Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:53:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cách mạng Văn hoá liệt truyện - Tập 3  (Đọc 60759 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:52:11 pm »


4. Trong phiên xử án lịch sử

Ngày hôm ấy, cũng là ngày 20 tháng 11 năm 1980, vào hai giờ chiều, những người tới nghe xử án giơ tấm thẻ dự thính do Tòa án Đặc biệt cấp lần lượt vào hội trường và ngồi vào ghế dự thính, lúc này họ mới có dịp chú ý nhìn hội trường được bố trí rất trang nghiêm. Chiếc phông vải trên đài chủ tọa phiên tòa treo một tấm quốc huy lớn, dưới quốc huy là các dãy bàn và ghế xếp thành bậc đủ cho 60 người ngồi. Dưới đài Chủ tịch gần nơi bố trí dàn nhạc đặt mười ô rào sắt, đây là ghế bị cáo.

Trong hội trường vang lên tiếng chuông báo giờ xử án, mọi người phút chốc im lặng. Một lúc sau lại vang lên một hồi chuông dài, hồi chuông vừa dứt thì các vị quan tòa và kiểm soát ăn mặc đồng phục bước vào đài chủ toạ, lần lượt ngồi xuống ghế, trang phục hai màu của họ làm cho đoàn chủ tọa phân làm hai: nửa bên phải là Kiểm sát, nửa bên trái là Tòa án, thư ký tòa và luật sư bào chữa ngồi ở nơi thấp hơn đoàn chủ tọa và hai bên cánh gà.

2 giờ 56 phút chiều, Chánh án Tòa án Đặc biệt Giang Hoa, trịnh trọng tuyên bố: “Phiên tòa bắt đầu”.

Lúc này, Tòa án đặc biệt im phăng phắc, nét mặt mọi người đều tỏ ra nghiêm túc trịnh trọng.

Tiếp đó Giang Hoa ra lệnh: “Đưa bị cáo Vương Hồng Văn vào tòa! Nhân viên thư ký đưa phiếu áp giải cho cảnh sát tòa án, cảnh sát tòa án lập tức đến phòng đợi ra xét xử, áp giải Vương Hồng Văn, đi dọc theo hành lang dài của những người dự thính đưa bị cáo vào một ô rào sắt, đứng đối diện với đoàn chủ tọa phiên toà, tiếp đó theo lệnh của Giang Hoa, 10 phạm nhân chủ yếu lần lượt bị đưa ra tòa đứng trên ghế bị cáo.

Mỗi khi dẫn một bị cáo vào phòng xét xử, mọi người đều ngoái đầu nhìn những can phạm bị cảnh sát tòa án giữ hai tay đưa vào. Những người này đều là những nhân vật đã từng làm mưa làm gió trên vũ đài chính trị, đã làm đủ mọi điều xấu trong cách mạng văn hoá. Hôm nay chúng bị đưa ra xét xử trước toà, là một việc rất đáng mừng. Ngoài ra, những người này đã mất hút trên đài, trên báo, trên ti vi từ lâu, mọi người đều muốn xem hôm nay họ như thế nào.

Ngoài việc không còn vẻ ngạo mạn và hơi có vẻ già đi so với trước đây, mười phạm nhân hầu như không có gì thay đổi. Họ mặc bộ quân phục ka-ki mới (tất nhiên không có quân hiệu và phù hiệu), vẻ mặt hồng hào, tóc đen nhánh, trên ghế bị cáo, vẫn thỉnh thoảng lấy tay gạt mái tóc của mình.

Có lẽ do cuộc sống quân đội mấy chục năm nên Hoàng, Ngô, Lý, Khâu đứng thẳng hơn các bị can khác. Đến khi Giang Hoa ra lệnh cho họ ngồi xuống, họ mới ngồi vào ghế của mình.

Giang Hoa lớn tiếng đọc quyết định thành lập Tòa án Đặc biệt thuộc Tòa án Nhân dân tối cao của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc họp lần thứ 16 khóa 5 về việc xét xử những can phạm chủ yếu của hai tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu và Giang Thanh.

Theo trình tự pháp luật Giang Hoa đọc danh sách những người tham gia xét xử và mời Cục trưởng Cục Kiểm sát đặc biệt thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đọc bản cáo trạng.

Bản cáo trạng gồm 48 điều. Hoàng Hỏa Thanh đọc 23 điều, tiếp đó Phó Cục trưởng Cục Kiểm sát Đặc biệt Sử Tiến Tiền đọc tiếp 25 điều còn lại. Tiếp đó, Hoàng Hỏa Thanh nhận bản cáo trạng, tuyên đọc danh sách mười bị cáo, đồng thời nói rõ những thủ phạm chính của tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu và Giang Thanh như Lâm Bưu, Khang Sinh, Tạ Phú Trị, Diệp Quần, Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì đã chết, theo “Luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, điều thứ 11 mục 5 quy định”, không truy cứu trách nhiệm hình sự nữa, những can phạm khác trong án này sẽ xử lý riêng.

Sau đó Giang Hoa tuyên bố: “Đối với 10 bị cáo trong án này, do Tòa xét xử thứ nhất và Tòa xét xử thứ hai xét xử riêng. Các bị cáo trong quá trình xét xử cần nghe theo sự chỉ huy của tòa, không được làm trái quy định của tòa. Các bị cáo có quyền biện hộ và nói lời cuối cùng, đưa bị cáo ra ngoài, tòa nghỉ”.

Hoàng, Ngô, Lý, Khâu, Giang (Đàng Giao) bị đưa trở lại Học viện Không quân. Vương, Trương, Trần, Diêu bị đưa về nơi tạm giam trong thành, Giang Thanh bị đưa về trạm giam Tần Thành.

Từ ngày 20 tháng 11, Tòa án Đặc biệt được mở đến nay trải qua gần một tháng thẩm vấn, bước vào biện luận tại tòa. Thời gian này mọi người đều có thể nhìn thấy mười thủ phạm chính biểu diễn, trong đó Giang Thanh và Trương Xuân Kiều tỏ ra rất điên cuồng cãi lại trong phiên tòa. Trương Xuân Kiều nghiến răng nghiến lợi, không nói một lời, còn Giang Thanh thì kêu gào ầm ĩ trong công đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:53:18 pm »


5. Tội ác tầy trời trúc rừng không ghi hết tội

Ngày 24 tháng 12, Tòa xét xử thứ nhất thuộc Tòa án Đặc biệt được mở vào 9 giờ sáng, tiến hành biện luận tại tòa. Chủ tịch xét xử Tăng Hán Chu chủ trì cuộc biện luận tại toà, tuyên bố phiên tòa bắt đầu và ra lệnh đưa Giang Thanh vào phòng xét xử. Mấy nữ cảnh sát tòa án và nam cảnh sát tòa án đưa Giang Thanh vào. Tăng Hán Chu tuyên bố: “Cục Kiểm sát Đặc biệt thuộc viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã tố cáo sự thực phạm tội của bị cáo Giang Thanh, bản Tòa vào các ngày 26 tháng 11, ngày 3, 5, 9, 12 và sáng ngày 23 tháng 12, đã lần lượt mở sáu phiên, bây giờ tiến hành biện luận tại toà”.

Kiểm sát viên Giang Văn giơ tay: “Thưa vị Chủ tịch Hội đồng xét xử, thưa các vị thẩm phán, Công tố viên xin phát biểu”. Tăng Hán Chu nói: “Công tố viên có thể phát biểu”.

Giang Văn nhìn tờ cáo trạng dài dằng dặc, một lần nữa tố cáo Giang Thanh: “Tội ác tiếm đoạt Đảng và Nhà nước lật đổ chính quyền chuyên chính vô sản mà bị cáo Giang Thanh đã phạm phải trong thời kỳ đại cách mạng văn hóa, trải qua sáu phiên tòa điều tra, đã tiến hành thẩm vấn đối với bị cáo, đã trình và tuyên đọc các chứng cứ, lời làm chứng, nghe người làm chứng trình bày tại tòa, hoàn toàn chứng thực sự tố cáo của Cục Kiểm sát Đặc biệt đối với tội phản cách mạng của Giang Thanh là đích xác không có nghi ngờ. Giang Thanh là tội phạm chính của tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu - Giang Thanh, là kẻ cầm đầu tập đoàn phản cách mạng “bọn bốn tên”.

Hiện nay, qua điều tra có thể xác định tội chủ yếu của bị cáo Giang Thanh là: thứ nhất, Giang Thanh cùng Khang Sinh, Tạ Phú Trị v.v... đã vu cáo hãm hại Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ gây nên vụ án oan lớn nhất trong cả nước. Thứ hai, Giang Thanh cố tình chỉ tên hãm hại hàng loạt cán bộ lãnh đạo và quần chúng của Đảng, chính quyền và quân đội. Thứ ba, trong thời gian đại cách mạng văn hoá, Giang Thanh câu kết với Lâm Bưu tiến hành rất nhiều hoạt động phản cách mạng...

Trong đại cách mạng văn hóa Giang Thanh đã câu kết với Lâm Bưu, bức hại đến chết Hạ Long, Bành Đức Hoài, Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lưu Thiếu Kỳ v.v... một loạt vị nguyên lão. Nhiệm Bá Thời mất từ khi mới thành lập nước, Nguyên soái La Vinh Hoàn mất trước đại cách mạng văn hóa, nhưng gia đình họ vẫn bị Giang Thanh bức hại. Chu Ân Lai, Trần Nghị trên thực tế cũng bị Giang Thanh bức hại đến chết. Sự bức hại điên cuồng cũng đổ xuống đầu Mao Trạch Đông, sau khi Mao Ngạn Anh hy sinh, vợ Mao Ngạn Anh là Lưu Tư Tề 10 năm không lấy ai, Mao Trạch Đông luôn khuyên cô tái giá, đồng thời còn đích thân nhờ người giới thiệu đối tượng cho Tư Tề.

Lúc ấy, Phó Tư lệnh Không quân Lưu Chấn, giới thiệu với Mao Trạch Đông giáo viên Phòng Nghiên cứu máy bay cường kích thuộc Học viện Không quân là Dương Mậu Chi. Mao Trạch Đông cử người đến tìm hiểu, được biết Dương Mậu Chi xuất thân nhà nghèo, thực thà đứng đắn liền giới thiệu cho Lưu Tư Tề. Lưu Tư Tề không muốn tiếp tục để cha lo lắng vì mình, lại thêm thân thể Dương Mậu Chi cao lớn, dáng vẻ đàng hoàng, họ đã từng gặp nhau một lần ở Liên Xô, nên đã đồng ý. Tháng 2 năm 1962, hai người kết hôn, sau khi cưới, Dương Mậu Chi thường cùng Lưu Tùng Lâm (Tư Tề đổi tên) đến thăm Mao Trạch Đông, Mao Trạch Đông rất vui vì con đã có gia đình.

Trong đại cách mạng văn hóa Dương Mậu Chi và Lưu Tùng Lâm bị Giang Thanh bức hại bắt giam trong tù. Sau khi Mao Trạch Đông biết đã nổi giận, lập tức ra lệnh thả hai người.

Những người bình thường bị Giang Thanh bức hại đến chết rất nhiều, để che giấu lịch sử không trong sạch của mình ở Thượng Hái trong những năm 30, Giang Thanh đã quy tội cho các đồng chí lãnh đạo Đảng hoạt động bí mật ở Thượng Hải biết sự việc là bọn đặc vụ phản bội và bức hại đến chết, bức hại đến chết diễn viên điện ảnh nổi tiếng Thư Tú Văn và Thượng Quan Vân Châu những người biết gốc gác của Giang Thanh. Bắt giam Phó Thị trưởng thành phố Thượng Hải là Phan Hán Niên, Cục trưởng Công an Thượng Hải Dương Phàm. Vợ chồng Phan Hán Niên chết trong tù, Dương Phàm nay còn sống nhưng mắt bị mù, thần kinh không bình thường, cho mãi đến Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 mới được sửa lại án oan. Sáng ngày 24 tháng 12 năm 1980, trong Tòa án Đặc biệt mở tại số nhà 1 đường Chính Nghĩa Bắc Kinh, Kiểm sát viên Giang Văn tiếp tục tố cáo: “Giang Thanh đã phạm vào điều 92, điều 98 và điều 144 của Luật Hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã cấu thành tội tổ chức lãnh đạo tập đoàn phản cách mạng, tội âm mưu lật đổ chính phủ, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, cần dựa vào điều 103 Bộ Luật Hình sự để xử phạt nặng”.

Nói đến đây, Giang Văn đặc biệt nhắc Tòa: “Ở đây cũng cần đặc biệt chỉ rõ là khi thẩm vấn tại tòa, Giang Thanh đã không nhận tội, nhiều lần công nhiên vu cáo các nhà lãnh đạo Nhà nước, công kích và vu cáo Tòa án và nhân viên công tác của Tòa án, ngang nhiên gây rối trật tự của Tòa, đã cấu thành hành vi tiếp tục phạm tội. Xin tòa khi xét hình phạt cần xử nặng”.

Giang Văn nói xong, Tăng Hán Chu nói với bị cáo: “Bị cáo Giang Thanh, căn cứ vào quy định tại điều 118 “Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” bị cáo Giang Thanh có quyền trình bày và biện hộ và có quyền nói lời cuối cùng”.

Giang Thanh gào lên: “Vậy thì theo căn cứ ấy của các ông mà định tội, tôi đang nghe các ông phán xét đây. Có giỏi các ông đưa tôi ra Quảng trường Thiên An Môn để xét xử công khai và xử bắn!”. Tăng Hán Chu nghiêm nghị nói: “Có bắn hay không, Tòa sẽ căn cứ vào tội lỗi của bị cáo và phán quyết theo pháp luật”. Giang Thanh chế giễu: “Ông đừng ra vẻ diễn kịch, không có cái đạo cụ là tôi thì ông không diễn được đâu! Ông có gan thì mời người đạo diễn sau hậu trường của ông ra, tôi muốn đối chất trực diện với ông ta”. Tăng Hán Chu nghiêm khắc: “Tòa cảnh cáo bị cáo! Không cho phép bị cáo chửi mắng lung tung”. Giang Thanh càng bừa bãi: “Tôi là Hòa thượng che ô, không có tóc, không có trời” (không có kỷ cương phép tắc,) tôi không sợ ông đâu! Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu tôi chưa bao giờ sợ thì sao tôi lại sợ ông?” Tăng Hán Chu một lần nữa cảnh cáo bà ta: “Tòa đã điều tra hàng loạt sự thật, đã cho bị cáo Giang Thanh đủ thời gian biện hộ, nhưng bị cáo đã lợi dụng tòa để tuyên truyền phản cách mạng”. Giang Thanh không những không nghe cảnh cáo trái lại đã gầm gào trong công đường, lăng nhục tòa. Tăng Hán Chu rung chuông cảnh cáo: “Nếu còn gây rối tòa sẽ hủy bỏ quyền biện hộ”. Giang Thanh đứng dậy yêu cầu: “Tôi muốn đọc “một ý kiến của tôi””. Tăng Hán Chu cho phép. Giang Thanh nói: “Đánh chó phải ngó chúa, đúng vậy, đánh chó phải ngó chúa!”... lời biện hộ này của Giang Thanh đã đảo lộn trắng đen. Đến lúc này bà ta còn mê mẩn với lý thuyết “làm phản có lý”.

Cuộc biện luận trước tòa kết thúc. Tăng Hán Chu ra lệnh: “Dẫn bị cáo ra, tòa nghỉ”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:54:14 pm »


6. Sự trừng phạt thích đáng

Ngày 23 tháng 1 năm 1981 sau hơn hai tháng xét xử, Tòa án Đặc biệt bắt đầu tuyên án. Chánh án Giang Hoa đứng dậy trang nghiêm tuyên án: “… Tuyên phạt Giang Thanh thủ phạm chính của vụ án tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh tử hình...” Giang Hoa nhìn Giang Thanh, Giang Thanh mặt tái nhợt, toàn thân run lẩy bẩy gào thét không ngớt, lộ vẻ sợ chết trong phiên tòa. Giang Hoa đọc tiếp: “hoãn chấp hành 2 năm”. Giang Thanh phút chốc tỏ ra vui mừng.

Tòa án Đặc biệt tuyên phạt Giang Thanh và Trương Xuân Kiều tử hình, hoãn chấp hành 2 năm, tước quyền lợi chính trị suốt đời; phạt Vượng Hồng Văn tù chung thân, tước quyền lợi chính trị suốt đời; phạt Diêu Văn Nguyên 20 năm tù, Trần Bá Đạt 18 năm tù, Hoàng Vĩnh Thắng 18 năm tù, Ngô Pháp Hiến 17 năm tù, Lý Tác Bằng 17 năm tù, Khâu Hội Tác 16 năm tù, Giang Đằng Giao 15 năm tù, tất cả bảy bị cáo trên bị tước quyền lợi chính trị 5 năm.

Tiếp đó, Tòa án ở Bắc Kinh, Thượng Hải mở phiên tòa xét xử Mao Viễn Tân, Nhiếp Nguyên Tử, Khoái Đại Phú, Hàn Ái Xương, Vương Đại Tân, Vương Tú Trân, Từ Cảnh Hiền v.v... và tuyên phạt tù có thời hạn dài ngắn khác nhau. Giang Thanh và chín tội phạm bị áp giải đến trại giam Tần Thành thụ án.



7. Cuối đời trong ngục

Giang Thanh bị giam trong tầng 1 của ngôi nhà ba tầng trong trại giam Tần Thành, ở đây chỉ giam một mình bà ta. Tuy bị tù, nhưng cuộc sống vẫn sống được, cũng chẳng có ai đến lôi bà ta ra đấu. Chỗ trống ở tầng dưới rất nhiều, khi dạo mát Giang Thanh thường đi lại ở đây. Chung quanh là tường cao mấy trượng có lắp lưới điện. Cuộc sống trong tù tất nhiên không dễ chịu chút nào, nhưng vào những năm 1966, 1967, bao nhiêu cán bộ cũ bị Hồng Vệ binh bắt đấu tố chỉ mong có được một chỗ yên tĩnh như thế này mà cũng không có. Chu Ân Lai nghĩ cách bảo khu Vệ Thú xây dựng một trại giam đặc biệt, đưa một loạt cán bộ cũ đến đây, nhưng họ cũng không tránh được thường xuyên bị phê phán đấu tố, bị thẩm vấn, bị đánh đến gãy xương sườn, có đâu được thoải mái như Giang Thanh bây giờ.

Sau khi Giang Thanh và Trương Xuân Kiều bị tuyên án và thụ án tại trại giam Tần Thành. Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Tòa hình sự Tòa án Nhân dân tối cao xét định: Hai can phạm Giang Thanh và Trương Xuân Kiều trong thời gian kéo dài thi hành án tử hình, không có tình tiết xấu chống lại cải tạo nên giảm từ án tử hình hoãn thi hành 2 năm xuống mức phạt tù chung thân.

Tại nhà tù, Giang Thanh có thể đọc báo, đọc sách. Con gái bà ta là Lý Nạp thường đến trại giam thăm bà ta, đem cho bà ta rất nhiều sách và đồ ăn hợp khẩu vị. Cùng với thời gian, bệnh già của Giang Thanh ngày càng rõ ràng, tóc vẫn đen nhánh, sắc mặt vẫn trắng, nhưng cử động càng ngày càng khó khán. Lãnh đạo trại giam cho phép Giang Thanh được vào nằm viện. Bệnh viện chỉ cách phòng giam một bức tường, nhưng điều kiện ở đây tốt hơn nhiều so với phòng giam, cuộc sống được các y bác sĩ chăm sóc.

Nhưng Giang Thanh vẫn không quên được tòa nhà ở Trung Nam Hải, nhiều lần đòi về sống ở đó. Tháng 6 năm 1991, Giang Thanh bị bệnh ung thư, trong đau đớn và tuyệt vọng, bà ta đã dùng một sợi dây kết liễu cuộc sống của mình.

Vương Hồng Văn cũng bị ung thư chết trong tù.

Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khâu Hội Tác đến năm 1983 được bảo lãnh ra nằm viện sống ở một nơi trong thành phố, cho phép vợ và một người con cùng sống.

Hoàng Vĩnh Thắng được an trí ở Thanh Đảo, ít lâu sau bị bệnh chết.

Ngô Pháp Hiến theo vợ về Tế Nam, hằng ngày viết hồi ký và cùng vợ đi chợ mua thức ăn. Quần chúng chung quanh đối với ông ta cũng tỏ ra lịch sự, nhân viên bán rau thường xuyên không để vợ chồng ông ta phải xếp hàng, được mua trước.

Lý Tác Bằng ở Thái Nguyên, mỗi tháng được 200 đồng sinh hoạt phí, ông ta ở một ngôi nhà riêng trong hai ngôi nhà do Tỉnh ủy Sơn Tây mới xây, vì làm đồ gia dụng nên đã cãi nhau với hàng xóm, hàng xóm đuổi ông ta đi, nhưng nhờ Sở Công an và Tỉnh ủy làm công tác tư tưởng mới yên được.

Khâu Hội Tác bị an trí ở Tây An, hằng ngày viết hồi ký. Vợ ông ta là Hồ Mẫn là một bác sĩ nên đã giúp ông ta trong đời sống, mỗi tháng được cấp 200 đồng sinh hoạt phí.

Hoàng, Ngô, Lý, Khâu sau khi mãn hạn tù được tha, họ đều cầm giấy phóng thích đến nơi cư trú đăng ký hộ khẩu. Giang Đằng Giao, sau khi được bảo lãnh vào viện, được an trí tại Thái Nguyên, ủy ban Thể thao tỉnh Sơn Tây đã cấp cho ông ta một ngôi nhà riêng.

Khi kết thúc công tác xét xử “hai án” đúng vào mùa xuân năm 1981. Lúc này Trung ương Đảng đang chuẩn bị họp Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa 11, thảo luận “Quyết nghị về một số vấn đề lịch sử từ khi thành lập Đảng đến nay”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:55:42 pm »


Chương V
NGẪM SUY SAU KIẾP NẠN


1
Đại cách mạng văn hóa để lại hậu qủa sai lầm chồng chất


Mao Trách Đông phát động “đại cách mạng văn hóa” vốn cho rằng thông qua “thiên hạ đại loạn”, để đạt được một “thiên hạ đại trị”. Nhưng sự việc đã trái với mong muốn, 10 năm đại cách mạng văn hóa làm cho Đảng, Nhà nước và nhân dân phải chịu tổn thất nghiêm trọng kể từ khi dựng nước đến nay. “Mãi mãi không bao giờ quên đại cách mạng văn hóa! Đó là tiếng hô chung của những người đã từ từng trải qua tai họa to lớn ấy. Mọi người đều hy vọng có sự tổng kết nghiêm túc về những bài học của đại cách mạng văn hóa, khắc sâu trong lòng và truyền cho con cháu đời sau, quyết không cho phép một cuội nội loạn tương tự xảy ra một lần nữa trên đất Trung Quốc. Phơi bày đầy đủ những tổn hại mà tai họa này đưa đến, có thể làm cho mọi người rút ra bài học xương máu, khắc cốt ghi xương. Nhưng, hậu quả xấu của mười năm kiếp nạn gây nên trên nhiều mặt, nếu nói tổn thất về mặt vật chất còn chưa thể tính được thì sự tổn hại về văn hóa tinh thần, vết thương sâu thẳm nơi linh hồn, cho dù có dùng máy tính hiện đại nhất cũng không thể nào tính ra được. E rằng cần phải có sự cố gắng của các nhà kinh tế học, nhà chính trị học, nhà sử học, nhà xã hội học, nhà triết học v.v... thông qua công tác điều tra nghiên cứu khá dài mới có thể dự đoán toàn diện chính xác và thanh toán triệt để.

1. Lý luận sai lầm cùng những thực tiễn sai lầm do nó chỉ đạo, đã tạo nên sự hỗn loạn chưa từng có trong tư tưởng và sự suy yếu nghiêm trọng đến lòng tin đối với chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

2. Tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cơ cấu chính quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị suy yếu nghiêm trọng.

3. Nền kinh tế quốc dân bị suy yếu cực kỳ to lớn.

4. Sự nghiệp văn hóa khoa học bị tàn phá nghiêm trọng.

5. Tư tưởng và nếp sống xã hội bị đầu độc nghiêm trọng.



2
Có ý nghĩa gì khi gỡ bỏ bức chân dung khổng lồ của Mao Trạch Đông

Giữa mùa hè năm 1980, cải cách mở cửa đã bước vào năm thứ 2, nhân dân cả nước với nhiệt tình chưa từng có, lao vào công cuộc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, mọi người chịu khó đi sâu nghiên cứu, cần cù học tập, sáng tạo phát minh, thi nghiên cứu sinh ra nước ngoài, đang vui với niềm vui chung. Cũng cùng lúc ấy, Bắc Kinh đang lặng lẽ làm một việc.

Ngày 30 tháng 7, Bắc Kinh bận rộn và nóng bức, trước Đại lễ đường Nhân dân trước đây vẫn luôn không cho phép xe cộ dừng lại tùy tiện thì bỗng có hai chiếc xe ầm chạy đến một chiếc là xe cần cẩu lớn, một chiếc là xe tải rất dài. Tình hình khác thường này khiến mọi người qua đường phải dừng chân và cũng làm cho các nhân viên làm việc trong Đại lễ đường Nhân dân phải ngó đầu ra nhìn.

Chiếc cần cẩu không ngừng nâng cao, đưa người ngồi trong gầu xúc đến trước bức chân dung khổng lồ dựng trên Đại lễ đường Nhân dân, nhân viên công tác giơ tay dỡ bức chân dung.

Trong số người đi đường có người hét: “Chân dung của lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch không thể bỏ đi”, số đông người im lặng.

Tiếp đó, chiếc cần cẩu dùng dây thép buộc hai khẩu hiệu lớn được hàn vĩnh cửu trên Đại lễ đường Nhân dân, kéo mạnh, khẩu hiệu rơi xuống chân tường Đại lễ đường Nhân dân, lộ ra hai vết mới. Lại có những lời trách móc.

Những hành động như thế lần lượt được triển khai ở các nơi các ngành, các đơn vị trong cả nước.

Ảnh của Mao Trạch Đông được dỡ từ các mi cửa, các phòng học, tượng Mao Trạch Đông bị phá bỏ, trích lời Mao Trạch Đông rợp kín trời bị quét trùm lên, bị rửa sạch, tóm lại không còn một câu. Mười mấy năm trước, các nơi dựng những bức tượng Mao Trạch Đông rất kiên cố, bây giờ phá bỏ thật là rắc rối. Nghe nói ở Hà Nam, Hồ Nam v. v... có một số đơn vị phải dùng thuốc nổ để phá bỏ vì xây quá kiên cố.

Dư luận phương Tây bắt đầu bình luận tới tấp, có báo đã bình luận; “Thời đại Mao Trạch Đông kết thúc từ đây!”. Hương Cảng, Đài Loan kêu ầm ĩ: “Đại lục phê Mao, thế tất phải như thế”.

Những người đã chịu đủ sự đày đọa trong đại cách mạng văn hóa lại hiểu rằng, điều này chứng tỏ không thể nào chậm trễ trong việc xóa bỏ sùng bái cá nhân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2010, 03:59:05 pm »


3
Kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản
Sửa chữa sai lầm “tả” khuynh và hữu khuynh

Sau Hội nghị Trung ương 3 khóa 11, với khẩu hiệu giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị do Hội nghị Trung ương 3 nêu ra, đông đảo cán bộ và quần chúng được giải phóng từ xiềng xích sùng bái cá nhân và chủ nghĩa giáo điều thịnh hành trước đây, tư tưởng trong và ngoài Đảng sôi động, xuất hiện những hiện tượng sinh động cố gắng nghiên cứu tình hình mới và vấn đề mới.

Nhưng lúc này cũng nảy sinh một số hiện tượng đáng phải chú ý và cảnh giác. Một mặt, có một số cán bộ và quần chúng vẫn bị sự ràng buộc của tư tưởng “tả” khuynh, không hiểu biết đường lối và phương châm chính sách của Đảng từ Hội nghị Trung ương 3 đến nay, thậm chí có sự phản đối, mặt khác, một số ít người, xuyên tạc khẩu hiệu “giải phóng tư tưởng”, thổi phồng sai lầm của Đảng một cách cực đoan, phủ định sự lãnh đạo của Đảng, phủ định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã chỉ ra. Điều nguy hiểm hơn là một số ít người trong Đảng không những không đấu tranh với trào lưu tư tưởng tự do hoá, trái lại hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ nó. Nếu để nó tự do phát triển, sẽ phá hoại cục diện ổn định đoàn kết mà nhân dân cả nước đã đạt được một cách không dễ dàng, gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Nhận thấy điều đó, tháng 3 năm 1979, trong Hội nghị công tác lý luận của Đảng, Đặng Tiểu Bình đã nêu một cách rõ ràng bốn nguyên tắc cơ bản: Kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chuyên chính vô sản, tức chuyên chính dân chủ nhân dân, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Mao Trạch Đông.

Bài phát biểu này chứng tỏ, công cuộc cải cách mở cửa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện khi bắt đầu đã có phương hướng xã hội chủ nghĩa rõ ràng.

Trung ương Đảng cho rằng, để sửa chữa về căn bản khuynh hướng sai lầm “tả” khuynh và hữu khuynh cần phải hiểu đúng đắn con đường lịch sử mà Đảng đã đi qua từ khi dựng nước, tổng kết một cách khoa học những kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong thời kỳ này. Tháng 9 năm 1979, Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa 11 được triệu lập, thảo luận và thông qua bài nói chuyện tại cuộc mít tinh kỷ niệm 30 thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, do Diệp Kiếm Anh chuẩn bị. Bài nói chuyện này đã bước đầu tổng kết lịch sử từ sau khi dựng nước, đã khẳng định một cách đầy đủ thành tựu vĩ đại mà Đảng và Nhân dân đã giành được từ khi dựng nước đến nay, đã tự phê bình sai lầm trong công tác trước đây của Đảng, chứng minh tiền đồ xán lạn của đất nước. Tăng thêm sự thống nhất nhận thức của toàn Đảng và toàn dân.




4
Tràn đầy niềm tin vượt qua kỳ thi của Phơ-ra-si

“Nghị quyết” đã được nhóm khởi thảo đề cương tuân theo tinh thần bài nói chuyện của Đặng Tiểu Bình sửa chữa. Phút chốc đã đến cuối hè.

Hôm ấy, Đặng Tiểu Bình đang cúi mình trên bàn làm việc, thư ký đi vào báo cáo, nữ phóng viên nổi tiếng của I-ta-li-a, Ô-rin-ai-na Phơ-ra-si muốn đến phỏng vấn, hỏi Đặng Tiểu Bình có đồng ý tiếp kiến hay không. Đặng Tiểu Bình ngẫm nghĩ nói một cách dứt khoát: “Gặp, để tôi xem rốt cuộc bà ta ghê gớm đến đâu”.

Vì sao Đặng Tiểu Bình nói như vậy? Vốn dĩ Phơ-ra-si không phải là một phóng viên bình thường, mà là một phóng viên có tiếng đã đi khắp nơi trên thế giới, bà ta vốn xưa nay là người nổi tiếng hay phỏng vấn những nhân vật chìm nổi. Bà ta đặt câu hỏi rất gay gắt, phong cách năng nổ, đáo để, cái bình nào không mở thì nêu cái bình ấy, lãnh tụ chính giới nổi tiếng của các nước trên thế giới, hầu như đều đã nếm mùi ghê gớm của bà ta. Kít-xin-gơ là một nhân vật ghê gớm đến nhường nào mà cũng bị Phơ-ra-si dồn ép phải thổ lộ bí mật trong lòng, cuối cùng phải than thở: “Nhận lời phỏng vấn của Phơ-ra-si là sự việc ngu xuẩn nhất trong đời tôi”. Cho nên rất nhiều nhà lãnh đạo các nước đều coi cuộc phỏng vấn của Phơ-ra-si là một kỳ thi.

Mùa hè năm 1980, các nước trên thế giới đều chú ý sự đánh giá của Trung Quốc đối với Mao Trạch Đông, những nhân vật chìm nổi ở Trung quốc, nên bà ta đã đến phỏng vấn Đặng Tiểu Bình.

Sau khi Đặng Tiểu Bình phân tích một cách chu đáo tỉ mỉ đối với tình hình và nhiệm vụ, ông tràn đầy niềm tin chuẩn bị đón “kỳ thi” của nữ phóng viên phương Tây.

Ngày 21 tháng 8, Phơ-ra-si đáp chiếc xe con cao cấp đến văn phòng của Đặng Tiểu Bình ở Trung Nam Hải.

Vị nữ phóng viên này quả là ghê gớm, sau khi bà ta ngồi xuống ghế, không một chút khách sáo, nhanh chóng nêu ra những vấn đề mà cả thế giới đang chú ý: “Ảnh của Mao Chủ tịch ở Thiên An Môn có phải là sẽ giữ lại mãi mãi không?”. Trả lời của Đặng Tiểu Bình lưu loát dứt khoát: “Mãi mãi giữ lại. Trước đây ảnh Mao Chủ tịch treo nhiều quá, đó không phải là một việc nghiêm túc, cũng không hề chứng tỏ sự tôn trọng đối với Mao Chủ tịch. Chúng tôi mãi mãi coi Mao Chủ tịch là người sáng lập Đảng và Nhà nước chúng tôi để kỷ niệm”.

Phơ-ra-si không một chút khách sáo, ngay lập tức nêu ra một vấn đề gay gắt: “Đối với người phương Tây mà nói, có rất nhiều vấn đề chúng tôi không hiểu. Nhân dân Trung Quốc khi nói về “bọn bốn tên” đã quy cho “bọn bốn tên” rất nhiều tội lỗi, nhưng họ chìa bàn tay ra thì chỉ có năm ngón”. Đặng Tiểu Bình biết ý của bà ta, không một chút mơ hồ ông giải thích rõ ràng: “Sai lầm của Mao Trạch Đông và vấn đề của Lâm Bưu và “bọn bốn tên” về tính chất có khác nhau. Phần lớn thời gian trong cuộc đời của Mao Chủ tịch đã làm những việc rất tốt, nhiều lần ông đã cứu Đảng và đất nước khỏi cơn khủng hoảng. Chúng tôi phải đánh giá một cách khách quan công và tội một đời của Mao Chủ tịch. Chúng tôi sẽ khẳng định công tích của Mao Chủ tịch là thứ nhất, sai lầm của ông là thứ hai. Chúng tôi phải nói về sai lầm vào thời kỳ cuối của Mao Chủ tịch một cách thực sự cầu thị, chúng tôi vẫn phải tiếp tục kiên trì tư tưởng Mao Trạch Đông. Tư tưởng Mao Trạch Đông là phần đúng đắn nhất trong cuộc đời của Mao Chủ tịch. Tư tưởng Mao Trạch Đông không chỉ dẫn đưa chúng tôi giành thắng lợi cách mạng trong quá khứ mà hiện tại và tương lai vẫn là tài sản quý báu của Đảng và Nhà nước”.

Phơ-ra-si tỏ ra rất hài lòng đối với cuộc nói chuyện thẳng thắn dứt khoát của Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình cũng muốn tiếp tục mượn ngòi bút của bà ta để tuyên truyền đường lối của Đảng ra toàn thế giới, cuộc nói chuyện tiếp tục. Phơ-ra-si trực tiếp tấn công vào chỗ yếu trong phòng tuyến của Đặng Tiểu Bình: “Nghe nói, Mao Chủ tịch thường oán trách ông là không nghe lời ông ta lắm, không thích ông, có thật như vậy không?”

Theo lý giải của người Trung Quốc, câu hỏi này của Phơ-ra-si gần như đã chạm nọc ông, nhưng Đặng Tiểu Bình không để ý, bình tĩnh trả lời: “Mao Chủ tịch nói tôi không nghe lời ông là đã từng có, nhưng cũng không phải chỉ có một mình tôi, đối với các đồng chí lãnh đạo khác cũng có tình hình như vậy. Điều này  cũng phản ánh vào thời kỳ cuối Mao Trạch Đông cũng có một số tư tưởng không lành mạnh, cũng có nghĩa là có những cái mang tính chất phong kiến của chế độ gia trưởng. Ông không dễ dàng nghe những ý kiến bất đồng. Những việc mà Mao Chủ tịch phê bình không thể nói là đều không đúng. Nhưng có không ít ý kiến đúng đắn, không chỉ của tôi, mà của nhiều đồng chí khác nữa, ông không nghe lọt tai cho lắm. Chế độ dân chủ tập trung đã bị phá hoại, lãnh đạo tập thể bị phá hoại. Nếu không sẽ không thể lý giải vì sao lại nổ ra đại cách mạng văn hóa.

Phơ-ra-si cho rằng Đặng Tiểu Bình đã lơi lỏng cảnh giác nên đã ra đòn tập kích bất ngờ, đặt ra trước mặt Đặng Tiểu Bình một vấn đề gay gắt: “Ở Trung Quốc, có một người như vậy là chưa từng bị đánh đổ bao giờ...” Đặng Tiểu Bình biết người mà bà ta nói là Chu Ân Lai, ông xúc động nói: “Chu Ân Lai là người suốt một đời cần cù chăm chỉ, không từ khó nhọc. Chúng tôi quen nhau từ rất sớm, khi vừa học vừa làm ở Pháp, đã sống cùng nhau, đối với tôi mà nói trước sau ông vẫn là người anh cả. Thời kỳ đại cách mạng văn hóa, nhiều người chúng tôi đều đi xuống, may còn giữ lại được ông. Trong đại cách mạng văn hóa địa vị mà ông giữ là vô cùng khó khăn, ông cũng đã nói rất nhiều lời trái với suy nghĩ của mình, đã phải làm rất nhiều việc trái với lòng mình, nhưng nhân dân tha thứ cho ông, ông đã bảo vệ được khá nhiều người”. Đặng Tiểu Bình lại nói: “Đồng chí Mao Trạch Đông cũng không phải là muốn chỉnh đổ tất cả các cán bộ cũ trong đại cách mạng văn hóa. Tuy ai không nghe lời ông thì ông muốn chỉnh ngay, nhưng chỉnh đến mức độ nào thì ông vẫn phải suy nghĩ. Cho đến sau này càng chỉnh càng tệ hại, không thể nói là ông không có trách nhiệm, có điều cũng không thể mình ông chịu trách nhiệm. Có một số là do Lâm Bưu và “bọn bốn tên” đã tạo nên chuyện đã rồi, có một số họ đã làm sau lưng ông”.



Cuộc phỏng vấn kết thúc, Phơ-ra-si rất hài lòng, Đặng Tiểu Bình nhạy bén, thẳng thắn, tinh nhanh, tháo vát, khiến bà ta khâm phục. Vấn đề mà bà ta muốn hỏi, Đặng Tiểu Bình đều trả lời rõ ràng dứt khoát. Ở đây không có sự ân oán cá nhân, không có thoái thác trách nhiệm, có chăng chỉ là sự suy nghĩ chín chắn và sự ấp ủ tương lai của một nhà cách mạng lão thành đối với lịch sử. 



Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM