Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Chín, 2023, 01:30:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sao đen - Tập 5  (Đọc 57677 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1064



« Trả lời #50 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 07:52:05 am »

Tôi cùng Rosanna đi xe lửa ra Nha Trang. Chúng tôi thuê một căn nhà nghỉ trên đường Trần Phú ven biển. Đó là một biệt thự nhỏ ba buồng gồm phòng khách và hai phòng ngủ cho mỗi chúng tôi Các tiện nghi nội thất thua xa khách sạn Palais Royal. Nhưng bù lại có vườn cây và gió biển. Rosanna cố tạo ra không khí gia đình bằng cách tự nấu ăn một bữa chiều và thay hoa cắm bình hàng ngày. Một bữa nàng hỏi tôi.

- Nếu em về nước làm ăn lâu dài anh có về sống với em không?

- Về sống với em à? Với tư cách gì? Tôi đã có vợ, còn em là gái chưa chồng. Chúng ta sống phóng đãng trong một chuyến đi thì có thể bỏ qua được. Em còn phải lấy chồng, còn anh cũng ràng buộc nghĩa vụ gia đình. Về nước sống lâu dài với nhau sao được!

- Em không đòi hỏi anh bỏ vợ để cưới em. Em cũng qua hai đời chồng rồi mà đều thất bại. Em muốn có một đứa con với người đàn ông em yêu thích nhất. Thế là đủ.

- Đừng vội vàng Rosanna! Em bị thất bại liên tiếp nên thành kiến với nếp sống gia đình truyền thống. Cách giải quyết tạm bợ đó hậu quả sẽ chẳng tốt đẹp gì đâu. Có thể vài ba năm nữa em sẽ bình tĩnh trở lại. Còn bây giờ thì cứ sống tự do theo ý mình đi. Khi nào thấy quan hệ gắn kết lứa đôi là một nhu cầu thì nên kết hôn.

Nàng nhìn vào mắt tôi bằng ánh mắt ướt đẫm dục vọng.

- Em đang có nhu cầu gắn kết lứa đôi đây!

Nói rồi nàng vòng đôi cánh tay trần mềm mại lên cổ tôi. Hai làn môi tìm đến nhau; gắn lại...

Những ngày ở Nha Trang chúng tôi sống hệt như đôi vợ chồng. Nàng không làm gì ngoài chuyện đi chợ, ra bãi tắm và tối tối cùng tôi đi dạo hay đến vũ trường rồi trở về với trò chăn gối. Hình như tôi không đủ sức đáp ứng những ham muốn nhục cảm của người đàn bà đa tình này. Tôi bắt đầu lo sợ lính bị bại trận trong cuộc đấu. Đó là nỗi mặc cảm lớn nhất của đàn ông đối với người bạn tình. Tôi phải tìm cách tách nàng ra vài ngày để củng cố "thế trận".

- Anh phải đi có việc vài hôm. Em xem có việc gì ở đây thì làm và chờ anh.

- Em chỉ chơi thôi chứ chẳng có việc gì ở thành phố nghỉ mát này. Anh cho em đi cùng được không?

- Chẳng tiện đâu. Những người bạn chỉ muốn gặp mình anh thôi. Anh đã gọi điện, nhưng điểm hẹn còn lằng nhằng lắm. Cùng lắm em cũng chỉ chờ anh ba ngày thôi. Chúng ta sẽ đi Huế vào tuần tới.


Thế là tôi mang theo đồ đạc lén lút đến thuê phòng ở Khách sạn Biển Đêm. Tôi phải tìm gặp một người bà con của tướng Thiết Vũ. Họ đã có mối liên lạc tinh thần với nhau khá chặt chẽ từ lâu rồi. Tuy nhiên điều kiện cách trở nên có nhiều vấn đề họ không thể viết qua thư. Nhóm người này muốn được tài trợ trực tiếp của cá nhân Thiết Vũ. Nhưng ông này muốn giới thiệu với Liên Minh thì sức yểm trợ mới mạnh mẽ và dài hơi được ông Bùi Hạnh giao cho tôi liên hệ kiểm tra xem họ là một tổ chức có thật hay chỉ là một "hội đoàn ma" thôi. Tôi đã liên hệ điện thoại nhưng họ hẹn sau ba ngày mới có thể tiến hành mật đàm được. Tôi đã báo trước để Hai Bền "đánh dấu đạo trình” của tôi mà nghiên cứu nhóm người này.

Tôi cho họ biết chỗ ở mới của tôi ở Khách sạn Biển Đêm để họ dễ liên lạc.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1064



« Trả lời #51 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 07:53:08 am »

Tám giờ tối ngày thứ bảy có một thiếu nữ đến gặp tôi. Cô ta ăn vận trang điểm hệt như một gái điếm. Sau khi đòi xem hộ chiếu của tôi cô mới chuyển lời của ông bà Trần Văn Tân mời tôi đến chơi bài. Ra khỏi khách sạn vài chục mét cô chỉ cho tôi lên một chiếc xe Chevrolet cũ kỹ đỗ bên đường. Chúng tôi lên xe đến một vũ trường nhỏ bé ở gần phía chợ Đầm. Tôi được đưa lên gác ba để gặp gia chủ. Ông bà Trần Văn Tân ngồi chờ sẵn và nồng nhiệt bắt tay chào đón tôi. Sau khi chủ khách an toạ tôi tự giới thiệu.

- Thưa ông bà, tôi là Hoài Việt làm việc dưới quyền ông Bùi Hạnh, chủ bút báo Chim Việt, cơ quan ngôn luận của Liên Minh Việt kiều Hải ngoại, có trụ sở ở bang Cali bên Hoa Kỳ. Tôi cũng là cựu trung tá quân lực Việt Nam Cộng hòa, từng là sĩ quan tham mưu dưới quyền tướng Thiết Vũ trong chiến tranh. Nay có chuyện bình thường quan hệ Việt-Mỹ, tôi về nước để quan sát tình hình và viết bài cho các báo bên Mỹ. Cũng còn thêm một nhiệm vụ nữa là truyền đạt cương lĩnh Arlington đi đồng bào nơi cố quốc để trong ngoài hợp lực đấu tranh cho một thể chế tự do cho Việt tộc chúng ta.
Ông Tân đứng dậy bắt tay tôi cảm động.

- Tôi cũng xin thưa với ông Hoài Việt, tôi chính là bào đệ của tướng Thiết Vũ. Sau ngày quốc nạn 30 tháng Tư, năm anh chị em chúng tôi phải li tán mỗi người một nơi khắp trên trái đất. Chỉ có vợ chồng tôi không kịp ra đi nên đành sống ở quê nhà. Nghe tin các anh chị tôi tuy xa Tổ Quốc nhưng vẫn luôn nhớ về quê cha đất tổ khiến chúng tôi cũng được phần an ủi. Nhưng người tự do nơi quốc nội cũng đã tập hợp nhau lại đấu tranh mong có ngày tự do sẽ được tái lập. Hiềm nỗi đồng bào trong nước sống dưới chế độ cộng sản còn quá nghèo nên không tập hợp được lực lượng hùng hậu, thiếu kinh phí để có thể đương đầu được với cộng quân. Nếu được sự giúp đỡ quốc tế, được sự yểm trợ vật chất tinh thần của kiều bào hải ngoại thì chúng tôi tin tưởng rằng nghiệp lớn nhất định thành đạt.

- Thưa ông bà. Tướng Thiết Vũ có cho Liên Minh hay là ở Nha Trang đã hình thành được một chính đảng bí mật lấy tên là Đảng Phục Hưng Quốc Gia do các nhà trí thức yêu nước lãnh đạo. Đảng muốn có mối liên hệ chiến hữu với các tổ chức yêu nước khác, trong đó có Liên Mình Việt kiều Hải ngoại. Vì vậy Ban lãnh đạo có cừ tôi về nước mật đàm với quý vị để tạo nên mối liên hệ vững chắc giữa đôi bên. Muốn vậy chúng tôi phải nắm chắc được người mà chúng tôi sắp kết bạn là ai. Tôn chỉ mục đích ra sao, chính sách đối ngoại thế nào, lực lượng mạnh yếu ra sao, cần sự trợ giúp ở mức độ nào. Có thế thì sự chi viện tinh thần vật chất mới đúng mức và hữu hiệu.

- Tôi xin chân thành cảm ơn những lời tốt đẹp nồng thắm của Liên Minh và của cá nhân ông đại diện. Vợ chồng tôi là những người sáng lập, đồng thời cũng là những người lãnh đạo của Đảng Phục Hưng Quốc gia. Về mặt tình cảm thì có bào huynh tôi là tướng Thiết Vũ đứng ra đỡ đầu và bảo lãnh sự tín nhiệm cho Đảng. Cương lĩnh chính trị, và điều lệ cũng là những văn bản để quý vị có thể xét đoán, đánh giá chúng tôi. Tuy quy mô, lực lượng ban đầu chưa lớn lắm, nhưng cũng không phai là đảng nhỏ so với các tổ chức chánh trị đối lập khác. Vì sinh mệnh của một đảng bí mật bất hợp pháp! Chúng tôi chưa thể công khai danh tính, địa chỉ của đảng viên. Nhưng số lượng chi bộ cơ sở ở mười tỉnh thành trong nước cùng bí danh, mật số đảng viên thì quý vị có thể biết được.

Tôi cười.

- Cuộc gặp gỡ đầu tiên và thời cục chính trị quốc nội cũng chưa cho phép chúng ta hiểu kĩ về nhau. Những con số ông bà cung cấp với chúng tôi chỉ có ý nghĩa tham khảo thôi.

- Thưa vâng. Đảng chúng tôi là một đảng trẻ, đang đà phát triển. Có thể hôm nay ông nghe tôi nói là A, khi về trình với ban lãnh đạo thì thực tê nó đã thành số B, tăng gấp mấy lần A! Nhưng xin đừng hiểu rằng đấy là con số "ma". Hôm nay tôi chỉ có thể bố trí một số rất nhỏ đảng viên sở tại đến trình diện và chào mừng ông thôi. Xin cho phép họ lần lượt vào bái yết!? Chỉ có điều đừng bắt họ xưng tên, chụp ảnh hoặc trả lời phỏng vấn. Đó là nguyên tắc bí mật mà chúng tôi phải giữ như bảo vệ con ngươi mắt mình.

- Tuỳ ông bà thôi. Tôi chỉ là người quan sát rồi trình báo lại. Tôi càng nhiều tư liệu chứng minh cho tầm cỡ của quý đảng thì sự quy mô thu lợi trong viện trợ càng lớn lao.

Ông bà Trần Văn Tân nhìn nhau lo lắng. Cuối cùng ông ta nhân nhượng.

- Ông có thể chụp vài ba tấm ảnh kí niệm với họ về làm minh hoạ cho bản mật trình cũng được.

- Ông chỉ đứng cho chúng tôi bấm máy. Tôi sẽ trao ảnh cho ông trước lúc ông ra máy bay. Được chứ?

- Tuỳ ông bà. Tôi không đòi hỏi gì ở quý vị. Tôi tôn trọng các nguyên tắc an toàn gay gắt của một tổ chức chính trị bất hợp pháp.

Ông Tân ra hiệu cho cô gái. Sau đó lần lượt các tổ vào tiếp kiến tôi. Qua lời giới thiệu vắn tắt tôi là thân nhân họ Trần bên Mỹ về thăm, mấy người khách cúi chào kính cẩn cùng tôi chụp chung bức ảnh rồi xin phép cáo lui. Họ thuộc đủ mọi tầng lớp, tuổi tác giới tính, đẳng cấp. Lần lượt chừng mươi tốp thay nhau vào chào và chụp ảnh. Tình cảm nhạt nhẽo, hình thức. Cuối cùng thì ông bà chủ mời tôi sang một phòng lạnh mở tiệc chiêu đãi. Cô gái đi đón tôi mở rượu. Bốn chúng tôi nâng cốc chúc tụng mọi lời tốt đẹp. Cô gái đó tiếp tôi chính là ái nữ của ông bà Tân. Trong bàn tiệc ông bà mới đề cập đến vấn đề chủ yếu là viện trợ tài chính.

- Xin ông đại diện về trình lại với Liên Minh là chúng tôi đang có nhu cầu chi tiêu rất lớn. Nếu được viện trợ thì Đảng chúng tôi sẽ lớn mạnh không ngừng, và trong tương lai nó sẽ trở thành lực lượng chính trị hùng hậu thực hiện được những mục tiêu to lớn của chúng ta. Đầu tư vào đây là các vị lựa chọn đúng chỗ đấy! Dĩ nhiên kinh doanh những giá trị văn hoá tinh thần, chính trị tư tưởng là phải tính kế lâu dài. Không phải một vốn bốn lời mà nó nhân lên hàng ngàn hàng vạn. Phải biết kiên trì mai phục, chờ đợi thời cơ. Liên Xô, Đông Âu mạnh thế mà đùng một cái lăn kềnh! Chỉ nhìn cái lợi nhỡn tiền thì sẽ mất hứng ngay.

- Thưa ông bà và quý cô. Tôi vượt đại dương về đây gặp ông bà, người đại diện cho quý Đảng cũng là vì những mục tiêu chiến lược lâu dài đó. Tôi sẽ cố gắng đề xuất và thúc đẩy một tiến trình viện trợ dài hạn cho quý vị. Nhưng cũng xin thưa là quỹ Liên Minh còn nghèo, quý ví không nên kì vọng quá nhiều ở họ.

- Họ nghèo thì cũng bằng trăm ngàn lần chúng tôi. Thế nào người Mỹ chẳng giúp ít nhiều. Nếu ông giúp được Đảng tôi, chúng tôi sẽ không quên ơn ông. Mười phần trăm là tiền thù lao hoa hồng dành để chi cho những chuyến bay và chi phí khách sạn của ông. Đó là thông lệ thương mại mà chúng tôi rất am hiểu. Xin ông tin ở vợ chồng tôi!
Qua chuyện mật đàm tôi hiểu rằng tướng Thiết Vũ đã đứng sau cú áp-phe chính trị này. Liên Minh đang cần một lực lượng chính trị quốc nội nằm ngoài bàn tay CIA để nhạt bớt vai trò tay sai đi. Ông Thiết Vũ xui em đứng ra tổ chức lực lượng để hứng lấy hợp đồng béo bở này. Còn tôi, viên sĩ quan đỡ đầu của ông sẽ thành cò mồi... "khách quan" cho ông dễ xoay sở. Có thể sếp Bùi Hạnh của tôi cũng dính líu vào trò ma này. Hai nhà vừa trở thành thông gia nên đây là cơ hội để họ tri ân nhau!?


Tôi đã cùng vợ chồng ông Trần Văn Tân kí một mật thư ghi nhớ. Có thể một vị có chức quyền trong lãnh đạo Liên Minh sẽ được cử đến cùng ông Tân kí mật ước chính thức.
Tôi cũng làm một bản báo cáo qua Hai Bền trình lên thượng cấp về cái đảng ma Phục Hưng Quốc Gia này. Nói là ma chỉ mang ý nghĩa tức thời. Nếu được bơm hơi tiếp sức chúng sẽ hiện hình gây rối cho an ninh để kiếm tiền là điều rất có thể. Mầu sắc chính trị phản động nào cũng ngầm chứa tính vụ lợi, không thể xem thường được.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1064



« Trả lời #52 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 07:54:50 am »

Tôi trốn biệt khỏi vòng tay Rosanna đến tối chủ nhật mới mò về. Đến nhà trọ thấy đèn sáng nhưng cửa khóa. Tôi bấm chuông không thấy ai nên đành quăng hành lý ở hiên lảng vảng đi sang bên kia đường. Có thể sống một mình buồn, nàng muốn đi dạo bên rừng dương ven biển.


Tôi tìm một chiếc ghế trống gần nhà ngồi đợi. Đêm đầu hạ không khí dịu mát. Biển rì rào vỗ sóng vào chân bờ cát. Những đôi bạn tình nép mình trong bóng dương đắm chìm trong nỗi đam mê. Bỗng tôi nhận ra Rosanna đang đi song đôi với anh chàng Vương Đăng râu đỏ. Hôm quyết định đi cùng tôi nàng nói đã tách khỏi Vương rồi kia mà. Nay Vương lại xuất hiện ở đây một cách bí mật chắc phải có điều gì nàng cần giấu tôi. Tôi sẽ không căn vặn chuyện này, vờ như không biết để xem nàng có âm mưu gì trong công việc hay đối với riêng tôi không. Trong khi nàng đi quá về phía bệnh viện thì tôi lẻn về nhà. Chừng mươi phút nữa mới thấy nàng quay về một mình. Thấy tôi ngồi chờ ngoài hiên nàng reo lên.

- Hoài Việt! Anh về lúc nào mà không phận trước để em đón! Em đi quanh quẩn một chút chắc anh phải chờ lâu sốt ruột lắm nhỉ?

- Anh mới về đến đây chừng mười lăm phút. Định đến gia chủ hỏi thìa khoá thì em về. Mở cửa cho anh mang đồ vào nhà đi.

- Anh ăn uống gì chưa? Em chuẩn bị chút gì cho anh ăn nhé?

- Thôi không cần đâu. Anh chỉ muốn tắm cho thoải mái thôi.

Trong khi chờ tôi tắm thì nàng đi lấy nước pha cho tôi cốc cà phê sữa. Khi tôi đi ra thì nàng đon đả.

- Bỏ đồ nhớp đấy em giặt cho. Anh uống cốc sữa cho đỡ mệt đã. Vắng anh em rất buồn. Ngoài lai bữa ăn, đi tắm biển chẳng còn chuyện gì để làm nữa. Em cứ ngong ngóng chờ anh.

- Cảm ơn! Sao em không kiếm anh bạn trai nào đó vào nhà tán gẫu cho vui!

Nàng nguýt dài.

- Bộ anh cũng có bạn gái giải sầu rồi nên chẳng nhớ đến ai, còn suy bụng ta ra bụng người nữa!

- Anh bận tối mắt còn đâu thời gian kiếm bạn tình nữa. Đôi khi cũng muốn về thăm em nhưng công việc xô đến lại phải làm tiếp.

- Bận đến mức không gọi điện thoại được nữa sao. Nhưng chỗ anh đến đều không có hoặc xa điện thoại công cộng. Khi sắp về mới gọi thì em lại đi chơi, không ai nhấc máy.

Nàng cười đánh trống lảng.

- Thôi đừng tìm cớ biện minh nữa. Từ nay anh đâu em đấy, thế là ổn!

Công việc ở Nha Trang của tôi coi như đã hoàn thành. Tôi có đủ các dữ kiện trong tay để về trình lên sếp và báo tin vui cho tướng Thiết Vũ. Tôi quyết định sớm mai lấy vé tàu đi Huế.


Tàu chạy suốt ngày đêm, bảy giờ sáng thứ ba mới đến Huế. Chúng tôi xuống ga rồi đi xích lô tới Khách sạn Hương Giang. Lúc đầu Rosanna định ở chung nhưng lại trót khai không phải vợ chồng nên khách sạn bố trí mỗi người thuê một phòng riêng nhưng ở liền nhau.


Ngày đầu chúng tôi cùng nhau đi tham quan các điểm du lịch trong thành phố.

Buổi tối chúng tôi thưởng thức những thú vui vương giả của cung đình nhà Nguyễn. Thoạt đầu là dự vương yến, với các món ăn truyền thống nổi tiếng trong nước được thần dân cung tiến lên đức vua. Chúng tôi phải thuê những bộ đồ gấm vóc của thánh thượng và hoàng hậu mặc cho đúng mốt. Các cung tần mỹ nữ chuốc ngự tửu và múa hát, trình tấu những bài ca điệu nhạc cung đình thật du dương mùi mẫn. Cũng có thể ngồi vào ngai vàng để chụp ảnh. Ai chịu bỏ tiền có thể thuê cả căn phòng gọi là cấm cung, trong đó có kê long sàng bát bảo, màn the trướng gấm để hành lạc với nhau trong một giờ! Rosanna rủ tôi chơi trò này nhưng tôi không thích lúng túng trong bộ hoàng bào. Còn nếu thoát y thì vua chúa và thần dân có gì khác biệt nhau đâu! Hai đứa chỉ ôm nhau tượng trưng vài phút để chụp ảnh kí niệm thôi!


Hôm sau nàng đi theo chương trình thăm thú các lăng tẩm ở khá xa thành phố.

Còn tôi thì lỉnh đi theo chương trình riêng của mình. Theo lệnh cụ Hoàng Cơ Bảo tôi phải đến truyền đạt cương lĩnh phối hợp hành động theo tinh thần cương lĩnh Arlington với một nhà sư nôi tiếng là Hoà Thượng Thích Quảng Đại trụ trì tại chùa Phổ Độ, một ngôi chùa nhỏ ở ngoại thành Huế. Tôi hỏi thăm mãi mới tới nơi.


Sư Thích Quảng Đại vốn là một nhà hoạt động phật giáo từ thời Diệm, thời Thiệu ở Sài Gòn. Đã có lúc ông nắm những vai trò quan trọng trong giáo hội. Khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất ông muốn lôi kéo phật tử tách khỏi giáo hội yêu nước, mà ông gọi họ là Hội Phật Giáo "quốc doanh". Ông viết nhiều cuốn sách chống cộng quyết liệt đưa ra in ấn phát hành bán cho Việt kiều trên khắp các châu lục.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1064



« Trả lời #53 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 07:55:49 am »

Cha con Hoàng Cơ Bảo, Hoàng Bảo Thạch rất sùng bái thày Thích Quảng Đại. Xưa kia là lãnh tụ phe đối lập, cụ Bảo cũng nhiều lần đến lôi kéo thày Đại. Đôi lần ông Hoà thượng cũng giúp ông, và cũng từng hầm hè quyền lực với nhau. Khi tôi về nước cụ Bảo có kéo tay tôi dặn nhỏ.

- Phải lôi kéo thỉnh cầu được vị hoà thượng đó đứng về phía đại nghĩa của Liên Minh. Thích Quảng Đại là vị Lạt Ma, là ông Phật sống của nước mình đấy! Chỉ có ông ấy mới đủ quyền pháp cứu khổ cứu nạn chúng sinh thôi. Mấy thày khác bị cộng sản thao túng hết rồi!

Trước khi đi làm sứ giả chuyển thư chiêu dụ cho cụ Bảo tôi cũng tìm đọc mấy tác phẩm của vị Phật sống này. Tôi thấy ông là một nhà sư có học thức, nhưng sách ông viết phần thế tục nặng hơn phần giáo lí.

Tôi vào chùa Phổ Độ và cất tiếng.

- A-di-đà Phật! Lạy Phật, lạy Tổ, bạch Hoà Thượng!

- A-di-đà Phật! Mời tín chủ vào chùa dâng lễ.

Một thày tu trẻ tuổi chạy ra đón khách.

- Thưa tôi đến xin bái yết Hoà Thượng Thích Quảng Đại ạ!

Nhà sư trẻ nhìn tôi phân vân.

- Thưa ông cụ tôi hồi này mệt luôn. Muốn yết kiến ngài ông cần nêu thời gian để tôi trình trước. Người hẹn cho gặp ngày nào thì ông hãy đến kẻo lỡ việc.

- Tôi là nhà báo ở tận bên Mỹ về muốn chuyển lá thư thăm hỏi của một phạt từ quen biết đến Hoà Thượng. Phiền ông vào trình ngài cho tôi ít phút thôi cũng được.

- Mời ông ngồi chờ tôi vào trình Hoà Thượng, xem ngài có nhận lời tiếp ông không.

Tôi ngồi đợi ngoài phòng khách nhà trai ít phút thì nhà sư trẻ quay ra báo tin.

- Cụ bằng lòng tiếp ông rồi. Xin mời ông theo tôi vào nhà tổ.

Tôi vui mừng đi ngay. Hoà Thượng sống trong một ngôi nhà cổ phía sau chùa trong một vườn cây rợp bóng. Bước lên thềm tôi thấy vị lão tăng mặt mày hồng hào đầy đặn, đeo kính trắng, đặc biệt có đôi tai được tạo hình thẩm mỹ rất đẹp. Dái tai dài và chảy xuống như tai các tượng Phật. Ngài mặc quần áo lụa màu nguyệt bạch, trông thanh nhàn thông tuệ, tiên phong đạo cốt.

Tôi vội cúi mình thi lễ vái chào.

- A-di-đà Phật! Kính chào Hoà Thượng Thích Quảng Đại!

- Mời tín chủ ngồi chơi.

Nhà sư trẻ pha trà dâng nước. Hoà Thượng nói.

- Xong việc rồi thày ra ngoài coi chùa, đừng cho ai vào đây. Cả thày nữa, tôi chưa gọi thì không được vào nghe chưa?

- Dạ! Bạch cụ con hiểu ạ.

Nói rồi thày đi giật lùi ra khỏi cửa mới quay mình rảo bước. Hoà Thượng tươi cười nói với tôi.

- Thày ấy là sư "quốc doanh" được bố trí vừa hầu hạ, vừa theo dõi và quản thúc tôi đấy. Nó nói với ông là vào xin phép tôi cho ông gặp nhưng thực ra là để tôi xin phép nó cho được tiếp ông! Tôi đâu có quyền tiếp các nhà báo! Nó muốn nghe lỏm chuyện của chúng ta nên lỏng tay cho ông vào gặp tôi đấy! Quan hệ thày trò, trên dưới, phẩm cấp hỗn loạn cả!

- Thưa Hoà Thượng tôi không ngờ tình hình lại căng thẳng đến thế!

- Bá đạo và chính giáo, tín ngưỡng và vô thần có bao giờ hoà hợp được. Một mất một còn mà!

- Thưa cụ tôi là Hoài Việt, phóng viên báo Chim Việt, cơ quan ngôn luận của Liên Minh Việt kiều Hải ngoại do cụ Hoàng Cơ Bảo làm chủ tịch. Nhân chuyến về nước công cán, cụ Bảo có sai tôi trình lên Hoà Thượng lá thư và một số tài liệu của Liên Minh.

- Ha ha ha! Tôi không biết gì về cái Liên Minh của quý vị, nhưng bác sĩ Hoàng Cơ Bảo thì tôi lạ gì! Ông ta là một chính khách đa mưu túc kế lắm!
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1064



« Trả lời #54 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 07:56:59 am »

Tôi đưa cho nhà sư lá thư của cụ Bảo và gói tài liệu chính trị của Liên Minh. Vị Hoà Thượng đón nhận một cách thờ ơ, nhét cả vào ngăn kéo không thèm liếc qua.

- Tôi đã từng bắt tay cộng tác với Hoàng Cơ Bảo nhiều lần rồi. Ông ta là chuyên gia lành nghề về "chủ thuyết đối lập" đấy. Ông ta theo Pháp chống Nhật. Rồi theo Nhật chống Việt Minh. Lại theo Việt Minh chống Pháp và theo Pháp chống Cộng sản. Khi Pháp thua cút khỏi Việt Nam thì ông ấy theo ông Diệm chống Bảo Đại, theo Công Giáo chống Phật Giáo, Bình Xuyên, Cao Đài, Hoà Hảo, rồi lại theo ông Minh chống Diệm, theo Phật Giáo chống Công Giáo. Minh yếu thế ông ta quay sang Khánh chống Minh, rồi ủng hộ Thiệu, Kỳ chống Khánh! Mọi hành động cơ hội lừa thày phản bạn đều được ông giải đáp một cách hữu lý theo quy luật "thích nghi". Lập ra cái Liên Minh Hải ngoại này ông ta muốn đại diện cho dân tộc Việt Nam để hứng hết nguồn viện trợ quốc tế dành cho phong trào khởi nghĩa quốc nội. Ông Bảo muốn ghi tên tôi vào danh sách được cấp viện để có chứng từ thanh toán chứ gì? Chưa đọc thư tôi cũng biết thừa ý đồ chiêu dụ của ông ta!

- Thưa Hoà Thượng, tiêu chí của Liên Minh cũng chỉ nhằm phục vụ đại nghĩa của dân tộc chứ đâu vì quyền lợi cá nhân cụ Bảo ạ! Xin ngài đọc qua cương lĩnh Arlington để thấy đường hướng chung của chúng ta là quyết tạo được cuộc cách lạng nhung sau thời kì chiến tranh lạnh. Cần tranh thủ cơ hội bình thường hoá Việt-Mỹ để làm thay đổi màu sắc đất nước này...

Lão tăng cười lớn.

- Các ông ăn cơm Mỹ, ngủ nhà Mỹ, lĩnh trợ cấp Mỹ nên nhìn Mỹ cũng bằng cặp mắt Mỹ mất rồi! Còn tôi thì có bị trục xuất khỏi đất nước này tôi cũng không thèm đến nước Mỹ! Tôi không muốn thành chó săn chim mồi cho bất cứ cường quốc nào hoặc tổ chức chính trị lưu vong nào. Tôi theo đuổi đến cùng lí tưởng của thày tôi là phấn đấu cho Phật học phải thành quốc đạo của Việt Nam. Phải diệt trừ bọn vô thần lẫn lũ tà giáo. Phải kiến tạo xã hội văn minh thiền đạo, giáo hoá văn hoá tâm linh thay cho quan niệm tự do thế tục.

- Thưa Hoà Thượng, vị cao tăng mà ngài tôn vinh làm bậc thày đó là ai thế ạ?

- Là thày tôi, sư phụ của tôi, đại Hoà Thượng Thính Pháp Nhật. Đỗ tú tài rồi người mới thế phát quy y. Người sang Ấn Độ tu nghiệp tại khoa thần học Phật Giáo đỗ tiến sĩ rồi sang Anh, sang Pháp tham khảo nghiên cứu thêm các tôn giáo và các trào lưu triết học khác. Trở về nước ngài suy nghĩ tìm đường phát triển nền Phật học xứ mình. Đó cũng là con đường chính trị duy nhất có khả năng cứu khổ cứu nạn, giải thoát chúng sinh khỏi cõi u mê, khổ nhục nơi trần thế. Thày tôi là bậc trí giả đại minh, đại hiền. Người quen biết rất nhiều chính khách, quan chức chính quyền, những sĩ quan tướng lĩnh của nhiều thể chế. Toàn quyền Decoux, quan năm Carpentier, công sứ Malraut, quan tư Hirositomo, tồng đốc Trần Tấn Giao, đại thần Nam triều Nguyễn Phúc Chu... cùng hàng chục danh nhân khác đều là bạn thân của ngài. Khi Việt Minh lên nắm quyền năm 1945 đã kết tội thày tôi là Việt gian, tay sai Pháp-Nhật rồi ra lệnh xử tử ngài.

- Có thể xem đây là một trường hợp hi hữu khi những người dân căm thù nền thống trị của Pháp thấy vị Đại Hoà Thượng lại giao du với những quan chức và tướng lĩnh thực dân cỡ bự?

- Không thể gọi là hi hữu, ngoại lệ được. Việt Minh có hẳn một chính sách bí mật thủ tiêu tôn giáo. Đơn cử một hiện tượng phổ biến. Hồi mới nổ ra chiến tranh chống Pháp, Việt Minh đem treo cờ đỏ sao vàng lên khắp các chùa chiền đền miếu. Máy bay Pháp tưởng lầm đấy là những cứ điểm của quân kháng chiến nên cứ giội bom xuống san bàng tất cả. Thế là Việt Minh cùng lúc đạt hai mục đích: Vừa gây được lòng cảm thù của dân chúng đối với Pháp lại vừa phá được đền chùa để tiêu diệt tôn giáo tín ngưỡng. Chính vì thế mà tôi mới cộng tác với người Pháp để chống lại Việt Minh cộng sản.

- Đây là một phát hiện mới về thủ đoạn phá chùa tiêu diệt tôn giáo của Việt Minh lần đầu tiên tôi nghe thấy.

- Tôi được chứng kiến cảnh giết sư qua cái chết của thày tôi. Tôi lại tận mắt nhìn cảnh phá chùa nhờ vào bom đạn Pháp nên tôi tin chác rằng đã có hẳn một chính sách bí mật triệt phá tôn giáo tín ngưỡng. Vì thế mà tôi nguyện suốt đời nung nấu hận thù và thực hiện bằng được lý tưởng của sư tổ để lại. Ông chưa đọc sách của tôi nên ông tưởng phát hiện trên là mới. Thực ra tôi đã công bố bằng chứng đó từ lâu rồi.

- Thưa Hoà Thượng, ở nước người rất hiếm những tài liệu từ quốc nội chuyển ra.

- Sách của tôi được Việt kiều in hàng chục vạn bản bán ra khớp thế giới. Tôi đã bị chính quyền làm khó dễ vì chuyện đó rất nhiều. Chỉ có bọn ăn cắp bản quyền, thương mại hoá chính trị là kiếm ăn to trong trò tâm lý chiến này. Chúng quỵt hết nhuận bút của tôi!

- Thưa Hoà Thượng, họ vừa bán vừa cho không đấy ạ. Nhưng quỵt nhuận bút thì không thể tha thứ được. Nhân danh nhà báo tôi sẽ lên tiếng đòi lại quyền lợi công bằng cho ngài.

- Cảm ơn ông, nhưng xin ông đừng nói là tôi trách họ. Họ không thanh toán nhuận bút, nhưng cũng có một số gửi tiền về dưới dạng quà biếu. Lạy Phật việc đại nghĩa tinh toán chi li quá cũng không hay.

Câu chuyện cũng đến lúc cạn ý trùng lời. Tôi xin phép cáo từ. Nhà sư trẻ tiễn tôi ra cổng chùa. Tính tò mò của nhà báo khiến tôi muốn phỏng vấn thêm ông ta vài câu.

- Xin lỗi có phải thày được giao nhiệm vụ quản thúc Hoà Thượng Thích Quảng Đại trong ngôi chùa này?

- Dạ tôi chỉ lãnh nhiệm vụ hầu hạ cơm nước và bảo vệ cụ tôi thôi.

- Vừa rồi muốn được gặp tôi, Hoà Thượng phải xin phép thày đúng không?

Nhà sư cười.

- Cụ tôi cứ nói thế để nhân gian thấy mình đang bị theo dõi kiểm soát và quản chế đó thôi. Gặp ai là quyền của Hoà Thượng chứ đâu phải xin phép tôi. Sở dĩ tôi phải bao vệ là vì cụ rất nổi tiếng. Nhiều người nước ngoài về thính đến gợi chuyện Hoà Thượng để tìm kiếm những thiên kiến của ngài đưa vào dư luận, nhằm khai thác lợi lộc chính trị. Có thể họ tâng bốc, cổ suý ngài. Nhưng nếu cần gây ra một vụ bê bối họ cũng có thể mưu hại ngài để đổ trách nhiệm cho chính quyền. Vì thế ngoài việc hầu hạ phục dịch hằng ngày tôi còn có trách nhiệm bảo vệ ngài. Hoà Thượng rất khó tính. Ngài luôn luôn nhạo báng chế giễu tôi là tên nghe lén, gã mật thám, tên ác tăng, sư hổ mang, thày quốc doanh... Đức Phật dạy tôi đức hỉ xả, lòng độ lượng, khiêm nhường, tính nhẫn nại. Tuy thế nhiều lúc tôi cũng phải thưa thực với ngài: "Hoà Thượng ghét bỏ con, nghi ngờ con thì con xin đi chùa khác để ngài tìm người thay thế. Hay ngài tự sống một mình cho thoải mái tự do vậy." Nhưng ngài lại mềm mỏng dỗ dành mong tôi ở lại với ngài. Thực ra ngài cũng không xem tôi đúng như những ngôn từ xấu xa ngài ban cho tôi. Nhưng ngài cần bôi bác tôi thành tên hung thần giấu mặt. Có thế lời kêu ca tố khổ cho cảnh ngộ bị lưu đày kìm kẹp của ngài lưới mùi mẫn đáng thương!

Tôi cảm ơn nhà sư trẻ và quay về Khách sạn Hương Giang.


Rosanna tạm biệt tôi để ra Hà Nội trước. Tôi còn ở lại Huế hai ngày để tìm gặp hai người khác. Một vị là giáo chức mới chuyển nhà vào Đà Nẵng nên không gặp được. Một vị là nhà doanh thương tiếp tôi một cách miễn cưỡng. Ông từ chối không nhận tài liệu và khuyên tôi lần sau có đến thăm thì đừng mang những thứ quà "tâm lý chiến" này làm gì cho mệt.


Tôi thấy công việc móc nối ở miền Trung tạm coi là đã xong. Tôi là một điệp viên chứ không quen hoạt động chính trị. Tôi ngại những cuộc tiếp xúc mang tính tuyên truyền vận động. Nhưng Liên Minh giao, tôi đành nhận để lợi dụng tiến hành nghiệp vụ chính của mình thôi.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1064



« Trả lời #55 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 07:58:37 am »

CHƯƠNG VIII
QUÊ HƯƠNG

Tôi rời Huế đi Hà Nội vào một chiều mưa tầm tã. Cơn mưa đầu mùa giăng trên sông Hương một bức màn trắng đục. Chớp loang loáng và tiếng sấm vào hạ âm vang. Một cảm xúc buồn choáng ngập lòng tôi. Thế là đã mười tám năm tôi mới trở lại Hà Nội, gần bằng khoảng thời gian tôi lên đường vào Nam chống Mỹ trước kia. Thắng trận tôi được về gặp mẹ. Còn lần này thì đã vĩnh viễn xa người. Kiếp người thật ngắn ngủi và khắc nghiệt.


Con tàu chạy qua những miền chiến địa hai thập kỉ qua đi vẫn chưa xoá nổi những dấu tích bom đạn. Tuy nhiên đã có nhiều công trình xây dựng mọc lên bên những cánh đồng vàng óng lúa chiêm xuân. Những thảm rừng nhân tạo xanh mướt xen lẫn với dãy đồi cát trắng triền miên... Tôi cứ mải mê ngắm nhìn như kẻ hiếu kì trước một miền xa lạ. Là đất nước mình nhưng quả là suốt đời tôi chưa được đi qua đây.


Tàu đến ga Hàng Cỏ, tôi thuê xe xích lô về ngay nhà chị Huệ ở khu tập thể Kim Liên. Muốn dành cho chị một bất ngờ nên tôi không hề báo trước. Tôi xách hành lý, lệ mệ leo lên tầng ba rồi cứ tự tiện bước thẳng vào căn hộ. Chị Huệ đang ngồi trước bàn. Tóc chị bạc tràng giống hệt hình ảnh mẹ tôi cách đây gần hai chục năm. Chị chưa nhận ra tôi phải đeo cặp kính lên nhìn.

- Chị Huệ ơi! Em Nghĩa đây! Chị không nhận ra em sao?

- Trời ơi Nghĩa! Em đi biền biệt, lúc về lại không báo trước làm sao chị nhận ra ngay được. Em ơi mẹ mất rồi!

Tôi quăng hành lý xuống sàn nhà chạy lại ôm lấy chị.

- Về đến Thành phố Hồ Chí Minh em mới được cậu Đức báo tin đau buồn này. Em thật là đứa con bất hiếu. Suốt đời em không chăm lo phụng dưỡng mẹ được ngày nào. Tất cả gánh nặng dồn lên vai chị!

- Công việc của em cũng vào sinh ra tử, có nhẹ nhàng gì. Sinh thời mẹ rất thương em và không bao giờ trách cứ em đâu!

Hai chị em ngồi xuống ghế chị mới nói tiếp.

- Sở dĩ chị bảo cậu Đức đừng vội báo tin buồn cho các em vì lễ đưa tang chôn cất mẹ ở làng xảy ra những chuyện đáng tiếc. Chị muốn em về thăm quê, xuất hiện trước làng xóm để họ biết gia đình mình như thế nào.

- Em cũng nghe cậu Đức kể lại. Nhưng sau đó mọi chuyện đã ổn.

- Thì cũng gọi là mồ yên mả đẹp chứ nhận thức của mọi người đối với em, với anh Ân còn ác cảm lắm. Chị rất ấm ức nhưng không sao có thể nói cho họ biết được!

- Nhưng em có về thì cũng không thể làm rõ mọi tình tiết. Ta đành chịu đựng những thành kiến sai lầm của họ thôi.

- Dù không nói công việc em làm thì cũng phải công khai chuyện em là người đằng mình chứ!

- Em cũng ức lắm! Nhưng dù sao em cũng phải xin phép cậu Đức. Cậu cho công khai đến đâu mình làm tới đó.

- Lại quay vào Nam xin phép thì đến bao giờ.

- Cậu cũng sẽ ra Bắc nay mai thôi. Em sẽ gọi điện báo cho cậu. Thế anh và các cháu đâu cả?

- Anh sang nhà thằng cháu Vinh. Cháu là kỹ sư xây dựng, đã có vợ và một con. Chúng nó làm ăn khá giả nên xin ở riêng. Thỉnh thoảng ông nhớ cháu lại sang thăm, chắc cũng sắp về. Còn cháu Hoa đang học năm thứ ba Trường Đại học Dược; Lần trước cậu về thăm nó còn bé quá. Nghe bà kể chuyện cháu cứ ước ao mong có ngày cậu mợ và các em về chơi thăm quê hương.

- Hai cháu đều ngoan ngoãn như thế thì chắc anh chị hạnh phúc lắm.

- Mẹ cứ bảo trời đền công chị. Các cháu nên người cũng nhờ bà chăm sóc nuôi dạy đấy em ạ. Lúc chúng còn nhỏ anh chị nghèo lắm. Cứ phải bỏ con cho bà để đi làm kiếm tiền. Được lúc nhàn hạ nhấm khá thì bà không còn nữa!

Nói đến đấy chị Huệ lại ôm mặt khóe nức nở. Tôi muốn an ủi chị, nhưng rồi chị lại dỗ dành tôi.

- Nhưng chính em mới là người thua thiệt. Em chẳng được sống với mẹ nhiều như chị. Thuở nhỏ chị em mình đều đi Hà Nội trọ học. Lớn lên em vào bộ đội, chỉ còn chị ở bên mẹ mà thôi. Chị đã dành hết phần mẹ của em. Nói là chị chăm lo phụng dưỡng mẹ cũng chỉ là nói một chiều thôi. Mẹ khoẻ mạnh cho đến lúc quy tiên nên người giúp đỡ con cháu được nhiều lắm. Mẹ không có lương hưu nhưng hàng năm đơn vị của em đều chuyển đến nhà một khoản tiền gọi là trợ cấp cán bộ. Mẹ đem ra chi dùng may mặc cho cả nhà - Chị mở tủ mang số vàng và đồ trang sức Bạch Kim biếu mẹ khi ra thăm Hà Nội năm 1975 đặt lên bàn - Mấy thứ con dâu biếu mẹ cũng chỉ gói lại như của dự trữ chứ cũng không chi dùng đến. Mẹ coi đây là một kỷ niệm về các em. Lúc mua ngôi sinh phần, mẹ bảo lấy vàng này ra thanh toán nhưng anh chị bảo mẹ hãy giữ lại. Lúc hấp hối mẹ giao cả cho chị nói là của bà ngoại dành cho các cháu. Chị nghĩ đây là kỉ niệm thiêng liêng của mẹ. Khi em về, chị em mình chia nhau mỗi đứa giữ một ít như của gia bảo. Mỗi lần nhìn thấy là như có mặt người bên chúng ta.

- Em chỉ xin chị nhưng bức ảnh gần đây nhất của mẹ. Những kỷ vật này bà dành cho các cháu, chị hãy làm đúng di chúc mà giữ lấy cho chúng. Em vụng dại không biết mua quà gì cho thích hợp. Em có một khoản tiền nhỏ nhờ chị mua giúp em.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1064



« Trả lời #56 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 07:59:29 am »

Tôi mở va li đưa, chị nhìn qua rồi ngạc nhiên thốt lên.

- Trời ơi ngần này tiền mà em coi là nhỏ à? Em còn phải chi tiêu dọc đường chứ. Cho chị tí chút thôi, nhiều thế này chị không dám nhận đâu!

- Đây là khoản tiền cậu Đức xin cơ quan cấp cho mấy đợt công tác. Xưa kia em chưa từng xin và cũng chẳng khi nào nhận lương. Hôm nay em mới nghe nói đơn vị hàng năm đều chuyển cho mẹ một khoản trợ cấp. Riêng em thì chưa bao giờ gửi quà cho anh chị và các cháu. Nguyên tắc bí mật không cho phép em được liên lạc bưu điện, thư tín với gia đình. Nay có cơ hội gặp nhau, xin chị đừng từ chối món quà nhỏ của em.

Chị Huệ cảm động.

- Cảm ơn em! Anh chị còn nghèo nhưng không khổ nữa. Hai vợ chồng sống bằng lương hưu cũng tạm đủ. Chỉ còn lo cho cháu Hoa ăn học. Sang nam cháu ra trường kiếm được việc làm là đỡ rồi. Cháu cứ ao ước có chiếc xe máy. Cậu cho quà thế này thì thừa sức mua rồi.

- Thế thì chị mua ngay đi cho nó mừng. Thiếu bao nhiêu em bù cho đủ.

Tối hôm đó anh Sinh (chồng chị Huệ), cháu Hoa, vợ chồng cháu Vinh tập trung cả lại ăn mừng tôi về thăm nhà. Cháu Hoa tranh ngồi bên tôi.

- Hồi sống bà nhắc đến cậu nhiều nhất. Bà nói bà xem từ vi thì số cậu đẹp nhất nhà. Học giỏi, ngoan ngoãn, giàu có, vợ đẹp con khôn! Cái gì cũng hơn anh chị em trong nhà. Cháu chưa biết mặt cậu nên cứ ao ước được gặp cậu như gặp thần tượng của mình vậy.

- Hôm nay được ngồi bên cậu rồi đấy, liệu có gì đáng là thần tượng cho cháu không?

- Có chứ cậu! Riêng chuyện được đi khắp năm châu bốn biển, biết khắp thế giới cũng làm cháu thích thú lắm rồi!

Anh Sinh động viên con.

- Phải làm được gì chứ chỉ đi thôi thì tích sự gì! Con chịu khó học hành thật giỏi rồi bố cho theo cậu!

Chị Huệ cười.

- Bố cho mà Chính phủ không tuyển cũng chịu! Con gái thì vài năm nữa lấy chồng là ngồi xó nhà thôi chứ đi được đâu mà mơ ước! Nhà này có ba anh chị em thì hai người đàn ông là bay xa nhảy cao. Chỉ có mẹ là số phận đàn bà kém cỏi. Cứ lạch bạch như con vịt quanh chuồng chẳng đi được đến đâu.

Tôi phản đối chị.

- Chị còn vì em mà ở nhà với mẹ. Nếu thoát li từ trẻ thì chị cũng chẳng thua ai. Con gái thời nay cũng khác xưa nhiều. Đúng như anh Sinh nói, nếu giỏi cháu Hoa có thể làm được những điều cháu muốn. Cứ thi đỗ đi, cậu hứa sẽ tài trợ cho cháu một chuyến du lịch đến bất cứ nơi nào cháu thích! Đó là khả năng trong tầm tay!

Cả nhà vỗ tay mừng cho cháu Hoa. Nhưng anh chị tôi vội can.

- Chúng tôi muốn các cháu phái tự phấn đau cho mong ước của mình. Cứ chờ cậu chiều thì cậu lấy tiền đâu mà cho mãi được. Hơn nữa cậu không phải anh nhà buôn giàu có gì. Lo có tiền để sống và làm việc cũng chật vật lắm rồi. Không phải ai ra nước ngoài cũng giàu sụ cả đâu!


Chuyện trò đến khuya mọi người mới giải tán cho tôi đi nghỉ. Còn tôi mặc dù qua một chuyến đi dài tôi vẫn thấy mình khoẻ mạnh tỉnh táo và hưng phấn. Một cuộc gặp gỡ thân tình thế này đối vời tôi rất hiếm hoi.


Nhà anh chị tôi chưa lắp máy điện thoại nên sáng hôm sau tôi xin phép ra bưu điện để nói chuyện với cậu Đức. Tôi thông báo với cậu là tôi đã về đến Hà Nội. Chương trình của tôi bây giờ là hoàn toàn tự do. Tôi có ý định nghỉ và thăm thú người thân và những nơi thắng cảnh. Tôi sẽ chờ cậu ở nhà chị Huệ. Tôi mong cậu ra Hà Nội để bàn tiếp mấy việc cần làm. Cậu hẹn sẽ bay ra ngay sau khi có vé. Cậu cũng muốn về Bắc thu xếp chuyện gia đình cho sớm ổn định. Hai cậu cháu đã hứa hẹn nhau nhân dịp này sẽ cùng về thăm quê hương nội ngoại.


Gọi điện xong tôi nhớ ngay đến Rosanna. Tôi đã hứa là ra đến Hà Nội sẽ liên hệ với cô ngay. Cô chưa có số phòng lẫn số máy nên tốt nhất là tôi thuê xe đến tìm cô ở Khách sạn Hoàn Kiếm.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1064



« Trả lời #57 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 08:00:21 am »

Tôi gặp nhân viên tiếp tân nhờ xem hộ cô Rosanna Việt kiều trọ ở phòng nào. Cô tiếp viên lục đống hộ chiếu và tôi nhìn thấy ngay hình cô. Có điều làm tôi giật mình là cô không phải là người Pháp gốc Việt như cô vẫn nói. Hộ chiếu của cô do Westland cấp. Tôi hỏi số phòng và trình hộ chiếu của mình để được gặp cô qua điện thoại.

- Alô! Chào Rosanna! Mc Gill đây!

- Ôi anh! Anh đang ở đâu đấy? Em mong anh suốt.

- Ngay dưới phòng tiếp tân thôi! Em có bận gì không? Xuống đây với anh đi.

- Vâng để em nói với cô tiếp tân mời anh lên đây với em. Nói chuyện ở phòng khách chẳng thú vị gì đâu.

Tôi đưa máy cho cô lễ tân. Cô nghe xong mỉm cười và O K. rồi nháy mắt với tôi.

- Mời ông lên phòng hai trăm le sáu, cô Rosanna đang chờ ông!

Tôi cảm ơn và đi ngay. Nàng đã mở cửa đón tôi.

- Hành lý của anh đâu? Suốt mấy ngày qua em nằm một mình chờ anh, buồn hiu!

- Anh về nhà bà chị ở Kim Liên. Lâu năm chị em mới gặp lại nên anh ở luôn đấy cho vui!

- Anh vui còn nỗi buồn thì nhường cả cho em! Ngồi xuống đây với em đã. Định đi ngay hay sao mà nhấp nhổm thế?

- Chẳng lẽ em ra Hà Nội mà không có bạn bè người thân nào đón tiếp?

- Chỉ là bạn hàng thôi. Thương thảo, đàm phán xong là ai về nhà nấy.

- Không ai tháp tùng à? Con "yêu tinh râu đỏ” đâu?

Nét mặt nàng biến đổi, có phần nghiêm lại.

- Anh muốn nói Vương Đăng, ông anh họ của em phải không? Nói là tháp tùng nhưng em không muốn anh ấy thuê cùng khách sạn vì em biết anh ác cảm với anh ấy. Hơn nữa anh Vương cũng cần tự do với các cô gái bao. Chạm mặt với em không tiện. Anh ghen à?

Tôi cười và quàng tay lên vai nàng.

- Chắc chắn là thế? Anh có vợ rồi nhưng muốn được độc chiếm em trong thời gian chúng ta đi bên nhau.

- Còn em lại muốn độc chiếm anh mãi mãi. Em yêu anh Hoài Việt ơi!

Có thể đây là điều giả dối. Đến ngay quốc tịch nàng còn muốn giấu tôi thì tình yêu sao có thể chân thành được. Tuy vậy tôi vẫn xúc động ôm hôn nàng thắm thiết.

- Anh hãy vào toa-let tắm đi!

- Anh không mang đồ thay.

- Lấy tạm đồ của em một lúc! Mà cần gì phải che đậy! Chúng ta đang cùng nhảy múa trong một vũ điệu thoát y đó thôi! Đây là thiên đường của A-đam E-va mà!



Tàn cuộc giao hoan tôi phải ra về. Nàng buồn buồn hỏi tôi.

- Anh không định chung sống trong khách sạn với em nữa sao?

- Ít ra một tuần nữa anh mới xong việc ở Hà Nội. Khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, ta sẽ đến Palais Royal cho đến khi rời Việt Nam. Em bằng lòng chứ?

- Đành vậy thôi! Em không hy vọng là sẽ cuốn hút được anh vào thế giới riêng tư của mình.

- Chúng ta chỉ tìm được những khoảng trùng hợp nhất định. Một người đàn ông có vợ, ngay như một ông vua cũng vẫn có những hạn chế đạo đức. Anh mong Rosanna thông cảm cho anh.

Nàng cầm tay, nhìn thẳng vào mắt tôi hồi lâu rồi khẽ gật đầu.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1064



« Trả lời #58 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 08:01:09 am »

Hai hôm sau đó cậu Đức bay ra Hà Nội. Cậu đến gặp mấy anh chị em tôi. Chị Huệ tôi mừng lắm. Hồi mẹ tôi còn sống, lần nào ra Bắc họp hành cậu cũng ghé qua. Cậu là sợi dây liên lạc mong manh nhưng đáng tin cậy giữa tôi và gia đình. Từ ngày mẹ tôi mất cậu thưa đi lại hơn. Chị Huệ tôi trách, cậu chỉ cười.

- Còn mẹ chúng mày, cậu là đàn em bề dưới, cậu phải đến thăm mới phải đạo. Nay bà mất rồi. Cậu thưa đi lại, thế mà cháu đã vội trách. Thử hỏi ba chị em chúng mày, rồi cả lũ cháu nữa đã đứa nào biết quê mẹ ở đâu chưa? Đã bao giờ về thăm mợ Đức và các em chưa?

Chúng tôi giật mình và nhận ra thiếu sót to lớn của mình vội vàng xin lỗi cậu, nhưng cậu cũng rộng lượng.

- Cậu nói để chúng ta thông cảm cho nhau thôi. Thực ra cậu cũng chưa bao giờ có “lời mời” vì cậu thường đi vắng. Có về nhà cũng vội vàng và mắc vào bao công việc riêng tư phải giải quyết. Thêm nữa nhà cửa cũng không được đàng hoàng rộng rãi, kéo các cháu về cũng chưa có chỗ tiếp. Năm vừa rồi cậu và con em bên Đức mới giúp cho thằng anh lớn vài chục triệu dựng nên một ngôi nhà khang trang. Nay cậu lại vừa xin được ngôi nhà trong Thành phố Hồ Chí Minh nữa. Thế là cả hai nơi đều rộng rãi. Nhân dịp thằng Nghĩa về nước, cậu mời các cháu về quê ngoại chơi lấy một lần. Sau này vợ chồng Huệ cũng sẽ cố vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm nhà mới của cậu và ở chơi bao lâu cũng được.

Chúng tôi vui mừng chấp nhận. Tôi nêu chương trình.

- Cậu ơi cháu định thế này. Cháu sẽ thuê hẳn một chuyến xe cho cuộc hành trình. Cùng tuyến đi, cậu hãy cùng chúng cháu về quê nội viếng mộ mẹ cháu trước. Sau đó chúng cháu sẽ theo cậu về thàm mợ Sâm và các em. Thế có được không cậu?

- Cậu xin được xe công. Một chiếc Yaz mười hai chỗ thì đủ cho cả nhà chứ gì?

- Cháu sợ là cậu còn phải thu xếp nhà cửa và đón mợ vào Thành phố Hồ Chí Minh thì không thể đi ngay được. Vì thế chúng cháu cứ thuê thêm một xe nữa cho tiện.

- Không cần. Xe đưa chúng ta về quê rồi lại đưa trả các cháu về Hà Nội. Khi cần đi cậu gọi điện lên lấy xe sau. Để xe chờ lâu ở quê cũng không tiện!

- Dạ thế cũng được ạ - Chị Huệ tôi đề nghị với cậu - Quê nội cháu không ai hiểu biết về gia đình cháu nên mới xảy ra trục trặc bữa đưa tang mẹ cháu. Nay cháu muốn em Nghĩa về làng với đầy đủ quân hàm, quân hiệu công khai trước nhân dân. Liệu cậu có cho phép không ạ?

Suy nghĩ một lúc rồi cậu nói.

- Công khai cấp bậc quân hàm ở tận một làng quê hẻo lánh thì cũng chẳng có gì nguy hiểm. Song chuẩn bị ngay cho ngày mai thì sợ gấp gáp quá. Làm đề nghị cấp phát quân trang cho Nghĩa chờ xét duyệt cũng mất vài ngày. Hay cháu cứ mặc thường phục, cậu mặc quân phục, mang hàm cấp tướng rồi giới thiệu cháu với bà con làng xóm cũng được chứ sao?

- Chỉ cần cậu đồng ý thôi chứ chuyện ăn mặc cháu có thể mượn bạn cho em Nghĩa được - Anh Sinh nói - Cháu còn bộ lễ phục. Quân hàm thì mượn của thằng em cháu, thế là ổn.

Cậu Đức cười.

- Ta tiến hành theo hướng đó nhé. Sáng mai là hành quân đấy!
Chúng tôi chuẩn bị quà cáp chè thuốc về cả hai quê. Sáng hôm sau sáu giờ đã thấy tiếng còi xe gọi dưới đường. Tôi, vợ chồng chị Huệ và cháu Hoa đã sẵn sàng xuống xe. Tôi diện bộ đồ sĩ quan rất chuẩn làm cho cậu Đức cũng phải ngạc nhiên và vui ve.

- Trông cháu được lắm! Trang phục đi mượn mà vừa quá. Nhưng quân hàm trung tá là sai rồi. Cháu vừa được đề bạt đại tá một đợt với Hai Bền.

- Ôi thế mà cháu không biết gì hết? Có bao giờ cháu được dự lễ tấn phong đâu.

- Cậu giữ quyết định mà quên mất chuyện trao cho cháu! Nghề sĩ quan tình báo nó âm thầm thế đấy. Nhưng thồi, ta khiêm tốn một chút cũng không sao!

Tôi cười.

- Suốt đời đeo quân hàm địch thì rất "chuẩn". Khi được đeo quân hàm ta thì lại “sai”.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1064



« Trả lời #59 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 08:03:31 am »

Chúng tôi lên xe. Chiếc Yaz chạy bon bon trên quốc lộ Một. Còn sớm nên đường vắng, xe giữ được tốc độ năm mươi ki-lô-mét một giờ. Đến Lim chúng tôi dừng lại ăn sáng, chị Huệ vào chợ mua một số thức ăn.


Xe rời đường Một rẽ ra phía sông Hồng. Đường làng nhỏ hẹp gập ghềnh. Chiếc xe quân sự dã chiến phải gài hai cầu, vừa chạy vừa thở hồng luộc, gần hai chục phút mới leo lên đê. Quê tôi đã hiện ra với hàng cây gạo cao vượt lên luỹ tre xanh. Xe rẽ xuống làng gặp chiếc ba-ri-e thì đỗ lại. Anh Sinh nhảy xuống xin nộp tiền vé đường. Người thu phí thấy xe quân sự chở vị Trung tướng thì cho miễn phí. Anh cảm ơn rồi lên xe.


Chúng tôi hỏi thăm đường đến nhà ông trưởng họ Phan. Xa quê hương gần năm mươi năm, nhiều chỗ tôi không thể nhận ra. Những biến động xã hội, chiến tranh và phát triển làm diện mạo làng xóm khác xưa nhiều.


Chị Huệ dẫn đoàn chúng tôi vào nhà ông Quảng, bề vai nhưng là ngành trưởng của chúng tôi. Năm gian nhà mới xây, khang trang, chắc ông phải thuộc hàng khá giả trong làng. Thấy một đoàn khách lạ vào cổng ông vội chạy ra đuổi chó và sai con đun nước. Ông đã nhận ra chị Huệ tôi. Chị vui vẻ giới thiệu.

- Đây là bác Phan Đăng Quảng, trưởng họ Phan nhà ta - Chị quay lại phía ông Quảng - Thưa bác hôm nay chúng tôi đưa ông cậu tôi là Trung tướng Nguyễn Hữu về thăm quê và viếng mộ mẹ chúng tôi. Đây là chồng và con gái tôi. Còn người này bác Quảng có nhận ra ai không?

Ông Quảng nhìn tôi rồi lắc đầu.

- Chịu đấy, chưa thấy ông về đây lần nào?

- Phan Quang Nghĩa, em trai tôi đấy! Người trong họ cùng làng mà không nhận nổi nhau a!

Ông Quảng nhìn tôi rồi reo lên.

- Trời ơi chú Nghĩa! Vẫn còn sống kia à! Ôi sao cứ nghe đồn mất tích, mà bỗng dưng lại hiện hình về thế này!


Ông mời khách ngồi rồi sai con pha nước. Tôi kể cho ông nghe lí do mất tích. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ tôi vẫn phải làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở Bắc. Muốn về thàm nhà nhưng ngày đó quê mình đang cải cách, gia đình địa chủ về thăm sợ liên luỵ. Ngay đến bằng gia đình vẻ vang cũng bị đội đình lại không cấp. Tôi lại được lệnh đi B sớm. Thời đó công tác này còn phải giữ bí mật. Thế là tôi biền biệt ở chiến trường Nam Bộ đến ngày giải phóng đất nước. Tôi gởi thư về nhà thì không có người nhận bị trả lại. Khi ấy chị Huệ đã lấy chồng và đưa mẹ tôi ra thành phố. Mẹ con chị em bặt tin nhau. Mãi năm 1982 tôi tình cờ gặp Thiếu tướng Đức nói chuyện quê hương lúc đó mới nhận ra là họ hàng cậu cháu. Cậu cho biết địa chỉ chị Huệ tôi, nên mẹ con mới liên lạc được với nhau. Mỗi lần nghỉ phép tôi chỉ về thăm mẹ ở Hà Nội chứ không về quê được. Hôm mẹ mất tôi đang đi công tác ở biên giới Cam-pu-chia nên chẳng thể về thọ tang. Phải chờ đợt phép này mới về viếng mẹ.


Chị Huệ nói với ông Quảng cho nhờ địa điểm làm cỗ cúng mẹ và muốn mời cơm những bà con họ hàng thân thích nhân dịp tôi về thăm quê. Ông Quảng nhiệt tình giúp đỡ. ông cho gọi bà Quảng về để chị em bàn bạc với nhau. Cháu Hoa và mấy đứa con ông Quảng xúm nhau vào làm cỗ. Đời sống kinh tế nông thôn đã khá hơn xưa nên chuyện mua bán mọi thứ đều dễ dàng.


Chừng mười một giờ đã có mấy mâm cỗ bê ra viếng mộ. Theo cổ lệ thì cứ mỗi ngôi phải có đĩa xôi con gà sống hoa nho nhỏ. Mộ ông bà, mộ thày tôi, mộ mẹ già và mộ mẹ đẻ. Tất cả đều phải hương khói lễ tạ Chúng tôi kéo nhau ra nghĩa trang. Tôi lần lượt vái lạy trước các ngôi mộ tiền nhân. Là đứa con tha hương xa xứ, tôi cảm thấy mình là người bội bạc. Khi đứng trước mộ mẹ thì tôi không sao cầm nổi nước mắt. Sự thực tôi chỉ được sống bên mẹ và in đậm hình ảnh người trong tim. ông bà thì thuộc về quá khứ xa xôi. Mẹ già mất trước khi tôi ra đời. Đến ngay cha đẻ tôi cũng không còn nhớ mặt. Tôi chụp rất nhiều ảnh và có ý định đem về cho anh chị Ân, và vợ con tôi xem. Tôi muốn mọi người dù ở đâu xa cũng luôn luôn nhớ về cội nguồn, quê cha đất tổ. Tôi chợt nhớ là mình đang mặc quân phục nên nhiều bức tôi phải cởi áo ngoài ra để khi đưa sang Mỹ không làm anh chị tôi kinh ngạc.


Bữa trưa hôm đó theo ý kiến của ông bà Quảng chúng tôi mời độ bốn mâm khách. Chị Huệ cố mời cho được ông trưởng thôn. Có điều đáng buồn là ông trưởng thôn cũ gây phiền hà cho đám tang lại không được tái cử ông mới thì cũng là người họ Phan cả. Chị Huệ không có cơ hội "trả đũa" nữa!


Sự có mặt của cậu Đức vừa là bà con bên ngoại, vừa là thủ trưởng của tôi cũng làm cho "vai vế" chính trị của gia đình tôi được tăng lên. Họ hàng bà con xóm làng cũng bớt ác cảm với chúng tôi. Nhiều người còn hỏi đến anh Ân tôi. Tôi trả lời là vẫn có liên hệ thư tín với tôi. Anh chị tôi già rồi và không có con cái. Nhất định khi quan hệ Việt Mỹ bình thường họ sẽ trở về thăm quê hương.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM