Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 10:55:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giai thoại tướng lĩnh Việt Nam  (Đọc 48026 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2008, 09:09:54 pm »

Giáo sư, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: 88 tuổi vẫn trăn trở "quân cơ, quốc sự"

14 giờ chiều ngày 26-8-2008, tôi được Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tiếp tại nhà riêng. Tôi bày tỏ nguyện vọng muốn được phỏng vấn ông về con đường binh nghiệp, về nhân tình thế thái và cả những câu chuyện đời thường của một vị tướng lẫy lừng trận mạc, đồng thời cũng là một nhà lý luận quân sự nổi tiếng của Việt Nam. Ông cười thật hiền, rồi chậm rãi trả lời những câu hỏi của tôi. Cuối buổi chiều, ông tiễn tôi ra về và hẹn sẽ tiếp tục câu chuyện sau khi tôi đi công tác Bắc Kạn trở về. Vậy mà... ông đã đột ngột đi xa !
Ngày 23-8,Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 95 - Tây Nguyên khu vực miền Bắc tổ chức gặp mặt tại Hội trường Học viện Quốc phòng nhân kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống (23-8-1945-23-8-2008). Hàng trăm cựu chiến binh từ 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc về dự đã rất phấn khởi khi được đón Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đến dự. Tranh thủ thời gian chờ đợi trước khi bắt đầu buổi gặp, tôi xin phép được thưa chuyện cùng Thượng tướng và trình bày: "Cháu là phóng viên của báo Quân đội nhân dân, được "gặp ông" qua rất nhiều tác phẩm lý luận, nghệ thuật quân sự nhưng mãi hôm nay mới được gặp trực tiếp. Có rất nhiều vấn đề mà thế hệ trẻ trong quân đội muốn hỏi, ông có thể dành thời gian cho cháu không ?".

Thượng tướng nheo mắt, đoạn ông ghé sang Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đang ngồi ghế bên cạnh, nói vui: "Nhà báo trẻ của quân đội vẫn quan tâm đến cánh già đấy nhé"; rồi ông bảo tôi: "Đồng ý. Chiều 26-8, tôi rảnh, anh có thể đến nhà riêng của tôi ở 69 - Phùng Chí Kiên, ta sẽ nói chuyện cho được nhiều".
Tôi hơi lo, vì theo kế hoạch hàng tuần, chiều 26-8 là thứ 3, giao ban phòng, nếu xin nghỉ thì e không tiện. Nhưng nghĩ đến chuyện được nghe Thượng tướng, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, tác giả cuốn hồi ký "Chiến đấu ở Tây Nguyên" mà tôi đã đọc nhiều lần - kể chuyện, tôi đã nhận lời hẹn. Thật may là ngay sau đó, tôi được thông báo là chiều 26-8, hoãn giao ban vì phòng tập trung lo một bài viết quan trọng đăng vào ngày hôm sau.

Đúng 14 giờ chiều 26-8, tôi bấm chuông, đích thân Thượng tướng ra mở cửa. Tôi hơi bối rối vì không thể nghĩ rằng, vị tướng có quân dung oai phong với đôi "lông mày Quan Vũ" được truyền tụng khắp các thế hệ bộ đội lại giản dị, gần gũi đến thế. Tôi quan sát nhanh phòng khách: một bộ bàn ghế cũ nhưng được lau chùi cẩn thận, hai tủ sách đầy, được sắp xếp rất gọn. Chính giữa căn phòng treo Bằng chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước ký tặng ông về Cụm công trình nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Được ông cho phép, tôi gọi ông là "ông" và xưng "cháu" cho tiện trao đổi. Câu phỏng vấn đầu tiên, tôi hỏi: "Ông vừa là một người trực tiếp chỉ huy chiến đấu, vừa là một nhà lý luận quân sự; những trận đánh nào đã góp phần hình thành nên tư duy lý luận nghệ thuật quân sự Hoàng Minh Thảo ?".

Có lẽ, ông hơi ngạc nhiên về câu hỏi của tôi nên ngẫm ngợi hồi lâu. Tôi nhớ có lần đọc trong cuốn "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Trong một buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là một thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất và có khả năng phát triển xuống đồng bằng". "Thắng địch bằng mưu, bắng kế" là luận điểm ông theo đuổi trong suốt cuộc đời làm tướng. Trận đánh nào, ông cũng đề cao mưu kế lừa dụ địch, nên để lựa chọn những trận đánh điển hình, góp phần tạo nên lối tư duy quân sự của ông, có lẽ hơi khó. Ông cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi bằng câu trả lời đi thẳng vào nội dung câu hỏi:

"Sau mỗi chiến dịch, tôi đều tự mình nghiên cứu, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm về cách đánh. Một số chiến dịch điển hình là: Chiến dịch Đắc Tô mùa đông năm 1967. Đây là chiến dịch áp dụng chiến thuật "vận động tiến công kết hợp chốt" đến độ hoàn thiện. Ta cho đơn vị pháo binh đánh khêu ngòi dụ địch, địch cho bộ binh ra đánh, kết hợp dùng máy bay đổ quân xuống phía sau đội hình đơn vị khêu ngòi để bao vây tiến công. Lực lượng đổ bộ đường không này bị ta mai phục, tiến đánh; chúng lại đổ tiếp quân vào sâu hậu phương ta đánh phá hòng cắt đứt liên hệ giữa bộ đội đang chiến đấu với hậu phương. Ta tính trước được điều này nên đã tiến công chủ động. "Vận động tiến công kết hợp chốt" là chiến thuật giúp bộ đội ta đánh liên tục, dài ngày dưới phi pháo ác liệt của địch. Đây là lần đầu tiên, ta đã dùng mưu lừa được 2 lữ đoàn quân xâm lược và một lữ đoàn quân Nguỵ ra nơi chọn sẵn để tiêu diệt".

Tiếp đó, ông kể cho tôi nghe về trận Đắc Xiêng năm 1970. Ta dùng kế gọi địch ở Tân Cảnh ra cứu, rồi tổ chức đánh quân cứu viện. Ta tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 42 của địch, bắt sống chỉ huy, thu toàn bộ vũ khí. Tên Trung đoàn trưởng của địch ngồi trên máy bay thấy cảnh quân mình bị đánh mà chịu bó tay vì ta vây tròn, vây chặt cả 4 mặt, nên địch không thoát vây được. Ông bảo: "Từ trận này, tôi cùng đồng đội hình thành chiến thuật "vận động bao vây tiến công liên tục", lúc ban đầu, chúng tôi gọi là "bao vây công kích". Đây là một hình thức chiến thuật mới"...

Để thêm phần tự tin trước khi đến gặp Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, tôi đã đọc lại cuốn hồi ký "Chiến đấu ở Tây Nguyên", đồng thời đọc thêm hơn 20 bài viết của ông về nghệ thuật quân sự. Sau đó vào mạng Google, gõ chữ "Hoàng Minh Thảo", thấy có tới gần 14.000 tin, bài tìm thấy sau 0,25 giây; tôi được biết thêm khá nhiều thông tin về ông. Vậy mà, khi nghe ông kể tỷ mỷ, phân tích kỹ càng nghệ thuật tác chiến của từng trận đánh, tôi vẫn bị bất ngờ về trí nhớ minh mẫn đáng kinh ngạc của vị tướng đã vào tuổi 88. Phu nhân của thượng tướng cũng cùng ngồi nghe, thấy ông dừng lại để nói kỹ cho tôi về tình hình địch, địa hình, mưu kế lừa dụ địch...Bà cười rất tươi và nói nhỏ với tôi: "Anh nghe thấy cái gì cần thì bảo ông kể tiếp, chứ ngồi nghe ông phân tích thì biết bao giờ mới hết câu chuyện". Tôi biết là hàng ngày, vẫn có rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ cấp cao, học viên của Học viện Quốc phòng đến xin ông "chỉ giáo" thêm kiến thức nghệ thuật quân sự để phục vụ cho nhiệm vụ học tập, công tác của họ. Tất nhiên là ai cũng muốn nghe ông kể kỹ về cách cài thế chiến lược trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên năm 1975 do ông làm Tư lệnh. Khi tôi hỏi ông về các mưu kế trong chiến dịch này, ông cười sảng khoái, nói rất to: "Lịch sử đánh giặc của dân tộc ta là lịch sử đánh và thắng giặc bằng mưu kế. Mưu cao nhất là mưu lừa địch, kế hay nhất là kế điều địch. Điều địch để giành chủ động mà chủ động luôn là mạch sống của tác chiến. Đến đầu năm 1975, thế và lực của chúng ta đã mạnh lên rất nhiều nên Quân ủy Trung ương đặt ra yêu cầu tiêu diệt chiến lược với phương châm: đánh chỗ yếu, tránh chỗ mạnh, nhưng chỗ yếu phải là nơi đầu não của địch. Nhìn vào chiến trường miền Nam lúc bấy giờ thì rõ ràng rừng núi là nơi địch yếu hơn, do vậy ta chọn Tây Nguyên, và chọn đánh vào một trong những vị trí đầu não của địch ở Tây Nguyên là Buôn Ma Thuột".
Giọng nói của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trầm mà uy. Đấy là suy nghĩ của tôi vì nghe ông nói, tôi cảm nhận được chất " thép" của vị Tư lệnh nhưng cũng rất trầm hùng, ấm áp, truyền cảm, dễ đi vào lòng người. Có lẽ, sự kết hợp giữa phẩm chất của một vị tướng trận mạc và một nhà sư phạm mẫu mực đã làm nên điều đó. Bằng chất giọng đó, ông giúp tôi hình dung về thế trận trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. "Ta chủ trương kìm chân hai sư đoàn quân ngụy ở lại đồng bằng, bằng cách điều Sư đoàn 2 về mặt trận Tây Huế và Sư đoàn 4 về mặt trận Đồng Nai. Thế là địch buộc phải hút theo hai sư đoàn này. Về phía ta, để cho chắc thắng, ta tăng cường cho Tây Nguyên 2 sư đoàn, trước đây đã có 3 sư đoàn, tổng cộng là 5 sư đoàn để tạo thành một “quả đấm chiến lược” áp đảo. Biết tập trung binh lực, và có khả năng để tập trung binh lực cho những đòn đánh chiến lược chính là một trong những điều then chốt nhất của nghệ thuật cầm quân... Ta đã nghi binh lừa địch ở Plâyku; tập trung lực lượng đánh Buôn Ma Thuột. Địch đánh hơi Buôn Ma Thuột có dấu hiệu bị tấn công vội điều Trung đoàn 45 về Buôn Ma Thuột nhưng ta lại đánh mạnh Plâycu nên địch lại phải kéo “thằng 45” về Plâycu ứng chiến. Hành động lừa địch này phải rất bí mật. Chia cắt chiến lược và chiến dịch Tây Nguyên thành các cụm cô lập, không ứng cứu được nhau. Triển khai mưu kế này ta nghi binh bằng làn sóng điện và cho một Sư đoàn đánh vào Plâyku. Đòn này rất có giá trị..."

Dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Hoàng Minh Thảo, ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột trong vòng 30 tiếng đồng hồ. Thấy tôi hiểu được đôi chút về chiến dịch này, Thượng tướng rất hài lòng. Rồi ông tranh thủ "chuyển" chủ đề câu chuyện sang các vị tướng khác với tư duy tác chiến riêng của từng người; rồi những kỷ niệm từ thời trai trẻ, kỷ niệm về tình yêu chung thuỷ mà "bà ấy dành cho tôi"...Bất chợt, ông bảo: "Tôi nói thế đủ chưa, nhà báo". Tôi thưa rằng, còn nhiều điều muốn hỏi lắm, nhưng thời gian ông dành cho đã nhiều nên chỉ hỏi thêm vài câu nữa. Trước hết, tôi xin ông dành cho thế hệ sĩ quan trẻ trong quân đội chúng tôi một lời khuyên trên con đường binh nghiệp ! Ông suy nghĩ một chút rồi bảo: "Đời tôi chọn binh nghiệp làm nghề là do đòi hỏi khách quan của đất nước. Khi mất nước, toàn dân làm lính để đứng dậy đánh giặc, cứu nước. Còn thế hệ của các bạn bây giờ, cũng như các cháu của tôi thôi, các bạn có nhiều cơ hội chọn lựa nghề nghiệp. Nhiều bạn không chọn nghiệp binh là lẽ thường của một đất nước có hoà bình. Còn nếu đã chọn thì phải say mê, phải thực sự tiến lên chuyên nghiệp, thực sự giỏi. Dẫu có là chiến tranh công nghệ cao thì cũng phải chuẩn bị lực lượng chu đáo, công nghệ nào, kỹ thuật nào thì cũng phải "đánh nhau bằng cái đầu", phải biết mưu mẹo lừa dụ địch".

Dừng một chút, ông hỏi tôi có hay đi cơ sở không, hay dự diễn tập với bộ đội hay không. Tôi báo cáo lại với ông về một số cuộc diễn tập gần đây mà tôi tham gia ở các đơn vị. Ông sôi nổi hẳn lên, nói rằng: "Bộ đội thời bình thì cách luyện quân tốt nhất là phải diễn tập. Gặp anh em đang tại ngũ, tôi cứ nhắc đi nhắc lại điều này nhưng dường như ở một số đơn vị, việc diễn tập trở nên ngày càng thưa. Tôi hỏi nguyên nhân thì một số anh nói rằng, diễn tập bây giờ tốn kém quá, lấy đâu kinh phí để lo xăng dầu, vật chất mà diễn tập cho nhiều".

Nói đến đây, ông dừng lại, gương mặt thoáng ưu tư rồi ông nói:

"Cái chuyện thiếu thốn thì đâu phải bây giờ mới xảy ra. Thời chúng tôi có khi còn khó hơn ấy chứ. Nhưng nếu vì nhiệm vụ, vì chất lượng huấn luyện thì người chỉ huy phải nghĩ ra cách. Tôi lấy ví dụ: Bây giờ toàn quân đang thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm nay thì tập trung vào thực hành tiết kiệm. Vậy thì tại sao mỗi đơn vị không đặt ra chỉ tiêu năm nay tiết kiệm lấy ngần này tiền, rồi lấy tiền ấy phục vụ cho diễn tập. Học Bác Hồ là học cách làm. Mà Bác thì luôn đặt ra mục tiêu cụ thể cho mỗi công việc, rồi từ mục tiêu ấy mới nghĩ đến phương pháp để đạt mục tiêu. Đằng này, theo dõi một số nơi tổ chức Cuộc vận động, tôi thấy lãnh đạo họ cứ hô hào "hãy làm theo, hãy tiết kiệm" nhưng không nói rõ cần tiết kiệm bao nhiêu, số tiền tiết kiệm được dùng vào việc gì, chỗ nào có thể tiết kiệm..."
Câu chuyện giữa Thượng tướng và tôi lại xuay sang một chủ đề mới. Đến khi đồng hồ treo tường điểm 5 giờ chiều, ông vẫn nói rất say nhưng tôi xin tạm dừng vì sợ ông mệt. Ông tặng tôi một bài viết có tiêu đề "Về phương pháp luận nhỏ đánh lớn, ít địch nhiều", đánh máy khổ A4 rất đẹp. Đó là bài báo ông vừa viết xong theo "đơn đặt hàng" của một Tạp chí. Tiễn tôi ra về, ông hẹn tiếp tục câu chuyện vào một buổi khác. Tôi thưa: "Ngày mai, cháu có kế hoạch đi công tác ở Bắc Kạn chừng một tuần. Sau khi về, cháu sẽ gọi lại cho ông". Ông gật đầu, nháy mắt với tôi thay cho câu trả lời...

Chiều 8-9, trời đã sang thu se se, đi công tác về, tôi đột ngột nghe tin ông ra đi. Tràn ngập lòng tôi nỗi da diết nhớ ông. Thế là từ nay, nền khoa học-nghệ thuật quân sự Việt Nam trống vắng một cây đại thụ. Xin ghi lại những dòng này, thay nén nhang, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, khâm phục của thế hệ chúng tôi với ông: Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - Một người "lính Cụ Hồ" mẫu mực - Một vị tướng trận mạc can trường, khả kính.
Hồng Hải (QĐND)

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM