Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:54:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 5  (Đọc 70889 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:56:04 pm »


Tại Huế, sau những thắng lợi ban đầu của ta, từ ngày 8-2-1968, địch bắt đầu phản kích dữ dội. Chúng huy động cả lực lượng tổng dự bị từ Sài Gòn ra (Chiến đoàn A thuỷ quân lục chiến ngụy) và từ Vùng I chiến thuật tới. Ngày 11-2, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 5) thuỷ quân lục chiến Mỹ cũng được tăng cường cho khu Tam giác, đưa tổng số quân địch ở đây lên 16 tiểu đoàn cả Mỹ lẫn ngụy. Tình hình mặt trận Huế diễn biến ngày một phức tạp.

Ở cánh Bắc, từ ngày 9-2 đến ngày 12-2, bộ đội ta phải liên tục đánh địch phản kích. Tối 13-2, Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 8 ) được điều vào tăng cường cho thành nội. Song vì địch đã tăng viện nên so sánh lực lượng, ta vẫn không chiếm được ưu thế. Không còn khả năng tiến công, ta chuyển sang tổ chức phòng ngự, ngăn chặn địch phản kích quyết liệt đồng loạt trên bốn cổng thành (cửa Chánh Tây, cửa Hữu, cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba) và từ quốc lộ 1 vào An Hoà. Khó khăn của ta ngày một tăng, đạn thiếu, thương vong nhiều. Trước tình hình này, Khu uỷ và Ban chỉ đạo định cho lực lượng ta rút khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng thì đêm 15-2, Quân uỷ ra lệnh: “Phải giữ thành nội vì lợi ích của toàn Miền và của bản thân Trị - Thiên”. Khu uỷ và Ban chỉ đạo xác định quyết tâm trụ vững trong nội đô thêm một tuần nữa.

Ngày 16 và 17-2, địch lại tổ chức phản kích dữ dội và chiếm được cả Đông Ba. Ngày 18-2, địch chiếm cổng Thuỷ Quan, uy hiếp cửa Hữu, cửa An Hoà và cửa Thượng Tứ. Tình hình xấu đi rõ rệt. Ban chỉ đạo quyết định điều Tiểu đoàn 816 (Trung đoàn 9) đang chặn địch ở Bôn Trì, An Lưu vào tăng cường cho Trung đoàn 6 và Trung đoàn 8, điều Tiểu đoàn 810 từ cánh Nam qua khu Gia Hội chặn địch từ cửa Đông Ba lấn ra.

Ở vòng ngoài của cánh Bắc, ngày 13-2, địch từ Liễu Cốc Thượng đánh ra Quế Chữ và từ Rú Lầu đánh Bôn Trì, Bôn Phổ. Ta tổ chức phản kích quyết liệt, dùng hoả lực tập kích mạnh vào đội hình phía sau của địch, đẩy chúng trở lại vị trí xuất phát.

Nhằm tăng cường lực lượng đánh địch phản kích ở vòng ngoài, sau khi Tiểu đoàn 816 được điều vào tăng cường cho thành nội, Tiểu đoàn 815 (Trung đoàn 9) từ cánh Nam được đưa vào thay thế Tiểu đoàn 816.

Đến lúc này, lực lượng ta trong nội đô đã khá đông, song sức chiến đấu giảm sút. Địch đã tăng cường cho khu Mang Cá và Đông Ba một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến Mỹ để cùng lực lượng từ bên ngoài bao vây tiêu diệt quân ta đang giữ phần còn lại ở tả ngạn thành phố. Chúng dùng pháo hạm và máy bay ném bom bắn phá suốt ngày đêm. Một trung đoàn từ Đường 9 về tăng cường cho Huế còn đang trên đường hành quân. Ngày 18-2, Tiểu đoàn 7 và trung đoàn bộ mới về đến vị trí tập kết. Không đủ sức đánh lui được quân địch. Lực lượng ta bị đẩy lùi dần vào trong thành nội.

Ở cánh Nam, trừ một vài bộ phận còn đứng chân được ở khu Tam giác thực hiện đánh nhỏ, kìm chân địch, còn đại đa số lực lượng của Trung đoàn 9, Tiểu đoàn 810, Tiểu đoàn 4 đặc công rút ra đứng ở ven sông An Cựu, Vân Dương.

Từ ngày 10-2-1968, ta liên tục dùng từng mũi nhỏ tập kích, phục kích diệt địch ở khu Tam giác và ở ngã sáu.

Khi hai tiểu đoàn 810 và 815 tăng cường cho cánh Bắc, lực lượng cánh Nam còn lại mỏng, sức tiến công giảm. Chính vào thời điểm này, địch ồ ạt tăng quân lên 23 tiểu đoàn (11 tiểu đoàn trong thành phố, 12 tiểu đoàn ở vòng ngoài) nhằm giải toả cho thành Huế. Sức ép của địch ngày càng tăng. Trong khi đó, hoạt động của ta ở Đường 9 - Khe Sanh cũng như hướng phối hợp nam Quảng Trị, Phú Lộc chưa đủ mạnh để có thể kéo lực lượng địch tới những khu vực đó đối phó.

Khu uỷ và Ban chỉ đạo có ý định rút khỏi Huế vào ngày 20-2, kết thúc cuộc chiến đấu không cân sức để tranh thủ giữ nông thôn. Song theo chỉ đạo của trên, Khu uỷ và Ban chỉ đạo phải tổ chức, điều chỉnh lực lượng tăng cường cho cánh Bắc để vừa tiếp tục chiến đấu đánh địch phản kích giữ nội đô vừa hỗ trợ nông thôn tiếp tục nổi dậy giành quyền làm chủ ở một số nơi.

Những cố gắng của ta trong các ngày 20, 21, 22-2-1968 cũng chỉ đủ sức kiềm chế địch từng bước, tiêu hao một số lực lượng địch, không làm cho tình hình tiến triển khá hơn được.

Ngày 21-2, địch chiếm toàn bộ tuyến Bôn Trì, Bôn Phổ, An Lưu, La Chữ, Quế Chữ, Cổ Bưu. Trong thành nội chúng chiếm thêm cầu Thượng Tứ, dồn lực lượng ta về phía tây.

Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, tránh bị bao vây ngày 22-2-1968, Khu uỷ Trị - Thiên và chỉ huy mặt trận Huế quyết định rút toàn bộ lực lượng ra ngoài thành phố.

Để tạo thuận lợi cho việc rút quân an toàn, trong các ngày 22, 23-2, ta tập kích một số mục tiêu địch ở An Lưu, An Hoà, Trúc Lưu, Phú Tài, Phú Thiện, cắt đường sông từ Huế ra cửa Thuận An và đường bộ từ các nơi vào Huế (cánh Nam). Địch ở vòng ngoài buộc phải co lại đối phó. Ta rút dần từng đơn vị ra khỏi thành phố theo kế hoạch. Đến 25-2-1968, toàn bộ lực lượng ta rút khỏi thành Huế bí mật, an toàn. Một bộ phận chiến đấu bên tả ngạn sông Hương nhận lệnh chậm, ngày 27-2 mới vượt sông ra vùng giải phóng Phú Vang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:57:16 pm »


Sau 25 ngày đêm chiến đấu và làm chủ thành phố Huế, quân và dân ta đã diệt, bắt sống, bức hàng và làm tan rã 25.000 tên địch, bắn rơi và phá hỏng hơn 200 máy bay, bắn cháy 41 tàu chiến, phá huỷ 533 xe quân sự, giải phóng 210.000 dân, 20 xã, 271 thôn, thành lập chính quyền ở 200 thôn. Trong những ngày chiến đấu oanh liệt để giữ thành phố Huế, ở mặt trận đông nam thành phố, đã xuất hiện hàng trăm tấm gương sáng chói tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đặc biệt là Tiểu đội nữ du kích sông Hương (gồm 11 cô gái) do Phạm Thị Liên làm tiểu đội trưởng. Cùng với các chiến sĩ đặc công K10, tiểu đội đã góp phần đánh tan một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đến phản kích ở khu vực Phú Xuân. Trong trận chiến đấu không cân sức này, bốn cô gái của tiểu đội đã hy sinh khi tuổi đời còn trẻ. Chiến công của 11 nữ du kích sông Hương tiêu biểu cho khí phách anh hùng của quân và dân thành Huế trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 19681. Được tin tiểu đội nữ du kích tự vệ thành phố Huế dũng cảm chiến đấu lập công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thơ khen tặng, biểu dương công trạng:

Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.
Bác khen các cháu dân quân gái,
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương
2.

Với việc giữ được thành phố 25 ngày, Huế đã lập một kỳ công - giành thắng lợi lớn nhất và giữ được thành phố lâu nhất so với các thành phố khác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của tổng tiến công và nổi dậy trên toàn Miền.

Khi lực lượng ta ở Huế có lệnh rút khỏi thành phố, thì tại Sài Gòn - Gia Định, cao điểm 2 của cuộc tổng tiến công đã bắt đầu. Sau cao điểm 1, các đội biệt động gần như không còn (do thương vong và hy sinh), các tiểu đoàn mũi nhọn đều đã rút ra đứng chân ở vùng ven. Trong thành phố lúc này lực lượng địch tràn ngập (do chúng được củng cố và tăng cường lực lượng tổng trù bị, lực lượng bảo vệ vòng ngoài về). Vì vậy chủ trương của ta trong cao điểm 2 là: dùng pháo kích là chính, kết hợp với tiến công một vài mục tiêu nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng quân ngụy, làm cho địch mất sức phản kích và khả năng phòng giữ, tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ. Đồng thời, phát động quần chúng nổi dậy ở quy mô thích hợp giành quyền làm chủ ở phần lớn các quận. Hướng chủ yếu là tây và tây nam. Lực lượng sử dụng gồm các tiểu đoàn 267, 269, Tiểu đoàn 16, Tiểu đoàn 12 đặc công (thuộc Phân khu 2) và các tiểu đoàn của Phân khu 3.

Thực hiện chủ trương này, đêm 17-2-1968, trung đoàn 96 và 208 ĐKB pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, Nha cảnh sát đô thành, căn cứ Sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ ở Phú Lợi. Kết quả theo bình luận của Hãng tin Anh BBC sáng 18-2, ở căn cứ Phú Lợi, “có ít nhất 400 người thương vong, nhiều kho tàng, máy bay bị phá huỷ”. Đài này còn bình luận: “Đây là trận đánh khá trúng đích của Việt cộng”. Với sân bay Tân Sơn Nhất “hoả tiễn rơi đúng phòng chờ đợi đang chật ních khách. Trong số 88 quân nhân Mỹ thuộc lực lượng tuần giang Cửu Long chờ máy bay về Mỹ, số đông bị chết, sáu máy bay bị phá huỷ”3.

Cùng với pháo kích các mục tiêu, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Quyết thắng) tiến công vào Tiểu đoàn dù 8 ở Tân Thới Hiệp nằm trên đường Hóc Môn - Xóm Mới do Chiến đoàn 2 dù phụ trách.

Ở nội thành, 2 giờ 15 phút ngày 19-2, Tiểu đoàn 1 Long An và Tiểu đoàn 6 Bình Tân tiến công Tiểu đoàn 30 biệt động quân ngụy đóng ở Phú Lâm nhưng không thành công.

Trưa 20-2, ta tiến công địch ở Cầu Tre, Tân Thới, Phú Thọ Hoà... Trận đánh ác liệt nhất diễn ra tại nghĩa địa Triều Châu cách tây bắc Trường đua Phú Thọ 3 km. Trận đánh kéo dài từ 12 giờ ngày 20-2 đến 14 giờ ngày 21-2. Ta đánh lui nhiều đợt phản kích của Tiểu đoàn 33 biệt động quân có máy bay, xe tăng yểm trợ, diệt nhiều tên, bắn cháy hai xe tăng, xe bọc thép M113, bắn rơi một máy bay.

Cùng thời gian này, một tiểu đoàn của Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) tiến công Lữ đoàn 3 (Sư đoàn 25 Mỹ) đang càn quét, giải toả ở Vĩnh Lộc quận Tân Bình, cách Sài Gòn 6 km về phía tây bắc.

Liên tiếp trong các ngày 24, 25-2, ta pháo kích sân bay Tân Sơn nhất, Biệt khu Thủ đô, Trường hạ sĩ quan Thủ Đức, khu kho xăng An Nhơn (Thủ Đức).

Ngày 24-2, ta phá sập cầu Giồng Ông Tố (Thủ Đức) và cầu Kinh (đông bắc Gia Định 3 km).

Ngày 25-2, ta chiếm Hãng dệt Sicôvina (Thủ Đức). Đến ngày 28-2-1968, tiếng súng tổng tiến công ở Sài Gòn chấm dứt. Đợt 1 tổng tiến công và nổi dậy ở các hướng trọng điểm cũng như toàn miền Nam kết thúc.

Cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định Tết Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn bất ngờ vào Mỹ - ngụy ngay tại sào huyệt của chúng. Hầu hết các mục tiêu đầu não của ngụy quân, ngụy quyền trong nội thành đều bị tiến công. Đây là lần đầu tiên, chiến tranh diễn ra ác liệt ở hậu phương địch và ngay trên đường phố của trung tâm sào huyệt của chúng.

Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng cùng với quân, dân ta trên toàn miền Nam trong suốt một tháng đã liên tục tiến công và nổi dậy, giành được thắng lợi to lớn và toàn diện chưa từng có, gây cho địch những tổn thất nặng nề hơn bất cứ thời gian nào trước đó.

Ba thành phố lớn, ba trọng điểm của cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã góp phần quyết định vào thắng lợi chung của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
_______________________________________
1. Tiểu đội nữ du kích sông Hương thành lập tháng 12-1967 gồm: Phạm Thị Liên, tiểu đội trưởng (được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân); Đỗ Thị Cúc, Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Sáu, Hoàng Thị Nết, Nguyễn Thị Diên (sáu chiến sĩ trên đã anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước); Chế Thị Mừng, Nguyễn Thị Hoa, Hoàng Thị Nở, Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Xô (năm chiến sĩ đều quê làng Vân Dương ven thành Huế).
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 12, tr. 334.
3. Phan Hàm: Trong cuộc đối đầu thế kỷ, Sđd, tr. 320.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 10:15:10 pm »


II- TRUNG TRUNG BỘ, ĐÔNG NAM BỘ VÀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN

Cùng với ba trọng điểm lớn Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng; vào dịp Tết Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang và nhân dân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ trên toàn miền Nam.

Trước Tết, nhằm nghi binh, đánh lạc hướng và thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, tạo điều kiện cho các chiến trường khác, trực tiếp là Trị - Thiên - Huế thực hành tổng tiến công và nổi dậy, quân ta đã nổ súng tiến công địch ở Đường 9 - Khe Sanh. Ở đây địch tập trung lực lượng khá lớn, xây dựng tuyến phòng thủ với một hệ thống căn cứ hết sức kiên cố. Cuối năm 1967, lực lượng địch tại đây có 45.000 tên, trong đó có 28.000 tên Mỹ, gồm 3 trung đoàn thuỷ quân lục chiến, 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới. Lực lượng này được bố trí thành ba khu vực:

Khu vục phía đông gồm các cứ điểm: 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Gio Linh, Quán Ngang, miếu Bái Sơn. Phía sau có Đông Hà, Cam Lộ, Quảng Trị hình thành một tuyến phòng ngự có chiều sâu.

Ở giữa gồm các cứ điểm: Tân Lâm, Cà Lu, điểm cao 241 nối liền khu đông và tây, đồng thời án ngữ, ngăn chặn lực lượng ta thâm nhập vào hướng Ba Lòng - Quảng Trị.

Phía tây là tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, gồm các cứ điểm: Hướng Hoá, Làng Vây, Tà Cơn, Huội San và cụm cứ điểm ngoại vi Tà Cơn (bố trí dọc theo thung lũng Tà Cơn với diện tích khoảng 2 km2) với các điểm cao 558, 950 kiểm soát lưu vực sông Đắc Krông chảy vào Khe Sanh từ hướng bắc, điểm cao 861, 881 ở phía nam.

Do vị trí chiến lược quan trọng của Khe Sanh, địch đã bố trí ở đây ba tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ thuộc Trung đoàn 26 Mỹ, một tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ thuộc Trung đoàn 9, một tiểu đoàn biệt động ngụy Sài Gòn (Tiểu đoàn 37), một đại đội lực lượng đặc biệt và cố vấn, hai trung đội súng cối 106,7 mm do xe tăng Ôntốt (Ontos) kéo, năm xe tăng có trang bị đại bác 90 mm, ba khẩu pháo 105 mm và một khẩu pháo 155 mm, tổng cộng khoảng 6.000 quân do tướng Cuxơmen (Cushman) trực tiếp chỉ huy, chưa kể 16 khẩu pháo 175 mm bố trí ở điểm cao 241 và lực lượng không quân hiện đại của Mỹ, kể cả máy bay B52 sẵn sàng chi viện cho Khe Sanh bất cứ lúc nào.

Vào cuối năm 1967, nghiên cứu thực tiễn, ta nhận thấy: lực lượng Mỹ trên tuyến Đường 9 đã khá đông và có chiều hướng ngày càng tăng. Nếu ta đánh mạnh, địch bị diệt nhiều, chắc chắn chúng sẽ đưa lực lượng lớn quân Mỹ đến ứng cứu. Tuy chúng tổ chức phòng ngự trên cả hai hướng đông và tây, song tập trung chủ yếu vẫn là hướng đông. Ở hướng tây, địch chỉ đủ sức phòng ngự tại chỗ. Ta cắt đứt được tuyến giữa (đoạn từ Tân Lâm đến Cà Lu), Khe Sanh coi như bị cô lập về đường bộ. Điều này càng tăng thêm khả năng thu hút quân Mỹ. Mặt khác, với địa hình rừng núi ở hướng tây, ta hạn chế được thế mạnh của địch, phát huy được sở trường của ta. Đây chính là những cơ sở để Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm chọn hướng tây là hướng chủ yếu, hướng đông là hướng quan trọng. Cụ thể: hướng tây, diệt chi khu, quận lỵ Hướng Hoá, Huội San, điểm cao 832, bao vây cứ điểm Làng Vây, thu hút lực lượng Mỹ đến để đánh diệt ở khu vực tây và nam Tà Cơn. Hướng đông, diệt các cứ điểm phòng ngự của địch trên đường 75, bao vây Cồn Tiên, Dốc Miếu, cắt giao thông ở đoạn Cam Lộ - Cà Lu, đánh địch tăng viện ở khu vực Quán Ngang, Dốc Miếu và ở tây, tây nam Đông Hà, cắt đường sông Cửa Việt, đánh phá kho tàng, sân bay địch...

Để thực hiện quyết tâm trên, ngoài lực lượng đang hoạt động tại khu vực Đường 91, mặt trận được tăng cường thêm hai sư đoàn bộ binh (304, 320), hai trung đoàn pháo binh (675, 45), một trung đoàn pháo cao xạ (241), năm đại đội đặc công, bốn đại đội xe tăng.

Từ cuối tháng 10-1967, công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã được xúc tiến từ việc làm đường, tổ chức các kho dự trữ... Mặc dù vậy, thời gian chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch không nhiều nên vấn đề bảo đảm còn nhiều hạn chế. Có đơn vị đến ngày nổ súng vẫn chưa xác định được mục tiêu định diệt, có đơn vị không kịp chuyển gạo và đạn vào lót ổ, thậm chí Sở chỉ huy mặt trận, mạng thông tin còn chưa được triển khai đầy đủ.
_________________________________
1. Gồm Sư đoàn bộ binh 325, các trung đoàn 1, 2, 3 thuộc Sư đoàn 324 cũ; Trung đoàn bộ binh 270 của Vĩnh Linh; một tiểu đoàn tên lửa vác vai A72; hai tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị; ba trung đoàn pháo binh 84, 164, 204; hai trung đoàn cao xạ 37 mm (128, 282); một đoàn đặc công; các đại đội bộ đội địa phương huyện cùng các lực lượng bảo đảm khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 10:16:46 pm »


Ngày 20-1-1968, chiến dịch mở màn, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66, Sư đoàn 304) được pháo binh chiến dịch chi viện đã nổ súng tiến công chi khu quân sự, quận lỵ Hướng Hoá. Lực lượng địch ở đây có một đại đội bảo an. Trận đánh diễn ra thuận lợi, phần lớn địch tại chi khu bị diệt, trừ một số chạy thoát vào cứ điểm Tà Cơn, ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ ngay trong đêm. Cùng thời gian, Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 2, Sư đoàn 325) tiến công điểm cao 832 (có một đại đội thuỷ quân lục chiến Mỹ), nhưng không thành, buộc phải chuyển vào bao vây kiềm chế địch. Đến trưa 22-1-1968, ta hoàn toàn làm chủ phía nam cụm cứ điểm Tà Cơn.

Mất quận lỵ Hướng Hoá, điểm cao 832 bị bao vây, Tà Cơn bị uy hiếp trực tiếp từ phía nam song địch vẫn không chịu tăng viện để phản kích lấy lại những mục tiêu đã mất mà chỉ đối phó chủ yếu bằng hoả lực phi pháo nhằm ngăn chặn lực lượng ta và nghe ngóng tình hình.

Trước tình hình này, ngày 23-1-1968, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định diệt cụm cứ điểm Huội San ở sát biên giới Việt - Lào do Tiểu đoàn 33 ngụy Lào phòng giữ để tăng áp lực ở hướng tây, mở đường tiếp cận Làng Vây, buộc địch phải tăng viện. Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 304) được tăng cường một đại đội xe tăng (8 chiếc PT-76) thực hiện nhiệm vụ này. Sau ba ngày chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn Huội San. Địch vẫn không tăng viện, buộc Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, giải phóng đoạn Đường 9 từ Khe Sanh đến biên giới Việt - Lào, đưa thêm lực lượng vào vây hãm Tà Cơn buộc địch phải có phản ứng mạnh hơn.

Làng Vây nằm cách quận lỵ Hướng Hoá 5 km về phía tây ở độ cao 320m, có Đường 9 chạy qua giữa, là cứ điểm mạnh của địch với hệ thống công sự vững chắc, xung quanh có hàng rào kẽm gai và mìn. Lực lượng địch ở đây có khoảng 600 tên bố trí thành nhiều khu vực, mỗi khu vực do một đại đội biệt kích ngụy đóng giữ. Để diệt cứ điểm Làng Vây, Sư đoàn 304 phải sử dụng Trung đoàn 24 (thiếu một tiểu đoàn) với sự tăng cường của Tiểu đoàn 3 (Sư đoàn 325), Tiểu đoàn xe tăng 198 (thiếu) gồm 16 chiếc, một đại đội của B5, một đại đội đặc công của Sư đoàn 304, một đại đội súng máy 14,5mm (sáu khẩu), một trung đội súng phun lửa. Kế hoạch dự kiến ban đầu, ta sẽ nổ súng tiến công cứ điểm vào ngày 5-2-1968, song công tác chuẩn bị của Trung đoàn 24 chưa tốt nên phải hoãn lại.

23 giờ 30 phút ngày 6-2-1968, trận đánh mở màn. Đến 8 giờ sáng 7-2-1968, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm, diệt 400 tên, bắt sống trên 200 tên (trong đó có 5 cố vấn Mỹ), thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

Trong lúc hướng tây phát triển khá thuận lợi thì ở hướng đông ta gặp nhiều khó khăn. Cuối tháng 1-1968, địch chiếm lại chốt Lâm Xuân và Bạch Cầu mà trước đó Trung đoàn 270 đã đánh diệt. Đêm 31-1-1968, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) tiến công quận lỵ Cam Lộ cũng không thành công.

Tính đến ngày 7-2-1968, trên cả hai hướng chiến dịch, ta diệt và bắt sống 1.600 tên (có 200 tên Mỹ), bắn rơi, bắn cháy 19 máy bay các loại, phá hỏng 11 khẩu pháo, cối, 11 xe quân sự thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Trong lúc Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn và giới lãnh đạo chóp bu ở Nhà Trắng đang dồn hết tâm trí và lực lượng ra Đường 9 - Khe Sanh, thì quân và dân ta đồng loạt nổ súng đánh vào hầu khắp các thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ trên toàn miền Nam.

Ở Khu V và Tây Nguyên, ngoài Đà Nẵng còn các thành phố, thị xã Nha Trang, Tuy Hoà, Buôn Ma Thuột, Plâycu, Quy Nhơn, Kon Tum đã nổ súng sớm hơn một ngày so với kế hoạch chung.

Tại thị xã Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên), đúng giao thừa (theo lịch cũ), địch trong thị xã và các cứ điểm ở vùng ven bắn súng đón năm mới. Lợi dụng pháo sáng của địch, quân ta nhanh chóng áp sát mục tiêu, đồng loạt tiến công vào nhiều vị trí, cơ quan đầu não địch trong thị xã và các huyện trong tỉnh. Đại đội đặc công 202 của tỉnh dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Lê Trung Kiên tập kích trung đoàn bộ Trung đoàn 47 ngụy và khu cố vấn Mỹ, diệt 78 tên, làm chủ trận địa. Trung đội Quyết thắng của thị xã tập kích Ty Cảnh sát ngụy diệt gần hết địch ở đây trừ một số ít bỏ chạy. Tiểu đoàn 12 kiên cường đánh địch đẩy lui nhiều đợt phản kích của quân Mỹ và quân ngụy ở khu nhà 18 gian thuộc phường 2 thị xã.

Ở vòng ngoài, ta tiến công vào Sở chỉ huy Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn Bạch Mã (Nam Triều Tiên), sân bay Đông Tác ở nam sông Đà Rằng. Hàng ngàn nhân dân các huyện Tuy Hoà, Tuy An, Đồng Xuân xuống đường biểu tình, thị uy...

Tính chung, trong đợt tổng tiến công và nổi dậy đầu tiên (từ đêm 29-1 đến 5-2-1968 ), các lực lượng vũ trang Phú Yên đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.114 tên địch, trong đó có 349 tên Mỹ, 464 lính Nam Triều Tiên, phá huỷ 47 máy bay các loại, 28 xe quân sự, 5 xe M113 và M118, 10 khẩu pháo từ 105 mm đến 155 mm.

Mặc dù vậy, ta chưa đánh quy được lực lượng quân sự của Mỹ - ngụy để hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 10:17:55 pm »


Sau Phú Yên là Khánh Hoà. Đây là tỉnh nằm xa hậu phương, việc vận chuyển, tiếp tế, bổ sung lực lượng gặp nhiều khó khăn. Chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy, ngoài Trung đoàn 20 chủ lực mới được xây dựng, tỉnh có bốn đại đội đặc công, bốn đại đội bộ binh, một đại đội công binh. Trọng điểm tiến công và nổi dậy của tỉnh là thành phố Nha Trang. Mở đầu cuộc tiến công, ta pháo kích vào Trung tâm huấn luyện hải quân, kế đó, lực lượng vũ trang tỉnh đánh chiếm Đài phát thanh, Tiểu khu Khánh Hoà, Tỉnh đường, Sở chỉ huy tiếp vận 5, Tiểu đoàn 651 truyền tin. Bằng cách dùng xe lam, lợi dụng sự lộn xộn đêm giao thừa, bộ đội ta cải trang như những người đi vui Tết, tiến thẳng đến các mục tiêu, diệt lính gác, chiếm lĩnh trận địa. Tiếng súng và tiếng pháo vang rền xen lẫn. Địch không phân biệt được đâu là dân, đâu là bộ đội, nên chỉ sau 10 phút chiến đấu ta đã làm chủ khu vực Tỉnh đường, Sở chỉ huy tiếp vận 5, tiểu khu và Tiểu đoàn truyền tin 651. Riêng Bộ Tư lệnh đặc biệt ở ngay trung tâm thị xã không bị tiến công. Tên Đoàn Văn Quảng, Tư lệnh lực lượng đặc biệt kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Nha Trang, khi nắm được tình hình các nơi báo về, y lập tức điều động lực lượng đặc biệt cùng các lực lượng khác tổ chức phản kích. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra trong thành phố ngay sau đó. Tiêu biểu là các trận đánh ở Sở chỉ huy tiếp vận 5 và đồi Trại Thuỷ (còn gọi là đồi Kim Thân Phật tổ).

Tại Sở chỉ huy tiếp vận 5, bảy chiến sĩ của ta dũng cảm đẩy lùi chín đợt phản kích của địch, diệt hàng chục tên, phá huỷ hai xe bọc thép và hy sinh đến người cuối cùng. Ở đồi Trại Thuỷ, bộ đội ta chiến đấu với địch suốt ngày 29-1-1968 (tức ngày 30-12 Đinh Mùi - theo lịch miền Nam). Đến 17 giờ, ta rút xuống chân đồi. Ngày hôm sau, một đại đội biệt kích được không quân yểm trợ tiến lên chiếm lại đồi. Nhưng lực lượng ta nằm phục kích ở các khu phố và hàng cây dưới chân đồi chặn đánh làm đại đội biệt kích địch bị thiệt hại nặng.

Cuộc chiến đấu trong thành phố còn dai dẳng đến ngày mùng 6 Tết. Song áp lực của địch ngày càng tăng, ta không đủ sức dứt điểm, buộc phải rút ra. Trong lúc đó, ở hai huyện Diên Khánh, Vĩnh Xương, Trung đoàn 20 phối hợp với các lực lượng địa phương đánh địch hỗ trợ đồng bào phá ấp, diệt tề, trừ gian, cắt đường 21 và quốc lộ 1, cô lập địch ở từng khu vực tạo thế phục vụ kế hoạch lâu dài.

Tỉnh Gia Lai với tỉnh lỵ là thị xã Plâycu. Tại đây lực lượng Mỹ có tới hai sư đoàn là Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 đóng Sở chỉ huy ở An Khê và Sư đoàn bộ binh số 4 đóng Sở chỉ huy ngay tại thị xã Plâycu. Chủ trương của ta trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 với các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là dùng đòn tiến công quân sự là chủ yếu để tiêu diệt địch, giành chính quyền.

Đúng 0 giờ 55 phút ngày 29-1-1968, lực lượng ta chia làm nhiều cánh đánh thẳng vào trung tâm thị xã, chiếm Khu cảnh sát vùng 2, Khu hành chính, Khu biệt động ngụy, Tỉnh đoàn bảo an, phá ba nhà lao giải thoát cho 2.000 đồng bào yêu nước bị địch giam giữ. Đáng chú ý là các trận đánh của Tiểu đoàn 408 đặc công vào sân bay Arêa, phá hỏng 15 máy bay lên thẳng và 35 xe các loại; trận Trung đoàn 95 diệt một đoàn xe 26 chiếc trên đường 19; trận pháo kích vào Sở chỉ huy Quân đoàn II ngụy và khu rađa. Chỉ trong ngày đầu tiến công và nổi dậy, 11 xã vùng ven được giải phóng.

Ở Kon Tum, Tiểu đoàn 304 của tỉnh và Tiểu đoàn 406 đặc công đánh chiếm Khu hành chính, Tiểu khu và sân bay Kon Tum, Biệt khu 24, phá huỷ nhiều kho tàng, đạn dược, làm chủ một nửa thị xã trong đêm. Phản ứng của địch yếu ớt, chủ yếu chúng dùng máy bay ném bom và pháo bắn vào những mục tiêu đã bị ta đánh chiếm. Mờ sáng, địch tung quân phản kích. Tiểu đoàn 304, 406 chống trả quyết liệt, bẻ gãy hàng chục đợt phản kích của địch, bảo vệ trận địa. Nổi bật là gương chiến đấu dũng cảm của A Xâu, chiến sĩ Tiểu đoàn 304. Anh đã mưu trí quần nhau với địch suốt ngày giữa địa hình trống trải, bẻ gãy hàng chục đợt phản kích của chúng, giữ vững trận địa. Địch ném lựu đạn tới tấp vào trận địa, A Xâu chụp bắt ném trở lại, diệt hàng chục tên1. Dũng sĩ A Thang, mới 16 tuổi đã chiến đấu với địch đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Phối hợp với thị xã, ở vòng ngoài, ta bao vây đồn Kleng ở phía tây, diệt địch, giải phóng bảy ấp chiến lược dọc tỉnh lộ 5 ở phía đông thị xã, mở rộng vùng làm chủ trên các trục lộ Krông - Kon Tum và Kon Tum - Kon Brai, đánh chiếm và làm chủ thị trấn Tân Cảnh.
_________________________________
1. A Xâu được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 23-11-1969.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 10:22:24 pm »


Nổi bật hơn cả trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trên địa bàn Tây Nguyên là cuộc tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Mặc dù Buôn Ma Thuột được ví như mái nhà của nam Đông Dương, song địch lại tập trung chủ yếu trên hướng Gia Lai, Kon Tum nhiều hơn, bởi lẽ Kon Tum có ngã ba biên giới, là cửa ngõ thâm nhập từ Lào sang Gia Lai, có đường 19, đường 7 nối với các tỉnh đồng bằng Khu V và Campuchia, còn Buôn Ma Thuột nằm sâu về phía nam, ta khó đưa lực lượng lớn vào, lại có bộ máy kiểm soát rất chặt chẽ. Địch vẫn coi Buôn Ma Thuột là hậu phương an toàn của chúng. Trong điều kiện như vậy, hoạt động của các lực lượng vũ trang cũng như chính trị của ta trên địa bàn này gặp nhiều khó khăn. Cơ sở để ta có thể khai thác được so với các nơi khác là lực lượng địch ở đây mỏng yếu, nhất là quân Mỹ. Nếu Gia Lai - Kon Tum còn có các Sư đoàn kỵ binh không vận số 1, Sư đoàn 4 bộ binh, thì ở Đắc Lắc, Mỹ chỉ có một nhóm cố vấn thuộc Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ (MACV) và nhân viên kỹ thuật, một đại đội trực thăng với tổng quân số không quá 400 tên. Trước Tết, những hoạt động nghi binh của ta đã buộc địch phải đưa lực lượng đi ứng cứu các nơi. Tại thị xã Buôn Ma Thuột, địch chỉ còn Đại đội thám kích 413, Đại đội trinh sát 23, Đại đội vận tải 514, Đại đội địa phương quân 702 và Đại đội 23 biệt động quân. Lực lượng chiến đấu chỉ có một tiểu đoàn của Trung đoàn 45 và Thiết đoàn 8 thiết giáp với quân số còn khoảng 30% (đa số đi phép Tết).

0 giờ 40 phút ngày 29-1-1968, cuộc tiến công vào thị xã bắt đầu. Ta dùng súng cối và ĐKZ bắn phá sân bay Hoà Bình, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy, Bộ chỉ huy Trung đoàn 45... Cùng lúc, trên hướng tây bắc, tiểu đoàn 301 và 401 cơ động của tỉnh đánh vào căn cứ pháo binh của địch (tiểu đoàn 231 và 232) sau đó phát triển sang Khu hành chính, chiếm Ty Ngân khố. Cánh khác do Tiểu đoàn 3 đặc công (mới được trên bổ sung) làm nhiệm vụ đánh vào khu thiết giáp (Thiết đoàn 8 ). Đội hình hành quân bị lạc nên gần sáng ta mới tiếp cận được mục tiêu. Chỉ có một tổ đặc công lọt được vào bên trong, dùng thủ pháo diệt được hai xe thiết giáp của địch. Lúc này, Thiết đoàn 8 của địch được lệnh xuất kích đi cứu nguy cho các vị trí bị ta tiến công trong đêm. Một chiếc vừa ra khỏi cửa đã bị chiến sĩ ta dùng B40 diệt tại chỗ. Chiếc thứ hai liều mạng xông ra chạy về hướng Ty Ngân khố cũng bị diệt. Trong ngày đầu tiên, tám xe thiết giáp địch bị bắn cháy ngay trong thị xã.

Hướng đông nam, Trung đoàn 33 từ suối Ea Knao tiến công Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23, Toà hành chính tỉnh, Bộ chỉ huy tiểu khu, Đại đội 514 vận tải...

Ở phía tây nam, Tiểu đoàn 39 đánh chiếm Đài phát thanh sau đó phát triển tiến công vào căn cứ của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 45 ngụy và Trại huấn luyện nghĩa quân, diệt 200 tên, bắt hơn 100 tù binh. Địch huy động bộ binh, cơ giới đến phản kích hòng chiếm lại căn cứ, thêm hai chiếc M113 bị bắn cháy, hai trực thăng bị bắn rơi, buộc chúng phải tháo lui.

Trưa ngày 30-1-1968, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 điều Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 45) về cứu nguy cho thị xã. Đơn vị này tức tốc hành quân về đến gần thị xã (cách 1 km) thì bị lực lượng ta chặn lại mãi đến chiều mới vào được trong nội đô để cùng với Chiến đoàn 318 giải toả Ty Ngân khố. Ý đồ này địch không thực hiện được, bởi ngay sau khi xuất kích một chiến xa đi đầu bị diệt, chúng phải lui quân. Tổ chức chiến đấu lại thì trời đã tối.

Nhìn chung, đợt tiến công đầu tiên vào thị xã Buôn Ma Thuột, ta đã đánh chiếm được một số mục tiêu, song không diệt được cơ quan đầu não ngụy quyền địch, nên không dứt điểm được thị xã. Cuộc chiến đấu quyết liệt suốt mấy ngày đêm, đặc biệt ở trung tâm thị xã như Ty Ngân khố, Băngalô (Bungalow), trụ sở MACV. Cả ta và địch đều ra sức ngăn chặn lực lượng tiếp viện của nhau không cho bên nào vào tăng cường được cho trung tâm thị xã.

Phối hợp với đòn tiến công quân sự, lực lượng chính trị của quần chúng trong nội đô cũng như các huyện xung quanh thị xã xuống đường với khí thế mạnh mẽ đấu tranh với địch, hỗ trợ cho bộ đội đánh chiếm các mục tiêu.

Ngay trong ngày đầu cuộc tiến công, hàng ngàn đồng bào các huyện 6, 8, Buôn Hồ kéo vào thị xã bao vây căn cứ Trung đoàn 45 ngụy, kêu gọi binh lính địch quay về với cách mạng. Địch phản kích, nhân dân mang bàn, tủ, thậm chí cả bàn thờ ra đường dựng chiến luỹ ngăn chặn xe tăng địch, tạo điều kiện cho bộ đội đánh lui các đợt phản kích của quân ngụy. Với tinh thần dũng cảm, kiên cường, quân dân thị xã Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắc Lắc nói chung đã đánh chiếm tỉnh lỵ và trụ lại được sáu ngày đêm trong thị xã. Đây là một nỗ lực lớn, góp phần vào thắng lợi chung của toàn miền Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Tại Bình Định, tỉnh xác định trọng điểm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, là thành phố Quy Nhơn và quận lỵ Phù Mỹ. Để thực hiện nhiệm vụ đánh địch trong thành phố, Tiểu đoàn đặc công Liên ấp 3 được tổ chức gồm các đại đội Đ10, 30, 117B và 598 đặc công nước sáp nhập lại. Tiểu đoàn này cùng với Tiểu đoàn 50 (của tỉnh), lực lượng biệt động, tự vệ mật có nhiệm vụ đánh chiếm những mục tiêu chủ yếu trong thành phố. Sư đoàn 3 của Quân khu V được giao nhiệm vụ đánh chiếm quận lỵ Phù Mỹ và sẵn sàng đánh địch (Trung đoàn 41, Sư đoàn 22 của Vùng II chiến thuật) ứng cứu, hỗ trợ quần chúng kéo vào thành phố, nổi dậy giành chính quyền. Tiểu đoàn 405 đặc công quân khu tiến công khu kho Đèo Son. Lực lượng vũ trang các huyện và du kích các địa phương đánh chiếm các huyện lỵ, cắt phá giao thông địch trên quốc lộ 1, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở huyện, xã, giải phóng nông thôn.

1 giờ 15 phút ngày 29-1-1968, cuộc tiến công vào thành phố Quy Nhơn bắt đầu bằng trận đánh chiếm Đài phát thanh ở trung tâm thị xã. Sau đó ta phát triển đánh chiếm các mục tiêu Dinh tỉnh trưởng, Ty Cảnh sát, quân cảng, bến xe, nhà ga... Địch đưa quân đến phản kích hòng chiếm lại các vị trí đã mất. Các chiến sĩ ta kiên cường đánh lui hàng chục đợt phản kích của địch. Đặc biệt, Tiểu đoàn đặc công Liên ấp 3 ngoan cường đánh địch tại khu vực Đài phát thanh và các khu 1, 2 trong thành phố, hy sinh đến người cuối cùng. Trong số này có đồng chí Nguyễn Khuông (Biên Cương) - Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Quy Nhơn1.
_________________________________
1. Đồng chí Nguyễn Khuông bị địch bắt trước khi cuộc tiến công nổ ra. Khi lực lượng ta đánh vào thành phố, đồng chí được giải thoát và trực tiếp chỉ huy bộ phận đánh địch trong nội thành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 10:23:11 pm »


Trong lúc Tiểu đoàn 50, Tiểu đoàn đặc công Liên ấp 3 cùng biệt động đánh địch trong thành phố thì ở vòng ngoài, Trung đoàn 12 (Sư đoàn 3 chủ lực Quân khu V) tiến công quận lỵ An Nhơn, Sở chỉ huy Trung đoàn quân Nam Triều Tiên ở Phú Kiều. Trung đoàn 2 đánh địch ở Phù Mỹ. Phía nam, Trung đoàn 10 đánh chiếm đèo Cù Mông, làm chủ quốc lộ 1 từ đèo Cù Mông đến đèo Thị Nại. Hàng vạn quần chúng nổi dậy bao vây các thị trấn, quận lỵ trong tỉnh.

Mặc dù vậy, nhiệm vụ chính của Sư đoàn 3 trong đợt này là đánh quỵ Trung đoàn 41 ngụy - lực lượng cơ động của Sư đoàn 22 và của Vùng II chiến thuật chưa thực hiện được. Cũng như ở Đà Nẵng, ta không diệt được lực lượng quân sự chủ yếu của địch thì không thể hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền trong thành phố.

Hai tỉnh duy nhất của Khu V nổ súng đúng thời gian theo chỉ thị lùi lại một ngày của Bộ Tổng tư lệnh (đêm 29 rạng ngày 30-l-1968 ) là Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Quảng Nam theo tên gọi hành chính của ngụy là Quảng Đà với thủ phủ là thị xã Tam Kỳ. Về phía ta, trong kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 của Khu V, thì Quảng Nam cùng với Đà Nẵng là một trong bốn hướng và là hướng tiến công quan trọng nhất của khu. Mặc dù Đà Nẵng đã nổ súng trước, nhưng Quảng Nam do kịp thời nhận được chỉ thị của trên lùi cuộc tiến công lại một ngày để phối hợp chung với toàn Miền nên đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, tiếng súng tiến công Mậu Thân ở đây mới nổ. Cùng lúc ta đồng loạt pháo kích vào các cơ sở hành chính và mục tiêu quân sự của địch, song các mũi tiến công lại tập trung chủ yếu vào Toà hành chính, Bộ chỉ huy tiểu khu, Sở chỉ huy Trung đoàn 6, Tiểu đoàn 22 pháo binh và cổng ga xe lửa. Mạnh mẽ nhất là cuộc tiến công vào Trung đoàn 6 và Tiểu đoàn 22 pháo binh. Sau bốn đợt xung phong ta đột nhập được qua hàng rào phòng thủ. Địch phản kích quyết liệt nên sau đó ta phải rút ra.

Tại Toà hành chính và Bộ chỉ huy tiểu khu, bộ đội ta chiến đấu quyết liệt và cắm được cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Toà hành chính.

Ta còn bắn phá sân bay Chu Lai, Sở chỉ huy Sư đoàn Amêricơn. 35.000 nhân dân các vùng nông thôn tràn vào thị xã thị trấn vây bắt ác ôn, giành quyền làm chủ ở một số nơi.

Ở Quảng Ngãi, mặc dù địch đã được báo động trước về các cuộc tiến công của ta, song lực lượng chúng ở các đơn vị đi nghỉ Tết khá đông. Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 4 ngụy), đơn vị ứng chiến của khu chỉ còn 50 tên tại trại. Vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 30-1-1968, cuộc tiến công vào thị xã Quảng Ngãi bắt đầu. Sau loạt đạn pháo bắn vào sân bay, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 ngụy và Trung tâm huấn luyện nghĩa quân, ta đánh chiếm điểm cao 45 (căn cứ Núi Ông), Trung đoàn 4 bộ binh, Ty Cảnh sát, Tỉnh đoàn bảo an, Nhà lao... làm chủ phần lớn thị xã và trụ lại đánh địch suốt ngày 30-1. Hàng ngàn đồng bào tập trung tại núi Thiên Ấn ở phía bắc và sông Vệ ở phía nam để kéo vào thị xã hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy, nhưng không có lực lượng quân sự yểm trợ nên không vào được.

Đêm 31-1-1968 ta phải rút khỏi thị xã ra vùng ven vừa bám trụ đánh địch vừa củng cố sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.

Ở Khu VI, đến những ngày giáp Tết, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh quân khu mới nhận được lệnh nổ súng tiến công vào lúc giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Mọi mặt chuẩn bị trước đó đã phải tiến hành trong điều kiện quá gấp (vì Khu VI là chiến trường xa nên lệnh trên đến nơi thường chậm), nay thời gian nổ súng cũng được thông báo muộn, vì vậy có đơn vị hành quân không kịp đến mục tiêu quy định. Mặc dù vậy, với quyết tâm cao và ý thức chấp hành mệnh lệnh nghiêm, 0 giờ ngày 30-1-1968, các lực lượng vũ trang trên hướng trọng điểm Phan Thiết đã nổ súng tiến công địch ở thị xã.

Theo kế hoạch thì cuộc tiến công vào thị xã thực hiện trên ba hướng:

Từ hướng đông, Tiểu đoàn 840, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 481 đặc công thị xã) đánh thẳng vào Bộ chỉ huy tiểu khu, Toà hành chính, Tỉnh đoàn bảo an và các ty, sở xung quanh.

Hướng bắc, tiểu đoàn 482 (thiếu), Đại đội 2 (Tiểu đoàn 481), Đại đội trinh sát, Đại đội trợ chiến của tỉnh, theo đường 8 đánh diệt đồn Trịnh Tường, sau đó phát triển đánh chiếm Biệt khu Bình Lâm (trại Quang Trung) và trại Đinh Công Tráng, chiếm và kiểm soát các ty, sở trong khu vực.

Từ hướng tây nam, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 481), Đại đội 3 (Tiểu đoàn 482), Đại đội 480 Phan Thiết, Đại đội 30 trợ chiến quân khu đánh vào căng Êxêpíc, cổng chữ Y, Chi cảnh sát Châu Thành, trụ sở cơ quan MACV của Mỹ.

Đến giờ nổ súng, Tiểu đoàn 480 chưa đến kịp nên hướng đông vẫn yên lặng.

Ở hướng bắc, thực hiện đúng kế hoạch, ta đánh vào đồn Trịnh Tường. Lực lượng địch ở đây có một trung đội của Tiểu đoàn 23 pháo binh, lực lượng bảo vệ hậu cứ của Trung đoàn 44, Đại đội 954 địa phương quân của tiểu khu. Sau một ngày chiến đấu quyết liệt, ta chiếm 2/3 đồn. Địch đưa lực lượng lớn, có cả pháo binh, máy bay và xe tăng yểm trợ cho bộ binh phản kích sáu lần vẫn không chiếm lại được đồn. Đến 16 giờ ngày 31-1-1968, bị thiệt hại nặng, chúng dùng máy bay ném bom huỷ diệt toàn bộ khu vực này. Ta phải lui ra ngoài củng cố. Từ ngày 1-2-1968, ta chuyển qua bao vây, dựa vào các khu phố và công sự đánh địch phản kích. Lúc này ở cánh 1, Tiểu đoàn 840 đã tiếp cận mục tiêu, 24 giờ ngày 31-1, từ hướng đông, đơn vị nổ súng đánh chiếm Tỉnh đoàn bảo an, Ty Cảnh sát, uy hiếp Tiểu khu Bình Thuận. Cánh 3, ta đánh căng Êxêpíc, hậu cứ Chiến đoàn 506 Mỹ và cổng chữ Y.

Trước áp lực cửa ta ở thị xã, Khu 23 chiến thuật phải điều Trung đoàn 44 và Chi đoàn xe bọc thép 4 (Trung đoàn 8 ) từ Vĩnh Hảo vào ứng cứu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 10:37:24 pm »


Sau bốn ngày đêm chiến đấu ác liệt, ta đã đánh chiếm được một số khu vực, mục tiêu quan trọng trong nội đô, gây cho địch nhiều thiệt hại. Địch phải thừa nhận “trong suốt bốn ngày Tết tình hình tại tỉnh lỵ hết sức căng thẳng. Việt cộng lan tràn chiếm đến khu chùa Giác Hoa, chiếm Ty Lâm vụ để tấn công Câu lạc bộ sĩ quan, đào hố cá nhân trong vườn hoa trước nhà ga để bắn vào tiểu khu”1. Nhưng sau đó địch tăng cường lực lượng phòng thủ các mục tiêu quan trọng và tiến hành phản kích mạnh mẽ bằng cả bộ binh, pháo binh, xe tăng. Ta không đủ sức chốt giữ các vị trí trong thị xã phải rút ra bám trụ ở vùng ven.

Đà Lạt, trọng điểm 2 của Khu VI, nằm trong bối cảnh chung của khu là lệnh đến chậm, việc triển khai lực lượng gặp nhiều khó khăn. Tuy phương án tác chiến ở đây đã xác định “tổ chức tiến công trên ba hướng với tinh thần lực lượng đến được bao nhiêu thì đánh bấy nhiêu”2. Song, đêm 29 rạng 30-1, cả ba hướng đều không tiếp cận được mục tiêu nên phải hoãn lại đến ngày hôm sau. So với hiệp đồng chung toàn khu và toàn Miền, Đà Lạt nổ súng chậm hơn một ngày. Do đánh chậm, lực lượng ít lại bị phân tán (Tiểu đoàn 186, đơn vị chủ công đêm 4-2-1968 mới vào được vị trí chiến đấu), ta gặp nhiều khó khăn.

Vào lúc 1 giờ 45 phút ngày 31-1-1968, tiếng súng đầu tiên đã nổ ở Đà Lạt. Từ hướng tây nam (hướng tiến công chủ yếu), ta tiến công Bộ chỉ huy tiểu khu, chiếm khu vực Paxtơ, Ty Mục súc. Song lực lượng ta có hạn nên không dứt điểm được, đến sáng rút ra trụ lại ở Hầm Đá - Nam Thiên, đánh địch phản kích.

Đêm 1-2-1968, có thêm lực lượng (Tiểu đoàn 145, Đại đội đặc công 852, Đại đội 809 và bộ phận tiền trạm của Tiểu đoàn 186), ta tiếp tục tiến công tiểu khu và làm chủ được 2/3 vị trí cùng 9 ty, sở xung quanh.

Ngày 4-2, Tiểu đoàn 186 (lúc này đã đến đủ), Đại đội 852, Đại đội 809 tiếp tục đánh chiếm tiểu khu và các ty, sở xung quanh song cũng chỉ chiếm được 3/4 vị trí, còn ở hướng tây nam do địch điều thêm một tiểu đoàn có xe bọc thép đến chi viện, nên ta không dứt điểm được.

Trong lúc đó, ở hướng tây bắc (hướng thứ yếu quan trọng), ta chia làm ba mũi thọc sâu vào trung tâm thị xã. Một mũi đánh vào Dinh tỉnh trưởng, một mũi đánh Tỉnh đoàn bảo an, mũi thứ ba đánh vào Ty Công an. Địch phản kích quyết liệt, bộ đội ta dũng cảm đánh địch, cuộc chiến đặc biệt sôi động tại khu chợ Hoà Bình. Địch nhiều lần đưa quân đến hòng chiếm lại nhưng không được, cuối cùng chúng phải gọi máy bay trực thăng đến bắn phá huỷ diệt. Ta buộc phải rút ra Đa Cát đánh địch phản kích.

Hướng thứ ba ở phía đông nam, ta tiến công vào Trại Hầm nhưng cũng không dứt điểm được.

Sau bảy ngày chiến đấu liên tục, đến ngày 7-2 ta phải rút ra ngoài củng cố, trừ hướng tây bắc, bộ đội ta vẫn bám trụ đánh địch tại một số khu phố, đến ngày 11-2 mới rút hết.

Tính chung trong đợt đầu tiên đánh vào Đà Lạt, ta đã diệt 1.450 tên địch, có nhiều ác ôn, phá huỷ 22 xe quân sự trong đó có 10 xe bọc thép, bắn rơi 11 máy bay, bắn bị thương 4 chiếc khác, làm chủ một số khu phố.

Ở miền Đông Nam Bộ, phối hợp với trọng điểm Sài Gòn, hầu khắp các tỉnh lỵ, thị xã, thị trấn như Biên Hoà, Long Khánh, Thủ Dầu Một, Tân An... quân và dân ta tiến công và nổi dậy làm chủ nhiều thôn ấp, mở rộng vùng giải phóng.

Tại thành phố Biên Hoà, đúng giao thừa - theo lịch miền Nam (đêm 29 rạng ngày 30-1-1968 ), Sư đoàn 5 chủ lực Miền cùng đặc công và các lực lượng vũ trang địa phương tiến công sân bay Biên Hoà, Tổng kho Long Bình, Bộ chỉ huy dã chiến 2 Mỹ. Sau bốn ngày chiến đấu, ta diệt 5.500 tên, làm chủ ngã ba Tam Hiệp.

Tại Long Khánh, ta chiếm được phần lớn thị xã và trụ lại đánh địch phản kích.

Thị xã Thủ Dầu Một, Tiểu đoàn Phú Lợi cùng các chiến sĩ biệt động thị xã đánh vào Thành công binh, Toà hành chính tỉnh và một số mục tiêu khác. Địch phản kích quyết liệt. Bộ đội ta kiên cường bám trụ đến chiều tối ngày 30-1, không đủ sức tiếp tục chiến đấu, buộc phải rút ra.

Tại Bình Long, quân ta tiến công vào các mục tiêu trong thị xã An Lộc như Toà hành chính, Dinh tỉnh trưởng, cứ điểm Técních, Ty Cảnh sát... làm chủ được phần phía bắc thị xã.

Phước Long, Tiểu đoàn 186 của tỉnh tiến công mãnh liệt thị trấn Phước Bình, diệt hàng trăm tên địch, đánh sập hai lô cốt làm chủ khu phố Kiến Thiết trong hai ngày.

Nhìn chung, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ ta đã đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và các thị xã, thị trấn diệt và phá huỷ nhiều sinh lực và phương tiện của địch, làm cho chúng phải đối phó rất lúng túng. Nhưng sau đó, địch củng cố phản kích rất quyết liệt; các lực lượng vũ trang ta thương vong, không trụ lại được trong các thị xã, thị trấn buộc phải rút ra các vùng ven đô. Đến giữa tháng 2-1968, chiến sự tại các tỉnh này tạm lắng.
____________________________________
1. Cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa của Việt cộng Mậu Thân 1968, Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hoà phát hành, tr. 317.
2. [i]Lịch sử Khu VI[/i], Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 236.
[/size]
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 10:38:01 pm »


Kề với miền Đông là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, so với các chiến trường khác trên toàn miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long bước vào Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có nhiều thuận lợi hơn. Lực lượng địch - nhất là quân Mỹ bố trí trên chiến trường này mỏng, yếu. Chúng chỉ có Sư đoàn 9 đóng căn cứ ở Bình Đức (Mỹ Tho) và Rạch Kiến (Long An), từng lúc, có Sư đoàn 25, Lữ dù 173 đến đánh phá trên chiến trường Long An. Song quân và dân Khu VIII đã xây dựng được những vành đai diệt Mỹ, vây hãm địch trong các căn cứ và tiêu diệt, tiêu hao khi chúng đi càn quét, làm cho quân Mỹ không thể phát triển rộng rãi xuống miền Tây Nam Bộ. Mặt khác, bước vào Đông - Xuân 1967-1968, ta đánh mạnh trên các chiến trường Trị - Thiên, Khu V và miền Đông Nam Bộ, nên địch đã tập trung lực lượng ra đối phó với các hướng này để sơ hở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. Đây lại là chiến trường có nguồn nhân tài vật lực khá dồi dào, phong phú có thể bảo đảm vật chất tại chỗ cho ta tổng tiến công. Các nguồn chi viện từ Bắc vào qua đường mòn trên biển, Campuchia vào đồng bằng sông Cửu Long cũng thuận lợi hơn các nơi khác.

Theo kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy đã được xác định, tại Mỹ Tho (trọng điểm 1 của Khu VIII), quân khu tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực: Trung đoàn 1 và 2 cùng Tiểu đoàn 514 của tỉnh và năm đội biệt động của thành phố Mỹ Tho đồng loạt tiến công vào các mục tiêu chủ yếu trong thành phố.

Trung đoàn 1 có nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu: Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 ngụy, tiểu khu, Tiểu đoàn 32 biệt động quân, khu nhà cố vấn Mỹ.

Đêm 29-1-1968, Trung đoàn 1 nhanh chóng vượt sông Bảo Định chia làm ba mũi đánh vào trung tâm thành phố. Mũi thứ nhất theo đường Alếchxăngđrơ Rốt (Alexandre Rhodes) đánh ra lộ Hùng Vương chiếm Trường La San. Mũi thứ hai theo đường Nguyễn Tri Phương đánh xuống hồ Nước ngọt đến bùng binh. Mũi thứ ba từ bến xe sang chiếm bờ đông hồ Nước ngọt, sân bay trực thăng. 7 giờ sáng ngày 30-1-1968, ta chiếm được khu vực bến xe, đường Paxtơ (Pasteur), lộ Giồng Nhỏ, tiến đến hồ Nước ngọt. Khoảng 9 giờ địch đưa hai tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 ngụy từ căn cứ Hùng Vương ra phản kích. Vừa đến đường Paxtơ và khu vực hồ Nước ngọt, bị ta đánh thiệt hại nặng, chúng buộc phải lùi lại tổ chức trận địa ngăn chặn.

Sáng 31-1-1968, địch lại đưa Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 9 Mỹ cùng ba tiểu đoàn của Sư đoàn 7 ngụy, hai chi đoàn xe M113 tiếp tục phản kích. Trung đoàn 1 của ta chặn đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn Mỹ, một tiểu đoàn ngụy, bắn cháy 20 xe M113 và tiếp tục tiến đánh Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7. 16 giờ cùng ngày, địch dùng 48 khẩu pháo ở các trận địa xung quanh thị xã và các hạm tàu trên sông bắn cấp tập vào đội hình ta. Địch còn dùng máy bay ném bom và rải xăng đặc từ khu vực hồ Nước ngọt đến bốt Trung An và ngã ba Trung Lương gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân. Trung đoàn 1 bị tổn thất nặng phải rút ra vùng ven bám trụ đánh địch phản kích. Trong lúc đó, Tiểu đoàn 514 đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 32 biệt động quân ở ấp 1 xã Đạo Thạnh.

Trung đoàn 2 đảm trách tiến công các mục tiêu Thiết đoàn 6 ngụy và Trung tâm huấn luyện Hùng Vương. Do bị địch ngăn chặn, đơn vị hành quân đến mục tiêu chậm một ngày, yếu tố bất ngờ không còn nữa, việc đánh chiếm mục tiêu như đã định gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trung đoàn chuyển sang đánh Chi khu Thuận Tri (Trung Lương) gây thiệt hại nặng chi khu này, diệt 15 đồn trên lộ 4, giải phóng một vùng từ Trung Lương đến ngã ba Đông Hoà.

Các đội biệt động của thành phố một mặt phối hợp với chủ lực của khu đánh các mục tiêu trong nội đô, riêng đội biệt động thuỷ được giao nhiệm vụ đánh chiếm Khám đường để giải thoát cho tù chính trị. Đội diệt được ba lô cốt của Khám đường thì địch cho xe M113 đến phản kích, đơn vị phải chuyển ra diệt lô cốt Cầu Quay, sau đó rút sang Chợ Cũ, nhiệm vụ giải thoát cho tù chính trị không thực hiện được.

Cùng với tiến công quân sự, hàng ngàn quần chúng ở các vùng nông thôn kéo vào thành phố cùng với 500 quần chúng tại chỗ nổi dậy đấu tranh trực diện với địch, đòi tên Tỉnh trưởng và Tư lệnh Sư đoàn 7 ra lệnh ngừng ném bom, bắn pháo bừa bãi gây thiệt hại cho nhân dân. Bằng ba mũi giáp công, quân và dân Mỹ Tho còn bao vây 7 đồn, bức rút 3 đồn, bức hàng 1 đồn, truy lùng và diệt 120 tên tề điệp ác ôn, giải phóng 2 xã Đạo Thạnh và Mỹ Phong.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 10:38:47 pm »


Tại thị xã Bến Tre (trọng điểm 2 của Khu VIII), chủ trương của tỉnh là tập trung lực lượng giải phóng cho được thị xã. Sau đó từ thị xã sẽ trở ra giải phóng các vùng nông thôn. Thực hiện chủ trương này, toàn bộ lực lượng vũ trang của tỉnh gồm bốn tiểu đoàn bộ binh (516, 2, 3, 4) và các đại đội binh chủng tập trung thành một trung đoàn. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng được bảy tiểu đoàn dân quân du kích và động viên được khoảng 10.000 quần chúng vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Lực lượng địch ở thị xã Bến Tre có ba tiểu đoàn và một đại đội thám sát của Trung đoàn 10 (Sư đoàn 7), chín đại đội bảo an, dân vệ, Tiểu đoàn 72 đóng giữ ở những vị trí trọng yếu.

Đúng 1 giờ ngày 30-1-1968, ta bắn pháo, cối vào trung tâm hành quân Sở chỉ huy Trung đoàn 10 (Sư đoàn 7 ngụy), Tỉnh đoàn bảo an... Cùng lúc đội đặc công nước của tỉnh nhanh chóng đánh chiếm trại Đinh Tiên Hoàng (bãi quân xa) diệt sáu xe, chiếm giữ đầu cầu phía bắc sông Hàm Luông (Bến Tre), tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 516 ở hướng chủ yếu vượt sông đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng. Một mũi của tiểu đoàn vừa vượt sông vừa phải đánh tàu địch để chiếm bờ bắc rồi tiến theo đường Hùng Vương. Song vừa đến Bến Lở, địch trong Dinh tỉnh trưởng bắn trả dữ dội. Các đại đội của Tiểu đoàn 516 phải phân tán lực lượng, lợi dụng từng dãy nhà, góc phố chiến đấu với địch. Trong lúc đó, mũi thứ hai của Tiểu đoàn 516 nhanh chóng vượt sông chiếm được bờ bắc và tiến thẳng theo đường Nguyễn Huệ. Ta diệt được một số lô cốt, đánh thiệt hại nặng Đại đội bảo an 289 và một trung đội dân vệ tại cầu Cá Lóc. Ta tiến công đại lộ Phan Thanh Giản (nay là đường Đồng Khởi), nhưng bị địch phản kích quyết liệt. Chúng dùng đại liên, cối 60 bắn chặn đường tiến của ta. Tiểu đoàn 516 phải dừng lại, chưa đánh chiếm được Dinh tỉnh trưởng Bến Tre.

Các tiểu đoàn 2, 3 và 4 tiến công các mục tiêu Sở chỉ huy Trung đoàn 10, trận địa pháo, Đài phát thanh, sân bay Tân Thành... Trong đêm 30-1-1968, ta chiếm và làm chủ hầu hết các mục tiêu trong thị xã và bao vây Dinh tỉnh trưởng. Đến ngày 1-2, lực lượng ta vẫn bám giữ các khu vực trong thị xã mặc dù địch dùng pháo trên các hạm tàu đậu ở sông Hàm Luông và căn cứ Bình Đức (Mỹ Tho) bắn vào thị xã. Các loại máy bay phản lực, máy bay trực thăng quần lượn, ném bom, bắn phá huỷ diệt khu chợ Bến Tre. 16 giờ ngày 1-2, địch dùng trực thăng chở một tiểu đoàn Mỹ từ căn cứ Bình Đức định đổ xuống sân bóng đá thị xã, hòng cứu nguy cho đồng bọn, song ngay từ phút đầu, các lực lượng phòng không của ta bắn bị thương một chiếc buộc chúng phải quay lên sân bay Tân Thành và đổ quân tại đây. Ngày 2-2, địch lại đưa thêm một tiểu đoàn quân Mỹ đổ xuống xã Phú Hưng để cùng với tiểu đoàn Mỹ mà chúng đổ xuống ngày hôm trước từ Tân Thành đánh xuống thị xã. Tiểu đoàn 516, Tiểu đoàn 4 cùng bộ đội đặc công và du kích xã Phú Khương đánh diệt một đại đội tiêu hao nặng một tiểu đoàn quân Mỹ khác. Bị đòn đau, địch cho máy bay ném bom, bắn phá dữ dội vào đội hình ta. Lực lượng ta buộc phải rút ra ngoại ô củng cố, trừ một bộ phận ở lại bao vây Dinh tỉnh trưởng.

Phối hợp với thị xã, ở hầu hết các thị trấn trong tỉnh và vùng nông thôn, ta đồng loạt tiến công và nổi dậy làm tan rã phần lớn bộ máy kìm kẹp ở xã ấp, bức hàng, bức rứt 40 đồn bốt, giải phóng 4 xã, 25 ấp.

Thành phố Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ (Khu IX) và cả đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi tập trung cơ quan đầu não Vùng IV chiến thuật và Quân đoàn IV ngụy. Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền và Quân khu IX đều xác định Cần Thơ không chỉ là trọng điểm 1 của quân khu mà còn là trọng điểm tổng tiến công và nổi dậy của cả đồng bằng sông Cửu Long. Để tăng cường chỉ đạo cho vùng trọng điểm này, đồng chí Vũ Đình Liệu, Phó Bí thư Khu uỷ được cử xuống trực tiếp làm Bí thư Tỉnh uỷ Cần Thơ. Ban chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Cần Thơ được thành lập gồm các đồng chí: Trần Văn Long - Thường vụ Khu uỷ, Phó Chính uỷ quân khu, Vũ Đình Liệu - Bí thư Tỉnh uỷ Cần Thơ, Phạm Ngọc Sến - Phó Bí thư, Nguyễn Việt Châu - Bí thư Thành uỷ Cần Thơ, Dương Cự Tẩm - Phó Chính uỷ quân khu, Đồng Văn Cống - Tư lệnh quân khu, Phạm Ngọc Hưng - Phó Tư lệnh quân khu, Chín Hiền - Lữ đoàn trưởng. Các mục tiêu tiến công trong thành phố được xác định gồm: Sở chỉ huy Quân đoàn IV (Vùng IV chiến thuật), Tiểu khu Phong Dinh, Sở chỉ huy lực lượng quân trấn Cần Thơ, Trung tâm chỉ huy địa phương quân Vùng IV, Đài phát thanh, Cư xá tình báo và cố vấn Mỹ, Toà lãnh sự quán Mỹ, sân bay Lộ Tẻ (Không đoàn 73), sân bay Trà Nóc (Không đoàn 74), căn cứ 2 Trung đoàn thiết giáp, căn cứ liên đoàn biệt động quân số 42, 44, căn cứ các tiểu đoàn bảo an, biệt kích và thám báo.

Đúng 3 giờ sáng 30-1-1968, ta đồng loạt nổ súng tiến công vào các mục tiêu đã định.

Từ hướng nam, sau loạt pháo bắn chế áp vào Sở chỉ huy Quân đoàn IV (Vùng IV chiến thuật), đội biệt động thành phố diệt đơn vị cảnh sát dã chiến ở Đầu Sấu mở đường cho Tiểu đoàn Tây Đô đánh chiếm Lãnh sự quán và cơ quan tình báo Mỹ trên đường Hùng Vương. Tiểu đoàn 307 đánh chiếm Đài phát thanh, khu vực hậu cần và Trung tâm nhập ngũ Vùng IV chiến thuật.

Ở hướng bắc, Tiểu đoàn 303 và đặc công đánh sân bay Lộ Tẻ. Đại đội 3 của tiểu đoàn vượt qua được khu thông tin của địch. Bộ phận còn lại không qua được vì địch đưa chiến xa M113 ra chia cắt. Không được tiếp ứng, Đại đội 3 bị tổn thất nặng. Sáng 31-1, Tiểu đoàn 303 phải rút ra bám trụ sau sân bay (đoạn từ cầu Tham Tướng đến cầu Rạch Ngỗng).

Thời gian này, Tiểu đoàn 309 còn đang làm công tác vũ trang tuyên truyền ở Phụng Hiệp (do nhận lệnh chậm). Ngày 31-1-1968, đơn vị 309 mới cấp tốc hành quân lên Cần Thơ cùng các đơn vị bạn đánh vào khu vực cầu Tham Tướng, khu văn hoá, làm chủ địa bàn này. Đây cũng là lúc địch bắt đầu phản kích quyết liệt. Chúng dùng pháo và máy bay ném bom bắn phá bừa bãi vào nội đô nhằm ngăn chặn các mũi tiến công của ta. Cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn kiên cường bám trụ đánh địch phản kích tại các khu vực đã chiếm được. Đến ngày 2-2-1968, áp lực của địch ngày càng tăng, ta thương vong nhiều, các tiểu đoàn lần lượt rút ra vùng ven lộ Vòng Cung bám trụ và liên tục đánh địch phản kích. Ngày 4-2-1968, ta đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 42 và 44 biệt động quân. Đêm 6-2, ta tập kích vào Tiểu đoàn 2 (Sư đoàn 21 ngụy) và một đại đội bảo an, diệt 60 tên. Ngày 5-2, ta pháo kích sân bay Trà Nóc và sân bay Lộ Tẻ, phá huỷ một số máy bay địch.

Phối hợp với tiến công quân sự, lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy bao vây đồn bốt, phá ấp chiến lược và phục vụ chiến đấu (dẫn đường, tiếp tế lương thực thực phẩm, cứu chữa, nuôi giấu thương binh...). Hàng ngàn thanh niên ở các huyện phía sau được huy động bổ sung cho các đơn vị chủ lực của khu, tỉnh nhằm bảo đảm cho chiến đấu được liên tục, lâu dài.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM