Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 25 Tháng Tư, 2024, 08:23:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dưới giá treo cổ cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein  (Đọc 54827 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:29:24 pm »

Biệt thự của Saddam Hussein ở Pháp


Theo Times, TFI, Gulf Daily, tại Quận Californie của thành phố Cannes hoa lệ của nước Pháp là nơi tọa lạc những tòa nhà thuộc loại đẹp nhất cả khu vực Côte d'Azur hào nhoáng. Một ngôi biệt thự trị giá cả 15 triệu USD của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein nằm ở đó. Một biệt thự khác thì đứng sừng sững ở kinh đô nước hoa Grasse.

Ý định về hưu ở Pháp có lẽ đã nảy nở trong đầu ông Saddam Hussein từ năm 1975, khi ông này đến thăm vùng Provence (thuộc Côte d’Azur) trù phú của nước Pháp. Ông đã được Jacque Chirac, lúc bấy giờ là Thủ tướng Pháp đón tiếp nồng hậu. Vài năm sau chuyến thăm kể trên, K.Ebdoulahi - một người thân tín của Hussein - đã làm thủ tục mua căn biệt thự cho Chính phủ Iraq. Bản thân ông Hussein kể từ đó đến nay chưa một lần đặt chân đến 2 ngôi biệt thự hoa lệ nhưng Uday, một trong hai quý tử ăn chơi ngất trời của ông ta thì đã vài lần đến ngôi biệt thự trị giá 15 triệu USD để mở tiệc linh đình. Nó có 12 phòng ngủ, nằm trên một ngọn đồi trông xuống thành Cannes, nơi tập trung hằng năm của những minh tinh màn bạc trên khắp thế giới để hồi hộp chờ giải Cành cọ vàng được công bố. Cũng như các dinh thự của ông Hussein ở Baghdad, hầu hết những vật quý giá bên trong đã bị cướp đi từ những ngày đầu của cuộc chiến Iraq.

Ngôi biệt thự ở Grasse rẻ hơn: khoảng 7 triệu USD. Nó đang trong tình trạng bỏ hoang hoàn toàn và hiện là nơi tập trung của bọn đầu trọc. Bọn chúng đã vẽ nguệch ngoạc đầy các bức tường trong nhà và có lúc "cao hứng" còn châm lửa đốt cả tủ ly. Một số nhà báo đã có dịp vào đây, nhìn thấy chai lọ vương vãi trên sàn nhà giữa những bao cao su đã sử dụng. Lối vào thì mọc đầy cỏ dại còn cái hồ bơi rộng lớn trở thành nơi tắm táp cho lũ ếch nhái. Chính quyền mới của Iraq vừa cho biết sẽ tiến hành các thủ tục để nhận quyền sở hữu 2 ngôi biệt thự kể trên.

Phải khổ sở trong nhà tù của Mỹ, hẳn có lúc Saddam Hussein nghĩ đến 2 ngôi biệt thự ở Pháp của mình. Nếu như không có cuộc chiến Iraq thì hẳn sẽ có ngày ông ta bước chân lên "Ngọn đồi tỉ phú”, tên của khu đồi ở Cannes mà ngôi biệt thự 15 triệu USD của ông ta tọa lạc, để hưởng tuổi già. Cái tên "Ngọn đồi tỉ phú” phần nào nói lên mức độ giàu có của những cư dân của nó. Luật bảo vệ cuộc sống riêng tư đến mức tối đa của Pháp cộng với khí hậu tuyệt vời của vùng Côte d'Azur khiến cho nơi đây trở thành điểm hạ cánh dễ chịu của nhiều nhân vật từng hét ra lửa. Dân cư của nó bao gồm nhà cựu độc tài Zaire M.Seko, hàng loạt nhân vật quyền lực của thế giới Arab cũng tậu nhà ở Côte d'Azur, trong đó không thể không kể đến hoàng thân Qatar. Cũng trên cùng một con đường, nấp sau những bức tường cao ngất lắp đầy camera là biệt thự của em gái vị quốc vương đã quá cố xứ Arab Saudi Fahd. Bản thân ngôi biệt thự của ông Hussein cũng gắn không ít camera an ninh, nhất là kể từ năm 2002, sau khi những người quản lý ngôi nhà này phát hiện ra hàng xóm của mình chính là em trai của trùm khủng bố Bin Laden.


Nhiều trẻ em chết vì thử bắt chước cảnh quay treo cổ Saddam Hussein


Theo AP, sau khi những hình ảnh về Saddam Hussein bị hành quyết phát tán trên truyền hình và Internet, nhiều em nhỏ các nước đã bắt chước những gì được xem.

Cái chết của những cậu bé ở Mỹ, Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nơi khác đều cố một điểm chung: tất cả đều treo cổ sau khi xem cảnh quay xử tử Saddam Hussein.

Quan chức và người thân các em nhỏ trên cho biết, bọn trẻ dường như bắt chước cảnh treo cổ cựu Tổng thống Iraq hôm 30/12 - vốn được ghi lại trong các băng hình rút ngắn của Chính phủ Iraq lẫn đoạn băng bí mật được phát trên các website và một vài kênh truyền hình.

Những đoạn phim rò rỉ được quay bằng điện thoại di động đã khiến thế giới bất bình về vụ hành quyết cựu lãnh đạo Iraq. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại quan tâm nhiều hơn tới hình ảnh Saddam Hussein tụt khỏi sàn giá treo cổ và thi thể lủng lẳng ở cuối đoạn dây thừng.

Các chuyên gia cho hay, những hình ảnh như vậy sẽ tác động mạnh tới thanh thiếu niên - đối tượng chưa hiểu hết hậu quả của cái chết và bạo lực đặc biệt khi việc xử tử Saddam lại thu hút sự chú ý của quốc tế.

"Bọn trẻ đã nhìn thấy những gì diễn ra nhưng không nghĩ rằng nó khủng khiếp, và chúng lại càng muốn bắt chước", Hisham Ramy, một giáo sư khoa tâm lý trường đại học Ain Shanls tại Cairo nói.

Một ngày sau khi vụ hành quyết Saddam diễn ra, một cậu bé 10 tuổi người bang Texas (Mỹ) đã chết trên chiếc giường tầng của mình sau khi xem bản tin Saddam bị treo cổ. Cảnh sát ở khu ngoại ô Webster, Houston nói, Sergio Pelico - cậu bé thiệt mạng, đã thắt một thòng lọng quanh cổ khi đang nằm trên giường nhưng không hề có ý tự tử.

"Tôi tin rằng cậu bé không nghĩ mọi việc là thật", Julio Gustavo, bác Sergio nói. "Ti vi chiếu cảnh các đao phủ thắt thòng lọng quanh cổ ông ta và đủ mọi thứ. Tại sao lại chiếu những thứ đó trên ti vi?".

Một việc làm tương tự cũng diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, cậu bé Alisen Akti 12 tuổi cũng treo cổ trên giường sau khi xem cảnh quay hành hình Saddam. Bố của em là Esat Akti nói với các phóng viên rằng con trai ông bị ảnh hưởng bởi  những hình ảnh trên ti vi.

"Sau khi xem đoạn băng hành hình Saddam, cháu luôn miệng hỏi: Saddam bị xử tử như thế nào? ông ấy có bị đau không?", Akti nói: "Chính những hình ảnh đó đã gây ra cái chết của con tôi".

Mubassahr Ali, 9 tuổi, ở thị trấn Rahim Yar Khan, miền đông Pakistan cũng thiệt mạng vài giờ sau khi xem cảnh hành quyết Saddam. Cảnh sát địa phương là Sultan Ahmed Chaudhry nói, cậu bé đã bắt chước những gì đã xem.

“Cậu bé xấu số đã dùng một đoạn khăn dài, một đầu buộc lên quạt trần và buộc đầu còn lại quanh cổ. Tiếp đó, nó đứng trên ghế và nhảy xuống", ông Chaudhry nói.

Tại Yemen, có ít nhất 2 em nhỏ thiệt mạng và 1 em bị thương trong trường hợp tương tự. Trong số trên có một học sinh 13 tuổi. Anh họ của cậu bé này là Yahya al-Hammadi cho biết, khi gia đình cậu bé trở về nhà họ thấy em lủng lẳng trên cây.

Ở Arab Saudi, một bé trai 12 tuổi được anh trai phát hiện đã chết với thòng lọng quanh cổ, báo Okaz đưa tin. Cậu bé thiệt mạng tên là Sultan Abdullah al-Shemmeri sống cùng gia đình  ở tỉnh Hafr al-Baten, gần biên giới Iraq.

"Cậu bé đó mới 12 tuổi và không biết được  việc xử tử Saddam là tất hay xấu”, một quan  chức Bộ Nội vụ Arab Saudi nói.

Báo chí ở Algeria và Ấn Độ cũng đưa tin về các trường hợp tương tự sau khi xem cảnh treo cổ Saddam.

Ramy, một giáo sư ở Ai Cập nói, lũ trẻ có xu hướng bắt chước những cảnh bạo lực chúng xem trên ti vi, Internet và phim ảnh nhưng hành động của chúng thường nhằm vào người khác. Việc bắt chước treo cổ hay tự tử là bất thường nhưng trong trường hợp này thì không lấy gì làm ngạc nhiên. "Vì có một số người nói Saddam là anh hùng, kẻ tử vì đạo và cái chết của ông ta được ca ngợi, điều này đã ảnh hưởng tới lũ trẻ".

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #31 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 07:23:22 am »

Cơn sốt mua bán kỷ vật của ông Saddam trên mạng


Theo Dakungpao, ngày 3/1/2007, sợi dây thừng treo cổ ông Saddam được đặt giá 20 vạn USD, còn cái đai da là 25 vạn USD. Còn bản viết tay Hồi ký của ông Saddam viết trong tù được chào bán với giá cao ngất: 1,8 triệu USD!

Trong khi chính phủ Iraq còn đang tiến hành điều tra xem ai là kẻ đã dừng điện thoại di động quay và tung đoạn băng video cảnh ông Saddam bị thắt cổ lên mạng Internet thì ngày 2/1/2007, đã có người công khai rao bán sợi dây thừng đã thắt cổ ông trên mạng EBAY.

Theo lời kẻ rao bán thì sợi thừng này được các đao phủ xác nhận và ông ta chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu đây là đồ rởm. Giá khởi điểm cho sợi dây này là 20 vạn USD và việc đấu giá sẽ kết thúc vào ngày 2/2/2007.

Theo báo chí Mỹ thì sợi thừng này có thể được bán riêng hoặc bán kèm với đai da quàng vai có tác dụng giữ cho cổ ông Saddam được cố định sau khi đã bị treo cổ, tránh bị ngoại thương. Cái đai da đắt hơn, giá rao bán là 25 vạn USD.

Người ta cho rằng, là vật chứng quan trọng cho một giai đoạn lịch sử Trung Đông, rõ ràng sợi thừng treo cổ ông Saddam có một giá trị lịch sử không gì có thể thay thế được, nhưng giá tiền 20 vạn USD cũng thật chẳng rẻ chút nào.

Trước những ý kiến phàn nàn về giá quá đắt, người rao bán giải thích: Cuộc chiến tranh Iraq gây nên tổn thất nhân mạng rất lớn và chi phí lên đến trên 35 tỷ USD, thì cái giá 20 vạn USD ông ta đặt cho sợi thừng vẫn là quá rẻ.

Trong lúc sợi thừng treo cổ Saddam còn chưa có người mua thì ngay tối 2/1/2007, trên mạng EBAY lại xuất hiện một kỷ vật khác có liên quan đến Saddam được rao bán: Đó là bản viết tay Hồi ký của ông Saddam viết trong tù với cái giá chào bán cao ngất: 1,8 triệu USD. Tuy nhiên, tính chân thực của tập bản thảo này còn chưa được xác nhận.

Khác với người rao bán sợi dây thừng, kẻ rao bán bản thảo hồi ký không ghi tên thật, chỉ lấy biệt danh là "Iraq - Sadar". Trong mục thuyết minh cho món hàng, người này viết: Trong thời gian bị giam giữ, ông Saddam luôn tập trung viết hồi ký, nhưng do các lính gác Mỹ ngăn cản nên cuốn hồi ký không hoàn thành được.

Tập bản thảo này chỉ gồm 32 trang, được giữ gìn bởi một lính gác kể từ tháng 7/2006, sau đó nó được một người giấu tên mua lại với giá bèo. "Iraq - Sadar" cam đoan bản thảo này hoàn toàn được viết bởi chính tay Saddam, nó là bút tích của ông ta 100%.

Một quan chức Bộ Nội vụ Iraq xin giấu tên nói, hiện vẫn chưa xác định được Saddam có viết hồi ký khi bị giam giữ hay không, nhưng có một điểm có thể xác nhận là kể từ ngày 28/6/2006, lính gác người Mỹ không cung cấp giấy bút cho ông ta nữa.

Trước khi bị treo cổ, Saddam đã yêu cầu được viết Di chúc và việc này đã được tiến hành dưới sự giám sát của lính gác. Nếu ông Saddam có viết hồi ký thì nó chỉ có thể được viết trước khi bị lật đổ hoặc khi mới bị bắt giam.


Xung quanh vụ em trai Saddam Hussein bị treo cổ


Theo AFP, BBC, AP, nhà chức trách Iraq đã cho các phóng viên xem một đoạn băng ghi lại cảnh treo cổ cựu quan chức Baghdad. Một trong hai người là em trai của Saddam Hussein và dầu ông này bị đứt khỏi cổ.

Những cảnh trong băng cho thấy Barzan Ibrahim al-Tikriti - em trai Saddam và là cựu chỉ huy lực lượng tình báo Iraq - cùng với Awad Hamed al-Bandar, cựu thánh án toà án cách mạng Iraq, bị treo cổ cạnh nhau. Hai người này bị xử tử vì tội thảm sát người Shiite năm 1982.

Phóng nên BBC Andrew North ở Baghdad cho biết, những cảnh quay đầu tiên cho thấy cả hai bị cáo đang được chuẩn bị để lên giá treo cổ. Họ đều mặc quần liền áo màu cam và đứng cạnh nhau. Nhóm thi hành án đội mũ trùm kín đầu đã thắt thòng lọng vào cổ hai phạm nhân sau khi chụp mũ lên đầu họ.

Một cảnh quay ngắn sau đó cho thấy cả hai người đàn ông gục xuống. Hầu như ngay lập tức, sợi dây thừng quấn quanh cổ Barzan bật lên trên và cơ thể ông rơi xuống bên dưới.

Người quay phim sau đó chĩa ống kính xuống nền nhà và ở đó là một thi thể không đầu máu đầy cổ. Các nhà chức trách nói rằng đầu của Barzan vẫn còn trong mũ. Trong khi đó thi thể của Al-Bandar vẫn lủng lẳng trên dây thừng. Chính phủ Iraq khẳng định rằng việc Barzan bị đứt đầu là một sự tình cờ.

Xác hai phạm nhân sau đó được đem chôn cạnh mồ của Saddam Hussein tại ngôi làng Awja cách Baghdad chừng 180 km về phía Bắc. Hãng tin AFP đưa tin, khoảng 3.000 người, với không ít trong số này bắn súng và hò hét các khẩu ngữ chống chính phủ, đã tụ tập tại đây để tổ chức tang lễ.

Các nhân chứng cho biết, Barzan và Al-Bandar rùng mình sợ hãi khi họ bị đưa tới giá treo cổ. Một trong những người có mặt tại đó, công tố viên Jaafar al-Mussawi kể lại, khi cửa sập mở, ông nhìn thấy sợi dây thừng treo Barzan đung đưa. "Tôi nghĩ Barzan Ibrahim al-Tikriti đã tuột khỏi dây thòng lọng. Tôi hô lên rằng ông ta thoát rồi, đi xuống và tìm ông ta đi. Tôi bước xuống vài bước phía trước mọi người để nhìn: Tôi thấy đầu ông ta đã lìa khỏi thân". Việc thi hành án đã diễn ra lúc 3h sáng (giờ GMT) trong cùng một toà nhà mà Saddam Hussein bị treo cổ ở Baghdad. Giới chức Iraq cho biết đầu tiên họ không có ý định tiết lộ đoạn video trên.

Kiểu treo cổ Saddam đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế sau khi những hình ảnh quay bằng camera điện thoại di động cho thấy ông đã bị sỉ vả trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Phát ngôn viên Chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh khẳng định không có điều tương tự tại buổi hành quyết Barzan và al-Bandar.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tư, 2010, 07:37:30 am gửi bởi hoi_ls » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #32 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 07:28:06 am »

Nghi vấn xung quanh vụ treo cổ em trai Saddam Hussein

Theo hãng Reuters, vụ treo cổ vụng về em cùng mẹ khác cha của cựu Tổng thống Iraq là Barzan Ibrahim khiến cộng đồng Arab nghi ngờ rằng những người hành quyết đã chơi bẩn và ác ý.

Chiếc thòng lọng cuốn bay cả đầu của Barzan al-Tikriti khi ông này ngã xuống hố bên dưới giá treo cổ. Nó khiến người ta suy đoán rằng đao phủ đã điều chỉnh độ dài của thòng lọng sao cho nó có thể cứa đứt cổ của tội nhân.

Phát ngôn viên chính phủ Iraq, Ali Dabbagh cho biết không có "sự vi phạm nào về thủ tục" treo cổ Barzan và Awad Hamed al-Bandar - cựu chánh án cách mạng Iraq.

Nhưng cộng đồng người Arab, từ Yemen tới Marốc, đều tỏ thái độ hoài nghi trước lời giải thích của các quan chức. Một số người nhắc lại những lời thóa mạ và cách thức đầy bê bối của vụ hành quyết Saddam Hussein hôm 30/12/2006. Zaid al-Boudani, một người bán hàng ở Sanaa, Yemen, nói: "Hôm nay tôi rất buồn, nhiều người Arab Sunni khác cũng vậy. Vụ hành quyết này là một phần của chiến dịch trả thù đang diễn ra ở Iraq. Cái cách mà đầu ông ấy lìa khỏi cổ chỉ cho thấy lòng căm hận và sự trả thù”.

Chủ tịch Trung tâm nhân quyền Marốc Khaled Charkaoui mô tả vụ treo cổ là dã man và là hành động trả thù, được thi hành dưới áp lực từ bên ngoài, có thể là từ Iran và Mỹ. "Chúng tôi chưa từng nghe thấy có ai bị lìa đầu vì treo cổ cả, chỉ mỗi vụ này, nó phản ánh sự căm thù và bạo lực" ông nói.

Ông Azzam Saleh Abdullah, anh rể của Barzan, phát biểu trên Al Jazeera rằng chính quyền Iraq không thông báo cho gia đình biết trước rằng việc hành quyết sẽ xảy ra. "Chúng tôi nghe tin qua ti vi và thực sự bị sốc". Chính phủ Iraq đáng lẽ nên thông báo với chúng tôi. Họ biết rõ truyền thống là thế cơ mà", ông nói thêm.

Issam Ghazzawi, một luật sư người Jordani biện hộ cho Barzan, cho rằng sự việc khiến thân chủ của ông bị đứt cổ là do cố ý. "Đầu của ông ấy bị cắt sau khi bị treo cổ, là hành động dã man nhằm trả thù. Hành động đó đi ngược lại với các giá trị của con người".

Hiệp hội Nhân quyền Marốc, cơ chế giám sát nhân quyền độc lập chủ chốt ở các nước Bắc Phi, bình luận rằng vụ treo cổ là "ám sát chính trị". Tổ chức này tuyên bố: "Phiên tòa xử Saddam Hussein và các cộng sự của ông ấy thiếu các điều kiện cần thiết và không công bằng, ra một phán quyết bất công và các vụ treo cổ là hành động tội phạm ám sát chính trị".

Tuy nhiên, một số người Arab ở các nước nơi mà Saddam Hussein không được yêu mến, thì lấy làm vui mừng trước tin Barzan bị tử hình. Ali al-Baghli, một nhà phân tích hàng đầu của Kuwait và từng là Bộ trưởng dầu mỏ nước này, nói: "Cuối cùng thì công lý đã được thực thi!... (Barzan) phạm rất nhiều tội lỗi chống nhân loại. Ít nhất ông ta đã được xử bởi một tòa án hợp pháp".

"Đây là nguyên tắc luật pháp... Họ đáng bị như vậy. Họ không thể cứ tra tấn và giết người mà không phải đối mặt với công lý", Mansoor Al- Jamri, biên tập viên tờ Al Wasat của Bahrain, nói.


Châu Âu "nóng bỏng" vì vụ treo cổ "tàn bạo"

Sự kiện Iraq treo cổ hai phụ tá của Saddam Hussein gây một làn sóng phản đối mới từ các nước châu Âu, thêm vào đó là việc đầu của em trai cựu tổng thống bị đứt lìa khỏi cổ càng làm phản ứng thêm mạnh mẽ.

Em cùng mẹ khác cha của Saddam Hussein, cựu trùm tình báo Iraq Barzan Ibrahim al-Tikriti, đã bị chiếc thòng lọng cắt đứt đầu khỏi cổ trong khi ông này bị hành quyết. Nhân vật này cùng một người nữa - chánh tòa án cách mạng Iraq trong chế độ cũ Awad Hamed al- Bandar, bị xử tử với tội danh chống nhân loại trong vụ thảm sát ở Dujail năm 1982.

"Thông tin về vụ treo cổ tàn bạo đó thật kinh khủng", Ngoại trưởng Ailen Dermot Ahern nhận xét: "Tôi tin rằng vì công lý và hòa giải ở Iraq, chính quyền nước này nên có những bước đi nhằm chấm dứt việc hành hình".

Chỉ vài giờ sau cuộc hành hình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jose Manuel Barroso phát biểu ông ủng hộ chiến dịch do Italia khởi xướng nhằm vận động Liên Hợp Quốc ra lệnh ngừng hình phạt tử hình trên toàn cầu.

Thủ tướng Anh Tony Blair, người từng nhận xét rằng cách thức vụ hành hình Saddam Hussein là "không thể chấp nhận được", nói rằng Anh phản đối án tử hình, nhưng thực hiện hay không lại thuộc chủ quyền của Iraq.

Tờ báo L'Osservatore Romano của tòa thánh Vatican than phiền rằng những lời xin tha mạng cho hai nhân vật nói trên đã không được lắng nghe. "Viện đến giá treo cổ là việc thực hiện công lý một cách man rợ. Sau vụ hành hình Saddam Hussein theo một cách đầy xúc phạm, đã có rất nhiều lời kêu gọi đối thoại và hòa giải", tờ báo viết.

“Nhưng cho đến bây giờ, vẫn không có gì thay đổi".

Trong khi đó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon dường như có quan điểm hơi xa cách với lời kêu gọi tổ chức này cấm án tử hình, ông nói: "Vấn đề án tử hình là tùy thuộc sự quyết định của mỗi quốc gia".

Châu Âu đã cấm án tử hình, nhưng loại hình phạt này vẫn tồn tại ở 68 quốc gia.


Lybia sẽ dựng tượng ông Saddam


Chính phủ Lybia cho hay nước này sẽ dựng một bức tượng cựu Tổng thống Saddam Hussein, người vừa bị hành quyết tại Baghdad hôm 30/12/2006. Theo mô tả của hãng thông tấn Lybia Jana, bức tượng sẽ khắc họa cảnh ông Saddam đang đứng trên giá treo cổ cùng với một nhà lãnh đạo của phong trào kháng chiến Lybia, người từng chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Italia và cũng từng bị treo cổ năm 1931.

Lybia đã tuyên bố ba ngày quốc tang sau cái chết của ông Saddam và tạm hoãn mọi hoạt động kỉ niệm lễ Eid al-Alda. Các tòa nhà của chính phủ Lybia đều được treo cờ rủ để tang ông Saddam.

Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập ông Hosni Mubarak lên tiếng phát biểu rằng, việc ông Saddam Hussein bị xử tử đã biến vị cựu Tổng thống Iraq này trở thành một người tử vì đạo. Ông Mubarak cũng bày tỏ quan điểm, theo đó, những bức ảnh chụp trộm từ vụ hành quyết là vô nhân đạo và man rợ. Ai Cập được biết đến là đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực và là một trong hai nhà nước thuộc thế giới Arab đã ký kết hiệp ước hòa bình với Israel. Những lời phát biểu của Tổng thống Ai Cập được đăng trong một bài phỏng vấn của tờ nhật báo bán chạy nhất Israel Yediot Ahronot và một số tờ báo Ai Cập khác.

Bài phỏng vấn trích dẫn lời vị Tổng thống cho biết: "Trên khắp thế giới có những tử tù bị treo cổ nhưng những gì diễn ra tại Baghdad vào đúng ngày đầu tiên của lễ Eid al-Ahda thật không thể tin nổi".

Mối quan hệ giữa Ai Cập và Iraq khá thân thiện cho đến khi Iraq tấn công Kuwait năm 1990. Ai Cập đã tham gia vào liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu đánh đuổi quân đội Iraq ra khỏi lãnh thổ Kuwait.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #33 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 07:34:48 am »

Phần IV: MỸ VÀ CUỘC CHIẾN IRAQ


Chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq sẽ đi đến đâu

Tính đến thời điểm này kể từ khi Mỹ phát động chiến dịch quân sự tấn công Iraq nằm lật đổ chế độ Saddam Hussein với lý do Iraq phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt và dung túng cho bọn khủng bố của mạng lưới Al-Qeada, thiệt hại của Mỹ cả về người và của là vô cùng to lớn.

Chiến tranh Việt Nam (1965-1975) từng làm ô danh 4 vị tổng thống, giết chết 58.000 lính Mỹ và hao tốn 662 tỉ USD, tính theo thời giá đô la hiện nay. Tham gia thế chiến thứ hai - cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử loài người - quân đội Mỹ đẩy lùi quân Đức quốc xã ra khỏi Bắc Phi, đánh tan tác hạm đội Nhật Bản trong trận chiến Midway và mở cuộc tổng tấn công giải phóng châu Âu và Nam Thái Bình Dương cũng chỉ tốn trên dưới 600 tỉ USD.

Chiến tranh Iraq nhỏ hẹp hơn hai cuộc chiến nói trên nhiều, dưới đời một tổng thống duy nhất nhưng chiến phí thì đang có khả năng đạt tới mức kỷ lục lịch sử. Nếu tính toàn bộ cuộc chiến chống khủng bố - trong đó có chiến trường Iraq và Afghanistan - thì tổng chi phí lớn hơn rất nhiều. Những người lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng năm 2007 này, phí tổn cuộc chiến sẽ vượt qua cuộc chiến Việt Nam. Năm tài chính 2007 này, Quốc hội đã chuẩn chi thêm 70 tỉ USD, không kể 100 tỉ USD mà Tổng thống Bush sẽ yêu cầu Quốc hội chi thêm cho chiến trường Iraq và Afghanistan. Như vậy, tính đến cuối năm 2007, Mỹ sẽ chi ra ít nhất 670 tỉ USD, tức nhiều hơn toàn bộ cuộc chiến Việt Nam.

Theo nhật báo The Los Angeles Times dẫn lời ông Steven Kosiak, Giám đốc nghiên cứu ngân sách thuộc Trung tâm Định giá ngân sách và chiến lược ở Washington, cho biết từ ngày 11/9/2001 đến cuối năm tài chính 2006, Mỹ đã chi 400 tỉ USD cho cuộc chiến chống khủng bố. Chi phí này không chỉ bao gồm chi phí ở Afghanistan và Iraq kể từ tháng 3/2003 mà còn tính luôn những chi phí khác cho cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Nhật báo The New York Times dẫn lời nhà kinh tế Scott Wallsten ở Washington, cho biết mỗi ngày Mỹ chi ra hơn 300 triệu USD bao gồm tiền nhiên liệu cho máy bay, xe tăng, lương lính chính quy và lính hợp đồng tham gia các chiến dịch quân sự và tiền tái thiết Iraq.

Bà Linda Bilmes, giáo sư kinh tế Trường Đại học Harvard và ông Joseph Stiglitz, giải Nobel kinh tế và là cựu cố vấn kinh tế của chính phủ ông Bill Clinton, đã đưa ra con số hơn 2.000 tỉ USD đã chi. Số tiền này bao gồm những chi phí gián tiếp liên quan đến cuộc chiến. Ví dụ như giá xăng tăng cao do giá dầu thô từ 30 USD/thùng vào đầu năm 2003 đã tăng lên trung bình 50 USD/thùng suốt mấy năm qua do chiến tranh Iraq.

Ngoài ra còn phải tính thêm tiền trợ cấp cho những gia đình có con em chết ở chiến trường Iraq và chi phí chữa bệnh cho những người bị thương. Số thương binh này không nhỏ. Nếu trong thế chiến II, cứ một người lính Mỹ chết, có 1,5 lính bị thương thì tỉ lệ này ngày càng tăng trong những cuộc chiến sau này. Tại chiến trường Việt Nam trước đây, tỉ lệ này là 2,5, còn tại Iraq đã lên đến 16. Nghĩa là với 3.000 lính Mỹ đã thiệt mạng ở Iraq thì số người bị thương là 48.000. Ông Stiglitz còn cho biết thêm 20% số lính bị thương này bị thương ở não, 20% bị thương nặng và 6% bị cưa chi trên hoặc chi dưới. Theo tính toán của bà Bilmes, như vậy số tiền này không dưới 250 triệu USD.

Tóm lại, theo những tính toán chi li của hai nhà kinh tế có uy tín nói trên thì chi phí cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ cao hơn con số của ông Steven Kosiak rất nhiều. Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Kinh tế Mỹ hồi năm ngoái, bà Bilmes và ông Stiglitz cho biết tính đến nay cuộc chiến này đã ngốn từ 1,026 tỉ đến 2,239 tỉ USD. So với con số ước tính mà Washington đưa ra hồi đầu cuộc chiến là từ 100 tỉ đến 200 tỉ USD thì quả là một trời một vực.

Với chi phí khổng lồ như vậy liệu Mỹ có giành được chiến thắng ở Iraq? Đây là câu hỏi đặt ra với chính quyền Mỹ và làm đau đầu các nhà hoạch định chiến lược Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan". Khi bị sa xuống sình lầy hay cát lún, càng cựa quậy càng bị lún sâu thêm. Thực tế là Mỹ đang bị sa lầy trong cát lún ở sa mạc Iraq và đa số người Mỹ đều nhận thấy là không thể chấp nhận thực trạng cuộc chiến hiện nay nhưng không tìm được biện pháp gì để thay đổi tình thế.

Ngày 10/1/2007, Tổng thống G.Bush đã công bố chiến lược mới của chính quyền Mỹ ở Iraq, trong đó có các biện pháp tăng quân, tăng ngân sách chiến tranh cho Iraq. Tổng thống Bush đã thừa nhận những sai lầm của mình, nhận toàn bộ trách nhiệm và đưa ra chiến lược mới:

Với chiến lược mới này ít nhất Mỹ theo đuổi hai phương án:

Phương án thứ nhất là Mỹ quyết định đạt được một số mục tiêu thực tế nào đó ở Iraq và lùi quyết định rút quân khỏi Iraq đến một thời hạn xa hơn, có nghĩa là đi theo hướng mở rộng sự có mặt của mình. Với mục đích ổn định tình hình chính trị trong nước và thiết lập một chế độ, chưa chắc là dân chủ, nhưng có quan hệ gần gũi với Mỹ và có thể chấp nhận được với người Mỹ. Với chế độ đó, bảo đảm giữ Iraq trong khu vực ảnh hưởng chính trị của Mỹ ở Trung Đông. Như vậy Mỹ trước mắt phải từ bỏ kế hoạch lâu dài là biến Iraq thành một quốc gia dân chủ theo kiểu Mỹ, tôn trọng những giá trị Mỹ. Việc tăng cường quân Mỹ và tiến hành những chiến dịch quân sự lớn hơn sẽ để lại những hậu quả như thế nào.

Việc tăng cường quân Mỹ chỉ khơi ngòi cho sự giao tranh quyết liệt hơn giữa người Iraq dòng Hồi giáo Sunni và dòng Shiite, nhất là dòng Hồi giáo Sunni sẽ kiên quyết trả thù cho việc người đồng hương và thủ lĩnh của họ trước đây là cựu Tổng thống Saddam Hussein, giữa người Kurd và những người Iraq. Ở Iraq, người Hồi giáo dòng Shiite chiếm khoảng 60%, người Sunni 20%, khoảng chừng đó nữa là người Kurd. Những người Arab Sunni luôn chiếm vị trí lãnh đạo chính trị đất nước, đó là sự chuyên chính của thiểu số, còn người Shiite chưa khi nào được bén mảng đến chính quyền. Nhưng giờ đây người Shiite lại chiếm đa số trong chính quyền và giữa họ đang diễn ra cuộc đấu tranh khốc liệt. Người Sunni muốn giành lại quyền kiểm soát đất nước, người Shiite muốn duy trì và tăng cường sức mạnh, còn người Kurd thì muốn tự trị và nhanh chóng rút ra một bên.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 07:36:51 am »

Phương án thứ hai là trước khi rút quân khỏi Iraq, Mỹ quyết định tăng cường các biện pháp quân sự và bảo vệ các cơ quan bảo vệ pháp luật, "giáng" cho lực lượng đối lập ở Iraq những đòn chí mạng rồi sau đó rút đi. Mỹ đã từng sử dụng chiến thuật đó khi rút khỏi Việt Nam năm 1971 - 1972. Cần nhớ rằng, khi đó trong khi rút khỏi cuộc chiến tranh không có ánh sáng cuối đường hầm và nặng nề ở Việt Nam, Mỹ lúc đầu đã mở rộng chiến tranh sang Campuchia và Lào, sau đó rút khỏi Việt Nam, đành chịu thất bại và sụp đổ của chế độ bù nhìn ở miền nam Việt Nam.

Tuy nhiên chính quyền của ông George W. Bush không thể lựa chọn phương án này, mặc dù quyết định của ông Bush trái ngược với kiến nghị của Nhóm cố vấn cao cấp do Ngoại trưởng Mỹ thời Bush cha, James Paker đệ trình Quốc hội trước đó. Chính trị Mỹ luôn được chi phối bởi phái diều hâu và phái hòa bình, với những quan điểm luôn trái ngược nhau.

Nếu người Mỹ rút đi ngay lập tức, Iraq sẽ rơi ngay vào vòng xoáy nội chiến, và sẽ có ít nhất hai quốc gia nữa là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bị lôi kéo vào đây. Iran là quốc gia duy nhất trên thế giới có đông nhất người dòng Shiite, sẽ ủng hộ người Shiite và can dự toàn diện vào cuộc nội chiến này. Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ sự tự trị của người Kurd và đã tuyên bố rằng, nếu như người Kurd bắt đầu tự trị, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa quân vào khu vực Kurdistan của Iraq và không cho phép "sờ" đến lãnh thổ của mình. Điều đó đe dọa mất ổn định ở một trong những khu vực chiến lược quan trọng nhất của thế giới.

Nỗ lực đặt cược nhiều hơn vào Chính phủ Iraq và buộc họ có trách nhiệm nhiều hơn đối với việc bảo đảm an ninh, nhiều khả năng không hiện thực, bởi vì Chính phủ Iraq không có khả năng làm được điều đó. Họ không nhận được sự ủng hộ của dân chúng, không được sự tin tưởng cần thiết. Cũng như vậy, sau một thời gian nữa, chính quyền sẽ gặp phải thách thức mới, nhưng trong tình hình còn tồi tệ hơn.

Người Mỹ cuối cùng sẽ phải ra đi, để lại đất nước này cho chính phủ hợp pháp, nhưng vấn đề Iraq vẫn chưa được giải quyết, các hành động bạo lực không chấm dứt, sự kháng cự không bị dập tắt, thì tất yếu chính phủ này sẽ sụp đổ ngay, Iraq sẽ rơi vào nội chiến triền miên.

Bush đã chọn tăng quân và mở rộng chiến dịch. Cùng với quân đội và cảnh sát Iraq, binh sĩ Mỹ được giao nhiệm vụ bình định Baghdad. Có điều mọi nỗ lực ngăn chặn chiến tranh phe phái ở Baghdad đều thất bại. Tổng thống Bush hy vọng Chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki hứa hẹn sẽ ngăn chặn mọi sự can thiệp chính trị và giáo phái, hy vọng quân đội Mỹ không phải gánh chịu thương vong nặng nề. Tuy nhiên, nếu như thực hiện được kế hoạch đó, chiến thắng cũng chỉ mang tính tạm thời. Quân đội Mỹ không thể duy trì "hoà bình" lâu dài, và Baghdad không thể được "bình định" thực sự nếu như người Iraq không thể tự mang lại hoà bình cho chính mình. Đó là điều không tưởng.

Chính quyền Mỹ hiện nay đã ở tình trạng của một con bạc đen đủi, rút về thì rõ là thua đậm, đánh thêm biết đâu lại gỡ lại được tiền đã mất. Dẫu kết cục thế nào, người Mỹ cũng khó mà rút mình ra khỏi cuộc chiến Iraq, nơi ngày càng trở thành một cuộc nội chiến đẫm máu và đậm màu tôn giáo. Lợi ích kiểm soát Iraq và khu vực Trung Đông với nguồn dầu lửa quá cần cho nền kinh tế Mỹ làm cho người Mỹ sẽ cố bám giữ lấy chính sách hiện nay của mình. Nhưng dân chúng Mỹ và cả người Iraq ngày càng sốt ruột với sự có mặt của quân đội Mỹ ở Iraq và Chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ phải tính lại các chính sách của mình ở khu vực này.

Nhận định về chính sách của Mỹ ở Trung Đông nói chung và Iraq nói riêng, Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Nga Evgheni Primakov (Nga) khẳng định trường hợp của Iraq cho thấy Mỹ giành cho mình độc quyền xếp hạng nước nào đe dọa an ninh quốc tế và đơn phương quyết định sử dụng vũ lực chống lại nước đó. Đồng thời cũng tỏ rõ quyết tâm xuất khẩu dân chủ tới nước này nước khác nếu trật tự ở đó không khiến Mỹ hài lòng. Bây giờ có thể khẳng định sự thất bại của chính sách đó. Nhiều đại diện của Mỹ cũng ghi nhận điều này. Mới đây, thậm chí Tổng thống Bush lần đầu tiên thừa nhận rằng Mỹ chưa chiến thắng tại Iraq. Sau cuộc tấn công của Mỹ, đất nước Arab này lún sâu vào hỗn loạn. Đã bắt đầu cuộc nội chiến trên nền tảng tôn giáo. Ngày càng rõ nét nguy cơ Iraq bị xé ra từng mảnh. Iraq trở thành bàn đạp chính của Al - Qaeda. Thất bại trong chính sách đối với Iraq đã giáng đòn trí mạng vào học thuyết của Mỹ về chủ nghĩa đơn phương. Cuộc bầu cử Quốc hội mới đây với việc đảng Cộng hòa mất đa số tại cả hai viện đã cho thấy điều đó. Nhưng đòn trí mạng không có nghĩa là học thuyết đó đã kết thúc, hơn nữa người ta bằng mọi cách cố níu kéo nó. "Chiến lược mới của Mỹ tại Iraq được quảng bá rầm rộ cho thấy điều này. Về thực chất, chiến lược mới gói gọn trong việc Tổng thống Bush bất chấp Quốc hội và ý kiến của đại đa số dân chúng vẫn gửi thêm gần 22 ngàn quân Mỹ tới Iraq. Quyết định thiếu sáng suốt và vô vọng, làm như thể đối với Mỹ lối thoát ra khỏi ngõ cụt Iraq quá đơn giản, chỉ cần tăng thêm 1/6 lực lượng xâm lược. Đó là quyết định trơ trẽn xét về tính chất, nó làm ngơ trước việc số lính Mỹ chết tại Iraq còn lớn hơn số người New York tử nạn trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001, chưa nói đến hàng chục và hàng chục nghìn người Iraq bỏ mạng.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 07:40:17 am »

Iraq - Hậu quân Mỹ

Vấn đề là tình hình Iraq bây giờ đã thay đổi hoàn toàn. Quân Mỹ hiện nay chiến đấu ở Iraq không phải với quân đội của Saddam Hussein vốn không còn tồn tại, mà là đối phó với ba kẻ thù. Thứ nhất đó là những nhóm người Sunni cực đoan. Thứ hai, những nhóm người Shiite cực đoan. Và thứ ba là các lực lượng khủng bố quốc tế đã xâm nhập vào Iraq. Như vậy nếu Mỹ thất bại, bọn khủng bố quốc tế sẽ tràn sang châu Âu, sang Nga, rồi sau đó sang Mỹ.

Giải quyết vấn đề khủng bố ở Iraq hiện nay rất khó khăn do những nguyên nhân sau: Thứ nhất các nhóm người Shiite cấp tiến đại diện cho đa số dân cư Iraq đang tranh giành quyết liệt quyền kiểm soát bộ máy chính quyền. Đây là cơ hội ngàn năm có một đối với họ. Những tổ chức dòng Sunni chiến đấu để họ không bị loại khỏi chính quyền. Chính vì thế người Sunni hầu như không tham gia vào các cuộc bầu cử. Bởi họ biết rằng bầu cử cũng chẳng mang lại điều gì cho họ, vì họ chỉ chiếm thiểu số khoảng 20% toàn dân số đất nước. Nhưng họ đã quen lãnh đạo. Họ từng là tầng lớp lãnh đạo của đảng Baath, đại diện cho giới lãnh đạo sỹ quan cao cấp, các cơ quan đặc biệt và lãnh đạo chính trị. Còn bây giờ, nếu áp dụng các thể chế bầu cử dân chủ, họ sẽ bị loại khỏi chính quyền là điều chắc chắn. Người Hồi giáo dòng Sunni quyết không chấp nhận điều đó. Cuối cùng là nhân tố thứ ba: bọn khủng bố quốc tế từ nhiều ngõ ngách thế giới có thể dễ dàng đi lại qua biên giới Iraq, vì không ở đâu có cơ hội thuận lợi để gây đổ máu cho quân đội Mỹ bằng ở Iraq. Chúng không thể tiếp cận các cơ sở căn cứ quân sự của binh lính Mỹ. Nhưng, chỉ cần lính Mỹ xuất hiện trên các bãi sa mạc hay các đường phố ở các thành phố Iraq, thì đó là những mục tiêu đúng theo ý muốn của chúng và cũng dễ dàng thực hiện. Do vậy, khủng bố ở Iraq chỉ có thể bị ngăn chặn chừng nào ở đó có một chính quyền mạnh với bàn tay sắt, có khả năng đẩy bọn khủng bố ra khỏi lãnh thổ Iraq. Điều đó hiện nay là không tưởng, cho dù quân Mỹ có đổ vào đây bao nhiêu chăng nữa. Có điều, dưới thời cựu Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq hoàn toàn không có khủng bố quốc tế. Dù Saddam Hussein bị lên án là độc tài nhưng sự thực Saddam Hussein đã giải quyết tốt vấn đề này.

Có thể nói hiện nay ở Iraq đang diễn ra không phải một cuộc chiến tranh. Những người Hồi giáo dòng Sunni đồng thời tiến hành hai cuộc chiến - chống người Mỹ và chống người Hồi giáo dòng Shiite. Còn người Hồi giáo dòng Shiite không phải chống người Mỹ, mà là tiến hành một cuộc chiến tranh chống người Hồi giáo dòng Sunni. Để nhận thức đầy đủ diễn biến tình hình, chúng ta hãy chú ý rằng nếu như người Sunni không đuổi được quân Mỹ rút ra khỏi Iraq trong những năm tới, thì tình hình đối với họ sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Bởi chính phủ hiện nay, trong đó chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shiite và Kurd thao túng vẫn hy vọng rằng nhờ sự giúp đỡ và hỗ trợ của quân Mỹ, họ có thể từng bước xây dựng được quân đội và cảnh sát có khả năng chiến đấu, kiểm soát tình hình. Và như vậy chính phủ này có đủ khả năng để đối phó với người Sunni và giữ được chính quyền.

Người Hồi giáo dòng Sunni hiện nay không chỉ căm ghét quân Mỹ chiếm đóng đất nước, mà đối với người Sunni điều quan trọng hơn là căm ghét người Mỹ đã giúp cho người Hồi giáo dòng Shiite và người Kurd nắm giữ quyền lực. Lẽ dĩ nhiên, người Hồi giáo dòng Shiite cũng chẳng ưa gì khi thấy quân Mỹ xuất hiện trên các đường phố và làng mạc Iraq. Nếu như trước đây dưới thời Saddam Hussein, người Sunni là cộng đồng thống trị thì người Mỹ đã mang đến dân chủ cho Iraq. Sự thực, ít nhất cũng là hệ thống bầu cử dân chủ: một người - một lá phiếu. Như vậy tính theo thống kê thì lợi thế thuộc về người Shiite và Kurd, bởi vì người Shiite chiếm tới gần 60% và người Kurd chiếm gần 20% dân số Iraq. Như vậy người Sunni chỉ chiếm giỏi lắm cũng chỉ hơn 20% số phiếu là cùng. Cho dù bất cứ cuộc bầu cử nào, người Sunni chỉ có thể chiếm thiểu số. Và dù Mỹ có khách quan đến mấy, thì vẫn có lợi thế cho người Shiite. Điều đó giải thích vì sao người Shiite không chống quân Mỹ.

Người Shiite, nhất là người Kurd bị đè nén, áp bức bấy lâu nay, về mặt khách quan trở thành đồng minh của Mỹ. Có nghĩa là điều hết sức quan trọng đối với người Sunni hiện nay là làm sao càng làm cho quân Mỹ càng thiệt hại nhiều càng tốt để dân Mỹ phản ứng mạnh, đòi hỏi chính quyền Mỹ rút quân về nước. Điều đó đang ngày càng phản ánh rất rõ trong dư luận Mỹ, cũng như thể hiện qua kết quả các cuộc bầu cử vào hai viện của Quốc hội Mỹ năm 2006. Rõ ràng vấn đề Iraq đã đóng vai trò chính trong các cuộc bầu cử này.

Giờ đây những chiến binh dòng Sunni bao gồm: Thứ nhất là những đảng viên đảng Baath - sỹ quan quân đội, những nhân viên của các cơ quan đặc biệt cũ. Thứ hai, những thanh niên bị cuốn hút bởi những khẩu hiệu của chủ nghĩa dân tộc. Và thứ ba là người của mạng lưới "Al-Qaeda", những chiến binh khủng bố của mạng lưới này đến từ khắp nơi trên thế giới. Những chiến binh Sunni cho rằng chỉ cần đến một thời điểm nào đó, thì chính quyền Mỹ không thể chống lại được áp lực của dư luận giống như thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Họ tin chắc rằng để lặp lại một Việt Nam ở Iraq, người Mỹ sẽ chịu những thiệt hại vô cùng to lớn mà người Mỹ sẽ không thấp nhận được.

Điều gì sẽ xảy ra khi người Mỹ rút đi? Người Sunni hy vọng rằng khi quân Mỹ rút khỏi Iraq, họ một chọi một với người Shiite. Cũng cần phải nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng là hai dòng Hồi giáo này ở Iraq từ lâu luôn tồn tại sự thù ghét lẫn nhau, bởi vì từ bao đời nay người Hồi giáo dòng Shiite là cộng đồng bị áp bức, đè nén và bị phân biệt đối xử, còn người Sunni bao giờ cũng cưỡi đầu cưỡi cổ họ. Sự thù ghét lớn đến mức mà thậm chí họ không coi nhau là cùng theo đạo Hồi. Những người Hồi giáo dòng Sunni tin tưởng rằng một người Sunni bằng hai người Shiite, và chỉ cần quân Mỹ rút khỏi Iraq, thì họ có đủ khả năng bóp chết người Shiite và thiết lập chế độ của mình giống như thời Saddam Hussein. Chính điều đó lý giải tại sao bạo lực diễn ra dã man và đẫm máu ở Iraq. Vì họ muốn rằng quân Mỹ rút khỏi Iraq càng sớm càng tốt, lúc đó chỉ còn một mình người Sunni chọi với Shiite. Và như vậy đó là một cuộc nội chiến thực sự. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc nội chiến này, họ sẽ trả thù lại người Shiite và cả người Kurd, vì đã tiếp tay cho Mỹ chiếm lấy quyền lãnh đạo đất nước của họ. Cuộc nội chiến này thậm chí không thể gọi là chiến tranh tôn giáo. Bởi vì sự bất đồng về tôn giáo, về giáo lý giữa người Sunni và Shiite không lớn lắm, thậm chí còn ít hơn cả bất đồng giữa đạo Chính thống và Cơ đốc. Có thể nói, người Shiite, lần đầu tiên trong lịch sử có cơ hội nhờ người Mỹ, tận dụng những yếu tố về dân cư đông đảo đã trở thành người lãnh đạo đất nước Iraq, điều mà xưa nay chưa từng có. Chính nhờ người Mỹ đã tạo ra tình hình để người Shiite đã giành được đa số trong quốc hội bằng con đường hợp hiến, bình thường.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2010, 07:42:16 am »

Hơn nữa, việc Saddam Hussein bị hành quyết cũng là một tác nhân lôi cuốn người Sunni tình nguyện chiến đấu chống Mỹ và người Shiite. Nếu như Saddam Hussein vẫn còn bị cầm tù, tình hình cũng không thay đổi mấy. Nhưng việc Saddam Hussein bị hành quyết rõ ràng là như "lửa đổ thêm dầu”, vì người Sunni vẫn coi Saddam Hussein là lãnh tụ của họ. Còn đối với Mỹ, Mỹ chưa muốn chính quyền Iraq vội vàng hành quyết Saddam Hussein như vậy. Bởi Mỹ hiểu rằng việc vội vàng hành quyết Saddam Hussein chính là tác nhân bổ sung đốt lên lòng căm thù của người Sunni. Nhưng Chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki không thể làm khác được, bởi còn một yếu tố nữa là người Kurd cũng có trong thành phần chính phủ sẽ căm thù ông ta như thế nào. Cũng giống như người Shiite, nếu al-Maliki hoãn thi hành án đối với Saddam Hussein một thời gian nữa, thì người Shiite, chỗ dựa chính của al-Maliki chắc chắn sẽ có cách đối xử thích đáng với ông ta.

Chính vì vậy, đối với người Mỹ hiện nay điều vô cùng quan trọng là làm sao nối được chiếc cầu hợp tác với người Sunni, bởi vì cho dù họ chỉ chiếm chưa đầy 20% dân số, nhưng thiếu họ người Mỹ không thể làm được bất cứ điều gì. Mỹ muốn chứng tỏ cho người Sunni hiểu rằng họ có quan điểm khách quan và không muốn trao quyền lực cho người Shiite.

Tình hình Iraq sau khi quân Mỹ rút đi sẽ ra sao? Tình hình Iraq nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung liệu có ổn định hay không? Đó là điều dư luận thế giới rất quan tâm. Nhưng những người Hồi giáo dòng Shiite, Sunni và cả người Kurd đều không quan tâm đến số phận và tương lai của đất nước Iraq. Đối với người Hồi giáo dòng Shiite hiện nay điều quan trọng nhất mà họ cần quan tâm là xây dựng một lực lượng vũ trang đủ mạnh để có khả năng chiến đấu với người Hồi giáo dòng Sunni. Tất cả đều hiểu sớm hay muộn Mỹ cũng sẽ rút quân ra khỏi Iraq. Nhưng ai sẽ thống trị và lãnh đạo Iraq mới là điều đáng quan tâm nhất hiện nay. Người Hồi giáo dòng Sunni tin tưởng một khi quân Mỹ rút đi là điều kiện thuận lợi để họ giành lại quyền lãnh đạo từ xưa nay của mình. Họ đang củng cố vị thế của mình để thời cơ đến là tấn công người Shiite. Nhìn thấy viễn cảnh đó trước, nên người Sunni càng đẩy mạnh hoạt động khủng bố nhằm vào cả người Mỹ lẫn người Shiite. Còn người Hồi giáo dòng Shiite muốn tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Mỹ để giữ lấy quyền lực mà lâu nay họ mới có được.

Còn người Kurd thì sao? Ở thời điểm hiện nay, đối với người Kurd chưa bao giờ tình hình lại thuận lợi như vậy. Chưa bao giờ, người Kurd lại giữ vị trí cao trong thể chế chính trị của Iraq như hiện nay. Tổng thống đương nhiệm của Iraq Jalal Talibani là người Kurd và người Kurd cùng với người Shiite tạo thành đa số cầm quyền trong chính phủ Iraq. Tình hình sẽ diễn biến ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào chính người Kurd. Tất cả đều tuỳ thuộc vào chính sách khôn khéo và sáng suốt của họ trong các vấn đề nhạy cảm và tranh cãi như thể chế liên bang Iraq và số phận của thành phố Kirkut - một trong những khu vực có trữ lượng lớn dầu mỏ.

Về mặt lịch sử, khu vực này người Kurd cho là của mình, song trên thực tế lại không thuộc khu vực ảnh hưởng của người Kurd, mà sau cuộc chiến vùng Vịnh dành cho họ quản lý. Trong suốt những năm cai trị của Saddam Hussein khu vực này đã bị Arab hoá. Còn giờ đây người Kurd quay trở lại và do vậy đang diễn ra cuộc tranh chấp Kirkut giữa người Arab, người Kurd và người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang sống ở đó và được Thổ Nhĩ Kỳ đứng đằng sau ủng hộ. Người Kurd trong mọi tình huống đều yếu thế và phải hết sức thận trọng, bởi trong lịch sử Iraq đã không ít lần khi người Kurd có điều kiện tương đối thuận lợi, thì chính những thuận lợi đó lại mang họa đối với họ. Mà tai họa không phải ai khác lại chính là đồng minh của họ ở ngay bên trong Iraq, lẫn bên ngoài, cụ thể là Mỹ và Anh. Người Kurd đã từng mơ ước có một quốc gia riêng độc lập. Dân tộc Kurd sống ở một khu vực khá lớn, nhưng lại nằm rải rác ở mấy quốc gia: Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Tây Iran tiếp giáp với Iraq và Xyri. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình hiện nay mơ ước của người Kurd có một quốc gia độc lập, có chủ quyền là khó thực hiện.

Iraq sẽ đi về đâu? Điều này hiện nay không còn phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Mỹ George W.Bush nữa. Cho dù ông ta có tăng quân đến bao nhiêu, thì cuối cùng Mỹ vẫn phải rút hết quân đội của mình khỏi Iraq. Iraq sẽ là của người Iraq và họ sẽ tự quyết định lấy số phận của mình. Song, tình thế sẽ là khó có thể dàn xếp được mâu thuẫn giữa các dòng người Hồi giáo ở Iraq, nếu không có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Hiện tượng Iraq một lần nữa chứng minh hùng hồn rằng chính sách đơn phương của Mỹ, không được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, mà trước hết là tổ chức lớn nhất của nhân loại là Liên Hợp Quốc sẽ bị thất bại nặng nề. Dân tộc Iraq đang đứng trước một sự lựa chọn cho mình sau khi chế độ độc tài của Saddam Hussein bị lật đổ và sau khi Mỹ rút quân đội của mình ra khỏi lãnh thổ Iraq.

Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM