Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:17:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 5  (Đọc 70888 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2010, 09:27:58 am »


Ta tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong điều kiện địch còn hơn một triệu quân, trong đó quân Mỹ có 480.000 tên (9 sư đoàn và 3 lữ đoàn) và tiềm lực chiến tranh lớn, chúng lại chiếm giữ những địa bàn chiến lược, những thành phố, thị xã đông dân, cho nên đòn tiến công quân sự trên chiến trường chính, hướng trọng điểm phải mạnh mẽ, đồng loạt, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và nổi dậy của nhân dân các thành thị lớn, làm rung chuyển toàn miền Nam, thúc đẩy cuộc tổng tiến công và nổi dậy khắp ba vùng chiến lược phát triển. Tiến công quân sự đồng loạt kết hợp chặt chẽ với nổi dậy đều khắp ở các đô thị là việc làm rất phức tạp và vô cùng khó khăn, không dễ dàng, nhưng ta có thuận lợi cơ bản là đang ở thế thắng, thế chủ động, địch đang ở thế bị động, thế thua. Do đó Bộ Chính trị dự kiến cuộc tổng tiến công và nổi dậy có thể phát triển theo ba khả năng:

Một là, ta giành thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn, ý chí xâm lược của Mỹ bị đè bẹp, phải chấp nhận thương lượng đi đến kết thúc chiến tranh theo mục tiêu, yêu cầu của ta.

Hai là, tuy ta giành được thắng lợi quan trọng ở nhiều nơi, nhưng địch vẫn còn lực lượng, dựa vào các căn cứ lớn và tăng thêm lực lượng từ ngoài vào phản công giành lại những vị trí quan trọng và các đô thị lớn - nhất là Sài Gòn để tiếp tục chiến đấu với ta.

Ba là, Mỹ tăng cường lực lượng, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, sang Lào và Campuchia, buộc ta phải đối phó, hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua của chúng.

Quyết tâm của Bộ Chính trị là động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền Nam - Bắc nỗ lực phi thường, đạp bằng mọi khó khăn, ác liệt, tiến công và nổi dậy đánh bại ý chi xâm lược của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi cao nhất theo khả năng thứ nhất. Nhưng trong chuẩn bị phải sẵn sàng chủ động đối phó với khả năng thứ hai, khả năng thứ ba tuy ít xảy ra, nhưng phải tích cực đề phòng. Như vậy, trong lãnh đạo phải động viên tư tưởng và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiến lên giành thắng lợi cao nhất, nhưng trong chuẩn bị phải lãnh đạo chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất.

Sau khi thảo luận kỹ khả năng đánh thành phố của lực lượng vũ trang và khả năng nổi dậy của quần chúng, Bộ Chính trị thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo đã được Quân uỷ Trung ương nhất trí. Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh. Cụ thể là: cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Còn, Đà Nẵng, Huế và các thành phố lớn.

Thời gian phối hợp hành động toàn miền Nam được chọn là Tết Mậu Thân 1968 làm mốc tổng tiến công đồng loạt cho các chiến trường trọng điểm. Đây là thời gian có nhiều yếu tố bất ngờ nhất. Giờ nổ súng cụ thể, Bộ Chính trị ủy quyền cho một số đồng chí chủ chốt trong Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu, quyết định cho sát thực tế tình hình và ra lệnh cho các chiến trường nổ súng.

Để thực hiện kế hoạch trên đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh quy định giờ nổ súng cho các đơn vị, các địa phương trên hướng tiến công chiến lược trọng điểm là 0 giờ đêm giao thừa Tết Mậu Thân.

Thời gian phối hợp hiệp đồng của các chiến trường với Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân được quy định như sau:

Lào, chiến dịch Nậm Bạc sẽ khai triển trước Tết Mậu Thân từ 15 đến 20 ngày để buộc Mỹ - ngụy phải hướng sự chú ý đối phó với ta ở Lào, chúng phải phân tán lực lượng nhiều nơi.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, trước Tết Mậu Thân 10 ngày, ta sẽ nổ súng tiến công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh để buộc địch phải chú ý tập trung điều lực lượng chủ lực ra phía bắc đối phó với ta, tạo điều kiện cho ta giữ bí mật hướng trọng điểm và tiếp tục chuẩn bị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2010, 09:29:00 am »


Để giữ bí mật ý đồ chiến lược, tháng 1-1968, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III lên Kim Bôi, Hoà Bình họp, thảo luận và thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1967. Hội nghị Trung ương phân tích sâu sắc toàn diện các vấn đề Bộ Chính trị nêu ra trong nghị quyết, tính toán kỹ các yếu tố thuận lợi, khó khăn, dự kiến các tình huống có thể xảy ra khi ta tiến hành tổng tiến công và nổi dậy. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao với những quyết nghị của Bộ Chính trị, đặc biệt về so sánh lực lượng và kết quả tổng tiến công có thể xảy ra theo ba khả năng đã dự kiến. Hội nghị Trung ương chỉ rõ cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thời điểm này cần phải và có thể tạo một chuyển biến lớn, nhảy vọt bằng cách đánh mới, táo bạo vào tất cả các thành phố, thị xã, mà hướng hiểm yếu, trọng điểm là Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng. Hội nghị Trung ương quyết định lấy Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1967 làm Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14.

Phát biểu trong Hội nghị Trung ương, đồng chí Trường Chinh đánh giá Nghị quyết Trung ương lần thứ 14 là một trong những sáng tạo lớn về đường lối kháng chiến của Đảng ta. Nó thực sự là một phát kiến lớn của Đảng về chiến lược chiến tranh nhân dân.

Lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới cũng như ở Việt Nam, theo nghệ thuật đánh giặc “truyền thống” thì giai đoạn kết thúc chiến tranh, thông thường một trong các bên tham chiến thực hiện đòn đánh tiêu diệt chiến dịch lớn hoặc đánh tiêu diệt chiến lược lực lượng quân sự, chính trị đối phương, buộc chúng phải chịu thua. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, so sánh lực lượng ta và địch về quân số, vũ khí trang bị, sức cơ động và tính hiện đại địch hơn ta gấp nhiều lần, nên việc đánh tiêu diệt chiến dịch, chiến lược đối với quân viễn chinh Mỹ là điều khó có thể thực hiện được. Phải tìm cách đánh mới khác cách đánh truyền thống là đánh bại ý chí xâm lược Mỹ bằng phương pháp tổng tiến công đồng loạt đánh vào các trung tâm đầu não chính trị, quân sự của địch ở các thành phố, thị xã. Tiến công vào các thành phố, thị xã ta sẽ tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng, làm rung động nước Mỹ. Qua đó, ta chứng minh cho Mỹ thấy chúng không thể thắng trong cuộc chiến tranh này, chúng đang đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, do đó phải tìm giải pháp chấm dứt cuộc xâm lược, rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đánh bại ý chí xâm lược của địch bằng phương pháp tổng tiến công đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của địch ở các thành phố, thị xã kết hợp với nổi dậy của quần chúng là một sáng tạo lớn trong đường lối chỉ đạo kết thúc chiến tranh của Đảng ta, một quyết định sáng suốt và táo bạo chưa có tiền lệ trong lịch sử các cuộc chiến tranh trước đó.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 14, trên cả hai miền Nam - Bắc mọi công việc chuẩn bị diễn ra rất khẩn trương, tấp nập và nhộn nhịp với tinh thần quyết dứt điểm trong trận đánh lịch sử này. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định lấy nhiệm vụ chi viện cho miền Nam là mặt trận hàng đầu và đã tăng tổng ngân sách quốc phòng cho quân đội lên gấp 10 lần năm 1964 là năm cuối cùng thời kỳ hoà bình trên miền Bắc. Các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô, Trung Quốc viện trợ cho ta năm 1968 là 517.493 tấn vật chất, kỹ thuật, tính thành tiền hơn 1.615 triệu rúp. Chi viện cho chiến trường miền Nam tăng 8,4 lần so với năm 1965, nên bảo đảm hậu cần cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam và chi viện cho Lào, Campuchia.

Bộ Tư lệnh 559 được Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ phải phối hợp chặt chẽ với các chiến trường miền Nam, với bạn Lào và miền Bắc hậu phương, chủ động, sáng tạo sử dụng mọi phương tiện, mọi biện pháp hữu hiệu nhất đẩy mạnh vận chuyển vật chất - kỹ thuật chi viện kịp thời, đầy đủ cho chiến trường miền Nam.

Tổng cục Hậu cần khẩn trương tổ chức điều chỉnh các cung độ vận chuyển cho hợp lý và chấn chỉnh hệ thống kho tàng, bến bãi trên toàn tuyến vận tải chiến lược 559 để bảo đảm tiếp nhận và cấp phát nhanh gọn, giải phóng xe nhanh, tăng năng suất vận chuyển. Trước khi bước vào vận chuyển vật chất - kỹ thuật chuẩn bị cho tổng tiến công, lực lượng bộ đội thanh niên xung phong, công binh và nhân dân các xã có đường vận tải chiến lược đi qua đã mở mới và củng cố tuyến vận tải cơ giới gồm 725 km đường trục chính, 445 km đường trục phụ, 822 km đường ngang, 560 km đường vòng tránh các trọng điểm đánh phá của địch và 450 km đường vào kho lấy hàng, hình thành nên thế trận giao thông vững chắc bảo đảm vận chuyển thông suốt trong mọi tình huống. Mạng thông tin vô tuyến, hữu tuyến, trong đó có đường dây trần và trạm tải ba từ miền Bắc vào đến sông Bạc, bảo đảm cho chỉ huy vận chuyển và chiến đấu thông suốt, kịp thời. Các binh trạm tuyến vận tải chiến lược 559 điều chỉnh lại các cung trạm vận chuyển cho hợp lý theo ý đồ chỉ huy tác chiến của Bộ:

Binh trạm 311 đảm nhiệm vận tải từ đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) đến Lùm Bùm (Lào).

Binh trạm 32 vận chuyển từ Lùm Bùm theo đường 128 xuống nam Tha Mé và một hướng qua Tà Khống đến Bản Đông.

Binh trạm 33 vận chuyển từ Tha Mé đến La Thạp.

Binh trạm 34 nhận hàng ở kho S4C chuyển đến A Túc (đường 45).

Binh trạm 35 từ sông Bạc vận chuyển đến Chà Vằn.

Binh trạm 36 từ Chà Vằn đi Tà Xẻng.

Binh trạm 37 vận chuyển trên đường 4.

Binh trạm 38 tiếp nhận hàng mua ở Campuchia chuyển đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Binh trạm 42 vận chuyển từ A Túc đi Trị - Thiên và Bến Giàng (Quảng Nam).

Binh trạm 44 vận chuyển từ Chà Vằn đến Khâm Đức (Quảng Nam)...

Hệ thống đường cơ giới, binh trạm, kho tàng, bến bãi được tổ chức, bố trí hợp lý, hình thành mạng lưới vận chuyển liên hoàn theo sát các hướng trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.
____________________________________
1. Các binh trạm 1, 2, 3, 4, 5, 6 trước đây nay đổi thành 31, 32-36. Binh trạm 7 thành Binh trạm 42, Binh trạm 8 thành 37, Binh trạm 21 thành 44.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:15:19 pm »


Tháng 10-1967, thời tiết Trường Sơn ở một số khu vực bắt đầu khô ráo, từng đoàn xe vận tải ở hậu phương miền Bắc nối đuôi nhau hối hả chuyển đến các cửa khẩu đường 20 và 12 một khối lượng lớn vật chất - kỹ thuật. Hơn 1.000 xe tô vận tải của Đoàn 559 sẵn sàng chuyển tiếp hàng hoá đến các chiến trường miền Nam. Hai trăm xe nhận hàng chở đầy vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vượt cửa khẩu chở vào Đông Nam Bộ và cực nam Trung Bộ. Sáu trăm xe vận chuyển hàng hoá, vũ khí... cho mặt trận Tây Nguyên. Năm trăm xe chở hàng cho chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Đầu tháng 11-1967, Đoàn 559 mở đợt tổng công kích vận chuyển. Các chiến sĩ lái xe và lực lượng công binh, thanh niên xung phong anh dũng vượt qua những trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, phá bom, sửa đường, vượt cung, tăng chuyến đưa hàng đến đích. Một phong trào thi đua giành danh hiệu “dũng sĩ vận tải”, “dũng sĩ phá bom”, “dũng sĩ mở đường” dấy lên sôi nổi trong các đơn vị vận tải, công binh, thanh niên xung phong. Tiểu đoàn 52 và Tiểu đoàn 102 quay vòng xe từ 25 đến 28 chuyến trong một tháng. Chiến sĩ lái xe Khúc Văn Lượng lái xe chạy 180km đường rừng khúc khuỷu trong một đêm. Nhiều chiến sĩ lái xe bật đèn pha thu hút máy bay địch về phía mình cho đồng đội vượt trọng điểm, bảo đảm an toàn người và hàng.

Để phục vụ cho các đơn vị tham gia chiến đấu ở Đường 9 - Khe Sanh, Tiểu đoàn công binh 31, Đoàn 559 được lệnh mở gấp con đường B5 nối từ tuyến chiến lược đến Trạm 8 của Quân khu Trị - Thiên. Một số đơn vị khác mở rộng khu vực kho dã chiến ở Bản Đông để tiếp nhận hàng từ hậu phương chuyển đến. Đồng chí Trần Văn Quang và Lê Chưởng - Tư lệnh, chính uỷ Quân khu Trị - Thiên - Huế yêu cầu mở gấp trong 20 ngày đường 70 và 71, từ ngã ba Bình Điền nối đường 12 vào Huế để kéo pháo vào phía tây Bình Điền và tiến công Huế, đồng thời tiếp tế vũ khí và lương thực, thực phẩm cho mặt trận này. Các đơn vị công binh 559 đã làm xong đúng yêu cầu thời gian. Nhờ đó, các binh trạm 9, 14, 32, 34, 41 huy động toàn bộ lực lượng mở nhiều chiến dịch vận chuyển liên tiếp, đưa đến các kho dự trữ của mặt trận Trị - Thiên 7.000 tấn hàng, đạt 108% kế hoạch được giao, góp phần quan trọng cho Huế tổng tiến công và nổi dậy.

Những ngày cuối tháng 11, tháng 12-1967 và tháng 1-1968 lại diễn ra đợt vận chuyển mới sôi động, khẩn trương hơn, cao hơn các đợt vận chuyển trước để chi viện kịp thời cho các chiến trường đường 9 - Khe Sanh, Thừa Thiên - Huế, Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ, Trung Hạ Lào, Campuchia. Trong đợt vận chuyển này có 8 tiểu đoàn xe chở lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, 4 tiểu đoàn xe chở súng đạn B40, B41, 12.7mm, đạn hoả tiễn nhập tuyến và 18 xe Gát 69 chở tiền đi thẳng vào ngã ba biên giới Tây Nguyên. Từ đấy, trung đoàn thuyền máy chuyển tiếp theo đường sông Sê Công từ Áttôpư đến tỉnh Kratie thuộc đất Campuchia để giao cho Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền. Khối lượng vật chất và binh lực từ hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn trong đợt này gồm 3 vạn tấn vật chất, 5 vạn quân bổ sung và 14 tiểu đoàn xe tăng, pháo binh. Riêng mặt trận Thừa Thiên - Huế, Binh trạm 42 đã chở gấp 3.000 tấn lương thực, đạn dược phục vụ bộ đội đánh chiếm và giữ Huế, đồng thời điều 3 tiểu đoàn cao xạ 37mm và 23mm bảo vệ các tuyến vận chuyển...

Song song với tuyến vận tải chiến lược của Đoàn 559, Quân chủng Hải quân vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc, vừa tổ chức vận chuyển tiếp tế bằng đường biển vào các chiến trường Nam Bộ, Khu V. Đoàn 125 Hải quân đầu năm 1967 vận chuyển cho Nam Bộ phải tạm dừng để vận chuyển gấp cho Khu V. Yêu cầu mỗi địa phương ít nhất phải được một chuyến. Ngày 8-3-1967, tàu 43 Đoàn 125 xuất phát từ Hải Phòng, sau năm ngày hành quân, khi cách bến Sa Kỳ (Quảng Ngãi) khoảng 30 hải lý (1 hải lý = 1.825m) thì gặp tàu chiến Mỹ đánh ngăn chặn. Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy các thuỷ thủ kiên quyết đánh trả, bắn bị thương 2 tàu giặc, đồng thời tiến thẳng vào bến Sa Kỳ lúc 5 giờ sáng cất giấu hàng. Máy bay, tàu chiến địch lao đến đánh phá ác liệt. Các chiến sĩ tàu 43 chiến đấu quyết liệt, rồi phá huỷ tàu sau khi cán bộ, chiến sĩ đã lên bờ an toàn.

Tàu 198 xuất phát ngày 6-6-1967, đến đêm 14-6 khi còn cách bến Ba Làng An (Quảng Ngãi) sáu hải lý thì gặp địch. Tàu 198 nổ súng đánh trả và lao vào bến. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, các chiến sĩ ta phải phá hủy tàu, rút lên bờ. Trong trận này chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp đã anh dũng hy sinh.

Để tiếp tế vũ khí, đạn dược cho quân, dân ta ở miền Nam tổng tiến công và nổi dậy, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định sử dụng bốn tàu 165, 56, 43, 235 lần lượt lên đường vào Cà Mau và Khu V. Tàu 165 đi Cà Mau xuất phát ngày 23-2-1968. Khi tàu đến gần bến thì gặp địch. Trước tình thế gay go, các đồng chí thuyền trưởng, thuyền phó Nguyễn Chánh Tâm và Nguyễn Ngọc Lương chỉ huy 18 cán bộ, chiến sĩ (có 15 đảng viên) bình tĩnh đánh trả, đưa tàu gần bờ đổ hàng xuống biển (để sau vớt), chờ cho tàu giặc đến gần, anh em điểm hỏa phá huỷ tàu và cùng hy sinh anh dũng. Hành động hy sinh quả cảm của thuyền trưởng và thủy thủ tàu 165 mãi mãi là tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có tác dụng cổ vũ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta tiến lên phía trước. Các tàu 56, 43, 235 vào Khu V cũng trải qua những trận chiến đấu quyết liệt với địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:18:00 pm »


Tàu 56 vào Bình Định, bị tàu chiến địch ngăn chặn, khiêu khích trên vùng biển quốc tế. Tàu ta cách bến 40 hải lý nhưng không vào được, vì địch đông và đã nổ súng khiêu khích. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Bé và chính trị viên Đỗ Văn San đã khôn khéo cho tàu quay lại miền Bắc, sau khi đã xin chỉ thị của quân chủng.

Lúc này tàu 43 do thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy tiếp tế cho Quảng Ngãi (đi lần thứ hai), đến cách bở 12 hải lý thì gặp địch. Sáu tàu chiến địch và máy bay lên thẳng vũ trang bắn mạnh vào tàu ta. Các chiến sĩ tàu 43 đánh trả, bắn rơi hai máy bay lên thẳng và bắn bị thương một tàu cao tốc Mỹ. Sau trận chiến đấu, thấy không thể thoát khỏi vòng vây của địch, thuyền trưởng lệnh cho thủy thủ nhảy xuống biển, bơi vào bờ và cho nổ bộc phá hủy tàu. Các đồng chí Phan Văn Hải, Vũ Văn Ruệ, Vũ Tòng Nho đã anh dũng hy sinh. Mười ba đồng chí còn lại của tàu 43 được nhân dân Ba Làng An chăm sóc, sau đó trở về hậu phương an toàn.

Cùng thời gian này, tàu 235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đang tiến vào bến Nha Trang, cách bờ 10 hải lý thì gặp địch ngăn chặn. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh dũng cảm, khôn khéo chỉ huy con tàu lách qua làn đạn bắn chặn của địch, rẽ sóng vào bờ. Nhưng đến cách Hòn Hèo 6 hải lý, thì bị năm tàu địch bao vây. Trong tình huống nguy hiểm, Nguyễn Phan Vinh mưu trí cho tàu xả khói mù, lách qua giữa đội hình tàu giặc, tăng tốc đưa tàu vào bờ trót lọt. Anh lệnh cho thủy thủ nhanh chóng thả hàng xuống nước, rồi cho tàu quay ra. Nhưng thả xong hàng thì tàu địch ập đến vây chặt. Vinh vừa chỉ huy đánh địch, vừa nghĩ cách đưa tàu ra khỏi vòng vây của chúng, nhưng 2 chiến sĩ đã hy sinh, 9 đồng chí khác bị thương. Cuộc chiến diễn ra mỗi lúc một dữ dội, Nguyễn Phan Vinh và Ngô Văn Thứ quyết định cho các đồng chí còn khỏe vào bờ, rồi nổ bộc phá huỷ tàu. Nguyễn Phan Vinh và Ngô Văn Thứ đã anh dũng hy sinh, v.v...

Cùng với đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tiếp thêm sức mạnh cho miền Nam tổng tiến công và nổi dậy.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt và hy sinh, trong hai năm 1967, 1968, các chiến sĩ vận tải, thanh niên xung phong, hải quân ở miền Bắc đã vượt Trường Sơn và biển cả chi viện kịp thời cho miền Nam 118.923 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và 42.619.081 đôla, cộng với 122.885 tấn vật chất do Trung Quốc chi viện quá cảnh qua cảng Xihanúcvin (trong ba năm 1966, 1967, 1968 ). Năm 1967, hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc biên chế thành từng trung đoàn, sư đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật bổ sung cho Trị - Thiên, Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ, nâng tổng số Quân giải phóng miền Nam lên 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương (không kể dân quân, du kích, tự vệ)1.

Sự chi viện tương đối đầy đủ và kịp thời về người và vật chất, kỹ thuật của miền Bắc, đã góp phần quyết định tăng cường nhanh chóng sức mạnh cho cách mạng miền Nam, tạo ra thế mới và lực mới để quân và dân ta ở miền Nam mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy lịch sử.

Cùng với việc chi viện vật chất, tăng cường về lực lượng của miền Bắc hậu phương lớn, các đảng bộ và bộ chỉ huy các chiến trường miền Nam đã tích cực động viên lực lượng tại chỗ vào Quân giải phóng, gấp rút củng cố, huấn luyện nâng cao chất lượng chiến đấu cho các đơn vị.

Ở miền Đông Nam Bộ, cuối năm 1967 ta thành lập Trung đoàn Quyết thắng gồm Tiểu đoàn 1 Quyết thắng, Tiểu đoàn 2 Gò Môn (Gò Vấp, Hóc Môn), Tiểu đoàn 3 Dĩ An, Tiểu đoàn 4 đặc công Gia Định.

Ở khu V, ta thành lập Trung đoàn đặc công 401 gồm các tiểu đoàn đặc công 406, 409 của quân khu và Tiểu đoàn đặc công 403 từ miền Bắc mới vào.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, Quân khu VIII thành lập thêm hai tiểu đoàn và tổ chức lại lực lượng của quân khu thành hai trung đoàn. Trung đoàn 1 gồm các tiểu đoàn 261A, 261B và 514A. Trung đoàn 2 gồm các tiểu đoàn 263, 265 và 267 (tiểu đoàn 265 và 267 là hai tiểu đoàn mới thành lập, phục hồi phiên hiệu cũ của hai tiểu đoàn đã bổ sung cho Miền).

Quân khu IX thành lập thêm Tiểu đoàn 307 và một khung cán bộ Tiểu đoàn 308, đồng thời tổ chức lại lực lượng của quân khu thành một lữ đoàn với năm tiểu đoàn: tiểu đoàn 307, 303, 309, Tiểu đoàn Tây đô và Tiểu đoàn pháo 2311.
__________________________________
1. - Về quân số: theo tài liệu lưu trữ K4 - Bộ Quốc phòng, số 791.
    - Về vật chất: theo thống kê của Tổng cục Hậu cần.
    - Về tiền: theo tài liệu Vụ I của Nhà nước.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:25:51 pm »


Bên cạnh việc củng cố, phát triển lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của quần chúng, các cơ sở cách mạng, các tổ chức đoàn thể (công đoàn, thanh niên, phụ nữ, nông hội...) được chấn chỉnh chặt chẽ hơn. Ở các đô thị, nhất là tại các trọng điểm Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, đội ngũ cán bộ, đảng viên được tăng cường, nhiều tổ chức đảng được củng cố. Công tác hậu cần, tiếp tế, ém quân, cất giấu vũ khí, tích trữ lương thực, thực phẩm, tải thương, cứu thương... cũng được chuẩn bị chu đáo.

Căn cứ nhiệm vụ trên giao, các chiến trường, mặt trận khẩn trương tổ chức giao nhiệm vụ cho các đơn vị và bố trí lực lượng áp sát các mục tiêu.

Miền Đông Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm tổng tiến công, Trung ương Cục quyết định giải thể Quân khu miền Đông và Quân khu Sài Gòn - Gia Định, thành lập “Khu trọng điểm” gồm Sài Gòn và một số huyện thuộc các tỉnh lân cận Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Tây Ninh, Biên Hoà... do Trung ương Cục trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Trung ương Cục làm Bí thư Khu uỷ, đồng chí Võ Văn Kiệt - Phó Bí thư Khu uỷ.

Khu trọng điểm gồm sáu phân khu, trong đó năm phân khu hình thành năm hướng tiến công vào trọng điểm Sài Gòn và một phân khu đảm nhiệm nội đô. Lực lượng vũ trang mỗi phân khu có từ bốn đến sáu tiểu đoàn được tổ chức trang bị gọn nhẹ thành các tiểu đoàn mũi nhọn. Riêng Phân khu 6 phụ trách nội đô, lực lượng chủ yếu là biệt động được tổ chức thành các cụm với các đội phụ trách các mục tiêu cụ thể.

Phân khu 1 ở hướng bắc và tây bắc Sài Gòn gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, một phần huyện Trảng Bàng và các huyện Bến Cát, Dầu Tiếng. Đây là hướng tiến công chủ yếu của đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nên lực lượng được tập trung khá mạnh gồm Trung đoàn 16, Tiểu đoàn 4 đặc công Gia Định, Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng, Tiểu đoàn 2 Gò Môn.

Phân khu 2 ở hướng tây và tây nam Sài Gòn gồm: quận Tân Bình, một phần huyện Bình Chánh, các quận 3, 5, 6, huyện Đức Hoà, Bến Thủ (Long An). Lực lượng vũ trang có Tiểu đoàn 267 và Tiểu đoàn 269 của Quân khu VIII, Tiểu đoàn 6 Bình Tân, Tiểu đoàn 16, Tiểu đoàn 12 đặc công.

Phân khu 3, hướng nam Sài Gòn gồm huyện Nhà Bè, phần còn lại của huyện Bình Chánh và các quận 2, 4, 7, 8, các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An). Lực lượng vũ trang có Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 Long An, Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, Tiểu đoàn 2 Phú Lợi, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Đồng Nai) và một tiểu đoàn đặc công.

Phân khu 4 ở hướng đông Sài Gòn gồm: Thủ Đức, các quận 9, 1, huyện Nhơn Trạch (Bà Rịa). Lực lượng vũ trang có Tiểu đoàn 4 Thủ Đức, Tiểu đoàn 5 đặc công, được tăng cường Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9 chủ lực Miền).

Phân khu 5 hướng đông bắc Sài Gòn gồm: Bình Hoà, Dĩ An, Phú Nhuận và các huyện Lái Thiêu, Phú Giáo, Tân Uyên (thuộc Thủ Dầu Một). Lực lượng vũ trang có Tiểu đoàn 3 Dĩ An và Trung đoàn Đồng Nai (thiếu).

Phân khu 6 phụ trách các lực lượng hoạt động trong nội đô mà nòng cốt là đoàn biệt động F.100. Đoàn được phân tán thành ba cụm với chín đội hoạt động trên ba hướng: đông, nam, bắc. Cụm 1 gồm các đội 3, 4, 5 phụ trách các mục tiêu ở phía đông. Cụm 2 gồm các đội 6, 7, 9 đảm nhiệm các mục tiêu ở phía bắc. Cụm 3 có các đội 1, 2, 8 phụ trách các mục tiêu ở phía nam. Ngoài chín đội đặc công thuộc F.100, còn Đội 90 độc lập. Gần đến ngày nổ súng, khu thành lập thêm Đội đặc công 11.

Nhiệm vụ của các đội này là đánh chiếm chín mục tiêu chủ yếu và giữ cho đến khi các tiểu đoàn mũi nhọn đến tiếp sức.

Cụ thể: Đội 3 đánh Bộ Tư lệnh Hải quân. Lực lượng tiếp sức là Tiểu đoàn 5 Nhà Bè (thuộc Phân khu 3). Đội 4 đánh Đài phát thanh Sài Gòn, lực lượng tiếp sức là Tiểu đoàn 3 Dĩ An (Phân khu 5). Đội 5 đánh Dinh Độc lập, lực lượng tiếp sức là Tiểu đoàn 2 Long An (Phân khu 3). Đội 6 đánh Bộ Tổng tham mưu ngụy, lực lượng tiếp sức là Tiểu đoàn 2 Gò Môn (Phân khu 1), Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn đặc công 12 (Phân khu 2). Đội 2 đánh Tổng nha cảnh sát, lực lượng tiếp sức là Tiểu đoàn 1 Long An, Tiểu đoàn 2 Phú Lợi (Phân khu 3). Đội 8 đánh Biệt khu Thủ đô, lực lượng tiếp sức là Tiểu đoàn 6 Bình Tân (Phân khu 2). Đội 90 đánh Khám Chí Hoà, lực lượng tiếp sức là Tiểu đoàn 296 (Phân khu 2). Đội 11 đánh Toà đại sứ Mỹ, lực lượng tiếp sức là một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Đồng Nai (thuộc Phân khu 5).

Bên cạnh các tiểu đoàn mũi nhọn, các mục tiêu chủ yếu Dinh Độc lập, Đài phát thanh Sài Gòn, Toà đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, mỗi mục tiêu có 200 thanh niên, sinh viên tiếp ứng. Tổng nha cảnh sát, Khám Chí Hoà, mỗi nơi có 1.000 thanh niên, sinh viên; riêng Bộ Tổng tham mưu có 5.000 thanh niên, sinh viên tiếp ứng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:26:32 pm »


Ngoài chín mục tiêu chủ yếu, ta còn đánh một số mục tiêu khác như Bộ chỉ huy thiết giáp (Trại Phù Đổng), khu kho Gò Vấp, cầu Bình Lợi, cầu Xa Lộ... nhằm ngăn chặn định cơ động ứng cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu.

Đảm nhiệm mục tiêu Bộ chỉ huy thiết giáp và khu kho Gò Vấp là Tiểu đoàn 1 Quyết thắng và Tiểu đoàn 4 đặc công Gia Định (Phân khu 1).

Cầu Bình Lợi do một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Đồng Nai (phân khu 5)phụ trách.

Cầu Xa Lộ do Tiểu đoàn 4 Thủ Đức (Phân khu 4) và lực lượng biệt động huyện phụ trách.

Ở vùng ven và vành đai Sài Gòn, bộ đội chủ lực Miền có nhiệm vụ chặn đánh lực lượng chủ lực của Mỹ - ngụy không cho chúng về ứng cứu cho nội thành. Cụ thể:

Sư đoàn 9 đánh chiếm Chi khu Thủ Đức, Liên trường võ khoa Thủ Đức, Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Sư đoàn 5 (thiếu) đánh chiếm sân bay Biên Hoà, kho Long Bình, Bộ Tư lệnh Quân đoàn III ngụy, Bộ Tư lệnh dã chiến 2 Mỹ. Sư đoàn 7 (thiếu) diệt một bộ phận Sư đoàn 1 Mỹ và Sư đoàn 5 ngụy ở Bến Cát - Phú Giáo, ngăn chặn không cho Trung đoàn kỵ binh thiết giáp 11 Mỹ về Sài Gòn. Trung đoàn 88 đứng chân ở Trung An, Bình Mỹ giữ địa bàn phía sau cho Phân khu 1 và Phân khu 5. Trung đoàn 96 pháo ĐKB kiềm chế Lai Khê, Phú Lợi. Trung đoàn 208 (thiếu) pháo ĐKB cơ động kiềm chế Đồng Dù.

Ngoài các lực lượng trên, các đội biệt động thành được tăng cường cho các phân khu đứng chân trên địa bàn trọng yếu Trực thuộc Phân khu 6 còn có các đội vũ trang của Thành đoàn, Hoa vận, Phụ vận, Công vận... Nhiệm vụ của họ là trinh sát, dẫn đường vận động binh lính ngụy làm binh biến, phát động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền và đánh chiếm một số mục tiêu cấp quận phối hợp với các tiểu đoàn mũi nhọn trong nội đô.

Bảo đảm cho các mũi, các hướng hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác hậu cần được Trung ương Cục đặc biệt chú trọng. Mạng lưới hậu cần Miền ở tuyến trước được tổ chức lại thành năm đoàn, mỗi đoàn phụ trách một hướng. Đoàn 81 bố trí ở Chiến khu D từ đường 20 lên đường 14 - Phước Sang, bảo đảm cho Sư đoàn 5 và hướng đông Sài Gòn. Đoàn 82 ở Chiến khu Dương Minh Châu bảo đảm cho Sư đoàn 9 và Phân khu 1. Đoàn 83 bố trí ở Trảng Bàng, Bến Cát, Dầu Tiếng, bảo đảm cho Sư đoàn 7 và hướng bắc Sài Gòn. Đoàn 84 bố trí ở nam đường 20 - Bà Rịa đến ven biển bảo đảm cho Quân khu VI và hướng đông nam Sài Gòn. Đoàn 100 bảo đảm cho hướng tây Sài Gòn.

Ở tuyến sau, Đoàn 17 phụ trách thu mua ở Campuchia, đoàn 50 và 70 ở đông và tây liên tỉnh lộ 13 (Bình Long). Đoàn 896 ở phía bắc liên tỉnh lộ 14 (Quảng Đức). Cấp phân khu có hệ thống hậu cần phân khu, đơn vị. Mỗi đoàn hậu cần bám trụ trên từng khu vực, kết hợp chặt chẽ với các cơ sở hậu cần của phân khu, đơn vị và hậu cần nhân dân bảo đảm cho các đơn vị đứng chân và hoạt động trong khu vực đó. Ngoài ra, hậu cần Miền còn tổ chức các phân đội hậu cần cơ động (đội điều trị, đội phẫu thuật, trạm sửa chữa, các tiểu đoàn, đại đội vận tải...) sẵn sàng tăng cường cho các đoàn hậu cần khu vực để bảo đảm tác chiến thắng lợi.

Phát huy thế trận hậu cần nhân dân, ta đã huy động lực lượng lớn đồng bào trên địa bàn các tỉnh miền Đông tham gia phục vụ cho tổng tiến công và nổi dậy. Nhiệm vụ của lực lượng này là vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm vào nội đô cất giấu trước và cứu thương, tải thương khi chiến sự nổ ra, và xây dựng “hũ gạo nuôi quân”. Lực lượng quần chúng kết hợp với các đơn vị vận tải đã chuyển được hàng trăm tấn hàng từ vùng Mỏ Vẹt xuống vùng tây nam Sài Gòn. Ta đã huy động hàng trăm xe bò chở hàng từ Mỏ Vẹt xuống Hóc Môn, Gò Vấp. Huyện Đức Hoà có phong trào xây dựng “hũ gạo nuôi quân”. Trước Tết, mỗi gia đình để sẵn năm lon gạo đón chủ lực, sau đó, cứ mỗi tuần lại quyên góp một lần (do Hội phụ nữ phát động). Các huyện đều thành lập đội cung cấp chuyên lo việc huy động lương thực, thực phẩm trong nhân dân phục vụ tổng tiến công và nổi dậy. Mỗi xã có ban quân lương, đội cứu thương, tải thương. Các nhà đều đào sẵn hầm để nuôi giấu thương binh hoặc chôn giấu vũ khí. Ở Trảng Bàng, gia đình bà Nguyên (Má Bảy) đào hầm chôn tới 45 tấn vũ khí tại một vị trí chỉ cách địch 1 km.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:28:04 pm »


Năm 1965, ta đã thành lập hai bộ phận bảo đảm mang mật danh A20 và A30 (sau đó A20 đổi thành J8, A30 đổi thành J9) để thực hiện kế hoạch mang mật danh “kế hoạch X” tích trữ vật chất, vũ khí cho lực lượng ta hoạt động ở nội đô. Từ 1965 đến 1967, A20 và A30 đã xây dựng được 15 lõm chính trị với trên 200 gia đình làm cơ sở giấu vũ khí và ém quân, đặt sở chỉ huy. Một số lượng lớn vũ khí đã được vận chuyển vào nội thành trong thời gian này. Cuối 1967, lực lượng vận chuyển vũ khí được tăng cường, nhiều lõm chính trị được xây dựng thêm. Đến đầu 1968, trước khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, ta đã xây dựng được 19 lõm chính trị với 325 gia đình, phần lớn ở gần các mục tiêu sẽ đánh chiếm. Mỗi lõm có nhiều cơ sở để cất giấu vũ khí, ém quân. Những cơ sở ém quân, giấu vũ khí quan trọng phục vụ cho Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là: nhà số 15 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) tức Hiệu may Quốc Anh của gia đình đồng chí Trần Phú Cương và Trần Thị Út (cả hai anh chị đều là chiến sĩ biệt động Sài Gòn). Nhà 436/58 Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám, quận 3) của đồng chí Lê Tấn Quốc, nhà 287/70 Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần, quận 3) của đồng chí Trần Văn Lai, nhà 248/27 Nguyễn Huỳnh Đức (nay là Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận) của bà Bùi Thị Lý...

Đặc biệt nhà số 7 Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng, quận 3), tức tiệm phở Bình của gia đình ông Ngô Toại là nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương của Phân khu 6. Nhà số 183/4 đường Trần Quốc Toản, quận 3 (nay là đường 3/2 quận 10) của gia đình đồng chí Đỗ Văn Căn là một trong những cơ sở đầu tiên được xây dựng từ năm 1965 đến ngày miền Nam giải phóng vẫn là cơ sở tin cậy để lực lượng cách mạng lui tới hoạt động và cất giấu vũ khí bí mật. Tại đây, ta đã tiếp nhận một số lượng lớn vũ khí để phục vụ cho việc đánh chiếm Tổng nha cảnh sát ngụy.

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở để giấu vũ khí, ém quân, vấn đề đưa được vũ khí vào nội đô cũng không phải dễ. Ngoài việc vận chuyển bằng các phương tiện mà các bộ phận bảo đảm đã thực hiện trước đó, trước Tết, lợi dụng địch sơ hở và dựa vào dân, ta tiếp tục vận chuyển vũ khí vào thành bằng cách mang tay qua các vùng ven đô, ven thị, bằng chuyển vận qua các xe chở hàng hoá qua các cửa ngõ kiểm soát vào thành phố. Các chiến sĩ vận tải, quần chúng cách mạng giấu súng, đạn trong hòm xe, trên chất dưa hấu để che mắt địch. Dưới dạng vào nội thành đi mua sắm hàng Tết, nhân dân mang vũ khí qua các trạm kiểm soát tài nguyên của địch yên ổn, không có một trường hợp nào bị lộ... Ta còn cho vũ khí xâm nhập vào thành phố trên các ghe chở cát và khi bốc cát lên bờ, vũ khí được giấu ngay dưới đống cát... Vào những ngày giáp Tết, nhiều chiến sĩ biệt động, cơ sở cải trang làm thường dân có đầy đủ giấy tờ hợp lệ xâm nhập vào nội thành một cách an toàn...

Nhằm bảo đảm sự thống nhất, kịp thời cho lãnh đạo, chỉ huy các mũi, các hướng trong quá trình tổng tiến công và nổi dậy, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền tổ chức lại chiến trường miền Đông, thành lập khu trọng điểm do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư và hai bộ chỉ huy tiền phương Bắc, và tiền phương Nam (Sài Gòn và phụ cận). Tiền phương Bắc do các đồng chí Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh đảm nhiệm, phụ trách các đơn vị chủ lực Miền ở hướng bắc, tây bắc và đông thành phố bao gồm các phân khu 1, 4, 5, một phần Phân khu 2 (Dĩ An, Gò Vấp, Củ Chi, Hóc Môn, Lái Thiêu, Thủ Đức và một phần Tân Bình). Bộ Tư lệnh tiền phương Nam do các đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng đảm nhiệm, phụ trách các đơn vị chủ lực tiến công ở hướng nam, tây nam và toàn bộ lực lượng biệt động, quần chúng vũ trang nội thành.

Ở các phân khu, Trung ương Cục cũng chỉ định phân khu uỷ và bộ chỉ huy phân khu. Mỗi phân khu uỷ chia làm hai bộ phận, một bộ phận chỉ đạo các hoạt động trên địa bàn nông thôn và một bộ phận chỉ đạo hoạt động trên địa bàn đô thị thuộc phân khu.

Quá trình chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định, ta gặp một khó khăn lớn là trước đó địch khủng bố gắt gao, đánh vào Đảng bộ nội thành. Các tên Ba Trà - Uỷ viên Đảng uỷ Trí vận, Bảy Nhỏ - thường vụ phân khu uỷ Dĩ An - thị xã Gia Định, Ca Vĩnh Phối - Phân khu uỷ viên Thủ Đức - Thị Nghè, phản bội, khai báo, nhiều cán bộ cốt cán của Đảng bị địch bắt, các cơ sở quần chúng bị thiệt hại nặng. Các đồng chí khu uỷ viên Trần Văn Kiều, Lê Thị Riêng bị bắt. Đây là một tổn thất lớn của Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định. Mặc dù vậy, lực lượng chủ lực của phong trào quần chúng là thanh niên và công đoàn vẫn được bảo toàn. Lực lượng biệt động và du kích vũ trang không chuyên nghiệp không bị thiệt hại.

Đến cuối tháng 12-1967, mọi công tác chuẩn bị cho các mũi, các hướng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn về cơ bản đã hoàn tất.

Đồng bằng sông Cửu Long tuy không phải là trọng điểm cuộc tổng tiến công và nổi dậy toàn Miền, Trung ương Cục cũng chỉ đạo các quân khu VIII, IX tổ chức bố trí lại lực lượng cho phù hợp với tình hình địa phương, hoàn chỉnh phương án tổng tiến công và nổi dậy theo kế hoạch chung.

Trên địa bàn Khu VIII (các tỉnh Trung Nam Bộ), quân khu xác định trọng điểm 1 là thành phố Mỹ Tho, trọng điểm 2 là thị xã Bến Tre. Chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy theo chỉ thị của Miền, từ tháng 10-1967, Long An tách khỏi Quân khu VIII về nằm trong địa bàn hai phân khu bắc Long An (thuộc Phân khu 2), nam Long An (thuộc Phân khu 3) chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ chỉ huy Miền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:28:44 pm »


Tháng 11 - 1967, Khu uỷ lại quyết định tách hai huyện Hoà Đồng và Gò Công ra khỏi tỉnh Mỹ Tho để thành lập tỉnh Gò Công.

Lực lượng quân khu VIII đến cuối năm 1967 có năm tiểu đoàn bộ binh, ba đại đội đặc công, bốn đại đội công binh, hai đại đội cối 82, một đại đội cối 120, ba đại đội ĐKZ 75, hai đại đội súng máy 12,8 mm. Mỗi tỉnh có một tiểu đoàn bộ binh, riêng Bến Tre có hai tiểu đoàn. Các huyện có từ một trung đội đến một đại đội bộ đội địa phương, chưa kể các phân đội đặc công, công binh và biệt động.

Ngoài lực lượng bộ đội tập trung ở khu, tỉnh, huyện, trên địa bàn quân khu, mỗi xã có một đại đội, mỗi ấp có một trung đội du kích. Các thị xã, thị trấn đều có từ một đến ba phân đội biệt động, một đến ba đại đội tự vệ chiến đấu.

Cùng với tăng cường lực lượng, quân khu chỉ đạo các đơn vị và địa phương khắc phục mọi khó khăn bảo đảm cơ sở vật chất cho tổng tiến công và nổi dậy.

Ngành hậu cần quân khu cùng lực lượng dân công ở các khu vực, dựa vào dân đã khôn khéo vận chuyển được hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược qua mắt địch đến các vị trí tập kết an toàn. Lương thực, thực phẩm được huy động trong dân bảo đảm cho lực lượng chiến đấu “ăn no, đánh thắng”.

Các địa phương còn vận động quần chúng, tổ chức thành đội ngũ sẵn sàng nổi dậy phối hợp cùng bộ đội tiến công vào các thị xã, thị trấn, giành quyền làm chủ.

Quân khu IX (bao gồm các tỉnh Tây Nam Bộ), Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền xác định hai trọng điểm tiến công là thành phố Cần Thơ và thị xã Vĩnh Long.

Chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy, ngoài việc xây dựng, tổ chức lại lực lượng vũ trang, Quân khu IX thành lập thêm Hội đồng cung cấp để bảo đảm vũ khí, lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở ở nội thành và các vùng trọng yếu cũng được tiến hành khẩn trương. Vũ khí, đạn dược được vận chuyển bằng nhiều cách đến vị trí tập kết an toàn. Chỉ trong vòng hai tháng, mọi công tác chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy được tiến hành khẩn trương và đạt kết quả tương đối tốt.

Ở Khu VI, do địch càn quét đánh phá ác liệt, đường liên lạc giữa Trung ương Cục và khu bị đứt, ngày 8-1-1968, Thường vụ Khu uỷ và Bộ Tư lệnh quân khu mới nhận được sự chỉ đạo của trên. Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu VI tổ chức họp triển khai ngay chủ trương tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn quân khu. Hai trọng điểm được quân khu xác định là Đà Lạt và Phan Thiết. Hai cơ quan tiền phương của khu cũng được thành lập ngay để chỉ đạo hai trọng điểm. Mọi công tác chuẩn bị về lực lượng, vật chất được tiến hành rất khẩn trương để bảo đảm giờ nổ súng đúng như kế hoạch chung.

Lực lượng sử dụng trên hai hướng trọng điểm của Khu VI bao gồm:

Ở Phan Thiết, có Tiểu đoàn 840, Tiểu đoàn 842 và các đơn vị đặc công của Bình Thuận, lực lượng vũ trang thị xã cùng lực lượng chính trị của quần chúng ở địa phương.

Ở Đà Lạt, có Tiểu đoàn 186, Tiểu đoàn 145 (thiếu), cùng lực lượng đặc công, biệt động thị xã và tỉnh Tuyên Đức, lực lượng chính trị địa phương.

Mục tiêu Quân khu VI đặt ra là đánh chiếm, làm chủ hai thị xã Phan Thiết và Đà Lạt; cố gắng giải phóng toàn bộ nông thôn của hai tỉnh Bình Thuận - Tuyên Đức, sau đó phát triển giải phóng cả Ninh Thuận - Lâm Đồng.

Khu V, thực hiện kế hoạch tổng công kích - tổng khởi nghĩa, quân khu quyết định chia chiến trường thành bốn hướng tiến công, trong đó tỉnh Quảng Đà được xác định là chiến trường chính, thành phố Đà Nẵng là trọng điểm. Bốn hướng đó là:

Quảng Nam - Đà Nẵng (bao gồm cả bắc Quảng Ngãi). Hướng này tiếp giáp với chiến trường Trị - Thiên, có nhiệm vụ đánh bại lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ và Sư đoàn 2 ngụy, bao vây các căn cứ lớn của Mỹ ở Đà Nẵng, Chu Lai, cắt đứt tuyến giao thông chiến lược giữa Trị - Thiên và Khu V, phối hợp chặt chẽ với Huế và Đường 9. Từ tháng 7-1967, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã thành lập mặt trận 4. Mặt trận bao gồm lực lượng vũ trang của Tỉnh đội Quảng Đà, Thành đội Đà Nẵng và một số đơn vị bổ sung của quân khu. Mặt trận 4 do đồng chí Võ Thứ làm Tư lệnh, đồng chí Hồ Nghinh làm Chính uỷ.

Trước khi tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, Khu uỷ quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Lực lượng được tăng cường thêm hai trung đoàn pháo binh 575, 577 và một trung đoàn bộ binh thiếu (Trung đoàn 31) từ miền Bắc vào.

Lực lượng vũ trang của tỉnh Quảng Nam cũng được tăng cường, bổ sung quân số, trang bị. Tỉnh thành lập thêm Tiểu đoàn 74 bộ binh, một liên đội đặc công và hai tiểu đội đánh tăng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:29:21 pm »


Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh mặt trận 4, Đặc khu Quảng Đà, Tỉnh đội Quảng Nam, cán bộ các cấp được tập huấn về quân sự, các lực lượng vũ trang mặt trận khẩn trương huấn luyện cách đánh trong thành phố và tác chiến hiệp đồng. Nhiều đoàn cán bộ len lỏi xuống các vùng ven chuẩn bị chiến trường, xác định phương án đánh địch từ các mũi, các hướng. Một số cán bộ, chiến sĩ được phân công hoạt động trong nội đô tìm mọi cách để vào thành phố, bám sát các mục tiêu, tổ chức lực lượng sẵn sàng nổ súng khi có lệnh.

Ban chỉ huy nổi dậy và Hội đồng chi viện tiền phương các cấp được thành lập. Lực lượng chính trị của quần chúng ở vùng giải phóng, vùng ven được tổ chức chặt chẽ, sẵn sàng tiếp ứng cho nội thành. Cán bộ, đảng viên được tăng cường xuống cơ sở, chỉ huy các mũi, các hướng.

Kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy trên hướng chủ yếu Quảng Nam - Đà Nẵng được xác định: ở thành phố Đà Nẵng, sử dụng các tiểu đoàn mũi nhọn (cả đặc công và bộ binh) cùng với lực lượng biệt động của thành phố (Đội biệt động Lê Độ) và tự vệ mật, đánh chiếm các mục tiêu then chốt, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền là chính.

Vòng ngoài, Sư đoàn 2 bộ binh đánh chiếm quận lỵ Duy Xuyên, chiếm khu trung tuyến Gò Nổi, đường 104, dãy Dương Thông, chia cắt địch giữa Đà Nẵng và Chu Lai. Công binh chốt giữ đèo Hải Vân chia cắt địch giữa Đà Nẵng và Huế.

Cùng với Đà Nẵng, các thị xã Hội An, Tam Kỳ và các quận lỵ, thị trấn, lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công địch, kết hợp với quần chúng (tại chỗ và từ các vùng nông thôn tràn vào) nổi dậy đánh đổ ngụy quyền.

Ở Quảng Ngãi, Tỉnh uỷ và Ban chỉ huy Tỉnh đội gấp rút bổ sung quân số, xây dựng lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh, du kích xã, thôn và du kích mật trong thị xã, xây dựng, củng cố các đội quyết tử. Mục tiêu trọng điểm của cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong tỉnh được Tỉnh uỷ và Ban chỉ huy Tỉnh đội xác định là thị xã bao gồm tiểu khu, sân bay, Tỉnh đoàn bảo an, khu nhà lao, Đài phát thanh, Nhà máy điện, ga Ông Bố, bắc cầu Trà Khúc, điểm cao 45... Lực lượng chủ lực tỉnh có các tiểu đoàn bộ binh 20, 81, 83, 48; các đại đội đặc công 506A, 506B, 31, 95 và Tiểu đoàn đặc công 401 của quân khu tăng cường. Bên cạnh bộ đội chủ lực tỉnh, nhân dân các xã đã giải phóng thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ được huy động tổ chức thành từng đơn vị, từng đội kéo về thị xã hỗ trợ cho cuộc nổi dậy.

Hướng Bình Định (bao gồm cả An Khê): là hướng phối hợp chặt chẽ với Tây Nguyên, có nhiệm vụ đánh qụy Sư đoàn 22 ngụy, một bộ phận quân Mỹ và Nam Triều Tiên, cắt đứt đường 19. Mục tiêu trọng điểm là thị xã Quy Nhơn và quận lỵ Phù Mỹ, cùng Tây Nguyên căng kéo địch, tạo ưu thế cho các chiến trường khác hoạt động.

Để chỉ đạo hướng này, Bộ chỉ huy mặt trận Bình Định được thành lập. Đồng chí Nguyễn Chánh - Phó Tư lệnh quân khu làm Tư lệnh, đồng chí Đoàn Khuê - Phó Chính uỷ quân khu làm Chính uỷ mặt trận. Lực lượng đánh vào thị xã Quy Nhơn là hai đại đội của Tiểu đoàn đặc công 407 và phần lớn lực lượng của tỉnh (Tiểu đoàn 50). Sư đoàn 3 (thiếu) có nhiệm vụ đánh chiếm quận lỵ Phù Mỹ, thu hút, kiềm chế tiêu diệt một bộ phận Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 của Mỹ. Trung đoàn 12 (Sư đoàn 3) đánh diệt và kiềm chế quân Nam Triều Tiên ở Tuy Phước, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ cho Quy Nhơn. Lực lượng còn lại của Tiểu đoàn đặc công 407 tiến công căn cứ Sư đoàn không vận số 1 Mỹ ở An Khê.

Hướng Phú Yên - Khánh Hoà: trọng điểm là thị xã Tuy Hoà và thành phố Nha Trang. Để chỉ đạo hướng này, mặt trận A9 được thành lập. Ngày 20-1-1968, Đảng uỷ mặt trận và các tỉnh uỷ họp xác định: tập trung lực lượng tại chỗ (của các tỉnh) tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan trọng trong nội đô, kết hợp với nổi dậy của quần chúng, thực hiện công kích, khởi nghĩa giải phóng thị xã. Trong lúc đó, Trung đoàn 10 (thiếu) có nhiệm vụ đánh chiếm đèo Cù Mông, chia cắt địch giữa Phú Yên và Bình Định, Trung đoàn 20 (thiếu) tiến công địch, khống chế khu vực ngã ba đường số 1 và đường 21 (Khánh Hoà).

Hướng Tây Nguyên: là chiến trường đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch. Hướng này có nhiệm vụ bao vây, cô lập các căn cứ địch ở Kon Tum, Plâycu, Buôn Ma Thuột, tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy tại chỗ, thu hút, kiềm chế và đánh tiêu diệt lớn quân Mỹ, tạo thuận lợi cho chiến trường đồng bằng. Lực lượng gồm các trung đoàn 24, 95, 33 chủ lực cùng lực lượng địa phương tiến công vào các thị xã Kon Tum, Plâycu, Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 1 được tập trung lên hướng đường 18, Plây Cần - nơi dự kiến quân Mỹ sẽ xông ra phản kích khi thị xã Kon Tum bị tiến công, Sư đoàn 1 sẽ đánh trận tiêu diệt lớn ở đây.

Theo kế hoạch của Khu uỷ và Quân khu uỷ thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở các thành phố, thị xã trên địa bàn quân khu tuỳ thuộc vào điều kiện và khả năng từng nơi mà áp dụng phương thức cho phù hợp. Với các thành phố và thị xã lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, lực lượng vũ trang chỉ đánh một số mục tiêu quan trọng, còn chủ yếu là huy động lực lượng quần chúng bên trong, kết hợp với lực lượng ở nông thôn vào khởi nghĩa giành chính quyền. Lấy khởi nghĩa của quần chúng giành chính quyền là chính. Các thị xã Kon Tum, Plâycu, Buôn Ma Thuột ở Tây Nguyên chủ yếu dùng đòn tiến công quân sự để giải phóng. Các thị xã Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Tuy Hoà tiến công quân sự kết hợp song song với nổi dậy của quần chúng để giành chính quyền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:30:39 pm »


Cùng với củng cố lực lượng vũ trang, Khu uỷ và Quân khu V chỉ đạo các tỉnh tăng cường công tác vận động quần chúng, dự kiến sẽ huy động 20 vạn người tham gia nổi dậy ở các thành phố, thị xã.

Mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, nhân dân các vùng căn cứ, vùng địch hậu trên toàn quân khu khẩn trương dồn sức chuẩn bị mọi mặt như vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men kịp cho ngày nổ súng.

Huế, một trong ba chiến trường chính và là một trong ba trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy, từ tháng 5-1967, Trung ương Đảng quyết định tổ chức lại hệ thống lãnh đạo chỉ huy cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường trọng điểm này. Theo chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh uỷ và tỉnh đội giải thể. Các huyện uỷ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Khu uỷ. Về quân sự, trên từng hướng tiến công thành lập đoàn phụ trách: Đoàn 4 phụ trách khu vực Phú Lộc - bắc đèo Hải Vân; Đoàn 5 phụ trách mặt trận thành phố Huế và ba huyện ngoại thành Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang; Đoàn 6 phụ trách hai huyện Phong Điền, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên); Đoàn 7 phụ trách hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Các đoàn chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên. Đoàn 31, chịu sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh mặt trận B5 (Đường 9 - bắc Quảng Trị), phụ trách khu vực từ Đường 9 trở ra đến giới tuyến quân sự tạm thời.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, Khu uỷ và Quân khu uỷ Trị - Thiên - Huế họp xác định: thành phố Huế là trọng điểm, là trung tâm chỉ đạo của Khu uỷ và quân khu, là điểm mấu chốt của tổng tiến công và nổi dậy của chiến trường Trị - Thiên. Muốn đánh chiếm thành phố Huế phải kết hợp chặt chẽ công kích với khởi nghĩa. Do vậy, phải lãnh đạo toàn dân, toàn quân trong khu khẩn trương, tích cực chuẩn bị.

Cùng thời gian này, đồng chí Lê Chưởng - Phó Bí thư Khu uỷ Chính uỷ quân khu ra Bộ báo cáo tình hình và nhận lệnh của trên. Khi giao nhiệm vụ, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh nhấn mạnh: chiến trường Trị - Thiên - Huế là một trong ba chiến trường trọng điểm của toàn Miền. Nhiệm vụ của Trị - Thiên - Huế là thực hành tiến công và nổi dậy đánh chiếm thành phố Huế và các thị xã, thị trấn, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng nông thôn, thiết lập chính quyền cách mạng. Thừa Thiên - Huế phối hợp với toàn Miền, đồng thời cùng mặt trận Đường 9 tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, sẵn sàng đánh địch phản kích.

Tháng 12-1967, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên - Huế dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Quang, Bí thư Khu uỷ kiêm Tư lệnh quân khu họp xác định quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo: “Tập trung lực lượng chủ yếu của quân khu, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân và của đông đảo quần chúng nhân dân, bí mật bất ngờ, đồng loạt công kích và khởi nghĩa, tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não ngụy quân, ngụy quyền, chiếm lĩnh thành phố Huế. Đồng thời phát triển thắng lợi, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng nông thôn, thành lập chính quyền cách mạng. Tiêu diệt, tiêu hao nặng một bộ phận quân Mỹ, đánh tê liệt các hậu cứ của chúng, bao vây cô lập không cho quân Mỹ cứu viện cho ngụy. Kiên quyết đánh bại mọi cuộc phản kích của Mỹ và ngụy”1.

Trọng điểm của chiến trường là thành phố Huế, nam Quảng Trị và Phú Lộc là các hướng phối hợp.

Nhằm tăng cường sự chỉ đạo, chỉ huy bảo đảm cho tổng tiến công và nổi dậy thắng lợi, mặt trận trọng điểm Huế được chia thành hai cánh:

Cánh Bắc phụ trách phần thành phố ở tả ngạn sông Hương và huyện Hương Trà. Đây là hướng chính của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở thành phố Huế với lực lượng gồm: Trung đoàn 6 bộ binh, Tiểu đoàn 816, Trung đoàn 9, Tiểu đoàn đặc công 12, một đại đội 12,7mm (6 khẩu), một đại đội ĐKZ 75 (4 khẩu), một đại đội súng cối 82 mm (6 khẩu), một đại đội công binh, một đại đội trinh sát, một đại đội thông tin, một đại đội vận tải, hai đội biệt động thành phố cùng các lực lượng bảo đảm và lực lượng vũ trang huyện Hương Trà. Cánh này có nhiệm vụ tiêu diệt cơ quan đầu não ngụy quân, ngụy quyền, đánh chiếm khu thành nội, mục tiêu chủ yếu là Mang Cá, Tây Lộc, Cột Cờ, sau đó phát triển, chiếm lĩnh toàn bộ khu vực tả ngạn thành phố và huyện Hương Trà, tiến lên tiêu hao, tiêu diệt căn cứ Mỹ ở Đồng Lâm, thiết lập chính quyền cách mạng, đánh địch phản kích, giữ vững trật tự an ninh.

Cánh Nam bao gồm phần thành phố ở hữu ngạn sông Hương và hai huyện Hương Thuỷ, Phú Vang. Lực lượng cánh này có hai tiểu đoàn bộ binh 840 và 810 thuộc Đoàn 5, hai tiểu đoàn bộ binh 815 và 818 của Trung đoàn 9, hai tiểu đoàn đặc công 1 và 2, một đại đội súng cối 82 mm (6 khẩu), một đại đội súng máy phòng không 12,7mm, một đại đội ĐKZ 75 mm (6 khẩu), một đại đội trinh sát, một đại đội công binh, một đại đội thông tin cùng các lực lượng biệt động, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tự vệ và quần chúng cách mạng. Mục tiêu chủ yếu của cánh Nam là các cơ quan hành chính của ngụy quyền, cơ quan quân sự tỉnh Thừa Thiên, trung đoàn thiết giáp nhà lao, khu tam giác hữu ngạn. Sau khi tiêu diệt các mục tiêu này, cánh Nam từ kiềm chế, bao vây, ngăn chặn tiến lên đánh tê liệt căn cứ Phú Bài, trung đoàn thiết giáp Mỹ, giải phóng toàn bộ vùng nông thôn ngoại thành và hai huyện Hương Thuỷ, Phú Vang, đồng thời đánh địch phản kích từ ngoài vào thành phố.

Ban chỉ huy mặt trận trọng điểm Huế gồm các đồng chí: Lê Minh - Phó Bí thư Khu uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế làm Chỉ huy trưởng; Lê Chưởng - Phó Bí thư Khu uỷ, Chính uỷ quân khu làm Chính uỷ; Nam Long - Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ, Phó Tư lệnh quân khu làm Chỉ huy phó; Đặng Kinh - Khu uỷ viên, Phó Tư lệnh quân khu làm Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng.
_____________________________________
1. Dự thảo tổng kết cuộc tấn công thành phố Huế - Mậu Thân 1968. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM