Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:08:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 141121 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #250 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2008, 11:36:00 pm »

“Sợ bị ném lựu đạn", trung úy Rúc lê cái bụng leo lên cầu thang để khỏi chạm vào mông đã bị thương và khi một bộ đội Việt Minh dừng lại ở đó, anh ra hiệu là anh không đứng lên được và cố làm cho người đó hiểu rằng còn nhiều người bị thương khác đang ở trong hầm. Anh xin người lính trẻ cho nước uống nhưng cậu lính này không có bi đông. Liều mạng, Rúc giải thích cho cậu lính biết một can nước đầy để ở dưới cầu thang. Cậu ta do dự rồi, kẹp tiểu liên vào nách, xuống tìm can nước quý báu đó. Mười phút sau, Rúc lại gọi một người khác và nói bằng một loại ngôn ngữ pha trộn Pháp - Việt để truyền đạt thông điệp. Anh không thể lê như vậy trên mặt đất, có một cái cáng cách đó 30m có thể giúp ích. Với thái độ ân cần giúp đỡ, người lính Việt Minh đằng sau quay đi lấy cái cáng và đưa về cho Rúc, anh cảm ơn lia lịa: “Họ không có vẻ dữ tợn, viên sĩ quan của tiểu đoàn dù ngoại ghi nhận, nhưng họ cảnh giác và người ta đoán rằng nếu thấy một cử chỉ khả nghi nhỏ nhất thì...".

Lưu trữ hồ sơ của ủy ban điều tra ước lượng quân số của Điện Biên Phủ là 10.133 người cho đến ngày 5-5. Một nguồn tin khác nói số tù binh ngày 7-5 - không tính người Việt - là 6.954 (SHAT - 10H319). Trong tổng số này phải tính 1.444 người bị thương phải sơ tán và 531 người không chọn lọc, tất cả khoảng 2000 người bị thương. Một tài liệu khác (Chú thích: Thông tri số 5688/BT của Giám đốc Sở y tế đề ngày 8-5 (SHAT - Bìa 10H2015). Theo đại úy Ghighen thuộc Cục tù binh, quân số ở Điện Biên Phủ lúc ngừng bắn là 7.481 chiến binh của Liên hiệp Pháp và 2.308 chiến binh bản địa, tổng cộng 9.789 người (nghiên cứu ngày 2-7-1954. SHAT - Bìa 10H314).) rút các con số đó xuống 1310 người bị thương phải sơ tán trong đó 820 người ngồi và 490 người nằm nhưng nhiều người bị thương không được xếp vào loại "phải sơ tán". Chúng ta nói thêm là trong các cuộc chiến đấu cuối cùng tại Clôđin 5 và các Êlian một nửa ngàn chiến binh đã biến mất trong bảng quân số. Những người bị thương của Êlian 10 và Êlian 4, những người mất tích bị chôn vùi vì pháo kích và vụ nổ mìn trước cuộc xung phong vào Êlian 2 không được biết đến. Số tù binh của các Êlian cũng vậy.

Sau khi sàng lọc - theo sự ngẫu nhiên may rủi - những người bị thương không đi được còn ở lại địa điểm và những người có thể và phải đi, người chiến thắng tổ chức tù binh đi thành hàng. Đi đi, mau lên? Một hàng đầu tiên đã dài từ hai đến ba kilômét và không ngừng dài thêm, bị những người bị thương và người què không đi theo kịp, làm cho chậm lại.

Hai chân tôi không muốn mang tôi nữa, thiếu úy Anle than vãn. Gánh nặng của sự mệt nhọc đã quá lớn, của sự nhục nhã cũng vậy. Sự căng thẳng thần kinh đã từng trợ lực tôi nhường chỗ cho một sự sút giảm về thể lực không thể kiểm soát nổi nữa. Người "bạn dây chuyền" của anh, thiếu úy Herô, nhớ lại rằng “các cuộc tiếp xúc đầu tiên với Việt Minh nói chung là câm, những người chiến thắng dùng cử chỉ điệu bộ để làm cho người ta hiểu mình. Chúng tôi tất cả đều mệt lử, đều bị thương nhiều lần, không ngủ quá hai tiếng liên tục từ nhiều ngày nay”.

Các sĩ quan của Lăngle làm thành một khối chung quanh ông khi ông đã có những dấu hiệu của sự mệt nhọc. Đại úy Vécđenhan "bước lên trên những hố đạn, vượt qua những đường hào bị đảo lộn, những hệ thống rào bị phá rách nát và đến các cứ điểm Êlian mà cảnh tượng thật là kỳ lạ như một ảo ảnh: các đường hào đầy xác người bốc lên một mùi kinh sợ dưới ánh nắng mặt trời. Cuối cùng, người ta đã ra ngoài khu vực của tập đoàn cứ điểm, ở vùng của Việt Minh. Trong lúc người ta rời xa Điện Biên Phủ thì các máy bay Đacôta vẫn tiếp tục thả dù thuốc men và lương thực...” .

Trung úy Rắcca ngoái đầu lại, anh nhìn thấy "một đoàn dài hùng vĩ mà thảm hại của các đồng đội anh với nét mặt hốc hác, trang phục cũ nát, đây đó có những người quấn đầy băng hoặc chống gậy đi khập khiễng ... Một số sĩ quan đã thể hiện nội tâm trong đáy sâu thẳm của lòng mình tấm thảm kịch tập thể hoặc cá nhân mà họ đang sống, chân bước đi rã rời, mắt nhìn tuyệt vọng.. " .

Ở cứ điểm Giuynông, lính lê dương của tiểu đoàn 1, bán lữ đoàn 13 và tiểu đoàn Clêmăngxô tập hợp đằng sau cán bộ của họ, lê giầy đi về phía Êlian 2, đi phía trước họ là lính bộ binh tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc.

Những tiếng động duy nhất nghe được là lệnh của bộ đội Việt Minh thôi thúc người bị bắt ra khỏi các địa điểm, đại úy Philíp nói thêm. Chúng tôi rời đi lúc 18 giờ để vượt qua sông Nậm Rốm ở ngang tầm Êlian 3, tiếp đến là cuộc leo lên Êlian 2. Khi đi qua, chúng tôi kéo từ đống đổ nát ra một sĩ quan của tiểu đoàn 1 dù thuộc địa nhưng anh bị thương nặng không thể đi theo chúng tôi và Việt Minh bảo để anh lại”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #251 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2008, 11:36:59 pm »

Bị thương ở bụng trong các cuộc chiến đấu ban đêm, trung úy Guyliên thuộc đại đội Pugiê vào ẩn trong một căn hầm, một quả đạn nổ sập hầm đè lên người anh. Nếu như có mang anh đến trạm giải phẫu gần nhất - với sự đồng ý của Việt Minh - thì cũng đã là quá muộn. Anh bị vùi đã hơn mười hai giờ rồi và các vết thương ở bụng là những vết tử thương. (Chú thích: Sinh năm 1920, Andrê Giuyliên phục vụ trong lực lượng nội địa Pháp tháng 9-1944 và nhập ngũ tháng 10. Thiếu úy (dự bị) ở trung đoàn bộ binh 95, rồi sĩ quan thể thao trung đoàn bộ binh 110. Có bằng nhảy dù. Thiếu úy ngạch thường trực tháng 2-1948, lấy Baryron Mitxơ, có ba con. Năm 1950 ở tiểu đoàn xung kích 11. Được cử đi Đông Dương, lên tàu tháng 7-1953. Được cử về tiểu đoàn 1 dù thuộc địa. Nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 5-5-1954. Bị tử thương ngày 7-5-1954.)

Các pháo thủ Caban và Côngbơ đi một đoạn đường với trung úy Savina mà tinh thần không được sáng sủa lắm. Bị bắt làm tù binh ở Đức từ năm 1941-1945, Lui Savina trở nên chán nản khi nghĩ đến việc lại phải đi tù lần nữa. Cả ba sĩ quan cùng một ý nghĩ đối với trung úy Bruynbrúc khi đi qua vị trí cũ của anh còn rải rác những mảnh thân người "tỏa lên một mùi kinh sợ". Xa hơn một chút, họ đi qua một cuộc tập hợp sĩ quan cao cấp, trong đó nổi lên chiếc mũ canô đỏ của tướng Đờ Caxtơri. Cây cối làm họ ngạc nhiên, tưởng như trước đó họ chỉ biết bùn lầy của hầm hào. Những tiếng chim hót đầu tiên được nghe thực là một niềm hạnh phúc, các tù binh dừng lại nghe tiếng chim, dầu chỉ là những tiếng ríu ran nho nhỏ. Nhưng bộ đội Việt Minh đã giục giã họ tiếp tục lên đường. Cuộc tái ngộ với thiên nhiên đã đem sức mạnh đến cho sự yên lặng:

Chẳng ai ba hoa cả, đại úy Côngbơ nhận xét. Sự tương phản với những gì chúng tôi vừa sống đã tạo ra trong phần lớn chúng tôi một loại cảm giác say sưa, khoan khoái... Người ta bước đi mà đầu óc chẳng nghĩ đến điều gì, trong một trạng thái hoàn toàn thư giãn thần kinh”.

Trên cứ điểm Êlian 10 rải đầy những xác chết, những vũ khí bị phá vỡ, những băng vỏ đạn, những lựu đạn, chẳng ai quan tâm đến những người bị thương. Những bộ đội Việt Minh đi qua đã nhận lời cầm mũ sắt xuống sông múc nước cho đại úy Tơrap đang lên cơn sốt. Chiến binh trên tiến duyên là những người duy nhất nhạy cảm với sự đè nặng của chiến tranh lên đôi vai của họ.

Anh qua ngày 7-5 trong một đầu hào của Việt Minh, Tơrap kể với vợ. Việt Minh không chú ý đến anh và ngày 7, lúc 18 giờ anh mới biết là các cuộc chiến đấu đã ngừng. Việt Minh bắt đầu sơ tán người chết của họ và việc đó kéo dài cả đêm. Chỉ đến 10 giờ ngày 8-5 các y tá Pháp mới được phép đến tìm người bị thương trên vị trí. Anh được khiêng đến trạm giải phẫu và mổ lúc 17 giờ. Bayi được mổ trước anh; tình trạng của anh ấy trầm trọng hơn nhiều. Anh ấy bị mất một mẩu xương ống lớn; và may mắn lạ lùng là vẫn giữ được chân”.

Khi đoàn người vô tận đi qua công sự tiền duyên của Đôminíc 3, các hạ sĩ quan tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri, những người biết rõ mọi đường hào ở đây, đã có một cuộc khám phá làm đảo lộn đầu óc họ. Trung sĩ nhất Hecviu và hạ sĩ nhất Zanenli tìm thấy, trong một cái hố bẩn thỉu, một hạ sĩ quan tưởng đã chết từ ngày 1 -5 . Trung sĩ nhất Guy Máctanh ở trong một tình trạng mà thoạt tiên họ nhầm là “một xác chết sắp phân hủy". Anh bị nhiều viên đạn trúng vào người và mùi bốc lên từ các vết thương bị viêm nhiễm của anh đã giải thích sự nhầm lẫn đó. Được cử về đơn vị thông tin của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri, Máctanh bị thương lần đầu vào ngày 25-3 và nếu chiếc Đacôta của thiếu tá Blăngsê đã cất cánh lại, thì viên hạ sĩ quan này đã ở trong một bệnh viện Hà Nội từ lâu rồi.

Được săn sóc ở trạm giải phẫu Ginđrây, Mác tanh vừa mới bình phục thì được gửi xuống Đôminíc 3 từ ngày 8-4 để trở lại chức vụ ở đại đội Philôđô. Ngày 1-5, khi đại úy Perê thuộc tiểu đoàn 6 dù thuộc địa đến, Máctanh ở lại. Đêm sau Việt Minh tấn công và bắt được Perê. Bị một băng tiểu liên bắn trúng, bị bỏ lại vì tưởng đã chết, Máctanh lê đến một hầm trú ẩn và ngã gục ở đó. Không được chăm sóc, không có cáng, không nước, không thức ăn. Bộ dội Việt Minh đi qua, đôi khi dừng lại, chui vào hầm khi những làn đạn pháo của Pháp quá chính xác và rồi lại rời đi không để ý đến người bị thương. Sự dửng dưng.

Đầy bất hạnh, Máctanh nói, tôi bị bệnh kiết lỵ, gây cho tôi muôn ngàn khó khăn mỗi khi giải quyết những nhu cầu tự nhiên. Tình trạng đó buộc tôi phải tập luyện mệt đến lả người càng làm tăng thêm những nỗi đau đớn của tôi. Rồi dòi sinh ra trong các vết thương của tôi nhiều nhung nhúc đến nỗi tôi có cảm giác là mình sẽ bị nuốt sống”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #252 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2008, 11:38:03 pm »

Thế mà anh ấy vẫn sống sót. Một ngày, hai ngày, ba ngày... Bảy ngày chỉ gặm một miếng bánh quy mốc tìm được trong một cái túi, liếm các vách hào khi nước mưa chảy vào, nhưng không được săn sóc, luôn luôn không được săn sóc. Rồi đến ngày 7-5 nhưng làm sao anh ấy biết được là ngày 7-5? - Các đồng đội của anh đã xuất hiện, nói chuyện với anh và đưa anh ra khỏi cái bãi đầm ấy. Anh đi chân không, tưởng anh đã chết hoặc gần chết, người ta đã lấy đi đôi giày của anh. Zanenli và Hécvuiét kéo anh đi. Người ta mang đến cho anh một mũ sắt nước sông và anh uống một hơi. Với sự giúp đỡ của trung sĩ nhất Bônôpêra, cũng là người của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri, họ lại ra đi cùng với người bị thương, đẩy anh đi, mang anh cho đến một trạm nghỉ mà họ hy vọng có thể giao anh cho một tù binh là bác sĩ. Cả ba người đã cứu sống anh. (Chú thích: Bị thương ở ngực, ở cánh tay trái, ở cả hai chân, ở bụng, đầu và bàn tay, trung sĩ nhất Máctanh có những vết thương bị nhiễm trùng và đầy dòi, Ăngzê Bônopêra viết. Bị bẩn vì bệnh kiết lị, anh có mùi rất khó chịu và hai chân thì bị sưng lên vì bệnh tê phù.)

Xanhglăng và Xanh-hile nghe những tiếng hét ở ngoài hầm và một Việt Minh có một đèn pin - của thu nhặt - xuống cầu thang rất thận trọng đề phòng. Thấy tình trạng của họ, anh ta cho mang hai cái cáng đến và ra lệnh đưa họ ra ngoài trời. Họ bị tách ra và nhập vào đoàn người đang kéo lê trên tỉnh lộ 41. Việc khiêng cáng làm cho đoàn người lộn xộn vô tổ chức, bộ đội Việt Minh áp dụng hiệu lệnh.

Sau khi đi được ba hoặc bốn kilômét, Xanhglăng viết, Việt Minh đặt tôi xuống bên bờ đường và tôi ở lại một mình. Chính ở đó tôi đã qua đêm đầu tiên của đời tù binh. Có những người đi qua mà không nhìn thấy tôi; thường là những tù binh đi lên phía bắc, bị lính gác thôi thúc, nhưng số lượng họ đã giảm. Đám tù binh lớn đã đi qua. Việt Minh cũng vậy vừa hát, vừa đi về phía nam. Chẳng ai chú ý đến tôi. Sáng ngày 8, sau cái đêm cô đơn vô tận, một sĩ quan Việt Minh có khoảng một chục bộ đội đi thu nhặt người bị thương lại gần tôi và nói tiếng Pháp hỏi về thân phận của tôi và tình trạng các vết thương. Rồi ông ta ra lệnh. Một người lính đi lấy nước ở sông và người thứ hai nhóm lửa nấu nước sôi. Viên sĩ quan nói ông ta không có cà phê mà chỉ có những lá chè biếu tôi để uống nước chè nóng. Ông ta sẽ yêu cầu người ta đến tìm tôi. Ông ta là sự tiếp xúc cuối cùng của tôi đối với thế giới chiến binh, cái thế giới mà, vì cả hai bên đều vất vả chịu đựng, người ta đã biết tôn trọng nhau và đôi khi quý mến nhau”.

Buổi chiều ngày 7-5 này, đúng vào ngày thứ năm mươi sáu của cuộc chiến đấu, là một ngày mệt mỏi kiệt sức với binh sĩ mà nhiều người không nhìn thấy ánh sáng ban ngày từ nhiều tuần nay. Trong một sở chỉ huy, việc luyện tập thể lực là con số không, nhiều sĩ quan bình thường là những người đi bộ giỏi, vững chãi thế mà bây giờ lảo đảo vì buồn ngủ và mệt nhọc. Vécđenhan "cho thiếu tá Vađơ uống benzêđrine nhưng ông cũng không uống được nữa. Đại tá Lơmôniê không theo được đoàn người và xỉu xuống bên lề đường. Một lính lê dương kéo lê một cái chân bó thạch cao, để lại một mùi ô nhiễm vì băng chưa được thay".

Đoàn sĩ quan dừng lại lúc hoàng hôn xuống và nhiều tù binh nói đến một "khoảng rừng thưa nhỏ" mà mỗi người sẽ nằm lại trên mặt đất để qua đêm. Những người không biết lo xa không mang theo khẩu phần ăn thì xiết thắt lưng lại trước khi tìm kiếm một giấc ngủ, vừa cầu nguyện để cho mưa rào không biến họ thành một miếng xốp hút nước giữa trời đêm. Đại úy Buốcgiơ thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 bộ binh ngoại quốc, thích thú với sự yên lặng đưa ông trở về với thiên nhiên, cây cối và bụi rậm tỏa lên một hương thơm dịu dàng và chim chóc đã lấy lại niềm tin, cơn bão thép đã qua đi.

Khi chúng tôi dừng lại ở khu rừng thưa, Buốcgiơ nói, chẳng có gì dự tính để tiếp đón chúng tôi, còn tôi thì bằng lòng với những gì mình đã mang đi: bánh quy, mứt hoa quả, và một khẩu phần ăn. Thế rồi tôi nằm dài lên một gốc cây và tôi ngủ”.
Cách đó hai bước, đại úy Biêngvô thấy mình "suy sụp vì mệt nhọc, mất ngủ - ngày 7 thật là gay go? - bị u mê vì vết thương đau nhói trên đầu, gần như bị trầm cảm
".

Với một giọng hài hước lạnh băng, trung úy Anle thấy đêm đầu tiên dưới bầu trời đầy sao, trên một mặt đất ẩm thấp, không khác gì với những đêm trước đây, trừ việc chúng ta mất tự do và sự yên lành đã thay thế tiếng gầm thét của trận đánh". Một số sĩ quan đã có chủ tâm hạn chế tầm quan sát của các bộ đội Việt Minh: Cayô, Vécđenhan, Roy và Lơgiăng làm thành một màn người xung quanh Lăngle. Bê rê đội sụp xuống mắt, Biga hòa lẫn vào đoàn người đang đi trên tỉnh lộ 21. Họ hiểu rằng sớm hay muộn rồi Việt Minh cũng tìm thấy họ nhưng "Bruynô" và "gã Pie" không muốn tự ý nộp mình.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #253 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2008, 11:39:46 pm »

Lơ Pagiơ:

Đêm sắp tới, khi Việt Minh dừng chúng tôi lại gần những hầm trú ẩn đào ngay trên đồi, ở đây họ sẽ dồn đống chúng tôi lại với lý do bảo vệ chúng tôi tránh hỏa lực của không quân chúng ta. Không khí trở nên khó thở, chúng tôi đi ra ngoài để ngủ ở chỗ không khí thoáng ... Tôi cùng đại tá Lăngle nằm chung trên miếng bạt lều nhưng không thể ngủ được. Việt Minh tìm ông và lay từng người nằm ngủ. Thấy mình làm phiền đến mọi người, đại tá đứng dậy và đi theo họ”.

Biga cũng bị phát hiện trong những điều kiện như vậy. Gimbe Roy và "Ri ki" Lơgrăng vẫn giữ vải bạt lều của họ và ngủ ngon lành. Cách Vécđanhen hai bước chân, "một người bị gãy tay gào lên trong đêm, đòi tiêm moócphin mà chẳng ai có thể cho anh ta được" . Nghĩ đến những thử thách đã hình thành, Lơ Pa giơ cho rằng "những ngày đầu tiên, làm tù binh đã diễn ra như là sự tiếp tục của trận đánh, tất nhiên là với một mục tiêu khác, không phải để chiến thắng mà để sống sót".

Một tiếng động quen thuộc, tiếng pháo bắn, làm ông dỏng tai: "Từ phía nam đến, chúng tôi nghe những tiếng pháo bắn lác đác từ Isaben. Vậy là họ luôn luôn giữ vững...".

Dẫu ông có muốn nữa thì tướng Đờ Caxtơri cũng không thể trà trộn vào tù binh, Việt Minh không rời ông nửa bước nhưng đồng ý để các sĩ quan thân cận của ông cùng đi với ông. Đến chân các Đôminíc, họ được yêu cầu leo lên một chiếc xe tải Môlôtôva hình như đang chờ họ và bạt kéo kín, xe chạy gần hai giờ với tốc độ thấy trên những ổ gà lầy lội. Đại úy Đruin nhớ lại cuộc đỗ xe:

Thiếu tướng đi với sĩ quan tùy tùng người Ma rốc, trung tá Tơranca, thiếu tá Vôinô đi sau hai bước, còn tôi thì cùng với hai ba sĩ quan GONO. Chúng tôi đi bộ khoảng một giờ để đến sở chỉ huy bí mật của tướng Giáp, được ngụy trang rất khéo và ở một vị trí đặc biệt, vì từ đây có thể nhìn thấy tất cả các vị trí của tập đoàn cứ điểm. Thiếu tướng nói chuyện với tướng Giáp, mặt giáp mặt, trong nửa giờ. Một cuộc đối thoại “nếu không thân mật thì ít nhất cũng là lịch sự”, sau đó thiếu tướng nói lại với tôi. Thế rồi, lại theo lộ trình đó, chúng tôi trở về tỉnh lộ 41 và đến một ngã tư, lại xuống xe. Chúng tôi còn phải đi bộ và gần một vài căn nhà tranh, chúng tôi gặp những sĩ quan tù binh trong đó có đại úy Pugiê bị bắt ở Êlian 3”.
Họ nhập vào những người khác và nhận nắm cơm nếp đầu tiên. Chúng tôi không rõ tướng Đờ Caxtơri có được nhận thêm một món ăn phụ kiểu như "phomát" hoặc "tráng miệng" không, nhưng trong các sổ tay của mình, đại úy Vécđenhan bảo đảm rằng cơm có kèm theo "một chút nước mắm", một loại nước muối cá rất được ưa thích ở Việt Nam và có nhiều vitamin. Sau "bữa ăn", các đoàn, trong đó tù binh đã được sàng lọc, tiếp tục ra đi theo hướng Mường Phan là trại cải huấn của tù binh.
"
Chúng tôi đến nơi khi trời đã tối đen, Vecđenhan kể lại. Mệt đến chết được, người ta lê bước và nằm ngủ trên những khúc củi tròn của vách ngăn nhưng giường nằm không tiện nghi cộng với cái rét cửa trời đêm đã làm cho chúng tôi không nhắm mắt được. Sáng sớm chúng tôi tìm hiểu trại. Thật là ảm đạm, nó ở trên một sườn núi có rừng, bùn lầy và ẩm thấp. Một căn nhà tranh đã đổ nát và mái nhà trông thảm hại”.

Đại úy Philíp nghĩ rằng "Bộ chỉ huy Việt Minh coi nhiệm vụ tổ chức ở Mường Phan có một tầm quan trọng lớn. Sau khi sàng lọc, việc tập hợp lại các sĩ quan là một dịp để khám xét họ". Máy ảnh của đại úy Đềmông bị tịch thu, rồi đến các ảnh và phim thả dù vào cuối tháng 4, camêra vẫn còn sau ba lần khám nhưng đến lần thứ tư thì bị lấy. Có cái nhìn thực tế, đại úy Côngbơ vứt máy ảnh của mình vào một đầm lầy. Đại úy Kruymơnăcke vứt khẩu súng lục cỡ 7,65.

Chính ở Mường Phan, những kẻ chiến bại sẽ học cách đóng vai trò tù binh của quân đội nhân dân Việt Nam. Tuần lễ trôi qua không phải là một thời kỳ thư giãn. Sau khi xác định những người bị thương nặng, các sĩ quan, những người bị thương nhẹ, người chiến thắng chuyển sang việc kiểm kê hạ sĩ quan và binh lính. Rồi những cuộc sàng lọc khác nữa cũng được tiến hành: các lính bộ binh Bắc Phi, các pháo thủ Xênêgan, lính bổ sung Thái và dĩ nhiên, người Việt đã "vàng hóa" từng tiểu đoàn Điện Biên Phủ. Trong hai ngày, họ lập nên các nhóm mà mọi quan hệ hữu cơ với nhau đều bị phá vỡ.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #254 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2008, 11:41:22 pm »

Ở Mường Phan, trung úy Rêginan Uyiem xác nhận, chúng tôi được chia thành từng đội khoảng ba chục sĩ quan và đội trưởng của tôi là trung úy Pie Rơnôn thuộc tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn 13 lê dương ngoại quốc. Hằng ngày, anh phải điểm danh, nếu ai thiếu thì anh bị xử phạt. Cùng với chúng tôi có Đômigô, Răngcun, Giăccơmê, bác sĩ Riviê, đại úy Pêtơrê và Morăng, cả hai thuộc tiểu đoàn 2 dù ngoại quốc. Ngày 15-5 lúc 15 giờ trưởng trại báo ngày mai lên đường. Ông ta nói rõ là chúng tôi “sẽ đi tất cả các đêm trong nhiều tuần lễ với một nắm cơm không muối, như các binh sĩ của chúng tôi”! ông ta có trình độ văn chương và kết thúc lời nói của mình bằng đoạn sau: “Khi mưa rơi trên lưng các anh, các anh chỉ việc nghĩ đến “Phút mơ mộng của một người đi dạo cô đơn" của Giăng Giắccô Rút xô”.

Để chặn đứng những mưu toan bỏ trốn, bộ đội Việt Minh quyết định tháo giầy của tù binh sau mỗi chặng đường. Việt Minh nghĩ bụng bọn Tây không thể trốn bằng chân không được.

"Lầm to, Bécna Lốt viết. Những giấc mơ không cần có đạo cụ"

Việc bỏ trốn cũng quyến rũ như tiếng gọi của các nàng tiên cá mà đám tù binh nghe hát suốt ngày. Muốn trốn phải lấy lại sức lực, phải có một ít lương thực, một la bàn và một niềm đam mê tự do mạnh mẽ. Dẫu chẳng có hàng rào kẽm gai và điếm canh nhưng bỏ trốn trên đất Việt Minh không dễ dàng gì. Cái hàng rào vững chắc, hầu như không vượt qua được đó là rừng rậm trên núi đồi và những làng mạc của người Thái sẽ phản lại những người bỏ trốn.

Trước khi đến Mường Phan, nơi phân loại tù binh, đã xảy ra những cuộc bỏ trốn. Sự thành công là hiếm hoi. Đại úy Đờ Xalanh thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 8 xung kích viết: "Từ thất bại năm 1940 mà tôi đã từng chứng kiến, tôi rút ra bài học: chính ngay từ đầu của thời gian bị bắt mới có nhiều cơ may nhất để trốn thoát”.

Có trung úy Rắcca, thượng sĩ nhất Guy Bôsê và trung sĩ nhất Misen Lôcô cùng đi, Xalanh lợi dụng đêm ngày 7 rạng ngày 8-5 đã có một cố gắng đặc biệt để rời khỏi khu vực có những đơn vị Việt Minh đóng quân. Theo Rắcca, họ có hai ngày lương thực và hai la bàn. Họ hiểu biết địa hình vì đã từng đi với tiểu đoàn 8 xung kích khi tập kích Sốp Nao. Đầu tiên họ đã mất sức để vượt qua hàng rào các bụi gai lớn trong đêm, rồi tranh thủ ngủ vài giờ. Đến sáng sớm, họ lại ra đi, leo lên những sườn núi dốc, tụt xuống những vực sâu rồi lại leo lên.. Xalanh ngoái cổ lại, nhìn thấy thung lũng sông Nậm Rốm sau lưng họ "đẹp như một đồng cỏ xanh rờn, có muôn ngàn hoa cúc nở, những chiết dù trắng bỏ lại trên trận địa".

Họ lại tiếp tục đi, ngày lại ngày, có lúc toát mồ hôi lạnh khi vượt đêm một đường mòn có những đơn vị Việt Minh đi qua. Phải để họ đi qua, thu mình lại và lặng lẽ như mèo rình chuột, bên cạnh con đường đã chọn nhưng có nhiều người qua lại "Giống như một đại lộ, Rắc ca nói, mà chúng tôi phải đợi đèn xanh lâu để cho mọi việc được an toàn". Năm sáu ngày sau khi xuất phát, đói quá, họ mò vào một làng, hy vọng kiếm được gà, lợn, thịt hun khói và cơm nếp thơm. Họ có những đồng bạc, họ có thể trả tiền."

Xalanh kể :

Chúng tôi mới đến thì dân làng đã vây quanh, gồm cả một đám trẻ con. Không có lính Việt Minh. Chúng tôi thương lượng để có cái ăn và chỗ trú. Họ có vẻ sợ Việt Minh đến. Nhưng rốt cuộc họ để chúng tôi ở trong một túp lều xa lánh và đưa đến cho chúng tôi nhiều cơm, xôi”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #255 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2008, 11:42:21 pm »

Với các chỉ dẫn của những người Mèo, ngày hôm sau họ lại lên đường. Hai ngày sau, còn đói hơn, họ lần theo một con suối và ở một khúc quanh họ đến trước một làng, ở kéo dài ra. Làm thế nào? Vòng qua làng thì mất nhiều sức lực, với lại nếu muốn ăn... Phụ nữ và trẻ con nhìn họ, bỗng nhiên có những người cầm súng trường và mìn chống tăng xuất hiện. Họ hoảng sợ, định nổ súng và Rắcca nghĩ một khi bị trói, anh "có cảm giác rờn rợn là sẽ bị một viên đạn vào gáy”. Một sợi dây thòng lọng quàng quanh cổ, người trước nối liền với người sau và hai người Mèo đưa họ đi đến chỗ các bạn Việt Minh của họ. Những người lính dù này không gặp may, họ rơi vào một làng Mèo mới theo Cộng sản.

Ở các điểm Êlian 12, trung úy Pagie và người bạn là đại úy Phơrăngsê cũng muốn trốn ngay từ đầu, nhưng Việt Minh đến rất nhanh sau khi ngừng bắn và họ đã phải giơ tay lên ra khỏi hầm và đẩy vào một đoàn tù binh đi xa đến mười lăm kilômét.

Lợi dụng một lúc đi lấy nước, cùng với Phơrăngsê và thiếu úy Ria, Pagie chuồn vào rừng nhưng, không có súng, không lương thực, không la bàn, họ sẽ chẳng gặp may. Họ đi trong rừng, leo lên sườn núi, đến một cái hang nguyên là kho đạn pháo 105, qua đêm ở đó. Ngày 8-5, họ theo đường mòn mà đi gặp một túp lều của một gia đình người Thái có nồi cơm đang nấu.

Trong lúc ăn cơm, họ thấy một người Việt ở trong góc nhà đang chăm chăm nhìn họ, chẳng nói năng gì. Họ thấy truyền đơn Việt Minh ở đầu cái túi mà người này ôm chặt. Hỏi bằng tiếng Thái, người này không trả lời, mới biết người này là cán bộ cấp thấp của Việt Minh đi rải truyền đơn. Ba viên sĩ quan không giết người này, nhưng cũng sơ suất không trói lại cũng không trói gia đình người Thái, rồi ra đi vội vàng như bị ma quỷ đuổi, định chuồn thật nhanh nhưng họ bị phát hiện, bị đuổi, rồi bị bắt, tay bị trói quặt sau lưng. Bị dẫn đến trước một cán bộ Việt Minh, người này nói gọn ghẽ: "Nếu còn tiếp tục, các anh sẽ bị xử bắn!".

Trung sĩ nhất Alêcxăngđơrơ Buséc thuộc tiểu đoàn 8 xung kích, khi ngừng bắn, bị bắt ở cứ điểm Êpécviê, bị dẫn đi đến cầu Mường Thanh, nhưng anh ta đã trốn đi và lúc trời sắp tối đến một bìa rừng thì chạm trán với một toán Việt Minh. Người chỉ huy hỏi anh bằng tiếng Pháp. Anh là ai, làm gì, đi đâu? Bị nhiều mảnh đạn nhỏ xíu ở mặt, Buséc có cái đầu ghê sợ. Anh giả làm bộ ngớ ngẩn như bị bệnh quên, nhưng không bịp được người nói chuyện với anh. Thế là anh bị bắt, người ta vặn cánh tay phải anh và giáng cho một đòn gậy tre vào bắp tay. Anh bị trói hai cổ chân, hai cổ tay lại và một lính gác ngồi cách anh hai mét canh giữ còn những người khác đã ngủ say. Áo Buséc không gài khuy, Việt Minh tưởng anh không có vũ khí nên không khám xét. Thật ra anh ta buộc ở bắp chân một cái kìm dẹt nhiều lưỡi bọc bằng vải nhựa cách điện. Anh ta cởi trói dưới cổ chân và lần ngón tay vào chân lấy được cái kìm ra, rồi lại cởi trói được hai cổ tay. Người lính gác gật gù vì buồn ngủ. Nhưng nhờ muôn ngàn tiếng động của rừng núi về đêm che lấp, anh lính dù “bò từng xăngtimét đến người lính gác ngủ gật và nhảy lên bóp cổ giết chết người gác vào lúc 23 giờ 10 phút" rồi nhẹ nhàng luồn qua những người nằm ngủ, phóng ra ngoài rừng, nhìn sao đi về hướng Lào, đi cho đến 5 giờ sáng. Vừa đói, vừa khát, anh ta tìm chỗ nằm ngủ đến 14 giờ. Tỉnh dậy anh ta đi tiếp được gần 2 kilômét thì gặp một toán tuần tra của Việt Minh. Bỗng một ý nghĩ lóe ra, anh khai là y tá của trạm giải phẫu Grauuyn, anh đi tìm người bị thương nên bị lạc. Gặp đúng trường hợp đội tuần tra định đi đến phân khu trung tâm, anh đi theo họ. Đến trạm giải phẫu, Buséc thấy thiếu tá Grauuyn, anh chạy lại gặp, giải thích tình hình. Bác sĩ hiểu ngay:

Đúng là người của chúng tôi, ông nói với đội trưởng đội tuần tra, chúng tôi đang tự hỏi là anh ta ở đâu?.

Thế thì giữ anh ta lại đấy. Đội trường nói rồi đi. Buséc, vốn là thành viên của Liên đoàn biệt kích hỗn hợp từ năm 1952, hiểu rằng cần giữ mồm, giữ miệng về chuyện đã qua, cũng như về cái chết của người lính gác và nghiễm nhiên trở thành y tá hạng hai trong lúc chờ một cuộc trả tự do cho nhân viên y tế theo giả thuyết.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #256 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2008, 07:17:20 pm »

Chương XVII
TIẾNG CHUÔNG BÁO TỬ CŨNG ĐÃ ĐẾN VỚI ISABEN

Đại tá Lalăng đã có nhiều cuộc nói chuyện bằng rađiô với GONO trong ngày 7-5, thường là với Đờ Caxtơri, đôi khi với Xêganh - Pari. Lalăng hiểu tình hình khó khăn của phân khu trung tâm và biết rằng ở Isaben, ông chỉ có hai sự lựa chọn: "làm như Camơrôn" (Chú thích: Ở địa phương này của Mêhicô mà theo tiếng địa phương thì gọi là Camarôn, ngày nay gọi Villa Tejeda, ngày 30-4-1963 quân lê dương Pháp đã chiến đấu tự vệ chống lại người Mêhicô (chú thích của N.D. theo Từ điển Bách khoa Pháp).) hoặc "Anbatơrốtx". Về giả thuyết thứ nhất đó là sự hủy diệt vô ích, về giả thuyết thứ hai, sự hủy diệt một phần. Hẳn là, ông sẽ thực hiện theo mệnh lệnh đã truyền cho ông nhưng liệu sự sụp đổ của Điện Biên Phủ có chứng minh được những hy sinh mới không?” (Chú thích: Theo báo cáo của đại tá Lalăng, 166 người chết đã an táng tại nghĩa trang Isaben vào ngày 7-5-1954.).

Trong những ngày đầu tháng năm, một thông tri của GONO đã đưa ông trở lại với hồ sơ kế hoạch Anbatơrốtx đã được nghiên cứu nhiều lần trong khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng đe dọa sự toàn vẹn của quân đội đồn trú. Các sĩ quan của sở chỉ huy Isaben đã được thông báo về việc khôi phục lại kế hoạch Anbatơrốtx cùng với Grăng d'Esnông, Giăngxênhen và Thimôniê, nhưng chẳng ai nghĩ rằng cần  phải đạt đến việc đó: "Kế hoạch vẫn còn ở trong những đường nét chính, Lalăng báo cáo: thoát ra theo hướng Tây Tây Nam là hướng mà quân địch vẫn tiếp tục yếu, rồi tiến về Bản Lôi thành hai hàng dọc sau khi đã phá hủy tất cả vũ khí trang bị".

Sáng ngày 7-5, GONO cho biết "cuộc thoát ra là có khả năng". Đến 14 giờ, bằng thông báo rađiô, việc ngừng chiến được dự định ở phân khu trung tâm vào thứ bảy ngày 8-5, lúc 7 giờ sáng, tiếp theo đó là cuộc thoát ra bằng lực lượng lớn. Ở Isaben, Lalăng sẽ áp dụng Anbatơrốtx nhưng ở hướng nam "như thế sẽ phức tạp hóa nhiệm vụ của quân đồn trú Isaben, ông viết. Các bản đồ về phía Nam không đủ thông tin để hiểu được tình hình và không tìm được người dẫn đường thông thạo vùng này. Khoảng 16 giờ, Xêganh Pazít gọi điện thoại cho Lalăng và cho ông biết, bằng tiếng Anh, mọi việc đã xấu đi và từ bấy giờ ông được chọn giữa "một trận đánh danh dự cho đến khi cạn kiệt các phương tiện và một cuộc thoát ra bằng sức mạnh mãnh liệt. Xêganh Pajít không nói gì về cuộc ngừng bắn dự định vào 17 giờ 30, như vậy Lalăng vẫn nghĩ là việc rút bỏ phân khu trung tâm vẫn luôn luôn được xác định vào 7 giờ sáng ngày 8-5. Sau khi suy nghĩ, ông gửi một thông báo cho GONO: "Cuộc thoát ra bằng sức mạnh mãnh liệt sẽ được thực hiện".

Các đơn vị của Isaben như vậy là đi vào một thời kỳ ứng tác chỉ có thể dẫn đến sự thất bại. Lúc 17 giờ, họp các đại đội trưởng. Có các du kích Thái của trung úy Uyem đi trước, một đại đội lê dương đi ra theo hữu ngạn sông Nậm Rốm. Một giờ sau, cũng với đội hình như vậy, một đại đội khác đi ra nhưng theo tả ngạn sông. Bờ sông này, Việt Minh không bố trí phục kích, trở thành đường thoát ra của lực lượng đồn trú. Việc phá hủy các vũ khí hạng nặng và trang bị được thực hiện ngay lập tức "Cả các xe tăng của trung đội thiết giáp của tôi?", trung úy Prêô lo lắng hỏi.

Các xe tăng, khẩu 105 cuối cùng của thượng sĩ Phusơrô, các đại bác không giật, súng máy, súng cối, đạn dược dư ra, tất cả sẽ bị phá vỡ, tháo ra và ném xuống sông. Cuộc hành quân đường rừng chỉ cho phép mang trang bị cá nhân. Mỗi người bắt tay vào công việc, còn kẻ thù, có lẽ lơ là trong việc dự kiến, nhớ tới Isaben, vào lúc 19 giờ mở một cuộc pháo kích mạnh mẽ như giả thuyết của Lalăng là Việt Minh đã trút vào đầu ông ta một phần của các phương tiện hỏa lực. Đến 18 giờ 30 một thông báo bằng mật mã cho ông biết GONO đã sụp đổ lúc 17 giờ 30.

Việc phá hủy các vũ khí hạng nặng và chiếm lĩnh vị trí xuất phát của các đơn vị được chỉ định thoát ra đã được thực hiện dưới một cuộc pháo kích duy trì đều đặn, liên tục, phá hủy lô cốt, hầm hào, cắt đứt dây điện thoại và làm nổ các kho đạn nhỏ, tất cả diễn ra trong một đêm không có ánh trăng, tối như mực. Làm thế nào mà tìm được lối đi an toàn, tránh được bãi mìn và hàng rào kẽm gai trong bóng tối? Một quả đạn nổ ở lối vào của trạm phẫu thuật Rêgiô. Giữa những tiếng kêu thét, quả đạn đã đốt cháy gỗ chống hầm và các tấm dù che. Isaben giống như một lỗ đen lớn trong đó hàng trăm bóng đen đang chạy trốn lò lửa. Những người bị thương sẽ bị bỏ quên và hình như khó ra mệnh lệnh, chỉ thị giữa sự náo động liên tiếp của các tiếng nổ. Các y tá cố gắng dập đám cháy. Trung úy Lơgubê , vừa mới được mang đến trạm, nằm dài trên bàn băng bó và bác sĩ Rêgiô băng lại vết thương cho anh.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #257 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2008, 07:18:28 pm »

Nằm dài trên một chiếc cáng từ ngày 17-4, trung sĩ Đorát tưởng mình đã bị thiêu sống. Chân phải và thân bó thạch cao, anh đã tê liệt.

Được thiếu tá Giăngxênen chỉ định và được tăng cường một trung đội lính Thái, trung úy Đuy Giuốcđanh đi trinh sát cùng với lính Angiêri của anh. Anh rơi vào một ổ phục kích nhưng đã trở về được đồn. Đại úy Misô thuộc đại đội 12 của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh ngoại quốc đợi đến lượt mình. Là sĩ quan tốt nghiệp võ bị Xanh Xia, ông phải là người đầu tiên của Isaben thoát ra khỏi nơi này và ông đã ra lệnh: mỗi trung đội chỉ giữ một trung liên, các tiểu liên và lựu đạn, "một số lượng tối đa lương thực mang trên lưng vì dự kiến một cuộc hành quân nhiều ngày trước khi gặp những người ở Lào, một hàng dọc dưới quyền chỉ huy của trung tá Gôđa. Những người bị thương nặng ở lại với bác sĩ, những người bị thương nhẹ và tất cả những ai không đủ sức khỏe chịu đựng mệt nhọc khi đi trên đường mòn cũng không đi Misô chấp nhận những người muốn đi bằng bất cứ giá nào nhưng ông cảnh báo rằng "khi họ không đi được nữa, chẳng ai khiêng được họ, họ sẽ được để lại tại chỗ.

Đến 21 giờ, hàng quân di động dưới hỏa lực pháo Việt Minh. Cũng là người của võ bị Xanh Xia, trung úy Misen Lêvy phụ tá cho Misô và trung úy Uyem dẫn đầu với lính Thái của anh, những người này dẫu kém hiểu biết về vùng này, vẫn có thể giúp ích khi cần dò la trong các bản làng. Đường đi qua bị vướng bề bộn, hàng quân của Misô thoát ra khó khăn. Binh sĩ như biến mất trong đêm tối và đi được bốn kilômét họ qua một làng bị cháy rồi một làng thứ hai. Hai bên đường họ nhìn thấy những hố bom đạn và việc liên lạc bằng rađiô với Isaben trở nên trục trặc không nghe nổi.

Để Misô tiếp tục đi trên đường của ông, chúng ta trở lại với Isaben, mà một hàng quân thứ hai đã đi tiếp sau một giờ trên hữu ngạn sông Nậm Rốm. Đoàn này gồm đại đội 11 của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh ngoại quốc, một phần của tiểu đoàn 2, trung đoàn bộ binh Angiêri và trung úy Prêô cùng các tổ lái xe tăng của anh. Họ đi được ba kilômét trong đêm tối và đụng phải một ổ phục kích. Lính Thái bỏ chạy, trung úy Prêô bị chia cắt với trung úy Amê và các lê dương, trốn vào rừng và bị bắt khi đã gần như kiệt sức, trong đêm ngày 8-5. Cũng bị kiệt lực, trung úy Suyếcbiê thuộc đại đội 9 lang thang trong rừng đến sáng ngày 9, trước khi bị bắt. Thiếu tá Giăngxênen đi với sở chỉ huy tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 bộ binh Angiêri, lo rằng cuộc phục kích sẽ kết thúc bằng một cuộc tàn sát hoặc các lính bộ binh thuộc địa của ông sẽ là nạn nhân của một sự nhầm lẫn. Các nhân tố của một sự thất bại đã được hội tụ. Giăngxênen chọn sự ngừng bắn và chờ đội Việt Minh đến, họ đang hiện ra trước các lính bộ binh thuộc địa và hai bên sườn đồi với những tiếng giục giã "mau lên" tưởng chừng không bao giờ dứt.

Sĩ quan bị tách ra khỏi đơn vị: "Cảm giác lạ lùng và hơi siêu thực?" trung úy Giăng Pátscan Tymen, thuộc đại đội 5, bình luận và cố chịu đựng cay đắng cho đến cùng. Việt Minh ra lệnh cho Giăngxênen cử một sĩ quan đi cùng "những người thương thuyết đến Isaben. "Số phận đã rơi vào tôi...", Tymen viết.

Được các báo vụ viên thông báo và nghe tiếng súng đã tàn lụi Lalăng hiểu rằng cuộc thoát vây đã bất thành. Ông muốn cố gắng tổ chức một cuộc đề kháng cuối cùng "để thực hiện thế phải chọn thứ hai của nhiệm vụ". Lệnh cho các sĩ quan đưa trở về tất cả những ai chưa bị bắt, nhưng ứng tác này cũng bị thất bại nốt. Làm sao mà chiến đấu được khi các vũ khí hạng nặng đã bị phá hủy? Người ta không thể trả lời một khẩu đại bác không giật 75 li bằng khẩu tiểu liên MAS 36. Vài trung đội thưa thớt trở lại vị trí chiến đấu nhưng thấy địch đã chiếm mất rồi.

Mười phút sau, Lalăng thấy tiến đến hàng rào một sĩ quan Pháp, bao quanh là Việt Minh phất cờ trắng. Đó là Tymen "bị kẹt giữa các tiểu liên của Việt Minh và nguy cơ bị quân bạn ở Isaben bắn, tôi bị bo bức. Đi có hai kilômét mà cảm thấy rất dài. Cuối cùng một người lê dương đã nhận ra tôi và việc Việt Minh chiếm đóng Isaben đã bắt đầu...”.

Lalăng ra lệnh ngừng bắn nhưng thực tế chiến sự đã tàn lụi rồi, "vị trí đã bị chìm đi dưới làn sóng của các đơn vị địch thâm nhập". Ngay trước khi phá hủy rađiô của mình được sử dụng dè dặt, Lalăng đã báo cho Hà Nội biết sự thất bại của cuộc thoát vây. Còn về cuộc tiếp xúc đầu tiên của Việt Minh thì có sự khác nhau là gặp cấp chiến sĩ hay cán bộ. Lalăng và những người thân cận lập tức bị trói tay ra sau lưng và bị đẩy ra ngoài hàng rào.

Được cha Ghiđông cứu khỏi đám cháy, trung sĩ nhất Đôra nằm trong một căn hầm với hai lê dương bị thương. Cái cáng của anh gần cầu thang và hai ngọn nến khói chiếu sáng nơi này.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #258 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2008, 07:20:06 pm »

Chúng tôi nghe những bước đi do dự trên các bậc cầu thang trơn, Đôra viết. Bỗng tôi nhìn thấy một nòng súng. Là du kích cũ vùng Xaônêloa, tôi không có khó khăn gì để nhận biết nó: "Kìa, một khẩu Mauser!". Một bộ đội Việt Minh đi vào ngón tay trên cò súng. Anh ta liền hạ súng khi thấy ở đây chỉ có những người bị thương, không có vũ khí. Anh ta lục trong chiếc thắt lưng vải đeo chéo qua vai, lấy ra ba điếu thuốc và châm lửa cho chúng tôi. Rồi dùng bàn tay ra hiệu, anh trở lên mặt đất”.

Liên lạc rađiô bị gián đoạn nhưng không nao núng và tin chắc ở các mệnh lệnh đã nhận, đại úy Misô đi về phía nam mà không gặp trở ngại gì ngoài một thảm thực vật tốt tươi, có một đường mòn chật chội ngoằn nghèo ở giữa.

Chúng tôi đến được rìa phía nam của vùng lòng chảo, cách điểm xuất phát của chúng tôi mười hai kilômét, viên sĩ quan viết, con đường mòn đã rời bỏ vùng thung lũng trốn tránh không cây cối để dấn sâu vào những ngọn đồi phủ rừng và đêm tối trở thành dày đặc. Con đường chúng tôi đi không có trên bản đồ, chúng tôi đi hàng một, tay vịn vào vai nhau để khỏi vấp váp trong mỗi bước đi ... Bỗng một tiếng thét xé màn đêm: "Ai?”.

Từ trên đồi cao một lính quan sát của Việt Minh đã nghe được những tiếng động. Ở đoàn của Misô chẳng ai mở miệng và mỗi người đều lo rảo bước để rời con đường mòn này mà họ cảm thấy họ dễ bị đánh. Họ đi chưa được một trăm mét thì đến một dòng sông. Đoàn quân rẽ theo một đường mòn chạy dọc theo dòng sông. Họ đến một ngã ba sông có nước chảy xiết nhưng không sâu lắm. "Phải vượt qua nhánh sông thứ nhất, Misô ghi lại, rồi nhánh thứ hai, chúng tôi đến một loại vách đá khép kín bằng một bức thành đất rất trơn và dựng đứng, không có lấy một lối ra. Kẻ thù vô hình bắt đầu bắn từng loạt đạn, có lẽ là bắn mò”.

Phải qua nhánh sông và leo lên vách đá. Việt Minh bắn, lính lê dương bắn trả phỏng chừng và nhiều người trong bọn họ bị đạn khi trèo lên sườn núi đá.

Trong bóng tối, trung úy Uyem viết, cuộc hỗn chiến thật là khó tả. Xác chết nổi lên mặt nước và bị dòng nước đẩy đi. Binh sĩ kiệt sức vì phải leo lên vách đá và dùng vũ khí như một loại gậy cuốc. Tôi leo lên cao được gần bốn mét thì một viên đạn giết chết một đồng đội đang trèo ở phía trên tôi. Anh ta ngã xuống đụng vào tôi, làm tôi rơi xuống nước. Việt Minh ở thượng nguồn, đã bắt được người của chúng tôi, đầu tiên là trung sĩ nhất Bácđô. Tôi để cho dòng nước kéo đi và khi cách gần 600m ở hạ nguồn, vách đá đỡ dốc đứng, tôi tìm cách leo lên đỉnh. Tôi đã mất ba lô, khẩu các bin và tự hỏi tôi sẽ làm gì khi đơn độc trong rừng rậm này. Bỗng tôi thấy ánh sáng cửa một ngọn đèn đêm và nhận ra tiếng nói của đại úy Misô”.

Ông ta, Uyem, chỉ còn hơn mười lăm lê dương đi cùng. Những người khác lang thang trong rừng hoặc đã rơi vào tay địch. Các túi lương thực, thuốc men và vũ khí đã mất, do nước cuốn đi. Bị Việt Minh truy kích, những người thoát nạn trở thành mồi săn. Có các lính lê dương của mình đi theo, trung úy Misen Lêvy thoát được ba cuộc chạm địch. Đến lần thứ tư thì thật là khó tránh.

Chúng tôi bị bao vây và bị bắt làm tù binh ngày 8-5, lúc 11 giờ, anh nhớ lại. Nhờ tư cách sĩ quan, tôi được đối xử ưu đãi: tay trói vào sau lưng, giầy rút ra, ba lô quân nhu trên lưng, tôi trở thành một người cuối ở chỗ Việt Minh. Tôi đi như vậy trong hai ngày, hai đêm trước khi gặp một toán tù binh và vừa đói, vừa mệt tôi nhập bọn với họ”.

Cùng ngày 8-5, Uyem và nửa tá binh sĩ cũng bị bắt.

Mi sô còn được tự do, nhưng tình hình xấu đi. Nhóm của ông sáu người, giảm xuống còn ba rồi hai và cuối cùng còn một mình, ông thực hiện cuộc viễn du mệt nhọc sang Lào, trong một miền rừng rậm mà con người chưa biết đến, bị cơn đói dày vò nhưng dè dặt, không dám vào những làng Thái mà ông chỉ biết có sự thất vọng và chống đối. Sau ba tuần đi bộ, leo lên, tụt xuống nhanh chóng với những cuộc tắm bắt buộc, dạ dày bị cơn đói hành hạ và bàn chân chảy máu, một lần nữa, Misô bị gặp trở ngại, bị bắt và đưa về Điện Biên Phủ.

Ông đói quá đến nỗi những khẩu phần ít ỏi mà những bộ đội canh giữ đưa cho, ông có cảm giác như là một bữa tiệc. (Chú thích: Trung sĩ nhất Giăng Bêganh, phó của Trung úy Uyem, leo lên đỉnh vách đá ở Pomlot và đi một mình trong 11 ngày trước khi bị bắt. Được đưa về một trại tù binh của Việt Minh sau một "cuộc đi dài nữa", anh ta chỉ còn nặng 37kg khi được trả tự do vào tháng 8-1954. Nhưng anh vẫn sống sót.)

Buổi bình minh ngày 8-5 nhuộm trắng bầu trời trên tập đoàn cứ điểm mà cha Hanhrích mô tả như "một bãi chiến trường buồn rầu và ảm đạm, ở đó sự yên lặng của chết chóc đang trùm lên, kinh dị hơn cả sự va chạm ồn ào của vũ khí".

Sau khi uống một ca cà phê với các bác sĩ và cô Đờ Gala, cha Hanhrích và trung úy bác sĩ Riviê thuộc tiểu đoàn 6 dù thuộc địa được phép cùng với các y tá đi đến các cứ điểm Êlian. Chính họ đã đưa về các đại úy Tơráp và Bayi, rồi trung úy Đatanh.

HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM