Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:30:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Pháp  (Đọc 181786 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
caytrevietnam
Thành viên
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 11:14:55 pm »

Đầu tháng 3-1947, giặc Pháp tập trung đánh vào hậu phương của ta, chiếm Hà My, Tuy Nhạc. Ngày 14-3-1947, Pháp chiếm Hội An, lập ra hệ thống cứ điểm Phước Trạch - Cẩm Phô - Trà Nhiêu.

Đồn Phước Trạch có 46 tên lính partisan (thân binh, việt binh đoàn) đa số là người miền Nam, có 6 tên lính Pháp do sếp  Vững - quan hai chỉ huy.  Từ ngày có đồn lính, người dân vùng Cửa Đại chịu nhiều đau thương tang tóc. Chúng khủng bố tàn bạo, lùng sục, bắt bớ, hãm hiếp, đốt nhà vây ráp lùng bắt cán bộ, xăm hầm, hơn 30 người dân ở An Bàng - Phước Trạch là nạn nhân của chúng. Chúng gom dân để dễ bề kiểm soát, lập ra hội đồng hương chính, tập hợp những tên cường hào ác bá, có nợ máu với nhân dân, trong đó có tên Sum. Trước tình hình đó, Thị ủy Hội An chủ trương thành lập và đưa đội tự vệ, thanh niên cứu quốc vào bám dân, bảo vệ dân, có điều kiện là tổ chức đánh địch, thu súng, trang bị cho du kích tự vệ cứu quốc.

Theo lời kể của ông Lê Nà, gia đình ông có 3 anh em trai làm nghề biển nhưng chỉ có một cái thúng chai, anh em phải “đi bạn” với các chủ ghe.  Anh Lập con cả đi bạn với các ghe lớn, thường vào Nam đánh cá 3-4 tháng mới về một lần. Anh Lập có gia đình ở Phan Thiết. Đầu năm 1946, anh về quê  nói với cha : “Không thể để bọn Pháp làm mưa làm gió mãi được, chắc con phải tìm cách đánh lại chúng”. Cha anh thở ra rồi nói : “Đánh cách chi ?”. “Phải tìm cách chứ cha !”... Sau đó, Lê Lập tập hợp bạn bè, anh em trong làng thành lập đội thanh niên cứu quốc, thuộc khu 7 (Cẩm An ngày nay).

Đội có 7 người, Lê Lập làm đội trưởng, Nguyễn Lạp làm đội phó. 7 người nhưng chẳng ai có súng, chỉ tự trang bị mã tấu, dao găm, gậy vót nhọn...

Lê Lập nói với anh em trong đội : “Không có súng  không đánh được thằng Tây” và trong anh luôn nung nấu ý nghĩ là làm sao có súng cho anh em.  Đội tự vệ mới manh nha, nhưng hằng đêm tập trung học võ, học cách đánh địch, luyện tập các động tác tiếp cận địch. Anh em trong đội tự vệ thường thấp thoáng trong rừng dương, anh xã trưởng Sum phát hiện và báo với sếp Vững “Có một đội du kích ở An Bàng”. Đội tổ chức đi phá đường, chặt cây ngã ra đường, không cho xe địch cơ động từ Phước Trạch lên Hội An.

Ban đêm anh em phá đường, ban ngày  địch bắt dân lấp đường, Lập bèn nghĩ cách : đặt mìn diệt xe. Anh em trong đội đi tìm những quả đạn 105 thôi, cải tạo, gài kíp  đem đặt giữa đường, nối sợi dây điện thoại dẫn vào nơi ẩn nấp. Khi xe Pháp đến giật nổ, xe cháy địch chết, anh em vọt ra lấy súng. Lần sau, chúng đi, có lính tuần đường, Lê Lập cùng anh em tìm mọi cách quấy phá địch.

Bọn lính từ đồn Phước Trạch lên An Bàng tuần tiễu, Lê Lập theo dõi, nắm được quy luật của chúng bèn nghĩ ra cách  phục kích nhưng địa thế Cẩm An khó quá, từ An Bàng xuống Phước Trạch giống như cái lá lúa, bên ngoài thì biển, bên trong sông, rừng dương không đủ sức che chở cho anh em, khó tránh tổn thất. Cuối cùng, anh nói với Nguyễn Lập : "Phải mạo hiểm thôi". Chọn nơi mật  phục không xa đồn  Phước Trạch nhưng có thế  rút lui,  Lê Lập phát hiện bọn tuần, lúc đi  chúng rất khí  thế,  cảnh giác  nhưng khi trở về, thường chủ quan ngồi nghỉ  ở cạnh đường gần bờ sông. Anh đưa quân vùi dưới cát, gác đầu lên gốc  dương nằm  chờ. Đúng như  dự kiến, chiều về,  bọn chúng đến gò dương , ngồi  nghỉ. Bất thần, Lê  Lập hô “xung  phong". Anh em đội đất lên, mã  tấu vung sáng lóe; chém mạnh  xuống vai những tên đứng gần.

Thu được hai khẩu súng, thấy bọn lính  chạy xa tầm tác chiến, Lê  Lập hô anh em nhảy xuống sống, lặn qua bờ bên kia. Thế là cả ba đội có 3 cây súng và 16 viên đạn...

Tháng 5-1947, đồng chí  Nguyễn Nho - Chủ tịch UBND  Cách mạng Khu 7 giao nhiệm vụ cho đội cùng hai đội du kích trong toàn khu đánh đồn Phước Trạch. Trận đánh diễn ra không cân sức, giặc trong đồn phản kích mạnh, anh em phải rút. Lê Lập trụ lại giữ chân địch, bị bọn chúng bắt.

Ông Lê Trung Thạch kể : Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi về quê nghe Nguyễn Nề - em vợ của anh Lập là lính partisan lúc đó đóng ở đồn Phước Trạch  nói lại :

Tên Vững cho lính còng tay còng chân anh Lập, dùng báng súng đánh vào đầu,  vào bụng, dùng tay đánh vào mặt, anh Lập ngã xuống đất, chúng dùng giày đinh đạp lên,  vừa đạp vừa hỏi : Ai là chỉ huy mày ? Bọn Việt Minh Cộng sản ở đâu  ?... Anh chỉ trả lời: "Tôi không biết". Ngày thứ  hai, thứ ba cũng thế, khi tên Sum trực tiếp hỏi cung, anh Lập chửi vào mặt hắn là : “Đồ bán nước". Tên Sum dìm đầu anh Lập vào thùng nước cho ngạt thở, trói chéo tay sau lưng treo lên xà nhà, bên dưới, hắn để ngọn đèn dầu dưới hậu môn... Ngày thứ tư, thứ năm, hắn tẩm xăng  vào giấy đốt dương vật anh Lập. Anh ngất. Thấy anh rể bị hành hạ mà không có cách chi cứu,  không khéo bị vạ lây, bỏ vợ, bỏ con, nên anh Nề thường xung phong đi gác. Mỗi lần như thế, anh tìm cách nhét thuốc bổ vào mồm anh, bón cho anh miếng cơm, miếng thịt... Đến ngày thứ 7, chúng đổ than nóng vào thùng đại liên đặt lên  người anh, đặt đến đâu, da thịt cháy đến đó, khét  lẹt, tay chân anh mưng mủ, nứt nẻ, mắt sưng, tóc cháy hết. Chúng dụ anh khai, trước sau anh chỉ nói : “Tôi làm tôi chịu ngoài ra không biết chi hết". Ngày thứ 10,  người anh Lập như một cục than, anh kiệt sức, đứng không vững. Hơn 10 ngày khai thác, chúng không  nhận được một lời khai nào, bất lực,  chúng dở thủ đoạn khác xử tử chúng mời dân chúng để  thị uy. 

Buổi sáng ngày 19-5-1947, chúng kéo lê anh trên cát giữa hai hàng lính, tiến về Lăng Ông. Tên Sum huy  động tay  chân cùng lính lùa dân trong làng đi, hơn 200 người : bà già, trẻ em đứng quanh khu vực chúng quy định, bọn lính đặt đầu anh  trên một cục đá lớn. Bên cạnh, có tên lính ở trần đầu chít khăn điều, thắt lưng điều tay cầm cây mã tấu. Tên Vững quy tội cho anh là Việt Minh Cộng sản chống lại chính quyền, tử hình.  Tên Sum nói, dọa nhưng chẳng ai nghe, cuối cùng, tên Vững hô : “tử hình". Tên đao phủ giơ cao cây mã tấu chém xuống...

  Vợ và con anh Lập bặt tin nhiều năm. Anh Lê Trung Thạch làm chế độ cho anh, cơ quan thương binh xã hội nói : "Phải là vợ con anh Lập đứng ra làm". Đợi mãi cũng sốt ruột, Đảng ủy, ủy ban, mặt trận xã quyết định xây mộ cho anh Lập. Hằng năm, đến ngày 27-7, tết, đều khắp hương tưởng nhớ. Đến năm 2001, khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chủ trương mới thì tộc Lê đứng ra làm hồ sơ, cũng là lúc chính quyền thi công con đường Thanh niên đi qua ngôi mộ anh. Vậy là chính quyền quy tập anh về nghĩa trang liệt sĩ  xã... cũng là lúc Thủ tướng ký bằng Tổ quốc ghi công...

Vậy là sau 54 năm, liệt sĩ Lê Lập mới được công nhận. Nhưng ngay sau khi anh hy sinh, quân và dân Cẩm An đã coi anh là niềm tự hào của địa phương, coi anh là anh hùng, luôn được nêu tên trong các ngày truyền thống của đất nước và địa phương.

(Báo Quảng Nam)
Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 02:52:49 pm »

Có lần tôi tìm gặp ông Chu Văn Pù, quê ở Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, là trung úy, sĩ quan quân đội về nghỉ hưu tại khối Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Ông Chu Văn Pù nguyên là tiểu đội trưởng thuộc trung đoàn 174, Đại đoàn 316, người trực tiếp cùng Bế Văn Đàn chiến đấu tại khu vực Mường Pồn, trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Ông kể lại:
“Hôm đó đơn vị tôi được cấp trên giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải ngăn chặn và tiêu diệt quân địch tại khu vực Mường Pồn, không cho chúng rút về Tuần Giáo (Lai Châu). Tiểu đội của tôi được phân công phục kích quân địch tại khe một con suối cạn ngay dưới chân dốc Mường Pồn. Đội hình của tiểu đội gồm có các chiến sĩ: Vinh, Chiến, Thanh, Thàng, Pẩu... và Bế Văn Đàn.

Bế Văn Đàn là chiến sĩ liên lạc của đại đội, được trên bổ sung tăng cường cho tiểu đội. Anh có dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng như con gái, đôi mắt to và sáng, trông rất thông minh. Trong khi tiểu đội chúng tôi chiếm lĩnh xong trận địa lúc trời tờ mờ sáng thì thình lình mặt đất bỗng rung chuyển dữ dội, bầu trời như bị xé ra từng mảnh bởi những loạt đại bác của địch bắn cấp tập xuống khu vực Mường Pồn và tiếng gầm rít của những chiếc máy bay “bà già” lượn trên đầu. Ngay sau loạt đạn đầu tiên của địch, trong làn khói súng, tôi thấy Bế Văn Đàn bị thương vào đầu do mảnh đạn moóc-chi-ê của kẻ thù. Máu anh chảy ra ướt đẫm cả vai áo. Tôi vội lao tới đỡ Đàn dậy, cởi phăng chiếc áo lót mình đang mặc để băng bó vết thương cho anh. Bốn chiến sĩ: Chiến, Thanh, Thàng, Pẩu cũng đã hy sinh. Lúc đó vào khoảng 7 giờ sáng.

Sau những đợt oanh kích ác liệt, đúng 8 giờ bỗng nhiên tiếng súng im bặt. Tiếp sau là tiếng la ó từ trên đỉnh dốc. Tôi quan sát thấy rõ những tên lính tây trắng, tây đen đang hò hét, xô đẩy nhau tràn xuống dốc. Hai trăm mét..., một trăm năm mươi mét..., một trăm mét, tôi nâng khẩu trung liên Vĩnh Cát lên rồi xiết cò. Đạn nổ giòn nhưng găm ngay trước mặt, chỉ cách nòng súng chừng 5 đến 7m, khói bụi tung lên mù mịt. Vì ở dưới chân dốc, tư thế bắn lại theo góc độ “tà dương” nên hoàn toàn bất lợi cho quân ta. Quân địch thì tiến xuống mỗi lúc một đông. Tôi lại cố nâng súng lên để chọn góc bắn thích hợp nhưng không nổi vì hai cánh tay cứng đờ và tê dại. Đang trong lúc loay hoay tìm kiếm địa hình, địa vật để kê súng lên cao thì Bế Văn Đàn đột nhiên lao tới, hai tay nắm chặt lấy hai càng súng giơ lên cao hướng thẳng về phía quân địch. Tôi ái ngại khi nhìn thấy vết thương trên đầu anh máu vẫn rỉ ra nhiều. Bế Văn Đàn hô lớn:

- Pù! Bắn đi còn chần chừ gì nữa, hãy tiêu diệt hết lũ giặc tây gian ác để trả thù cho Chiến, Thanh, Thàng, Pẩu...

Tiếng hô của Bế Văn Đàn như một mệnh lệnh chiến đấu vang lên từ trong trái tim. Tôi nghiến răng bóp cò. Khẩu trung liên rung lên, quân thù nhào xuống lăn lông lốc như những khúc gỗ lìa rừng. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt với quân địch. 12 giờ trưa, đợt tấn công cuối cùng của địch đã bị tôi và Bế Văn Đàn bẻ gãy, xác giặc nằm chết ngổn ngang. Tôi reo to:

- Thắng rồi! Ta thắng rồi! Đàn ơi nhìn kìa, quân địch chết nhiều quá, vui quá Đàn ơi!

Tôi cúi xuống định đỡ Đàn dậy thì anh đã gục đầu, trút hơi thở cuối cùng mà hai bàn tay vẫn nắm chặt hai càng súng. Nhẹ nhàng gỡ hai bàn tay anh, tôi ôm anh vào lòng, máu từ vết thương trên đầu và hai bờ vai, nơi điểm tì của hai càng súng trung liên, vẫn đang rỉ ra nhuộm đỏ cả áo.

Kể tới đây ông Chu Văn Pù gạt hai hàng nước mắt nói với tôi như tâm sự:

“Đã mấy chục năm rồi mà cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào tưởng tượng nổi một con người nhỏ bé như Bế Văn Đàn mà lại có sức chịu đựng phi thường đến như vậy. Trong suốt thời gian 6 tiếng đồng hồ phải cắn răng chịu đựng sự đau đớn của vết thương trên đầu đã là quá sức, vậy mà suốt 4 tiếng đồng hồ tiếp theo cho đến hơi thở cuối cùng, anh ấy lấy thân mình làm giá súng để đồng đội đánh lui 5 đợt tấn công của địch cho đến khi thắng lợi hoàn toàn. Gương hy sinh oanh liệt đó của anh là biểu tượng cho ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta, đã trở thành bất tử và tỏa sáng muôn đời như một bài ca: “Bế Văn Đàn ơi! Anh vẫn còn sống mãi!”.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 03:07:38 pm »

Trần Thị Bắc sinh năm 1932, tại thôn Xuân Dục Đoài, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là nhân vật thực ngoài đời trong bài thơ “Núi đôi” của Vũ Cao.

Sinh trưởng trong một gia đình có bố làm Xã đội phó, cậu là Xã đội trưởng, các chú, các bác đều là bộ đội, cán bộ Việt Minh, nhất là được tận mắt chứng kiến bao cảnh càn quét, cướp bóc, đốt phá, bắn giết hết sức dã man của bọn lính Pháp và ngụy quân ngay tại quê mình, nên Trần Thị Bắc đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1947, mới 15 tuổi, chị đã rất tích cực tham gia hoạt động trong các phong trào đoàn thể.

Cuối năm 1949, chị xin gia nhập đội du kích, làm nhiệm vụ giao thông liên lạc, tiếp tế và trực tiếp chống càn, bảo vệ nhân dân trong lúc đi tản cư. Sau đó chị được cử ra vùng tự do theo học lớp y tá. Cũng trong thời gian này, Trần Thị Bắc gặp anh bộ đội tên là Trịnh Khanh, thuộc đại đội Trần Văn Tuấn (là nhân vật: “Anh đi bộ đội sao trên mũ…” trong bài thơ “Núi Đôi” của Vũ Cao). Sau vài lần gặp gỡ, cả hai mới biết rằng họ là người cùng xã. Chàng trai ở thôn Vệ Linh, dưới chân núi Sóc, còn cô gái ở thôn Xuân Dục Đoài, dưới chân núi Đôi. Tình yêu quê hương, đất nước và lòng căm thù giặc sâu sắc đã giúp họ cùng chung một chí hướng, vượt khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ mà đơn vị và đoàn thể giao cho.

Cụ Nguyễn Thị Thân, 89 tuổi, là thím ruột của Trần Thị Bắc, hiện còn sống tại thôn Xuân Dục Đoài kể lại:

“Bắc là con gái cả trong gia đình, nên sớm biết lo toan công việc, giúp đỡ bố mẹ. Cháu vừa nhanh nhẹn, tháo vát lại đẹp người, đẹp nết, nên đi đâu và làm việc gì cũng đều trót lọt. Có một lần bà Nguyễn Thị Tèo (mẹ của Bắc) bỗng dưng thấy cháu sắm đôi quang thúng mới, bà hỏi: “Con sắm quang thúng để làm gì?”. Bắc hồn nhiên nói với mẹ: “Con tập đi buôn đấy mẹ ạ!”. Ai ngờ chính đôi quang thúng đi buôn ấy, vừa là để che mắt kẻ địch, cũng là nơi cất giấu tài liệu của cô du kích”.

Từ năm 1951, người ta thường thấy ở thôn Đoài có một cô gái hòa lẫn vào trong dòng người đi buôn bán ở khắp mọi nơi. Với đôi quang thúng trên vai, chị đi khắp các hang cùng ngõ hẻm. Những lần mua, bán hàng ấy, chính là lúc chị dò la, thu thập tình hình một cách có hiệu quả nhất để chuyển những tin tức quan trọng ra vùng tự do. Bọn lính Tây và lính ngụy trong vùng đều quá quen thuộc chị, nên không hề có chút nghi ngờ, chúng còn kháo nhau: “Một ngày mà không nhìn thấy cô em Bắc xinh đẹp một lần, thì cả lính Tây cho chí lính ta (ngụy) đều buồn tẻ”. Trước sự mất cảnh giác đó của kẻ thù, Trần Thị Bắc lại càng tỏ ra thông minh, lanh lợi và khôn khéo. Những khi không đi buôn bán, lại thấy chị cầm liềm, quẩy đôi quang gánh lên tận đỉnh núi Đôi để cắt cỏ và không có đồn, bốt nào của địch mà chị lại không biết. Với hình thức hoạt động bán công khai ấy, không những bọn địch không nghi ngờ, mà chúng còn rất quý mến chị. Có những tên chỉ huy, khi vào làng càn quét, đã tìm đến thăm nhà Trần Thị Bắc và có ý ngỏ lời muốn lấy chị làm vợ bé. Lợi dụng tình thế ấy, Trần Thị Bắc đã linh hoạt, chuyển ngay sang hình thức làm công tác binh, địch vận đối với những tên này. Bằng những lời lẽ đầy thuyết phục, chị đã thành công trong việc vận động một người cai trong hàng ngũ lính ngụy và một lính Pháp tự động mang súng ra đầu hàng cách mạng. Nhờ có những thông tin rất quan trọng do chị cung cấp nên một số cơ sở của ta không bị lộ. Đặc biệt là tránh được những tổn thất to lớn đối với số cán bộ đang hoạt động ở trong vùng địch hậu.

Đầu năm 1954, thực dân Pháp tăng cường quân lên Điện Biên Phủ, đồng thời đánh phá quyết liệt, nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường. Để trấn an tinh thần bọn lính Pháp và ngụy quân ở phía sau, chúng ráo riết tổ chức các cuộc vây bắt, lùng sục ở khắp mọi nơi. Vào thời điểm này, Trần Thị Bắc cùng một lúc nhận được hai quyết định của trên, một là về tỉnh để tiếp tục học lớp y tá, hai là về làm công tác quân báo tại huyện đội Đa Phúc (nay là Sóc Sơn), với lý do đã bị lộ, nên trên có ý định chuyển vị trí công tác của chị.

Ông Lê Văn Túc, 77 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng thôn Xuân Dục Đoài, tổ trưởng quân báo của huyện lúc đó, kể lại trận chiến đấu cuối cùng của nữ du kích Trần Thị Bắc:

“Hôm đó là ngày 16-3-1954, vào lúc 10 giờ đêm, sau khi đã bố trí xong lực lượng, chuẩn bị cho trận mai phục quân địch ở khu vực chùa Táo, Trần Thị Bắc nhận nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ khoảng 30 người, từ vùng địch hậu Lương Châu ra vành đai trắng Phù Linh. Cô đi trước thăm dò, khi đến chân núi Đôi, không may rơi vào ổ phục kích của địch. Chúng bắt cô và bịt miệng cô lại, với ý định sẽ phục chờ và bắt nốt số người đi sau. Biết được âm mưu của địch, Bắc đã chống cự quyết liệt. Cô lao vào tên quan Pháp, túm ngay vào chỗ hiểm, dùng hết sức mình bóp chặt lấy bộ hạ của hắn. Bất ngờ bị đòn đau, tên quan Pháp kêu rống lên như con bò bị chọc tiết. Một tên lính lê dương đứng cạnh đó vội lôi Bắc ra và dùng súng xả trọn một băng vào ngực cô.

Thấy động, đoàn cán bộ của ta đã rút lui an toàn. Còn Trần Thị Bắc đã anh dũng hy sinh, máu chảy loang đỏ trên vầng ngực tròn, căng của cô. Những viên đạn tàn ác của kẻ thù vẫn còn găm nguyên ở đó. Quân địch trên núi Đôi đã dùng súng moóc-chi-ê bắn vòng quanh xác cô. Bất chấp nguy hiểm, anh em trong đội du kích đã vượt qua lửa đạn vào đưa thi thể của Trần Thị Bắc tới nơi Cầu Cốn, Vệ Sơn để làm lễ truy điệu và mai táng cô tại đó với lòng tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội và bà con xã Phù Linh”.

Liệt sĩ Trần Thị Bắc, dòng tên em đã khắc vào vách núi còn vang vọng và tỏa sáng về một tấm gương của người con gái núi Đôi, mãi sẽ là niềm tự hào của người dân huyện Sóc Sơn, của Thủ đô anh hùng”.

Nguồn- Báo Quân đội nhân dân
Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #3 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 03:18:41 pm »

Nữ anh hùng-liệt sĩ Hoàng NgânMột ngày đầu xuân, hoa đào khoe sắc trên nhành non lá mới, tôi được bà Phạm Thị Hiền, em gái liệt sĩ Hoàng Ngân báo tin 3-3-2008 sẽ có mặt tại Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Bí thư Trung ương đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam đầu tiên-Hoàng Ngân, người đã hiến trọn 28 tuổi đời cho mùa xuân độc lập, tự do của đất nước.

Tham gia cách mạng từ thuở thiếu niên

Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân sinh năm 1921 tại Hải Phòng, con nhà tư sản dân tộc Phạm Trung Long, từng là phu mỏ, nhờ đóng tàu, thuê người đánh bắt, kinh doanh hải sản, lương thực mà trở nên giàu có. Ông kết duyên với thôn nữ Vũ Thị Đỗi ở làng Cấm (nay là Lê Lợi) Hải Phòng. Gia đình ông Long là cơ sở bí mật của Thành ủy và Xứ ủy Bắc Kỳ từ năm 1935. Với tư chất thông minh, học giỏi, Vân đến với cách mạng rất tình cờ. Một buổi đi học về, thấy trong nhà có khách lạ, bố mẹ tỏ ra quý trọng, mãi sau này Vân mới biết là các đồng chí thường qua lại là Tô Hiệu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ… Mới 14 tuổi, cô bé nữ sinh Thành Chung xinh đẹp, lanh lợi vừa đi học, vừa đi làm liên lạc, qua mũi bọn mật thám, mã tà, Việt gian đưa thư, công văn cho các chú, các anh từ chợ Sắt, Nhà máy tơ, chợ Cột Đèn qua Bến Bính, Thủy Nguyên… Thấy cán bộ, đoàn thể không có nơi ăn ở, Vân nói với bố mẹ, dành cửa hàng hải sản cũ ở đường Quang Trung, chợ Sắt là nơi buôn bán, đông người qua lại, dễ che mắt mật thám, làm cơ sở nuôi giấu cán bộ, may quần áo, trang bị phương tiện làm việc như máy chữ, xe đạp… cho anh em. Gia đình Vân còn để cửa hàng bán gạo đường Lý Thường Kiệt cho đoàn thể buôn bán, làm chỗ đi lại, gây quỹ hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của công nhân… Mới 17 tuổi, thông minh, có tài thuyết phục, vận động quần chúng, Phạm Thị Vân thu hút được lớp trẻ, trí thức, tiểu tư sản và các nhà buôn lớn ở Hải Phòng tham gia ủng hộ cách mạng. Đỉnh cao là cuộc đình công, biểu tình ngày quốc tế lao động 1-5-1938 của hàng nghìn công nhân các nhà máy ở Hải Phòng và khu đấu xảo Hà Nội do Thành ủy Bắc Kỳ chỉ đạo. Phạm Thị Vân còn được giao quyên tiền, lương thực từ gia đình và các cơ sở, quần chúng yêu nước tiếp tế cho cuộc đấu tranh thắng lợi, được báo chí Đông Dương và Pháp đưa tin…

Giặc Pháp bắt một số cán bộ, Vân sa vào tay giặc. Sau nhiều ngày tra khảo, không khai thác được gì chúng buộc phải thả. Phạm Thị Vân tham gia Thành ủy Hải Phòng, được rút đi thoát ly (1939). Cô thiếu nữ xinh đẹp được Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ Hoàng Văn Thụ giao làm công tác phụ vận, binh vận, qua lại xây dựng cơ sở cách mạng ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên, Hải Dương. Có lẽ trái tim thiếu nữ đã cảm phục, ngưỡng mộ anh Thụ từ thuở ấy?

Phạm Thị Vân hoạt động hăng say, vượt qua mọi gian truân. Đầu năm 1941, anh Thụ, chị Vân đi Quảng Ninh, đến làm việc ở Móng Cái. Đến Đông Triều-Yên Tử, ra bãi tập xem anh Hoàng Oánh học Trường sĩ quan Hoàng Phố (Trung Quốc) về huấn luyện cho đảng viên và anh em cốt cán cách đánh biệt động, đánh du kích. Bài giảng khẩu lệnh nhiều tiếng Hán, tiếng Tây, chị Vân đã tập hợp, viết, dịch, biên soạn thành tiếng Việt, sau khi được anh Thụ, anh Oánh góp ý, chỉnh sửa rồi in thành nhiều bản rô-nê-ô, tài liệu này được dùng huấn luyện cho lực lượng vũ trang Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Chị Vân cũng lao vào tập lăn lê, bắn súng, gài mìn, ném lựu đạn… Sau này, chị Vân còn phổ biến, huấn luyện một số cán bộ, đội du kích đường 5 mang tên Hoàng Ngân ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương cách đánh phục kích xe ô tô và tàu hỏa địch, gây kinh hoàng cho giặc Pháp.

Tình yêu bất tử Hoàng Văn Thụ - Hoàng Ngân

Năm 1939, chị Vân vừa tròn 18 tuổi, còn anh Hoàng Văn Thụ 30 tuổi (sinh năm 1909). Sau mấy năm, chị Vân tình trong như đã mặt ngoài còn e, rất cảm phục sự thông minh, chỉ đạo hoạt động sát sao, quyết đoán của người con trai dân tộc Tày, xuất thân từ gia đình nhà nho bản Phạc Lạn (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn). Anh Thụ cũng rung động trước người thiếu nữ xinh đẹp, có ý chí, nghị lực. Khi được anh Thụ đặt vấn đề muốn xây dựng hạnh phúc với mình, chị Vân chỉ dám nói “em còn phải xin ý kiến gia đình, xin trả lời anh sau”.

Phạm Thị Hiền-em gái chị Vân kể lại: Anh Thụ cử liên lạc về, đưa bố là ông giáo trường làng Hoàng Khải Lan xuống thưa chuyện với gia đình ông Phạm Trung Long cho anh Thụ được làm con rể, chị Vân được làm con dâu ông. Thấy ông Lan dáng cao ráo, hiền lành nho nhã rất hợp, ông Long đồng ý và nhắc hai con phải báo cáo tổ chức công nhận, cách mạng thành công sẽ về chung một nhà. Trong ngày lễ đính ước thiêng liêng đó, anh Thụ, chị Vân cũng chỉ gần nhau ba mươi phút rồi đi…

Nhà văn Hoàng Trung Thu-nguyên Phó chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Lạng Sơn, cháu ruột Hoàng Văn Thụ, cho biết: Sau khi tốt nghiệp cấp III, ông được đồng chí Trường Chinh đón về Hà Nội ở cùng gia đình nuôi 5 năm đại học. Hồi ấy ông Hoàng Khải Lan cũng được Văn phòng Trung ương Đảng đưa xuống sống cùng gia đình đồng chí Trường Chinh. Có lần ông Lan kể lại chuyến đi Hải Phòng ăn hỏi cho anh Thụ, được gia đình ông Long mua vé tàu hỏa ngược lên Lạng Sơn.

Nhà báo lão thành Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng còn nhớ, Ủy viên Thành ủy Hà Nội Phạm Thị Vân lúc ấy 24 tuổi (năm 1945), được phân công phụ trách một số huyện ngoại thành, kiêm Bí thư phụ vận Bắc Bộ:

“Cô ấy anh dũng, sắc sảo lắm. Là con gái thành thị mà không thuộc dạng tiểu thư. Lúc ấy Ban thường vụ Trung ương Đảng có Tổng Bí thư Trường Chinh, anh Hoàng Văn Thụ và anh Hoàng Quốc Việt. Anh Trường Chinh, anh Việt thay mặt đoàn thể công nhận tình yêu đã đính ước của hai người. Sau khi anh Thụ hy sinh, cô Vân xin được ghép họ hai người thành tên-“Phạm Thị Hoàng Ngân” thường gọi là Hoàng Ngân. Tình yêu và dũng khí Hoàng Văn Thụ chẳng đã ngân vang đó sao? Ông nhắc: “Thái Nguyên nên tạc một bức tượng đá hoa cương đặt trên di tích lịch sử đồi Hoàng Ngân ở An toàn khu (ATK) Định Hóa”.

Biến tòa án, nhà tù thành diễn đàn và trường học cách mạng

Hoàng Văn Thụ lấy bí danh là Vân cùng đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt (từ 10 đến 19-5-1941) ngược lên Khuổi Nậm, Pác Bó dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì… Anh Thụ được bầu vào Ban thường vụ trung ương. Cuối tháng 5, chị Vân vui mừng gặp lại anh Thụ tại cuộc họp Xứ ủy Bắc Kỳ ở ngoại ô Hà Đông. Bị giặc Pháp vây, chị Vân chạy ra đến bến tàu điện thì bị bắt. Sau 3 tháng giam cầm tại Hà Đông, ra tòa án, Phạm Thị Vân vạch mặt kẻ thù: “Dân tộc Việt Nam bị bóc lột đến tận cùng, đủ thứ thuế, ác nhất là thuế thân, lại không được học hành, các ông dùng thuốc phiện, rượu cồn làm cho nhân dân ngu muội để dễ bề cai trị. Chúng tôi đấu tranh để đuổi kẻ xâm lược ra khỏi bờ cõi, chứ không phải là những kẻ nổi loạn, vì đây là đất nước chúng tôi”. Bọn quan tòa tức tối đập bàn không cho nói… Chị Vân hô vang: “Chúng tôi phản đối lối xét xử áp đặt thiếu quyền con người…”. Quần chúng dự phiên tòa, gia đình và đồng đội đồng thanh hô: “Phản đối, phản đối…”. Bẽ mặt trước nữ chiến sĩ cộng sản 20 tuổi, tòa án thực dân Pháp kết án Phạm Thị Vân 12 năm tù, biệt giam tại Hỏa Lò (Hà Nội). Chị Vân vận động anh, chị, em tù chính trị đoàn kết, đấu tranh đòi giam chung tù nữ, không cắt tóc tù nữ, đòi ra sân làm cỏ, dọn vệ sinh, phơi nắng… để dễ liên lạc, phối hợp đấu tranh. Cai ngục phải cho chị Vân giam chung. Chị Vân tổ chức học văn hóa, dạy đan, thêu. Ngồi ngay trên sàn nhà tù lạnh giá, chị Vân giảng văn hóa-chính trị cho chị em nung nấu lòng căm thù giặc, vận động chị em tuyệt thực, tố cáo nhà tù cho ăn gạo mốc, cá khô mục nát. Lấy lý do chị, em tù chính trị đau yếu, chị đấu tranh đòi được nhận tiếp tế hằng tháng.

Chị Vân đề nghị đoàn thể liên lạc với cha, mẹ ở Hải Phòng chuẩn bị thuốc men, giấy bút, thực phẩm khô tiếp tế, sau có thêm đường đen và sữa cung cấp cho anh em bị biệt giam. Chị dặn: Mọi thứ đóng trong các vỏ dừa khô, bên trên để mấy quả có mắm tôm, lính Pháp sợ mùi. Cứ mỗi tháng tiếp tế một lần 3 giỏ cói to. Phải cho lão cai ngục một giỏ còn hai giỏ, hai căng tù nam-nữ chia nhau cũng nặng tới 40kg.

Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 03:19:45 pm »

Nữ anh hùng-Liệt sĩ Hoàng Ngân (Tiếp theo và hết)
Từ khi chị Vân vào tù (1941-1942), việc tiếp tế do chị Nguyễn Thị Huyền, liên lạc của đoàn thể, cùng bà Vũ Thị Thìn-mẹ kế chị Vân đem vào, sau bọn cai tù không cho người lớn vào, sợ động loạn…

Sau Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng (năm 1943) ở Võng La (Đông Anh, Hà Nội) triển khai Nghị quyết: “Toàn bộ công tác của Đảng phải nhằm vào chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang”. Anh Hoàng Văn Thụ đi chỉ đạo công tác vận động binh lính địch bị bắt (21-9-1943) ở ngõ Năm Diêm, khu Tám Mái (nay là khoảng đầu đường Giảng Võ, Hà Nội). Chúng đưa anh vào biệt giam ở nhà tù Hỏa Lò với mức án tử hình. Chị Vân liên lạc xin ý kiến, được anh Thụ phân công phụ trách chi bộ nhà tù, nhận chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, để có sự phối hợp đấu tranh từ bên ngoài.

Chị Vân liên lạc với gia đình đổi cách tiếp tế qua người em gái Phạm Thị Hiền. Sau khi người nhà lo lót cho cai ngục, bé Hiền gầy ốm, bé nhỏ mỗi tháng 2 lần, mặc quần đùi, áo may ô vào nhà tù Hỏa Lò qua cổng có lính gác, còn phu tù chuyển đồ tiếp tế vào. Bé Hiền chỉ việc chạy vào, các chị ôm hôn để rút tài liệu mật giấu dưới đũng quần ra, rồi lại cài thư từ, báo cáo vào để Hiền đem ra ngoài. Cứ thế từ năm 1941 đến 1944, gia đình cùng chị Vân mất bao nhiêu công sức, tiền của mới thiết lập được đường dây tiếp tế cho anh em tù chính trị.

Đôi lần được ra sân làm cỏ, phơi nắng, qua ánh mắt trao gửi của anh Thụ, chị Vân được tình yêu thương tiếp sức. Chị tháo chiếc áo len do em gái mang vào đan thành áo len cổ cao gửi cho anh Thụ. Vào sáng sớm 24-5-1944 giặc Pháp đưa anh Hoàng Văn Thụ đi xử bắn ở Trường bắn Tương Mai. Tất cả anh em tù chính trị Hỏa Lò bừng dậy hét vang phản đối. Chị Ngân ngất xỉu. Anh Hoàng Văn Thụ nêu cao chí khí bất khuất, kiên trung, trong thư gửi chị Vân, anh dặn giữ sức khỏe, tiếp tục cuộc đấu tranh trả thù cho anh, vững bước trên con đường giành độc lập cho nước nhà. Đặc biệt có bài thơ nhắn bạn nổi tiếng không chỉ dành riêng cho chị: Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành/ Hỡi bạn xa gần hăng chiến đấu… Chị Vân cùng một số anh chị em tù Hỏa Lò vượt ngục (9-3-1945). Phạm Thị Hiền cùng gia đình đưa chị Vân về ông lang làng Đậu Xá (Nam Trực, Nam Định) chữa trị trong ba tháng, bệnh thuyên giảm, đoàn thể cho đón lên Hà Nội nhận nhiệm vụ lo sắm vũ khí, cướp kho thóc của Nhật để cứu đói. Ngoài em gái Phạm Thị Hiền, tổ chức Đảng còn cử chị Nguyễn Thị Huyền giúp việc, như một nhóm buôn bán đi vận động chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Hiến trọn 28 tuổi xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc

Hoàng Ngân được Đảng giao làm thường vụ Khu ủy Liên khu Ba (1946), phụ trách Ban dân vận và phụ vận. Tuy sức khỏe, bệnh tật, còn yếu do di chứng bị đòn tra tấn, cầm cố trong nhà tù, ở tuổi 25 trẻ trung, đầy nhiệt huyết, Hoàng Ngân lao vào làm việc cả ngày. Toàn quốc kháng chiến, Hoàng Ngân cùng cơ quan di chuyển qua Vĩnh Yên, lên Tam Đảo, vượt sang An toàn khu (ATK) của Trung ương ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên) trụ lại ở một bản gần Gốc Hồng, cạnh Đèo Khế. Tháng 10 năm 1947, Hoàng Ngân được bầu làm Bí thư Trung ương Đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam đầu tiên (nay là Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam). Năm 1948, trước yêu cầu của việc tuyên truyền, vận động đoàn kết phụ nữ kháng chiến, kiến quốc, Hoàng Ngân sáng lập tờ báo Phụ nữ Việt Nam kiêm Tổng biên tập đầu tiên của báo… Là một trong số lãnh đạo Trung ương còn rất trẻ, 27 tuổi, xông xáo, có trình độ, dày dạn kinh nghiệm, Hoàng Ngân vừa lo ổn định nơi ăn, ở, tổ chức bộ máy, xây dựng đoàn Phụ nữ cứu quốc các tỉnh, huyện, xã… vận động chị em tích cực tham gia phong trào “Mùa đông binh sĩ”, hội “Mẹ chiến sĩ”, “Đón thương binh về làng”, “Thi đua ái quốc”, thành lập đội du kích vùng sau lưng địch… đưa hoạt động của phụ nữ cứu quốc Việt Nam lên tầm cao mới.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi được bà Lưu Thị Liên là giao thông của Trung ương Đoàn phụ nữ cứu quốc khi mới 15 tuổi, nay đã vào tuổi 74, cho biết: “Do những vết thương bị tra tấn tù đày tái phát, bị sốt rét ác tính, ngày 17-7-1949 chị Hoàng Ngân được tôi, chị Thảo, chị Nhi, chị Thư, chị Ngọc Khanh, chị Thủy, chị My và anh Hồng bên Nông hội cáng đưa sang y xá Trần Quốc Toản (nay là Bệnh viện 354 Bộ Quốc phòng) ở Mỹ Yên (Đại Từ). Chị hy sinh lúc 17 giờ ngày 17-7-1949. Các y-bác sĩ và chị em thương tiếc Hoàng Ngân khóc như mưa. Lúc này gia đình ông Long đang tản cư ở Thái Bình, được chị Cảnh-bí thư phụ nữ cứu quốc huyện báo tin. Ông Long cùng Phạm Thị Hiền được liên lạc đưa đi hơn hai ngày đêm tới Mỹ Yên dự lễ truy điệu do đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh làm trưởng ban lễ tang, đưa chị về nơi yên nghỉ cuối cùng, an táng tại quả đồi cao, đến nay vẫn được chính quyền, người dân gọi là đồi Hoàng Ngân.

Trong mái lán vầu cọ Phủ Chủ tịch đơn sơ ở ATK Định Hóa, ông Long được Bác Hồ mời ăn cơm. Bác cảm ơn ông bà đã sinh ra, nuôi dạy người con thông minh, dũng cảm, tận tụy hết lòng: “Gia đình ta mất đi một người con trung hiếu, Chính phủ ta mất đi một nữ cán bộ trẻ thông minh, xuất sắc”. Ông Long còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến thăm hỏi, tặng hoa sau khi thành phố Hải Phòng đón Bác về thăm (1954). Đến năm 1956 ông Long đi dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần I ở Hà Nội được Bác Hồ tặng một áo ba-đờ-suy bằng dạ. Đáp ứng nguyện vọng của gia đình, ngay trong năm ấy Bác cho đại diện Văn phòng Chính phủ, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Văn phòng Quốc hội cùng ông Phạm Trung Long, Phạm Trung Điền lên Đại Từ cùng đảng bộ huyện, xã và nhân dân Mỹ Yên làm lễ, đưa hài cốt Hoàng Ngân về cùng phần mộ anh Hoàng Văn Thụ ở nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).

Trung ương Đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam chuyển lên đồi Pù Ngạm Ngà, xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa được Bác Hồ cho đặt tên là đồi Hoàng Ngân. Ở Nam Định, Hải Phòng có đường, phố Hoàng Ngân. Đảng, Nhà nước truy tặng Hoàng Ngân huân chương Độc lập (14-7-2003). Ngày 5 tháng 12 năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 1481/2007/QĐ/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân), Bí thư Trung ương Đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam hy sinh ngày 17-7-1949.

Tôi đã hai lần gặp bà Phạm Thị Hiền, nay đã 75 tuổi cùng em gái Phạm Thị Nguyệt trở lại ATK Định Hóa trao học bổng của Hội đồng hương Hải Phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh cho con em xã Điềm Mặc. Ở Hà Nội bà còn em trai Phạm Trung Điền. Bà Hiền rất mong Thái Nguyên có xã, đường, phố mang tên Hoàng Ngân-người nữ anh hùng hiến trọn 28 tuổi xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nguồn- Báo Quân đội nhân dân
Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #5 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 04:03:05 pm »

Tiếng bom Ngô Mây
“Thưa mẹ, mẹ đừng buồn. Con sẽ chết một cái chết sướng nhất đời. Mẹ hãy vui lên vì mẹ có một người con xứng đáng đã làm tròn nhiệm vụ...”. Đó là những dòng thư cuối cùng mà Ngô Mây-người chiến sĩ Quyết tử quân của quê hương Bình Định viết cho mẹ anh trước ngày lên đường làm nhiệm vụ ôm bom lao vào diệt địch, cản bước tiến quân thù. Lá thư này được Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng trích đăng trong cuốn “Những người con ưu tú của Hồ Chủ tịch”, và trong đó, Ngô Mây-tên người Quyết tử quân anh dũng được nêu ở trang đầu...

Ngô Mây sinh tại thôn Viên Triêm, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Bố mất sớm, mẹ chỉ có anh là người con duy nhất. Cuối năm 1946, giặc Pháp xâm chiếm toàn bộ Tây Nguyên và lăm le tràn xuống Bình Định. Ngô Mây xin mẹ đi bộ đội, anh gia nhập đại đội Quyết tử quân.

Mùa hè năm 1947, quân Pháp đánh mạnh ở An Khê. Đại đội quyết tử được lệnh chặn đánh địch tại đèo An Khê. Nhưng đánh địch bằng cách nào khi bọn chúng có xe tăng, đại bác, súng lớn, súng nhỏ ầm ầm còn cả đại đội chỉ có một khẩu trung liên của Pháp đã cũ với một vài khẩu súng trường, lựu đạn, kinh nghiệm chiến đấu chưa có... Bàn đi tính lại cuối cùng chỉ còn một cách: lấy tinh thần quyết tử vì Tổ quốc để làm tròn nhiệm vụ. Đại đội liền mở một cuộc lựa chọn người tình nguyện ôm bom xả thân diệt địch. Hơn 40 chiến sĩ xung phong nhận nhiệm vụ. Đại đội trưởng đếm xong, mọi người hạ tay xuống, duy còn một cánh tay vẫn giơ thẳng. Đó là Ngô Mây, anh sợ đại đội trưởng đếm sót mình nên vẫn chưa bỏ tay xuống. Sau khi cân nhắc, ban chỉ huy đại đội đã trao cho anh nhiệm vụ vinh quang đó.

Trận chiến đấu với địch trong rừng Suối Vôi, ngày 24-10-1947 diễn ra vô cùng ác liệt. Sau nửa giờ chiến đấu ta diệt được hơn một tiểu đội địch thì khẩu trung liên của đại đội bị tắc, địch lợi dụng thời cơ đánh lên dữ dội. Theo kế hoạch đã định, đại đội trưởng ra lệnh rút quân. Lúc đó, Ngô Mây vẫn bình tĩnh ngồi yên trong bụi rậm, chờ cho quân địch tiến lại đông hơn anh mới ôm bom lao vào giữa đội hình của chúng. Quân giặc còn chưa hết ngỡ ngàng thì một tiếng nổ vang lên. “Quả bom Ngô Mây” đã tiêu diệt hơn một trung đội lính lê dương, mở đường cho toàn đại đội xông lên đánh tan cuộc tiến công của chúng.

Tiếng bom Ngô Mây đã làm rung chuyển tinh thần quân viễn chinh Pháp và cổ vũ mạnh mẽ ý chí chiến đấu của bộ đội Liên khu 5, làm bùng lên phong trào giết giặc lập công khắp mặt trận nam Trung bộ. Ngô Mây đã hy sinh nhưng như lời bài hát ca ngợi anh do nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác, thì “tiếng bom anh vang vọng mãi ngàn năm... Máu hùng anh tô thêm cờ vàng sao đỏ thắm vinh quang...”. Liệt sĩ Ngô Mây là người đầu tiên được Đảng, Nhà nước ta truy phong Anh hùng LLVT nhân dân.

Logged
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2008, 02:01:27 am »


Anh hùng Liệt sĩ Trần Cừ (1920-16/8/1950), Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (Truy tặng 1955), Khi hy sinh anh là đảng viên, đại đội trưởng bộ binh đại đội 336, tiểu đoàn 174, trung đoàn 209, Sư đoàn 312.

Huân chương Quân công (hạng Nhì, hạng Ba), Huân chương Chiến công hạng Nhất.


Anh quê ở Khoái Thọ, Đức Bác, Lập Thạch, Vĩnh PhúcTừ tháng 8 năm 1945 đến tháng 10 năm 1950, Anh chiến đấu trên chiến trường Việt Bắc, rèn luyện và trưởng thành từ chiến sĩ lên đại đội trưởng và đã từng tham gia hàng chục trận chiến đấu, trận nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lúc đó Quốc Dân Đảng phản động cấu kết với quân Nhật kéo đến Vĩnh Yên, Việt Trì và một số nơi khác với âm mưu ngóc đầu dậy. Trần Cừ dẫn đầu một tiểu đội tham gia trận đánh giáp lá cà với địch và chính Anh đã đâm chết một tên Nhật và thu một khẩu súng. Tại Cầu Oai (Vĩnh Yên), vào đầu năm 1946 đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt chống bọn Quốc Dân Đảng phản động. Trần Cừ đã chỉ huy đơn vị dùng súng tiểu liên tiêu diệt hai tiểu đội địch, giữ vững trận địa, buộc chúng phải rút chạy về thị xã Vĩnh Yên.

Thu đông năm 1947, đơn vị Anh được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch Việt Bắc. Trần Cừ cùng đơn vị chuẩn bị trận địa trên địa bàn xã Sơn Đông, bên bờ sông Lô. Được chiến đấu ngay trên mảnh đất quê hương, Trần Cừ hạ quyết tâm phải bắt kẻ thù phải trả nợ máu.

Cuối tháng 12 năm 1947, dọc theo sông Lô một cánh quân của địch từ Việt Bắc rút về, tràn vào thôn Phú Hậu càn phá. Trung đội của Trần Cừ đã cùng bộ đội địa phương của huyện Lập Thạch và du kích xã phối hợp chiến đấu. Bọn địch cậy thế mạnh, với 4 máy bay khu trục và hai ca nô yểm hộ, chúng hung hăng ra sức cướp phá. Bộ đội và dân quân du kích đã bám sát từng bờ tre, ngõ xóm nổ súng đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, buộc chúng phải rút về căn cứ. Trận đánh thắng này có tiếng vang lớn được liên khu và đã được lãnh đạo tỉnh gửi thư khen ngợi động viên cán bộ, chiến sỹ. Với Trần Cừ, trận chiến đấu này là một thử thách ban đầu, thể hiện sự trưởng thành của Anh. Sau gần ba năm chiến đấu dũng cảm, được quân đội bồi dưỡng, giáo dục Trần Cừ, được vinh dự kết nạp vào Đảng năm 1948. Khi chuyển sang trung đoàn 209 Anh cùng đồng đội lập được nhiều chiến công ở suối Rút (Hoà Bình tháng 11 năm 1949), Xuân Đại, đầu năm 1950.

Trong chiến dịch Biên giới cách đánh không phải là cách đánh lối du kích, chống càn, do vậy, người chỉ huy trực tiếp, ngoài mưu trí và dũng cảm ra còn phải có sự hiểu biết và trình độ chỉ huy hiệp đồng tác chiến, trình độ sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự mới, Anh đã được đơn vị cử sang Trung Quốc học. Tốt nghiệp khoá học, Anh trở về vào đúng lúc chiến dịch giải phóng biên giới mở màn.

Khi trở về đơn vị, ngay trong đêm đầu tiên, Trần Cừ không sao ngủ được bởi chiến dịch biên giới đã bắt đầu. Anh nghĩ, ngày mai, ở mặt trận Đông Khê, những trận chiến đấu sẽ diễn ra quyết liệt, trong đó, có đại đội 336 do chính Anh là chỉ huy. Trước đó khoảng một tháng, cùng với các đơn vị bạn, cũng tham gia chiến đấu, được học tập rất kỹ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến dịch. Đơn vị của Anh được bổ sung thêm quân số, tăng cường hậu cần và khẩn trương ôn luyện kỹ, chiến thuật. Cả đại đội tràn đầy phấn khởi, tin tưởng và báo cáo lên cấp trên lời hứa quyết tâm đánh thắng.

Những gì học được ở nước bạn, Anh ứng dụng ngay vào trận đánh Đồn Đông Khê là một cứ điểm rất kiên cố và có tầm quan trọng của địch trên tuyến biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn và nước bạn Trung Quốc. Đánh thắng Đông Khê, sẽ làm cho tuyến phòng thủ của địch bị chia cắt, tạo cơ hội cho bộ đội ta tiêu diệt địch. 18h ngày 16 tháng 8 năm 1950, đạn pháo của ta đồng loạt dội vào cứ điểm Đông Khê mở màn cho chiến dịch. Các chiến sỹ bộ binh dũng mãnh xông lên dùng bộc phá mở cửa, lần lượt đánh chiếm các vị trí vòng ngoài và phát triển vào khu trung tâm. Trần Cừ bình tĩnh chỉ huy đại đội, dùng nhiều cách đánh khác nhau, tiêu diệt từng vị trí của địch và hướng dẫn kịp thời pháo binh chi viện. Địch phản công mãnh liệt từ các hoả điểm, gây cho ta một số thương vong. Trần Cừ xông xáo đến từng ụ chiến đấu, động viên chiến sỹ giữ vững tinh thần, kiên quyết bám trận địa, hiệp đồng tác chiến với đơn vị bạn. Nhưng lúc này trời gần sáng, mục tiêu chủ yếu của trận đánh chưa giải quyết được, theo lệnh của cấp trên, Trần Cừ cử một lực lượng nhỏ cùng mình ở lại kiềm chế hoả lực địch rồi ra lệnh cho đơn vị rút ra ngoài, tổ chức cho đại đội rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các tiểu đội và xây dựng cho anh em một quyết tâm lớn để trận đánh thứ hai đạt kết quả hơn.

Đến 17 tháng 9 bắt đầu trận tiến công lần thứ hai; Trong trận này Anh làm đại đội trưởng, đại đội 336 là lực lượng chủ công của trung đoàn, Anh đã chỉ huy đơn vị đánh thẳng vào hầm chỉ huy của địch. Hoả lực bắn dữ dội, hòng chặn đứng các mũi tiến công của ta. Trần Cừ bình tĩnh chỉ huy đại đội vượt qua làn mưa đạn, chiếm khu vực Kỳ Sấu rồi đánh toả lên khu nhà thương. Địch rút xuống hầm cố thủ và ném lựu đạn như mưa ra ngoài. Dưới sự chi viện của hoả lực, bộ đội ta khẩn trương vận động áp sát vào lô cốt địch, dùng bộc phá diệt địch. Lúc xông lên, Trần Cừ bị thương nặng vào chân.

Trời sắp sáng, chiến sỹ ta xung phong mấy lần vẫn chưa diệt được đồn địch. Trong đồn địch còn khoảng 100 tên, Anh cầm lựu đạn hô anh em cùng ném vào lỗ châu mai. Khói toả mù mịt, lợi dụng thời cơ tốt, Trần Cừ hô lớn: “Hồ Chủ tịch muôn năm, Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, rồi vùng lên ném quả thủ pháo cuối cùng vào lỗ châu mai và dùng cả thân mình bịt kín lỗ châu mai, hoả điểm của địch bị tiêu diệt. Chiến sỹ ta ào lên, dùng bộc phá đánh sập lô cốt cố thủ của địch, trận Đông Khê thắng lợi. Noi gương đại đội trưởng Trần cừ, các chiến sỹ đại đội 336 đã dồn ý chí quyết tâm vào những trận chiến đấu tiêu diệt địch trên đường số 4, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của chiến dịch biên giới.

Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2008, 02:18:23 am »


Liệt sĩ Trần Thị Bắc (1932-21/3/1954), chị là nữ nguyên mẫu trong bài thơ Núi đôi của Đại tá nhà báo, nhà thơ Quân đội Vũ Cao.

Trần Thị Bắc là con gái đầu của một gia đình có truyền thống yêu nước. Các bác, các cậu của cô đều là cơ sở của Cách mạng, là du kích. Có người là liệt sỹ, có người từng bị giặc bắt. Bố cô những năm đó cũng là xã đội phó xông pha gan dạ, bị địch bắt tra tấn chết đi sống lại.

Lớn lên giữa những người như vậy, mới chỉ 15 tuổi Bắc đã tham gia các hoạt động của các đoàn thể. 17 tuổi cô vào đội du kích với nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, tiếp tế cho đội du kích trong những lần đi bắn tỉa đồn Tây. Năm 1950, cô được cử đi học y tá rồi trở về kiêm nhiệm thêm việc cứu thương. Có lần theo đội du kích đi bắn tỉa, cô bị đạn của kẻ thù bắn xướt qua mặt để lại vết thương ngay dưới khoé mắt. Nhưng cô không hề biết sợ hãi.

Là một cô gái xinh đẹp, hát hay và khéo ăn nói, năm 1951, Bắc được giao cả 3 nhiệm vụ: quân báo, cứu thương và binh vận.


Thời đó, người ta thấy có một cô gái hàng ngày quẩy gánh đi buôn bán, chiều chiều lại quanh quẩn quanh khu đồn Tây để cắt cỏ. Những tên lính đồn chẳng những không nghi ngờ mà còn tỏ ra quý mến Bắc. Cô ra vào đồn Tây tương đối dễ dàng, gánh nước giúp bọn lính đồn, lân la trò chuyện với chúng. Bắc làm quen được với những tên Tây chỉ huy để thăm dò tin tức và gây dựng được một nhân mối bao gồm hai cai ngụy, một người làm thợ mộc trong đồn Tây và một vợ Tây… Những người này đã thường xuyên cung cấp cho Bắc những thông tin về kế hoạch hoạt động của lính đồn, nhiều điều cơ mật của địch. Với những thông tin quý báu do Bắc đem về, quân ta đã tránh được rất nhiều tổn thất trong cuộc đấu tranh với quân Pháp. Sau này, khi nguy cơ bọn Pháp có thể lần ra nhân mối, cô đã tìm cách đưa hai người cai ngục được giác ngộ chạy thoát ra vùng kháng chiến.

Vào ngày 12/3/1954, nhóm cán bộ của ta họp tại Lương Châu để chuẩn bị cho kế hoạch đánh phục kích địch. Tiên lượng sau khi ta đánh thì địch sẽ tức tối điên cuồng và tổ chức vây ráp càn quét, cấp trên lệnh rút bớt cán bộ nằm vùng ra vùng tự do để tránh tổn thất. Đoàn cán bộ di chuyển ra vùng tự do ngay trong đêm hôm đó gồm có trên 30 người. Bắc được cử dẫn đoàn đi vì hai lẽ: Cô thông thạo địa bàn, gan dạ và khôn khéo trong ứng phó khi có tình huống xấu. Mặt khác, bản thân cô cũng có dấu hiệu bị lộ, nên đã được lệnh chuyển công tác, hoặc sẽ về làm quân báo của huyện đội hoặc về phòng y tế huyện.

Ngày 21/3 cũng là ngày Bắc về Núi Đôi thì gặp ổ phục kích của địch. Bọn địch bắt được Bắc, bịt miệng cô dự định ém chờ bắt nốt những người đi sau. Biết điều đó, Bắc đã chống cự quyết liệt. Cô cố kêu to và lao vào tên Tây chỉ huy túm lấy bộ hạ hắn. Tên này đau điếng quên mất việc lớn, kêu rống lên. Một tên lính lê dương đứng cạnh đã lôi Bắc ra và xả trọn băng đạn vào ngực cô. Đoàn cán bộ của ta ra khỏi Lương Châu nghe tiếng súng biết là bị lộ đã lui lại chờ đến khi địch rút. Khi anh em du kích và quân báo huyện tới nơi Bắc giằng co với địch thì Bắc đã hy sinh. Máu loang đỏ ối trên ngực cô bắt đầu se lại. Những viên đạn của kẻ thù vẫn còn găm nguyên ở đó. Bắc được anh em thay nhau cõng vượt vành đai trắng ra đến Cầu Cốn-Vệ Sơn-xã Tân Minh và được đồng đội an táng ở đây.

Sau này khi Phù Linh được công nhận là xã anh hùng và chuẩn bị xét chọn phong tặng danh hiệu anh hùng đối với một số cá nhân xứng đáng. nhiều người đã có ý kiến: Phải truy tặng danh hiệu anh hùng cho cô gái Núi Đôi năm xưa. Tuy thành tích của liệt sĩ Trần Thị Bắc khiêm nhường hơn những bậc cha chú đi trước nhưng cô lại được lòng dân yêu mến, bởi cô đã sống đẹp và dám chết khi cần thiết. Cũng phải nói thêm, phải đến lần thứ ba chuyển mộ và sau khi bài thơ "Núi Đôi" của nhà thơ Vũ Cao ra đời vào năm 1956, Trần Thị Bắc mới được công nhận là liệt sĩ. Tuy nhiên trong lòng dân và trong trái tim những người thân đồng đội, Bắc vẫn đẹp và còn mãi.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2008, 02:23:56 am »


Hoàng Ngân (1921-1949), quê gốc ở Nam Định sinh trong một gia đình tiểu thương ở phố Savatxiơ (phố Quang Trung - Hải Phòng ngày nay). Tên thật là Phạm Thị Vân. Do sức người gầy yếu, không học được lên cao nữa, Hoàng Ngân ở nhà giúp mẹ bán hàng. Hoàng Ngân lớn lên trong không khí cách mạng sôi sục. Những cuộc bãi công của công nhân, cuộc đấu tranh của tiểu thương chợ Sắt đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng tình cảm của Hoàng Ngân. Đặc biệt thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 1939) phong trào đòi dân sinh dân chủ diễn ra sôi nổi ở Hải Phòng. Các tổ chức ái hữu, nghiệp đoàn của công nhân học sinh, tiểu thương, trí thức... không ngừng hoạt động. Sách báo của Đảng cộng sản được lưu hành công khai. Các cuộc đình công, biểu tình diễn thuyết, bãi thị, bãi khoá... thường xuyên nổ ra khắp nơi trong thành phố. Hoàng Ngân hoà mình vào trong phong trào cách mạng của thành phố. Chị hăng hái tham gia tổ chức Thanh niên dân chủ. Được các đồng chí trong tổ chức tin tưởng, hết lòng giúp đỡ Hoàng Ngân càng tích cực lao vào công tác, đi sâu sát vào quần chúng. Năm 1938, Hoàng Ngân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, khi  mới 17 tuổi. Từ đó, Hoàng Ngân tạm biệt gia đình đi hoạt động thoát ly. Chị được phân vào nhà máy Tơ, máy Chai, chợ Sắt... hoạt động xây dựng cơ sở quần chúng và hướng dẫn họ đấu tranh. Hoàng Ngân trở thành người cán bộ có tài vận động quần chúng công nhân và nhân dân lao động thành phố Hải Phòng chống  áp bức bóc lột. Là đảng viên trẻ, có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm, Hoàng Ngân được phân công đảm nhiệm việc liên lạc giữa Xứ uỷ Bắc Kỳ với Trung ương Đảng và là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Hải Phòng.

Năm 1939, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng tại Hải Phòng, Ban cán sự Đảng phát động quần chúng đấu tranh chống thuế cư trú, thuế đèn, thuế nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, ngày 30/5/1939, hơn một vạn nhân dân thành phố tập trung tại ngã tư phố Bắc Ninh (nay là phố Lãn Ông) sau đó kéo lên toà Đốc Ký đấu tranh. Khi đoàn biểu tình đến sở Cẩm thì bị binh lính và cảnh sát đàn áp. Hàng trăm người bị chúng bắt giữ, trong số đó có đồng chí Tô Hiệu, Bí thư Thành uỷ và Hoàng Ngân (ngay sau đó Tô Hiệu được đoàn biểu tình vây quanh bảo vệ để đồng chí thoát ra ngoài).

Trong nhà giam, Hoàng Ngân tiếp tục động viên mọi người đấu tranh với địch. Sau ba tháng giam giữ, không có chứng cớ gì, chúng phải trả tự do cho chị và những người bị bắt. Nói về cuộc đấu tranh này, tài liệu của mật thám Pháp ghi Trong số 250 người biểu tình bị bắt và thẩm tra căn cước, có 70 người trong đó bị đưa ra truy tố trước toà án. Mật thám Hải Phòng đặc biệt chú ý sự có mặt của Nguyễn Thị Khánh, Phạm Thị Vân, Bích Kim, Nguyễn Thị Nghĩa... Phần lớn những người này quen thuộc vì đã giữ một vai trò trong phong trào Ái hữu nghề nghiệp và trong những cuộc đình công, đã xảy ở Hải Phòng trong những năm tháng vừa qua. Trong đêm 30 rạng ngày 31 họ vẫn không ngừng biểu tình trong các nhà giam của sở cảnh sát Hải Phòng để nhấn mạnh hơn nữa khuynh hướng cực đoan của họ...

Rời khỏi trại giam Hoàng Ngân tiếp tục đi hoạt động cách mạng , mặc dù chị rất thông cảm với tình yêu thương của gia đình và người mẹ quý mến. Hoàng Ngân được chỉ định phụ trách công tác vận động phụ nữ Hải Phòng và cũng từ đây bắt đầu sự nghiệp hoạt động cho phong trào phụ nữ Việt Nam. Trong những năm 1941 1942, Hoàng Ngân làm liên lạc cho đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ.v.v. Xứ uỷ điều chị về phụ trách công tác phụ nữ ở tỉnh Hà Đông, rồi tỉnh Sơn Tây. Năm 20 tuổi, Hoàng Ngân tham gia Ban thưòng vụ Hội phụ nữ giải phóng Bắc Kỳ. Tháng 1/1944, Hoàng Ngân dự hội nghị cán bộ ở Hà Đông. Cuộc họp đang tiến hành thì bị địch bao vây. Chị giúp các đồng chí mình trốn thoát, còn bản thân bị địch bắt. Chị bị kẻ thù tra tấn dã man chết đi sống lại nhiều lần những chúng không khuất phục nổi khí tiết của người cộng sản. Chúng đành kết án chị Ngân 12 năm tù và giam tại Hoả Lò (Hà Nội). Ở trong tù, Hoàng Ngân vẫn vận động anh chị em tù đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt, chống đàn áp, khủng bố. Những trận đòn dã man của kẻ thù đã làm cho chị mắc chứng đau đầu, nhiều lúc như điên dại.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Lợi dụng thời cơ, Đảng bố trí cho Hoàng Ngân vượt ngục. Trở về chị được phân công là Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội.

Trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Hoàng Ngân đã tổ chức đội nữ du kích Minh Khai để học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Nam nữ thanh niên Thủ đô thời ấy gọi chị với cái tên rất thân thương 'Chị Sáu' và hăng hái tham gia tổng khởi nghĩa.

Năm 1946, Hoàng Ngân được Xứ uỷ cử làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hải Dương. Tại đây Hoàng Ngân tích cực củng cố cơ sở, huấn luyện cán bộ và Hải Dương được đánh giá là địa phương có phong trào phụ nữ mạnh.

Đầu năm 1947, Hoàng Ngân được bầu vào khu uỷ khu 3, phụ trách công tác dân vận và khu hội phụ nữ. Cuối năm chị được cử làm Bí thư trung ương lâm thời đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam. Tiếp đó trong Hội nghị cán bộ phụ vận toàn miền Bắc vào cuối năm 1947, chị được bầu làm Bí thư Ban Phụ nữ cứu quốc Bắc bộ. Hoàng Ngân làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng chỉ dẫn, dìu dắt cán bộ đồng thời tranh thủ thời gian học tập văn hoá, lý luận chính trị để nâng cao trình độ. Những năm 1948 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp vào giai đoạn quyết liệt, điều kiện công tác , đời sống vô cùng khó khăn, cơ quan Hội liên hiệp phụ nữ luôn phải di chuyển từ Thái Nguyên lên Bắc Cạn, xuống Bắc Giang, lại về Hà Nam... Hoàng Ngân vẫn xông xáo lo toan, cùng các chị lãnh đạo Hội duy trì liên lạc, nắm chắc và đẩy mạnh hoạt động của phong trào phụ nữ kháng chiến.

Tờ báo Phụ nữ  số 1 và số 2 phát hành đầu năm 1948 có sự đóng góp lớn của Hoàng Ngân. Bài xã luận đầu tiên do chị viết đăng trang 2 số báo đầu tiên, tiếp sau trang 1 đăng bức thư của Bác Hồ có chữ ký của người gửi báo Phụ nữ Việt Nam, từ lâu đã trở thành kỷ niệm vô giá.

Do bệnh tật dày vò, ngày 17/7/1949, sau một cơn đau nặng Hoàng Ngân đã qua đời tại chiến khu Việt Bắc khi mới 28 tuổi đời.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hoàng Ngân lúc nào cũng tỏ ra vững vàng, bất kỳ ở cương vị nào cũng nêu tấm gương sáng tận tuỵ hy sinh. Sau khi chị qua đời, nhiều nơi đã có những hình thức tưởng  niệm hết sức nghĩa tình.

Ngọn đồi, nơi cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam đặt trụ sở, được mang tên Hoàng Ngân. Các tỉnh đội Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình đã tổ chức những đội du kích Hoàng Ngân. Tỉnh hội Hưng Yên còn lập một trường đào tạo cán bộ nữ mạng tên chị.

Với Hải Phòng, một đường phố gần nơi nhà xưa chị ở được đặt tên phố Hoàng Ngân.

Theo trang tin điện tử thành phố Hải Phòng.

Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2008, 02:28:25 am »


Anh hùng Liệt sĩ Bùi Thị Cúc (1930-1951), Anh hùng Lực lượng Vũ trang Công an Nhân dân (Truy tặng; 1955).

Bùi Thị Cúc tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1930, tại làng Vân Mạc, một làng nhỏ thuộc xã Vân Du, huyện Ân Thi. Gia đình đông con, ông bố mất khi Cúc còn nhỏ, để lại nhiều nợ nần. Bà mẹ không trả được, phải gán Cúc làm con nuôi cho một người làng bên để trừ một khoản vay nợ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các anh trai đi bộ đội, hoặc công tác địa phương. Bùi Thị Cúc làm cán bộ phụ nữ ở thôn, được kết nạp Đảng, sau đó làm cán bộ Huyện hội phụ nữ Ân Thi. Những năm 1947-1950, thực dân Pháp đánh chiếm các huyện vùng nam Hưng Yên, chúng cấu kết với bọn tay sai phản động đóng nhiều đồn bốt, lập tề, thường xuyên càn quét, cướp bóc. Ở bốt Cảnh Lâm gần Vân Mạc, tên Nguyễn Doan Nhi, vốn là một cán bộ địa phương đã phản bội, cùng anh rể và anh trai làm sếp bốt và phòng nhì, có nhiều thủ đoạn thâm độc bắt giết cán bộ, khủng bố nhân dân. Huyện ủy Ân Thi cử Bùi Thị Cúc đóng vai là người cầu an bỏ nhiệm vụ về gia đình buôn bán ở chợ Cảnh Lâm để làm nhiệm vụ địch vận, phản gián.

Chị đã chịu đựng sự dị nghị của gia đình và dân làng tìm cách làm thân với tên Nhi, giả vờ nhận lời yêu hắn để khai thác tin tức hoạt động của bọn địch trong vùng, báo cáo với cấp trên. Chị còn khéo léo thuyết phục tên Nhi nhận cả anh Đệ, người yêu của chị, là công an hoạt động bí mật làm “chỉ điểm” cho chúng, cấp giấy phép cho anh Đệ được ra vào bốt Cảnh Lâm. Qua một số lần làm thất bại âm mưu bắt bớ, càn quét của địch, chúng có dấu hiệu nghi vấn chị Cúc và anh Đệ. Cấp trên chủ trương cho hai người tìm cách trừ khử tên Nhi và sau đó rút ra ngoài. Thực hiện chủ trương đó, Bùi Thị Cúc đã bố trí một cuộc hẹn hò với tên Nhi ở làng Vân Mạc. Nguyễn Doãn Nhi đã trúng kế, xuống làng một mình bị người của ta bắt giết, rồi đem vùi xác dưới ruộng khoai.

Mất tên Nhi, bọn địch ở bốt Cảnh Lâm lập tức quây càn bắt tất cả đàn ông trong làng giam giữ, đốt nhà, triệt phá cả làng Vân Mạc. Bùi Thị Cúc tìm đường ra nơi an toàn, nhưng chẳng may đã bị địch bắt cùng nhiều người khác ở thôn bên. Lính bốt và người nhà tên Nhi đánh đập, tra khảo, trả thù Bùi Thị Cúc, bắt chị khai báo những người đã giết tên Nhi. Chị đã nhận hết về mình, không khai báo đồng đội và dân làng.

Biết không khuất phục được chị, ngày 15 tháng 5 năm 1950 bọn địch đã đem chị ra đê bờ sông Lực Điền hành hình hết sức dã man. Bùi Thị Cúc đã nêu gương hy sinh vô cùng kiên cường, bất khuất. Hồ Chủ tịch đã truy tặng chị sáu chữ: “Sống anh dũng, chết vẻ vang”.

Theo trang thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM