Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:55:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đặc khu Rừng Sác  (Đọc 114677 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #60 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 07:29:03 am »

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của chiến trường sông nước, Đoàn 10 lại xuất hiện những anh hùng?

Đối với chiến sĩ đặc công Rừng Sác thì những quyết chiến điểm là nơi những anh hùng gặp nhau.


Đêm 10-11-1969, tại quân cảng Nhà Bè, một trận đánh làm xuất hiện một lúc hai anh hùng: Nguyễn Chất Xê, Trần Văn Dần1 (Cả hai đều đã hi sinh và được truy tặng danh hiệu anh hùng năm 1973). Trần Văn Dần sinh năm 1948 ở xã Xuân Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhập ngũ tháng 7-1965 thuộc Đội 5, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Trong quá trình chiến đấu, Dần cùng tổ đặc công đánh chìm 7 tàu địch trọng tải từ 10 đến 12 ngàn tấn, thiêu hủy 15 triệu lít xăng dầu.


Ba lần lọt vào cụm pháo địch để truy theo một khẩu 105 luôn dời chỗ vì sợ đặc công. Lần thứ ba anh mới tìm thấy và áp khối nổ vào bộ phận máy của súng, một khối nổ khác dành cho bọn pháo thủ đang ngủ. Cả hai mục tiêu này cùng nổ một lúc. Một lần trên đường về ngang Độ Hòa sau trận đánh trong quân cảng, Dần thấy một chốt địch mới đóng, anh dừng lại quan sát và thấy chỗ sơ hở liền tìm về đơn vị xin một tổ chức đi đánh ngay trong đêm đó.


Anh cũng đã 23 lần kéo đạn ngược sông Lòng Tàu, một mình thay cho 2 đồng đội kéo ĐKZ đánh dinh Độc Lập.

Còn Nguyễn Chất Xê sinh năm 1947 ở xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 6-1965 thuộc Đội 5 Đoàn 10 đặc công Rừng Sác1 (Từ đầu năm 1968 đến 5-1971, anh đã tham gia 18 trận, cùng tổ đặc công đánh chìm 12 tàu trọng tải 8 đen 13 ngàn tấn, đánh trọng thương 4 tàu vận tải lớn, thiêu hủy 15 triệu lít xăng dầu). Khi được giao nhiệm vụ đánh quân cảng Nhà Bè, hai anh nói với nhau: "Chết không sợ, chỉ sợ đánh mà địch không đau”. Đêm N (ngày qui định trận đánh) hôm ấy lại là đêm nước ngược, địch rải nhiều chốt dọc đường đến mục tiêu. Hai người có lúc cách chúng chỉ một mép nước, phải tranh chấp thời gian từng phút cho kịp giờ quy định. Tới nơi, áp chất nổ vào mạn tàu giặc thì trời đã gần sáng. Vừa "điểm hỏa" xong thì một tàu chở đầy hàng xuất hiện. Thời cơ chỉ còn trong khoảng thời gian hết sức eo hẹp. Cả hai đều thấy rằng phải thay đổi mục tiêu, có nghĩa là phải đánh trận thứ hai với sự nguy hiểm hơn nhiều, gần như cầm chắc hi sinh. Muốn vậy, phải trở lại tàu giặc, tranh chấp với nước ngược, với thời gian đang từng giây nhích dần đến tiếng nổ dữ dội của khối 100kg ôm trong người... Đánh rồi phải thoát ra như thế nào đây?


Không còn thời gian để tính toán thêm... Dần cắt dây, tháo trái nổ từ mạn tàu giặc, một tay nâng, một tay giữ ngòi nổ để tránh chấn động, chỉ còn hai chân chống chọi với nước ngược. Lúc trời rạng sáng, một tiếng nổ long trời nhận chìm chiếc tàu 10 ngàn tấn. Còi báo động rú lên, pháo, bo bo, xuồng chiến đấu... trong giây lát cuốn thành một vòng vây trên sông. Không thể thoát ra ngay được, Dần và Xê chia nhau gạo rang, nước uống, mỗi người một ngả "chém vè" ngay trong vòng vây của giặc. Cuộc lùng sục kéo dài cả ngày, không còn một con sông cùng, một tắc1 (Tắc là con rạch nhỏ) hẻm nào xung quanh quân cảng mà địch không tới. Nhưng chúng đã bỏ sót hai chân hàng rào nơi hai đồn ở mí sông. Từ đây, hai chiến sĩ đã trở lại điểm hẹn lúc trời vừa tối.


Năm 1971 cả hai anh đều anh hùng hi sinh cách nhau 1 tháng. Trong trận đánh đêm 10-5-1971, Nguyễn Chất Xê cùng tổ đặc công áp sát mục tiêu thì bị lộ Địch cho xuồng máy bao vây ném lựu đạn và gọi hàng. Anh lệnh cho tổ viên bí mật vượt sông, còn mình thu hỏa lực địch, và bị bắt. Xê hủy khối thuốc nổ rồi rút lựu đạn diệt hàng chục tên và anh dũng hi sinh.


Nguyễn Chất Xê được tặng 2 huân chương chiến công, 18 lần dũng sĩ, 2 lần chiến sĩ thi đua. Ngày 23-9-1973, anh được Chính Phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.


Trần Văn Dần1 (Trong trận đánh địch càn quét tháng 6-1971, anh cũng đã anh dũng hi sinh trong khi chỉ huy đơn vị chiến đấu. Ngày 20-12-1973. Trần Văn Dần được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang) cũng được tặng 2 huân chương chiến công, 11 lần danh hiệu dũng sĩ, 2 lần chiến sĩ thi đua.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #61 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 07:30:02 am »

Trận đánh trả bọn Mỹ đen ở cù lao Cá Tán đã diễn ra như thế nào?

Vào một ngày đầu tháng 6 năm 1971, Đảng ủy Đoàn 10 vừa họp xong trong đêm mọi người bí mật lội qua sông Thị Vải để về các phân đội, thì mờ sáng địch bao vây đánh vào Cù lao Cá Tán. Bên trên trực thăng "đầm già" L19 quần thảo bắn phá, dưới sông, bo bo, khinh tốc, tàu há mồm, đổ quân bao vây càn bốn mặt. Tình thế cực kỳ nguy hiểm, không còn con đường nào thoát, tất cả gom lại trong mấy công sự thủ trên sình lầy với mấy quả mìn Clây mo, DH10 và B40... ráng kéo dài thời gian để đến tối "mở đường máu” rút lui.


Trung đoàn trưởng Bảy Ước hội ý với chính ủy Tám Lập xác định kiên quyết tiêu diệt địch, ráng bám công sự, đến tối tổ chức vượt sông. Số tiền 300.000 đồng mua gạo cho đơn vị, chia ra mỗi người một ít, có bề gì không mất hết.


Mọi người về hầm sẵn sàng chờ địch. Đến trưa một tốp Mỹ đen dùng mã tấu chặt đước, cắt rừng tiến vào trận địa. Bảy ước khoát tay ra hiệu. Tiếng nổ DH10 gầm lên, tiếp theo là các cỡ súng của hai bên đổ đạn tung tóe sình lầy và phạt đứt cây rừng. Sau quả hỏa tiễn chỉ điểm của con "đầm già", phản lực lao xuống trút bom rung chuyển cả cánh rừng cùng với các trận địa pháo ở Phước Hòa, Bàu Sen "giã giò" xuống trận địa... Anh em không nao núng vừa quần nhau với địch trong cù lao, vừa rút dần ra. Sau hai ngày đêm bọn Mỹ bị thương vong và không đạt được mục đích, phải xuống tàu rút về căn cứ hải quân Nhà Bè. Đoàn 10 bị thương vong hơn 10 người, trong đó có trung đoàn phó Tư Hương và bác sĩ Ba.


Chỉ huy trưởng Bảy Ước vẫn ấm ức về trận càn cù lao Cá Tán, bèn ra lệnh cho ĐKP đánh vào dinh Độc Lập và Đội 5 xuất kích bằng khối nổ 100kg đánh chìm chiếc tàu vạn tấn vừa tới cảng Nhà Bè.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #62 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 07:30:38 am »

Từ Đặc khu Rừng Sác, những con "rái cá" Đoàn 10 đã lên đất liền?

Trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, đặc công Đoàn 10 nhận nhiệm vụ là một mũi trong đội hình cánh đông nam của Miền. Giai đoạn tiến công thứ nhất bắt đầu từ đêm 30-3 đến 30-5-1972. Đoàn 10 Rừng Sác có nhiệm vụ giữ vững địa bàn và từ Rừng Sác tiến công liên tục các mục tiêu bến cảng, tàu hàng quân sự trên sông để làm cản trở vận chuyển của địch.


Sau những năm dài bị bao vây trên địa hình sông nước, đây là một thử thách mới đối với Đoàn 10 trong điều kiện quân số, vũ khí bị tiêu hao chưa được bổ sung.

Một lần nữa, Đội 5 xác định vai trò mũi nhọn chủ công của mình. Đêm cuối tháng 3-1972, toàn Miền vào chiến dịch, tổ đặc công ba người do Cao Hồng Ngọt chỉ huy đã chọc thủng lưới phòng thủ quân cảng Nhà Bè. Một tàu quân sự 10 ngàn tấn đậu tại cảng đã bị khối thuốc nổ 100kg đánh chìm. Đoàn 10 đã dóng tiếng nổ hợp đồng chiến dịch ngay sát sào huyệt địch ở Sài Gòn.


Kể từ đêm đột phá quân cảng Nhà Bè cuối năm 1967 cho đến chiến dịch Nguyễn Huệ xuân - hè 1972, Đội 5 đã đánh chìm và cháy 35 tàu địch trong đó có 30 tàu trọng tải từ 8 đến 13 ngàn tấn.


Bị tổn thất nặng, địch tức tối lồng lộn tung lực lượng Đặc khu vào những điểm mà chúng nghi ngờ là căn cứ của đặc công Rừng Sác Nhưng chính những ngày đó, hàng chục tàu quân sự cỡ lớn, tàu đổ quân đã bị ăn đòn ở sông Đồng Tranh, sông ông Kèo, Tắc Bài...


Trong hai tháng thử thách, với 4 khối nổ loại 100kg và 80 quả B41, đặc công Rừng Sác đã đánh đắm hàng chục tàu chở hàng quân sự và tàu quét mìn của Mỹ. Đoàn 10 đã hoàn thành một phần trọng trách trong giai đoạn đầu chiến dịch Nguyễn Huệ 1972.

Giai đoạn 2 chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10-1972. Đoàn 10 được bổ sung thêm 4 đại đội vừa đặc công vừa hỏa lực và bộ binh, để chuẩn bị cho phương án mới cao hơn đợt 1, với nhiệm vụ nâng gấp đôi chỉ tiêu diệt địch đồng thời mở thêm hai mũi tấn công vào cảng Cát lái và cảng Thành Tuy Hạ.


Tháng 9-1972, để hỗ trợ cho mặt trận ngoại giao ở hội nghị Paris, đòi hỏi những quả đấm lớn trên chiến trường. Cục tham mưu Miền giao nhiệm vụ cho Đoàn 10: "phát triển thế tiến công thành diện rộng ở hậu cứ địch để phối hợp với chiến trường toàn Miền... Tập trung đánh hủy diệt từ 70 đến 80% bom đạn, xăng dầu và phương tiện chiến tranh của địch...".


Thực hiện chỉ thị của Miền, Đoàn 10 Rừng Sác hình thành các mũi tiến công các quân cảng, kho tàng phía đông nam Sài Gòn và tàu hàng quân sự trên sông Lòng Tàu và khống chế các đoạn sông quan trọng với tổng số 40km đường sông.


Sau tiếng nổ mở màn chiến dịch của Đội 5 trong quân cảng Nhà Bè, một "chiến trận Card" trở nên dữ dội hơn bất cứ thời gian nào trước đây. Kể từ tháng 6-1972, không còn một quân cảng nào ở hai đầu sông Lòng Tàu không bị đòn của đặc công và pháo đặc công Rừng Sác. Trong vòng 5 tháng, địch bị đánh ở cảng Nhà Bè 10 trận, cảng Thành Tuy Hạ 3 trận, cảng Cát Lái 2 trận. Ở cảng Rạch Dừa, địch còn bị đánh dữ dội hơn ở Cát Lái và Thành Tuy Hạ.


Tháng 7-1972, 3 dũng sĩ: Niêm, Dũng, Điều đã áp được khối thuốc nổ 100kg vào mạn tàu 12 ngàn tấn đậu cách cảng Rạch Dừa 2km. Đây là chiếc tàu quân sự lớn đầu tiên bị đánh ở khu vực cảng Rạch Dừa. Kể từ đêm đó đến cuối chiến dịch Đồng Khởi, 10 tàu hàng quân sự trên dưới 10 ngàn tấn bị đánh đắm ở đây.


Nếu như trong giai đoạn 1, trung bình mỗi tháng có 1,5 tàu vạn tấn bị đánh đắm thì trong giai đoạn 2 là 4 tàu. Một con số kỷ lục.

Trong khi đó, trên mặt trận đường sông dài hơn 40km bị ta khống chế, pháo đặc công Rừng Sác đã đánh chìm và cháy 42 tàu, trong đó có 20 tàu tải trọng trên dưới 10 ngàn tấn.


Đối với kẻ thù, nếu quá trình đánh pháo trên sông đã gây một điệp khúc "tử thần trên sông Lòng Tàu” và "chảy máu xăng dầu” thì "chiến trận Card" là những quả đấm chí mạng vào hệ thống phòng thủ hiện đại vốn được địch đề cao một cách kiêu căng. "Máu xăng dầu” của quân thù không ngừng chảy trên sông nước Rừng Sác. Chỉ riêng trong năm 1972, 16 tàu chở xăng dầu tải trọng từ 8 đến 13 ngàn tấn đã bị đánh chìm và cháy... tương đương 2045 triệu lít.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #63 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 07:31:12 am »

Đội 32 đã làm nổ tung kho bom Thành Tuy Hạ như thế nào?

Vào cuối năm 1972, lúc hội nghị bốn bên ở Paris bàn về chấm dứt chiến tranh Việt Nam gần đi đến được thỏa thuận thì tổng thống Mỹ Nixơn giở ngón lật lọng, đồng thời ráo riết chuẩn bị trận tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào thủ đô Hà Nội. Đoàn 10 được lệnh phải đánh bằng được kho xăng Nhà Bè và kho xăng Thành Tuy Hạ.

Tình hình rất khẩn trương, Đoàn 10 quyết định phân tán cán bộ chỉ huy về trực tiếp chỉ đạo các mũi tấn công chủ yếu.


Đoàn trường kiêm chính ủy Lê Bá Ước trực tiếp chỉ đạo đánh kho bom Thành Tuy Hạ. Đội 32 lĩnh trách nhiệm phá hủy mục tiêu này, do đội trưởng Quyết chỉ huy.

Kho bom Thành Tuy Hạ cấu trúc kiên cố và được bảo vệ nghiêm ngặt với 7 hàng rào thép gai tổng hợp và một hệ thống mìn cạm bẫy, pháo sáng dày đặc, trong một bờ đê cao 3m như một bức tường. Dưới chân đê có hào sâu ngập nước. Bên trong lớp rào có thả chó và ngỗng, một trăm mét có một bót canh.


Để vào được Thành Tuy Hạ, Đội 32 thực hiện 8 lần đột nhập cực kỳ gian khổ và nguy hiểm, hi sinh 1 chiến sĩ. Đêm 11 rạng 12-11-1972, tổ đặc công bốn người do đồng chí Hòa trực tiếp chỉ huy, với 16 khối nổ, đã vào được khu hóa chất và bom napan. Đúng giờ hẹn, hàng loạt tiếng nổ vang dội Sài Gòn. Chất nổ và bom napan tạo nên những đám cháy khổng lồ choán cả một vùng trời đen nghịt khói lửa suốt 2 ngày đêm. 23 kho bom đạn và 9 kho chứa bom napan (khoảng 200.000 quả) bị thiêu hủy.


Trong số bốn chiến sĩ tham gia trận đánh, đồng chí Trình đã anh dũng hi sinh, được truy tặng huân chương chiến công hạng nhất.

Với trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ đêm 12-11-1972, Đội 32 đã trở thành đơn vị "đột phá lên đất liền" của đặc công Rừng Sác, tạo nên một tiền lệ nguy hiểm cho kẻ thù.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #64 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 07:31:38 am »

Kho bom Thành Tuy Hạ bị đánh lần thứ hai vào lúc nào?

Phương án đánh kho bom Thành Tuy Hạ lần thứ hai được thông qua trên sa bàn với một khí thế khác hẳn. Các chiến đấu viên được cử đi làm nhiệm vụ gồm: Sáng, Chữ, Thắng.


Tuy nhiên, lần đánh này gặp không ít khó khăn. 7 đêm liền, các hướng đông, tây nam, và nam, các chiến sĩ đều không lọt được vào bên trong mục tiêu. Bởi sau trận đánh lần trước (12-11-1972) địch thiết bị một hàng rào thiếc cao 2,5m chôn sâu 30cm, không thể cắt được ở phía đông và nam, địch tăng cường lính phục kích giữa hai hàng rào, đặt đèn dầu dọc đường kính bảo vệ. (Đèn dầu đặc công khó qua hơn là đèn điện).


Sau nhiều đêm điều nghiên tiếp theo, các chiến sĩ với gạo rang, cơm nắm, dầu nóng, mứt gừng ém ngay trong kho bom đã tìm ra các khu kho quan trọng của địch. Vào 1 giờ sáng ngày 13-12-1972, tổ đặc công đã lọt vào trong thành. Các chiến sĩ hội ý với nhau kiên quyết đánh bằng được kho bom và quy ước: Nếu bị lộ là đánh ngay. Tiếng nổ đầu là mệnh lệnh, quyết không để một ai bị địch bắt.


Trời sáng rõ, căn cứ Thành Tuy Hạ rầm rầm tiếng máy nổ của hàng chục xe xúc thu dọn hậu quả của trận đánh trước. Có tiếng rú, một xe xúc tiến về bãi cỏ tranh, nơi các chiến sĩ đang ém. Một chiến sĩ đứng vụt dậy đón đầu xe. Tên lính giật mình định nhảy ra, nhưng anh ra hiệu cho nó ngồi yên. Nhìn thấy những người lính ở trần đeo đầy thủ pháo, lựu đạn, tên công binh lái xe xúc hiểu ra cơ sự và cặm cụi xúc dưới sự giám sát của người chiến sĩ đặc công.

Đến 10 giờ đêm hắn vẫn phải ở tại đống sắt và gạch vụn. Anh tổ trưởng đặc công nói với hắn:

- Muốn sống với vợ con thì phải ở đây, không được gặp bất kỳ ai. Đến 1 giờ sáng anh tìm cách thoát khỏi nơi này, nghe chưa!

Sau đó các chiến sĩ lao về hướng nam. Một dãy nhà lù lù xuất hiện. Mọi người sung sướng như không tin vào mắt mình: Kho bom dày đặc những trái đen trũi lộ thiên. Mỗi kho 8 dãy bom, đếm được bề đáy 66 trái, bề cao 6 trái. Các chiến sĩ Hòa, Chữ và Hai gặp nhau ở kho bom 7 tấn đang đặt mìn nổ chậm, trong khi Thắng và Sáng đang mải miết "cắn kíp" ở một kho xa hơn. Đúng 1 giở sáng anh em thoát ra khỏi Thành Tuy Hạ gặp nhau đủ mặt, mừng khôn xiết mỗi người cắn hết 25 kíp theo quy định.


Gần 3 giờ sáng, tổ đặc công ra đến Bàu Sen thì kho bom phát nổ, tiếng nổ dây chuyền như sấm sét liên hồi của hàng ngàn quả bom làm rung chuyển mặt đất. Cả khu kho rộng lớn chìm trong biển lửa cuồn cuộn suốt ba ngày đêm thiêu hủy một khối lượng bom đạn, nhiên liệu khổng lồ của bọn xâm lược Mỹ gồm:

- 19 nhà chứa bom khoảng trên 18 ngàn tấn.

- 15 nhà chứa bom (loại có dù để phá địa hình).

- 17 kho đạn 105 ly.

Toàn khu kho Thành Tuy Hạ bị phá hủy gần 60%, riêng khu bom thiệt hại 80%. Khu vực bom nổ có 1 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn quân cụ và 1 tiểu đoàn chó bẹcgiê 100 con.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #65 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 07:32:16 am »

Tổng kho xăng dầu Nhà Bè là mục tiêu số 1 của đặc công Rừng Sác. Xin cho biết sự bố phòng cua địch ở đây?

Tháng 10-1972, Bộ Tư lệnh Miền chỉ thị cho Đoàn 10 tấn công mục tiêu quan trọng: Tổng kho xăng dầu Nhà Bè.

Từ đó, suốt 7 tháng trời Đội 21 điều nghiên, từng ở lại ban ngày giữa hai lớp rào, nhưng rồi cũng tạm "thúc thủ” vì không vượt qua nổi hàng rào song sắt.

Cảng và kho xăng dầu Nhà Bè cách Sài Gòn 8km (theo đường chim bay). Từ một thương cảng của Pháp, Mỹ đã xây dựng thành quân cảng lớn để tiếp nhận phương tiện chiến tranh, đặc biệt là xăng dầu. Bên cạnh cảng là một hệ thống kho hoàn chỉnh của ba hãng Caltex, Shell và Esso. Kho Shell lớn nhất, rộng 14 ha có 72 bồn, cung cấp 60% xăng dầu quân sự và dân sự cho miền Nam.


Do tầm vóc quan trọng nên Shell được bảo vệ đặc biệt. Trong 12 lớp rào đủ loại bao bọc, có loại đã thách thức đặc công qua nhiều lần đột nhập như hàng rào song sắt không cắt được, hàng rào chẻ ba thả bùng nhùng cao 3,5m. Ngoài chó, ngỗng, mìn chiếu sáng là hệ thống đèn pha, tháp canh, tường cao 2,5m, đường tuần tra bộ, xe đạp, honđa, ô tô... Ngoài ra là lực lượng trên bộ, dưới nước, trên không đặt dưới sự chỉ huy của trung tá Nguyễn Bá Di quận trưởng kiêm chi khu trưởng Nhà Bè. Cao hơn có lực lượng của Bộ tổng tham mưu và Quân đoàn 3 ngụy sẵn sàng ứng cứu.


Các kho Caltex, cảng hải quân, căn cứ Đặc khu Rừng Sác ở phía nam, hãng Shell ở phía bắc và kho Esso cũng được tổ chức bảo vệ hết sức chặt chẽ từ xa đến gần với nhiều lực lượng, binh chủng...


Những người làm việc trong đây phải đeo thẻ nhận dạng do hãng Shell cấp sau khi được cảnh sát điều tra lý lịch. Vào khỏi cổng chính 100m là trạm kiểm soát đặc biệt do yếu khu cảnh sát cấp... Vào khu vực bồn chứa xăng dầu sự kiểm soát còn gắt gao hơn.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #66 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2010, 07:32:59 am »

Xin cho biết trận đánh cảm tử của Đội 5 vào "dạ dày" nhiên liệu Nhà Bè?

Kho Nhà Bè cách căn cứ xuất phát của đặc công Rừng Sác 20km và cách rừng thưa 8km. Địa hình cách trở sông rạch, sình lầy, rộng nhất là sông Nhà Bè 1300m. Những yếu tố trên gây nhiều khó khăn cho các chiến sĩ Đoàn 10 trong điều nghiền và tác chiến, nhất là khi phải ém quân nhiều ngày trong vòng vây của địch.


Sau nhiều lần đột nhập không thành, theo lệnh của Đoàn, Đội 21 bàn giao mục tiêu "khó nuốt" này cho Đội 5, do Cao Hồng Ngọt làm đội trưởng. Trên tăng cường cho Đội 5 một số đặc công giỏi như Hà Quang Vóc, Nguyễn Hồng Thế1 (Về sau hai đồng chí này được tuyên dương Anh hùng).


Từ căn cứ Cát Lái chuyển về mục tiêu quan trọng số 1, cán bộ chiến sĩ Đội 5 tất cả đều xin ra trận. Có người viết đơn đến 3 lần. Qua nhiều lần xem xét, ban chỉ huy Đội 5 quyết định cử 8 đồng chí lãnh trọng trách đánh kho xăng Nhà Bè: Hà Quang Vóc (Đội phó), Nguyễn Văn Rực, Trần Ngọc Sĩ, Hoàng Hữu Hình, Phạm Văn Tiềm, Đỗ Hải Quân.


Phụ trách chung trận đánh: Đội trưởng Cao Hồng Ngọt; Đoàn trưởng Lê Bá ước chỉ đạo trực tiếp.

Suốt 6 tháng trời, cơm nắm, gạo rang, dầm nắng dãi rét, nhịn khát... 4 hướng kho Shell mòn dấu chân của chiến sĩ đội 5. Vượt qua nhiều hiểm nguy vẫn không qua được hàng rào chẻ ba cao 3,5m. Chuyến đi thứ 13 (18-11-1973) gặp địch dùng dao phát cỏ gần đụng đầu, anh em phải lùi ra gần 10m, cũng là khi phát hiện chỗ hở của hàng rào "độc chiêu” này. Chuyến đi thứ 14, tổ đặc công đột nhập được từ hướng nam, luồn giữa kho Shell và cảng, kho Caltex cảng hải quân và sở chỉ huy đặc khu của chúng.


Toàn bộ kế hoạch trận đánh được Tư lệnh B2 Trần Văn Trà kiểm tra mọi chi tiết. Căn cứ vào quyết tâm của cấp ủy và ban chỉ huy Đội 5, Đoàn 10 hạ quyết tâm phá hủy từ 80 đến 90% kho Shell vào đêm 3-12-1973 trước Bộ Tư lệnh Miền và Sư đoàn 27 đặc công.


Có 11 tình huống dự kiến nhưng toàn bộ là phương án xông lên, chứ không có phương án rút lui nửa chừng.

Ngày 30-11, đơn vị làm lễ xuất quân với khẩu hiệu "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh". Đoàn trường Lê Bá Ước đọc mệnh lệnh chiến đấu đội phó Hà Quang Vóc thay mặt toàn đội thề: "Chưa đốt cháy kho Shell, chưa trở về!". Đại đội trưởng Cao Hồng Ngọt tiễn anh em tới tận bở sông Nhà Bè.

Tám chiến sĩ nhìn nhau trong ánh mắt "quyết tử". Câu nói cuối cùng của họ: "Đồng chí nào về được xin gởi lời thăm anh em ở nhà và bà con Rừng Sác".

Sau khi dùng kỹ thuật khắc phục các chướng ngại vật, mìn, cạm bẫy và lính tuần, 0 giờ, toán đặc công nhảy xuống khỏi mặt tường cuối cùng, tỏa ra tìm đến mục tiêu áp trái, điểm hỏa theo qui định, rồi nhanh chóng vượt ra khỏi hàng rào 3,5m. Riêng Quân khi thao tác gặp 3 tên lính đi tới, phải dừng hành động, nên không ra đúng hẹn.


0 giờ 35 phút, lửa bốc lên trời, Kho Nhà Bè bùng nổ. Địch phản ứng bằng các loại súng, cho máy bay lên pha đèn, tuôn đạn đỏ rực. Bao và Tiềm rơi vào vòng vây tàu địch. Sĩ, Hình, Rực bị địch phát hiện khi đã ra 1/3 sông, bị chúng ném lựu đạn ra tới tấp. Ba anh cởi dây liên kết, mỗi người thoát đi một ngả. Lúc nổ kho xăng, Quân vẫn ở trong hàng rào 3,5m. Lợi dụng cảnh nhốn nháo, anh vượt qua hàng rào nhưng đến bờ sông đụng xuồng lính. Chúng bắn anh bị thương, anh ném lựu đạn, thoát vây. Vóc và Thế đón đồng đội ở cửa mở, ra sau cùng bị địch phong tỏa đường rút lui, phải ém lại trong khu cảng hải quân một ngày.


Kho xăng Shell lửa nổi lên ầm ầm như một cơn bão, càng lúc càng dữ dội, sáng rực cả bầu trời Sài Gòn. Lửa cháy suốt 9 ngày đêm. Đến ngày 11-12, lửa bắt sang bồn dầu ma dút 11 triệu lít. Địch sợ cháy lây sang hãng Caltex, phải mở khóa xả ống dẫn dầu. Dầu chảy lênh láng ra sông Sài Gòn, sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp... chảy tới tận Vàm Láng, Gò Công.


Địch thú nhận: Kho Shell hoàn toàn bị thiêu cháy 35 triệu lít gallon xăng dầu tương đương 140 triệu lít, 12 bồn butaga, 1 tàu dầu Hà Lan 12 ngàn tấn, 1 cơ sở lọc dầu, 1 cơ sở trộn nhớt, 1 khu chứa lương thực, 1 khu nhà binh... thiệt hại tổng cộng khoảng 20 triệu Mỹ kim.


Trong trận đánh lịch sử này, 2 đồng chí Bao và Tiềm hi sinh, còn lại (kể cả bộ phận phục vụ chiến đấu) đều rút về căn cứ Rừng Sác an toàn. Về sự kiện Tiềm và Bao hi sinh, nhân dân Nhà Bè cho biết hai anh bị 7 tàu giặc vây chặt, đã dùng lựu đạn "tự hi sinh" và làm chết hàng chục tên trên tàu.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #67 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2010, 06:29:43 pm »

Sau trận đánh kho xăng Nhà Bè, có một bức thư từ nội đô Sài Gòn gửi ra Rừng Sác cho bộ đội Đoàn 10. Xin kho biết nội dung bục thư đó?

Sau trận đánh kho xăng Nhà Bè, báo chí Sài Gòn tới tấp đưa tin, bình luận. Chúng thừa biết là đặc công Rừng Sác, nhưng bọn chóp bu vẫn tung tin là bị pháo kích cho đỡ bẽ mặt.


Cho đến năm 1975, ta vào tiếp quản cơ quan Bộ quốc phòng ngụy (63 Gia Long nay là Lý Tự Trọng, Quận 1) mới phát hiện hồ sơ vụ kho Shell chất đầy 4 tủ sắt. Nhưng trong đó có một biên bản mang kí hiệu 081/TTLQ/ĐT kết luận "đây là một trận đánh do nội tuyến kết hợp với đặc công Việt cộng thực hiện".


Trận đánh được tặng phần thưởng lớn: Toàn đội được tặng huân chương quân công hạng nhì. Hai đồng chí Hà Quang Vóc và Nguyễn Hồng Thế được tuyên dương anh hù ng. Hai liệt sĩ Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm được tuyên dương hành động anh hùng. 4 chiến sĩ Rực, Sĩ Hình, Quân được tặng thưởng huân chương chiến công hạng hai. Ngoài ra, đơn vị nhận được bức thư từ nội đô:

“Kính gửi đơn vị quân giải phóng đốt kho xăng Nhà Bè.

Anh em công nhân chúng tôi vô cùng phấn khởi được chứng kiến cảnh hỗn loạn của đô thành Sài Gòn ngày 3 tháng 12 năm 1973 khi các anh đốt kho xăng.

Vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ lòng dũng cảm, tài trí của anh em, bằng cách nào mà lọt vào kho Nhà Bè với sự phòng vệ tối tân của Mỹ, Anh ở một khu chứa nhiên liệu quốc phòng lớn ở miền Nam. Anh em công nhân Sài Gòn chúng tôi xin nguyện đoàn kết đấu tranh chống bất công của chính quyền Thiệu, cùng quân giải phóng buộc chúng phải thi hành hiệp định Paris.

Sau đây chúng tôi có món quà 500 đồng gửi tặng các anh mừng chiến thắng. Thay mặt anh em công nhân Sài Gòn.

Tư công nhân.

Kính nhờ tỉnh Biên Hòa chuyển giùm cho đơn vị đốt kho xăng Nhà Bè"
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #68 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2010, 06:30:21 pm »

Người anh hùng còn lại trong 8 dũng sĩ đánh kho xăng Nhà Bè nay ở đâu, làm gì?

Đó là anh hùng Nguyễn Hồng Thế sinh năm 1953 quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 1-1971, lúc anh mới 18 tuổi cuối năm đó đã có mặt ở chiến trường Rừng Sác trực tiếp chiến đấu. Liên tục bám trụ Rừng Sác Thế trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ đặc công.


Trong trận đánh kho xăng Nhà Bè, Thế ở vị trí mũi nhọn điều nghiên, 14 lần vào căn cứ địch, Thế đã cắt được nhiều hàng rào và thí điểm ém đội hình lại khu vực mục tiêu, góp phần hoàn thành xuất sắc trận đảnh vang dội.


Trong trận đánh hãng Caltex Nhà Bè ngày 19-5-1974, Thế phụ trách tổ đặc cộng thiêu hủy 50 triệu lít xăng dầu của địch. Trong mùa khô 1974-1975, tổ đặc công Nguyễn Hồng Thế đánh sập một nhịp cầu dài 15m và 1 cầu dài 40m, phá hủy 1 trạm biến thế điện... thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy tiểu đoàn 385 tại vàm ông Đông, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn.


Nguyễn Hồng Thế được tặng huân chương chiến công hạng nhì, danh hiệu dũng sĩ trong trận đánh kho xăng Shell, 4 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn.

Sau ngày giải phóng thành phố (30-4-1975), Nguyễn Hồng Thế vẫn gắn bó với sông nước Rừng Sác, được bổ nhiệm về giữ chức trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 anh hùng và thăng cấp thượng tá năm 1997. Từ năm 1999, do yêu cầu nhiệm vụ, Nguyễn Hồng Thế rời Trung đoàn 10 về giữ chức Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, đảm trách khu vực phòng thủ cửa biển phía đông nam thành phố.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #69 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2010, 06:31:45 pm »

Các chiến sĩ đặc công còn một cuộc chiến đấu khủng khiếp với cá sấu Rùng Sác?

Thời đánh Mỹ, những câu chuyện đánh cá sấu của chiến sĩ Rừng Sác xảy ra nhiều nhất ở vùng sông ông Kèo.

Sông ông Kèo là con sông nhỏ đổ ra sông Lòng Tàu và đi vào đường 19 miệt Vũng Gấm - Xoài Ninh. Vùng này xưa kia cây cối um tùm, hoang vu, dòng nước khá sâu, chảy chậm dưới có đá ngầm và vô vàn hang hốc. Hai bên mép nước, cây cỏ phủ đầy, cá tôm nhiều vô kể. Do thế sông ông Kèo trở thành xứ sở của loài cá sấu. Vì là căn cứ hành lang của Đặc khu nên nhiều cuộc đọ sức đã xảy ra giữa đặc công Rừng Sác với Mỹ ngụy ở đây.


Trước đây, chiến sĩ Rừng Sác qua lại sông ông Kèo gặp cá sấu nhiều lần nhưng "vô hại", dường như chúng không quan tâm đến con người. Nhưng rồi những xác lính Mỹ bỏ lại sông ông Kèo sau trận đánh ngày 24-6-1968 đã gây một hậu quả tai hại: lũ chúa nước đã tìm ra một nguồn thức ăn mới. Từ đó cá sấu vùng sông ông Kèo trở nên hung hãn.


Vào một đêm cuối tháng, trăng mờ, một tổ chiến đấu vượt qua Rạch Vọp, bỗng có tiếng kêu "ối”. Mọi người quay lại chẳng thấy người đồng đội đâu nữa, chỉ còn lại một dợn sóng trên mặt nước.


Mấy ngày sau, Khét quê ở Long An, một cán bộ chỉ huy đánh tàu bằng B41 đi kéo cá trên sông ông Kèo, khi bơi ra giữa sông, bỗng "rầm" một cái, Khét mất tăm. Đội 2 cho người lùng sục, năm ngày sau mới thấy xác Khét bị cá sấu ăn gần hết.


Trong những người từng vật lộn với cá sấu, có một anh hùng. Đó là Lương Văn Mướt. Trước khi trở thành anh hùng, anh đã quà một chuyến đi thư đẫm máu. Anh đi tắt từ bót Độ Hòa về Rạch Lá, đến bở sông khi trời vừa sáng. Trong tay chỉ có một đoạn cây chà là dài hơn 1 in xỏ vào mang một con cá nặng 3kg, Mướt quyết định vượt sông.


Vừa ra khỏi mép bờ, nước lên tới bắp vế, Mướt chợt nhìn thấy hai mắt cá sấu đỏ lừ. Anh định trở lại nhưng không kịp. Con cá sấu nhào tới, hai hàm răng cắn phập vào đùi phải. Anh liền trở đầu gậy nhắm thẳng vào mắt trái đối thủ đâm xuống. Bị đòn hiểm, con cá sấu nhả mồi giáng trả đòn đuôi, đồng thời cướp luôn con cá trên cây gậy, bỏ chạy. Máu người lẫn máu cá sấu hòa vào dòng nước đỏ sẫm.


Mướt trở lại được bờ thì quị xuống. Răng cá sấu kéo những đường toạc dài từ đùi xuống bắp chân. Vết thương nhiễm độc khiến Mướt nằm mê man trong bụi rậm. Anh em Đội 5 tìm suốt 3 ngày không thấy tăm hơi, nhưng chính lúc đó Mướt tỉnh dậy bứt rau rừng nhai đắp lên vết thương, thấy đỡ đau. Lúc này anh mất phương hướng nhưng nhờ tiếng chuông đổ trong nhà thờ mà định hướng lại được Muốn trở về đơn vị không còn cách nào phải trở lại nơi giao chiến với cá sấu... Mướt xuống mé sông khua thử nước không thấy động tĩnh gì, từ từ lao xuống vượt sông... Đêm thứ năm, anh đã về được đơn vị.


Lương Văn Mướt sinh năm 1948, quê ở xã Hoàng Đông, huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng, nhập ngũ tháng 9-1965. Từ chiến trường Rừng Sác, anh tham gia chiến đấu nhiều trận. Trong trận đánh tại cảng Nhà Bè đêm 5-11-1969, Mướt cùng một đồng đội bơi 6km vượt qua nhiều sình lầy, đồn bót, mang khối thuốc nổ 150kg đánh chìm tàu 10 ngàn tấn. Hai lần tại cảng Cát Lái (sát Sài Gòn), anh vừa điều nghiên vừa trực tiếp đánh chìm 2 tàu 10 ngàn tấn và 12 ngàn tấn.


Lương Văn Mướt được tặng thưởng 3 huân chương chiến công, 14 lần là chiến sĩ thi đua và dũng sĩ, 31 lần được tặng bằng khen, giấy khen. Ngày 6-11-1978, anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng võ trang.


Ngoài anh hùng Lương Văn Mướt ra, những trận chiến ác liệt với cá sấu Rừng Sác còn diễn ra với chiến sĩ Hoàng Chương, Mười Mót, đội phó Hùng... ở Rạch Lá, rạch Bào Thai, mà phần thắng thuộc về các chiến sĩ đặc công gan dạ đầy bản lĩnh. Các anh đã diệt được những con cá sấu hung dữ nhất ở Rừng Sác.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM