Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 05:19:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 141318 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #120 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2008, 11:51:52 am »

Trung tá Lui Đềcavơ, 42 tuổi, chỉ huy căn cứ không quân thứ hai ở Hà Nội, căn cứ Gia Lâm, nơi đỗ của các máy bay không đoàn vận tải Xênêgan. Đềcavơ có ý tưởng về một cuộc đột kích đêm do nhiều máy bay thực hiện mà phi hành đoàn có một nữ hộ tống viên. Điều kiện hạ cánh và trở về cùng với người bị thương là chủ đề của một cuộc nghiên cứu chặt chẽ vì các phi hành đoàn đều nhất trí về một điểm: ban đêm, tiếng ồn của động cơ gợi sự chú ý của các pháo thủ Việt Minh, thường bắn theo kiểu phòng ngừa. Vậy phải, trong thời gian đầu che giấu giai đoạn hạ cánh. Khi đến gần đèn tín hiệu báo sân bay Điện Biên Phủ, mỗi máy bay tắt ánh đèn trên máy bay và giữ hoàn toàn yên lặng rađiô. Sáu đèn tín hiệu đánh dấu lối vào đường băng, giới hạn hai bên và giới hạn cuối cùng của đường băng chỉ được thắp vào thời điểm cuối cùng và phải tắt ngay khi máy bay đã hạ cánh.

Vấn đề thứ hai phải giải quyết là vấn đề trở về với việc cất cánh có trọng tải đầy. Bắt buộc phi công phải hành động khẩn trương trước khi rời mặt đất? Đềcavơ gợi ý che giấu tiếng động cơ máy bay bằng những tiếng động có đêxiben lớn hơn. Mặt khác, pháo binh Pháp khai hỏa trước khi mỗi máy bay xuất phát, cùng lúc đó, một Đacôta bay trên Điện Biên Phủ và làm mọi cách để thu hút sự chú ý. Dĩ nhiên, mọi thứ ánh sáng đều phải thắp? Việt Minh có ngốc nghếch đến nỗi không ngờ rằng chiếc máy bay "đang làm xiếc" trên đầu họ đang che giấu hoạt động nghi binh? Dẫu sao chăng nữa, vai trò con dê mồi không có trò nào hay hơn.

"Chúng tôi gọi chiếc máy bay này là "Đacôta tạo tiếng động giả" Ađia nhớ lại. Công việc của nó đơn giản thôi: khi thực hiện chuyến đậu y tế, máy bay "tạo tiếng động giả" bay thấp trên chiến trường với tốc độ động cơ cao nhất - 2530/vòng phút - để thu hút sự chú ý đầy lòng khoan dung của phòng không và làm đãng trí các pháo thủ cao xạ của Việt Minh. Và nó càng được chú ý, phòng không càng cố gắng bắn hạ nó thì càng tốt cho phi hành đoàn làm nhiệm vụ sơ tán người bị thương”.

Dự kiến có 8 máy bay tham gia, cất cánh theo những khoảng cách thời gian đều nhau trong đêm 19 rạng ngày 20 - 3 để cho bầu trời Điện Biên Phủ không bị đầy ứ đến nỗi đánh thức sự nghi ngờ của Việt Minh.

Đềcavơ dự định tham gia vào sứ mệnh này và bản thân cũng sẽ đưa một số người bị thương về Hà Nội. Giơnơvievơ đờ Ga la là nữ hộ tống viên của ông.

Tám máy bay phải cất cánh từ Bạch Mai còn máy bay của trung tá Đềcavơ đi từ Gia Lâm, phía nam sông Hồng, cô gái giải thích. Tất cả các hộ tống viên đều ở Bạch Mai trừ Misen Lơxuyơ thường trực tại biệt thự nơi chúng tôi ở. Tôi vừa từ Nha Trang trở về, sau khi được biệt phái đến đó từ 15 ngày trước, đi qua Sài Gòn, và tôi lại nhận được lệnh đến ngay Gia Lâm, ở đây trung tá Đềcavơ sẽ đón tôi lên máy bay của ông. Theo lệnh người phụ trách chúng tôi là Yvon Côjanê, chị ấy rất thiếu người, Misen Lơxuyơ cũng phải đến Bạch Mai, ở đây đang khuyết một nữ hộ tống viên cho máy bay của thiếu úy Huybe”.

Là người gốc Ucraina, sinh ở Pôntava năm 1918, đại úy Smilépski là trưởng ban tác chiến của không đoàn vận tải Photăngxơ Công tê. Một đêm sáng trời, chiếc Zulu Giuyliét của ông cất cánh đầu tiên theo hướng Điện Biên Phủ. Cristin đờ Lestơrát đi lên máy bay và nhiệm vụ của cô, cũng như nhiệm vụ của các bạn cô trên các máy bay khác, là tất cả, trừ điều tượng trưng. Có lúc những người bị thương ở trong tình trạng bị sốc, hoặc khi lên cao, trời lạnh họ cần được chăm sóc, hoặc họ bị xuất huyết đột biến, và nhiệm vụ của các hộ tống viên là đưa người bị thương bình an trở về Hà Nội (Chú thích: Là nữ hộ tống viên của đoàn phi hành Côjanê, Cristin đờ Lestơrát nhấn mạnh rằng "Khó khăn lớn nhất đối với các nữ hộ tống viên là thời gian đưa người bị thương lên máy bay rất ngắn vì người phi công luôn e ngại hỏa điểm mạnh mẽ và đột ngột của Việt Minh" (Thư gửi tác giả).). Thêm vào những điều bất ngờ của chuyến bay là nguy cơ trở thành cái bia của pháo binh mặt đất rồi của những khẩu cao xạ trong và sau khi cất cánh, các cô gái trẻ phải có thần kinh vững chắc và đầu óc minh mẫn, điều đó không tước mất của họ tính nhạy cảm phụ nữ. Mọi việc trôi chảy với Crỉstin; với sự giúp đỡ của thợ máy Giông, cô đưa lên máy bay với một thời gian kỷ lục 19 người bị thương. Smilépski vừa mới nhả phanh, Zulu Giuyliét chuẩn bị cất cánh giữa những tiếng súng của pháo binh Pháp che giấu sự gia tốc của các động cơ.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #121 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2008, 11:53:20 am »

Nửa giờ sau, trung sĩ Bêghiê lái chiếc Yankee An pha của thiếu úy Giăng Giôasim bay đến. Cuộc hạ cánh của nó lặng lẽ đến mức người ta tưởng chiếc Đacôta này tắt máy và trượt như một tàu lượn. Sổ nhật ký bay của Brigít đờ Kécgolay ghi thời gian thực hiện nhiệm vụ: 3 giờ và 5 phút. Lệnh của Đềcavơ là máy bay vừa dừng là đưa người lên máy bay ngay và không được vượt quá con số 19 người bị thương gồm 13 ngồi và 6 trên cáng xếp hàng ngay trên mặt đất. Các điều kiện cất cánh của Zulu Zulu với Ruýpphơray và Coócnuy không bị quên và Đềcavơ rất khó tính: 19 người bị thương, không thêm một người. Và thời gian thực hiện không quá ba phút. Chiếc Đen ta Tăng gô của đại úy Lui Vanniê với cô hộ tống viên Pônlơ Bécna đỗ xuống ít lâu sau và ra đi trong thời gian quy định, trong lúc đó trên đầu họ, trên bầu trời trong sáng, chiếc "Đacôta tạo tiếng động giả" đang thao diễn để thu hút sự chú ý mà không để bị bắn rơi.

Viên phi công của thiếu úy Pôn Huybe, trung sĩ Lamáccơ, hạ cánh trong thực tế không có tầm nhìn và, từ phía nam đến phía bắc đường băng, guồng xe cứu thương và xe tải chở người bị thương tiếp tục. Pháo 105 của Pháp thực hiện một cuộc pháo kích vào lúc Misen Lơxuyơ đóng cửa, trong lúc máy bay lấy đà, mặt hướng về phía nam. Nhật ký bay của Misen ghi thời gian chuyến bay đêm: hai giờ năm mươi lăm phút.

Chúng tôi có thể cất cánh lại, cô kể, nhưng những làn đạn dữ dội như đang tìm kiếm chúng tôi và chỉ khi lên đến độ cao tôi mới thở phào. Chúng tôi đã thành công nhưng tôi không thể không nghĩ tới sự tuyệt vọng của những người bị thương còn ở dưới mặt đất để chờ đợi một chuyến sơ tán bất thành”.

Trung tá Đềcavơ lại ra đi và Giơnơvievơ đờ Ga la ân cần săn sóc 19 người bị thương của cô, để tránh nghĩ tới quả đạn pháo cứ mỗi giây lại có thể phá máy bay. Một quả pháo sáng sáng không đúng lúc có làm hại chiếc Đacôta thứ sáu ở giai đoạn cất cánh không? Đại úy Ăngđrê Đềnoaiê mà phi công là trung sĩ Phêjan, bắt đầu tiếp cận, nhận được lệnh của Torri đỏ quay trở về. Vô số những lưỡi lửa lóe lên từ các ngọn đồi và các tiếng nổ vang lên liên tiếp ở gần đường băng. Máy bay cuối cùng dự định cho đêm 19 rạng ngày 20, của đại úy Vícto Ma lô cũng nhận được những chỉ thị như vậy và phi công, trung sĩ Lu sơ, dận ga và lại bay lên, hướng vế địa điểm cuối cùng.

Trong đêm sơ tán tập thể này, trong danh sách của sở y tế có 95 người, cộng thêm 10 tù nhân. Trung úy Đờ Tu sê của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc, bị thương ngày 13-3, cũng ở trong số này. Quân dù đông nhất: 12 người của tiểu đoàn 6 dù thuộc địa, 12 người của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc, 10 người của tiểu đoàn 5 dù Việt Nam và 5 người của tiểu đoàn 8 xung kích.

Hoạt động này không phải không ai biết, ở tiểu đoàn 6 dù thuộc địa, trung úy Samalăng kể về cuộc "sơ tán y tế" với vợ ngày 20-3:

Anh nghĩ rằng các thư của anh có thể được chuyển đi trong đêm nay vì sáu máy bay đã đỗ xuống để sơ tán người bị thương của chúng ta. Những phi công táo bạo đã hạ cánh mà không có ánh sáng và ra đi cũng như vậy. Điểu đó làm yên tâm vì vấn đề người bị thương là vấn để kinh hoàng. Bây giờ họ đã về Hà Nội, an toàn và được săn sóc tốt. Ở đây bệnh viện cũng tốt nhưng nhanh chóng bị đầy ứ”.

Bệnh viện đã đầy ứ và không vơi được nữa. Trong các sở chỉ huy, sau khi đã rút người đi nhường các hầm trú ẩn cho các bác sĩ, cuộc sống đang được tổ chức lại. Ở đơn vị Lăng le, đại úy Vécđenhan giải thích rằng "Không còn hầm trú ẩn cho binh sĩ, người ta dồn về sở chỉ huy. Nhà ăn biến thành nhà bếp và kho thực phẩm. Mọi người chen chúc và các cuộc pháo kích của Việt Minh có nhiệm vụ duy trì, số người bị thương vượt quá khả năng chứa trú của chúng ta”.

Trong bức thư cuối cùng gửi ngày 24-3 cho một phi công trực thăng, thiếu tá Va đô tỏ ra tinh thần mình không suy yếu:

Chúng tôi đang giữ vững và tôi hy vọng sẽ còn lâu dài. Cơ quan tham mưu cấp trên tồi tệ đã được thay đổi. Đại tá Pirốt đã tự vẫn, đại tá Ke le bị thải hồi. Máy bay không đỗ xuống nữa trừ một số máy bay cứu thương ban đêm bay đến để sơ tán người bị thương, nhưng thưa thớt, vì Việt Minh vẫn bắn”.

Tuy vậy, ông ta thêm câu: "Đánh nhau không để làm gì cả vì nếu hòa bình được ký kết, ông Hồ Chí Minh sẽ nắm chính quyền".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #122 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2008, 11:54:40 am »

Sau khi sơ tán những người quan sát pháo binh về Mường Sai, một kế hoạch trực thăng vận khác đã được hoạch định. Quasimôđô - đó là mật mã - sẽ nguy hiểm hơn vì có nhiều trực thăng tham gia với nhiệm vụ thu nhặt những nhân viên không quân còn ở lại mặt đất khi những chiếc Bearcat cuối cùng của không đoàn khu trục Xanh tông đã bay đi. Danh sách có hai phi công, các trung sĩ Mêjen và Ăngli, 13 thợ máy, 3 chuyên gia vũ khí (Môngtanhơ, Xanniê và Mamăng), 2 thợ rađiô (Grajiani và Bay) và thủ kho Rơbônlô. Tất cả 23 người, phần lớn là hạ sĩ quan mà không đoàn khu trục Xanh tông không phải không bằng lòng được đón nhận lại trong các công xưởng của họ ở Bạnh Mai. Những nhân viên mặt đất không chuyên môn đã được giao cho đại úy Sácnô và được cử về tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc.

Ngày 20-3 là ngày thứ bảy, sương mù chưa tan nhưng pháo binh Pháp, cũng như đã làm đêm qua, duy trì một hỏa lực dày đặc để đánh lạc hướng địch. Đó là việc che giấu tiếng động cơ của ba chiếc trực thăng S55 xuất hiện và nhào xuống bãi hạ cánh như chim săn mồi, ngay khi Torri đỏ cho biết tầm nhìn xa đã đủ. Cả ba chiếc mang chữ thập đỏ, các máy bay này chỉ ở trên mặt đất vài phút, các phi công không rời ghế của mình. 23 người là hơi chật chội - mỗi trực thăng chỉ được chở bảy hành khách -, nhưng các máy bay đã bay lên trước khi đại bác Việt Minh khai hỏa. Vì vấn đề trọng tải, mọi người đã nhận được lệnh: không được lát ván sàn, không có hành lý cá nhân, không súng, không đạn. Để chứng minh chữ thập đỏ được sử dụng như một cái vỏ bọc, hình như một số thợ máy đã được "cải trang" thành người bị thương. Không biết người ta có e ngại những người đưa tin của Việt Minh, của tập đoàn cứ điểm và của Hà Nội không? Dầu sao đi nữa, mỗi máy bay đã bay lên trong một đám bụi hình xoắn ốc màu đỏ và nhanh chóng lên cao để tránh súng cao xạ địch. Quasimôđô đã thành công.

Không có bệnh quan liêu bàn giấy trong một số cơ quan tham mưu thì chúng ta chẳng biết gì về vụ này. Ngày 16-4, khi trận đánh Điện Biên Phủ đang ở đỉnh cao, trung tá Laja, phó chỉ huy hậu cần của Bộ Tư lệnh không quân ở Viễn Đông, khám phá ra 23 chuyên gia được máy bay trực thăng đưa về đã để vũ khí lại ở Điện Biên Phủ; ông ta đòi viên chỉ huy không đoàn Xanh tông làm một biên bản về sự mất mát đó và một báo cáo có tình tiết rõ ràng bởi vì, ông ta viết, "Việc nhân viên của ông bỏ trang bị cá nhân này hình như chưa được xác nhận". Một từ nói vế những vũ khí hình như biểu thị một cách tàn nhẫn sự thiếu tôn trọng đối với Laja và với cấp trên của ông là đại tá Vuynpie, đó là 3 khẩu các- bin Mỹ, 2 súng lục và 5 băng đạn, 17 tiểu liên MAS 38 với 78 băng đạn và 8 dao găm Mỹ?

Được yêu cầu như vậy, đại úy Payăng thuộc một đơn vị không quân của Không đoàn khu trục 1/22 ở Điện Biên Phủ, ngày 21 tháng 4 đã viết thư trả lời gồm ba điểm. Payăng trước tiên nhắc lại rằng các vũ khí được để lại ở Điện Biên Phủ là thi hành quy định các thành viên nhóm chuyên môn "phải gọn nhẹ ở mức tối đa và đã để lại ở đó ngay cả những đồ đạc cá nhân của mình".

Về điểm thứ hai, Payăng dành quyền gợi nhớ cho các vị cấp trên quá tỉ mỉ: "Sự sơ tán bằng trực thăng mang phù hiệu chữ thập đỏ, của những nhân viên vũ trang là trái với Công ước Giơnevơ. Cuối cù ng, móng vuốt giương lên đá một cú, Payăng báo cáo rằng các vũ khí đó đã được chuyển cho đại đội 4 của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc và nói thêm tất nhiên là như vậy, chúng vẫn luôn luôn ở Điện Biên Phủ "thuộc quyền sử dụng của nhân viên Bộ chỉ huy không quân ở Viễn Đông tình nguyện lên đó tìm chúng". Cố nhiên, chẳng có ai xin tình nguyện cả, nhưng bài văn của đại úy Payăng chắc chắn đã làm yên lòng cơ quan tham mưu vì người ta không nói gì đến Quasimôđô nữa. Cũng chẳng nhắc gì đến số vũ khí đã nhập vào trang bị của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #123 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2008, 11:55:22 am »

Ba giờ sáng ngày chủ nhật 21-3, một đội đặc công địch thâm nhập vào đường băng, nổ phá các tấm lát trên một chiều dài hơn 15 mét, rồi biến đi trong đêm tối. Những hư hỏng không phải không chữa được và các công binh của thiếu tá Xuđra đã làm việc vất vả để "trả đường băng lại cho giao thông". Phải hàn lại các tấm lưới, ánh sáng hàn sẽ thu hút đạn như phấn hoa thu hút con ong. Nhưng công binh đã gặp may.

Và đêm lại tiếp theo đêm. Đêm 21 rạng ngày 22-3, thiếu tá Rútxờlô, chiến sĩ thời kỳ Thế chiến II, đỗ xuống trong khi pháo binh Pháp bắn, hướng về phía nam, chuẩn bị cất cánh. Cô hộ tống viên Von Côjanê thấy từ một chiếc xe tải và hai xe cứu thương một số người bị thương quá đông bước xuống, cô chẳng được phép, chẳng có thời gian để nhận họ lên máy bay. May mắn hơn Misen Lơxuyơ ngày 17, nhưng vẫn trong những điều kiện kịch tính như vậy, cô "Dừa" - cái tên mà đám con gái đặt cho cô - đã ngăn chặn được đám thương binh đang chuyển động, mà những người gần nhất đã bám vào cửa và van xin dành cho "một chỗ nhỏ". Rútxơlô cho hiệu lệnh ba phút đã trôi qua, những quả đạn đầu tiên đã nổ, cách máy bay gần 100 mét. Nó có vẻ ì ạch trên những cái bánh lớn, rung chuyển trong tiếng gầm của các động cơ. Còn người phi công thì lấy tốc độ cho nó. Von Côjanê đứng thẳng người, đế giày dính chặt vào sàn máy bay, yêu cầu giúp đỡ để thu lại một chiếc cáng cuối cùng đang nằm vắt ngang cửa, rồi cô nhanh chóng đếm số người bị thương mà phần lớn ở phía sau của máy bay, Côjanê cảm thấy rằng nó không được khỏe khoắn thoải mái lắm. Chả cái gì hợp lý trong những cuộc sơ tán đêm mà ánh sáng duy nhất là những chớp nổ của đạn pháo và những chùm đạn vạch đường. Toàn thể phi hành đoàn co dúm lại và chỉ có một sự lựa chọn là gật đầu hay lắc đầu: xui xẻo hay không . Điều may vẫn đến nhưng Ruxơlô chỉ thú nhận về sau này: bánh lăn đằng đuôi suýt nữa chạm phải "gạch nén”.

Tất cả những việc xảy ra đó, đã làm cho Bộ Ngoại giao Pháp nổi cáu. ông Biđôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp gửi cho ủy ban chữ thập đỏ quốc tế một bức điện phản đối việc "bắn súng máy vào các máy bay cứu thương. ông khẳng định rằng "nhiều người bị thương sắp được sơ tán thì đã bị kết liễu trên sân bay" và nhắc lại rằng sau khi Bêatơrít thất thủ thì Việt Minh đã yêu cầu và đạt được một cuộc ngừng chiến tạm thời trong sáu tiếng để họ thu nhặt người chết và người bị thương của họ". Biđôn kiếm câu chuyện này từ đâu ra thế? ở Bêatơrít, Việt Minh không yêu cầu mà chỉ đề xuất một cuộc hưu chiến. Và ai có thể tin được rằng tướng Giáp sẽ tán thành "các công ước nhân đạo” mà phương Tây bày đặt ra. Những khía cạnh tâm lí của một cuộc chiến tranh không phải là ít độc hại và đài Tiếng nói Việt Nam được các đài Liên Xô và Trung Quốc tiếp sức, cho biết rằng Bộ chỉ huy Pháp đã đứng không đúng chỗ để nói về sự tôn trọng các công ước quốc tế trong lúc họ sử dụng những máy bay mang chữ thập đỏ để chở tiếp viện và dạn được. Với nghệ thuật riêng của họ là trình bày vấn đề sao cho có lợi cho mình, Việt Minh đã cường điệu vấn đề và ít khả năng là "quân tiếp viện và đạn được" đã được vận chuyển lên Điện Biên Phủ bằng máy bay Đacôta, nhưng điều chính xác, chúng ta đã nhìn thấy, là dưới sự che đậy của dấu chữ thập đỏ, một số chuyên gia của không quân đã được bốc đi và đưa về Hà Nội. Thiếu tá Ghêranh, cố vấn không quân của GONO, thừa nhận trong báo cáo của mình rằng "các phi công và thợ máy của các máy bay Bearcat bị phá hủy trên mặt đất đã được sơ tán bằng trực thăng". Ông ta quên nói rõ là Quasimôđô đã sử dụng các máy bay mang dấu chữ thập đỏ.

Tướng Giáp có biết việc này không? Trong suy nghĩ của ông nảy ra ý định làm cho các hầm cứu thương ở Điện Biên Phủ đầy ắp người bị thương để đẩy các bác sĩ Pháp gây áp lực đối với bộ chỉ huy của họ và chấm dứt một tình trạng được xem là vô nhân đạo theo các tiêu chí của phương Tây. Tướng Giáp nghĩ rằng sự hiện diện của 1000 thương binh và những người sắp chết, hoặc hơn nữa, chật ních trong mọi ngóc ngách của vị trí hoặc để nằm trên cáng ở ngoài trời, dưới các làn đạn và mưa gió cuối cùng sẽ tác động đến tinh thần của các chiến binh mà mỗi bước đi không thể không đụng vào người bị thương, qua đó rốt cuộc họ đã nhìn thấy hình ảnh của chính mình. Việt Minh đã trả lại cho Caxtơri phần lớn những người bị thương và bằng mọi cách ngăn cản các máy bay và trực thăng.

Ngày 18-3, Isaben mất người sĩ quan đầu tiên. Trung úy Bécna Roa, tốt nghiệp Xanh Xia, khóa "Ganglianô", đã bị chết bên cạnh trung úy Tymen của tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 bộ binh Angiêri:

Chúng tôi nấp bên cái ụ ở trong hầm, Tymen nhớ lại, bỗng một quả đạn cối bắn vào vị trí của chúng tôi. Khi đã yên tĩnh, Roa ngẩng đầu lên xem bộ binh Việt Minh có xông lên không.." chính lúc đó một quả "cối" cuối cùng đã nổ trước mặt anh có vài thước. Anh ngã qụy nhẹ nhàng vào người tôi và thở ra. Một mảnh nhỏ đã bắn vào phía trên lông mày bên phải của anh, chỉ là đã xuyên sâu vào và anh chết ngay tức khắc. Chúng tôi đã chôn anh vào ngày hôm sau và tôi đã thu lấy cái nhẫn cưới đưa về cho vợ anh sau kki tôi bị bắt trở về. Cô ấy vừa mới sinh đứa con thứ hai. . “. (Chú thích: Hai khóa Xanh Xia "Tướng Fre" (1948-1950) và "Gariglianô” (1949-l951) đã trả món nợ đời nặng nề ở Điện Biên Phủ: 12 sĩ quan bị giết thuộc khóa thứ nhất và 14 thuộc khóa thứ hai.) 
 
Từ ngày 20 đến 23-3, Việt Minh luôn luôn bắn pháo dữ dội và cái giá phải trả hàng ngày ở Isaben đã lên đến một tỉ lệ đáng lo ngại:
Ngày 20-3: hai đại đội của tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh ngoại quốc mở đường. Đại đội thứ 3 chạm địch ở bản Đông và các xe tăng của trung úy Prêô đã cứu nguy cho nó một cách rất vất vả. Năm người chết, hai mất tích và năm bị thương trong đó có trung úy Gămbiê.
Ngày 21-3: Mở đường và chạm Việt Minh ở bản Kho Lai. Xe tăng tham chiến. Hai chết, một mất tích, sáu bị thương trong đó có trung úy Rốtxini.

Ngày 22-3: đại đội 11 của đại úy Phuốcniê đụng địch trong một cái hào mới : ba bị giết và mười một bị thương. .

Ngày 23-3: Những cuộc pháo kích dữ dội. Xe tăng phá huỷ các lô cốt: năm bị giết và hai mươi chín bị thương. Trung úy Gămbiê chết cháy trên một chiếc trực thăng đang định đưa anh đi. Cho đến hôm nay, 140 người bị thương được săn sóc trong các bệnh xá của Isaben.

Ba ngày sau trung úy Giôn Rốtxini, 34 tuổi, sinh ở La Rô sen, bị chết vì một viên đạn bắn vào dạ dày. Ba sĩ quan trong tám ngày? 

Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #124 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2008, 06:42:37 pm »

Chương VIII
ĐẾN LƯỢT ĐÔMINÍC (TRUNG TÂM ĐỀ KHÁNG ĐỒI D)


Thứ hai 22-3, tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc mở con đường Isaben bằng đường mòn Pa vi. Nếp cũ. Đại đội Lơcốc đi đầu với một trung đội xe tăng và trung đội E của đại uý Sácnô làm hậu vệ. Việc liên lạc với các đơn vị đến từ Isaben sẽ thực hiện vào giữa đoạn đường, phía bản Lôi. Ghirô không tham dự (ông bị một kiện hàng thả dù đúng vào đầu). Tiểu đoàn dù ngoại quốc do đại uý Viơle (Chú thích:  Sinh năm 1918 ở Quýtxấc (ga), thiếu sinh quân Phơrăngxoa Viơle tốt nghiệp Xanh Xia. Hai anh chết năm 1944, Ray mông là du kích vùng Ácđét, Giăng trên máy bay Halifax của không quân Hoàng gia Anh, bị bắn rơi trên biển. Viơle đã tham gia chiến dịch ở Tuynidi, rồi cùng tập đoàn quân của Đờ Lattiri trước khi phục vụ 3 nhiệm kì ở Đông Dương. Có bằng nhảy dù 1949. Tháng 4-1957 cưới Mađơlen, có một con rrai. Năm 1958, bị giết ở Angiêri.) chỉ huy.

Ngụy trang dưới lùm mây và tre, Việt Minh phục kích. Sương mù tan, Tiểu đoàn dù ngoại quốc và xe tăng tiến đến gần... ở các đơn vị bộ đội Việt Minh kỷ luật khai hỏa rất nghiêm, họ có thể bị đạn bắn vào người mà vẫn không bóp cò nếu chưa có lệnh. Khi có lệnh họ tung ra một hỏa lực tàn phá và ngay bản thân các trưởng xe tăng cũng phải chấp nhận một thời gian chết trước khi bình tĩnh lại.

Khoảng 9 giờ sáng, trung uý Kéc bon báo cáo, chúng tôi gặp hai đại đội Việt Minh ẩn nấp trong công sự vững chắc. Sau khi chuẩn bị hỏa lực pháo nhanh chóng, chúng tôi xung phong. Trung uý Rây nô ngay từ đầu đã bị một loạt đạn vào hông và những mảnh lựu đạn, nhưng anh vẫn nói được với tôi và khi tôi đề nghị cho đưa anh về trạm cấp cứu, anh từ chối với lý do còn đi được. Tôi phải trở lại chiến đấu vì trung uý Lơcốc vừa mới bị giết”.

Các xe tăng của thượng sĩ nhất Carét chạy đến yểm trợ các xe tăng của Nây, trong lúc đó trung đội xe tăng của trung uý Prêô và các lính bộ binh Angiêri của tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 Angiêri từ phía nam tiến đến. Tình thế chuyển biến bất lợi cho Việt Minh. Người ta cảm thấy họ mệt mỏi, kiệt sức tiếng lách cách của súng ống giảm dần, tiếng đạn nổ thưa thớt, tiếng nổ của lựu đạn cũng ít đi...

Rây nô bị thương nặng hơn là anh nói với Kéc bon và khi anh này rút đi vì một mảnh trái phá cắm vào họng, nhìn thấy Rây nô nằm dài trên cáng trong một căn nhà tranh, bác sĩ Rongđy đã đến đây làm việc. Rây nô có vẻ đau đớn lắm.

Tôi đã đưa chở anh ấy đến chỗ ông Crauuyn, Rôngđy nói, nhưng anh ấy bị nhiều viên đạn tiểu liên skôđa vào bụng và mất nhiều máu. Tôi tự hỏi làm sao mà anh ta đi được. Crauuyn đã cố nâng huyết áp của anh lên trước khi mổ nhưng không thể được, rồi anh không tỉnh lại nữa và đã mất tại trạm giải phẫu”. (Chú thích: Sinh năm 1928, thiếu sinh quân, Rêmy Râynô nhập ngũ 1945. Tốt nghiệp Xanh Xia, thiếu uý 1951 có bằng nhảy dù, được điều về tiểu đoàn bộ binh 126, và phục vụ tại tiểu đoàn 3 dù lê dương ngoại quốc ở Xêtíp, Đến Sài Gôn tháng 6-1953, tháng 10-1953, nhảy dù cùng tiểu đoàn xuống Điện Biên Phủ (Hành quân Hải li).

Rây nô thuộc đại đội Lơcốc. Gia nhin, vợ anh, chờ anh ở Brirơlagayác, ngày 5-2 đã sinh một cháu gái, bé Đanien, đứa con thứ tư của họ. Các bức thư của viên sĩ quan là một cuộc đối thoại dài, thân mật với Gia nhin và bức thư cuối cùng đề ngày 12-3 cũng không phải là ngoại lệ. Anh tỏ ra vững lòng, báo tin là anh "mạnh khỏe và tinh thần tư tưởng luôn luôn tốt", tuy nhiên vẫn thừa nhận rằng "gần đây anh chẳng có thời gian để thở". Tấm ảnh đầu tiên của Đanien đã làm cho anh thỏa mãn. "Tôi thật hạnh phúc được nhìn thấy hình ảnh thơ ngây của bé Ninét của tôi ... Tôi giữ ảnh cháu trong người và thỉnh thoảng lại lấy ra ngắm nhìn”.

Dẫn đầu đại đội 2 của Brăngđông, vào nằm bệnh viện tại Hà Nội, Lơcốc đã bị giết ngay tức khắc (Chú thích: Sinh năm 1923, thiếu sinh quân. Ăngdrê Lơcốc sau khi tốt nghiệp Xanh Xia, đến Sài Gòn ngày 22-10-1947. Được cử về tiểu đoàn 2 bộ binh Ngoại quốc, hồi hương tháng 12-49. Đậu bằng dù, được cử về tiểu đoàn 3 dù ngoại quốc ở Xêtíp. Nhảy xuống Điện Biên Phủ với tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc (Hành quân Hải li).). Vợ anh là Alíc, công tác trong quân đội, được cử ra Hà Nội. Cũng như mọi đôi vợ chồng trẻ, Alíc và Ăngđrê có dự tính riêng cho hạnh phúc của mình. Khi viết thư cho chị là Vét, Ăngdrê mơ có mái nhà, ở đó Alíc và anh sẽ sống hạnh phúc với các con. Anh tâm sự với Vét: "Chúng em ghen tị với chị vì chị đã có một căn nhà riêng và suy nghĩ để nhất định xây dựng một căn nhà cho mình. Chị có thể cho em biết mất khoảng bao nhiêu tiền cho một ngôi nhà có năm buồng và số tiền có thể vay”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #125 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2008, 06:44:14 pm »

Ngày 5-1, anh trở lại với vấn đề này:

Càng ngày em càng nung nấu hy vọng xây dựng một căn nhà cho bọn em. Với số tiền tiết kiệm năm ngoái và một khoản vay tín dụng đất đai, chúng em sẽ xoay xở được. Còn lại vấn đề tìm đất và chọn địa điểm. Bọn em thích vùng ngoại ô lớn vì Pa ri thu hút chúng em lắm”.

Đoạn cuối của thư còn bi quan hơn:

Em ngày càng nóng ruột muốn trở về nước Pháp. Em vừa mới qua được nửa nhiệm kỳ nhưng năm còn lại sao mà còn dài thế! May thay, Alíc đang ở đây và hết lòng ủng hộ em, cô những lúc em thấy mệt mỏi, chán nản lắm. Nếu em hy sinh, đó là một điều có thể xảy ra cần phải tính đến, mong chị sẽ giúp đỡ vợ em về mọi mặt và nói với mọi người rằng sự xuất hiện của cô ấy và những hy sinh của cô ấy đối với em quý giá biết bao”.

Đầu tháng 3, thiếu tá Ghirô cho anh nghỉ phép về Hà Nội hai ngày để sống với Alíc. Họ đã tận hưởng hai ngày hạnh phúc và đã mắc phải chứng cảm mạo nặng. Đó là ngày 10-3, trong bức thư cuối cùng gửi cho Vét, Lơcốc đã nói đến "bệnh cảm" của họ. Anh kết thúc thư với dòng mủi lòng:

48 giờ nghỉ phép đó là một tuần trăng mật. Nó đã qua đi một cách nhanh chóng như một gia tốc và em ngỡ ngàng trở về ở Điện Biên Phủ một mình như trước đây. Alíc luôn tươi trẻ, và chờ đợi đứa con chào đời, em nghĩ rằng mọi việc sẽ tốt đẹp. Bé sẽ chào đời vào tháng 7 và bọn em sẽ là những người hạnh phúc nhất thế giới”.

Ăngdiê Béctơrăng là sĩ quan thứ ba của tiểu đoàn dù ngoại quốc đã hy sinh trong cuộc phục kích. Là người vui tính người theo chủ nghĩa khoái lạc, anh tham gia chiến tranh với một tinh thần hăng say đến đáng ngạc nhiên.

Tinh thần vững chắc như bê tông, anh là mẫu chiến binh chấp nhận mọi nguy hiểm rủi ro với niềm tin mình không thể bị tiêu diệt. "Không có tinh thần bạc nhược", đó là câu anh luôn lặp lại ở cuối những bức thư gửi cho bố mẹ. Bức thư cuối vào ngày 18-3: "Luôn luôn đúng thủ tục. Một môi trường lạ lùng! Không có tinh thần bạc nhược, chúng con sẽ giữ vững".

Rô be, em của người quá cố, qua một người bạn của gia đình là thân sinh của bác sĩ Rôngđy, được biết rằng Ăngdrê (Chú thích: Sinh năm 1926, tháng 4-1944, Ăngdrê Béctơrăng nhập ngũ vào sư đoàn 10 bộ binh (lực lượng Pháp ở nội địa ở Pa ri). Đi sang Đông Dương tháng 5-1947. Chuẩn uý tháng 12. Được cử về bán lữ đoàn lê dương ngoại quốc 13. Đậu bằng nhảy dù, thiếu uý 1948, trung uý 1950, hồi hương 1951. Ở trung đoàn 14 An giê ri rồi tiểu đoàn 3 dù ngoại quốc, ở Xê típ tháng 11. Trở lại Đông Dương 3.1953. Được cử đến Tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc ngày 12-4. Cùng tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (Hành quân Hải li).) bị một viên đạn vào động mạch chủ, đó là vết thương dẫn đến một cái chết gần như ngay lập tức". Cả ba sĩ quan được mai táng ngày 23-3, một đại đội đã cúi đầu tưởng niệm họ. 6 lê dương trong đó 3 hạ sĩ quan đã bị giết cùng họ và 20 người bị thương đã dược đưa đến bệnh xá. Một bản tổng kết nặng nề cho một cuộc mở đường.

Các cuộc sơ tán người bị thương bằng máy bay trở nên hiếm hoi còn các trực thăng thì dễ bị đánh. Đại tá Đờ Caxtơri cần những sĩ quan cao cấp. Ai sẽ thay thế đại tá Pirốt? Trung tá Tơranca đã đến hạn được hồi hương, chức vị của trung tá Kenle còn khuyết và bán lữ đoàn 13 lê dương ngoại quốc giảm xuống còn một tiểu đoàn, không có trung tá. Cônhi biết rõ điều đó và cuối cùng đã đưa thêm người đến, dầu là những sĩ quan có quá trình công tác không thể chê vào đâu được.
Cùng đến với Quasimôđô, đại đội trưởng thiết giáp Guy Vayăng tình nguyện chỉ huy pháo binh. Sáng ngày 23, bán lữ đoàn 13 đón nhận người chỉ huy mới, trung tá Lơmơniê. Ba chiếc trực thăng Sikorsky bay đến vào buổi sáng, ngay sau khi Lơmơniê đến. Chín người bị thương lên chiếc thứ nhất, nó cất cánh và lấy độ cao; chiếc thứ hai bị đạn pháo bắn, cũng bay lên, để lại chỗ cho cái thứ ba, chiếc này bị đạn cối phá hủy và phi công bị thương. Thượng sĩ nhất Gioócgiơ Kien và trung sĩ nhất Hăng ri Bécna được Torri đỏ tiếp nhận. Từ chiếc thứ hai, một sĩ quan bước xuống, đó là thiếu tá Pie Voanô.
Trong lá thư duy nhất đề ngày 23-3 mà bà nhận được, bà Voanô được biết "ông đã đến bầu trời Điện Biên Phủ vào buổi trưa, trên một chiếc trực thăng, từ độ cao khoảng 2000 mét nó nhào xuống và bất ngờ hạ cánh". Voanô là một chàng khổng lồ dễ mến, mà không cái gì làm ông run sợ, ông hỏng một mắt trong trận đánh ở Vĩnh Yên năm 1951 nhưng ông không hề phản đối khi người ta yêu cầu ông chuẩn bị để đi Điện Biên Phủ. Trong thư ngày 23, ông kể rằng "đã được đại tá Đờ Caxtơri tiếp và ông đã ở trong một hầm trú ẩn dưới đất, như mọi người, ngủ trên một cái phản, làm ông nhớ lại những ngày ở vùng Vốtgiơ cuối năm 1944”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #126 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2008, 07:58:22 pm »

Cũng vừa đến, có trung tá Đuycruýc, bạn cùng khóa với Lăng le - họ cùng học ở Xanh Xia năm 1928, để thay thế Gút ở chức vị phó tham mưu trưởng. Lăng le tàn nhẫn đánh giá rằng ông này không có khả năng để làm việc theo nhịp độ mà ông ta đòi hỏi ở các cấp dưới và thế là Đuycruýc (Chú thích: Sinh năm 1909, Gaxtong Đuycruýc sang Đông Dương tháng 1-1954. Được cử về GONO ngày 25-3. Mất trong thời gian bị bắt làm tù binh.) ngồi ghế dự bị suốt cả chiến dịch.

Việc sử dụng trực thăng đã bị gián đoạn. Cùng ngày tại Isaben, chiếc Sikorski của thượng sĩ Bácchiê đã bị phá hủy. "Cuộc thí nghiệm thật là tai hại? Cônhi viết, do thiếu máy bay và thiếu những phi công điêu luyện".

Quá nửa đêm hôm đó, trong một động tác trượt làm cho mọi người bị hất đầu lên, trung uý Ácbơlê lái chiếc đen ta Lim và cô hộ tống viên Eme Can ven chuẩn bị để đưa hành khách lên máy bay thì đặc công Việt Minh nổ súng; các lính lê dương bảo vệ bắn trả. Phi hành đoàn nghĩ đến máy bay và nhiên liệu trong các thùng chứa, liền rời xa. Ácbơlê và người thợ máy bị thương, được chở đến trạm giải phẫu và bác sĩ Ginđrây sơ cứu cho họ. Đầu gối bị vỡ, thượng sĩ Phavrô buộc phải về Hà Nội trên một cái cáng. Còn Ácbơlê, vết thương đã được băng bó nhưng liệu anh có lái được Đen ta Lim không? Chiếc máy bay dừng lại ở phía bắc đường băng và để đưa nó lại gần khu trung tâm, người ta cử một xe tăng của đại đội thiết giáp Herơgiap Herơvuét kéo nó về bãi đậu gần chiếc Êpécviê để đại uý Payăng, sĩ quan cuối cùng của không đoàn khu trục Xanh tông, kiểm tra theo lệnh của thiếu tá Ghêranh. Một kết luận thận trọng: máy bay hình như không thể bay được. Một nắp đậy động cơ đúng là có bị mảnh đạn chạm vào nhưng chỉ khi nào khởi động thì mới biết những bộ phận chủ yếu nào đã bị trúng đạn. Nếu Ácbơlê không thể lái được thì Ghêranh có một giải pháp: "ở đây chúng ta chỉ có hai phi công có thể lái được, ông ta nói với Payăng. Anh có vợ và đã làm cha, còn tôi độc thân, vậy anh nên bay đi?

Ý định đó sẽ diễn ra vào ngày 24 trước khi sương mù buổi sáng tan. Eme Can ven được phép nghỉ ngơi một lát trong hầm trú ẩn nhưng cô nói "em không thể nhắm mắt vì căng thẳng quá.. Ban đêm, những gì nhìn thấy ở Điện Biên Phủ thật là buồn thảm: những chiếc dù lê lết khắp mọi nơi, những túi đất ở lối vào, những đường hào dường như không dẫn đến nơi nào cả. . . Em chỉ được an ủi khi có người đến tìm mình”.

Ácbơlê ngồi vào ghế của mình và Payăng ngồi vào ghế lái phụ, trong lúc trời vẫn còn tối nhưng chân trời đã bừng sáng:

Tôi là phi công khu trục mà lại thả vào Đacôta, Payăng viết nhưng làm khác thể nào được? Ácbơlê, mà tôi biết từ hồi ở trường không quân, đã hồi phục sau những náo động nhưng vẫn có thể là bị đau lúc đang bay và tôi ở đó để lái máy bay khi cần thiết”.

Emê đã buộc cáng của thượng sĩ nhất Phavrốt vào sàn máy bay và người dẫn đường, trung sĩ Lang, có nhiệm vụ thu cánh hạ càng vào. Trung sĩ Poátxông, rađiô, giữ liên lạc với Torri đỏ. Hộ tống viên đưa ba người khách lên máy bay: các thợ máy Ni cô, Pu giôn và một sĩ quan có năm cái lon có ngù, trung tá Kenle (Chú thích: Sinh năm 1909, Ren Kenle tốt nghiệp Xanh Xia năm 1931. Ở Đông Dương từ 1949 đến 1951 làm trưởng phòng nhì. Cuối 1953 sang Đông Dương lần hai. Được cử về GONO, thay thế trung tá Gút ở Điện Biên Phủ. Bị trả về Hà Nội ngày 24-3, Kenle hồi hương ngày 17-12-1954.) được gửi trả về Hà Nội. Không có điểm cố định, chỉ có thử manhetô và, ngay khi nhiệt độ dầu cho phép, Đen ta Lima đi sâu vào đám mù đang tan dần. Pháo của Pháp bắn để lấp tiếng động cơ. "Không có người nào trên máy bay hiểu rằng máy bay đã lên trên không chưa, Emê nhớ lại. Chúng tôi có những phút gay go khi Đen ta Lima cất cánh. Các hành khách và tôi sẵn sàng chịu đựng tất cả, hai đầu gối kẹp đầu, trong tư thế máy bay rơi ".

Cho đến bây giờ, mặc dù pháo cao xạ bắn và có vài người bị thương vượt qua số lượng quy định đi trên máy bay, tất cả các máy bay đã trở về căn cứ. Bi kịch đầu tiên bắt đầu diễn từ ngày Ácbơlê và Payăng đưa Đen ta Lima vê. Vào buổi chiều, trong lúc các cuộc thả dù đang tiến hành thuận lợi, trung sĩ Cu đe lái chiếc Zulu Papa kết thúc nhiệm vụ và bay sau một chiếc C-47 khác hình như cũng đang chuẩn bị để bay về. Nhiều máy bay khác đang ở trên không và con mắt của phi công dò xét bầu trời.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #127 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2008, 07:59:25 pm »

Tôi nhìn xuống mặt đất để định vị địa điểm mà chúng tôi bay ở bên trên và tôi đã nhận ra Isaben, Cu đe kể. Khi tôi quay lại hướng về chiếc máy bay bay trước chúng tôi, thì không còn thấy nó đâu nữa. Tôi chỉ thấy một tiếng nổ dữ dội, tiếp theo là một đám mây khói và một sức đẩy mạnh mẽ làm Zulu Papa mất thăng bằng, tôi khó nhọc lắm mới ổn định được máy bay. . “.

Bị trúng một quả đạn, chiếc Đen ta Witski của đại uý Kuêníc (Chú thích: Sinh năm 1921, Giăng Kuêníc là thiếu uý phi công ở trường không quân năm 1942. Năm 1952 sang Đông Dương. Phụ trách tác chiến của không đoàn vận tải Bêácnơ. Đại uý Kuêníc đã tham gia 214 trận chiến và đã có 2449 giờ bay.) bị vỡ thành nhiều mảnh và rơi phân tán sau phòng tuyến của Việt Minh. Không một ai thoát nạn. Người ta không hiểu cái gì đã xảy ra, tiếng nổ quá bất ngờ, chỉ cần một viên đạn, một mảnh đạn vào thùng xăng... Ngoài đại uý Kuêníc, phi hành đoàn còn có thượng sĩ nhất Bô voa, các trung sĩ Stuynluy và Rômêa và ba nhân viên điều phối.

Một máy bay không rõ tên đã hạ cánh được và lấy đầy người bị thương trong đó có thượng sĩ nhất Bácchiê, phi công của chiếc trực thăng mà Alanh Gămbiê đã chết. Không đầy 24 giờ sau, một chiếc C-47 khác, chiếc Đen ta Lima của đại uý Bôeglanh, là nạn nhân của phòng không. Trung sĩ phi công Misen Gay vừa được tin cuộc thả dù đã chấm dứt thì động cơ bên phải bốc cháy sau khi máy bay bị một loạt đạn 12,7mm. Thượng sĩ Manô, thợ máy, dập tắt được chỗ cháy từ đầu nhưng không làm cho cánh quạt quay được, và máy bay mất thăng bằng: "Hạ cánh nhanh?", Bôeglanh lệnh cho Gay.

Đen ta Lima hướng về phía nam, xin phép hạ cánh. Trạm kiểm soát đồng ý và lưu ý khi đỗ phải hướng mũi về phía nam. Có thể là Gay có khả năng lái để thực hiện động tác đã quy định, nhưng những quả đạn mới quất vào máy bay, phi công cắt động cơ thứ hai ở độ cao 30 mét. Không, phi hành đoàn hiểu là Gay sẽ cho hạ cánh xuống bên lề đường băng. Máy bay đến, rất nhanh và không thể hạ càng - vả lại cũng vô ích - trung sĩ cho bụng máy bay đổ xuống và một chùm tia lửa đã tóe ra ngay từ ma sát đầu tiên. Một động cơ đã văng ra khi đi qua một cái hào nhưng tốc độ đã giảm xuống và khi Đen ta Lima dừng lại thì phi hành đoàn vẫn an toàn. Biết rằng các thùng xăng có thể nổ ngay trong giây lát Bôeglanh ra lệnh sơ tán, mọi người chạy thật nhanh ra xa. Riêng trung sĩ Giênanh ngừng chạy và quay trở lại để lấy các thạch anh trong rađiô do lương tâm nghề nghiệp bắt buộc. Ôm chặt gói đồ quý giá, anh lại chạy tiếp nhưng một quả đạn của Việt Minh đã bắn trúng vào máy bay, nó cháy sáng cả đường băng.

Mười lăm phút sau, Bôeglanh và người của ông đã được đại tá Đờ Caxtơri tiếp, mời uống rượu và hẹn sẽ thu xếp để có thể đưa họ về vào đêm sau. Hai người thả dù ít may mắn hơn: Giắcki Ănggien, 21 tuổi, người Reims, bị giết trên đường băng, hạ sĩ Ăngri Palacđy an toàn, được đưa về tiểu đoàn 8 xung kích, ở đơn vị này, về sau anh bị thương trong chiến đấu.

Sáng tinh mơ ngày 26, chiếc Zulu Zulu của trung uý Hê kê bị sáu chỗ thủng do đạn. Zulu Zulu đã chọc tức các xạ thủ bởi vì ngày hôm sau, đại uý Vannie, ngồi vào tay lái của chính máy bay này, lúc trở về nhận thấy rằng mũ ca lô của ông đã bị một viên đạn xuyên qua.

Đêm 24 rạng ngày 25-3, một quả đạn của Việt Minh đã đốt cháy một kho đạn ở Đôminíc làm 180 quả đạn 120mm đã nổ. Các súng cối của trung uý Poariê đã rời vị trí ba ngày trước, không có thời gian để lấy hết đạn trong kho. Nhận thấy rằng các hầm hào của Việt Minh đã áp sát quá gần vị trí của mình, đại uý Garăngđơ thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh Angiêri yêu cầu GONO cho lính dù xuất kích để buộc Việt Minh phải lùi ra. Lăng le cho biết "hoạt động tác chiến được tiến hành". Quả vậy, tiểu đoàn 8 xung kích tấn công hướng đông bắc. Được pháo binh chi viện, quân của Turê đã lấn đất nhưng họ được lệnh "dừng lại trước biên giới Trung Quốc"; chỉ cần giảm bớt áp lực đối với Đôminíc. Việt Minh toan lấy lại lợi thế. Khoảng 15 giờ hoạt động đánh lạc hướng đã kéo dài khá lâu, và tiểu đoàn 8 xung kích rút lui.

Trung đội xung kích của trung sĩ Lơglanh bảo vệ cuộc rút lui của đại đội Bayi đã đi qua một hào cũ của Việt Minh. Không có thời gian để lấp hào này và, như Lơgranh viết, "đạn bắn từ khắp nơi". Khoảng 16 giờ, có lệnh thôi tiếp cận địch. Cùng các lính Việt Nam và các tiểu đội trưởng của họ, Rápphiê và Miê, Lơgranh đi về phía Đôminíc 2. Một phần quân số tiểu đoàn đã đi qua nhưng Việt Minh dùng hỏa lực đuổi theo họ. Một khẩu súng máy đã nhằm vào một lối đi bắt buộc qua hàng rào dây kẽm gai và một lính dù trúng đạn.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #128 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2008, 08:00:51 pm »

Cứ mỗi khi có người tới gần, Lơgranh viết, là loạt đạn lại réo tới. Thiếu uý Garutai (Chú thích: Sinh năm 1927, Misen Garutai được gọi nhập ngũ tháng 5-1947. Được cử sang Đông Dương, đã đậu bằng nhảy dù, xuống tàu ngày 8-9-1953. Được cử về tiểu đoàn 8 xung kích, cùng tiểu đoàn mình nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.) cố kéo kẻ bị nạn ra khỏi nơi nguy hiểm nhưng ông cũng bị trúng đạn và ngã xuống. Benlami, Đuyboa và tôi, bàn tính với nhau, cố đến gần, nhưng súng máy bắn ác quá! Cuối cùng chúng tôi cũng đến được chỗ ông, ông bất tỉnh nhưng còn sống, ba người chúng tôi cố gắng đưa ông ra khỏi trận địa. Tôi đề nghị đặt ông lên lưng tôi như vậy sẽ dễ dàng để vượt qua rào dây kẽm gai hơn. Trên vai tôi người bị thương rên rỉ, và một giây khi tôi đứng dậy, một quả 81 nổ trước mặt chúng tôi; tôi như bị nhào lộn và ngồi phệt xuống, thiếu uý Garutai bất tỉnh. Lần này thì ông chết thật. Lính Việt Nam của Lơgranh đầu óc để ở đâu đâu họ ghen tị với các đồng đội của họ ở đại đội 2 đang rút lui bằng các bước nhảy vọt. Lơgranh chân trái bị gãy. Anh ra lệnh đưa cho anh một tấm vải lều, anh nằm lên đó để lính của anh đưa anh đi. Cuộc vượt rào kẽm gai là một chiến công, Lơgranh đã đem được trung đội về và trình diện với trung uý Bayi. Tiểu đoàn 8 mất 16 người trong ngày. Và 57 người bị thương kéo đến trạm xá của trung uý bác sĩ Đờ Các pho, đã lâu giờ mới thấy một số lượng người bị thương đông như vậy”.

Hai ngày sau, ngày 27, Turê, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 xung kích yêu cầu đại uý Xalanh giữ vững Đôminíc 4 trên hữu ngạn sông Nậm Rốm và tấn công các chiến hào Việt Minh ở phía bắc đường mòn nơi ông định lập một điểm tựa mới, Ôpêra - một loại anh em sinh đôi của Huy ghét 6 ở phía bên kia đường băng. Xalanh hoàn thành nhiệm vụ và, ngoại trừ một người bị thương vì mìn, thì không bị tổn thất gì. Turê không tỏ ra thân thiện mấy với Rơn Guyô d’Asnie đờ Xalanh.
Cùng xuất xứ từ võ bị Xanh Xia, điều đó đáng lẽ gắn bó họ thì lại làm cho họ xa cách nhau. Turê tốt nghiệp khóa "tình hữu nghị Pháp - Anh" 1939-1940, còn Xalanh khóa "Thống chế Pêtanh" 1940-1941. Xalanh có cảm giác tiểu đoàn trường tiểu đoàn 8 xung kích chỉ coi ông là một sĩ quan tham mưu, một cán bộ "quan liêu bàn giấy”.

Turê khinh ghét các sĩ quan tham mưu, Xalanh viết. ông ta có mắc mớ với một người trung sĩ đó, trong nhiệm kì thứ nhất ở Đông Dương vì đã để mất một khẩu pháo cho Việt Minh trong hoàn cảnh không rõ ràng. Tuy nhiên ông ta khó mà xếp tôi vào danh sách đó như một sĩ quan tham mưu chẳng biết gì. Khi Turê bị tù ở Đức, tôi đã chỉ huy một trung đội xe tăng và tham gia chiến dịch cùng với tập đoàn quân của tướng Đờ Láttơrơ. Năm 1952, sau hai năm ở Bộ chỉ huy binh chủng hóa học và đã có bốn đứa con, tôi vẫn tình nguyện vào quân nhảy dù ở Đông Dương và sau 6 tháng ở cơ quan tham mưu của các đơn vị không vận, tôi đã được bổ nhiệm về tiểu đoàn 8 dù xung kích”. (Chú thích: Được sự cố vấn của Pie Turê, Ăngri Lơmia đã viết một cuốn sách về tiểu đoàn 8 xung kích: Diều hâu (Paris. Alobin Michel 1988). Rơnê đờ Xalanh trong sách bị chỉ trích tệ hại đến nỗi ông dự định "tấn công tác giả vu khống và đòi sửa đổi". Cuối cùng ông chọn việc đưa ra, theo ý của các con ông, một hồ sơ về thời gian ông ở Đông Dương và nhất là ở Điện Biên phủ (Thư gửi tác giả ).)

Thoạt đầu Xalanh là phó chỉ huy. Trong cuộc hành quân Hải li ông nhường vị trí cho đại úy Lamuliát và cùng dại đội 1 tham gia các "cuộc trinh sát tiến công" xung quanh Điện Biên Phủ. Xalanh nghĩ rằng Turê cuối cùng sẽ nhận ông nhưng ông đã nhầm. Ngày 14, một ngày sau cuộc tấn công của tướng Giáp, ông đã nhận được lệnh thành lập điểm tựa Đôminíc 4 ở phía đông bắc của vị trí tiểu đoàn 8 xung kích, trong một khúc uốn của sông Nậm Rốm. Đó không phải là điều được xem như là ân huệ.

Turê cử tôi đến Đôminíc 4 gần như để cách li, Xalanh viết, không bao giờ triệu tôi đến sở chỉ huy tiểu đoàn và chẳng bao giờ đến gặp tôi ở điểm tựa chỉ cách đó 200 mét. Với những cuộc hành quân ở ngoài, ông ta chỉ gửi cho tôi một thông báo bằng rađiô và xác định nhiệm vụ của tôi, chẳng nói rõ với tôi tình hình hoặc các yểm trợ có thể có”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #129 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2008, 08:01:40 pm »

Turê có ghét Xalanh đến mức tố cáo ông ta trước công luận trong những năm tới sau Điện Biên Phủ không? Không phải là không thể vì ông cho gạch tên Xalanh trong danh sách đề bạt theo đề nghị của cấp trên và không bao giờ đề nghị tuyên dương Xalanh, lại còn có những nhận xét rất xấu, đẩy Xalanh phải rời bỏ quân đội. Một chi tiết rất quan trọng: Xalanh được tuyên dương ba lần ở Điện Biên Phủ, trong đó hai lần trước hành quân, theo đề nghị của trung tá Lăng le, trái lại Lăng le không có đề nghị nào về Turê. Quả thật là Lăngle có tranh chấp với tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 xung kích và những nguyên nhân như nhau thì dẫn đến những hậu quả như nhau...

Chúng ta sẽ hiểu khi nghe tướng Cônhi trình bày trước ủy ban điều tra:

Tôi rất quý mến Lăng le với tư cách là một người lính nhưng ông ta thường rất dễ bị kích động. Tôi đơn cử một ví dụ điển hình. Vào đầu chiến dịch tôi có nhận được một đề nghị cấm trại đại uý Turê 30 ngày vì không chấp hành mệnh lệnh. Tôi yêu cầu giải thích và câu trả lời là một sự luận tội của Lăng le đối với Turê trong một bản báo cáo cay độc nhất. Tôi tỉnh táo chờ đợi ít lâu và vài ngày sau thì Turê lại được tâng bốc lên tận mây xanh. Thế thì những nhận xét của trung tá Lăng le. . “.

Vị trung tá nóng tính, bản thân ông, cũng không tránh được sự chỉ trích. Khi Chủ tịch ủy ban điều tra hỏi Đờ Caxtơri có va chạm gì về chỉ huy với người này hoặc người khác trong số những người dưới quyền không, ông nghĩ đến Lăng le. Nhưng Caxtơri không phải là người bội bạc, ông có thể làm chủ được tình cảm của mình.

- Trong một môi trường đầy kịch tính như ở đó, tôi không muốn gặp những khó khăn về chỉ huy... Mỗi người đều có cá tính, và có điều hay, điều dở... Lăng le nói bạo... ông ta có ý chí... ông ta hơi nói khoác, đó là điều đã biết, chỉ vậy thôi.

- Có lúc nào đó ông có bất đồng về quan điểm...

- Không, tôi bảo vệ tất cả những điều ông ta làm và tôi không có điều gì bất đồng với ông ấy. Tôi muốn nói rõ rằng ông ấy chẳng bao giờ, quyết định điều gì quan trọng (về trung tâm đề kháng mà ông chỉ huy) mà không báo cáo với tôi và không chỉ thế mà còn xin ý kiến tôi và xin phép được làm. Lăng le thích nói nhiều: "Chính tôi đã... do tôi mà..." Cũng cần phải hiểu là có đa số quân dù ở Điện Biên Phủ nằm dưới quyền của ông ta.

- Tôi nêu vấn đề với ông, Catơru nhấn mạnh, bởi vì có những tiếng xì xào về vấn đề này trong dư luận.

- Dù thế nào chăng nữa tôi tuyệt đối không có một nhận định gì về ý nghĩa đó đối với Lăng le. Hồi đầu chiến dịch, khi mà tinh thần không được cao, nếu tôi không có Lăng le tôi không hiểu liệu chúng tôi có lấy lại tinh thần được không. Rõ ràng ông ta là người tàn nhẫn và hung bạo, ông ta đã có những mắc mớ với một vài sĩ quan của ông... nhưng không phải với tôi.

Nếu dưới con mắt của đại tá Caxtơri, Lăng le là người không được đụng đến, thì những tài liệu lưu trữ của ủy ban điều tra phát hiện rằng tư lệnh của GONO có những điều ghét cay ghét đắng khác. Điện Biên Phủ có ít nhất một sĩ quan mà Caxtơri không thể chịu đựng được. Đó là đại uý Garăngđô chỉ huy tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh Angiêri ở các cứ điểm Đôminíc và sự hung bạo mà Đờ Caxtơri thể hiện trong việc bày tỏ ý kiến đối với vấn đề của ông ấy làm người ta sửng sốt. Đờ Caxtơri có phàn nàn gì về Garăngđơ, con người thuộc về một gia đình quân nhân đáng tôn kính mà cụ thân sinh là một vị đại uý đã hy sinh trên chiến trường ngày 24-7-1918 không? (Chú thích: Sinh năm 1912 ở Marnơ, Giăng Garăngđơ nhập ngũ năm 18 tuổi. Được cử đi Đông Dương 4-1952, đại uý sĩ quan tùy tùng ở tiểu đoàn 2, trung đoàn 3 Ma rốc, kế tục thiếu tá Sai lơ Goa chỉ huy tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 Angiêri ngày 1-7-1953. Không vận lên Điện Biên Phủ đầu tháng 12-1953.) 
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM