Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:58:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 141132 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #60 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 01:50:06 pm »

Chương IV
“CHÚNG TÔI SỐNG DƯỚI ĐẤT, NHƯ NĂM 1914"

Phòng nhì ở Hà Nội tin rằng - theo tin tình báo - Tướng Giáp sẽ mở cuộc tấn công vào ngày 15-3, nhưng chỉ đến ngày 11, GONO mới được biết qua một bức thông điệp của tướng Cônhi: "Theo tôi, giả thuyết cần nhớ hình như là cuộc tấn công Điện Biên Phủ (...) Khả năng hoạt động khoảng 15-3)

Việt Minh có 27 tiểu đoàn, 20 khẩu pháo 105, 18 khẩu 75, 100 trọng liên 12,7 li phòng không và 16 pháo 37 li. Một trung đoàn phòng không khác gồm 4 tiểu đoàn tức là 64 pháo bổ sung nữa, được chờ đợi trong những ngày tới. Riêng nguồn tiếp tế về đạn dược pháo binh ước tính 50 tấn mỗi ngày. Tất cả chứng minh rằng mặt trận chính sẽ là Điện Biên Phủ nhưng trong toàn Đông Dương, các đơn vị du kích được lệnh chuyển sang tấn công để kìm giữ đạo quân viễn chinh không cho rút lực lượng từ các khu khác về tiếp viện cho xứ Thái.

Đối với tướng Giáp, kẻ thù ưu tiên là không quân, và chỉ thị là phải "tăng cường các hoạt động nhằm làm tê liệt các phương tiện trên không của kẻ thù". Đầu tháng 3, vào ban đêm, các đội đặc công Việt Minh đã thâm nhập vào nhiều căn cứ không quân ở Bắc Bộ, nhất là ở Gia Lâm gần Hà Nội, ở Đồ Sơn và Cát Bi, do tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 bảo đảm an ninh. Đêm 6 rạng ngày 7-3, một ngày chủ nhật, Việt Minh đưa một tổ sáu người tình nguyện do "một người cao lớn, nói được tiếng Pháp và biết mật khẩu" chỉ huy, thâm nhập vào căn cứ của trung tá Bruynê. Họ dùng kéo cắt dây thép gai và vượt qua ba hệ thống hàng rào, những người mang chất nổ chạy tới các máy bay. Ban đầu bị bất ngờ, họ bị lính tiểu đoàn 6 dù thuộc địa chống lại, nhưng những người tấn công đã kịp đốt cháy sáu chiếc máy bay Moran, một máy bay ném bom B.26, làm hư hỏng ba chiếc khác trước khi rút lui, bỏ lại 40 liều thuốc nổ, 3 tù binh và 5 người chết.

Phòng nhì xác lập rằng các lực lượng Việt Minh đã sử dụng làng Hợp Lệ, gần Cát Bi, làm căn cứ. Đồng lõa hay là nạn nhân, dân làng không báo động và sự trừng phạt không có chống án: làng phải chịu biện pháp "bắt buộc phải rời đi mà không có bồi thường, kèm theo biện pháp san phẳng". Dân chúng có ba ngày để rời đi và ngày 18-3, các xe ủi đến Hợp Lệ và trong vài giờ, làng bị nghiến nát và đất thì san bằng.

Ngày thứ năm mồng 4-3, tổng chỉ huy đến Điện Biên Phủ, ở đây Caxtơri và Cônhi đã chờ ở chân cầu thang máy bay. Chưng bộ mặt hoàn hảo của một kẻ đang có những mưu toan Nava yêu cầu tư lệnh GONO ngồi vào tay lái xe Jeep, Cônhi gấp cái thân hình to lớn của ông lại để ngồi vào ghế sau. Nava muốn trao đổi với các cán bộ dưới quyền mà "không có người chứng kiến"; họ đi được độ 100 mét thì ông trình bày ý kiến của mình. Vốn là người của tình báo quân sự Nava không ghét kiểu nói chuyện có mùi bí mật như thế này. Ba người thừa nhận rằng Việt Minh đã bỏ nhiều thời gian để xác định ngày tấn công. Tuy nhiên vẫn có một giới hạn cho những cuộc hành quân ở miền núi, đó là mùa mưa mà Tướng Giáp luôn luôn đề phòng. Người ta không đi lại  trong rừng khi trời mưa và nếu Việt Minh hoãn cuộc tấn công một lần nữa thì có thể sẽ là hoãn đến muôn thuở. Từ đó ý định của Nava là đưa Tướng Giáp đến chỗ hoãn cuộc tấn công lần nữa.

“Ý định trong đầu tôi là đưa thêm hai hoặc ba tiểu đoàn nữa đến Điện Biên Phủ để đặt Bộ chỉ huy Việt Minh trước một vấn đề mới, về sau Nava nói trước ủy ban điều tra. Có thể xác nhận, và điều này luôn được kiểm nghiệm trong thực tế là Việt Minh không bao giờ lao vào những hoạt động mà họ chưa điều tra nghiên cứu kỹ”.

Điện Biên Phủ có ba phân khu - Phía bắc của trung tá Tranca sắp hết hạn thời gian công tác ở Đông Dương. Ở Trung tâm, trung tá Gô sê với hai tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13 và tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 bộ binh ngoại quốc của thiếu tá Clêmăngxông. Phía nam, ở Isaben, trung tá Lalăng với tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh ngoại quốc và tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 lính Angiêri, cả hai tiểu đoàn này phân chia ra chung quanh các pháo của tiểu đoàn 3, trưng đoàn 10 pháo bính thuộc địa của thiếu tá Aliu. Thêm được hai hoặc ba tiểu đoàn, thành lập những trung tâm đễ kháng mới, Nava cho rằng ông sẽ làm cho Việt Minh bất ngờ và sẽ làm chậm cuộc tấn công của địch từ 15 ngày đến ba tuần lễ.

Mùa mưa sẽ ập xuống xứ này vào khoảng ngày 15-5, các xe tải và xe kéo pháo của Tướng Giáp sẽ bị sa lầy và cuộc tấn công sẽ được hoãn lại vô thời hạn. Cônhi và Caxtơri trả lời gì trước sự gợi ý của cấp trên? Người thứ nhất, theo Nava nói lại, tuyên bố rằng: "Điện Biên Phủ được xây dựng để đập vỡ lực lượng nòng cốt chủ yếu của Việt minh, không nên làm gì để gạt cuộc tấn công của họ". Caxtơri cũng một giọng như vậy: "Sẽ gay go đấy nhưng không thể xảy ra vấn đề là chúng tôi không giữ được".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #61 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 01:51:53 pm »

Ủy ban điều tra của Catơru quan tâm đến cuộc đối thoại riêng ngày 4-3 vì ông Chủ tịch rất ngạc nhiên vì sao Caxtơri và Cônhi lại tranh cãi những chủ định mà Nava đã đề xuất cho họ. "Không thể tưởng tượng được, Cônhi tự bào chữa, khi đang tìm kiếm bằng mọi giá một hành động có lợi cho Điện Biên Phủ, có thể từ Thượng Lào, có thể từ vùng châu thổ và vì không đạt được, tôi tuyên bố rằng tôi tìm kiếm trước hết để có được cuộc tiến công Điện Biên Phủ (...). Chắc chắn là tôi không nói như vậy".

Caxtơri chơi một kiểu cách khác. ông giải thích là Nava hỏi ông có ý kiến như thế nào: "Tốt hơn là Việt Minh tấn công hay tốt hơn là Việt Minh không tấn công?. Và ông đã trả lời: "Chúng cứ tấn công đi với điều kiện là ông có gì đó để thay thế những tổn thất của tôi và giải thoát tôi khi cần thiết".

Trước những câu trả lời không rõ ràng, mâu thuẫn thậm chí có tính chất trì hoãn này, Chủ tịch Catơru ép Caxtơri phải giải thích:

Tướng Nava đã bày tỏ một sự lo lắng nào đó về kết cục của trận đánh và cũng đã nói với ông là ông ta nghĩ rằng có thể việc đưa ba tiểu đoàn mới vào lực lượng bố trí sẽ tạo ra cho Việt Minh một vấn đề mới, chắc chắn có thể làm cho họ quyết định hoãn trận đánh. Ông ấy đã đặt ra câu hỏi và ông đã trả lời: "Không cần đưa thêm các tiểu đoàn mới, có thể sẽ gay go nhưng chúng tôi sẽ giữ vững".

Để chứng minh thiện chí của mình, Caxtơri cau mày. Không, Nava "không nói là gửi cho tôi ba tiểu đoàn". Ông không còn nhớ nữa. Ông chủ tịch bám riết, không tha vì với giả thuyết là tổng chỉ huy có đề nghị với ông ba tiểu đoàn mới thì phản ứng của ông như thế nào?

"Tôi sẽ trả lời không, thưa tướng quân. Ngài muốn tôi xếp họ vào chỗ nào? Không thể một ngày trước cuộc tấn công mà tôi lại để trên địa hình trống, trên bàn bi-a, ba tiểu đoàn không có gì để trú ẩn (...). Tôi có những mức đạn dược và thực phẩm thấp hơn cái mà tôi có ngày 25-1. Tôi cũng không thể "mời" ba tiểu đoàn mới ăn vào lương thực thực phẩm dự trữ của tôi".

Hoặc là Caxtơri không hiểu gì cả hoặc trí nhớ của ông đã sa sút. Mục tiêu của Nava không phải là tăng cường tiềm lực cho Điện Biên Phủ bằng ba tiểu đoàn, mà là đặt ra một vấn đề cho Tướng Giáp phải suy nghĩ và đưa ông ta đi đến quyết định hoãn một lần nữa cuộc tấn công của ông ta, với mùa mưa ngoắc vào lưỡi câu như một cái mồi giả, theo đúng hình ảnh của ý nghĩ này. Có thể nói thêm rằng nếu quả thực Nava có khả năng gửi thêm ba tiểu đoàn cho GONO tức là khoảng 1.800 người, thì một vấn đề khác phải được ông quan tâm ưu tiên mà báo cáo của Lăng le cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết: vấn đề nâng cấp cho các đơn vị thiếu thốn nhất. "Một tiểu đoàn trên thực địa phải có quân số 800 người, Lăng le báo cáo, thế mà trung bình chỉ còn 500 và nhiều đại đội chỉ có một sĩ quan duy nhất”.

Có thể, chỉ có tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc và tiểu đoàn 8 xung kích còn vững vàng với 728 người lĩnh khẩu phần ở tiểu đoàn đầu và 668 ở tiểu đoàn thứ hai, vào ngày 13-3. Kế hoạch Nava dự kiến một thời kỳ phòng thủ vào các năm 1953-1954, thời gian để lập lại trật tự trong đạo quân viễn chinh và để động viên quân đội miền Nam Việt Nam. Tiếp theo là một thời kỳ tấn công vào năm 1954-1955 nhằm mục tiêu không phải để chiến thắng quân đội địch mà lấy lại uy thế đối với nó. Về mặt lý luận, chẳng có gì đơn giản hơn hai thời kỳ này. Vậy mà khi nói về kế hoạch Nava với vợ, trung tá Lalăng đội mũ tai lừa (của học trò lười - ND), nhưng không nên lấy mọi điều ông ta nói trong thư vì ông ta có lối hài hước cay độc: "Về kế hoạch Nava mà báo chí luôn luôn nói đến, có thể tướng quân đã nói với các nhà báo nhưng họ lại không biết ông ta. Việt Minh cũng có nói đến, thật là bực mình là những người duy nhất không hay biết gì" (ngày 11-2).
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #62 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 01:53:02 pm »

Khi Nava dự kiến kế hoạch của ông, Điện Biên Phủ chưa có tầm quan trọng như hồi đầu tháng ba, và Tổng chỉ huy cũng như Tướng Giáp có ý định đánh ở những khu khác. Ngày 20-1, Nava mở cuộc hành quân Átlăng ở miền Nam Trung bộ, làm chảy nhiều mực hơn là chảy máu. Ý tưởng là làm lành mạnh hóa miền Đông Nam, thu hồi các đơn vị để gửi ra miền Bắc. Átlăng nhằm đẩy Việt Minh ra khỏi một khu lâu nay bị lãng quên, ở đây vào cuối 1953 phát triển 18 tiểu đoàn không có giá lắm. Để hạn chế chúng, Nava chỉ sử dụng những lực lượng xoàng xĩnh, phần lớn không sử dụng được ở phía bắc, có thể trừ hai binh đoàn cơ động, GM10 xây dựng từ một trung đoàn tốt Bắc Phi làm nòng cốt, và GM100 thành lập với tiểu đoàn Triều Tiên, "da vàng hóa" đến 50%.

Về vận tải hàng không, thay cho việc rút quân số từ các không đoàn Bắc Bộ của đại tá Ni cô, Nava cho trưng dụng các máy bay dân sự và Điện Biên Phủ không còn phải khổ vì hành quân nữa. Tại ủy ban điều tra, tướng Ma nhăng kết luận rằng tác động trở lại của Átlăng với Điện Biên Phủ là "nhỏ nhoi". Bỏ Átlăng đi có thể thu về vài tiểu đoàn có lợi cho Bắc Việt Nam.. "Phần đóng góp không đáng kể", Ma nhăng cắt lời

Chính phủ Hồ Chí Minh lãnh đạo một cuộc chiến tranh chính trị - quân sự được chuẩn bị kỹ ở Điện Biên Phủ, chính trị đóng vai trò quan trọng hơn là quân sự. Ngày 28-11-1953, tám ngày sau cuộc hành quân Hải li, trái ngược với những thói quen của mình, ông Hồ Chí Minh đã đồng ý vế một cuộc phỏng vấn của tờ Expressen, một tờ báo Thụy Điển. Lãnh tụ cộng sản nhận trả lời bằng văn bản các câu hỏi được nêu lên bằng thư, những câu trả lời này chỉ ra cho dư luận thế giới thấy rằng Việt Nam sẵn sàng thương lượng vì một nền hòa bình vững bền, còn người Pháp thì đang gia tăng các cuộc hành quân tác chiến như họ đã làm tám ngày trước đây ở Điện Biên Phủ.

"Chính phủ Pháp hãy ngừng các hoạt động quân sự thì đình chiến sẽ thành hiện thực", vị lãnh tụ của Đảng Cộng sản nói một cách ngọt ngào, và có ý nói bóng gió rằng quân đội của ông không tiến hành một chiến dịch tiến công nào.

Ông Lofgren của tờ Expressen hỏi: "Nếu lấy một nước trung lập làm trung gian, Việt Minh có chấp nhận một cuộc gặp các đại diện của Bộ chỉ huy đối phương không? Hồ Chí Minh đã trả lời: "Nếu một nước trung lập muốn thấy chiến tranh ở Việt Nam được chấm dứt, tìm cách thúc đẩy các cuộc thương lượng, thì sáng kiến của họ sẽ được hoan nghênh. Nhưng việc thương lượng cho một cuộc đình chiến chủ yếu liên quan đến Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam".

Trước ủy ban điều tra của Catơru, ông Đơ Giăng, Tổng đại diện Pháp ở Sài Gòn, gợi lại ảnh hưởng của bài báo:

Cuộc phỏng vấn mà Hồ Chí Minh dành cho báo Expressen có một tầm quan trọng to lớn, một ảnh hưởng to lớn. Phản ứng mà cuộc phỏng vấn gây ra trong dư luận Pháp đã làm cho người Việt Nam ở miền Nam rất lo lắng. Những người mà chúng ta yêu cầu có một nỗ lực chiến tranh mạnh mẽ hơn đã nói với chúng ta: "Các ông không nghĩ gì về thương lượng ư?”.

Chiến tranh tâm lý và gây dư luận là những vũ khí tinh tế mà phần lớn người Pháp không có một khái niệm nào. Chính quân đội, tháng 9-1953 cũng đã chờ đợi để tham gia vào một cuộc hành quân nghi binh nhằm vô hiệu hoá một sư đoàn Việt Minh bằng các biện pháp tâm lý, trong lúc đó tấn công một sư đoàn khác.

Được Đảng Cộng sản ở chính quốc ủng hộ, những lời tuyên bố của ông Hồ Chí Minh đã gặp một sự đón nhận thuận lợi bởi vì nó làm cho người ta tin rằng người chiến sĩ lão thành đã sẵn sàng để đàm phán, trong lúc đó trên chiến trường, Nava lưu ý: "Chúng tôi nhận thấy sự giúp đỡ của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể".

Dù sao việc đăng tải cuộc phỏng vấn trên tờ báo Thụy Điển cũng phát động những sức mạnh bí mật mà tầm quan trọng không lọt được con mắt của Đờ Giăng: "Tôi nghĩ rằng với lời tuyên bố của ông Hồ Chí Minh trên báo Expressen, đã làm mới khối lượng công việc bằng cả một binh đoàn của ông".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #63 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 01:55:24 pm »

Ngày 25-1, các nước phương Tây tổ chức một hội nghị ở Béclin với sự tham gia của Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô. Hội nghị khai mạc mà ta không thấy ẩn ý, ngày mà Tướng Giáp, quyết định hoãn cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ. Một tháng sau, các cường quốc chia tay nhau trong một ngõ cụt quyết định gặp lại nhau ở Giơnevơ, lần này có sự tham gia của các đại biểu của Trung Hoa đỏ. Sớm hay muộn, phương Tây phải chấp nhận rằng hòa bình ở Đông Dương sẽ phải thông qua đối thoại với Liên Xô, Trung Quốc và các đại diện của Bắc Việt Nam. Những hậu quả thấy trước được của hội nghị bàn tròn Béclin không qua mắt được Nava: "Chắc chắn là quyết tâm chiếm Điện Biên Phủ sẽ được quyết định ngay sau ngày diễn ra Hội nghị Béclin. Niềm tin của chúng tôi đã hình thành trong quá trình giải mã các bức điện đã được trao đổi rất dày lúc đó”.

Trước ủy ban điều tra, Caxtơri tự tin, nói thêm: "Không có Hội nghị Béclin, có lẽ thực sự Việt Minh không tấn công Điện Biên Phủ. Nếu các ông đứng vào địa vị những người đã 18 năm nay sống trong hoàn cảnh bí mật (...), đã đạt được việc thành lập một lực lượng chủ lực gồm bảy sư đoàn và nói: "chiến đấu còn lâu dài thì họ chẳng liều lĩnh gì để làm gãy vỡ ba hoặc bốn sư đoàn của họ ở Điện Biên Phủ. Và chỉ sau Hội nghị Béclin khi có lời hẹn rằng sẽ bàn cãi ở Giơnevơ...

- Vào giữa tháng hai, Chủ tịch Catơru ngắt lời.

- Vâng, thưa tướng quân. Nếu không có việc đó tôi đã bị một cuộc tấn công giương đông kích tây, như họ vẫn thường làm trong những trường hợp như thế, và rồi họ sẽ nói. "Họ đã rút một điểm tựa. Thấy chưa, chúng ta mạnh hơn người Pháp mà”.


Những bức thư của thiếu tá Va đô gửi cho vợ đã cho thấy sự tồn tại của một cung thăng có lợi cho hòa bình. Vào cuối thời kỳ hai chiến đấu ở Việt Nam tinh thần hăng hái không còn như cũ nữa. Ngày 7-1, Va đô thổ lộ với vợ: "Một sĩ quan đã từ Hà Nội trở về. Ở đấy mọi người đang nói đến hòa bình hoặc chấm dứt xung đột trong một tháng nữa”.

Trong một bức thư khác, Va đô tỏ ra sốt ruột: "Anh không rõ đã có đàm phán chưa nhưng anh hy vọng người ta phải làm càng nhanh càng tốt vì cuộc chiến tranh này đã phải trả giá khá đắt rồi" (ngày 28-l).

"Đã có vài cuộc chạm súng, không hơn được, nhưng hình như bộ chỉ huy Pháp không thể rút khỏi Điện Biên Phủ như đã làm ở Nà Sản. Đến mùa mưa, không phải là chuyện đùa". (ngày 6-2).

"Anh hy vọng rằng cuối cùng người ta sẽ đi đến đình chiến; đó là giải pháp duy nhất để kết thúc. Tình hình không được tốt đẹp" (ngày 9-2).

"Hai sĩ quan của bán lữ đoàn, một bị chết, một bị thương nặng. Tinh thần của các sĩ quan ở Hà Nội rất thấp. Không ai thấy phải kết thúc cuộc chiến tranh này như thế nào. Các thông báo nói như thế nào thì nói, Việt Minh đã giành được những thắng lợi to lớn và đã triệt hạ không ít tiểu đoàn". (ngày 15-2).

"Cuộc chiến tranh này đúng là một tai họa. Phải nhìn thấy số sĩ quan bị giết, bị thương và những người lính hoặc lê dương nữa. Nếu ít ra người ta còn có thể hy vọng vào một sự cải thiện tình hình, nhưng chẳng có gì mà làm cả (..). Nếu không xử lý, anh không rõ tình hình sẽ xoay chuyển như thế nào". (ngày 17-2).
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #64 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 01:57:29 pm »

Trong sở chỉ huy của đại đội pháo đặt trong hầm, trung úy Bruynbrúc cũng thấy rằng Việt Minh còn lâu mới quyết định. Anh nói với người thân:

Chẳng ích lợi gì nếu tôi đưa cho các bạn những bản sao các thông báo, tôi đã tranh thủ không khí yên tĩnh để sắp xếp tư liệu cho được cập nhật. Tôi không biết cái gì sẽ đến với chúng tôi bới vì Tướng Giáp thì lánh mặt. Tôi bắt đầu tìm kiếm sự yên tĩnh thuộc địa... Điện Biên Phủ đã gây cho tôi một tật xấu: tôi bắt đầu hút thuốc; các buổi tối thật quá dài và những đêm trắng qua đi thật khó khăn...". (ngày 9-2).

Ở quân dù, sự hao mòn đã biểu lộ, tuy giữ kín nhưng là chuyện thực. Đại úy Pisơlanh không thoát được môi trường chung:

Tôi ở đây đã hơn ba tháng rồi, trong cái vùng hẻo lánh khỉ ho cò gáy này, chẳng thấy ai ngoài lính tráng, chẳng nói gì khác ngoài những vấn đề quân sự. Về thể xác cũng như về tinh thần, chúng tôi đã phải trải qua sự thử thách khốc liệt. Quá ít nghỉ ngơi; ba ngày mà không xuất kích thì đã là một ngoại lệ. Ngày càng gay go gian khổ hơn. Chúng tôi sống dưới đất như năm 1914, dẫu sao cũng có một chút tiện nghi  hơn và được đi lại hít thở không khí ngoài trời vì Việt Minh sau vài lần bắn pháo lại thôi. Điều trở ngại: bụi quanh năm. Nó thâm nhập mọi nơi, bánh mì cũng có cát, áo quần sau hai giờ là bẩn". (ngày 9-3)

Trung úy Phơrăngxoa ở tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 bộ binh ngoại quốc, theo ý của Gian, đã dùng bút chì vẽ một sơ đồ những nơi ở dưới đất tại Huy ghét 4: "buồng" ngủ của anh; buồng của người phó , trung úy Buskê , hầm trú ẩn của các tùy tùng và điện đài; bản đồ tìm phương hướng; nhà ăn sĩ quan và nhà bếp có lò nấu bằng gạch, tất cả dưới một mái nhà bằng tre. Đó là tổ chức của lê dương. Phơrăngxoa có nghe nói về một hội nghị quốc tế sắp họp. Bình luận của anh? "Thật là nhẹ nhõm nếu họ thỏa thuận được với nhau!" (ngày 26-2).

Hôm trước anh tiễn ông bạn Giô ra sân bay, trung úy Giô dép Plăngtơvanh, của cứ điểm Bêatơrít "bị một viên đạn ở cánh tay trái. Một vết thương may mắn vì không dây thần kinh nào bị chạm. Nghỉ ngơi chút ít ở Hà Nội anh ấy sẽ khá hơn vì ở đây anh xuất kích nhiều và bị rủi ro".

Vẫn ở tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 bộ binh ngoại quốc, trung úy Rastuin: "Mình hy vọng sẽ được nghỉ phép khi chúng ta rời Điện Biên Phủ. Đó là điều xứng đáng qúa đi chứ.  Chúng ta sẽ nhanh chóng rời cái vùng khỉ ho cò gáy hẻo lánh đáng ghét này... ở đó người ta làm một công việc ngu xuẩn, chẳng có ích gì, người ta tự đầu độc mình. Còn về thương lượng, cậu nói về một chuyện đùa!". (ngày 25-2).

Ở sở chỉ huy của bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13, trung úy Brêttơvin cũng vậy, ám chỉ về một sự kết thúc bằng thương lượng và tỏ ý vui mừng về việc đó: "Không có thay đổi nào cho chúng ta. Chúng ta bình tĩnh và rất thoải mái chờ đợi. Người ta nói nhiều về cách giải quyết cuộc chiến tranh này bằng ngoại giao. Đó là điều tốt" (ngày 7-3).

Tại An nơ Mari, Vécđaghê ngày 26-2 thổ lộ với Aclét "Lần đầu tiên người ta nghiêm túc nói đến việc mở đàm phán và điều khích lệ hơn là người ta có cảm giác rằng tất cả mọi người đã chán cuộc chiến tranh này, thấy nó không còn ý nghĩa gì nữa. Theo ý tôi, ta có thể hy vọng vào hội nghị ở Giơnevơ này".

Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #65 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 01:59:22 pm »

Trung tá Gô sê nghĩ nhiều nhất là mặt quân sự:

Sự yên tĩnh vẫn tiếp tục nhưng người ta nói tới một cuộc đụng độ sắp tới. Tôi không nghĩ rằng sau khi đã chờ đợi lâu như thế, họ lại liều lĩnh tấn công. Đúng là chắc chắn họ muốn làm cái gì đó có ấn tượng mạnh trước Hội nghị Giơnevơ. Tôi nghĩ rằng nếu là ở đây thì họ không làm nổi". (ngày 5-3).

"Chúng tôi bắt đầu rét cóng đi trong cái lỗ trú ẩn!". ông thừa nhận bốn ngày sau.

Ở Điện Biên Phủ, mà người ta cho rằng hình như lần đầu tiên tướng Giáp quyết tâm làm một "trận đánh tổng lực", người ta tự hỏi liệu ông có tung ra 20 hoặc 30 ngàn người để tấn công tập đoàn cứ điểm bằng cách đánh từ tất cả các mặt hoặc chỉ gặm nhấm dần các trung tâm đề kháng bằng cách một chọi một? Caxtơri trả lời cho Chủ tịch ủy ban điều tra hỏi ông chờ đợi cuộc tấn công đến từ hướng nào: "Từ đông bắc. Vào Bêatơrít, vào Gabrien và vào Đôminíc. Vào Đôminíc thì tôi dễ dàng tiếp cận nhất”.

Cônhi không có một niềm tin như vậy và để giữ vững đường băng hạ cánh càng lâu càng tốt, ba vị trí bố trí thành hình vòng cung ở phía bắc Điện Biên Phủ theo ông hình như dễ bị tấn công hơn những nơi khác. Ông rút Đôminíc ở giả thuyết của Đờ Caxtơri và thêm An nơ Mari. Theo ông, bùi nhùi nấm sẽ bắt lửa ở điểm bắc. Nếu ông tin vào giả thuyết này, tại sao Cônhi không thuyết phục Đờ Caxtơri bố trí những tiểu đoàn ưu tú nhất ở phía bắc?

Tôi ngạc nhiên, Catơru nói, để bảo vệ đường băng, trọng tâm lại đặt trên cái gọi là "vị trí trung tâm". Bảy trên mười hai tiểu đoàn đã được sử dụng ở đó!".

Các đội dự bị có được báo động không? (Chú thích: Tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc, tiểu đoàn 8 xung kích và tiểu đoàn 2 Thái theo Caxtơri, tiểu đoàn 2 Thái làm nhiệm vụ "dự bị về nhân công nhiều hơn là dự bị chiến đấu".) Trong biệt ngữ của mình, Lăng le giải thích là chúng được sử dụng "để giữ hai mặt của ô vuông của trung tâm đề kháng chính.

Ông Chủ tịch nhận xét rằng vị trí của hai tiểu đoàn dự kiến làm nhiệm vụ phản đột kích không phải là giữ một lỗ châu mai. Nếu người ta cần chúng can thiệp, một thời gian quý báu sẽ mất đi để kéo chúng ta, thay thế chúng, và điều chúng vào chiến đấu. Lăng le xác nhận đó là một "sai lầm lớn", nhưng Na va biết điều đó, Cônhi biết điều đó... ông này còn nói là "tướng Đờ Caxtơri có thể tập hợp chúng lại trong một thời hạn chấp nhận được”.

Nhưng "những lực lượng nói là để làm dự bị" có tham gia vào diễn tập thực binh hoặc diễn tập thủ trưởng không?

- Có tham gia diễn tập thực binh, Lăng le khẳng định. Có chi viện hỏa lực. Người ta đã bắn pháo. Chúng bắn vào chỗ không, nhưng có nghĩa là có chi viện hỏa lực.

- Tất cả các giai đoạn phản đột kích đều được nghiên cứu học tập?.

- Trong thực tế là tất cả. Chính tôi phụ trách vấn đề này và tôi có thể nói rằng với Gabrien, An nơ Mari, Bêatơrít và Isaben, chúng tôi đã học tập, với cán bộ của tôi và bộ đội, và cả với xe tăng của đại úy Herơvuiét, đường đi phản đột kích và cách đến ứng cứu cho các trung tâm đề kháng trong giả thuyết là họ bị tấn công. Việc diễn tập này làm với độ lớn thật và trên thực địa
.

Với cán bộ và thực binh? Không phải điều mà người ta đọc được trong nhật ký của tiểu đoàn 8 xung kích ngày 4-1: "Tiểu đoàn trưởng, có các đại đội trưởng đi cùng, thực hiện một cuộc trinh sát các đường đi phản đột kích ở bên ngoài điểm tựa . Tiếp theo, tài liệu không nói gì đến các "diễn tập phản đột kích”. Thiếu tá Ghirô của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc cũng vậy ông không có ký ức gì về việc đã tham gia diễn tập thực binh”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #66 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 02:01:37 pm »

Theo Lăng le, Gabrien giống như "một trái đậu xanh, nhô lên từ mặt ruộng, có chiều dài 200m, chiều ngang 150m và ở một độ cao có dốc thoai thoải, nhờ những bờ dốc phía trước và phía sau đã được rào bằng dây thép gai. Cách khoảng gần 500m là các đỉnh núi, cao hơn các vùng chung quanh.

Việc mô tả của Na va khác ở một điểm: Gabrien không giống trái đậu mà giống quả trứng: "Hãy tưởng tượng một quả trứng cắt theo chiều dọc và để lên trên bàn. Nó không có một góc chết nào. Nó ở trên một chỏm núi đã được san bằng. Một hệ thống chằng chịt những hào chiến đấu".

Trứng hay đậu, thiếu tá Méccơnem không bất bình về những kết quả đạt được ở Gabrien. Là sĩ quan có bằng, ông không dễ dàng nghe nói đùa - các sĩ quan của ông gọi ông là "Vông Méccơnem". Ông sắp về nước và người thay ông - thiếu tá Ka - đã đến Gabrien ngày 1-3 để thấm nhuần không khí trước khi đảm đương "ngư lôi hạm" cũ. Năm 1939-1940, cả hai đều phục vụ trong "bêtông”, Méccơnem ở chiến tuyến Maginô ở Loren, Ka trong núi Anpơ, hai người trở nên tâm đầu ý hợp (Chú thích: Sinh năm 1914 ở Ra ba (Ma rốc) Rôlăng đờ Méecơnem là học viên võ bị Xanh Xia. Tháng 6-1952 sang Đông Dương và chỉ huy tiểu đoàn 4, trung đoàn 7 Angiêri vào tháng 9, rồi tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 Angiêri tháng 1-1953, được không vận đến Điện Biên Phủ 1-1954.). Trong bức thư đầu tiên gửi vợ là Nicôn, Ka nói ít đến chiến tranh:

Anh ở đây đã bốn ngày rồi. Anh nhận được khá nhiều lệnh, nhưng khoảng chục ngày nữa anh mới nắm quyền chỉ huy. Bọn anh chui xuống đất trên một đồi đất đỏ, sống kiểu như những con mối tuy nhiên trong ngày cũng có lúc ra sưởi nắng mặt trời, nuốt bụi, đi đến các sở chỉ huy khác. Hôm nay, ăn cơm tại nhà anh bạn Lalăng" (ngày 5-3).

"ông bạn Lalăng cũng như Ka thuộc khoá võ bị Xanh Xia "Taphilalê" và vị chỉ huy mới của Gabrien không miễn cho cô vợ Nicôn một món nào trong thực đơn mà anh được ăn ở Isaben, kể cả món tráng miệng "kem sôcôla ăn với bánh ngọt". Ông không giấu vợ đó là mặt tối của tình hình, nói thêm rằng "mặt xấu" là những tổn thất, những cuộc trinh sát gặp Việt Minh chỉ cách có vài mét. Ngày hôm qua 5 người chết, 14 người bị thương. Để lấy xác và đưa thương binh về, đã gọi xe tăng, pháo, không quân ứng cứu, mất một phần thời gian trong ngày".

Ngày 4-3, Méecơnem đã giao hai đại đội cho đại úy Giăngđơnơ với nhiệm vụ trinh sát các mỏm đồi về phía tây điểm tựa. Việt Minh đã giăng bẫy phục kích. Trung úy Phốc tham gia cuộc hành quân, trong thư ngày 5, anh nói với bố là anh ra trận lần đầu. Cảnh tượng diễn ra ở chân một mỏm núi, về hướng đó anh đã cử một đội tuần tra khi "phong cảnh cháy bùng lên".

"Cách đám bụi rậm 25 mét, những loại đạn bắn dưới chân chúng con, quanh chúng con, khắp mọi nơi! Người phụ trách điện đài của con bị một viên đạn vào đùi, con ra lệnh bám lấy trận địa. Một cuộc chiến đấu chết chóc đã nổ ra, Việt Minh bám trụ trong công sự dã chiến, chúng con nằm sau các bờ ruộng. Con đặt điện đài giữa hai chân, ngồi co rúm, khép hai chân lại (!) báo cáo và yêu cầu pháo cối chi viện”.

Người sĩ quan trẻ cảm thấy thời gian trôi lâu nhưng quân tiếp viện được đại úy Giăngđơrơ điều đến cũng bị hỏa lực địch kìm lại. Tiết kiệm đạn, Việt Minh chỉ bắn từng hồi và Phốc nghĩ rằng anh có thể cứu hai người bị thương nằm cách mười thước ở phía trước. Khi bò lên, anh bò cần mẫn không phải không lo lắng.

Con quỳ gối bên cạnh họ nhưng bỗng bị một cú như búa bổ lên đầu, con ngã xuống lộn đi một mét. Con nhanh chóng cởi mũ, đưa tay sờ phía sau đầu. Có chảy một ít máu. Con nói thực với bố, một lỗ đáo chưa từng thấy! Nhưng phải trở về. Người lính bị thương và con bò đằng sau bờ ruộng. Con có cảm giác như mình bị béo phì ra. Đẩy khẩu các-bin trước mặt, chơi môn thể thao này được 50 mét, con đã gặp được đại úy Giăngđơrơ. Băng bó sơ cứu quanh đầu và... để đấy đã! Cuộc chạm súng kéo dài sáu tiếng! Quả là dài, nhất là khi người ta không thể động đậy cái chân mà không nghe tiếng "rắc" đặc trưng của viên đạn trúng ở đâu đó gần anh".

"Thằng bé Phốc" kết thúc bức thư bằng một câu chứa đựng sự tức giận chính đáng: "Trong hàng ngũ Việt Minh có những tên đào ngũ chửi chúng ta bằng tiếng Pháp và tiếng Ảrập”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #67 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2008, 04:17:37 pm »

Từ Isaben đến, trung úy Prêô và các xe tăng của anh đã yểm trợ cuộc rút lui nhưng hỏa lực Việt Minh ngăn cản mọi sự tiếp cận, và ba người chết đã phải để lại trên trận địa. Phải chăng Việt Minh muốn thử thách tính thích đánh nhau của những người phòng thủ? Từ 5-3, các máy bay Bearcat và pháo binh lấy khu ngoại vi của Gabrien làm mục tiêu, nhưng tối nào các đội tuần tra cũng đụng độ với Việt Minh. Ngày 7-3, trung úy Sôtxanh ra ngoài để lấy xác ba người lính còn lại trong khu vực giữa hai trận tuyến nhưng gặp địch và không hoàn thành được nhiệm vụ (Chú thích: Theo đại úy Ca rê, ba thi thể đã được các nông dân Thái đưa về Gabrien. Họ được thưởng ba nghìn đồng (Thư trao đồi với tác giả). Đêm sau họ giết một Việt Minh và bắt một tù binh.

Ngày 10-3, vẫn là ban đêm, đại úy Nácbây bắt gặp những người trinh sát cách gần 200 mét. Họ giết hai người của ông và biến mất. Ngày hôm sau, một hạ sĩ quan du kích Thái bị giết và đại úy Ca rê cùng hai đại đội bị lôi vào một cuộc cận chiến mà ông thoát ra rất vất vả. Ngày 12, thiếu tá Ka viết bức thư cuối cùng cho vợ là Nicôn:

“Điện Biên Phủ đã bị bao vây. Người ta không nhìn thấy mà cảm thấy. Cả ngày chúng ta bắn loạn xạ vào Việt Minh ở cách chúng ta 500 mét. Anh thấy chúng bị tung lên dưới làn đạn pháo binh ta và một số khác ẩn nấp trong bụi rậm thì bị bom napan đốt cháy. Đêm mới đây, chúng đào những hố cách hàng rào dây thép gai không đầy 100 mét mà chẳng ai nghe thấy cả. Chúng làm việc đó một cách tỉ mỉ, xúc đất bằng những cái xẻng giống như những chiếc môi. Sau đó chúng lấp hố bằng những cành cây và rơm rồi đi. Buổi sáng, chúng ta tìm thấy hoặc không tìm thấy và chúng chỉ việc trở lại đêm sau chui vào hố và bắn chúng ta (...). Những ngày tới sẽ rõ ai thắng. Anh bình tĩnh và tự tin... Anh ngủ như một đứa trẻ, thỉnh thoảng bị đánh thức bởi những tiếng nổ lúc xuất phát của cối 120 làm rơi đất trong hầm trú ẩn của anh” (Chú thích: Sinh năm 1913 tại Bơdăngxông. Đến Đông Dương tháng 2-1959. Bổ nhiệm vào tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 bộ binh Angiêri ở Điện Biên Phủ. Bị thương và mất tích ngày 15-3-1954. Chết trong thời gian bị bắt làm tù binh.)

Được tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13 của thiếu tá Pê gô phòng thủ, Bêatơrít khó bảo vệ hơn Gabrien. Ngoài việc quân số không đủ, vị trí này như Na va về sau nói, "có hình dáng ba chỏm núi cách nhau bằng những đường đáy lũng và như vậy đó là những hành lang thâm nhập". Vị trí được thiết kế sai. Đại úy Nicôla nhớ lại rằng: "Những thiết bị làm vội khi những đội quân đầu tiên được thả dù xuống trận địa về sau đã bộc lộ là gây thảm họa lúc địch tấn công - quá gần đỉnh, làm mất chiều sâu của bố trí lực lượng phòng ngự".

Từ 10-3, cũng như ở Gabrien, mỗi cuộc xuất quân đều bị trừng phạt bằng những loạt đạn súng tự động và súng cối. Buổi sáng thứ năm, ngày 11, đoàn tiếp tế nước của Bêatơrít đã gặp địch trước khi đến sông Nậm Rốm và ở Sở chỉ huy của bán lữ đoàn 13, thiếu tá Va đô đã phải gọi xe tăng và hai đại đội của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc đến đỡ cho Pê gô. Ngày thứ năm, ngày 11 là ngày tang ở Bêatơrít, bị mất người sĩ quan thứ hai, trung úy Bơ đô của đại đội 11. Tổn thất này càng nhạy cảm vì Bơ đô là sĩ quan duy nhất còn lại của đại đội. Vào buổi chiều, Việt Minh đến gần và đào những đường hào giống như những đường xuất phát song hành. Để buộc những kẻ quấy rầy phải lùi lại, thiếu tá Pê gô đã cử một bộ phận của đại đội 11 đi đuổi những kẻ đào đất.

Dù có đạn bắn tới, bác sĩ Lớt dơ viết, trung úy Bơ đô vẫn đứng chỉ huy bộ đội bên cạnh điện báo viên, bỗng một loạt đạn đã bắn trúng anh. Vài giây sau, tôi đã ở bên cạnh anh và đã hiểu được tính chất trầm trọng của vết thương. Một viên đạn đã chui vào dưới mép trái xương sườn, đâm thủng lá lách, chạm vào ruột và chắc là cả thận cũng ở phía bên đó. Sau khi băng bó xong, tôi đặt anh vào xe cứu thương để đưa anh đến trạm giải phẫu cơ động số 29 của bác sĩ Grauuyn. Bơ đô đã có một cơn sốt chảy máu và tôi đã tiêm cho anh một mũi thuốc trợ tim nhẹ để chuẩn bị cho việc hồi sức. Anh xin lỗi vì đã làm tôi phải vất vả chăm sóc anh, đồng thời với giọng yếu ớt anh xin tôi đừng giấu anh về tình trạng của vết thương. Tôi khuyên anh nên bình tĩnh và đóng cửa xe lại, hiểu rằng đó là lần cuối tôi nhìn thấy anh”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #68 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2008, 04:19:28 pm »

Về sau Lơ đơ được Grauuyn gọi điện báo là "đang thực hiện việc hồi sức, nhưng việc xem xét các tổn thương không cho ông hy vọng gì”. Đến 20h30, Lơ đơ gọi điện thoại lần nữa: "Các tin tức không khích lệ lắm. Huyết áp không lên lại, mọi phẫu thuật thăm dò không làm được nữa”.

Là tuyên úy của bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13, cha Tơranhlăng ở bên cạnh viên sĩ quan: "Bơ đô bất tỉnh khá nhanh và khi tôi nhìn thấy anh ở trạm quân y, anh đã bị hôn mê. Anh đã mất trong đêm sau khi đã được làm lễ xức dầu cuối cùng" (Chú thích: Sinh tháng 2-1925, Bécna Bơ đô gia nhập Tập đoàn quân Mỹ thứ ba tháng 8-1944. Được cử sang Đông Dương 10-1953. Bể nhiệm làm sĩ quan ở tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn lê dương 13 ở Điện Biên Phủ.)

Tuyên úy đến Điện Biên Phủ ngày 11-2 và mỗi tuần hai hoặc ba lần ông đến Bêatơrít: “Ngày chủ nhật trước ngày chết của trung úy Bơ đô - linh mục viết - trung uý đã xưng tội và chịu lễ ban thánh thể cùng các sĩ quan khác trong tiểu đoàn. Tôi đã gặp lại ông ấy ngày thứ ba. Tôi đã đến Bêatơrít, ở đây các đường hào của Việt Minh đã đến gần, ông bình tĩnh và không để mất thái độ vui vẻ của mình".

Ở Sở chỉ huy bán lữ đoàn 13, người ta quyết định thay thế Bơ đô bằng trung úy Tuyếcpanh của tiểu đoàn 1. Ba mươi tuổi nguyên quán ở Loarê, tốt nghiệp võ bị Xanh Xia có vợ và hai con gái, cuối 1953, Tuyếcpanh đáp tàu Skaogum sang nhiệm kỳ hai. Quyết định ông về Bêatơrít chỉ mất ba phút.

"Khoảng 16 giờ, đại úy Sunê cho biết tôi sẽ rời Clôđin đi Bêatơrít. Đó là lúc mà chiếc máy bay lớn vừa mới bị thiêu hủy trên đường băng. Tôi đến trình diện với thiếu tá Pê gô và phó chỉ huy của ông là đại úy Pácđi, tôi đã biết họ vì khi tôi vượt đại dương lần đầu vào năm 1947, chúng tôi đã cùng đi với nhau trên chiếc tàu Bulônhơ. Họ bảo là tôi sẽ đến chỉ huy đại đội 11 quân số 107 người trong đó 11 hạ sĩ quan, tôi là sĩ quan duy nhất”.

Chiếc máy bay lớn "vừa bị phá hủy xong trên đường băng, do các lính lê dương nhảy dù của trung úy Luyxiani, đến giúp sức cho Bêatơrít, nhìn thấy. Khi từ Bêatơrít trở về, họ hỏi nhau về một cột khói bốc lên bầu trời. Trung tá Lăng le chơi trò chơi "ta biết tuốt : "Pháo binh Việt Minh bằng bốn quả đạn đã phá hủy một máy bay Curtis Commando", ông khẳng định trước ủy ban điều tra.

Ông đã nhầm, đó là chiếc Fairschild Packét số 546 của một công ty dân sự. Còn chiếc Curtis Commando thì bị phá hủy ngày 23-4 trong một cuộc phản kích; bị một quả đạn đập vỡ cái mũi kính, nó nằm chết dí bên lề đường băng. Đại úy Vécdenhan (Chú thích: Giô dép đờ Vécdenhan sinh tháng 5-1912 ở Tuốcnai (Bỉ), mẹ là người Bỉ, cha là người miền Xêven (Pháp). Phục vụ ở trung đoàn khinh pháo thả dù số 35 ở Tácbơ. Trung đoàn ông đi Đông Dương, ông ở lại chữa bệnh, về lại trung đoàn vào tháng 12-1953. Tình nguyện lên Điện Biên Phủ, ông được nhập vào ban tham mưu của Lang le.), thuộc cơ quan tham mưu của Lăng le, đã ghi một tin đúng: "Một chiếc C119 đỗ xuống chỗ chúng tôi vì trục trặc kỹ thuật, đã bị một quả đạn làm bốc cháy. Trong bình chứa của nó có hàng trăm lít chất đốt cho nên đám cháy đã kéo dài hàng giờ”.

Chiếc Curtis Commando bị buông tay lái từ không phận của sân bay, ở đây trung úy Buốcgiơ chẳng mất nhiều thời gian để thu lợi trên chiếc máy bay đã rơi cách sở chỉ huy  khoảng 200 mét. Bên trong máy bay vẫn nguyên vẹn, Buốcgiơ cắt cử lính lê dương lấy các ghế của lái chính và lái phụ, lấy vải giả da ở các khoang người ngồi, dỡ lát tường trong sở chỉ huy trong hầm. Ở đội lê dương, chẳng có gì bỏ đi cả. "Tôi còn cho bơm chất đốt ở các bình dầu phụ để hâm thức ăn ở nhà bếp", Buốcgiơ nói thêm.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #69 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2008, 04:21:01 pm »

Cho đến lúc bị đạn pháo vô hiệu hóa, đường băng cất hạ cánh vẫn là một sân khấu của trí tưởng tượng. Tất cả những chiếc máy bay kia bay về Hà Nội... Có lúc sân khấu đã trở thành thảm kịch.. Ngày 28-2, Rastuin kể cho Pierét về tai nạn mà anh được chứng kiến: "Hai chiếc khu trục bay vào khu vực để hạ cánh; một chiếc bị cánh quạt của chiếc kia cắt làm đôi, phi công bị trọng thương” (Chú thích: “Va đập mạnh khi hạ cánh vào chiếc Beasat của trung sĩ Xeliê, máy bay của trung sĩ Pécphécti bị cắt đứt làm đôi bởi cánh quạt của Xeliê", Giăng Xây ra, cựu phi công của trung đoàn không quân khu trục Xanh Tông viết: “Pôn Pécphécti bị tử thương trong tai nạn" (Thư gửi tác giả)).

Ngày 10-3, Rastuin đã tỉnh ngộ:

Chiều nay có súng bắn lung tung hầu như khắp nơi nhưng không có gì nghiêm trọng. Anh nghĩ rằng về phía ta, người ta đã thôi những cuộc xuất kích lớn của thời kỳ đầu và đang cố thử thoát ra khỏi ngõ cụt Đông Dương. Nhưng em chớ ru ngủ mình trong niềm hy vọng. Anh ngạc nhiên nếu vấn đề được giải quyết một cách nhanh chóng. Dầu đã bắt đầu rồi thì vẫn còn khả năng kéo dài cho đến khi chúng ta nản lòng, buông thả cả gói. Và lúc đó, chúng ta sẽ thấy Hoa Kỳ can thiệp”.

Trong các ghi chép của đại úy Nicôla từ Bêatơrít, người ta cũng thấy một sự chua chát tương tự:

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chuẩn bị, gắn bó với thế giới bên ngoài trước hết bằng điện đài, nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là miếng mồi mà lực lượng chiến đấu chủ yếu của Việt Minh phải ngoạm vào, chắc chắn là để gây ra những tổn thất đến mức có thể ngồi vào thương lượng trên thế mạnh... Nhạc điệu đã từng biết, phương án "khoảnh khắc cuối cùng , tháng 4-1917 ở Angiêri, là mục tiêu của biết bao lời tuyên bố quá tự tin vào thắng lợi đã đạt được, tiếp theo đó là bấy nhiêu bất hạnh”.

Bức thư của tham mưu trưởng bán lữ đoàn 13 gửi cho vợ trong tháng 3, cho thấy Va đô không nắm vững tin tức. Trên thực tế, đó là sự phát triển của tình hình Điện Biên Phủ. Ví dụ, bức thư đầu trong tháng nêu giả thiết là kinh nghiệm ở xứ Thái đang kết thúc và chẳng bao lâu nữa người ta sẽ chuẩn bị hành lý lên đường: "Nếu mọi việc suôn sẻ, Va đơ viết, chúng ta sẽ xuống lại vùng châu thổ cuối tháng 3 và ngày kết thúc chiến tranh sẽ không còn xa nữa" (ngày 2-3).
Một tiếng chuông khác bốn ngày sau: "Chúng ta có thể bị tấn công trước cuối tháng”.

Rastuin dành vài dòng cho những người mà anh ghét nhất, báo chí. "Hoạt động của Việt Minh hình như đang tăng lên, anh thú nhận với Pierét. Họ bắt đầu lại các cuộc bắn pháo như hồi anh mới đến. Nhưng chẳng có gì trầm trọng lắm. Chắc là báo chí có nói đến? Em tiếp tục tin họ một nửa thôi!" (ngày 12-3).

Cơn mưa giông đầu tiên đã ập xuống Điện Biên Phủ ngày 23-2 và Rastuin vội vã kể lại: "Sáng hôm đó tiếng mưa rào đã đánh thức anh dậy. Mưa không lâu, cảm ơn Chúa, nhưng cũng đủ để một dòng nước chảy vào hầm trú ẩn của anh. Anh cho đào một hố nước nhưng đây chỉ là ấn tượng đầu của những trò vui ngày hội đang chờ các anh".

Trung tá Lalăng cũng nghĩ đến gió mùa, ngày 4-3, anh cũng thổ lộ những ý nghĩ đó với Mari-Phrăngxoadơ: "Bọn anh bắt đầu lo ngại về nước. Tháng 3 trời mưa còn rất ít (hai đến ba ngày nhưng không phải từ sớm đến chiều). Đến tháng 4 sẽ nghiêm trọng hơn và bắt đầu từ tháng 5, sẽ ồ ạt. Không biết lúc đó bọn anh còn ở đây không”.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM