Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:05:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 141133 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« vào lúc: 29 Tháng Tư, 2008, 11:09:32 am »

Tên sách: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp (Les hommes de Dien Bien Phu)
Tác giả: Roger Bruge
Người dịch: Ngữ Phan
Nhà xuất bản: Thông tấn
Năm xuất bản: 2004
Số hoá: ptlinh, Đánh đông dẹp bắc



LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Kỷ niệm lần thứ 50 Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Thông Tấn ra mắt bạn đọc cuốn "Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp" được dịch từ bản Pháp văn "Lee hommes de Dien Bien Phu” (Những con người của Điện Biên Phủ) do Nhà xuất bản Perrin (Paris) ấn hành năm 1999.

Sinh năm 1926, gia nhập quân đội và đã từng tham chiến ở Đông Dương, trở về Pháp làm báo và viết sách chuyện về đề tài chiến tranh, tác giả Rô giê Bruýtgiơ (Roger Bruge) đã vận dụng thủ pháp điều tra, tiếp cận và mô tả trận Điện Biên Phủ bằng cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá của chính người trong cuộc.

Tận dụng các nguồn tư liệu có thể khai thác, những thông tin thu thập qua thư từ, lời kể, bản đồ tác chiến, biên bản ghi chép của Ủy ban điều tra về Điện Biên Phủ, tìm tới những nhân chứng quan trọng, trong đó có các tướng lĩnh, chính khách Pháp như Nava (Hen ri Navarre), người vạch kế hoạch "bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng - cha đẻ của tập đoàn cứ điểm; Đờ Caxtơri (De Castries), tư lệnh trực tiếp chỉ huy mặt trận và nhiều tướng tá, binh sĩ khác cùng thân nhân của họ, tác giả đã tái hiện sinh động và chân thực những sự kiện đã từng xảy ra tại Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm, các trạm cứu thương, tiểu đoàn chiến đấu và cả trên máy bay thả dù tiếp tế..., kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Có thể coi cuốn sách là một ký sự chiến trường, với sự ra đời và thất thủ của lần lượt các cứ điểm Him Lam (Béatrice), đồi Độc Lập (Gabrielle), Bản Kéo (Anne Marie), đồi A1 (Éliane 2), C1 (Éliane 1)... cho đến ngày 7-5-1954, tướng Đờ Caxtơri phải ra hàng, Nava bị triệu hồi vội vàng về nước thực hiện việc rút quân. Bộ đội ta hoàn toàn làm chủ chiến trường.

Điều hấp dẫn và thú vị của cuốn sách còn được thể hiện ở những chất liệu sống mà tác giả đã chắt lọc qua thư trao đổi, hồi ức, tâm sự, phản ảnh cách xử sự, phản ứng, sự bất đồng, trong đó có cả những lời cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau giữa những sĩ quan quân đội và chính khách, làm rõ tiến trình, ý đồ chiến lược, chiến thuật từ phía quân đội Pháp, giúp người đọc không chỉ thấy rõ sự thất bại nặng nề cả về quân sự và chính trị của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại Đông Dương sau sự kiện Điện Biên Phủ, mà còn hiểu biết, cảm thông hơn về nỗi bất hạnh của những quân nhân Pháp bị đẩy tới Điện Biên, vì mưu đồ thực dân xâm lược. Lợi ích bất chính của giới cầm quyền đã biến họ thành thủ phạm, mà cũng là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa. Thiết nghĩ, những trang sách tự nó đã gián tiếp chỉ ra nguyên nhân thất bại của quân đội Pháp và thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam..

Tất nhiên, do tác giả và các nhân vật trong sách là những người bên kia chiến tuyến, khó tránh khỏi những hạn chế trong cách nghĩ, tầm nhìn, chưa thể lý giải sâu xa nguồn gốc thắng lợi của quân và dân ta là nhờ đường lối đúng đắn, độc lập tự chủ và sáng tạo của Đảng, sự kết hợp chặt chẽ giữa Trí và Dũng của cả dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, đánh thắng mọi kẻ thù, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Về mặt biên dịch, hiệu đính và in ấn, dẫu đã cố gắng ở mức cao nhất mà khả năng có thể vẫn khó tránh khỏi thiếu sót, mong được sự thông cảm, góp ý và hy vọng cuốn sách sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu bạn đọc muốn tìm hiểu sâu và toàn diện về Điện Biên Phủ - chiến sử vàng bất hủ của dân tộc.
NHÀ XUẤT BẢN THÔNG TẤN


« Sửa lần cuối: 09 Tháng Giêng, 2021, 10:50:27 am gửi bởi ptlinh » Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #1 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2008, 11:11:55 am »

CHÚ GIẢI

GONO:       Tập đoàn tác chiến Tây Bắc

Gabrien:       Trung tâm đề kháng Độc Lập

Bêatơrít:       Trung tâm đề kháng Him Lam

Annơ Mari:  Trung tâm đề kháng Bản Kéo

Huyghét:    Trung tâm đề kháng sân bay, gồm các cứ điểm 311, 311A, 206, 209, 307

Clôđin:        Trung tâm đề kháng nam sân bay Mường Thanh, gồm các cứ điểm: 309, 310, 311B, 305, 322, 603, 604, 607

Đôminíc:        Trung tâm đề kháng đồi D gồm các cứ điểm D1, D2, E1, D3, 203, 204, 507, 508

Élian:        Trung tâm để kháng đồi A gồm các cứ điểm C1, C2, A1, A3, 512, 506, 511

Isaben:        Trung tâm đề kháng Hồng Cúm
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #2 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2008, 11:12:55 am »

Ngày 25-6-1955, đại tướng Catơru, Chủ tịch ủy ban điều tra về trận đánh Điện Biên Phủ, đặt câu hỏi cho Tướng Crixtian đờ la Croa đờ Caxtơri, đến trình diện trước ủy ban điều tra:

"Nếu nhiệm vụ không hoàn thành, có nghĩa là chúng ta không thể hoàn thành.

- Chúng ta không thể hoàn thành! Nguyên tư lệnh tập đoàn cứ điểm gật đầu.

- Lúc đó - đại tướng Catơru nhấn mạnh, ông đã nói rõ với tướng Cônhi là ông không thể hoàn thành nhiệm vụ này?

- Vả lại tướng Công cũng đã biết điều đó. Caxtơri nói tránh.

- Nhưng ông cũng đã nói điều đó - Catơru gặng hỏi.

- Thưa đại tướng, đó là cái bẫy trên tờ giấy, cái bẫy của các mệnh lệnh. Tướng Cônhi biết rất rõ rằng tôi không giữ các mỏm núi, thực tế tôi không thể giữ được. Bên trong lòng chảo Điện Biên Phủ là rừng cây rậm rạp... Chúng tôi đã chặt trụi cây, san bằng nó, nhưng trên các sườn núi còn không ít cây. Không thể đưa người lên sườn đồi 781, thậm chí cả sườn đồi 1015 trọc hơn, thoáng đãng hơn. Người của chúng tôi sẽ bị bốc đi ngay. Và tôi cũng chẳng có đủ số lượng tiểu đoàn...

- Kết luận, là người ta đã giao cho ông một nhiệm vụ không thể thực hiện được. Chủ tịch ủy ban điều tra chấp nhận.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #3 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2008, 11:14:33 am »

ĐIỆN BIÊN PHỦ MỘT NĂM SAU TRẬN ĐÁNH

Là học sinh cũ của trường Thiếu sinh quân, Alanh Gămbiê, tính đến tháng 7-1954 thì 23 tuổi, đã chọn đội quân lê dương, nơi rèn đúc tính cách con người tốt nhất. Alanh là con trai của tướng Phécnăng Gămbiê, Tham mưu trưởng của tướng Na va, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Anh thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh ngoại quốc. Khi tiểu đoàn rời vùng châu thổ sông Hồng ngày 3-1-1954 để được không vận lên Điện Biên Phủ, không một người sĩ quan nào có thể hình dung rằng trang sử cuối của chiến tranh Đông Dương sẽ viết ở đây trong cái thung lũng nhỏ bé của xứ Thái mà dòng sông Nậm Rốm uốn quanh đã cắt làm đôi.

Từ cuộc tiến công của Việt Minh ngày thứ bảy, 13-3-1954, đánh vào tập đoàn cứ điểm, ván bài đã thay đổi, Alanh Gămbiê tin rằng anh đang ở một nơi lý tưởng với một sự kiện đặc biệt. Nhưng anh không phải là người duy nhất. Ở cụm cứ điểm Isaben phía nam Điện Biên Phủ, trung úy bác sĩ Êminlơ Pông thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn Angiêri, viết thư cho vợ là Giôgiét: "Anh muốn già thêm vài ngày để biết rốt cuộc mọi việc sẽ diễn ra như thế nào, kết thúc ra sao. Anh nghĩ mình đã đến đúng lúc, đúng chỗ (18-3)".

Tuy nhiên, trận đánh đã mở đầu không hay ho gì và vào tối ngày 13-3, kẻ thù đã chiếm Bêatơrít và loại tiểu đoàn lê dương phòng ngự cụm điểm tựa ra khỏi vòng chiến. Đêm sau, Gabrien và những người lính Angiêri bảo vệ cứ điểm lại biến mất. Alanh Gămbiê là trung đội trưởng ở đại đội 12 của đại úy Mi sô. Mỗi buổi sáng, từ Isaben, một hoặc hai đại đội xuất phát đi mở đường còn một đơn vị khác rời Điện Biên Phủ. Hai đội tuần tiễu gặp nhau ở giữa đoạn đường đi đến An nơ Mari.

Ngày thứ bảy 20-3, đại đội 11 của đại úy Phuốcniê và đại đội 12 của đại úy Mi sô lại đi tuần tra về phía bắc. Đại đội 12 đã bị ghìm chân, chỉ thoát được khi có sự can thiệp của xe tăng. Tuy nhiên, kết quả thật nặng nề: năm người bị giết, năm người bị thương và hai người mất tích. Alanh Gămbiê bị thương lúc 17 giờ 15: một viên đạn xuyên vào đầu gối của anh.
Vào buổi tối, trung tá Lalăng đến thăm người sĩ quan trẻ và hứa sẽ đưa anh rời khỏi nơi này nhanh chóng. Những chiếc trực thăng ở Lào đã đợi, sẵn sàng chờ lệnh. Tuy vẫn nuôi hy vọng đó, Alanh từ chối mọi sự thiên vị; dẫu là con tướng anh cũng chỉ đi khi đến lượt. Thiên hạ cũng đã xì xào khá nhiều khi Gia nhin, cô vợ trẻ của anh, đã sang Đông Dương gặp anh, và được bổ nhiệm làm thư ký y tế tại Bệnh viện Lanetxăng ở Hà Nội. Alanh ít viết thư cho vợ, vì lấy tin ở những người bị thương sơ tán về, cô còn hiểu tình hình mặt trận nhiều hơn anh. Dẫu sao thì ngày 14-3, sau hôm Việt Minh tấn công, anh cũng đã viết vội cho cô một bức thư.

"Chắc em sợ hãi vì thấy những người bị thương trở về. Việt Minh có quấy rối chút ít và vài kẻ khinh suất, thường đó lại là những kẻ mạnh hơn người, đã bị quở mắng gay gắt. Hiện nay chẳng có gì trầm trọng cả đâu, em hãy yên tâm. Tinh thần là điều tuyệt vời và là cái chủ yếu nhất. Một lần nữa, anh xin em đừng nghe những điều thiên hạ kể lại. Nói chung, việc định vị là không chính xác và về thiệt hại thì ít ra họ cũng nói tăng gấp mười. Con người cũng dã man lắm. Có lúc anh hơi sợ và anh đã cảm ơn Chúa. Sau này người ta sẽ hiểu hơn...”

Hai tháng trước, vào ngày 13-1, Alanh đi đến Gabrien thăm trung úy Giăng Phốc, con trai của đại tá Phốc đã từng là phó chỉ huy của tướng Gãmbiê ở trường Xanh Mai xen. Hai chàng trai thân nhau và trong bức thư ngày 15-1 Phốc kể lại với cha anh, chỉ huy trưởng trung đoàn 4 lính Tuynidi, về cuộc gặp Alanh:

"Anh ấy đến để tự giới thiệu. Rất đáng mến! Bà Gămbiê (Chú thích: Mẹ của Alanh Gămbiê (BT).  đã đến Sài Gòn ở với chồng. Vợ Alanh làm thư ký ở Hà Nội. Cả gia đình sẽ sum họp ở đây trừ đám con gái. Con gặp Alanh có vài phút, anh ở binh đoàn lê dương. Con nghĩ sẽ có dịp gặp lại anh ấy”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #4 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2008, 11:16:49 am »

Bận công việc, hai sĩ quan không được gặp lại nhau. Ngày 15-3, hai ngày sau cuộc tấn công của quân địch, Gianhin nhận được bức thư nhỏ của Alanh: "Tối nay anh không viết thư cho em vì anh muốn tranh thủ ngủ một lát trước khi đi trực. Ngày mai anh sẽ viết sớm cho em. Hôn em triệu lần và chúc em ngủ ngon". .

Nhưng anh đã báo một tin buồn cho bố mẹ mà anh muốn giấu Gianhin: "... Mẹ hỏi con tin tức về Giăng Phốc. Buồn thay, anh ấy đã bị giết sáng nay trong lúc đi sang phòng tuyến của quân ta. Con đã gặp đại đội trưởng của anh ấy. Theo lời ông ấy, Phốc đã bị hai viên đạn trung liên, một ở bụng, một ở ngực, có lẽ trúng tim. Chúng con cũng biết tin về cái chết của đại tá Gô sê, của trung úy Đờ Bréttờvin và của trung úy Bayi (người lái xe Jeep đưa cha về hôm mồng 3-1 đấy mẹ ạ) ...” .

Đoạn cuối viên sĩ quan Tơra không thiếu động lực tinh thần:

"Sau những tin tức như vậy, người ta tự hỏi có tin nào lại đến nữa không! May thay tinh thần chúng con vẫn vững vàng và khí thế nhanh chóng trở lại. Các tu sĩ cố gắng nghĩ đến cái chết trong phòng riêng của họ, chúng con cũng có  khi nghĩ đến điều đó nhưng mặc dù vậy, chúng con có một đức tin tuyệt vời!"

Ngày 16-3, Gianhin nhận được mảnh giấy mới. Đó là thư cuối cùng: "Anh không còn thì giờ viết thư. Anh sẽ cố gắng viết cho em trong ngày hôm nay. Hôm qua anh chẳng nhận được gì của em cả. Hôn em" .

Từ sau những "nụ hôn” ngắn gọn đó là sự im lặng. Không còn chịu dựng được nữa. Thư từ làm yên lòng các gia đình, nhưng khi hòm thư đã rỗng, sự kinh hoàng đã ập đến. Khi Gianhin biết chồng mình đã bị thương, lúc đầu cô nghĩ anh bị một viên đạn trong đùi là "còn may" vì cô còn có thể đến thăm chồng. Nhưng Alanh đã được sơ tán bằng phương tiện gì? Đó là vấn đề mà người chỉ huy cứ điểm Isaben phải đặt ra bởi vì trong thư ngày 15-3-1954 gửi tướng Gămbiê, trung tá Lalăng thừa nhận rằng "mối quan tâm lớn của ông vẫn là việc sơ tán người bị thương".

"Cơ hội sơ tán là hiếm và bấp bênh. Những khu vực nhảy dù được phân bổ cho Isaben đã được nhận biết, tuy nhiên không thể cắm cọc tiêu được vì như vậy sẽ gây sự chú ý cho con mắt quan sát của địch. Khi trực thăng bay đến, có thể cắm cọc tiêu và chở người bị thương đó trong vòng nửa giờ".

Phía bên Lào bầu trời vẫn trống vắng cho đến ngày thứ ba, 23-3.

"Hôm đó chúng tôi không được báo trước (điện báo đến chậm), Lalăng viết cho bố Alanh, ba chiếc trực thăng đến cùng một lúc trên bàu trời. Thật là một cơ hội hiếm hoi nếu không biết tận dụng ở mức tối đa. Một trong ba chiếc đậu xuống trước bệnh xá, thả người lái phụ xuống rồi bay lên để tránh pháo địch. Chúng tôi giải thích cho người lái phụ biết nên đỗ ở đâu để đỡ bị địch quan sát hơn. Khi chiếc trực thăng kia trở lại, chúng tôi cấp tốc đưa con ngài - đứng phía bên trong số người bị thương phải sơ tán đang chờ sẵn ngay cửa ra vào bệnh xá - lên trực thăng và cất cánh". Buồn bã đến mức giữ im lặng suất nhiều năm, linh mục Ghiđông, cha tuyên úy, mãi đến năm 1961 mới thổ lộ chứng kiến của mình với tướng Gămbiê : "Tôi đang ở trong chiếc hầm trú ẩn, nghe tiếng động cơ trực thăng tôi chạy ra. Nó đỗ xuống gần bệnh xá thì một quả đạn rơi xuống bên cạnh. Trước nguy cơ đó, trực thăng bay lên nhưng đúng lúc đó một quả đạn thứ hai nổ ngay dưới bụng nó. Chiếc trực thăng hình như bị sức ép của đạn nhưng vẫn tiếp tục bay đi, rồi một ngọn lửa to phụt ra, người ta thấy phi công cố tìm cách cho máy bay đỗ xuống, nó đã ở trên các hầm hố tổ ong của pháo binh và đổ nghiêng xuống hàng rào dây kẽm gai, cửa hướng vào phía trong. Trung sĩ lái phụ đã kéo được người lái chính ra phía ngoài, anh ta bị gãy chân. Một thùng dầu bốc cháy nhưng phía cửa máy bay không có lửa. Các pháo thủ thét lên: "Cẩn thận, khéo đụng phải mìn". Thùng dầu thứ hai nổ, chiếc trực thăng thành một lò lửa khổng lồ. Tôi nói một lời xá tội và vì không rõ có người bị thương trên trực thăng hay không, tôi vòng ra sau rào dây kẽm gai để nhìn các y tá đang xúm quanh người phi công. Chính viên phi công đã nói với tôi rằng thiếu úy Gămbiê đã ở trên trực thăng (thư của linh mục Ghiđông đờ Môngtêvécđơ viết ngày 22-3-1961 cho tướng Gămbiê).
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #5 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2008, 11:19:05 am »

Thượng sĩ Hăng ri Bácchiê trước khi bị cưa chân và được thưởng Bắc đẩu bội tinh. Anh đã giải thích trong bản báo cáo rằng lúc gần 12 giờ 30 người ta giao thiếu úy Gămbiê cho anh:

"Tôi đón người bị thương từ trong bệnh xá và bay lên. Tôi ở độ cao 10m thì đạn cối nổ dưới trực thăng làm thủng thùng dầu dưới buồng lái, dầu bốc cháy và cắt đứt chân tôi. Tôi nói với trung sĩ lái phụ Bécna cho trực thăng đỗ xuống nhưng thật là tàn nhẫn! Cánh quạt đuôi đã rời ra và rơi cách 20m. Chúng tôi bị đổ nghiêng về một bên và thân mây bay biến thành bể lửa. Tôi bị va vào cửa kính vỡ. Tôi bò đi và lính lê dương đã kéo tôi ra khỏi đám cháy. Không thể cứu thiếu úy Gămbiê. Anh ta ở bên trong máy bay trực thăng, muốn đưa ra phải có trang phục chịu lửa".

Trong báo cáo của ông lấy từ hồ sơ lưu trữ của ủy ban điều tra, Lalăng lại có cách giải thích khác:

"Không chú ý đến hệ thống cọc tiêu tại chỗ, cũng không chú ý đến các tín hiệu dẫn đường, các phi công đã đỗ xuống nơi nào mà họ cho là tốt. Một trong hai chiếc trực thăng đã chọn ngay cả lối vào trạm quân y với lý do họ phải trao cho bác sĩ một bức thư. Nhận được lệnh cất cánh (pháo binh bắt đầu "đóng khung" trạm xá) và đậu xuống một nơi khác, họ lại còn quay lại đón người phụ lái. Vài giây sau, chiếc trực thăng đã bị một quả trái phá phá hủy. Không phải nghi ngờ gì nếu tổ chức nghiêm túc hơn và có chút ít kỷ luật thì bi kịch đã có thể tránh được" (Báo cáo của trung tá Ăngđờrê Lalăng ngày 7-l0-1954).

Một nghĩa trang đã được sắp xếp. Trong khung vuông dành cho sĩ quan, trung úy Ginbe Roy của tiểu đoàn 2, trung đoàn Angiêri số 1, bị chết ngày thứ sáu, 19-3, đã yên nghỉ, Alanh được mai táng bên cạnh Roy. Vào phút vĩnh biệt, đại úy Mi sô cho đặt một mảnh trực thăng vào trong mộ để nhận dạng khi cần thiết.

Khi được tin, tướng Gămbiê rời Sài Gòn ra Hà Nội. Ngày 24-3 ông đến văn phòng của ông Xípphray, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ ở Bắc Việt Nam. Không chắc ông này có lắng nghe tướng Gămbiê nói không vì trong thư ông gửi cho ông Đuysesnơ, Tổng đại diện của Hội chữ thập đỏ của Pháp ở Đông Dương, ông nhắc về cuộc viếng thăm của tướng Gămbiê đến "yêu cầu ủy ban Hà Nội chuyển cho Hội chữ thập đỏ quốc tế lời phản kháng trịnh trọng của ông về hành động ghê tởm mà lính địch đã phạm phải khi bắn hạ một trực thăng chở đầy người bị thương ở Điện Biên Phủ. Tám sĩ quan bị thương đi trên máy bay, trong đó có con trai của ông là trung úy Alanh Gămbiê. Chiếc trực thăng số 595 bị bắn rơi bằng đại bác, đã bốc cháy và tám thương binh đã bị chết cháy".

Quả thật là có tin đồn về tám thương binh đã bị chết trên chiếc trực thăng, tuy nhiên việc đó không có căn cứ cho nên Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Pháp ở Hà Nội đã không làm tròn nhiệm vụ khi trình bày như một sự thật đầu tiên và bằng văn bản về một chuyện mới chỉ là tin đồn. Hơn nữa, ba trực thăng bay đến sáng 23-3 không có dấu chữ thập đỏ, vậy chúng là mục tiêu quân sự.

Trận đánh lại tiếp diễn, các cuộc đụng độ ngày càng chết chóc, tưởng như là người của tướng Đờ Caxtơri không muốn chiến đấu hết sức mình, không có mục tiêu gì khác hơn là kéo dài, kéo dài cho đến một cuộc ngừng bắn khó có thể xảy ra khi người ta thấy họ vẫn cứ cầm súng trong tay, bất khả chiến thắng. Các tổn thất của Pháp cao hơn lực lượng nhảy dù xuống để tăng viện, số người bị thương tăng lên với những tỉ lệ ngược lại với mọi dự kiến, thời gian ở tập đoàn cứ điểm được tính bằng ngày. Ngày thứ sáu, 7-5-1954, Tướng Đờ Caxtơri ra lệnh cho những người sống sót ngừng bắn và trận địa tràn ngập bởi đội quân "bộ đội" nét mặt không cởi mở, tất cả đều tin tưởng ở sự nghiệp chính nghĩa của mình.

Tại Giơnevơ, theo lệnh của Chính phủ, từ 30-4, các quân nhân Pháp đã tiếp xúc với các đồng nhiệm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người ta thương lượng về một nền hòa bình mà mỗi bên đều hy vọng là bền vững, nước Việt Nam được cắt ngang từ vĩ tuyến 17, việc đình chiến ấn định vào ngày 27-7, đạo quân viễn chinh có 300 ngày để rút lui khỏi Bắc Kỳ và Bắc Trung kỳ.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #6 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2008, 11:21:02 am »

Được hai bên chấp thuận ngày 20-7, điều 23 của Hiệp định dự kiến: "Trong một thời hạn nhất định sau khi Hiệp định đình chiến có hiệu lực sẽ cho phép nhân viên mai táng của phía bên kia được vào phần lãnh thổ Việt Nam đặt dưới sự kiểm soát quân sự để tìm kiếm và lấy hài cốt của các quân nhân của phía bên kia, bao gồm cả những tù binh đã mất".

Một ủy ban hỗn hợp sẽ quy định những thể thức thi hành các công việc này cũng như thời hạn phải thực hiện. Một phái đoàn của mỗi bên bắt tay vào việc và thảo ra sự thỏa thuận về những điều kiện theo đó những người chết tại Đông Dương sẽ được tìm kiếm, nhận dạng và tập hợp lại. Các cuộc thương lượng đã diễn ra rất tích cực bởi vì chỉ sáu tháng sau khi ký Hiệp định Giơnevơ, một văn bản sáu trang mới được hai bên thông qua. Bản thỏa thuận 24 đã được ký ngày 1-2- 1955 do tướng Đờ Brêbítxông và đại tá Lê Quang Đạo thay mặt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặt tài chính của công việc này được một ban khác xem xét với thủ tục được thông qua ngày 4-6 bởi tướng Savát và tướng Văn Tiến Dũng. Nước Pháp có thể yên tâm, các tử sĩ của nước Pháp sẽ được mai táng trang nghiêm, tử tế. (Chú thích: Từ năm 1945 đến 1954 quân đội (Pháp) đã mất ở Đông Dương 64.150 người trong đó 12.550 người Pháp, trong số mất có 2.955 người mất tích. Trong số mát tích có trung úy Hăngri Lơcléc đờ Hớtơloốc mất ngày 4-1-1952 ở Trung khu (Bắc Việt Nam), con trai nguyên soái Lơcléc.)

Ngày 13-4-1955 tướng Gămbiê gửi văn bản lưu ý tướng Agôstini, Tham mưu trưởng về sự quan tâm đối với việc "di chuyển thi hài các quân nhân được mai táng ở Điện Biên Phủ, trước khi các đơn vị cuối cùng của Pháp rút khỏi Hải Phòng".

Tướng Gămbiê, nghĩ tới mộ con trai, giải thích: "Sau ngày 15-6 các cơn mưa có thể gây khó khăn cho việc di chuyển này, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Ông nhấn mạnh rằng "năm nay còn có thể tìm được vị trí các mộ nhờ có các sĩ quan hiện đang phục vụ tại Đông Dương và tất cả những người cũ của tập đoàn cứ điểm. Năm sau tìm kiếm dấu vết giữa cỏ cây sẽ khó khăn".

Trong tay Gămbiê có hai sĩ quan của Isaben chưa trở về Pháp: Trung úy Ghisa và bác si Rêdinlô là người mổ cho Alanh khi bị thương. Các sĩ quan khác thì tình nguyện: Bác sĩ Pôn Grauuyn, trung úy Lui Pa giê, các đại úy Pôn Ben mông và Hăng li Ghiơminô. Ngày 20-4-1955, tướng Agôstinô trả lời Gămbiê, cho biết là ông đã làm việc với tướng Đờ Brêbítxông, trưởng đoàn Pháp tại Ban hỗn hợp trung ương. Brêbítxông đã thực hiện sự vận động mà Gămbiê mong muốn và đã có một trả lời tích cực ngày 25-4. Được biết, thực hiện thỏa thuận 24, các cuộc khai quật đầu tiên được dự kiến tiến hành ở xứ Thái vào tháng 10, sau mùa mưa, Brêbítxông đã yêu cầu người đồng nhiệm Việt Minh cho phép "một đội trinh sát của các sĩ quan Pháp đã từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ, có thể đến đó vào tháng 5. Nhiệm vụ của họ là đánh dấu các ngôi mộ trên thực địa".

"Tôi rất đỗi ngạc nhiên, ông ta viết, người đối thoại Việt Minh đã đồng ý ngay về nguyên tắc một việc trinh sát như vậy".

Từ Hải Phòng, nơi ông ta ở, trong lúc người Pháp trao cho Việt Minh - để thực hiện các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ - vật tư, nhà cửa, xe cộ công cộng, Brêbítxông gửi một bức thư khác cho Gămbiê vào ngày 2-5. Tin xấu, lãnh đạo Việt Minh không duyệt việc cho phép này.

Tướng Văn Tiến Dũng đã đồng ý về nguyên tắc ngày 25- 4. Nhưng ngày 29 phái đoàn đối phương lại nêu lại vấn đề đã thỏa thuận. Họ đã nêu ra đủ mọi thứ khó khăn, khó mà phát hiện được những căn cứ của ác ý này. Tôi sao gửi ông bức điện gửi Văn Tiến Dũng để dồn ông ta vào chân tường. Thành thực mà nói, tôi không tin tưởng lắm ở cuộc vận động cuối cùng này".

Ông đã nhầm, vị tướng Việt Minh, cuối cùng đã chấp nhận về mặt nguyên tắc về việc một phái đoàn Pháp ở Điện Biên Phủ, phái đoàn hạn chế chỉ có một sĩ quan là đại úy Ben mông. Brêbítxông khuyên Gămbiê nên bằng lòng vì sự cho phép, hiệu quả bất ngờ ấy.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #7 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2008, 11:22:47 am »

Ba trăm ngày mà Hiệp định Giơnevơ quy định đã trôi qua và các đại đội cuối cùng của bán lữ đoàn lê dương thứ 13 đã ra khỏi trên chiếc tàu cũ Sơn Tây, trong khi các tướng Cônhi và Vanuyxem ngày 18-5 đã lên tàu "Thành phố Hải Phòng".
Ngày hôm sau, trung tá Hải quân Lêôxt nhét vào bụng của tàu La Tritđơrơ (Sấm sét) các tàu nhỏ cuối cùng của ông ta, Đô đốc Kéc vin là người cuối cùng rời Vịnh Hạ Long, đem cờ hiệu của ông lên tầu Giuynvéc. Để lại sau mình hàng ngàn phần mộ, nước Pháp vĩnh biệt xứ Bắc Kỳ.

"Đại úy Ben mông có nhiệm vụ nhận biết các nghĩa địa và các nơi chôn cất ở Điện Biên Phủ rồi xác định một số lượng phần mộ lớn nhất trong thời hạn mà ông được giao", đoạn này được nêu lên trong báo cáo của tướng Giắccô, quyền Tổng chỉ huy Đông Dương năm 1955, trước khi thêm vào lời giải thích cụ thể như sau: "trong khuôn khổ nhiệm vụ của ông ta, không có việc tiến hành khai quật, cũng không có việc tìm kiếm những tù nhân đã chết trên các nẻo đường bị bắt hoặc trong các trại".

Thành lập cuối tháng 5, phái đoàn gồm đại úy Ben mông và một phiên dịch người Việt Nam. Phái đoàn không có một phương tiện gì để tìm tòi điều tra, không có xe cộ, không có máy vô tuyến điện, không có dụng cụ, không nhân viên. Chỉ nhận được sự bảo đảm là: "mọi cái sẽ tìm được tại chỗ”. Ben mông sẽ xuất phát từ Sài Gòn đi Hà Nội, lưu lại thủ đô theo đúng luật lệ của Chính quyền Cộng sản và sẽ bay đi Viêng Chăn của Lào, từ đó một chiếc trực thăng quân sự Pháp sẽ đưa đi Điện Biên Phủ.

Ngày 4-6, Ben mông đáp máy bay thường xuyên đường bay Sài Gòn - Hà Nội và gặp điều nhục nhã đầu tiên tại sân bay Gia Lâm: không có đại diện nào của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đón. Ông tự triết lý rằng không nên hy vọng được đi trên thảm đỏ trên lãnh thổ do Việt Minh kiểm soát. Cảnh sát ở sân bay Gia Lâm cho phép ông gọi điện thoại và một giờ sau, một sĩ quan quân đội nhân dân đưa ông về Hà Nội. Một cuộc gặp làm việc được dự kiến vào ngày mai. Sau một đêm nghỉ ngơi, ông gặp lại những người đối thoại và giới thiệu với họ kế hoạch làm việc của mình. Còn phải chờ đợi - Ben mông báo cáo - kế hoạch của chúng tôi không được chấp thuận ngay tức thì. (Chú thích:  Báo cáo của đại úy Ben mông do con gái là Rasen Mông roa - Ben mông thông báo cho tác giả. Là người cũ của đạo quân viễn chinh Pháp (CEF) ở Italia và quân đội của Đờ Lattơrơ. Pôn Ben mông sinh năm 1909 ở Isenscơ. Có vợ và hai con gái, Côlét và Rasen. ông mất ngày 18-3-1975 ở Sa tô Đ’ôlonnơ nơi ông làm thị trưởng từ năm 1966.)

Ngày lên đường được xác định là ngày 7-6. ông sẽ bay trên đường Hà NộI - Viêng Chăn rồi một máy bay nhỏ được thuê riêng để đưa ông đến một căn cứ Pháp trên Cánh đồng Chum, ở đó có trực thăng của đại úy Ginbe Morítxông ngày hôm sau sẽ đưa ông đến "lòng chảo". Sinh năm 1917 ở Caiđông (Girôngđờ) viên phi công thuộc phi đoàn 02/065, tự hỏi sứ mệnh của ông đại úy pháo binh này có điều gì bí mật mà lại được Việt Minh cho phép hạ cánh xuống Điện Biên Phủ. Nhất là trong mùa mưa này? Các nhà chức trách cộng sản không thể quên rằng những cuộc tìm kiếm như thế sẽ rất khó khăn thậm chí không thể thực hiện được giữa vụ gió mùa.

Khi xuất phát, trực thăng của Morítxông gặp trời đẹp nhưng khi đến dãy núi án ngữ chân trời, trời xấu đi, viên phi công không chui vào màn sương mù đặc mà quay trở lại căn cứ. Đầu chiều, Ben mông và người phiên dịch lại lên máy bay. Cánh quạt quay và đài điều khiển cho phép cất cánh. Thời gian bay dự kiến khoảng một giờ và khi chiếc Sikorski làm động tác lướt đầu tiên, viên sĩ quan có cảm giác là trực thăng không còn được lái nữa. Morítxông quay lại phía ông và gào lên một tiếng gì đó mà Ben mông không hiểu vì tiếng ồn của động cơ máy bay đã át đi. Người bạn đường của ông dùng ngón tay chỉ vào một điểm ở phía trước máy bay và bỗng nhiên tầm nhìn của vị hành khách bị mờ đi. ông ấy đã nhìn thấy? Viên phi công kêu to "Nậm Rốm?".

Giữa những thửa ruộng nối tiếp nhau như những hình vẽ hình học diện tích không đều nhau, Ben mông đưa mắt lần theo dòng sông đang uốn khúc, chia đôi thung lũng từ bắc đến nam. Những đợt mưa gió mùa đã tăng lưu lượng của các dòng sông nhánh lên gấp đôi và chỉ trong một phút thôi dã có thể nhận ra các trung tâm đề kháng Élian, Huy ghét, Bêatơrít...
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #8 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2008, 11:32:36 am »

Ngày 7-5-1954, Ben mông đã đi bộ vượt qua cầu Mường Thanh và đã hòa mình vào dòng tù binh vô tận mà người chiến thắng giục giã bước đi trên đường mòn với những tiếng "mau lên" đầy hân hoan chiến thắng.

Sau một cơn hấp hối chậm rãi, Điện Biên Phủ đã sụp đổ. Không có đầu hàng, không có cờ trắng, chỉ có ngừng bắn đơn phương. Những chiến binh cuối cùng của trận đánh lớn cuối cùng mà quân đội Pháp tiến hành trong 56 ngày đêm, không có thay phiên, đã nhận được lệnh tướng Đờ Caxtơri ngừng bắn lúc 17 giờ 30.

Có những sự thất bại giống như những cái bạt tai không đáng phải chịu.

Lượn ngoắt ngoéo giữa những cụm mây trên sườn núi, Morítxông lần lượt tiếp cận và phát hiện được vùng đất mong chờ mà người ta cho đốt mấy bó rơm làm hiệu: máy bay đã được chờ đợi. Ngày 8-6, lúc 15 giờ 30, Ben mông giẫm lên mặt bùn lầy của thung lũng, không ngờ lại trở lại đây 396 ngày sau khi sự yên tĩnh đã trở về với xứ Thái. Trước đây bị tróc lột và đầy những hố bom đạn, nay đất đai được che kín dưới màu xanh cây cối; địa hình giống hệt như hồi tháng 5-1954 nhưng viên sĩ quan không ngửi thấy mùi hăng hắc của trận đánh mà trái lại ông đang hít thở mùi nằng nặng của rơm rạ bị ướt. Viên phi công bắt tay Ben mông, hẹn ông 15 ngày sau nghĩa là ngày 23-6 sẽ đến. Được các đại diện của nhà chức trách địa phương, có vài chiến sĩ bộ đội thờ ơ đi theo, đón tiếp, Ben mông hiểu rằng ông không được đón tiếp như một người bạn. Quả vậy, hành lý của ông được khám xét kỹ lưỡng "không có ngóc ngách nào là bị bỏ quên", ông nhận xét trong bản báo cáo của mình.

Người ta dẫn ông và người phiên dịch đến căn nhà tranh dành cho họ. Nó ở cổng ngôi làng cũ đã được xây dựng lại, có khoảng năm chục ngôi nhà trên đường dẫn đến Isaben, trung tâm đề kháng phía nam. Trong nhà có hai phần: một bên là buồng có bốn giường cá nhân trải đệm Thái làm bằng cỏ khô bên kia là nơi nghỉ, phòng tắm, nghĩa là hai bàn có ghế dài để ngồi ăn cơm và hai bàn khác nhỏ hơn, bên trên mỗi bàn có để một cái thau.

Vừa mới đến chỗ ở, Ben mông đã được đón tiếp vị đại biểu của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thăm, ông đưa giấy ủy nhiệm cho người đó. Thông qua phiên dịch, người đại diện trả lời rằng ông sĩ quan Pháp có thể tin cậy ở sự hợp tác của ông. Để đảm bảo "an ninh" cho phái đoàn, sáu người bộ đội sẽ trú quân ở gần đó. Về ăn uống, người đại diện rất lấy làm tiếc không thể cung cấp cho họ những thức ăn kiểu phương Tây, nhất là bánh mì và rượu vang, những thực phẩm chưa được biết trong thung lũng.

Ben mông báo cáo về: "ông ta bảo đảm rằng ông sẽ quan tâm để chúng tôi không thiếu thốn gì và cố gắng cho làm những món ăn mà chúng tôi yêu cầu. Để giữ gìn sức khỏe cho chúng tôi, ông bố trí một y tá để chăm sóc chúng tôi và thuốc men mà chúng tôi có thể cần đến. Ngày mai, 9-6, hội nghị họp vào 8 giờ sáng và hằng ngày họp vào 19 giờ để xem xét các công việc cần thực hiện".

Sáng ngày 9, được trang bị từ đầu đến chân, Ben mông chuẩn bị đi một vòng khắp địa điểm thì người đại diện Việt Nam thông báo công việc chỉ có thể bắt đầu từ ngày 11-6 vì Chính phủ cho dân chúng nghỉ hai ngày: "Đó là một truyền thống địa phương", vị quan chức giải thích.

Viên sĩ quan Pháp nhớ lại ông chỉ có kinh phí cho mười lăm ngày đã được chuẩn bị tốt và ông còn dự tính công việc có thể kéo dài do có gió mùa và các bãi mìn vẫn còn ở trong thung lũng, như người ta nói. Ông đại diện Việt Nam khuyên hãy tin tường vào kinh nghiệm của nhân dân; bãi chiến trường vẫn còn ở nguyên trạng và chẳng ai biết chính xác khu vực có mìn bắt đầu từ đâu. Không thể kiếm được nhân công bản xứ trước ngày 11, Ben mông bày tỏ mong muốn được tiến hành một cuộc trinh sát cá nhân và yêu cầu đó được chấp thuận. Đến 14 giờ, có người phiên dịch đi theo và sĩ quan liên lạc của quân đội Việt Nam cùng đi, Ben mông leo lên đến Élian 2 một trong các quả đồi nằm ở phía đông nam trên tả ngạn sông Nậm Rốm.

Tiếp sau những trận chiến đấu ác liệt, trận đánh chiếm quả đồi này đã làm cho quân đội Việt Nam phải trả giá đắt. Họ đã dựng lên đỉnh quả đồi những cây tre lớn hình chữ thập lớn khoác vải dù để tưởng nhớ đến hàng trăm người bị chôn vùi trong vùng đất bị bom đạn cày xới này. Từ trên điểm cao Élian 2, Ben mông có tầm nhìn rộng rãi, ông thấy lờ mờ dưới cành lá, những đường nét của một vài điểm tựa hơi khó nhìn vì ánh sáng phản chiếu: Đôminíc 2, Clôdin, những điểm tựa đầu tiên của Trung tâm đề kháng sân bay... Dưới chân ông, những hầm trú ẩn đã bị sập những đường hào đầy ắp nước dường như muốn ẩn đi dưới chiếc áo choàng xanh lục của cây cỏ. các nghĩa trang cũng đã biến mất, phải phát quang các bụi rậm. Nhưng nếu đất có gài mìn... Sau khi khảo sát ngoại vi Élian với những bước chân thận trọng, Ben mông chuyển sang hữu ngạn, theo hướng Clôđin:
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #9 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2008, 11:32:48 am »

"Chúng tôi thấy những xe cộ bị phá hủy, những chiếc xe tăng của thiết đoàn Herơvuiốt đã bị tháo động cơ ba khẩu pháo 105 bị hỏng đã được kéo lên bờ đường cái. Tôi ngạc nhiên thấy đạn đủ các cỡ ngổn ngang trên mặt đất: đạn pháo 105, đạn súng cối, lựu đạn bắn bằng súng, bằng đạn đại liên. v. v ... Đến những điểm mà tôi nghĩ là đã tìm thấy một nghĩa trang, những người "bảo vệ" đi theo tôi, ngăn không cho tôi rời đường mòn để bảo đảm an toàn. Theo họ, nhiều dân thường và cả quân nhân đã đem tính mạng để trả giá cho sự tò mò, chưa nói đến hàng chục con gia súc đã bỏ mạng".

Một năm sau khi các trận chiến đấu kết thúc, người ta vẫn chết trong thung lũng vì lý do "ngày hôm sau của chiến tranh". Và cũng ít có khả năng danh sách những người bị nạn được khép lại, chưa có một chiến dịch rà mìn nào được hoạch định. Cuối cùng ngày 11-6 với chín người "lao động”, Ben mông đã nhận ra một nghĩa trang nhỏ trên Élian 3, bên bờ sông Nậm Rốm. Một người Thái dẫn đường cả đoàn vì mìn, đạn cối và lựu đạn còn nhiều trên dấu đường đi. Năm ngôi mộ nổi lên trong quang cảnh lộn xộn đó nhưng không thể nhận diện được. Ở nghĩa trang được gọi là nghĩa trang nhà Chùa, dọn đường đi, những người "lao động" phát quang được một khu vực với chiều dài 21m, chiều rộng 15m, thì có những nấm mồ xuất hiện, bên cạnh những hố trũng sâu do sự vữa sụt của hài cốt. Những con người khốn khổ bị mai táng ở hố cạn, chắc do người đào hố làm vội vàng vì sợ hỏa lực pháo, ở đây cũng không nhận diện được.

Buổi tối, Ben mông yêu cầu cho ông ta ít nhất 50 lao động để hoàn thành được nhiệm vụ nhưng vị đại biểu nói không thể tập họp được một số lượng người như vậy vì dân số ở đây ít ỏi. Ngày 12-6, tuy nhiên, toán làm việc đã đông lên: người ta cấp cho ông 17 nông dân Thái. Một chữ thập xuất hiện báo hiệu một hài cốt. Đó là người Pháp đầu tiên được nhận diện: Mô rít Miê, lính dù thuộc tiểu đoàn 6 dù thuộc địa, tiểu đoàn của Bia; thẻ căn cước của người lính này còn cắm trên cành thập tự. Những hài cốt khác cũng được nhìn thấy và sợ các cơn mưa thường ngày làm đất lún, Ben mông cho cắm một cây tre trên mỗi ngôi mộ.
Ngày 13 khi toán lao động đang dọn nghĩa trang nhà Chùa, phát các bụi cây và dây leo thì người đại úy là sĩ quan liên lạc Việt Nam theo sát gót ông, thuyết phục nên trèo lên đồi Élian 1 vì ở đó các cuộc đụng độ đã giết nhiều người nhất.

Đồi Élian 1 có diện mạo của một chiến trường nguy hiểm cho việc thăm dò, phần lớn các chiến hào đã bị lấp từng phần - Ben mông nhận xét - Nhiều mìn được nhìn thấy trên những phần đất trống trải, chúng tôi tiến lên vô cùng thận trọng. Không thể có được nguồn tin về số người chết trên Élian 1. Họ quá đông. Do đó chúng tôi đi về phía Élian 4, chắc phải có mộ của trung úy Đờ PhRốmông của tiểu đoàn 6 dù thuộc địa.
Ginlơ đờ PhRốmông chết ngày 11-4-1954. Một ngôi mộ đã được tìm thấy nhưng một viên đạn trái phá đã phá toác mộ, và khi những hài cốt rùng rợn được khai quật, vòng tay căn cước đeo ở cổ tay cho biết anh là một người lính Angiêri. Mặc dầu trung úy Đatanh đã cung câp nhiều chỉ dẫn (Đatanh là người của tiểu đoàn 6 dù thuộc địa), mộ của PhRốmông không thể tìm thấy. Đoàn tìm mộ trở lại nghĩa trang đã tìm thấy hôm qua, nay được trút bỏ chiếc áo phủ màu xanh lục. Ở đây xếp thành 223 ngôi mộ mà chỉ có một ngôi là nhận dạng được. Ngày 14, dưới trời mưa và trong lúc công việc tìm kiếm mộ vẫn được tiếp tục ở các địa điểm khác, Ben mông đi đến Sở chỉ huy Điện Biên Phủ, ông hy vọng tìm được hài cốt của trung tá Pirốt, tư lệnh pháo binh ở đó : "Các ngóc ngách của Sở chỉ huy đã bị phá hủy - ông Ben mông nhận xét. Các hầm trú ẩn bị phá hủy và người ta chẳng nhận ra cái gì cả. Mưa không ngừng rơi làm cho các cuộc tìm kiếm thêm phức tạp. Tôi nghĩ rằng mình đã tìm đúng chỗ nhưng hầm trú ẩn đã sụp đổ các tường đất đã lún sụt. Chỉ có dẹp gọn đi mới hy vọng có hiệu quả. Lúc trở về cùng với bác sĩ Grauuyn ướt sũng, vắt bám đầy mình, chúng tôi trở về.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM