Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:38:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 141356 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #50 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2008, 10:11:39 am »

Trên Huy ghét 4, Rastuin muốn đùa vợ:

Các anh có những cuộc tiếp khách đến thăm, hôm trước anh nghĩ là một vị bộ trưởng đã đến. Bọn anh khoác cho ông ta một bộ trang phục chiến đấu và một cái mũ đi rừng. Đến thăm các quân nhân, ông đeo phù hiệu huân chương Bắc đẩu bội tinh: một trên áo sơ mi và một trên áo vét”.

Bác sĩ Vécđaghê hài hước chua chát hơn:

“Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm du lịch tuyệt vời của vùng Đông Nam Á. Ngày nào chúng tôi cũng đón các tướng lĩnh thuộc tất cả các quốc tịch, các nhà văn, nhà báo... Ông Graham Green đã dành cho chúng tôi vinh dự đến uống rượu khai vị cùng chúng tôi. Ngày chủ nhật, vô số các "chiến binh bàn giấy ở Hà Nội đến nghỉ cuối tuần với các đơn vị quân đội xuất sắc và anh dũng của Điện Biên Phủ, những người "anh hùng Điện Biên Phủ" như chúng tôi, với tinh thần khiêm tốn, đã đặt tên cho mình. Cùng một người bạn, chúng tôi nghiên cứu vấn đề thiết lập một quầy rượu - vũ trường - hộp đêm tại vị trí của chúng tôi với các bữa ăn theo phiếu và các cuộc tấn công của Việt Minh ngày cũng như đêm, tùy theo sở thích, cho các nhà du lịch người Ang lô Xắc xông thích những cảm giác mạnh". (Thư viết ngày 7-1).

Ba hôm sau, ông bác sĩ trở lại với vấn đề cốt lõi, nghĩa là chiến tranh: "Một trong các đội tuần tra của chúng ta rơi vào một ổ Việt Minh, cả hai bên đều có người bị thương... Đã hai giờ sáng rồi khi tôi gửi người thương binh cuối cùng đi, ấy thế mà chúng tôi lại có những người khách: một nhà báo Mỹ và một người Nhật!".

Ở Isaben, Lalăng đã ghi lại trong sổ:

“Tất cà các cuộc viếng thăm này của các vị bộ trưởng làm cho tôi nghĩ rằng vấn đề "chấm dứt chiến sự phải được hăng hái tranh luận ở Pháp và ở đây. Tôi không ngạc nhiên rằng cuộc chiến tranh này giờ đây không kéo dài hơn hai năm. Nhưng tôi không biết gì về vấn đề này! Tôi ở đây đã hơn một tháng rồi, phong cảnh đã có nhiều thay đổi với tất cả những việc phá bụi rậm này. Tôi là người cố gắng trồng trọt ở quê tôi, ở Brivơ, thì ở đây tôi lại biến thành người phá hoại". (ngày 11-2).

Là người công giáo chăm chỉ lễ bái, Lalăng thêm lời tái bút xúc động: "Nếu con có thế giúp đỡ công việc từ thiện của tu viện trưởng Pierơ về chỗ ở của những người thua thiệt, thì hãy làm đi".

Rastuin cũng vậy, tìm thấy niềm an ủi trong tôn giáo: "Tôi đã dự lễ ở sân bay ngay đằng trước nhà tôi. Vẫn là loại lễ thánh đó, những lễ thánh mà tôi yêu thích bởi vì chúng đã được thu gọn lại trong cái bản chất nhất, vì tôi chỉ cách linh mục có hai mét và đã thực sự tham gia". (ngày 15-2).

Một tuần lễ sau: "Buổi lễ vào 8 giờ. Có quá ít khách khứa. Cha tuyên úy có vẻ hơi chán ngán..." (ngày 21 tháng 2).

Bảy ngày nữa lại trôi qua: "Sáng nay, lễ thánh vào 8h30. Tôi đã đến dự. Ở đây tôi đã thành người sùng đạo và tôi thấy thoải mái. Khách dự lễ ít nhưng họ gần như đã bị thuyết phục".

Quốc vụ khanh phụ trách các nước liên kết Mắc Giắckê đã thăm Điện Biên Phủ vài ngày sau cuộc hành quân Hải li. Có Mô rít Đờ Giăng, tổng đại diện tháp tùng, ông trở lại Điện Biên Phủ ngày 26-1. Tướng Blăng, Tham mưu trưởng Lục quân cũng tham gia với họ và vài ngày sau, ông Plêven Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng trưởng Đờ Sơvinhê và các tướng lĩnh Éli và Phay cũng đáp máy bay hạ cánh ở Điện Biên Phủ. Sau khi thanh sát các công trình ở Gabrien, tướng Blăng, chưa quên những bài học 1914-1918, tuyên bố "ông không thấy gì ở Vécđoong có thể so sánh được'".

Câu nói đã được báo cáo, nhưng đã thoát khỏi bối cảnh và Chủ tịch Catơru đã xác nhận khi nghe đại tá Lalăng trình bày: "Những nhân vật này, theo cách mà họ đặt câu hỏi, ông có cảm thấy họ do dự là liệu có giữ vững được không?".

Trả lời câu hỏi khó hiểu đó, Lalăng khẳng định "ông ta chả nhận thấy gì như vậy ở Isaben. Các vị khách chỉ thảo luận một cách thân tình rất hẹp trong sở chỉ huy của đại tá Đờ Caxtơri. Họ rất bí mật khi họ đến với chúng tôi. Họ phô bày sự lạc quan của những nhân vật có chức trách trong hành trình công tác”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #51 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2008, 10:12:53 am »

Tuy nhiên, Lalăng vẫn có một nhận xét: "Tôi nghĩ rằng tướng Blăng không được phấn chấn lắm, nhưng ông ấy không có nhận xét gì đặc biệt".

Còn Caxtơri thì nghĩ gì?

- Ông Đờ Sơvinhê đã đến đó và ở lại 48 giờ, ông ngủ trong hầm trú ẩn của tôi. Mười ngày sau, ông trở lại cùng với ông Plêven, tướng Éli, tướng Blăng và nói với tôi: "Tôi hy vọng người ta sẽ đưa ông ra khỏi đây bởi vì ông là người tấn công nhiều hơn là người phòng ngự ... . Ông Plêven cho rằng các công sự và hệ thống phòng ngự là rất tốt và mọi người cũng vậy Người duy nhất tỏ ý nghi ngờ là tướng Blăng.

- Dưới hình thức nào? Chủ tịch Catơru hỏi.

- Ông mong rằng Việt Minh không tấn công. Nếu không, thì cảm giác của ông là chúng tôi sẽ không thoát ra được.

- Tướng Blăng chẳng đã nói là công sự của Gabrien cũng tốt như công sự ở Véc đoong?

- Vâng Không phải chỉ có ông ấy thưa tướng quân. Khá nhiều người, nhiều cựu chiến binh cũng đã nói.

- Vấn đề pháo binh có được nêu lên không?

- À có, nhất là ông ấy là người rất am hiểu pháo . . . Đó là một pháo thủ và ông ấy biết đại tá Pirốt. Trước mặt tôi, dầu thế nào đi nữa, ông không tỏ ý nghi ngờ và phê bình gì về hoạt động và sử dụng pháo binh, cũng không nói gì về sự triển khai sắp tới của pháo binh Việt Minh.


Tóm lại, tinh hoa của pháo binh Pháp đã lầm to! Báo cáo do tướng Blăng viết ngày 8-2 đã được Bộ trưởng Plêven đọc và bình luận hai ngày sau. Chúng ta nhớ lấy những điều kiện liên quan đến Điện Biên Phủ, ở đây, Blăng viết, quân đội "đóng trong một tập đoàn cứ điểm được tổ chức và tiếp tế rất đặc biệt, tuy nhiên chịu ảnh hưởng của những điều kiện thời tiết rất bấp bênh không lợi cho hoạt động của không quân. Mặt khác không có lấy một khả năng để thoát ra, toàn bộ lòng chảo nằm được dưới sự xiết chặt rất gần và liên tục của địch".

Blăng cho rằng Na va phải tự tạo ra những lực lượng dự bị và "lấy từ Điện Biên Phủ". Ông đưa ra lý lẽ chủ yếu là mùa mưa đang đến gần và vì tướng Giáp không ngừng chuẩn bị cuộc tấn công..., tại sao lại không giảm nhẹ lực lượng bố trí của GONO?

Bắt đầu từ ngày 15-4, Blăng tiên đoán, - Điện Biên Phủ sẽ là một đồng lầy (rừng bị chặt, đất đỏ, hầm hào bị sụt lở).
Chẳng còn gì là công sự dã chiến nữa, ở sở chỉ huy của mình, Caxtơri sẽ lội trong 40 cm nước; chẳng còn đường mòn nữa. Nếu không lo liệu ngay, chúng ta sẽ mất 6000 tấn trang bị vũ khí và có thể là các đơn vị nữa. Trước hai tháng - trước ngày 15-4 cần phải rút ra ít nhất sáu tiểu đoàn và 4000 tấn trang bị vũ khí. Việc tiếp tế hàng ngày là 120 tấn phải giảm bớt và rút gọn lại còn thực phẩm và các thứ ăn uống được và với chuyến về, bắt đầu việc bốc quân.

Blăng muốn rút khỏi Điện Biên Phủ? Dù thế nào đi nữa, những chỉ thị theo tinh thần này sẽ được truyền đạt cho Caxtơri. Blăng cho rằng một cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ chưa chắc sẽ xảy ra? Theo Caxtơri "đã có dự kiến là nếu Việt Minh không tấn công - đó là chỉ thị tháng 2 - tôi phải sắp xếp lại bố trí lực lượng, và đầu tiên, đưa thành 9 tiểu đoàn và sau đó là 6 tiểu đoàn được bố trí duy nhất trên các điểm cao của địa hình. Tổ chức này thực ra đã bắt đầu rồi ... Nhưng mùa mưa không cho phép tôi sống ở đó; tôi không biết giải quyết thương binh như thế nào ...”.

Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #52 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2008, 10:14:24 am »

Trong khi thăm Đông Dương, tướng Blăng quan sát thấy lính Đông Dương "không có ngọn lửa nhiệt tình nào làm cho họ phấn chấn lên. Tinh thần của họ bị tổn thương và sự vô ích của một số cuộc hành quân lặp lại nhiều lần ...". Ông nói thêm "sự gia tăng mạnh những tổn thất về người và trang bị vũ khí (nhất là do mìn) làm giảm bớt khả năng chiến đấu của họ". Báo cáo của ông mặt khác chứng minh rằng "Sự cân bằng lực lượng được duy trì với cái giá của các cuộc đụng độ ngày càng chết người" (Chú thích: Tháng 12-1952, trong một năm, đạo quân viễn chinh đã mất 1261 người, trong đó có 51 sĩ quan. Tháng 12-1953, cũng với thời gian đó: 1789 người trong đó có 83 sĩ quan (Biên bản của ủy ban quốc phòng ngày 11-3-1954).

Plêven lưu lại 21 ngày ở Đông Dương trước khi đi dự một cuộc hội thảo ở một trạm nghỉ mát miến Nam Việt Nam. Ở đó ông thảo một báo cáo mà ông đã đọc phần chủ yếu cho Đơ Giăng:

“Trong tổng thể, ông ta chắc là chưa nghe ý kiến của tướng Blăng, tỏ ý mừng là tình hình tốt đẹp và trong những tháng tới chúng ta không lo sẽ có thất bại nặng nề (nguyên văn). Hai trong số những người thăm muốn rằng Điện Biên Phủ sẽ không bị tấn công và một trong hai người đã có ý ám chỉ những điều bất lợi của một vị trí bị kẻ thù khống chế. Nhưng không người nào tỏ ý là vị trí đang ở trong tình thế nguy hiểm và phải rút đi”.

Cônhi luôn luôn đòi hỏi phải mở những cuộc trinh sát tiến công, nhưng trước những tổn thất và những kết quả mỏng manh, tham vọng của ông ta trở nên khiêm tốn hơn. Binh sĩ kiệt sức trong những cuộc đụng độ giá đắt và với cái tính nói năng thoải mái của mình, Lăng le nêu ra những nguyên nhân về các thất bại liên tiếp đó: "Việt Minh đã ở trong nhà của mình mỗi khi họ đã vượt qua chu vi các thửa ruộng và họ đã hoàn toàn tự do để bố trí trong một bán kính từ 5 đến 10 kilômét khuất khỏi con mắt quan sát pháo binh và pháo phòng không của họ từ mặt đất và trên không, mà sự hiện diện của nó thì ta đã biết".

Ngày 12-1 kẻ thù đã chứng minh lời nói của Lăng le. Ra đi trước khi trời sáng với tiểu đoàn 5 dù Việt Nam của Bôtenla, tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc phải kiểm tra một sự thâm nhập của địch ở tây nam Isaben. Máy bay "cào cào" không báo gì hết ngoài những làng mạc bị đốt cháy phô bày những xà nhà bị cháy đen giống như những bộ xương người đen trên thửa ruộng khô quánh. Đến 11 giờ, tiểu đoàn dù ngoại đi về phía bản Hoài Phúc, đại đội 2 của Brăngđông đi đầu gặp địch, viên đạn đầu tiên giật các địa bàn trong tay viên sĩ quan. Việt Minh tấn công, đại đội 3 của trung úy Mác tanh định yểm trợ đại đội 2 trong lúc Cabirô và đại đội 4 vòng vào sau lưng địch. Tổ liên lạc quan sát yêu cầu hỏa lực chi viện, máy bay khu trục đã được báo động.

“Bố trí làm dự bị, Nêne và tôi đang ăn khẩu phần của mình thì các đại đội đi đầu giao chiến, đại úy Vécghê viết. Bữa ăn của chúng tôi nhanh chóng kết thúc và đại đội nhận lệnh cơ động ra phía sườn để đối phó với một cuộc phản đột kích của địch. Nêne chỉ huy trong đội đi đầu, sau một cuộc chiến đấu ngắn, Việt Minh rút lui và dùng hỏa lực cối để yểm trợ rút lui. Một quả đạn làm thiếu úy Thibu bị thương, một quả đạn khác nổ giữa tôi và Nêne, mảnh đạn cắm vào người ông và giết chết lính lê dương Pittác. Chúng tôi nhảy tới Nêê nhưng ông trúng đạn vào cánh tay, vào ngực và vào gáy. Ông đã chết”.
Vécghê thêm vào đoạn cuối cùng: "Khi kể về trận chiến đấu cuối cùng này, tôi đã vi phạm những quân lệnh rất nghiêm ngặt, báo chí đã dùng những chuyện kể tương tự vào mục đích tuyên truyền trong quá khứ"
(Chú thích: Thư ngày 13-2-1954 của đại úy Vécghê gửi cho bố trung uý Nêne. Theo thiếu tá Ghirơ (thư ngày 28-l): "Thi thể Nêne đã được các lính lê dương của anh đưa chuyển về Hà Nội làm tang lễ ngày 14-1"... ).
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #53 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2008, 10:15:39 am »

Mắc Nêne, con thứ ba trong một gia đình sáu con, là sĩ quan đầu tiên của tiểu đoàn dù ngoại quốc bị giết trong "lòng chảo". Một chiếc trực thăng đưa người chết và người bị thương đi còn tiểu đoàn thì quay trở lui. Sau khi dừng lại ở bệnh xá ở Isaben để băng bó cho người bị thương, lại lên đường. Đến bản Cô Mỵ, lính Thái phục kích thay cho quân của GONO.
Một kilômét xa hơn, người của Ghirô bị rơi vào một ổ phục kích khác của Việt Minh. Họ bị bất ngờ vì tưởng phục kích lính Thái thì lại gặp một tiểu đoàn, họ liền nổ súng. Tưởng là có sự nhầm lẫn , lính lê dương do dự . . .

“Sau khi có xác nhận của rađiô, trung úy Rúc làm chứng, phải chấp nhận đó là Việt Minh. Vấn đề không phải ở chỗ số lượng của họ vì họ không nhiều, nhưng là vì gặp họ trong đêm tối. Lính bộ binh đã càn quét, những loạt súng như xé toang màn đêm nhưng tôi không tài nào hiểu được việc gì đã xảy ra. Phải lôi từng tên Việt Minh ra khỏi hố của nó. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng xít của lựu đạn và tôi kêu lên: "Chú ý, lựu đạn!" và nhoài người xuống phía thấp bên đường, ngã vào một lính lê dương đã nhào xuống nhanh hơn tôi. Không có gì che chắn, tôi cảm thấy bị chạm ở trán và ở mắt cá khi lựu đạn nổ. Trán tôi đầy máu, người y tá băng đầu cho tôi. Ở mắt cá nghiêm trọng hơn, tôi đi cà nhắc, người ta đưa tôi lên một con ngựa thu dung để đi nốt chặng đường”.

Sau khi Nêne chết, đại úy Viơnlơ, phó chỉ huy đã gửi trung úy Luyxiani đến chỗ Vécghê . Khi bị phục kích đêm, Luyxiani đi đầu đơn vị, bị một viên đạn vào lưng. Anh ta được cứu sống nhờ cái mũ mà anh mang. . . ở thắt lưng. Viên đạn chọc thủng mũ và vì chướng ngại đó đã đi chậm lại và dừng lại cách đầu xương đùi ba milimét. Kết quả cuộc xuất quân: năm người bị giết trong đó có Nêne và 33 bị thương trong đó có năm sĩ quan (Brăngđông, Luyxiani, Mác tanh, Rúc và Thibu). Người ta nói: một ngày đen tối.

Trung úy Rây nô tránh nói chuyện này với Gia nhin. Ngày 3-2, anh kể cho cô nghe rằng tiểu đoàn dù ngoại ăn mừng Noen trên đường mòn trở về từ Sốp Nao, một dịp để thư giãn lại đến: "Ngày hôm nay là lễ tết, ngày năm mới của Việt Nam. Vì các anh không được ăn Noen cũng không được mừng năm mới thì bây giờ các anh ăn tết này. Thật là một điều kỳ cục nhưng ăn tết như thế nào nếu không phải chỉ là cải thiện món ăn?”.

Ngày 26-1, Rây nô xác nhận anh có hơi gầy đi và nói thêm: "Những ngày này các anh được yên ổn chút ít. Không có gì vất vả quá. Có vẻ như sắp kết thúc ở hầu khắp mọi nơi và cái góc duy nhất có thể nguy hiểm vẫn là đây"

Ngày 4-3, anh để lộ sự chán nản của mình: "Cuộc sống vẫn luôn luôn như thế. Xuất quân, những cuộc đi dạo, điều đó đã chán ngấy. Đã gần bốn tháng ở đây rồi. Các anh muốn thay đổi không khí!”.

Đại úy Nicôla ở tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13 vẫn luôn phải leo lên Bêatơrít, điều đó không cản trở anh đi "trêu chọc Việt Minh":

“Khoảng hai lần mỗi tuần, anh viết trong sổ, tôi phải chỉ huy những toán lính tạp nham để tuần tiễu trong rừng nhô cao hơn vị trí chúng tôi. Không thể rút quân của Bêatơrít, vừa để duy trì khả năng đề kháng, vừa để hoàn thành việc lắp đặt trang bị vũ khí, nhưng còn phải xuất kích "dò đường quân địch" quanh chúng ta để đẩy quân địch ra xa. Giải pháp lại được lựa chọn là lấy các tốp của từng điểm tựa và tập hợp lại dưới sự chỉ huy của một sĩ quan duy nhất có nhiệm vụ chỉ huy một toán quân không thuần nhất để hoàn thành một nhiệm vụ thường được phản ánh bằng những tổn thất”.

Ngày 30-1 một đòn nặng ở Đôminíc, một người lính ở trạm quan sát của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri đến trước dây thép gai và báo cáo rằng Việt Minh lợi dụng mù buổi sáng đã bắt cóc trung sĩ Giăng Tardy và năm người Angiêri. Và không có một phát súng nào. Các tổn thất về vật chất đã làm cho đại úy Garăngđô phải gào lên: một khẩu súng có kính ngắm, năm tiểu liên MAT-49, 1 SCR-300 và một đôi ống nhòm.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #54 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2008, 02:55:58 pm »

Ngày 1-2, Lăng le tung ra một cuộc hành quân vào đông bắc Gabrien trong vùng rừng núi. Tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc mang theo một đơn vị của tiểu đoàn 8 xung kích. Tham gia cuộc xuất kích còn có một đơn vị của tiểu đoàn Thái của thiếu tá Sênen. Cuối cùng là một sáng tạo, GONO đưa ra đơn vị xe tăng "bò rừng Bidông" của đại úy Hécvuiét do trung đội của trung úy Đespe đại diện. Chi viện của pháo và tham chiến của các máy bay Bearcat của không quân, làm tất cả để cho địch phải thò ra ở địa hình trống trải, nhưng địch không làm như thế và không quên gây những tổn thất cho những lính Thái của Sênen bị mất sĩ quan đầu tiên của họ là trung úy Neglo.

Vào cuối thời gian lưu trú đầu tiên của tôi, sát ngay trước lúc rút khỏi Nà Sản - trung úy Lui Pagie nhớ lại - tôi đã chuyển đại đội 6 cho trung úy Negrơ (Chú thích: Sinh năm 1922 ở Strátsbua, Giăng Negrơ, nhập ngũ tháng 11-1944. Được chỉ định đi Đông Dương, lên tàu Skaobrin cuối 1952. Được bổ nhiệm vào tiểu đoàn Thái thứ 2 và không vận lên Điện Biên Phủ. Negrơ là sĩ quan đầu tiên của tiểu đoàn 2 Thái bị chết.). Khi tôi sang Đông Dương lần thứ hai, tôi nắm đại đội 8, thay vào vị trí của trung úy Spát. Negrơ vẫn ở đại đội 6. Ngày 1-2 anh rơi vào một ổ phục kích sau khi đã bị một cuộc bắn pháo. Hai ngày sau chúng tôi ra nhặt thi hài của người mình. Tôi đã tìm thấy thi thể của Negrơ. Cuộc bắn phá của pháo là nặng nề, còn những khúc tay chân, những mảnh thịt văng lên các bụi và cành cây. Chúng tôi đem thi hài Negrơ về mai táng”.

Ngày 6-2 vì có những cuộc hành quân đang diễn ra ở Lào, Điện Biên Phủ không còn được ưu tiên về chi viện của không quân và Cônhi báo trước cho GONO rằng cần tiết kiệm đạn dược bởi vì trong thời gian tám ngày GONO chỉ được bổ sung thực phẩm và nhiên liệu. Một cú gây xuất huyết não cho đại tá Đờ Caxtơri, ông ta trả lời: "ông không thể tổ chức một trinh sát tấn công nào trong thời gian đã nêu”. Cônhi không tán thành và bắn trả: "ông có thể và phải tiếp tục các hoạt động tấn công nhằm ngăn trở hoạt động của pháo binh Việt Minh".

Không nên cường điệu cái gì, các cuộc tiếp tế đạn dược không phải ở mức thấp nhất mà người ta không kêu đói (Chú thích: Đến ngày 10-2, GONO có 10 ngày lương thực chuẩn bị trước, năm cơ số đạn pháo 105 và cối 120 và năm cơ số đạn bộ binh.). Vẫn là ngày 6, Lăng le tung ba tiểu đoàn về phía đông bắc Bêatơrít: tiểu đoàn 8 xung kích của Turê, tiểu đoàn 2 Thái của Sênen và tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 lính Ma rốc của Nicôla. Các chiến xa "Bò rừng" do trung đội của trung sĩ nhất Gun đại diện. Họ nhận được mệnh lệnh lấy điểm cao 781, trận địa pháo của Việt Minh. Lính mang súng phun lửa và công binh mang chất nổ đi tiếp sau, Ghirô và tiểu đoàn dù ngoại ở lại làm bộ phận thu dung cùng với các xe tăng.

Lính Ma rốc giao chiến, đại đội của đại úy Gira chạm trán với một kẻ thù đang tìm cận chiến để tránh hỏa lực pháo Điện Biên Phủ. Thượng sĩ Pierông bị giết, năm lính bộ binh bản địa coi là mất tích, người ta đếm được 50 người bị thương trong đó có trung úy Galôpanh và đại úy Phátxi bị thương nặng không sống được. Đến 16 giờ cao điểm 781 vẫn không bị xâm phạm, các đơn vị được lệnh trở về. Ngày 9-2, tiểu đoàn 1, bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13 của thiếu tá Brinông và tiểu đoàn 1 , trung đoàn bộ binh ngoại quốc của thiếu tá Clêmăngxông đi với lính Ma rốc. Lần này không có "bò rừng" yểm trợ và lính Ma rốc vẫn giao chiến. Những đơn vị đi đầu thoạt tiên tưởng rằng đây là một sự nhầm lẫn, rằng họ đã chạm phải lính dù Việt Nam? Việt Minh đã lấy được những trang phục ngụy trang, có thể trong một lần nhảy dù nào đó, đủ cho cả một đại đội mặc. Sự việc được giải thích bằng tiểu liên và lựu đạn, diễn ra trong nửa giờ trước khi Việt Minh rút. Con số tổng kết ở cấp binh đoàn là có ý nghĩa: 93 người bị loại khỏi vòng chiến đấu trong đó có ba sĩ quan. Ở đơn vị lính Ma rốc: 7 người chết và 21 người bị thương trong đó có trung úy Đờ Laphoócờ và thiếu úy Rênhinê.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #55 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2008, 02:57:31 pm »

Trung úy Bruydigiơ, của tiểu đoàn 4 lính Ma rốc, ngày 11 viết thư cho em là Giắccô, học sinh trường thiếu sinh quân:

Anh vẫn chưa hiểu vì sao anh có thể hành quân trong 22 giờ trên núi và ít hơn nữa vì sao anh có thể đưa đại đội của mình trở về điểm xuất phát. Anh nhận được nhiệm vụ rút lui giữa đêm, ở hậu quân của tiểu đoàn, trong rừng và đi hàng một. Người ta cảm thấy Việt Minh đang đụng đậy khả nghi trong cỏ tranh, đằng sau, bên phải, bên trái. Thỉnh thoảng một loạt đạn xé bầu trời yên lặng ... Có một lúc anh tưởng rằng mình không bao giờ ra khỏi đây và chắc là chúng tưởng rằng các anh đông hơn, hoặc là kỷ luật hành quân của quân ta đã gây ấn tượng đối với chúng, anh không biết gì cả; chúng, anh không biết gì cả; phải chăng các anh đã trở về mà không đổ vỡ gì nghiêm trọng và anh rất hài lòng... Dĩ nhiên anh cấm em gửi thư này cho mẹ và về việc này nói với mẹ ít thôi”.

Ngày hôm trước, lính Angiêri ở Đôminíc đã được tiểu đoàn 2 Thái thay thế để xuất quân từ 5 giờ sáng cùng tiểu đoàn 8 xung kích và tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc. Tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 lính Angiêri của Garăngđô cùng tham gia cuộc tấn công cao điểm 871. Lính bộ binh bản xứ đã chiếm cao điểm 477 và cuộc chiến đấu tiến lên cao điểm 871 bắt đầu. Cách đỉnh 20 mét, đại đội 11 của trung úy Lensơ, được đại đội 9 của trung úy Mari và đại đội 12 của trung úy Philôđô yểm trợ, bắt đầu xung phong. Việt Minh phát huy hỏa lực, lính bản xứ phải rút lui trước làn đạn. Sự tiếp xúc quá gần đến nỗi trong 4 người bị giết, một người đầu tiên ngã quá gần một súng máy địch nên không lấy xác được. Trung úy bác sĩ Đờ Phayon nhận 16 người bị thương trong lúc rút lui tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri bị một hỏa lực dày đặc đã mất thêm 11 người - 2 người bị giết trong đó có hạ sĩ Béctơrăng và 9 người bị thương. Trong lúc lộn xộn, một đài thu phát SCR 300 đã bị mất. Cái thứ hai trong mười ngày.

Lính bộ binh bản xứ ở Gabrien đã có kinh nghiệm về kiểu hành quân tác chiến này, chẳng là họ đã từng bị thất bại trước cao điểm 633, ngọn đồi có rừng ở về phía bắc vị trí của họ. Dù có chi viện của máy bay khu trục và pháo binh, nhưng Việt Minh đã ngăn chặn bước tiến của họ. Những người bị thương của tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 Angiêri đã kể lại rằng họ nghe thấy tiếng nói "dưới chân họ" và họ đã "bị bắn trực diện" mà không nhìn thấy người bắn. Hai ngày sau, thiếu tá Méccơnem giải thích, sau một lần thử thứ hai, lần này thì đạt kết quả mỹ mãn:

Khi chúng tôi ở trên mục tiêu, đại úy Ca rê kể, đó là để nhận thấy rằng Việt Minh đã rời bỏ nó từ hôm trước. Việt Minh đã đào những hào chiến đấu rộng 30 cm trong rừng, phủ cành cây, đất và cỏ. Cách một mét thì không thấy gì, không có lấy một góc bắn nào. Qua một lỗ châu mai 5 cm, Việt Minh nhìn thấy kẻ tấn công đang đi đến, đúng lúc người này giẫm lên bờ hào; họ thấy người đó đầu tiên, không mất một viên đạn nào và vẫn trú ẩn được. Chẳng cần hàng rào dây thép gai, chỉ cần quân số mà quân số thì Việt Minh không thiếu".

Ở Isaben trong lúc đó, trung úy bác sĩ Pông phàn nàn vế tình trạng rỗi việc của anh:

Anh luôn luôn có ít bệnh nhân, anh tâm sự với vợ. Thiếu người bệnh thì anh chữa chạy cho chó. Bọn anh có một con chó con ốm, sáng hôm qua anh tiêm cho nó 500 đơn vị penicilin-strep-tomicine. Một giờ sau nó chết, những người phu đã chiếm lấy nó, chặt ra từng mảnh, cắt thành miếng và ăn không cần lôi thôi gì cả. Tất cả cây con vật đều là tốt, theo họ, nhưng họ ưa thích hơn hết đó là con chó mà họ làm cho nó thích nghi bằng mọi cách”.

Ở sân bay, Giắccô Rastuin đề cao cuộc tranh luận:

Tôi kề cà trong hầm trú ẩn nơi chúng tôi thảo luận những vấn đề liên quan đến quân đội và Đông Dương. Đó là một sự tiết lộ; phát hiện ra là mọi người đã khổ quá rồi, không chịu được nữa nhưng mọi người đã làm nghề của mình một cách trung thực, đứng đắn nhất, nói một cách khiêm tốn là đáng khâm phục. Rủi ro thay các nhà chính trị đã đến làm cho những nỗ lực đó không đem lại một kết quả gì”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #56 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2008, 02:59:26 pm »

Tại An nơ Mari, người cứu tinh Vécđaghê trồng một mảnh vườn bí mật mà chỉ vợ anh mới xứng đáng để anh chia sẻ:

Anh đã làm một chẩn đoán bệnh viêm màng óc có mủ cho một bé gái Thái 8 tuổi; anh đưa nó về chỗ anh và từ đó phấn đấu để cố gỡ việc khó khăn; cô bé vẫn luôn ở trong tình trạng hôn mê nhưng chiều nay hình như đã có một trạng thái khá hơn. Anh mong mỏi biết bao là nó được chữa khỏi! Anh đang mở rộng bệnh xá để làm cả một phòng cho bệnh nhân nằm". (ngày 17-2).

Bốn ngày sau: "Cháu bé mà anh đã nói với em đã sống, tình trạng của cháu đã khá hơn nhưng anh vẫn lo ngại còn để lại những di tật. Ngày hôm qua anh phát hiện một trường hợp có thể là bệnh dịch tả trong làng và anh đã tiêm chủng cho mọi người". Ngày 23 thật là một tai họa bất ngờ: "Cô cháu gái Thái của anh không chết vì bệnh viêm màng não nhưng anh không còn tự hào được nữa, cháu đã mất tiếng nói”.

Cùng ngày hôm đó, đại úy Pisơlanh viết cho bố:

Vẫn không có tin gì mới cho cuộc ra đi của chúng con. Không biết phải chết gí trong cái lỗ này đến bao giờ? Đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi rồi, nhất là về một thần kinh. Cá nhân con thân thể vẫn khỏe khoắn nhưng con ngủ kém, vì bận bịu trăm công ngàn chuyện, trách nhiệm nặng nề không thể lơ là. Mùa mưa sắp đến (khoảng gần một tháng nữa) và sẽ ngăn cản mọi cuộc hành quân lớn. Nước sông sẽ dâng lên rồi tràn bờ, vị trí của con sẽ ở dưới nước và sẽ phải trú ẩn trên những mỏm núi. Mong sao chúng con sẽ ra đi trước khi những điều đó xảy đến! Hãy để chỗ cho người khác, chúng con đã qua một thời gian ở đây rồi”.

Ở bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13, trung tá Gô sê cũng vậy, cũng có những tư tưởng rầu rĩ và trong một bức thư gửi vợ, một từ bất bình thường đã hiện diện ra dưới ngòi bút của ông, sự chán nản:

Từ vài hôm nay bọn anh đã thành những con người ít hấp dẫn... Từ khi những điều không hay xảy ra khắp nơi. Thế mà các anh đã làm một loạt cuộc hành quân mà các anh đã phải trả giá khá đắt. Anh không nói đến những cuộc bắn pháo thực ra đó là chuyện nhỏ thôi ... Phải thừa nhận công thức Na va đã không thành công hơn cái còn lại. Bọn anh đang ở trong một ngõ cụt. Việt Minh điều khiển trận đánh của họ, còn bọn anh thì chỉ ngồi chống đỡ. Bọn anh không thể sống một cuộc sống rất kỳ cục và sự mệt mỏi chán nản bắt đầu xâm chiếm mọi người". (ngày 12-2).

Ngày 15-2 Gô sê (Chú thích: Sinh năm 1905 ở Buốcgiơ, Giuyn Gô sê tốt nghiệp võ bị Xanh Xia năm 1929. Ở Điện Biên Phủ là thời kỳ thứ 3 lưu lại ở Đông Dương, trung tá Gô sê chỉ huy chiến đoàn cơ động GM9 nhưng trước hết ông là đoàn trưởng bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13.) muốn tự trấn an mình nhưng sự bất lực trong việc tác động đến sự kiện đã lộ ra: "Tình hình khá rối rắm nhưng không phải là trầm trọng. Người ta không biết rõ ràng lắm Việt Minh sẽ làm gì, chỉ thấy họ tấn công hầu như khắp mọi nơi”.

Ngày 18, từ "mệt mỏi” lại tái xuất hiện:

Ở đây thời gian vẫn trôi đi với sự mệt mỏi; sau khi nỗ lực cao rồi, các anh muốn được đền bù, nghĩa là muốn Việt Minh đến thử sức với bọn anh, nhưng hiện thời họ không có vẻ quyết định. Từ vài hôm nay, các anh tự nói với mình "có lẽ đêm nay đấy", tuy có vài cuộc chạm súng nhưng vẫn chẳng xảy ra điều gì”.

Là tác giả tương lai của một trận đánh mà tiền đề đã được vẽ ra ngày một rõ hơn, trung tá Lalăng phàn nàn với Mari Phrăngxoa về sự mòn mỏi của các sĩ quan:

Về mặt quân sự, việc các cán bộ phải được thử thách trong lửa đạn là một việc tốt nhưng mà phải lưu lại chiến trường hai có khi ba thời kì thì quá nặng nề, về thể xác cũng như về  tinh thần... Anh thấy những người thi hành không nhìn thấy phương hướng cửa tương lai và chừng nào những mục đích của cuộc chiến tranh cuối cùng càng rõ ràng thì cuộc chiến tranh càng khó hiểu". (ngày 10-2).
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #57 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2008, 03:00:52 pm »

Ngày 15-2, 6 đại đội của tiểu đoàn 8 xung kích và của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc ra đi từ sáng sớm với nhiệm vụ đánh chiếm điểm cao 674. Thiếu tá Pê gô của tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13 để lại đại đội 10 của đại úy Nicôla trên Bêatơrít và được tăng cường một đại đội hành quân của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 lính Angiêri, do trung úy Pécđuy chỉ huy. Pê gô đi cùng các đại đội Carie, Bơ đô và Plăngtơvanh. Tiểu đoàn dù ngoại quốc đi đầu, tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn 13 đi theo và tiểu đoàn 8 khép đuôi. Turê nhận được lệnh để đại đội 2 của Pisơlanh cho tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn 13 sử dụng, các đơn vị khác của tiểu đoàn 8 xung kích làm dự bị.

Trung úy Misen, ở tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn 13, hiểu rằng ngày chiến đấu hôm nay sẽ gay go vì ba hôm trước, cũng tại nơi này, anh đã chỉ huy hai cuộc xung phong liên tiếp để cho trung đội đi đầu có thể thu nhặt người chết và bị thương. Ngày 13, ngày sau trận đánh, anh viết thư cho Đơni: "Đỉnh cao của trò đùa, anh bị một mảnh nhỏ lựu đạn ở phía dưới cổ như một người giả điên làm rơi hai giọt máu... Mà anh hầu như chẳng cảm thấy gì. Để nói với em rằng một lần nữa Mẹ đồng trinh lại phù hộ anh vì nếu mảnh lựu đạn to hơn thì ...".

Êchiên Misen tin sắt đá vào sự phù hộ của Chúa, trong một bức thư đề ngày 30-12, anh toan tính thông báo sự tin tưởng vững chắc của mình cho vợ. Trung đội của anh nhận được lệnh giải thoát một đại đội bị kìm rất gần. Với sự hăng hái bẩm sinh của anh, Misen đã lập lại tình hình: "Trong gần mười phút - anh kể với Đơni, anh cảm thấy, sự phù hộ thực sự của Đức Mẹ đồng trinh...Anh tin chắc rằng sẽ không bao giờ xảy ra điều gì với anh cả, chúng ta sẽ thấy sự kết thúc của những chuyện này và chúng ta sắp về bên nhau”.

Ngày 15-2, đại đội 2 của tiểu đoàn 8 xung kích của Pisơlanh tấn công sườn để chiếm lấy điểm 561, đã hợp quân với đội lê dương ở điểm 674. Luồn qua cành lá, phát đường bằng dao phạt, binh sĩ leo lên ... Đến giữa dốc mọi người đợi nhau ở đó, những phát súng đầu tiên vang lên. Ẩn nấp dưới hố, Việt Minh bắn trực diện. Bắn trả, các loạt đạn, tiếng thét lựu đạn lăn trước khi nổ . . . Những người đầy máu me tìm trạm cấp cứu, những người khác được cầm tay, chân kéo ra. Dưới làn đạn lạc, trung úy bác sĩ Lơ đơ thuộc tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn 13 chỉ thấy những vết thương phải xử lý: moócphin, dolasal, băng bó, sơ tán. Và rồi lại tiếp tục lại: moócphin, dolasal, băng bó, sơ tán. Đi sát với điện đài, trung úy Plăngtơvanh được tin là phó chỉ huy của mình, trung úy Misen bị thương nặng. Đạn bắn dày đặc, các tổ súng phun lửa của trung sĩ Bruyséc buộc Việt Minh ra khỏi hố. Hai lính lê dương, kéo nhiều hơn là khiêng cái cáng có Misen nằm trên, xuống đồi và đi về phía trạm cấp cứu của tiểu đoàn 8 xung kích, ở đó trung úy bác sĩ Đờ Các pho cắt cái áo chiến đấu của viên sĩ quan để xem xét. Anh bị một viên đạn vào giữa ngực, việc cứu chữa trở nên vô ích, vết thương nặng đã giết anh (Chú thích: Sinh năm 1929 ở Grơnốp, Êchien Misen tốt nghiệp Xanh Xia năm 1949. . Tháng 9-1951, cưới Đơni Malachiê, có hai con trai. Được chỉ định đi Đông Dương, bổ nhiệm vào tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn 13 ngày 9-7. Trung úy ngày 1- 10 đến Điện Biên Phủ cùng tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc thứ 13, bổ nhiệm về Bêatơrít rồi thành sĩ quan đầu tiên bị chết ở đó.).

Trên điểm 561, đại đội Pisơlanh định leo lên từ sườn nhưng bị nhiều làn đạn bắn tới nên phải dừng lại đột ngột. Bằng điện đài, tiểu đoàn 8 xung kích được báo động và chạy đến, nhưng vẫn phải kiên nhẫn chờ pháo binh tham chiến. Tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn 13 không tiến lên được và Pisơlanh bị đòn mà không thể đánh trả. Trong thư viết ngày 23-2 gửi cho bố, anh kể lại cuộc thử thách đó:

Nhiệm vụ không cho con thấy cái gì là có giá trị cả; địa hình thì không thuận lợi; điều đó không thiếu khi xảy ra! Cách đỉnh vài chục mét, giữa rừng, Việt Minh nổ súng. Con ra lệnh xung phong (không còn cách gì khác để làm), chúng bắn chết 2 người và 14 người bị thương. Con lùi lại một chút và bắt đầu chạy thoát ở khoảng cách 15m. Việc đó kéo dài 7 tiếng đồng hồ và thêm ba người bị thương. Một mặt con buộc phải giữ cự ly gần, mặt khác lại ở quá xa quân bạn, không bắt đầu sơ tán người bị thương được, trong đó có những người bị thương nặng. Con đã trải qua những giờ phút tồi tệ. Sau khoảng năm tiếng đồng hồ, con đã gặp anh em và tất cả những người bị thương được đưa đi trong những điều kiện tốt. Nhưng con không bám chắc được chỏm núi mà Việt Minh đang có mặt trong hầm hố. Sau đó, một hai đại đội khác cũng phải từ bỏ. Bọn họ không đông nhưng lại ở vị trí cao hơn cho nên con chẳng làm gì được ngoài cách ngắm bắn trực tiếp. Và cũng chẳng bắn pháo, bắn cối được vì quá gần nhau”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #58 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2008, 03:02:25 pm »

Ngày 16, Ghinô nhận lệnh chiếm điểm 561 từ phía tây bắc, tiểu đoàn 8 xung kích tấn công từ phía tây nam. Về điểm 781 sẽ nói sau. Lăng le cho xử lý chỏm núi. Một cuộc pháo hỏa mãnh liệt, tiếp theo là một cuộc ném bom hiệu quả đã biến đỉnh núi thành một địa hình hỗn độn phức tạp. Cabirô và đại đội 4, theo sau là đại đội 3 của "Lu lu" Mác tanh chiếm đánh vào 16h15 mà "không cần bắn một phát đạn". Xác một lính dù của tiểu đoàn 8 xung kích (hạ sĩ nhất Klanh) ngã xuống hôm qua được chuyển giao cho hai đại đội của Turê đến chiếm lĩnh mục tiêu. Chịu bao nhiêu khổ đau ngày hôm qua, Pisơlanh tiếc rằng đã không phải là người đầu tiên giẫm lên mảnh đất biến thành vôi của điểm 561.

Thi hành lệnh của Lăng le, một đơn vị của tiểu đoàn 8 làm hậu vệ. Vị trí này không vững chắc lắm nhưng đại úy Đờ Xalan làm nhiệm vụ này có một bó cỏ khô bí mật. Trái với chỉ thị của Turê, ông ta mang theo một khẩu cối 60.

Ông viết: “Cứ 300m tôi lại cho đặt một hàng rào mìn cá nhân trên con đường mà Việt Minh sẽ sử dụng để đuổi theo chúng tôi. Đằng sau hàng rào mìn thứ hai, thượng sĩ Bô sê chờ đợi với khẩu cối. Khi nghe tiếng mìn nổ ở hàng rào trước, tôi ra lệnh cho Bô sê bắn một loạt vào quân Việt Minh trước khi rời đi và lại đón chúng tôi ở hàng rào mìn tiếp theo. Giữ địch ở một cự li như vậy chúng tôi đã rút lui an toàn”.

Lăng le thừa nhận rằng "bộ binh của Việt Minh đã tỏ ra có những đức tính nổi tiếng và chiến đấu với một tinh thần hăng say ngoan cường chưa từng thấy... Kẻ thù luôn luôn chủ động khai hỏa ở cự li ngắn và lập tức đánh giáp lá cà".

Ngay cả Caxtơri cũng chịu khuất phục trước một sự thật phũ phàng: "Bộ binh Việt Minh đã trở nên rất hùng mạnh. Tôi xem đó là bộ binh hùng mạnh nhất mà tôi chưa hề thấy. Bộ binh Việt Minh còn giỏi hơn bộ binh Đức". (nguyên văn)".

Ngày 1-3, thiếu tá Xuđơra của tiểu đoàn công binh 31 kết thúc nhiệm kỳ chỉ huy, người thay thế được chỉ định đi trong chuyến máy bay sắp tới. Việc được thông báo, Caxtơri phản đối: những công trình lớn ở Điện Biên Phủ, đường mòn, cầu, (Chú thích: Thiếu tá Xuđơra sợ cái cầu gỗ cổ xưa có thể bị nước lũ cuốn từ đó nảy ra ý nghĩ làm cái cầu mới. Kéo hai bờ lại gần nhau bằng đập đất, mổ biên làm cốt trong đất đắp đó. Chiều dài được thu lại còn 36m. Cầu Bai lây nối tới tỉnh lộ 41, một đường nối chạy qua nghĩa trang Thái, chạy dọc các cứ điểm D, ở đây Xuđơra có ý định đào những ngóc ngách của một sở chỉ huy tương lai nằm ngoài khu ngập đất.) hầm trú ẩn cho các trạm quân y chỉ huy sở, tất cả đều được thực hiện dưới sự chỉ huy của Xuđơra và ông ấy không muốn thả Xuđơra ra. Khi thiếu tá Môríts Đuyriơ vừa từ trên chiếc Đacôta bước xuống, thật đúng như là Caxtơri muốn, ông buộc phải lên lại máy bay: "ông, tôi đã biết ông - Tư lệnh GONO nói với Xuđơra - vậy thì tôi giữ ông lại”.

Người ta tìm được một thỏa thuận: Đuyriơ chỉ huy tiểu đoàn 31 công binh và Xuđơra chỉ huy công binh của GONO.

Cônhi cho biết rằng ông không thể bù đắp các tổn thất nữa, vì thế các cuộc hành quân tác chiến sẽ thay đổi nhịp độ. Phải hạn chế các cuộc xuất quân thành những "cuộc trinh sát nhẹ”. Nhưng cao điểm 781 luôn ám ảnh Caxtơri~ Ngày 3- 3, một cuộc hành quân mới đã được quyết định. Hai đại dội của tiểu đoàn dù ngoại quốc (Lơcốc và Mác tanh) đi theo các xe tăng của trung đội Gun với nhiệm vụ bắn pháo 75 vào các "tổ chức của Việt Minh trên điểm 781", sau một cuộc oanh kích. Việt Minh đánh trả bằng cối, cuộc giao chiến được hạn chế bằng đấu hỏa lực và mọi người rút, xe tăng làm hậu vệ. Đó là một cuộc bắn đạn giả ư? Hai ngày sau, ngày 5, các lực lượng của Lăng le đã được tăng cường và cuộc trinh sát điểm 781 phải kết thúc bằng việc phá hủy các vị trí mà Việt Minh đã chống đỡ được các cuộc bắn phá của máy bay và xe tăng. Thiếu tá Xơghanh Pagít chỉ huy chiến đoàn gồm tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc và các trung đội xe tăng Đỏ và Xanh, trung đội Xanh đến từ Isaben. Tiểu đoàn 8 xung kích sẽ tham chiến nếu tình hình trở nên gay cấn.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #59 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2008, 03:03:12 pm »

Trước 10 giờ, một căn cứ hỏa lực đã được đưa vào vị trí cùng các xe tăng Shafee, đại đội Mác tanh chiếm làng hầm hố trên điểm cao 477 và đại đội 4 của đại úy Cabirô trèo lên sườn của cao điểm 781 sau một cuộc cấp tập hỏa lực pháo cao độ. Các đại đội khác sẽ leo lên nếu Cabirô gặp khó khăn. Một trận mưa thép tàn phá đỉnh núi và Cabirô nhớ lại chiến trường Italia, hồi đó ông còn là hạ sĩ thuộc trung đoàn 4 lính Ma rốc, lần đầu tiên ông nghe tiếng nổ từ chính những quả đạn pháo của mình. Trung đội Béctơrăng lên tới một đèo nhỏ sừng sững ở phía trên cao điểm 781, một quả lựu đạn làm trung sĩ nhất bị thương. Lính lê dương hô truyền "lựu đạn gài?". Đẩy lên trước, Béctơrăng chiếm lợi thế về địa hình và Cabirô được báo bằng điện đài là pháo 155 sẽ vươn dài tầm bắn. Các máy bay Bearcat quay lại đỉnh núi lần nữa. Tuy nhiên, khi Việt Minh khai hỏa, trong cách phản ứng của họ chẳng thấy họ "bị đòn loạng choạng" chút nào cả. Thiếu úy Boabuviê ra lệnh xung phong về phía trái. Béctơrăng kéo theo các lính lê dương của mình còn đại diện trung đội yểm trợ của thượng sĩ nhất Bêre xả đạn vào những bóng người không rõ ràng. Cả Cabirô nữa, với tiểu đội của trung sĩ nhất Ximông và trung đội của thượng sĩ Mác tanh, tiếp cận đỉnh núi: điểm 781 đã ở trong tầm tay.

Trong cảnh tượng đất bị nghiền xới và cành cây gãy ngổn ngang, khói quyện với bụi, cuộc xung phong vẫn tiến triển nhưng hỏa lực địch vẫn rất dày đặc. Cabirô cảm thấy "một vết bỏng đau nhói” và ngã xuống; chân phải của ông như bị dập nát đoạn giữa đầu gối và mắt cá, chỉ còn dính nhau bằng những mảnh thịt và xương. Dùng điện đài, ông cố gắng giao quyền chỉ huy cho Béctơrăng và trong khi cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục, ông để cho binh sĩ mang ông ra phía sau trên một võng lưới ngụy trang; ông bất tỉnh khi Rông đi, một bác sĩ của tiểu đoàn, cắt cái quần của ông trước mắt Ghirô. Cùng một ý nghĩ (đại đội pháo đi cùng tiểu đoàn đi đứt rồi). Cả hai người phát hiện ra vết thương kinh khủng từ cái nhìn rụng rời! (Chú thích: Về Hà Nội, Bécna Cabirô gặp lại ở bệnh viện các sĩ quan của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc bị thương trong các cuộc hành quân trước. Các bác sĩ bệnh viện Lanétxăng làm những điều kỳ diệu và cứu được cái chân của Cabirô.) 

Béctơrăng có thể đã bám trụ ở điểm 781 và quân địch đã rút, Ghirô báo cáo với Xơganh Pazít, được ông trả lời với hai từ "Trở về?". Đại đội 4 có 3 người chết và 28 người bị thương tính cả Cabirô và Boabuviê, thiếu úy này không chịu sơ tán với lý do "chỉ bị thương nhẹ như bị đứt dao cạo". Tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc có chiếm được 781 không? Viết thư cho bố mẹ hai ngày sau, Béctơrăng chỉ nhấn mạnh đến tính chất ác liệt của cuộc đụng độ : "Có thể bố mẹ đã nghe nói về trận đánh điểm cao 781. Đó chính là đại đội của con và một lần nữa con là sĩ quan duy nhất đã thoát khỏi. Con chưa bao giờ thấy cả một trận đánh của những người khổng lồ, một địa ngục. Đại đội ốm yếu lắm nhưng không bạc nhược? Như thế tốt hơn, con hơi bị xúc phạm... “.

Cứ để cho Béctơrăng thú nhận là bị xúc phạm! Trong báo cáo Lăng le còn dè dặt hơn: "Chỉ một cuộc hành quân từ 15 đến 16-2 với ba tiểu đoàn đến cao điểm 561 là thành công (đạt mục tiêu) nhưng phải đánh giáp lá cà. Còn các cuộc trinh sát khác mục tiêu không đạt. Ngày 5-3 nữa, đến cao điểm 781, tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc đã bị đánh lui với những tổn thất".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM