Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:13:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam thời Tây Sơn-Lịch sử nội chiến 1771-1802  (Đọc 85463 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2008, 03:00:48 pm »


Thư thứ ba:
Tờ vu Thầy Cai trường tâm chúc:
Từ Thầy theo Ta mà trở về thì Ta cùng Xiêm binh tựu tại Mân Thiết1 hạnh công Tây tặc, thủ thắng tàu 1 chiếc, hải đạo 5 chiếc. Nhẩn ngày sau trực tấn xứ Lạch2, nay thì Xiêm binh đại tứ lỗ lược, dâm nhơn phụ nữ, lược nhơn tài vật, túng sát bất dung lão thiếu3. Vậy nên Tây tặc binh thế nhựt thạnh, Xiêm binh thế nhựt suy, cớ ấy qua tháng chạp ngày mùng 84 vừa thất lợi, các giai hội tản. Lại ngày bị đại phong thì các ghe ngoài cồn an đổ như cố. Đến tháng mười một bữa rằm5 thì ông Cả đã giá hải nhi hành. Như nay Ta phản bộ hành tại Cồn Khơi, vậy sai quan Tham tướng đệ tờ trình tấu Nhị vương sự cớ6, lại có sai thầy cả Minh tùng sự vào đó, phải đạt phiến tờ ngõ tường âm tín. Như cơ thường, biến dường nào thì thầy Minh tựu đó sự cơ hiệp liệu cùng theo. Bằng có ghe, phiền tu đưa thầy Minh trở về khải tấu ngỏ tường hư thiệt cơ yếu Xiêm tình. Trí ý. Nay tờ.

Cảnh Hưng năm thứ 45, tháng 12, ngày 15 (25-1-1785).
Minh Mạng năm thứ 8, tháng 5, ngày 25, sao theo bản xưa. (Dấu Tả quân).




Thư thứ tư:
Đạt tờ vu Linh mục Gia-cô-bê, Cai trường chiếu lượng:
Thả tiền nhựt vấn hậu an phủ? Tư nhân binh sự đặc sai Khâm sai Thống binh Cai cơ Thành Tín hầu7 trúc xứ thể thám binh tình cơ quát. Cố thử đạt tờ tiện tri để sự. Phàm chư lý lịch nhược hà, dĩ hữu chỉ giáo Thành Tín hầu nhứt nhứt bị thuật, tiện giác. Bất tất đa đàm. Thị lượng8.

Cảnh Hưng năm thứ 46, tháng 6, ngày 1 (6-7-1785).
Minh Mạng năm thứ 8, tháng 5, ngày 25, sao theo bản xưa. (Dấu Tả quân).



Thư thứ năm:
Chỉ dụ Bá-đa-lộc Giám-mục Thượng sư khâm tri:
Tự Tôn sư thừa thọ ủy ký quốc gia trọng nhiệm, đảnh lực viễn hành, các phân Nam Bắc chí tư, Quả nhân thường vọng phong hoài tưởng hữu nhược cơ khát. Tiền niên lục nguyệt đáo kỳ, tuyệt vô âm tín, sử bỉ hoài ưu muộn nan kham9 Chẳng ngờ đến năm nay ngày 30 tháng 8 mới thấy Bảo-lộc sư cùng Khiêm Quang hầu, Long Chính hầu giao biểu cho Quý Ngọc hầu10 tương hồi trình tấu tự sự; nga văn nhược thất, thủy tri quốc tộ do tồn. Nguyễn gia hồng phúc lại tôn sư cửu đảnh vãn hồi, chí tình ủy khúc, cựu lực điều tể ngọc thành kỳ mỹ. Thử cao hậu chi ân ngũ nội minh khắc, một xỉ nan vong11, nên đã lăm quyết như lời bẩm cáo, dự bị giá hành. Thùy tri nhơn nguyệt như thử, thiên ý vị nhiên12. Vì tháng 9 ngày mùng 2 tàu An-tôn-nỗi bỗng đâu vừa tới có phụng tờ Hoàng hậu Bút-tu-kê một phong, lại tờ quan Cai thành Cô-á dâng Quả nhân rằng đã sẵn binh đóng tại Cô-á, chiến tàu 56 chiếc, nên cho sang rước Quả nhân. Cũng có tờ cho Xiêm vương hai phong cùng lễ vật trung tiểu bính13 nhị thập khẩu với Tây dương tế bố nhất bách thất14 khác chi lễ tạ Xiêm vương, xin rước Quả nhân về thành Cô-á đặng phấn lữ tiễu trừ Tây tặc. Nhưng mà việc đã ủy nãi Thượng sư, đâu khứng tư tình viện cầu tha quốc, phải uyển ngôn từ tạ đoàn ấy mà thôi. Nhơn vì cớ ấy, Xiêm vương hóa sự sanh nghi e Ta theo tàu ấy, hằng ngày cho người do thám nên nỗi khổ lòng liệu lý. Như trong thập nguyệt khởi trình cứ lời chủ tàu Li-xi-ri15 khắc ước lẽ còn chưa tiện. Phải chờ tàu An-tôn-nỗi lui khỏi cho Xiêm vương giản bớt lòng nghi, khi ấy liệu toan mới tiện. Nên phải sai Quý Ngọc hầu tựu tại Thổ Châu phân cùng các chủ tàu mà cầm Bảo-lộc-sư lại cùng xin một tên hoa tiêu và súng các vật để lại. Sau vài tháng Quả nhân sẽ theo mà tàu được về trước đệ tờ cho Thượng sư cùng quan Cai thành được hay. Còn Thiếu quân ấu tử thì phó mặc lượng Thượng sư định liệu nỗi ở nỗi về, làm sao cho đẹp ý Thầy thì Quả nhân cũng đẹp. Bằng vua Đại Tây có tình đoái hoài đến tiểu bang cho binh giúp Quả nhân thì Thượng sư gắng mà về thì phân ưu mới được. Sự tu cẩn thận, vật khả từ lao. Tư dụ.

Cảnh Hưng năm thứ 47, tháng 9, ngày 14 (4-11-1786).

_____________________________________________________
1. Phiên âm Nôm của tên một ấp, một con rạch quen gọi là Mang Thít trong quận Minh Đức, tỉnh Vĩnh Long hiện tại.
2. Địa điểm còn lại ở tên quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long.
3. “Xiêm binh tha hồ cướp bóc, hiếp phụ nữ, lấy của người, giết bừa không chừa già trẻ”.
4. 18-1-1785
5. 26-12-1784. L.M Cadière đọc thiếu chữ “một” thành “tháng mười bữa rằm” chuyển qua dương lịch là 27-11-1784 (không hiểu sao L.M lại ghi ngày 25-11-1784?). Từ thời điểm này, ông so với ngày Pigneau đến Malacca 19-12-1784 (thư ở Pondichéry ngày 20-3-1785), A. Launay, III, t. 91, 92) để tính chuyến hành trình là 24 ngày. Thực ra có phải ngày rằm tháng 11 Giáp Thìn là ngày Cảnh từ giã Ánh đi cầu viện không? Tất là không vì khởi hành 26-12 mà sao 19-12 tới Malacca? Thư Bá-đa-lộc kể trên có nhắc chuyện gặp Ánh vào tháng 12 ở cù lao Thổ Châu khi Ánh bỏ quân Xiêm, trao Cảnh cho Bá-đa-lộc, để mình lại theo quân Xiêm đến đón ở Coal (Réam, Trũng Kè). Như vậy, ngày Cảnh đi, Ánh có mặt. Ngày “ông Cả giá hải nhi hành” này chắc là ngày rời Malacca vì Bá-đa-lộc cho biết toán đi cầu viện đến Pondichéry khoảng cuối tháng 2-1785 và mặt khác, ta thất sử quan vẫn gọi vùng Ấn thuộc Pháp là Tiểu Tây Dương quốc.
“An đổ như cố”: bình an như cũ.
6. Sứ đi Xiêm gồm Mạc Tử Sanh (con Mạc Thiên Tứ) và Cai đội Trung (Thực lục q2. 15b).
7. Tiền quân Nguyễn Văn Thành sau này. Chúng ta lưu ý rằng tước phong của một người được hợp bằng tên chính của họ đằng trước rồi tiếp theo một tính từ, trạng từ, toàn bộ thành một ý nghĩa tốt đẹp như “Đức Nhuận hầu” Nguyễn Huỳnh Đức, “Thắng Toàn hầu” Nguyễn Văn Thắng (J. B. Chaigneau).
8. “Đưa thư nơi Linh mục Gia-cô-bê Cai trường chiếu xét: thăm ông những ngày vừa qua có được bình an không? Nay nhân việc binh, riêng sai Khâm sai Thống binh Cai cơ Thành Tín hầu thẳng đến để dò xét binh tình bao quát; cho nên đưa thư (này) để (ông) tiện biết tận tường. Phàm các lý lịch như thế nào thì chỉ giáo Thành Tín hầu cho đầy đủ. Chẳng phải nói nhiều. Xét cho”.
9. “Tự tôn sư nhận lời gửi gắm việc nước nặng nề, ra sức đi xa, phân cách Nam Bắc đến nay. Quả nhân thường hướng gió mà nhớ mong như là đói khát vậy. Kỳ hẹn tháng 6 năm trước đến mà không tin tức gì hết khiến kẻ quê này tưởng nhớ buồn phiền không chịu được”.
      Để hiểu thư này cùng ba thư sau, ta phải nhắc tới việc Bá-đa-lộc đi cầu viện. Lên đường khoảng tháng 12-1784, Giám mục với Hoàng tử Cảnh và đoàn tùy tùng đến Malacca rồi Pondichéry. Ở đây, Coutenceau des Algrains, người Xử lý Toàn quyền thuộc địa Ấn Độ của Pháp không nghe lời Giám mục. Charpentier de Cossigny, Toàn quyền thực đến quyết định gửi Pigneau của Pháp trên tàu Malabar. Đi theo Hoàng tử Cảnh có 43 người tùy tòng, trong đó có Phạm Văn Nhân, Phó vệ úy, Nguyễn Văn Liêm, cai cơ. Một số người khác ở lại Pondichéry trong đó có Paul Nghị (Bảo-lộc Nghị, Hồ Văn Nghị) và Trần Văn Học.
      De Cossigny đồng ý với Chevalier d’Entrecasteaux coi thủy quân Đông Ấn, gửi chiếc tàu Marquis de Castries dưới quyền De Richery đi dò tình hình. Lệnh trao ra có điều khoản rước Nguyễn Ánh nếu ông ta muốn. Bọn Hồ Văn Nghị theo tàu trở về ghé lại Thổ Châu dâng sớ xin đón Nguyễn Ánh. De Richery tiếp tục nhiệm vụ dò xét. Có lẽ thấy Tây Sơn đang khuynh đảo Bắc Hà thế lên như cồn, nên lúc trở về, ông không chờ đón Nguyễn Ánh cùng đi mà chở Hồ Văn Nghị đi luôn Pondichéry (xem thư thứ VIII).
10. Như lời chú trước, Khiêm Quang hầu, Long Chính hầu, Quý Ngọc hầu là tước của các tướng có tên Khiêm, tên Long, tên Quý, L.M Cadière thấy Thực lục (q2, 5a) có tên Nguyễn Văn Liêm đi theo Hoàng tử Cảnh vội cho đó là chữ Liêm viết lộn qua. Thực ra Khiêm Quang hầu thuộc lớp người ở lại với Hồ Văn Nghị (Bảo-lộc sư: Thầy Paul). Thư De Richery gửi cho Bộ trưởng Hải quân Pháp ngày 5-6-1786 (A Launay. III, t. 167) báo Cảnh có 43 người theo. Vậy theo Cảnh là 1 vị Hoàng thân (Cai cơ Nguyễn Văn Liêm), 42 người hầu và bộ tốt. Sử quan nhà Nguyễn tuy chép việc theo lối biên niên nhưng vì sau này mới lập sách nên kể rõ Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm là những người đã qua Pháp thật sự. Khiêm Quang hầu... là những kẻ ở lại dưới quyền của Hồ Văn Nghị, nên sớ dâng về, sử quan chỉ ghi tên Nghị là đủ (Thực lục q2, 21b). Kẻ đi người ở thực tách biệt rõ ràng.
      Có một tên Nguyễn Văn Khiêm cùng Lê Văn Duyệt theo thuyền vua long đong ở Hòn Chông, hòn Thổ Châu rồi cũng Nguyễn Văn Khiêm và Lê Văn Duyệt bị lưu lại sau trận Đồng Tuyên (tháng 4 âl 1783), đến bái yết ở hành tại lúc Ánh theo Xiêm binh về (Thực lục q2, 14a, mục tháng 11 âl 1784). Sự việc lẫn lộn nhưng cũng chỉ một người. Vậy Khiêm Quang hầu chắc là Nguyễn Văn Khiêm này vậy.
      Cũng vì cho Nguyễn Văn Khiêm là Nguyễn Văn Liêm, nên Cadière mới đoán Phạm Văn Nhân là Quý Ngọc hầu hoặc Long Chính hầu, trái với nhận xét lấy tên người đặt tên tước như ông đã thấy. Quý Ngọc hầu là Ngô Công Quý, người được Ánh sai rước Quốc mẫu (Thực lục q2, 10a). Có một tên Nguyễn Văn Quý, Cai cơ, đánh Đông Sơn với Phan Văn Tuyên tháng 5 âl nhuận 1781 (Thực lục q1, 4a), cùng với Dương Văn Trừng đánh Bến Lức của Tây Sơn tháng 5 âl 1782 (Thực lục, q1, 19a), nhưng lại bị Tây Sơn giết trong trận Đồng Tuyên tháng 4 âl 1783 trong khi đang cầm quân cánh hữu (Thực lục, q2, 2a). Còn Long Chính hầu có lẽ là Thượng đạo tướng quân Nguyễn Long sau này. Nguyễn Long là bộ tướng của Châu Văn Tiếp theo ông này từ Phú Yên vào trong chuyến đánh Gia Định chống Hộ-bộ Bá, Đỗ Nhàn Trập (Thực lục, q1, 19ab). Tiếp chết ở Mang Thít, Lê Văn Quân lên thay làm Tổng nhung, đến tháng 5 âl 1785 thì mang 600 người vào Vọng Các lập đồn điền để lấy lương chi dụng (Thực lục, q2, 17ab). Vậy Nguyễn Long có thể ở vào đám người này để chịu quyền sai phái của Nguyễn Ánh.
11. “Xảy nghe tưởng mất, mới hay quốc tộ vẫn còn; Nguyễn Gia phúc lớn nhờ tôn sư đem về chín đỉnh, tận tình khúc nôi, ráng sức cứu vớt cho nên (ngọc thành) vẻ đẹp; cái ơn cao dày ấy khắc in trong lòng, đến già (mất răng) không quên...”. Đoạn này Cadière dịch hơi khác: (Nous sommes rendus compte) que le respectable Maitre nous ramènera les 9 urnes, en traitant avec tout son coeur cette affaire difficile en nous aidant de toutes ses forees. Vous êtes parfait comme un jade qu’on a façonné...”
12. “Ai hay ý người muốn vậy mà ý Trời không chịu”.
13. Theo Cadière, Từ hải ghi “bính” là cứng, chắc, Génibrel viết chữ Bính không có bộ Kim bên cạnh, coi là một chữ Nôm và giải là “súng binh” An-tôn-lỗi (hay nỗi) là Antonio Vincente de Rosa. Cô-á là Goa. Bút-tu-kê là Portugal.
14. “Vải tây nhỏ mịn 100 tấm”.
15. De Richery.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2008, 03:02:40 pm »


Thư thứ sáu:
Chỉ dụ Tổng suất quản thủy binh nơi Ấn-di-a1, quan Cai thành Phong-ti-sê-ri nhị vị khâm tri:

Năm trước Quả nhân có sở cậy Bá-đa-lộc Giám mục Thượng sư đem Hoàng tử sang quý quốc cầu binh đã lâu tuyệt vô âm tín, Quả nhân áy náy hằng lo. Chẳng ngờ đến năm nay tháng 8 mới thấy biểu hồi trình mới tường tự sự, thì Quả nhân rất bội lòng mừng rằng năm trước Giám mục Thượng sư có tính việc ấy cùng quan Tạm quản, nhưng phải người không tình nhân ái, chẳng hay trợ nhược phò nguy, nên không tính đặng việc chi. Nay mới gặp tân quan nhị vị là đấng kinh văn vĩ võ, nhơn trí kiêm toàn, khảng khái lạc thi, đại hữu cứu hiểm phò điên chi chí2, nên sai thủy bộ nhị quan thừa chiến tàu sang đây hộ nghinh bảo quốc. Điều ấy Quả nhân xiết chi khong khen3 cảm tạ. Vì cấp thông chi trừ, nhất trích cam lộ, huống lâm vũ đại bái sinh ngã hạn miêu hồ. Hạ nhị vị cao nghị bất sí, đái đức Hoa, Tung, thừa ân Giang, Hớn4, tuy chưa thấy mặt thiệt đã biết lòng. Cũng đã hòng ngự giá theo tàu ngỏ kíp được hoan đàm hiệp mặt. Chẳng ngờ nhơn nguyện như thử, thiên ý vị nhiên. Vì tàu Cô-á vừa tới có phụng tờ Hoàng hậu Bút-tu-kê cùng tờ quan Cai thành Cô-á sang rước quả nhân, lại có tờ cùng lễ vật cho Xiêm vương làm cho đẹp lòng vua ấy mà rước Ta cho dễ. Nhưng vậy Quả nhân cũng chẳng khứng theo vì chí quyết xưa nay giao lân cùng Ba-lang-thê mà thôi, chẳng khứng cùng nước khác. Nhơn vì tàu ấy nên Xiêm vương hóa sự hồ nghi, liệu tính theo tàu ta chưa tiện, nên phải cho chủ tàu đệ tờ về trước còn Quả nhân thì ở lại. Vài tháng sau Ta sẽ ngự sang. Tư dụ.

Cảnh Hưng năm thứ 47, tháng 9, ngày 14 (4-11-1786).



Thư thứ bảy:
Chỉ dụ Li-xi-ri thủy binh quan, tính Ba-đô-đông5 bộ binh quan cập chiến tướng đẳng khâm tri:

Phò nguy trì điên nhơn nhơn chi mỹ thái, bài nạn giải phân kinh tế chi diệu dụng. Nhơn nay Ta gặp thời tao loạn mông trần tha quốc, nhị vị hữu tâm bất nhẫn, vô từ bạt thiệp chi lao, phụng sai hàng hải thiên lý nhi hân duyệt phi thường, bất quản ba đào phong cụ, bất nại mộc vũ trất phong, chẳng những đồ hành lý tiêu nhiên lại thêm thông ngôn cùng ghe phải mất (công?) lặn lội (-?) sang để nghinh giá. Ước khổn khổ công lao ấy Quả nhân lấy chi báo cho cùng. Tuy nhị vị khẳng khái lạc thi chưa thường vọng báo, nhiên hốt lược chi lễ, Quả nhân thường quý ư tâm, nhũng trung bất đắc thù tạ, tất mông nhị vị lượng chi. Tự thử lập cơ hưng chỉ giai xuất vu nhị vị chi công, khởi vong tháo tựu tai?6 Như Bảo-lộc sư, Khiêm Quang hầu biểu hồi bẩm tấu rằng nhị vị ước kỳ thập nguyệt khởi trình, Quả nhân đà dự bị giá hành. Thùy tri thiên lý vị nhiên bất như kỳ nguyện. Vì mùng 2 tháng 9 (23-10-1786), tàu Hoa Lang bỗng đâu vừa tới có phụng tờ Hoàng hậu Bút-tu-kê một phong, lại tờ quan Cai thành Cô-á một phong dâng Quả nhân rằng đã sẵn binh đóng tại Cô-á, tàu chiến 56 chiếc nên cho sang rước Quả nhân. Lại đem tờ cho Xiêm vương hai phong cùng lễ vật trung tiểu bính nhị thập khẩu, với Tây dương tế bố nhất bách thất, lễ tạ Xiêm vương mà xin rước Quả nhân về thành Cô-á đặng phấn lữ tiễu trừ Tây tặc. Tuy vậy, Quả nhân cũng chẳng khứng theo vì đã biết nhị vị qua đây có lòng cùng Ta dường ấy, nỡ lòng nào theo đó bỏ đây, nên phải uyển ngôn từ tạ nhi dĩ. Nên vì cớ ấy Xiêm vương hóa sự sinh nghi e Ta nương thế theo tàu ấy, hằng ngày cho người do thám khó nỗi liệu toan. Như ước kỳ thập nguyệt khởi trình, ắt7 nay còn chưa tiện nên phải sai Quý Ngọc hầu tựu phân cùng nhị vị, cậy giúp Ta một tên hoa tiêu, súng cùng các vật. Đã có Quý Ngọc hầu trình báo để lại cho Ta còn tàu thì đệ tờ về trước cho Thượng quan được rõ, sau Ta sẽ giá hành sang đó. Vạn sự khởi đầu nan, mạc từ lao khổ. Tư dụ.

Cảnh Hưng năm thứ 47, tháng 9, ngày 14 (4-11-1786).

________________________________________________________
1. India.
2. “... nhị vị là đấng văn trị võ tài, gồm đủ nhơn trí, khảng khái vui làm, có chí lớn cứu hiểm phò nguy...”
3. “Cao rao khen ngợi”
4. “Vì lúc gấp gáp, một giọt nước là một giọt cam lộ quý báu, huống là mưa lớn làm sinh sôi nảy nở lúa má khô khan của Ta. Tạ ơn quyết định cao cả; mang đức như núi Hoa, Tung, gánh ơn như sông Giang, Hớn của nhị vị...”
5. Có thể là Berneron, tên người phụ tá của De Richéry.
6. “Phò nguy giữ ngã là sự tốt đẹp của người có lòng nhân, là cái diệu dụng của sự bài nạn gỡ rối, cứu trị. Nhân nay Ta gặp thời tao loạn tối tăm ở nước ngoài (mà) nhị vị có lòng bất nhẫn, chẳng nề cái nhọc nhằn, lặn lội phụng mệnh sai vượt biển ngàn dặm mà lòng vui đẹp chẳng thường, chẳng ngại sóng to, gió cả, đội mưa, chải gió, chẳng những đồ hành lý mất đi, lại thêm thông ngôn cùng ghe phải mất (công?) lặn lội sang để nghinh giá. Ước khốn khổ công lao ấy, Quả nhân lấy chi báo cho cùng. Tuy nhị vị khẳng khái vui làm chưa từng mong báo, nhưng lễ tiếp sơ sài, Quả nhân từng thẹn lòng lúc rối ren không thể thù tiếp, cảm tạ, tất mong nhị vị lượng thứ cho. Từ hưng khởi dựng lập căn bản đều là công nhị vị, (Ta) há quên sự thành tựu đâu”.
7. Ở đây chữ “ắt” đọc là (ắt) ( 瑥không tìm được chữ) ; thư thứ X, chữ “ắt” (“như thủy binh Ta thời ắt còn trụ...”) viết là (ắt) Z. Chữ (không tìm được chữ) (ốt) dùng ở thư XIV phiên âm tên J.Liot (Li-ốt) rất dúng, không hiểu sao Cadière viết “Li-ỗn”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2008, 03:05:55 pm »


Thư thứ tám:
Chỉ dụ Gia-bê-sa Cai trường khâm tri:
Vả việc Cô-á quốc sai tàu sang, cùng việc Ta sai phục sứ, thì đã sai Khiêm Hòa hầu, Chiêm Mẫn hầu1 dụ tường để sự nguyên do. Ta từ đặng tin tàu Hoa-lang-sa nhẩn nay hằng cảm công ơn Thầy Cả chẳng cùng, cạy cạy luống trông tàu trở2 lại, ngày kể ba thu. Vừa Quý Ngọc hầu diện báo (- ?) tàu đã tựu tín sở ước trong cử sự đặng hiệp cơ nghi. Lại tiếp thấy hai quan tàu cùng Cai trường khải văn, gẫm biết nhơn sự đa quai, thiên tâm nan tín. Song hai quan tàu cùng Bảo-lộc Nghị hồi bản thành trình quan Cai thành cùng Thầy Cả lo giúp Ta. Thể âu thiên lý, nhơn sự tương vi thủy chung, thủy tuy thùy súy chung năng phấn dực3. Vốn Ta đà thỏa lòng, mựa hề quải niệm. Khâm tai. Đặc dụ.

Cảnh Hưng năm thứ 48, tháng 2, mùng 1 (19-3-1787).
Minh Mạng năm thứ 8, tháng 5, ngày 25, sao theo bản xưa. (Dấu Tả quân).



Thư thứ chín:
Chỉ dụ Gia-cô-bê thầy Cai trường khâm tri:
Vả Ta cùng thầy Cai trường nhơn tuy biệt quốc nghĩa tợ đồng hương, tri ngộ mấy lâu thâm tình đà tỏ biết. Từ Xiêm quốc vọng chỉ cố đô là sự phi đắc dĩ, xúc tưởng lưu lai thốn chỉ4 đặng thấu nguyên do, lại e tiết lậu cơ mưu. (Chẳng?) ngờ ngày ấy ra đến Cà Mâu, Rạch Giá thấy quân tướng Tây Sơn cùng thần thứ quy thuận nghe nhiều, bèn thẳng vào phủ Gia Định. Đã thâu phục Vĩnh Trấn, Trấn Định nhị dinh, lại Lưu thủ Khoa đã thâu phục Trấn Biên dinh. Còn một ngụy Sâm nọ cậy tàu thuyền song còn ỷ thế trường giang cự địch nên thắng phụ vị phân. Vừa năm trước, tháng chạp ngày 28 (4-2-1788), mừng thấy thiên lý tiên lai nhứt phong tôn tặng, kỳ nguyện phục quốc, tương ngộ hữu kỳ, lòng Ta bất thăng tước dược5, ngỏ phải bộc bạch quốc gia cơ chỉ cùng Thượng quan. Tứ tặng đẳng vật, sai Khâm sai Tổng nhung Cai cơ Bảo hộ Nhàn Vân hầu6 đệ tựu ngỏ tường để sự. Như Thầy Cả với Thân tử Ta qua tại Đại Tây Dương quốc từ ấy nhẫn nay, âm mang vị thấu. Bằng Thầy cư (-?) cận cảnh, dầu có tin tức lai thông khá kíp tả ký tâm thơ vãng chiếu kẻo khát vọng bất thắng, quan sơn vạn lý, hoài niệm nhất thành. Khâm tai. Đặc dụ.

Cảnh Hưng năm thứ 49, tháng 1, ngày 6 (12-2-1788).
Minh Mạng năm thứ 8, tháng 5, ngày 2, sao theo bản xưa. (Dấu Tả quân).


Thư thứ mười:
An Nam Quốc vương7.
Tờ vu Cai trường Thượng sư Nha-cô-bê ngọc hiên nhiệm chiếu: Từ Ta đề binh phá Tây đồ thì bộ binh đã thâu phục Gia Định phủ các xứ, còn thủy binh nó thì trụ Mỹ Tho cùng Bến Nghé thắng phụ vị phân. Như thủy binh Ta thì ắt còn trụ Trà Lọt. hằng ngày trông tin Đức Bá-đa-lộc Thượng sư cùng Con Ta tiêu tức dường nào. Qua tháng 11 thấy Đội Dung tựu bẩm rằng Thượng sư có tờ quốc sự sai Đội Dung đệ thử tờ ký bẩm, chẳng ngờ Đội Dung tới vàm8 Rạch Giá xảy gặp Tây Sơn là thằng Lý sai ghe thiện hành xứ ấy nên Đội Dung vội bỏ tờ ấy xuống nước mà Đội Dung ngoại bẩm các lý, hư thiệt vị tường. Vả Ta hằng lo binh gia không hở lại chưa đặng người quán tín Thượng sư nên chưa sai đệ tín thư, lòng hằng thổn thức. Nay có Nội viên Thuyền chủ Huấn Đức hầu là tôi tâm trường vả lại gia tư xứ ấy lai khứ tiện thông mới sai đệ tờ trình chiếu. Như Đức Bá-đa-lộc cùng Con Ta viện binh Quý quốc đã trụ xứ nào, khá đệ tờ cho Ta tường hiểu. Lại như tờ ấy thì sai Cai đội Thọ đệ tựu bẩm văn cho tường để sự, vật sai tha nhân liệu sự bất thành. Trí ý. Nay tờ.

Cảnh Hưng năm thứ 49, tháng 1, ngày 15 (21-2-1788).
Minh Mạng năm thứ 8, tháng 5, ngày 2, sao theo bản xưa. (Dấu Tả quân).


__________________________________________________________
1. Có lẽ Cai bạ Nguyễn Thiệm, người cùng Giám quân Tống Phúc Đạm, Thị giảng Nguyễn Đô... đến hành tại trình bày tình hình “đơn nhược” của Gia Định và xúi bảo Ánh về nước (Thực lục q3, 1b). Hai chữ “chiêm” 瞻 và “thiệm” 贍 rất gần nhau và có thể lẫn lộn. Khiêm Hòa hầu chắc là Nguyễn Văn Khiêm nay đổi tước.
2. Chúng tôi phiên chữ “trở” từ 呂 (lữ) cùng như “luống trông” từ 隴 寵 (lũng lung). Địa điểm Thán Lung được hiểu là Thang Trông (không cần đến chữ Vọng Thê) là từ nhận xét này.
3. “Lẽ trời, việc người nhất loạt cùng làm cho có đầu có đuôi, ban đầu thì rũ cánh (bại) nhưng cuối thì sẽ vươn lên”.
4. “Nhớ đốt tay để lại” (J. Liot).
5. “Chẳng ghìm nhảy nhót” (nóng nảy).
6. Nguyễn Văn Nhàn. Tên được xác định vì ở đây có nêu tước vị “Bảo hộ” thấy hầu hết suốt những đoạn Thực lục có nhắc đến viên tướng này.
7. Lời tự xưng đã thay đổi vì Nguyễn Ánh đang chiến thắng
8. Vàm (沈 trầm), Cadière dịch embouchure rất đúng vì đó là danh xưng địa phương chỉ nơi sông con đổ ra sông lớn hay sông đổ ra biển.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2008, 03:09:17 pm »


Thư thứ mười một:
Chỉ dụ Nhã-ca-bá Cai trường sư khâm tri:
Vả Cai trường tuy người dị quốc, song có dạ ân cần, hết lòng ưu ái tấm lòng thương cảm chẳng cùng. Như ngoài này năm nay tháng 3 thì Tây Sơn là thằng Hưng cất đại binh giúp thằng Sâm mà chống đánh cùng Ta, thì chúng nó đã ghe phen đại bại, tử thương rất nhiều. Sao vậy nội tháng 6 thì Ta cũng đánh đặng Sài Gòn mà chớ. Như Con Ta từ thuở tha bang cùng Thầy Cả nhẫn nay, Ta tấm lòng khát vọng, độ nhựt như niên. Ơn có1. Cai trường bẩm văn về rằng đã thật tin đến nước Ba-lang-sa mà đều bình yên vô sự, nên Ta giản tấm lòng lo, vui mừng chẳng xiết. Như binh giúp có ra đến đó thì Cai trường giục ra cho kíp, bằng chưa ra thì tin tức làm sao, hoặc lái Điểm2 về hỏi làm sao, khá tốc cụ bẩm văn ngỏ tường áo để. Lại như thương tàu phương Tây có qua thì Cai trường dục ra ngoài này đặng Ta y giá biện mãi binh khí tiện dụng binh vụ mà Ta đều tha thuế hạng. Như Cai trường đã có lòng ưu ái cậy cùng giúp lo mọi việc, sau dầu bờ cõi đạt yên thì hãy một trường cá nước, ơn phỉ đền ơn. Quan sơn thiên lý, tâm tự bán tiên3. Khâm tai. Đặc dụ.

Cảnh Hưng năm thứ 49, tháng 5, ngày 29 (2-7-1788).
Minh Mạng năm thứ 8, tháng 5, ngày 25, sao theo bản xưa. (Dấu Tả quân).


Thư thứ mười hai:
Chỉ dụ Thầy Cai trường khâm tri:
Do tháng 6 ngày 25 (28-7-1788), Ta đề binh công phá Tây tặc đã thâu phục Ba Giồng, Bến Nghé, Đồng Nai, Bà Rịa toàn bức rồi vậy. Thủy bộ binh chúng nó kinh tâm thối hạ, xuất nhập hải môn, phòng toan phá dân cướp lương, nên ta còn kiểm điểm thủy binh vội thành nhứt chiến cho tuyệt hậu ưu, ấy là cơ binh. Được vậy nên phải lời cùng Thầy Cai trường: như Đại Tây Dương các chiến tàu thủy bộ binh đã hội tựu, tua khá trình lai ngỏ tường cơ chỉ, đặng quản binh ấy lại ngả Vịnh Tàu4 cho mau, trước là vây đón chúng nó sau là tiện đường nghinh tiếp, đặng thừa thắng trường khu. Hễ binh quý thần tốc, chớ khá khiên diên, kẻo tới tiết nghịch phong, quân lương nhựt phí. Thiên lý yên ba, thốn thành khẩn khoản5. Khâm tai. Đặc dụ.

Cảnh Hưng năm thứ 49, tháng 8, ngày 28 (27-9-1788).
Minh Mạng năm thứ 8, tháng 5, ngày 25, sao theo bản xưa. (Dấu Tả quân).


Thư thứ mười ba:
An Nam Quốc vương thơ vu Gia-cô-vi Thầy Cai trường bình an hiệp hay: từ Ta phục hồi cố quốc, đường tuy xa cách, lòng tưởng xưa nay ơn có, nghĩa có, ghi dạ không quên. Như tàu Hòa-lan-sa6 trông chưa thấy đến. Vả tháng 8 Ta đánh Tây tặc vừa yên, về ở Sài Gòn, có dạy sứ7 đem lễ vật vào tạ đức Phật vương cùng Nhị vương, tuy là bạc lễ, dùng thảo tấm lòng. Như sứ đã vào đến nơi mà dưng lễ ấy, hay là chưa vào đến nơi, cớ sao chẳng thấy tiêu tức tín hồi. Lại như lượng đức Phật vương cùng Nhị vương có lòng thương Ta mà giúp binh khí hay dạy lượng nào thì Thầy Cai trường bảo tín thơ cho biết, kẻo đường nghìn dặm, trông đợi một phương. Khuyến khá ân cần, mựa đừng thất tín. Nay thơ.

Cảnh Hưng năm thứ 49, tháng 12, ngày 24, (19-1-1789).
Minh Mạng năm thứ 8, tháng 5, ngày 25, sao theo bản xưa. (Dấu Tả quân).



Thư thứ mười bốn:
Hành Lại bộ Trí Lược hầu8 thừa lệnh sai thầy Tấn nghi tựu Long Xuyên đạo, lãnh tiền nguyệt dĩ cụ chiến ghe nhứt chích, tính hiệp súng nhị khẩu, cập trạo giả tứ danh, tốc tụ Chân-bôn xứ nghinh Li-ốt Cai trường sư cập bản trường đẳng đệ hồi Sài Gòn yết kiến hành tại. Vụ tu vận tốc, vật khả kê trì. Nay sai.

Cảnh Hưng năm thứ 52, tháng 1, ngày 18 (20-2-1791)9.
Minh Mạng năm thứ 8, tháng 5 ngày 25, sao theo bản xưa. (Dấu Tá quân).

_____________________________________________________
1. Cadière âm là “cố”, giải là “từ ngữ dùng gọi các linh mục: ông cố”. Chữ “cố” đó là khuất, xưa, viết khác 故 trong khi chữ “cố 固 trong bản văn luôn luôn phải đọc là “có” mới có nghĩa (thư V, IX, XIII). Trong suốt các bức thư chỉ thấy Nguyễn Ánh gọi các L.M là Thầy Cả, gọi J. Liot là Cai trường, Thầy Cai trường, chớ không gọi là “ông cố” như danh xưng người bình dân ta gọi các L.M tây, phân biệt với các “cha” L.M ta.
      Câu văn nếu nhận chữ “có”, tránh được các thắc mắc trên mà vẫn giữ được ý nghĩa: “... ơn có Cai trường (đưa, thảo) bẩm văn về...”
2. Cadière dịch: “... ou si le pilote Điểm est en retour...”. Không thể biết rõ ràng hơn. Bên cạnh chữ “hỏi” có âm thêm chữ “nói”.
3. “Quan sơn ngàn dặm, tấm lòng bày tỏ (trong) nửa tờ thư”.
4. Chữ viết như vậy nhưng có lẽ phải đọc Vũng Tàu mới đúng hơn.
5. “Kẻo tới tiết gió ngược, tổn phí lương binh hàng ngày. Ngàn dặm khói sóng, một tấc lòng thành”.
6. Hòa-lan-sa ở đây, Hoa-lang-sa ở thư VIII, Ba-lang-thê thư VI, Đại-tây-dương quốc thư IX đều chỉ nước Pháp.
7. Thực lục q.3, 19b gọi là sứ “báo tin chiến thắng” (báo tiệp) song ở đây rõ ra là chủ tâm đi cầu viện.
8. Tước của J.M. Dayot nhận từ tháng 6-1790. Đại ý toàn bức thơ: “Trí Lược hầu phục vụ lưu động cho Bộ Lại theo lệnh sai thầy Tấn nên đến đạo Long Xuyên lãnh một chiếc ghe đã chuẩn bị (ở đấy) từ tháng trước với hai khẩu súng, 4 tay chèo, đi đến xứ Châu-bôn đón thầy Cai trường Li-ốt cùng toàn trường đưa về Sài Gòn, yết kiến ở hành tại. Việc nên làm mau, chớ chậm trễ. Nay sai”.
9. Bản chụp ảnh viết rõ ngày tháng “... chính nguyệt, thập bát nhật”, không hiểu sao Cadière đã dịch “1 lère lune, 18e jour” mà lại chuyển qua Tây lịch là 19-6-1791. Chuyển đúng thì đó là ngày 20-2-1791 như trên. Ngày 19-6 là ngày 18-5 âm lịch. Cadière nhìn lộn chữ “chính” 正 thành chữ “ngũ” 五 chăng?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2008, 03:59:38 pm »


SÁCH BÁO THAM KHẢO

Chú:
Tài liệu tham khảo liệt kê có 4 phần: những sách, báo có tính cách chỉ dẫn khảo cứu thư tịch, những sách, báo có tài liệu bằng chữ Việt (các tác giả Việt Nam viết tiếng Pháp kê vào phần tiếng Pháp, những tác giả Việt viết chữ Hán mà tác phẩm đã được dịch ra chữ Việt cũng kể vào đây), những tài liệu viết bằng chữ Hán, và sau hết, những tài liệu sách, báo viết bằng chữ Pháp. Tên người kể theo thứ tự abc (người Việt kể cả họ). Đối với những tác phẩm tập thể thì lấy đề sách hay lấy cơ quan soạn thảo thay vào cho cá nhân. Ví dụ các sách Thực lục, Liệt truyện... đều nằm dưới tên Quốc Sử Quán.

Chữ viết tắt:
Bđd:    bài đã dẫn
Sđd:    sách đã dẫn
q:    quyển
t:    trang.
BAVH:   Bulletin des Amis du Vieux Hue.
BEFEO:    Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient.
BSEI:    Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises.
NP:    Nam Phong tạp chí
RI:    Revue Indochinoise.

I. Thư tịch chỉ dẫn
1. Huỳnh Khắc Dụng, Sử liệu Việt Nam, Sài Gòn, Bộ QGGD, 1959.
2. Cadière, L.Pelliot, P., “Première étude sur les sources annamites de l’histoire d’annam”, BEFEO, IV, 1904, t. 617-671.
3. Gaspardone, E., “Bibliographie annamite”, BEFEO, XXXIV, 1934, t. 1-173.
4. Tavernier, E., De la nécessité d’écrire l’histoire de l’ancien Annam, Sài Gòn, A. Portail, 1933.

II. Tài liệu chữ Việt
5. Bùi Văn Lăng, Địa dư mông học tỉnh Bình Định, Hà Nội, Imprimerie du Trung Bắc Tân Văn, in lần thứ tư, 1938.
6. Bùi Huy Bích, “Lữ trung tạp thuyết”, Tuyết Trang Trần Văn Ngoạn trích dịch, NP IV, t. 53-62.
7. Đông Hồ, “Hà Tiên Mạc thị sử”, NP, XXV, t. 322-343.
8. Hoàng Quang, “Hoài Nam khúc”, NP, XIII, 128-134, 210-216, 294-299.
9. Hoàng Thúc Trâm (Hoa Bằng), Quang Trung Nguyễn Huệ, anh hùng dân tộc, Saigon, Bốn Phương, 1958.
10. Hoàng Thúc Trâm (Sơn Tùng), Quốc văn đời Tây Sơn, Saigon, Vĩnh Bảo, 1950.
11. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn pha tử, Paris, Minh Tân, 1952.
12. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, tập I, II, Lê Mạnh Liêu, Đàm Duy Tạo dịch, Bộ QGGD, 1963, 1965.
13. Lương Đức Thiệp, Xã hội Việt Nam - Việt Nam tiến hóa sử, Saigon, Liên Hiệp tái bản, 1950.
14. Ngô Thì Chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô Tất Tố dịch, Tự Do tái bản, 1958.
15. Nguyễn Văn Siêu, Phương đình dư địa chí, Ngô Mạnh Nghinh dịch, Saigon, Tự Do, 1958.
16. Phạm Đình HổNguyễn Án, “Tang thương ngẫu lục”, Tuyết Trang Trần Văn Ngoạn trích dịch, NP, I, t.393-396, IV, t. 202-208, Nguyễn Hữu Tiến tiếp, NP, IV, t. 311-319, 493-502, V, t. 48-57.
17. Phạm Đình Hổ, “Vũ Trung tùy bút”, Nguyễn Hữu Tiễn dịch, NP, V, t.136-142, 331-339, XXI, t.236-244, t.357-368, t. 455-465, t. 561-569...
18. Phạm Văn Diêu,
      * Văn học Việt Nam, Saigon, Tân Việt, 1956.
      * “Thân thế và văn tài Hồ Xuân Hương”, Văn hóa nguyệt san, XI q7-8, tháng 7-8/1962.
19. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Saigon, Tân Việt, 1956.
20. Trịnh Hoài Đức, “Thành trì chí”, Trần Kinh Hòa dịch,
      Đại học năm thứ IV, số5, tháng 10-1961, t. 62-74.
      Đại học năm thứ IV, số 6, tháng 12-1961, t. 36-62.
      Đại học năm thứ V, số 1, tháng 2-1962, t. 134-136.
21. Viện Khảo Cổ, Hồng Đức bản đồ, Trương Bửu Lâm chủ biên, Saigon, Bộ QGGD, 1962.
22. Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, Tự Do, 1960.

III. Tài liệu chữ Hán
23. Quốc sử quán,
      * Đại Nam thực lục tiền biên.
      * Đại Nam liệt truyện tiền biên.
      * Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập (viết tắt: Liệt truyện).
      * Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ (viết tắt: Thực lục).
      * Đại Nam nhất thống chí (viết tắt: ĐNNTC).
      * Đồng Khánh Ngự lãm địa dư chí đồ (viết tắt: Đồng Khánh).
      * Khâm định Việt sử thông giám cương mục (viết tắt: Cương mục).
24. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí.

IV. Tài liệu chữ Pháp
25. Aubaret. G., Histoire et description de la Basse Cochinchine, Paris, Imprimerie Impériale, 1863.
26. Aurousseau, L., “Compte Rendu: “Histoire moderne du Pays d’Annam (1752-1820), Ch. B. Maybon”, BEFEO, XX/4, 1920, t. 73-120: XXII, t. 391-400.
27. Barrow, Jh., “Quelques notes sur Gia Long par un contemporain”, BSEI, I, 1926, t. 208-214.
28. Berland, H., “Les papiers du Dr. Crawfurd envoyé au Siam et en Cochinchine par le Gouvernement des Indes en 1821”, BSEI, XVI/4, t. 7-134, XXIII/1, 1948, t. 43-71.
29. Boris, Ch., “Monographie de Phu Yen”, BAVH 1929, t 199-245.
30. Boudet, P. et Masson, A., Iconographie historique de l’Indochine, Paris, Van Oest, 1931.
31. Cadière, L.,
      * “Quelques figures sous la Cour de Vo Vuong”, BAVH, Oct. - Déc. 1918, t. 253-306.
      * “Les Français au service de Gia Long: Despiau”, BAVH, Juil. - Sept. 1925, t. 183-185.
      * “Les Français au service de Gia Long: Nguyen Anh et La Mission-Documents inédits”, BAVH, Janv-Mars 1926, t. 1-49.
      * “Les Français au service de Gia Long: Leur correspondance”, BAVH, Oct. - Déc. 1926, t. 359-447.
      * “Les lieux historiques de Quang Binh”, BEFEO, III/2, 1903, t. 164-205.
      * “Le mur de Dong Hoi”, BEFEO, VI/1-2, 1906, t. 87-254.
      * “Documents relatifs à l’époque de Gia Long”, BEFEO, XII/7, 1912, t. 1-79.
32. C.B.M. Documents sur l’état du Cambodge, de la Cochinchine et du Tonkin de 1782-1786, RI XII (1910), t. 503, XIV (1910), t. 43-54.
33. Chapman, et Berland, H., “Relation d’un voyage en Cochinehine en 1778”, BSEI, XXIII/2, 1948, t. 8-75.
34. Chassigneu, E., Histoire des colonies et de l’expansion de la France dans le monde, tome V, Paris, Plon, 1932.
35. Gaudart, M, “Les archives de Pondichéry et les entreprises de la Compagnie française des Indes en Indochine au 18è siècle”, BAVH, Oct. - Déc. 1937, t. 353-380.
36. Gaide, L., “Notes historiques sur Poulo Condore”, BAVH, Avr. - Juin. 1925, t. 87- 103.
37. Guillemet, P., “Une industrie annamite: le noria de Quang Ngai”, BAVH, Avr. - Juin 1926, t. 97-215.
38. Hanncart, Ed., Un grand français: Mgr Pigneau de Béhaine, Edition de la Revue des Indépendants, Paris, 1933.
39. Histoire de France, tome II, Paris, Larousse, 1954.
40. Histoire générale des civilisations, 7 vol. publiés sous la direction de M. Crouzet, tome V, Paris, PUF, 1956.
41. Histoire universelle, 3 vol, publiés sous la direction de R. Grousset et E. G. Léonard, tome III, Encyclopédie de la Pléiade, 1961.
42. Hutchinson, Ed. et Berland, H., “Aventuriers au Siam au 17è sièsle”, BSEI, XXIII, đệ I, đệ I/TCN/1947.
43. Imbert, V., Le séjour en Indochine de l’ambassade de Lord Macartney, Hanoi, Taupin, 1942.
44. Jolez, R., “Macao à la fin du 18è siècle”, BSEI, XXV, 1950, t 41-49.
45. Koffler, Jh., “Description historique de la Cochinchine”, RI, XV (1911), t. 448-462, t. 566-575.
46. Korpelès, S, “Un cas de droit maritime international en 1797”. BSEI, XXIII/ 3-4, 1948, t. 125-131.
47. Laborde, A., “La province de Quang Ngai”, BAVH, Juil. - Sept 1925 t. 153-182.
48. Lacour Gayet, J., Histoire du commerce, tome II, Paris, Dunod, 1953.
49. Launay, A., Documents historiques sur la Mission de Cochinchine (1771-1823.), tome III? Paris, 1925.
50. Lê Thành Khôi, Le Viet Nam: Histoire et civilisation, tome I: Le milieu et l’histoire, Paris, les Editions du Minuit, 1955.
51. Maitre, Ch. E., “Documents sur Pigneau de Béhaine”, RI, 1913, XVIII, t. 1-16, XIX, t. 163-194. XX, t. 323-349.
52. Malleret, L., “Eléments d’une monographie des anciennes fortifications et citadelles de Saigon”, BSEI, X/4, 1935, t. 5-108.
53. Masson, A., Histoire de l’Indochine, Paris, PUF, 1950. (Ấn bản 1961 đổi là: Histoire du Viet Nam).
54. Maybon, Ch.B.,
      * Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820), Paris, Plon, 1919.
      * La relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mgr de la Bissachère, Paris, Champion, 1920.
55. Navelle, E., “De Thinai à Bla”; Excursions et Reconnaissances, XIII, 1887.
56. Orband, R., “Les tombeaux des Nguyens”, BEFEO, XIV/7, 1914, t. 1-74.
57. Salles, A. et Cadière, L., “Les Français au service de Gia Long”, BAVH, Avr. - Juin 1922, t. 139-180, Janv. - Mars 1923, t. 1-197.
58. Société des Etudes Indochinoises. “Foire exposition de Saigon”. BSEI, XVII/3, 1942.
59. Taboulet, G.,
      * La geste française en Indochine, tome I, Paris, Andrien Maisoneuve, 1955.
      * “La vie tourmentée de l’Evêque d’Adran”, BSEI, XV/3-4, 1940, t 9-41.
      * “Sur le matelot Manuel, mort au Champ d’Honneur en combattant pour Gia Long”, BSEI, XV/3-4, 1940, t. 55-64.
      * “La révolte et la guerre des Tay son d’après les Franciscains Espagnols de Cochinchine”, BSEI, XV/3-4, 1940, t. 65-106.
      * “Le trai té de Versailles et les causes de sa non exécution”, BSEI, XIII/2, 1938, t. 67- 116.
60. Trương Vĩnh Ký, Cours d’histoire annamite, Saigon, Imp. Du Gouvernement, 1879.

V. Sách báo mới xuất bản:
1. Hoàng Văn Hòe, Đình Thụ, Đại Việt quốc thư, Quang Trung, Saigon, Bộ QGGD, 1967.
2. Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn, Saigon, Khai Trí, 1968.
3. Quách Tấn,
      * Nước non Bình Định, Saigon, Nam Cường, 1968.
      * Xứ Trầm hương, Saigon, Lá Bối, 1970.
4. Sử Địa số 9-10, 1968, Đặc khảo về Quang Trung:
      * Hoàng Xuân Hãn, Việt Thanh chiến sử theo Ngụy Nguyên, một sử gia Trung Quốc đời Thanh, t. 3-8, t. 245-263.
      * Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, t. 194-243.
      * Tạ Quang Phát, Tây Sơn thuật lược (dịch), t. 155-169.
5. Sử Địa số 13. 1969, Kỷ niệm chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (Đống Đa):
      * Đặng Phương Nghi, Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương, t. 143-180.
      * Hoàng Xuân Hãn, Bắc hành tùng ký, t. 3-32, t. 181-183.
      * Lý Văn Hùng, Cuộc giao thiệp giữa Quang Trung với Càn Long. Vụ 16 châu và xây đền Sầm Nghi Đống, t. 135-142.
      * Phan Khoang, Chung quanh cuộc chiến thắng Tôn Sĩ Nghị của vua Quang Trung ngày Tết Kỷ Dậu, t. 184-189 (lược dịch một đoạn của Đại Thanh Thực lục).
      * Tạ Quang Phát, Bài chiếu của Quang Trung Hoàng đế lên ngôi (phiên âm và dịch ra quốc văn).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2008, 05:03:14 pm »


NHẬT KÍ HÀNH QUÂN TRONG CHIẾN TRẬN NGUYỄN - TÂY SƠN

Nếu chịu khó nén tự ái chút xíu thì phải công nhận rằng những ghi chép về quá khứ của chúng ta còn lại thật là quá ít. Chẳng cần tìm những nguyên nhân xa xôi, chỉ giản dị nhìn thấy các sử quan xưa không chịu viết riêng quyển sách cho mình mà cứ dọn lại sách cũ thì đủ biết sự mất mát đã là to lớn dường nào. Rồi cộng thêm với sự chăm chút riêng của nhà nước đương thời về các sản phẩm chính thống đó, trong lúc họ lơ là để những dã sử phải huỷ hoại khiến cho người sau không còn gì để đối chiếu, phê phán. Ví dụ sách [Đại Việt Sử ký] Toàn thư đã lược giản những biến động từ Lý qua Trần, hẳn là từ công trình đao bút của Ngô Sĩ Liên. Biến động có tính cách tổng hợp còn như vậy huống hồ là những ghi chép chi li giờ phút ngày tháng, soi đủ mọi mặt sinh hoạt của những con người tham gia vào biến cố!

Tất nhiên dù ít nhiều gì người xưa cũng có ghi chép các chi tiết mà bản thân đương thời của họ, và của người trên họ thấy là yêu cầu cần thiết. Ví dụ Toàn thư tuy đã để dành rất nhiều trang cho các trận chiến chống Minh nhưng các tài liệu liên hệ còn nhiều hơn ta tưởng. Có chuyện năm 1434, Phạm Tư Minh bồi đai bán cho người Trung Quốc bằng “giấy cũ ghi việc điểm binh” nên phải bị giáng cấp. Lượng giấy đủ dùng cho một công cuộc mua bán hẳn không phải là ít. Tuy nhiên sự kiện huỷ hoại như thế cũng bớt dần khi thời gian cách biệt đối với chúng ta ngắn lại. Ví dụ về các chiến trận Nguyễn - Tây Sơn, phần giáp ranh thế kỉ XVIII, XIX.

Nguyễn Đức Xuyên (1758-1824), người coi Tượng cơ của Nguyễn Ánh trong chiến trận, còn để lại một tập hồi kí được đăng từng kì trên tập Nghiên cứu Huế1 bây giờ. Chúng tôi không thấy toàn bộ hồi kí nhưng cũng tạm cho là đủ để bàn trong vấn đề chọn lựa. Nó xuất hiện dưới tựa đề “Tập hồi kí biên niên Lí lịch sự vụ” do Trần Đại Vinh dịch và chú giải. Theo lời dẫn thì năm 1822, Minh Mạng sai các quan viết lí lịch sự vụ của mình đem nạp Sử quan để làm tài liệu. Tập của Nguyễn Đức Xuyên nạp ngày 22-6 Nhâm Ngọ (1822). Trong những nhân vật lớn từng tham gia chiến trận vừa qua, đến năm 1822 thì Nguyễn Văn Thành đã tự tử (1817) vì vụ con là Nguyễn Văn Huyên mang cái ngông nghênh của nhà nho làm thơ khẩu khí. Còn sống là Lê Văn Duyệt, Lê Chất, hẳn cũng có phần ghi chép của mình nhưng hiển nhiên không thể lưu lại dấu tích vì vụ Lê Văn Khôi nổi loạn đã là dịp để các văn quan báo thù hai ông tướng từng huênh hoang “Chúng ta kéo nhau về triều, nạt một tiếng, bọn Trịnh Hoài Đức… xanh mặt ngay!” Lại cũng không thấy phần của Nguyễn Văn Trương chẳng hạn. (Tuy gốc chăn trâu nhưng làm quan nhất phẩm triều đình, từng là “tư lệnh phó “ của Nguyễn Ánh, khéo léo cư xử trong ngoài, được vua từng trọng thì thiếu gì kẻ khoe văn múa bút xin làm thay?). Sử quan khi viết [Đại Nam] Liệt truyện cũng đã nhận rằng có lấy tài liệu từ các quan tham gia biến cố cũ. Vậy mà ở đây chỉ còn lại của Nguyễn Đức Xuyên. Ta tạm bằng lòng như thế.

Chuyện chiến tranh phần nhiều là của thế kỉ trước, hồi kí bắt đầu năm 1781 nên chỉ là những điều nhớ lại, vì thế ta không lấy làm lạ rằng cậu thanh niên 23 tuổi này chỉ biết một biến cố quan trọng mà đương thời chắc ai cũng rõ, đó là vụ trừ khử ổ Thanh Nhân. Phải trải qua trong hơn mười năm, được ngoi lên trong biến cố với vai trò tham dự lớn dần, ta mới thấy Nguyễn Đức Xuyên ghi chép nhiều hơn, từ bản thân lan qua các nhân vật, sự việc liên hệ. Và cũng dễ thấy rằng những quyết định hành động của con người trong thời đảo lộn không thể cứ theo chuẩn mực bình thường.

Tuỳ theo tình hình mà người ta lột áo theo phe này phe nọ để rồi khi đứng vững ở một nơi thì lại tìm cách che giấu, biện minh cho quá khứ của mình. Ta đã thấy Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Đăng Vân... trong sử triều đình, ở đây lại thấy thêm tên Trương Tấn Bửu, “Đốc chiến Bửu thuận hầu” của Tây Sơn, từng coi 500 binh Miên, sau cũng là công thần của Nguyễn Ánh. Sau trận Hòn Chồng, thoát khỏi cuộc vây bắt của Trương Văn Đa, Nguyễn Đức Xuyên trốn về Sài Gòn làm tướng Tây Sơn, rồi nổi loạn chống đối, nấp lánh cho đến khi Nguyễn Ánh theo quân Xiêm về mới thoát ra được. Lần đầu hàng được ghi trong hồi kí là “Phụng mệnh... quy tập cựu binh theo ở với Tây Sơn để làm nội ứng”, nhưng đó là chuyện của 40 năm trước, nay Nguyễn Ánh đã mất, tha hồ viện dẫn, chưa kể công tích đã qua, chức quyền hiện tại đủ giúp cho Xuyên xí xoá một lúc yếu mềm! Người em thứ ba là Nguyễn Đức Ngữ cũng từng là Đô đốc Tây Sơn. Thời luân lạc đói khổ, bị rượt đuổi, Xuyên từng liên tiếp cướp thuyền thương khách Trung Hoa, giết người Xiêm (1783, 1784, 1785) thì chuyện đầu hàng kẻ thù cũng không lạ là mấy!

Ghi chép của Xuyên có thêm những điều sáng tỏ, đồng thời thêm thắc mắc cho ta - đây là chuyện kéo dài vô tận của việc tìm hiểu quá khứ. Trong lúc đầu hàng Tây Sơn, Xuyên được “ngụy Cai cơ Trí” sai đấu côn với “Cai cơ Dũng”, người mà Xuyên quả quyết là tướng Võ Văn Dũng nổi danh về sau. Điều này hẳn là xác thực bởi vì khi tàn cuộc, Xuyên còn gặp Võ Văn Dũng (xem sau). Vậy là Dũng đã có mặt trong hàng ngũ Tây Sơn từ lâu, nghĩa là sự việc đủ để giải thích quyền lực của ông ta về sau nhưng lại gây thắc mắc về nguồn gốc Hải Dương của ông theo Hoa Bằng phát giác2, và về tước Chiêu Viễn hầu của Quang Trung phong cho. Cũng ngay từ 1782, Nguyễn Ánh, theo Nguyễn Đức Xuyên, đã có bộ phận “quân/quan quân Bắc Hà” và “quân Cao Miên” được kể chung với toán “quân cấm binh hầu điếu” trung thành. Bộ phận Bắc Hà trên là của quân lính Trịnh ở Phú Xuân đào ngũ hay là lưu dân Bắc chưa đồng hoá với địa phương, còn cho thấy rõ là thuộc thành phần riêng biệt? Trong 200 năm phân chia, dân khai khẩn vùng cực nam là của Đàng Trong, vả lại chữ “quan quân Bắc Hà” đã chỉ rõ xuất xứ của họ. Họ hẳn là của quân Trịnh chuyển qua trung gian Tây Sơn trong những trận đánh Cẩm Sa (1775) và những tiếp giáp Trịnh Tây Sơn sau đó. Lại cũng là chuyện bình thường của thời thế, nhóm quan quân đầu hàng, tù binh kia của Trịnh đi qua phía Nguyễn Ánh, vẫn còn một bộ phận ở lại phía Tây Sơn trong đó hẳn có Võ Văn Dũng. Về phần lính Miên, trong những trận chiến về sau trên đất Tây Sơn đều được gọi là “Xiêm binh” tuy có dấu hiệu có thành phần Miên, như bộ phận dưới tay Nguyễn Văn Tồn, người Trà Vinh, hay bộ phận “lính Xiêm” dưới quyền Ốc nha Dong - Ốc nha là quan chức Miên.

Tuy nhiên phần lớn đó cũng chỉ là hồi ức. Sự việc được kể như có căn cứ ghi chép đương thời là từ lúc Nguyễn Đức Xuyên rời vị trí hầu hạ Nguyễn Ánh ra chỉ huy quân riêng: bộ phận tượng binh thành lập để đối phó với Tây Sơn. Chính từ đây ta mới thấy được tính chất thời sự của biến động. Tất nhiên việc ghi chép này có đi đến độ tỉ mỉ xác thực cũng phải đòi hỏi thời gian theo với vai trò thăng tiến, đẩy đưa yêu cầu hành động của ông. Năm 1793, khi đi đánh Quy Nhơn, Xuyên chỉ ghi những con số tròn trịa “quân dò thám tiền phương 10 người… thêm 100 người đánh phá thành mới của Nguyễn Nhạc”. Đến lúc theo quân đánh Phú Yên, Thi Nại 1794, 95 thì Xuyên ghi chi tiết ở Nha Trang với tên các tướng mặt trận, các tướng Tây Sơn, việc bàn định tấn công, kể cả việc Lê Văn I)uyệt lấy tư cách tướng mặt trận, đánh trước tâu sau... Rồi trong chuyến công tác đưa sứ Xiêm về nước, nhân dịp đánh cướp biển, Xuyên ghi việc từng ngày một, kể cả giờ khắc đến hòn Tre (“giờ dậu”), tấn công Đồ Bà (“canh hai”).

Vai trò Xuyên càng lớn lên với chiến dịch đánh Đồ Bàn 1799-1802. Điều này là do hai nguyên cớ bổ túc cho nhau: tính cách thân thuộc của Xuyên và vai trò quan trọng của tượng binh trong chiến cuộc. Xuyên vốn có gốc họ “Nguyễn Phúc...” của chúa cho nên trong chiến dịch, tiếng là dưới quyền Nguyễn Văn Thành mà lệnh tiến quân, điều binh, báo cáo đều là trực tiếp với Nguyễn Ánh. Trong trận đánh thất lợi ở Kì Sơn (nam Bình Định), trong báo cáo thẳng với Nguyễn Ánh, Xuyên nhận rằng có “nặng lời” với quan Điều bát không phải chỉ vì cậy thế thần mà cho rằng Thành đã quá sơ suất trong việc phòng thủ ở vị trí của ông ta. Những loại xung đột hàng ngày theo kiểu này vẫn có ảnh hưởng dai dẳng nên chính Xuyên, cũng như Lê Văn Duyệt, sẽ có dính dấp đến việc kết tội chết cho Thành về sau. Và tất nhiên giữa cảnh tên đạn sống chết, kẻ thấp hèn hơn cũng không mấy quan tâm đến chuyện hoàng thân quốc thích, còn vua thì cũng khó mà bênh vực. Cho nên chúng ta thấy Xuyên phải phân trần với Nguyễn Ánh về việc tướng sĩ dưới quyền tranh công, tranh thưởng, khởi tố cấp trên, chửi Xuyên là “thằng hát bội, làm tướng sao nên!”.
__________________________________________
1. Nghiên cứu Huế, tập 1-5, Trung tâm Nghiên cứu Huế, Huế 1998-2003.
2. Hoa Bằng, Quang Trung Nguyễn Huệ, Anh hùng dân tộc 1788-1792, Saigon: Thư Lãm ấn Thư Quán, 1958.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2008, 05:09:34 pm »

Trong các chiến dịch trên bộ, vai trò quan trọng của tượng binh Tây Sơn là điều đã từng nói tới, nhất là khi người ta muốn nêu cao danh vị một nữ tướng: Bùi Thị Xuân. Cho nên đối trọng từ phía Nguyễn cũng phải là tượng binh. Tuy có bộ phận voi của “Xiêm binh”, nhưng chính quân của Xuyên đã góp phần quan trọng trong các cuộc tấn công, kiềm giữ quân Tây Sơn khiến cho trong các trận thua cũng không phải chịu nhiều tổn thất. Chứng cớ rõ ràng là phán đoán từ phía địch thủ. Sau khi bỏ Đồ Bàn rồi bị bắt ở phía thượng du, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng nghe tin Nguyễn Đức Xuyên đượcphong trấn thủ Thanh Hoá, liền nằng nặc đòi gặp. Té ra hai tướng Tây Sơn chỉ cần thấy tận mặt người đã cùng mình đối đầu suốt ba năm trên chiến trận mà thôi!

Nguyễn Đức Xuyên nắm lượng quân số rất chặt. Đầu năm 1801, báo cáo lính tác chiến là 2.128 người, ốm đau sai phái là 393 người. Qua các trận, thấy báo cáo còn 1.319 người, bị thương 50, bệnh 94, chết 13 còn mạnh 1.162, thật sít sao. Rồi một lúc sau lệnh bổ sung, báo cáo cho thấy số người cũ, mới của từng cơ trong 4 vệ dưới quyền, tổng cộng 2.268 người (1.650 cũ, 618 mới). Ngày về Phú Xuân, quân số tăng lên 2.566 người. Báo cáo thiệt hại cũng rất kĩ. Trận Kì Sơn bị thương 258 người, “thất trận” (mất tích [trốn, đầu hàng]?) 157 người, chết 26 người, voi bị thương 32 con, mất tích 6 con. Với tình hình nắm chặt quân số của một đơn vị trong thời tranh chiến như thế khiến ta khá tin vào số quân của L. Barizy đưa ra, tính cả toàn bộ lực lượng của Nguyễn Ánh. Lẽ tất nhiên không thể nào có tài liệu về phía Tây Sơn, nhưng dù có cũng có thể tin rằng phía Tây Sơn không nắm vững quân số như Nguyễn Ánh được. Cứ xem cách Quang Trung cuối năm Mậu Thân 1788, dẫn quân qua Nghệ An dùng chó săn người trốn, lấy dao xỉa vào đống rơm, “chốc lát được hơn một vạn” thì thấy ngay là sự nói phỏng chừng.

Số lượng trên là tính cho “nội dinh” 4 vệ của Xuyên, chứ còn riêng binh tượng thì thu hẹp hơn, chỉ có 270 người nhưng với những chi tiết đáng kinh ngạc: hạng nhất 102 người (trưởng chi 5, phó 4, cai đội 10, phó 7, đội trưởng 26, ngũ trưởng 14, lính 36); hạng nhì 79 (cai đội 3, phó 5, đội trưởng 13, ngũ trưởng 19, lính 39); hạng ba 36 (đội trưởng 2, ngũtrưởng 9, lính 25). Như vậy tính theo tổ chức quân sự ngày nay thì binh tượng của Xuyên là quân thiết giáp, lúc hành quân không phải là đơn độc mà có cả một bộ phận tùng thiết đi theo. Tên của các voi rất là nôm na: voi Rạp, Kèo Nhỏ, Bích, Nhảy, Vân của Xuyên, voi Ngẫu, voi Tiêu của Tây Sơn. Sự quan tâm của Xuyên không phải chỉ với binh lính mà tất nhiên còn đối với voi nữa. Ta thấy Xuyên kể chuyện voi Kèo Nhỏ thất lạc trong chiến trận, gần cả năm sau lại trở về trong lúc quân đã dời đi nơi khác? Chúng ta thấy chuyện chữa cho voi mắc bệnh “ăn đất”, với các chuyên viên đã đành mà cũng có cả các lương y bất chợt theo tình hình chiến trận khiến voi phải chết - “hạ thổ”.

Sự kiện được ghi về một phía của tranh chiến - phía Xuyên, của Nguyễn Ánh - khiến ta dễ tưởng lầm chỉ có chuyện ba hoa công tích. Thật ra điều này chỉ xảy ra lúc các sử gia “dọn lại”, chứ người đương thời trong sống chết gang tấc phải cần ghi sự thật để kịp ứng biến có hiệu quả cho nên ta gặp những chi tiết khá thất lợi cho quan niệm phe phía về sau mà Nguyễn Đức Xuyên may thay không xoá bỏ. Đã thấy chuyện các thuộc hạ của Xuyên chửi chỉ huy trưởng của mình là “thằng hát bội”. Xuyên cũng kể chuyện quân tướng ở lại giải vây cho thành Bình Định, nghe tin lấy được Phú Xuân liền không chịu đánh nữa, các quan thì “bàn ra”, còn lính lâm trận “chưa thấy giặc đã chạy”.

Vấn đề xung đột ý kiến trong việc thu dụng tướng Tây Sơn về đầu cũng được bàn rất chi tiết, dài dòng, với ý kiến phản đối của Xuyên lấy lí lẽ “Chừng nào thần và Thành tướng quân bỏ chúa thượng thì chúng nó mới bỏ chúa nó....”, và những lời Nguyễn Ánh bày tỏ khéo léo mà không giấu vẻ quyền uy trong việc bênh Lê Chất, Lê Văn Phong cùng việc xử trí đối với các hàng thần.

Trong những biến cố dồn dập vẫn thường có những chi tiết thoảng qua tưởng chừng không quan trọng nhưng đối với người đọc tinh ý sẽ thấy như một bằng chứng lớn lao, hoặc ít ra là gây được thích thú bất ngờ. Việc có người Âu giúp Nguyễn Ánh với người đọc sử ngày nay đã trở thành bình thường nhưng không ít người vẫn nghĩ rằng “Tây là Tây, Ta là Ta, Tây đánh theo Tây, Ta đánh theo Ta”, nhất là khi thấy các sử quan kể chuyện tiến công, lui quân, bắt lính, thâu thuế... không khác chuyện chiến trận hàng trăm năm trước. Nhưng Nguyễn Đức Xuyên cho một chi tiết không thấy tương tự ở bất cứ nơi nào trong sách của Quốc sử quán, khiến ta phải đặt vấn đề ảnh hưởng Tây Phương đối với quân Nguyễn Ánh sâu đậm hơn là ta tưởng. Đó là chuyện Xuyên đánh đồn Kì Sơn “tay phải cầm súng kíp, ngón tay vô danh và ngón giữa bị trúng đạn”, và nhờ có ống dòm khiến cho Xuyên thấy được toán quân của Trần Quang Diệu từ xa nên lui quân kịp thời khỏi chịu tổn thất.

Vậy thì trở lại với những chi tiết về quân ngũ như đã nói, sự kiện Xuyên biết mà ghi lại đó có phần nào chịu ảnh hưởng theo cách tổ chức quân sự rành rẽ của Tây Phương không? Tổ chức đó rõ ràng là khác với lối đánh “truyền thống” đến đâu bắt lính tới đó (như Nguyễn Huệ ở Nghệ An đã nói) tuy cũng có tướng, binh nhưng không giấu được tính chất hỗn độn từ cung cách tập họp người dưới cờ. Kiến thức đến từ người Pháp, có Trần Văn Học biết cách vẽ bản đồ, xây thành trì, như vậy ông quan này thật có nhiều điều khiến ta phải suy nghĩ hơn là chỉ dựa trên những dòng chữ của sử quan để lại. Trong chuyện kể của Xuyên, ta cũng gặp một phương thức truyền tin theo kiểu “tân cổ giao duyên”: Khi muốn báo tin cho bên trong thành Bình Định biết, quân Nguyễn đã “đốt 5 cây hoả hổ và 3 nhà dân”! Đọc lịch sử có những chuyện này thật lí thú hơn là nghe tiếng văn chương trầm bổng, hay những ngợi ca về thành tích chiến tranh, trị nước của các bậc anh hùng, minh quân. Cùng một chiều hướng thích thú đó, ta nghe Xuyên kể chuyện “ngụy Đô đốc Điềm đem khoảng 700 người (lính nam và) phụ nữ 50 người đánh Phú Yên”. Hay, như đã nói, chuyện Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng làm thân bại tướng với cái chết cầm chắc mà đòi gặp Nguyễn Đức Xuyên chỉ vì một lí do thật hào hùng của con nhà tướng: Muốn thấy tận mặt kẻ từng là đối thủ trong suốt ba năm qua? Quá khứ từ những chi tiết đó hiển hiện dồi dào màu sắc, linh động như cuộc sống phải có, là lịch sử người sau muốn thấy, đúng như của một khoa học lịch sử mong muốn đạt tới, xuyên qua sự mai một của thời gian, qua những sửa đổi, gạt bỏ bôi xoá của phe phái. Một bộ phận khá lớn những ghi chép của Nguyễn Đức Xuyên lại đưa đến một vấn đề quan trọng hơn chuyện tranh chiến cấp thời thường nhật: Đó là các thư từ quan lại (chỉ dụ, lời tâu, báo cáo) giữa chiến trường và trung tâm chỉ huy. Thư viết bằng chữ Nôm, bởi vì người ta phải thông báo nhau bằng tiếng nói thường nhật. Đến thế kỉ này thì người ta chắc đã hết tán tụng chuyện Quang Trung nâng đỡ chữ Nôm như một sáng tạo độc đáo của vị vua anh hùng xuất thân áo vải cờ đào - người nào còn khư khư với chân lí đó thì không có thể tranh biện gì được nữa. Lí do xuất hiện của các bản văn chữ Nôm thường được coi như là chứng tích thăng tiến của tinh thần dân tộc Việt, nhưng cụ thể hơn, vốn là do tình hình thực tế có quân nhân, tướng sĩ (và thường dân) ít học dưới quyền mà người cầm quyền phải lưu tâm sử dụng đến nó (Hoàng Xuân Hãn).

Tuy nhiên tình hình thực tế này lại có nguyên nhân lớn rộng hơn mà người ta ít nói tới. Đó là do sự mở rộng quyền lực của các vương triều, nên càng lúc càng có một bộ phận lớn người dân nói-tiếng-Việt tham gia vào biến cố. Không phải chỉ chứng cớ nằm trong bản văn thề Lũng Nhai, lời thề với Lê Lai tận trong rừng núi Lam Sơn, cùng với lời truyền của Trịnh Kiểm đã phai lạt dấu vết Thái Lào của thế kỉ XV, XVI mà đã đến tận Đồng Nai, Gia Định, nơi Minh Mạng có nhận xét là dân “ít học” (chữ Hán). Vì vậy thế kỉ tranh chấp Nguyễn Tây Sơn đã khiến xuất hiện nhiều bản văn chữ Nôm hơn lúc nào hết.

Với sử gia thì những thư từ qua lại này thật quan trọng không những chỉ vì chúng là bằng cớ đương thời của biến cố mà còn vì chúng đã sử dụng thứ ngôn ngữ thường ngày của thời đại và địa phương nữa. Với phần cuối thế kỉ XVIII qua XIX, L. Cadière đã đưa ra những bức thư của Nguyễn Ánh nhưng chính trong hồi kí của Nguyễn Đức Xuyên này mới có dấu vết nhiều đến ngợp. Người dẫn hồi kí chưa phải làm việc của một chuyên viên Hán Nôm cho nên các tài liệu vẫn còn đó để mở ra một hướng khảo sát, miễn là nhà khảo cứu bỏ được thói quen cố đi tìm những gì thật “xưa”, bớt quanh quẩn ở các công trình kiểu “song viết” tuy có dáng khoa học khảo chứng nghiêm chỉnh nhưng không giấu được tính chất tầm chương trích cú trì trệ còn rơi rớt đâu đó. Quá khứ không phải chỉ của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, cố níu thêm một ông Nguyễn Huệ nông dân cho ra vẻ hiện đại mà sẽ còn là lối nói của người dân thế kỉ XVIII, XIX uốn nắn qua văn từ của ông quan, ông vua để diễn tả tư tưởng biểu hiện tình thế cấp bách trên tầm mức quốc gia đương thời. Điều đó không ít thì nhiều có thể thấy trong các bản văn nôm của Nguyễn Đức Xuyên giữ được vậy.

Tháng 4, 2006


Het!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM