Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:17:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giáp mặt với Phượng Hoàng  (Đọc 62771 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2008, 07:42:27 pm »



Cũng như những sĩ quan học viên ngoại quốc khác, Châu không thể không choáng ngợp trước sự phô bày hỏa lực hiện đại tại Fort Benning - hỏa lực bộ binh tập trung, đại bác, tầm xa, xe tăng, máy bay phản lực, máy bay ném bom, tất cả để yểm trợ cho người lính bộ binh. Và mặc dầu ông vẫn lo ngại rằng tất cả những cái đó chưa chắc là cái tốt nhất để đánh một cuộc chiến tranh du kích, ông đã trở về học viện quân sự Đà Lạt trong một tâm trạng phấn khởi sau khi tốt nghiệp ở Fort Benning tháng Chín 1956.

Những thay đổi ở học viện Đà Lạt thể hiện rất rõ. Sự chuyển mình đã hoàn tất. Người Mỹ có mặt khắp nơi. Một số vợ con các sĩ quan Mỹ cũng đi theo chồng sang đây. Tại một cuộc tiếp tân, Châu thấy chướng tai gai mắt khi một trung sĩ Mỹ ngồi chung một di-văng với vợ một trung tá và nói chuyện với bà ta như một người ngang hàng. Ông chưa bao giờ thấy một chuyện như vậy ở người Pháp mà cũng chưa bao giờ thấy ở người Việt Nam. Cái kiểu đối xử không phép tắc như vậy của người Mỹ cần phải có một thời gian mới quen được.

Nhưng nếu trong giao dịch xã hội, người Mỹ không nghi thức thì trong quan hệ công tác, họ lại rất khắt khe. Châu được bổ nhiệm làm Giám đốc giáo vụ của trường và có trách nhiệm hợp tác với người tương nhiệm của ông bên phía Mỹ, một thiếu tá của trường West Point, để soạn thảo chương trình đào tạo bốn năm cho các sĩ quan Việt Nam. Châu rất thích công việc này vì ông nghĩ rằng đã đến lúc chấm dứt hệ thống đào tạo cũ của Pháp, và tạo ra một loại sĩ quan mới cho Việt Nam, nhưng ông lại nghĩ rằng trong chương trình đào tạo cần phải có sự cân đối giữa những kỹ thuật quân sự hiện đại với những tư tưởng văn hóa truyền thống Việt Nam. Nhưng viên thiếu tá người Mỹ chẳng quan tâm mấy tới dự định của Châu và nói cho Châu biết rằng chương trình của Học viện Hoa Kỳ và bản sao của nó được áp dụng ở Philippin phải được áp dụng nguyên xi ở Việt Nam.

Châu không kịp phản đối việc Mỹ hóa Học viện quân sự thì đã bị điều đi nơi khác tháng Năm 1957, vì những lý do chính trị. Thiệu cũng bị điều đi trước đó khỏi chức chỉ huy trường, do sự vận động của đảng Cần Lao, đảng của ông em Diệm, phần đông đảng viên là người theo đạo Thiên Chúa được giao cho những nhiệm vụ then chốt trong chính phủ và quân đội. Không biết có phải trò chính trị bất lương đã đưa Thiệu tới chỗ hiểu thêm về đạo Thiên Chúa không thì không chắc, nhưng chỉ biết là ông ta đã sớm từ bỏ đạo Phật để theo một cái đạo có ảnh hưởng chính trị mạnh hơn. Rồi tới Châu, con người mộ đạo Phật, chịu sức ép của đảng Cần Lao, đã bị chuyển đi khỏi học viện. Ông được tạm thời chuyển về làm tham mưu trưởng một sư đoàn do một người bạn cũ làm tư lệnh. Sài Gòn không chịu bổ nhiệm chính thức và đã sớm thay ông bằng một đảng viên Cần Lao. Châu lại bị điều đi nơi khác, lần này đến một trung tâm huấn luyện.

Xem ra thì sự nghiệp của Châu đã tới đường cùng. Bởi vì ông đã tham gia cuộc đảo chính hụt của Hình, ông bị coi là một người chống Diệm, nhưng không phải vậy; và ông đã từ chối tham gia đảng của Nhu là đảng Cần Lao. Ông không hề được đề bạt một lần nào kể từ khi cuộc chiến tranh của Pháp chấm dứt tới nay. Một số bạn bè và người đồng thời với ông đã lên tướng. Nguyên Văn Thiệu làm đại tá. Nhưng Châu cũng không oán trách. Viên tướng phụ trách trại huấn luyện đã từng làm chỉ huy an ninh trong cảnh sát của Pháp, và Châu ghét tất cả những người Việt Nam đã cộng tác với Pháp, khác với con người mà ông cho là một quân nhân đáng kính trọng trong cuộc đấu tranh chống Cộng sản, nhưng ông cũng không ngờ là ông lại hợp tác rất tốt với ông này. Viên tướng được cử đi quan sát một chuyến ở Israel và khi trở về ông đã nhờ Châu viết giùm một bản báo cáo. Châu đã hết sứt cố gắng để cho ông tướng cũng như bản báo cáo của ông ta gây được ấn tượng càng nhiều càng tốt.

Không lâu sau đó, Châu nhận được một bức thư gọi về Sài Gòn để có một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Diệm. Châu không biết rằng báo cáo của ông tướng đã được đánh giá cao và ông tướng này đã nói chính Châu đã giúp ông thảo ra báo cáo đó. Khi Châu bước vào dinh Tổng thống, Diệm đã chào ông, mời ông ngồi và bắt đầu nói về gia đình Châu. Diệm biết bố Châu, vị quan tòa hưu trí, Diệm nói rằng mặc dầu ông với bố Châu có những bất đồng chính trị nhưng ông vẫn kính trọng bố Châu là một người liêm chính. “Còn anh thì sao?” Diệm hỏi. Châu nói rằng ông cố làm một đứa con hiếu thảo và tiếp tục truyền thống phục vụ đất nước do tổ tiên để lại. Nói xong điều đó thì cuộc tiếp xúc cũng chấm dứt và Châu trở lại trại huấn luyện. Châu đã quen với cái lối giao thiệp kín đáo của Việt Nam, giống với mọi người đồng hương của mình không thích cái kiểu xông thẳng vào vấn đề nhưng ông không biết phải làm gì với cuộc nói chuyện của Diệm. Nhưng ông tướng ở trại huấn luyện đảm bảo với ông rằng ông sẽ không còn ở đây lâu nữa đâu. Diệm đang chú ý tới ông và dĩ nhiên là Diệm sẽ có kế hoạch cho ông.

Một tuần lễ sau, Châu được bổ nhiệm làm thanh tra dân vệ. Diệm mời ông đến nói chuyện một lần nữa. Lần này Tổng thống nói thẳng. Nhiệm vụ mà ông giao cho Châu, ông nói, là một nhiệm vụ mà ông cho là cực kỳ quan trọng, bởi vì chính ở cấp dân vệ quan hệ quân dân mời hình thành. Diệm yêu cầu Châu bỏ ra ba tháng đi khắp trong nước nói chuyện với dân thường xem họ nghĩ gì về quân đội. Đây là cố gắng nghiêm chỉnh đầu tiên của chính quyền Sài Gòn, dĩ nhiên là có CIA thúc giục, nhằm hạn chế sai lầm đã biến quân đội Nam Việt Nam thành một quân đội quy ước chống xâm lăng từ bên ngoài hơn là tập trung sự chú ý vào lối phản ứng linh hoạt kiểu dân vệ ở xã là nơi diễn ra cuộc chiến tranh du kích.

Châu đã đi khắp nơi và kinh hoàng trước những gì ông được thấy. Quân đội đối xử không tốt với dân chúng, hành động ngang ngược, nhiều khi còn cướp bóc tài sản của dân chúng nữa. Viện trợ Mỹ đã bị sử dụng sai mục đích đề ra. Ban hội tề được chỉ định ở làng cư xử như những ông vua con. Lúc đó Cộng sản chưa kiểm soát được nhiều ở nông thôn nhưng Châu cho rằng cách đối xử không tốt của quân đội đối với dân chúng sẽ mở đường cho Cộng sản. Ông trở về Sài Gòn viết một bản báo cáo chỉ trích rất mạnh những việc nói trên.

Nhiều tháng trôi qua mà Châu không thấy hồi âm gì. Ông cho rằng Diệm không thích bản báo cáo của ông vì nó chứa đựng những tin xấu, hoặc là bản báo cáo đã lạc mất trong dinh Tổng thống rồi. Nhưng hóa ra là Diệm phải mất một thời gian để có quyết định. Diệm muốn Châu làm một điều gì đó để cứu vãn tình hình. Ông phong cho Châu làm chỉ huy dân vệ ở một vùng, dân vệ là những người lính hoạt động ở làng và không thuộc vào quân đội chính quy. Nhiệm vụ của Châu là dựng lên một điển hình cho cả nước bắt chước làm theo. Ông phải dạy cho quân lính cách đối xử với dân chúng, lập một mô hình về ban lãnh đạo xã, và làm cho người nông dân tự nguyện tham gia chương trình tự phòng thủ. Đó là vào đầu năm 1961 và cái mô hình của Châu đã thu hút sự chú ý của Mỹ. Đây là một việc làm kết quả mà lại do người Việt Nam tự làm lấy. Giám đốc chi cục CIA William Colby đã tổ chức cho người ta tới tham quan chương trình của Châu. Châu gặp các ông tướng Mỹ được phái tới Sài Gòn, kể cả Charles Timmes, đứng đầu phái bộ cố vấn Mỹ, ông này về sau đã thừa nhận rằng công việc của phái bộ biến quân đội Nam Việt Nam thành một quân đội chính quy nhằm chống lại một cuộc xâm lăng từ bên ngoài là một sai lầm then chốt trong chiến tranh. Châu cũng còn gặp và làm bạn với một trung tá tên là John Paul Vann, được cử đến làm cố vấn cho một sư đoàn đóng bên cạnh.

Diệm cho gọi Châu vào dinh Tổng thống để làm người báo cáo tình hình cho hội đồng an ninh quốc gia, người tồng hợp mọi tài liệu từ các Cục khác nhau lại, làm một bản tóm tắt, rồi báo cáo cho Diệm. Diệm đánh giá cao việc làm của Châu nên đã quyết định bổ nhiệm ông làm tỉnh trưởng của một trong bốn mươi tư tỉnh của Nam Việt Nam. Ông bây giờ là Trung tá Châu, tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa, ở phía Nam Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2008, 07:43:27 pm »



CHƯƠNG X
VIENTIANE 1959

Trong những môn đệ của Lansdale đi rao giảng sự cần thiết phải có những hoạt động chính trị chống Cộng sản, chính Rufe Phillips là Saul ở Tarsus1. Ông đã trải qua một cuộc chuyển mình đầy kịch tính trên đường đi Manila. “Tôi bị xúc động rất mạnh trước những gì tôi trông thấy ở Philippin”, Phillips nói, “và những gì đã được thực hiện ở đó dựa trên những ý kiến của Lansdale kết hợp với những người Philippin. Magsaysay đã được Lansdale truyền cảm đến mức khó tin nổi”.

Sau khi nhóm của Lansdale bị giải tán cuối năm 1956, Cục tình báo Trung ương đã yêu cầu Rufe Phillips đi Lào để cố gắng thực hiện ma thuật của Lansdale ở đây. Phillips nhận sự bổ nhiệm và đến Vientiane, thủ đô của Lào, dưới danh nghĩa là một quan chức chịu trách nhiệm điều hành chương trình viện trợ. Việc gửi Phillips đi Lào có nghĩa là Hoa Kỳ đã mưu toan đánh bại Cộng sản nước này ở cấp độ chính trị hơn là quân sự, một phương thức đã bị bỏ rơi ở Việt Nam sau khi Lansdale và nhóm của ông ra đi.

Những người Mỹ nào có biết Đông Nam Châu Á đều tỏ ra thích người Lào hơn bất cứ người nước nào khác trong vùng. Nói chung với tính cách là một dân tộc, họ không vị kỷ như người Việt Nam hoặc không thô bạo như người Campuchia. Họ lịch sự, hiếu khách, hớn hở vui vẻ, không ham đánh nhau, và - trong quan hệ với phụ nữ - không nghiêm ngặt, đặc biệt so sánh với người Việt Nam. Có một cổ ngữ nói rằng người Việt Nam trồng lúa, người Campuchia nhìn lúc mọc, còn người Lào nghe lúa lên. Nhưng tình hình ở Lào cũng có đôi chỗ khác. Lào có một ông vua mà ai cũng nói là thần phục cả, nhưng trong lịch sử chẳng mấy khi nước Lào được thống nhất. Nước Lào hiền hòa bị xé nát thành nhiều phái, nhiều dòng họ thù ghét lẫn nhau vì những lý do mà người ngoài không sao hiếu nổi.

Trong cuộc chiến tranh của Pháp, nổi lên hai phái đối lập chủ yếu. Hai phái đều do hai hoàng thân lãnh đạo, hai người lại là anh em, cùng con của một vị phó vương, quả là một hình ảnh tượng trưng đầy đủ cho cảnh nồi da xáo thịt. Hoàng thân Souvana Phouma, lớn hơn người em mười một tuổi, có phong thái ung dung dễ dãi, cái kiểu những người có quốc tịch Pháp, chủ trương từng bước giành lại độc lập từ tay người Pháp. Hoàng thân Souphanouvong, trẻ hơn và nồng nhiệt hơn, đã đi theo Việt Minh và trở thành lãnh tụ cộng sản trong cuộc đấu tranh chống thực dân. Quân đội du kích của ông có tên là Pathet Lào, tập trung ở Bắc Lào, gần Việt Nam. Sau khi cuộc chiến tranh của Pháp chấm dứt, Pathet Lào đã tăng cường hoạt động để giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Họ được Bắc Việt Nam giúp. Quy mô sự giúp đỡ của Hà Nội đối với Lào là một vấn đề đã được bàn cãi và là một mục tiêu tìm hiểu của CIA. Vùng đất thưa dân là vùng đất gồ ghề núi non nhất ở Đông Dương và điều Hà Nội định làm ở đây là một việc chưa bao giờ dễ càng và lúc nào cũng có thể bị thách thức.

Hiệp định Genève quy định cụ thể là chỉ có người Pháp mới được duy trì một thái độ quân sự ở Lào. Nhưng khi Mỹ thấy rằng tình hình ngày càng tồi tệ đi, thì họ đã vạch ra một kế hoạch lẩn tránh những điều quy định của Hiệp định, nấp dưới bóng người Pháp mà gửi năm trăm nhân viên quân sự ở Mỹ, phần lớn là Lực lượng Đặc biệt, đến Lào dưới những bộ quần áo dân sự, đóng vai nhân viên kỹ thuật làm cố vấn cho phái bộ Pháp. Người Mỹ có thích thú hay chọn những cái tên kỳ quặc để che đậy việc làm của mình nên toán người này được gọi là Cục lượng định chương trình (Programs Evaluation Office), cái tên lố bịch này làm cho các nhà báo chú ý và cuối cùng họ đã phát hiện ra rằng đứng đầu cơ quan này là một thiếu tướng được nhiều người biết mà tên tuổi đã biến mất một cách bí mật khỏi bảng phân công của Lầu Năm Góc. Nhóm người này được Eisenhower phái đến Lào năm 1959, trước khi John F.Kennedy lên nhận chức.

Lực lượng đặc biệt tăng cường thêm cho những cố gắng chính trị của CIA đang gặp khó khăn. Sau khi Rufe Phillips tới, người Mỹ khuyến khích người Lào tổ chức tuyển cử bầu ra Quốc hội và, trong một chiến dịch gọi là Thuốc Tăng Lực (Booster Shot) gồm một toán sĩ quan CIA được lấy từ Nhật Bản và nhiều nơi khác ở Châu Á tới làm nhiệm vụ tạm thời là kiểm phiếu cho những ứng cử viên được Mỹ chọn. Cuộc bầu cử đã biến thành một thảm họa, như CIA đã thừa nhận. Các lực lượng thân Pathet Lào dành được một số ghế rất lớn. Đã nổ ra một cuộc cãi nhau giữa Đại sứ Mỹ và người đứng đầu chi cục CIA ở Lào xem Hoa Kỳ sẽ ủng hộ ai làm lãnh tụ của Lào. CIA cho rằng Hoàng thân Souvana Phouma chưa chống Cộng đúng mức và bắt đầu nhìn quanh tìm một viên tướng phái hữu để thay thế hoàng thân ở chức vụ Thủ tướng. Giám đốc chi cục CIA trong cuộc tranh cãi này là Genry Hecksher, một người Đức có bố làm trong triều đại của Kaiser Wilheim và đã được gia nhập quốc tịch Mỹ. Mười năm sau, Hecksher lại dính vào một cuộc tranh cãi tương tự với Đại sứ Mỹ ở Chilê, khi Salvador Allende lên nắm chính quyền. Sau này cả hai Hecksher và ông Đại sứ đã bị chuyển đi nơi khác nhường chỗ cho một ê-kíp mới trong đó người phụ trách chi cục CIA là Gordon Jorgenson, một sĩ quan đã cùng phục vụ với Lansdale ở Sài Gòn. Nhưng trước khi việc đó xảy ra, CIA đã tìm được ông tướng cánh hữu của họ. Người lãnh tụ của Pathet Lào đã bị bắt bỏ tù nhưng ông ta và một số người tùy tùng đã vượt ngục và trốn lên vùng núi phía Bắc, phát động chiến tranh du kích với sự giúp đỡ của Bắc Việt Nam. Người Mỹ lại khuyến khích viên tướng cánh hữu này tổ chức tuyển cử. CIA rút kinh nghiệm lần trước, lần này kiểm soát cuộc tuyển cử quá chặt chẽ đến mức không còn ai coi cuộc tuyển cử này là nghiêm túc nữa. Một trung úy nhảy dù khỏe mạnh nhỏ con là Kong Le đã quyết định chấm dứt tình trạng hỗn loạn này bằng một cuộc đảo chính và tuyên bố Lào là một nước trung lập với hoàng thân Souvana Phouma làm thủ tướng. Nhưng thiện chí của Kong Le càng làm cho tình hình thêm hỗn loạn và bùng nổ cuộc đấu tranh giữa ba phái hữu, trung lập và tả. Phái trung lập lúc thì đi với phái tả lúc thì chống lại họ.

Khi John F. Kennedy lên nhậm chức thì Eisenhower nhấn mạnh với ông rằng Lào là mối quan tâm lớn của Mỹ trong chính sách đối ngoại. Kennedy nói rằng Eisenhower không nhắc đến Việt Nam mà chỉ nói rằng Lào là chìa khóa vào Đông Dương và toàn bộ Đông Nam châu Á trong cái trò chơi chiến lược đôminô, đây là một quan điểm do Lansdale đem phổ biến ở Washington mà lúc đó thì Allen Dulles còn nghe lời Lansdale lắm. Kennedy thật bất ngờ khi nghe Eisenhower nói về tầm quan trọng của Lào vì người ta vẫn cho rằng Lào là một nước nằm kẹt trong đất liền, không có kỹ nghệ, ba triệu nông dân phần lớn là mù chữ, thu nhập hàng năm chỉ có mấy đô la mà thôi. Còn thủ đô Vientiane thật ra chỉ là một dãy nhà xiêu vẹo nằm trên một con đường chính không rải nhựa, với một cái nhà chứa tên là Madame Lulu, nằm kín đáo bên cạnh Bộ quốc phòng.

Kennedy coi trọng lời nhắc nhở của Eisenhower, đề ra nhiều sự chọn lựa, trong đó có việc gửi quân sang Lào nữa. Ông ra lệnh cho người Mỹ trong Cục lượng định tình hình hãy bỏ cái trò chơi đánh đố của họ đi và mặc quân phục vào làm cố vấn quân sự Mỹ. Nhưng cuối cùng, Kennedy lại thấy rằng tình hình quá hỗn độn để chọn một giải pháp thích hợp. Cũng may là người Nga cũng đồng ý với ông. Họ thấy rằng - dùng từ ngữ ngoại giao - cả hai “trùng hợp lợi ích”, Moscow và Washington quyết định triệu tập một cuộc hội nghị Genève mới để trung lập hóa nước Lào. Trùng hợp ở chỗ là cả hai đều không muốn mạo hiểm đi đánh nhau với một dân tộc chưa hẳn là một dân tộc mà chỉ là một bảng phân loại thứ hạng các phe phái, chỉ khác nhau ở chỗ ăn cắp viện trợ Mỹ nhiều hay ít mà thôi.
_______________________________________
1. Saul of Tarsus tên tộc của Thánh Paul, một môn đệ nhiệt thành và xuất sắc của Chúa Jesus, nhưng lúc đầu không theo Chúa, về sau mới được cảm hóa - N.D
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2008, 07:43:52 pm »


Chính là vào bước đầu của một chuỗi sự kiện hỗn độn ấy, vào mùa hè năm 1959, mà một sĩ quan tình báo có tên là Stuart Methven đến Vientiane. Methven, ba mươi hai tuổi, con người mảnh khảnh, cao một thước tám, tóc nâu, để ria, nước da thô ráp, đôi mắt xanh sáng, phản chiếu cả mùa đông và mùa xuân. Stu Methven - cái tên gốc Scotland - là con của một đại tá đã về hưu ở New Hampshire. Ông đã học qua trường Amherst nổi tiếng, khoa báo chí. Sau một năm làm việc cho hãng U.S. Rubber, ông quyết định gia nhập CIA.

Lào là nơi tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt của CIA, do đó rất thích hợp với Stu Methven, vì ông là người đã tham dự lớp học đầu tiên ở “trại”, nơi luyện tập có nhiều thuận lợi của CIA ở Cam Peary, tiểu bang Virginia, bên ngoài Washington, tân binh được đưa tới đây theo học gần một năm về công tác tình báo, sau đó một số được huấn luyện thêm về hoạt động bán quân sự, theo kiểu người ta vẫn đào tạo cho một số đơn vị tinh nhuệ của quân đội chính quy, rồi gửi họ đi nhiều nơi khác nhau ở Hoa Kỳ và Panama. Bởi vì Cục tình báo trung ương đã phát sinh từ Cục tình báo chiến lược (OSS) trong Chiến tranh thế giới thứ II mà ra và gồm những sĩ quan của OSS cho nên người ta có thể đoán trước rằng quan niệm của họ trước đây về một sĩ quan CIA giỏi là phù hợp với quan niệm của họ trước đây về một sĩ quan OSS giỏi: nghĩa là một người được giáo dục đàng hoàng, biết nhảy dù từ trong máy bay ra và biết nói nhiều thứ tiếng. Tuy rằng đó là điều có thể đoán trước, nhưng dù sao thì cũng không hay về nhiều mặt khi một cơ quan tình báo hoạt động trong thời bình lại học theo cách làm của thời chiến. Nhưng mỉa mai thay, quan niệm đó đã sai lầm ngay từ đầu . Nhảy dù từ trong máy bay ra, cái đó không đòi hỏi gì hơn một tối thiểu can đảm và chỉ là một cách làm may rủi để rơi đúng vào một chỗ đã định trên mặt đất, và hết 90 phần trăm cuộc hành quân không vận trong Chiến tranh thế giới thứ II đã kết thúc gần như thảm họa, mặc dầu sau chiến tranh người ta dệt ra nhiều huyền thoại về nó. Nói một ngoại ngữ thực sự giỏi, trừ phi người học sinh đó ở trong một gia đình mới nhập cư, là một công việc dài cả đời, và thực ra có rất ít người giỏi ngoại ngữ ở Cục tình báo.

Nhưng đó là cái mẫu mực, và Stu Methven thích hợp với mẫu người hoạt động cho CIA lúc nào cũng bận rộn đi khắp thế giới từ những năm một chín năm mươi cho tới đầu những năm một chín bảy mươi, và ông đã ngồi ở ghế Giám đốc Chi cục CIA ở Zaire mà chỉ đạo cuộc chiến tranh của CIA ở Angola. Ông đã tốt nghiệp một trường đại học, đã theo khóa huấn luyện nội bộ của CIA, đã được huấn luyện về nhảy dù và các hoạt động bán quân sự, và biết nói một thứ tiếng nước ngoài, tiếng Pháp, tuy không giỏi lắm. Khi Stu Methven từ Lào qua Sài Gòn, ông ở tại một biệt thự lớn, trong đó nuôi một bầy thú, trong đó có một con trăn chuyên ăn món đặc sản của nó là vịt sống thì nhiều người cho rằng là một Lou Conein hòa nhã hơn. Mặc dù hai người là bạn thân, Stu Methven không thích sự so sánh đó.

“Mấy anh nhà báo nói láo”, Stu Methven nói. “Có lần một phóng viên thấy tôi với Lou Conein trong một quán rượu và tả tôi trong một bài báo như “Stuart Methven, con người tốt nghiệp Amberst, ham phô trương, đeo mấy cây súng lục nạm ngọc trai”. Tôi không bao giờ đeo cái gì khác hơn cây chín ly và bao giờ cũng bỏ vào trong cái gì đó. Chính là anh ta đang tả Lou Conein chứ không phải tôi. Các bạn cứ chế giễu tôi về chuyện ấy!”

Stu Methven có bị coi là cao bồi như Lou Conein hay không thì không thành vấn đề, nhưng ông là một sĩ quan tình báo có năng lực. Vint Lawrence, người của CIA theo ông ở bên Lào đã nói rằng ông là một người “khôn khéo và có trách nhiệm”. Trong một nhiệm kỳ trước đây của ông ở Nhật Bản, ông đã rèn luyện được khả năng làm việc với những người không phải là Mỹ. Rufe Phillips đang hết nhiệm kỳ ở Lào khi Methven đến và ông đã giới thiệu cho Methven những đầu mối liên hệ.

“Rufe rất năng động và biết hết mọi người”, Methven nói, “Ông có nhiều ý kiến và mọi việc đều trôi chảy. Tôi nghĩ rằng ông là người tuyệt hảo. Ông là người đã thực hiện hầu hết những chương trình công dân vụ cho Cục, tuy nhiên ở đấy còn nhiều người khác và tôi đã nhập bọn với họ”.

Một phần do may mắn, một phần do chủ động cá nhân mà Methven trở thành đầu mối hoạt động công dân vụ với một bộ lạc người Mèo ở miền núi phía Bắc, tuy những người này cho rằng tiếng Mèo có nghĩa xấu và họ chỉ gọi nhau là người Hmong. Tôi dùng tiếng Mèo vì hầu hết người Mỹ chúng ta thiếu nhạy cảm đã dùng tiếng này suốt cuộc chiến tranh. Chứ tôi cũng không có ý xúc phạm gì đối với nhưng người Hmong can đảm ấy. Không ai biết chắc người Mèo từ đâu tới nhưng da họ hung hung và lưỡng quyền cao chứng tỏ là họ từ người Mông Cổ mà ra. một số nhà nhân chủng học cho rằng họ là con cháu của Thành Cát Tư Hãn đã xâm lăng Đông Nam châu Á từ mấy thế kỷ trước. Người Mèo, đông khoảng nửa triệu người, có những điểm giống với người của Thành Cát Tư Hãn. Họ là những chiến sĩ dũng cảm và rất độc lập. Họ khinh bỉ người Lào sống ở bình nguyên và thung lũng, họ thích ở trên núi cao, đốt rừng làm nương, khi nào đất đã bạc màu lại bỏ đi nơi khác, tiếp tục đốt rừng làm nương. Các nhà truyền giáo Hà Lan đã dạy họ dùng dao bằng thép và súng kíp. Mỗi làng đều có một gia đình làm thợ rèn và rèn dao và làm vòng đeo cho họ. Họ uống rượu nếp và hay say, lúc nào có lễ thì lại giết trâu ăn mừng. Lúc đánh nhau với Việt Minh, người Pháp đã tuyển mộ họ làm những chiến sĩ du kích nhưng khi chiến tranh chấm dứt thì họ trở lại với cuộc đời du cư du canh như trước.

Cũng như tất cả các sĩ quan CIA khác hoạt động tại Lào, Methven đã hoạt động thông qua một người tương nhiệm, một sĩ quan quân đội Lào. “Tôi nói với họ những gì tôi định làm”, Methven nói, “và bao giờ họ cũng nói “Thì các ông cứ làm đi”. Nhưng tôi lại nói, Vậy thì tốt lắm, nhưng ông định cho ai đi với tôi vậy?” Chúng tôi lúc nào cũng muốn có một sĩ quan Lào cùng đi, nếu không thì người ta sẽ cho rằng đây là một chương trình của Mỹ, chứ không phải của Lào, và chúng ta không muốn như vậy. Chúng tôi muốn đưa người đại diện của chính phủ đi về nông thôn, nói với dân chúng rằng đó là chính phủ của các ông đang làm cho các ông, đem lại dân chủ cho quần chúng. Thế là tôi cùng đi với họ và viên sĩ quan Lào mới hỏi viên quận trưởng “Chúng tôi có thể giúp ông việc gì ?” Quận trưởng nói rằng ông ta cần lúa giống, cần cái này, cần cái kia. Sĩ quan Lào nói lại với tôi, tôi ghi lại những yêu cầu đó và nói rằng có thể sẽ giúp được. Người Lào thường xấu hổ không muốn xin như vậy nhưng chúng tôi muốn tiến xa hơn, giúp cho họ tự làm lấy việc này”.

Lúc đó Cục tình báo chưa có đội máy bay nấp dưới danh nghĩa của hãng Air America và việc chuyên chở lên vùng Bắc Lào là công việc rất khó khăn. Có một nhóm phi công Pháp ở Lào, vừa dễ thương vừa đáng tởm, có một số máy bay cũ được biết với cái tên không chính thức là Air Opium (Hãng Hàng không Thuốc phiện) và Methven mượn một trong số đó đi lên phía Bắc. Người phi công là Pháp lai Angiêri. Ông ta chở Methven tới một đường băng gọi là Opium One (Thuốc phiện Một). Gần đấy có một tiệm ăn Pháp, gọi là Snow Leopard Inn, với một con beo già nhốt trong cũi bên ngoài. Từ đó, người ta mới sử dụng một trong những máy bay cánh quạt loại nhỏ của Cục tình báo, loại máy bay được chế tạo để dùng trong những trường hợp như thế này, có thể cất cánh và hạ cánh trên những đường băng ngắn. Máy bay này gọi là Helio Courier, cùng với một số máy bay khác được chế tạo tại Thụy Sĩ, được dùng chở các sĩ quan CIA đi khắp Đông Dương. Stu Methven bay một chuyến tới cánh Đồng Chum, tiêu điểm của cuộc chiến tranh ở phía Bắc chống lại du kích Pathet Lào được Bắc Việt nam hậu thuẫn và xây dựng một đường băng ở đây.

“Khi tôi ở đấy tôi để ý xem có người Mèo nào trong chính phủ Lào không”, Methven nói. “Tôi nghe nói có một người xếp lớn của họ ở Vientiane, một người tên là Touby Ly Fong. Nhưng ông ta là một người rất nhu nhược và họ để ông ta ngồi đó cho có nghi thức vậy thôi. Tôi nghĩ rằng ông ta không phải là người có thể làm cho chương trình công dân vụ được. Nhưng chúng ta vẫn phải tìm một người Mèo có quan hệ với chính phủ, chứ không phải bất cứ người Mèo nào cũng được, bởi vì chúng ta cần sự giúp đỡ của chính phủ Lào đối với chương trình của chúng ta. Sau đó tôi có nghe nói một đại úy Mèo, ở tuốt trên phía Bắc, ông này trong quân đội Lào. Tôi nhắn tin muốn gặp ông ta thì hai hôm sau ông ta đã đến nơi. Ông ta mặc quân phục trông như người Trung Hoa, rất năng nổ, tên là Vang Pao”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2008, 07:44:04 pm »


Vang Pao là một trung sĩ trong quân đội Pháp, khi chiến tranh chấm dứt ông quyết định theo đuổi con đường binh nghiệp, cử chỉ này chứng tỏ một quyết tâm cao, bởi vì người Mèo bị người Lào đối xử phân biệt và khả năng thăng quan tiến chức rất thấp. Nhưng Vang Pao đã buộc người ta phải chú ý vì những thành tích của ông. Ông là con người can đảm phi thường và là một lãnh tụ được mọi người tin theo. Stu Methven cũng ngạc nhiên phát hiện thấy ông còn là một người rất ngay thẳng và lương thiện. Họ gặp nhau nói chuyện trong căn nhà gỗ của một đội y tế Philippin đến đây theo yêu cầu của Lansdale, trong Chiến dịch Tình Anh Em (Operation Brotherhood).

“Tôi hỏi ông ta có cách nào phối hợp với chính phủ Lào để chúng ta có thể giúp đỡ ông và người Mèo”, Methven nói. “Phần lớn người được hỏi đều xin chúng tôi đủ thứ. Chúng tôi có những máy radio lớn và họ thường hỏi xin những thứ như vậy, hoặc là xin súng lục. Nhưng Vang Pao lại xin một. cái đe. “Một cái đe à?” “Phải”. Người Mèo rất giỏi làm đồ kim khí. Thế là tôi trở về Chi cục và nói “Tôi cần một cái đe”.

Vang Pao cũng nói rằng trên núi rất lạnh mà người Mèo thiếu quần áo Methven tìm chung quanh và phát hiện ra rằng gần đấy có một kho quân nhu trong đó có một đống áo thun màu xanh liu bỏ đại từ Chiến tranh thế giới thứ II tới nay. Bên quân sự sẽ bán cho CIA với giá năm xu một chiếc. Methven mua năm ngàn cái. Ông thuê một máy bay hai động cơ để chở cái đe và áo thun và thu xếp cho một người Mèo biết chỗ của Vang Pao để hướng dẫn cho phi công bay tới nơi.

“Cái đe thì thả dù còn áo thun thì chúng tôi hất xuống”, Methven nói. “Tới mặt đất thì áo thun bay khắp nơi. Trông cứ như một cái biển áo xanh vậy. Sau đó tôi tới Cánh Đồng Chum và tới chỗ ở của Vang Pao. Tôi nhớ là phải mất hai ngày mới tới nơi. Và người Mèo xếp hai hàng dọc theo đường mà chờ đón tôi, mặc mấy cái áo thun xanh ấy”.

Trong mấy tháng sau đó, Methven gặp Vang Pao hàng chục lần ở những.địa điểm khác nhau. Một lần Methven đang ở Cánh Đồng Chum, nói chuyện với viên tư lệnh quân sự của vùng đó và nhìn xem những người Lào đang vụng về đục thủng một lỗ bên sườn một chiếc C-46 để lấy một khẩu đại bác 105 ly ra. Vang Pao cũng đang ở đấy. Sân bay bị địch bắn moọc-chê. Methven chở Vang Pao và viên tư lệnh lên máy bay của ông đi thám thính trong vùng. Tình hình càng ngày càng tồi tệ. Lúc đó là mùa hè 1961 và Kennedy đang tiến gần tới chỗ thỏa thuận được với Krushchev về việc trung lập hóa nước Lào. Averell Harriman được phái tới Genève để bắt đầu thương lượng. Quan niệm của Lansdale về hoạt động công dân vụ, đã được Rufe Phillips tiếp thu, đã rơi vào một tình trạng hỗn loạn. Vào khoảng thời gian ấy CIA đã quyết định thử một số chiến thuật mới.

“Chi cục tình báo Mỹ ở đây bắt đầu vũ trang cho người Mèo”, Stu Methven nói, “bởi vì chương trình hoạt động chính trị đang đi xuống. Họ nói với người Lào và người Lào đồng ý. Họ cũng phải làm việc với chi cục Bangkok, ở đó người ta phái một sĩ quan tới Lào để điều khiển chương trình này”.

Methven đưa sĩ quan từ Bangkok đến Vang Pao, ông này là một người ở tiểu bang Texas. Người Pháp đã vũ trang cho người Mèo trong thời gian chiến tranh nhưng sau thì lại yêu cầu họ trả súng lại. Khi Methven nói cho Vang Pao biết họ định làm gì và giới thiệu Vang Pao với người Texax thì Vang Pao đã có ý kiến.

Ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói, “Các ông không làm như người Pháp chứ? các ông vũ trang cho chúng tôi rồi khi mọi sự thất bại thì các ông lại lấy súng đi rồi bỏ chúng tôi lại”.

“Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta mà nói “Nghe đây, ông đang nói chuyện với người đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ. Khi chúng tôi cam kết điều gì thì chúng tôi giữ lời cam kết đó. Sao ông lại có thể so sánh chúng tôi với Pháp được?” Chúng tôi nói rằng không bao giờ chúng tôi bỏ rơi ông ta cả”.

Sau đấy, Methven và sĩ quan người Texas đến vị trí đầu tiên được thiết lập ở phía Bắc. Một vị trí là một cái làng tạm thời mà người Mèo, những người lính và gia đình họ, sống chung quanh một đường băng máy bay do CIA sử dụng như căn cứ tiền tiêu đề phát động chiến tranh chống Pathet Lào và Bắc Việt Nam. Số vị trí này cứ tăng dần lên đến sáu mươi cái. Methven cũng tham gia vào cuộc tiếp tế đầu tiên bằng máy bay, về sau đã trở thành cách làm thường xuyên để tiếp tế gạo cho họ vì tình hình đánh nhau không cho họ làm ruộng được nữa.

“Họ chưa bao giờ được thấy một cuộc tiếp tế gạo như vậy”, Methven nói. “Chúng tôi vạch ra một chữ T để làm dấu. Máy bay đến, người ta hất những túi gạo xuống. Người Mèo chạy ra xem. Cái túi đầu tiên đã trúng và làm chết ba người. Đêm hôm đó họ rất vui mừng. Tôi trang trải mọi thứ cho họ rồi nói họ bắt một con trâu để che đậy cái tai nạn đó đi”.

Đó là lần cuối cùng Methven dính líu với Vang Pao và người Mèo. Người Texas và nhóm của ông ta đã phụ trách việc đó. Methven đã sắp hết nhiệm kỳ và chuẩn bị để trở về Hoa Kỳ “Des Fitz Gerald là người đứng đầu Phân ban Viễn Đông trong CIA đang đến Lào. Vì Lào lúc bấy giờ là một chuyện lớn nên chúng tôi được đối xử như anh hùng cả, và thế là Fitz Gerald nói, “Viết giấy giải ngũ cho mình đi. Rồi ông định làm gì?” Tôi nói, “Được, tôi sẽ nghỉ một năm rồi đi học lại”. Cục có những chương trình như vậy và tôi đang tính chuyện vào trường đại học Harvard hoặc một cái gì đại loại như vậy. Vào khoảng hai tháng sau có một bức thư gửi đến và cho biết “Ông đi sang Việt Nam”. Tôi nói với ông Giám đốc Chi cục “Chắc là có nhầm lẫn gì đây thôi”. Nhưng ông ta nói “Việt Nam. Không cần phải thảo luận gì cả”.

Khi Stu Methven chuẩn bị đi khỏi Lào vào cuối năm 1961, có một chàng trai hai mươi tuổi, người New York vừa học xong khóa huấn luyện về chiến đấu trong rừng của Lực lượng Đặc biệt ở Panama. Vint Lawrence chú ý đến khía cạnh bán quân sự, đến người nhảy dù từ máy bay ra và nói được nhiều thứ tiếng khác nhau. Ông cao một thước chín, nặng hơn tám mươi ký, đẹp trai, thân thiện với tóc đen và mắt nâu, với giọng nói rất nhiệt thành khi gặp câu chuyện trực tiếp liên quan đến nỗi người ta có cảm giác có thể trông thấy được như hơi thở trong buổi sáng sương mù vậy. Sau khi đã học rất tồi ở Exeter, ông đã nhờ quen biết hay liên hệ gia đình mà vào được trường đại học Princeton và, trước sự ngạc nhiên của mọi người, trở thành một sinh viên xuất sắc, nổi bật trong môn lịch sử nghệ thuật và tham gia sân khấu. Năm học cuối cùng ông mong giành được một học bổng Rhodes nhưng thất bại, ông phải có một quyết định cho tương lai của bản thân. Một cán bộ của trường đại học, quen với ông trong Câu lạc bộ ăn uống của trường, một người đã tham gia CIA khi mới thành lập đã giúp ông hình thành quyết định đó.

“Một hôm, ông hỏi tôi có muốn phục vụ đất nước một cách khác không”, Vint Lawrence nói. “Như mọi người khác, tôi còn phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự hai năm”. Ông ta nói. “Thích CIA không?” Cha tôi đã phục vụ trong cơ quan OSS ở Bắc Phi trong Thế Chiến II tôi nghĩ rằng đó cũng là một cách tốt để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Kennedy đang ra tranh chức Tổng thống. Chúng tôi rất cảm kích và ai cũng hăng hái sôi nổi. Khoảng hai mươi lăm sinh viên sắp thi tốt nghiệp giỏi nhất trong lớp tôi - mà tôi cho là lớp giỏi nhất - được mời đến nghe một buổi nói chuyện của CIA. Như là chúng tôi được tham gia vào một xã hội của người lớn. Tôi cảm thấy rất tự hào. Thế là tôi vào trại huấn luyện và thấy đây là một kinh nghiệm rất thích thú. Ở đấy, anh có bốn mươi con người thông minh nhất, sáng tạo nhất, tế nhị nhất, tập hợp sống chung gần gũi với nhau trong gần một năm trời, chơi đủ thứ trò chính trị. Sau khi qua khóa huấn luyện tác chiến, thường người ta hay nói là không đủ sức để theo tiếp khóa huấn luyện về các hoạt động bán quân sự. Nhưng khi thấy triển vọng mình được đào tạo thành một người nhiệt thành, trung thực (một gungho) theo kiểu một thủy quân lục chiến thì anh lại nói, “Được, tôi sẽ theo học tiếp”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2008, 07:45:03 pm »


Vint Lawrence lúc đầu chuẩn bị đi Tây Tạng để cùng nhân dân ở đó lập ra một tổ chức chống lại Trung cộng, nhưng đến phút cuối cùng lại được phái đi Lào và ông đến đây tháng Hai 1962. “Tôi nói tiếng Pháp của trường trung học và nói không giỏi lắm”, Lawrence nói, “nhưng đó là điều cơ bản để người ta cử tôi đi Lào, bởi vì khi tôi tới đó thì tôi là sĩ quan bán quân sự duy nhất nói được tiếng Pháp”. Joe Redick, nói tiếng Pháp thành thạo, bây giờ là Chi cục phó ở đây nhưng Lawrence ít khi gặp ông ta. Lawrence sống trong một căn nhà dã chiến an toàn bên cạnh sân bay và chỉ vào Vientiane có một hai lần. Ông hoạt động dưới cái vỏ một quân nhân. Trong thực tế, đó là trường hợp thông thường của các sĩ quan CIA trẻ, vì họ vừa làm việc cho Cục đồng thời cũng làm nghĩa vụ quân sự với quân hàm thiếu úy, theo một sự thu xếp giữa Bộ quốc phòng với CIA. Khi học trường đại học Princeton, ông đã là một sĩ quan trừ bị (ROTC) và đã trải qua tám tuần huấn luyện về pháo binh ở Fort Sill, trước khi đến trại huấn luyện của CIA.

Những cuộc thương lượng ở Genève giữa Ngoại trưởng Xô Viết Andrei Gromyko và Đại sứ Averell Harriman đã kéo dài nhiều tháng. Những quyền lợi mâu thuẫn nhau của phái hữu, phái trung lập và phái cộng sản đều phải được tính đến. Harriman và người Nga đã đi đến một công thức kêu gọi thành lập một chính phủ liên hiệp, và nền trung lập sẽ được giám sát bởi Ba Lan, Canada và Ấn Độ trong một ủy ban kiểm soát quốc tế, vẫn còn tồn tại ở Sài Gòn một cách lỗi thời để theo dõi Hiệp định Genève đã bị vi phạm từ lâu. Có sự do dự ở cả hai phía. Không ai thực sự tin rằng nó có thể hoạt động. Cục tình báo trung ương và một số quan chức của Bộ ngoại giao không muốn từ bỏ ông tướng cánh hữu của họ để thay thế vào đó bằng Hoàng thân Souvana Phouma, mà họ nghi là đã có phần nào hồng hồng. Nhưng cuối cùng, ngày 23 tháng Bảy, 1962, Hiệp định Genève về Lào đã được ký kết. Mỗi bên có bảy mươi lăm ngày, tới ngày 8 tháng Mười, để thu xếp và thực hiện những điều khoản của Hiệp định.

Người ta đã có thái độ tử tế với nhau trong một thời gian ngắn nhưng cái đó chỉ dừng lại ở bề ngoài. Người Nga muốn kéo Hoàng thân Souvana Phouma về phía họ bằng cách tặng ông chín máy bay và huấn luyện phi công. Người Mỹ đã xeo người Nga ra ngoài bằng cách trả tiền cho quân đội Lào, trên thực tế là đã trả tiền xăng dầucho mấy cái máy bay Nga và trả tiền ăn ở cho các huấn luyện viên Nga. Washington trình diễn cái màn tôn trọng đầy đủ những cam kết theo Hiệp định và rút toàn bộ cố vấn Mỹ ra khỏi các vùng nông thôn. Ủy ban kiểm soát quốc tế (ICC) đã kiểm soát từng anh chàng thủy quân lục chiến tóc ngắn khi họ rút đi. Ủy ban kiểm soát quốc tế cũng đặt ra một trạm kiểm soát để theo dõi sự rút lui của ước lượng bảy ngàn quân Bắc Việt Nam khỏi nước này. Nhưng khi họ rút thì người ta đếm không quá bốn mươi người. Người Mỹ đã vi phạm Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Người Bắc Việt Nam cũng vậy. Bây giờ cả hai lại chuẩn bị để vi phạm Hiệp định Genève năm 1962 về Lào.

Vint Lawrence trở thành công cụ của sự vi phạm của phía Mỹ. Theo những quy định của Hiệp định Genève về Lào, một nhóm nhỏ người Mỹ được giữ lại tại sứ quán Hoa Kỳ ở Vientiane, trong đó có Harriman đã thỏa thuận riêng người Xô Viết - hai sĩ quan của CIA. Không có một người Mỹ nào được để lại ở miền Bắc Lào, trừ một người trại chủ trung niên từ Indiana tới tên là Edgar (Pop) Buell, một nhân viên của Tổ chức tình nguyện quốc tế của Mỹ (International Voluntary Service) với lương sáu mươi lăm đô-la một tháng, một kiểu đội hòa bình tư nhân làm theo hợp đồng để thực hiện chương trình viện trợ. Pop Buell, thon thả dẻo dai, đầu hói, cao một thước sáu, đã đến Lào hai năm trước đây để làm lại cuộc đời sau khi vợ chết. Ông bắt đầu giúp cho những người Mèo tỵ nạn ở phía Bắc và sớm được thừa nhận là một nhân viên cứu trợ đắc lực nhất ở nước này. Ông là một người nóng nảy nhưng nhiệt tình làm không mệt mỏi, người Mèo gọi ông là Tan Pop, dịch ra là “người từ trên phái xuống”. Với cá tính và khả năng của mình, Pop Buell đã tạo dựng được ảnh hưởng lớn hơn nhiều địa vị chính thức thấp kém của ông. Lúc đó ông nói rằng dù có Hiệp định Genève, ông vẫn phải tiếp tục cung cấp gạo cho người Mèo, nếu không thì họ sẽ chết đói. Phía Cộng sản không sẵn sàng chấp nhận điều đó. Ai cũng biết rằng máy bay của Air America chở gạo cho Pop Buell là của CIA Nhưng cuối cùng người ta cũng quyết định cho ông ta ở lại phía Bắc.

Mùa hè năm 1962, trong khoảng thời gian Hiệp định Genève được ký kết, Vint Lawrence cùng bay với Pop Buell trên phía Bắc núi non nơi các quân lính của Vang Pao đã từng hoạt động. Họ đi tìm một căn cứ khác, tốt hơn, cho Vang Pao. Căn cứ hiện nay Vang Pao đang đóng quân bị núi non bao quanh và thường có sương mù cho nên tiếp tế rất khó khăn. Lawrence tìm được một thung lũng hình chén, phần lớn hoang vắng, trông như được tạo ra cho phù hợp với loại hoạt động mà CIA đang trù tính. Chỗ này an toàn, có thể dùng làm một sân bay được. Lawrence báo cáo cho cấp trên của mình biết. Vang Pao với quân đội của ông cùng với gia đình họ sẽ chuyển về vị trí mới này và Pop Buell sẽ nuôi họ. Lawrence đã mãn nhiệm kỳ làm nghĩa vụ quân sự. Ông bay về Hoa Kỳ để làm thủ tục rời khỏi quân đội rồi ông trở lại Lào với tư cách là một sĩ quan CIA, sẵn sàng bắt vào chiến dịch được giữ bí mật nhất trong cuộc chiến tranh này

Cái chìa khóa để giữ cho chiến dịch này bí mật không nằm ở Lào mà nằm ở Thái Lan. William Donovan, cựu Giám đốc cơ quan OSS làm Đại sứ cho Hoa Kỳ tại Thái Lan từ những năm năm mươi, và cơ quan CIA đã có những quan hệ nồng nhiệt gần gũi với người Thái. Một người làm chi cục trưởng của CIA ở Bangkok là Robert Jantzen, một người bạn thân chén chú chén anh với Thủ tướng Thái; để đền bù cho sự kém trí nhớ, Jantzen đã bí mật mang theo một máy ghi âm dành cho những buổi nói chuyện đêm khuya của họ. CIA đặc biệt có hiệu quả trong việc giúp đỡ cho người Thái xây dựng đội cảnh sát biên phòng mạnh, đó là một mối quan tâm hàng đầu của Thái Lan, bởi vì Thái Lan có mối lo là du kích Cộng sản Mã Lai ở phía Nam và Pathét Lào được Bắc Việt Nam ủng hộ ở phía Bắc.

Những sĩ quan CIA nào trước đây đã giúp đào tạo cảnh sát biên phòng cho Thái thì bây giờ được giao phải từ Thái Lan mà chỉ đạo hoạt động của người Mèo, trong số đó có sĩ quan Texas đã nói trên. Lúc đầu họ đặt cơ quan tại một sân bay gần biên giới Lào, bên sông Mê Kông, nhưng sau đó họ thấy không an toàn trước con mắt của những người tò mò nên đã dời về một căn cứ không quân lớn là Udorn, ở xa về phía Nam nhưng cũng nằm trong tầm bay sang Lào, ở đây người ta cấm các nhà báo thâm nhập. Các sĩ quan CIA bố trí cho cảnh sát biên phòng Thái mà họ đã huấn luyện trước đây bí mật thâm nhập vào Lào để làm nhân viên điện đài, huấn luyện cán bộ và cung cấp người cho quân đội Vang Pao. Người Thái hoạt động bên Lào chịu sự kiểm soát của hai sĩ quan CIA duy nhất được phân công sống bên cạnh Vang Pao. Làm như vậy thì có lợi hơn, vì người Thái cũng là người Á châu, ít nhiều cũng hòa lẫn vào cảnh vật ở đây, CIA có thể sử dụng một số sĩ quan CIA tối thiểu và mọi hoạt động ít bị chú ý.

Vint Lawrence là một trong hai sĩ quan được phân công bên cạnh Vang Pao. Người kia là Anthony Poshepny, được gọi là Tony Po. Đây là một sự kết họp thú vị: Lawrence là một môn đệ của Ivy League về mặt xã hội1, đã mau chóng quan tâm tới người Mèo về mặt nhân chủng học; Tony Po là một cái máy đánh nhau thuần túy, rất dễ buồn chán khi không có đánh nhau. Vào tuổi bốn mươi, lớn hơn Lawrence hai mươi tuổi, Tony Po có thể coi là một chuyên gia về các hoạt động bán quân sự giỏi nhất của CIA. Ông đã từng là công binh cho thủy quân lục chiến trong Chiến tranh thế giới thứ II - người đổ bộ đầu tiên và làm nổ tung các công sự của địch trước khi những người khác đổ bộ tới - và sau đó lại đánh nhau trong Chiến tranh Triều Tiên. Ông vào CIA và trong những năm năm mươi đã huấn luyện cho bộ lạc Khamba từ Tây Tạng, và là một trong ba chuyên gia về hoạt động bán quân sự thâm nhập vào đảo Sumatra để tổ chức cuộc kháng chiến chống lại Sukamo của Indonesia.
__________________________________
1. Ivy League là một tập hợp các trường đại học và cao đẳng miền đông bắc Hoa Kỳ, đặc biệt có Yale, Harvard, Princeton, Columbia, Darmouth, Cornell, Pensylvania và Brown, nổi tiếng là học vấn cao và ảnh hưởng rộng - N.D
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2008, 07:45:29 pm »


Tony Po trông vững chắc như một cây sồi. Cái đầu to, vai và tay bắp thịt cuồn cuộn, cao khoảng một thước sáu và rất to con. Đánh nhau là trò chơi của ông, và mỗi lần đến quán rượu, ông hay bỏ trong túi một cái còi đánh bốc. Nhưng Po lại có bề ngoài rất vui tính. Lúc nào cũng toét miệng cười, dễ gần người châu Á, nói thì hay khoa chân múa tay để bổ sung cho cái ăn nói vụng về của ông, mặc dù ông đã học tiếng Lào. Có một khía cạnh không được rõ ràng trong con người của Tony Po. Hình như cha ông là một sĩ quan hải quân ở Pearl Harbor và sau đó trở thành một bung xung giơ đầu chịu báng về một vụ gì đó, Po sẵn sàng đi đánh nhau ở Đông Dương nếu cần để xóa cái vết nhơ, có thật hay tưởng tượng, đối với gia đình ông. Ông là một người thông minh và khéo tay, nhưng cũng như những con người hành động khác, không quan tâm mấy đến công việc mệt nhọc ở bàn giấy.

Tony Po và Vint Lawrence sống chung với nhau trong một căn nhà gỗ trên núi ở Lào gần hai năm, ít khi gặp được người Mỹ khác, thỉnh thoảng lại bay vào Thái Lan nghỉ ngơi lại sức nhưng không có bao giờ vào Vientiane cả. Đó là những tháng đầu tiên sau khi Hiệp định Genève được ký kết nói là để trung lập hóa nước Lào, khi mà Hoa Kỳ còn ra vẻ trong trắng, và họ phải hoạt động một cách lén lút phải lẩn tránh chiếc trực thăng sơn màu trắng của ủy ban kiểm soát quốc tế bay vòng vòng trên đầu để phát hiện những kẻ vi phạm. Họ bị bộ chỉ huy hạn chế mọi hoạt động. Phần lớn họ làm nhiệm vụ báo cáo, huấn luyện người Mèo và cử những đội theo dõi sự thâm nhập của quân Bắc Việt Nam. Tony Po rất ghét phải viết báo cáo. Trách nhiệm đó lại rơi vào Lawrence. Có khoảng mười lăm nhóm điện đài người Thái phục kích trong núi. Mỗi đêm họ gọi về, Lawrence thu thập báo cáo của họ rồi chuyển về bộ chỉ huy tác chiến ở Udorn.

“Tony Po ngày càng thấy khổ sở với tôi”, Lawrence nói, “bởi vì tôi là thằng nhỏ hơn, trên thực tế làm hết mọi việc và là người mà mọi người muốn gặp khi có chuyện cần đến”. Điều Tony cần là hành động. “Tôi không gan dạ, không liều mạng, không dũng cảm bằng anh ấy - hay là anh muốn gọi gì cũng được. Tony có thích thú là phải đi ra ngoài và đánh nhau. Tôi cũng bị dính vào đôi trường hợp nguy hiểm nhưng không phải tự tôi muốn đút đầu vào chỗ nguy hiểm”.

Tony Po cũng tách dần khỏi mối quan hệ với Vang Pao vì ông không biết nói tiếng Pháp. Lawrence và Vang Pao quan hệ mật thiết với nhau vì cả hai cùng nói một thứ tiếng, tuy không nhất thiết phải đúng văn phạm, và cũng vì Lawrence còn quan tâm nghiên cứu người Mèo về một mặt khác ngoài lĩnh vực quân sự. Trong khi đó, người ta lại thấy Tony đang mải mê nghiên cứu một tờ Wall Street Journal không biết từ đâu lại lọt vào hòm thư, ngồi trên một đỉnh núi Lào, với một khẩu súng bên cạnh, phục kích quân địch - chuyện này làm cho Lawrence rất thú vị vì cha của ông là người làm tư vấn đầu tư ở New York, và ông thấy được sự ngược đời trong sự đam mê này của Tony. Nhưng ông sẽ không thấy thú vị khi Tony say, mà ông ta ngày càng say nhiều hơn vì buồn chán, và trở nên hay gây sự. Vì vậy mà cả hai đều cảm thất thoải mái khi Tony Po được phân công đi xa hơn lên phía Bắc, đến một bộ lạc miền núi khác, gọi là Dao, ở đó ông ta có dịp đi đánh nhau, bỏ Lawrence ở lại chăm sóc cho Vang Pao,

“Nhiệm vụ của tôi là nắm Vang Pao”, Lawrence nói. “Tôi ăn, tôi ở và tôi ngủ với ông ta. Tôi không có ý nói là tôi ngủ thực sự với ông ta, bởi vì ông ta có tới năm bà vợ, và việc đó không cần thiết. Nhưng tôi ăn với ông ta, nói chuyện với ông ta, làm bạn và làm người động viên ông ta”.

Quá trình đó đã làm cho Lawrence rất khâm phục Vang Pao. “Ông ta khôn ngoan sắc sảo, thông minh”, Lawrence nói. “Ông có thể tàn nhẫn khi cần, nhưng ông rất khôn khéo về chính trị. Ông không sinh ra từ một gia đình quyền thế, nhưng thông qua một loạt cuộc hôn nhân khôn khéo ông đã thiết lập được một cơ sở trong các gia đình quyền thế. Và ông có quan hệ với người về danh nghĩa là đứng đầu người Mèo, đó là Touby Ly Fong, na ná như quan hệ của tôi với Tony Po, tuy tôi không muốn so sánh Tony với Touby”.

Touby Ly Fong là người Mèo đầu tiên đã học cao đẳng, thành tựu đó cộng với sự ủng hộ của người Pháp, họ sử dụng ông ta cho mục đích của họ, củng cố địa vị vua người Mèo của ông. Người Mèo là sắc tộc thiểu số lớn nhất ở Lào. Chính phủ Vientiane muốn tranh thủ bất cứ sự ủng hộ nào mà họ có thể tranh thủ được, đã phong ông làm bộ trưởng y tế và giáo dục, một chức vụ có tiếng mà không có miếng, để lợi dụng ông. Ông đã trên năm mươi tuổi, đẫy đà béo tốt, ăn nói lịch thiệp như một người thượng lưu. Ông là một người trung thành với sắc tộc của mình, nhưng nền giáo dục của Pháp đã hạn chế tầm nhìn của ông, đã để lại cho ông một ham muốn mà có ít cơ may để đạt được. Ông là vua Mèo, nhưng người Mèo chỉ có một vụ thu hoạch lúa, nên ông phải xoay ra kinh doanh nha phiến.

Trước đây khoảng một thế kỷ, người Anh không những đã đưa thuốc phiện đến cho người Trung Hoa mà thực tế là nhét vào họng họ. Thương nhân người Anh đến Trung Hoa mua lụa với trà, đã thấy là họ chẳng có gì cho người Trung Hoa mua trở lại cả, thế là họ lấy thuốc phiện từ thuộc địa Ấn Độ sang và sau đó thậm chí còn gây ra cuộc chiến tranh nha phiến đề ép buộc người Trung Hoa phải tiêu thụ món hàng này. Tới khi có một số người nghiện kha khá rồi thì người Trung Hoa tự trồng lấy thuốc phiện. Vân Nam nằm ở phía Nam Trung Hoa là vùng thuận lợi với việc trồng loại cây này, và từ Vân Nam, cây thuốc phiện đã vượt biên mà sang khu vực Tam Giác Vàng - tức là phía Bắc của ba nước Miến Điện, Thái Lan và Lào - tại đây chúng đã mọc lên từ bàn tay vun trồng của những người Mèo nghèo một cách tuyệt vọng, và việc trồng thuốc phiện đã trở thành cách duy nhất cho họ có tiền sinh sống.

Vào cuối mùa hè, người nông dân Mèo gieo giống thuốc phiện, trên cánh đồng họ đã cuốc xới. Mầm xanh mọc lên và lớn dần lên tới ba hay bốn bộ (tức là khoảng trên dưới một mét) với một cọng lớn, bao bọc chung quanh độ nửa chục cọng nhỏ hơn, và mỗi cọng cho một cái hoa. Hoa tàn cánh hoa rơi để lại một cái hạt màu xanh có vỏ bọc, bằng trứng chim. Trong hạt này có một thứ nhựa trắng như sữa. Phụ nữ Mèo ra đồng, mang theo những con dao nhỏ ba lưỡi. Mỗi cây họ đâm vào đấy ba nhát cho nhựa chảy ra. Khi nhựa đông lại biến thành màu nâu, thì họ trở lại lấy dao cạo rồi gói vào lá chuối. Đó là thuốc phiện thô. Họ thu nhựa nâu đó lại, đóng thành kiện rồi đem bán. Họ được khoảng bảy đô-la một ki-lô-gam, sau dó người ta chế ra hê-rô-in hay morphin, bán được hàng ngàn đô-la.

Người Pháp đã quyết định lấy tiền bán thuốc phiện mà trang trải những chi phí cai trị của họ ở Đông Dương. Trước đây có một người làm ngân sách, tên là Paul Doumer đã được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương, đã tổ chức lại việc kinh doanh thuốc phiện sao cho có lợi nhất vào năm 1899. Một số người kế tục của Paul Doumer làm ăn không có hiệu quả bằng ông và cách quản lý tồi tệ của họ làm cho người Mèo bất mãn, nổi lên tấn công vào một trại quân của Pháp. Thuốc phiện do người Mèo sản xuất thực ra cũng không được bao nhiêu. Pháp đã nhập cảng của Iran và Thố Nhĩ Kỳ 60 phần trăm số thuốc phiện họ bán ở Đông Dương. Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, đường buôn bán bị bế tắc. Pháp gây sức ép để người Mèo tăng gia sản xuất thuốc phiện của họ và định ra một sắc thuế làm vừa lòng họ. Pháp biết rằng những người Mèo thích tự do này rất dễ nổi giận và bạo động nên họ tránh buôn bán trực tiếp mà giao cho một số người bản xứ làm môi giới. Touby Ly Fong chính là một người đứng ra làm môi giới đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2008, 07:45:54 pm »


Khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Pháp bị áp lực quốc tế phải dẹp bỏ việc hút thuốc phiện, tình thế bắt buộc họ phải hành động. Về mặt chính thức, thì Pháp rút đi, nhưng họ hoạt động bí mật, ngành tình báo Pháp thiếu tiền chi cho những hoạt động chống Việt Minh, đã nắm lấy việc buôn lậu thuốc phiện và hoạt động thông qua bọn buôn lậu người Corse.

Chính trong thời kỳ này, năm 1952, người Mỹ đã thiếu thận trọng để vướng vào việc buôn bán thuốc phiện. Việc đó bắt nguồn từ việc Mỹ dính líu với quân đội Trung Hoa Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch, bọn này bị Mao Trạch Đông và quân đội Trung Cộng của ông đánh đuổi ra tận Đài Loan. Hàng ngàn quân Tưởng Giới Thạch bị đánh tan tác không chạy ra được Đài Loan mà chạy vượt biên qua Miến Điện. Quân đội Miến Điện yêu cầu quân Tưởng Giới Thạch đầu hàng hoặc cút ra khỏi biên giới, nhưng bọn này không nghe nên họ đã mở một cuộc hành quân đánh chúng lui vào vùng rừng núi lởm chởm của Tam Giác Vàng thuộc Miến Điện, gần Thái Lan. Người Miến Điện đang chuẩn bị một cuộc càn quét thì Washington quyết định vũ trang và huấn luyện đám tàn quân Quốc Dân đảng này để bảo vệ biên giới và quấy rối quân đội của Mao. CIA đưa những chuyên viên hoạt động bán quân sự nhảy dù xuống và tổ chức một trại huấn luyện tại đây. Họ lùng sục khắp trong vùng tìm những tàn quân của Tưởng Giới Thạch còn sống sót đưa về đây được khoảng bốn ngàn quân. Khi những anh lính Trung Hoa Quốc Gia nhìn qua nhìn lại mới biết rằng mình đang trong vùng Tam Giác Vàng và thấy rõ rằng đi buôn thuốc phiện lậu được nhiều tiền hơn đi lính, mặc dầu cả hai nghề này đầy nguy hiểm như nhau và đòi hỏi phải khôn khéo như nhau, vì thường xảy ra đánh nhau giữa các phe phái buôn lậu thuốc phiện. Dù sao đi nữa, nhận vũ khí và tiếp tế của Mỹ để đứng vững trở lại sau cơn chạy dài bây giờ họ trở thành một đội quân thuốc phiện hơn là một đội quân chống cộng; hoạt động của CIA chấm dứt, để lại sau lưng họ một toán cướp được tổ chức rất tốt và rất nguy hiểm đảm bảo cho năm mươi phần trăm thuốc phiện lậu được đưa tới những thị trường hải ngoại.

Phần lớn người Mỹ được phân công tới Bắc Lào đều có ý nhìn thuốc phiện với con mắt của người Mèo. Họ trồng mà không dùng thuốc phiện, trừ phi để chữa bệnh. Họ coi thuốc phiện giống như người nông dân Mỹ coi ngô bắp hay đậu nành vậy thôi. Đó là thu hoạch vụ mùa của họ, một vụ thu hoạch mà giá cả lên xuống tùy theo biến động của thị trường. Họ không hề tham gia vào quá trình chế biến thuốc phiện thành hêrôin hay morphin. Họ cảm thấy không chịu trách nhiệm gì về những hậu quả xã hội của việc trồng thuốc phiện, cũng giống như người trồng ngô bắp không chịu trách nhiệm về việc người ta lấy sản phẩm của mình mà nấu rượu, và từ đó mà làm tăng thêm tệ nhậu nhẹt say sưa . Ngay cả Pop Buell, công việc của ông hoàn toàn nhân đạo, cũng nhìn thuốc phiện theo con mắt của người Mèo sau khi ông đã thuyết phục họ và thất bại trong việc làm cho họ chuyển qua một loại trồng trọt khác, khoai lang chẳng hạn. Pop Buell tin rằng giải pháp duy nhất là mua hết vụ thu hoạch thuốc phiện của họ đi rồi đốt đi. Người Mèo trồng không hơn một trăm tấn thuốc phiện một năm, tức là không tới một triệu đô la, giá bằng hai chiếc trực thăng. Stu Methven đã điện cho CIA hai lần đề nghị Hoa Kỳ hãy làm việc đó, nhưng ý kiến của Stu Methven có khác một chút là thay vì mua rồi đốt thì mua rồi ném xuống Trung Hoa, gây rắc rối thêm cho Cộng Sản. Nhưng thông thường khi gặp một vấn đề nan giải về đạo lý thì Washington không làm gì cả. Kết quả là có dư luận trên báo chí nói rằng CIA đã ủng hộ bọn buôn lậu thuốc phiện và chở thuốc phiện bằng máy bay của Air America. Mọi lời bàn tán đều tập trung ở Vang Pao; ít ai nghe nói tới tên Touby Ly Fong.

“Tháng nào tôi cũng nhận được điện hỏi về Vang Pao và thuốc phiện”, Vint Lawrence nói. “Rồi việc đó lâu ngày biến thành một trò đùa. Tôi xuống chỗ Vang Pao nói: “Này, bữa nay tới ngày phải báo cáo rồi đây, tôi cần phải có cái gì để báo cáo với Cục”. Tôi biết thuốc phiện để đâu. Để ngay dưới nhà của Vang Pao. Ông ta giữ một tấn đó để đề phòng khi Mỹ rút đi thì có cái mà xài. Thì cũng chỉ mấy kiện đó - như tiền gửi bảo hiểm vậy. Thỏa thuận cơ bản giữa Vang Pao với Touby Ly Fong là Vang Pao không gây sức ép với Touby Ly Fong, và ông này cứ buôn bán thuốc phiện. Vang Pao cần Touby, bởi vì Touby có thể gây cho Vang Pao nhiều khó khăn với Vientiane. Vang Pao ghét Vientiane và ban lãnh đạo nước Lào mà ông cho là tham nhũng. Thế là ông để cho Touby làm gì thì làm và đáp lại Touby để ông làm gì thì làm. Vang Pao biết rõ rằng chúng ta không muốn ông ta dính dáng tới thuốc phiện. Ông nói rằng ông hiểu điều đó.

“Có một ít người hỏi tôi, Phi công Mỹ có chở thuốc phiện không?” Tôi nói. “Có, họ có chở nhưng họ không biết là họ đang chở thuốc phiện”. “Tôi chưa thấy một phi công nào dính dáng làm ăn với người nào. Nhưng tại phi trường ngày càng mở rộng, có tới ba bốn trăm người. Một số thì đi Vientiane, một số thì đi căn cứ khác, ai cũng mang theo mấy cái túi nhỏ đựng tài sản của họ. Trong hoàn cảnh của chiến tranh, anh không có được sự kiểm soát an toàn cho hẳn hoi để biết là ai mang thứ gì trước khi họ lên máy bay”.

Liệu Vang Pao có không dính líu với thuốc phiện như người bạn đồng thời là sĩ quan thân cận với ông ta là Vint Lawrence đã nói không? Cái này khó mà biết được. Nhưng không chắc ông ta là một tên buôn thuốc phiện lậu như lời đồn đại, mà một số là từ người nhà của Touby Ly Fong đưa ra, họ ganh tỵ với thế lực của Vang Pao và sợ lật đổ Touby Ly Fong. Dĩ nhiên Vang Pao là một người đã lớn lên trên cánh đồng á phiện. Việc ông ta trữ một tấn thuốc phiện chứng tỏ ông ta không phải hoàn toàn vô tư trong vụ làm ăn này. Nhưng Vang Pao biết rằng Washington rất nhạy cảm với vấn đề này mà ai đã biết Vang Pao đều biết ông ta là một người có trách nhiệm: Hơn nữa, cây thuốc phiện đòi hỏi phải được thâm canh mà chiến tranh càng phát triển thì người Mèo lại ít có cơ hội để trồng trọt. Chỗ trồng thuốc phiện nhiều nhất là nằm ở phía Bắc, trong bộ lạc người Dao, nơi Tony Po được bổ nhiệm. Và Vint Lawrence tin rằng Tony Po cũng kiên quyết chống thuốc phiện như bất cứ người nào khác. “Tony là một chiến sĩ, cần có nhiều hoạt động, nhiều binh sĩ”, Lawrence nói, “Mà thuốc phiện thì hủy hoại quân sĩ”

Cũng không hẳn là hãng Air America đã dính líu vào việc chở thuốc phiện một cách vô tư không hay biết như là Lawrence nói. Rất khó giải thích cho người Mỹ là những người đã quen với việc kiểm soát trên sân bay của họ hiểu một sân bay ở châu Á thời chiến là như thế nào. Đám quần chúng chồng chất trên máy bay thường xuống máy bay không theo một quy củ nào cả, mang theo đủ mọi thứ từ trẻ con khóc lóc om sòm tới mấy con heo kêu eng éc. Không có những cô chiêu đãi viên mặt mũi tươi cười đâu - họ đã bỏ đi hết rồi. Đảm bảo rằng không người nào mang theo một ki lô thuốc phiện lậu trong cái bịch gạo hay gà con của ông ta là một điều không thể nào làm nổi. Vả lại còn nhiều cách chuyên chở khác của bọn buôn lậu thuốc phiện. Việc ký kết Hiệp định Genève đã chấm dứt việc sử dụng Air Opium với những phi công chở mướn người Pháp: họ rút về sống với nghề kinh doanh khách sạn và quán ăn ở Việt Nam. Việc chở thuốc phiện giờ đây do các viên tướng Lào đảm nhận, họ có những phương tiện vận tải riêng hoặc họ có thể móc ngoặc với Không lực Nam Việt Nam để làm việc đó.

Tuy nhiên, dù nhìn dưới góc cạnh nào, sự dính líu của Mỹ vào thuốc phiện ở Lào, dù không cố ý hay chỉ tham gia, cũng là một điều xấu và đã đem lại hậu quả tai hại, vì Washington đã không chịu thẳng thắn đương đầu với vấn đề này. Chỉ còn là vấn đề thời gian khi có những người khác nhận thức ra, như Pop Buell và Stu Methven đã nhận thức, rằng câu trả lời duy nhất là mua vét hết thuốc phiện. Nhưng họ là những người ở phía bên kia, và ý đồ của họ gần với ý kiến của Methven hơn là của Buell. Buell chủ trương mua hết thuốc phiện rồi đem đốt. Methven chủ trương mua hết thuốc phiện rồi đem ném xuống Trung Cộng. Bây giờ người ta mua hết, nhưng lại ném xuống người Mỹ. Năm 1970, trẻ em Nam Việt Nam bán cho lính Mỹ hêrôin liều lượng cao với giá gần như cho không.

Không lâu sau khi Tony Po đi khỏi, những điều hạn chế của Hiệp định Genève đã bị tháo gỡ và quân của Vang Pao lại tăng cường hoạt động dưới sự chỉ đạo của CIA. Lại có thêm nhiều người Mỹ nữa tới Vientiane. Nhưng Đại sứ William Sullivan của Hoa Kỳ cho rằng không nên bỏ hẳn cái vẻ ngoài trung lập. Ông cho rằng điều tồi tệ nhất là đưa lính chính quy của Mỹ vào Lào và ông dành hầu hết thời gian của mình đề chặn đứng việc chính thức Mỹ hóa cuộc xung đột ở Lào. Đại sứ William Sullivan đã kiểm soát tình hình chặt chẽ đến nỗi ông đã biến thành một kiểu Đại sứ/tư lệnh chiến trường, vừa làm ngoại giao vừa điều phối mọi hoạt động quân sự mà trong đó niềm hy vọng lớn nhất là lực lượng của Vang Pao.

Căn nhà gỗ đơn sơ mà Vint Lawrence và Tony Po đã ở gần hai năm nay được thay thế bằng những ngôi nhà xây cất đàng hoàng. Gỗ được đưa từ bên ngoài vào. Người ta đã lập một cái chợ. Mở cống thủy lợi. Thoạt tiên là máy điện, tiếp theo là máy điều hòa, đường tráng nhựa, chỗ giải trí. Một cơ quan làm việc cũng nguy nga đường bệ như bất cứ cơ quan nào ở Nam Việt Nam, được dùng làm ban chỉ huy hỗn hợp của Vang Pao, CIA và nhân viên của Thái. Lại có thêm nhiều người ty nạn và gia đình binh sĩ đến tập trung chung quanh căn cứ của CIA và Long Tieng - tên của căn cứ này - đã trở thành một thị trấn với bốn mươi lăm ngàn dân thị trấn lớn thứ ba trên đất Lào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2008, 07:46:11 pm »


Tuy nhiên một mức độ bí mật nào đó cũng được bảo vệ, chống lại sự tò mò của báo giới. Việc đó một phần cũng nhờ Pop Buell và công việc cứu trợ tỵ nạn của ông, không chủ tâm mà trở thành cái van an toàn cho hoạt động của CIA. Pop Buell bỏ Long Tieng tới một căn cứ khác cách đó mười bảy dặm, gọi là Sam Thong, tại đó ông đã dựng lên một bệnh viện, một trường học và cung cấp mọi phương tiện dễ dàng cho dân chúng với sân bay riêng của nó. Buell nhận được một chức vụ ở Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ với số lương cao hơn. Ông không bao giờ là nhân viên của CIA cho nên Vint Lawrence làm phần lớn công việc điều động máy bay Air America tiếp tế gạo cho người Mèo. Căn cứ của Pop Buell tại Sam Thong thì mở cửa cho các nhà báo và cho bất cứ ai muốn đến, trong khi căn cứ của CIA ở cách đó máy dặm thì không ai được tới. Do đó, những bài báo nói về Lào tập tnmg vào Pop Buell, con người đáng chú ý và có thể trích dẫn được, làm cho người ta bớt chú ý tới những hoạt động của CIA.

Được CIA xức dầu thánh, Vang Pao đã mau chóng thăng quan tiến chức, được phong làm đại tá và sau đó làm tới chức tướng, coi vùng quân sự phía Bắc Lào, một sự tiến thân chưa từng có đối với người Mèo. Giấc mơ của Vang Pao là chiếm được Sam Neua, một tỉnh của vùng Đông Bắc, lấy được của Pháp từ năm 1953, và từ đó tới nay nằm dưới quyền kiểm soát của Cộng sản. Thị trấn Sam Neua là một giao lộ tỉnh lỵ, tổng hành dinh của lãnh tụ Pathet Lào là Souphanouvong. Sam Neua và một tỉnh nữa là tỉnh Phong Say mà biên giới xa nhất về phía Bắc chỉ cách Hà Nội có tám mươi dặm, là địa bàn hoạt động chính của Bắc Việt Nam ở Lào. Có lúc giấc mơ của Vang Pao tưởng đã thành hiện thực. Những chiến sĩ du kích của ông đã triển khai khắp các vùng rừng núi mà tấn công quân Bắc Việt Nam vào lúc họ ít cảnh giác nhất, bằng chiến thuật đánh rồi chạy. Qua ba năm từ 1962 tới 1965, họ thắng hết trận này tới trận khác.

“Chúng tôi đảo lộn thế cờ với Cộng sản ở Bắc Lào”, Vint Lawrence nói. “Ở đây họ tập trung trong thị trấn và dùng đường lộ mà đi, thế là họ bị du kích của Vang Pao phục kích. Gần như là đảo ngược tình thế đã từng có ở Nam Việt Nam giữa quân Mỹ và Việt Cộng vậy”.

Cuộc chiến tranh du kích trong thời kỳ này là thành công lớn nhất của CIA ở Đông Nam Á. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nó là hoạt động CIA duy nhất giống như hoạt động của OSS trong Chiến tranh thế giới thứ II. Chẳng có cái gì mơ hồ về mặt đạo lý hay chính trị trong phần này của cuộc xung đột Đông Dương cả. Và cuộc đánh nhau ở đây cũng chẳng dính líu gì tới việc ngăn chặn cuộc thâm nhập theo đường mòn Hồ Chí Minh như mọi người đã nghĩ; đường mòn nằm xa về phía Nam. Người Bắc Việt Nam không khác gì người Đức hồi Chiến tranh thế giới lần II, muốn chiếm đất của người Mèo và lập nên một chế độ bù nhìn ở Vientiane. Người Mèo được động viên đứng lên chiến đấu không phải để chống cộng sản mà là để bảo vệ sự sống còn của mình. Cuộc kháng chiến của họ được lãnh đạo bởi một lãnh tụ bản xứ vững mạnh và thu hút được lòng người. Phong trào này được sự giúp đỡ của một số tối thiểu nhân viên tình báo Hoa Kỳ; thời kỳ mà hoạt động du kích lên tới cao điểm cũng chỉ có từ tám tới chín sĩ quan CIA ở vùng Bắc Lào, đảm bảo cho người Mèo tự họ lãnh đạo họ và tự tin ở họ.

Vang Pao được mời sang Washington để CIA chiêu đãi. Ông ta là người chỉ huy chiến trường giỏi nhất ở Đông Dương và ông Giám đốc CIA muốn cho ông ta thấy rằng ông ta được đánh giá cao như thế nào. Stu Methven được chỉ định đi tháp tùng Vang Pao “Chỉ cần ông nói cho chúng tôi biết là ông muốn đi đâu, ông muốn xem gì”, Giám đốc CIA nói, “và ông Methven sẽ đưa ông đi đó”. Stu đã mơ tưởng tới những cuộc đi bơi ở Florida hay California với Vang Pao, uống rượu pha đá, và thưởng thức phong cảnh. Nhưng Vang Pao đã biết là ông ta muốn xem gì. “Detroit”, ông nói. “Cảm ơn”. Con người Mèo ở trên núi cao của Lào trước đây đã xin một cái đe ngay lần gặp gỡ đầu tiên nay rất thích thú ngắm kim khí chui vào đầu này và đầu kia lại chui ra một chiếc xe hơi.

Tuy nhiên, ánh hào quang đã sớm tắt. Việc này bắt đầu với một ý tưởng xem ra rất thực tế. Cuộc chiến tranh không quân chống Bắc Việt Nam đã bắt đầu từ tháng Ba năm 1965, nhiều máy bay đi ném bom có căn cứ ở Thái Lan, một số ở Udorn, căn cứ chỉ huy các hoạt động của quân Mèo. Đôi khi nhiều máy bay mang bom đi mà không ném được vì thời tiết xấu hoặc điều kiện không thuận lợi đã trút bỏ số bom đó xuống rừng Lào trên đường quay về Thái Lan. Thay vì ném xuống rừng hoang, dùng số bom đó ủng hộ cho quân Mèo của Vang Pao trong những cuộc hành quân có hơn không? Một sĩ quan không quân đã được giao trách nhiêm làm việc với CIA để hỗ trợ không quân cho Vang Pao. Nhưng cung cấp cho du kích sự hỗ trợ của không quân là bước đầu tiên để biến thành một đội quân chính quy. Cuộc chiến tranh không quân càng mở rộng, không quân muốn đặt một trạm ra-đa ở phía Bắc Lào, cách biên giới Việt Nam chừng vài dặm để điều khiển máy bay đi ném bom Hà Nội. Người Mèo được giao nhiệm vụ bảo vệ trạm ra-đa này, đưa họ trở lại thành những người lính bộ binh thông thường. Họ là những người du kích đánh rồi chạy, không phải những người lính được huấn luyện để bảo vệ một trạm tĩnh tại và khi Bắc Việt Nam tấn công, họ đã bỏ chạy. Trạm ra-đa bị cướp mất, làm cho mọi người đều hoang mang, mất lòng tin.

“Vang Pao bắt đầu xuống dốc”, Vint Lawrence nhận xét. “Chúng ta cứ đẩy ông ta vào con đường chính quy, tôi có cảm giác đó chính là chỗ chết của binh sĩ ông ta. Sự thúc đẩy xuất phát từ nhiều phía. Cục tình báo và Bộ ngoại giao không muốn cho quân Mỹ trở lại Lào, và tôi cho rằng họ đúng. Sullivan ở đây và ông đã ngăn chặn có hiệu quả việc đưa bộ binh Mỹ tới đây. Nhưng nếu không có quân Mỹ thì người ta phải ép quân của Vang Pao làm càng ngày càng nhiều hơn nữa, hơn mãi - đánh lấn vào Cánh Đồng Chum rồi giữ đấy, chẳng hạn. Cũng có một phần tại Vang Pao nữa. Ông đã có được ba năm thành công tốt đẹp và ông cho đây là thời cơ lập công của mình. Thế là ông ta vấp phải quân Bắc Việt Nam và họ bắt đầu đánh cho quân của ông nhừ tử. Từ mùa hè năm 1965 cho đến khi tôi ra đi vào mùa xuân 1966, rõ ràng là Bắc Việt Nam không chịu để mất mấy tỉnh phía Bắc Lào. Tôi nghĩ là họ đã nhận thức được rằng toàn bộ phần đất Tây Nam của họ là vùng các sắc tộc thiểu số sinh sống, và họ cho rằng Vang Pao là mối đe dọa cửa sau của họ. Họ đã quyết tâm điều đến đây mọi lực lượng cần thiết để giữ cho bằng được”.

Vint Lawrence đã rời khỏi Lào trước sự tiêu diệt quân Mèo bắt đầu. Về sau nhìn lại, ông cũng biết mình sẽ làm gì nếu sau đó lại được phân công giúp cho Vang Phao nữa, khi các chiến sĩ du kích này đã biến thành một lực lương chinh quy. “Chắc là tôi sẽ cực lực chống lại việc ấy”, ông nói. “Nói rằng tôi sẽ rút khỏi CIA thì dễ thôi, nhưng tôi cũng không biết rằng tôi sẽ làm gì trong tình hình đó”.

Không rõ đúng hay sai, nhưng trong đầu óc những sĩ quan đã phục vụ ở Lào trong những ngày đầu thì sĩ quan CIA có liên quan đến sự tiêu diệt quân Mèo chính là Ted Shackley, Chi cục trưởng của CIA ở Vientiane từ năm 1966.

Hoạt động của người Mèo được chỉ đạo từ Thái Lan nhưng trách nhiệm thuộc về người đứng đầu CIA ở Lào và Ted Shackley được biết là người nhận trách nhiệm đó. Chính là dưới sự chỉ đạo của Shackley mà quân Mèo đã trở thành một đội quân chính quy. Trong lúc cung cấp cho họ sự yểm trợ bằng không quân, Shackley liên hệ mật thiết trong công tác với một sĩ quan không quân tên là Richard Secord. Ngày mà Lawrence rời khỏi căn cứ của CIA chỉ có năm nhân viên của Cục được phân công tớ đây. Sáu tháng sau, sau khi Cục đồng ý cho không quân sử dụng căn cứ này như một căn cứ tiền tiêu thì có bốn trăm nhân viên không quân tới đây chiếm hết căn cứ Long Tieng, chấm dứt cái một thời đã là cuộc chiến tranh Việt Nam tiến hành bằng những hoạt động kiểu OSS.

Lawrence cũng hiểu rằng đổ mọi trách nhiệm cho Shackley thì quá đơn giản vấn đề. Theo ông biết thì Shackley là một sĩ quan tình báo xuất sắc, nhưng một trong những việc ông đã làm khi về tới tổng hành dinh của CIA là báo cáo cho Shackley nghe, ông này đang chuẩn bị đi Vientiane, và Lawrence cảm thấy khó chịu với con người này ngay buổi đầu gặp gỡ. Shackley thiếu hẳn sự cảm thông với con người, mà người Mèo cần có những người hiểu họ và cảm thông với họ. Kiên quyết không khoan nhượng là một việc, còn nhẫn tâm là một việc khác, nhưng Lawrence không chắc là Shackley có khả năng phân biệt giữa hai việc đó hay không. Cũng có một số người chia xẻ cảm nghĩ của Lawrence khi Shackley bắt đầu dính líu vào việc của Châu.

Khi Vint Lawrence rời khỏi Lào, ông cũng không dứt khoát là sẽ có trở lại đấy hay không. Ông đã ở đấy bốn năm và vừa mới bình phục sau một cơn bệnh, ông nói chuyện đó với William Colby, người đứng đầu phân ban của ông. Đối với Lawrence thì Colby là người ngược hẳn với Shackley - một người biết quan tâm đến con người.

Colby gọi tôi vào hỏi “Ông có muốn trở lại đó không?” Tôi nói: “Dĩ nhiên, một phần trong tôi muốn trở lại đó. Tôi yêu quý những con người ở đó”.

“Ông cũng hiểu là nếu ông đã có ý định trở lại đó thì ông đã không về nhà chứ?”

“Ông định nói gì?”

“Một số người đã ra đi mà không trở về - tỷ suất tiêu hao của máy bay và trực thăng bị bắn hạ là rất cao - và những ai đã trải qua đều không muốn trở lại đó nữa Tôi muốn ông hãy suy nghĩ rồi tuần sau chúng ta sẽ bàn tiếp”.

Đến cuộc gặp mặt sau thì Colby đã có chủ trương. “Tôi không để ông trở lại Lào”, ông nói với Lawrence “Tôi muốn ông làm việc cho tôi trong một năm. Nếu ông đã trở lại với Cục thì chắc là ông đã biết rằng mình định làm gì và định đi đâu. Ông sẽ làm trợ lý cho tôi để theo dõi những gì đang diễn ra ở Viễn Đông”.

“Làm việc với Colby rất thích”, Lawrence nói. “Ông là một người làm việc hăng say và có tinh thần cống hiến. Mỗi sáng tôi đến làm việc từ năm giờ rưỡi và lựa chọn trong đống thư tín của ông. Tôi là tai và mắt của ông ấy. Tôi làm trợ lý đặc biệt cho ông ấy. Sau đó tôi làm một cuốn phim về Lào và CIA, giải thích hoạt động của người Mèo”.

Khi ông đã trở lại Hoa Kỳ, Vint Lawrence thấy rằng tương lai của mình không dính với CIA. Trước hết, đứng về mặt nghề nghiệp mà nói, ông thực tế là một vị chỉ huy của hai mươi lăm ngàn du kích mà mới có hai mươi sáu tuổi. Làm sao ông có thể làm hơn được nữa? Hay là làm bằng như vậy thôi? Những người kỳ cựu trong Cục khuyên ông nên rời bỏ chỗ này đi thôi. Họ cảnh cáo ông rằng khi ông trở lại với Cục thì sẽ có người tìm cách đặt ông trở lại tầm vóc của mình. Ông cũng thấy rằng mình không phải giỏi trong việc làm tình báo ở nước ngoài. Ông không chơi cái trò mua chuộc người khác.

“Tôi đã nói việc đó với Colby” Lawrence nói. “và ông ta đã nói với tôi “Lạy Chúa, thì tìm nghề khác vậy”. Ông rất tin tưởng ở công việc làm cho chính phủ nhưng đồng thời cũng cho rằng người ta cần một cái gì khác nữa để khi chính phủ đẩy mình đi thì mình có thể đi ngay. Chính phủ sẽ sử dụng ông trở lại, ông nói, nếu ông không có chỗ nào khác để đi. Đó là trường hợp đã xảy ra cho những người chỉ làm sĩ quan tình báo hai mươi hay ba mươi năm. Một sĩ quan CIA thực tế là không thể sử dụng được khi ông ta ra khỏi ngành, không ai tiếp xúc ông ta cả”.

Vì vậy Vint Lawrence quyết định rời khỏi CIA trước khi tới ba mươi tuổi. Ông tính trở lại trường đại học lấy một bằng tiến sĩ về nhân chủng học nhưng lại chọn con đường gian khổ hơn là trở thành một nghệ sĩ. Năm tháng qua đi, ông càng đánh giá cao lời khuyên của Colby hơn bao giờ hết.

Colby nói đúng: một số người đã trở về trong quan tài hoặc không trở về nữa. Tony Po đã cưới một cô gái bản xứ và ở lại Thái Lan. Tony đã ở trong rừng rậm quá lâu và nước Mỹ chẳng còn ý nghĩa gì với ông nữa.

Mưu toan của Hoa Kỳ nhằm chống lại Pathet Lào và Bắc Việt Nam ở Lào đã kết thúc thất bại. Nhưng phương pháp lựa chọn để chống lại Cộng sản, trước tiên là các hoạt động chính trị rồi sau đó tung ra những hoạt động du kích kiểu OSS, ít ra cũng có tác dụng là đã ngăn chặn việc đưa lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ vào. Nếu thái độ đó cũng được coi trọng ở Việt Nam, đất nước này có thể đã tránh được một cuộc chiến tranh mở rộng. Mặt khác, kinh nghiệm ở Lào cũng có ảnh hưởng nào đó tới cuộc xung đột ở Việt Nam. Một số sĩ quan CIA hoạt động bán quân sự như vậy đã được điều sang Việt Nam sau khi chương trình hoạt động chính trị đã thất bại ở Lào, trong số đó có Stuart Methven, người liên lạc của Châu với Cục tình báo .
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2008, 07:46:58 pm »



CHƯƠNG XI
SAIGON 1961


William Colby là người đứng đầu Chi cục tình báo Mỹ ở Sài Gòn và sau đó, là người đứng đầu chương trình bình định với cấp bậc Đại sứ, đã dính líu vào nhiều mặt của cuộc chiến, nhưng ông lại là một nhà hoạt động tình báo chính trị có hiệu quả nhất đã từng phục vụ ở Việt Nam và những quan tâm hàng đầu của ông lại đi song sog với chương trình do Trần Ngọc Châu đề xướng. Ông đã nhận ra rất sớm rằng cuộc chiến này phải diễn ra ở cấp xã, tức là nơi mà quân đội Nam Việt Nam, tổ chức theo lối chính quy, tỏ ra kém hiệu lực nhất, do đó ông đã bỏ ra nhiều năm để huấn luyện và trang bị cho dân vệ là loại quân có thể đánh nhau với Cộng sản ở cấp xã về chính trị cũng như quân sự. Ông cũng nhận thức như Châu rằng mục tiêu quan trọng nhất ở nông thôn không phải là những chiến sĩ du kích mà là bộ máy chính trị và hành chính của Việt Cộng. Rơi vào cách ăn nói quan liêu ưa thích của người Mỹ, ông gọi đó là “hạ tầng cơ sở của Việt Cộng”, nghe như các quan chức Việt Cộng là cầu, là đường vậy, thường làm cho người ngoài ngơ ngác không hiểu ông định nói gì với chữ ấy.

Khía cạnh hấp dẫn trong con người của William Colby là ông có khả năng tiếp cận và thu nhận những quan điểm khác với quan điểm của ông. Thí dụ như bạn nói rằng CIA chẳng qua chỉ là sản phẩm của những phần tử của Ivy League trong OSS đã mệt mỏi vì thấy trước thế nào cũng bị bỏ rơi khi Thế Chiến II kết thúc và một khi không còn chiến tranh thì cơ quan tình báo thế nào cũng biến thành một thứ lính kín, với những bằng cấp về khoa học nhân văn, sẵn sàng đề cao và bảo vệ quyền lợi của chủ nghĩa tư bản đa quốc gia, trong khi những cựu sĩ quan OSS có dịp sống lại sự kích thích trong trò chơi cao bồi và da đỏ với các nhân viên KGB, thì William Colby cũng không vì thế mà nổi khùng, trái lại ông ta bình tĩnh ngồi nghe và thậm chí còn công nhận bạn nói nhiều chỗ đúng, sau đó mới kết luận rằng lập luận của bạn dựa trên một cơ sở không vững chắc và có sự hiểu sai tình hình thế giới. Thái độ cởi mở của ông không phải chỉ là bề ngoài để che đậy một thái độ ngoan cố mà ngay trong gia đình, ông cũng có một thái độ khoan dung như vậy; anh Paul con ông nhớ rằng trong những ngày mà cuộc chiến Việt Nam gây nhiều tranh luận nhất ở Mỹ thì anh vẫn có thể nói chuyện với bố mặc dầu có khi quan điểm của họ khác nhau.

Con người dễ tiếp cận và cởi mở như Colby thường kèm theo một số đức tính phụ - thích khôi hài, hay nói cho đúng ra, thích mỉa mai châm biếm, cũng có khi có xu hướng hay nói về những tư tưởng và tình cảm của chính mình. Nhưng cái đó chưa phản ánh đầy đủ con người Colby. Cái đầu óc khôi hài của ông sắc bén và khó chịu. Cái mà ông thông cảm với người khác là quyền lợi chứ không phải là tình người. Xét cho cùng, ông là một người nhút nhát.

Sinh ra ở St. Paul, tiểu bang Minnesota, Colby là con một trong gia đình. Cha ông là một sĩ quan quân đội, có bằng tiến sĩ Anh ngữ, đã từng làm chủ bút nhiều tờ báo và viết hàng chục cuốn sách về đủ mọi vấn đề, từ những nhà thờ đạo Thiên chúa của nước Anh tới một bản sưu tập tiếng lóng trong quân đội. Colby nói rằng cha ông là một người quá trí thức đối với quân đội và trở thành một đứa con hoang không bao giờ thích nghi được với gia đình quân đội. Ông đã về hưu với cấp bậc đại tá. Ông mô tả mẹ ông “một thiếu phụ Ái Nhĩ Lan lịch sự, rất ân cần, rất dễ thương”. Gia đình Colby cứ di chuyển luôn, nên anh chàng William trẻ tuổi không bén rễ được với địa phương nào cả. Ông đến Trung Hoa năm lên chín, ở đó ba năm, khi cha ông được bổ nhiệm đến làm việc với sư đoàn bộ binh thứ 15, ông nhớ lại với nhiều thích thú và hy vọng sẽ có ngày trở lại đó. Ông đã học trong một trường của Anh rất nổi tiếng ở Trung Hoa làm cho ông được xếp cao hơn một hai lớp với các bạn đồng thời ở Hoa Kỳ. Khi gia đình trở về Burlington, cha ông bắt đi học ở một trường trung học cho đàng hoàng. Sau đó ông theo học ở Học viện quân sự West Point - “cho xong nhiệm vụ”, ông nói vậy - nhưng không được, do cặp mắt của ông, ông đeo kiếng từ hồi nhỏ. Thế là ông vào trường đại học Princeton. Mười sáu tuổi, ông nhỏ hơn các bạn cùng lớp hai tuổi và là đứa bé duy nhất cứ di chuyển luôn, giống như những người từ đâu đến thường cứ phải nhận thêm việc làm ở nhà ăn của trường để có tiền theo học vậy.

Ông rất giỏi về khoa học chính trị và xuất sắc trong huấn luyện của các sĩ quan dự bị. Một thời gian có ảnh hưởng lớn đối với ông khi còn đang học là thời gian ông đi nghỉ hè ở Pháp, ở đây ông đã học được cách thông cảm và giao dịch với những người không phải là người Mỹ, những điều học được sau này ông đã dùng khi là một sĩ quan tình báo.

“Tôi nghĩ rằng không có lợi lộc gì mà người Mỹ cứ đi dạy người khác phải làm việc này việc nọ”, Colby nói “Anh sẽ được lợi nhiều hơn nếu anh đặt ra hàng loạt câu hỏi tìm hiểu kiểu Socrate. Trở lại cái mùa hè năm ấy, tôi cố gắng tìm hiểu xem vì sao người Pháp làm theo kiểu này mà không làm theo kiểu kia. Anh sẽ thấy rằng làm như vậy rất thú vị và bổ ích”.

Cái kỹ thuật của Colby - tiếp cận dịu dàng - rất thích hợp với tính nhút nhát e thẹn của ông, thích hợp với tướng mạo của ông, như một đức tính được sinh ra để đáp ứng sự cần thiết vậy. Ông không có cái kiểu áp đảo người khác bằng lối nói dọa nạt hay phỉnh phờ mà thỉnh thoảng nhiều sĩ quan tình báo đã làm. Ông cao một thước bảy mươi lăm, tóc nâu, đôi mắt xanh cảnh giác sau cặp kiếng. Ông tập luyện mỗi ngày cho cơ thể gọn gàng nhưng không phải là một lực sĩ. Trong Thế Chiến II ông đã hút thuốc về sau đã bỏ. Ông ít uống rượu, ở Việt Nam, mỗi buổi chiều chỉ làm vài ly nhỏ vậy thôi.

“Tôi đã viết trong sách của tôi rằng đã từng có một hình ảnh về nhà tình báo truyền thống, bận đồ xám, không ai để ý cả, đến nỗi vào quán rượu người hầu bàn không nhớ tới anh ta nữa”, Colby nói. “Cái đó phần nào giống tính của tôi - Tôi ít khi được người hầu bàn chú ý. Đó không phải là làm bộ hay là gì cả. Tự nhiên vậy thôi”.

Những ai quen Colby đều biết rằng ông rất sùng đạo Công giáo. Vint Lawrence nói, “Tôi nghĩ rằng tôn giáo có ý nghĩa rất lớn đối với ông. Nó giúp ông vượt qua những lúc khó khăn, làm cho ông thành người lính tốt, bởi vì ông tin vào những gì ông đang làm”. Lúc ở Sài Gòn, ông thường đi lễ vào sáu giờ sáng, nếu cả nhà không đi thì ông đi một mình, khi thì đi nhà thờ còn gạch đỏ là Nhà thờ Đức Bà hoặc là đến nhà nguyện của Brother Crawford, một linh mục đã truyền giáo ở Trung Hoa và ở nhiều năm ở châu Á. Colby không bao giờ thảo luận về tôn giáo của ông, cũng không tuyên truyền người khác theo tôn giáo của ông. Đó là vấn đề riêng của mỗi người. Còn việc ông vừa đánh giặc vừa đi lễ mỗi tuần, ông nói, “Vâng, tôi vẫn đi nhà thờ. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một phần của lề luật phải vậy”.

Hầu hết những người dũng cảm, dù là kín đáo hay tế nhị, cũng biểu lộ một thái độ kiêu căng nào đó, nếu không bằng lời cũng bằng dáng điệu. Nhưng nếu cho điểm thì điểm kiêu căng của Colby nằm gần số không. Ông ta cũng giống như một nhân viên ngân hàng sợ chính cái bóng của mình, vì cứ nơm nớp sợ có ai đó nhìn trộm hay nghe trộm câu chuyện mình đang nói. Chỉ sau khi nói chuyện với những người đã thấy ông trong hành động và theo dõi sự nghiệp của ông thì mới thấy rằng Colby không những là can đảm mà còn thích lăn mình vào chốn hiểm nguy nữa là khác. Ông không đeo những khẩu súng lục cán nạm ngọc trai, nhưng ông và Lou Conein có thể nói là đồng môn phái.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2008, 07:47:32 pm »


Chính là trong những đội biệt kích của OSS mà ông và Conein đã gặp nhau đầu tiên, Colby đã cho thấy rằng chính là quyết tâm đã được thử thách và lòng can đảm trầm tĩnh đã làm cho ông trở thành một trong những người Mỹ chủ yếu - “có hiệu quả nhất”, như Lansdale ca ngợi ông - phục vụ ở Việt Nam. Sau Chiến tranh thế giới lần II, lúc đó ông đã phục vụ ở Pháp và Na Uy, ông đã tốt nghiệp trường luật của Columbia và đến làm việc tại một Công ty luật của William Donovan. người đứng đầu cơ quan OSS trước đây. Nhưng Colby không quan tâm đến việc làm tiền bằng dâng hiến bản thân cho một sự nghiệp đáng giá hơn. Ông đã say mê hoạt động chính trị. Không phải cái thứ chính trị đọc diễn văn và vỗ lưng cử tri mà là thứ chính trị có tư tưởng và hành động. Ông rời New York đến làm việc tại ủy ban Quan hệ Lao động Toàn quốc với tư cách luật sư. Cũng giống như Dan Ellsberg, ông tự coi mình là một người theo phái tự do trong lĩnh vực đối nội, ủng hộ các công đoàn và các quyền công dân, và là một người chống cộng trên địa hạt ngoại giao. Nhiều năm sau, khi James Schlesinger, cựu Bộ trưởng quốc phòng và Giám đốc CIA nói, “Bill: ông là người theo phái tự do đầu tiên đã làm Giám đốc CIA đấy”, Colby thường nhắc lại lời nhận xét đó một cách tự hào. Cục tình báo Trung ương đã thu hút những người tự coi mình theo phái tự do như Colby và khi một trong những người lãnh đạo cũ của ông trong tổ chức OSS hỏi ông có muốn nhập bọn với họ không, thì ông không do dự gì cả. Việc bổ nhiệm ông ở Stockholm là quan trọng, nhưng chính ở Rome, ông mới thực sự làm cho mọi người chú ý.

“Ở Rome, tôi làm việc cật lực, lúc nào cũng làm việc bởi vì đó là lúc đang đấu tranh”, Colby nói. “Chúng tôi đang ở trung tâm một cuộc đấu tranh sinh tử với Cộng sản. Tôi lúc nào cũng ở cạnh máy điện thoại và ban đêm phải đi tiếp xúc liên tục. Tôi làm việc cật lực và rất vui thích với từng phút lao động ấy”.

Colby làm việc năm năm ở Ý và làm tốt đến nỗi đã được tín nhiệm đưa trở lại Viễn Đông. “Họ từ Viễn Đông về hỏi tôi “Muốn đi Sài Gòn không?” Và tôi trả lời, “Hay lắm”. Tôi không nhìn vấn đề này theo quan điểm nghề nghiệp. Tôi chỉ thấy rằng đây là một chỗ quan trọng để làm việc, một chỗ để hành động. Tôi không muốn được điều đến một chỗ buồn tẻ, một điểm chết. Đưa tôi sang Bỉ chẳng hạn, tôi sẽ rất bất mãn. Ông Giám đốc phân ban của tôi lại nói tôi hãy thông cảm là ông không thể cho tôi là trưởng Chi cục Sài Gòn được. Tôi đến đấy với tư cách là Phó cho ông trưởng chi cục mà thôi. Tôi thấy không có gì phải buồn phiền. Tôi sẽ làm theo như lời của xếp thế thôi. Nhưng khoảng một năm sau thì ông bạn đồng nghiệp kia rút đi và tôi lên làm xếp”.

Sự phân hóa trong nội bộ CIA giữa những loại sĩ quan tình báo khác nhau phản ánh sự phân hóa đã có từ trước trong OSS. Về cơ bản mà nói, rút lại là giữa những người tư tưởng và những người hành động. Loại thứ nhất là các nhà phân tích tin tức lục lọi giấy tờ và viết báo cáo mà không trực tiếp tham gia hanh động. Những người hành động lại chia thành hai nhóm. Một mặt, đó là những người thu thập tin tức bằng cách tuyển mộ nhân viên, thường là các chính khách địa phương, đó là những chuyên gia về tình báo đối ngoại (FI: Foreign Intelligence). Họ cho mình là những nhà tình báo “thuần túy”. Mặt khác, là những sĩ quan hoạt động bí mật thường là huấn luyện kỹ thuật tác chiến bán quân sự theo kiểu OSS có khả năng làm những việc như huấn luyện biệt kích chống cộng hoặc tổ chức đảo chính. Hai loại hoạt động này đôi khi trùng lặp với nhau theo nghĩa một sĩ quan hoạt động bán quân sự có thể được phân công hoạt động tình báo theo lối cổ điển.

Xét về quá trình đào tạo thì William Colby thuộc về loại hoạt động bán quân sự, một kiểu như Lou Conein nhưng có học vấn hơn và tế nhị hơn, có thể giống như Stu Methven vậy. Nhưng xét về con người thì ông không thiên về loại chính trị súng đạn mà thiên về loại hoạt động chính trị sử dụng tới tư tưởng và tổ chức, thiên hướng bắt nguồn từ những hoạt động của ông ở Ý, nơi ông đã lợi dụng - ông thích dùng chữ “ủng hộ” hơn - các đảng đứng giữa để chặn đường các đảng cánh tả. Cái định đề và phản đề của cá nhân Colby đã đưa đến một hợp đề là biến ông thành một người chủ trương cái ông thỉnh thoảng gọi là “bí mật xây dựng quốc gia”.

Những người cổ vũ cho việc xây dựng quốc gia trong Cục tình báo đều là các sĩ quan tình báo loại mới, thoát thai từ cấu trúc OSS cũ. Tư tưởng đang chỉ đạo họ, chính là tư tưởng của kế hoạch Marshall sau Chiến tranh thế giới thứ II, khi viện trợ ồ ạt được tiêm vào châu Âu, đẩy nhanh sự hồi phục của những nước bị chiến tranh tàn phá. Kế hoạch Marshall có kết quả đến nỗi trong những năm một chín năm mươi, những nhà tư tưởng đại học ở Mỹ đã đề nghị áp dụng một khái niệm như vậy để giúp đỡ các dân tộc vừa thoát khỏi ách thuộc địa. Đó là một quan điểm của phái tự do và dân chủ được chuyển từ quan điểm căn bản của người Anh cho rằng các dân tộc thuộc địa cũng cần phải chia xẻ gánh nặng của người da trắng. Hoa Kỳ sẽ giúp hiện đại hóa các nước không may mắn, giúp họ xây dựng quốc gia của họ, đồng thời mở ra cho họ một con đường dân chủ để thay thế chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô ủng hộ. Khái niệm hấp dẫn được nhiều người ủng hộ trong quốc hội, trong cộng đồng đại học, và lôi kéo được nhiều sĩ quan tình báo cho mình là người theo phái tự do như Colby. Họ cho rằng việc làm này phù hợp với bản chất rộng lượng trong lý tưởng chính trị của họ, có thể dùng để bù đắp cho việc đôi khi họ phải tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật tàn bạo chống cộng sản.

Chuyển biến này trong con người Colby không phải đã diễn ra ngày một ngày hai. Sau khi ông đến nhận chức vụ trưởng chi cục CIA ở Sài Gòn năm 1960 thì việc đầu tiên của ông là vạch ra một kế hoạch hành động biệt kích kiểu OSS để chống lại Bắc Việt Nam, kể cả việc đưa lén lút những phần tử phá hoại vào Bắc Việt Nam hoạt động quấy rối nhằm vào những cơ sở dọc theo bờ biển. Đó là loại hoạt đông mà Lou Conein đã nghĩ đến, và trên thực tế, Lou đã.làm liên lạc với nhóm biệt kích sau khi ông trở lại Việt Nam. Ba năm sau, khi William Colby đã làm trưởng phân ban Viễn Đông của Cục tình báo Trung ương, người trợ lý của ông là Bob Myers đã thuyết phục ông rằng trở lại những hoạt động kiểu OSS là không thích hợp với một cuộc chiến tranh chính trị.

Hơn nữa, ngay trong những lúc mà Colby thiên về hoạt động chính trị nhất, ông cũng không đồng ý với Lansdale cho rằng có thể đánh bại cộng sản chỉ bằng chiến tranh tâm lý không thôi. Colby thuộc dòng chủ lưu của những người chủ trương xây dựng quốc gia trong CIA, trong khi Lansdale mãi mãi là đứa con hoang trong tổ chức này. “Lansdale nghĩ rằng nếu anh tạo ra được một hình ảnh đẹp thì anh sẽ giành được một tác động chính trị căn bản”, Colby nói, “rằng trong khi chiến đấu chống sự thách thức ý thức hệ của cộng sản, anh cần phải có, ôi, nào truyện ngụ ngôn, nào dân ca những thứ đại loại như vậy. Đây là chỗ khác nhau giữa chúng tôi. Những bài dân ca thì hay thật đấy. Nhưng tôi nghĩ có vài cây súng đi kèm thì tốt hơn”.

Colby cảm thấy gần gũi hơn với Robert Thompson, chuyên gia chống nổi loạn của Anh, ông này đã ở Mã Lai trong thời kỳ chiến tranh du kích do cộng sản lãnh đạo; và hai người đã có những cuộc hội đàm riêng với nhau để tìm cách tiếp cận thích hợp với vấn đề Việt Nam. “Ông ấy với tôi rất hợp ý nhau, chỉ khác nhau đôi chút thôi”, Colby nói. “Chúng tôi đã đồng ý với nhau về tầm quan trọng của việc xây dựng ngành cảnh sát. Đó là cái người Mỹ không bao giờ hiểu cả - vai trò của cảnh sát. Chúng ta thường chỉ nhìn lướt qua. Nhưng trong một xã hội còn cổ sơ thì cánh sát lại là một vấn đề lớn của chúng ta”.

Colby là một người làm việc ít khi nghỉ ngơi. Đôi khi ông cũng ăn trưa ở Câu lạc bộ thể thao nhưng không mấy khi chơi ten-nit và không giống như một số quan chức Mỹ khác đã sớm học đòi cảnh sống nhàn hạ của người Pháp. Nếu Colby có cái gì có thể gọi là một hobby (thú tiêu khiển riêng) thì đó là du lịch. Ông thích đi đó đi đây tìm những cảm xúc về những miền khác nhau của nước này. Ngay cả những lúc làm không kịp thở như lúc ở Rome. Ông cũng đưa gia đình đi chơi khắp nước Ý. Có lẽ đó là dấu ấn của thời niên thiếu không quê quán. Dù vì lý do gì đi nữa, vừa tới Sài Gòn, ông lập tức đòi đi đến tận hiện trường, để tận mắt nhìn thấy những gì đang xảy ra. Những chuyến đi đầu tiên đã ảnh hưởng rất lớn tới cách ông nhìn nhận cuộc chiến này. Ông đã sớm nhận ra rằng nếu cộng sản có thể bị đánh bại thì chúng phải bị đánh bại ở dưới xã, chứ không phải ở Sài Gòn. Một ban lãnh đạo mới trỗi dậy từ miền quê là câu trả lời duy nhất cho vấn đề này. Người Việt dân Tây trong các trung tâm đô thị cũng là một vấn đề lớn như Việt Cộng vậy. Colby được biết là Tổng thống Diệm và em Nhu của ông cũng nghĩ như vậy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM