Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:01:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 6  (Đọc 61664 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 12:21:12 am »


Ngày 25-2-1971, trước yêu cầu phát triển chung của chiến dịch, Bộ Tư lệnh Mặt trận đường 9 - bắc Quảng Trị quyết định mở khu vực tác chiến mới ở Khe Sanh, thực hiện vây ép ở Tà Cơn nhằm kiềm chế, tiêu diệt sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch, tạo điều kiện cho hướng chính chiến dịch đẩy mạnh tiến công. Lực lượng hoạt động ở Khe Sanh - Tà Cơn gồm Trung đoàn bộ binh 27 của Tỉnh đội Quảng Trị, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 368 pháo cao xạ, ba đại đội công binh, hai đại đội vận tải do Phó Tư lệnh mặt trận Bùi Thúc Dưỡng và Phó Chủ nhiệm chính trị mặt trận chỉ huy. Từ ngày 25 đến 28-2, Trung đoàn 27, Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị đánh địch khi chúng đang nống ra khu vực Ba Lào, Tà Cơn, loại khỏi vòng chiến đấu hai tiểu đoàn, phá huỷ 18 xe tăng, xe bọc thép.

Trên hướng chủ yếu chiến dịch, sau khi mất căn cứ 31- vốn được địch xem là tiền đồn có ý nghĩa sống còn đối với cánh cung hướng bắc, cũng như đối với việc bảo vệ đại bản doanh của chúng đặt tại Bản Đông, Bộ Chỉ huy cuộc hành quân của địch đã tập trung Thiết đoàn 17 gồm 70 xe tăng, xe bọc thép và Tiểu đoàn 8 dù từ đường 9 lên phản kích, quyết chiếm lại vị trí quan trọng này. Địch tập trung hoả lực pháo mặt đất và không quân, đánh phá dữ dội khu vực trận địa của ta, có khu vực bị 20 lượt B52 ném bom rải thảm trong một ngày. Dù vậy, các đợt phản kích của Chiến đoàn dù - thiết giáp địch hòng chiếm điểm cao 543 chẳng những không thành công, mà lực lượng của chiến đoàn này còn bị Trung đoàn 36 Sư đoàn 308, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 bộ binh và hai đại đội thiết giáp tăng cường đánh cho đại bại, 220 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, 18 xe tăng, xe thiết giáp bị phá huỷ, số còn lại phải tháo chạy để bảo toàn tính mạng.

Cuối tháng 2, đầu tháng 3, mặc dù đã lâm vào tình thế bất lợi, nhưng Bộ Chỉ huy hành quân địch vẫn quyết định tung lực lượng dự bị chiến dịch - và cũng là lực lượng dự bị chiến lược của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, bao gồm Lữ đoàn dù 2, hai thiết đoàn (11 và 17), hai lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ (147 và 258), hai trung đoàn còn lại của Sư đoàn 1 bộ binh vào cuộc chiến. Lúc này, địch chuyển cánh quân phía nam thành hướng tiến công chủ yếu và tiếp tục thực hiện kế hoạch đánh lên Sê Pôn. Sư đoàn 1 cùng các lực lượng lính thủy đánh bộ, lính dù sử dụng máy bay lên thẳng và xe thiết giáp để cơ động lực lượng, nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn. Nỗ lực mới này của địch vấp phải sự chặn đánh quyết liệt của các sư đoàn 2, 324, 304 và các lực lượng binh chủng kỹ thuật tăng cường. Sư đoàn bộ binh 1 quân đội Sài Gòn buộc phải trụ lại ở khu vực điểm cao 723 và dãy Yên Ngựa. Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến co cụm trên các điểm cao 550, 532 phía đông bắc Sê Pôn 2 km. Tại những khu vực này, ngay sau đó, chiến sự giữa ta và địch diễn ra giằng co quyết liệt trong suốt một tuần. Địch sử dụng nhiều máy bay trực thăng, nhiều tốp máy bay ném bom chi viện cho đồng bọn dưới mặt đất. Tuy nhiên, lưới lửa phòng không của ta ở đường 9 - Nam Lào làm cho quân địch khiếp sợ. Ở nam đường 9, đoạn từ Bản Đông đi Sê Pôn, Sư đoàn 304 chặn đánh quyết liệt số quân địch đến giải tỏa, diệt 300 tên, phá huỷ 16 xe thiết giáp, bắn rơi 15 máy bay. Ở hướng đông Sê Pôn, Sư đoàn 2 diệt 200 tên, bắn rơi tám máy bay. Quân địch chốt giữ Bản Đông ngày càng bị vây chặt. Do đường bộ bị cắt đứt và đường không bị khống chế, nên hơn 30.000 binh sĩ quân đội Sài Gòn bấy giờ đang đứng chân ở khu vực từ Lao Bảo đến giáp Sê Pôn rơi vào tình thế khốn quẫn và phải đối mặt với nguy cơ bị tiêu diệt từng bộ phận.

Đầu tháng 3-1971, mặc dù mục tiêu đánh chiếm Sê Pôn không thực hiện được nhưng bộ máy tuyên truyền của Sài Gòn vẫn tổ chức quay phim, chụp ảnh; rêu rao “Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã chiếm được Sê Pôn” để lừa bịp dư luận. Tuy nhiên sau đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải thừa nhận với báo chí phương Tây: “Người Mỹ đã có quá nhiều thương vong trong số máy bay lên thẳng, đến nỗi họ giảm cả máy bay tải thương. Đây là lý do tại sao binh sĩ Việt Nam đã không thể tiến quân nhanh hơn. Điều này đã đem lại thuận lợi cho quân đội Bắc Việt phản công. Người Mỹ đã không chấp thuận trả giá cao bằng cả máy bay lên thẳng lẫn phi công”1.

Nắm bắt kịp thời và lượng định chính xác mọi diễn biến mau lẹ trên chiến trường cũng như ở hậu phương của địch có liên quan, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương tập trung mọi nỗ lực quyết tâm giành toàn thắng trong chiến dịch này. Ngày 4-3-1971, Quân uỷ Trung ương trong bức điện số 012 QU/TU/A gửi Thượng tướng Văn Tiến Dũng và Đảng uỷ Mặt trận đường 9 - Nam Lào đã phân tích tình hình địch ta và đề ra nhiệm vụ cho quân dân Mặt trận đường 9 - Nam Lào: Tập trung tiêu diệt địch trong khu vực Bản Đông. Tăng cường chỉ đạo đối với cánh nam. Tổ chức trận địa tập kích đối với Khe Sanh (pháo binh và bộ đội đặc công). Tăng cường hoạt động ở hướng đông đường 9 - Bắc Quảng Trị, cắt giao thông, đánh hậu cứ... Kết hợp hoạt động tiến công quân sự với đẩy mạnh công tác phá bình định, vận động nhân dân, phát triển lực lượng mọi mặt của ta trong địa phương...
_________________________________________
1. Về sự “kém hiệu quả của cuộc hành quân”, Níchxơn cử A. Hâygiơ đến Sài Gòn kiểm tra cụ thể để có quyết định cuối cùng. Sau ba ngày thám sát cuộc hành quân, A.Hâygiơ cho rằng, sở dĩ quân đội Sài Gòn với sự yểm trợ hoả lực và hậu cần của Mỹ chưa đạt được thắng lợi 100% ở đường 9 - Nam Lào là vì “cuộc hành quân không nhận được cách chỉ huy và quản lý theo kiểu của Mỹ, mà lẽ ra cuộc hành quân này phải có”. A. Hâygiơ kết luận: “Việt Nam hoá sẽ không bao giờ thành công nếu không có một số lớn quân Mỹ”, (dẫn theo Maicơn Mắclia: Việt Nam - Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.192, 193).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 12:22:18 am »


Thực hiện chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương tiêu diệt lực lượng Sư đoàn 1 bộ binh của địch ở các điểm cao phía nam đường 9, không cho địch chiếm Sê Pôn, Na Bo. Căn cứ tình hình diễn biến trên từng khu vực, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định điều Trung đoàn 64 lên phía tây vừa làm lực lượng dự bị cho Sư đoàn 2 tiến công các mục tiêu phía nam đường 9, vừa làm lực lượng dự bị cho hướng Bản Đông; tập trung Sư đoàn 324 (thiếu Trung đoàn 2), tiêu diệt Lữ đoàn 147 lính thuỷ đánh bộ. Các Trung đoàn 2 (Sư đoàn 324), Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) cùng với Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) cắt đường 9 từ Lao Bảo lên Bản Đông và từ Lao Bảo về Hướng Hoá. Sư đoàn 308 chuẩn bị đánh Bản Đông.

Trung đoàn 84 pháo binh trong khi đánh phá các mục tiêu chi viện cho bộ binh phải chuẩn bị thêm nhiều cơ số đạn để đánh địch rút chạy trên các đoạn Bông Kho, Đầu Mầu, điểm cao 241, 513, 300; các đơn vị bộ binh, đặc công, công binh, phòng không chuẩn bị các phương án tác chiến truy kích địch tháo chạy.

Ngày 8-3-1971, quân ta trên các hướng chiến dịch đồng loạt phản công địch. Hơn 40.000 sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn tham gia cuộc hành quân Lam Sơn 719 bắt đầu rơi vào tình thế khốn đốn. Trên nhiều khu vực từ Lao Bảo đến giáp Sê Pôn, các đơn vị địch đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Ghi nhận phần nào thực tế đó, sau này W. Oétmolen trong hồi ký của mình đã cho biết: “Quân Bắc Việt Nam bắt đầu phản công quyết liệt. Sức ép của họ hết sức nặng nề, hoả lực bắn máy bay của họ hết sức ác liệt đến mức trong một số trường hợp không thể tiếp tế được mà việc dùng máy bay trở thành phương tiện duy nhất còn lại. Thế rồi bắt đầu một việc làm khó khăn nhất trong tất cả hoạt động quân sự, rút lui trước cuộc tiến công mãnh liệt của địch”1.

Ngày 13-3-1971, toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch được lệnh gấp rút chuyển từ phản công sang tiến công trên toàn tuyến, vào đội hình hành quân của địch. Ở khu vực ngoại vi Sê Pôn, Sư đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 tiến công tiêu diệt các cụm địch ở điểm cao 723, 660, tạo thuận lợi cho Sư đoàn 308, 304, 324, Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 triển khai đội hình tiến công địch ở Bản Đông và chia cắt đội hình địch. Ở phía đông Bản Đông 4km, Trung đoàn 102 Sư đoàn 308 từ khu vực đường 16B vận động ra hướng đường 9 tiến công một tiểu đoàn dù chốt giữ điểm cao 311. Sau đó, trung đoàn gấp rút củng cố trận địa mới chiếm được, tổ chức đánh lui hàng chục đợt phản kích của Lữ dù 2, loại khỏi vòng chiến đấu gần 500 tên, phá huỷ 35 xe tăng, xe bọc thép. Ở các điểm cao 351, 324, 311 phía đông nam Bản Đông 8km, Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 tiến công đánh bại các đợt tiếp tế giải toả trên đường 9 của địch, tiêu diệt gần 200 tên, bắn cháy 20 xe tăng, xe bọc thép.

Từ ngày 14 đến 17-3, các trung đoàn 88, 24, 102 thuộc Binh đoàn 70 kết hợp chốt chặn với vận động đánh giải toả, diệt hàng trăm tên, phá huỷ nhiều xe tăng, xe bọc thép, đẩy địch vào thế bị uy hiếp nặng nề. Sư đoàn 2 (thiếu một trung đoàn), sau năm ngày vây lấn tiến công liên tục, đã loại khỏi vòng chiến đấu Trung đoàn 1 Sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn. Trong khi đó, trên hướng chính Bản Đông các trung đoàn 64, 36, 66 bộ binh được xe tăng, xe bọc thép, pháo mặt đất, pháo phòng không phối hợp chi viện, đã vây ép mạnh tập đoàn cứ điểm Bản Đông do Lữ đoàn dù 2 và hai thiết đoàn quân Sài Gòn đóng giữ, đồng thời đánh cắt triệt để nguồn tiếp tế đường bộ và đường không của địch.

Quân địch ở đường 9, Bản Đông không chịu nổi sức ép hết sức nặng nề đang ngày càng gia tăng của quân ta, đã phải dồn lại, tựa lưng nhau chống trả điên cuồng. Nhưng càng chống trả điên cuồng, thì nguồn hậu cần ít ỏi còn lại càng chóng hết. Trong khi đó, hàng trăm vượt chiếc máy bay trực thăng vũ trang, hàng chục chiếc máy bay vận tải C130 vận chuyển hàng hoá tiếp viện cho tập đoàn cứ điểm Bản Đông bị mạng lưới phòng không nhiều tầng của ta khống chế quyết liệt, đã bất lực trước sự kêu cứu của hàng nghìn quân sĩ đang mắc kẹt dưới mặt đất. Ở phía nam đường 9 (khu vực Sư đoàn 324 hoạt động), một số máy bay trực thăng liều mạng xuống được điểm cao 660 do Trung đoàn 2 Sư đoàn 1 chốt giữ, nhưng không sao cất cánh nổi bởi hàng trăm lính bị thương (kể cả lành lặn) bu bám, xô đẩy, hỗn loạn...

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 18-3, quân địch phải bỏ Bản Đông tháo chạy. Nắm chắc thời cơ, bộ đội ta nhanh chóng chuyển sang truy quét địch. Những giờ phút bi thảm nhất của đạo quân chủ lực tinh nhuệ Sài Gòn thực hiện cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã diễn ra. Trên đường 9 - Nam Lào, đoạn từ Bản Đông về Lao Bảo, hơn 100 xe tăng, xe thiết giáp bị ta chặn đánh. Hàng trăm binh sĩ Sài Gòn vứt bỏ súng đạn, chạy cắt rừng hòng thoát thân đã bị ta bắt. Ngày 20-3, khu vực Bản Đông - nơi được chọn làm khu vực đánh trận then chốt, đã hoàn toàn giải phóng. Trong trận then chốt quyết định này, bộ đội ta đã diệt và bắt hơn 1.800 tên, thu và phá huỷ 113 xe tăng, xe bọc thép, 24 khẩu pháo, bắn rơi 52 máy bay. Cùng thời gian, trên hướng Sư đoàn 2 và Sư đoàn 324, bộ đội ta cũng giành thắng lợi giòn giã, tiêu diệt Trung đoàn 2 Sư đoàn 1 bộ binh địch ở điểm cao 660, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 147 lính thuỷ đánh bộ ở điểm cao 550.

Ngày 23-3-1971, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Trải qua gần 50 ngày đêm (từ ngày 8-2 đến ngày 23-3) liên tục phản công, tiến công địch, quân, dân Mặt trận đường 9 - Nam Lào đã đánh cho quân đội Sài gòn - lực lượng nòng cốt thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh một đòn chí mạng: trên hai vạn tên, gồm sáu trung đoàn, lữ đoàn, 13 tiểu đoàn bộ binh pháo binh bị loại khỏi vòng chiến đấu; ba sư đoàn dự bị chiến lược gồm Sư đoàn dù, Sư đoàn lính thuỷ đánh bộ và Sư đoàn 1 bộ binh bị đánh thiệt hại nặng. Ngoài ra, lực lượng không quân lực lượng tăng - thiết giáp quân Mỹ và quân đội Sài Gòn cũng bị tổn thất lớn. Một số lượng đáng kể vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của chúng bị phá huỷ hoặc lọt vào tay đối phương.

Tuy nhiên, trong chiến dịch này, bộ đội ta cũng chịu tổn thất lớn: 2.163 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 6.176 bị thương trong chiến đấu.

_________________________________________
1. W. Oétmolen: Một quân nhân tường trình, Sđd, tr.97.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 12:26:22 am »


Thắng lợi của quân và dân ta trên Mặt trận đường 9 - Nam Lào có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng cả về quân sự và chính trị. Cùng với việc đánh bại cuộc hành quân xâm lược Campuchia, thắng lợi này “đã đánh bại quân chủ lực ngụy có sự yểm trợ của chủ lực Mỹ, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của quân ngụy trong chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, đánh dấu một bước thất bại nghiêm trọng của chiến lược này. Chiến thắng đường 9 - Nam Lào của ta đã chấm dứt quá trình tiến công - phản kích đánh ra vòng ngoài bằng các cuộc hành quân lớn của Mỹ - ngụy”1, “mở ra những triển vọng vô cùng tốt đẹp đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng”2.

Cuối tháng 1 đầu tháng 2-1971, cùng với việc tập trung binh lực mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra đường 9 - Nam Lào, địch đồng thời tập trung một lực lượng tương đối lớn mở cuộc hành quân Toàn thắng 1/71 đánh sang vùng Đông Bắc Campuchia. Toàn bộ lực lượng địch sử dụng vào hướng tiến công này gồm khoảng 23.000 quân Sài Gòn, được tổ chức thành chín chiến đoàn hỗn hợp và 22 tiểu đoàn quân Lonnon3. Mục tiêu chủ yếu của cuộc hành quân nhằm bao vây tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng chủ lực ta đứng chân tại đây, phá huỷ căn cứ, kho tàng, giải toả đường số 7, lập tuyến ngăn chặn ở đông và đông bắc Campuchia. Mỹ và Sài Gòn coi đây là cuộc hành quân lớn thứ hai trong ba cuộc tiến công chiến lược đánh ra vòng ngoài hòng thực hiện âm mưu Đông Dương hóa chiến tranh của Níchxơn.

Sớm phán đoán được ý đồ của địch trong mùa khô 1970-1971 và một phần kế hoạch cuộc hành quân Toàn thắng 1/71, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy miền đã sớm chủ động tổ chức chiến dịch phản công với quy mô lớn nhất từ trước tới mùa xuân 1971 ở chiến trường đông Nam Bộ và Đông Bắc Campuchia nhằm đánh bại cuộc hành quân này của địch, giáng cho quân đội Sài Gòn - lực lượng nòng cốt thực hiện chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ một đòn quyết liệt. Bộ Chỉ huy miền quyết định sử dụng hầu hết lực lượng chủ lực hoạt động ở miền đông Nam Bộ bao gồm ba sư đoàn bộ binh (5, 7, 9), một sư đoàn pháo binh và các đơn vị binh chủng đặc công, công binh, thông tin, vận tải phối hợp với lực lượng tại chỗ ở các khu căn cứ Đông Bắc Campuchia vào chiến dịch phản công này. Theo kế hoạch, trên hướng phản công chủ yếu ở đường 7 - Côngpông Chàm, Bộ Chỉ huy miền sử dụng hai sư đoàn bộ binh (9, 7) và phần lớn sư đoàn pháo binh Iàm nhiệm vụ chặn đánh tiến tới tiêu diệt cánh quân chủ yếu của địch ở khu vực Đầm Be, Sơ Lông. Trên hướng thứ yếu đường số 13, Sư đoàn 5 và lực lượng binh chủng phối thuộc được giao nhiệm vụ kiên quyết phản công đánh bại quân địch. Một trung đoàn của Quân khu VIII được điều động đến phối hợp tác chiến trên hướng đường số 1.

Sau gần một tháng tổ chức lực lượng càn quét thăm dò, chiếm giữ một số vị trí quan trọng trên tuyến đường 7 và đường 13, mờ sáng ngày 4-2-1971, địch chính thức mở cuộc hành quân Toàn thắng 1/71. Trên hướng Côngpông Chàm, địch tập trung tới năm chiến đoàn bộ binh, Liên đoàn 6 biệt động quân và Lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp. Trên hướng này, Chiến đoàn 333 biệt động quân và Lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp chia làm hai mũi, một mũi lợi dụng đêm tối từ ngã ba Krếck theo đường 7 tiến công thị trấn Suông; mũi còn lại chờ trời sáng dùng máy bay trực thăng đổ bộ xuống sân bay Chúp. Ngày hôm sau, Lữ đoàn 3 thiết giáp được hai tiểu đoàn quân Lonnon hỗ trợ phát triển theo tỉnh lộ 2, đánh chiếm Đầm Be. Ba chiến đoàn làm lực lượng dự bị trên hướng tiến công này của địch được rải ra phòng giữ phía sau. Trong khi đó, ở hướng đường 13, Chiến đoàn 9 vượt biên giới, đánh chiếm thị trấn Xnun, Crachiê. Trên hướng đường 1, các đơn vị quân đội Sài Gòn phối hợp với quân Lonnon đánh chiếm cầu Niếc Lương.

Khi quân địch ồ ạt tiến công, Bộ Chỉ huy miền đã lệnh cho các đơn vị khẩn trương hoàn chỉnh mọi mặt chuẩn bị, kiên quyết đánh đòn phủ đầu, đặc biệt, các sư đoàn chủ lực được giao nhiệm vụ phản công địch trên đường 7 - Côngpông Chàm phải tập trung lực lượng tiêu diệt Chiến đoàn 333 quân đội Sài Gòn.

Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Chỉ huy miền, Sư đoàn 9 bộ binh do Sư đoàn trưởng Nguyễn Thới Bưng và Chính uỷ Nguyễn Văn Quảng chỉ huy được tăng cường Trung đoàn 174 (Sư đoàn 5) và Trung đoàn 12 (Sư đoàn 7) ngay đêm 5-2, đã sử dụng Trung đoàn 2 Sư đoàn 9 vận động tập kích cụm quân địch ở nam sân bay Chúp, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 36 biệt động quân và một chi đoàn xe thiết giáp quân đội Sài Gòn. Để trụ vững trên địa bàn quan trọng này, ngay chiều hôm đó, địch phải đưa lực lượng chủ yếu của Chiến đoàn 333 và một trung đoàn thiết giáp lên sân bay Chúp tăng cường cho đồng bọn, giải toả áp lực và khắc phục tổn thất tại đây. Đêm 6-2, Sư đoàn 9 tập trung hai trung đoàn (2, 3) vận động tập kích cánh quân giải toả của địch ở làng Núi, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên, phá huỷ 30 xe tăng, xe bọc thép. Tiếp đó, Sư đoàn 9 sử dụng Trung đoàn 2 chốt chặn ở phía tây, Trung đoàn 3 chốt chặn ở phía đông, Trung đoàn 1 chốt chặn phía bắc dinh điền cao su Chúp. Tại những khu vực này, Sư đoàn 9 đã đánh bại hàng chục đợt tiến công của Chiến đoàn 333, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên.

Bị chặn đánh và vấp phải sự phản công quyết liệt của ta, ngày 12-2, địch buộc phải điều chỉnh hướng tiến công. Chiến đoàn 333 được lệnh tiến theo đường tỉnh lộ số 2 đánh lên Đầm Be. Trong khi đó, Lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp đánh lên Nước Đá. Mặc dù được máy bay và pháo binh (kể cả máy bay chiến lược B52) yểm trợ tối đa về hoả lực, nhưng cả hai cánh quân này liên tục bị đánh chặn khiến cho tốc độ tiến công phát triển rất chậm. Đêm 17-2, Trung đoàn 3 vận động tập kích đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 31 biệt động quân ở Pram, buộc Chiến đoàn 333 phải từ bỏ ý định đánh lên Chi Thiêng. Cùng đêm, Trung đoàn 1 vận động tập kích Tiểu đoàn 2 (Chiến đoàn 43) mới tăng viện ở tây chợ Chúp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên. Tuy nhiên, trong đợt chiến đấu này, một số đơn vị của ta đảm nhiệm hướng phản công chính do nắm địch chưa chắc, chốt chặn địch chưa chặt nên đã bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt Chiến đoàn 333 khi chiến đoàn này rút bỏ Suông - Chúp để chuyển hướng tiến công lên Đầm Be - Sơ Lông hỗ trợ cho quân Lonnon ở khu vực đông - tây sông Mê Công.
_________________________________________
1. Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.32.
2. Thư của Ban Chấp hành Trung ương gửi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thanh niên trên mặt trận đường số 9, ngày 31-3-1971, hồ sơ 594, Cục Lưu trữ Bộ Quốc phòng.
3. Lực lượng địch sử dụng vào cuộc hành quân này cụ thể như sau: ba sư đoàn bộ binh thuộc Quân đoàn III, Lữ đoàn 3 kỵ binh, Liên đoàn 3 biệt động quân, một hải đoàn đặc nhiệm hải quân, 12 tiểu đoàn pháo (216 khẩu từ 105 đến 175mm), 3 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép (400 xe), 15 phi đoàn máy bay Mỹ chi viện và 22 tiểu đoàn quân Lonnon hỗ trợ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 12:27:02 am »


Kiên quyết đập tan cánh quân chủ yếu của địch ở tam giáp Đầm Be - Oátthơmây, cầu Cháy - Sơ Lông, Bộ Tư lệnh miền lệnh cho Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 và các đơn vị binh chủng đẩy mạnh phản công và tiến công quân địch ở khu vực tam giác này. Chấp hành mệnh lệnh của trên, trong những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3-1971, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 sử dụng hai trung đoàn (2, 3) liên tiếp tổ chức bốn trận vận động phục kích, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 và 3 thuộc Chiến đoàn 5 quân Sài Gòn ở khu vực Oátthơmây, Cầu Cháy. Trong khi đó, một bộ phận quan trọng của Chiến đoàn 5 và lực lượng thiết giáp địch ở thị trấn Sa Lông cũng liên tục bị Trung đoàn 165 bao vây kìm chân, tiêu hao sinh lực. Tại Đầm Be, Chiến đoàn 333 và hai chi đoàn thiết giáp thuộc Trung đoàn 15 bị Trung đoàn 209 dùng hoả lực tập kích, bị thiệt hại nặng. Hy vọng đánh phá căn cứ hậu cần ta ở khu vực Đầm Be - Sa Lông của địch càng về cuối tháng 2 càng trở nên mong manh. Điều đó buộc Đỗ Cao Trí - Tổng chỉ huy cuộc hành quân, phải lệnh cho Chiến đoàn 5 lùi về co cụm, cùng đồng bọn chốt giữ Đầm Be. Nhưng trên đường rút chạy, Chiến đoàn 5 bị mất thêm một tiểu đoàn, bộ phận còn lại không vào được Đầm Be phải rẽ sang Oátthơmây. Đêm 2-3, Sư đoàn 9 được lệnh bao vây tiêu diệt Chiến đoàn 333 ở Đầm Be. Trước tình hình đó và tự lượng sức khó có thể chống đỡ, chiến đoàn này rút ra cùng một số chiến đoàn khác lập tuyến phòng ngự dọc theo đường 7 tới ngã ba Krếck. Như vậy, đến ngày 5-3, đợt một chiến dịch phản công trên hướng chủ yếu kết thúc. Bộ đội ta trên hướng này khẩn trương chấn chỉnh đội hình, bổ sung đạn, gạo, chuẩn bị cho đợt phản công mới.

Hướng phản công thứ yếu do Sư đoàn 5 bộ binh chủ lực miền đảm nhiệm. Trên hướng này, ngày 5-2, ngay sau khi chiếm được thị trấn Xnun (Crachiê), Chiến đoàn 9 và Tiểu đoàn 74 biên phòng quân đội Sài Gòn đã mở các hoạt động đánh phá vùng phụ cận nhằm tiêu diệt căn cứ và cơ sở hậu cần của ta. Chủ động bám sát các hoạt động của địch, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Bùi Thanh Vân lệnh cho Trung đoàn 1 chuẩn bị tác chiến tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn địch trên hướng hoạt động chủ yếu của sư đoàn, tạo khí thế cho các đơn vị thi đua lập công hoàn thành tốt nhiệm vụ đợt một chiến dịch.

Ngày 6-2, lực lượng trinh sát Trung đoàn 1 phối hợp với tiểu đoàn địa phương bạn chặn đánh Tiểu đoàn 4 Chiến đoàn 9 Sài Gòn tại Sở 3 thị trấn Xnun, đẩy lùi năm đợt tiến công, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên, buộc Chiến đoàn 9 phải tung hai tiểu đoàn ra chốt giữ Sở 3. Đây là lúc thuận lợi cho ta bao vây, tiêu diệt địch ở khu vực Sở 3. Ngày hôm sau, mặc dù thời gian gấp, nhưng do bám nắm địch tốt, bộ đội sẵn sàng chiến đấu cao, nên chỉ sau bốn giờ chuẩn bị, Trung đoàn 1 đã hành quân chiếm lĩnh xong trận địa bao vây địch ở khu vực Sở 3.

4 giờ 30 phút ngày 8-2, Trung đoàn 1 đồng loạt nổ súng tiến công Tiểu đoàn 4 quân Sài Gòn chốt giữ Sở 3. Bị đánh bất ngờ từ nhiều phía, binh sĩ địch buộc phải lùi dần vào trong của tuyến phòng ngự, chống trả quyết liệt. Tại xóm Việt Kiều (nam Sở 4), ta và địch giành giật nhau từng chiến hào, từng bờ tường đổ; đôi lúc ta buộc phải chấp nhận tổn thất, thậm chí hai, ba chiến sĩ hy sinh để đổi lấy một mục tiêu. Trận đánh kéo dài đến chiều ngày hôm sau. Trong điều kiện cán bộ, chiến sĩ thương vong nhiều, hoả lực hạn chế, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1) vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu, đập tan mọi sự kháng cự của địch, tiêu diệt Tiểu đoàn 4 Chiến đoàn 9, làm chủ trận địa, bắn cháy tám xe tăng, bắn rơi năm máy bay.

Chiến thắng tại Sở 3 của Trung đoàn 1 tạo khí thế phấn khởi cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 tiến lên lập công mới. Ngày 14-2, trung đoàn được lệnh bố trí đội hình chiến đấu ở phía bắc Sở 5. Đồng thời, Bộ Tư lệnh sư đoàn giao cho Trung đoàn 3 phục kích chặn địch trên đoạn đường từ Sóc Đông đi Sở 4. 16 giờ chiều cùng ngày, Tiểu đoàn 1 Chiến đoàn 9 quân đội Sài Gòn vừa đặt chân đến lộ 27 Sở 5 đã chạm trán với bộ phận trinh sát Trung đoàn 1. Bộ đội ta nổ súng, địch hốt hoảng lùi ra và không dám tiến vào sâu hơn. Chớp thời cơ, Trung đoàn 1 quyết định sang vận động, bao vây, tiến công Tiểu đoàn 1 Chiến đoàn 9 địch. Trước sức tiến công của ta, Tiểu đoàn 1 co về chống đỡ, chờ sự chi viện.

8 giờ ngày 15-2, Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 điều 12 xe tăng, thiết giáp với sự hộ tống của bốn máy bay trực thăng Côbra tiến lên giải vây cho Tiểu đoàn 1. Thế nhưng, Tiểu đoàn 1 và cả lực lượng giải vây đã bị các chiến sĩ Trung đoàn 1 Sư đoàn 5 chủ lực miền tiến công mãnh liệt; Sở Chỉ huy Tiểu đoàn 1 bị tiêu diệt. Như rắn mất đầu, lính bộ binh và thiết giáp quân đội Sài Gòn la ó và bỏ chạy khỏi khu vực giao tranh. Đúng 10 giờ 30 phút, Trung đoàn 1 hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt và bắt hơn 200 tên, bắn cháy tám xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi ba máy bay. Trận vận động tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn 1 Chiến đoàn 9 và các đơn vị tăng viện tại Xnun đã gây nên nỗi kinh hoàng trong binh lính và sĩ quan địch.

Chiến thắng Xnun - đường 13 cuối tháng 2 đầu tháng 3-1971 của Sư đoàn 5 khép lại đợt chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh trên hướng Đông Bắc Campuchia, để lại kinh nghiệm quý báu trong việc vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến phục kích, tập kích, vận động tiến công kết hợp chốt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 12:27:27 am »


Trung tuần tháng 3-1971, trước khi bước vào đợt hai chiến dịch phản công, Quân uỷ và Bộ Chỉ huy miền họp bàn và đi tới quyết định thành lập bộ chỉ huy tiền phương do đồng chí Trần Văn Trà làm Tư lệnh, nhằm tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch phản công địch trên chiến trường Đông Bắc Campuchia.

Căn cứ tình hình địch, ta trên chiến trường Bộ Chỉ huy tiền phương miền quyết định chọn mặt trận đường 7 là hướng tác chiến chính của đợt hai. Trên hướng này, ta tập trung một bộ phận lực lượng mạnh gồm hai sư đoàn (7, 9), các đơn vị binh chủng tăng cường, kiên quyết bao vây tiến công Lữ đoàn 3 kỵ binh và Chiến đoàn 48 quân đội Sài Gòn, đập tan sự đề kháng của chúng.

Ngày 16-3-1971, Lữ đoàn 3 và Chiến đoàn 48 chia thành hai mũi đánh vào dinh điền cao su Chúp. Để chặn đánh cuộc tiến công của địch, tiến tới bao vây, tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng này, Bộ Chỉ huy tiền phương miền lệnh cho Sư đoàn 9 điều gấp Trung đoàn 2 đang chốt giữ Tà Pao về phía Đông Bắc đường 7 (đoạn giữa Suông và Chúp), mở các cuộc tập kích vào đội hình tiến công của địch. Bị ta tập kích liên tục, lực lượng bị tiêu hao, địch buộc phải co cụm đội hình, tổ chức chống đỡ. Xét thấy thời cơ tiêu diệt lớn quân địch xuất hiện, ngày 28-3, Bộ Chỉ huy tiền phương miền quyết định sử dụng 2 sư đoàn (9, 7) mở trận quyết chiến ở khu vực Tô Tịa - Mông Rêu. Sau hai ngày tiến công liên tục, ta đã đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 3 và Chiến đoàn 48 buộc chúng phải kết thúc đợt tiến công đánh chiếm đường 7.

Bước sang tháng 4-1971, phát huy thắng lợi, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 tiếp tục vây ép, bức rút, tiêu diệt quân tăng viện ở các khu vực Pra Thiết, Kha Na, Prôvây..., kiên quyết đẩy lùi địch về ngã tư Chrum. Giữa tháng 4, ý định đánh chiếm lại đường 7 của địch hòng lập bàn đạp tiến công vào hậu phương và căn cứ ta đã bị đập tan. Ba chiến đoàn (5, 48, 9) và lữ đoàn 3 kỵ binh liên tục bị vây đánh và bị thiệt hại nặng nề. Từ cuối tháng 4-1971, các đơn vị quân đội Sài Gòn và quân Lonnon phải co cụm lại để giữ địa bàn và tránh bị tiêu diệt.

Trên mặt trận đường 13 - Xnun, 8 giờ sáng ngày 18-3-1971, sau khi máy bay và pháo binh các loại trút bom, đạn dữ dội vào phum Xra Xăng - nằm ở phía tây bắc thị trấn Xnun 10km, 10 máy bay trực thăng thay nhau đổ Tiểu đoàn đặc nhiệm của Chiến đoàn 9 quân đội Sài Gòn xuống khu vực này. Được chuẩn bị trước, nên ngay khi địch cho trực thăng đổ quân, các trận địa hoả lực 12,7mm của ta đã bắn rơi ba chiếc. Tiếp đó, chớp thời cơ tiểu đoàn địch chưa kịp thiết lập xong trận địa, từ ba hướng, các chiến sĩ Trung đoàn 1 đồng loạt xung phong tiến công địch. Trước sức áp đảo của quân ta, Tiểu đoàn đặc nhiệm không chống đỡ nổi đã hoảng loạn bỏ chạy, hơn 100 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, 80 súng các loại bị thu và phá huỷ.

Cay cú trước thất bại này, sáng ngày 19-3, địch tập trung hàng chục lần chiếc máy bay A37, T28 đánh phá ác liệt phum Xra Xăng, sau đó cho một tiểu đoàn bộ binh ứng cứu tàn binh và thu nhặt xác đồng bọn. Mặc dù bộ binh địch được phi pháo chi viện tối đa và liên tục, nhưng chúng vẫn bị các chiến sĩ Trung đoàn 1 tiêu diệt thêm một đại đội và phải tháo chạy khỏi phum Xra Xăng trong ngày để bảo toàn lực lượng, từ bỏ kế hoạch đánh phá hậu cứ của ta ở khu vực bắc Xnun. Sau thảm bại này, Chiến đoàn 8 quân Sài Gòn phải từ bỏ ý định nống lấn đánh phá hậu phương ta, lùi về co cụm phòng ngự xung quanh thị trấn Xnun.

Đầu tháng 5-1971, để tiếp tục thu hút, kiềm chế một bộ phận chủ lực cơ động của Quân đoàn III Sài Gòn, tạo điều kiện cho quân, dân ta trên chiến trường Nam Bộ đánh phá bình định, hỗ trợ cho bạn củng cố, mở rộng vùng giải phóng, Quân uỷ và Bộ Chỉ huy miền quyết định mở đợt ba chiến dịch phản công địch đang chốt giữ một số vị trí xung yếu trên trục đường 7 và trục đường 13. Trong đợt này, Bộ Chỉ huy miền quyết định tập trung hai sư đoàn (5, 7) tiến công địch ở Xnun và cụm quân Lonnon ở dọc sông Tông lê Tút.

Cụm phòng ngự Xnun do Chiến đoàn 8 quân đội Sài Gòn chốt giữ nằm sâu trong vùng giải phóng. Việc tiếp tế chi viện cho chiến đoàn này, vì vậy, phụ thuộc vào đường 13 và tuyến đường không. Nắm chắc thực tế đó, Bộ Chỉ huy miền quyết định sử dụng Sư đoàn 5 và Sư đoàn 7 đánh cắt triệt để đường bộ, khống chế đường không, tiêu diệt Chiến đoàn 8. Nhiệm vụ của Sư đoàn 5 là vây lấn tiêu hao, tiêu diệt Chiến đoàn 8 ở thị trấn Xnun; Sư đoàn 7 đánh cắt giao thông trục đường 13 ở khu vực dốc Lu, đón lõng, tiêu diệt tàn binh địch khi chúng từ Xnun chạy về và phục kích, sẵn sàng đánh chặn địch từ Lộc Ninh sang cứu viện. Phương án tác chiến vây lấn, đánh cắt giao thông địch ở Xnun và đường 13 mà Bộ Tư lệnh miền đề ra được cán bộ, chiến sĩ hai sư đoàn (5, 7) và các lực lượng phối thuộc phấn khởi đón nhận và khẩn trương chuẩn bị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 12:28:00 am »


Đêm 25-5-1971, sau hơn một tuần dốc sức chạy đua với thời gian hoàn thành công tác chuẩn bị, bộ đội ta bắt đầu triển khai thế trận vây lấn chiến đoàn địch ở Xnun và chiếm lĩnh trận địa đánh cắt giao thông ở dốc Lu. Ở khu vực trận địa vây lấn, Ban Chỉ huy Sư đoàn 5 sử dụng Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 3) đảm nhiệm hướng chủ yếu tây bắc, Trung đoàn 174 và các tiểu đoàn tăng cường đảm nhiệm hướng tây nam, Trung đoàn 3 (thiếu một tiểu đoàn) làm lực lượng dự bị của sư đoàn.

Sau khi kiểm tra lần cuối sự chuẩn bị của bộ đội trên hai hướng Xnun và dốc Lu, đúng 1 giờ ngày 26-5, Bộ Chỉ huy miền phát lệnh nổ súng mở đầu đợt ba. Tám trận địa hoả lực ĐKZ75mm, cối 120mm, cối 82mm, hoả tiễn ĐKB của Sư đoàn 5 bắn phá dồn dập Sở Chỉ huy Chiến đoàn 8, sân bay và các trận địa pháo địch. Trận tập kích hoả lực gây cho địch nhiều thiệt hại, các trận địa pháo ở khu chốt 1 và bộ phận thông tin của Sở Chỉ huy chiến đoàn bị tê liệt, một đại đội chốt tiền tiêu của Tiểu đoàn 4 bị thiệt hại nặng. Khi hoả lực dọn đường vừa chấm dứt, bộ đội ta lập tức dâng cao đội hình vây lấn, tạo thế trận khép kín Sở Chỉ huy Chiến đoàn 8 và Trung đoàn 1 thiết giáp địch.

Bị vây ép mạnh, 8 giờ sáng ngày 26-5, chỉ huy Chiến đoàn 8 cho hai đại đội bộ binh, một chi đoàn thiết giáp chốt giữ hướng tây bắc, phản kích Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1 hòng nới rộng vòng vây. Trên hướng đông bắc, địch cho 10 xe tăng, xe thiết giáp và một đại đội bộ binh phản kích quyết liệt trận địa vây lấn Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 174 nhằm khai thông điểm nút đường 13 về dốc Lu. Giao tranh giữa ta và địch diễn ra dữ dội. Địch dựa vào sự chi viện hoả lực của máy bay và xe tăng tràn tới khu vực trận địa ta. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 của ta dựa vào công sự vững chắc chiến đấu kiên cường, bẻ gãy hầu hết các đợt phản công của địch, bắn cháy ba xe thiết giáp, tiêu diệt một đại đội địch. Tiểu đoàn 3 Chiến đoàn 8 từ dốc Lu lên ứng cứu bị Trung đoàn 165 Sư đoàn 7 chặn đánh, buộc phải quay về vị trí cũ.

Trong hai ngày 27 và 28-5, Sư đoàn 5 tiếp tục tăng cường vây ép Chiến đoàn 8. Được hoả lực pháo binh sư đoàn chi viện, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1 thọc sâu đánh chiếm khu vực Nhà Thờ, uy hiếp phía tây bắc Sở Chỉ huy Chiến đoàn 8. Cùng lúc, ở hướng đông bắc, Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 174 đánh chiếm ngã ba - khu vực giao nhau giữa đường đường 13 và đường 7, nhằm liên kết chiến tuyến vây ép với Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1. Bị vây ép từ ba mặt và bị cắt nguồn nước sinh hoạt, địch ở khu chốt một rục rịch chuẩn bị rút bỏ vị trí. Nắm bắt thời cơ địch hoảng loạn, Ban Chỉ huy Sư đoàn 5 ra lệnh cho Trung đoàn 1 đồng loạt xung phong đánh chiếm cụm chốt một. Sau hơn hai giờ tiến công quyết liệt, Trung đoàn 1 đã làm chủ trận địa, khống chế hoàn toàn phía tây bắc, tiếp tục uy hiếp Sở Chỉ huy Chiến đoàn 8. Ngày 29-5, Bộ Chỉ huy miền chỉ thị cho hai sư đoàn (5, 7) theo dõi chặt chẽ tình hình địch, dự kiến chuyển phương án tác chiến vây ép sang tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 8 và các lực lượng ứng cứu.

Lúc này, dù bị vây ép mạnh và chịu nhiều tổn thất, nhưng địch đóng giữ thị trấn Xnun vẫn cố trụ bám để chờ quân tăng viện. Sáng ngày 30-5, ngoài việc sử dụng hàng chục tốp máy bay AD6, A37, trực thăng vũ trang bắn phá trận địa ta xung quanh thị trấn Xnun hòng nới rộng vòng vây, Bộ Chỉ huy Quân đoàn III Sài Gòn còn cho Lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp từ Lộc Tấn (Lộc Ninh) theo đường 13 vượt biên giới lên ứng cứu cho Chiến đoàn 8. Kiên quyết chặn đứng lực lượng chi viện này của địch, chỉ huy Sư đoàn 7 cho Trung đoàn 3 chuyển từ phục kích sang vận động tiến công nhằm vào đội hình hành quân của Lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp. Sau bốn giờ chiến đấu quyết liệt Trung đoàn 3 và Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 165) đã tiêu diệt một tiểu đoàn, phá huỷ 53 xe tăng, xe cơ giới, bắn rơi ba máy bay, buộc Lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp phải lui về vị trí ban đầu.

Hy vọng vào quân cứu viện lên giải vây bị dập tắt, bất chấp cả lệnh trên, binh lính Chiến đoàn 8 tháo chạy khỏi Xnun. Từ các trận địa phục kích, Sư đoàn 7 và Trung đoàn 174 (Sư đoàn 5) được lệnh xung phong truy kích, tiêu diệt một bộ phận số quân này. Kết thúc trận đánh, bộ đội ta trên mặt trận Xnun - đường 13 đã loại khỏi vòng chiến đấu Chiến đoàn 8 (Sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn) gồm ba tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh, một trung đoàn thiết giáp, bắt 300 tên, phá huỷ hàng trăm xe quân sự, thu 500 khẩu súng các loại. Đây là một trong những trận đánh hay, thắng lớn của bộ đội ta trên chiến trường Đông Bắc Campuchia.

Chiến dịch phản công Đông Bắc Campuchia kết thúc thắng lợi ngày 31-5-1971. Toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 27.000 tên địch (có 6.000 quân Lonnon), bắt hơn 700 tên, diệt một chiến đoàn, một trung đoàn thiết giáp, đánh quỵ năm chiến đoàn, phá huỷ nhiều xe quân sự, pháo, bắn rơi và phá huỷ một số lớn máy bay; thu gần 2.000 khẩu súng các loại (có 13 khẩu pháo lớn), hơn 300 tấn đạn và hàng chục xe quân sự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 12:28:41 am »


Hoà cùng chiến thắng vang dội ở đường 9 - Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, trên chiến trường Tây Nguyên, quân và dân ta cũng giành thắng lợi, đánh bại cuộc hành quân Quang Trung 4 của Quân đoàn II Sài Gòn ra vùng ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Ngay từ giữa tháng 2-1971, khi Quân đoàn II chuẩn bị mở cuộc hành quân Quang Trung 4 đánh ra phía tây tỉnh Kon Tum nhằm triệt phá căn cứ kho tàng và chặn cắt đường vận chuyển chiến lược của ta tại khu vực ngã ba biên giới. Bộ đội Tây Nguyên đang chuẩn bị đợt tác chiến xuân hè 1971 ở hướng Đắc Siêng, được lệnh lật cánh sang hướng nam đường 18 đánh bại cuộc hành quân này của địch.

Ngày 14-2, trong khi các trung đoàn 28, 66, 40 của Mặt trận Tây Nguyên bắt đầu chuyển hướng hoạt động về phía nam đường 18, chuẩn bị cho chiến dịch phản công thì lực lượng địch chốt giữ phía trước đẩy mạnh hoạt động nống lấn các khu Cà Din - Xóm 9, sau đó toả rộng sục sạo hai bên bờ sông Sa Thầy. Tiếp đó, ngày 21-2, địch cho đổ một đại đội pháo 105mm xuống điểm cao 1030, hai đại đội bộ binh xuống phía tây bắc chốt giữ điểm cao này. Ngày 27-2, địch huy động hàng trăm lượt chiếc máy bay lên thẳng chở Trung đoàn 42 bộ binh, Liên đoàn 2 biệt động quân đổ xuống khu vực phía tây sông Sa Thầy, chốt giữ các điểm cao, hỗ trợ cho Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 42 và Tiểu đoàn 2 biệt động quân bấy giờ đang bám theo trục đường 18, đánh phá các căn cứ và tiến dần lên hướng bắc chặn cắt đường vận chuyển chiến lược của ta.

Theo dõi sát mọi động thái của địch, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định bao vây Tiểu đoàn 1 là lực lượng cơ động mạnh nhất của Trung đoàn 42 quân đội Sài Gòn, nhằm buộc địch phải tung quân ra ứng cứu để bộ đội ta tiến công tiêu diệt.

Tối ngày 27-2, Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 66 đón đánh địch ở điểm cao 842, loại khỏi vòng chiến đấu hai trung đội thuộc Tiểu đoàn 1 quân đội Sài Gòn. Lợi dụng đêm tối, Tiểu đoàn 1 đã luồn lách thoát khỏi vòng vây. Sáng ngày 28-2, Trung đoàn 40 pháo binh mặt trận Tây Nguyên đã tập kích bằng hoả lực vào đội hình Tiểu đoàn 1 buộc tiểu đoàn này phải lùi lên điểm cao 935, gọi máy bay và pháo binh chi viện. Chớp thời cơ địch đang hoang mang, đội hình của địch bị chia cắt, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên lệnh cho Trung đoàn 66 sử dụng Tiểu đoàn 9 vận động chiếm giữ điểm cao 923, sẵn sàng chặn đánh Tiểu đoàn 22 biệt động quân, tạo điều kiện cho hai Tiểu đoàn 7 và 8 bao vây tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 1 địch. Đồng thời, Trung đoàn 28 cũng được lệnh điều động Tiểu đoàn 3 tiến đến phía nam điểm cao 875 hình thành tiếp vòng vây thứ hai của chiến dịch.

Sáng ngày 1-3, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên cho Trung đoàn 66 và Trung đoàn 40 nổ súng tiến công địch. Mở màn trận đánh, Đại đội 14 thuộc Trung đoàn 66 dùng cối 82mm bắn gần 100 quả đạn xuống trận địa pháo 105mm và hai đại đội Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 42 quân đội Sài Gòn vừa được máy bay trực thăng đổ xuống phối hợp cùng Tiểu đoàn 22 biệt động quân phản công ứng cứu Tiểu đoàn 1. Cùng lúc, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 chốt giữ điểm cao 923 đã chiến đấu quyết liệt đánh bật hai đợt tiến công của Tiểu đoàn 22 biệt động quân, giữ vững điểm cao. Được các đơn vị bạn hỗ trợ đắc lực, khoảng 12 giờ cùng ngày, hai Tiểu đoàn 7 và 8 của Trung đoàn 66 mở đợt công kích thứ hai vào điểm cao 935. Sau 10 phút bị các loại hoả lực cối, ĐKZ, súng máy 12.7mm, súng phun lửa, B40, B41... của ta tập trung bắn phá, đại đội địch chốt giữ tuyến ngoài của điểm cao này bị tiêu diệt gần hết. Binh lính địch ở tuyến trong hoảng sợ bỏ chạy. Kiên quyết không để địch chạy thoát, Tiểu đoàn 7 (được Tiểu đoàn 8 hỗ trợ hướng đông nam) chia làm hai mũi đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu. Đến 14 giờ, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) đã hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt Tiểu đoàn 1, bắt sống 72 tên, bắn rơi năm trực thăng. Thừa thắng, ngày 3 và 4-3, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 40 phát triển tiến công đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 42) và Tiểu đoàn 22 biệt động quân ở khu vực Ngọc Tô Ba.

Bị đòn đau, Quân đoàn II Sài Gòn buộc phải cho Sư đoàn 22 rút khỏi vùng núi tây sông Pô Cô, về lập tuyến phòng ngự phía tây Đắc Tô, Tân Cảnh, củng cố đội hình, chuẩn bị cho bước tiến công thứ hai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 12:36:08 am »


Nhận định thời cơ mới đã xuất hiện, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên lệnh cho các đơn vị tham gia chiến dịch chuyển từ phản công sang tiến công, đẩy địch lún sâu hơn vào thế bị động, buộc chúng phải từ bỏ ý đồ đánh ra vùng ba biên giới để phối hợp với hai cuộc hành quân Lam Sơn 719Toàn thắng 1/71. Hướng tiến công của ta lần này tập trung vào khu vực điểm cao Ngọc Rinh Rua - vị trí quan trọng trong tuyến phòng ngự cơ bản của địch, do một tiểu đoàn hỗn hợp pháo binh và bộ binh chiếm giữ. Điểm cao có vị trí lợi hại này nếu bị đánh chiếm thì phòng tuyến Plây Cần - Đắc Mót - Đắc Tô sẽ bị uy hiếp trực tiếp, và chắc chắn điều đó sẽ buộc Quân đoàn II phải tung lực lượng ra giải toả. Đó sẽ chính là thời cơ thuận lợi để ta tổ chức trận địa phục kích nhử địch vào khu quyết chiến xung quanh điểm cao Ngọc Rinh Rua để tiêu diệt.

Đêm 30-3, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chỉ đạo Trung đoàn 66 cho Tiểu đoàn 7, Đại đội 19 đặc công và đơn vị hoả lực tăng cường hành quân chiếm lĩnh trận địa tiến công Ngọc Rinh Rua. Hai trung đoàn (28, 31) và Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 vào triển khai trận địa phục kích quân địch ở Đắc Tô lên, Đắc Mót vào. Sáng 31-3, Tiểu đoàn 7 bộ binh, Đại đội 19 đặc công và hai khẩu ĐKZ 75mm của Trung đoàn 66 nổ súng tiến công Ngọc Rinh Rua. Sau những loạt đạn ĐKZ 75mm phá huỷ bốn lô cốt, ba hoả điểm của địch, Đại đội 2 đảm nhận đột phá hướng chủ yếu phía tây bắc do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Doãn chỉ huy đã đồng loạt xung phong đánh chiếm lô cốt đầu cầu và tuyến phòng thủ vòng ngoài. Tổ xung kích Vương Văn Chài trong 10 phút đánh chiếm được ba lô cốt tiền tiêu, tạo điều kiện cho các tổ xung kích khác phát triển mở rộng phạm vi tiến công. Ở hướng thứ yếu phía đông nam do Đại đội 3 đảm nhiệm, địch dựa vào thế cao, hào sâu phản kích, đánh bật lực lượng Đại đội 3. Trước tình hình đó Đại đội 3 buộc phải chuyển sang hướng cửa mở Đại đội 2 để vào chiến đấu.

Đến 10 giờ ngày 31-3, sau khi củng cố lại đội hình. Tiểu đoàn 7 từ khu vực vừa chiếm được chia làm ba mũi thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy, khu thông tin, trận địa pháo. Hai trung đội địch còn lại hoảng sợ lùi về phía nam căn cứ, gọi máy bay, pháo binh đánh chặn để mở đường tháo chạy. Đại đội 1 đón lõng đúng hướng đã “cất vó” gần như không sót một tên. 14 giờ, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66) đã tiêu diệt tiểu đoàn hỗn hợp trong cứ điểm Ngọc Rinh Rua, làm chủ trận địa, thu toàn bộ súng đạn và đồ dùng quân sự.

Ngay trong đêm 1-4, Đại đội 8 pháo binh Trung đoàn 40 được điều động lên Ngọc Rinh Rua đã dùng pháo thu được của địch bắn phá căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh và Sở Chỉ huy Sư đoàn 22 bộ binh quân đội Sài Gòn. Trong hơn một giờ bắn cấp tập pháo binh ta phá huỷ ba dãy nhà tôn chứa hàng quân sự và hai khẩu pháo 105mm, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch. Lửa cháy và tiếng đạn nổ rung chuyển một góc trời, kéo dài suốt đêm ở cụm căn cứ Đắc Tô -Tân Cảnh.

Ngọc Rinh Rua thất thủ, tuyến phòng ngự tây nam Tân Cảnh bị uy hiếp, buộc Quân đoàn II phải tung lực lượng ra giải toả, nhằm chiếm lại những khu vực đã mất. Chỉ trong tuần đầu tháng 4-1971, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn cho Quân đoàn II huy động hầu hết lực lượng của 2 Sư đoàn 22 và 23, Lữ đoàn 2, Liên đoàn 2 biệt động quân vào cuộc chiến. Về phía ta, từ ngày 2 đến ngày 16-4, ba trung đoàn 66, 28, 311 và các lực lượng binh chủng kỹ thuật chủ lực Tây Nguyên đã liên tục chiến đấu tiêu diệt ba tiểu đoàn, đánh thiệt hại một số tiểu đoàn khác của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên. Phối hợp với các đơn vị bộ binh đánh địch ở khu vực Ngọc Rinh Rua, các phân đội đặc công mặt trận táo bạo luồn sâu tập kích vào vùng sau lưng địch ở Trí Lễ, Đắc Tô, diệt 73 xe quân sự, hai kho đạn. Các đoàn xe địch vận chuyển hàng hoá trên đường 14, 18 tiếp tế cho phía trước liên tiếp bị chặn đánh.

Bị tổn thất nặng nề, địch buộc phải co lực lượng về giữ tuyến phòng thủ để tránh bị tiêu diệt. Cuối tháng 5-1971, cuộc hành quân Quang Trung 4 của quân đội Sài Gòn ra vùng ngã ba biên giới hoàn toàn bị đập tan. Lực lượng vũ trang Tây Nguyên không những đánh giỏi, lập công xuất sắc, trưởng thành nhanh chóng, mà còn thu hút, giam chân một lực lượng lớn quân chủ lực cơ động của Quân đoàn II, thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp chiến trường.

Sau gần bốn tháng (từ ngày 8-2 đến 31-5-1971) tiến hành các chiến dịch phản công địch, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, trực tiếp là của Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy chiến dịch trên từng khu vực, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt hy sinh, phối hợp với quân và dân hai nước Lào, Campuchia, đánh bại hoàn toàn ba cuộc hành quân Lam Sơn 719, Quyết thắng 1/71, Quang Trung 4 của địch trên ba địa bàn chiến lược đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Ngã ba biên giới. Lập được chiến công to lớn, toàn diện vào cùng một thời điểm, các lực lượng vũ trang ta đã thực sự trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng. Chiến công đó góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho cách mạng ba nước trên bán đảo Đông Dương đang kề vai sát cánh, chung một chiến hào đánh Mỹ. Chiến công đó mở ra những điều kiện mới, thúc đẩy quân và dân ta đẩy mạnh phong trào chống phá bình định, khôi phục thế trận chiến tranh nhân dân trên ba vùng chiến lược.
_______________________________________
1. Trung đoàn 31 thuộc Sư đoàn 2 tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên, đến tháng 6-1971, lại trở về Quân khu V.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 12:37:18 am »


III- ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG ĐỊCH BÌNH ĐỊNH, MỞ RỘNG VÙNG GIẢI PHÓNG, KHÔI PHỤC THẾ TRẬN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN TRÊN BA VÙNG CHIẾN LƯỢC

Tiếp theo những nỗ lực bình định đặc biệt cuối năm 1968, bình định xây dựng năm 1969 mà trọng điểm là những vùng đông dân cư, có tầm quan trọng chiến lược, bước sang năm 1970, Mỹ và chính quyền Sài Gòn triển khai chương trình bình định phát triển nhằm củng cố kết quả bình định đã đạt được, tiếp tục mở rộng quyền kiểm soát ra nhiều vùng khác trên toàn miền Nam. Theo đó, năm 1970, bằng nhiều biện pháp, nỗ lực bình định phải nhằm đảm bảo an ninh cho các vùng chiến thuật, không còn hoạt động của cách mạng đe doạ; phá vỡ liên hệ giữa cơ sở cách mạng ở các thôn ấp với lực lượng vũ trang Quân giải phóng, khiến cho chủ lực Quân giải phóng không còn khả năng tập trung tiến công đại đội, lực lượng vũ trang tại chỗ nói chung bị tan rã, các căn cứ cách mạng bị tê liệt hoàn toàn. Chỉ tiêu cụ thể mà địch đề ra cho chương trình này trong năm 1970 là giữ vững kết quả bình định năm 1969, củng cố 2.320 ấp loại A đã có; mở rộng vùng an ninh, chuyển 3.600 ấp loại B lên ấp loại A, lập thêm 1.260 ấp khác, giảm 75% các hoạt động của cách mạng ở các vùng đang được bình định, tiêu diệt 50% cơ sở cách mạng đã phát hiện1...

Để thực hiện chương trình bình định trên đây, địch triển khai mạnh mẽ các biện pháp quân sự, chính trị kinh tế, xã hội; đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh tâm lý, các chiến dịch phượng hoàng rất tàn bạo. Bên cạnh đó, nhằm lôi kéo quần chúng nông dân, tạo thêm cơ sở xã hội cho chính quyền Sài Gòn, ngày 26-3-1970, tại Cần Thơ, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố ban hành Dự luật tư chính 003/70/CPVNCH được gọi là Luật người cày có ruộng, gồm sáu chương, 23 điều khoản...

Dù vậy, đến giữa năm 1970, chương trình Bình định phát triển bị chững lại và do vậy, địch buộc phải phát động tiếp đợt Bình định bổ túc hòng thực hiện bằng được chỉ tiêu đã đề ra, tạo đà cho việc triển khai chương trình bình định năm 1971.

Trên thực tế năm 1970, mặc dù bị quân, dân các địa phương miền Nam chống phá quyết liệt, nhưng kế hoạch bình định của địch cũng đã thu được kết quả. Chúng lập thêm 2.675 ấp với 1.310.000 dân, nâng tổng số ấp loại A, B trên toàn miền là 5.305 với 65% dân số, đóng thêm 1.023 đồn. Đồng thời, lực lượng bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự và chủ lực địch tiếp tục được tăng về số lượng, được trang bị thêm vũ khí. Nhìn chung, đến cuối năm 1970, cách mạng miền Nam vẫn đứng trước những khó khăn, thử thách; phong trào chống phá bình định ở nhiều địa phương vẫn chưa được đẩy lên thành cao trào. Tại các vùng ven đô thị, vùng nông thôn đông dân, nhiều của, dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch, ở các vùng giáp ranh hành lang vận chuyển và vùng căn cứ của ta, địch tiếp tục lấn tới...

Bước vào năm 1971, trong khi tập trung quân chủ lực vượt biên giới đánh sang Campuchia, Lào, tại miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đồng thời triển khai chương trình cộng đồng tự vệ và cộng đồng phát triển. Đây là một kế hoạch bình định được chuẩn bị khá công phu, với những chỉ tiêu đề ra đầy tham vọng mà tựu trung, là nhằm củng cố vùng đã kiểm soát, tiếp tục phát hiện và tiêu diệt cơ sở của ta, loại trừ sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, kiểm soát chặt 95% số dân trong các ấp loại A, B2, phát triển lực lượng vũ trang địa phương, đảm bảo cho lực lượng này có đầy đủ khả năng “tự phòng”, “tự quản”, “tự túc” mà thực chất là đủ sức trấn áp sự chống đối của quần chúng trong ấp và đè bẹp, đẩy lùi các cuộc tiến công quân sự của lực lượng vũ trang cách mạng từ bên ngoài vào.

Trước tình hình đó, đầu xuân 1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương một mặt chỉ đạo đảng uỷ, bộ chỉ huy các chiến dịch tập trung lực lượng, kiên quyết phản công đánh bại các cuộc hành quân nống ra đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Ngã ba biên giới; mặt khác, chỉ đạo Quân uỷ, Bộ Chỉ huy miền, các khu, tỉnh trên toàn miền Nam phải nắm lấy thời cơ khi chủ lực địch bị phân tán ra phía ngoài, “đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, đập tan kế hoạch bình định của địch, hướng trọng điểm nhằm vào đồng bằng Nam Bộ, vùng xung quanh Sài Gòn và biên giới Việt Nam - Campuchia”3.

Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và các khu uỷ trên chiến trường miền Nam, từ Khu VIII, Khu IX đến Khu V, Trị - Thiên, căn cứ tình hình địch, ta trên chiến trường đã đề ra chủ trương và chỉ đạo quân dân các địa phương đẩy mạnh đánh phá chương trình bình định của địch, khôi phục thế trận chiến tranh nhân dân trên ba vùng chiến lược, đặc biệt là một số vùng trọng điểm mà trước đó đã bị Mỹ và quân đội Sài Gòn tập trung đánh phá thành vùng trắng.
_______________________________________
1. Dẫn theo Hà Minh Hồng: Phong trào chống phá bình định nông thôn ở Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1969-1972), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2000, tr. 61.
2. Địch phân chia các loại ấp theo thứ tự A, B, C... căn cứ vào mức độ bình định được tại các ấp. Thuộc loại A, B là những ấp mà tại đó, đánh giá là về cơ bản, đã hoàn tất công tác bình định.
3. Điện Bộ Chính trị gửi Trung ương Cục, Quân uỷ miền, ngày 9-2-1971.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2010, 12:37:47 am »


Ở miền đông Nam Bộ, lợi dụng địch sơ hở trên từng khu vực do quân chủ lực Vùng III chiến thuật mở các cuộc hành quân ra ngoài biên giới, quân và dân các địa phương nơi đây đẩy mạnh chiến tranh du kích, kiên quyết đánh phá kế hoạch bình định, khôi phục và mở rộng vùng giải phóng, phục hồi và phát triển lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân. Vận dụng phương thức đấu tranh hai chân, ba mũi, lực lượng vũ trang Tây Ninh vừa mở các hoạt động tiến công quân sự nhằm vào lực lượng địch đang nống ra lấn chiếm các vùng giáp ranh, vừa táo bạo thọc sâu vào huyện lỵ, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh chính trị. Chiến tranh du kích toàn tỉnh nhanh chóng được phục hồi, phát triển. Các vùng ven, từ Trảng Bàng, Gò Dầu phía đông đến Thiện Ngôn, Bến Cầu phía tây, các cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm của địch đã bị quân, dân ta chặn đánh, buộc phải chững lại. Một số nơi trước đây quân Mỹ và quân đội Sài Gòn thường mặc sức đánh phá, càn quét, lùng sục cơ sở của ta, nay tình hình đã được cải thiện. Phong trào xây dựng, bảo vệ và mở rộng vùng căn cứ, vùng giải phóng, lõm du kích, lõm chính trị phát triển đã tạo chỗ đứng chân, tạo thế trụ bám vững chắc cho các đội biệt động khu, tỉnh và các đội tự vệ mật củng cố, phát triển và đẩy mạnh hoạt động. Năm 1971, thêm hàng nghìn cơ sở mật được hình thành ở các địa phương trong tỉnh. Tại nhiều xóm, ấp phong trào đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống bắt lính phát triển khá mạnh. Nhiều xã, ấp vùng ven căn cứ du kích, các ban tề xã địch hầu như bị tê liệt. Hàng nghìn đồng bào lần lượt vùng lên phá thế kìm kẹp, bung về làng cũ làm ăn.

Ở Long An, mặc dù quân Mỹ đã rút hết, nhưng chương trình bình định của địch những tháng đầu năm 1971 vẫn được giữ vững. Từ 360 đồn bốt được xây dựng từ những năm 1968, 1969 đến giữa năm 1971, qua hàng chục cuộc hành quân bình định kết hợp với càn quét phát quang ở các huyện Đức Hoà, Bến Lức, Thủ Thừa, Châu Thành, Cần Giuộc.. đã tăng lên 596 đồn bốt. Tại các huyện trọng điểm, địch thường xuyên bố trí từ hai đến ba đại đội bảo an, hai đến ba trung đội dân vệ cùng với các nhóm chuyên trách bình định, phượng hoàng càn quét, phát quang địa hình và kiểm soát chặt chẽ từng người dân. Trong khi đó, đối với những vùng có phong trào cách mạng phát triển mạnh, kết hợp với các cuộc hành quân càn quét, địch đẩy mạnh các hoạt động phượng hoàng nhằm “diệt tận gốc hạ tầng cơ sở Việt cộng”. Chỉ trong vòng tháng 2-1971, địch bắt 800 gia đình đi học chính trị ở tỉnh, huyện... Để phục hồi các cơ sở quần chúng cách mạng, đấu tranh chống phá bình định, nhiều đội biệt động khu, tỉnh đã trở lại bám địa bàn, hoạt động theo phương thức phân tán, luồn sâu, thâm nhập từng nhà, vận động từng người. Đến giữa năm 1971, Long An từng bước khôi phục lại được phần lớn cơ sở chính trị ở các vùng nông thôn và vùng giáp ranh. Một số huyện như Đức Hoà, Đức Huệ, Bến Lức... hoạt động quân sự trong sáu tháng cuối năm 1971 mạnh hơn trước. Bộ đội địa phương được dân quân du kích hỗ trợ đã đẩy mạnh tác chiến, diệt được trung đội địch ở An Ninh, Lộc Giang, diệt đại đội địch ở Hoà Khánh, Hậu Nghĩa. Ở nhiều nơi, địch bắt đầu co lại trong đồn; ban đêm, bộ đội, du kích đi lại tự do. Trong năm 1971, quân dân Phân khu 23 Long An đã tổ chức đánh hơn 600 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5.000 tên địch, bắt sống 57 tên, diệt hai ban tề xã, ấp, hai đại đội, ba trung đội, thu và phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Một số huyện đã mở được lõm chính trị, lõm du kích và các lõm này từng bước tạo được thế liên hoàn với nhau. Đó là một trong số những điều kiện thuận lợi cho các tiểu đoàn chủ lực có chỗ đứng chân, chuẩn bị cho những trận đánh nhằm hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chống địch càn quét, gom dân, lập ấp chiến lược.

Tỉnh Bà Rịa được một số cán bộ ban cán sự miền trực tiếp xuống chỉ đạo phong trào chống phá bình định ở nhiều địa phương trong tỉnh, phong trào đạt kết quả khá hơn trước. Sáu tháng đầu năm 1971, quân, dân trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tiến công tổng hợp nhằm phá kế hoạch bình định của địch. Trên khắp các huyện lỵ, thị tứ, dựa vào những cơ sở nội tuyến còn giữ được, tỉnh mở rộng mạng lưới hoạt động cài cắm người của ta vào các tổ chức quân đội và chính quyền địch. Đặc biệt, trên vùng cao su Long Khánh, quân dân ta giải phóng hàng loạt sở, đồn điền như Lang Lớn, Xà Bang, Quang Minh, Hoà Lạc, Việt Cường... Thậm chí cả ở một số vùng công giáo vốn là những địa bàn địch tin cẩn, bắt đầu có chuyển biến về chính trị có lợi cho cách mạng. Cuối năm 1971, hàng chục căn cứ kháng chiến trên đất Bà Rịa - Long Khánh được củng cố khá vững chắc; chính quyền xã, ấp của địch ở nhiều nơi hoang mang. Bộ đội tỉnh, huyện đã tuyển lựa được hàng trăm thanh niên bổ sung tại chỗ, tạo điều kiện cho chiến tranh nhân dân địa phương ngày một phát triển.

Phong trào chống phá bình định của quân, dân các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bà Rịa đạt kết quả tốt đã nhanh chóng được nhân rộng ra hầu khắp các tỉnh miền đông Nam Bộ. Tháng 4-1971, quân, dân Phân khu Thủ Biên (Thủ Dầu Một - Biên Hoà) và các khu vực ngoại vi Sài Gòn - Gia Định đã học tập quán triệt Chỉ thị 01 của Thường vụ Trung ương Cục về thực hiện bước một đánh phá bình định, kiên quyết phá lỏng, phá rã thế kìm kẹp của địch trên diện rộng, xây dựng lực lượng vũ trang và chính trị của ta ở cơ sở, làm thay đổi tương quan lực lượng để tiến lên thực hiện bước hai mở mảng, mở vùng. Tháng 5-1971, được sự chi viện của quân, dân Bà Rịa, quân, dân Biên Hoà đẩy mạnh hoạt động quân sự và chính trị, giành quyền kiểm soát tại nhiều vùng giáp ranh, hình thành nhiều lõm chính trị ở ven đường quốc lộ, ở thị trấn, thị xã. Ở thị xã Biên Hoà, được cơ sở mật nội thị giúp đỡ, các đội vũ trang công tác miền và tỉnh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đã xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng trên nhiều địa hạt cư dân khác nhau. Thị uỷ Biên Hoà, sau khi củng cố lại hai chi bộ Bửu Long và chợ Biên Hoà, đã gây dựng thêm 34 cơ sở mật ở nội ô và vùng ven. Tháng 8-1971, các đội vũ trang công tác luồn sâu vào khu công nghiệp hỗn hợp Biên Hoà xây dựng được tám cơ sở mật trong các nhà máy, phân xưởng. Các vùng giáp ranh khu kho Long Bình và các xã Phước Tân, An Hoà, Long Hưng... tỉnh đội đã xây dựng được xã đội và các trung đội du kích. Ở vùng ven Sài Gòn - Gia Định, để hỗ trợ cho nhân dân vùng sâu chống phá bình định, thành uỷ cho thu gọn Trung đoàn 268 thành Tiểu đoàn 268 và đưa tiểu đoàn này về Trảng Bàng, Củ Chi phối hợp với du kích xây dựng và mở rộng cơ sở cách mạng. Trung đoàn Quyết Thắng thu gọn thành hai tiểu đoàn mạnh, luồn sâu vào vùng đông dân Gò Vấp, Hóc Môn, vừa bí mật tiêu diệt các toán địch đi càn, vừa hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ... Được sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội chủ lực, phong trào chiến tranh du kích phát triển ở nhiều nơi như An Nhơn, Phú Mỹ Hưng, Trung Lập Thượng... Tháng 4-1971, du kích An Nhơn Tây tiến công đồn Cây Mai, tiêu diệt trung đội địch đóng chốt tại đây. Trong tháng 5-1971, bộ đội địa phương và du kích huyện Củ Chi tổ chức phục kích, phá huỷ, phá hỏng hàng chục xe tăng, xe bọc thép. Sáu tháng đầu năm 1971, du kích mật Củ Chi diệt được 50 tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Ở phía đông thành phố Sài Gòn, bộ đội đặc công Rừng Sác được nhân dân vùng ven hỗ trợ, khắc phục khó khăn, chủ động chọn thời cơ đột nhập đánh tàu thuyền khu vực cảng Nhà Bè. Tháng 11-1971, Đại đội 13 Đoàn 10 tổ chức một tổ bí mật vượt phòng tuyến địch, tiếp cận sông Lòng Tàu, bắn cháy tàu chở dầu một vạn tấn. Cuối năm 1971, Đoàn 10 Rừng Sác tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự, hỗ trợ cho nhân dân vùng ven chống phá bình định. Đồng thời, lúc bấy giờ, Đoàn 10 đã phá vỡ thế bao vây của định, bắt đầu nhận được tiếp tế từ đất liền.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM