Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:57:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giai thoại tướng lĩnh Việt Nam  (Đọc 47955 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2008, 07:32:32 pm »

VỊ TƯỚNG GIÀ VÀ CHÀNG LÍNH TRẺ

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội

Tư lệnh cười vang, cười đến giàn giụa nước mắt. Rồi ông lóp nhóp đánh xuồng về tàu. Con tàu bấy giờ đang bập bềnh buông neo ngay bên ngoài mép san hô. Và thật bất ngờ, lát sau, ông trở lại với chiếc xẻng còn mới coóng. - Đây! Xẻng đây! Không phải mượn đâu. Tớ tặng luôn cậu đấy để cậu giấu đảo...
Trần Đăng Khoa

Tôi đã tới cái hòn đảo "Nói một chữ là hết" ấy. Nó chỉ là một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến. Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển.

- Vất vả không, các cậu?

Tư lệnh hỏi một cậu lính trẻ, tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa. Cậu lính trẻ cười khì khì:

- Báo cáo bố, cũng tàm tạm thôi ạ!

- Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi. - Giọng Tư lệnh bùi ngùi - Nhưng cái gì cần nhất, cấp thiết nhất, các
cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu.

- Thế bố cho con được nói thật nhé!

- Ừ, thì phải nói thật chứ! - Tư lệnh mỉm cười. - Chả lẽ tớ già thế này, còn lặn lội vượt sóng gió ra đây với các cậu, để rồi rốt cuộc, lại nghe các cậu nói dối à?

- Nhưng bố không được phê phán con lãng mạn cơ…

- Cái thằng! Tao còn lãng mạn hơn mày ấy!

Anh lính trẻ nhìn mái đầu bạc trắng của Tư lệnh, cười hồn nhiên:

- Thế thì, con đề nghị bố thế này nhé! Bận sau nếu bố ra đảo, bố chịu khó giắt lưng cho chúng con vài cô gái…

Anh lính trẻ bỗng bối rối trước cái nhìn ngỡ ngàng của Tư lệnh. "Thì con đã vòi bố trước rồi, là bố phải tha thứ cho con, không được phê phán con lãng mạn".

- Chúng mày muốn nghe hát hả? Muốn xem văn công hả?

- Không, không! - Anh lính bỗng luống cuống. - Con đâu dám có voi đòi tiên! Văn công xem ra xa vời quá!

Chúng con chỉ muốn bố mang ra đây vài cô nuôi quân thôi! Các cô ấy chẳng phải hát hò gì. Chỉ mặc tấm áo phin trắng, cái quần lụa đen, đi phơ phất trên đảo, để chúng con ngắm, chúng con "chỉnh" mắt. Chứ mắt mũi chúng con, bố thấy đấy, sang vành hết cả rồi!...

Tư lệnh cười ha hả. Anh lính trẻ cũng cười. Chưa bao giờ tôi được nghe cuộc đối thoại kỳ lạ như thế. Sau đó, quả như niềm ao ước của anh lính trẻ, các cô gái lần lượt ra thăm đảo. Không phải cánh nuôi quân mà các cô văn công mặt hoa da phấn hẳn hoi. Trông cô nào cũng đẹp, cũng thơm phức và lộng lẫy như những nàng tiên cá. Các cô múa hát và khâu vá cho chiến sĩ. Nhiều anh áo quần còn mới nguyên, cũng bí mật xé ra, rồi nhờ các cô vá. Thế là từ đấy, lần nào Tư lệnh ra đảo, các chiến sĩ cũng được dự những bữa tiệc mắt linh đình. Nhưng đó là chuyện sau này, còn chiều ấy, ngồi bên Tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ Nghệ thực sự coi Tư lệnh như một người đồng đội thân thiết. Anh lắc lắc đầu gối Tư lệnh:

- Bố thấy Vương quốc của chúng con thế nào?

Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã.

- Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong quân kỷ. ở đây mà giữ được như thế này là tốt lắm rồi. - Giọng Tư lệnh bỗng bùi ngùi. - Tất nhiên là vất vả! Chúng mày rất vất vả! Tao biết! Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu…

- Vâng, con hiểu! Con hiểu, bố ạ!

Tư lệnh ôm lấy đôi vai trần cháy khét nắng gió của người lính trẻ xứ Nghệ. Đôi mắt ông bỗng cay xè, ầng ậng nước. Anh lính trẻ cũng nắm chặt bàn tay xù xì thô ráp của Tư lệnh:

- Bố đừng lo! Chúng con ở đây quen rồi! Khổ mấy chúng con cũng chịu được! Nhưng đúng như bố nói đấy. Rất vất vả, cực nhọc. Nhiều lúc mệt quá, con liều nghĩ, hay là ta cứ tạm giấu quách đảo đi!

Tư lệnh ngạc nhiên:

- Giấu đảo à? Mày nói gì lạ thế? Giấu thế nào?

Anh lính trẻ vui vẻ:

- Bố cứ cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi! Mà không đến ba tiếng đâu. Chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là con xúc xong chỗ cát này cho xuống biển, đố kẻ thù nào nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu!

Tư lệnh cười vang, cười đến giàn giụa nước mắt. Rồi ông lóp nhóp đánh xuồng về tàu. Con tàu bấy giờ đang bập bềnh buông neo ngay bên ngoài mép san hô. Và thật bất ngờ, lát sau, ông trở lại với chiếc xẻng còn mới coóng.

- Đây! Xẻng đây! Không phải mượn đâu. Tớ tặng luôn cậu đấy để cậu giấu đảo!

Cứ tưởng anh lính trẻ sẽ lắc đầu quầy quậy. Nào ngờ anh vồ vập đón chiếc xẻng từ tay Tư lệnh. Và sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng của Tư lệnh. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá san hô chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay.

- Mày làm cái gì thế này? Giấu đảo à?

- Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! - Anh lính cười khục khục, gương mặt nhấp nhóa nước. - Mà, mà, đúng ra, đúng ra con chỉ "buông neo" cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi!
 
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Năm, 2008, 09:27:47 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #11 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2008, 07:38:08 pm »


XỎ VÀM TRÂU CỐ


...Rồi anh tung roi quất vun vút, đàn trâu lao cả xuống nước, bơi ra giữa dòng. Ký cầm dây mây, nhảy dây chuyền qua lưng từng con trâu, tới con trâu cổ. Trâu cổ bơi giữa mấy chục con chen nhau như nêm. Ký hai chân kẹp cổ nó, nằm vươn dài lên đầu trâu, tay cầm chặt cặp sừng của nó rồi nắm mũi trâu, đâm một cái thật mạnh qua mũi nó ...

Năm 1940, các chiến sĩ cách mạng bị giam ở Tà Lài bên sông Đồng Nai đang tìm cơ hội phá ngục. Mọi chuẩn bị đã ổn, chỉ khó là làm thế nào để vận động bà con dân tộc Mạ che chở. Nói miệng thì đồng bào không hiểu, cần có một hành động gây ấn tượng mạnh.

Nhà bên sông cạnh trại giam có một bầy trâu chừng ba chục con, chỉ một con duy nhất không có vàm. Đó là “anh” trâu cổ, vai to như cái thùng bia, sừng dài chừng hai gang, nhọn hoắt. Nó hung dữ quá nên chủ đành nuôi chỉ để làm hai việc: nhảy cái và giữ cọp. Ông chủ luôn phàn nàn: Giá mà xỏ vàm được cho nó để nó đi kéo cày thì nhiều tiền lắm. Nhưng bao nhiêu thợ vàm trâu, bao người dày dạn kinh nghiệm đến gặp nó đều phải… “bó tay”.

Bữa ấy, đám tù bắn tin sẽ vàm được con trâu khiến ông chủ mừng lắm vội đến xin cai Tây cho đám tù tới giúp. Người xử lý con trâu bất kham là Tô Ký, vừa tròn 19 tuổi. Ký lên đường, đầu trần, lưng trần, mặc xà lỏn, tay cầm một sợi mây vót nhọn. Hỏi “trị” trâu cách gì, anh chỉ cười:

- Yên tâm, chắc như ba bó một giạ!

Vào cuộc, Ký cho dắt toàn bộ 30 con trâu ra bờ sông. Mọi người vẫn chưa hiểu anh làm cách nào, riêng con trâu cổ vẫn vênh sừng thách thức. Bỗng Ký quát to:

- Lùa hết trâu xuống sông!

Rồi anh tung roi quất vun vút, đàn trâu lao cả xuống nước, bơi ra giữa dòng. Ký cầm dây mây, nhảy dây chuyền qua lưng từng con trâu, tới con trâu cổ. Trâu cổ bơi giữa mấy chục con chen nhau như nêm. Ký hai chân kẹp cổ nó, nằm vươn dài lên đầu trâu, tay cầm chặt cặp sừng của nó rồi nắm mũi trâu, đâm một cái thật mạnh qua mũi nó làm vàm. Trâu lồng lộn, điên cuồng định hất người xuống, dùng sừng húc, chém.
Nhưng đang ở giữa sông, chân nó không chạm đất, xung quanh lại đầy trâu bầy nên nó không sao ngúc ngoắc được. Nó đành chịu trận. Ký ung dung rời mình trâu cổ, thoăn thoắt nhảy qua lưng từng con trâu, lên bờ an toàn trong tiếng reo hò của đồng bào Mạ.

Mấy tháng sau, Ký và đồng đội vượt ngục, qua sông an toàn nhờ sự chở che của đồng bào Mạ. Sau này, người tù vàm trâu ấy chính là Thiếu tướng Tô Ký, nguyên Chính ủy Quân khu 7, một vị tướng trung kiên và nghĩa hiệp.
 
Nguyễn Văn Xuân
(Nguồn qdnd.vn)
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2008, 09:12:23 pm »

BUỒN HUNG, THANH TỊNH ƠI!


Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội

 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Thanh Tịnh hay đến với nhau vì công chuyện - một là Đại tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một là Đại uý Phó chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ quân đội tức là một cấp trên, một cấp dưới.

Cũng có nhiều khi hai người đến với nhau vì tình đồng hương, đồng tuế - cả hai đều quê “Bình - Trị Thiên khói lửa”, cả hai đều sinh vào thập niên đầu thế kỷ XX (Thanh Tịnh sinh năm 1911, Nguyễn Chí Thanh sinh năm 1914) Người ta kể rằng, có tối Đại tướng đi bộ từ nhà riêng mãi trên mạn Cổ Ngư, Quan Thánh đến chơi với nhà thơ. Hai người nằm khoèo trên sàn gỗ chuyện trò, tâm sự. Đại tướng nói với nhà thơ:

- Buồn hung Thanh Tịnh ơi. Chiều nay miềng bị mạ mắng.

- Mắng răng? - nhà thơ hỏi bạn

Mạ nói: “Thanh ơi, mi mần đến Đại tướng mà có mỗi một việc đưa mạ về thăm quê mà không mần được!”- Đại tướng xúc động thuật lại.

Thì ra, hai người con xứ Huế - một nhà thơ, một đại tướng không lúc nào là nguôi nhớ về quê hương đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Bấy giờ có câu: “ngày bắc, đêm nam” là vậy.

N.V.B

« Sửa lần cuối: 02 Tháng Năm, 2008, 09:26:30 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #13 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2008, 09:15:08 pm »

CHUYỆN VỀ CÁC VỊ TƯỚNG RÈN NHAU

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội

Thiếu tướng Nguyễn An, trong hồi ức để lại, có kể một câu chuyện như sau: Tháng 7-1950, anh Trần Đăng Ninh được Trung ương Đảng cử vào Tổng Quân ủy, phụ trách Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp. Cuối năm ấy, chiến dịch Biên giới nổ ra, từ Văn phòng Trung ương, tôi cũng được cử vào phục vụ ở cơ quan này.


Trong thời gian ở đây, tôi thấy đồng chí Trần Đăng Ninh có cách giao nhiệm vụ gây ấn tượng khác thường. Tôi còn nhớ, hôm ấy vào khoảng 10 giờ sáng, anh Ninh gọi điện thoại trực tiếp cho anh Đinh Đức Thiện, Cục trưởng Cục Vận tải, yêu cầu lên ngay Tổng cục, mà không nói rõ lý do triệu tập. Khi ấy, Tổng cục ở vùng Yên Thông, còn Cục Vận tải ở vùng Phố Đu, cách nhau hàng chục ki-lô-mét đường rừng.


Anh Thiện vào, mới chào hỏi xong thì anh Ninh tự mình đi vào buồng bưng ra một đĩa sứ to, đặt phịch lên bàn, trước mặt anh Thiện: “Đây, mời anh “văng” hết cả ra đây cho tôi! Tôi là người phụ trách anh, vậy là tôi phải tiếp nhận chứ không phải là cán bộ, chiến sĩ dưới quyền anh phải chịu đựng!”. Anh Thiện thấy sự việc có vẻ khá nghiêm trọng, nhưng cũng chưa đoán ra là chuyện gì đã xảy ra và thông tin nào đã đến tai Chủ nhiệm. Tôi và anh Ngô Vi Thiện đã biết sự tình, cứ bấm nhau cười thầm, nhưng không dám ló đầu ra. Lần này anh Ninh sắp giao nhiệm vụ cho anh Thiện đi đại diện cho Tổng cục ở một hướng chiến dịch, cho nên trước khi đi xa, ông anh muốn sửa sang đôi chút cho ông em đây! Về tuổi tác mà nói, anh Thiện kém anh Ninh ba, bốn tuổi, nhưng cũng là bạn tù cũ với nhau, nên cũng có lúc anh Thiện nói đùa vui đôi câu với anh Ninh, tuy cũng rất nể anh. Anh Thiện gãi gãi tai, cười nhẹ: “Có gì đâu mà đưa ra ạ! Mà cái đĩa của anh cũng... to quá!”. Anh Ninh cau mặt nói: “Anh là chúa hay nói tục tĩu! Anh hay văng những “chất đạm” vào tai anh em! Tôi là thủ trưởng trực tiếp của anh, tôi chẳng chịu thì còn ai?”.


Anh Thiện thấy chiến thuật “nửa nạc nửa mỡ” của mình có vẻ khó trôi, liền đổi thái độ: “Vâng, quả là đôi lúc tôi có nóng nảy với anh em, hôm nay xin lỗi anh, sau này tôi sẽ cố gắng sửa”.


Thấy anh Thiện đã nhận khuyết điểm, anh Ninh gạt cái đĩa sang một bên, nói thân mật với anh Thiện: “Trưa nay có anh ở lại ăn cơm với tôi, tiện có chai nước mắm ngon, bên Văn phòng Trung ương mới gửi cho”.


Chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến việc ăn uống, dù biết là anh Ninh rất chân tình, có chai nước mắm cũng mời ăn như những ngày xưa, khi còn ở trong nhà tù đế quốc, anh Thiện vội cáo từ ra về. Anh Ninh tiễn anh Thiện ra, vừa đi vừa nói chuyện thân mật, đợi anh Thiện lên ngựa mới trở vào.


Đúng là sau vụ này, anh Thiện có cố gắng sửa chữa nhiều về thái độ và lời lẽ. Thỉnh thoảng có “bột phát”, nhưng lại cố gắng tự kiềm chế, vì buổi gặp gỡ ngày đó đã để lại trong anh những dấu ấn sâu sắc.

(Theo qdnd.vnn.vn)
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Năm, 2008, 09:25:30 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #14 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2008, 09:17:04 pm »

CHUYỆN Ở QUÊ TƯỚNG NGUYỄN CHÁNH


Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội
Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến tướng Nguyễn Chánh như sau: "Anh qua đời, quân đội mất đi một vị tướng tài năng, tôi mất đi một người bạn chí thiết". Đó không phải là lời "ai điếu" đơn thuần mà xuất phát từ một tấm lòng quí trọng thật sự của vị Tổng Tư lệnh đối với thuộc cấp của mình.


    Năm 1957, một cơn đau tim đột ngột đã khép lại cuộc đời của vị tướng thao lược này ở tuổi43, nhưng những gì mà ông để lại cho quân đội cũng như giới văn nghệ sĩ trên đất Liên khu V thời kháng Pháp thì vẫn trinh nguyên như ngày nào. Ngày 5-8 tới đây, tướng Nguyễn Chánh tròn 90 tuổi.

    * Giai thoại

    Sau Hiệp định Genève 1954, có một viên tướng người Pháp tên là De Beaufort nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ông ta gặp bằng được người chỉ huy đánh bại chiến dịch At-lan-te trên chiến trường Tây Nguyên năm 1953-1954. Tướng Giáp đã đồng ý và sắp xếp một cuộc gặp riêng giữa tướng De Beafort và Nguyễn Chánh. Viên tướng bại trận người Pháp đã không tin rằng ngồi trước mặt mình là "một vị tướng đã làm cho tôi điêu đứng trên chiến trường" - như hồi ký sau này ông ta đã thuật lại. Nguyễn Chánh giản dị và khiêm nhường đến không ngờ. Chia lửa với Điện Biên, quân ta giải phóng Kon Tum và bắc Tây Nguyên, đánh bại xụi chiến dịch At-lan-ta, tiêu diệt toàn bộ binh đoàn cơ động số 100 - binh đoàn tinh nhuệ bậc nhất của quân viễn chinh Pháp rút về từ Triều Tiên. Người chỉ huy trận đánh "để đời" ấy là tướng Nguyễn Chánh - vị thủ lĩnh của đội Du kích Ba Tơ từ ngày còn trứng nước, quê ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

    Lâu nay, rất nhiều cuốn sách viết về tài thao lược của vị tướng lừng danh này. Vì vậy, nhiều người chỉ biết ông với tư cách là nhà chiến lược quân sự nhưng Nguyễn Chánh còn là một người rất am tường về văn hóa, nhất là cách hành xử đối với anh em văn nghệ sĩ. Ai đã một lần tiếp xúc với ông là cả đời không quên được. Nhà văn Nguyên Ngọc là một trường hợp như thế. Ông kể rằng chính Nguyễn Chánh là người nâng đỡ ông ngay từ khi còn chập chững bước chân vào làng báo! Là Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu V nhưng Nguyễn Chánh vẫn dành rất nhiều thời gian cho văn nghệ. Có lần ông xin với Đoàn tuồng Liên khu V cho ông đóng một vai tuồng. Anh em nghệ sĩ khuyên ông không nên làm việc này vì rất mất công. Cuối cùng ông xin được cầm chầu trong đêm diễn. Người cầm chầu phải là người rất am tường về tuồng tích của vở diễn, thế mà Nguyễn Chánh, không hiểu ông đã thuộc tuồng từ bao giờ, buổi diễn hôm ấy, tiếng trống chầu của ông đã làm cho không ít nghệ sĩ phải ngỡ ngàng!

    * Ở xóm Vạn đò

    Ông Nguyễn Ngoan, nay đã 77 tuổi, gọi tướng Chánh bằng chú ruột, chỉ ra phía sau vườn - nơi có ngôi nhà sinh ra 8 anh em Nguyễn Chánh, nói: "Ông nội tôi chỉ có cái ao sau nhà là đáng giá nhất thôi". Tôi hỏi: "Vậy, ổng lấy gì để nuôi 8 người con?". "Ổng làm thợ xe nước". Một cụ ông hàng xóm góp chuyện: "Dân xe nước ở đất Sơn Tịnh này, ai mà chẳng biết ông Nguyễn Hàm Chức. Ổng là một thợ xe nước bậc thầy". Ngay tại bến đò xóm Vạn từng có một bờ xe nước mang tên ông. Hàng năm, cứ sau vụ gặt, những người có ruộng được hưởng nguồn nước từ bờ xe này đã nộp thóc cho chủ xe. Cái bờ xe nước ấy đã trở thành nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Nó đã góp phần nuôi Nguyễn Chánh và nuôi luôn những đồng chí của ông hoạt động cách mạng.

    Trong ký ức mù sương của ông lão Nguyễn Ngoan vẫn còn nguyên hình bóng của các nhà cách mạng tiền bối như Nguyễn Nghiêm, Phan Thái Ất, Tôn Diêm… vẫn thường lui tới căn nhà này. Đến sau khởi nghĩa bốn lăm, ngôi nhà tranh ấy đã thành tổng hành dinh của các nhà lãnh đạo Khu V. Tuy không phải là người giàu có trong làng nhưng ông Nguyễn Hàm Chức là người rất có uy tín. Thuở trai tráng, ông từng là nghĩa quân của Lê Trung Đình. Cuộc khởi nghĩa của họ Lê bị dìm trong bể máu, ông trở về quê rồi gắn đời mình với các bờ xe nước sông Trà và kỳ vọng vào lớp con cháu, trong đó có người con út Nguyễn Chánh. Và cái xóm Vạn đò bên bờ sông Trà - nơi người cha đã từng lỡ vận vì việc lớn ấy đã thành bến đỗ cho các nhà cách mạng.

    * Trong ký ức của người thân


    Cụ Ngoan nhớ lại: "Chú Chín (tên thân mật thuở nhỏ của Nguyễn Chánh) là người điềm đạm, lành tính nhưng rất quyết đoán. Ông làm việc gì cũng đến đầu đến đũa, lại là người có tài hùng biện, ăn nói lưu loát, thấu tình đạt lý nên ai cũng phải nghe". Mười sáu tuổi, Nguyễn Chánh đã đến với cách mạng. Các nhà tù đế quốc đã thành trường học lớn rèn luyện cho ông. Một tài năng thiên bẩm cộng với môi trường khốc liệt của các nhà tù đế quốc và cuộc chiến tranh thần thánh của nhân dân đã làm nên vị tướng thao lược sau này.

    "Lúc ấy tôi khoảng 9 tuổi, cha tôi từ nhà tù ở Huế về, ghé qua đêm thăm gia đình rồi lên luôn Ba Tơ. Ông cứ thoắt ẩn thoắt hiện bằng những chuyến đi-về như thế, anh em tôi chẳng biết ông làm gì. Mãi sau này, tôi mới biết ông làm cách mạng". Ông Nguyễn Chí Trực - 68 tuổi - con trai đầu tướng Chánh hồi tưởng về người cha mình bằng những ký ức đứt nối như thế. Ông nói: "Cha tôi là người giàu tình cảm. Ông ít khi ở nhà, song mỗi lần về là ông ôm tất cả anh em vào lòng, hỏi han từng đứa rất kỹ lưỡng. Em gái tôi - Giáo sư Tuyết Minh - là người được ông cưng nhất. Chả là, lúc mẹ tôi ở tù tại nhà lao Quảng Ngãi, bà bế em tôi theo luôn trong tù. Mấy người bạn tù cứ trêu em tôi rằng mày là con ông "bảy đáp" (mổ heo). Không ngờ những lời trêu chọc ấy đã ám ảnh cô bé đến lúc cách mạng thành công rồi, cha tôi về xưng "ba" với nó, nó vẫn không cho bế! Thương yêu con cái nhưng ông cũng là người cực kỳ nghiêm khắc với con. Có lần ông thấy tôi mặc chiếc áo xa xị màu nâu vải ngoại, ông buộc tôi phải cởi ra và đốt giữa sân nhà. Ông nói: "Ba đang hô hào toàn dân Khu V "bài" hàng ngoại, con mặc áo vải ngoại như thế, ai còn nghe ba nữa!". Đó là hồi kháng chiến chống Pháp, nhà nước mình hô hào chống hàng ngoại nên mới có tình trạng ấy".

    Gần 50 năm kể từ ngày tướng Chánh tạ thế nhưng hình bóng người cha vẫn nguyên vẹn trong lòng người con trai trưởng: "Tối hôm ấy (1957), ông dặn với người cần vụ rằng sáng hôm sau ông đi Quảng Ninh, nhân tiện ghé thăm mấy đứa em tôi đang học ở trường học sinh miền Nam. Nhưng chuyến thăm những đứa em của cha tôi vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được. Bốn giờ sáng hôm ấy, trái tim ông đã ngừng đập, khép lại một chặng đường đầy gian nan nhưng cũng rất hào hùng của ông".

    * Một chút băn khoăn

    Trước khi mất, Nguyễn Chánh giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục cán bộ Quân đội, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông mất trước khi Nhà nước phong quân hàm cho các tướng lĩnh nên chưa một ngày cầu vai trên áo ông được lấp lánh ngôi sao. Ông đã đóng góp một cách xuất sắc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Khu V. Công lao ấy hoàn toàn xứng đáng để Nhà nước đầu tư xây dựng tại làng ông một nhà lưu niệm. Ông Trực, con trai trưởng của ông thông báo với tôi rằng ông đã sưu tầm trên 100 hiện vật gồm thư từ, hình ảnh, tư trang liên quan đến cuộc đời hoạt động của Nguyễn Chánh nhưng cho đến nay (cuối tháng 7-2004), vẫn chưa biết sẽ trưng bày vào đâu (?). Năm 2000, tỉnh Quảng Ngãi có đầu tư 100 triệu để xây nhà lưu niệm cho ông nhưng sau 4 năm rồi, hàng cau trước nhà đã cho quả, song nhà thì vẫn trống huơ trống hoác. Mới đây, tỉnh lại rót tiếp 300 triệu nữa để "hoàn thành" nhà, song một "núi" tiền như thế mà nhà lưu niệm của vị tướng vẫn rất vá víu, chẳng tương xứng chút nào với số tiền đầu tư.

    Ngày 5-8 năm nay là kỷ niệm 90 năm ngày sinh Nguyễn Chánh nhưng đường về nhà ông thì vẫn gập ghềnh như thuở còn ở chiến khu Nước Lá - Ba Tơ. Tôi nghe nói tướng Chánh là người rất ghét hình thức, song không vì thế mà chúng ta hời hợt với tiền nhân, nhất là một vị tướng lừng danh như ông.

TRẦN ĐĂNG

( Nguồn mientrung.com)

« Sửa lần cuối: 02 Tháng Năm, 2008, 09:25:08 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #15 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2008, 09:19:33 pm »

SÚNG THẦN CÔNG DƯỚI NHÀ ĐẠI TƯỚNG CHU HUY MÂN

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội

Trong số tướng lĩnh Việt Nam, Đại tướng Chu Huy Mân có niềm tự hào riêng, ông là vị tướng duy nhất có “thâm niên” tuổi Đảng trùng với “thâm niên” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng bao nhiêu tuổi, tuổi Đảng của ông cũng bấy nhiêu năm. Chuyện ông phát hiện được khẩu thần công ở ngay dưới ngôi nhà mình cũng là cả một câu chuyện kỳ thú...

Từ cái đận, nhà văn Chu Lai cho ra đời tác phẩm “Hà Nội Phố”, người dân Hà Nội vẫn thường gọi phố Lý Nam Đế là “phố nhà binh”. Nhiều năm nay, Đại tướng Chu Huy Mân và gia đình đã sống với cái vui, cái buồn của con phố nhỏ này. Nhà ông ở số 36, Lý Nam Đế.

    Năm 2001, gia đình ông đang sửa nhà để chuẩn bị cho lễ mừng thọ lần thứ 90 của vị tướng già. Buổi sáng ngày 25 tháng 5, tốp thợ đào đường ống cũ sau nhà, đến độ sâu 80 cm, phát hiện một vật gì rất rắn, họ lấy xà beng chọc xuống không nhầm nhò gì. Họ càng đào, càng thấy vật này khá dài bèn báo với gia đình.

    Tốp thợ tiếp tục đào rộng ra. Đến khi chiếc hố đào rộng ra, chu vi dễ gần đến 2 mét, thì vị tướng già phát hiện đó là một khẩu thần công. “Tôi gọi anh tổ trưởng, tổ chức hơn 10 người dùng chão, ròng rọc đưa lên khỏi mặt đất rồi khênh ra đây, rửa sạch. Tôi loay hoay tìm trên súng có đặc điểm gì không? không thấy chữ gì, lâu quá, súng han gỉ, không còn nhìn ra chữ gì nữa...”, Đại tướng nhớ lại.

    Người dân Lý Nam Đế biết chuyện ai cũng ngỡ ngàng: súng thần công của các bậc tiền bối để lại ngay dưới lòng đất, thuộc khuôn viên ngôi nhà của đại tướng, ở “phố nhà binh”. Phải chăng các bậc tiền bối đã ban cho đại tướng súng thần công này (?).

    Còn con trai ông, dự định sẽ rửa sạch khẩu thần công, xây một bệ đá thật đẹp ở trước cửa rồi đặt khẩu thần công lên đó, để mọi người đến đây có thể chiêm ngưỡng nó. “Nhưng buổi trưa ăn cơm xong, tôi bật ti vi xem bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam thấy Quốc hội đang thảo luận về Luật Di sản Văn hoá. Tôi nghĩ đây là tài sản quốc gia, mọi người dân phải có trách nhiệm đóng góp hiện vật cho bảo tàng, để giữ gìn, bảo quản được lâu dài, phát huy tác dụng trong công tác nghiên cứu và giáo dục. Tôi nghĩ ngay đến chuyện phải chuyển ngay khẩu súng thần công này đến Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) theo Luật di sản. Đầu giờ buổi chiều, tôi lập tức gọi điện cho anh Lê Mã Lương, Giám đốc bảo tàng, để anh ấy cử cán bộ tới chuyển về bảo tàng trưng bày”, đại tướng nói.

   
          Chị Trần Thanh Hằng, nhân viên được Bảo tàng cử đến nhận khẩu súng thần công kể: “Chiều đó, ông đưa chúng tôi tới góc vườn, nơi khẩu súng thần công đã được đưa lên khỏi mặt đất và được rửa sạch bùn đất. 15 giờ 30 phút cùng ngày, khẩu súng thần công được cẩu lên xe chuyển về bảo tàng, được đặt trưng bày dưới chân kỳ đài Hà Nội.

    Trước khi đưa ra trưng bày, Bảo tàng mời các chuyên gia về súng thần công của Bảo tàng Lịch sử và Viện Khảo cổ học đến xác định niên đại. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào hình dáng cấu tạo, chất liệu, cỡ nòng, độ dài đưa ra kết luận: Súng thần công được chế tạo từ thời Nguyễn có niên đại khoảng cuối nửa thế kỷ XIX. Khẩu thần công này có khả năng các cụ xưa dùng bảo vệ thành Hà Nội.Sau đó ít lâu, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đại tướng Chu Huy Mân đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chụp ảnh lưu niệm cạnh khẩu thần công này.


(Theo Tienphong)

 
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Năm, 2008, 09:24:38 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2008, 09:23:50 pm »

ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH VỚI THỂ THAO

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội

Sau đại thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại. Một thời kỳ mới của đất nước ta bắt đầu. Với tầm nhìn xa thấy rộng của người lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lúc đó, đã ký chỉ thị thành lập một Đội công tác thể dục thể thao quân đội. Chấp hành chỉ thị ấy, ngày 23 tháng 9 năm 1954, đội được thành lập gồm 23 cán bộ, chiến sĩ, hình thành ba đội: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ tại trường Lục quân Việt Nam - một đơn vị có điều kiện và phong trào TDTT tốt nhất toàn quân hồi đó.

Đội được biên chế và trực thuộc Tổng cục Chính trị và bộ đội quen gọi tắt là Thể Công.


Dù bận nhiều công việc lớn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vẫn rất quan tâm, dành nhiều thời gian và tâm trí chỉ đạo đội, từ tổ chức lực lượng đến phương hướng, phương châm hoạt động.


Đồng chí chỉ thị cho các đơn vị phát hiện những người có năng khiếu thể thao trong toàn quân, gửi về Thể Công kiểm tra, nếu đủ tiêu chuẩn thì báo cáo để Tổng cục Chính trị ra quyết định điều động.


Nhờ vậy, đội được bổ sung rất nhanh. Các anh Tý Bồ ở địch vận, Hồ Ngọc Thái, Tý Đường, Nguyễn Phú Đại ở pháo binh, Phạm Tất Thắng ở sư đoàn 312.. lần lượt có mặt vào cuối năm 1954, đầu năm 1955, Nhất là sau khi các đơn vị miền Nam tập kết thì các anh: Tống Viết Khánh, Trương Ngọc Ngàn, Hồ Quách Quới, Huỳnh Văn Len, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Ngọc Hạng, Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa… đã về hội quân để không những kiện toàn vững mạnh đội hình 3 đội bóng vốn có mà còn lập thêm hai đội điền kinh, bơi lội và từ đây được gọi là Đoàn Thể dục thể thao quân đội.

               
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm đến việc giao trách nhiệm và gây hứng thú thể thao cho đội ngũ cán bộ chủ trì. Đồng chí thường nói vui: “cán bộ nào thì phong trào ấy!”.


Nhân dịp hội nghị quân chính toàn quân, đồng chí đề xướng: tổ chức thi đấu bóng đá của cán bộ cao cấp dự hội nghị.

Thế là cứ ngoài giờ họp, công việc chuẩn bị cho trận đấu được luận bàn sôi nổi.


Trận đấu được diễn ra tại sân vận động Cột Cờ - Hà Nội, trước sự chứng kiến của các đồng chí trong Quân ủy Trung ương và đông đảo khách mời.


Các tướng lĩnh từ khắp miền đất nước cùng dắt tay nhau ra sân. Các đồng chí Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Bằng Giang, Vũ Yên… bên cạnh các đồng chí Trần văn Trà, Đồng Văn Cống, Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Văn Sĩ… bước theo nhịp nhạc quân hành và trong tiếng reo vui hân hoan của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Quốc phòng.


Luật lệ được châm chước, mỗi hiệp chỉ 25 phút, thay cầu thủ như chơi bóng rổ. Trận đấu sôi nổi vì có nhiều pha bóng “vui” và không khí cực kỳ sảng khoái của người xem đã để lại ấn tượng sâu sắc, có ý nghĩa lớn đối với việc cổ vũ phong trào.


Chiều chiều, lúc rỗi việc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường ra xem hoặc chơi bóng với các chiến sĩ. Có một lần, anh em ở Tổng cục Chính trị chia đôi đấu tập. Đồng chí mặc sơ mi, quần soóc, đứng sau cầu môn xem. Giữa chừng, đồng chí nói với thủ môn (vốn là người giúp việc): - “Cậu để tớ vào giữ gôn một lúc!”. Rồi đồng chí lén vào thay. Trọng tài và cả hai đội đều không biết. Đội bạn tấn công rồi sút bóng, đồng chí ra đón bị lỡ đà, suýt thua quả đó. Khán giả cười ầm lên. Một chiến sĩ trẻ, tiền đạo đội nhà, chưa biết đó là thủ trưởng mình, hét to: - “Ai bảo ông này làm gôn! ấm ớ thế mà cũng vào…! Thôi, ra đi!”. Đồng chí chỉ cười: - “Yên chí! không thua đâu, mình sẽ sửa chữa!”. Khi chiến sĩ trẻ biết đó là Chủ nhiệm Tổng cục, thì đỏ dừ cả hai tai.


Bình sinh, đồng chí luôn gần gũi và hòa mình với cấp dưới. Thỉnh thoảng đồng chí “đột kích” đến thăm Thể Công và thường chỉ đi một mình, ngồi nói chuyện với bất cứ ai.


Hồi ấy Trương Tấn Nghĩa mới 19 – 20 tuổi, là cầu thủ trẻ nhất lại đá hay và là con của danh thủ Trương tấn Bửu. Hai cha con mới tập kết ra, được đồng chí rất yêu mến. Nghĩa thường được bác Thanh gọi lại ngồi gần mỗi khi trò chuyện. Đồng chí thường nói với Nghĩa: - “Ráng lên sẽ có ngày về thi đấu ở sân Vườn Ông Thượng – Sài Gòn – như ba cháu trước đây”.


Rồi đồng chí kể chuyện bóng đá của mình (đồng chí vốn là chân sút đáng kính nể) … “Mình mê bóng đá lắm. Nhưng con nhà ngèo, học hết tiểu học đã phải đi làm thuê ở đồn điền trồng chè bên Phong Điền. Ngày công 3 xu! Nhưng hễ rỗi là đá bóng.

Trưởng thành mình đi hoạt động cách mạng, bị bắt, Tây nó giam ở nhiều nơi rồi đầy lên Buôn Ma Thuột. Trong tù khổ lắm. Nhưng muốn giữ vững ý chí, rất cần có sức khỏe để chịu đựng, sống và tiếp tục đấu tranh. Bọn mình xác định thế nên bảo nhau tìm cách giữ gìn và rèn sức. Hễ có bóng đá là xông vô liền. Ở Buôn Ma Thuột, ngày lễ, ngày tết, mình lập đội bóng “tù nhân” và rủ nhau chơi. Anh em đá hăng, đá hay. “Tây, Đầm” ra xem có khi cũng phải “bravo” (hoan hô) những quả bóng đẹp của bọn mình.

Cũng nhờ bóng đá mà bọn cai ngục phần nào nể nang bọn này hơn và có lúc lơ là, sơ hở. Bọn mình bàn nhau bày thêm món tẩm quất rồi rủ rê bọn lính tham gia. Được đấm bóp, giãn xương cốt, đỡ mệt mỏi, chúng khoái lắm. Thế rồi một hôm đi lấy củi , 3 đứa mình hè nhau “tẩm quất” cho tay lính gác một bữa mê ly, đoạn trói lại, giải thích cho nó, rồi trốn thoát!

Hồi kháng chiến cũng vậy. Công việc bận, đời sống vật chất kham khổ, lại phải phân tán xa nhau, tránh máy bay… Nhưng tập luyện cho khỏe và chơi thể thao cho vui thì không lúc nào ngưng trệ. Khi mặt trận Huế mới vỡ, tình hình rất gay go, khốc liệt. Bình - Trị Thiên khói lửa ngút trời! Vậy mà tết đến, anh em trong cơ quan xứ ủy vẫn đá bóng. Các anh Hoàng Anh, Hà Văn Lâu cùng bọn mình lập thành một đội. Thanh niên quanh vùng đón cả một số cầu thủ cũ bị kẹt trong vùng tạm chiếm của địch ra, cùng đấu".


Đôi lần, đồng chí nhận lời dùng bữa cơm thường nhật với anh em. Hồi ấy, các cầu thủ Thể Công ăn cùng chế độ với chiến sĩ đơn vị, vì chưa ai biết tính mức dinh dưỡng và xác định tiêu chuẩn thế nào. Do đi sát và nắm chắc tình hình, đồng chí đích thân nêu vấn đề và ký chỉ thị để cơ quan hậu cần nghiên cứu. Mức ăn được nâng lên “trung táo” (tiêu chuẩn ăn của cán bộ trung cấp) rồi ít lâu sau được nâng lên “tiểu táo” (tiêu chuẩn ăn của cán bộ cao cấp lúc bấy giờ).


Khi Thể Công thi đấu, nếu có điều kiện là đồng chí đi xem. đồng chí còn nhắc các cơ quan trong Tổng cục Chính trị viết thư động viên, gửi quà khích lệ. Quà tuy nhỏ, thường chỉ là cân đường, hộp sữa, túi cam, nhưng người nhận luôn được sưởi ấm bởi tình đồng đội, đồng chí qua những dòng chữ và thái độ yêu mến chân thành.


Sau trận đấu thành công, đồng chí biểu dương. Lúc có sai lầm, khuyết điểm, đồng chí nhắc phải kiểm điểm kỹ, tìm cho ra nguyên nhân mà sửa. Một yêu cầu trước sau không thay đổi của đồng chí đối với Thể Công là phải luôn luôn xứng đáng “người lính của Bác Hồ” trên lính vực TDTT.


Từ năm 1959, Thể Công chuyển sang trực thuộc Bộ Tổng tham mưu.


Đồng chí Nguyễn Chí Thanh thụ phong hàm Đại tướng, rồi ít lâu sau nhận nhiệm vụ ở Ban Công tác nông thôn của Đảng. Và sau nữa, khi được Bác Hồ và Trung ương cử vào Nam chỉ đạo chiến đấu cho đến lúc qua đời.


Hơn 40 năm đã qua, với giọng Huế chắc nịch, vừa ấm áp, vừa sôi nổi và truyền cảm, những lời dạy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn vang vọng và khắc sâu trong tâm khảm những người làm công tác TDTT trong quân đội như những lời dặn dò và những kỷ niệm đẹp đẽ không thể nào quên.

P.V

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #17 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2008, 09:11:13 pm »

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI VIẾT SỬ

 


Kể từ khi tôi tham gia công tác của Hội Sử học VN, tôi càng có nhiều cơ hội gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp và càng bị ông cuốn hút không phải chỉ ở một sự nghiệp quá đồ sộ của một nhà cách mạng, một vị Tổng tư lệnh mà còn ở một phẩm cách của một nhà sử học lớn.

Ông kể cho tôi một đôi ký ức thời trai trẻ rồi đọc thuộc lòng.những vần thơ hừng hực chí khí yêu nước của Phan Bội Châu. Ông kể lại những kỷ niệm về các nhân vật lịch sử mà ông từng tiếp xúc như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu. Ông đọc thuộc từng bài trong sách giao khoa thư đã nhen nhóm trong lòng ông những bài học đầu tiên dạy làm người. Rồi những bài học lịch sử trên bục giảng ở trường tư thục Thăng Long...

Ông muốn nói rằng lịch sử là tri thức tạo nên tư cách của một con người có ý thức về xã hội. Năm 1998. Ông cho phép tôi được có mặt trong buổi ông cùng gia đình tiếp con trai cố Tông thống Mỹ J.Kennedy. Hôm đó tôi thực sự nhận ra phong cách của một ông thầy dạy sử. Châm rãi và mạch lạc, ông nói với anh bạn trẻ tuổi tác cách ông đúng một nửa thế kỷ về lịch sử mối quan hệ Việt-Mỹ.

Ông nói về những mối giao lưu đầu tiên giữa hai xứ sở cách nhau một đại dương mà vị tổng thống từng là người khởi thảo Tuyên ngôn độc lập Mỹ đã say mê các giống lúa ở Đàng Trong của Đại Việt, đến mối quan hệ Việt - Mỹ khi còn là đồng minh chống phát xít Nhật.



Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên phủ (Ảnh TL)


Ông chỉ tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ treo trên tường nhà mình mà nói rằng: “Tấm ảnh kia mấy người bạn đồng minh Mỹ chụp cho tôi”... Hàm ý vị đại tướng đánh bại quân xâm lược Mỹ muốn nói với những người Mỹ trẻ tuổi rằng quan hệ giữa hai nước không chỉ có những trang sử đen tối của chiến tranh, và trang sử đang được viết tiếp phải là những trang sử tốt đẹp. Anh con trai của cố tổng thống Kennedy rất cảm động khi nghe vị đại tướng gợi lại hình ảnh khi cậu ta mới 4 tuổi đã dự đám tang cha của mình bị ám sát, và anh ta nói rằng những gì nhận được sau chuyến đi thăm VN và đặc biệt là trong buổi gặp đại tướng sẽ rất có ích cho bước đường sắp tới khi anh ta dự định bắt đầu bước vào chính trường...

Tôi cũng được quan sát từ khoảng cách rất gần hai cuộc tiếp kiến giữa đại tướng với cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara ở Hà Nội (1995 và 1997). Tính thuyết phục của vị đại tướng VN đối với một nhân vật mà nước Mỹ từng tôn sùng là một “bộ óc điện tử” chính là trọng lượng của những bằng chứng lịch sử đanh thép và thấm thía. Ông không quên từng chi tiết nhưng luôn đặt mọi lý lẽ của mình khớp với những gì lịch sử đã lên tiếng.

Khi nói chuyện với chúng tôi, những người làm công tác sử học hay đặc biệt là với giới trẻ, ông rất hay nhắc đến câu diễn ca mộc mạc của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta...”. Ông kể rằng đứng trước khả năng phải bắt buộc cầm súng đánh thực dân, Bác Hồ sai người đi tìm cuốn Việt Nam sử lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim, khi đó là cuốn sách duy nhất biên soạn mạch lạc về lịch sử nước nhà để trao cho các vị lãnh đạo cuộc kháng chiến đọc. Không chỉ chí khí của người xưa mà nhiều bài học về cách đánh và cách thắng của ông cha chúng ta đem lại những tri thức rất bổ ích cho cuộc chiến đấu ở thế kỷ 20.

Khác với nhiều nhà hoạt động cách mạng khác, khi buông dần những công việc chính trường, ông thật sự dành tâm lực cho việc tổng kết lịch sử và lấy chính trải nghiệm của mình để tìm ra những bài học.

Không kể tới những công trình chính luận đóng góp vào tổng kết sự nghiệp cách mạng mà ông là một yếu nhân, đặc biệt là tổng kết chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc mà ông là tổng tư lệnh, đại tướng Võ Nguyên Giáp dành rất nhiều công sức để viết hồi ức của mình, điều mà mọi chính khách hiện đại đều làm. Nhưng khác mọi người, ông viết hồi ức với tất cả tình tiết riêng tư, kể cả những rung động tình cảm của mình nhưng lại để nói đến cả một dân tộc, một thời đại và một con người mà ông luôn coi là người thầy vĩ đại của mình: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Viết lịch sử hay hồi ức ông đều luôn đặt lên hàng đầu tính trung thực. Ông có cả một “bộ tham mưu” là những người hoạt động khoa học và thực tiễn trong và ngoài quân đội sẵn sàng góp ý kiến, sưu tập tư liệu cho ông. Một tinh thần tập thể cao cộng với một trí tuệ lớn lại luôn cầu thị của ông làm cho các tác phẩm ký tên ông trở thành những công trình hoàn chỉnh và có phong cách không trộn lẫn.

Viết sử ông luôn luôn lấy sự đoàn kết là mục tiêu như chính trong thực tiễn cách mạng. Tôi không quên một kỷ niệm: những chương đầu của cuốn sách Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng được ông cho phép đăng trên tạp chí Xưa & Nay của Hội Sử học VN (1995) trước khi sách công bố năm năm. Ở chương kết thúc ông điểm không thiếu một ai đã tham gia sự kiện lớn của lịch sử. Ông rất hài lòng khi chúng tôi chọn một tấm ảnh minh họa là lúc tổng tư lệnh chia tay tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng lên đường vào chiến trường. Hình ảnh hai vị tướng thân mật đứng bên một cây đào đang nở hoa làm ông rất hài lòng. Sau này khi sách in ông cũng tìm đúng tấm ảnh ấy dường như muốn nói lên một điều gì đó...

Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu giữa vòng vây, Điểm hẹn Điện Biên... cho đến Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng là gần trọn vẹn cả đời ông. Từ Điện Biên Phủ (1954) đến đại thắng mùa xuân (1975) còn một khoảng trống mà ông sẽ phải lấp đầy. Cộng với những tác phẩm mang tính tổng kết về chiến thắng Điện Biên Phủ và tư tưởng Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tác gia kiệt xuất đã để lại một di sản thật sự đồ sộ về thế kỷ 20 hào hùng đầy thử thách. Và chính thế kỷ ấy lại mang dấu ấn của ông như một trong những gương lớn nhất làm thay đổi lịch sử.

Người nước ngoài khi đánh giá về đại tướng Võ Nguyên Giáp thường so sánh ông với những nhân vật lớn trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là lịch sử chiến tranh. Họ có sự tinh tế mà ít khi ta chú ý tới, ví như Bách khoa toàn thư của Mỹ khi nói về quân hàm của ông luôn viết rằng Võ Nguyên Giáp là “đại tướng 5 sao” để nói đến một phẩm hàm tột đỉnh, mặc dù trên vai ông luôn luôn là quân hàm mang bốn ngôi sao năm cánh như nhiều vị đại tuớng VN khác. Giới sử học VN tự hào có một vị tổng tư lệnh là chủ tịch danh dự hội nghề nghiệp của mình.

DƯƠNG TRUNG QUỐC

(Nguồn Vietbao)
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Năm, 2008, 05:26:35 am gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #18 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2008, 04:02:02 am »

Hôm ấy-một ngày cuối tháng 2-1954-chiếc xe cuối cùng của đơn vị chúng tôi vừa ngụy trang xong thì trời cũng đã hửng sáng. Mọi người tranh thủ chợp mắt để lấy sức tối còn đi tiếp. Các đồng chí quản lý, anh nuôi thì tranh thủ đào bếp Hoàng Cầm để lo bữa ăn cho đơn vị.

 
Suốt cả đêm căng thẳng mệt mỏi, phải tranh chấp từng đoạn đường với “con đầm già” (loại máy bay trinh sát cánh quạt của Pháp hồi đó mà cánh lính nhà ta hay gọi là “con đầm già”). Cứ hễ nó lượn vòng lại thì phải tắt máy, tắt đèn, đứng chờ nó lượn sang vòng khác mới đi tiếp… Khi gặp một đoạn đường bị bom làm sụt lở hoặc đường đèo quá hẹp, chúng tôi cứ phải chờ xe bên kia đèo sang hết mới đi được. Suốt đêm căng thẳng vất vả chỉ đi được mấy chục ki-lô-mét trên tuyến đường trọng điểm này, để tối còn kịp đi tiếp vào giao hàng cho phía trước.

Đơn vị chúng tôi vận chuyển xăng, nên khi đến chỗ giấu xe phải hạ 12 phuy xăng trên xe xuống lăn đi cất giấu phân tán ở các hốc đá, ngách đất và ngụy trang cả xe và hàng rồi mới yên tâm ngả lưng chợp mắt được… Đang lúc mơ màng, tôi bỗng nghe có tiếng quát tháo ầm ĩ từ phía mấy chiếc xe giấu ngoài bìa rừng: “Đoàn xe nào đây? Ai lái xe này? Ai chỉ huy?”.

Chỉ nghe tiếng quát, không nghe tiếng trả lời đáp lại. Chắc anh em mình sợ nên không dám lên tiếng chăng? Tôi nghĩ vậy và nhổm dậy nhìn về phía có tiếng quát. Đúng là ông Đinh Đức Thiện, Cục trưởng Cục Vận tải rồi! Ông đang đi về phía xe tôi, vừa đi vừa quát tiếp: “Chúng nó đâu cả rồi? Dậy ngụy trang lại mau, hay để máy bay địch ném bom đốt trụi cả khu rừng này?”.

Chuyến này đến lượt đơn vị mình “ăn” kỷ luật đây! Tôi thầm nghĩ vậy và sẵn sàng để chống đỡ những lời quát tháo của ông. Ông đi thẳng đến trước mặt tôi và hỏi: “Ai lái xe này?”. Ông nhìn tôi vẻ ngờ ngợ dường như đã gặp tôi ở đâu rồi. Chắc ông nhớ lại gần 4 năm trước (tháng 5-1950) khi chúng tôi về Cục Vận tải gặp ông để nhận công tác. Tôi nghĩ vậy và trả lời ông:

- Báo cáo, tôi lái xe này ạ!

Ông tỏ vẻ giận dữ, bực bội, khó chịu, cau có nhìn tôi và chất vấn:

- “Ngụy trang như thế này à? Đi từ xa đã nhìn rõ cả mấy bánh xe”.

Tôi bình tĩnh chống chế:

- Máy bay trên trời nhìn xuống thì thấy thế nào được cả bánh xe như người đi bộ nhìn thẳng từ ngoài vào ạ?

Tôi tưởng “lý lẽ” của tôi được ông chấp nhận, nhưng không ngờ tôi lại làm ông giận dữ thêm: “Lại còn cãi à! Có đi ngụy trang lại không hay muốn ăn kỷ luật? Ai chỉ huy đơn vị này thì bảo nó đúng 13 giờ vào Binh trạm kiểm điểm và nhận kỷ luật…”.

Ông nói xong rồi bực bội bỏ đi ngay khiến tôi không kịp giải trình gì thêm nữa. Tôi đã biết tính ông ngay từ hôm đầu tiên về nhận công tác tại Cục Vận tải (5-1950) nên nghĩ là tuy ông nóng thế thôi nhưng ông nhắc nhở như vậy là đúng! Khi nghe tiếng quát tháo ầm ĩ, anh em toàn đơn vị cũng tỉnh dậy cả và được chứng kiến cuộc “đối thoại” ngắn ngủi và căng thẳng giữa tôi và ông – người nổi tiếng là nóng như lửa.

Không ai bảo ai, mọi người tự động đi ngụy trang lại xe và xăng. Cả đơn vị ái ngại cho tôi về việc chiều nay phải vào Binh trạm nhận kỷ luật.

Buổi chiều hôm ấy, cả đơn vị tranh thủ kiểm tra kỹ thuật và chuẩn bị xe, rồi hội ý rút kinh nghiệm đồng thời bồn chồn chờ đợi kết quả tôi vào Binh trạm gặp cấp trên.

Thế rồi đúng 13 giờ tôi vào đến Binh trạm bộ. Lúc này tôi được biết thêm là đồng chí Đinh Đức Thiện và một số cán bộ đi kiểm tra công tác chuẩn bị hậu cần chiến dịch trên toàn tuyến và hôm nay đến tuyến Binh trạm này. Cán bộ các đơn vị trong khu vực thuộc tuyến Binh trạm về họp đông đủ. Chiều nay không khéo đơn vị mình được “bêu danh” giữa “chốn ba quân” này đây! Tôi nghĩ vậy và lặng lẽ đi vào phòng họp. Không ngờ vừa nhìn thấy tôi, Ông lại quát tiếp:

- Cán bộ chỉ huy đâu mà lái xe phải đi họp thay?

- Báo cáo, tôi là chỉ huy đơn vị mà sáng nay đồng chí đến kiểm tra đấy ạ!

Ông bị bất ngờ về câu trả lời của tôi, ngạc nhiên hỏi thêm:

- Đồng chí là lái xe cơ mà?

- Vâng! Vì chiều qua khi đoàn xe chuẩn bị lên đường thì có thông báo đồng chí nào trong đơn vị là chiến sĩ thi đua (CSTĐ) năm 1953 thì quay về Cục họp tổng kết. Vì đơn vị không có lái xe dự bị, nên tôi đã lái thay cho đồng chí lái xe CSTĐ được về Cục họp. Chính chiếc xe mà sáng nay đồng chí đi từ xa đã nhìn rõ cả bánh xe đấy ạ.

Ông nhìn kỹ tôi một lần nữa và hỏi: “Ai để các đồng chí đói mà gầy gò, hốc hác, xanh xao thế này”.

Nghe giọng nói, cử chỉ lúc này của ông, tôi biết ông đang xúc động. Đây cũng là một điều hoàn toàn bất ngờ đối với tôi, vì thái độ ân cần, tình cảm của ông khác hẳn với sáng nay khi ông đến kiểm tra đơn vị:

- Báo cáo đồng chí! Tôi thong thả trình bày – Chúng tôi đã thức suốt đêm trên đường cả tháng nay rồi. Ban đêm thì căng thẳng vì đường đèo dốc chật hẹp, khó đi, trên trời thì máy bay thường xuyên bay lượn mà cái lo nhất là kế hoạch vận chuyển lần này lại chở xăng phuy, nếu một xe bị trúng đạn là có thể cháy cả đoàn xe. Ban ngày thì chúng tôi chỉ chợp mắt được một lúc lại phải dậy để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp, vả lại máy bay cứ vè vè trên đầu, nằm không yên nên anh em vừa căng thẳng, mệt mỏi, vừa thiếu ngủ hàng tháng nay ạ.

Ý kiến trình bày của tôi đã làm cho ông-vốn tính tình nóng nảy-mà lúc này xúc động ngồi nghe tôi nói… Ông ân cần dặn dò tôi phải chăm lo sức khỏe cho anh em, chiến dịch còn dài ngày, và nhắc nhở anh em dù vất vả mệt mỏi, căng thẳng cũng không được coi thường địch, phải ngụy trang xe, hàng chu đáo nhất là xăng cất giấu xa nơi giấu xe. Nói xong, ông ra lệnh cho chỉ huy Binh trạm bắt con lợn to nhất trong chuồng và cử người khiêng ra đơn vị bồi dưỡng cho anh em lái xe.

Tôi ngồi họp mà cứ miên man suy nghĩ về trách nhiệm và tình nghĩa của ông đối với chúng tôi. Mới sáng nay ông còn giận dữ quát tháo ầm ĩ cả bìa rừng, thế mà bây giờ lại nhẹ nhàng bảo ban tôi như vậy, và còn bồi dưỡng cho anh em lái xe cả con lợn. Ôi! Phong cách thật đáng quý của chỉ huy cấp trên-đối với công việc thì dứt khoát nghiêm túc, nhưng đối với quan hệ đồng chí đồng đội, cấp trên cấp dưới… thì nhân ái nghĩa tình như anh em trong một gia đình.

Họp xong, trên đường về tôi vừa đi vừa xúc động suy nghĩ cho đến khi về đến đơn vị. Lúc này, anh em đang chuẩn bị xe và sốt ruột chờ tôi đi họp về. Từ xa, có đồng chí đã nhìn thấy 2 người khiêng một con lợn khá nặng, oằn cả đòn, vất vả theo sau tôi.

Chuyện gì lạ thế này? Ai nấy đang xì xào bàn tán về kỷ luật mà bây giờ lại thấy tôi đi họp về có cả người khiêng lợn đi sau? Anh em chạy lại vây quanh tôi và hồi hộp chờ nghe tôi thông báo kỷ luật… Tôi-nét mặt vui tươi phấn khởi-nói:

- Chúng ta nhận kỷ luật con lợn.

Mọi người chưa hết ngạc nhiên, tôi nói tiếp: “Giao cho các đồng chí quản lý, anh nuôi kỷ luật con lợn ngay buổi chiều này. Đồng chí lái xe và phụ xe nào chuẩn bị xong xe rồi thì đến giúp anh nuôi một tay. Bây giờ đã hơn 3 giờ, cần khẩn trương giải quyết xong trước 5 giờ chiều để còn kịp lên đường đi tiếp”.

- Ôi, tình huống thật bất ngờ, không bị kỷ luật mà còn được cấp trên bồi dưỡng cho con lợn-Cả đơn vị reo lên sung sướng.

- Này! Đừng có tưởng là cứ ngụy trang sơ sài để lần sau lại nhận kỷ luật con lợn nữa đâu, mà lúc đó là kỷ luật con người đấy – Tôi nhắc nhở và uốn nắn đôi lời như vậy.

Có tiếng nói to đáp lại: “Vậy lần sau chúng tôi sẽ ngụy trang tốt hơn để được nhận kỷ luật con lợn to hơn ạ”. Cả đơn vị cười xòa, vui vẻ rồi mỗi người một việc khẩn trương chuẩn bị để tối còn lên đường đi tiếp vào tuyến trước của chiến dịch.

(Theo Thiếu tướng Phó Giáo sư Đặng Huyền Phương đăng trên Báo Điện tử Quân đội Nhân dân)
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2008, 08:58:27 pm »

Hồi ký tập thể - dấu ấn của một nhân cách

Nói đến dấu ấn nơi ông thì hầu như ai cũng biết đó là một nhà chỉ huy kiệt xuất, một nhà nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự. Nhưng Hoàng Minh Thảo còn để dấu ấn điển hình một con người nhân hậu đầy tình nghĩa.

Sau chiến thắng 1975 ít lâu, cấp trên có đề nghị tư lệnh các mặt trận chủ chốt xúc tiến làm hồi ký chiến tranh. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân gợi ý tôi - lúc đó vừa tốt nghiệp Học viện Quân sự - chấp bút giúp Tướng Hoàng Minh Thảo, vị Tư lệnh nổi tiếng của chiến dịch Tây Nguyên có trận đột phá mở đầu Buôn Ma Thuột. Buôn Ma Thuột không chỉ là trận đột phá chiến dịch mà như sau này cho thấy, nó cũng chính là đòn đột phá chiến lược: Cửa mở tung từ đây để quân ta một mạch tiến đến đích cuối cùng Sài Gòn.

Hồi ký tập thể - dấu ấn của một nhân cách

Giúp việc ông, tôi đã không chỉ một lần hỏi: Ai quyết định đánh Buôn Ma Thuột? Phải có một người cụ thể đưa ra ý kiến đầu tiên chứ? Nhưng với câu hỏi tưởng như rất dễ ấy tôi đã không thể vượt qua. Bao giờ ông cũng thong thả bảo, đó là ý kiến tập thể, không với một chỉ dấu khiêm tốn nào cả.
Sau này, khi được biết không ít nhà chỉ huy, trong hồi ký của mình hay qua một kênh nào đó, đã cho thấy rằng chính họ là người đã "tiến cử" Buôn Ma Thuột, tôi thông báo với ông. Vẫn từ tốn, ông nói: "Thế à? Nó chỉ càng giúp lý giải câu hỏi tại sao chúng ta thắng Mỹ".

Rồi sau này nữa tôi mới đọc thấy trong cuốn hồi ký gần nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Trong một lần làm việc với anh Hoàng Minh Thảo, với nhân quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự, anh nêu ý kiến: "Khi đã chọn hướng chiến lược Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất. Khó khăn còn lại phải vượt qua là thiếu đường hành quân và thiếu nước…". Tôi rất tán thành". ("Tổng hành dinh trong Đại thắng Mùa Xuân, NXB QĐND, năm 2000).

Lại nói về hồi ký của ông. Tôi ban đầu háo hức với công việc bao nhiêu thì sau đó thất vọng bấy nhiêu. Cả với hồi ký ông cũng bảo viết sao để đây sẽ là một hồi ký... tập thể! Tôi cũng chẳng biết viết sao nữa khi ông chỉ say sưa nói đến những phát triển về nghệ thuật quân sự (điều mà tôi đã đọc nhiều lần trong các sách của ông cũng như trong các tổng kết chiến tranh) và chấm hết.

Nhưng ngay cả với điều này ông cũng không cho thấy đâu là những trăn trở tư duy, những vận động biện chứng, sự tiệm tiến và bùng phát, ở đâu, khi nào, tại sao, chứ đừng nói đến mạch chảy của cuộc đời là những hồn cốt tạo nên cái gọi là hồi ký, một loại hình văn học. Ông bảo những cái ấy ông không nhớ cụ thể, lâu quá quên rồi... Ông không muốn nói về mình.

Phải bằng những con đường khác, cuối cùng tôi cũng chỉ hoàn thành giúp ông được một phần của hồi ký, mà là phần sau rốt (với phần này thì dễ thực hiện hơn vì vẫn còn nóng hơi thở chiến trường)(*). Mãi cho đến rất gần đây, qua sự chấp bút từng phần của nhiều người, cuốn Hồi ký của ông mới được hoàn thành với cái tên giản dị: "Chiến đấu ở Tây Nguyên".

Nhưng bởi chính những nguyên nhân mà tôi đã đề cập, Hồi ký ấy đã bớt đi tính hấp dẫn vốn phải có của thể loại này - và nhất lại là Hồi ký của một vị tướng huyền thoại như ông. Đó là điều đáng tiếc nhưng mặt khác lại là dấu ấn của một nhân cách, nhân cách Hoàng Minh Thảo.

Nói đến dấu ấn nơi ông thì hầu như ai cũng biết đó là dấu ấn một nhà chỉ huy kiệt xuất, dấu ấn một nhà nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự có tài và đầy tâm huyết, dấu ấn của một người lãnh đạo với những cư xử văn hoá…

Nhưng có lẽ những người gần ông đều phải thừa nhận điều này, ở một phương diện dường như hoàn toàn khác, Hoàng Minh Thảo còn để dấu ấn điển hình một con người nhân hậu đầy tình nghĩa. Ông thương người, yêu dân. Bạn bè ông, cán bộ và chiến sĩ từng chiến đấu bên ông, đồng bào từng đùm bọc ông đều nói điều này: Hoàng Minh Thảo không quên một ai! Nhất là với những cảnh đời khó.

Thương người , yêu dân

Ông không quên cả những người một thời đồng đội rồi vì một lẽ nào đó và vào một lúc nào đó, dường như bị ruồng khỏi xã hội như Đinh Công Niết, như Tạ Đình Đề. Hoàng Minh Thảo từng có một đồng đội vốn là một linh mục. Gia đình này trở nên cực kỳ bi đát khi người cha mất đi ít lâu thì cả hai người con đều bị tâm thần.

Tướng Thảo không chỉ chạy xin vào trại để có được cơ hội chăm sóc, điều trị cho những người con này mà mười mấy năm nay, ông vẫn cố gắng đều đặn chu cấp thêm cho họ với đồng lương có hạn của mình.
Tài Thầu, trong một gia đình ở Lạng Sơn đã đùm bọc cách mạng những năm tiền khởi nghĩa. Sau này con ông vì một tội nhỏ đã dính vòng lao lý trong lúc gia cảnh đang nhiều gian truân. Gia đình dường như đành buông xuôi. Biết chuyện, ông Thảo - lúc này tuổi đã cao, đi lại khó khăn - vẫn trực tiếp không chỉ một lần đến gặp địa phương, thuyết phục có lý có tình những người cầm cân công lý. Và người kia được trở về gia đình, bây giờ đang là một công dân tốt. Thử hỏi mấy ai trượng nghĩa như ông?

Nguyên lang đạo xứ Mường Đinh Công Niết từng cảm kích thốt lên: "Nếu có sự đúng đắn ở người cộng sản thì đó là Hoàng Minh Thảo!"

Cho đến bây giờ, Hoàng Minh Thảo vẫn xem tin tức qua chiếc tivi từ đời lâu lắm, vẫn nằm trên chiếc đệm nhàu có từ hơn ba chục năm nay, vẫn viết trên cái bàn nhỏ với chiếc ghế gỗ xoàng xĩnh, nhưng sự sẻ chia cho người khó hơn mình ở ông thì dường như khôn cùng.

Anh Khang, người lái xe trung thành của ông từ nhiều năm nay nhớ mãi một kỷ niệm. Lần ấy, sau khi tham dự hội nghị tổng kết ở một địa phương phía Nam, đến Thanh Hóa ông ghé vào thăm gia đình một chiến sỹ công vụ đã nhiều năm gắn bó với ông hồi ở chiến trường.

Gia đình người đồng ngũ này rất nghèo lại đang gặp bước khó khăn. Còn bao nhiêu tiền trong túi, ông lấy ra đưa hết. Vẫn áy náy, ông cởi chiếc áo còn mới đang mặc trên người nhất định đưa tặng khiến cả nhà quá cảm động và bối rối. Vài tháng sau, nhớ ngày sinh nhật của thủ trưởng, người lính công vụ năm xưa mang một con dê từ Thanh Hóa ra. Ông giữ lại nghỉ rồi lẳng lặng nói người nhà đem con dê đi bán. Hôm sau, khi người đồng đội cũ cáo từ trở về, ông đưa lại tiền bán dê cộng thêm gấp đôi nữa là tiền của ông, rồi bảo: Bữa trước trong túi không còn tiền. Lần sau đừng mừng ông to như vậy. Một nải chuối từ quê hương là tình nghĩa rồi...

Những năm gần đây, nhiều lúc ông hay bần thần nghĩ ngợi. Cảm như mình bất lực. Chỉ một chuyện đất đai ở Tây Nguyên, ông cứ luôn hỏi thăm tin tức sao rồi. Ôi Tây Nguyên, nơi ông biết thế nào là đồng bào. Không có đồng bào, không có chiến thắng hôm nay. Ai nhớ, ai quên?

Ông bảo: Ừ thì làm công nghiệp, ừ thì sản xuất lớn tập trung; ừ thì quy luật thị trường: Người có tiền vác đến mua đất, mua rừng, dân không tiền thì bán. Nhưng rồi sao? Phải gần dân, hiểu dân, từ lòng dân mà đề ra và điều hành chính sách. Tâm không ở ngước lên, tâm không ở nói nhiều. Nó ở trong đầu và trong tim ấy....
Hôm nghe tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất, ông trầm ngâm: "Buồn quá. Những người tận dân, tận nước như ông Kiệt, phải lâu lắm mới lại có một..."
Hôm nay thì ông cũng đã đi rồi. Phải  bao lâu mới lại có một người như ông?

TS. Vũ Cao Phan (theo VietnamNet)



Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM