Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:22:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhân dân ta rất anh hùng - Nhà xuất bản Văn học - 1976  (Đọc 38780 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #40 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2010, 01:22:05 am »

Bác thường nói: “Làm cách mạng là công việc lâu dài, “niên chí công, nguyệt chí công”, phải bền lòng vững chí mọi việc đều phải suy nghĩ chín chắn, không nên hấp tấp vội vàng”. Cho nên, thương thường, đi công tác về, nếu không có việc gì thật gấp thì vẫn có cái lệ làm việc như thế này: Bao giờ Bác cũng đề ra vấn đề và để cho chúng tôi có thời gian chuẩn bị suy nghĩ, sau đó mới khai hội bàn bạc. Những ý kiến chỉ đạo của Bác rất cụ thể, thiết thực. Và sau khi đã bàn bạc kỹ và đã quyết nghị rồi thì phải chấp hành cho bằng được. Bác thường đi vào kiểm tra cụ thể việc đặt kế hoạch công tác, từ việc nhỏ đến việc lớn. Cả một thời gian được ở gần Bác, tôi có được một nhận thức rất sâu sắc là: trong khi định ra đường lối cách mạng, thì phải nhìn xa thấy rộng; nhưng khi bắt tay vào thực hiện, phải rất chú trọng công việc cụ thể, từ việc lớn đến việc nhỏ. Nếu không chú ý làm tốt từng viêc nhỏ thì việc lớn cũng khó thành công.

Bác về hang Pắc-bó, liền chỉ thị cho ra tờ báo Việt-nam Độc lập. Báo phát hành bí mật, mỗi tuần, mỗi kỳ, hai trang giấy nhỏ, in đá, chữ to, bài đơn giản, ngắn. Chúng tôi thấy tờ báo bài ngắn quá, cho thế là quá đơn sơ, nên cùng nêu ý kiến là nên tăng thêm nội dung, in chữ bé hơn, cho được nhiều bài, và đẹp. Nhưng Bác bảo: “Cứ nên viết bài ngắn, tin ngắn, chữ to, như thế mới hợp trình độ quần chúng”. Quả nhiên, sau một thời gian, thấy rõ tác dụng tuyên truyền tổ chức to lớn của báo Việt Lập. Ảnh hưởng của nó không những vì nó có một nội dung chính trị đúng, mà lại vì nó rất hợp trình độ quần chúng muốn nghe, những lời quần chúng hiểu được thì mới mong giác ngộ quần chúng và lãnh đạo quần chúng tiến lên. Về sau, báo phát triển thành bốn trang, in đẹp hơn và được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

Bác rất chú trọng công tác giáo dục huấn luyện cán bộ. Bác đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (bôn-xê-vích) Liên-xô ra tiếng Việt, tự tay Bác đánh máy làm mấy bản, gửi cho mỗi tổ công tác chúng tôi một bản, để chúng tôi tổ chức nghiên cứu học tập.

Bác hết sức gần gũi đồng bào địa phương, thường đi lại hỏi thăm các cụ già, dạy thanh niên học chữ. Bác rất yêu các cháu nhi đồng. Bác thường mặc một tấm áo chàm của người Thổ, trông chẳng khác gì một ông cụ già người địa phương. Đồng bào rất quý mến Bác, thường gọi Bác là “ông ké”, ông cụ cấp trên đáng kính. Cái tác phong giản dị, lạc quan, gần gũi nhân dân, cái tình thương yêu đồng chí nồng nhiệt ấy, có thể nói mãi cho đến ngày nay, Bác vẫn giữ như thế.

Vào tháng 3-1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 mở rộng, do Bác chủ tọa, họp ở Pắc-bó. Như chúng ta đã biết, đây là một hội nghị có tầm quan trọng lịch sử. Hội nghị đã quyết định chính sách mới của Đảng, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trung tâm và cấp thiết của toàn dân, và đề ra chủ trương tổ chức Việt-nam Độc lập Đồng minh, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Cũng trong hội nghị đó, Trung ương đã quyết định duy trì và phát triển cơ sở Bắc-sơn, Vũ-nhai, củng cố và mở rộng cơ sở Cao-bằng, gây dựng hai nơi đó làm hai trung tâm của phong trào chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa ở Việt Bắc.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #41 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2010, 05:18:21 pm »

PHONG TRÀO LÊN MẠNH

Sau thời gian hoạt động ở Trung-quốc, chúng tôi bị bọn Quốc dân đảng biết là cộng sản. Chúng tôi được chỉ thị trở về nước công tác.

Lúc anh Tống (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) và tôi về thì phong trào Cao-bằng đã được củng cố, nhiều nơi đang phát triển mạnh. Bấy giờ là vào cuối năm 1941.

Phong trào Việt Minh lan rộng khắp nhiều châu huyện. Đồng bào Thổ và Nùng nô nức tham gia các hội cứu quốc. Ở đâu, thanh niên nam nữ cũng dẫn đầu phong trào, nào tuyên truyền, tổ chức, nào luyện tập quân sự. Các chị em phụ nữ cũng có tinh thần đấu tranh cách mạng bền bỉ, kiên quyết. Có nhiều địa phương, các em nhi đồng cũng tham gia hội cứu quốc, các em tích cực tham gia vào liên lạc, canh gác. Chi bộ của Đảng được phát triển khắp các xã có phong trào cao. Các xã “hoàn toàn” dần dẫn xuất hiện. Rồi đến tổng “hoàn toàn”, châu “hoàn toàn”, ban Việt Minh xã giải quyết hầu hết các việc sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân; việc cưới xin thì có đoàn thể chứng kiến, việc tranh chấp ruộng rẫy cũng do đoàn thể hòa giải. Các hương lý phần lớn đều tranh thủ được, hoặc có cảm tình với cách mạng, hoặc tham gia hội cứu quốc. Số rất ít phần tử phản động bị phân hóa hay bao vây. Một thứ chính quyền hai mặt đã hình thành ở cơ sở: các chức việc trước khi lên châu lên tỉnh thường xin chỉ thị của ban Việt Minh và khi về cũng báo cáo lại mọi việc.

Còn lính dõng thì phần lớn hoặc tổ chức hoặc có cảm tình với cách mạng. Lúc bấy giờ để đề phòng phong trào cách mạng, đâu đâu cũng có lệnh của “quan trên” là phải tăng cường cảnh giác rất nghiêm ngặt. Mỗi xã có hai, ba điếm canh. Nhưng vì lính dõng và dân làng đều có cảm tình với cách mạng, nên phần lớn những điếm canh đó của địch đều biến thành điếm canh của ta. Trên những con đường đi lại bí mật, ta đa dùng một số điếm canh làm trạm liên lạc.

Ở vùng núi cao, vùng đồng bào Mán Trắng, phong trào cũng phát triển mạnh. Đồng bào ở đây sống rất khổ cực. Núi đá hiểm trở, không có đất đai trồng trọt, được đi xuyên núi đá tai mèo rất khó khăn, hầu như không có, qua lại như chim. Bọn Tây, quan và tổng lý áp bức bóc lột hết sức tàn bạo. Chi nên tinh thần cách mạng đồng bào rất cao. Đồng bào Mán Trắng rất mừng rỡ khi gặp cán bộ Việt Minh. Đồng bào hết sức cảm động khi thấy đã cùng nhau vào hội, làm anh em để đánh Tây đánh Nhật, thì người Kinh, người Thổ với người Mán, lại thân nhau đến thế. Đồng bào coi chúng tôi như anh  em ruột thịt, thương vô kể và ủng hộ cách mạng không tiếc một cái gì.

Hội cứu quốc phát triển nhanh và rộng ở đấy. Rồi tổ chức Đảng cũng được thành lập. Một trong những đồng chí đảng viên Mán Trắng đầu tiên là đồng chí Hồng Trị, nhà nghèo xơ xác, tinh thần cách mạng rất hăng. Về sau lúc Nhật tấn công càn quét, đồng chí đã đứng ra chỉ huy dân làng chiến đấu và đã hy sinh anh dũng.

Đoàn kết dân tộc là một nét rất đặc biệt của phong trào. Ngay trong những ngày đấu tranh bí mật, ở Cao-bằng đã từng tổ chức nhiều cuộc liên hoan giữa đại biểu các dân tộc Thổ, Mán, Nùng, Kinh, Hoa kiều, v.v…, kết quả rất tốt. Lại có những đoàn đại biểu Mán xuống thăm phong trào ở dưới cánh đồng được đồng bào cánh đồng đón tiếp và úy lạo nhiệt liệt, sau đó trở về họp mít tinh báo cáo lại. Từng thời gian, ở dưới cánh đồng cũng như ở trên núi cao, đều có tổ chức những cuộc triển lãm tranh ảnh, nêu tội ác của Tây, Nhật, nêu sự tiến bộ của phong trào cách mạng, trưng bày súng và cờ, tuyên truyền cho Liên-xô và cách mạng thế giới.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Sáu, 2010, 02:16:55 pm gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #42 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2010, 02:40:15 pm »

Sau một thời gian, ban Tỉnh ủy Cao-bằng được chấn chỉnh. Sang tháng 11 năm 1942, Đại hội đại biểu Việt Minh tỉnh chính thức. Hệ thống tổ chức của Việt Minh đã thông suốt từ xã qua các châu huyện lên đến tỉnh. Trong các tổng và các châu “hoàn toàn”, đều có cuộc bầu cử dân chủ từ các xã lên. Rồi tiếp theo đó, ban liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng được thành lập, do đồng chí Lạ làm bí thư. Đồng chí là một cán bộ lâu năm, đã từng lăn lộn nhiều, có nhiều kinh nghiệm công tác, có uy tín lớn trong quần chúng, được đảng viên và nhân dân mến phục. Đồng chí làm việc Đảng hết sức tận tụy, mặc dầu người không được khỏe. Sau này, đồng chí Lạ vẫn làm bí thư tỉnh ủy Cao-bằng và mới mất năm ngoái.

Bấy giờ, để củng cố phong trào, công tác huấn luyện rất được coi trọng. Bác nói: “Trước hết phải có dân đã rồi mới nói đến chuyện khởi nghĩa được”. Cho nên phải ra sức củng cố cơ sở, phát triển cơ sở. Nhiều lớp huấn luyện ngắn kỳ được tổ chức ở các châu huyện. Nhưng đi học xa làng bản như thế, cán bộ ngại mất công ăn việc làm và dễ bị lộ. Nên các đồng chí “giáo viên” được tổ chức thành từng tổ lưu động, lần lượt đi về các địa phương. Địa phương chuẩn bị một địa điểm huấn luyện bí mật ở xa làng, từng đợt cán bộ đến tập trung huấn luyện từ năm đến bảy ngày, lương thực phải tự túc lấy. Qua một thời gian, hầu hết các cán bộ xã đều được huấn luyện. Liên tỉnh ủy liền đặt kế hoạch mở những lớp mới với trình độ cao hơn, đồng thời mở rộng phạm vi huấn luyện đến các thanh niên nam nữ không ở trong ban chấp hành. Các phần tử trung kiên trong các hội Cứu quốc yêu cầu đi học rất đông. Mỗi lớp học xong thường có tổ chức một buổi mít-tinh, liên hoan có đại biểu các giới đến dự, có khi có ca hát rất vui, để động viên mọi người hăng hái làm công tác, Bác cũng trực tiếp động viên đi huấn luyện cho cán bộ và cho cả một số nông dân gần cơ quan. Các anh chị em cán bố địa phương chỉ có một số biết tiếng Kinh, còn phần lớn không biết, nhất là chị em phụ nữ. Bác dặn chúng tôi phải học tiếng Thổ. Ở vùng đồng bào Mán Trắng, trong các lớp huấn luyện đầu tiên, phải dùng hình thức vẽ để giảng cho đồng bào. Ví dụ muốn nói Tây, Nhật áp bức bóc lột dân ta thì vè thằng Tây, Nhật đánh đập dân ta, vẽ người dân trên lưng, chồng chất sưu cao thuế nặng. Hoặc vẽ người Mán, người Thổ, người Kinh cùng bắt tay nhau để nói lên cần phải đoàn kết để đánh đuổi Tây, Nhật. Dần dần về sau, đồng bào Mán cũng biết chữ, học chữ Mán. Nội dung huấn luyện đơn giản thôi: học qua tình hình thế giới, tình hình trong nước, tại sao phải đánh Tây, đánh Nhật, rồi nói đến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đến cách tổ chức hội cứu quốc, các đội tự vệ, năm bước công tác bí mật, lại học cách khai hội, cách phát biểu ý kiến v.v…

Tôi cũng được phân công phụ trách một tổ huấn luyện, đi công tác ở Hòa-an, ở Nguyên-bình, ở trên Mán Trắng. Các lớp huấn luyện đều thu được kết quả rất tốt. Tôi chỉ nhớ có một lần, lớp huấn luyện cũng học theo nội dung thường, nhưng về tình hình thế giới thì có nói đến bốn mâu thuẫn. Huấn luyện xong, đến hôm “tốt nghiệp”, một đồng chí hội viên tốt, bí danh là Đề Thám giơ tay xin phát biểu: “Đề nghị thượng cấp cho tôi xin ra hội”. Tôi hết sức ngạc nhiên, hỏi:

- Vì sao đồng chí lại xin ra hội?

- Vào hội làm việc gì em cũng làm được, nhưng học thế này khó quá, không nhớ được, sợ không làm tròn nhiệm vụ.

Thật là một bài học thấm thía về cách huấn luyện. Tôi đã hết sức cố gắng đặt một chương trình dễ hiểu, phù hợp với trình độ an hem, nhưng lần đó sở dĩ đồng chí Đề Thám xin ra khỏi hội là vì tôi đã thêm vào… bốn mâu thuẫn.

Trong Đảng, việc huấn luyện cũng được coi trọng. Các lớp huấn luyện đảng viên do Liên tỉnh ủy phụ trách. Đối với một số cán bộ cấp tỉnh, thì ngoài nghị quyết của Trung ương và các chủ trương công tác của Liên tỉnh ủy, cũng có bắt đầu huấn luyện về lịch sử Đảng cộng sản
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #43 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2010, 01:15:12 am »

CHUẨN BỊ CƠ SỞ VŨ TRANG

Vào cuối năm 1941, cùng ở Pắc-bó, Bác ra chỉ thị tổ chức đội vũ trang đầu tiên của Cao-bằng; tiểu đội gồm có các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang, Lê Thiết Hùng, Đức Thành, Thế An, v.v…, do đồng chí Lê Quảng Ba chỉ huy. Đội có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, củng cố và giữ vững đường giao thông, đồng thời giúp việc huấn luyện tự vệ và tự vệ chiến đấu.

Ở tất cả các địa phương phong trào cách mạng lan đến, quần chúng tham gia đông đảo vào các hội cứu quốc, đều tổ chức ra những đội tự vệ trong thanh niên nam nữ. Vấn đề huấn luyện quân sự trở nên cấp thiết. Các nơi quần chúng đòi hỏi, nhưng cán bộ thì thiếu. Đồng chí nào biết quân sự một chút ít là đều phải đi huấn luyện, như các đồng chí Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, đồng chí Cáp. Vấn đề soạn tài liệu quân sự cũng được đặt ra. Bác có viết một cuốn sách về chiến thuật du kích đơn giản dễ hiểu. Liên tỉnh có chỉ thị soạn chương trình huấn luyện quân sự và định ra các khẩn lệnh thống nhất. Việc đó lúc đầu cũng không phải đơn giản vì nó mới mẻ quá. Chỉ có một việc như hô một, hai, mà khi ra tập người hô cũng chưa quen, mà quần chúng lại càng bỡ ngỡ. Phong trào luyện tập quân sự lên mạnh. Mỗi kỳ tập từ năm đến bảy ngày, hễ việc đồng áng hơi rỗi thì lại tập. Khi các cơ sở tự vệ thường đã được củng cố qua một đợt, thì các đội tự vệ chiến đấu được lập nên, bao gồm nhưng đội viên tự vệ dũng cảm nhất trong xã. Có thể nói hầu hết thanh niên nam nữ trong các xã “hoàn toàn” đều tham gia tổ chức tự vệ và đã trải qua luyện tập một hay hai kỳ. Mỗi một xã lại có một hay hai trung đội tự vệ chiến đấu được tổ chức và luyện tập khá chặt chẽ. Cũng trong thời gian ấy, Liên tỉnh đã tổ chức các lớp huân luyện cán bộ quân sự, mỗi khóa một tháng, mỗi khóa có tới 5, 6 chục cán bộ về học. Mặc dầu hoàn cảnh bí mật eo hẹp, trường học dựng lên trong các khu rừng cũng không kém “quy mô”. Như lớp quân chính khóa thứ ba ở tổng Kim-mã, khi bị phát lộ, đã làm cho bọn đế quốc phải kinh ngạc: mấy ngôi nhà lá cọ chứa hàng trăm người. Rồi nào giảng đường, nào nơi ăn, nơi ngủ, nào giá súng, sân tập, với những tam cấp cao đến hàng 50, 60 bậc. Cuối năm 1943, ở vùng Nước-hai, châu Hòa-an, đã từng có những cuộc duyệt binh giữa ban ngày ở ngay cánh đồng, và có những cuộc tập trận giả huy động hàng bốn, năm trăm người, có khi đến trên dưới nghìn người, trong phạm vi mấy tổng liền. Với sự bành trướng của lực lượng vũ trang, không khí khởi nghĩa ngày càng bồng bột.

Ngoài việc huấn luyện, việc lo sắm vũ khí đạn được cũng là một vấn đề rất quan trọng và khó giải quyết. Mỗi đội viên tự vệ phải tự sắm vũ khí: dáo, mác, súng kíp, súng hỏa mai. Có nơi đồng bào góp tiền mua súng trường thổ tạo ở bên kia biên giới. Mỗi đội tự vệ lại phải có một cuộn dây thừng, để tập bắt Việt gian. Để giải quyết khó khăn về vũ khí, Liên tỉnh ủy quyết định lập một cơ sở lò rèn nhỏ, thí nghiệm đúc lựu đạn, địa lôi, giao cho đồng chí Cáp phụ trách. Lò có độ năm, sáu anh em công nhân làm việc. Nguyên liệu như nồi sắt, chậu thau, mâm đồng, đều do đồng bào ủng hộ. Việc chọn địa điểm dựng lò là cả một vấn đề: phải đặt vào trong một thung lũng rất sâu, sau mấy dãy núi đá ở cùng Lô cốt đổ, để cho tiếng búa tiếng đe khỏi lọt ra ngoài. Sau mấy tháng thì nghiệm hết sức vất vả, quả địa lôi đầu tiên được hoàn thành. Các bộ phận của nó, khi thử riêng đều tốt cả. Hôm chuẩn bị thử toàn bộ địa lôi đầu tiên, anh Vũ Anh và anh Tống nhắn tôi về dự. Địa điểm thử chọn ở một nơi gần lò, xung quanh có núi đá cao. Quả địa lôi được đặt vào trong một hốc đá ở chân núi, còn các “khán giả” thời ngồi trên cao sau những tảng đá to để đề phòng những mảnh gang bắn phải. Một sợi dây thừng dài gần 100 thước đã được buộc vào quả địa lôi và sẵn sàng chờ lệnh giật. Chúng tôi hồi hộp đợi. Anh Cáp ra lệnh: giật đi! Tất cả nhìn về phía quả địa lôi. Thấy nó xì khói rồi… thôi. Đợi một lúc lâu chẳng thấy tiếng nổ nào cả. Một đồng đồng chí người Thổ vừa cười vừa nói: “Te nằng du tỷ” (nó còn ngòi đấy)!Cuộc thí nghiệm đầu tiên thế là đã thất bại. Nhưng sau đó anh Cáp lại kiên nhẫn nghiên cứu và đã thành công. Lò rèn đó cứ tiếp tục hoạt động mãi cho đến khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, được mở rộng thành binh công xưởng Lam-sơn và có nhiều công lao trong việc cung cấp vũ khí đạn dược cho mặt trận. Có thể nói là lò rèn Lô cốt đỏ này là binh công xưởng đầu tiên của chúng ta.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #44 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2010, 01:02:24 am »

NAM TIẾN ĐÁNH THÔNG ĐƯỜNG LIÊN LẠC GIỮA CAO-BẰNG VÀ THÁI NGUYÊN

Từ khi Bác về biên giới, Bác luôn luôn chú trọng đến vấn đề liên lạc với Trung ương ở xuôi. Nhất là sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã quyết định gây dựng hai trung tâm của phong trào ở Việt-Bắc thì vấn đề liên lạc giữa Cao-bằng và Bắc-sơn, Vu-nhai lại càng cấp thiết.

Ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, cần phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao-bằng đi về miền xuôi. Có thế thì những lúc địch khủng bố mới giữ vững được mối liên lạc, lúc hoạt động vũ trang các đội du kích mới có thể vận động một cách thuận lợi.

Theo chỉ thị của Bác và quyết định của Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng, vấn đề Nam tiến được đặt ra. Một mặt, đồng chí Lý (tức anh Hoàng Văn Hoan) cùng một số cán bộ có nhiệm vụ đánh thông con đường từ Đông-khê về Đình-cả. Một mặt, tôi và đồng chí Thiết Hùng phụ trách Ban xung phong Nam tiến, có nhiệm vụ mở con đường từ Nguyên-bình qua Ngân-sơn, Chợ Rã để nối liền với Chợ Chu Đại-từ. Chúng tôi quyết định phát triển phong trào tổng Kim-mã để làm chỗ đứng chân. Ban đầu ở đấy chỉ mới có 3, 4 hội viên Việt Minh. Chúng tôi cùng các đồng chí Quang và Lạc thành lập chi bộ Nam tiến và bắt tay vào phát triển phong trào. Không bao lâu tổ chức Việt Minh lan rộng khắp trong tổng Kim-mã. Các tổ chức cứu quốc được thành lập khắp nơi, nhiều lớp huấn luyện cán bộ được mở ra liên tiếp. Các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu được huấn luyện rộng khắp tổng Kim-mã đã trở nên một tổng “hoàn toàn”.

Muốn mở con đường về xuôi, cần đi qua nhiều địa phương người Thổ và người Mán Tiền. Chúng tôi bắt đầu tổ chức đồng bào Mán Tiền. Lúc đầu cho một đồng chí người Thổ có bạn đồng canh trên Mán đi tuyên truyền. Cũng như anh  em Mán Trắng, anh  em Mán Tiền sắn có một tinh thần phản đế khá cao, tính tình chất phác, đơn giản, có nhiều tập tục giúp đỡ nhau rất tốt. Đồng bào rất hoan nghênh cùng nhau kết nghĩa vào hội, đánh đuổi Tây Nhật, nhưng muốn phải cùng nhau ăn thề mới thật tin. Ăn thề bằng cách tắt cây hương hoặc chém đầu gà. Lời thề đại ý nói: phải cùng nhau đoàn kết như anh em ruột thịt để đánh Nhật, đánh Tây, cứu nước nhà, cứu làng bản, thực hiện chương trình Việt Minh; gặp khó khăn cũng không bỏ nhau, gặp khủng bố cũng không phản Hội; nếu ai làm phản sẽ bị tiêu diệt. Vừa dứt lời thề tay liền dúng nén hương đang cháy vào nước cho tắt, hoặc cầm dao chem. Phập đứt đầu con gà. Dần dần trong đồng bào Mán cũng có chi bộ Đảng. Người đảng viên Mán Tiền đầu tiên là đồng chí Hoan. Đồng chí quê ở Hà-hiệu (Chợ Rã) hoạt động rất hăng hái, có uy tín lớn trong đồng bào, có công lớn trong việc xây dựng khu Mán Tiền. Về sau, đồng chí bị đế quốc bắt. Chúng tra tấn đồng chí 11 lần, ngất đi sống lại, đồng chí vẫn không khai một lời. Chúng đem đồng chí ra xử bắn ở Bắc-cạn. Trước khi đồng chí bị bắn, vợ đồng chí có đến thăm. Đồng chí nhắc nhủ: “Có thể là nó bắn tôi; nhưng ở nhà đừng lo, cách mạng thế nào cũng thành công. Ở nhà phải trung thành với đoàn thể, giúp đỡ anh em cán bộ hoạt động”. Nói rồi đồng chí đưa vợ một miếng cao hổ cốt và bảo: “Giữ lấy miếng cao này, gặp đồng chí Văn thì nói tôi có lời hỏi thăm và nhớ đưa cho đồng chí dùng để giữ sức khỏe mà làm công tác”. Sau đó ít lâu, tôi có dịp đi qua Hà-hiệu; tôi ghé vào thăm gia đình đồng chí Hoan, có gặp mẹ và vợ đồng chí và các cháu nhỏ. Chị Hoan khóc rất nhiều, kể lại câu chuyện và đưa tôi miếng cao hổ cốt. Bà cụ lại cũng vừa nói vừa khóc: “Bây giờ tuy Hoan đã mất và mùa màng cũng kém, nhưng năm nao, mùa nào, mẹ cũng để giành lúa nếp cho đội du kích. Các con cố gắng giết sạch bọn Tây Nhật, người Mán mới sống được”.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #45 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 06:55:50 pm »

Phong trào vừa lên mạnh thì địch bắt đầu khủng bố. Chúng đưa lính ở tỉnh và châu về, từ Ngân-sơn tiến lên, từ Nguyên-bình và Cao-bằng tiến vào, bao vây tổng Kim-mã, chặn các đường giao thông lớn nhỏ để lùng bắt cán bộ và cơ quan bí mật của ta. Lúc đó, tôi và anh Thiết Hùng còn đang mở lớp huấn luyện, tôi lại bị sốt rét. Đồng bào nói: “Hiện nay, Tây khủng bố dữ. Nó mang lính về đây lùng các đồng chí. Chúng ta hãy tạm nghỉ việc Hội. Các đồng chí tạm rút lên rừng hay trở về thượng cấp, đợi khi tình hình “bớt nóng” hẵng hay. Bác và Liên tỉnh ủy nghe tin khủng bố, liền cho cán bộ vào để đón chúng tôi trở về cơ quan. Anh Thiết Hùng và tôi trao đổi ý kiến, nếu đi thì cơ sở sẽ tan, nên đề nghị với Bác cho ở lại tiếp tục công tác, cùng cán bộ địa phương chống khủng bố, giữ cơ sở. Hôm đó, địch lại đi lùng ráo riết. Đồng chí Lạc và đồng chí Khanh dẫn chúng tôi đi suốt đêm, hết núi lại khe, đường đi không có, trời mưa tầm tã, đêm tối như mực. Đi mãi đến sáng, sương mù dày đặc, vẫn không thấy gì hết. Đến nửa buổi, bỗng tan sương, thì hóa ra chúng tôi đang ở trên một ngọn đồi trọc gần làng, dưới chân đồi, bọn lính đang đi lùng cách mạng. Chúng tôi bảo nhau phải năm sát xuống, bò lê trên mấy cây số mới đến ven rừng. Rồi lại tiếp tục đi. Đến trưa, mệt quá không đi được nữa, anh em địa phương phải nắm lấy tay dắt đi. Xế chiều thì đến địa điểm dự định, ở trên một đỉnh núi cao. Dừng lại ở đấy, chuẩn bị làm lán ở và cùng nhau đặt kế hoạch liên lạc với dân làng và chỉ đạo chống khủng bố. Sau chuyến đi đó, đồng chí Thiết Hùng và tôi đều bị sốt nặng, ốm liên miên trong hai tháng rưỡi. Thuốc men chả có, chỉ uống rễ cây nụ ảo. Có mấy nữ đồng chí lo ngại cho bệnh tình chúng tôi, lấy tấm áo thổ dài của chúng tôi đem đi bói may ra khỏi bệnh. Nhưng khỏi sao được! Mãi tới khi đường giao thông liên lạc được nối lại, anh Cáp ở ngoài cơ quan Bác vào liên lạc, cho mấy viên ký ninh uống mới đỡ.

Kể ra, làn khủng bố này cũng chỉ mới là khủng bố nhỏ. Nhưng vì đây là khủng bố lần đầu ở trong vùng nên việc củng cố cơ sở gặp nhiều khó khăn. Phong trào sụt xuống một thời gian. Nhưng công tác giải thích và các lớp huấn luyện vẫn tiếp tục. Rồi phong trào lại lên. Các hội cứu quốc, các tổ chức tự vệ được một dịp thử thách rèn luyện. Dưới cánh đồng Kim-mã, các cuộc mít-tinh để chuẩn bị khởi nghĩa lại kế tiếp rầm rộ. Rồi không bao lâu, hội nghị đại biểu đầu tiên của đồng bào Má được triệu tập, khu Quang Trung được thành lập. Phong trào lại lên mạnh. Đã có lần, nhân dịp Cách mạng tháng Mười Nga, đại biểu nhân dân mấy tổng Nguyên-nình, Ngân-sơn cùng nhau họp hội nghị chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, có đến 2, 3 trăm người tham gia và có đến mười đội tự vệ chiến đấu biểu diễn quân sự.

Để tiện việc tuyên truyền, chúng tôi đem chương trình Việt Minh soạn thành văn vần: Việt Minh Ngũ Tự Kinh. Tôi lại dịch ra tiếng Mán Tiền, tiếng Mán Trắng, cũng bằng văn vần. Nhiều bài hát lượn cách mạnh đã xuất hiện, bằng tiếng Thổ, tiếng Mán, nhờ thế mà chương trình Việt Minh được truyền đi rất rộng và rất nhanh. Có bản, đồng bào mới được tổ chức, mà khi đến khai hội chúng tôi đã nghe các chị phụ nữ và các em nhi đồng đọc thuộc làu Việt Minh Ngũ Tự Kinh trong khi cán bông hay giã gạo.

Lúc bấy giờ, tổ chức Đảng đã được phát triển ở Bắc-cạn, Tỉnh ủy lâm thời Bắc-cạn thành lập. Đồng chí Đăng là đồng chí bí thư tỉnh ủy đầu tiên. Đồng chí là một cán bộ trung thành, kiên quyết. Trong cuộc khủng bố, lính địch về vây cơ quan, đồng chí đã chống cự và hy sinh anh dũng.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #46 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2010, 12:34:09 am »

Công tác Nam tiến càng phát triển càng đòi hỏi cán bộ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên tỉnh ủy, Cao-bằng gần một trăm cán bộ thanh niên nam nữ bỏ gia đình ra đi, tham gia vào các tổ chức vũ trang xung phong công tác. Anh  em thường tự sắm lấy súng hoặc lựu đạn. Đồng chí Thiết Hùng cũng có một khẩu súng sáu, bắn phát nổ phát không, còn tôi thì có một quả lựu đạn, một quả lựu đạn điếc; chúng tôi vẫn đeo luôn bên người vì tác dụng tinh thần vẫn tốt. Phối hợp cùng cán bộ địa phương, các tổ vũ trang xung phong công tác đã dùng lối vũ trang tuyên truyền, chia ra mấy đường Nam tiến. Tổ xung phong phát triển đi trước, bắt mối, điều tra, tuyên truyền, gây cơ sở. Tổ xung phong củng cố tiếp đến, chọn cốt cán trong quần chúng, mở lớp huấn luyện ngắn kỳ, rồi dựa vào cán bộ địa phương mới được đào tạo mà phát triển phong trào. Để cho cơ sở quần chúng được mở rộng nhanh chóng, không nhất định phải tuần tự tổ chức hết xã này đến xã kia, mà khi có điều kiện thì thực hiện phát triển cách quãng, phái từng tổ xung phong bí mật vượt qua những chặng đường dài đi đến một địa phương quần chúng tương đối tốt, gây cơ sở ở đó, rồi dần dần nối liền các cơ sở lại với nhau. Chúng tôi gọi cách phát triển ấy là “lối nhảy dù”. Đặc biệt tích cực, tôi nhờ có tổ đồng chí Quang. Đồng chí quê ở Cao-bằng, hiện nay là Khu ủy viên khu Việt Bắc. Tổ xung phong do đồng chí làm tổ trưởng đã từng hoạt động từ dãy núi Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, đi qua Ngân-sơn, Chợ Rã, tiến dọc núi Phia-bioóc (tiếng Thổ nghĩa là Núi đá hoa, sau này chúng tôi đặt tên là núi Cứu quốc), tổ chức quần chúng suốt dọc triền núi đó đến tận xã Nghĩa-tá thuộc châu Chợ Đồn, giáp giới Chợ Chu. Chúng tôi đặt tên xã Nghĩa-tá là xã Thắng lợi.

Giữa chừng trên đường Nam tiến xảy ra một câu chuyện đáng ghi. Theo tình hình phát triển của phong trào, tôi đi dần từ tổng Kim-mã qua tổng Hoàng Hoa Thám đi xuống đến Ngân-sơn để kiểm tra công tác và mở lớp huấn luyện cán bộ địa phương. Một hôm, đang ở trên núi gần châu lỵ Ngân-sơn thì nhận được thu hỏa tốc của anh Tống. Mở ra thấy anh bảo về ngay cơ quan có việc cần. Tôi vội trở về Cao-bằng. Cơ quan lúc đó vẫn ở núi Lam-sơn. Về đến nơi, anh Tống và anh Vũ Anh liền cho biết tin là Bác sang Trung-quốc đã bị bắt giam một thời gian và gần đây bị bệnh mất rồi. Tin đột ngột quá. Tôi choáng váng cả người. Chúng tôi đau đớn vô hạn. Bác mất! Thật là một cái tang lớn cho Đảng ta, cho dân tộc ta. Chúng tôi bàn biên thư báo cáo Trung ương rõ. Rồi bàn nhau tổ chức lễ truy điệu, phân côn cho anh Tống chuẩn bị điếu văn. Anh Cáp mang va-li mây của Bác ra, xem thử có thứ gì nên giữ lại làm kỷ niệm. Chúng tôi định phái anh sang Trung-quốc lần nữa , tìm xem chúng nó mai tang Bác ở đâu. Rồi sau đó mấy hôm, tôi lại lên đường đi công tác. Tôi còn nhớ đêm ấy ra đi, một mình với một đồng chí cán bộ Nam tiến đi qua những ngọn núi gianh, vắng vẻ, đêm lạnh buốt, trời trong vắt, sao rất sáng. Trong lòng cảm thấy bơ vơ, buồn vô hạn. Không biết nói với ai. Chỉ nhìn sao rưng rưng.

Qua một thời gian, chúng tôi bỗng nhận được một tờ báo ở Trung-quốc gửi về, bên rìa có mấy câu chữ nho đúng chữ Bác viết: “Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên”, và kém mấy câu thơ:

“Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
Giang tâm như kính, tịnh vô trần.
Bồi hội độc bộ Tây Phong Lĩnh
Dạo vọng Nam thiên ức cố nhân.

Tạm dịch như sau:

Mây ôm dãy núi, núi ôm mây
Lòng song như gương, không chút bụi.
Một mình dạo bước trên núi Tây Phong trọng dạ bồi hồi.
Nhìn về trời Nam xa xăm nhớ bạn cũ.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #47 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2010, 09:30:40 pm »

Chúng tôi mừng quá. Đem báo ra hỏi anh Cáp: “Thế là thế nào? Sao lại thế này?” Anh Cáp trả lời: “Cũng không rõ là thế nào! Khi tôi sang Trung-quốc chính tên quan Quốc dân đảng nói với tôi là Bác mất rồi!” Hỏi đi hỏi lại anh Cáp: “Thế anh thử nói lại những câu nó nói với anh bằng tiếng Trung-quốc xem thế nào”. Anh Cáp nhắc lại. Chúng tôi mới đoán: có lẽ trong lúc nghe tên Quốc dân đảng nói chuyện, anh đã nghe lầm tiếng sư lờ, sư lờ, nghĩa là phải, phải, ra tiếng xử lờ, xử lờ, nghĩa là chết rồi, chết rồi.

Chúng tôi phá lên cười vui sướng. Thế là làm mất mấy tháng trời buồn bã, đau đớn.

Vào khoảng tháng tám năm 1943, con đường Nam tiến đã thông, tôi lên đường về xuôi để gặp anh Ba tức là đồng chí Chu Văn Tấn.

Nhớ lại hơn một năm về trước, sau khi đi Nam tiến một thời gian thì nhận được tin anh Tấn đã từ Bắc-sơn đi bí mật ra biên giới rồi từ biên giới đã về đến cơ quan liên tỉnh Cao-Bắc-Lạng. Tôi trở về núi Lam-sơn gặp anh Tấn. Buổi họp mặt có cả anh Vũ Anh, anh Tống, anh Lạ. Theo quyết định của Đảng lúc bấy giờ, anh Tấn trở về Bắc-sơn theo đường Thất-khê, Đình-cả, để củng cố cơ sở ở dưới đó và từ Thái-nguyên tổ chức quần chúng mở con đường liên lạc với Cao-bằng. Còn tôi thì tiếp tục tổ chức con đường Nam tiến về xuôi. Chúng tôi cùng nhau phác ra mấy con đường có thể gặpnhau. Anh Tấn lại giới thiệu một số đồng chí cán bộ Bắc-sơn ở lại tham gia công tác Nam tiến: như đồng chí Khai Lạc đi cùng bộ phận anh Hoàng Văn Hoan, các đồng chí Hiền, Quyền, Thơ đi cùng bộ phận tôi phụ trách.

Trải qua một thời gian công tác khá dài, vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, trên con đường Nam tiến về xuôi, từ tổng Kim-mã ở Cao-bằng đi qua Ngân-sơn, Phủ-thông, Chợ Rã cho đến Chợ Đồn thuộc tỉnh Bắc-cạn, đến giáp giới Chợ Chu thuộc tỉnh Thái-nguyên, quần chúng nhiều địa phương đã được tổ chức khá rộng rãi. Con đường Nam tiến đi qua nhiều triền núi và cánh đồng, qua các làng bản đồng bào Thổ, Mán Tiền, Mán Đỏ. Một nhánh đi từ Kim-mã qua Ngân-sơn, Hà-hiệu phía Chợ Rã rồi rẽ lên triền núi Phia bioóc ở phía tây Bắc-cạn, chạy xuống cánh đồng Đông-viên gần Chợ Đồn cho đến xã Nghĩa-tá gần Chợ Chu. Một nhánh khác từ Kim-mã đi qua tổng Hoàng Hoa Thám, theo các bản phía đông Ngân-sơn, xuống đến cánh đồng Phủ-thông, đi qua Đèo Giàng, rồi từ đó lại rẽ vào phía Chợ Đồn.

Tôi đi về xuôi theo con đường Phủ -thông, Chợ Đồn, đi đến đâu cũng thấy không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi nổi, tinh thần quần chúng lên cao. Đồng bào người Thổ cũng như người Mán rất tốt, đón tiếp cán bộ cách mạng với một nhiệt tình đặc biệt. Nhất là trên các bản người Mán ở dọc đỉnh núi Phia-bioóc, một vùng rẻo cao lúc nào cũng như lấm tấm mưa, dù dưới chân núi trời nắng. Đồng bào Mán đều tham gia Việt Minh, các chị phụ nữ cũng như các em nhi đồng đều thuộc lầu quyển Việt Minh Ngũ Tự Kinh tiếng Mán và nhiều bài ca cách mạng. Những khi có bọn phản động đến dò la, đồng bào hết sức che giấu cán bộ, có khi để ở ngay trong buồng riêng của vợ chồng hay nhưng nơi thờ mà là nhưng người trước đây đồng bào rất kiêng, không bao giờ để người lạ vào.

Đi khoảng mười lăm ngày thì đến giáp Chợ Chu, đi tiếp theo con đường núi dưới chân đồn Cóc, quá đồn Cóc một quãng đến địa điểm hẹn gặp nhau với anh Tấn. Chúng tôi gặp nhau ở một đám rẫy trong rừng sâu, mừng rỡ vô hạn. Chúng tôi triệu tập một số cán bộ Bắc-sơn đang hoạt động trong vùng và một số cán bộ Nam tiến về họp để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm. Họp xong, tổ chức liên hoan kể chuyện; khuya lại rải lá cọ nằm ngủ ngay giữa rừng.

Anh Tấn cho biết tình hình phong trào ở Thái-nguyên và ở miền xuôi. Bấy giờ cơ sở của ta ở Bắc Sơn, Vũ Nhai đã được củng cố và phong trào đang mở rộng sang Chợ Chu, Đại-từ. Chính sách khủng bố của địch vẫn tiếp tục. Các đồng chí cán bộ Bắc-sơn hoạt động hết sức anh dũng, không quản khó khăn gian nguy, ra sức củng cố và mở rộng cơ sở quần chúng. Anh Tấn lại cho biết đã báo cáo về Trung ương và sẽ có đồng chí ở Trung ương lên gấp. Tôi ở lại đợi một thời gian, ngày nào cũng nghe nói đồng chí ở Trung ương sắp đến, nhưng vì bấy giờ địch đang khủng bố gắt gao, giao thông đi lại khó khăn, nên đợi mãi hai tuần lễ mà vẫn không thấy; tôi phải trở về Cao-bằng vì đã hẹn với trên đó như vậy, dự định củng cố thêm đường giao thông sau này sẽ trở xuống. Trong mấy ngày chờ đợi sốt ruột, tôi nằm trên lán viết tập “Kinh nghiệm Việt Minh ở Việt Bắc” để gửi về xuôi.

Tôi về đến Cao-bằng thì vừa Tết. Đúng hôm ba mươi, phần lớn cán bộ gần hai mươi đội vũ trang xung phong Nam tiến đều về tập trung để ăn mừng thắng lợi. Lá cờ thêu “Xung phong thắng lợi” của Tổng bộ Việt Minh và Đảng bộ Cao-Bắc-Lạng trao cho Đoàn cán bộ Nam tiến làm cho mọi người vô cùng phấn khởi.

Cũng vào lúc bấy giờ cuộc đại khủng bố của địch bắt đầu.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Bảy, 2010, 10:11:09 pm gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #48 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 12:58:20 pm »

KHỦNG BỐ TRẮNG Ở CAO-BẮC-LẠNG

Cũng cần nói rõ thêm:: trong những năm 1942 – 1943 phong trào Việt Minh ở Cao-Bắc-Lạng lên cao chưa từng thấy. Ở Cao-bằng trong chin châu huyện thì đã có ba châu “hoàn toàn” là Hà-quảng, Hòa-an và Nguyên-bình, ngoài ra cơ sở đã lan rộng đến tất các các châu khác. Ở Bắc-cạn, phong trào đã mở rộng trong bốn châu; còn ở Lạng-sơn thì đã phát triển đến Thất-khê. Phong trào ở các vùng Mán rất mạnh. Khu Thiện Thuật (Mán Trắng) và các khu Quang Trung (Mán Tiền) phát triển rầm rộ.

Lấy một thí dụ như châu Hà-quảng là một địa phương dân cư thưa thớt, đa số là đồng bào Nùng, theo con số châu ủy đã ghi lại, thì năm 1941, hội viên cứu quốc có 1.053 người, đến năm 1943 đã lên tới 3.096 người, trong đó có 1.049 quần chúng tring kiên và 235 tự vệ và tự vệ chiến đấu. Châu đã mở sáu lớp huấn luyện chính trị và ba lớp huấn luyện quân sự ngắn kỳ. Sang năm 1943 thì toàn thể nhân dân trong châu đều gia nhập các tổ chức cứu quốc, có 5.453 hội viên, trong đó có 2.250 phần tử trung kiên, 1.004 tự vệ thường và mười lăm đội tự vệ chiến đấu, châu đã mở lớp huấn luyện quân sự. Nhân dân còn lập ra mười trường văn hóa để thanh toán nạn mù chữ. Nhiều nơi các chị em phụ nữ thi đua trồng rau, trồng dâu nuôi tằm để lấy tiền ủng hộ cán bộ bí mật.

Về mặt quân sự khắp các địa phương có tổ chức trong liên tỉnh hầu hết thanh niên nam nữ đều tham gia tự vệ và tự vệ chiến đấu và đã trải qua luyện tập nhiều kỳ. Có thể nói: trong thời kỳ bí mật, vùng nông thôn Cao-Bắc-Lạng, đã thực hiện chủ trương tổ chức toàn dân, vũ trang toàn dân.

Trong thời gian từ 1942 đến 1943. Liên tỉnh ủy đã mở nhiều khóa đào tạo cán bộ quân sự. Nhiều cuộc duyệt binh, tập trận đã tổ chức. Như cuộc tập trận ở xã Hồng-việt tháng 7 năm 1943, nếu kể cả tự vệ, tự vệ chiến đấu, cán bộ Việt Minh xã và các hội viên trung kiên về dự thì con số người dự lên tới 1.000. Mục đích các cuộc duyệt binh và tập trận này là tạo điều kiện cho cán bộ học tập chỉ huy, tăng cường huấn luyện cho các đội tự vệ chiến đấu, đồng thời biểu dương lực lượng, gây tin tưởng trong quần chúng cách mạng, lôi kéo những phần tử lừng chừng, uy hiếp bọn phản động địa phương. Nhưng cách làm như vậy cũng dễ bộc lộ lực lượng, để lộ bí mật, gây ra khủng bố.

Việc tích trữ lương thực cũng được tiến hành tích cực. Các châu, huyện đều có kho thóc, kho ngô khởi nghĩa. Kế hoạch thực hiện vườn không nhà trống từng phần ở trong các thôn xóm được quần chúng tích cực chấp hành. Đồng bào thường đào những hầm bí mật ở trong rừng sâu, đốt củi nung đất cho thật khô rắn rồi lát gỗ và giải lên một lớp cót rồi để thóc lên trên; xong lại lát gỗ giải cót lần nữa rồi lấp đất. Việc mua sắm vũ khí cũng đã thành một cao trào. Gia đình nào cũng tìm mọi cách, kể cả bán thóc, bán trâu, để mua súng lậu của quân Tưởng bên kia biên giới. Các lò rèn sửa chữa súng kíp, súng hỏa mai, rèn gươm, dao, kiếm v.v… mọc lên ở nhiều nơi. Đồng bào nô nức quyên sắt, quyên đồng, lưỡi cày, chậu thau, mâm đồng, sắt vụn v.v…
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #49 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 01:20:43 pm »

Bọn phát-xít Pháp, tay sai phát-xít Nhật, quyết định ra sức đàn áp phong trào, hòng tiêu diệt cuộc vũ trang khởi nghĩa từ trong trứng. Kế hoạch của chúng là vừa đàn áp tàn khốc vừa dụ dỗ lừa gạt, nhằm để phá cơ sở quần chúng, triệt đường tiếp tế lương thực của cán bộ bí mật, rồi sau đó dùng quân sự tấn công để tiêu diệt các cơ quan bí mật của Việt Minh.

Chính trong lúc địch tăng cường khủng bố thì tôi từ biệt anh Chu Văn Tấn, từ giáp giới Chợ Chu, Chợ Đồn trở về Cao-bằng.

Vừa đi được nửa đường qua gần tỉnh lỵ Cao-bằng thì đã thấy dấu hiệu khủng bố. Đến Nà-lùm, nghĩa là “Ruộng bỏ quên”, một làng hẻo lánh ở trên đỉnh núi Phia-biaoóc, tôi nhận được một lá thư của đồng chí Đức Xuân, báo cáo tình hình phong trào đang lên và đề nghị tôi xuống cánh đồng tham gia cuộc mít-tinh của đồng bào. Đồng chí Đức Xuân là đội trưởng Đội Tuyên truyền xung phong Nam tiến, một đồng chí rất tích cực, anh dũng, có tài làm dân ca và tuyên truyền giỏi. Tôi đang ở trên đường đi xuống cánh đồng, đi đến một bản ở chân núi thì bỗng được tin địch đã mang quân về khủng bố cơ sở gần Phủ-thông. Vì thiếu cảnh giác, đồng chí Đức Xuân đã bị chúng mai phục bắn chết trong khi đang khai hội, chúng đã chặt đầu, chặt hai tay đem bêu ở chợ.

Thế là con đường đó bị tắc. Quần chúng hoang mang.

Tôi quay trở lại đi theo đường rừng xuyên qua dãy núi Phia-bioóc về Cao-bằng. Như trên đã nói, về đến Kim-mã thì đúng vào Tết ta. Ở đây địch cũng đang tăng cường khủng bố. Chúng chú trọng nhất những vùng đã xảy ra các cuộc tập trận rầm rộ.

Cơ quan Liên tỉnh ủy đặt ở trong lũng Lam-sơn, bị bọn đế quốc đem quân bao vậy nhiều lần. Mỗi lần chúng kéo đến, ta chủ trương tạm lánh đi nơi khác, không vũ trang chống lại, có lần chúng đã nã súng cối vào địa điểm báo Việt Lập, nhưng chả có kết quả gì. Vả lại binh lính của chúng cũng nhát gan, nên mới thò vào rừng thì một chú thiếu niên của cơ quan đánh lừa thét lên “xung phong!”, thế là cả bọn ù té chạy.

Có địa phương, quân địch dùng cách dụ dỗ. Chúng ra tuyên cáo, yết thị, gọi dân đến, hiểu dụ phải yên ổn làm ăn, chớ theo Việt Minh làm loạn. Chúng dùng luận điệu lừa phỉnh bịp bợm, tuyên bố sẽ đảm bảo cho người “đi bí mật” được tự do về nhà, và mời các cán bộ bí mật ra làm việc cho “chính phủ”. Kết quả: chúng đã thất bại hoàn toàn. Hàng ngũ Việt Minh đã được chuẩn bị tinh thần từ trước, đã được giải thích sâu rộng về âm mưu của địch nên không hề chút nào nao núng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM