Hitler và hồng quân Liên Xô, Blomberg đã mong trở thành một người Bôn-sê-vích.

Bị ảnh hưởng của Von Reichenau, Blomberg lại cũng dễ dàng trở thành Quốc xã. Khi làm bộ trưởng Bộ chiến tranh, Blomberg đã thành lập một bộ phận chuyên nghiên cứu những vấn đề có liên quan của quân đội với nhà nước và Đảng Quốc xã. Bộ phận này đã bị Bộ tổng tham mưu gây khó khăn nghiêm trọng vì họ cho rằng Blomberg đã quá gần gũi với Đảng Quốc xã.

Blomberg có vai trò rất quan trọng trong việc cải tổ lại quân đội ở Rhénanie. Ông soạn thảo những kế hoạch cải tổ bằng cách cộng tác chặt chẽ với những người đứng đầu của Đảng Quốc xã. Hitler đã bổ nhiệm Blomberg làm thống chế chỉ sau khi quân đội tiến vào Rhénanie. Đây là một sự trả công cho việc Blomberg đã chứng tỏ sự lệ thuộc hèn hạ đối với Roehm, khi thanh toán những người bạn, những viên tướng như Von Schleicher và Von Bredow, nhất là vì lời thề trung thành với Hitler.

Nhưng Blomberg vẫn giữ được uy thế trong một vài nhóm. Ở Nuremberg, tướng không quân Milch tuyên bố. Blomberg có thể cầm cự được và ông ấy vẫn thường làm như vậy; “Hitler kính trọng và luôn nghe những lời khuyên của Blomberg. Đây là quân nhân duy nhất đã biết gắn liền những vấn đề về quân sự với chính trị”.

Điều ấy đã làm nhẹ bớt sự xét đoán của Von Rundstedt, thay mặt quân đội: “Blomberg hơi khác thường đối với chúng ta. Ông ta bay lượn trong một địa cầu khác. Ông ta theo học ở trường Steiner nên hơi có vẻ thần bí v. v… và nói thẳng ra là không ai ưa ông ấy!”

Việc loại trừ Blomberg không nhằm vào những động cơ cá nhân mà phải nhằm vào những lý lẽ của nguyên tắc. Toàn nước Đức như đã thần phục Hitler. Nhưng Hitler lại không tương hợp vài điều trong truyền thống của Bộ tổng tham mưu quân đội. Ví dụ, thống chế nguyên soái Von Manstein đã kể lại rằng: “Trong quân đội cũ, tham mưu trưởng có khi có quan điểm khác với người chỉ huy, cũng có thể chứng tỏ quan điểm ấy là có giá trị, dù buộc lòng phải thi hành lệnh của cấp trên”. Và thống chế Kesselring cũng đã chỉ ra rằng: “Việc các sĩ quan trong Bộ tổng tham mưu cùng chịu chung trách nhiệm như trước đây, cũng có thể bị người đứng đầu thấy không hợp và bị gạt bỏ”.

Hitler không thể chịu được tình trạng mệnh lệnh đã ban ra mà người ta còn bàn cãi hay đưa ra những gợi ý khác. Hitler lo giới quân sự sợ hãi với dự định quá liều lĩnh của mình, có thể dựa vào các lực lượng nước ngoài để dùng sức mạnh chống lại chế độ Quốc xã. Người ta đã loan tin là các lực lượng nước ngoài đã liên hệ bí mật với tướng Gamelin.

Blomberg đã soạn thảo báo cáo về tình hình quốc tế, đưa ra những luận chứng rằng nước Đức không cần thiết phải nghĩ đến cuộc tấn công nào đấy đang nhằm mình. Lý do là có nhiều nước, nhất là các nước hùng mạnh ở phương Tây, còn thiếu sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh, đặc biệt phải kể là nước Nga.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 10:17:39 pm »


Hitler không muốn có những ý định trái ngược. Để khởi chiến, Hitler đã giao cho Himmler và Gestapo chuẩn bị chiến trường. Cuộc chiến tranh sẽ được tiến hành trong những điều kiện đặc biệt vô sỉ và ô nhục và sẽ được tiến hành với những kỹ thuật chiến tranh mới, tàn bạo, đẫm máu, nhưng rất có hiệu quả.

Sự kiện được bắt đầu vào một ngày của tháng 1-1938 như là một màn kịch nhẹ nhàng của thành phố Vienne. Ngày 12-1-1938, các báo chí Đức đăng tin thống chế - nguyên soái Von Blomberg, bộ trưởng Bộ chiến tranh tổ chức đám cưới với cô Eva Gruhn ở Berlin, những người dự đám cưới đều là bạn tâm giao với Von Blomberg, như Hitler và Hermann Goering. Có một điều thật kỳ lạ là báo chí không đăng tấm ảnh nào của đám cưới và cũng không bình luận gì, nhất là đối với cấp bậc đáng kể của chú rể. Thật đáng ngạc nhiên. Hôn lễ được tổ chức rất bí mật, không theo tín ngưỡng bình thường, là thời kỳ đó nhà thờ là mục tiêu tấn công ráo riết của Đảng Quốc xã.

Người ta biết rằng ông thống chế góa vợ, đã là ông của nhiều cháu ngoại. Vì con gái của thống chế đã lấy con trai của tướng Keitel. Ngược lại, người ta không hiểu gì về cô dâu mà người ta chỉ nói là cô có nguồn gốc gia đình rất bình thường. Những cô thợ may ở Berlin vui mừng khi thấy cô gái chăn cừu lấy được một ông hoàng tử đẹp có tuổi bằng cha cô.

Cô gái chăn cừu ấy hình như còn biết rất ít về cuộc sống điền viên. Nhưng chưa đầy một tuần lễ sau, lại có những lời xì xào lạ lùng lan truyền: người ta nói là bà “thống chế” trẻ ấy là gái bán dâm hạ đẳng.

Lời bàn tán ấy lan nhanh trong giới quý tộc và người ta không thể cải chính được khi có thêm vài hoàn cảnh rất lạ lùng xoay quanh đám cưới: hôn lễ tổ chức vội vàng và có rất hạn chế người tham dự. Người ta nói rằng cô vợ này đã bỏ qua nhiều thủ tục chính thức, phải kể là không khai lý lịch tư pháp và những tài liệu dân sự về đời cha, đời ông. Và hai vợ chồng đã đi nghỉ tuần trăng mật không biết ở nơi nào.

Sau vài ngày, cuối cùng báo chí mới đăng bức ảnh chính thức. Một thợ ảnh bất ngờ thấy hai người đì dạo chơi trong vườn thú và đã chụp được khi họ đứng trước chuồng khỉ. Bức ảnh này được đưa đến văn phòng của bá tước Helldorff, cảnh sát trưởng Berlin. Được biết đến những lời xì xào về bà “thống chế”, Helldorff đã cho mở cuộc điều tra bí mật vào ngày 20-1 và hắn đã có trong tay hồ sơ chi tiết rất đáng chú ý, không thể tưởng nổi.

Tài liệu có ghi: Eva Gruhn, sinh vào năm 1914 ở Neukoelln, một khu ngoại ô của dân thợ thuyền ở Berlin. Như vậy cô chỉ khoảng 24 tuổi là cùng. Quá khứ của cô gái rất sóng gió. Mẹ cô có cửa hiệu mát-xa ở phố Elisabeth tại Neukoelln, một phòng mát-xa rất đáng ngờ. Mẹ cô đã bị cảnh sát phong tục kết tội hai lần về việc chứa gái mại dâm. Cô gái trẻ Eva khá xinh đẹp, theo gương của mẹ làm gái bán dâm và bị bắt nhiều lần trong bảy thành phố. Cô cũng có chuyện phải ra tòa năm 1933 sau khi Quốc xã nắm chính quyền. Một tên buôn lậu các ảnh khiêu dâm bị bắt giữ và sau khi “ban trung tâm đấu tranh với những hình ảnh và sách phóng đãng” điều tra ra Eva Gruhn có chụp những ảnh khiêu dâm ấy nên đã bắt giữ cô. Lúc đó cô mới 19 tuổi, cô chỉ bào chữa là do người tình rủ rê, cho cô 60 mác để làm chuyện ấy.

Helldorff đã lưu giữ một trong những bức ảnh khỏa thân của Eva Gruhn để cho vào tập hồ sơ của cô. Chính vì vậy báo chí mới đăng nó làm minh chứng. Sự nghi ngờ này càng có căn cứ khi cô gái đứng cười trước chuồng khỉ, đúng là Eva Gruhn. Lập tức, phòng lý lịch tư pháp ở Berlin đã có tấm phích về nhân dạng, khổ người và các dấu vân tay của Eva, phát hiện ra Eva còn nhúng tay vào một vụ trộm cắp và bị kết tội.

Cảnh sát trưởng Helldorff hơi hốt hoảng trước sự phát hiện này, đã báo ngay cho tướng Keitel, là người cộng sự thân cận nhất của Blomberg, và cũng là họ hàng thông gia.

Vụ này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc bí mật, nhưng Himmler đã không bỏ qua cơ hội để nắm thêm tình hình. Helldorff mong muốn Keitel báo cho Blomberg sự nguy hiểm đang đe dọa ông thống chế. Nhưng Keitel chối từ không muốn dính vào những chuyện riêng tư như thế. Keitel đã gạt chuyện Helldorff và tài liệu của cảnh sát trưởng sang cho Goering, với tham vọng là đến ngày nào sẽ trở thành bộ trưởng Bộ chiến tranh thay thế Blomberg.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #106 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 10:18:28 pm »


Goering nhận tài liệu này với tâm trạng hết sức kích thích. Goering tỏ ra bối rối báo cho Helldorff biết Blomberg đã báo với Hitler là cô vợ mới cưới đã có một quá khứ không lành mạnh. Nhưng rõ ràng là Hitler đã không tưởng được cái quá khứ của Eva lại nặng nề đến thế, nhưng Hitler đã không phản đối cuộc hôn nhân. Goering hứa với Helldorff là sẽ sử dụng những tài liệu này vào một dịp có ích.

Ngày 22-1, khi Hitler rời Berlin để đi đến Munich, đã có một cuộc họp giữa Goering, Himmler và Heydrich. Đây đúng là một hội đồng chiến tranh bí mật. Liên minh tay ba này đã loại trừ Roehm, nay càng thêm gắn bó với nhau hơn.

Ngày 24-1, Hitler từ Munich trở về, Goering bèn báo tin này cho Hitler biết. Hitler đã khóc và tuyên bố phải hủy bỏ cuộc hôn nhân. Theo lời khuyên của Goering, Hitler còn ra lệnh cấm không cho Blomberg tự đến dinh tổng thống và không được mặc quân phục.

Goering đã tận tâm truyền đạt mệnh lệnh của Hitler cho Blomberg. Hắn sợ Hitler sẽ tha thứ cho Blomberg, khi Blomberg ly dị cô vợ mới và mọi chuyện lại bắt đầu lại từ đầu. Thế là Goering đến thẳng nhà Blomberg thổi phồng thêm nhiệm vụ bằng cách sửa đổi đôi chút bản mệnh lệnh của Hitler. Hắn nói với Blomberg là ông cần phải đi ra nước ngoài để người ta không nhắc đến ông nữa!

Kinh hoàng về vụ xì-căng-đan đang đe dọa, và bất ngờ là đã gắn bó với cô gái trẻ đàng điếm, Blomberg đành chấp nhận sự gợi ý của Goering: ông tuyên bố sẵn sàng cho chuyến đi dài ngày. Bất ngờ hơn nữa là Goering lập tức chuyển cho Blomberg số ngoại hối không nhỏ làm tiền chi phí đi lại, ăn ở. Hitler ra lệnh cấm không cho Blomberg trở về nước Đức trong thời hạn một năm.

Đến cuối tháng 1, ông thống chế và cô vợ trẻ đã ở Rome và Capri.

Trong tầng lớp sĩ quan cao cấp của quân đội đã lan truyền dần dần về câu chuyện này. Người ta tự hỏi: vì sao cuộc hôn nhân như thế lại có thể tiến hành được? Tại sao cảnh sát biết rõ về quá khứ của người vợ mới cưới của ông thống chế lại cứ để yên cho họ tổ chức hôn lễ? Làm sao Hitler lại không thể biết được chuyện này một khi đã tự đến dự đám cưới ấy?

Thường thì những ông thống chế bộ trưởng không bao giờ lui tới xóm thợ thuyền và cả những nơi các cô gái như Eva thường đến, nhất là lại để tìm kiếm người vợ tương lai.

Ai đã sắp xếp ông thống chế già ngây thơ với cô gái trẻ là gái mại dâm, trác táng xinh đẹp ở khu ngoại ô?

Himmler, Heydrich và Müller có thể trả lời được những câu hỏi này. Họ có thể nói là vì sao họ không phát hiện ra sớm quá khứ của Eva Gruhn dù họ đã biết từ lâu. Làm sao họ đã có thể không biết đến chuyện này, chỉ vì trung tâm chống lại các hình ảnh và sách báo đồi trụy, đã bắt giữ Eva vào năm 1933 thuộc quyền của người cộng sự và là bạn thân của Arthur Nebe, và cũng vì những tấm phích nhận dạng Eva thuộc bộ phận pháp lý cũng nằm trong tay người này. Và họ không tiến hành điều tra theo thủ tục về cô vợ mới cưới chỉ vì Blomberg đã không cho họ biết thông tin. Ông thống chế nguyên soái ngây thơ này thấy ngại ngần khi lấy Eva khi ông phát hiện ra vài điều về mảnh đời quá khứ của Eva. Ông đã tâm sự với Goering vài điều khó hiểu: “Làm sao tôi lại có thể lấy người vợ xuất thân thấp hèn như thế được?” Tên béo Hermann đã làm ông yên tâm: “Đây là đám cưới rất tốt cho việc tuyên truyền của Đảng Quốc xã, rằng ông đã không ngại ngùng khi lấy vợ là thợ thuyền”.

Được sự khuyến khích thân tình như thế, vài tuần sau ông thống chế gặp lại Hermann. Người “bạn cũ” của Blomberg lại đã tố thêm về người vợ mới của ông. Ông thống chế bèn yêu cầu Hermann can thiệp bí mật với cảnh sát để không quấy rầy ông nữa. Kết quả là cảnh sát đã can thiệp vào chuyện này. Nhưng họ lại đã không báo cho ông thống chế biết về người tình cũ của Eva là tên ma cô nổi tiếng và để đảm bảo bí mật, họ đã tống hắn sang Nam Mỹ, sau khi giữ lại mọi tài liệu về tiền sự của hắn và đe dọa nếu trở về Đức sẽ phải chịu hình phạt nặng.

Sự đề phòng này là muốn để cho ông thống chế có thể yên tâm kết hôn với Eva, nhưng nó cũng vô ích, vì Helldorff đã khám phá ra. Nhưng vụ việc này lại là một hành động có tầm cỡ, một cuộc đảo chính theo kiểu mới của những tên đang ngự trị trong tòa nhà tại Prinz Albrechstrasse (trụ sở Gestapo).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #107 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 10:19:07 pm »


Khi Blomberg bay đi Ý, Goering đã tự coi mình như là bộ trưởng Bộ chiến tranh. Và Goering cũng lợi dụng dịp này để gia nhập vào hàng ngũ các vị tướng. Những trung đoàn S.S của hắn đã chiếm một phần tư quân số của quân đội. Nhưng Goering vẫn còn một trở ngại cuối cùng. Đó là tướng pháo binh Werner Von Fritsch, tổng tư lệnh quân đội người thứ hai sau Blomberg và có thể xẩy ra việc Fritsch sẽ lên làm bộ trưởng Bộ chiến tranh. Hơn nữa, Fritsch là người rất bình dân trong quân đội, được Hitler phong làm tổng tư lệnh và đã nhận được huy hiệu vàng của Đảng Quốc xã. Đấy là sự ưu tiên đặc biệt. Hitler đã nói đến chuyện Fritsch nhưng Goering và Himmler nhắc cho Hitler đến sự kiện nghiêm trọng vào năm 1935 và đã đem trình cho Hitler toàn bộ hồ sơ về chuyện bẩn thỉu ấy.

Năm 1935, Gestapo tìm ra được cách rất tốt để mở rộng hoạt động. Lý do là vấn đề đồng tính luyến ái đã làm băng hoại hàng ngũ thanh niên Hitler, có một số vụ tai tiếng đã bị phát giác.

Gestapo tự cho mình quyền quan tâm đến những vụ về thuần phong, mỹ tục. Chúng dựa vào điều khoản 175 trong bộ luật hình sự để mở các cuộc điều tra ở khắp mọi nơi. Để tìm ra sự thật về những chuyện tình dục bê bối, Gestapo đã vào các nhà tù, gặp số người bị giam để khai thác tài liệu, moi ra những tội cũ của họ có liên quan đến một người khác.

Geostapo tóm được một ca sĩ hàng đầu. Người này thuộc loại khá đặc biệt, tên là Hans Schmidt. Bản thân Hans là người quan hệ tình dục đồng giới, làm nghề bán dâm, chuyên phục vụ những người giầu có đồng tính luyến ái, để rồi dọa tố giác họ với mục đích làm tiền. Đôi khi Hans còn bắt quả tang những người đang thực hiện tình dục đồng giới, dọa sẽ báo cho cảnh sát và đã moi ở họ những số tiền lớn.

Schmidt bị giam ở nhà tù trung ương, nơi mà hắn án nhiều lần. Gestapo tiến hành hỏi cung Hans Schmidt. Chiều ý Gestapo, hắn nói đến những khách hàng đã có quan hệ tình dục với hắn, cũng là những nạn nhân của hắn. Hắn kể ra rất nhiều tên người, có đủ hạng người: viên chức cao cấp, thầy thuốc, luật sư, buôn bán, các chủ xưởng và các nghệ sĩ, họa sĩ. Trong số người đó có một người tên là Von Fritsch, mà hồi cuối năm 1935, đã từng phải mất một số tiền cho hắn. Hắn kể: một tối mùa đông ở nhà ga ở Wansee, hắn gặp một ông ăn mặc lịch sự, đang khêu gợi một đồng nghiệp của hắn. Tên này đã bị cảnh sát phong tục nhẵn mặt. Người bắt chuyện với tên đĩ đực có vẻ là cựu sĩ quan, mặc áo lông, đội mũ xanh, tay cầm can đầu bịt bạc, đeo kính một mắt. Schmidt đã bí mật theo sau hai người này. Và khi họ đang quan hệ tình dục đồng giới trong bãi hoang gần nhà ga, Schmidt đã xông dện và màn kịch cũ diễn ra: nào là báo cảnh sát, dọa phát giác, và sau đó là sự dàn xếp.

Nhưng người ấy chỉ mang ít tiền trong ví, nên Schmidt đã theo ông ta về tận ngôi nhà ở phố Lichterfeldeest. Sau đó nhiều tuần lễ Schmidt vẫn đe dọa phát giác, để buộc ông này phải rút tiền ở nhà băng đưa cho hắn. Người đàn ông đồi bại ấy có tên là Von Fritsch hay Frisch?...

Ngay lập tức, Gestapo nhảy vào nắm lấy cơ hội hiếm có. Nếu ông già ấy đúng là viên tư lệnh Von Fritsch, người theo chủ nghĩa quân chủ nổi tiếng thì đây là động cơ tuyệt vời để loại bỏ ông ta. Hitler đã chất vất rồi từ chối, ra lệnh không được hỏi cung tên Schmidt nữa và gạt bỏ câu chuyện bẩn thỉu này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #108 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 10:20:56 pm »


Nhưng hiển nhiên là Gestapo không chịu tuân lệnh Hitler, bởi vì vào tháng 1-1938, trong tay Heydrich đã có đầy đủ các tài liệu. Đúng ra, hồ sơ mà Gestapo đưa trình Hitler chỉ là hình thức của tập hồ sơ đã hoàn tất. Một cảnh sát nhà nghề đã phân biệt rõ một vài điều có ý nghĩa, mà Hitler không có được đủ những chứng cớ cụ thể như thế. Ví dụ: người ta không nói đã thẩm tra lại địa chỉ của Von Fritsch trong thời gian xẩy ra sự việc. Không có một chứng cớ nào là Fritsch đã ở phố Lichterfeldeest, hay Fritsch có một nơi trú chân nào. Người ta cũng không thẩm tra lại số tiền mà Fritsch đã rút ở nhà băng hồi cuối năm 1935 là bao nhiêu. Tên Schmidt nói đã theo Fritsch đến nhà băng ở gần ga... Tóm lại, các chi tiết ấy đã không được coi là quan trọng.

Nhưng vụ này vẫn được Müller giao cho Meisinger, chánh thanh tra thành thạo, cảnh sát cũ, người Munich, đến với Müller và Gestapo trong thời kỳ xẩy ra vụ thanh toán ngày 30-6-1934. Meisinger là bạn thân và là người tin cậy của Müller, chuyên điều tra những việc hèn hạ. Hắn được đề bạt làm chỉ huy cục điều tra đặc biệt, chuyên dò xét tài sản của người Do Thái. Sau đó Meisinger được giao nhiệm vụ sang Tokyo, Nhật Bản, để điều tra về hoạt động của một phóng viên báo Frankfurter Zeitung bị nghi là có cảm tình với Cộng sản, sau đó trở thành nhân viên của S.D và của Gestapo. Phóng viên đó là Richard Sorge1.

Heydrich khai thác lại hồ sơ của Meisinger được điều tra từ ba năm trước về vụ tên ca sĩ Hans Schmidt. Và lần này thì Hitler không bác bỏ những tài liệu kết tội Von Fritsch. Hitler cũng không hỏi Heydrich vì sao đã không tuân lệnh hủy bỏ những tài liệu đó. Hắn triệu tập Von Fritsch đến dinh tổng thống.

Von Fritsch không thể ngờ điều gì đang chờ đợi mình. Khi Hitler hỏi Von Fritsch về chuyện đó, Fritsch đã phẫn nộ và thành thật kêu oan. Ông ta thề trên danh dự của mình là không bao giờ làm chuyện bỉ ổi như vậy.

Đến lúc này mới diễn ra cái cảnh thật không thể tưởng được. Làm như một cảnh sát, Hitler mở cửa để cho một người tiến vào. Hắn là Hans Schmidt.

Lúc này, ngay trong phòng làm việc của tổng thống, người đứng đầu nhà nước, một chỉ huy tối cao đầy quyền lực, Schmidt chạm trán với viên tổng tư lệnh quân đội, hắn đứng ngắm nhìn dò xét kẻ đã loạn dâm Von Fritsch, nói cộc lốc: “Đúng là ông ta!”

Viên tướng như bị đòn sét đánh, không nói được câu nào. Ông ta chỉ lẩm bẩm điều gì đó không rõ lắm.

Cơn giận dữ vì bất lực, nỗi hoảng sợ và sự khinh bỉ làm đầu óc ông lẫn lộn, không thốt ra được một lời phản ứng. Hitler nhìn Von Fritsch mặt lúc đỏ ửng, lúc tái, càng tin vào lời buộc tội của Schmidt nên yêu cầu viên tổng tư lệnh từ chức. Von Fritsch cự nự, không chịu từ chức và nhắc lại là ông bị oan, đề nghị mở một cuộc điều tra theo đúng thủ tục pháp lý và do hội đồng xét xử của quân đội thực hiện.

Ngày 27, Von Fritsch buộc phải tạm nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Nhưng quyết định này mãi đến ngày 4-2 mới được công bố rộng rãi.

Trong thời gian đó, Goering cương quyết chống lại cuộc điều tra của hội đồng cố vấn quân đội, kháng định vụ này phải chuyển cho Gestapo tiến hành.

Người ta lại thấy có chuyện ngược đời, viên tổng tư lệnh hôm trước đã bị người của Heydrich triệu tập đến trụ sở Gestapo, và đã phải đến theo lời triệu tập ấy.

Mặc dầu đã có sự đề phòng, nhưng tin đồn vẫn lan truyền trong quân đội. Ngạc nhiên về các chuyện của Blomberg đến lúc ấy còn như một màn sương phủ, nay họ lại càng hoang mang bởi câu chuyện của Von Fritsch.
_______________________________________
1. Tình báo viên nổi tiếng của Liên Xô, làm cố vấn cho đại sứ Đức ở Nhật Bản, đã chui được vào hàng ngũ của S.D và Gertapo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #109 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 10:21:39 pm »


Hai vụ tai tiếng xẩy ra liên tiếp đã có dấu hiệu đáng ngờ. Giới quân sự đã đánh hơi thấy một mưu đồ và thấy uy tín của quân đội bị xúc phạm ghê gớm. Nhiều người tự hỏi: Từ lâu trong quân đội Đức đã có nhiều người đồng tính luyến ái. Đầu thế kỷ, việc này đã trở thành một mốt, bởi vì ngay chính hoàng đế Đức cũng thích vây xung quanh mình nhưng loại người viển vông, chẳng làm nên trò trống gì cả. Nhưng hoàng đế Đức lại công nhận họ là những người có tài năng nghệ thuật và trong số này có các đại sứ, một ông hoàng Phổ và nhiều vị tướng khác.

Bá tước Hülsen-Häseler, đổng lý văn phòng của hoàng đế đang hóa trang thành vũ nữ opéra, bị chết đột ngột vì nghẽn mạch. Quân đội cũng không quên vụ tai tiếng vào năm 1907, ông hoàng Philippe ở Elenburg đã lăng nhăng với viên đại tá đoàn xe thiết giáp là Kunede Moltke và Philippe đã bị kết tội phải đi đày.

Còn Von Fritsch chưa bao giờ bị phê phán về chuyện này. Đạo đức của ông là trong sáng, nhưng... ai biết đâu được?

Nhưng sự nghi ngờ mơ hồ, nỗi sợ vô cớ đè nặng lên giới quân sự, ai cũng sợ phải đối mặt công khai với Gestapo mà không ai biết rằng chính Gestapo đã giật dây cả hai vụ.

Sự ngần ngại kéo dài trong nhiều ngày sau và chỉ có một quyết định tàn nhẫn để chấm dứt vụ đó.

Ngày 4-2, bức màn bí mật được vén lên qua những tin tức bí mật của Hitler. Hắn đọc bài diễn văn trên vô tuyến truyền hình, tuyên bố việc Blomberg bộ trưởng Bộ chiến tranh ra đi và phải nghỉ hưu. Nhưng động cơ gì buộc ông phải ra đi thì không được loan báo. Viên tổng tư lệnh Von Fritsch cũng tự xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Hitler công bố trước nhân dân Đức là hắn đã xóa bỏ Bộ chiến tranh và tự mình chỉ huy trực tiếp quân đội theo quyền hạn của quốc trưởng. Mọi cam kết trước đây với quân đội đến nay đã không còn hiệu lực.

Thay thế tướng Von Fritsch là tướng Beck. Nhưng tướng Beck từng tuyên bố vào năm 1934 là ông đã có lỗi làm Hitler bị thương trong vụ đảo chính do Hitler cầm đầu.

Và Beck cũng từng có những lời nói không vừa ý Hitler.

Von Reichenau không được chỉ định thay chức vụ của Fritsch bởi vì Reichenau là Quốc xã nhất trong số các vị tướng. Hitler không muốn có một vị tướng làm chính trị, hắn cần một nhân vật thuần túy quân sự.

Cũng như Goering đã nói: “Các tướng của Reich III chẳng có tài cán gì về quân sự, mà chỉ có vài hoạt động chính trị vớ vẩn”.

Cuối cùng Von Brauchitsch, trước là chỉ huy địa phương quân ở Đông Phổ thế chỗ cho Von Fritsch. Sau đó, Hitler thành lập một bộ phận mới bao trùm lên cả các công việc của Bộ tổng tham mưu gọi là Ober Kommando der Wermacht - O.K.W - Chỉ huy tối cao các lực lượng quân đội, và giao nhiệm vụ này cho tướng Keitel. Ông này nổi tiếng về sự thần phục dễ bảo. Trong quân đội người ta đặt biệt danh cho ông ta theo lối chơi chữ Lakai- tet, có nghĩa kẻ hèn hạ, tiếng Pháp là Laquais, tiếng Đức Lakai cũng có nghĩa là hèn hạ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM