Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:50:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhân dân ta rất anh hùng - Nhà xuất bản Văn học - 1976  (Đọc 38772 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #20 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2010, 07:03:09 pm »

Mấy ngày liền, cảnh sát, sen đầm ra ga, bắt hành khác trật mũ nón, khăn quàng cổ ra xem. Đầu trọc, cổ bị thương, hình tích của tôi với Cương thật dễ nhận. Nhưng chúng không mà không ngoan. Chúng chỉ khám hành khách xuống xe mà không khám hành khác lên xe.

Tôi ngồi xe lửa, đến ga Yên-viên thì nhảy xuống rồi cứ tắt cánh đồng mà đi, sang đến Ngặt-kéo, nghỉ ăn cơm. Có chiếc xe ô-tô hàng chạy qua, Tôi vẫy lại, đáp xuống Quán Gỏi rồi đi bộ về Thanh-miện.

Khi tôi còn nằm ở nhà pha Hải-dương, anh em tù thường phạm mến tôi lắm, có bác Cựu Tần, cùng ở nhà lao với tôi bấy giờ, là người đồng huyện, cứ thường bảo tôi:

- Bao giờ bác ra, có về thăm nhà, em mời bác thế nào cũng lại nhà em chơi nhé.

Tôi không ngờ lại có dịp đáp lại sự mời mọc chí tình của người bạn nhà tù. Tối khuya, tôi đến nơi, Cựu Tần đón tôi rất thân thiết. Đêm khuya, nằm với nhau, tôi nói thật tình cảnh của tôi cho bác ta nghe. Lúc hoạn nạn mới thật biết lòng nhau. Cựu Tần rất tốt, lo giấu tôi rất chu đáo.

Bác đưa tôi sang ấp Dọn, gửi nhà một người tá điền tên là Tư Hợi, nói là anh em bị nạn, nhờ Tư Hợi là bạn thân cho ở độ. Bác Tư Hợi đồng ý ngay. Ít lâu sau, Cựu Tần nói thật với nhà Tư Hợi rằng tôi là cán bộ hoạt động, vợ chồng Tư Hợi vẫn không sợ hãi gì. Khổ một nỗi, nhà bác nghèo quá, nuôi vợ con chẳng đủ, lại còn phải nuôi thêm miệng tôi nữa, cảnh nhà thật lúng túng!

Tôi khó nghĩ quá, nói với ông bà Tư Hợi:

- Ông bà cảnh nhà nghèo túng. Thêm tôi lại túng thêm ra. Xin phép ông bà cho tôi mai đi sớm.

- Ông chớ đi đâu, nó bắt thì uổng. Ông cứ ở lại đây với vợ chồng nhà cháu, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Bà con nông dân chưa được giác ngộ đã tốt bụng như thế đấy. Tôi càng có lòng tin sâu sắc ở quần chúng. Ngẫm lại, thấy người tốt thì nhiều, người phản phúc ít lắm. Ông Tư Hợi, sau khi tôi bị bắt lại, cũng bị bắt giam một dạo, cửa nát nhà tan, phiêu bạt lên đất Vĩnh-yên, đến kháng chiến lại chứa anh em cán bộ địch hậu của ta. Hòa bình rồi, ông bà về chơi Hà-nội, có đến thăm tôi. Bà Tư còn nhớ chuyện cũ, bảo tôi:

- Hồi bác ở nhà chúng tôi, vợ chồng tôi cứ bảo nhau: quái, cái nhà ông này rõ ràng, không phải con nhà làm ruộng mà khỏe thật lực.

Lúc đầu, về ở nhà ông bà Tư Hợi, tôi còn chưa biết ăn làm. Người ở trong tù ra, trắng như bột, cứ phải nói dối hàng xóm là đi phu Nam-kỳ về bị ngã nước. Ra đồng, đùi trắng lòm lốp, cứ phải lấy bùn mà bôi đắp đến bẹn. Chỉ mấy tháng làm ruộng, người đen thủi ra, nước da bóng lộn, làm đồng khỏe lắm. Gánh gồng, phân tro, phạt bờ, cuốc góc, đập lúa, mò cua, bắt ốc, đánh dậm, đủ cả, việc gì cũng làm được. Nhổ mạ, lúc đầu chẳng biết bó thế nào, sau nhổ nhanh gấp đôi, gấp rưỡi bà con. Vụ trước, vụ sau đã biết cầm bừa. Đang võ vẽ học cày thì bị bắt.

Tôi ở ấp Dọn ít lâu thì gây cơ sở, ra báo Công nông, tự viết, tự in, gửi đi các nơi, gửi cả ra Phòng chuyển cho anh em làm tàu biển. Anh em làm tàu nhận được báo, có gửi tiền về ủng hộ. Tôi nhớ hồi ấy cấp dọn có một chú thanh niên công giáo, được tôi tuyên truyền, thường lên chợ Sặt mua mực, mua giấy, mua thạch về cho tôi. Tuy còn ít tuổi, chú giúp việc cho tôi rất chăm chỉ và không để lộ bí mật bao giờ.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Năm, 2010, 07:24:08 pm gửi bởi DesantnhikVDV » Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2010, 07:44:11 pm »

Khi tôi bị bắt, cả hàng ấp rất tốt, không ai chịu nói cho Tây biết những người thường liên lạc với tôi. Bà con nông dân bấy giờ, giáo cũng như lương, tuy chưa hiểu thật rõ cánh mạng, nhưng oán ghét Tây, oán ghét sự bất công và sẵn lòng che chở cho cán bộ cách mạng.

Tôi bị đế quốc bắt lại, kết một án khổ sai chung thân lần nữa.

*
* *

Mang hai cái án chung thân trên người, tôi không chịu để đời mình mọt với gong cùm của đế quốc.

Tôi bị phát vãng đi Sơn-la cùng lớp với anh Trường-Chinh. Khi các anh được về, tôi nói với anh em về dưới này rồi, thì đặt mối liên lạc tổ chức cho tôi ra. Anh em bị cuốn vào phong trào sôi nổi Mặt trận dân chủ bấy giờ, bận trăm công nghìn việc, vả lại đường xá xa xôi, liên lạc khó khăn nên đã không thể làm theo yêu cầu của tôi được.

Tôi ở lại Sơn-la có một mình với bốn người Quốc dân đảng. Trong bốn người đó, ba anh sau này giác ngộ cộng sản và tham gia chiến đấu trong hàng ngũ chúng ta. Mấy năm trời, tôi với mấy anh em ấy lủi thủi bảo nhau học.

Anh em đồng chí ra về hoạt động vẫn nghĩ đến tôi. Tết năm 1937, gửi quà lên cho tôi to lắm. Rồi gửi báo của ta lên cho tôi xem. Báo gửi lên qua địa chỉ anh thợ điện cảm tình Đảng ở Sơn-la. Hai anh nhận được báo, công phu lắm mới chuyển được cho tôi: Hai anh bỏ báo vào một hộp bánh bích quy sơn sắc ín, chon ở chân cầu Giảng Bản, ngay đầu thị trấn Sơn-la. Tuần lễ hai lần, tôi được ra suối tắm đến chân cầu Giảng Bản giả vờ đi đồng, bới đất đào lên lấy báo rồi đặt lại hộp bích quy và chỗ cũ. Cứ như thế suốt ba năm trời, tôi nhận được đều hết báo Tin tức đến báo Đời nay, hết tờ này chết đi anh em lại gửi cho tờ khác. Nhờ được đọc báo, tôi luôn luôn được cảm thấy, dù ở giữa cảnh lẻ loi trong tù, mình vẫn được gắn liền với Đảng, nghe thấy hơi thở của phong trào mỗi ngày một lớn mạnh bồng bột. Quả nhờ có báo anh em gửi lên, tôi nuôi dưỡng được tinh thần phấn đấu, thắng được tư tưởng bi quan đôi khi nhoi lên trong cảnh đi đày cô đơn nơi rừng xanh nước độc.

Sang năm 1937 thì có đám anh Hoàng Đình Rong và anh Bùi Bảo Vân ở phong trào Cao-bằng bị đưa lên Sơn-la ở một năm rồi về. Đầu năm 1940 đám ma anh Liệu, anh Xuân Thủy lên. Giữa năm 1940 thì anh Tô Hiệu lên. Rồi hết lớp này đến lớp khác, bên cạnh những anh em cũ lại có thêm nhiều anh em mới bị bắt đưa lên.

Từ khi có anh Tô Hiệu lên, Chi bộ nhà tù thành lập, chúng tôi đã bàn đến vấn đề tổ chức vượt ngục. Công việc chuẩn bị đặt ra từ đấy. Nào gây cơ sở trong đồng bào và anh em thanh niên người Thái. Nào chuẩn bị thuốc, tiền, quần áo, và nhất là thẻ thuế thân. Có anh em  phán ký tòa sứ cảm tình với cách mạng, cung cấp cho chúng tôi những tấm thẻ mới nguyên. Thiếu con triện, chúng tôi mượn thẻ cũ “can-ke”, vẽ dấu triện giả.

Vào mùa hè năm 1943, ở trước tình hình ngoài phong trào Việt Minh đang lên mạnh, Đảng cần cán bộ, chi bộ nhà tù quyết định cho anh Ninh, anh Trân, anh Hiểu và tôi vượt ngục.

Câu chuyện vượt ngục Sơn-la của anh  em chúng tôi, anh Trần Đăng Ninh đã tả kỹ trong cuốn “Hai lần vượt ngục” của anh. Nghĩ đến chuyến vượt ngục ấy, lòng chúng tôi thương nhớ không bao giờ nguôi anh Giá, người đồng chí thanh niên dân tộc Thái đã dẫn đường cho chúng tôi trốn khỏi đất Sơn-la, sau khi làm xong nhiệm vụ trở về đã bị đế quốc lung bắt được và đem xử bắn. Anh được anh Hoàn giác ngộ, là một trong những người thanh niên cứu quốc người Thái đầu tiên. Nhiều anh  em người Thái được anh em nhà tù Sơn-la dìu dắt, cùng với anh, sau này trở nên những cán bộ tốt của phong trào, trong cuộc chiến đấu giải phóng Tây Bắc sau này và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Tây Bắc hiện nay.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #22 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 12:57:08 pm »

Từ Sơn-la, chúng tôi băng đường rừng đến Tạ-khoa, tính vượt sông Đà về Phú-thọ, bắt liên lạc với khu du kích Thái Nguyên. Bị mưa lũ cản đường, chúng tôi phải từ sông Đà, rẽ rừng ra đường 41. Anh Trân, anh Hiểu, mặc giả con trai người Thai và tôi thì đóng vai lái buôn đi sau. Hai chúng tôi ra đến đường cái đã thấy ngay cả bộ máy của đế quốc huy động đi lung bắt mình. Hết chạm trán với tên châu Yên-châu lại đụng phải tên Mộc-châu. Vậy mà cứ đường lớn mà đi, tối đến vào hắn nhà quản bản, quản tuần xin ngủ, nhiều phen tưởng khốn, chỉ nhờ điềm tĩnh mà thoát được.

Trải qua gian nan lắm trận, chừng non một tháng sau, anh Ninh với tôi đã về gặp được anh Hoàng Văn Thụ tại làng Vạn-phúc, Hà-đông, nói chuyện với nhau một đêm. Nghe chuyện phong trào, lòng càng phấn chấn. Rồi từ Vạn-phúc, anh Ninh với tôi lại sang Mỗ, qua Cót, lên Bưởi, ra đê sông Hồng. Lại qua bến đò Từ-tổng. Hơn mười năm trước đây, khi tôi cùng anh Cương trốn khỏi nhà thương Phủ-doãn, chúng tôi cũng xuống đò này ngược sông Hồng, bấy giờ phong trào còn như đêm sương mù mịt. Giờ đâyy thì khắp nơi cách mạng đã bồng bột như sức con trai đang lớn rồi… Theo đồng chí phục trách công tác đội của Trung ương, đồng chí đó là đồng chí Bạch Thành Phong, chúng tôi sang sông, gặp anh Trường Chinh ngồi đón chúng tôi ở giữa cánh đồng. Tôi ở lại làm việc với anh Trường Chinh còn anh Ninh thì sang Bắc gặp anh Hoàng Quốc Việt.

Anh Trường Chinh bố trí tôi về ở làng Trài (Võng-la) đối diện với làng Chèm và hẹn sẽ cho người liên lạc sau. Để đảm bảo an toàn người của Đảng bố trí đến ở, đồng chí cơ sở làng Trài nhốt tôi vào buồng suốt ngày, đêm mới cho ra sân quanh quẩn một lát. Đồng chí ấy có ý thức bảo mật tốt, song lại vì đối xử quá trọng đối với người cán bộ của Đảng mà lần ấy đã làm tôi suýt bị lộ.

Tôi đang chờ liên lạc từ chỗ anh Trường Chinh đến đón tôi thì nhà chỉ hôm ấy mời một anh cử nhân làng Đông-ngạc về nhà để nhờ đề chủ vào bài vị. Anh cử nhân làng Vẽ ấy có họ với lão lý trưởng làng Trài này. Chủ nhà thết cơm anh cử nhân, lại mời luôn cả lão lý trưởng đến ăn.

Đồng chí chủ nhà vừa dọn cơm cho khách, lại vừa mang thức ăn cho tôi. Tôi nói thế nào anh cũng không để tôi ăn sau khách. Thấy anh cứ thì thọt ra vào trong buồng, bưng đi bưng lại, tên lý trưởng sinh nghi. Sắp ăn, hắn đi quanh buồng tôi nghe ngóng. Tôi mở hòm ra, chui tọt vào trong đó nằm. Vừa vặn sau đó anh con rể của gia đình, vốn không phải là người tốt, đi thẳng vào buồng tôi.

Có thể lộ mất rồi. Đồng chí chủ nhà bố trí cho tôi sang cơ sở khác. Đến chỗ hẹn để có người đón đi đợi mãi không ai đến đón. Chỗ ấy là một gốc cây gạo. Trẻ em chăn trâu, thấy tôi lạ mặt, xúm lại hỏi:

- Ông chờ đón ai thế hở ông?

Đợi đến tối mịt không thấy ai đến gặp mình, phải chuồn thôi. Và tôi sang sông, lên Chèm, tôi đi thẳng về Hà-nội.

*
* *

Tôi vào thẳng Hà-nội đến nhà anh V, mà tôi đã gặp ở Sơn-la năm 1940. Anh bị bắt với những anh em làm báo Tân xã hội hồi công khai, hết án được về trước.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #23 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 07:43:26 pm »

Nhà anh lúc ấy ở phố Nhà Rượu. Anh bảo tôi cứ ở lại nhà anh, đợi gặp anh Văn Tiến Dũng, thường mặc giả nhà sư đến nhà anh bắt liên lạc luôn.

Gần một tháng qua, không thấy anh Dũng đến. Tôi lại bỏ Hà-nội, về nhà cơ sở đầu tiên tôi đã đến ở sau khi ở Sơn-la về. Nhà hai an hem đồng chí ở xóm Yên-thành, xã Mai-lĩnh nghèo hết chỗ nói: cơm bốn phần ngô, một phần gạo. Thức ăn lạt rau, lá bí chấm muôi. Rét đến cái chiếu rách không có. Lúc ấy, thật chỉ những bà con nghèo như thế mới dám chứa mình. Hai đồng chí cũng đều tốt, cả ông cụ, bà cụ và vợ con hai đồng chí đã chết hết vào năm đói. Hai đồng chí cũng đều hy sinh trong kháng chiến sau này.

Ở Mai-lĩnh, tôi bắt mối lại được với Trung ương.

Gặp lại anh Trường Chinh và gặp anh Việt, tôi thấy, tôi thấy hai anh nét mặt đau buồn. Hai anh cho tôi biết tin: anh Thụ đã bị bắt. Nghĩ đến anh Thụ, cả mấy anh em đều bùi ngùi, ngẩn ngơ, buồn tiếc.

Thời gian qua, địch khủng bố rất dữ. Thảo nào mà việc liên lạc của tôi với Đảng gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

Anh Trường Chinh và anh Việt phân công tôi phụ trách dân vận một bộ phận an toàn khu, phụ trách binh vận và phụ trách tài chính. Nhận nhiệm vụ công tác tài chính của Đảng, tôi hỏi hai anh: quỹ Đảng ta còn bao nhiêu tiền?

Anh Trường Chinh trả lời:

- Tất cả còn hai mươi bốn đồng.

Bấy giờ vào cuối năm 1943, đầu năm 1944, phong trào cứu quốc đang lên mạnh, chi tiêu của Đảng mỗi ngày một nhiều. Nhất là công tác tuyên truyền của Đảng, của Việt Minh đòi hỏi mỗi ngày một nhiều vật liệu, mực, nhất là giấy. Cơ quan in cả báo Cờ giải phóng lẫn báo Cứu quốc bấy giờ do anh Khiêm phụ trách, chỉ có độc một hòn đá mà thôi. Tiền không phải cái quyết định song có tiền thì có thêm sức mạnh cho phong trào.

Tôi nhớ anh V. có nhắn tôi một câu chuyện mà tôi không để ý lắm: có một bạn cảm tình Đảng nghe tiếng Sao đỏ đã vượt ngục, nhờ anh V. chuyển biếu một số tiền, một số vải may quần áo và khuyên tôi nên đi trốn sang Trung-quốc.

Tôi đề nghị anh V. tổ chức cho tôi gặp bạn đó ngay giữa Hà-nội. Người bạn cảm tình Đảng đưa tôi một vạn đồng ủng hộ quỹ Đảng và sau đó còn tiếp tục gửi thêm nữa. Người bạn này bây giờ đang công tác ở một cơ quan Nhà nước mà tôi vẫn thường gặp luôn. Đối với những người có lòng sốt sắng với cách mạng như thế, Đảng không bao giờ quên.

Có số tiền đó, việc đầu tiên là thiết bị thêm cho các cơ quan in mua thêm đá, mua cả chữ đúc, mua giấy tốt chợ đen, in truyền đơn các loại, in truyền đơn chữ Pháp, in những số báo đặc biệt. Một phần tiền nữa thì tôi tổ chức buôn, làm tài chính cho Đảng. Tôi từ làng Thượng-cát chỉ huy các mối buôn, thôi thì buôn đủ thứ, buôn gạo, buôn khô dầu, buôn dầu ve, dầu trẩu, buôn bè, buôn mật Mai-lĩnh bán vào Hà-nội, buôn gỗ chai làm lược bán về dưới chợ Bằng.

Cuối năm 1944, đi đến đâu cũng thấy đói. Cán bộ đến nhà dân, đều đưa tiền ăn vì nhà đồng bào bấy giờ đang túng thiếu đến cùng cực. Tôi về Liên-mạc, ở nhà một quần chúng cơ sở, lúc ấy là trung nông, mà ngày hai bữa phải ăn rau khùng khỉu giả làm bánh khúc, ăn cơm độn ngô, độn khoai rồi cả cháo cám. Tôi còn nhớ lúc ấy anh chị em cán bộ vùng Nam-định, Thái-bình xin Trung ương trợ cấp cho sinh hoạt phí, không dám xin Trung ương cho tiền ăn gạo, chỉ xin Trung ương cho tiền ăn cháo cám.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #24 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2010, 08:11:00 pm »

Sau khi nhận công tác tài chính, tôi đề nghị với Trung ương và Tổng bộ Việt Minh phát hành tín phiếu. Trung ương và Tổng bộ đã đồng ý. Tín phiếu in ở cơ quan in của Đảng, lúc ấy anh Hoàng đã nghĩ ra cách in bằng trục xe đạp. Tín phiếu có in hàng chữ “Tổ quốc ghi công” bằng chữ đỏ. Dưới hàng chữ ấy, là sáu chữ “Độc lập, tự do, hạnh phúc”. Tôi được ký vào tín phiếu, lấy bí danh Triệu Vân. Tên Triệu Vân là do một sự liên tưởng. Cụ Đinh Chương Dương lấy bí danh là Triệu Phong, tên một huyện ở Quảng-trị. Tôi liên tưởng mà đặt bí danh cho mình là Triệu Vân. Còn con dấu Tổng bộ Việt Minh in lên tín phiếu là con con dấu bằng đồng. Ai làm con dấu ấy? Tôi đã hỏi nhiều đồng chí, không ai biết được người thợ vô danh ấy là ai.

Tín phiếu Việt Minh được đồng bào các tầng lớp nhiệt liệt hoan nghênh (bọn Quốc dân đảng, bọn Phục quốc thấy thế giả làm tín phiếu của ta đề làm tiền). Tín phiếu đã góp một phần nhất định vào công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 của toàn Đảng, toàn dân ta.

Trong Đảng, bấy giờ, chúng tôi đề ra kỷ luật tài chính rất nghiêm. Ba chúng tôi, anh Trường Chinh, anh Việt và tôi, mỗi lần họp đều có tiến hành kiểm tra tài chính của nhau. Một xu đò, một trinh nước cũng phải ghi vào mảnh giấy dài như chiếc bùa, vê lại giấu trong người. Chi tiêu mọi khoản thanh toán xong, lại kiểm lại tiền mặt còn trong túi. Trừ anh em ở cơ quan in vì lao động nhiều, có tiêu chuẩn riêng, có tiền tiêu vặt, còn ai cũng chỉ được cấp tiền ăn ngày hai bữa tối thiểu.

Bấy giờ anh Thụ đã mất, anh Trường Chinh ở vùng Phúc-yên, anh Việt ở vùng Bắc Ninh, Hưng-yên, tôi ở vùng Hà-đông. Chúng tôi thường họp nhau ở nhà anh Hợi bên kia sông Hồng, ngay trong bếp nhà anh, họp khuya quá thì ngủ lăn ngay trong bếp. Có khi thì ra họp ngoài cái lều của một anh Nông dân cứu quốc. Đêm tháng chạp, nằm ngủ không chăn, không chiếu, phải lấy lá tre rải làm đệm. Gai đâm vào người đến đâu thì lại lấy tay vặt gai vứt đi đến đấy.

Sau chúng tôi lại gây cơ sở được ở một ngôi chùa tôi quên mất tên, họp nhiều lần ở đấy. Họp ở chùa lạnh quá. Đêm mệt, anh em nằm úp thìa vào với nhau mà ngủ. Sáng sớm ngủ dậy, lại họp. Chùa làng Đồng-ky, chúng tôi cũng thường hay về họp ở đấy. Ông sư và bà hộ đều rất tốt, coi chúng tôi như người nhà. Trước ăn cơm phải trả tiền, sau ông sư bảo chùa đã khá rồi, nhất định không lấy tiền. Ăn thì vẫn ăn độn nhưng ăn cơm đã có tương. Tôi nhớ họp ở chùa Đồng-ky nhiều lần lắm. Một đêm, đang họp thường vụ Trung ương mở rộng, anh  em đông, trương tuần đến hỏi:

- Nhà chùa sao chứa lắm người lạ mặt thế này?

Nhà sư bình tĩnh nhận tất cả chúng tôi là người làng ở dưới vùng Nam đói kéo lên đây tìm kiếm công việc. Tên trương tuần vẫn không chịu đi. Họp như thế là bị động rồi, tất cả anh em trốn ra vườn, chui qua rào lần về Đình-bảng họp.

Đêm hôm ấy đúng là đêm mùng 9 tháng 3, bên Hà-nội súng nổ đì đoàng. Từ cuộc hội nghị long đong ấy đã đẻ ra chỉ thị về Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của ta.

*
* *

Rồi đến đầu tháng Tám năm 1945, chúng tôi lên chiến khu Việt Bắc họp Hội nghị Trung ương Đảng và Quốc dân đại hội Tân-trào. Tôi lại được gặp Bác.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2010, 12:49:30 am »

Trong những ngày lịch sử ấy, Bác ở một căn nhà nhỏ ở ngay chân đèo Re. Chúng tôi ở xóm Cây Đa, tối tối thường sang bên Bác rất gần. Có một lần, nhân ngồi nói chuyện, Bác nhìn tôi và nói:

- Trong chú so với ngày ở Trung-quốc già đi nhiều nhỉ?

Tôi hỏi lại Bác:

- Bác còn nhớ tôi cơ ạ?

- Nhớ chứ, quên sao được.

- Thưa Bác, trông Bác cũng già đi nhiều.

Bấy giờ, Bác không được khỏe, người vừa ốm dậy, gầy và xanh. Tôi nghĩ đến lần đầu tiên tôi được gặp bác ở gần Quảng-châu, chả mấy chốc mà đã hai mươi năm trời!

Quốc dân đại hội Tân-trào bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng. Tôi còn nhớ sau khi bầu xong, tất cả các vị trong Ủy ban đứng ra trước dinh Tân-trào làm lễ tuyên thệ. Chính Bác thân đọc lời thề đó. Đối với mỗi ủy viên chúng tôi, giờ phút đó thật vô cùng thiêng liêng. Ai nấy cảm thấy từ đây cách mạng bước sang hẳn một giai đoạn mới. Một đơn vị vũ trang của ta nổ ba loại súng vang khắp núi rừng, chào mừng sự kiện lịch sử của dân tộc. Về đến Hà-nội, Ủy ban dân tộc giải phóng mở rộng và đổi thành Chính phủ cách mạng lâm thời đầu tiên của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Được sự đồng ý của Trung ương và Bác, tôi xin rút ra khỏi chính phủ để chuyển làm công tác mặt trận và công tác tài chính của Đảng.

Sau khi cùng anh Trần Huy Liệu và anh Cù Huy Cận vào Huế, thay mặt Chính phủ lâm thời nhận cho Bảo Đại thoái vị, tôi về đến Hà-nội lại được phân công di theo bên cạnh Bác để trong nom sức khỏe của Bác. Thời kỳ ấy, công việc bề bộn, Bác rất bận. Ngày mùng 2 tháng 9 đọc Tuyên ngôn độc lập xong ở vườn hoa Ba-đình, Bác về ngay Bắc bộ phủ làm việc đến đêm, người ra người vào xin chỉ thị, không lúc nào ngớt. Ở Bắc bộ phủ đến giờ ăn cơm, Bác xuống ăn với anh em cán bộ, nhân viên. Anh em cấp dưỡng ở Bắc bộ phủ cứ thổi một nồi cơm to, thức ăn thường là cá mè kho, cán bộ, nhân viên chia nhau cùng ăn. Tối đến, tôi lại đi đón Bác về ở số 8 Lê Thái Tổ.

Rồi đến bao nhiêu khó khăn đổ xô tới. Giặc Pháp khởi hấn ở miền Nam. Quân đội Tưởng Giới Thạch lấy cớ giải giáp quân Nhật, tiến vào Bắc-bộ. Bác không còn lạ gì bọn Quốc dân đảng Trung-quốc. Ngay sau khi nghe tin chúng sắp kéo sang, Bác đã biết trước nó sang là dắt theo bọn phản cách mạng đủ các hạng về phá mình. Bác bảo:

- Chính sách của ta đối với chúng nó, là chính sách Câu Tiễn.

Và trong những ngày chính quyền nhân dân con trong trứng nước, khó khăn không nói sao cho hết, Bác cùng Trung ương đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, dựa vào lòng yêu nước sáng suốt và sức mạnh đoàn kết vô địch của nhân dân đấu tranh không khéo trừ hết được kẻ thù này đến kẻ thù khác. Trong những giờ phút hết sức hiểm nghèo ấy, không những Bác phải lo nghĩ đêm ngày mà chính Bác đã phải thân hành đối phó hàng ngày với bọn phản động Quốc dân đảng Trung-quốc. Lực lượng của nhân dân ta đã thắng và óc minh mẫn của lãnh tụ đã lái con thuyền cách mạng ra khỏi bao nhiêu thác ghềnh.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #26 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2010, 07:05:38 pm »

Trong những ngày gay go ấy, thường tối đến, tôi đón Bác ra ngoại thành ngủ. (Nhà nghỉ đêm của Bác lúc ấy là một căn nhà ở trên đê La-thành, giữa dốc Ngọc-hà và chợ Bưởi. Ngày mới về Hà-nội, tôi có ra tìm lại căn nhà đó, không thấy dấu vết: Căn nhà đã bị chiến tranh phá trụi, không còn để lại một dấu vết gì nữa). Bác về đến chỗ ngủ còn làm việc đến tận khuya. Sáng hôm sau, Bác đã đánh thức tôi dậy bảo về trong thành phố, bắt đầu ngày làm việc rất sớm. Trời rét căm căm, ra xe lạnh giá, Bác chỉ mặc có một bộ ka-ki màu vàng mỏng.

Từ ngày gặp Bác ở Quảng-châu, ở Thượng-hải cho đến ngày nay, nhiều lần được ở gần Bác, tôi thấy Bác cũng sinh hoạt giản dị. Tôi nhớ lầ tôi được đến chỗ làm việc của Bác ở Thượng-hải. Bấy giờ là thời tiết mùa đông, trời rét dưới độ không. Chúng tôi sinh hoạt rất là túng thiếu, thế mà vẫn phải mua than để sưởi vì rét không thể nào chịu được. Đang đi ở ngoài, có vận động nên nóng người lên, tôi bước chân vào phòng Bác, rùng mình vì lạnh:

- Đồng chí không có lò sưởi mà ngồi đượng sao?

- Mình không có lò sưởi.

- Ở thế này thì lạnh chết, đồng chí ạ.

- Mình quen rồi.

Lúc ấy, Bác đang làm việc giở, trên bàn xếp đầy những tài liệu bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài.

Quyển sách về cuộc đời của Bác mới thật là quyển sách đáng quý nhất.

*
* *

Theo yêu cầu của báo Đảng, tôi đã kể một vài mẩu chuyện về bước đường vào Đảng và theo Đảng hoạt động của tôi, cùng với mỗi anh chị em cách mạng chúng ta, nhân dịp kỷ niệm lần thứ ba mươi ngày thành lập Đảng quang vinh, ôn lại quá trình nhờ Đảng mà trưởng thành của mình.

Nghĩ đến những việc đã qua, tôi nhớ đến bao nhiêu đồng chí và anh em đã cùng nhau phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, đã dìu dắt tôi, đã giúp đỡ tôi, đã chia bùi sẻ ngọt, đã thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong những ngày gian khổ. Trong số anh em đồng chí, nhiều người hiện nay không còn nữa. Công tác của Đảng càng phát triển, càng nhớ tiếc các đồng chí đã mất.

Gần đây, tôi có lần được hỏi chuyện Bác về Cẩm Xuỳn, người dìu dắt tôi đến với cách mạng, với Bác. Bác cũng nhớ đồng chí ấy lắm, nhớ người thanh niên rất tốt bụng, rất vui vẻ, rất linh lợi. Bác bảo Bác cũng có ý hỏi thăm và tìm khắp mọi nơi mà không thấy đồng chí ấy đâu. Cả chị Cẩm Xuỳn cũng vậy. Nghe nói cả hai anh chị đều hy sinh trong phong trào công xã Quảng-châu.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể

Thép Mới ghi
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #27 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2010, 07:40:11 pm »

TRONG XÀ LIM ÁN CHÉM

CÒN SỐNG CÒN LÀM VIỆC

Khi tôi đến xà-lim án chém khám lớn Sài-gòn, xà-lim đã có ba người thường phạm cũng án xử tử. Thanh, Rỗ bị án lưu ngoài Côn-đảo, sau giết người bị lên án xử tử. Một Dậm thì can tội giết người ở Gia-định.

Tôi vào, họ biết tôi là tù chính trị. Ngay từ phút đầu đã cảm tình với tôi. Họ bảo tôi: “Ngày trước ông Nhỏ ở đây. Còn quyển Kiều của ông Nhỏ đó”. Trong xà-lim án chém, tù thường và cả ma tà, gác-điêng đều kính phục gọi Lý Tự Trọng là ông Nhỏ.

Anh Trọng đã ở đây ư? Góc xà-lim có mấy tờ sách in khổ nhỏ, đã ngả màu vàng: mấy trang Kiều của Nguyễn Du mà anh Trọng để lại. Nhà thơ lớn của dân tộc theo con người cộng sản vào tận xà-lim án chém, đến tận giờ lên máy chém. Anh Trọng đi, còn quyển Kiều đã rách trong xà-lim án chém và tên ông Nhỏ trong lòng mấy người tù thường bị tội tử hình.

Tôi xếp mấy trang Kiều lại, thương nhớ anh Trọng không để đâu cho hết.

Hôm chúng đem anh Trọng đi hành hình, tôi còn dưới khám Mỹ-tho. Trước hôm ấy, cả khám chúng tôi đấu tranh, bỏ ăn phản đối.

Tôi bị bắt ở Mỹ-tho. Về cái “tội biểu tình có giết người, đốt phá và quấy rối trị an”. Cuộc biểu tình ấy là cuộc biểu tình 1-5 đầu tiên ban ngày ở Mỹ-tho năm 1931. Lần ấy, quần chúng bắt và xử bắn một tên hương quản rất gian ác.

Đế quốc giải tôi đi đủ các khám. Sau tòa đại hình đặc biệt xử tôi tử hình, giải tôi về xà-lim án chém. Lúc ấy tôi mới hai mươi tuổi…

Xà-lim án chém là một gian buồng hẹp, chiều ngang độ ba thước, chiều dài năm sáu thước. Ba bức tường kín và một tấm cửa sắt đóng bịt bùng. Trên một phía tường có “cửa sổ”: một miếng sắt đục lỗ li ti không đút lọt điếu thuốc lá. Xà-lim tối như bưng, suốt ngày thắp một ngọn đèn nhỏ đòng đọc. Lại nóng vô chừng; phải ở trần chuồng mới chịu được. Nằm ngay sàn xi-măng, một chân đút vào cái cùm dài suốt chiều dài xà-lim. Vài ba tháng bọn ma tà mở cùm cho đổi chân một lần. Mỗi lần tôi đổi chân thì chúng phải đóng kín tất cả các khám khác, tập trung lính tráng, ma tà, gác-điêng rầm rập đến y như là tập trận rồi mới dám vào mở khóa còng.

Trong xà-lim, không có một tí gì bằng kim khí. Bát gáo dừa, thùng gỗ đai bằng mây. Chỉ có cái bô ỉa đái là bằng tôn.

*
* *

Những thường phạm bị án tử hình cho mình đằng nào cũng chết, tuyệt vọng rồi, cho nên tính tình hung hãn đặc biệt. Động là chửi, tục tằn lỗ mãng, rất hay gây gổ làm cho mã tà mất vía. Gác-điêng phần đông là Tây Coóc (1) cũng kiềng mặt họ. Tôi nghe Thanh, Rỗ, Dậm chửi bọn này ra rả, chẳng khác gì bố chửi con. Cứ mở cửa xà-lim đưa cơm nước vào là y rằng bị chửi. Có tên gác-điêng bị cả một bô cứt lên đầu, chụp đến tận cổ. Cứt đái bê bết trên người mà cứ phải chịu đi. Nghe nói có lần một cố đạo người Pháp đến hỏi họ: “Các con muốn gì không, cha giúp?” Trong cuối xà-lim, một người ngồi dậy lễ phép: “Mời cha vào, con xin thưa ạ”. Cha vào. Thế là họ túm chặt lấy, reo lên: “Vào đây, cha vào đây, ở đây cho vui…” và nắm râu giật liên hồi.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Quê ở đảo Coóc (Corse) thuộc Pháp.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #28 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2010, 07:00:10 pm »

Tôi thấy như vậy không tốt. Bọn mã tà, gác-điêng nói với nhau: “Chấp gì bọn tù tử hình, lũ chó dại”. Tôi nghĩ có lẽ chúng cho người cộng sản bị xử tử cũng vậy cả. Nên tôi nói với Thanh, Rỗ, Dậm:

“Người ta sống là để làm việc tốt. Làm việc tốt, tiếng để về sau. Ta vào đến đây, chờ lên gươm máy mà vẫn giữ được phẩm giá cũng là để tiếng tốt về sau… Gươm máy kề ở phòng gần đây. Nhưng ta vẫn phải sống cho đúng, cho đàng hoàng, cho ra con người. Như thế bọn Tây mới phục và kính nể. Chúng mới thấy luật pháp của chúng có án xử tử cũng không đạt ý muốn của chúng.”.

Ba người lặng im nghe, tôi liền nói thẳng: “Trong cách sống, chúng tôi khác các anh. Chúng tôi làm cách mạng. Tôi đi đã lắm khám, gặp thường phạm đã nhiều, thấy thường phạm thường theo tù chính trị… Dẫu thế nào con người vẫn là con người. Con người mình đừng để bọn thực dân nó khinh. Mình chết, nó cũng không khinh được…”

Ba người bảo: “Chúng tôi hiểu. Chúng tôi cũng biết giết người là xấu. Nhưng chúng tôi bị dồn vào thế bí”.

Tôi phân tích “thế bí” của họ, mọi tỗi lỗi của xã hội chung quy là do chế độ thực dân Pháp. Mình muốn không khổ, không tội lỗi nữa thì cần lật đổ chế độ ấy, lập xã hội mới, xã hội cộng sản. Đánh chửi bọn gác này có nghĩa lý gì. Phải đánh vào cái “rễ” ấy, tức là sự người bóc lột người, người áp bức người.

Sau dần, tôi “tổ chức” xà-lim. Tôi bảo: “Giao thiệp với bọn gác mà cứ mỗi người một phách thì lung tung lắm. Ta nên cử một người thay mặt chung đứng ra giao thiệp. Thanh, Rỗ, Dậm bằng lòng và đồng thanh đề cử tôi. Từ đấy, xà-lim có trật tự, nền nếp. Sáng đến, người “nấu bếp” của chúng tôi, cũng là tù nhưng không án chém, tới hỏi ăn gì thì tôi đặt món. Không như trước đây cái tay Thanh, Rỗ, Dậm là thét lác: “Nghe đây ra chợ Bến-thành mà mua xà-lách cho tươi”. “Nghe đây mua con gà thiến thật béo, còn sống đem về đây, cho trông thấy kêu quác quác mới được giết, biết không?”.

Bọn Pháp cho tù xử tử ăn sang. Theo chúng, cho ăn sướng rồi chết. Cho nên bữa nào cũng chân giò, sườn rán, gà quay hay cơm Tây. Muốn gì, bảo một tiếng là có. Cháy cơm đem chiên mỡ thật giòn mới đưa ăn. Đúng như bên ngoài đồng chí mình nói vào xà-lim án chém là “đi ăn cơm cháy chiên mỡ bằng muỗm dừa”.

Ở gần xà-lim án chém có khám phụ nữ giam lẫn tù chính trị với tù thường. Ngồi ở cửa xà-lim, chúng tôi trông thấy chị em. Nhiều chị còn mang theo con bé. Các cháu lon ton chạy chơi trong sân lao, gầy còm nhem nhuốc trông tội lắm. Tôi bàn với anh em mỗi bữa dành một phần cho các cháu. Từ đấy, bữa nào cũng đều có một suất khá hậu cho trẻ con bên khám phụ nữ. Quen lệ. Hôm nào, cơm muộn, các cháu lại đứng xa xa ngó nhìn chúng tôi, ra ý đợi.

*
* *

Bọn ma tà, gác-điêng thấy đỡ bị chửi, bị đánh đã mon men đến của xà-lim. Biết được như thế là nhờ có tù chính trị, chúng lân la nói chuyện với tôi. Tôi cũng hỏi xem Sài-gòn phố xá ra sao, dân chúng thế nào cho đỡ buồn.

Một gác-điêng tên là A-lếch-dăng, nhận là đảng viên của Đảng xã hội hay đến nói chuyện với tôi. Một lần, hắn có vẻ suy nghĩ lắm, hỏi tôi: “Có điều tôi rất lạ, không hiểu được. Những người cộng sản lúc nào cũng vui, dù họ chờ chết. Khi họ ở ngoài thì đấu tranh rất dữ, khi vào tù thì ngó bộ đứng đắn…”.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #29 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 01:26:25 am »

Lúc nào người cộng sản cũng đứng đắn. Ở ngoài hay ở xà-lim án chém cũng thế thôi. Các anh lấy làm lạ vì các anh lầm tưởng chế độ xử tử làm chúng tôi mất lý trí, sợ hãi hóa rồ dại. Nhưng người cộng sản biết đường đi và mục đích của mình nên lúc nào cũng sáng suốt. Chế độ xử tử đem cái cuồng dại hung hãn cho người không có mục đích sống, không có lý tưởng chính trị, không có tương lai. Còn chúng tôi, chúng tôi nhận rõ tương lai của chúng tôi lắm. Tuy bị xử tử nhưng tương lai tôi là: chắc chắn các anh không còn mà chúng tôi thì độc lập, chủ nghĩa cộng sản thực hiện ở đất nước tôi. Chúng tôi biết rằng làm cách mạng chống chế độ các anh là không tránh khỏi tù hoặc chết. Giữa chúng ta phải một mất một còn. Vì thế vào đây, tôi không lạ.

Bọn ma tà, gác-điêng nói với nhau: “Cộng sản vẫn đứng đắn. Họ không phải đòi hỏi cái tẹp nhẹp. Họ có cái lớn của họ”. A-lếch-dăng sau ra làm gác-điêng ở Côn-đảo lại gặp tôi. Hắn ta không đánh một ai nữa, hễ nghe ra-đi-ô có tìn gì thì báo cho tôi biết.

Có hôm, tôi nói chơi với tụi nó: “Chế độ xử tử của các anh tàn bạo, khủng khiếp quá… Khủng khiếp cho cả các anh, vì các anh đặt ra nó mà không điều khiển nổi nó. Các anh bị thường phạm chửi đánh. Nhưng xử tử đối với người cộng sản không có tác dụng gì hết. Chúng tôi cải tạo cả “chế độ khủng khiếp” ấy cho các anh. Các anh phải cảm ơn chúng tôi nhiều lắm”.

Chúng nói gỡ sĩ diện: “Ờ, bọn thường phạm, lũ chó điên, xá gì!”. Ài ngờ trong xà-lim có người, không nhớ là Thanh hay Rỗ, hiểu tiếng Tây bồi, anh ta ngồi phắt dậy:

“A,… bảo ai “siêng-răng-a-dê” (chó điên)… Mẹ mày chứ, Để cho nó một bô”.

Tôi vội can ngay. Còn tên gác-điêng cũng vội vàng chuồn thẳng… Nom nó khiếp ra mặt.

*
* *

Trong xà-lim chúng tôi làm bài xi, làm xúc xắc đánh chơi. Bài bằng giấy bồi cũ bồi lại rồi vẽ. Xúc xắc thì lấy ruột bánh mỳ nặn thật nhẵn. Hút thuốc lá dí vào tường, cho hắc ín chảy ra để chấm số đen. Chữ số đỏ thì lấy vỏ bao thuốc lá xoe tròn khảm vào. Cơm xong lại truyện. Truyện xong lại bài cào, cắc tê, cờ tướng. Được thua mất “tiền” cẩn thận. “Tiền” là cơm. Người bị thua được bắt ăn thật nhiều, thật no.

Trong khám lớn có thư viện để bọn Tây đọc. Tôi mượn sách về xem rồi kể cho Thanh, Rỗ, Dậm nghe. Họ thích lắm. Ví dụ như truyện “Những người cùng khổ” của Huy-gô, “Ba người ngự lâm pháo thủ”…

Rồi tôi nghĩ đến dạy chữ cho anh em. Nghe tôi hỏi: “Có muốn học chữ không”, họ ồ lên:

- Trời; sắp xuống lỗ rồi còn học chi!... Cha, vào khám xử tử, gối đầu lên gươm máy còn ngồi học. Thôi!

- Các anh nghĩ thế không được. Nếu cho cái người mình là bỏ đi rồi thì mới lười. Nếu cho mình còn có ích cho xã hội được thì ngày giờ nào còn sống còn làm việc. Học cũng là làm việc. Ở đây, học để đọc sách cho vui, lại hiểu thêm nhiều điều hay. Nếu chết cũng không thiệt. Mà nếu không chết lại có lời.

Rồi tôi nhờ mua cho thật nhiều sách tuồng, cải lương, hát bộ có in ảnh cần thận cho họ xem. Người Nam-bộ ai mà không thích cải lương! Họ chỉ xem được ảnh còn không hiểu tích. Tôi đọc lên, họ nằm cạnh ngóc đầu lắng nghe. Chốc tôi lại hỏi: “Chỗ này nó tẩu mã, các anh tẫu mã cho tôi nghe”. Cả ba tẩu mã ran lên. “Chỗ này nam khách, nam khách đi”. Cả ba người nam khách.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM