Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:47:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhân dân ta rất anh hùng - Nhà xuất bản Văn học - 1976  (Đọc 38771 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #50 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2010, 12:21:21 pm »

Có địa phương, quân địch dùng cách dụ dỗ. Chúng ra tuyên cáo, yết thị, gọi dân đến, hiểu dụ phải yên ổn làm ăn, chớ theo Việt Minh làm loạn. Chúng dùng luận điệu lừa phỉnh bịp bợm, tuyên bố sẽ đảm bảo cho người “đi bí mật” được tự do về nhà, và mời các cán bộ bí mật ra làm việc cho “chính phủ”. Kết quả: chúng đã thất bại hoàn toàn. Hàng ngũ Việt Minh đã được chuẩn bị tinh thần từ trước, đã được giải thích sâu rộng về âm mưu của địch nên không hề chút nào nao núng.

Bọn đế quốc quay ra đàn áp. Chúng tăng cường lưới mật thám, lập đồn bốt bổ vây những nơi xung yếu và những nơi phong trào cách mạng lên cao. Chúng đặt thêm bang lá, tập trung thêm lính khố xanh, tổ chức các đội lưu động “gúp-phơ-răng” (groupesfrancs). Bọn chúng đi vây bắt cán bộ cách mệnh, bắt cả thân nhân; nhà nào có con em làm cán bộ hay tình nghi có liên quan tới cách mạnh là có thể bị đốt, tài sản bị tịch thu. Nhiều nơi các kho thóc bí mật bị khám phá, bị đốt sạch, nhiều làng mạc bị triệt hạ. Người nào bị bắt có tài liệu Việt Minh trong người lập tức bị đem đi bắn, chặt đầu, chặt chân tay, đem bêu ở tỉnh lẻ hay ở châu. Chúng lại treo giải thưởng rất hậu cho những kẻ lấy được đầu những người bí mật. Đầu cán bộ, cái nào rẻ cũng được treo giá một nghìn bạc với một tấn muối; có cái đến hai ba vạn bạc.

Rút kinh nghiệm khủng bố trắng ở Bắc-sơn, Vũ-nhai, chúng ra lệnh dồn làng. Làng nào dưới hai mươi nhà ở nơi hẻo lánh đều phải dỡ đi tập trung tại những địa điểm nhất định. Thế là không biết bao nhiêu làng mạc bị bỏ hoang, nhà cửa bị dỡ, rất nhiều nhà không kịp dọn bị chúng đốt luôn. Biết bao lần, chúng tôi ở trên núi, chính mắt trông thấy những đám cháy thê thảm do bọn đế quốc gây nên ở dưới cánh đồng, ở những làng đồng chí. Cảnh điêu tàn hoang vu lan tràn khắp Cao-Bắc-Lạng.

Khi đã bị dồn làng rồi, đời sống của đồng bào thật là muôn phần khổ cực. Chúng bắt mỗi làng lớn phải trồng ba lớp hàng rào tre và đêm lại phải canh gác, mỗi ngày phải điểm danh một lần. Cấm ngặt từ sáu giờ tối đến sáu giờ sáng không được ra khỏi cổng làng. Cấm tuyệt đối không được mang cơm gạo ra ngoài. Có những đồng bào chỉ vì mang một thúng thóc giống đi ngâm hay một bị gạo ra chợ mà đã bị bắt và bị bắn ngay tại chỗ.

Đế quốc lại cho tay sai chui vào hàng ngũ cách mạng gieo rắc mối hoài nghi giữa đồng chí. Không ngày nào là lính không kéo về bắn phá, cướp đốt ở các làng và bắt buộc dân chúng phải đi phu và làm tờ cam kết là không theo Việt Minh nữa.

Trước tình hình ấy, Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng , đã kịp thời quyết định phát động quần chúng đấu tranh chống khủng bố. Các chi bộ của Đảng, các ban Việt Minh xã đều tổ chức Ban xung phong chống khủng bố, gồm các đảng viên, các hội viên Cứu quốc trung kiên. Lại phải tăng cường đề phòng bọn phản động chui vào các tổ chức cứu quốc của ta.

Tinh thần chống khủng bố của dân chúng rất cao. Mỗi một lần có lính đế quốc về bắn phá là các đảng viên, các thanh niên nam nữ trung kiên chia nhau đi khắp nơi giải thích tuyên truyền để giữ vững tinh thần của đồng bào. Tuy vậy, trước những thủ đoạn tàn khốc của quân thù, cũng có nơi đâm ra nao núng. Có nơi quần chúng yêu cầu tạm nghỉ việc Hội; có nơi trong một xã, mà thanh niên nam nữ chạy vào rừng có đến 40, 50 người.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #51 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 06:41:42 pm »

Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng ra chỉ thị cho các cán bộ còn sống công khai phải tăng cường cảnh giác đề phòng, không được để địch bắt; cần phải “đi bí mật”, nghĩa là tối không được ngủ nhà, ban ngày đi đâu phải có tự vệ, phải tích trữ sẵn hai ba tháng lương, phải giữ liên lạc với các đồng chí phụ trách để lúc động thì rút lui vào bí mật. Số đồng chí bí mật tăng lên khá đông. Liên tỉnh ủy chủ trương dùng hình thức “tiểu tổ bí mật” để tổ chức các đồng chí đó lại, lam nòng cốt để giữ vững phong trào. Một tiểu tổ bí mật gồm các đồng chí bí mật trong một hay hai xã, phần nhiều là đảng viên, đã thoát ly gia đình trốn vào rừng núi. Mỗi tiểu tổ bí mật có một cơ quan, nghĩa là một cái “thiêng” (lán) bí mật nhỏ hơn cái lán ta đi chiến dịch vẫn làm, dưới lát vầu, trên lợp cỏ gianh hay lá chuối, làm ở trên đỉnh núi, trong ngàn sâu. Đường vào lán cơ quan chỗ tôi phải đi qua mấy thác nước cao, muốn lên không được đi theo đường bên cạnh mà phải leo vào chính giữa thác như vậy để khỏi lộ dấu vết, cho nên mỗi khi lên lám đều phải chịu ướt.

Tiểu tổ bí mật thường có 4, 5 người, có khi đến gần mười ngời, sinh hoạt theo một quy tắc nhất định, kỷ luật rất nghiêm, có thời gian làm công tác quần chúng, ngày học, tăng gia, độ ba, bốn giờ chiều thì ăn cơm sớm. Rồi tà tà là các “người bí mật” vượt rừng núi suối khe đi tới chỗ hẹn, theo một dấu hiệu bí mật, gặp các đảng viên hay những hội viên trung kiên ở dưới làng đã không quản nguy hiểm đến tính mệnh, lặn lội đem lương thực tới ủng hộ, báo cáo tình hình, bàn bạc công tác đấu tranh chống khủng bố ở từng làng xóm. Rồi khuya lại nằm ngủ một giấc nhè nhẹ trên bờ sông hay bên ruộng nếu trời tối. Tảng sáng là trở về cơ quan. Làm sao phải vào rừng trước lúc sương tan mới khỏi bị phê bình và không làm lụy đến địa phương. Đời sống gian khổ, tinh thần gan góc, bền bỉ bám lấy cơ sở, bám lấy quần chúng của các cán bộ bí mật đã truyền sức mạnh đấu tranh cho quần chúng cách mạng.

Đế quốc cảm thấy rằng có sợi dây mật thiết giữa Đảng và quần chúng, giữa “tiểu tổ bí mật” và các thôn xóm. Chúng càng khủng bố ráo riết, đóng đồn trại khắp nơi, bao vây những dãy núi hiểm yếu rồi đẩy dân làng đi trước, chúng đi sau. Thế là “sáo động”, nghĩa là lùng rừng săn cách mệnh. Hoặc là, buổi tối, chúng chia nhau đi phục kích các miệng suối, hoặc tảng rạng cho bọn do thám người Mán đi dò vết sương để theo dõi sào huyệt của những người bí mật. Chúng sẽ đem quân đến bao vây tiêu diệu. Có khi gặp những ngày nắng hè, chúng đốt cháy từng khu rừng một, những khu rừng bị tình nghi. Có lần chúng tôi đã thoát khỏi bị chết thiêu vì đã tìm được một chỗ ẩn nấp bên cạnh một con suối. Nhiều cơ quan của tiểu tổ bí mật luôn luôn bị vây. Một lần tôi, đồng chí Hoàng Sâm cùng hai cán bộ địa phương bị vây ba ngày liền trên một đỉnh núi ở tổng Hoàng Hoa Thám. Chúng tôi phải dùng ống nứa và chặt dây rừng lấy nước mà thổi cơm. Tuy vậy chúng tôi còn may mắn hơn biết bao đồng chí thân yêu khác đã bị đế quốc bắn chết trong thời kỳ đại khủng bố này. Và mỗi lần chúng tìm ra một cơ quan bí mật là các làng lân cân bị triệt hại. Ở tổng Hoàng Hoa Thám là nơi phong trào rất cao, hai phần ba dân chúng đều bỏ làng chạy vào rừng.

Phong trào quần chúng tạm thời bị thu hẹp. Đồng bào vẫn tốt, nhưng vì khủng khiếp nên nói: đến ngày khởi nghĩa sẽ đứng dậy giết quân thù, những trước ngày khởi nghĩa, gặp một đồng chí bí mật là cả làng bị đốt, thì không dám. Nhưng nếu cơ sở quần chúng không giữ vững được thì khởi nghĩa thế nào được.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #52 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 07:11:39 pm »

Cho nên nhất định phải giữ vững cơ sở quần chúng. Chúng tôi giải thích cho các chi bộ và toàn thể cán bộ hiểu như vậy. Dù khó khăn đến đâu, đảng viên và cán bộ cũng vẫn phải bám lấy quần chúng. Khủng bố của địch cũng là một dịp để chọn lọc các phần tử trung kiên.

Sau mỗi cuộc hội nghị, là cán bộ các tổ bí mật lại chia nhau đi các địa phương, mỗi người một túi lương khô đi đón đồng bào hoặc trên đường đi chợ, hoặc ngoài ruộng rẫy, để bắt liên lạc, cho đồng bào biết tình hình Liên-xô và Đồng minh đã thắng, phong trào dưới xuôi lên cao, khủng bố quyết không thắng lợi được cách mệnh, đặt kế hoạch cho đồng bào tiếp tục việc Hội. Rồi đến kỳ khai hội sau, ai nấy đều họp điểm mặt: rất có thể thiếu mặt một vài đồng chí hay nhiều hơn nữa. Thường thường đến hẹn mà không về là đã bị hy sinh trong lúc đi công tác. Về mặt sinh hoạt vật chất, có vùng mấy tháng liền chỉ ăn bắp thay gạo xay, có vùng phải đào củ để ăn thay cơm. Cơ quan chỗ tôi suốt mấy tháng ăn cơm với nõn chuối rừng, cho nước muối vào nấu cho hết chất nước nhựa đen rất chát rồi ăn, nhưng vẫn xót ruột lắm. Vì ăn uống như vậy nên có khi không leo núi được nữa, chân cú rủn ra. Mãi đến khi phong trào lên mới có một tí mỡ. Thế mà với ngọn lửa tin tưởng, với chí hy sinh, ai nấy đều sẵn sàng tiến tới, vẫn kiên quyết, vẫn vui.

Do vũ trang tiến công của đế quốc, cơ sở cách mạng tuy phạm vi bị thu hẹp nhưng càng rắn chắc thêm. Qua một thời gian ở nhiều địa phương phong trào đã lên trở lại và tiến dần lên đấu tranh vũ trang. Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng ra chỉ thị cho các tiểu tổ bí mật phải thực hiện quân sự hóa nghĩa là phải có súng có đạn, phải tăng cường luyện tập quân sự, sinh hoạt quân sự phải tiến hành song song với sinh hoạt chính trị; và phải thực hiện du kích hóa nghĩa là phải hết sức gọn gang, bao giờ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng, có lệnh là lập tức gói mang vai, có thể đi ngay nơi khác.

Các châu tổ chức ra những đội vũ trang hoàn toàn thoát ly, thường thường từ bảy đến mười hai người, nơi nào có điều kiện thì tổ chức đến trung đội. Các đội vũ trang địa phương này thường sống tập trung làm nhiệm vụ võ trang tuyên truyền, tiêu diệt bọn phản động đầu sỏ, hoặc phục kích các đội tuần tiễu nhỏ của giặc nhằm thực hiện chủ trương làm chủ núi rừng. Song phạm vi hoạt động phải ở xa quần chúng để tránh khỏi bị khủng bố trả thù, do đó cung bị hạn chế. Thí dụ việc theo dõi để hạ thủ tên Việt gian Tổng đoàn Kim-mã, anh em cũng làm chật vật. Chọn được địa điểm phục kích tốt, ở xa cơ sở, thì nó lại không đi tới. May đâu một bữa nó đi chợ, đội vũ trang liền theo dõi rồi bắn chết. Chị em phụ nữ đi chợ hôm đó về đều bàn tán: chính Hội bắn nó đấy! Bọn Việt gian khác sau đó cũng nhụt đi. Nhưng một thời gian chúng lại hoạt động ráo riết.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #53 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2010, 06:45:58 pm »

Trước khủng bố của địch, con đường Nam tiến bị đứt ở nhiều nơi. Chúng tôi liên tiếp phái các tổ xung phong công tác đi giúp quần chúng chống khủng bố và giữ vững cơ sở, nhưng cũng chỉ đánh thông được từng quãng. Vào đầu năm 1941, việc liên lạc với xuôi đã trở nên hết sức cấp thiết. Theo quyết định của Đảng, chúng tôi bèn tập trung một số đội vũ trang địa phương tổ chức thành trung đội Nam tiến, đặt kế hoạch đi theo đường rừng hết sức bí mật, nhằm liên lạc với các cơ sở quần chúng ở chân núi Phia-bioóc. Trên đường đi, nhiều làng mạc bị đốt phá. Tại các làng bản tập trung, địch canh gác rất nghiêm ngặt. Trung đội Nam tiến xuất phát từ Kim-mã đi về phía Nam, ban đêm thì đi, ban ngày thì nghỉ, đến chiều xẩm tối lại đi. Tôi nhớ những đêm mưa ngàn tầm tã, đường rừng biến thành suối, ai nấy đều ướt sạch, đi mãi mới đến một hang núi, dừng lại ẩn nấp, đốt lửa hơ áo cho khô, rồi lại đi. Đi mãi đến bảy, tám giờ sáng lại tìm chỗ kín, giải lá giữa rừng mà ngủ. Có khi đi liền hai ba đêm mới tới một bản có cơ sở, có đêm phải đi qua những bản do bọn phản động khống chế, đường thì độc đạo, phải qua gần điếm canh của bọn chúng, nên chân giẫm xuống bùn hay tay chống gậy cũng phải hết sức cẩn thận, tuyệt đối không có tiếng động.

Chúng tôi đi tám chín ngày thì qua khỏi Chợ Rã, đến địa điểm đã định ở chân núi Phia-bioóc, cùng đi với đội vũ trang, có một số cán bộ mang theo một phiến đá in và giấy mực, dự định đến nơi, sau khi liên lạc được với cơ sở, củng cố vùng này, thì sẽ đặt cơ quan và ra báo. Đến nơi, tuy mệt nhưng ai cũng thấy mừng, nên đáng lẽ như mọi hôm, thì đi ngủ ngay, nhưng hôm đó anh  em có đẵn cây làm lán xong xuôi mới nghỉ. Trong khi đó, tôi cử đồng chí Thanh Quang, một đồng chí cán bộ quê ở Chợ Rã đi bắt liên lạc với các cơ sở tốt trong địa phương. Chiều lại, đồng chí về, cho biết vừa mới đây ở các làng lân cận, cơ sở đều bị phá vỡ, nhiều nhà đồng chí vừa bị đốt sạch. Gặp đồng bào hỏi thì mới biết chính lúc đó địch đang khủng bố, lính đang về lùng. Thế là chúng tôi chia nhau canh gác các ngả đường, ngủ một giấc cho lại sức, rồi lại lên đường trở về Cao-bằng. Vì lương thực chỉ chuẩn bị cho chuyến đi nên trên đường về phải ăn cháo. Lần đó về, tất cả anh em đều ốm nặng.

Cuộc đại khủng bố tuy có gây nhiều khó khăn cho ta, nhưng cũng đem lại kết quả rèn luyện cho các cán bộ và quần chúng một tinh thần hy sinh dũng cảm rất cao. Tinh thần đó là một điều kiện tất yếu để tiến lên vũ trang khởi nghĩa.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #54 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2010, 07:10:50 pm »

TIẾN LÊN ĐẤU TRANH VŨ TRANG

Đến tháng 6-1944, khủng bố trắng tàn khốc của phát-xít Pháp lên đến cực điểm. Ngày ngày, căm hờn tiếng súng khủng bố điên cuồng của giặc Pháp, nhân dân càng nóng lòng mong đợi tiếng súng của cách mạng Cao - Bắc – Lạng như một lò thuốc súng sắp bùng nổ.

Trong khi đó tình hình thế giới đã chuyển dần đến bước đại bại của chủ nghĩa phát-xít. Bên Âu châu, sau trận Sta-lin-gơ-rát và cuộc đại phản công của Liên-xô, mặt trận thứ hai đã mở. Ỏ Thái-bình-dương, phát-xít Nhật cũng đã bắt đầu bị nguy khốn, mất dần một số căn cứ quan trọng ở ngoại vi hải phận Nhật-bản.

Đầu tháng 7-1944, chính phủ phát-xít Pháp do Pê-tanh cầm đầu sụp đổ. Đờ-gôn thao sau quân Anh Mỹ trở về Pháp lập chính phủ mới. Tình hình đó lại làm cho mâu thuẫn giữa phát-xít Nhật và phát-xít Pháp ngày càng sâu sắc hơn. Một cuộc đảo chính để tiêu diệt thế lực của Pháp không thể tránh khỏi.

Phong trào cách mạng ở trong nước đang lan rộng. Tổ chức Việt Minh ngày càng bành trướng. Nhân dân thấy rõ thế nào cũng có và phải có một cuộc thay đổi.

Trước tình hình ấy, Liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng triệu tập một cuộc hội nghị cán bố vào khoảng cuối tháng 7-1944 để thảo luận vấn đề vũ trang khơi nghĩa. Cán bộ phụ trách các địa phương đều về họp. Điểm lại các mặt quen thuộc, thấy rằng sự nỗ lực của đế quốc không có kết quả bao nhiêu: các cán bộ lãnh đạo của ta đều bảo toàn được.

Hội nghị họp trong một hang núi cao rộng, xung quanh là rừng đại ngàn. Hội trường bố trí chu đáo, có cổng chào, có cột quốc kỳ, có mấy dãy bàn cho đại biểu dự họp, có nơi ăn, nơi ngủ. Xung quanh, trên các ngả đèo, đã bố trí canh phòng ba lớp; ngoài các đồng chí Mán địa phương ra, các đội vũ trang của các châu đã được điều động về để bảo vệ hội nghị. Sau bao nhiêu tháng chống chọi với địch, vào sinh ra tử, nay được họp mặt để bàn một số vấn đề ai cũng mơ ước, sự hân hoan thực là không bờ bến. Trong niềm hân hoan đó, có lẫn một chút tự hào, tự hào cho nhân dân, tự hào cho Đảng: rõ ràng khủng bố không bao giờ thắng được cánh mạng.

Bản báo cáo chính trị đọc trong hội nghị đi đến kết luận: “Căn cứ vào tình hình thế giới, tình hình trong nước, tình hình phong trào Cao – Bắc – Lạng, điều kiện đã chín mùi để phát động du kích chiến tranh trong liên tỉnh”.

Cuộc thảo luận đi tới nghị quyết khởi nghĩa rất nhanh vì nó phù hợp với tình hình đang bị kích thích, căng thẳng trước cuộc khủng bố trắng tàn khốc của giặc. Toàn thể đại biểu hoan hô nghị quyết khởi nghĩa. Một đại biểu Nùng, thốt ra lòng khao khát như sau: “Con đói sữa đã bao lâu rồi. Bây giờ mẹ mới cho con bú! Phen này nhất quyết tiêu diệt quân thù”. Mẹ tức là Đảng, Đoàn thể. Sự yêu quý hâm mộ Đảng thật là vô cùng tận.

Ngay hôm sau, hội nghị thảo luận về nội dung của danh từ khởi nghĩa và quyết định dùng danh từ phát động du kích chiến tranh thay vào để trành mọi nhận thức sai lầm trong cán bộ và quần chúng. Hạn trong một thời gian phải tích cực làm xong mọi công tác chuẩn bị.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Bảy, 2010, 06:14:07 pm gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #55 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 06:34:47 pm »

Các địa phương phải theo kế hoạch của Liên tỉnh ủy mà huấn luyện lại một lần nữa các đội trưởng và chính trị viên cho đủ số dự định. Ngoài số đội trưởng và chính trị viên hiện đã ở trong hàng ngũ các đội vũ trang, còn phải huấn luyện một số đội trưởng và chính trị viên hậu bị: toàn thể các đồng chí bí mật nam nữ khỏe mạnh đều bắt buộc phải tham gia lớp huấn luyện đội trưởng và chính trị viên. Liên tỉnh ủy phụ trách mở lớp huấn luyện cho các trung và đại đội trưởng.

Chúng tôi lại cấp tốc mở thêm những lớp huấn luyện cán bộ hậu phương, chọn trong mỗi một xã từ ba đến năm người trung kiên và có uy tín, huấn luyện công tác hậu phương kháng Nhật và công tác chính quyền cho họ, để đến lúc phát động họ sẽ thành lập chính quyền nhân dân lâm thời.

Các địa phương phải theo kế hoạch của Liên tỉnh ủy mà động viên đội viên các đội tự vệ chiến đấu tham gia vào bộ đội du kích. Các đội viên ấy chia ra làm hai bộ phận: một bộ phận tham gia ngay lúc phát động, một bộ phận làm hậu bị. Tất cả đều ghép sẵn thành tiểu đội, trung đội và được tăng cường luyện tập, chuẩn bị sẵn sàng vũ khí và lương thực.

Phải gấp rút mua và chế tạo thêm vũ khí, nhất là lựu đạn. Mỗi khẩu súng kíp phải sẵn sàng 150 liều đạn. Lương thực tích trữ đủ sáu tháng, một phần làm thành lương khô, đủ ăn từ mùa lúa năm nay đến mùa ngô năm sau.

Các châu ủy và huyện ủy phải chỉnh đốn lại các đường giao thông bí mật, chỉnh đốn các ban trinh sát và huấn luyện tình báo phổ thông cho nhân dân.

Về việc vườn không nhà trống thì quần chúng đã được giáo dục từ trước, nhiều nơi đã có kinh nghiệm, đã có cách giấu thóc dưới hầm. Chỉ còn chỉnh đốn lại các bản vườn không nhà trống của các xã và các tổng và căn cứ vào bản kê khai của các xã về người và của mà chuẩn bị trước kế hoạch vườn không nhà trống cho triệt để và chu đáo hơn. Trong việc tản cư, phải chú ý một nguyên tắc là: trong lúc tản cư, nhân dân phải ở trong khuôn khổ tổ chức để có điều kiện mà tham gia sản xuất và ủng hộ mặt trận.

Để đẩy phong trào đi tới và chuẩn bị phát động du kích, các đội vũ trang được lệnh đánh lui các cuộc tấn công của địch, thực hiện nghị quyết làm chủ các vùng rừng núi.

Để đôn đốc công việc chuẩn bị, thu thập tài liệu về địch tình và nghiên cứu kế hoạch phát động, một Ủy ban quân sự liên tỉnh được thành lập.

Cán bộ đảng viên có bao nhiều sức lực đều trút cả vào công việc chuẩn bị. Một quang cảnh tấp nập rộn rịp nhưng im lặng của sự hoạt động bí mật. Tinh thần quần chúng cũng bùng mạnh lên. Vụ quyên thóc du kích có nhiều nơi vượt quá mức quy định. Có bà cụ bán phấn lớn gia sản để mua súng cho con gái và con giai. Ở nhiều châu huyện các bậc lão thành biểu quyết ra lệnh cho toàn thể thanh niên nam nữ phải tòng quân lúc đoàn thể kêu gọi. Nhân dân sống trong hy vọng và hồi hộp của giờ phút khởi nghĩa. Theo chỉ thị của cấp trên, khắp nơi, cán bộ họp mít-tinh giải thích cho nhân dân rõ phát động chưa phải là thành công ngay, mà còn phải phấn đấu, còn phải hy sinh, lắm khi lại thất bại tạm thời và cục bộ. Cho nên đời sống của nhân dân sau khi phát động còn chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ. Công việc giải thích ấy làm khá chu đáo.

Tháng 9.

Mùa gặt sắp xong.

Kế hoạch chuẩn bị đã thực hiện được một phần lớn. Tiếng súng vũ trang hành động đã nổ ở nhiều nơi. Tất cả đang ở trong tình trạng căng thẳng và chờ đợi…
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #56 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2010, 11:48:47 pm »

ĐỘI TUYÊN TRUYỀN VIỆT NAM GIẢI PHÓNG QUÂN

Trước tình hình đó, Liên tỉnh ủy mở một cuộc hội nghị cuối cùng để quyết định ngày giờ phát động chiến tranh du kích. Thì vừa được tin Bác ở Trung-quốc sau khi thoát khỏi ngục tù của bọn Tưởng, đang trên đường về nước. Bác về đến Pắc-bó, nghe báo báo về tình hình phong trào và nghị quyết phát động du kích chiến tranh. Bác họp các đồng chí phụ trách phân tách tình hình, phê phán nghị quyết đó mới chỉ căn cứ vào tình hình Cao – Bắc – Lạng mà chưa căn cứ vào tình hình toàn quốc tức là chỉ thấy bộ phận không thấy toàn thể. Trong điều kiện bấy giờ, nếu phát động du kích theo quy mô và phương thức mà Ban liên tỉnh đã quyết định thì tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn. Các địa phương khác trong nước chưa nơi nào có điều kiện sẵn sàng hưởng ứng cả; đế quốc sẽ tập trung lực lượng để đối phó với ta. Về quân sự, nghị quyết đã không thực hiện được nguyên tắc tập trung lực lượng; cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt.

Bác nhận định rằng: bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa đến. Nếu chúng ta chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng nếu phát động khơi nghĩa ngay thì sẽ bị quân địch làm nguy khốn. Cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Cho nên cần phải tìm một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên.

Cũng trong buổi họp cán bộ ấy, Bác đề ra chủ trương thành lập Đội Quân Giải Phóng. Đội quân ấy lúc đầu còn bé nhỏ nên lấy tên là Đội tuyên truyền Việt-nam Giải phóng quân; nó có nhiệm vụ dùng vũ trang đấu tranh để động viên và kêu gọi nhân dân đứng dậy, nhưng lúc đầu, phương châm hoạt động còn trọng chính trị hơn quân sự, tuyên truyền quan trọng hơn tác chiến.

Sau khi nghe Bác phân tích tình hình và đề ra chủ trương mới, cán bộ đều thấy rất thông suốt và hoan nghênh.

Thế là Đội Tuyên truyền Việt-nam Giải phóng quân ra đời.

Sau khi đã giải quyết vấn đề nguyên tắc, vẫn theo lối làm việc chu đáo của Bác, Bác còn hướng dẫn cho tôi làm kế hoạch cụ thể: tổ chức đội thế nào? Bao nhiêu người? lấy ở đâu? Bao nhiêu súng? Lương thực thế nào? Liên lạc với địa phương thế nào?

Dự thảo kế hoạch trong một hôm, đêm lại còn trao đổi ý kiến, mãi đến khuya  Bác mới đắn đo, sáng hôm sau thì đưa ra tập thể bàn thêm.

Để phát động phong trào đấu tranh vũ trang theo phương châm mới này, Bác nhấn mạnh hai điểm: phải hành động kiên quyết và nhanh chóng, một tháng sau khi thành lập phải có thành tích chiến đấu, và cuộc chiến đấu đầu tiên phải thắng lợi; trong hoạt động, phải chú ý xây dựng quan hệ tốt giữa bộ đội chủ lực với các đội địa phương, giữa bộ đội và nhân dân, và bao giờ cũng luôn luôn giữ vững liên lạc với cơ quan lãnh đạo.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #57 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 12:33:27 am »

Ngoài ra, Bác hết sức chú trọng đến vấn đề bí mật. Lúc sắp lên đường, Bác còn dặn: không chủ quan, không bộc lộ lực lượng, cần phải giữ bí mật, bí mật hơn nữa, bí mật hoàn toàn. Giấu hẳn lực lượng của ta; ta ở đông, địch tưởng là ở tây; ta mạnh, địch tưởng ta yếu; ta sắp hành động; địch không ngờ gì hết.

Trên đây, tôi đã kể lại phong trào đấu tranh cách mạng và công việc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa ở Cao – Bắc – Lạng cho đến ngày thành lập đội Tuyên truyền Việt-nam Giải phóng quân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lại được sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch, nhân dân Cao – Bắc – Lạng đã đấu tranh anh dũng biết bao, các chi bộ và đảng viên, các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu, các tổ bí mật, các tổ xung phong vũ trang, các tiểu đội và trung đội vũ trang địa phương đã phấn đấu gian khổ biết bao, biết bao đồng chí ưu tú đã hy sinh oanh liệt. Địch càng khủng bố, phong trào càng được rèn luyện, có khi bị thu hẹp, nhưng rồi lại lên cao. Tất cả những điều đó chứng tỏ không phải ngẫu nhiên mà Đội Tuyên truyền Việt-nam Giải phóng quân sinh ra trong miền rừng núi Cao – Bắc – Lạng. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Đội quân ấy “lúc đầu còn bé nhỏ nhưng tiền đồ rất rộng lớn”. Sức mạnh của nó cũng như nói chung sức mạnh của quân đội ta, chính ở trong sức mạnh đoàn kết đấu tranh rất to lớn của quần chúng nhân dân. Trên đây chính là những điều mà tôi muốn kể lại với các đồng chí nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Chỉ tiếc kể lại vẫn không đầy đủ, vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật lúc bấy giờ tôi chỉ biết rõ tình tình những địa phương tôi làm công tác. Từ khi Đội Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập, về sau, phong trào vũ trang ở Cao – Bắc – Lạng đã phát triển như thế nào, các đồng chí đều biết rồi. Tôi chỉ nói thêm một vài nét vắn tắt.

Nhận chỉ thị mới, chúng tôi từ Pắc-bó trở về Liên tỉnh ủy, lòng hết sức phấn khởi và tin tưởng. Chỉ thị được chấp hành hết sức tích cực. Cán bộ và vũ khí đều được điều động ngay về. Ba mươi tư đồng chí đầu tiên tham gia thành lập đội, chính là những trung đội trưởng, tiểu đội trưởng hay những chiến sĩ xuất sắc rất dũng cảm của các đội vũ trang địa phương hay đội tự vệ chiến đấu. Lại thêm một số cán bộ vừa đi học quân sự ở Trung-quốc mới về. Bấy giờ ở Cao – Bắc – Lạng, đã hình thành ba thứ lực lượng vũ trang: Đội Tuyên truyền là đội chủ lực, chung quanh nó có những đội vũ trang của địa phương, rồi đến những đội tự vệ nửa vũ trang, - mặc dầu tất cả còn ở trình độ du kích, ba lực lượng ấy đoàn kết phối hợp chặt chẽ với nhau. Tôi nhớ rất kỹ điều đó, vì đối với tôi, đó là một điều rất mới mẻ, ấn tượng sâu sắc.

Một hôm trước ngày thành lập của Đội, tôi nhận được bức thư chỉ thị của Bác viết trên mảnh giấy con, gói trong bao thuốc lá. Và hai ngày sau, theo đúng chỉ thị, Đội Tuyên truyền đã lập được hai chiến công đầu tiên: chiến thắng Phay-khắt và Nà-ngần. Báo Việt Lập đăng luôn thông cáo chiến thắng đầu tiên. Đồng thời, Liên tỉnh ủy kêu gọi nhân dân mở rộng phong trào ủng hộ bộ đội về mọi mặt. Ảnh hưởng của Đội lan rất nhanh. Nhân dân hết sức phấn khởi. Những phần tử lừng chừng ngả theo cách mạng. Bọn Việt gian tỏ ra sợ hãi, địch đi lùng cũng dè dặt hơn. Nhiều cơ sở được khôi phục và mở rộng nhanh chóng. Phong trào lên mạnh. Nhân dân ủng hộ bộ đội lương thực rất nhiều, quà bánh từng gánh, có nơi ủng hộ cả trâu, bò, lợn, nào thơ TT, nào gạo TT, nào quỹ ủng hộ TT để mua vũ khí (TT là bí danh viết tắt của Đội). Trong thanh niên, xuất hiện phong trào rầm rộ tham gia Đội quân giải phóng, yêu cầu “đi Giải phóng”.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #58 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 11:55:12 am »

Từ Phay-khắt, Nà-ngần, Đội Tuyên truyền Giải phóng quân tiến thằng về khu Thiện Thuật để phát triển thành các đại đội. Các chiến sĩ bổ sung chọn trong các đội vũ trang địa phương được tập trung rất nhanh. Nhiều nơi các đội vũ trang đó đang phát triển thành trung đội. Số súng cướp được của địch một phần đem phân phối cho các đội địa phương. Anh em rất thích. Độ ấy, được trang bị thêm hai, ba khấu súng khai hậu hay giáp năm cũng đã làm cho anh em rất phấn khởi. Các địa phương nỗ lực chuẩn bị công tác chiến trường và yêu cầu chủ lực về đánh địch.

Sau  khi đã phát triển thành đại đội, chúng tôi để lại một bộ phận làm võ trang tuyên truyền ở Kim-mã, Tĩnh-túc, và núi Phi-a-uắc, còn đại bộ phận kéo lên hoạt động ở vùng Đồng Mu Bảo-lạc, giáp biên giới Trung – Việt để đánh lạc hướng quân địch, rồi bí mật kéo về giáp giới Cao-bằng, Bắc-cạn. Dự định thừa cơ phong trào lên sẽ tiến về phía Nam. Dọc đường từ biên giới về, nhân dân đón tiếp hết sức nồng nhiệt. Có nhiều nơi cách đồn địch chỉ hai ba cây số, đồng bào ngang nhiên đốt đuốc đi đón bộ đội. Bấy giờ đã gần Tết; có nơi thanh niên nam nữ dọn bàn ghế cạnh đường bày cỗ, đợi bộ đội suốt đêm để khao quân. Lúc về đến tổng Hoàng Hoa Thám, chúng tôi thấy nhân dân đã chuẩn bị đầy đủ để đón bộ đội, đã cất nhà lá ở trong rừng có thể trú được cả đại đội, lại có cả bãi tập và nhiều lương thực bánh trái. Đồng bào sinh hoạt rất nghèo khổ, thế mà lại hết sức ủng hộ quân đội cách mạng không tiếc một thứ gì. Trong ba ngày Tết, nhiều anh chị em thanh niên, nhiều cụ phụ lão bỏ nhà lên ăn Tết với bộ đội. Ngẫm lại không biết lấy gì để đền đáp công ơn của nhân dân.

Chính lúc đó, các đường liên lạc về Thái-nguyên bị khủng bố bị đứt quãng đã được các tổ chức xung phong nối lại. Chúng tôi chuẩn bị gấp rút để xuất phát về Nam. Anh Tống và anh Vũ Anh vào đến tận khu  rừng Trần Hưng Đạo để thăm bộ đội và bàn kế hoạch Nam tiến. Hai anh vừa chia tay trở ra thì cuộc đảo chính 9-3 nổ ra. Tình hình biến chuyển càng thuận lợi. Đội Tuyên truyền Việt-nam Giải phóng quân từ trong rừng sâu ban ngày kéo quân xuống cánh đồng Kim-mã, cờ đỏ sao vàng đã được nêu cao khắp các bản làng, đồng bào mừng rỡ khôn xiết. Tôi nhớ mãi quang cảnh ngày hôm đó. Vòm trời xanh biếc cao lồng lộng. Người và cây cỏ đều tươi sáng hẳn lên. Hương vị đầu tiên của đất nước độc lập tràn ngập tâm hồn của mọi người.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #59 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 12:20:02 pm »

Ở Cao – Bắc – Lạng, cơ quan lãnh đạo của Đảng đã kịp thời ra chỉ thị thành lập chính quyền nhân dân ở nông thôn, phát động chiến tranh du kích, mở rộng bộ đội. Ngay sau khi Nhật đảo chính, khoang mười lăm đến hai mươi đại đội mới của Giải phóng quân liên tiếp được thành lập ở Sóc-giang, Cao-bằng, Bảo-lạc, Nguyên-binh, Thất-khê. Đâu đâu cũng có những cuộc tuyển binh sĩ mở rộng Giải phóng quân, ở gần Nước-hai, trong cuộc tuyển binh, có đến ba nghìn thanh niên tình nguyện tòng quân. Nông thôn Cao – Bắc – Lạng đã biến thành một địa phương giải phóng.

Chính trong lúc ấy, tại trung tâm Bắc-sơn, Vũ-nhai, ở mạn Thái-nguyên, Tuyên-quang, Cứu quốc quân cũng nổi dậy đánh du kích, thành lập chính quyền cách mạng mở rộng lực lượng vũ trang. Chẳng bao lâu, các đơn vị của Cứu quốc quân và của Giải phóng quân gặp nhau. Rồi hội nghị quân sự Bắc-kỳ họp ở Hiệp-hòa quyết định thống nhất các lực lượng võ trang cách mạng lấy tên là Việt-nam Giải phóng quân. Rồi khu Giải phóng được thành lập gồm các tỉnh Cao-bằng, Bắc-cạn, Lạng-sơn, Hà-giang, Thái-nguyên, Tuyên-quang và một phần tỉnh Bắc-giang, Vĩnh-yên.

Tình hình biến chuyển mau lẹ. Phong trào kháng Nhật cứu nước dâng lên cuồn cuộn. Rồi Hội nghị toàn quốc của Đảng, và Đại hội đại biểu toàn quốc họp ở Tân-trào. Rồi Nhật đầu hàng, Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Nước Việt-nam Dân Chủ Cộng-hòa ra đời.

Nhìn lại quá trình hình thành các đơn vị tiền thân của quân đội ta, từ các đội Cứu quốc quân, Việt-nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội du kích Ba-tơ, và cho đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám, trong khi hàng triệu quần chúng đứng dậy cướp chính quyền, biết bao nhiêu đơn vị Giải phóng quân từ Nam chí Bắc đã xuất hiện từ trong quần chúng, từ các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu của nhân dân, rõ ràng quân đội đã sinh ra và lên lên trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ những ngày đầu, nó đã được Đảng lãnh đạo, được nhân dân nuôi dưỡng, ủng hộ. Và cũng chính vì vậy mà nó đã trưởng thành nhanh chóng, đã lập nên những sự tích anh hùng trong kháng chiến, góp phần cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng vĩ đại của dân tộc. Chính vì vậy mà trong khi Cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, quân đội ta nhất định làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nó: bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.

Có thể nói rằng: có nhân dân, có Đảng, có Hồ Chủ tịch thì mới có quân đội nhân dân ngày nay. Quân đội ta là một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Đồng chí VÕ NGUYÊN GIÁP kể
Trần Cư ghi
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM