Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:15:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 5  (Đọc 70997 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:31:14 pm »


Trước tháng 8-1967, lực lượng chủ lực của Quân khu Trị - Thiên - Huế chỉ có một trung đoàn và bốn tiểu đoàn bộ binh độc lập hai tiểu đoàn đặc công. Từ tháng 9-1967, quân khu có thêm Trung đoàn 9 và một số tiểu đoàn độc lập. Để hoàn thành nhiệm vụ như kế hoạch đã đề ra, quân khu bổ sung quân số, ra sức củng cố tổ chức lực lượng vũ trang tại chỗ, trang bị vũ khí, kỹ thuật, bồi dưỡng sức khoẻ, mở các đợt huấn luyện theo phương án tác chiến, tập huấn cho cán bộ các cấp... Mặt khác, quân khu đề nghị Bộ tăng cường cho chiến trường 2 trung đoàn bộ binh, 3.000 quân bổ sung, 2 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn cao xạ, 1 tiểu đoàn xe tăng và 1 tiểu đoàn thông tin và được Bộ chuẩn y. Nhờ vậy, đến trước ngày nổ ra tổng tiến công và nổi dậy, quân khu đã có 4 trung đoàn và 4 tiểu đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn đặc công, 15 đội biệt động thành và một số đơn vị binh chủng.

Có thêm lực lượng, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên - Huế điều chỉnh lực lượng, tập trung cho hướng chủ yếu và mục tiêu trọng điểm. Trung đoàn 9 được đưa từ Quảng Trị vào Huế. Thế vào vị trí Trung đoàn 9, quân khu đề nghị Bộ điều Trung đoàn 2 độc lập của B5 vào thay và điều Trung đoàn 8 (Sư đoàn 825C) ở Đường 9 vào tăng cường cho Huế. Lúc này, Thành đội Huế có 2 tiểu đoàn 804 và 810, 2 đội biệt động, sau đó phát triển thành 2 tiểu đoàn đặc công 1 và 2. Quân khu tăng cường Trung đoàn 6 gồm 4 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn đặc công và 1 đại đội trợ chiến cho mặt trận Huế. Mỗi huyện gấp rút xây dựng thêm 3 đại đội bộ binh, 3 đội biệt động và 1 đại đội đặc công cùng với 1 đại đội bộ binh đã có từ trước. Các tổ du kích mật, đội quân ngầm cũng được tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ đánh địch trong thành phố, quấy rối hậu phương của địch hoặc dẫn đường cho bộ đội...

Cùng với củng cố và tăng cường lực lượng vũ trang, công tác vận động quần chúng, tổ chức lực lượng chính trị để nổi dậy cũng được các cấp lãnh đạo của quân khu chú trọng. Khu uỷ đã mở các lớp tập huấn công tác phát động quần chúng và tổ chức khởi nghĩa cho 700 cán bộ và quần chúng cách mạng ở đô thị và nông thôn đồng bằng vùng địch chiếm. Sau khi kết thúc lớp tập huấn, số cán bộ này trở về địa phương thành lập các đội công tác cách mạng làm nòng cốt phát động quần chúng khởi nghĩa. Riêng nội thành Huế, lực lượng chính trị và phong trào cách mạng của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của tám chi bộ đảng đã xây dựng được hàng trăm cơ sở bí mật và nửa công khai. Số quần chúng hướng về cách mạng, sẵn sàng tham gia các cuộc đấu tranh, phục vụ chiến đấu, có thể huy động 4.000 đến 5.000 người trong một ngày đêm. Trong số này, lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên đóng vai trò quan trọng. Tháng 10-1967, Ban cán sự sinh viên, học sinh thành phố Huế đã được thành lập. Tháng 12-1967, Thành uỷ Huế chỉ đạo cho Ban cán sự tuyên truyền và tổ chức 300 sinh viên, học sinh Huế, đưa lên chiến khu để huấn luyện, sẵn sàng tham gia chiến đấu. Qua đường dây của thanh niên, sinh viên, một số lượng lớn vũ khí đã được bí mật đưa vào nội thành an toàn. Cán bộ, đoàn viên thanh niên, sinh viên và nhân dân sáng tạo nhiều cách vận chuyển vũ khí bí mật đã che được mắt địch. Một trong nhiều điển hình về cách vận chuyển sáng tạo là đoàn viên thanh niên Trần Điền, anh bại liệt hai chân từ nhỏ, chuyên làm nghề câu cá kiếm sống, khi được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào thành, Điền đã nghĩ cách bọc vũ khí trong túi nhựa lớn rồi buộc dây nối với thuyền thả xuống sông kéo đi đến giao cho bộ phận tiếp nhận. Nếu có dấu hiệu bị lộ, Điền chỉ cần thả dây níu cho túi vũ khí chìm xuống sông. Bằng cách này, Điền đã vận chuyển được khá nhiều vũ khí qua mắt địch. Anh Tẩy, chị Gái, bằng việc cho thủ pháo vào ghè, hũ đất nung, phía trên đổ đậu, vừng, hoặc bỏ súng ngắn, mìn vào ruột quả bí, bầu, qua những chuyến đò chở nông sản để vận chuyển vũ khí từ Xuân Ổ, Quảng Xuyên vào nội thành Huế.

Ngoài ra, số đông nhân dân lao động, viên chức, tiểu thương tuy chưa ở trong các tổ chức cách mạng nhưng có lòng yêu nước và cảm tình với cách mạng, sẵn sàng làm lực lượng đấu tranh chính trị, cùng với nhân dân nổi dậy khi cuộc tổng tiến công nổ ra.

Ở các huyện Hương Trà, Phú Vang, Hương Thuỷ giáp ranh thành phố Huế với trên 70.000 dân được giải phóng là nguồn bổ sung kịp thời cho cách mạng. Tại đây, ta đã xây dựng được nhiều đội du kích với hơn 1.000 người, nhiều tổ chức quần chúng như Nông hội, Phụ nữ... thu hút gần 30.000 hội viên. Lực lượng này sẵn sàng tham gia vào đội ngũ đấu tranh khi yêu cầu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy đòi hỏi.

Việc chuẩn bị vật chất, hậu cần đòi hỏi phải khẩn trương hơn. Thường vụ Khu uỷ quyết định thành lập Ban chỉ huy và lãnh đạo hậu phương do đồng chí Lê Chưởng - Phó Bí thư Khu uỷ Chính uỷ quân khu làm Trưởng ban để giúp Khu uỷ chỉ đạo công việc chuẩn bị vật chất cho tổng tiến công. Các ban chuẩn bị vật chất ở thành phố và các huyện cũng được thành lập do các đồng chí trong thành uỷ và huyện uỷ được cử ra phụ trách. Các ban này có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc huy động, tiếp nhận, vận chuyển cung cấp vật chất (chủ yếu là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, súng đạn) và tổ chức cứu chữa thương binh.

Với nỗ lực của các cơ quan kinh tế của khu và hậu cần quân khu, cùng sự đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân, đến cuối tháng Giêng năm 1968, mặt trận Thừa Thiên - Huế đã có gần 1.000 tấn gạo để rải rác ở vùng giáp ranh và căn cứ miền núi Thừa Thiên, Quảng Trị, hơn 1.100 tấn để trong dân vùng đồng bằng (Thừa Thiên 700 tấn, Quảng Trị 450 tấn). Riêng mặt trận trọng điểm Huế mới có 130 tấn. Ngoài ra còn có 79 tấn muối, 15 tấn đường, 1,2 tấn sữa, 1,5 tấn bột trứng, 590 kg mì chính, chưa tính 350 tấn gạo, 400 tấn vũ khí Bộ Quốc phòng đã chuẩn y cho Trị - Thiên - Huế (qua Bộ Tư lệnh 559). Số hàng này đến ngày 20-1-1968, Đoàn 559 mới giao tại trạm đầu tiên, cách Huế khoảng 10 ngày vận chuyển bộ.

Quân khu Trị - Thiên - Huế cũng huy động các bệnh viện, bệnh xá từ cấp huyện, tỉnh đến khu, kết hợp cả quân và dân y, tổ chức mạng lưới cấp cứu, điều trị cho thương, bệnh binh, theo sát các hướng tiến công và ở tuyến sau (tuyến cơ bản) vùng hậu cứ. Các lớp huấn luyện, đào tạo cấp tốc y tá, hộ lý cứu thương được mở. Ở các địa phương, nhân dân được hướng dẫn chuẩn bị hầm hố, cơ sở để tiếp nhận nuôi giấu thương binh, củng cố các ban thương binh huyện, xã, phát triển mạng lưới y tế nông thôn để cứu chứa thương, bệnh binh. Đồng thời, y tế khu chuẩn bị được 3.200 giường cho cả Trị - Thiên, trong đó có 1.000 giường cho năm huyện đồng bằng (Phong Điền, Quảng Điền, Triệu Phong, Hải Lăng, Phú Vang). Trong số này 2/3 đặt ở miền núi bí mật, an toàn.

Ngoài ra, Ban chỉ huy hậu phương còn huy động 1.600 đồng bào miền tây Trị - Thiên, 600 đến 700 dân công ở đồng bằng tham gia vào việc vận chuyển gạo, đạn, thương, bệnh binh với hàng vạn ngày công. Nhờ vậy, số hàng ở xa mặt trận đã được chuyển đến vị trí tập kết kịp thời trước ngày nổ súng.

Nhìn chung, trên toàn chiến trường, cho đến cuối năm 1967 đầu năm 1968, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy về cơ bản đã hoàn thành. Lực lượng ta trên các chiến trường, hướng trọng điểm sẵn sàng chờ giờ G giáng một đòn mạnh mẽ và bất ngờ xuống các trung tâm đầu não của địch ở các thành phố, thị xã, quyết giành thắng lợi cao nhất theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:40:14 pm »


CHƯƠNG 20
TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN1


Tháng 1-1968 (tháng 12 năm Đinh Mùi), trên miền Bắc không quân Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt hơn những tháng đầu năm; ở miền Nam hoạt động quân sự của ta và địch diễn ra bình thường, không có những trận đánh lớn. Ta và địch đều đang bí mật thăm dò tin tức, tìm hiểu ý đồ chiến lược của nhau. Một cuộc đấu trí giữa Bộ thống soái Việt Nam với đế quốc Mỹ diễn ra âm thầm, lặng lẽ, nhưng rất căng thẳng. Giữa lúc đó, liên quân Lào - Việt nổ súng tiến công địch, triển khai chiến dịch Nậm Bạc (12-1-1968 ). Chiến sự ở vùng Thượng Lào đột nhiên bùng lên dữ dội, đến ngày 27-1-1968, ta tiêu diệt 11 tiểu đoàn ngụy Viêng Chăn. Bằng đòn đánh Nậm Bạc, ta đã buộc Mỹ phải bị động đối phó ở Thượng Lào để sơ hở ở chiến trường miền Nam Việt Nam.

Ngày 20-1-1968, quân ta bất ngờ tiến công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh và tuyến phòng thủ Đường 9, chiếm quận lỵ Hướng Hoá, vây hãm Làng Vây và Tà Cơn. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh - hướng phối hợp đặc biệt quan trọng diễn ra trước Tết Mậu Thân 10 ngày đã dội về nước Mỹ như một tiếng sét kinh hoàng, làm cho Tổng thống L. Giônxơn và các nhà chiến lược Mỹ kinh ngạc. Họ nhận định Khe Sanh có thể là chiến trường chính. Tổng thống L. Giônxơn liền chỉ thị cho tướng Taylo thành lập Phòng tình hình đặc biệt tại Nhà Trắng để theo dõi chiến sự Khe Sanh và chỉ đạo cho tướng Oétmolen hành động, đồng thời yêu cầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân phải “ký tên bằng máu” cam kết bảo vệ Khe Sanh bằng bất cứ giá nào.

Khe Sanh nằm trên một cao nguyên, mỗi bề 10 km, ở phía tây nam phòng tuyến hàng rào điện tử Mắc Namara, thuộc miền núi tỉnh Quảng Trị, gồm Chi khu quân sự Hướng Hoá, cụm cứ điểm Làng Vây và Tà Cơn. Khe Sanh có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với địch cũng như đối với ta. Tướng Oétmolen, Tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam từng đánh giá Khe Sanh là “cái mỏ neo” ở phía tây hệ thống phòng thủ phía nam khu phi quân sự, một vị trí lý tưởng để ngăn chặn “cộng sản” thâm nhập từ miền Bắc vào miền Nam hoặc từ Lào sang, là bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Do vị trí quan trọng của Khe Sanh, sau khi tính toán các phương án phòng thủ, Oétmolen quyết định trụ lại Khe Sanh và tuyên bố trong cuộc họp Bộ Tham mưu MACV là “chúng ta sẽ không, xin nhắc lại sẽ không bị đánh bại ở Khe Sanh. Tôi sẽ không tha thứ cho ai nói hoặc suy nghĩ điều ngược lại”2. Oétmolen tin tưởng “Khe Sanh sẽ đứng vững trong lịch sử như một tấm gương cổ điển về thách thức đánh bại một lực lượng bao vây đông hơn nhiều lần bằng việc sử dụng hoả lực có phối hợp”3. Trong lúc các nhà thông thái, các nhà chiến lược Mỹ ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng như Bộ Tham mưu MACV và Sài Gòn tập trung đối phó ở Khe Sanh bằng việc điều toàn bộ các máy dò điện từ định dùng để kéo dài phòng tuyến Mắc Namara sang Lào, về bố trí xung quanh Khe Sanh, để thăm dò phát hiện xem ta có đào những đường hầm tiến vào Khe Sanh, như đã từng làm ở Điện Biên Phủ hay không, thì cuộc tổng tiến công và nổi dậy của ta nổ ra.

Trước Tết, miền Bắc công bố lịch mới: ngày Tết Nguyên đán năm Mậu Thân sớm một ngày so với lịch cũ. Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị lui cuộc tổng tiến công lại một ngày để thống nhất hành động theo giờ G trên toàn chiến trường. Nhưng lực lượng vũ trang Khu V, Tây Nguyên đã ém sẵn vào các mục tiêu không thể rút ra hoặc giấu quân tại chỗ an toàn được nên đã đề nghị trên cho nổ súng vào đêm 28 rạng ngày 29-1-1968 (tức đêm 29 tháng Chạp Đinh Mùi 1967), trước đêm giao thừa một ngày. Tỉnh nổ súng sớm nhất là Khánh Hoà. Lúc 23 giờ ngày 28-1-1968, pháo binh ta bắn phá Trung tâm huấn luyện hải quân ngụy ở thành phố Nha Trang.

0 giờ ngày 29-1-1968, ta tiến công địch trong thị xã Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Từ 0 giờ 30 phút đến 1 giờ 15 phút ngày 29-1-1968, quân ta đồng loạt tiến công vào thị trấn Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum; thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc; thị xã Plâycu, tỉnh Gia Lai; thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Đà, Quảng Tín; thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum...

Trung Trung Bộ đã nổ súng. Dải đất miền Trung sôi động tổng tiến công và nổi dậy, nhưng ở các hướng trọng điểm vẫn im ắng. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, các đội biệt động, những mũi nhọn và nhân dân trong các đô thị cũng như vùng ven đang nóng lòng chờ giờ G. Thời gian lúc này dài như vô tận, mọi người rạo rực chờ đợi sự chuyển mình của lịch sử. Trong giây phút thiêng, thơ chúc Tết của Bác Hồ vang vọng núi sông như lời hịch:

Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta.


Hiệu lệnh giờ G - hiệu lệnh tổng tiến công và nổi dậy đã truyền!

Đúng đêm 29 rạng ngày 30-1-1968 (tức giao thừa Tết Mậu Thân 1968 - theo lịch miền Nam), Sài Gòn - Gia Định, Huế, Quảng Trị, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Nha Trang, Đà Nẵng, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Bình, Châu Đốc, Biên Hoà, Tuyên Đức... trong thế trận mùa Xuân rùng rùng đứng lên, anh dũng xốc tới tổng tiến công và nổi dậy trong tiếng pháo giao thừa nổ ran khắp miền Nam.

Ngày 31-1 và 1-2-1968 (ngày 2 và 3 tháng Giêng năm Mậu Thân), quân và dân ta tiếp tục tăng tiến công vào Sài Gòn, Huế, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Kiến Tường, Long Khánh và nhiều nơi khác.

Trong khí thế sục sôi Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Liên minh các lực lương dân tộc, dân chủ và hoà bình miền Nam Việt Nam thành phố Huế và Sài Gòn - Gia Định ra đời. Uỷ ban lãnh đạo toàn quốc của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình miền Nam Việt Nam ra lời kêu gọi:

“Hỡi quốc dân đồng bào! Cuộc cách mạng mà nhân dân chúng ta mong ước nay đã nổ ra rồi! Nhân dân thành phố Sài Gòn anh hùng và quân đội cách mạng đã nã súng vào Dinh Độc lập và các cơ sở chủ yếu của ngụy quyền Thiệu - Kỳ.

Từ bao nhiêu năm nay, chúng ta sống trong tủi nhục vì bị mất nước, vì bị một lũ Việt gian đè đầu, cưỡi cổ. Chúng ta không thể tiếp tục cảnh tôi đòi ấy nữa. Chúng ta nhất định đứng lên giành chính quyền, tức là giành độc lập, hoà bình, tự do và cuộc sống trong sạch, ấm no... Tất cả mọi người hãy đứng lên!

Tiến công vào sào huyệt Thiệu - Kỳ...”.

Lời kêu gọi của Liên minh đã thôi thúc các tầng lớp nhân dân ở thành thị và nông thôn đứng lên sát cánh cùng với Quân giải phóng và lực lượng cách mạng thừa thắng xốc tới, tiến công vào hang ổ kẻ thù trên khắp miền Nam.
_______________________________________
1. Nghị quyết Trung ương lần thứ 14 (l-1968 ) chủ trương “đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa”. Về sau, một số sách, báo, tạp chí... gọi là tổng tiến công đồng loạt và nổi dậy đều khắp, hoặc tập kích chiến lược, v.v... Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 (7-1973) gọi tổng công kích, tổng khởi nghĩa là tổng tiến công và nổi dậy. Từ đây trở đi chúng tôi thống nhất gọi tổng tiến công và nổi dậy như Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 đã xác định.
2, 3. Oétmolen: Một quân nhân tường trình, Nxb. Garden City, Doublday and Company, New York, 1976, Thư viện Trung ương quân đội dịch, bản đánh máy, chương 13, trang 6, 4. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:41:36 pm »


I- SÀI GÒN-HUẾ-ĐÀ NẴNG, TRỌNG ĐIỂM TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN

Theo phương án đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bởi đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam.

Để bảo vệ trung tâm đầu não này, Mỹ - ngụy đã tổ chức một hệ thống phòng thủ vững chắc nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều loại lực lượng tham gia. Đặc biệt vào đầu năm 1968, khi phát hiện ta chuyển quân về các vùng trung tâm dân cư, Mỹ đã huỷ bỏ các cuộc hành quân mà chúng dự kiến trong cuộc phản công chiến lược lần thứ ba, co về vùng vành đai Sài Gòn, hình thành ba tuyến phòng thủ.

Ở vòng ngoài: trên hướng tây bắc có Sư đoàn 25 (thiếu Lữ đoàn 3) Mỹ đóng ở Đồng Dù (cách Sài Gòn 30 km), Lữ đoàn 3 (Sư đoàn 101 dù) Mỹ đóng ở Củ Chi, Sư đoàn bộ binh 25 ngụy ở Bến Cát cùng nhiều tiểu đoàn biệt động quân và một số đại đội bảo an.

Hướng bắc có Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ đóng ở Lai Khê, Lữ đoàn 2 (Sư đoàn dù 101) đóng ở Phước Vĩnh, Trung đoàn 11 thiết giáp Mỹ đóng ở Bàu Khai - Bến Cát, Sư đoàn 5 ngụy đóng ở Bình Dương.

Hướng đông và đông bắc có Lữ đoàn 1 (Sư đoàn 9) bộ binh Mỹ đóng ở Biên Hoà, Lữ đoàn bộ binh nhẹ 199 đóng ở Long Bình, một lữ đoàn quân Thái Lan đóng ở Long Thành, một trung đoàn quân Ôxtrâylia đóng ở Phước Tuy, Sư đoàn bộ binh 18 ngụy đóng ở Phước Tuy, Long Khánh.

Hướng nam có lữ đoàn 2 và 3 (Sư đoàn 9 Mỹ) đóng ở Rạch Kiến (Long An) và Bình Đức (Mỹ Tho), Lữ đoàn thuỷ quân lục chiến ở Cai Lậy (Định Tường) và lực lượng giang thuyền của hải quân ngụy hoạt động trên vùng sông nước.

Sau tuyến vòng ngoài đến tuyến vùng ven. Tại đây, địch bố trí Liên đoàn 5 biệt động quân (gồm bốn tiểu đoàn) đóng thành hình vòng cung bao quanh Sài Gòn từ Nhà Bè, Bình Chánh đến Hóc Môn, Thủ Đức. Ngoài ra lực lượng bảo an, dân vệ đóng đồn tại các xã trên trục giao thông, các ngả đường dẫn vào thành phố, chưa kể mạng lưới tình báo, gián điệp, mật vụ cùng hệ thống bốt canh, trạm kiểm soát của địch giăng khắp mọi nơi.

Vòng trong, ngoài lực lượng bảo vệ lãnh thổ của Biệt khu Thủ đô, lực lượng cảnh sát dã chiến, Sài Gòn còn là nơi tập trung nhiều cơ quan chỉ huy (23 bộ chỉ huy sư đoàn, trung đoàn, 6 bộ chỉ huy lữ đoàn, liên đoàn và các bộ chỉ huy không quân, hải quân, pháo binh, thiết giáp...). Đây cũng là nơi tập trung nhiều cơ quan chỉ huy chiến lược của Mỹ - ngụy: Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ (MACV), Toà đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc lập, trụ sở của chính quyền Sài Gòn, các trung tâm huấn luyện, sân bay, kho tàng, hậu cứ địch... Vì vậy, lực lượng bảo vệ các cơ quan, căn cứ kho tàng, doanh trại này của địch trong thành phố rất đông. Một số tiểu đoàn, đại đội quân Mỹ, lực lượng tổng dự bị ngụy ở Sài Gòn được chúng bố trí ở sân bay Tân Sơn Nhất và các trại Đống Đa, Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo... khi cần có thể tung đi ứng cứu các nơi.

Với lực lượng phòng thủ của địch mạnh như vậy, để thắng được chúng trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ngoài việc thực hiện các đòn nghi binh đánh lạc hướng, thu hút bớt lực lượng địch sang các mặt trận khác, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền đã đề ra một phương án tiến công và nổi dậy táo bạo. Đó là việc dùng toàn bộ lực lượng của Đoàn F100 (được chia thành các đội) và biệt động các cánh bất ngờ đánh chiếm chín mục tiêu, làm tê liệt sức kháng cự của địch trong một thời gian ngắn, chờ các tiểu đoàn mũi nhọn (thuộc các phân khu) và lực lượng thanh niên, sinh viên đến tiếp ứng, mở rộng phạm vi kiểm soát, phát động nhân dân vùng dậy khởi nghĩa. Trong lúc đó, các sư đoàn, trung đoàn chủ lực chặn đánh địch ở vòng ngoài nhằm kìm chân, không cho chúng vào cứu nguy cho nội đô và sẵn sàng tiến công vào thành phố khi cần thiết.

Theo kế hoạch, hiệu lệnh tổng tiến công ở Sài Gòn - Gia Định là loạt pháo hoả tiễn ĐKB bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ chỉ huy MACV lúc giao thừa (đêm 29 rạng ngày 30-1-1968 ), song phải đến 2 giờ sáng mùng 1 Tết Mậu Thân (tức 30-1-1968 - theo lịch miền Nam), cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở trọng điểm Sài Gòn - Gia Định mới bắt đầu.

Tại khu vực Bộ Tổng tham mưu ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất, cụm biệt động 2 (gồm các đội 6, 7, 9) do đồng chí Đỗ Tấn Phong chỉ huy đánh vào cổng 5 Bộ Tổng tham mưu và cổng Phi Long (sân bay Tân Sơn Nhất). Sau ít phút tiến công, ta chiếm được cả hai cổng. Song, lực lượng ta ít, Tiểu đoàn 267 (phân khu 2) và Trung đoàn 16 (Phân khu 1) không đến kịp như dự kiến, địch phản kích quyết liệt, bộ đội ta không lọt được vào bên trong. Sau gần một ngày, dựa vào các toà nhà dọc phố Trương Quốc Dung, cán bộ, chiến sĩ ta kiên cường đánh địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, bắn cháy hai xe bọc thép, đến 14 giờ ngày 30-1-1968, bị tổn thất và hết đạn, ta buộc phải rút lui.

Tại Đài phát thanh Sài Gòn, Đội biệt động số 4 (cụm 1) do đồng chí Nguyễn Văn Tăng chỉ huy, sau ba phút chiến đấu đã chiếm được đài, loại khỏi vòng chiến đấu một trung đội cảnh sát dã chiến bảo vệ. Nhưng nhân viên kỹ thuật và bộ phận chính trị phụ trách phát thanh của ta bị địch ngăn chặn ở Phú Thọ Hoà không đến kịp nên ý đồ sử dụng Đài phát thanh làm công cụ tuyên truyền, gây tiếng vang dư luận không thực hiện được. Nhận rõ vị trí quan trọng của Đài phát thanh, ngay sau khi đài bị mất, địch đã dùng cả trực thăng vũ trang, xe tăng yểm trợ nhanh chóng tổ chức lực lượng phản kích. Chỉ 15 phút sau khi ta nổ súng, chúng đã hình thành thế bao vây toàn khu vực. Tiểu đoàn 3 Dĩ An (Phân khu 5) không đến chi viện kịp như đã hiệp đồng. Cuộc chiến diễn ra không cân sức. Sau ba ngày chiến đấu quyết liệt ta phá hỏng một góc Đài phát thanh. Lực lượng biệt động của ta thương vong gần hết (chỉ còn hai nữ đồng chí phục vụ viên).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:42:27 pm »


Ở Toà đại sứ Mỹ, lúc 2 giờ 30 phút ngày 30-1-1968, 17 chiến sĩ Đội biệt động số 11 do đồng chí Ngô Thành Vân (Ba Đen) chỉ huy dùng xe du lịch có hoả lực B40 yểm trợ đột nhập thẳng cổng Toà đại sứ. Sau khi diệt hai quân cảnh Mỹ gác ở cổng, ta dùng thuốc nổ phá huỷ tường tiến đánh vào bên trong, chiếm gần hết tầng 1 phát triển lên tầng 2 và 3 Toà đại sứ. Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các chiến sĩ đánh Đại sứ quán Mỹ là phải bắt sống Đại sứ Bâncơ (Bunker). Vì vậy, Ba Đen đã tổ chức lục soát khắp các phòng, nhưng các nhân viên an ninh sứ quán Mỹ đã lén đưa được Bâncơ rời khỏi biệt thự của y bằng một chiếc xe bọc thép sang ẩn nấp trong một hầm bí mật ở một địa điểm khác. Cùng lúc đó, đạn súng cối và tiểu liên của ta bắn vào các biệt thự dùng để tiếp quan chức và nhân vật quan trọng Mỹ. Địch phản kích quyết liệt. Chỉ 20 phút sau khi ta đánh Đại sứ quán, một toán quân cảnh Mỹ đến cứu viện, nhưng bị ta bắn chặn, địch không vào được cổng chính. 7 giờ sáng ngày 30-1-1968, một trung đội quân cảnh Mỹ lọt được vào cổng chính. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch trong sứ quán diễn ra quyết liệt. Chúng nhiều lần dùng máy bay lên thẳng đổ quân xuống nóc Toà đại sứ Mỹ. Chiếc trực thăng đầu tiên bị ta bắn mãnh liệt đã không đổ quân xuống được khi trời chưa sáng.

9 giờ sáng ngày 30-1-1968, địch đổ được một bộ phận lực lượng Sư đoàn dù 101 xuống sân thượng Toà đại sứ. Các chiến sĩ Đội 11 dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Toàn đội bị thương vong và bị bắt. Lực lượng tăng viện của ta không đến được như đã hiệp đồng. Trận đánh Toà đại sứ Mỹ kết thúc.

Việc ta đánh chiếm và trụ lại trong Toà đại sứ Mỹ tới hơn sáu giờ đồng hồ đã gây một tiếng vang lớn, làm chấn động nước Mỹ. Tất cả các cấp chỉ huy quân sự, ngoại giao ở Sài Gòn và cả nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt. 9 giờ 30 phút sáng ngày 30-1-1968, Oétmolen có mặt ở Đại sứ quán chứng kiến “khu sứ quán thật là hỗn độn, xác người Mỹ và người Việt Nam vẫn nằm ngổn ngang. Nhưng không giống như hầu hết các chiến trường, các nhà báo, các nhà quay phim vô tuyến truyền hình Mỹ hình như có mặt khắp mọi nơi. Nét mặt họ ánh lên nỗi buồn bực và tâm trạng không tin tưởng như thể sự tận cùng của thế giới đã đến nơi rồi”1. Oétmolen báo cáo với Giônxơn rằng, Mỹ đã làm chủ tình hình. Tổng thống Mỹ nói chua chát: “Việt cộng đã đi dạo mát trong sứ quán của ta rồi”.

Tại Bộ Tư lệnh Hải quân, 16 chiến sĩ Đội biệt động số 3 (Cụm 1) do đồng chí Trần Văn Lém (Bảy Lốp) chỉ huy dùng hai xe du lịch đưa lực lượng ta đến trước mục tiêu lúc 2 giờ 50 phút ngày 30-1-1968. Sau khi diệt hai lính gác ở đầu cầu Cửu Long, ta đánh bộc phá mở cửa. Một tiếng nổ long trời, lở đất, vách tường bị khoét một lỗ thủng lớn. Ta đột nhập vào bên trong nhưng bị hoả lực địch ngăn chặn mạnh, không phát triển được. Các chiến sĩ ta anh dũng chiến đấu cho đến khi hy sinh gần hết, chỉ còn hai đồng chí về được căn cứ và Phân khu 4.

Tại Dinh Độc lập, 18 chiến sĩ Đội biệt động số 5 (Cụm 1) do đồng chí Trương Hoàng Thanh chỉ huy tiến công vào dinh từ cổng bên đường Nguyễn Du. Ta dùng ba xe hơi loại nhỏ (trong đó có một xe chở chất nổ để phá mục tiêu). Đến gần dinh, lính gác phát hiện bắt phải dừng xe, các chiến sĩ ta lập tức nổ súng diệt lính gác và dùng bộc phá để phá cổng cho xe chở chất nổ vào trong. Nhưng bộc phá không nổ, chỉ có tổ đột phá lọt được vào bên trong. Địch từ ngôi nhà án ngữ bên trái bắn ra xối xả, ba đồng chí của ta bị thương. Số còn lại chiến đấu quyết liệt với lực lượng bảo vệ của địch.

Gần sáng, bộ binh địch được xe tăng, xe bọc thép yểm trợ đến tăng viện. Lực lượng ta phải lui ra chiến đấu ngoài khu vực cổng chờ bộ phận tăng cường theo hiệp đồng. Chờ mãi không thấy, các chiến sĩ Đội 5 buộc phải lùi lên cao ốc 56 Thủ Khoa Huân cố thủ. Địch dùng thang cứu hoả trèo vào các tầng lầu, cố đẩy ta ra khỏi cao ốc. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt. Đồng chí Lê Tấn Quốc hy sinh, đội trưởng Trương Hoàng Thanh bị bắt. Số còn lại kiên cường đánh trả địch đến viên đạn cuối cùng rồi theo các tầng lầu, nóc nhà, ra đến số 8 Gia Long thì bị bắt. Trận đánh kết thúc lúc 17 giờ ngày 30-1-1968.

Tại các khu vực Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Khám Chí Hoà, do các đội biệt động 1, 2, 8 thuộc Cụm 3 và Đội 90C bị địch cản trở ngay từ lúc xuất phát hành quân nên không đến được mục tiêu như đã định.

Như vậy ở nội thành Sài Gòn, lực lượng biệt động thuộc Phân khu 6 trong ngày mùng 1 Tết Mậu Thân 1968 (theo lịch miền Nam - tức 30-1-1968 ) đã tiến công 6/9 mục tiêu chủ yếu. Mặc dù chiến đấu rất dũng cảm, song lực lượng địch mạnh, các chiến sĩ đặc công, biệt động của ta chiến đấu đơn độc, các lực lượng tăng cường không đến kịp theo kế hoạch, nên ta chỉ chiếm được Đài phát thanh và Toà đại sứ, giữ trong thời gian ngắn, các mục tiêu khác ta không vào được bên trong. Đa số các đội biệt động tham gia tác chiến bị tổn thất nặng.
_______________________________________
1. Oétmolen: Một quân nhân tường trình, Sđd, tr. 177.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:43:17 pm »


Ở các quận nội thành, phối hợp với lực lượng biệt động của phân khu, các đội vũ trang, bán vũ trang của các ngành, các giới tổ chức đánh địch tại chỗ và phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở một số khu vực.

Đội vũ trang thanh niên thuộc Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định chiếm giữ khu vực Bàn Cờ (quận 3) trong 10 ngày.

Đơn vị nữ biệt động nội thành Sài Gòn (một trung đội) hoạt động ở khu vực Gò Vấp, quận 6 diệt nhiều ác ôn, phá huỷ một số phương tiện vận tải của địch (ở trại Lê Lợi), chị em còn vận động nhiều tân binh địch (ở trại số 3) đào rã ngũ.

Lực lượng vũ trang của Hội Phụ nữ giải phóng thành phố vừa đánh địch, vừa vận động quần chúng xuống đường trừng trị ác ôn, làm chủ nhiều khu phố...

Đội vũ trang thuộc tổ chức Hoa vận hoạt động trên địa bàn quận 5, quận 6 dùng súng ngắn, mìn, lựu đạn đánh bốt Bà Hoà, Ngô Quyền và đánh địch trên đường phố, diệt hàng trăm cảnh sát, trong đó có tên quận phó. Trong lúc đó, ở các vùng ven đô và lân cận, các tiểu đoàn mũi nhọn thuộc các phân khu cũng hoạt động tích cực.

Trên hướng bắc và tây bắc (Phân khu I), Tiểu đoàn 1 Quyết thắng và Tiểu đoàn 4 đặc công Gia Định (thuộc Trung đoàn Quyết thắng) tiến công trại Phù Đổng (căn cứ thiết giáp của địch) và trại Cổ Loa (căn cứ pháo binh). Ở trại Phù Đổng, địch phản ứng yếu ớt, ta nhanh chóng chiếm Bộ chỉ huy thiết giáp sau đó phát triển tiến công kho quân cụ, căn cứ 50 truyền tin... Ở căn cứ pháo binh Cổ Loa, sau 30 phút chiến đấu ta làm chủ mục tiêu, phá huỷ nhiều khẩu pháo, diệt nhiều địch. Hai tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến (thuộc Chiến đoàn B) đến giải toả, nhưng đến trưa ngày 30-1-1968, ta vẫn làm chủ tình hình và tiếp tục phát triển tiến công ở khu vực ngã năm Hoà Bình, ngã ba Cây Thị, chợ Bàn Cờ. Địch điều thêm quân đến tăng viện. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Đến 10 giờ ngày 31-1-1968 địch chiếm lại được trại.

Cùng trên hướng này, Tiểu đoàn 2 Gò Môn được giao nhiệm vụ đánh chiếm cổng 4 Bộ Tổng tham mưu, song trên đường tiếp cận mục tiêu, đơn vị đi lạc. 4 giờ sáng 30-1-1968, đơn vị mới đến vị trí triển khai đội hình tiến công. 7 giờ sáng ngày 30-1, trận đánh vào cổng 4 mới bắt đầu. Trong điều kiện địch đông hơn, yếu tố bất ngờ không còn nữa, song tiểu đoàn vẫn tiến công được vào trong, chiếm kho đạn và Trường sinh ngữ quân đội ngụy. Trong ngày 30 và 31-1-1968, địch tăng cường đến khu vực này hai tiểu đoàn dù thuộc lực lượng tổng trù bị (tiểu đoàn 6 và 8 ). Dựa vào công sự cũ phía trong hàng rào, Tiểu đoàn 2 Gò Môn đánh bật được các mũi phản kích của địch. Đơn vị trụ lại đến hết ngày 31-1. Tối 1-2, biết không trụ lại được, tiểu đoàn tổ chức lui quân. Tiểu đoàn có trên 500 người, trên đường rút bị thương vong nặng, về đến căn cứ quân số chỉ còn 28 đồng chí.

Hướng tây - tây nam (Phân khu 2), Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn đặc công 12 tiến công sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo hiệp đồng, 2 giờ ngày 30-1-1968, lực lượng thuộc Phân khu 2 đánh vào phía tây sân bay hiệp đồng với Trung đoàn 16 thuộc Phân khu,1 đánh sân bay từ phía bắc. Song quá giờ quy định 15 phút, Trung đoàn 16 vẫn chưa đến được mục tiêu. Ban chỉ huy cánh 1 của Phân khu 2 quyết định nổ súng. Ta chiếm được hai lô cốt án ngữ bên ngoài sân bay và thọc sâu vào chỉ còn cách đường băng khoảng 400m thì hai xe tăng M.48 và Tiểu đoàn 8 quân dù ngụy phản kích. Bộ đội ta phải lui ra khu vực Hãng dệt Vinatexco và cầu Tham Lương trụ bám đánh quân phản kích đến hết ngày 30-1-1968. Trong khi đó, Tiểu đoàn 267 có nhiệm vụ tiếp viện cho cụm biệt động 2 đánh cổng 5 Bộ Tổng tham mưu, song đơn vị bị địch chặn lại ở ngã tư Bảy Hiền buộc phải lui ra khu vực cầu Tham Lương cùng Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn đặc công 12 đánh địch phản kích.

Cũng trên hướng này, ở phía tây nam, Tiểu đoàn 6 Bình Tân có nhiệm vụ thọc sâu, tiếp sức cho cụm biệt động số 3 đánh Biệt khu Thủ đô, song cũng bị địch ngăn chặn suốt tám giờ không đến được mục tiêu. Đơn vị phải chia làm nhiều mũi đánh chiếm Trại cảnh sát ngụy ở Trường đua Phú Thọ rồi phát triển theo đường Trần Quốc Toản, Bà Hạt, Nguyễn Lâm, Nguyễn Kim, Nguyễn Tri Phương... Tiểu đoàn 8 biệt động quân ngụy từ Nhà Bè kéo về giải toả. Tiểu đoàn 6 Bình Tân chiến đấu quyết liệt ở khu vực Trường đua đến hết ngày 30-1 và bị nhiều thương vong. Đêm 31-1, Tiểu đoàn 6 phải rút về căn cứ.

Hướng nam (Phân khu 3), các tiểu đoàn mũi nhọn thuộc phân khu chia làm ba cánh tiến vào Sài Gòn. Cánh 1 có Tiểu đoàn 2 Long An đánh vào Phú Định, Lò Gốm, Hãng rượu Bình Tây diệt địch ở đây rồi phát triển theo đường Hậu Giang, Tháp Mười đến Chợ Thiếc.

Cánh 2 gồm Tiểu đoàn 1 Long An và Tiểu đoàn 2 Phú Lợi thọc vào quận 8 để phối hợp với cụm biệt động 3 đánh chiếm Tổng nha cảnh sát, song bị địch chặn ở phía bắc cầu Nhị Thiên Đường. Tại đây Tiểu đoàn 1 Long An chiến đấu quyết liệt sau đó tiếp tục đánh địch phản kích ở phường Bến Đá, Hùng Thái, còn Tiểu đoàn 2 Phú Lợi lui ra Đa Phước giữ phía sau đội hình tiến công của Tiểu đoàn 1 Long An.

Cánh 3, Tiểu đoàn 5 Nhà Bè làm nhiệm vụ tiếp ứng cho cụm biệt động 3 đánh Bộ Tư lệnh Hải quân bị địch chặn ở Tân Quy nên phải dừng lại đánh địch ở khu vực này.

Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Đồng Nai) tiến công thị xã Tân An nhưng chỉ đánh được ven thị xã sau đó rút về Hưng Long.

Hướng đông và đông bắc (phân khu 4 và 5): lúc 2 giờ ngày 30-1-1968, Tiểu đoàn 3 Dĩ An đánh chiếm Chi khu cảnh sát Hàng Xanh. Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 3 Dĩ An phải đến chi viện cho Đội biệt động 4 (Cụm 1) đánh chiếm Đài phát thanh. Song sau khi đánh chiếm Chi khu cảnh sát Hàng Xanh, địch đưa lực lượng đến giải toả, Tiểu đoàn phải liên tục đánh địch phản kích tại khu vực Hàng Xanh - Cầu Sơn đến 19 giờ ngày 30-1-1968. Trung đoàn Đồng Nai (trừ Tiểu đoàn 1 tăng cường cho Long An - Phân khu 3) có nhiệm vụ phá cầu Bình Lợi, nhưng đại đội công binh của trung đoàn đi lạc không đến được mục tiêu, ý định phá cầu không thực hiện được. Cùng hướng, Tiểu đoàn 4 Thủ Đức (Phân khu 4) tiến công cầu xa lộ và đánh địch phản kích, một tiểu đoàn của Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 9 (lực lượng tăng cường cho Phân khu 4) tiến công Chi khu Thủ Đức nhưng không dứt điểm được.

Nhìn lại các mũi, các hướng thuộc các phân khu, bộ đội ta tuy chiến đấu dũng cảm, đánh chiếm được một số mục tiêu vòng ngoài, song lực lượng địch trên tuyến phòng thủ vùng ven khá mạnh, vì vậy hầu như các tiểu đoàn mũi nhọn không thực hiện được nhiệm vụ tiếp sức cho lực lượng biệt động trong nội đô đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu như đã dự định. Qua quá trình chiến đấu, lực lượng ta bị thương vong, tiêu hao nhiều, có tiểu đoàn chỉ còn 1/5 đến 1/10 quân số.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:44:23 pm »


Ở vòng ngoài, các đơn vị chủ lực Miền đánh vào các sở chỉ huy căn cứ, kho tàng, bàn đạp xuất phát tiến công của địch, ngăn không cho chúng tăng cường lực lượng ứng cứu cho nội thành. Đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 cùng đặc công Miền và lực lượng vũ trang địa phương tiến công sân bay Biên Hoà, kho Long Bình, Bộ chỉ huy dã chiến 2 Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn III ngụy. Sư đoàn 9 chủ lực Miền đánh Trường võ khoa Thủ Đức, diệt một số bốt ở Củ Chi, tiêu hao và giam chân Lữ đoàn 1 (Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ). Sư đoàn 7 Quân giải phóng tiến công Sở chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy tại Bến Cát, tập kích các cụm quân thuộc Sư đoàn bộ binh 1 Mỹ.

Tại các huyện ngoại thành, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương vừa dốc sức phục vụ tổng tiến công, vừa trực tiếp phối hợp với nội thành đánh địch.

Tiểu đoàn 7 bộ đội địa phương huyện Củ Chi cùng du kích tiến công Chi khu Củ Chi, Chi khu Phú Hoà, bắt sống tên chỉ huy phó chi khu và nhiều tay chân đắc lực của Mỹ. Nhiều đồn địch bị ta diệt hoặc bức hàng, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.

Ở Gò Vấp và Hóc Môn, lực lượng vũ trang cùng nhân dân diệt các đồn An Phú Đông, Tân Thới Hiệp, Nhị Bình, Đông Thạnh, Vàm Thuật..., đánh chiếm và làm chủ quận lỵ Hóc Môn suốt ba ngày liền.

Các huyện Tân Bình, Bình Chánh, Duyên Hải... tranh thủ thời cơ địch tập trung ứng cứu trong nội đô, các lực lượng vũ trang địa phương vừa đánh địch, vừa phát loa kêu gọi binh lính địch trở về với nhân dân. Nhờ vậy, nhiều đồn ta lấy được không tốn một viên đạn...

Huế - trọng điểm thứ hai của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đây là thành phố lớn thứ ba của miền Nam (sau Sài Gòn và Đà Nẵng). Lực lượng địch ở đây khá mạnh. Toàn mặt trận Huế có khoảng 25.000 đến 30.000 quân (nòng cốt là Sư đoàn 1 bộ binh).

Phía bắc thành phố (khu tả ngạn), Sư đoàn 1 bộ binh ngụy đặt Sở chỉ huy tại đồn Mang Cá với khoảng 700 tên thuộc cơ quan sư đoàn bộ và các đại đội bảo vệ, đại đội quân y, đại đội chiến tranh tâm lý...

Sân bay Tây Lộc có khoảng 250 đến 300 tên địch, bao gồm một đại đội vận tải với 40 máy bay lên thẳng và 100 xe các loại, một bộ phận nhân viên kỹ thuật và lính bảo vệ.

Khu Đại Nội có đại đội thám báo ngụy, quân số khoảng 120 tên. Ngoài ra còn có tám trung đội cảnh sát được trang bị tương đối hiện đại đóng rải rác ở các khu phố, làm nhiệm vụ trấn áp quần chúng nhân dân, bốn tiểu đoàn ngụy và hai tiểu đoàn Mỹ đóng ở ngoại thành, làm lực lượng cơ động, sẵn sàng chi viện cho hướng bắc khi cần thiết. Chưa kể lực lượng phòng thủ cứ điểm tập trung ở căn cứ như Đồng Lâm (hai tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ, một chiến đoàn thiết giáp và một tiểu đoàn pháo), An Lỗ (một tiểu đoàn thuộc Chiến đoàn 2 ngụy và một đại đội pháo), căn cứ Rú Lầu - La Chữ - Từ Hạ (một tiểu đoàn bộ binh, một chi đoàn thiết giáp, một đại đội pháo), căn cứ Sịa (một tiểu đoàn thuộc Chiến đoàn 2 ngụy), Văn Thánh (một tiểu đoàn bộ binh).

Phía nam thành phố (khu hữu ngạn), Sở chỉ huy Tiểu khu Thừa Thiên đặt tại khu Phan Sào Nam. Bốt Cò cũ, có tiểu đoàn bộ của hai tiểu đoàn cảnh sát dã chiến. Các khách sạn Thuận Hoá, Hương Giang là nơi ở của các cố vấn và tình báo Mỹ. Đài rađa được bố trí ở sân vận động Huế. Các Toà khâm sứ cũ, Toà tỉnh trưởng Thừa Thiên, Nhà lao Thừa Phủ, khu cơ quan đại diện Trung phần, khu biệt kích, Trường sắc tộc, các kho, xưởng... đều có lực lượng bảo an canh giữ rất cẩn mật. Lực lượng cơ động của địch ở hướng này có sáu tiểu đoàn (hai tiểu đoàn Mỹ, bốn tiểu đoàn ngụy). Căn cứ lớn Phú Bài có hai tiểu đoàn bộ binh Mỹ, một tiểu đoàn pháo hỗn hợp và một chi đoàn xe tăng. Ở đây còn có sân bay dùng cho máy bay vận tải lên, xuống vận chuyển vật chất và binh lính, Trung tâm huấn luyện lính mới Đống Đa, thường xuyên có hai tiểu đoàn trở lên; Tam Thai - hậu cứ trung đoàn bộ Trung đoàn 7 thiết giáp ngụy, thường xuyên có từ hai chi đoàn xe tăng sẵn sàng cơ động chiến đấu; Phước Quả - Phú Cam, hang ổ của bọn đầu sỏ trong bộ phận Công giáo phản động, có lực lượng biệt kích bảo vệ.

Hướng phối hợp liên quan: nam Quảng Trị, địch bố trí hai tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ, Trung đoàn 1 (Sư đoàn bộ binh 1 ngụy), hai chi đoàn thiết giáp và hai tiểu đoàn pháo cùng lực lượng bảo an, cảnh sát, dân vệ (tổng cộng khoảng 10.000 tên). Phú Lộc (nam Thừa Thiên) có một tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ cùng lực lượng bảo an, dân vệ.

2 giờ 33 phút ngày 30-1-1968, pháo binh Quân giải phóng đồng loạt bắn phá các mục tiêu địch ở khu Tam giác, khu Phan Sào Nam, Phú Bài, Động Toàn, Đông Ba, mở đầu cho tổng tiến công vào Nội đô Huế. Sau loạt pháo mở màn, lực lượng ta trên hai hướng cùng lúc đánh vào 40 mục tiêu địch trong và ngoại thành Huế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:45:12 pm »


Đại đội 1 (Tiểu đoàn 12 đặc công) và Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6) đánh vào Mang Cá. Do không nắm chắc địa hình, các đơn vị phải dùng sức mạnh để đột phá vào cổng chính. Ngay từ phút đầu, bốn chiến sĩ của ta lọt được vào bên trong. Địch trên các nhà tầng bắn trả quyết liệt. Xe tăng địch tiến ra bịt cổng. Cả bốn chiến sĩ đều hy sinh. Ta dùng B40 đẩy lui xe tăng địch. Sau đó 14 chiến sĩ đặc công và 12 chiến sĩ bộ binh xung phong vào căn cứ chiếm được khu nhà đại đội quân y, đại đội chiến tranh tâm lý. Xe tăng địch phản kích giành giật với ta, cố bịt cho được cửa mở. Lực lượng ta từ phía sau lên tiếp viện không vượt qua được hoả lực rất mạnh của địch. Trận đánh ác liệt kéo dài, thương vong mỗi lúc một tăng. Đến 11 giờ trưa, toàn bộ lực lượng ta phải rút ra. Trận đánh vào Mang Cá chấm dứt.

Trong lúc Đại đội 1 (Tiểu đoàn 12 đặc công) và Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6) đánh Mang Cá thì Đại đội 2 (Tiểu đoàn 12 đặc công) phối hợp với Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6) đánh chiếm sân bay Tây Lộc. Được cơ sở bên trong hỗ trợ, một bộ phận đánh sân bay bí mật đột nhập qua cổng Thuỷ Quan, nhanh chóng theo sông Ngự Hà vào chiếm góc tây nam sân bay (gồm khu nhà lính bảo vệ và một phần khu vực để máy bay), phá hỏng 20 máy bay và một số xe quân sự. Bộ phận khác đánh qua cửa Chánh Tây vào phía tây bắc sân bay, chiếm khu thông tin, kho đạn. Địch phản kích, ta không trụ lại được, đến 20 giờ cùng ngày phải rút khỏi sân bay. Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, ta dùng lực lượng Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 6) đánh sân bay lần thứ hai. Đến 5 giờ ngày 31-1, ta chiếm toàn bộ sân bay. Song định từ Mang Cá ra phản kích chiếm lại. Tính chung cả hai đợt, ta phá hỏng 40 máy bay, 100 xe, đốt 1 kho đạn, 1 kho xăng.

Tại khu Đại Nội, Cột Cờ, 2 giờ 40 phút ngày 30-1-1968, Đại đội 4 đột phá cửa Hữu, dùng một mũi thọc sâu nhanh chóng chiếm khu Cột Cờ lúc 4 giờ 30 phút. Còn lại đại bộ phận của Đại đội 4 cùng Đại đội 3 theo đường Yết Kiêu, Lê Huân đánh vào khu Đại Nội. Đến 5 giờ sáng ta chiếm toàn bộ khu Đại Nội, diệt một đại đội thám báo và 130 tên cảnh sát ngụy, bắt 26 tên. 8 giờ sáng, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trên cột cờ báo hiệu ta đã làm chủ trung tâm thành phố Huế. Đến ngày 1-2, phần lớn Huế đã nằm trong tay lực lượng cách mạng, 90% dân chúng thành Huế đã giành được quyền làm chủ.

Phối hợp với các đòn đánh vào các mục tiêu chủ yếu như Mang Cá, sân bay Tây Lộc, khu Cột Cờ - Đại Nội, các lực lượng biệt động, đội công tác du kích, tự vệ mật cùng quần chúng cách mạng tiến công và nổi dậy làm chủ khu phố Gia Hội. Đây là khu phố đông dân ở phía đông nam thành phố bị địch kìm kẹp gắt gao. Ta đánh chiếm và giữ khu phố này trong nhiều ngày thể hiện sự thành công trong việc phát động quần chúng nổi dậy. Và, có ý nghĩa lớn là tạo thuận lợi cho cánh Bắc và cả thành phố Huế trụ lại đánh địch lâu dài.

Cùng với thành nội, các khu phố khác thuộc cánh Bắc lực lượng vũ trang và nhân dân cũng tiến công và nổi dậy giành quyền làm chủ.

3 giờ ngày 30-1, Tiểu đoàn 806 đánh chiếm khu vực An Hoà, Đốc Sơ, diệt và bắt toàn bộ địch ở đây, sau đó phát động quần chúng nổi dậy truy lùng ác ôn và tổ chức lực lượng sẵn sàng đánh địch phản kích.

Cùng thời gian, Tiểu đoàn 816 (Trung đoàn 9) phối thuộc tiến công địch ở các làng La Chữ, Quế Chữ, Bồn Trì, Bồn Phổ, diệt một đại đội chủ lực ngụy và nhiều ác ôn, dân vệ. Ta còn dùng súng cối bắn kiềm chế căn cứ pháo địch ở Từ Hạ và sân bay lên thẳng ở Liễu Cốc Thượng.

Tại huyện Hương Trà, lực lượng vũ trang địa phương cùng đông đảo quần chúng cách mạng nổi dậy đánh địch làm chủ nhiều vùng. Chính quyền cách mạng ở nhiều thôn xã được thành lập. Đây là thời kỳ phong trào cách mạng phát triển cao nhất trong vòng 20 năm nay ở huyện.

Trước đà tiến công và nổi dậy mạnh mẽ của lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng cả trong và ngoài thành phố thuộc cánh Bắc, địch phải rút bỏ một số đồn để tăng cường cho các vị trí khác; đồng thời chúng điều động quân ở các nơi về để giữ thành phố không bị rơi vào tay “cộng sản”.

Từ 8 giờ sáng ngày 31-1-1968, Tiểu đoàn 7 dù ngụy cùng với Chi đoàn 3 (Trung đoàn 7 thiết giáp) từ An Lỗ theo đường số 1 vào giải toả cho Huế. Song chúng bị Trung đoàn 6 đánh thiệt hại nặng, năm xe M113 bị phá huỷ, ba chiếc khác bị bát giữ.

Ngày 1-2-1968, Tiểu đoàn 3 ngụy ở Bồn Trì, Bồn Phổ cũng được điều vào trọng điểm Huế.

Ngày 2-2, địch tăng cường vào Mang Cá, Tây Lộc thêm hai tiểu đoàn dù 1 và 2.

Ngày 3-2, một tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ từ Đồng Lâm vào Liễu Cốc Thượng để phản kích đẩy ta ra khỏi La Chữ, Quế Chữ.

Lúc này, mặt trận Huế được tăng cường thêm Trung đoàn 8. Có thêm lực lượng, ta tổ chức đánh địch phản kích, đẩy lùi và ngăn chặn lính kỵ binh không vận Mỹ vào An Hoà.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:46:19 pm »


Sau mấy ngày công kích và khởi nghĩa trên cánh Bắc, ta chuyển hẳn sang đánh địch phản kích.

Ở cánh Nam, đường hành quân tiếp cận mục tiêu xa, các mục tiêu lại phân tán trên nhiều ngả, nhiều hướng. Trên đường đi, bộ đội ta bị địch phục kích, ngăn chặn, vì thế các mũi không thể nổ súng tiến công cùng lúc vào các mục tiêu. Mặc dù vậy, bộ đội ta cũng tiến công diệt được nhiều mục tiêu trọng yếu như Tiểu khu Thừa Thiên, Khách sạn Thuận Hoá, Trung đoàn 7 thiết giáp ngụy ở Tam Thai, tiểu đoàn công binh địch ở Nam Giao...

Tại Tiểu khu Thừa Thiên, sau tiếng súng lệnh ĐKB, Đội 2 (Tiểu đoàn 2 đặc công) đột nhập và nhanh chóng chiếm giữ mục tiêu sau đó phát triển tiến công Khách sạn Hương Giang và trạm rađa Mỹ.

Cùng lúc, Đội 1 (Tiểu đoàn 2) đánh vào Khách sạn Thuận Hoá. Đây là mục tiêu quan trọng nhất trong khu Tam giác vì nó là nơi đặt Sở chỉ huy của phái đoàn MACV và là nơi ở của cố vấn Mỹ. Địch phòng thủ kiên cố và chống trả quyết liệt. Ta đưa lực lượng dự bị vào tiến công, nhưng không diệt gọn được địch. 4 giờ ngày 30-1-1968, Đội 1 buộc phải rút ra cùng Đội 2 về vùng ngoại ô Vân Dương củng cố.

Đội 3 (Tiểu đoàn 2 đặc công) có nhiệm vụ phối hợp với biệt động thành đánh chiếm chợ An Cựu. Sau khi đã diệt gọn hai đoàn bình định tại đây, Đội 3 phát triển đánh địch ở cầu Kho Rèn, diệt một số cảnh sát, ác ôn, phá huỷ 23 xe M113. Lúc này, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 804) được giao nhiệm vụ đánh diệt mục tiêu Sở chỉ huy cảnh sát dã chiến ở bốt Cò cũng vừa đến cầu Kho Rèn (vì đi lạc). Hai đơn vị này phối hợp tiến công mục tiêu Sở chỉ huy cảnh sát, đến 9 giờ, ta hoàn toàn làm chủ trận địa.

13 giờ ngày 30-1-1968, một đại đội bộ binh cùng bốn xe tăng địch từ trại Lê Lợi ra phản kích hòng chiếm lại bốt Cò cũ. Đại đội 3 cùng Đội 3 dũng cảm chiến đấu diệt một số địch. Sau do lực lượng ta ít, buộc phải lui về ngã tư Lý Thường Kiệt - Đống Đa trụ lại. Trong lúc đó Đại đội 1 và Đại đội 2 (Tiểu đoàn 804) tiếp cận được mục tiêu thì trời đã sáng. Đại đội 2 phải quay ra chờ đến đêm 31-1 mới tiến công mục tiêu được phân công (trại Lê Lợi) còn Đại đội 1 đánh chiếm ngã sáu, Sở Bưu điện, Ty Ngân khố, sau đó phát triển đánh chiếm Đài phát thanh, đầu cầu Tràng Tiền (ở phía nam), song cũng không trụ lại được lâu. Đến ngày 1-2, toàn Tiểu đoàn 804 phải bật ra tuyến sông An Cựu đánh địch phản kích.

Cũng như Tiểu đoàn 804, Tiểu đoàn 815 bị địch phục kích, ngăn chặn nên không tiếp cận được các mục tiêu trong đêm như dự kiến.

Sáng 30-1, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 815) mới vượt được qua cầu Bến Ngự đánh chiếm Trường Quốc học Huế, Trường Đồng Khánh và Toà tỉnh trưởng (lúc 7 giờ sáng). Sau đó đại đội phát triển tiến công Nhà lao Thừa Phủ, giải phóng 2.200 tù chính trị. Trong số này, gần một nửa (1.000 người) được bổ sung kịp thời cho các đơn vị, làm tăng thêm sức chiến đấu.

Đại đội 3 (Tiểu đoàn 815) cũng sáng 30-1 mới đến cầu Nam Giao cùng với Đại đội 6 - Tiểu đoàn 818 (lực lượng dự bị của cánh Nam) đánh địch chiếm Trường sắc tộc (huấn luyện cho người Thượng), Toà đại diện “Chính phủ cao nguyên Trung phần”. Cùng thời gian này, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 815) tiến công tiểu đoàn công binh địch ở Bồ Ghè nhưng không thành công.

Đêm 3-2, được tăng cường một khẩu đội ĐKZ 75, một khẩu đội cối 82 mm, Đại đội 1 và Đại đội 3 phối hợp tiến công vào tiểu đoàn công binh ngụy lần thứ hai. Trận đánh kéo dài đến ngày 5-2 không dứt điểm được. Địch tăng cường lực lượng đến phản kích, Tiểu đoàn 815 bị địch đánh bật ra khỏi thành phố, phải rút về nam sông An Cựu.

Như vậy, cho đến ngày 7-2-1968, toàn bộ lực lượng đánh vào hữu ngạn thành phố (khu Tam giác) thuộc cánh Nam đều phải rút ra đứng ở vòng cung sông An Cựu và sông Vân Dương ngoại ô thành phố làm nhiệm vụ kiềm chế, bao vây, ngăn chặn địch ở ngoài tiếp viện cho nội đô, tạo điều kiện cho lực lượng ta ở cánh Bắc trụ vững đánh địch trong thành nội.

Cũng như trên cánh Bắc, ngoài lực lượng đánh vào thành phố, ở cánh Nam còn có một bộ phận đánh ở vòng ngoài. Đó là các Tiểu đoàn 1 đặc công, Tiểu đoàn 818, Tiểu đoàn 810 cùng bộ đội các huyện Hương Thuỷ, Phú Vang...

Vào lúc 2 giờ 33 phút ngày 30-1-1968, khi Đội 3 (Tiểu đoàn 2 đặc công) tiến công Tiểu khu Thừa Thiên, thì Tiểu đoàn 1 đặc công (thiếu) được tăng cường bốn khẩu ĐKZ 75, bốn khẩu cối 82 mm và một trung đội thuộc Tiểu đoàn 818 tiến công vào Trung đoàn 7 thiết giáp ngụy ở Tam Thai. Đây là một trong những mục tiêu rất quan trọng bởi thiết giáp là binh chủng chủ yếu có khả năng tiếp ứng, giải vây nhanh. Nếu đánh diệt được trung đoàn này, ta có điều kiện đánh chiếm và trụ bám ở các mục tiêu trọng yếu khác. Với một quyết tâm cao và tinh thần chiến đấu dũng cảm, các chiến sĩ đặc công, bộ binh và pháo cối mang vác đã đánh chiếm gần hết căn cứ Tam Thai, phá hỏng 35 xe tăng, xe thiết giáp, thu một số súng đạn. Địch còn lại cố sức chống trả quyết liệt, trận đánh kéo dài đến ngày 2-2-1968, ta phải rút về Ngũ Tây củng cố.

Cùng thời gian này, Đội 5 (Tiểu đoàn 1 đặc công) được tăng cường một trung đội thuộc Tiểu đoàn 818 tiến công tiểu đoàn công binh địch ở Nam Giao. Chỉ sau 30 phút chiến đấu ta diệt 100 tên, bắt 12 tên, phá 10 xe quân sự. Vì không đủ sức trụ bám, 7 giờ sáng 30-1, ta lại rút ra. Đây cũng là lúc mà Đại đội 8 (Tiểu đoàn 818 ) đánh địch đóng trong khu Nhà thờ Phước Quả. Nhà thờ nằm trên một quả đồi phía nam thành phố. Địch lợi dụng danh nghĩa Công giáo để xây dựng nơi đây thành một tụ điểm ác ôn, một trung tâm huấn luyện biệt kích với những khu nhà kiên cố được bao bọc xung quanh bằng một hệ thống hàng rào dây thép gai không kém gì những căn cứ quân sự của Mỹ. Lần đầu ta đánh vào Phước Quả không thành. Ngày 1-2, được tăng cường hai khẩu ĐKZ 75, Đại đội 8 (Tiểu đoàn 818 ) tiến công Phước Quả lần thứ hai, diệt toàn bộ bọn phản động ở đây, thu 200 súng. Trong lúc đó Đại đội 6 (Tiểu đoàn 818 ) tiến công đánh chiếm trại Lê Lợi, trại Quang Trung, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng của địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:54:26 pm »


Tại các huyện tiếp giáp trực thuộc cánh Nam, Tiểu đoàn 810 tiến công vào Đại đội 3 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 3) ngụy ở Dưỡng Mông, diệt 45 tên, sau đó phát triển tiến công diệt tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 4 ở Tam Đông và số địch còn lại ở Đồng Di.

Ngày 2-2, Tiểu đoàn 810 cùng đặc công đánh trạm rađa Mỹ, Nhà lao Thẩm Vấn...

Để hỗ trợ cho lực lượng ta đánh địch trong thành phố, Ban chỉ huy cánh Nam quyết định dùng hoả lực tập kích địch ở Phú Bài (nơi có lực lượng pháo binh Mỹ đóng giữ) và Động Toàn (nơi có thiết giáp Mỹ) nhằm hạn chế hoả lực ở các căn cứ này chí viện cho thành phố.

Tại các huyện Hương Thuỷ, Phú Vang, bộ đội địa phương huyện, các đội biệt động, đội công tác cùng quần chúng cách mạng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ trên nhiều khu vực. Nhiều nơi, chính quyền cách mạng được thiết lập.

Nhìn chung, trong những ngày đầu tổng tiến công và nổi dậy ở thành phố Huế ta đánh chiếm được một số mục tiêu chủ yếu, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy giành được chính quyền ở một số nơi. Mặt trận Liên minh dân tộc, dân chủ và hoà bình thành phố ra đời, tiếp đó Uỷ ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên - Huế được thành lập. Đó là một thắng lợi hết sức to lớn. Hãng tin Pháp AFP ngày 7-2-1968 đã bình luận: “Sau một đêm đánh nhau, Việt cộng đã kiểm soát 90% dân chúng thành phố Huế. Ngay sáng hôm sau, bộ máy hoạt động và cổ động chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã bắt tay vào làm việc. Rõ ràng họ có một tổ chức mạnh mẽ trong thành phố này vì họ có thể huy động rất nhiều người ra làm việc cho họ”. Còn Hãng tin Anh Roitơ (cũng ngày 7-2-l968 ) thì ca ngợi : “Sau 5 ngày đánh nhau ác liệt giành giật từng ngôi nhà, quân cộng sản vẫn chiếm hơn một nửa thành phố Huế và quân “chính phủ” tiến dần từng bước một cách vất vả. Các nhà quân sự ở đây cảm thấy rằng quân cộng sản chứng tỏ là họ có thể vào và ra Huế bất cứ khi nào họ muốn. Cho đến nay không có dấu hiệu nào tỏ ra là họ có ý định rút lui”.

Mặc dù vậy, yếu tố bất ngờ mất dần, một số mục tiêu quan trọng như đồn Mang Cá, khách sạn Thuận Hoá, sân bay Tây Lộc... ta chưa dứt điểm được, thế giằng co kéo dài ở một số nơi, chiến đấu liên tục, thương vong nhiều, vật chất bị tiêu hao không kịp bổ sung. Đó là những khó khăn mà quân và dân thành phố Huế phải đối mặt trên chặng đường tiếp theo của tổng tiến công và nổi dậy ở một trong hai hướng trọng điểm này.

Phối hợp với trọng điểm Huế, tại nam Quảng Trị, mặc dù địch bố trí lực lượng phòng thủ khá dày đặc (vì từ 23 đến 31-1-1968 ta đánh mạnh trên Đường 9 nên địch dự kiến sẽ có đánh lớn ở Quảng Trị), 3 giờ sáng ngày 1-2, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 2) vượt sông Thạch Hãn đánh vào Nhà đèn, Ty Cảnh sát, Toà tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan bình định và trụ sở MACV. Tiểu đoàn 814 đánh địch ở Tri Bưu sau đó phát triển sang phường Đệ Tứ. Đến Thành Cổ thì bị Trung đoàn 1 ngụy chặn lại, Tiểu đoàn phải chuyển sang trụ bám bên ngoài đánh địch phản kích suốt ngày 1-2. Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 2) đánh vào La Vang, Tiểu đoàn 10 đặc công đánh điểm cao 49. Đến tối 1-2-1968, các lực lượng tiến công của ta ở nam Quảng Trị đều bị giảm sức chiến đấu phải rút ra vòng ngoài. Trong khí đó, nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng, Bến Đá rầm rộ nổi dậy cùng bộ đội địa phương bao vây địch ở trong các quận lỵ, cầu Nhùng, Bến Đá làm chủ đoạn quốc lộ 1 từ Diên Sanh đến Mỹ Chánh.

Ở hướng Phú Lộc (mặt trận phối hợp), đêm 31-1-1968, ta mới tiếp cận được các mục tiêu và nhanh chóng đánh chiếm quận lỵ, cắt đứt quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng ra Huế. Đồng thời ta phá sập Cầu Hai, cầu Nước Ngọt, giải phóng khu vực xung yếu ven biển và phía nam Cầu Hai, khu vực Truồi.

Đà Nẵng - một trong những thành phố lớn và là căn cứ liên hợp quân sự đứng vào hàng thứ hai ở miền Nam Việt Nam, là một trong bốn hướng tiến công quan trọng nhất của Khu V. Lực lượng địch ở đây mạnh, đặc biệt là quân Mỹ (khoảng tám vạn tên) đóng tập trung ở hai khu liên hợp quân sự lớn Chu Lai và Đà Nẵng. Tại hai khu này, quân Mỹ đóng tới bốn bộ tư lệnh sư đoàn (Sư đoàn bộ binh 2, Sư đoàn Amêricơn, Sư đoàn 1 và Sư đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ). Riêng quân ngụy cả chủ lực và địa phương có tới 34.500 tên. Bộ Tư lệnh Quân đoàn I ngụy đóng ở thành phố Đà Nẵng. Ngoài lực lượng Mỹ và ngụy, còn có trên 5.000 lính đánh thuê Nam Triều Tiên (thuộc Sư đoàn lính thuỷ đánh bộ Rồng Xanh). So với ta, lực lượng quân sự địch mạnh hơn nhiều lần. Song, ta có lực lượng chính trị hùng hậu. Toàn thành phố Đà Nẵng có 250 đảng viên và 3.000 cơ sở hoạt động ở khắp các cơ quan, xí nghiệp. Quần chúng nhân dân trong thành phố cũng như các vùng ngoại ô, vùng ven được tập hợp đông đảo, sẵn sàng nhất tề nổi dậy khi có lệnh. Nhằm phát huy thế mạnh này, tỉnh Quảng Đà chủ trương động viên toàn bộ lực lượng quân sự và chính trị, lấy khởi nghĩa của quần chúng là chủ yếu để đánh đổ ngụy quyền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 09:55:22 pm »


Đúng 1 giờ ngày 29-1-1968 (30-12 Đinh Mùi), trước Tết Mậu Thân một ngày (theo lịch miền Nam), cùng với các tỉnh đồng bằng trong khu và Tây Nguyên, các trung đoàn pháo 575, 577 bắn phá sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn và một số vị trí địch trong thành phố mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Trong lúc ở nội đô, lực lượng tự vệ, biệt động đánh chiếm một số mục tiêu quân sự địch thì ở phía bắc, Trung đoàn 31 (thiếu) cùng công binh và lực lượng Khu 11 tiến công đồn Nhất, phá sập cầu cống, cắt đường đèo Hải Vân, đánh chiếm thị trấn Nam Ô.

Phía nam thành phố, Tiểu đoàn đặc công 89 cùng lực lượng vũ trang Khu 2 tiến công Sở chỉ huy Trung đoàn 51 ngụy ở Miếu Bông, đánh chiếm Cầu Đỏ và một số vị trí địch ở nam sông Cẩm Lệ mở đường cho quần chúng ở các vùng giải phóng vào tiếp ứng cho nội đô nổi dậy.

Cùng ngày, Đại đội đặc công 25 của tỉnh tập kích điểm cao núi Phước Tường, phá nát trạm rađa và khu thông tin của địch. Tiểu đoàn bộ binh 1 đánh vào Sở chỉ huy Quân đoàn I ngụy. Đây là trận đánh khá điển hình ở Đà Nẵng trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Từ sớm ngày 29-1-1968, Tiểu đoàn 1 từ vị trí tập kết ở Trung Lương, Cồn Dầu, bí mật luồn sâu vượt sông Cẩm Lệ để vào thành phố. Song lực lượng biệt động ngụy rải theo dọc sông kiểm soát ngăn chặn, Tiểu đoàn 1 không vượt qua được trừ Trung đội 1 (Đại đội 1) và một trung đội bộ đội địa phương Khu 3 đi trước tiếp cận được mục tiêu. Bộ phận này có 57 cán bộ, chiến sĩ được trang bị hoả lực mạnh do đại đội trưởng Chín chỉ huy. Lúc pháo ta bắn vào sân bay Đà Nẵng làm hiệu lệnh tiến công trên toàn mặt trận 4 thì 57 cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1 và trung đội bộ đội địa phương cũng tiến công vào Sở chỉ huy Quân đoàn I. Bộ đội ta chiếm giữ được một vài vị trí quan trọng trong sở chỉ huy, song lực lượng ít, bộ phận tiếp ứng không đến kịp, địch phản kích quyết liệt hết đợt này đến đợt khác. Các chiến sĩ ta anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, diệt hàng trăm tên địch và hy sinh anh dũng ngay trên vị trí chiến đấu. Trận đánh không cân sức của 57 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 1 và bộ đội địa phương Khu 3 tại Sở chỉ huy Quân đoàn I ngụy thể hiện tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường, tư tưởng tiến công, ý thức chấp hành kỷ luật cao của quân và dân đất Quảng trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Sự hy sinh anh dũng của 57 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 mãi mãi là tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà quân, dân Quảng Đà cũng như cả nước không bao giờ quên.

Đòn quân sự bên trong yếu, không đánh diệt được các mục tiêu quan trọng, nên không hỗ trợ được cho quần chúng nổi dậy. Trong khi đó, Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu V có nhiệm vụ đánh địch ở phía nam thành phố, do nhận được lệnh hoãn ngày nổ súng nên đã lui lại phía sau. Lực lượng quân sự của địch mạnh. Chúng tổ chức chốt chặn các ngả tiến vào Đà Nẵng, đồng thời dùng hoả lực bắn vào lực lượng nổi dậy của quần chúng trên đường từ nông thôn kéo vào thành phố. Không một mũi tiến công nào lọt được vào bên trong. Kế hoạch nổi dậy ở Đà Nẵng không thực hiện được.

Cùng với Đà Nẵng, các tiểu đoàn bộ binh 2, 3 tiến công địch ở thị xã Hội An đánh chiếm khu công binh (Tiểu đoàn 102), Biệt khu và nhiều vị trí quan trọng làm chủ phần lớn thị xã. Song sang ngày 30-1, địch tập trung lực lượng tổ chức phản kích quyết liệt, các lực lượng vũ trang của ta phải rút ra bám đánh địch ở ven thị xã.

Tại các huyện Hoà Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, sau khi lực lượng vũ trang đánh vào quận lỵ, hàng vạn nhân dân tràn vào các thị trấn cùng bộ đội giành chính quyền. Địch ngoan cố bắn vào các đoàn biểu tình làm nhiều cán bộ và đồng bào ta hy sinh. Chị Nguyễn Thị Hồng, Hội phó Hội Phụ nữ Điện Bàn bị địch bắn gãy tay vẫn giương cao cờ Mặt trận kêu gọi mọi người xông lên giành cho được chính quyền. Trúng đạn lần thứ hai, chị ngã xuống, tay vẫn nắm chặt cán cờ.

Cũng như ở thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An, do lực lượng vũ trang của ta mỏng, địch mạnh, các cuộc tiến công quân sự của ta vào các thị trấn, quận lỵ khác yếu không hỗ trợ được cho nổi dậy, nên không nơi nào thành công như dự định. Đây là một bài học không chỉ cho riêng Quảng Đà mà cả Khu V và miền Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, khi lực lượng quân sự địch còn mạnh mà ta lại lấy khởi nghĩa của quần chúng làm chính (như kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy ở Quảng Nam - Đà Nẵng đã xác định) thì khó giành được thắng lợi trọn vẹn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một bức điện chỉ đạo Đà Nẵng đầu tháng 2-1968, cũng đã nhấn mạnh “Vùng I chiến thuật là trọng điểm tiến công quân sự của ta trong toàn miền Nam. Đà Nẵng là một thành phố quan trọng, đồng thời là một căn cứ liên hợp của Mỹ, cho nên không thể coi nhẹ công kích quân sự được”2.

Nhìn chung, trong những ngày đầu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở các trọng điểm Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng ta đã đánh chiếm được một số mục tiêu chủ yếu, tiêu hao được một phần lực lượng địch. Nhưng sau đòn choáng váng, bất ngờ, địch định thần lại tổ chức phản kích quyết liệt, gây cho ta nhiều tổn thất.

Trong lúc đó, những trận tiến công của các sư đoàn chủ lực miền Đông và lực lượng vũ trang các huyện ngoại thành có tác dụng kìm chân và phân tán các đơn vị chủ lực cơ động của Mỹ và ngụy, không tăng viện được cho nội thành Sài Gòn - Gia Định. Bộ đội chủ lực của ta không tiến được vào nội đô; đặc công, biệt động và các đơn vị mũi nhọn tác chiến bên trong trở thành đơn độc, lực lượng bị tiêu hao đến 80%, một số đơn vị chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng, cơ sở nội thành bộc lộ và tổn thất nặng, lương thực cất giấu bí mật đã hết. Vì thế, các đơn vị chiến đấu trong nội thành được lệnh rút ra vùng ven củng cố. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở trọng điểm Sài Gòn - Gia Định cao điểm 1 giảm dần và kết thúc, riêng Huế và Khe Sanh thì cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục sôi động và quyết liệt.
_______________________________________
1. Chuẩn bị cho đánh vào Đà Nẵng, huyện Hoà Vang có địa bàn bao quanh thành phố được chia thành ba khu: Khu 1 (cánh Bắc), Khu 2 (cánh Trung), Khu 3 (cánh Nam).
2. Phan Hàm: Trong cuộc đối đầu thế kỷ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 209.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM