Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:03:31 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 5  (Đọc 70882 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:24:06 pm »


2. Cuộc dàm phán chính thức giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Mỹ (từ 10-5 đến 31-10-1968)

Để chuẩn bị cho cuộc đàm phán chính thức được thoả thuận giữa Việt Nam và Mỹ, hai bên đã tiến hành trao đổi những vấn đề như cấp bậc đại biểu, địa điểm, thời gian tiến hành.

Tối ngày 3-4-1968, sứ quán Mỹ ở Lào báo cho sứ quán Việt Nam là Mỹ đề nghị tiếp xúc ở Giơnevơ. Phía ta đề nghị ở Phnôm Pênh với dụng ý là gần chiến trường miền Nam Việt Nam, có tác dụng cổ vũ và củng cố tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương. Oasinhtơn không chấp nhận và đề nghị bốn địa điểm khác: Niu Đêli, Giacácta, Viêng Chăn, Rănggun. Ta đề nghị Vácxava. Lúc đầu, họ chấp nhận nhưng sau lại không đồng ý vì tin bị lộ ra ngoài. Họ lại đưa ra một danh sách 10 địa điểm: Côlômbô, Kátmandu, Cuala Lămpua, Raoapindi, Cabun, Tôkiô, Brúcxen, Henxinhki, Viên, Rôma. Chỉ riêng việc trao đổi ý kiến về địa điểm họp, được dư luận thế giới hết sức quan tâm theo dõi đã phải mất hàng tháng.

Cuối cùng, ta đề nghị lấy Pari làm địa điểm họp chính thức, phía Mỹ đồng ý. Phiên họp đầu tiên được hai bên ấn định vào ngày 10-5-1968, phía ta cử Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn, đồng chí Hà Văn Lâu làm Phó trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà1. Hoa Kỳ cử Hariman và C.Vanxơ làm Trưởng đoàn và Phó trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ2.

Ngày 9-5-1968, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến Pari. Đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Bộ Chính trị được bổ sung làm Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Xuân Thuỷ đến Pari vào trung tuần tháng 6-1968.

Trong hai ngày 10 và 11-5-1968, chuyên viên của hai đoàn đã gặp nhau trao đổi và thoả thuận thủ tục cuộc nói chuyện chính thức vào ngày 13-5-1968.

Ngày 13-5, cuộc nói chuyện chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Chính phủ Mỹ đã diễn ra tại Hội trường các hội nghị quốc tế ở đại lộ Klebê (Kléber), Thủ đô Pari của Pháp. Bộ trưởng Xuân Thuỷ phát biểu trước, nhấn mạnh mục đích của cuộc nói chuyện này “là để xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sau đó nói chuyện về những vấn đề khác liên quan đến hai bên”3.

Cuộc nói chuyện chính thức giữa hai bên từ 13-5 đến 31-10-1968 đã trải qua nhiều bước. Sự tiến triển của mỗi bước phụ thuộc vào tình hình chính trị của mỗi nước và diễn biến thực tế trên chiến trường. Đầu tiên là cuộc tranh luận về nguồn gốc cuộc chiến tranh. Phía ta nêu Mỹ là kẻ vi phạm Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, phá hoại thống nhất nước Việt Nam; đòi Mỹ phải rút quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ về nước; đòi Mỹ phải từ bỏ ngụy quyền Sài Gòn, tay sai của Mỹ. Phía Mỹ cố tìm cách biện hộ cho chính sách xâm lược của Mỹ, vu cáo miền Bắc xâm lược miền Nam, đòi có đi có lại... Cuộc đấu lý đó kéo dài hết tuần này qua tuần khác, được nhắc đi nhắc lại gần như xuyên suốt cả quá trình đàm phán.

Ngày 3-6-1968, đồng chí Nguyễn Duy Trình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chỉ thị cho đoàn ở Pari: “Tiếp tục làm tốt việc đấu tranh công khai và chuẩn bị lúc nào thuận lợi thì vừa nói chuyện công khai vừa nói chuyện hậu trường”4.

Từ ngày 26-6 đến ngày 19-8-1968, Phó trưởng đoàn hai bên có những cuộc tiếp xúc riêng để thăm dò ý đồ của nhau. Lần này vì bị phê phán nhiều, phía Mỹ ít dùng khái niệm “có đi có lại” mà thay bằng công thức “tạo ra hoàn cảnh” để Mỹ chấm dứt ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau đó C. Vanxơ nêu kế hoạch hai giai đoạn:

Giai đoạn một: Mỹ chấm dứt ném bom, bắn phá miền Bắc, nhưng trước đó hai bên thảo luận những gì sẽ xảy ra sau khi chấm dứt ném bom, bắn phá.

Giai đoạn hai: Khôi phục lại khu phi quân sự theo quy chế đề ra năm 1954 (tức là muốn Bắc Việt Nam không đưa quân qua hay đóng ở khu đó, không bắn pháo vào phía nam từ khu đó), Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không tăng thêm quân vào miền Nam quá mức như hiện nay; bắt đầu nêu các vấn đề về thực chất: có đại diện của Việt Nam Cộng hoà và của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ sẵn sàng xét các vấn đề tương tự do phía Việt Nam nêu lên. Bắc Việt Nam và “Việt cộng” không bắn pháo hay tên lửa vào các thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

Phía ta phản đối những đòi hỏi của Mỹ, coi đó vẫn là những điều kiện cho việc chấm dứt ném bom và đòi phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, phải để Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia cuộc nói chuyện. Nhân dịp kỷ niệm 14 năm ký Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954), Bộ Ngoại giao ta công bố bị vong lục tố cáo chính sách can thiệp và xâm lược của Mỹ. Dư luận thế giới và Mỹ tiếp tục đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, rút quân khỏi miền Nam.

Qua những lần tiếp xúc, cả công khai và hậu trường với phía Mỹ, ta thấy rõ ý đồ của Mỹ đối với miền Nam vẫn chưa thay đổi, song tình thế và thời gian thôi thúc, Mỹ phải tính tới việc giải quyết “cả gói” vấn đề Việt Nam trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 5-11-1968 ). Do đó, lúc đầu phía Mỹ nêu phải giải quyết cả vấn đề miền Nam, miền Bắc, cả Việt Nam và Lào; sau chỉ còn vấn đề chấm dứt ném bom miền Bắc, nhưng vẫn đòi có đi có lại, có điều kiện.
________________________________________
1. Các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gồm:
    - Trần Công Tường, Trưởng ban pháp chế.
    - Phan Hiền, Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao.
    - Nguyễn Minh Vỹ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin.
    - Nguyễn Thành Lê, Phó tổng biên tập báo Nhân Dân, là người phát ngôn của đoàn.

2. Trưởng, Phó đoàn Mỹ:
    - Hariman: đã từng làm đại sứ ở Liên Xô, lãnh đạo đoàn đại biểu Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ 1961 -1962 về Lào, chuyên gia các vấn đề Viễn Đông.
    - C Vanxơ, lần lượt là cố vấn chung của Lầu Năm Góc (1961 -1962), bộ trưởng Lục quân thời Kennơđi, Thứ trưởng Quốc phòng thời Giônxơn.
    Cùng hai chuyên gia kỳ cựu về ngoại giao là: Habíp và W.Joócđơn.

3. Cuộc kháng chiền chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 - Những sự kiện quân sự, Sđd, tr. 191.
4. Lưu Văn Lợi: Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, t. 1, tr.272.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:25:42 pm »


Từ ngày 8-9 đến ngày 14-10-1968 là các cuộc tiếp xúc riêng của cấp cao của hai đoàn. Ngày 8-9-1968, các đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ gặp Trưởng, Phó đoàn Mỹ. Tiếp theo là bốn cuộc tiếp xúc nữa vào các ngày 12, 15, 20-9 và 14-10-1968. Trong những cuộc nói chuyện riêng này, Mỹ vẫn cố nêu vấn đề chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc để thực hiện xuống thang chiến tranh ở miền Nam, đi vào thực hiện kế hoạch “cả gói”. Ngày 20-9-1968, Mỹ chính thức đưa ra yêu cầu có đại diện chính quyền Sài Gòn được tham gia đàm phán sau khi chấm dứt ném bom miền Bắc. Phía Mỹ cho đây là đề nghị mới của Mỹ và coi đó là “yếu tố quan trọng làm dễ dàng cho việc chấm dứt ném bom miền Bắc”. Ngày 11-10-1968, đồng chí Xuân Thuỷ hỏi Trưởng đoàn Mỹ, nếu Việt Nam chấp nhận cho chính quyền Sài Gòn tham gia giai đoạn tiếp theo của cuộc nói chuyện thì phía Mỹ có chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam hay không? Dù ta mới hé ra khả năng trên và Trưởng đoàn Mỹ nói còn phải hỏi ý kiến của Oasinhtơn, nhưng trên thực tế, phía Mỹ cho đây là một sự tháo gỡ tình hình bế tắc.

Từ ngày 15-10 đến ngày 31-10-1968, cuộc nói chuyện giữa ta và Mỹ tập trung vào các nội dung: Mỹ phải chính thức chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện ném bom và các hoạt động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; hai bên ra một văn kiện chung; hội nghị sắp tới là giữa bốn bên hay là giữa hai phía.

Trong cuộc gặp ngày 15-10-1968, Trưởng đoàn Mỹ Hariman đọc chỉ thị của Oasinhtơn: “... Chúng tôi sẵn sàng ra lệnh chấm dứt ném bom và mọi hành động khác liên quan đến việc dùng vũ lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nếu các ông đồng ý bắt đầu “cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh” ngay hôm sau, sau khi Hoa Kỳ chấm dứt ném bom và trong những cuộc thảo luận đó, đại diện Chính phủ Việt Nam Cộng hoà sẽ tham gia bên phía chúng tôi”1. Hariman nói rõ thêm rằng lệnh chấm dứt ném bom sẽ được ban hành một, hai ngày sau đó.

Đồng chí Xuân Thuỷ tuyên bố. “Nếu Hoa Kỳ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì sau khi Hoa Kỳ làm việc đó, chúng tôi đồng ý sẽ có đàm phán bốn bên... để bàn một giải pháp chính trị cho vấn đề miền Nam Việt Nam”2.

Ngày 21-10-1968, đoàn ta thông báo chính thức cho đoàn đại biểu Mỹ: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau khi đã trao đổi ý kiến với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đồng ý rằng, sau khi Hoa Kỳ chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ có cuộc hội nghị bốn bên về việc nhằm tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam”.

Chủ trương của ta là cuộc đàm phán tới có bốn bên tham gia: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ, chính quyền Sài Gòn. Quan điểm của Mỹ là hai phía: một phía là Mỹ và chính quyền Sài Gòn; một phía là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ý đồ của Mỹ là muốn hạ thấp vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cuối cùng hai bên vẫn nhất trí thành phần dự họp là bốn đoàn, còn mỗi bên gọi theo cách của mình.

Về vấn đề hai bên ra một văn kiện chung, phía Mỹ không tán thành. Hai bên chỉ ký một biên bản thoả thuận nhưng không công bố như sau:

“1- Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi cuộc oanh tạc bằng không quân, hải quân, pháo binh và mọi hành động khác liên quan tới việc dùng vũ lực trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bắt đầu từ... giờ, giờ GMT, ngày... tháng 10-1968.

2- Một cuộc họp để tìm một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam sẽ được tiến hành ở Pari ngày...

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nói rằng sẽ có mặt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ đã nói rằng sẽ có mặt của Việt Nam Cộng hoà.

Do đó cuộc họp sẽ gồm có Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hoà”.

Trong quá trình diễn biến các cuộc nói chuyện ở Pari, phía Mỹ đã thường xuyên thông báo tình hình cho chính quyền Sài Gòn. Và Nguyễn Văn Thiệu luôn tỏ ra chấp nhận lập trường của phía Mỹ. Nhưng khi đạt được sự dàn xếp giữa Oasinhtơn và Hà Nội thì lại nảy sinh sự bất hoà giữa Mỹ và Sài Gòn - nói chính xác hơn là sự phá rối của tập đoàn Thiệu - Kỳ. Ngày 29-10-1968, Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn báo cáo về Mỹ cho biết Nguyễn Văn Thiệu không chấp nhận tham gia vào các cuộc thương lượng tại Pari với lý do: Thiệu còn phải xin ý kiến Quốc hội; không muốn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên; cần giải quyết xong mọi thủ tục rồi mới họp. Như vậy, phía Mỹ muốn họp hội nghị bốn bên sớm hơn mà không thực hiện được. Trong hồi ký, Giônxơn đã nói rõ rằng tập đoàn Thiệu - Kỳ âm mưu cố kéo dài thời gian để chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Giônxơn oán thán “một số người nhân danh Níchxơn khuyến khích chính quyền Sài Gòn không đi Pari. Họ hứa nếu Níchxơn trúng cử, sẽ thực hiện chính sách gần với nguyện vọng của chính quyền Sài Gòn”3.
________________________________________
1, 2. Lưu Văn Lợi: Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, Sđd, t.1, tr. 277, 278.
3. Giônxơn: Cuộc đời làm tổng thống của tôi, Sđd, tr.657.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:26:49 pm »


Mặc cho chính quyền tay sai Thiệu - Kỳ làm mình làm mẩy, nửa đêm ngày 30-10, Trưởng, Phó đoàn Mỹ đến nơi ở của đoàn ta tại Pari để thông báo sẽ công bố lệnh chấm dứt ném bom tối 31-10, vào 7 giờ hay 8 giờ, giờ Oasinhtơn ngày 31-10-1968.

Lúc 20 giờ ngày 31-10-1968, Tổng thống Giônxơn đọc bản tuyên bố với nhân dân Mỹ. Sau khi phân tích tình hình tìm kiếm hoà bình từ tuyên bố 31-3-1968, đến các cuộc nói chuyện ở Pari, Giônxơn ra lệnh: “chấm dứt kể từ 8 giờ (giờ Oasinhtơn) sáng thứ sáu tất cả các cuộc oanh kích bằng không quân, hải quân và đại bác đối với Bắc Việt Nam”1 (tức ngày 1-11-1968 ).

Trải qua 28 phiên họp chính thức, 21 cuộc gặp riêng, bí mật, nhờ đấu tranh kiên quyết giữ đúng nguyên tắc, phía ta đã đạt được hai yêu cầu cơ bản: buộc Mỹ phải chấp nhận chấm dứt ném bom hoàn toàn và không điều kiện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong một hội nghị bốn bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn).

Ngày 2-11-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra tuyên bố ghi nhận sự kiện trên và khẳng định sự kiện này “đánh dấu một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam ở cả hai miền. Đó cũng là thắng lợi to lớn của phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hoà bình, một thắng lợi của nhân dân toàn thế giới trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ”2.

Nhân dịp này, ngày 3-11-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Song đó chỉ mới là thắng lợi bước đầu. Đế quốc Mỹ rất ngoan cố và xảo quyệt. Chúng nói “hoà bình”, “thương lượng” nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược của chúng...

Vì vậy nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc3.

Cùng trong ngày 3-11-1968, đại diện Mỹ gặp phái đoàn ta đề nghị hai bên họp vào ngày 6- 11 bàn sắp xếp cho “cuộc họp thực chất dưới hình thức mới”. Ta đồng ý, nhưng lưu ý với phía Mỹ, cuộc họp đó là cuộc họp bốn bên. Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện cho đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã có mặt ở Pari ngày 4-11 và sẽ dự cuộc họp đó. Phía Mỹ lúng túng, vì chính quyền Sài Gòn chưa cử đoàn đại biểu tham dự. Ta và Mỹ tranh luận gay gắt xung quanh tên gọi cuộc họp và chiếc bàn để họp. Phía Mỹ gọi là cuộc họp hai phía, ta gọi là cuộc họp bốn bên. Chỉ có một việc thống nhất tên gọi cuộc họp và hình thù cái bàn họp mà ta và Mỹ phải tranh luận suốt trong 14 phiên họp. Mỹ gọi là cuộc họp hai phía, nên đề ra một cái bàn chữ nhật: Mỹ và Sài Gòn ngồi một bên; Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam một bên. Tiếp đó, phía Mỹ đề ra ba kiểu bàn khác nhau để thể hiện lập trường cuộc họp hai phía của họ, thực chất âm mưu của Mỹ trong việc này là phủ nhận vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; kéo dài thời gian hội nghị để tiếp tục chiến tranh hòng giành thắng lợi trên chiến trường để ép ta trong đàm phán. Phía ta đấu tranh, đây là cuộc họp bốn bên, nên các đoàn phải bình đẳng, độc lập như nhau thể hiện vai trò, vị trí của mỗi đoàn, phản ánh tương quan lực lượng của mỗi bên trên chiến trường. Xuất phát từ mục đích đề cao vai trò Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ta đề nghị một bàn hình vuông, bốn đoàn ngồi bốn cạnh hoặc một bàn hình thoi... Cứ như thế ta và Mỹ tranh luận nhau suốt hai tháng vẫn chưa đi đến thống nhất. Cuối cùng ta và Mỹ chấp nhận gợi ý của Liên Xô ngày 15-1-1969 là một bàn tròn phẳng, có hai bàn chữ nhật kê cách bàn tròn 0,45 m, đặt ở hai địa điểm đối diện nhau, dành cho thư ký - không có cờ và biển.

10 giờ 25 phút ngày 25-11-1969, phiên họp chính thức đầu tiên bốn bên Hội nghị Pari về Việt Nam khai mạc. Đây là thắng lợi đầu tiên của ta tại Hội nghị Pari.


*
*   *


Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn, phức tạp, nhờ có đường lối, chính sách đối ngoại và nghệ thuật đấu tranh ngoại giao đúng đắn, sáng tạo và độc lập tự chủ, ta đã phát huy được các nhân tố thuận lợi, hạn chế những khó khăn. Có thể nói chưa có cuộc đấu tranh nào được sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ của nhân dân thế giới, nhân dân nước đối phương như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Trên thực tế ta đã hình thành được mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của Mỹ. Những thắng lợi đã đạt được còn cho thấy ta đã khéo kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, kết hợp cuộc chiến đấu trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán. Do ta thắng lớn, thế và lực của ta ngày càng mạnh. Đế quốc Mỹ liên tiếp bị thất bại trong hai mùa khô 1965 -1966 và 1966 -1967, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, buộc phải chấp nhận thương lượng với ta, từng bước xuống thang chiến tranh, để tìm một lối thoát danh dự. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố của đế quốc Mỹ, cuộc đấu tranh trong Hội nghị bốn bên ở Pari để đi đến một hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã diễn ra gay go, phức tạp. Với đường lối đúng đắn, độc lập tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, với kinh nghiệm đấu tranh dày dạn, kiên trì, bền bỉ, cuối cùng nhân dân ta đã giành được thắng lợi.
________________________________________
1. Tài liệu Lầu Năm Góc, G.E. t. IV, tr.272.
2. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 - Những sự kiện quân sự, Sđd, tr. 197.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 12, 407.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:29:41 pm »


KẾT LUẬN

Trực tiếp đưa quân chiến đấu Mỹ và quân của các nước phụ thuộc Mỹ sang Việt Nam tiến hành chiến tranh xâm lược, những người cầm quyền nước Mỹ tin tưởng chắc chắn họ sẽ chiến thắng một cách dễ dàng. Bởi vậy, khi vạch kế hoạch chiến lược, Lầu Năm Góc dự đoán một cách chủ quan, tự mãn rằng chỉ cần ba tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ hoặc cùng lắm cũng chỉ cần 175.000 quân trong vòng 18 tháng (cuối năm 1966) là Mỹ có thể kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh; lúc đó Việt cộng và Hà Nội sẽ đầu hàng; Mỹ sẽ chứng minh cho các dân tộc trên thế giới thấy sức mạnh vô địch của Mỹ, các cuộc chiến tranh cách mạng và khởi nghĩa nào cũng sẽ bị tiêu diệt. Chủ quan, kiêu ngạo đánh giá mình quá cao mà coi thường đối phương là bản chất, quan điểm xem xét của đế quốc Mỹ. Chẳng thế mà kế hoạch chiến lược ba giai đoạn của tướng Oétmolen được Tổng thống L. Giônxơn chuẩn y ngày 17-7-1965 mang tên kế hoạch “tìm và diệt” nghĩa là một kế hoạch chiến lược chủ động tiến công đối phương. Trong kế hoạch này, Oétmolen đề ra ba giai đoạn để giành chiến thắng, mà giai đoạn cuối cùng sẽ kết thúc vào giữa hoặc cuối năm 1967.

Song bước vào cuộc chiến, mà tập trung là cuộc phản công chiến lược “tìm và diệt” mùa khô 1965-1966 với quân hùng, tướng mạnh, vũ khí tối tân, quân Mỹ và quân ngụy Sài Gòn chẳng những không tiêu diệt được một đơn vị nào của Quân giải phóng như mục tiêu của cuộc phản công đề ra, trái lại bị quân và dân ta đánh cho thất bại, trận sau thất bại nặng hơn trận trước, thương vong lính Mỹ ngày càng nhiều, gây nên sự căm phẫn của nhân dân Mỹ đối với chính quyền L. Giônxơn. Cuộc chiến tranh Việt Nam trở thành thanh nam châm cực mạnh thu hút tâm trí, nghị lực và nhân tài, vật chất của cả nước Mỹ vào đó. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã phải huy động đến 70% lực lượng bộ binh toàn nước Mỹ, trong đó có các đơn vị con cưng số một dạn dày trận mạc, có nhiều thành tích trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, ném vào chiến trường Việt Nam tới chín sư đoàn và năm lữ đoàn, cùng nhiều loại vũ khí - kỹ thuật tối tân nhất mà thành tựu khoa học - kỹ thuật quân sự Mỹ đạt được trong những năm giữa thế kỷ XX. Nếu tính cả 20 vạn quân Mỹ đóng trên đất Thái Lan, Philíppin, Nhật Bản và ở Hạm đội 7, một bộ phận Hạm đội 6... tham gia vào cuộc chiến tranh mà không ở trên đất Việt Nam, thì Mỹ đã huy động vào cuộc chiến tranh 80 vạn quân (Theo Biên bản điều tra của Quốc hội Mỹ, tháng 5-1970), vượt xa số quân Mỹ bố trí trên chiến trường châu Âu là hướng trọng điểm của chiến lược toàn cầu của Mỹ. Bên cạnh quân Mỹ, còn có 68.800 quân Nam Triều Tiên, Ôxtrâylia, Thái Lan, Philíppin, Niu Dilân và 555.000 quân chủ lực ngụy Sài Gòn. Để phục vụ cho quân Mỹ tác chiến ở Việt Nam, Chính phủ Mỹ phải huy động hai triệu rưỡi lượt lính Mỹ vừa tình nguyện vừa quân dịch luân phiên sang Việt Nam và hơn 5,5 triệu công nhân, 40% các nhà vật lý khoa học, 260 trường đại học, 22.000 nhà máy, xí nghiệp lớn của nước Mỹ chuyên nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật cung cấp cho cuộc chiến tranh.

Không quân là một trong những lĩnh vực quân sự quan trọng nhất, Mỹ đã sử dụng 50% lực lượng không quân chiến thuật, 50% máy bay chiến lược B52. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trên chiến trường Thái Bình Dương, Mỹ sử dụng 593 máy bay cánh quạt; chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã sử dụng 1.000 chiếc máy bay cánh quạt và phản lực; nhưng chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã sử dụng tới 5.300 máy bay phản lực, với 60 kiểu khác nhau, không kể 2.000 chiếc của quân đội Sài Gòn. Mỹ còn đưa sang Việt Nam hơn 4.000 chiếc máy bay lên thẳng và thành lập hẳn một sư đoàn kỵ binh bay có sức cơ động nhanh và đổ quân xuống bất cứ nơi nào chúng muốn mà không cần chuẩn bị trước. Chiến tranh bằng máy bay lên thẳng là một thành tựu khoa học - kỹ thuật quân sự lớn của Mỹ mới đạt được trong những năm đầu của thập kỷ 60. Việc đưa phương tiện này vào sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, theo Oétmolen, có thể thay thế cho hơn một triệu quân đánh bộ mà lẽ ra Mỹ và Sài Gòn phải huy động.

Hạm đội 7 hải quân Mỹ được mệnh danh là “Chúa tể đại dương” tượng trưng cho sức mạnh trên biển của Mỹ, được trang bị rất hiện đại và tinh xảo, đánh phá, yểm trợ cho quân Mỹ trên bộ. Mỹ còn huy động một bộ phận của hạm đội 1, 2 và Hạm đội 6 ở Địa Trung Hải vào cuộc chiến tranh. Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ là lực lượng hải quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Hầu hết các loại vũ khí trang bị cho quân Mỹ, quân ngụy dùng trong chiến tranh đều được cải tiến, từ súng trường M16, đại bác 175mm, xe tăng M48 đến máy bay không người lái, máy bay trinh sát điện tử, máy bay F111, B52; từ quả mìn mỏng “cây nhiệt đới”, máy dò điện tử đến máy phát nhiễu cực mạnh, bom 7 tấn, bom vô tuyến, bom điều khiển bằng lade, bom napan và chất độc hoá học, v.v… Tướng Oétmolen đã chiến đấu trong ba cuộc chiến tranh nhưng y “tin tưởng rằng nước Mỹ chưa hề cho ra trận một lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến hơn lực lượng ở Việt Nam trong những năm 1966-1969”1.

Thế nhưng, càng lao sâu vào cuộc chiến tranh, đế quốc Mỹ càng bị sa lầy, mắc kẹt, thất bại càng lớn, thương vong càng cao. Tuy vậy, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược, quyết giành thắng lợi bằng quân sự, nên đẩy cuộc chiến tranh cục bộ đến cuối năm 1967 và 1968 vượt quá giới hạn dự định ban đầu của kế hoạch “tìm và diệt” và trở thành cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất, hiện đại nhất, ác liệt nhất so với các cuộc chiến tranh trước đó Mỹ đã tiến hành. Nhưng, sau hai năm trực tiếp đương đầu với quân viễn chinh Mỹ, chẳng những phong trào cách mạng miền Nam không bị tiêu diệt, trái lại, quân, dân ta đã đánh thắng địch từng bước và nắm quyền chủ động chiến lược. So sánh lực lượng trên chiến trường, ta mạnh lên và tạo được thế mới, lực mới; địch đang suy yếu, từ chiến lược phản công và tiến công giữa năm 1965, buộc phải lùi dần vào phòng ngự chiến lược bị động cuối năm 1967 trên toàn chiến trường. Quân Mỹ lui vào phòng ngự chiến lược đúng vào thời điểm nước Mỹ đang chuẩn bị vận động cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-1968 và phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ lên cao, mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền L. Giônxơn phát sinh gay gắt. Vào dịp này, Mắc Namara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho công bố Tài liệu mật Lầu Năm Góc, bóc trần sự thật về âm mưu và chính sách của chính quyền Mỹ đối với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà lâu nay họ bưng bít, che đậy không cho nhân dân Mỹ biết, làm cho L. Giônxơn càng bối rối “tỏ ra mệt mỏi, đầy lo âu và tư thế bắt đầu chao đảo”2.

Tình hình trên đây mở ra thời cơ thuận lợi lớn cho cách mạng miền Nam. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm lấy cơ hội này quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định bằng phương pháp tổng tiến công và nổi dậy, đánh thẳng vào trung tâm đầu não địch ở các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam, trọng điểm là Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng, đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Đây là quyết định cực kỳ táo bạo và sáng suốt, thể hiện rõ đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, đúng vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân, ở miền Nam là thời điểm bất ngờ nhất, quân và dân ta đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy đánh trúng vào hầu hết các cơ quan đầu não địch ở trung ương và địa phương. Đòn tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã làm rung chuyển nước Mỹ, làm hiện lên trước mắt những người cầm quyền Mỹ ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc là quân đội Mỹ sẽ bị đánh bại. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã đi vào từng gia đình người Mỹ, thức tỉnh lương tri họ. Làn sóng phản đối chiến tranh, đòi chính quyền Giônxơn phải rút quân về nước, chấm dứt chiến tranh Việt Nam của nhân dân Mỹ đã trở thành sức ép hết sức nặng nề đối với chính quyền Oasinhtơn.

Trong khi ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ đang lung lay, chúng phải từ bỏ chiến lược “tìm và diệt” thay vào đó chiến lược “quét và giữ” bị động thì quân và dân ta ở miền Nam mở tiếp hai đợt tổng tiến công vào các đô thị, đánh bồi một đòn nặng vào quân Mỹ - ngụy, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Hoa Kỳ phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chấp nhận họp Hội nghị Pari về Việt Nam.
________________________________________
1. Oétmolen: Một quân nhân tường trình, Sđd, tr. 129.
2. Giôdép A. Amtơ: Lời phán quyết về Việt Nam, Sđd, tr. 214.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:31:13 pm »


Kết quả một năm tổng tiến công và nổi dậy, theo Thông cáo của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày 20-12-1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, ngụy và quân của các nước phụ thuộc Mỹ; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá huỷ 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn, bốt, chi khu1. Hoà cùng chiến thắng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam, trong năm 1968, quân và dân miền Bắc bắn rơi 557 máy bay, bắt nhiều giặc lái, đưa tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc lên 3.243 chiếc (tính đến cuối năm 1968 ).

Chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là rất to lớn và toàn diện - nhất là đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Với thắng lợi vang dội của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam và thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống sự phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc, quân và dân ta đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh cục bộ ở đỉnh cao, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh; đồng thời góp phần quan trọng cùng với cuộc đấu tranh của loài người tiến bộ, làm phá sản chiến lược quân sự toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” thời Kennơđi - Giônxơn. Một chiến thắng như vậy không còn trong phạm trù chiến thuật, mà mang tầm vóc thắng lợi chiến lược, nó tác động toàn diện đến tình hình quân sự, chính trị, tâm lý xã hội nước Mỹ mà trong thời gian tiếp sau chính quyền Giônxơn khó có thể hàn gắn được: “chiến tranh Việt Nam đã trở thành vấn đề chính trị với triển vọng địch (Việt cộng, Hà Nội) có thể thắng ở Oasinhtơn như họ đã thắng ở Giơnevơ năm 1954. Ý chí các chính khách Mỹ đang suy giảm”2. Nhờ chiến thắng này “Việt cộng và Hà Nội đã bước vào giai đoạn vừa đánh, vừa đàm ở thế mạnh hơn so với Mỹ”3.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân và cả năm 1968 là to lớn, toàn diện, chưa có năm nào trước đó đạt tới, nhưng tổn thất của ta cũng nặng nề, nhiều đơn vị chủ lực, bộ đội tinh nhuệ, biệt động bị thương, hy sinh gần hết; cơ sở cách mạng trong một số thành phố, thị xã tan vỡ; phong trào đấu tranh chính trị giảm sút; ở địa bàn nông thôn ta bị mất đất, mất dân... Tổn thất này đã làm giảm sút thế và lực của cách mạng miền Nam, gây hậu quả khó khăn chồng chất kéo dài suốt năm 1969. Nguyên nhân là do ta mắc sai lầm, khuyết điểm trong chủ trương chỉ đạo và thực hiện, trong đó khuyết điểm lớn nhất được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 tháng 10-1973 chỉ ra là “chủ quan trong việc đánh giá tình hình nên ta đã đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình lúc đó”. Sau đợt 1, thời cơ đã mất, ta vẫn chủ trương tiếp tục tổng tiến công vào thành phố, thị xã để hở mặt trận nông thôn. Đáng lẽ sau đợt Tết Mậu Thân, ta kịp thời chuyển hướng về mặt trận nông thôn, đánh tan rã hệ thống chính quyền cơ sở của địch, phá ấp, giành dân, mở rộng vùng giải phóng thì thắng lợi của ta sẽ lớn hơn và hạn chế được tổn thất.

Đánh với đối tượng là một siêu cường có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất trên thế giới thì không dễ gì chiến thắng mà ít tổn thất. Đó là sự hy sinh, tổn thất cần thiết để dẫn đến hoà bình. Song, nếu ta đúng hơn, sát thực tế hơn và không phạm phải chủ quan trong đánh giá tình hình và chủ trương thì thắng lợi sẽ lớn hơn, nhưng đó là kết luận sau khi thực tiễn đã diễn ra rồi. Ta có khuyết điểm, sai lầm, nhưng cái chính và điều quan trọng là ta chiến thắng.

Về sự kiện Tết Mậu Thân, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21, tháng 10-1973, đã kết luận: “Mặc dù có những khuyết điểm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968 ) vẫn giữ một vị trí to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”4. Ngày 23-4-1994, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về Bản dự thảo Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi nghe các ý kiến của các đồng chí cố vấn, các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Bộ Chính trị kết luận một số vấn đề lớn trong kháng chiến còn tồn tại. Về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Bộ Chính trị kết luận: Tết Mậu Thân thắng rất lớn, mà nhất là đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh. Nhưng sau đó ta chuyển chậm, chủ trương tiếp tục các đợt tiến công vào các đô thị khi không còn điều kiện là sai lầm về chỉ đạo chiến lược để địch gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất5.

Sau Tết Mậu Thân, cuộc chiến tranh chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn vừa đánh vừa đàm gay go và ác liệt. Song trên đà thắng lợi trong năm 1968, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà tập trung là Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao tinh thần quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”6.
________________________________________
1. Địch thú nhận sáu tháng đầu năm 1968 đã chết, bị thương, mất tích 101.400 tên, trong đó có 50.387 Mỹ (có 9.301 Mỹ chết).
2. Oétmolen: Một quân nhân tường trình, Sđd, tr. 42.
3. Tóm tắt Tổng kết chiến tranh của Bộ Quốc phòng Mỹ, bản đánh máy. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, t. V, tr. 8.
4. Trích Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21, tháng 10-1973.
5. Kết luận của Bộ Chính trị họp ngày 23-4-1994, số 215 - BBK/BCT.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 407.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:32:10 pm »


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Giôgiép A. Amtơ: Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985.
2. Báo cáo tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Nam Bộ và cực nam Trung Bộ (B2), Ban Tổng kết chiến tranh B2, 1979. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
3. Báo cáo tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Khu VI (cực nam Trung Bộ - nam Tây Nguyên), Phòng Tổng kết chiến tranh Khu VI thuộc Ban Tổng kết chiến tranh B2. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 2.
4. Ba mươi năm kháng chiến của quân dân tỉnh Đồng Tháp, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp, 1990.
5. Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị bàn về kế hoạch chiến lược mùa Thu: Tổng công kích - tổng khởi nghĩa Xuân - Hè 1967-1968. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
6. Bến Tre - 30 năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, 1990.
7. Bình Định - Lịch sử chiến tranh 30 năm, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định, 1992.
8. Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1987.
9. Chiến trường Tri-Thiên-Huế trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Thuận Hoá, 1985.
10 Gabrien Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Hà Nội, 1991, tập 1.
11 Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945'1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
12. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 - Những sự kiện quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1988.
13. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.
14. Cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa của Việt cộng Mậu Thân 1968, Khối quân sự phông 5 - Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hoà xuất bản, 1968.
15. Cuộc kháng chiến 30 năm của quân dân Tiền Giang, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang, 1988.
16. Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Tây Ninh, Ban Tổng kết chiến tranh Tỉnh uỷ Tây Ninh, 1984.
17. Cửu Long - 21 năm kiên cường đánh Mỹ, Nxb. Cửu Long, 1986.
18. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979.
19. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985.
20. Dự thảo tổng kết cuộc tấn công thành phố Huế - Mậu Thân 1968. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, số TK/2585.
21. Đồng Nai - 30 năm chiến tranh giải phóng, Nxb. Đồng Nai, 1986.
22. Đường Hồ Chí Minh - một sáng tạo chiến lược của Đảng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.
23. Ilya V. Gaiduk: Liên bang Xôviết và cuộc chiến tranh Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1998.
24. Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tập 5.
25. L. B. Giônxơn: Cuộc đời làm tổng thống của tôi, Nxb. Buysét Saxten, Pari, 1972.
26. L. B. Giônxơn: Về cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã phát hành, Hà Nội, 1972.
27. Hậu phương miền Bắc cung cấp người, vật chất cho chiến trường miền Nam từ 1959 đến 1975. Tài liệu lưu tại Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam, số 791.
28. Hậu Giang - 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang, 1987.
29. Gioócgiơ C. Hirinh: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1988.
30. Khu V - 30 năm chiến tranh giải phóng - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1968 ), Bộ Tư lệnh Quân khu V 1989, tập 2.
31. Kiên Giang - 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1954), Bộ chỉ huy quân sự Kiên Giang, 1987.
32. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tập 2.
33. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tập 2.
34. Lịch sử Khu VI (cực nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên) kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
35. Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến (1954-1975),Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
36. Lịch sử bộ đội đặc công, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987.
37. Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985.
38. Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tập 2.
39. Lịch sử Quân chủng Phòng không, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tập 2.
40. Lịch sử pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991.
41. Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
42. Lịch sử Viện kỹ thuật quân sự (1960-2000), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
43. Long An - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
44. Lưu Văn Lợi: Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1954-1995, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tập 1.
45. Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996.
46. Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1980.
47. Lực lượng vũ trang ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ 1955 đến 1975, bản số 1 - Tập thống kê số liệu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
48. Lực lượng vũ trang nhân dân Trà Vinh 30 năm kháng chiến (1945-1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1988.
49. Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Pari, Viện quan hệ quốc tế ấn hành, Hà Nội, 1990.
50. Mấy vấn đề về chỉ đạo chiến lược trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:33:02 pm »


51. Miền Đông Nam Bộ kháng chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.
52. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11.
53. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12.
54. Minh Hải - 30 năm chiến tranh giải phóng, Nxb. Mũi Cà Mau, 1986.
55. Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Sự thật, Hà Nội,l985.
56. Rôbớt S. Mắc Namara: Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
57. Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 12-1967. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
58. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 21, tháng 7-1973. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
59. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 8. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
60. Những sự kiện lịch sử Đảng, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tập 3.
61. Những sư kiện Lịch sử Đảng, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tập 4.
62. A. V. Nikin: Nước Mỹ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tập 2.
63. Đôn Obođoiphơ: Tết, Nxb. An Giang, 1988.
64. Oétmolen: Một quân nhân tường trình, Nxb. Garden City Doublay and Company, New York, 1976, Thư viện Trung ương quân đội dịch, 1978. Bản đánh máy.
65. Đavít R. Panmơ: Tiếng kèn gọi quân, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987.
66. Phú Yên - 30 năm chiến tranh giải phóng, Bộ chỉ huy quân sự Phú Yên, 1993.
67. J. Pimlốt: Việt Nam - Những trận đánh quyết định, Trung tâm thông tin Khoa học - Công nghệ - Môi trường Bộ Quốc phòng ấn hành, Hà Nội, 1997.
68. Pitơ A. Pulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Rudơven đến Níchxơn, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985.
69. Quân khu IX - 30 năm kháng chiến, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.
70. Quân khu VI - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
71. Quân khu III - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
72. Quân khu IX - 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.
73. Quảng Ngãi - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975), Nxb. Tổng hợp Nghĩa Bình, 1988.
74. Quảng Nam-Đà Nẵng - 30 năm chiến đấu và chiến thắng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1988, tập 2.
75. Quảng Trị - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, 1998.
76. Lê Quốc Sản: Cuộc đọ sức thần kỳ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991.
77. H. Y. Schanđờlơ: Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ - L. Giônxơn và Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
78. Nâylơ Shihan: Sự lừa dối hào nhoáng - Giôn Pônvan và nước Mỹ ở Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1990.
79. Sông Bé - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm, Nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1990.
80. Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, Nxb. Đà Năng, 1996.
81. Sức mạnh Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976.
82. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh xâm lược Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã phát hành, Hà Nội, 1971, tập 2.
83. Tây Bắc - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 1994.
84. Tây Bắc - 30 năm chiến tranh cách mạng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tập 2.
85. Thủ đô Hà Nội - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991.
86. Thái Bình - Chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình, 1995.
87. Thương vong của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam (tính đến tháng 1 -1973), Công bố của Bộ Quốc phòng Mỹ trên Tạp chí Lục quân Mỹ, tháng 9-1973. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
88. Tổng tiến công Mậu Thân và hoạt động của B5. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, số 514.
89. Tóm tắt Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, bản đánh máy, số lưu trữ VL/83, tập 1.
90. Trong cuộc đối đầu thế kỷ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.
91. Tuy Hoà - Những chặng đường đấu tranh cách mạng (1929-1975), Ban Lịch sử Đảng Tuy Hoà, 1988.
92. Việt Nam - Con số và sự kiện, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990.
93. Việt Nam - Những sự kiện, (1954-1975), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tập 2.
94. Vĩnh Long - Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.


Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM