Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:44:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức CTBG phía Bắc  (Đọc 388901 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #20 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2010, 10:39:49 pm »

Chào bạn Vinaheart, tất nhiên là về phương diện Trung ương thì đài phát thanh tiếng nói Việt nam đã phát đi bản tin Trung quốc xâm lược VN ngay từ sáng 17/2, nhưng bạn ạ, thời đấy dân ta nhất là dân Cao bằng còn nghèo lắm, đa số các gia đình không có Radio để nghe mà chỉ có đài truyền thanh của thị xã CB thôi bạn ạ, chính vì vậy cho nên đến tối 17/2 khi đã sơ tán vào rừng thì mới biết tin chính thức đấy bạn ạ, tôi còn là ở thị xã nơi mà văn minh nhất tỉnh đấy, còn các bác ở huyện hoặc ở bản làng biên giới thì còn mù mờ và lạc hậu nữa. Mà tôi cũng không hiểu vì sao đài truyền thanh thị xã cũng không hề thông báo là Trung quốc đã đánh sang VN vào sáng 17/2 ? Cũng có thể là hôm đó vào ngày chủ nhật nên phát thanh viên của đài cũng nghỉ ở nhà luôn ? Bọn TQ thâm thật, chọn đúng ngày chủ nhật để đánh cho nên mọi sinh hoạt thường ngày bị ngừng trệ, mọi thông tin chỉ đạo đều không có ( vì các lãnh đạo ban ngành, các cấp chỉ huy ... đều nghỉ chủ nhật cả ), đến ngày hôm sau thì mọi người đã tản mát chạy vào rừng để sơ tán cùng gia đình cả rồi. Chính vì nhiều nguyên nhân như vậy cho nên mấy ngày đầu của cuộc chiến quân ta bị tổn thất rất nặng nề, nhất là các đồn của lực lượng biên phòng.
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #21 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2010, 11:28:19 pm »

( Tiếp bài viết )
Sáng hôm sau 18/2, mọi nhà, mọi người đều thức dậy từ mờ sáng, thực ra là lạnh quá không thể ngủ được nữa mà phải dậy để đốt lửa sưởi. Cả buổi sáng mọi người vẫn ngồi đợi thông báo tiếp theo có đi tiếp hay không, đến lúc này thì tiếng súng nổ nghe đã rõ hơn, đâu ở mạn Hòa an hay trà lĩnh gì đó. Đến khoảng hơn 2 giờ chiều thì có tin truyền miệng là " trong vòng chiều nay, mọi người có thể quay trở lại nhà để đem theo những gì mà tối hôm trước chưa mang đi được " Thế là mọi nhà lại cử người về để khuân đồ đạc có giá trị đem theo, từ chỗ ấy về thị xã ước chừng 6-7 km, chủ yếu là đi bộ, mọi người vừa đi được khoảng 15 phút thì bầu trời thị xã chớp đỏ lóe lên và tiếng nổ ầm ầm dữ đội như ở ngay trên đầu, đó là loạt đại bác quân tàu bắn vào thị xã đầu tiên của cuộc chiến, về sau này nghe nói là sau khi chiếm được Hòa An, bọn tàu dùng đại bác bắn ngay vào thị xã để thử đường đạn, thế mà bắn trúng thật, loạt pháo ấy bắn sập ngôi trường hai tầng của chúng tôi ( trường cấp III thị xã CB ), cứ ngỡ là Trường sẽ bị phá hết, nhưng thật lạ lùng là sau loạt đạn ấy, ngôi nhà bị sập một phần ba còn lại vẫn nguyên vẹn đến khi hết cuộc chiến, đến nay các bạn đến trường vẫn còn nhìn thấy phần sập được xây sửa lại.
Sau loạt đạn đại bác ấy đoàn người đi sơ tán mới thực sự là hỗn loạn,  bố mẹ tìm con cái, chồng tìm vợ, con cháu chạy tìm ông bà ... cứ là nháo nhào cả lên, lại còn đoàn người quay về nhà nữa, tiếng khóc của trẻ con lạc bố mẹ, tiếng gào gọi con cái ..không ai nghe được ai. và rồi không ai bảo ai, đoàn người rùng rùng hỗn loạn chạy tứ phía vào rừng  bắt đầu một cuộc chạy giặc đầy gian khổ, hy sinh, mất mát và thương tâm. May mà nhà tôi đều là người lớn cả ( tôi là út ) cho nên không đến nỗi tan đàn sẻ nghé như nhiều nhà khác. Nhà thằng bạn tôi chạy mỗi người một ngả, đến khi tụ tập lại được thì không thấy bà cụ già đâu cả ( bà cụ gần 80 tuổi ) lúc đó mọi người mới trách nhau, nhưng mà trách ai đây vì súng nổ chớp rền như vậy, ai mà chẳng hoảng loạn chạy cho mau, ( bà cụ mãi về sau mới tìm thấy, bà bị dòng người chen lấn xô đẩy ngã xuống một cái hố sâu ở bờ sông không lên được và cũng không kêu cứu được, bà cụ mất ngay tối hôm đó.
Nhà tôi và cùng một đoàn người khoảng năm sáu nhà nữa chạy vào rừng theo hướng Nam, lúc chạy thì cứ chỗ nào có đường mòn thì len đi thôi chứ chẳng biết hướng nào mà chạy nữa. Đi đến nửa đêm mệt quá mọi người mới hò nhau tạm dừng nghỉ chân để hỏi thăm đường sá và xác định phương hướng đi tiếp.NHưng ở chốn rừng núi sâu thẳm thì biết hỏi ai, nhưng mệt rồi không thể đi tiếp được mà cũng phải nghỉ để nấu cái gì ăn nữa chứ. THế là mọi nhà quyết định cắm trại tại bãi đất trống để nghỉ ngơi và nấu ăn. Được cái ở rừng thì củi và nước sẵn có nên chỉ một tiếng sau là có cơm ăn. Nhà nào không đem được gạo thì ăn nhờ nhà khác, lúc đó tình nghĩa lắm, không suy nghĩ gì, giúp được ai cái gì thì giúp ngay. Mọi người ước đoán là đã chạy được khá xa, nhưng thực tế về sau mới biết cả buổi chiều và tối hôm ấy đoàn người mới đi được chừng 4 km.
Sau khi ăng uống xong mọi người trong đoàn đều cùng nhau họp bàn và kế hoạch cho đêm nay, cắt cử nhau thức để canh gác thú dữ hoặc kẻ gian. Kể cũng hay, trong đoàn mỗi nhà ở mỗi nơi không hề biết nhau nhưng lúc này sao mà thấy thân thiết và đồng cảm đến thế.
Kết thúc ngày thứ hai, một ngày đầy hoảng loạn và vất vả, ngày 18/2/1979.
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #22 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 09:58:36 pm »

Đêm hôm ấy các đoàn người vẫn cứ ùn ùn kéo đi mà đa số là không biết địa chỉ nơi mình sẽ đến hay cần phải đến. Cứ mỗi đoàn người đi qua mọi người lại hỏi thăm tin tức về tình hình chiến sự  hoặc tin tức về người thân bị lạc. Cũng có đoàn dừng lại nghỉ cùng đoàn của nhà tôi, có đoàn chỉ dừng chân một lúc rồi lại hối hả đi vào bóng đêm. Sáng hôm sau, trời vừa tang tảng sáng thì mọi người đã hò nhau dậy để tiếp tục cuộc sơ tán, vẫn chạy theo lối mòn trong rừng rậm, vượt qua rất nhiều dốc núi dựng đứng mà chỉ dắt được một chiếc xe đạp vượt qua cũng phải mất ba người đẩy, lội qua ít nhất hai con suối ngập ngang bụng ướt lướt thướt vẫn phải cắn răng mà chịu, mà chạy để cho kịp đoàn người, cho kịp gia đình. Trưa hôm ấy đoàn của tôi đến một bản người dân tộc Tày, gọi là Bản Pác Sóa, bản có khoảng 6 nóc nhà, khi chúng tôi đến thì cũng đã có rất nhiều nhà dừng chân ở đây và đa số có ý định không chạy nữa. Hỏi dân bản thì từ đây ra thị xã khoảng 13 Km, có nghĩa là chúng tôi sau 2 ngày đi được 13 km. Ở đây tôi được nghe rất nhiều tin tức về tình hình chiến sự cũng như tình hình về cuộc sơ tán này. Đầu tiên là vào 11h sáng nay 19/2, một chiếc xe tăng của Trung quốc không hiểu bằng cách nào chạy một mình thẳng từ hướng Đông khê lên thị xã CB mà không hề bị đánh chặn, đến khi chạy vào thị xã thì có một toán khoảng 2-3 tên người Hoa cố tình ở lại đến leo lên xe tăng và chỉ đường tiến lên đài phát thanh ở trên đồi Nà toàng, Khu Thanh Sơn. Đến lúc này lực lượng bộ đội của ta mới phát hiện đó là xe tăng của TQ, một bộ phận chốt ở khu vực Thanh sơn dùng súng B41 bắn cháy và bắt sống tổ lái và bọn người Hoa. Khi hỏi cung thằng lái thì mới biết là chiếc tăng này thuộc cánh quân đánh vào thị trấn Đông khê, sau hai ngày tấn công vào thị trấn bị quân ta kháng cự mãnh liệt bắn cháy nhiều xe tăng, tên này hoảng quá cứ nhằm đường không có quân ta mà chạy, thế nào mà chạy tuột lên thị xã ( từ thị xã CB đến thị trấn Đông khê khoảng 40 Km ), mà cũng lạ là suốt cả chặng đường này nó không hề bị chặn lại hoặc bị kiểm tra gì. Còn ba tên người Hoa kia là một tổ chức mà ta hay gọi là gián điệp, chúng thấy xe tăng của đồng bọn thì sướng quá chạy đến để hướng dẫn đến chiếm đài phát thanh chăng ? Nhưng chưa kịp làm gì đã bị ta tôm gọn, mà các bác có biết tên trưởng nhóm là ai không ? Đó chính là Ông Dương Maishen, chủ hiệu trồng răng nhà ở Phố Vườn Cam, là bố của bạn tôi : Dương Lệ Mẫn mà tôi đã kể trước đây. Thật là sửng sốt và bất ngờ, Ông Shen này là một bác sĩ nha khoa rất giỏi, trước đây chúng tôi vẫn hay đên nhà bạn chơi và cũng thường được Ông ta thăm hỏi, thế mà ai ngờ đó lại là một tay gián điệp ngầm của Tàu khựa. Mọi người còn kể về trận đánh ở Thông nông giữa một Anh dân quân người dân tộc H'mông, một mình một khẩu K44, giữa thung lũng hai bên đồi là hai cánh quân của bọn tàu, Anh bắn vào mỗi bên một phát đạn, thế là hai cánh quân của tàu cứ thế mà choảng nhau đến khi bọn lính thông tin nhận ra tín hiệu của nhâu mới biết là nhầm thì đã thiệt hại khoảng một trung đoàn ( Câu chuyện này khớp với chi tiết bạn Tùng e677f346 đã kể ở topic Anh Ở Biên Cương ). Tuy mệt nhưng được nghe những chuyện đánh nhau như thế này, bọn choai chúng tôi không cần phải nghỉ ngơi mà cứ sán vào để nghe. Đến chiều, có một toán dân quân tự vệ ước chừng Trung đội đến đóng ở bản và ra lệnh cho mọi nhà phải tản vào rừng ở ngoài bản, tìm vào các hang đá, chỗ rậm rạp để ẩn nấp vì có tin là tối nay hoặc ngày mai có thể có thám báo tàu qua đây ( Quân của bọn tàu hành quân bao giờ cũng có một bộ phận đi trước mở đường và thám thính tình hình - ta cứ gọi bọn này là Thám báo ). Thế là tất cả các nhà lại được một phen hỗn loạn kéo nhau vào rừng sâu, hang đá ở quanh bản để ẩn nấp, trước khi đi, dân quân có nhắc mọi người là cấm đun nấu, cấm nói to, cấm bật đài..vv
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
tung677
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 608



« Trả lời #23 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 11:06:08 pm »

Đấy các bác xem,gián điệp TQ nguy hiểm như thế nào (TQ gọi là đội quân thứ 5 ),nó ăn,ở,thuộc làu đường đi lối lại của ta...ngày thường nó tỏ ra hữu nghị nào là vừa là đồng chí,vừa là anh em,nào là núi liền núi,sông liền sông...vv...và...vv.....thằng Em mất cảnh giác...là thằng Anh...nó..thịt ngay,chủ nghĩa Đại Hán luôn luôn tồn tại,để đạt được mục đích...thì không thủ đoạn nào là không dùng,ông tổ của họ là Tào Tháo..có câu nói...''thà ta phụ người trước...chứ không để người phụ..." đó là bản chất bất biến rồi.
----------------------------------
 Dùng đúng tên gọi quốc gia và kiềm chế đi, bác ơi. Đang hồi ức mà!
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Năm, 2010, 11:09:26 pm gửi bởi dongadoan » Logged
tung677
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 608



« Trả lời #24 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 11:28:18 pm »

Thông cảm cho mình nhé,mình sẽ gọi đúng tên quốc gia,đang hồi ức mà mình ngỡ chuyện xảy ra mấy chục năm,mà mình ngỡ xảy ra ngày hôm qua.
Logged
bichngoc
Thành viên
*
Bài viết: 185


« Trả lời #25 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 10:14:06 pm »

Đấy các bác xem,gián điệp TQ nguy hiểm như thế nào (TQ gọi là đội quân thứ 5 ),nó ăn,ở,thuộc làu đường đi lối lại của ta...ngày thường nó tỏ ra hữu nghị nào là vừa là đồng chí,vừa là anh em,nào là núi liền núi,sông liền sông...vv...và...vv.....thằng Em mất cảnh giác...là thằng Anh...nó..thịt ngay,chủ nghĩa Đại Hán luôn luôn tồn tại,để đạt được mục đích...thì không thủ đoạn nào là không dùng,ông tổ của họ là Tào Tháo..có câu nói...''thà ta phụ người trước...chứ không để người phụ..." đó là bản chất bất biến rồi.
----------------------------------
 Dùng đúng tên gọi quốc gia và kiềm chế đi, bác ơi. Đang hồi ức mà!
Gián điệp nó nguy hiểm những vẫn không ăn thua bị mình bắt đến nhiều, có cả nữ gián điệp nữa bọn này lì lắm thế nào cũng không khai.Bác Ngàn ạ nhà cháu có 2 ông bác tham gia đánh nhau ở Cao Bằng năm 79 chỉ có một bác chở về bác kia hi sinh hai ngày sau khi TQ tấn công do pháo bắn,bác thứ 2 bỏ chận địa chạy vì quân Trung Quốc vào sâu quá nên bị khai chừ đảng tí nữa bị bỏ tù thât đáng buồn
Logged
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #26 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2010, 02:30:20 pm »

Đầu năm 80 bọn tôi đi trinh sát địa hình có lên Đông khê , cả một thì trấn đổ nát hoàn toàn ,nhìn lên Đồn  cao  những lô cốt của Pháp vẫn nguyên vẹn , một địa thế thật lỹ tưởng để phòng ngự , Bọn tôi rẽ phải ( tính dưới xuôi lên ) đi qua một đèo dài không biết đó có phải là đèo Mã phục không vì lâu ngày quá không nhớ, theo đường đó đi xuyên qua rừng rậm độ 15-20 km thì đến các trận địa phòng ngự của bộ đội ta ,
 Đoàn quay lại đi theo đường 4 về Thất khê, thất khê cũng đổ nát như Đông khê   định vào xã Quốc khánh nhưng đồng chí ở huyện đội can , nghe nói xã Quốc khánh  chiến đấu rát dũng cảm  mà không được vào ngieen cứu  kể cũng tiếc
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #27 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2010, 05:34:09 pm »

Đúng là đáng buồn thật bạn Bichngoc ạ, nhưng người ra quyết định kỷ luật chỉ biết căn cứ vào sự việc trước mắt mà không thể hiểu được sự việc mà Bác bạn đã trải qua đúng vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến đó là thời điểm những ngày đầu của cuộc chiến, như tôi đã viết là : những ngày đầu cuộc chiến phía bộ đội ta rất nhiều đơn vị bị bất ngờ, bị vỡ trận, bị cắt đứt liên lạc với cấp trên và với hậu phương, do đó bị tổn thất không hề nhỏ. Những câu chuyện về ngày đó qua lời của các chiến sĩ từng tham gia đánh tàu những ngày đầu, những hình ảnh quân ta bỏ chạy về tuyến sau, những chi tiết của một vài trận đánh mà tôi đựoc nghe... Tôi sẽ viết tiếp trong Hồi ức CTBG phía bắc, rất mong bạn đón đọc và sẽ một phần nào cảm thông cho Bác của bạn.
Bác Tai_Lienson kính mến, thật là vui khi biết Bác đã đặt chân lên đất Cao Bằng trong những ngày tháng chiến tranh gian khổ, đúng là năm 1980 sau 1 năm tàu đánh thì đa số các thị trấn và cả thị xã Cao Bằng trong đó có thị trấn Đông Khê bị chúng san phẳng chưa thể dọn dẹp và khắc phục lại ngay đựơc, thậm trí phải nhiều năm sau mới dọn dẹp hết đống đổ nát đó. Theo như Bác nói thì cái đèo đó không phải là đèo Mã phục ( đèo Mã phục nằm trên đừong từ thị xã vào các huyện miền đông như Trà lĩnh, Trùng khánh...) mà là đèo Khau Khoang, qua đèo đó một đoạn rẽ trái thì đến Sư Bộ sư 311 ( nguyên là sư thuộc QD26 đóng trấn ngữ Đông Khê ). Hiện nay, Đông Khê đã thay da đổi thịt trở nên sầm uất và tươi đẹp lắm Bác ạ, phiên chợ có rất nhiều đặc sản như : Mật ong rừng, Chè dây, Chè đắng, Mận, Táo xanh ... Cũng rất mong Bác có dịp trở lại thăm chiến trường xưa. Còn xã Quốc khánh thuộc huyện Tràng Định ( trước vẫn gọi là Thất khê ) thuộc tỉnh Lạng Sơn bây giờ. Năm 1978 nhập tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng, định xây dựng Thất khê lthành thị xã của tỉnh Cao Lạng vì nó nằm ở giữa hai tỉnh, sau khi đánh tàu lại tách thành hai tỉnh, ý tưởng đó mới thôi. Xẫ Quốc khánh bây giờ có cửa khẩu thông thương với TQ rất to và đẹp và nghe đâu nó sẽ nối với huyện Na rì của Bắc Kạn ( quê hương của Bác Mạnh - TBT ). Những năm tháng đánh tàu thì hầu như xã nào, huyện nào đều có những trang sử vàng về tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc, tuy nhiên cũng do nhiều nguyên nhân mà những trang sử đó chưa được mọi người biết đến, chúng ta cũng chỉ biết vậy và viết cho nhau những gì mình biết, những gì mình hiểu chứ còn để làm được tất cả những gì mình muốn thì quá khó phải không Bác. Mong Bác góp ý nhiều cho HỒi ức của tôi, cảm ơn và chúc Bác khoẻ, may mắn.
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2010, 08:36:14 pm »

Chào bạn Vinaheart, tất nhiên là về phương diện Trung ương thì đài phát thanh tiếng nói Việt nam đã phát đi bản tin Trung quốc xâm lược VN ngay từ sáng 17/2, nhưng bạn ạ, thời đấy dân ta nhất là dân Cao bằng còn nghèo lắm, đa số các gia đình không có Radio để nghe mà chỉ có đài truyền thanh của thị xã CB thôi bạn ạ, chính vì vậy cho nên đến tối 17/2 khi đã sơ tán vào rừng thì mới biết tin chính thức đấy bạn ạ, tôi còn là ở thị xã nơi mà văn minh nhất tỉnh đấy, còn các bác ở huyện hoặc ở bản làng biên giới thì còn mù mờ và lạc hậu nữa. Mà tôi cũng không hiểu vì sao đài truyền thanh thị xã cũng không hề thông báo là Trung quốc đã đánh sang VN vào sáng 17/2 ? Cũng có thể là hôm đó vào ngày chủ nhật nên phát thanh viên của đài cũng nghỉ ở nhà luôn ? Bọn TQ thâm thật, chọn đúng ngày chủ nhật để đánh cho nên mọi sinh hoạt thường ngày bị ngừng trệ, mọi thông tin chỉ đạo đều không có ( vì các lãnh đạo ban ngành, các cấp chỉ huy ... đều nghỉ chủ nhật cả ), đến ngày hôm sau thì mọi người đã tản mát chạy vào rừng để sơ tán cùng gia đình cả rồi. Chính vì nhiều nguyên nhân như vậy cho nên mấy ngày đầu của cuộc chiến quân ta bị tổn thất rất nặng nề, nhất là các đồn của lực lượng biên phòng.

Bác Ngan xem có nhầm lẩn về ngày chủ nhật 17/2/1979 không đấy?
Tôi tra lịch trong net thì thấy ngày 17/2/1979 rơi vào ngày thứ bảy mà:
http://www.xemngay.com/Default.aspx?blog=xngay&d=17021979&key=lich+van+nien
http://www.thoigian.com.vn/?mPage=D319790217

Không có ý bắt giò bác gì đâu nhé, bởi từ trước tới nay tôi cứ đinh ninh ngày đó rơi vào  ngày thứ bảy. Chẳng qua là mình muốn làm rõ thôi, vì đó là một ngày buồn trong lịch sử mà.
Logged
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #29 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2010, 11:45:01 pm »

Có thể là tôi nhớ nhầm đấy Bác Hung H3 ạ, Mong cả nhà bỏ qua nhé, 17/2/1979 vào thứ bẩy là chính xác.
Tôi xin được tiếp tục cuộc sơ tán chạy giặc tàu nhé.
Sau khi được lệnh phải tản ra ngoài khu vực bản Pác sóa để ẩn nấp tránh bọn thám báo, các gia đình thêm một phen hỗn loạn và ồn ào, tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn hơn một nghìn người đã nhanh chóng ổn định và trật tự di tản vào rừng. Trung đội dân quân bắt đầu triển khai đào hầm hào công sự, công việc này cần phải nhanh chóng hoàn thành nên người chỉ huy trung đội đến từng khu vực có dân ẩn nấp vận động các thanh niên có thể ra Bản để giúp đào công sự, thế là chúng tôi được dịp thoát khỏi nhà chạy ngay đi cầm xẻng, cuốc hăng hái đào bới, vì đã được học cách đào công sự nên chúng tôi cũng thành thạo không kém, tôi nhớ là hôm ấy chúng tôi đào hào chữ chi ôm lấy một ngọn đồi khá cao án ngữ ngay phía trên con đường mòn qua bản, trên giao thông hào lại khoét thêm những hố cá nhân và đắp thêm bệ súng, thật là một công việc vất vả vì chúng tôi từ trước đến nay chỉ quen với sách vở, được cái là mỏm đồi ấy đất cũng mềm và không có đá tảng nên cũng dễ đào. Khoảng 5h chiều thì các công sự đã được hoàn thành theo đúng ý đồ chiến thuật phòng ngự của trung đội dân quân. Sau khi hoàn tất công việc chúng tôi đã hí hửng nghĩ đến việc được ở lại và được phát vũ khí để cùng tham gia vào chiến đấu nhưng người trung đội trưởng đã ra lệnh cho tất cả các thanh niên phải quay về với gia đình, cũng có một số nài nỉ xin được ở lại nhưng họ nhất quyết không đồng ý và nói thêm : đây là mệnh lệnh thời chiến yêu cầu mọi người quay về. Khi chúng tôi về đến chỗ ẩn nấp của gia đình thì các ông bố bà mẹ mừng rú lên, họ chỉ sợ con cái bị giữ lại làm lính chiến đấu, thật là hai ý nghĩ trái ngược. Chỗ chúng tôi ẩn nấp là một cái hốc rất lớn lõm vào dưới sườn núi, phía trên được bao phủ cây cối rậm rạp, theo tin truyền khẩu thì bọn thám báo hay bọn sơn cước thường hay đi xuyên qua lưng chừng núi chứ ít đi vào chỗ thấp cho nên mọi người cũng thường chọn chỗ thung lũng mà ẩn nấp. Cái hõm chỗ tôi trú ngụ có đến hơn 10 gia đình ẩn nấp ở đấy, mọi người đều im lặng tuyệt đối vì đã được phổ biến, duy chỉ có là không được đốt củi lửa mới là rầy rà vì đã tối mà chưa có gì vào bụng, không nấu được cơm, may sao nhà Bác Hạng, ở cùng phố Lò lợn mang theo được hơn chục phong bánh khảo ( loại bánh mà dân Cao bằng hay làm vào dịp tết và ăn cho đến tận tiết thanh minh 3/3 ) Thế là Bác đem chia cho mọi người mỗi nhà một hai phong để ăn tạm khi nào có điều kiện thì mới nấu cơm ăn. Vào khoảng 8h tối, có một vài bác lớn tuổi đi ra ngoài bản hỏi thăm tin tức trở về và cho biết tình hình lúc này là rất căng thẳng, nhiều khả năng đêm nay sẽ có thám báo tàu đi thám thính con đường mòn qua bản để tiến vào hướng thị xã, ở ngoài bản Pác sóa lúc này đã được tăng cường thêm một đại đội bộ đội địa phương của tỉnh đội Cao Bằng với trang bị khá mạnh : RPD, Cối, Đại liên..., qua các anh bộ đội các bác có được nhiều thông tin về chiến sự đang diễn ra : sáng nay cánh quân của bọn tầu từ hướng Thông Nông kéo ra đã gặp cánh quân của chúng từ hướng Hà quảng kéo xuống hợp với nhau đánh chiếm được thị trấn Nước hai ( huyện Hòa an ) định kéo về thị xã dưới sự yểm trợ của mấy chục chiếc xe tăng thì bị Bộ đội ta cùng với dân quân các xã : Hồng Việt, Hưng Đạo, Bế triều.. đánh cho một trận chí mạng ở phòng tuyến chốt chặn Cầu Bản xẩy, trong trận này số thương vong của quân tầu phải tới quân số một trung đoàn, 13 chiếc xe tăng bị bắn cháy, trong đó có ba chiếc bị bắn cháy húc chụm đầu vào nhau, một chiếc bị B41 của ta bắn tung lật ngửa cả tháp pháo lên trời ( có thể là chiếc xe trong hình ảnh của bạn Tung e 677 post lên topic Anh ở Biên Cương thì phải ), sau trận này chúng không thể tiến thêm một km nào về phía thị xã nữa. Tại đèo Khau chỉa trên đường từ Phục Hòa ra Quảng Uyên, một đơn vị bộ đội của ta chừng 1 tiểu đoàn chốt chặn hướng tiến của cánh quân tàu từ Cửa khẩu Tà lùng ( bên kia TQ là Thủy Khẩu ) tiến qua đèo để hợp với cánh quân đánh từ hướng Trà lĩnh tại đỉnh đèo mã phục rồi kéo vào chiếm thị xã. Tuy nhiên chúng đã bị đơn vị bộ đội của ta đánh chặn không thể vượt qua được đèo này, địch bị tổn thất tới cả sư đoàn, hàng chục xe tăng mà không xuyên thủng được chốt, tuy nhiên cũng có một số chốt của ta ở Trà lĩnh bị quân tàu đánh cho thiệt hại nặng phải bỏ chốt mà chạy, các chiến sĩ của ta không phải vì hèn nhát chạy trốn mà vì địch tràn vào chốt nhiều quá, chúng dùng chiến thuật biển người, hết lớp này ngã xuống bọn chỉ huy lại thúc lớp sau xông lên, quân ta bắn đỏ nòng hết đạn mà vẫn không cản được đành bỏ chốt chạy lấy người, trước khi chạy chỉ kịp tháo cơ bẩm của súng còn vứt lại mới kịp thoát thân ( tháo cơ bẩm đem theo để một là phá hủy vũ khí không cho rơi vào tay địch, hai là lấy đó làm bằng chứng về sự chiến đấu đến cùng của mình ), còn rất nhiều thông tin nữa nhưng việc tối nay là quan trọng hơn cả : nếu có xảy ra đụng độ giữa ta và thám báo tàu thì yêu cầu mọi người bình tĩnh không hoảng sợ mà tháo chạy làm rối loạn khu vực gây khó khăn cho việc tác chiến của bộ đội. Mọi người lúc này mới cảm thấy sợ hãi, các nhà đều dặn dò con cái những điều cần thiết khi xẩy ra thất lạc hay trong trường hợp bị pháo kích, bị bắn..vv như có tiếng súng nổ thì phải tìm hang hốc, hố sâu để nằm ẩn nấp, không được chạy lung tung.. Vào khoảng 11h khuya, có người báo là đang có một toán thám báo được bọn người Hoa và bọn người Dáy dẫn đường hướng Bản Pác sóa đi tới, một gia đình đi ngược chiều với toán thám báo này gặp và bị bắt, một người trong họ chạy được trốn thoát được chạy về báo tin. Thời gian cứ chậm chạp trôi đi, mọi người không ai dám ngủ để chờ tiếng súng nổ ra, và rồi cái gì đến sẽ phải đến, lúc đó ước khoảng hơn 1h sáng, bắt đầu chỉ là một loạt AK vang lên, sau đó là hỗn loạn đủ các loại tiếng nổ của các loại súng, giao tranh chỉ diến ra chừng 10 phút sau đó im bặt, nhưng ở chỗ ẩn nấp của chúng tôi mới thực sự là kinh hãi, đa số là lần đầu tiên chứng kiến và nghe tiếng súng của chiến tranh nổ ở gần như vậy, bọn trẻ khóc thét mặc dù bị bố mẹ chúng bịt chặt mồm lại, các cụ già thì run lẩy bẩy miệng cầu phật khấn trời không ra hơi.. Còn bọn choai chúng tôi lại thấy khoái và chỉ mong ngóng đến sáng lẻn ra ngoài bản xem như thế nào...
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM