Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:35:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 141354 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #220 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2008, 09:01:39 pm »

Nếu không quân không đạt được kết quả tốt, nhất là trên những con đường mà các đoàn xe Việt Minh đã đi từ biên giới Trung Quốc, theo Bruynê một phần là vì thiếu trang thiết bị. Ông nói, "không những cần có nhiều B26 hơn mà một khí cụ ở tầm cỡ lớn gấp hai hoặc ba lần. Máy bay ném bom hạng nặng và bom cỡ rất lớn là một nhu cầu cần thiết trước Điện Biên Phủ”.

Ngày 26-4 là ngày đen tối nhất đối với các B26 hoạt động ở giới hạn của tập đoàn cứ điểm. Vào buổi sáng hôm đó, chiếc máy bay do trung úy Itơnây lái đã trúng đạn cao xạ và Itơnây đã cho máy bay rút khỏi: đại úy Rigan và trung sĩ Bugiêia nhảy sau phi công nhưng chiếc B26 đã rơi xuống đất trước khi trung úy Tharô, người hoa tiêu, kịp nhảy vào khoảng không. Ba người thoát nạn đều bị Việt Minh bắt. Cùng ngày, lúc 19 giờ, chiếc B26 do trung úy Côben lái cũng bị trúng đạn cao xạ. Côben, trung úy Bô gia và trung sĩ Tếcxiê nhảy dù nhưng không tập hợp lại được. Tếcxiê lang thang 10 ngày trong rừng rậm trước khi sắp chết đói, được người Thái tìm thấy và giao cho Việt Minh.

Caxtơri có những điều phiền muộn với cán bộ không quân của mình, tướng Đờsô. Sự bất đồng của họ bắt nguồn từ vấn đề nan giải mà cao xạ Việt Minh gây ra và pháo binh Điện Biên Phủ không làm câm họng họ được. Vì vậy Cônhi đã ra lệnh cho Đờsô, ngoài những nhiệm vụ thông thường, phải bảo đảm cho việc phản pháo, việc này không làm cho đoàn phi hành phấn khởi. Cự ly, điều kiện khí tượng, những khó khăn trong việc tìm mục tiêu, bao nhiêu là điều bất lợi phải vượt qua. Ở đoàn không quân chiến thuật phía bắc, người ta cũng đặt ra những vấn đề về triết lý chỉ huy. Mục tiêu ưu tiên là gì: các cuộc thả dù, tấn công vào lực lượng phòng không hay là chi viện mặt đất "ở cự ly gần nhất"? Điện Biên Phủ không thể sống nếu không có thả dù, vậy thì thả dù là ưu tiên, nhưng nếu phòng không đe dọa bắn rơi máy bay, thì nó lại trở thành ưu tiên. Và phải làm gì khi bộ binh kêu cứu vì có nguy cơ Việt Minh tràn vào hào chiến đấu của họ?

Khi các B26 cất cánh từ Cát Bi, mang bom cỡ hàng ngàn pao mà họ phải ném xuống một trận địa pháo cao xạ đã định vị từ hôm trước, GONO liệu có thể bảo họ thôi nhiệm vụ này để đòi họ phải chi viện trực tiếp cho các chiến binh đang gặp khó khăn ở các cứ điểm Êlian hoặc các Clôđin? Vấn đề gai góc đã làm nảy sinh sự bất đồng về chỉ huy mà Đờsô giải thích bằng sự việc là GONO bị pháo binh của tướng Giáp quật nhào, từ nay thành mù, chỉ cung cấp được cho Hà Nội những thông tin không đầy đủ.

Đờsô:

Rốt cuộc, những tin tức đến từ GONO là không chắc chắn, người ta chẳng thấy gì hơn, những mẫu người ở lòng chảo chẳng thấy gì hết, họ chẳng hiểu người ta nói gì với họ qua những bức ảnh chụp từ trên không chẳng hạn. Họ chẳng biết gì về hệ thống đường hào rất lớn, họ không thể nhìn thấy nó, họ ở trong các hố của họ. Vào lúc đó, ảnh trở thành nhân tố quan trọng về mặt tình báo. Ảnh được chụp vào buổi chiều, từ 13 đến 14 giờ, do thời tiết, được đưa về Hải Phòng nếu là B26 chụp, về Bạch Mai nếu là máy bay Siebel, khai thác và in trong đêm, rồi chuyển cho phòng chi viện của không quân lúc 5 giờ sáng”.

Một máy bay, thường là một chiếc Bearcat, cất cánh bay đến tập đoàn cứ điểm để bay là xuống thả giấy tờ hành chính, thư từ và những bức ảnh quý báu. Hiểu biết tốt địa hình và các công sự hầm hố vì đã qua nhiều tháng sống ở Điên Biên Phủ, đại úy Payăng và trung sĩ nhất Xômốp, cả hai thuộc phi đoàn khu trục Xanh tông, đã nhiều lần thực hiện nhiệm vụ này:

Theo ý tôi, Payăng thừa nhận, chúng tôi trở về được là nhờ các động cơ khỏe như động cơ Pratt và Whiney, công suất 3400 mã lực của các máy bay Bearcat, cho phép dùng toàn bộ công suất bay lên độ cao 17000 piê theo chiều thẳng đứng. Ở (...) Hà Nội, các máy bay của chúng tôi phải vào xưởng. Có ngày phát hiện được 30 điểm chạm đạn trên máy bay của tôi”.

Caxtơri nhận xét rằng hai phần ba hỏa lực từ trên không phụ thuộc ở Hà Nội và một phần ba còn lại phụ thuộc ông, điều đó không ngăn cản ông đòi hỏi thêm, tùy thuộc ở chỗ trận đánh trên mặt đất đã tàn lụi hay bùng cháy trở lại. Ông có hài lòng không? "Tôi đã đạt được với những giới hạn nào đó, ông nói, bởi vì các máy bay đi ném bom vào các khẩu đội pháo, không thể sử dụng để chi viện cho người của tôi. Không phải lúc nào cũng kết hợp được...”.

Khi người ta trách ông đã khước từ máy bay làm nhiệm vụ của họ cho đến lúc kết thúc chiến dịch, ông phản ứng: "à, không phải là đến lúc kết thúc! Mà là khước từ họ làm nhiệm vụ ngay từ đầu, đúng như vậy; chúng tôi yêu cầu họ làm, nhưng tôi nhanh chóng nhận được lệnh thôi không làm nữa".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #221 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2008, 09:03:15 pm »

Đại diện không quân ở ủy ban điều tra, tướng Valanh cau mày:

- Và lúc ấy ông không làm nữa?

- Thực tế là không. Trừ khi... Thường thường, chính những người ở trên không nói: "Tôi không tìm thấy mục tiêu, ông có muốn tôi làm việc này hoặc việc kia không?. Chúng tôi ngừng khước từ không quân làm nhiệm vụ đúng vào lúc mà việc phản pháo ở chỗ chúng tôi, không có hiệu lực, đã được Hà Nội đảm nhiệm
”. (Chú thích: Đại tá Lăng le lúc đầu khẳng định rằng máy bay "không bao giờ bị khước từ" rồi ông lại tự cho là "gần như chắc chắn rằng không bao giờ khước từ các máy bay được Hà Nội giao nhiệm vụ". Cuối cùng ông loại bỏ vấn đề và viết rằng: "nếu có khước từ thì người chịu trách nhiệm chính sẽ là người chỉ huy đơn vị không quân, khi nhận được nhiệm vụ từ đoàn không quân chiến thuật, không được quên rằng ông ta không còn phải nhận những lệnh khác nữa dẫu là của ai (Lưu trữ của ủy ban điều tra).)

Việc GONO khước từ máy bay làm nhiệm vụ tuy vậy đã kéo dài lâu hơn điều Caxtơri khẳng định bởi vì ngày 4-5, ba ngày trước khi kết thúc chiến sự, Cônhi gửi cho ông một bức điện mà ngôn từ được cân nhắc kỹ lưỡng: "Nhiệm vụ không quân phản pháo thường bị ông khước từ vì ông quan tâm mục tiêu khác. Ông là người duy nhất quyết định sự ưu tiên và tôi tin chắc rằng những biện pháp như vậy sẽ được quyết định một cách có ý thức. Tuy nhiên lưu ý ông về việc mất hiệu quả của bom đặc biệt dùng để phản pháo

Trước ủy ban điều tra, Đờsô đặt một dấu giáng cho sự bất đồng và phát hiện rằng Cônhi đã có một lời hứa danh dự với Caxtơri:

Ông chỉ có quyền khước từ, cứ cho là 20% đi, tôi không nhớ nữa, - cuối cùng ông ta cũng cho Đờ Caxtơri một tỷ lệ phần trăm. Tôi chấp nhận quan điểm này để cho tư lệnh GONO có được những phương tiện dự bị, bởi vì những phương tiện đó đang ở trên đường bay và cũng là để dành quyền cho các máy bay chúng tôi được thực hiện nghiêm chỉnh những nhiệm vụ đã chuẩn bị. Nhưng việc đó không kéo dài. Việc đó được tôn trọng trong vài ngày rồi mọi người lại làm việc chi viện trực tiếp”.

Caxtơri khẳng định rằng những cuộc bàn cãi duy nhất giữa ông và Đờsô là "tôi muốn người ta chi viện tôi ở cự li gần nhất. Vậy đó là vấn đề cự li an toàn, thế thôi”.

Ông đòi hỏi máy bay phải thả bom trước chiến tuyến của quân bạn, ở giới hạn - hàng rào dây kẽm gai đầu tiên, đồng thời vẫn giữ một cự ly an toàn có thể chấp nhận được. Không dễ dàng gì. Vả lại, Đờ Caxtơri không biết rằng khí tượng của thung lũng sông Nậm Rốm có những đặc thù mà chẳng ai thông báo cho ông:

Tôi không biết rằng vào thời kỳ này của năm, trên đầu lòng chảo 300 hoặc 400 mét, có một loại mù... không thực sự là mù... người ta nhìn rõ về phía trên nhưng không phải từ cao xuống thấp... cuối cùng không còn mục tiêu nhìn được. Các máy bay khu trục - ném bom không nhìn thấy gì cả...”

Đặt lại trong khung cảnh của nó, việc chi viện gần nhất là một nhiệm vụ nhạy cảm bởi vì máy bay cần biết chính xác phải đặt bom vào đâu, đồng thời phải cố tránh súng phòng không. Nếu là một chiếc B26 mang bom 1.000 pao phải bãi bỏ nhiệm vụ ban đầu của nó để chi viện một điểm tựa bị tấn công, bom đạn của nó giỏi lắm cũng chỉ trúng được một tá lính bộ binh Việt Minh. Dùng búa máy để giết muỗi? Và nếu đó lại là máy bay Corsair hay là một chiếc Privateer mang bom 2.000 pao, thì thật lãng phí. Và phải đương đầu với bao nhiêu rủi ro. Ban đêm, đối với những phi công thiếu độ nhìn rõ, việc chi viện ở mặt đất trở thành cơn ác mộng.

Khi một cuộc tấn công vào một điểm tựa quân bạn được tuyên bố, Bruynê giải thích, toàn bộ đội hình chiến đấu của Việt Minh sẽ bám vào điểm tựa đó, cách 50 đến 100 mét. Khi nhìn thấy trọng liên 12,7 li bắn, người ta có cảm giác đó là súng của quân ta. Thường thường chúng tôi phải tự làm rõ. Chi viện trực tiếp chỉ thực hiện được khi một người nào đó giơ ngón tay chỉ nơi phải đến”.

Ban ngày dùng đạn hỏa mù, ban đêm dùng đạn phốt pho, các pháo thủ của trung tá Vayăng phải "giơ ngón tay chỉ những điểm bị đe dọa để máy bay tấn công bằng bom phía trước các điểm đó”. Cái "nút" của vấn đề là pháo binh của GONO không có khả năng để thực hiện bằng cách chỉ mục tiêu như thế. Bị mù, bị thương, bị cắt cụt một phần các phương tiện, những pháo đội thoát khỏi sự tiêu diệt chỉ còn lại không quá vài khẩu để thực hiện các cuộc bắn ngăn chặn mà đối với bộ binh là đồng nghĩa với sống sót.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #222 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2008, 09:04:24 pm »

Đại tá Lalăng nói không úp mở rằng các phi công tự ý hành động chẳng hỏi ý kiến ai:

Không bao giờ có thể phối hợp các hoạt động đất - không. Isaben tự hạn chế trong việc thông báo những mục tiêu được xử lý trong những thời hạn không được biết hoặc, thông thường, không được xử lý. Ngược lại, không phải là hiếm phải dự vào những cuộc oanh tạc trong những khu vực mà các đội tuần tra của ta đi lại nhưng không phát hiện được sự thâm nhập nào của Việt Minh”.

Lalăng phàn nàn về sự tiếp tế bằng đường không. Theo ông ta, không một hoạt động hỗn hợp nào được tổ chức giữa máy bay chiến đấu và máy bay vận tải: "Không thể chấp nhận được, thậm chí đó là tội ác, khi thả dù đạn 105 vào tay địch với lý do duy nhất là phải tuân theo thời gian biểu. Không phải là hiếm trường hợp để xảy ra những sự cố như vậy trong đó, người chịu trách nhiệm đã được lệnh ngừng thả dù nhưng đã dứt khoát không tuân lệnh”.

Một chủ đề khác để bất bình là hệ thống mở dù chậm cho những kiện hàng thả ở độ cao lớn. Nếu dù mở tức thì, khó mà thu thập hàng và nếu cơ cấu ngắt đóng hoạt động, nhưng các tấm nhỏ để giữ dù không mở ra thì hàng sẽ rơi xuống mà dù không mở. Các két đạn 105 và 75 của xe tăng chiếm một tỉ lệ cao nhất về tình trạng dù không mở.

Trong những lần thả mà dù không mở, các bao gạo được thu thập chiếm 90%; các lương thực, thực phẩm thời chiến chiếm 60 đến 80%, đạn cối 30 đến 60%. Chỉ có các bác sĩ ở Idaben là hài lòng: các kiện thuốc men đến tay họ an toàn, nguyên vẹn. Lalăng phải vất vả nhiều để những biện pháp đề phòng được thi hành khi thả dù, nhưng người ta không nghe ông.

Mỗi lần phi công tự miễn tiếp xúc trên rađiô, kết quả thật là thảm hại (trường hợp những máy bay thả dù cách vị trí đến một hoặc hai kilômét và chỉ tiếp xúc trên rađiô để nói một câu: "Nhiệm vụ hoàn thành"). Trong trường hợp đó, tỷ lệ mất mát chưa bao giờ thấp hơn 50% và thường thường là 100%

Những cuộc thả dù do máy bay Packét thực hiện - 6 tấn chỉ trong một vòng bay qua - đều đáng hài lòng - trừ tuần lễ “đầu của tháng 5, lúc đó bốn trên sáu chiếc Packét đã trút hàng xuống cách đến 2 kilômét về phía đông bắc của vị trí". Ở Điện Biên Phủ, tổng số mất mát ghi được trong các cuộc thả dù ở độ cao lớn là khoảng 30 phần trăm. 3500 phát đạn 105 và 1500 phát đạn cối 120 đã rơi vào tay Việt Minh. Đạn dược mà những người dân phu không phải mang đến theo những đường mòn từ biên giới Trung Hoa.

Cho đến lúc này các máy bay C119 Packét được miễn trừ và nếu nhiều chiếc trong số này đã trở về với những vết va chạm của mảnh đạn thì nói chung tất cả các máy bay này đều đã về được căn cứ. Một sĩ quan trẻ được bổ dụng làm chỉ huy thả dù trên máy bay Packét phổ biến kinh nghiệm xương máu của anh là một thống kê bao giờ cũng có thể biến đổi. Là học viên Xanh Xia tốt nghiệp khóa Thống chế Đờ Lattơrơ, thiếu úy Áclô đến Đông Dương ngày 25-4 và được bổ dụng về đại đội 6 tiếp tế hàng không đóng ở Tân Sơn Nhất, phi cảng Sài Gòn. Ngày 3-5, anh được phái đến Cát Bi và hai ngày sau anh làm quen với các phi hành đoàn Mỹ "hổ bay" của Sennô và với họ, anh không phải chờ đến 24 giờ để nhận nhiệm vụ đầu tiên. Ngày 6-5, tên anh được ghi lên bảng cho một phi vụ trên Điện Biên Phủ. Giêm Mắc Gavơn, 32 tuổi, và người phó là Uơlít Bắpphớt, 29 tuổi, lái máy bay, còn ba người thả dù thì dưới chỉ huy của Áclô: hạ sĩ nhất Batay, hạ sĩ Rescuriô và anh lính Mútxa. Họ thả 6 tấn đạn xuống Isaben.

Mắc Gavơn khoe rằng đã bắn rơi 9 máy bay khu trục Nhật Bản trong thế chiến gần đây. Rồi đến lượt máy bay của anh ta cũng bị bắn rơi, anh ta nhảy dù và rơi vào tay những người cộng sản Trung Quốc. Ở Cát Bi, người ta bàn tán rằng người của Mao thả anh vì chẳng có gì để nuôi anh ta. Nặng 120 kg, chàng phi công đó được đặt tên là Earthquake (động đất). Chính với anh chàng yêu đời lái chiếc Packét số 149 này mà thiếu úy Áclô thực hiện nhiệm vụ đầu tiên với cương vị là xếp thả dù.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #223 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2008, 09:05:17 pm »

Dẫu máy bay Packét bay ở độ cao nào, các cuộc bay bên trên tập đoàn cứ điểm không hề giống với một cuộc du lịch trên không. Các đoàn phi hành biết rằng cứ hai máy bay trở về căn cứ thì một chiếc có dính đạn súng phòng không. Ngày 23-4, chiếc Packét số 138 là nạn nhân của các pháo cao xạ Việt Minh và một người thả dù bị thương nặng đến nỗi phải cưa chân. Ngày hôm sau, 6 chiếc máy bay ném bom B26 đi trước làm nhiệm vụ "dọn đường”, 15 chiếc Packét - mà 12 là phi hành đoàn Mỹ - trở lại Điện Biên Phủ và mặc dầu cả B26 đã xử lý phòng ngừa và một trận mưa rào napan đã ập xuống trận địa Việt Minh, hỏa lực phòng không tấn công đã chào đón phi đội nhưng họ đã thực hiện được nhiệm vụ mà không bị tổn thất. Tuy nhiên, lúc trở về, người ta được biết một quả 37 mm đã nổ sau ghế một lái phụ người Mỹ làm tay trái anh ta bị xé nát. Buồng lái bị nhiều mảnh đạn làm thủng lỗ chỗ, máu của nạn nhân chảy lênh láng trên chiếc ghế chỉ còn là những mảnh vụn. Không nao núng, viên phi công đã đưa được máy bay trở về.

Thứ năm ngày 6, đội hình máy bay trong đó có Áclô cất cánh từ Cát Bi vào đầu buổi chiều và khoảng 16 giờ, máy bay thả hàng thẳng đứng xuống Isaben. Đạn phòng không dày đặc và phát này tiếp theo phát khác, hai quả đạn trúng chiếc máy bay 149 trong đó Áclô không nhớ "mình đã sống những giây phút dữ dội như thế".

Khi chúng tôi đã bị trúng mảnh đạn, tôi hiểu rằng đây là chuyện nghiêm trọng bởi vì Mắc Gavơn báo cho biết anh đang cố đậu xuống. Chẳng ai toan tính nhảy dù. Động cơ trái đã bị hỏng (cánh quạt quay ngang, dầu bị rò rỉ) và cơ cấu điều khiển bánh lái độ cao bị cắt đứt. Chúng tôi tin tưởng ở Mắc Gavơn và phi hành đoàn vẫn giữ bình tĩnh. Không phát hiện đám cháy nào, điều đó làm chúng tôi yên tâm (...). Cho đến giây cuối cùng, Mắc Gavơn đã cố gắng hết sức để cứu chúng tôi cùng với máy bay. Mútxa và tôi ngồi ở đáy khoang máy bay, lưng tựa vào dù và hai người thả khác đứng ở tư thế nhảy gần cửa. Chúng tôi chờ một cuộc hạ cánh bắt buộc ngoài sân bay”.

Thông báo cuối cùng trên rađiô do phi công máy bay 149 phát ra là gửi cho thủ trưởng và bạn của anh, Steve Kusak, người sáp gần chiếc máy bay đang ở trong cơn nguy ngập: "Lần này thế là xong, con ơi!”.

Chiếc Packét bay cách Điện Biên Phủ khoảng một trăm kilômét. Khi Mắc Gavơn định cho đỗ xuống dọc theo một con đường mòn đi song song với sông Nậm Rốm ở bắc Sầm Nưa, thuộc Lào. Nhưng tốc độ còn lớn mà phải hạ cánh bắt buộc xuống một địa hình có nhiễu thung lũng, rải rác những bụi cây và khi tiếp xúc đầu tiên với mặt đất, máy bay nổ. Khoang máy bay tách ra khỏi phần trước đang chồm lên khoảng 100 mét rồi mới dừng lại. Rồi sự yên tĩnh lại được khôi phục. Không ai ra khỏi xác máy bay. Mắc Gavơn, người thực hiện phi vụ thứ 45 và lái phụ Bắpphớt đã bị giết, trung sĩ nhất Rơnê Batay và trung sĩ Giăng Rescuriô cũng không sống sót. Mútxa bị một vết thương gãy hở ở chân và Áclô, cũng bị thương ở cẳng chân phải nhưng không gãy, đang bị choáng và rơi vào "một loại hôn mê" hai, ba ngày sau mới tỉnh nhưng chẳng có ý thức gì về thời gian đã trôi qua...

Điều tôi nhớ cuối cùng ở trên máy bay, anh viết, là một tiếng động lớn, do máy bay chạm đất hoặc do máy bay bị rời ra, tôi không biết nữa. Khi tôi tỉnh lại, tôi đang ở trên một chiếc thuyền ba ván ngược một dòng sông. Mútxa ở đằng sau tôi và đang rên rỉ đau đớn trong lúc ba chiến sĩ quân đội thường trực Pa thét Lào bắt được chúng tôi, đang chèo thuyền, không chú ý đến chúng tôi. Thỉnh thoảng một trong bọn họ quay lại phía Mútxa bảo anh im đi. Chân tôi không làm tôi đau đớn lắm nhưng tôi cảm thấy một cái gì vương vướng ở ngang thận: bốn đốt sống thắt lưng bị gãy nhưng tôi chỉ mới biết sau khi tôi được trả tự do nhiều tháng sau, bởi vì trong hoàn cảnh mà chúng tôi đã trải qua, chỉ nghĩ đến một cuộc khám bệnh cũng đã là buồn cười rồi. Mútxa chết hai tháng sau đó vì không được săn sóc chữa chạy”.

Một tin tức tình báo của cơ quan đặc biệt và được phòng nhì của đại úy Noen xác nhận: Tướng Giáp sẽ mở cuộc tấn công vào tối ngày 6-5. Có thể là tấn công vào các cứ điểm Êlian và nghi binh ở phía tây sông Nậm Rốm, đánh vào các cứ điểm Clôđin.

Trừ phi đây là một cuộc tổng tấn công để kết thúc 56 ngày đêm bao vây. Vayăng báo cho Lăng le biết rằng không kể các đạn pháo thả dù xuống đêm trước ông cũng không biết số đạn đó có thu lượm được không, các khẩu pháo cuối cùng của ông tối đa chỉ có được 3 giờ hỏa lực để loại bỏ một cuộc tấn công "cỡ lớn". Các cuộc chi viện ngày càng hạn hẹp và khó có thể vừa bắn chi viện cho các Êlian, vừa bắn vào phía trước các Clôđin.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #224 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2008, 09:06:15 pm »

Trong sở chỉ huy chật hẹp của ông ở Clôđin 5, đại úy Smítz thuộc đại đội 2 của tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 bộ binh ngoại quốc quan tâm theo dõi cuộc tiến triển từ bắc xuống nam trong các cuộc tấn công của Việt Minh nhất là cuộc pháo kích người hàng xóm Li ly 3 của ông, tức là Huy ghét 4 cũ lấy đi từ trung đoàn 4 lính Ma rốc trong đêm mồng 3 rạng ngày mồng 4-5. Smítz hiểu rằng, hoàn toàn lôgíc, ông sẽ là "người sắp tới trong danh sách" và mặc dầu đại đội của mình chỉ còn một nửa, ông vẫn tin cậy ở các lính lê dương của ông. Smítz đến làm nhiệm vụ nhiệm kỳ một từ tháng 1-1947 ở cứ điểm "Inlơ đờ Phrăngxơ". Ông đã giữ nhiều đồn trên cao nguyên của người dân tộc thiểu số ở Trung Trung bộ, trước khi được hồi hương. Đầu năm 1953 ông yêu cầu bổ dụng ông về binh đoàn lê dương và sau khi đi qua Ben Abe, ông lên tàu Athốt II đưa ông đến Sài Gòn. Được bổ dụng về tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 bộ binh ngoại quốc ở Bắc bộ, ông đã nhận đại đội 2. Đại đội này đóng ở Huy ghét 5 ngày 23-4 khi Smítz nhận được lệnh thay thế đại đội Clapâyrông ở Clôđin 5. Hai ngày sau, thiếu tá Clêmăngxông lại trả ông về Huyghét 5, rồi ông cũng chẳng chết non, chết yểu ở đó, vì 48 giờ sau, ông lại bàn giao mệnh lệnh cho trung úy Stabenrát thuộc tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc và trở về Clôdin 5, đại úy Capâyrông về lại tiểu đoàn của ông ở Êlian 2. Những cuộc đi đi lại lại làm người ta hao tổn, kiệt sức và mất ngủ mà giấc ngủ, thì họ cần thiết biết nhường nào.

Mặc dầu bố trí trên một thửa ruộng mà nền đất, dưới tác động của mưa gió, ngày càng mềm nhũn, Clôđin vẫn nổi tiếng là rất yên tĩnh. Việt Minh không quan tâm đến vị trí này. Tuy nhiên ngày 1-5, trong trận tấn công Huy ghét 5, Smítz hiểu rằng trận đánh đã đến gần từ phía bắc. Và sáng ngày 4, sau khi Lily 3 thất thủ, những điều ngờ vực cuối cùng của ông đã được chấm dứt mặc dầu "sự cố" đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5-5 đã làm ông bị kích động.

Tôi được tăng cường một trung đội lính Ma rốc của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma rốc, ông kể lại, và đêm ngày 4 rạng ngày 5, nhiều lính Ma rốc đã đào ngũ. Họ đã mở một lỗ hổng quan trọng trong cả hai hệ thống rào dây kẽm gai còn nguyên vẹn nằm kề bên đường hào gần nhất của Việt Minh đã nhô ra. Các lính lê dương của tôi lập tức cố gắng tiếp cận cửa mở để bít lại nhưng cố gắng của họ đã bị hỏa lực Việt Minh ngăn cản và gây cho tôi những tổn thất”.

Được thông báo ngay, Clêmăngxông cho thay trung đội Ma rốc bằng các lính lê dương nhưng đến tối, Smítz vẫn nói tiếp "sự chú ý đã được tập trung vào cái cửa mở nguy hiểm này và nhiều cuộc đấu súng tay đôi đã diễn ra ở gắn đó với những người chết và những người bị thương ở phía chúng tôi".

Điều tồi tệ nhất sẽ đến. Mọi người ở đại đội 2 tin rằng Việt Minh sẽ lợi dụng đêm tối ngày 5 rạng ngày 6 để tràn vào cửa mở. Nhưng ngược lại với cách nhìn bi quan đó, Việt Minh không tấn công. Không phải họ tiết kiệm từng đồng khi bắn pháo cối, hoặc khi cần đan chéo làn đạn để chặn đứng mọi sự tiếp cận cửa mở mà lý do chính là không một sự chuẩn bị tấn công nào được phát hiện. Đối với những người phòng ngự, suốt đêm đứng ở vị trí chiến đấu, đó là một sự an ủi nhưng lại tăng thêm tình trạng mất ngủ. Smítz trông vào ngày 6 để cho phép người của ông được nghỉ ngơi một chút. Bản thân ông, tự nhủ mình, nếu được ngủ trưa hai hoặc ba tiếng, ông có thể đương đầu với đêm 6 rạng ngày 7. Dự kiến của ông đã bị hỏng tuốt, vì pháo binh Việt Minh khai hỏa cuối buổi sáng và bắt đầu một cuộc pháo kích ác liệt và liên tục vào Clôđin 5.

Các cuộc bắn phá tăng lên vào buổi chiều và tiếp diễn liên tục gây nên những tổn thất nghiêm trọng, Smítz viết. Những người bị thương được sơ tán, những người khác bị lần thứ hai hoặc lần thứ ba đồng ý ở lại vị trí chiến đấu. Alíc, hầu cận của tôi, bị thương lần thứ tư, may không nặng. Buổi tối Clôđin giống phong cảnh mặt trăng làm tôi nhớ đến những bức ảnh của những năm 1914-1918 giới thiệu các khu vực chiến đấu của cuộc chiến tranh hầm hố. Hầu như tất cả các hầm trú ẩn đều bị phá hủy, các đường hào bị cắt hoặc lấp dây kẽm gai bị lấp đất hoặc có chỗ bị chổng lên trời”.

Trái lại với những điều đã xảy ra cho đến nay - pháo kích, tiếp theo sau là một hoặc nhiều đợt xung phong - Việt Minh chỉ phá hủy Clôđin 5. Trừ trường hợp điểm tựa này không nằm trong danh sách những mục tiêu của cuộc tấn công đã được chờ đợi vào tối ngày 6-5? Nếu nhận được lệnh, Smítz nghĩ rằng có thời gian rút đi theo đường hào liên lạc nối liền ông với Clôđin 4 ở tuyến hai. Nhưng ông không chịu trách nhiệm về những tổn thất?

Đại úy Biêngvô vẫn luôn luôn ở Clôđin 4 và từ buổi sáng ngày 5, ông lo lắng quan sát những cấu trúc của điểm tựa Smítz mà đạn 105 liên tiếp bay đến trong lúc một luồng khói dày đặc cuộn khúc dưới một bầu trời thấp. Clôđin 4 chỉ cách Clôđin 5 có vài trăm mét và, nếu điểm tựa này sụp đổ, Biêngvô tự hỏi ông dùng phương tiện gì để ngăn cản việc thâm nhập vào hào giao thông. Clôđin 4 không phải vì thế là một nơi ưu tiên tách ra khỏi chiến dịch, bởi vì những đòn búa bổ của các cối hạng nặng đánh vào đó đã hành hạ các màng nhĩ chẳng khác gì ở nơi khác. Điện Biên Phủ không còn lấy một nơi an toàn yên tĩnh để cho người ta ngủ một giấc ngon. Biêngvô, với kinh nghiệm xương máu của mình đã hiểu được điều đó vào chiều ngày 6 khi một quả đạn nổ hất ông xuống bùn.

"Tôi không bị bất tỉnh, ông nhớ lại, nhưng tôi bị một vết thương dài ở da đầu. Đó là do sức thổi, tôi nghĩ, thật mãnh liệt Tôi được bác sĩ Rôngđy ở tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc chữa cho. Một sự cẩu thả tội lỗi, tôi không đội mũ sắt". 
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #225 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 12:06:40 pm »

Chương XV
SỰ CÁO CHUNG CỦA TIỂU ĐOÀN BIGA

Ở tiểu đoàn 1 dù thuộc địa, đại đội 4 của đại úy Tơrêhiu không có thời gian để thích nghi với những tiếng nổ của đạn súng cối Việt Minh cũng như với tiếng rít tàn phá của các "cây đàn ống Stalin" (Chú thích: Tên lửa cachiusa.) phải chăng binh sĩ chỉ mới biết phân biệt? Cuối buổi sáng ngày 6-5, đại đội 4 nhận được lệnh leo lên Êlian 4. Tơtêhiu dũng cảm kéo lê cái mắt cá bị bó bột và ông không biết gì hơn nữa. Thậm chí ông không biết Étmơ và Pugiê đang ở đâu.

Ngày 6-5 lúc 15 giờ, ông viết, trung uý Đuypia đến gặp tôi và chúng tôi cùng đi lên sở chỉ huy của đại uý Badanh đặt ở Êlian 4. Nhiệm vụ của chúng tôi là tăng cường những thành phần khỏe mạnh cho tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù và đảm nhiệm điểm tựa nhô lên xa nhất ở mặt đông bắc. Sau khi nghiền cứu nhanh chóng những đường đi đến đó, Đuypia chỉ huy việc bố trí và chúng tôi nhận thấy một sự náo động ở Việt Minh”.

Vị trí có thể bảo vệ được nhưng cần có thời gian để sửa sang lại các lô cốt và dọn dẹp các hào đã bị bùn lấp đến một nửa. Vả lại chỉ có mỗi một đại đội để phòng thủ cả một chiến tuyến như vậy... Cuộc thay quân diễn ra dưới trời mưa...

Tôi vừa mới trở về thì Đuypia báo là anh đang bị cối địch bắn từng khu vực. Tôi nghe tiếng xuất phát của đạn pháo không giật bắn sát mặt đất vào mục tiêu nhìn thấy là trung đội. Tôi yêu cầu pháo ta bắn. Chúng ta chưa có thói quen đó và ngay từ những phút đầu tiên, chúng tôi bị một đợt pháo kích liên tục của pháo 105, súng cối hạng nặng, đại bác không giật, "cây đàn ống Stalin”, thực sự là một cơn mưa bão đạn pháo. Các vị trí chiến đấu của chúng tôi vừa mới củng cố đã đổ sập các đường hào bị phá huỷ, nhưng chúng tôi đã đứng dậy đánh trả địch xung phong và binh sĩ người này tiếp theo người kia đã ngã xuống trong sự náo động của những tiếng kêu đau đớn”.

Vào lúc 20 giờ, các Êlian đều bị pháo kích mãnh liệt như báo hiệu một cuộc tổng xung phong và tuyến một đã tiếp cận địch. Pháo 105 của Isaben cố gắng khoanh Êlian 4 nhưng một bộ phận của pháo Việt Minh đã phản pháo, phía trên vị trí của đại tá Lalăng lơ lửng thường xuyên một đám mây khói trong đó lóe lên những tia chớp đạn nổ, giống như những tia lửa hàn. Đứng sau những khẩu cối của anh, trên đỉnh Êlian 4 phủ đầy những mảnh vụn đủ các loại, kể cả những mảnh thân người, thiếu uý Latan đang chìm đi trong trận đánh. Ngay trước lúc hoàng hôn, anh cảm thấy "mạng sống của anh đã lung lay".

Tôi nghĩ đến những đường đạn điều chỉnh nhưng khi đêm đến, hỏa lực pháo binh tăng cường, trở nên dữ dội hiếm thấy và tôi có cảm giác là vị trí đã bốc cháy. Ở phía thấp, hỏa lực súng tự động của chúng ta cắt ngang tiếng ầm của đạn nổ. Đất bị cày xới xung quanh trận địa các súng cối của tôi, bị đổ ngả nghiêng và mất hiệu chỉnh. Từ bây giờ các pháo thủ phải lấy hướng, tầm theo cách ước lượng phỏng chừng để có một độ nghiêng gần đúng. Đã nhiều lần thiếu tá Bôtenla gọi rađiô, hỏi tôi có bắn luôn không”.

Trên Êlian 2, đạn pháo gọt đẽo sườn đồi. Đại uý Pugiê không đời nào nghĩ được rằng Việt Minh đã đào một đường hầm dưới chân ông và đang chuẩn bị châm lửa vào những thùng chất nổ xếp ở đáy hầm. Vào buổi tối ngày 6-5, binh sĩ của ông bị ghìm đầu dưới pháo hỏa chuẩn bị của địch và chờ đợi cuộc xung phong sẽ đến - như ngày 30-3 - từ Săng Êlidê và có thể bằng một đường thiên nhiên ở đáy của vùng trũng tây nam, nơi có một "dòng sông tạm” theo ngôn từ của đại uý Nicốt và ông đã dè chừng từ 30-3.

Là sĩ quan liên lạc và quan sát của Êlian 2, thiếu uý Giuytô chuyển yêu cầu của Pugiê và thực hiện những đường đạn chuẩn bị dữ liệu trước để đánh bắt pháo địch ngụy trang ở trong núi Sô vơ. Pugiê đón chờ một cuộc đánh nhau bằng lựu đạn mà địch sẽ giỏi hơn nhờ họ có nhiều loại lựu đạn. Ông đã dặn quản trị trưởng đại đội, trung sĩ nhất Sécgiăng và ra lệnh đưa nhiều đạn dược lên, nhất là lựu đạn.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #226 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 12:07:37 pm »

Điều trở ngại, Sécgiăng nói, là con đường giữa kho trung tâm và Êlian 2 có một đường hào dài 50m rất khó vượt qua. Đạn pháo cối đã đào bới sườn đồi và đường hào chỉ còn là một chỗ trũng không rõ ràng. Hơn nữa những người mang két đạn có thể bị nhìn thấy khi vượt qua và địch sẽ nấp bắn vào họ. Cứ trên hai mươi người làm khuân vác, lính dù và phu, chỉ một người thoát được và đưa được két lựu đạn lên sở chỉ huy. Những người khác chết hoặc bị thương. Làm một con thoi để đôn đốc những người khuân vác, bản thân tôi cũng bị dính đạn bốn lần, nhưng tôi rất ngạc nhiên, tôi vẫn còn đi được giữa khói đạn và giữa các đường đạn chéo quanh mình. Tôi còn leo lên được sở chỉ huy để báo cáo về thất bại trong nhiệm vụ của tôi, rồi tôi để súng lại ở đó và trở xuống để đi chữa vết thương. Tôi bị trúng lỗ chỗ nhiều mảnh đạn trong phần mềm ở lưng, một mảnh đạn làm thủng bụng và người ta nhìn thấy cả nội tạng trong bụng, trong lúc ngòi nổ của một quả đạn đâm vào sườn và cắt một phần dây thần kinh hông”.

Bất chấp những "vết xước” có thể đến trên sườn một người bình thường, Sécgiăng nhận thấy cầu trên sông đã bị Việt Minh đánh, anh liền "bơi vượt sông Nậm Rốm trước khi đến một cảm giác an toàn biết bao - một hầm trú ẩn dưới đất, hôi hám và nhớt dính, đầy những người bị thương đang chờ đợi "Tôi đã đến được trạm giải phẫu của bác sĩ Viđan”.

Trong các hào, các y tá đi, lại, cố an ủi những người bị thương nặng nhất trong khi chờ đợi một bác sĩ phẫu thuật để xong việc. Những vết thương đầu tiên là do mảnh đạn, nhưng mệnh hệ đối với những con người có vết thương do đạn cắt xuyên từ dưới lên sẽ không còn lâu nữa. Trên quả đồi có hàng ngàn vết thương, các lính dù hy vọng pháo kích chấm dứt và bộ binh Việt Minh chờ hiệu lệnh để lao lên. Hiệu lệnh đó là việc châm lửa cho quả mìn đặt dưới vị trí Pugiê. Giống như những quả mìn đã phá vỡ mô đất Vôqua và mỏm Êpácgiơ năm 1914-1918, quả mìn nổ dưới đại đội Étmơ, nhưng kết quả của nó gây ấn tượng mạnh hơn là có tác dụng quyết định và quân số của khoảng một trung đội hình như đã bị hút vào hố bom. Bây giờ không phải là lúc thống kê nạn nhân và những người sống sót đang bị kinh hoàng, choáng váng trong các lô cốt mà một số hiện còn lảo đảo, cũng không phải là lúc kêu gọi những người bị vùi trong đất mỡ và chết vì nghẹt thở chưa kịp hiểu rằng đất đá bị hẫng dưới chân họ.

Là phó đại đội trưởng của đại đội Étmơ, trung uý Phétxơlê chứng minh, tôi cố gắng giúp ích giữa hầm sở chỉ huy và đường hào ngoại vi, nơi người của chúng tôi đang dàn thành hàng những nhóm nhỏ. Trong cảnh huyên náo của những tiếng nổ đạn cối, các cuộc bắn pháo và tiếng rít chói tai của các "cây đàn ống Stalin", vụ nổ không gây lên một tiếng động như người ta tưởng. Tôi ở trong hầm sở chỉ huy cửa đại uý Étmơ và chúng tôi quả là đã bị lắc theo nhịp, đất rung chuyển và một khối lượng rất lớn đất, đá, mảnh vụn, đủ thứ đã phủ kín vị trí, ở đó trung đội 2 hầu như bị chôn vùi. Hậu quả của vụ nổ có thể chưa đáp ứng sự mong đợi của Bộ chỉ huy Việt Minh bởi vì họ đã hoãn cuộc xung phong cuối cùng để bồi thêm cho chúng tôi một "trận đòn dùi cui” mới (bắn phá”).

Khi thấy đất rung lên dưới đế giày, Pugiê tự đặt câu hỏi: phải chăng đây là một loại đạn mới, một loại tên lửa tự đẩy có nhồi thuốc nổ? Rồi ông hiểu ra là một đường hầm đã được đào dưới quả đồi thứ Năm. Những hồi ức của năm 1916 đang dồn đến... Song Việt Minh đã tính toán sai công việc của họ; một sai số khoảng hai mươi mét đã đặt lại vấn đề. Sau khi phóng hỏa đốt, các đại đội của thê đội một phải tấn công và lợi dụng tình thế? Khi những người sống sót của tiểu đoàn 1 dù thuộc địa đang ở trong trạng thái ngây dại. Thế nhưng, như Phétxơlê đã chỉ ra, pháo binh địch tiến hành một cuộc chuẩn bị hỏa lực mới nhằm bù đắp vào những khiếm khuyết của vụ nổ ngầm dưới đất. Khi pháo binh im lặng, bộ binh nhảy lên bờ hào và lao lên. Điều khiển bằng còi, một trung đoàn gồm ba tiểu đoàn leo lên đồi, mở đường xung phong ở cả ba mặt. Một đại đội xông vào đột phá khẩu mở bằng mìn, trong lúc thiếu uý Nicôla Pôn, sĩ quan thứ ba của đại đội Étmơ toan tập hợp binh sĩ để chiếm lại những vị trí đã bị phá hủy. Ở đơn vị Pugiê, sự đón tiếp dành cho kẻ tấn công ở trung đội của thiếu uý Óclơvski cũng ác liệt như ở trung đội của trung uý Giuyliên. Ở chỗ Néctu, nhiều người là nạn nhân của vụ nổ, do bị sức ép hoặc bị những mảnh vụn rơi trúng như những viên đá cuội ném từ trên trời xuống.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #227 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 12:08:55 pm »

Néctu:

Bộ binh Việt Minh tiếp cận rất nhanh chóng vị trí của chúng ta, nơi quân số của ta dàn mỏng. Chúng tôi không thể cùng một lúc có mặt ở mọi nơi và tôi cảm thấy đã đến lúc phải đánh giáp lá cà. Tôi không biết máy bay - đom đóm còn chiếu sáng bãi chiến trường không, nhưng những chớp lửa không ngớt, những tiếng nổ, những ngọn lửa, sức ép, đưa chúng tôi vào một thế giới mà chúng tôi không còn là mình nữa. Rồi mưa rơi quất vào mặt chúng tôi như chỉ những cơn mưa rào nhiệt đới mới có thể làm được, góp thêm vào những khó khăn”.

Trung sĩ Moren thuộc đại đội Étmơ, nhảy vào hào và sẵn sàng đợi lệnh Néctu. - "Chúng đông quá?", anh giải thích, vừa tiếp tế thêm lựu đạn. Viên sĩ quan đưa anh vào sở chỉ huy của mình vào lúc hạ sĩ nhất Mâyxonniê đưa cho ông xem khẩu tiểu liên bị mảnh đạn làm vỡ. Néctu cho anh khẩu súng của mình và rút khẩu Côn ra khỏi bao. Phó của ông, thượng sĩ nhất Nôdê, bị thương và phải rời khỏi chiến đấu, chẳng bao lâu trung sĩ Zoóc cũng đi theo anh. Hàng ngũ thưa dần nhưng Néctu bảo tồn ý nghĩa của thực tại: "Mỗi cuộc xung phong bị đẩy lùi, những cuộc thâm nhập lại diễn ra và chúng tôi bù lẫn nhau, giúp đỡ nhau. Tôi bị ám ảnh về việc đạn dược cạn dần".

Trên Êlian 4, Tơrêhiu liên lạc bằng rađiô với "Gianíc" Đuypia. Sau khi dội pháo vào đơn vị ông, địch tung bộ binh ra tấn công. Những tiếng thét tiếp theo tiếng còi.

Vào khoảng 21 giờ, Tơrêhiu viết, những đơn vị nhỏ của địch đã thâm nhập vào được và những cuộc chiến đấu đã đến một mức độ ác liệt hiếm thấy. Đuypia báo cho tôi biết những tổn thất lớn nhưng anh đẩy lui những đợt xung phong đầu tiên và sau khi lập lại trật tự trong đội hình chiến đấu, anh nắm được tình hình. Việt Minh bị tổn thất cao và khu vực chiến đấu hình như lắng dịu. Nhưng rồi một cuộc pháo kích mới lại ập xuống các hào chiến đấu. "Hãy bắn lại đi!" Đuypia van nài tôi”.

Bằng rađiô, Tơrêhiu đòi phản pháo, nhưng ông có biết chăng từ đầu chiến dịch, các pháo thủ đã không biết vị trí pháo địch ở đâu? ông yêu cầu bắn thật sát vào vị trí để làm câm họng pháo không giật và SKZ mà người ta định vị được cái lưỡi lửa dài màu vàng khi chúng ngắm vào các lô cốt. Bỗng nhiên, liên lạc rađiô giữa sở chỉ huy của đại đội 4 và Đuypia bị cắt. Tơrêhiu gặng hỏi: "Allô "Gianíc”, xảy ra điều gì vậy? "Gianíc" trả lời đi? .
 
"Gianíc" chẳng bao giờ trả lời đại uý của mình nữa. (Chú thích: Sinh năm 1927, Giăng Mari Đuypia nhập ngũ năm 1947. Nhập vào bán lữ đoàn dù và lên tàu tháng 9-1953. Được bổ dụng về tiểu đoàn dù thuộc địa ngày 1-10-1953 với quân hàm trung uý. Bị thương ở Mường Sài, nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 5-5-1954.) Lo lắng, Tơrêhiu ra lệnh cho thiếu uý Ginbe Oóchong, hai mươi sáu tuổi đi trinh sát. Đạn đã nghiền nát đồn tiền tiêu và Việt Minh đã quét dọn bằng lựu đạn.
Tơrêhiu tổ chức phản kích và ngăn chặn các cuộc thâm nhập. Trung đội Đuypia chỉ còn ba người Âu bị thương; "Gianíc" là một trong số người ngã xuống đầu tiên. "Tôi thấy anh nằm bẹp dưới đất, Oóchong nói, tinh thần phân tán...".

Mặt đầy máu, một trung sĩ báo cáo với giọng nói ngắt quãng. "Chúng tôi còn một người nữa bị giết, thượng sĩ Raybô. Anh ấy bị thương, nhưng các lính người Việt của anh đã bỏ mặc anh”.

Nổi giận, Tơrêhiu ra lệnh bắn vào bọn chạy trốn, rồi Oóchong tập hợp lại những người còn mạnh khỏe và bố trí lại "Suốt đêm, Tơrêhiu viết thư cho bố "Gianíc", những cuộc đụng độ ác liệt lại tiếp diễn. Hết phản kích này phản kích khác dẫn đến những cuộc giáp lá cà đẫm máu gây nên, than ôi những tổn thất lớn. Chúng tôi sẽ bị giết chết hoặc bị thương hết, chỉ một người trong binh sĩ của tôi vô sự thoát khỏi lò lửa khốc liệt này".

Trung sĩ Đuynhát bị mảnh đạn giết chết, Sơmít cũng vậy, trung sĩ Kécđraông bị thương ở chân rồi mất tích như nhiều người khác mà người ta không rõ Việt Minh đã tóm được hay là một quả đạn đã chôn sống họ: Sarajanh, Lơđuýc, Lơ Pa, Crêchiêng, Girơđê, Sácthơ. Những người bị thương kêu gọi, những người khác lẩn trốn để khỏi bị kết liễu: Moren, trung sĩ Lêcan, Pribiơ, Tilly trung sĩ Rôbe Pécny. Thiếu uý Oóchông cũng bị đạn, nhưng chẳng ai chú ý đến họ trong cái ồn ào hỗn độn mà thần lửa dường như đang thè lưỡi liếm quả đồi và đáy các hầm hào, trong đó có những người nằm co quắp trong bùn và máu bị người ta dẫm lên mà không hay là người chết hay người bị thương, bạn hoặc thù. Trung sĩ nhất Grêgori mất tích và thiếu uý Gibô thì bị giết lúc anh đến gặp đại uý Badanh (Chú thích: Sinh năm 1931, Ray mông Gibô nhập ngũ 1951. Tình nguyện sang Đông Dương. Thiếu uý (dự bị) tháng 4-1953, lên tàu ngày 5-6. Sĩ quan thông tin ở tiểu đoàn 1 dù thuộc địa ngày 10-1-1954, nhảy xuống Điện Biên Phủ ngày 5-5.). Êlian 4 nhả khói như một nhà máy hoạt động trở lại sau một cuộc đình công dài, trong lúc pháo kích của Việt Minh đã chuyển sang hậu cứ để tìm kiếm các khẩu cối 120 và pháo 105 của trung tá Vayăng.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #228 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 12:09:42 pm »

Ban đêm, Tơrêhiu nói tiếp, một trận lở tuyết khác bằng lửa đạn đã ào xuống, kèm theo một đợt xung phong mới. Mọi cái đổ sụp và nhìn thấy Việt Minh cách không đầy 200 mét, bị quấn trong rào dây kẽm gai, chúng tôi ngắm bắn như bắn thỏ nhưng không thể ngăn chặn bước tiến của họ vì họ rất đông. Tôi nhảy vào sở chỉ huy chỗ thiếu tá Brêsinhắc và đại uý Badanh để yêu cầu họ cử một đơn vị đi phản kích. Khoảng mười lăm người đã được tập hợp lại dưới quyền chỉ huy của trung uý Pốtchiê thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 dù, nhưng đúng lúc chúng tôi xuất kích thì một quả đạn nổ sau lưng chúng tôi. Đại uý Păngđuýp bị ngã sõng soài trên mặt đất, đại uý Badanh kêu la đau đớn, (Chú thích: Đại uý Badanh bị thương ở cẳng chân và tôi bị thương sọ não", Phrăngxoa Penđuýp như có cả một đầu máy xe hỏa ở ..." Theo trung uý bác sĩ Stanb, Badanh "bị thương ở nhiều chỗ vì mảnh đạn: ở má phải, vai phải, ngực bên phải và đầu gối phải". Đã ở nhiệm kỳ 3 từ cuối 1952, đại uý Đờ Badanh Đờ Bơđông, được thăng chức tiểu đoàn trưởng ngày 1-7.)  một cảnh huyên náo đinh tai, bụi và khói làm mù mắt. Chúng tôi đã cố gắng tập hợp lại những người còn khỏe mạnh nhưng chỉ còn lại 5 người những người khác đã chết hoặc bị thương. Tôi trở lại đồn của mình, bắn như điên dại và thất vọng: một viên đạn ngang bằng một Việt Minh bị đo ván. Tôi xả hết đạn thì nghe trên rađiô tiếng nói của Brêsinhắc yêu cầu pháo bắn vào chúng tôi, vào Êlian 4. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thất bại. Một quả đạn trúng hào và tôi ngã lăn ra, được mũ sắt bảo vệ nhưng bị trúng mảnh đạn ở cổ và ở vai; tôi chắc rằng mình đã bất tỉnh. Pốtchiê và hạ sĩ nhất Moren kéo tôi vào một cái hốc đào trong vách hào, nhờ đó tôi được cứu sống, đợt xung phong đầu tiên của Việt Minh đi qua trên đầu chúng tôi nhưng họ không có thời gian để "quét sạch" vị trí”.

Trên đỉnh Êlian 4, thiếu uý Latan tự hỏi anh có thể giữ được bao lâu:

Vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng, tình hình đã trở nên không thể giữ vững. Có những quả đạn trúng đích, những khẩu cối bị phá hủy, những pháo thủ bị thương đã được đưa đến bệnh xá ở bên cạnh sở chỉ huy của thiếu tá Bôtenla. Bằng rađiô, tôi đã báo cáo và tôi có cảm giác về một sự lộn xộn lớn trên hệ thống rào, tuồng như không ai nghe ai nữa. Tôi chủ động đi xuống với người của tôi. Tôi đội mũ sắt nặng với một cuộn băng cá nhân buộc bằng một cái dải để làm ga rô, tôi ở trần nhưng không thể nói cái áo vét của tôi ở đâu. Đi trên sườn đồi với đôi giầy đi rừng mà không mang tất, tôi cầm khẩu các bin Mỹ trong tay và chiếc máy rađiô trên lưng. Một sự hỗn độn toàn bộ. Những tiếng kêu, những tiếng nổ, những tia chớp. Các đường hào đầy những chiến binh đang thét và cựa quậy như họ đang tìm cách thở. Tôi không biết đâu là bạn đâu là thù nữa bởi vì thổ ngữ của những người Việt ở chỗ chúng tôi cũng giống như ngôn ngữ của những người đối diện. Điều đó trong đêm tối, chẳng làm thuận lợi gì cho mọi việc, hơn nữa, một số lại đầu trần... Làm sao mà biết đó là ai? Tôi tìm thiếu uý Makôviác. Khi "đom đóm" nổ, chiếu sáng phong cảnh "mặt trăng", tôi cảm thấy có một đám đông sôi động đang kêu thét, vừa cố gắng tiến lên trong sự ồn ào hỗn độn, vừa bắn. Bỗng nhiên, khi tôi đang định bỏ máy rađiô xuống khỏi vai, thì bị lóe mắt bởi một luồng ánh sáng chói nổ ở dưới chân tôi. Tôi tưởng chân tôi đã bị nát ra vì tôi rất đau đớn. Tôi thét lên nhưng tiếng thét bị chìm đi trong môi trường ồn ào hỗn độn và đêm tối. Chắc chắn mình là người duy nhất nghe tiếng kêu của mình. Tôi đưa tay vào chỗ đùi, nơi bị đau nhói. Lần từng bước, tôi hiểu rằng các vết thương nằm trên đầu gối phải và dưới chiếc quần rách nát, tôi cảm thấy một khối nhão nhớt âm ấm và dính nhem nhép. Dựa vào thành hào, tôi không còn cử động được nữa. Chỉ còn cái chân trái, dù rất đau đớn, còn mang được người tôi. Tôi trườn nhẹ nhàng xuống mặt đất bùn lầy và lấy cuộn băng duy nhất để làm một ga rô ở đùi vì tôi nghĩ mình đã mất quá nhiều máu. Tôi nhìn không rõ và quấn băng như thể trên đồi này chỉ có mỗi mình mình, tôi khập khiễng đi bằng một chân, vẫn mang cái rađiô và cầm khẩu các bin, tôi cố gắng vượt qua đám đông xô đẩy để tìm sở chỉ huy đại đội. Chẳng chú ý đến các cuộc bắn phá và tiếng nổ gây thành những luồng sáng trong trời đêm, tôi cố gắng tránh các chướng ngại. Giữa sự sôi động chung, tôi gặp Makôviác, anh nhìn thấy tôi trong tình trạng như thế liền giúp tôi tìm một nơi đỡ lộ liễu hơn. Hình như cái đám hỗn độn mà tôi đã đi qua chỉ có một diện tích hạn hẹp và phía bên kia nơi đường hào kéo dài, có một sự yên tĩnh tương đối. Yên bình không phải là một từ đúng, nhưng rõ ràng ít ồn ào hơn”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #229 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 12:10:33 pm »

Latan không biết gì về bước tiến của địch. Anh cũng không biết sở chỉ huy của Bôtenla còn giữ được không. Buổi bình minh ngày 7-5 sắp nhú ra ở Điện Biên Phủ, người ta vẫn đánh nhau trên Êlian 4 và Latan hiểu rằng anh phải đi tìm bác sĩ Ruôn để đưa ông xem các đầu gối bị nghiền nát của mình. Trước mặt, những vẫn đề còn lại đối với anh là thứ yếu.

Trên Êlian 10, các lính dù của tiểu đoàn 6 dù thuộc địa tiếp tục chiến đấu và tinh thần của họ lại mạnh hơn sự mệt nhọc của họ. Họ đấu kiếm như ngày đầu tiên nhưng hai đại đội nhỏ với hai ông đại uý Tơráp và Lơ Pa không thể chống lại sức ép của một trung đoàn có pháo binh được tiếp tế tốt, chi viện. Tơráp giữ lòng tin, bởi vì, anh viết, "một cuộc tổng thoát vây của tất cả các tiểu đoàn dù về phía Lào đã được trù định". Dưới ánh sáng đã dịu bớt của máy bay - đom đóm, bộ binh Việt Minh trông giống như một đám người đông đúc lượn sóng và, như trên Êlian 4, các đợt xung phong đầu tiên giống như sự va chạm của các đấu sĩ La Mã. Trong một số chiến hào, ngực đối ngực, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, quả lựu đạn cuối cùng và có lúc, khi hai người hung dữ gặp nhau, họ đánh nhau bằng dao găm. Các cuộc chiến đấu đạt đến đỉnh điểm đến mức Biga ngần ngại ngừng cuộc bay vòng của máy bay - đom đóm để thả xuống trong bóng tối đại đội Phốtxuyariê của tiểu đoàn 1 dù thuộc địa do những máy bay Băng giơ đang lượn vòng trên đầu Điện Biên Phủ được chiếu sáng. Nếu các Êlian không được chiếu sáng nữa, Việt Minh sẽ thâm nhập vào vị trí. Biga liên lạc bằng rađiô với đại uý Lơ Pa giơ, ông này lại còn muốn cân nhắc xem có cần thôi chiếu sáng trận địa không. Chính ông phải lựa chọn. Một mặt, một đại đội dù còn mới mẻ, sung sức đến tăng viện, mặt khác là nguy cơ phá vỡ tuyến phòng ngự của gian 10. "Bruynô đặt vấn đề và câu trả lời không phải chờ đợi: "Lơ Pa giơ gửi "Bruynô". Ông cứ tiếp tục thả đom đóm. Hết".

Lý do đã được quyết định. Bị súng phòng không săn đuổi, máy bay quay về hướng châu thổ, trung uý Phốtxuyariê nổi cáu vì anh đã thành người vắng mặt mà người ta chú ý nhất đêm đó; lần đầu tiên anh chỉ huy đại đội đi chiến đấu.

Đại úy Tơráp còn có chừng sáu chục lính dù trong đêm mồng 6 và vào đầu đêm, vị trí mà họ phòng ngự bị những toán trinh sát Việt Minh thâm nhập, quân số của những toán này tăng lên hàng giờ. Dầu có máy bay đom đóm, các lô cốt cũng bị đánh vu hồi từ sau lưng, những chiến binh lẻ bị đánh gục hoặc bị bắt, những người khác thì tìm cách bám víu vào một cơ quan chỉ huy.

Vào khoảng 22 giờ, Tơráp xác nhận, những đợt xung phong đầu tiên đã tiếp cận trận địa phòng ngự của chúng tôi và bám chân vào vị trí. Sau một lúc lẫn lộn, chúng tôi đã khôi phục tình thế và suốt đêm diễn ra những cuộc đánh nhau dữ dội trong các đường hào. Việt Minh hơi lẩn vào người của chúng tôi, nhưng chúng tôi khó nhận ra vì tối quá”.

Vào lúc anh đang dẫn đầu một nhóm người hăng hái, trung uý Samalăng đến một chỗ nguy hiểm nhất để tăng thêm sức mạnh cho một cuộc phản kích, một viên đạn đã trúng anh khi anh đang vận động. (Chú thích: 1 Sinh năm 1925, Ăngdrê Samalăng nhập ngũ lúc 17 tuổi ở trung đoàn pháo 65. Lên tàu đi Đông Dương ngày 29-8-1953. Về tiểu đoàn 6 dù thuộc địa ngày 20-9, nhảy xuống Điện Biên Phủ với tiểu đoàn Biga.). Anh ngã ngửa về phía sau, hai tay dang ra, ngón tay còn nắm chặt khẩu tiểu liên như bức ảnh nổi tiếng của Capa chụp trong chiến tranh Tây Ban Nha. Viên đạn trúng Samalăng trong lúc anh đang lao lên dẫn đầu cuộc xung phong như đó chính là cuộc sống của anh. Đúng như vậy, buổi tối hôm đó, vấn đề chính là cuộc sống của anh. Bị giết ngay tức khắc, anh ngã xuống giữa những dây kẽm gai nhưng chẳng ai dừng lại để giúp anh hoặc đề lường được sự trầm trọng của vết thương. Một cuộc phản kích chỉ kết thúc bằng thắng lợi hoặc bằng cái chết. Tuy nhiên đã cảm thấy có một sự dao động, cái chết của Samalăng mở cửa cho Việt Minh vào, họ la hét, bắn và ném lựu đạn.

Tiểu đoàn 6 đã không còn chất lượng đội ngũ. Trung sĩ nhất Mênagiơ, hai mươi hai tuổi, là một người kỳ cựu của tiểu đoàn. Làm trung đội trưởng ở đơn vị Tơráp, anh chỉ có khoảng mười lăm người lúc bị tấn công và hai khẩu đại liên cảnh giới sườn đã đóng một vai trò ngăn chặn cho đến lúc Việt Minh chọc thủng ở phía trung đội Samalăng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM