Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 10:15:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhân dân ta rất anh hùng - Nhà xuất bản Văn học - 1976  (Đọc 38864 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #60 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2010, 06:11:53 pm »

NHÂN DÂN TA RẤT ANH HÙNG

I

Nhắc lại chuyện ngày xưa, tôi lại nhớ đến cả một thời nô lệ, tất cả bao nỗi cay đắng, nhục nhằn của một người dân mất nước, mối thâm thù quân cướp nước.

Đối với lớp người chúng tôi, tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã có ảnh hưởng rất mạnh.

Chúng tôi đang học ở trường Kỹ nghệ thực hành Hải-phòng thì toàn quyền Méc-lanh đi sang Nhật. Khi hắn qua Hải-phòng có vào trường chúng tôi, bắt đón tiếp linh đình lắm, bày ra rất nhiều lính tráng, súng ống, phô trương lực lượng để uy hiếp tinh thần thanh niên ta. Méc-lanh ở Nhật trở về, qua Quảng-châu thì xảy ra vụ anh Phạm Hồng Thái ném bom, suýt giết chết. Được tin, học sinh chúng tôi sôi lên, tấm tắc bảo nhau:

- Nó mạnh như thế mà anh Phạm Hồng Thái dám hạ thủ! Giỏi, anh hùng thật!

Rồi đến năm sau, cụ Phan Bội Châu bị bắt giải về nước và bị thực dân Pháp kết án tử hình. Méc-lanh về Pháp, Va-ren sang thay. Cữ ấy vào tháng bảy dương lịch, từ trên Hà-nội có liên lạc xuống bảo chúng tôi làm đơn xin ân xá cho cụ Phạm. Vừa gặp lúc Va-ren ra Đồ Sơn nghỉ mát. Thế là học sinh chúng tôi, mới gà gáy sáng, đã nhảy rào ra khỏi ký túc xá, kéo nhau đến huyện Rào, chờ Va-ren từ Đồ-Sơn trờ về, giữ xe lại, đưa đơn. Tên đốc trưởng đến giờ vào học chẳng thấy bóng học trò nào, bổ khắp nơi đi tìm, sang tận huyện Rào dồn chúng tôi về trường. Về đến trường, bọn Tây giở trò thực dân, lôi chúng tôi ra đánh. Chúng tôi bảo vệ nhau, giữ người lại, không cho nó đánh. Hăng nhất là anh Lương Khánh Thiện, đứng ở hàng đầu, cứ ẩy sấp bọn Tây ra. Trong lúc xô xát, tên giáo sư Gát-xi bị rách áo. Thế là nó tru tréo lên, đổ cho chúng tôi đánh nó, gọi mật thám đến vây bắt. Chúng tôi bãi khóa phản đối.

Trên ba chục người bãi khóa đến cùng, bỏ trường đi, trong số đó có anh Lương Khánh Thiện, anh Lưu Bá Kỳ và tôi. Mấy anh  em ý hợp tâm đầu phải xa nhau, mỗi người đi một ngả, đi kiếm công ăn việc làm. Tôi lên mỏ Phấn-mễ làm được mấy tháng rồi về làm ở mỏ Mạo-khê. Ở Mạo-khê, tôi còn nhớ lúc bấy giờ, anh  em công nhân thích nghe nói chuyện cách mạng lắm. Tôi làm ở bộ phận cơ khí, anh  em đến buổi làm, cứ đem xe đi chữa vào “bát-xanh” là tháo “biên” ra rồi để đấy, hai anh gác hai đầu, còn thì xúm nhau lại nghe chuyện về vụ án cụ Phan Bội Châu, đám ma cụ Phan Chu Trinh, phong trào Nguyễn An Ninh ở trong Nam, về cụ Nguyễn Ái Quốc ở bên Nga. Tôi tìm anh em tốt lập hội thể thao, gây quỹ cứu tế, góp tiền mua sách báo đọc, lòng rất ham muốn hoạt động mà chưa biết đi đường nào…Tâm trạng ấy cũng là tâm trạng của nhiều anh  em thanh niên lúc bấy giờ đang khủng hoảng về tinh thần, náo nức đi tìm lý tưởng, tìm một ý nghĩa, một cái gì mới cho cuộc sống. Anh Lương Khánh Thiện về làm máy sợi Nam-định, anh Lưu Bá Kỳ xuống làm ở tàu biển Săng-ti-y chạy đường Mác-xây – Sài-gòn – Hải-phòng. Các anh thường gửi thư cho tôi, nói bóng gió xa xôi về cách mạng. Tội càng giậm dật, nóng lòng muốn về những chỗ đông đúc dễ có cơ hội tìm đến với phong trào.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Bảy, 2010, 06:19:35 pm gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #61 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2010, 06:55:50 pm »

Đầu năm 1928, tôi trở về Hải-phòng, có nghề thợ nguội nên xin được ngay vào nhà máy Ca-rông làm. Rồi gặp anh Lương Khánh Thiện, lúc ấy cũng bỏ nhà máy sợi Nam-định ra làm máy sợi Hải-phòng. Gặp nhau, anh hỏi tôi liền:

- Thế nào, mày đã có gì chưa?

- Có gì là thế nào?

- Có Đảng, có chủ nghĩa. Thế mà tao cứ tưởng mày có rồi.

Anh nói chuyện với tôi về phong trào rồi giới thiệu tôi với anh Cảnh kết nạp tôi vào Thanh niên. Anh Nguyễn Đức Cảnh còn trẻ lắm, người mảnh khảnh, rất nhanh, là một trong những đồng chí có trình độ, lý luận lúc bấy giờ. Anh phụ trách Tỉnh bộ Thanh-niên Hải-phòng. Anh nói chuyện với tôi về lao động, về công nhân với tư bản, về thặng dư giá trị. Tôi nghe anh đến đâu thấm vào óc đến đấy, như hòn phấn khô mà ngấm nước.

Việt-nam Quốc dân đảng cũng tuyên truyền trong công nhân. Ở Ca-rông, có anh Trần Xuân Độ làm thợ tiện, tuyên truyền Quốc dân đảng hăng lắm.. Chúng tôi kiên quyết đấu tranh chống lại sự tuyên truyền của anh. Anh Nguyễn Đức Cảnh, anh Trịnh Đình Cửu cung cấp cho chúng tôi tài liệu nghiên cứu bác lại chủ nghĩa tam dân, bác hẳn cái lý thuyết đề huề giai cấp.

Tranh luận nhiều, anh Độ lúc bí hay nói:

- Chúng ta như có người mẹ ốm trên giường bệnh. Con có hiếu phải đùm bọc lấy nhau mà cứu mẹ.

Luận điệu ấy của anh không phải không làm cho chúng tôi rung động. Song chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy rõ:

-  Không anh ạ, thời đại này phải làm cách mạng xã hội mới được.

Cuối cùng, anh Độ nói:

- Thôi, chúng ta hiểu nhau rồi: chúng tôi quốc gia vàng, các anh thanh niên đỏ.

Tôi nói tiếp:

- Dù thế nào, chúng ta vẫn phải thống nhất hành động chống đế quốc xâm lược và tay sai của chúng.

Chi bộ thanh niên của tôi là một chi bộ ghép, có anh Đoài ở nhà đèn Cửa Cấm, anh Ngô Kim Tài cảnh sát, anh Tư Biêu chồng chị Tư già, chúng tôi thường đến họp ở nhà chị Tư. Cháu bé lớn của anh chị lúc bấy giờ mới khoảng chừng năm, sáu tuổi, lúc thường sà vào lòng chú nghịch, thế mà lúc chúng tôi đến họp đã biết đứng trước cửa nhà, trông thấy người lạ đến là nói to lên. Anh Tài làm cảnh sát, hễ biết Tây sắp quét khu phố nào, để ý đến xóm nào, lại báo ngay cho tổ chức biết. Hễ có đấu tranh, anh lại xin đi gác đêm. Định dán truyền đơn ở đâu là anh đi trước, trát cồn lên tường, chúng tôi đi sau chỉ việc áp giấy dán lên, không bao giờ bị lộ ca. Đầu năm 1929, phần lớn các xĩ nghiệp của Hải-phòng như xi-măng, máy điện, máy chai, máy sợi, Ca-rông và sở cảng đều có cơ sở. Tháng 4, tháng 5, tháng 6, nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của công nhân. Ít lâu sau, anh Thiện bị bắt.

Từ đầu năm 1929, tôi bị đuổi hẳn ra khỏi nhà máy Ca-rông, đi vào hoạt động bí mật. Lúc ấy cũng là lúc các chi bộ cử đại biểu ra ngoài họp Thanh niên. Chi bộ tôi đặt vấn đề họp kỳ này nên xây dựng Đảng cộng sản đi thôi, phong trào công nhân đã có rồi. Tất cả các chi bộ ngoài Bắc đều cùng ý nguyện như thế cả. Tháng 7, được tin đại biểu Bắc-kỳ đưa ra việc thành lập Đảng cộng sản, bị bác đi, đã bỏ hội nghị ra về. Cuối tháng 8 thì có tuyên ngôn thành lập Đông-dương cộng sản đảng. Thành lập Đảng rồi, các đồng chí phân phối lực lượng lại. Tôi được điều vào Nam công tác.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2010, 12:40:51 pm »

*
* *

Khi tôi vào Nam, anh em giới thiệu tôi liên lạc với một đồng chí tên là Ngô Sĩ Quyết. Gặp người, tôi nhận ran gay: Ngô Sõ Quyết chính là anh Ngô Gia Tự. Hồi tôi bị đuổi học, trong những ngày chưa có việc làm, có lần tôi về Tam-sơn, Bắc-ninh, chơi với một người bạn. Tôi gặp anh Tự lần đầu tiên chính ở Tam-sơn là quê anh. Anh cũng vừa bị đuổi khỏi trường Bưởi, tạm lánh về quê. Ngay lần gặp đầu tiên, tôi đối với anh rất có cảm tình, không ngờ lại có dịp gặp nhau trên đường công tác. Anh là một đồng chí tốt, một người có giác ngộ sâu sắc. Tuy làm công tác chỉ đạo, bận nhiều, anh vẫn lẩn vào với công nhân, pha trộn với anh  em, trên bến tàu Sài-gòn, đẩy than, đẩy xi-măng, dầm mưa dãi nắng, làm mọi thứ công việc vất vả. Anh  em công nhân giác ngộ thương anh lắm, cứ bảo: “Các anh để anh ấy ở nhà, có cần tiền, chúng tôi góp lại nuôi anh ấy”. Anh Tự vừa làm ở bến, vừa giải quyết các công việc rất siêng năng, bất cứ cuộc họp nào, dù xa đến mấy, anh cũng không bỏ.

Anh Ngô Gia Tự, anh Lê Văn Lương và tôi ở vùng xóm Chiếu, bên Khánh-hội. Tôi đi tìm việc làm, kéo cả anh Lương vào làm việc ở đấy. Được ít lâu, vì thấy xưởng Ba-đê công nhân ít, tôi lạ sang làm bên xưởng Phat-xi đông công nhân hơn.

Trong Nam, công tác tuyên truyền vận động công nhân của chúng tôi có phần thuận lợi hơn ngoài Bắc. Tôi với anh Lương cùng ở một chỗ, sáng nấu một nồi cơm rồi đổ mỡ muối lên trên, ăn rồi, còn thì nắm, vác đi làm. Trưa đến, xách gói cơm ra vỉa hè đường, tìm cùng ăn rồi lân la nói chuyện. Chúng tôi cứ lấy thí dụ thực tế trong đời sống mà phân tích, gợi cho anh em liên hệ, so sánh, anh  em rất dễ nhận ra chân lý cách mạng. Anh  em thấy chúng tôi cũng là con nhà thợ, cùng bạn nghề đói khổ với nhau nên thông cảm rất mau. Anh Lương lúc bấy giờ còn trẻ măng thì đi với anh  em thợ trẻ. Về đến xóm thợ, anh dễ thân thiện với mọi nhà bà con hàng xóm vì anh rất yêu trẻ; thiếu nhi ở đâu cũng quý anh lắm. Anh dạy cho các cháu hát, anh dạy cho các cháu học. Ở xóm Chiếu, chúng tôi gây được hội chơi bóng. Nhưng anh  em, bà còn càng quý mình, gần gũi mình, phong trào cứ nhen lên là chúng tôi lại dễ bị lộ, nên cứ phải dọn nhà, đổi chỗ ở luôn. Thêm một nỗi, vì anh Lương đang tuổi thanh niên mới lớn, trông rất xinh trai, các cô con gái xóm nghèo cứ nhìn anh chỉ trỏ nhòm ngó. Có cô hàng xóm, tính tình rất bạo, cứ chọc giấy giấy báo dán khe vách gỗ trông sang bên chỗ chúng tôi ở mà nhìn trộm. Chúng tôi sợ lộ, cứ phải chạy trốn hoài, dọn nhà loanh quanh hết cả đất xóm Chiếu, phải đi lên tận Thủ-thiêm ở. Đến Thủ-thiêm, tôi gặp anh Lưu Bá Kỳ ở dưới tàu ghé lên chơi. Vừa lúc đó, đoàn thể cử tôi đi sang Pháp tìm bắt liên lạc với Đảng cộng sản Pháp. Anh Kỳ giới thiệu, tôi xuống tàu Săng-ti-y xin việc làm, đưa sổ thợ ra là được nhận ngay.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #63 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 06:32:55 pm »

Tháng 11-1929, chúng tôi đáp tàu Săng-ti-y sang Pháp, lên đến bến Mác-xây, tìm đến địa chỉ đã được dặn ở nhà. Anh  em Đảng Pháp tiếp chúng tôi rất ân cần, rồi điện ngay lên Pa-ri thỉnh thị các đồng chí phụ trách. Pa-ri trả lời mời chúng tôi lên ngay. Tôi làm buồng máy dưới tàu, vì lò hơi của tàu hỏng, phai ở lại chữa, không được lên bờ, đành nhờ anh Kỳ lên Pa-ri liên lạc. CCCác đồng chí Pháp hết sức giúp đỡ, hỏi han tình hình cặn kẽ, cho sách, cho tài liệu, giúp cho một số phương tiện làm việc, cho một số súng ngắn tự vệ và đặt mối liên lạc về sau.

Cuối tháng giêng, đầu tháng 2-1930, chúng tôi trở về đến Sài-gòn thì được tin hội nghị Hương-cảng đã họp, việc hợp nhất các nhóm cộng sản đã thành công. Đoàn thể cử anh Lầu với tôi ra Bắc họp Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng. Tôi ra đến Hải-phòng, ngay chiều hôm đó, đồng chí liên lạc đưa tôi đến Hội quán của Hoa kiều bảo tôi ngồi đợi, đồng chí phụ trách sẽ đến. Tôi tưởng sẽ gặp một người to lớn, mạnh mẽ. Đồng chí phụ trách đến nơi, người gầy yếu, mặc vét-tông, quân ta, đầu đội mũ phớt, mắt le lé. Nghe anh nói, giọng xứ Nghệ, mệt và ho luôn, tôi rất thương. Anh bảo tôi:

- Ta sẽ tham gia hội nghị chính thức bầu Trung ương Đảng. Thời gian còn thong thả. Đồng chí cứ ở đây, tôi sẽ đưa tài liệu cho đồng chí nghiên cứu. Còn đồng chí Lầu, tôi sẽ cho người lên Hà-nội đón đồng chí ấy về dươi này.

Sau này tôi mới biết đồng chí tôi gặp hôm đó chính là anh Trần Phú. Tôi từ biệt anh, tôi về chỗ chị Tư già. Chị bố trí cho tôi về ở một ngõ hẻm phố Bắc-ninh. Không ngờ, ngay đêm hôm đó, do Nghiêm Thượng Biền phản bội, cả một lô cơ quan khu ấy bị lộ, mật thám quét tơi bời, tôi chân ướt chân ráo mới đến, không chuẩn bị đối phó kịp, nên cũng bị bắt với chị Tư: “Phải giữ vững tinh thần”. Và trong suốt bao nhiêu ngày bị giam cầm, tra tấn dã man, chị Tư rất anh dũng, không chịu khai một lời nào.

Chúng tôi bị giam ở sở mật thám Hải-phòng. Sang đầu tháng 5, nhiều anh  em cũng bị bắt về giam cùng với chúng tôi. Anh Lê Thanh Nghị và nhiều anh em ở các mỏ cũng bị bắt đưa về Hải-phòng. Tôi bị bắt chừng độ một tuần thì ngày 1-5 nổ ra. Mới đầu xà-lim còn rộng, nhiều xà-lim khác cũng bỏ không. Sau ngày 1-5, xà lim nào xà-lim ấy chật ních. Anh em các mỏ cũng bị đưa về sở mật thám Hải-phòng. Anh Lê Thanh Nghị bị bắt ở Cọc 5, đưa về xà-lim tôi. Anh cho biết ngoài mỏ anh  em treo cờ, dán truyền đơn, căng khẩu hiệu ngày 1-5 như thế nào. Ngày 1-5-1930, phong trào đấu tranh của ta nổ ra rộng khắp, đã sôi nổi.

Đến giữ hè thì anh  em bị bắt về sở mật thám Hải-phòng lại càng đông. Trong xà-lim nóng không chịu được. Anh  em phải bê thùng cứt để lên giường rồi quét xi măng nằm cho mát.

Ở sở mật thám, đến đêm khuya, chúng mới lôi chúng tôi ra đánh, tra hỏi. Hễ nghe thấy tiếng chìa khóa đụng cửa đến cạch một cái là mấy chục anh em đều giật mình đến thót. Rồi đêm đêm đầu óc căng thẳng, người nào, người nấy nghiến răng mà nghe anh  em mình vật vã trước ngọn roi của quân thù. Đến khi anh  em bị đánh nhừ rồi, bị bọn mật thám kéo lê quẳng trả vào xà-lim, các đồng chị lại xúm lại xoa bóp cho nhau.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #64 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 10:49:47 pm »

Tôi bị đánh mười mấy đêm liền. Một đêm, bị đánh đau quá, tôi ngã lăn ra ngất đi. Đến khi tỉnh dậy, tôi thấy chiếc roi của mật thám, do nó quất mạnh quá, văng ra, rơi ở bên người tôi. Tôi đưa mắt nhìn chiếc roi bị xước: bên trong roi là dây đồng đỏ, bên ngoài bọc một lần da. Tôi mới hiểu vì sao mà roi nó đánh nặng như chì, bổ vào đầu làm tôi choáng óc, đầu không chảy máu mà sọ lấy tay ấn lõm được như quả bưởi khô, máu dồn xuống đỏ cả hai mắt, sưng mọng ra như mắt cá vàng. Anh  em nhìn tôi gọi đùa là Chung Vô Diệm. Tôi còn giữ được chiếc áo lương rách, mỗi lần bị đánh xong, lấy áo quấn chặt lấy đầu. Dù lấy áo buộc chặt như thế mà vẫn còn rức quá, tôi cứ phải tìm góc xà-lim nằm, ấn đầu vào khe tường để bưng lấy óc. Đến mùa rét, tôi lại bị chúng tấn cho một tấn nữa. Chân tôi bị đánh sưng ú lên, về xà-lim lại phải tra chân vào cùm sắt. Tôi bị hỏng chân từ đấy.

*
* *

Chưa thành án, Tây đã giải chúng tôi sang nhà đá Hải-phòng, giam lẫn với anh  em tù bên Quốc dân đảng. Chúng tôi tổ chức học văn hóa, mở lớp huấn luyện cho nhau. Có anh  em đảng viên thường bên Quốc dân đảng vào nhà lao thấy chúng tôi hoạt động, sinh ra có cảm tình với những người cộng sản. Lại thấy chúng tôi rất nêu cao tinh thần tập thể, luôn luôn cứu giúp lẫn nhau ai có đồ người nhà gửi vào, thứ nào bổ thì giúp người yếu, còn thì chia đều, nên các bạn ấy càng ngày càng muốn gần gũi chúng tôi.

Do học tập, do đấu tranh, do tổ chức, trình độ chung của anh chúng tôi tiến bộ rõ rệt. Anh  em tù kinh tế dần dần hiểu chúng tôi hơn, được cảm hóa, nên khi đi làm cỏ-vê ngoài phố, thường giúp chúng tôi liên lạc với bên ngoài. Đám anh  em tù làm trên phòng giấy cũng có nhiều người cảm tình với cách mạng, giúp đỡ chúng tôi hăng lắm. Lính Tây cũng có người rất tốt.

Thường ở nhà lao, tối đến là có lính Tây vào gác đêm. Canh gác đêm cũng buồn tênh nên thấy chúng tôi nói được tiếng Pháp, mấy anh cũng hay mò đến chuyện gẫu. Trong số mấy anh có hai người quê ở Mác-xây. Thấy tôi cũng biết Mác-xây. Thấy chúng tôi cũng biết Mác-xây hai anh rất thú, hay đến nói chuyện về quê hương mình. Từ đấy, thân nhau, cần gì là hai anh tìm cho bằng được, cho chúng tôi thuốc kiết lỵ, thuốc đau mắt nữa, và hai anh là nguồn cung cấp thuốc lào cho cả bọn chúng tôi. Một đêm vào đầu tháng 11, trời đã trở rét, hai anh hỏi chúng tôi:

- Các anh có cần gì không?

Chúng tôi bàn nhau rồi trả lời:

- Cho chúng tôi mấy thước vải đỏ.

Chúng tôin nghĩ đến cái lô-cốt nhà lao rất cao, treo cờ lên đó được thì thú lắm. Mấy anh lính Tây cho chúng tôi vải. Chúng tôi may cờ. Rồi đúng đêm mùng 6 rạng ngày mùng 7 tháng 11 năm 1930, kỷ niệm 13 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, chúng tôi thi hành kế hoạch đã định. Tôi và mấy anh nói được chút ít tiếng Pháp rủ hết lính Tây về góc chúng tôi, tán hết chuyện này chuyện khác. Ở phía lô-cốt, đồng chí Phúc An, người Hoa-kiều, vốn làm nghề thợ điện, leo trèo rất giỏi, trèo lên tận đỉnh lô cốt, cắm lá cờ lớn tươi đỏ của chúng ta.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #65 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2010, 06:55:56 pm »

Sáng hôm sau, bọn chúng tôi trông lên cờ đỏ, sướng mắt quá. Bọn giám thị vẫn không biết gì. Mãi chín giờ sáng, tên chủ đề lao ở Lạc-viên về, nhìn lên lô-cốt nhà mình thấy có cờ đỏ, tức tốc chạy về, tập hợp cả bọn giám thị lại, quát tháo ầm ĩ. Bọn giám thị anh nào anh nấy xanh lè mắt. Chúng đổ riệt cho anh  em lính khố xanh đã cắm cờ:

- Thằng nào treo, thằng ấy muốn sống thì leo lên hạ xuống.

Chúng bắt lính khố xanh trèo lên hạ cờ. Cao quá, không anh nào trèo được. Cuối cùng, đến quá còi tầm các nhà máy, chúng mới huy động được thang xe hơi chữa cháy đến, sai lính cứu hỏa lên lấy lá cờ đỏ xuống.

Tối đến, anh  em tù thường phạm về nói với chúng tôi: đồng bào ngoài phố thấy các anh treo cờ thích lắm. Ít lâu sau, có nhiều người vô danh gửi anh  em tù thường phạm quà bánh, thuốc men vào ủng hộ chúng tôi.

Vải đỏ, chúng tôi hãy còn. Chúng tôi gửi các nữ đồng chí giấu vào trong khăn, giả làm độn tóc, chúng khám tợn lắm mà không tài nào tìm ra được. Đợi đến hôm chúng giải chúng tôi sang Kiến-an ra tòa đại hình chúng tôi rút cờ đỏ ra, phất lên cao, hô vang: “Đả đảo đế quốc”. Chúng đuổi hết dân phố vào trong nhà, bắt đóng cửa lại không cho dân xem. Chúng tôi càng hô khẩu hiệu to hơn nữa.

Ra tòa, tôi bị kết án tù chung thân biệt xứ, khi chúng đã tuyên án “mớ” hàng trăm người chúng tôi xong rồi, chúng tôi còn hai lá cờ đỏ, khá to, giấu trong người, bèn tung ra, anh  em cùng hô “Đả đảo đế quốc”, “Đảng cộng sản muôn năm!”. Lính Tây, mật thám xông vào đánh đập chúng tôi túi bụi.

Thấy chúng tôi giữ vững ngọn ờ đấu tranh như thế, nhiều anh  em Quốc dân đảng càng ngả về chúng tôi. Anh  em nói:

- Phải làm như các ông mới được. Các cụ lãnh tụ bên chúng tôi chỉ nằm đợi chết mà thôi.

Lên đến Hỏa-lò Hà-nội, anh  em lại càng mến chúng tôi. Có người thấy chúng tôi không xưng hô với họ bằng anh như trong đồng chí chúng tôi với nhau, thì không bằng lòng, trách chúng tôi sao lại còn phân biệt. Khi chúng tôi tổ chức vui chơi, anh  em cũng tham gia. Có những người ở nhà đã làm hương lý, tiên chỉ, chánh tổng, khi chúng tôi tổ chức vui chung, thì bày trò cúng tế, lấy quần xanh nhà tù xỏ vào tay làm áo thụng, hưng hưng, bái bái trên sàn xi-măng Hỏa-lò, diễn lại hủ tục chốn hương thôn để góp vui với anh  em. Các bạn ấy đóng giống quá, chúng tôi cứ bò ra mà cười.

Các thủ lĩnh bên Quốc dân đảng tức lắm, đổ cho chúng tôi cướp người của họ. Mọi chủ trương thống nhất hành động đòi cải thiện chế độ nhà tù của chúng tôi đều bị họ phản đối kịch liệt. Chúng tôi đấu tranh đòi cơm gạo tốt, có rau, có đũa, có bát thì một thủ lĩnh Quốc dân đảng gàn đi, nói: “Đấu tranh chủ tổ nó khủng bố. Vẽ chuyện mâm với bát! Ấn-độ ăn bốc, cũng có sao đâu?”. Chúng tôi cứ đấu tranh, Tây có khủng bố nhưng đa số kiên quyết thì nó phải chịu, cấp đũa, cấp bát và phải để cho chúng tôi dọn cơm lấy.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #66 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2010, 10:20:54 pm »

Cuối mùa hè năm 1931, trời dạo ấy còn nóng, thực dân Pháp lại giải chúng tôi xuống Hải-phòng cho xuống tàu Cơ-lốt-đơ Sáp-pơ giải đi Sài-gòn. Chúng tôi bị nhốt dưới hầm tàu, cứ mười người một, cùm vào một thanh sắt dài năm, sáu thước. Lên đến bờ là lại phải vác chiếc cùm sắt ấy lên vai, khệ nệ khiêng đi. Bọn Tây tải ác lắm, đánh chúng tôi rất dữ. Thấy anh em bị đánh, mình hơi cau mặt là tên quỷ sừng sộ luôn.

- Mày không bằng lòng ư?

Rồi quất roi gân bò như mưa lên mặt người tỏ lòng thương cảm anh  em đồng chí.

Đến Ô-cấp, chúng ném hết quần áo của chúng tôi xuống biển. Đêm đến, trời lạnh, anh  em nằm sàn xi-măng ốm la liệt. Ngoài Côn-đảo, chúng chưa kịp dồn xà-lim nên bắt chúng tôi chờ ở đất liền.

*
* *

Chúng tôi ra đến đảo vào giữa một đêm không trăng, không sao mờ mịt. Vào đến banh, thấy bốn chung quanh là tường đá cao, khu vực banh này rộng hơn mười mẫu tây, cỏ rậm, bóng những gốc đa, gốc bàng đen như mực, âm u như rừng. Chúng tôi tưởng chừng như đi vào một bãi tha ma lớn. Chúng lùa chúng tôi qua hết cổng to đến cổng con, cổng nào cũng có gác-điêng Tây gác. Chúng tôi cứ sờ soạng mà đi, đến khi cánh cửa tôn, dày đến năm ly, mở ra đến két, nghe lạnh cả người, thì biết là đã vào đến khám. Lại một tầng cửa chấn song nữa. Chúng tôi chưa hiểu vị trí ra thế nào thì gác-điêng Tây đã khóa trái cả hai cửa lại, đi thẳng.

Thật là như lạc xuống âm phủ cả. Bóng tối dày đặc bưng lấy mắt chúng tôi. Người nọ sờ người kia hỏi nhau í ới, chưa biết đối phó với tình thế mới như thế nào. Thì thấy trên đầu tường có tiếng gõ cạch cạch. Chúng tôi nín thở, ngẩng lên, không trông thấy gì hết. Lại cạch cạch. Chúng tôi hỏi vọng lên:

- Ai đấy? Gì thế?

- Các đồng chí trong đất mới ra đấy có phải không?

- Phải.

- Có ai lên đây nói chuyện.

Anh Lương Khánh Thiện rất hăng, bảo chúng tôi:

- Đứa nào kiệu tao lên.

Chúng tôi xúm lại kiệu anh Thiện. Tối quá, không biết lên đằng nào. Từ trên mái có tiếng:

- Diêm đây.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM