Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:34:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giáp ranh  (Đọc 80198 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #110 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 10:14:51 am »

   Tôi lại nhớ tới Cường.

   Tôi còn là chứng nhân cho một cuộc đấu khẩu giữa Cường và anh chính trị viên tiểu đoàn, một người hơn tụi tôi cỡ dăm tuổi vốn gốc gác là anh nông dân quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Anh chính trị viên ấy chính là Mai Thêm. Một tối ở làng Xuân Hòa, sau lúc hội ý cán bộ xong, tôi và Cường còn đang ngồi uống nước trà với ông chủ nhà, vốn là một viên đại úy ngụy làm việc ở kho hậu cần đã nghỉ hưu lâu ngày. Ông ta không thuộc diện phải đi học tập, cải tạo. Mai Thêm đến cùng với cậu công vụ. “Vui quá nhỉ. Thấy đèn còn sáng, vào chơi với các ông...”. Mai Thêm xởi lởi, vui vẻ. Ông chủ nhà thấy cấp trên đến, lặng lẽ rút xuống nhà dưới nhường ngôi nhà trên cho chúng tôi.

   Sau một vài ly nước trà, Mai Thêm hỏi thăm Cường và tôi xem có nhận được tin tức gì của gia đình ở quê hay chưa. Mai Thêm có thói quen rất hay quan tâm tới cha mẹ, vợ con cán bộ chiến sĩ. Khi câu chuyện đã có vẻ thân tình, chạt Mai Thêm nói như vô tình, với Cường: “Này, nghe anh em bảo, ngoài công việc, lúc rảnh rỗi cậu hay đọc sách lắm phải không?”. Thằng Cường dụi mẩu thuốc vào chiếc gạt tàn, nhìn anh chính trị viên tiểu đoàn. “Chẳng giấu gì anh, bỏ học gần mươi năm nay, tôi thèm đọc lắm. Về thành phố, có nhiều sách tôi đọc để bù cho những năm không được cầm tới quyển sách”.

   Mai Thêm thấy Cường giọng hơi căng cứng, nói nhẹ nhàng: “Đọc là tốt chứ sao. Tớ cũng suốt ngày đọc sách đọc tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng. Đọc sách là tốt chứ sao! - Anh ta lặp lại - Nhưng đừng đọc sách ngụy, thứ văn hóa đồi bại, phản động, các ông lại là cán bộ lãnh đạo...”.

   Thằng Cường không nói năng gì vào nhà ôm ra một chồng sách đặt trước mặt Mai Thêm. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Những người khốn khổ” của Victo Huygô, “Đôngkisốt” của Xécvăngtét, “Bút máu” của Vũ Hạnh. Toàn là sách in ở miền Nam. “Anh xem cuốn nào là ngụy, nói tôi coi thử! - Cường dằn giọng - Anh nghe lời xúi bẩy của thằng Kha chứ chi? Một thằng chính trị viên học không xong lớp 6, biết chó gì về Nguyễn Du, biết gì về các nhà văn Pháp, nhà văn Nga... Cứ thấy ai đọc sách, y như rằng bảo đọc sách ngụy! Tôi tha bắn nó vỡ sọ với thằng Bẩy, B trưởng B2 bữa ở Phú Lương đó nghe. Hai trung đội è ra đánh chống càn, nó với thằng B2 không sang chi viện nổ lẩy một phát súng. Bây giờ mọi việc xong xuôi, bom đạn không còn, lại còn dám kể công với anh, nói xấu người khác sau lưng. Thằng khốn!”.

   Thấy Cường to tiếng, Mai Thêm vội giơ tay, dàn hòa “Thôi... Thôi, tôi xin cậu. Tiểu đoàn ta, thằng C1 vừa mừng công, các cậu mới được cấp trên tặng Huân chương chiến công, chuyện này vỡ ra thì tiểu đoàn còn ra thể thống gì..

*

   Căn gác nhỏ áp mái nơi tôi ở lợp tôn. Mùa hè nơi đây nóng như thiêu, như đốt. Mùa đông gió lùa lạnh thấu xương. Được cái yên tĩnh chẳng sợ ai quấy rầy. Nó như một cái ốc đảo yên bình giữa cuộc sống luôn bị khuấy đảo, sôi sục, bất an. Đứng từ trên cao tôi nghe rõ tiếng mấy đứa trẻ la nhau chí chóe, tranh giành trái bóng nhựa trong con hẻm nhỏ. Tiếng vợ chồng anh lái xe mất việc, vợ nghỉ hưu non làm nghề bơm xe đạp, sau vài chén rượu trong mỗi bữa cơm chiều lời qua tiếng lại một hồi la mắng vợ con. Tiếng người mẹ trẻ khóc hờ vợ chồng thằng con trai hư đốn, trót sa vào chuyện nghiện hút, buôn lẻ ma túy cho đám con nghiện bị xã phường đưa đi cải tạo, để lại cho bà đứa cháu còn phải mớm cơm. Ở trên cái chòi chim cu tôi như cảm nhận được nhịp thở cuộc sống hàng ngày của Hà Nội. Từ tiếng còi xe lảnh lót của những người lính quân cảnh đi đưa tiễn một vị nguyên thủ quốc gia đến tiếng còi xe giật hụ khẩn thiết của chiếc xe cứu thương giữa đêm thanh vắng; tiếng chổi quét rác của người đàn bà xiết trên mặt đường về khuya... Tiếng con chim cu gáy nghe xa vắng, gợi nỗi nhớ đông vào mỗi buổi sáng, buổi chiều. Mỗi tháng, mỗi năm vây quanh khu xóm nghèo của những người dân lao động lại mọc lên những tòa cao ốc vài ba chục tầng. Những cọc bê tông, sắt thép lỗ chỗ chĩa lên nền trời sáng bạc, cùng với tiếng búa máy nện xuống đất thình thịch. Cái cũ kỹ, ố vàng có chăng luôn đập vào mắt tôi vào mỗi lúc ngồi trước chiếc bàn viết vẫn là chồng sách vở cũ nát, chút gia sản cuối cùng của Cường, được mẹ cậu ta giao lại cho tôi lưu giữ. Đã mấy năm rồi, cho đến giờ tôi vẫn chưa mở ra coi thử Cường đã viết những gì trong đó. Một phần tôi bận mải với công việc, lo miếng cơm manh áo hàng ngày của một viên công chức quèn. Phần lớn hơn, từ trong sâu thẳm, tôi sợ đụng chạm đến tâm linh của người đã khuất. Sợ sự đào bới quá khứ động vào những kỷ niệm sâu kín của bạn mình. Tôi sợ sự đào bới vào chính tôi... “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai...”. Đúng quá rồi. Cần phải làm dịu đi vết thương đau. Nhưng cuộc sống hiện thời không ít kẻ cố tình lãng quên, dập vùi quá khứ, né tránh quá khứ bởi những mưu mô, dục vọng đớn hèn đầy toan tính. Đã có lần, tôi định rờ tới những cuốn vở của Cường, để coi thử anh ta nghĩ gì, viết gì trong những trang giấy đã ngả màu ố vàng nhưng mói rờ vào cái “gia sản của người quá cố” bàn tay tôi bỗng rụt lại như chạm vào lửa.

   Đọc nhiều chuyện trên báo chí, có khi tôi buồn bã cả tuần lễ. Một suy nghĩ, một ý tưởng ngu dốt, một chuyện buồn vô thưởng vô phạt trong cuộc sống không giết chết ai, nhưng có khi nó lại làm suy kiệt nhiệt huyết của người khác và của chính tôi.

   Nhưng sau buổi đi đám tang của bà mẹ Cường trở về, tôi quyết định phải làm tròn lới hứa với cụ. Tôi không thể nấn ná mãi được nữa. Những tập vở ghi chép của Cường hối thúc tôi phải làm việc.

   Cuốn vở côdiđô trăm trang của Cường dày đặc những chữ nhỏ viết bằng mực bút bi. Cũng may là anh viết mực bi nên năm tháng đi qua, giấy mực ẩm ướt, nét mực nhòe đi, nhưng còn đọc được. Nét chữ của cậu học trò lớp mười ngày nào vẫn thẳng thắn, ngay hàng. Cường ngày trước bị ám ảnh nhiều khi đọc truyện ngắn, tiểu thuyết của Nam Cao nên anh thích dùng từ “y”. Có lần anh được nghỉ phép, về tìm tôi ở Huế. Anh rủ tôi đi uống cà phê ở một quán cóc sau trường Đại học Tổng hợp. Nhìn những cô sinh viên áo tím, áo xanh, áo trắng đạp xe sau giờ tan trường. Ánh mắt anh hơi buồn, nhưng giọng nói đầy vẻ khinh bạc: “Đã có lúc y mong khi bỏ súng, được đi học... Nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi”. “Sao lại muộn? Cái sự học có bao giờ lại muộn?”. “Muộn rồi, mi ơi! - Cường bảo tôi vậy - Y đã trót cầm súng và cây súng không rời y ra nữa. Ngày mai, y lại ra trận...”. “Cậu làm thơ với mình đấy à?” - Tôi phì cười, bảo Cường. “Tao nói thật! Tao ghé thăm mày cũng để chia tay ấy mà. Tao tự giễu mình cho đỡ buồn. Mày bảo, lũ chúng ta cũng chẳng là cái quái gì giữa cuộc đời xô bồ, nhố nhăng này”. Những năm sau chiến tranh, cuộc sống còn cơ cực, đói khát. Cường đã ăn với tôi bữa cơm sinh viên. Cơm độn bo bo với chút cá biển kho mặn. Và chúng tôi cũng đã nhận dần ra những mặt trái của cuộc đời mà đời người lính trận ít khi gặp.

   Hai chúng tôi ở với nhau được ba ngày, rảnh rỗi là đi uống cà phê. Buổi trưa rủ nhau đi ăn bún bò giò heo ở chợ trời Tây Lộc. Cường hí hửng bán được một bộ quần áo vải Tô Châu còn mới cho một chị chủ sạp buôn đồ cũ với giá phải chăng. Gọi một chiếc xích lô, đi dọc theo những con đường trải nhựa trong Đại nội để qua cửa Thượng Tứ. Đang là cuối tháng năm. Những chùm hoa phượng nở đỏ rực trên các tán cây như một vạt cháy lớn giữa vòm trời cao xanh ngằn ngặt. Bốn năm trước cũng trên những con đường này, cả tôi và thằng Cường ngày ngày rèn lính đi “một, hai”, “quay phải, quay trái” trong đội hình tiểu đoàn để chuẩn bị cho cuộc diễu binh mừng ngày đại thắng. Bây giờ cái tiểu đoàn ấy đã không còn nữa. Mỗi người lính đi một phương. Thằng Cường đã đeo hàm đại úy, nhưng rút cục vẫn là một anh lính, tiếp tục ra trận...

   Tôi sẽ không hiểu được vì sao, trang đầu tiên của cuốn vở ghi chép, Cường lại xé mất hai phần ba. Mấy dòng chữ tôi còn đọc được chỉ có vỏn vẹn như thế này:

   “Hạnh chết rồi! Nàng chết thật rồi. Y bê xác nàng lên như bê một tấm chăn, nhẹ bỗng. Gương mặt nàng trong suốt như pha lê. Hay đây là ảo ảnh, chỉ y nhìn thấy được. Rõ ràng là đôi mắt nàng mở. Không nhìn y mà lại nhìn lên vòm trời đang lất phất có những giọt mưa phùn rơi nhẹ vương lên mái tóc đã khô xác và còn dính đất. Giá như có nước, y sẽ chải lại mái tóc cho nàng, gột rửa những bụi bặm, hoen ố của trần thế. Một giọt nước mưa dính lên lông mi của nàng, long lanh như hạt ngọc.

   Y muốn hét to một tiếng mà không được. Huyệt mộ đã đào xong rồi, đang chờ nàng xuống. Giá như y cũng chết được!”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #111 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 10:16:10 am »

*

   Ghi chép của một người quá cố.

   Ngày 29 tháng 2
   Lần thứ hai giáp mặt trung đoàn trưởng. Y thấy con người này cũng dễ gần, chân tình. Ông ấy vỗ vai y: “Các cậu khá lắm. Không có tay Bạ, các cậu cũng hoàn thành được nhiệm vụ. Cả hai sơ đồ đều có giá trị... Nhưng này, cái việc cậu tự ý tổ chức đánh đấm đám dân vệ là sai đấy nghe. Nhỡ cậu có chuyện chi quân khu nắm đầu tụi tôi trước”.

   Y ớ người ra. Cái chuyện “bụp xẹt” ở H.T, ai báo cho ông ta biết nhỉ? Y thanh minh nhưng vị trung đoàn trưởng nghe không hiểu vẫn tỏ ra không hài lòng. “Đánh như vậy là liều lĩnh”. Bực mình y nói bừa: “Tụi tôi đánh giặc cứu người. Liệt sĩ là bạn tôi..Không ai bắt y phải làm tường trình, kiểm điểm. Cũng chẳng ai khen thưởng. Nhưng sau chuyến vượt sông Bồ trung đoàn vắng bóng tham mưu phó Bạ. Anh ta đi viện 94, rồi chuyển tiếp viện 68, ra tận Mường Loòng. Rồi ra Bắc. Y cũng quên hẳn anh ta. Một đôi lần gặp thằng Ngoãn, gặp Tống ở nhà ăn trung đoàn, ra suối tắm. Hai đứa cũng chẳng nhắc đến Bạ một câu.

   Đột nhiên, y được Ban cán bộ trung đoàn mời lên làm việc. Y hơi hoảng, tưởng họ mời lên kiểm điểm về chuyện theo đám lính biệt động H.T đi đánh nhau dưới đồng bằng. Té ra không phải. Trưởng ban cán bộ E đãi y một điếu thuốc Thủ đô bao bạc (Chẳng biết ông già kiếm đâu ra cái thứ thuốc quý tộc này!). “Tớ ở Hà Nội vào. Con gái lấy chồng. Bố chồng nó làm việc ở Bộ Ngoại giao, tặng ông thông gia cây thuốc Thủ đô để mang vào chiến trường! Hút thuốc đi, rồi ta nói chuyện”.

   Y rít một hơi thuốc dài, thở ra khoan khoái. Địch lại bắn pháo lên ngả đường tuyến. Những trái đạn pháo bắn ra từ trận địa pháo Đồng Lâm, tiếng đề pa nghe rất nhỏ. Chỉ vài giây đã nghe tiếng đạn xé gió rít qua đầu rồi nổ phía sau dãy núi Đức Mẹ, Động Chuối. Thời gian gần đây, địch bắn pháo nhiều như thể chúng đã ngửi thấy vòng vây đang siết gần lại. Mấy hôm rồi, họp quân chính, thủ trưởng trung đoàn đã thông báo: “Phước Long đã giải phóng! Năm nay, chủ trương chung của quân khu cho các đơn vị ăn Tết sớm, để chuẩn bị lực lượng tấn công địch, khi thời cơ đến vào mùa xuân..

   Hút tàn điếu thuốc, uống chưa hết ấm trà, ông trưởng ban cán bộ đã quay trở lại. Ông bảo với y: “Thằng K10 xin cậu trở lại tiểu đoàn. Cậu nhớ Thể, đại đội phó C1 chứ? Nó hy sinh rồi”. “Thể chết thật ư?”. “Lại chả thật! Thể về điều nghiên ở Phong Điền, bị vấp phục kích ở Hiền Lương. Cậu Hiên đại trưởng C1 kiên quyết xin đi viện, không nắm đơn vị. Ban cán bộ đã báo cáo lãnh đạo trung đoàn, đồng ý để cậu trở về phụ trách tiểu đoàn phó K10, trực tiếp chỉ huy đại đội 1 tham gia chiến dịch”.

   Trước khi rời khỏi căn nhà hầm của ông trưởng ban cán bộ, y bỏ vào túi nửa bao thuốc lá Thủ đô còn lại. “Anh cho tôi về khao lính ngày Tết. Lính Hà Nội, có hơi thuốc Thủ đô, anh em đỡ nhớ nhà!”.

   Ngày mồng 1 tháng 3
   Chính trị viên đại đội tên Kha. Trước khi về đơn vị y không quen biết anh ta. Nghe bảo, cũng là cán bộ đưa quân vào Nam năm 1974, rồi bị giữ lại. Một anh lính chính trị, chưa biết mùi bom đạn, người quê đâu ở Hà Tây. Kha về đại đội 1 trước y chỉ có mười ngày. Chỉ xa tiểu đoàn chưa đầy sáu tháng, y thấy có sự xáo trộn ghê gớm. Tiểu đoàn trưởng Ba Thi đã về quân khu. K trưởng mới là Vũ Ngật, quê ở Ba Đồn, Quảng Bình, vốn là tiểu đoàn phó K4, nay được bổ sung cho K10. Chính trị viên Thủy cũng ra đi, Mai Thêm, chính trị viên phó K6, sau một thời gian đi an dưỡng trở về, tăng cường cho K10, thay Thủy.

   Vào những ngày tháng 2, trung đoàn họp quân chính. Hầu hết các cán bộ đại đội, tiểu đoàn, Ban tham mưu tác chiến, Ban cán bộ, Ban chính trị trung đoàn... đều tập trung về Khe Lạnh để quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, triển khai kế hoạch tác chiến của quân khu Trị Thiên chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 1975. Những ngày ngồi học tập, quán triệt Nghị quyết, y đã có dịp gặp và trao đổi công việc với Ban chỉ huy tiểu đoàn. Y được gặp lại những người quen cũ trong đại đội... Hiên vẫn đang chỉ huy đại đội 1, tiểu đoàn chưa đồng ý cho anh ta đi viện. Bệnh đau dạ dày lúc đến, lúc đi như trời trở gió. Và theo như lời Mai Thêm trao đổi, hội ý trong cấp ủy, cố gắng thuyết phục Hiên ở lại vói C1, tham gia chiến dịch.

   Những ngày chỉnh huấn ở trung đoàn, bộ đội được ăn mỗi ngày một bữa “tiểu táo”. Nghĩa là bữa cơm có thịt lợn tươi, rau xanh, canh măng, nộm đu đủ. Bộ đội ăn mãi bột trứng Trung Quốc, củ cải khô, ca la thầu, ma gi khô mãi cũng phát chán. Được bữa ăn tươi, nét mặt anh nào cũng sáng lên. Có một buổi chiều, thằng Ngoãn tìm đến lán của y, năn nỉ: “Anh Cường, nghe nói anh về tiểu đoàn bộ binh cho em theo với...!”. Y quắc mắt: “Bậy nào, mi ở đơn vị con cưng của trung đoàn, ai cho mi đi mà xin. Anh nói thiệt với chú, về bộ binh cực thấy mồ, chả sướng như lính trinh sát tụi bay đâu”. Thằng Ngoãn nhe răng cười: “Anh cứ nói... khổ sướng với em đâu có quan trọng! Làm thằng trinh sát suốt ngày chui bờ rúc bụi, sờ dái mấy thằng ngụy, chán thấy bà”.

   Nhớ lại cái cảnh thằng Ngoãn treo cái quần xi líp của con đàn bà lượm được ở Tứ Hạ lên đầu ngọn súng, y cười phát nôn ruột: “Sướng rứa còn đòi chi? Thôi về đi chú em!”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #112 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 10:18:19 am »

   Ngày 7 tháng 3
   Mai Thêm mời y lên có việc gấp. Trong căn phòng của Ban chỉ huy tiểu đoàn đã có mặt hai người. Vũ Ngật và Mai Thêm. Họ đã pha trà sẵn, có ý chờ y tới. “Ông đi theo thằng C1 đồng thời trực tiếp chỉ huy cùng với cậu Kha ở đó. Thằng Hiên đêm qua kêu đau dạ dày cấp, xin đi viện rồi. Kế hoạch tác chiến của thằng C1 ông nắm cả rồi đó”.

   (Trong cuốn sổ tay của Cường, tôi thấy anh ghi: “Quân số: C1. 84. 6 B40, 4 B41. Cơ số đạn 18 quả/khẩu. Cối 60. Đạn 100, gạo đã nhận đủ 7 ngày. 14 thùng lương khô 701. Tiền ngụy: 50.000 đồng, giao cho cậu Liêu giữ.

   Họp triển khai kế hoạch cho trung đội mất một giờ. Họp chỉ bộ cả buổi chiều. K nói dai như đỉa, có mỗi chuyện “đây là thời cơ lịch sử” mà nói đi nói lại mấy lần. Y hút hết nửa bao Tam Đảo mà vẫn chưa xong cuộc họp chi bộ!

   Thằng Ngoãn, thằng Tống và một cậu trinh sát tên Lành được bổ sung đi với mũi của C1, về Phong Quảng. Y gặp được hai cậu trinh sát quen biết cũ, thấy vui ”).


   Ngày 9 tháng 3
   Cả ngày trời nắng. Bộ đội được lệnh nghỉ ngơi buổi sáng. Nhưng hầu như chẳng ai ngủ. Y đi dạo quanh các trung đội, gùi, súng đạn đã được chuẩn bị kỹ càng. Đạn B40 bốn quả để ngoài đeo vào giá đan bằng mây sẵn sàng chiến đấu, số đạn còn lại đều cho vào gùi bạt, bao ni lông để tránh ẩm.

   3 giờ chiều, đội hình của C1, C3, trinh sát tiểu đoàn, thông tin đã có mặt ở dưới chân dốc Ông Già.

   K15, quân của huyện, của xã cũng về đồng bằng. Họ sẽ tập kết ở cửa Khe Lạnh. Hợp điểm là khu hậu cứ Thanh Tân, Sơn Quả.

   Mọi việc chuẩn bị tư trang cho một chiến dịch đánh về đồng bằng với y thật đơn giản. Trong chiếc gùi bạt, y chỉ mang đi mỗi bộ quần áo dài, mấy chục viên đạn K54, hai trăm viên AK và ít bánh lương khô. Vật bất ly thân của y là chiếc đài National ba pin đại, kỷ niệm cuối cùng của Hạnh dành cho y, dùng vào những lúc đêm khuya thanh vắng. Cô phát thanh viên mang đến cho y tin tức trong ngày, những bài hát hùng tráng, những giọng ngâm thơ vào đêm thứ năm hàng tuần và những buổi đọc truyện đêm khuya để giúp y hoài niệm về quê hương xa vời vợi. Mỗi lần được nghe những câu chuyện tình yêu thời chiến tranh, tự trong sâu thẳm trái tim y luôn nhớ về Hạnh.

   Điều lo lắng chính yếu là chuyến đánh về đồng bằng lần này nằm ngay ở mục tiêu tác chiến. Y vẫn còn nhớ rành rọt một vị lãnh đạo quân khu Trị Thiên xuống quán triệt nhiệm vụ cho lớp cán bộ quân chính của trung đoàn. “Mùa xuân này, mặt trận Trị Thiên sẽ tiến hành một chiến dịch tổng hợp cùa quân sự và chính trị, bằng lực lượng của cả chủ lực của Bộ, của quân khu, phối hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân, ba mũi giáp công phải tiêu diệt và làm tan rã một phần quan trọng sinh lực địch, tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn, trung đoàn của chúng... tạo ra một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị cho năm 1976 giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế”.

   Không có một anh lính nào của K10, K15, của cả trung đoàn trong những ngày giữ chốt ở Phong Quảng tin vào sự lâu bền của cái thế “hòa hợp”. Ai cũng hiểu những ngày tháng ấy là nhất thời, sự tĩnh lặng giữa hai đợt tấn công. Đã là địch - ta, chỉ có thắng và thua, là sự đối đầu không khoan nhượng... Nhưng y chỉ huy C1 về đồng bằng Phong Quảng lần này không ngờ lại rơi vào tình cảnh bị động. Y hiểu rõ và nắm chắc Hương Trà, nói như thằng Ngoãn “sờ được cả vào dái địch”. Đột ngột quay trở lại Phong Quảng. Người cán bộ đại đội duy nhất đi cùng với cơ sở của huyện về điều nghiên tiểu khu Thành Trung là Thể hy sinh ở làng cát Hiền Lương. Cả ngày trời, y và Kha cùng ba anh trung đội trưởng C1, cánh trinh sát tiểu đoàn nghiên cứu cứ điểm địch trên bản đồ và một sơ đồ do địa phương cung cấp. Đánh địch, công đồn nhiều trận, y chưa bao giờ tiếp cận mục tiêu như vậy cả. Vũ Ngật động viên: “Tớ cũng chưa về Phong Quảng. Có hai thằng trinh sát đi với cậu Thể hy sinh cả... Lệnh trên, biết làm răng. Nhưng đã có địa phương đưa ta về tiếp cận mục tiêu”.

   Và xem ra, nhiệm vụ của tiểu đoàn 10, tiểu đoàn 15 cũng đơn giản: Đánh chiếm một số mục tiêu nằm sâu dưới đồng bằng, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy. Đánh động cho địch biết có lực lượng của ta thọc vào sau lưng chúng; mục tiêu của trung đoàn là nổ súng thu hút địch để các đơn vị chủ lực phá vỡ phòng tuyến nam Quảng Trị, bắc Huế, nam Huế; chặt đứt giao thông của địch trên đường quốc lộ số 1 để phối họp với mặt trận Tây Nguyên. Lừa địch, không cho chúng biết điểm quyết chiến chiến lược của ta là ở đâu!

   Kha lần đầu về đồng bằng đánh địch, anh ta lộ rõ vẻ lo lắng, nhưng trước mặt bộ đội, anh ta giấu. Cả đại đội hai phần ba quân số là người Hà Nội, lần đầu đánh thọc sâu về đồng bằng, chưa có kinh nghiệm. Chỉ còn lại mười mấy anh lính Hà Tĩnh đã cùng y đi đánh dạo “giành đất, cắm cờ - 1973” nay đều là cán bộ tiểu đội, trung đội, Y trở thành chỗ dựa duy nhất cho đại đội 1, có chút ít kinh nghiệm đánh về đồng bằng.

   (Đến đoạn này, trong cuốn sổ ghi chép của Cường ghi vắn tắt như thế anh viết cho nhớ các chi tiết, sự kiện trong đêm hành quân cùng cả đội hình vượt qua tuyến phòng thủ của lính sư đoàn 1 ngụy, chốt ở dải đồi bình độ 28 để về đồng bằng).

   Bóng tối phủ mờ các ngọn núi, cũng là lúc xuất phát.

   Đoàn người lẫm lũi đi trong đêm. Không phát ra tiếng động. Đội hình kéo dài như một con trăn. Người nọ cách người kia năm mét. Trên đỉnh đồi cách con đường bí mật vượt về đồng bằng chừng hơn trăm mét, tụi ngụy gác đêm đốt lửa cháy sáng. Có lúc đội hình hành quân phải dừng lại nửa giờ ở một khe cạn sát đường quốc lộ để chờ một đoàn xe của địch từ Huế chạy ra hướng Mỹ Chánh. Y thỉnh thoảng vượt lên trước nhắc nhở cậu Tân B trưởng B1 bám sát đội hình, kẻo lạc. Đường quốc lộ... Y cúi xuống sờ lên mặt đường. Từ đây về đến nhà y 604 km. Cột cây số ấy nằm trên quốc lộ 10, trên đường sang Nam Định. Thằng Ngoãn trinh sát vọt xuống tìm y. Nó thì thào bên tai: “Anh ơi, sắp qua đường sắt. Cứ theo đường này là về tới nhà em. Còn sống trở về em đãi anh một bữa kẹo kéo ra trò...”. “Tiên sư cái thằng, giờ vẫn còn nhớ tới khúc kẹo dồi chó của lão Tập!”.

   Một tiếng bốn lăm phút chạy trên các trảng cát, cây thanh lao quất vào chân đau rát. Có lúc lại đi trên một đoạn đường xuyên giữa làng hoang. Thoang thoảng mùi phân trâu trên đường. Ở một ngôi nhà hoang, không có mái, còn có cả một cây rơm. Một khu vườn trồng sắn... Lội qua một đầm nước sâu tới ngang bụng. Hình như ai cũng vục tay xuống uống nước. Có người còn lấy nước cho vào bi đông. Nước tanh hăng mùi bùn. Mặc mẹ nó! Khát cháy cổ, nước gì chả phải uống.

   Có lệnh dừng lại. Nghỉ qua đêm. Đã 3 giờ 45 phút. Trời đã ưng ửng sáng.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #113 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 10:19:28 am »

   Ngày 10 tháng 3
   Mặt trời đỏ, to như một cái mẹt ló rạng ở phía đông. Địa danh ấy có tên là bãi cát Triều Dương. Bốn, một người địa phương có nhiệm vụ dẫn đường cho y, bảo vậy. Một vùng đồi cát mênh mông, nhìn hút mắt không thấy làng mạc đâu cả. Trên mặt đất mọc toàn phi lao lẫn cây bờn bờn, dứa dại kéo dài hàng cây số. Mấy trăm người trú ẩn giữa ban ngày trong những hố cát đào dưới tán lá phi lao không che kín trên đầu.

   Lệnh của chỉ huy: Giữ im lặng tuyệt đối! Không lửa, không khói, không nói. Sẵn sàng đánh địch nếu chúng phát hiện ra nơi trú quân. Chỉ có những người có trách nhiệm mới đi lại, còn lại nằm im trong các hố cát, giấu mình trong tán lá cây.

   Máy bay OV10 vẫn vè vè bay trên cao... Chỉ trừ lúc hội ý, giao ban vói Vũ Ngật, bàn tính cho cuộc hành quân đêm, đi kiểm tra bộ đội chốt gác, nghỉ ngơi, khoảng thời gian còn lại dằng dặc trong ngày đủ cho y miên man nghĩ ngợi, ghi chép. Ghi để làm gì chuyện này nhỉ? Y không biết. Một ý thích riêng tư? Nhưng thà vậy để giết thời gian còn hơn là để đầu óc y nghĩ về Hạnh.

   Kha chui vào hố cát ở gần bên. Anh ta nhai gạo rang rau ráu. Một lúc Vũ Ngật đến xin anh điếu thuốc. Y thừa biết anh ta còn thuốc hút cất trong cái bao dù để dành, nhưng vẫn cứ thích xin thuốc lá người khác.

   Y nhìn mặt trời vần qua trên đầu, mong cho trời chóng tối. Nhưng cái khoảng thời gian chờ đợi bao giờ cũng chậm. Thằng Ngoãn bò đến rỉ tai y: “Anh Cường ơi! Nước dưới bầu bẩn ơi là bẩn! Em bò ra kiểm tra chỗ bến vượt hồi đêm, thấy toàn là phân trâu bò. Đỉa nhiều ơi là nhiều”. “Nước có bẩn thì cũng uống vô bụng rồi”. Thằng Ngoãn thòi ra cho y một đoạn nõn chuối non. Ngọt còn hơn mía. Cả ngày ăn gạo rang với lương khô. Xót ruột quá.

   18 giờ 30 phút, đội hình hành quân lên đường. K15 đi về M. Đại đội 3 đi về K. Đại đội 1 đi về hướng tiểu khu T.T. Mũi của C1, bộ đội địa phương, chỉ hơn tám chục tay súng. Bắt đầu độc lập tác chiến. Càng đi về phía đông nam, Huế càng gần. Điện trong thành phố hắt lên bầu trời ửng hồng một góc. Đường đi mù tịt. Tất cả trông chờ vào tổ du kích địa phương dẫn đường. Có lúc đội hình đi men theo rìa làng. Trong làng đám lính nghĩa quân nổ súng lốp đốp. Pháo sáng bắn lên, giữa cánh đồng trống trải, mọi người dừng lại ngồi cả xuống. Có lúc đi men theo bờ nước dọc phá Tam Giang...

   23 giờ. Súng nổ dữ dội ở phía tây, hướng đường quốc lộ. Bộ đội chủ lực nổ súng rồi. Hàng chục quả pháo bay xoèn xoẹt qua đầu nổ ở hướng núi. Theo quy định, 0 giờ ngày 10 tháng 3, mũi 1 phải nổ súng tấn công tiểu khu T.T. Y đã bực mình hỏi Bốn: “Căn cứ địch đâu? Sao không thấy?”. Vũ Ngật, ông Mân cán bộ tỉnh đội đi theo cánh này cũng sốt ruột. Mấy anh lính du kích dẫn đường ấp úng: “Có khi ta đi lạc đường rồi cũng nên!”.

   2 giờ sáng. Bộ đội vẫn quẩn quanh giữa các làng, bên bờ một dòng sông. Chưa thấy tiểu khu T.T. Lắng nghe cũng không thấy thằng C3, K15 nổ súng. Chả lẽ họ cũng lạc đường?

   3 giờ sáng... Không tìm ra căn cứ địch! Ba người du kích dẫn đường (có người lính địa phương từ Ban B trở về, không thuộc địa hình) đành báo cáo với y và Vũ Ngật. Trời sắp sáng, không thể để bộ đội và cán bộ du kích địa phương ở ngoài đồng, làm mồi cho tụi ngụy quây ráp. Tổ trinh sát của Ngoãn trở về báo cáo: “Vào làng gặp được dân. Họ bảo: đây là Phú Lương”. Ban chỉ huy hội ý nhanh. “Đánh chiếm làng làm nơi phòng thủ!”.

   Chỉ vài loạt đạn và một trái B40, bộ đội đã tiêu diệt và đuổi tan tác trung đội nghĩa quân. Địch không ngờ bộ đội lọt sâu về đồng bằng đến vậy.

   5 giờ sáng, y và hai trung đội cùng tổ cối đã chiếm gọn phần lớn phía nam làng Phú Lương. Kha và B2 chốt giữ lô cốt phía bắc, cách nhau một con sông rộng chừng ba mươi sải.

   Trời chưa sáng rõ, dân làng Phú Lương đã gồng gánh tản cư. Bộ đội về, mai làng này đánh nhau to.

   Các rặng tre bao quanh làng trở thành công sự phòng ngự.

   Hai đêm một ngày, bộ đội được bữa cơm nóng đầu tiên. Một số người dân kiên trinh ở Phú Lương không tản cư, nấu cơm cho bộ đội. Cơm chín đổ ra rá ăn với cá khô.

   6 giờ sáng, y mở đài Hà Nội. Cô phát thanh viên báo tin: Quân giải phóng đã tấn công vào thành phố Buôn Mê Thuột. Bộ đội đã làm chủ thành phố. Đài “Tự do Huế” đưa tin: “Bộ đội Bắc Việt sư đoàn 324 đã tấn công điểm cao 303. Mỏ Tàu... Cộng quân đã đưa hàng sư đoàn (!?) lọt về đồng bằng nam Thạch Hãn, Phong Quảng, Hương Trà, Hương Thủy đụng độ dữ dội với quân lực Việt Nam Cộng hòa và địa phương quân. Sáng nay, tướng Lâm Quang Thi và Bộ chỉ huy tiền phương vùng I chiến thuật đã điều các lực lượng tinh nhuệ ra Quảng Trị, bắc sông Bồ để ngăn chặn “cộng quân”!”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #114 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 10:21:05 am »

   Ngày 11 tháng 3
   8 giờ sáng, bốn chiếc máy bay trực thăng chiến đấu lướt qua làng. Hai chiếc lượn một vòng quanh làng rồi bất ngờ lao xuống bắn rốc két, đạn 40 ly xuống các ngôi nhà dân trong làng, bắn dọc theo rặng tre dọc bờ sông.

   Loạt rốc két đầu tiên đã bắn trúng vào nơi trú quân của Ban chỉ huy đại đội. Nhiếp y tá, Công liên lạc hy sinh cùng hai người cán bộ địch vận.

   9 giờ 30 phút, bốn xe tăng và hai đại đội lính ngụy 1 tấn công vào làng Phú Lương theo hai mũi. Một mũi theo xe tăng vào từ cánh đồng. Mũi thứ hai bám dọc theo bờ sông. Hàng trăm những chiếc mũ sắt lố nhố núp sau xe tăng tiến vào làng. Đạn pháo từ xe tăng. Đạn từ máy bay nổ xé màng tang. Nhà cháy. Những cây tre, cây chuối trong làng bị chém đổ ngã ngả nghiêng.

   B1, B3 nổ súng. Hai xe tăng địch bốc cháy.

   Ba lần các mũi bộ binh của địch tấn công vào làng, theo hướng bờ sông đều bị bẻ gãy.

   4 giờ chiều. Bộ binh rút ra xa. Máy bay lên bắn đạn 40 ly, rốc két. Pháo 105 ly bắn hàng trăm quả tan nát làng Phủ Lương. Thêm ba người lính hy sinh. Năm người bị thương.

   17 giờ 30 phút. Cả đại đội tập trung sang bờ bắc sông, chôn cất tử sĩ. Bảy bộ đội C1, năm cán bộ, du kích hy sinh. Bốn cáng thương binh.

   19 giờ, đội hình lặng lẽ rút quân ra khỏi Phú Lương. Trở lại bãi cát Triều Dương.

   Ngày 12 tháng 3
   Mệt...!
   Đói...!
   Lương khô là món ăn duy nhất trong ngày. Ăn xong, uống nước lấy từ đầm nước có đầy rêu. Bầy đỉa đói nghe tiếng động, nhao tới như những nàng tiên vẫy vùng trong nước. Chỗ bãi lên xuống đầm nước chi chít vết chân trâu. Nước bẩn nhưng vẫn uống. Ít nhất là qua cơn khát cháy cổ. Uống vài viên thuốc Tô mộc để đề phòng.

   Thằng Nhung đen bị thương rên rỉ. Vết thương máu ra tanh tanh. Một con nhặng ngửi thấy mùi máu bay vè vè lên xuống.

   Các mũi về đồng bằng đều gặp khó khăn. K15, K10 đều phải đánh chống càn. Sau ngày đầu tiên, tất cả về lại Triều Dương để tiếp tục chọc tức quân ngụy, chơi trò ú tim!

   14 giờ, một đội máy bay trực thăng chiến đấu năm chiếc à à tới bắn rốc két vào bãi cát Triều Dương.

   14 giờ 30 phút, những chiếc xe tăng bò lồm ngồm như cua len lách qua những vạt cây phi lao, dứa dại, lúc trườn xuống ruộng, lúc xuất hiện ở cồn cát tấn công vào nơi trú quân của bộ đội.

   K15 nổ súng! Ba bốn xe tăng địch dính đạn bốc cháy.

   Ở đầu bãi cồn phía nam, đại đội 3, đại đội 1 cũng đã bắn ba bốn phát B40, B41. Hai xe tăng M113 đi đời nhà ma.

   Những quả pháo 105 nổ gần, tung đất cát mù mịt. Chỉ mong cho trời mau tối.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #115 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 10:23:44 am »

   Ngày 13 tháng 3
   Đêm. Về Cao Ban, Sơn Tùng.

   Đại đội bảo an mới nghe súng nổ đã quăng súng, quăng ba lô bỏ chạy.

   Đại đội 1 triển khai các trung đội để chốt giữ làng. Bỏ ba lô là bắt tay vào đào hầm, phân công chốt giữ các nơi hiểm yếu. Bao cát, gạch táp lô, thùng tôn đều mang ra làm công sự. Ngày mai chắc chắn địch sẽ tập trung ở đây đông như kiến.

   3 giờ sáng vẫn nghe thấy tiếng xe tăng địch, tiếng xe tải GMC chạy trên con đường ngoài làng Cao Ban như thể chúng tập trung quân.

   Sương chưa tan. Súng đã nổ dữ dội. Mũi đột kích của địch nhằm vào thẳng hướng C1. Bường bắn cháy một xe tăng. Ngọn lửa bốc cao như cây đuốc chỉ cách tuyến hào chốt của B1 chưa đầy ba mươi mét.

   Đến 9 giờ địch ngừng tấn công. Sơn trung đội 3 báo về: địch đã chiếm lô cốt ở đầu làng phía tây. Trực, B phó B2 và tiểu đội 5 bị xóa sổ.

   Y và Thản cối cùng với một mũi ra tiếp ứng cho Trực. Đến nơi, địch đã chiếm lô cốt, quân ngụy đứng lố nhố, đông đến vài chục tên.

   Thản được lệnh bắn mười quả cối 60 vào nơi địch đang tập trung. Thằng Mãn bị trúng đạn thẳng. Y nã liền hai quả B41 vào lô cốt. Lửa cuộn vồng trong khói bụi mù mịt.

   Cao Ban chỉ giữ được cho đến 15 giờ.

   Thằng Ngoãn và tổ trinh sát lên báo: “Lệnh của Bộ chỉ huy, cho C1 rút về Hiền Lương, chặn địch ở đấy...”

   Con đường đất chạy giữa những rặng tre xanh dày. Trực thăng chiến đấu phát hiện bộ đội rút, thi nhau bắn đạn 40 ly, đạn đại liên như vãi thóc dọc đường làng. Y đến nơi đã thấy thằng Ngoãn nằm sõng sượt trên đường. Máu ướt đẫm chiếc áo vải Tô Châu. Khẩu AK báng gấp bị đạn xuyên lỗ ehỗ. Nó bị trúng đạn 40 ly, trực thăng bắn. Đôi mắt mở trừng trừng nhìn lên bầu trời tháng ba đầy nắng. Khói bụi mù mịt. Có những tảng mây trắng giữa nền trời xanh...

   Đêm 14 tháng 3
   Có lệnh đưa bộ đội lên rừng. Hơn hai trăm quân của K10 xuống đánh đồng bằng, sau những ngày đánh chống càn hy sinh ba mươi mốt người. K15 còn hy sinh thương vong nặng nề hơn.

   Thằng Tống và Ngật, hai người lính trinh sát hy sinh cả. Tống bị trúng đạn hy sinh trong lúc đánh xe tăng của địch tấn công vào bãi cát Triều Dương.

   Cả tiểu đoàn đang chuẩn bị hành quân, bất ngờ Trực và hai anh lính B2 trở về đột ngột. Họ đã không hy sinh. Khi đại đội ngụy tấn công vào lô cốt, chúng thấy bộ đội chỉ có vài người, định xông lên bắt sống, Trực và hai chiến sĩ đã ném thủ pháo, bắn trả mấy loạt AK rồi nhảy xuống con hói, lặn ngụp giữa đám rong rêu, tìm về được với đơn vị.

   Ngày 20 tháng 3
   Tây Nguyên vỡ!
   Địch phòng thủ ở dải đất duyên hải ven biển miền Trung hoảng loạn, vỡ theo. Hệt như ngôi nhà bị sập mái.

   Bộ đội chủ lực quân đoàn 2, các đơn vị của quân khu, của tỉnh đồng loạt tấn công vào tuyến phòng ngự của địch.

   Có dấu hiệu địch bỏ nam Quảng Trị, Phong Quảng lập phòng tuyến sông Bồ.

   K10, K15, bộ đội địa phương, cùng lực lượng huyện xã trở lại đồng bằng theo con đường cũ. Địch vẫn chốt giữ ở bình độ 28 nhưng lơi lỏng. Chỉ một đêm, bộ đội đã về đến bãi cát, rừng dương ở Phong Nhiêu

   Hàng đoàn xe nhà binh chạy rầm rập suốt đêm hướng về Huế. Địch đang tháo chạy.

   Ngày 22 tháng 3
   Đài Sài Gòn đưa tin: Bộ Tổng tham mưu ngụy ra lệnh cho binh lính rút bỏ Huế, các đơn vị lính sư đoàn 1 lui về giữ đèo Hải Vân. Tử thủ ở Đà Nẵng.

   Ngày 24 tháng 3
   Phòng tuyến mặt trận Huế vỡ. Trên tất cả mọi ngả đường, địch rút chạy, nhằm hướng cửa biển Thuận An, Tư Hiền.

   Y và đại đội 1 có mặt ở chợ Sịa vào lúc 3 giờ chiều. Chợ Sịa đã bị quân ngụy bỏ chạy đi qua đập phá tan tành. Những chai lade, nước ngọt bể vất vương vãi trên nền đất. Mùi cao su bị đốt cháy khét lẹt.

   Điện trên báo: “K10 khẩn trương về chiếm T.T, tới An Xuân, Ngã ba Sình đánh chặn địch rút chạy, bắt tù binh”.

   Đánh nhau bao năm chưa bao giờ có cảnh tượng này. Bộ binh địch lầm lũi rút chạy. Ba lô, súng đạn vất lại dọc đường ngổn ngang. Bộ đội đuổi phía sau, bắn cối 82, cối 60 xua địch. Vài trăm mét lại bắt được tù binh, hàng binh . Có lúc vài chục thằng. Nhất loạt chúng đều xin tha mạng. Chẳng còn đủ dây để trói. Chỉ giải về phía làng. “Về đây ghi tên trình diện!”. Đám lính ngụy hàng binh đứa cởi trần, đứa áo quần lếch thếch, tay không ngồi xin bộ đội lương khô, nước uống!

   Ngày 25 tháng 3 năm 1975
   12 giờ trưa, vầng mặt trời chói đỏ...

   Y và những người lính đại đội 1 đã ra ngã ba sông chĩa súng lên trời, trút những viên đạn cuối cùng ra khỏi nòng súng.

   Ngọn cờ nửa đỏ, nửa xanh phất phới bay giữa đình làng An Xuân.

   (Cuốn sổ ghi chép của Cường dừng lại ở cái ngày 25 tháng 3 năm 1975. Trang sau, anh để trắng. Có một trang, Cường ghi một câu bằng chữ in.

   Ngày 30 tháng 4 năm 1975

   CHIẾN TRANH KẾT THÚC RỒI! TA SẼ LÀM GÌ ĐÂY?

   Cái dấu hỏi Cường viết to chiếm tới nửa trang giấy).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #116 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 10:28:17 am »

*

   ... Mỗi lần về Huế có khi chỉ một hai ngày, nhưng bao giờ tôi cũng tìm đến bậc tam cấp lối xuống bến nước dưới chân chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa cổ vẫn ngự trên mỏm đồi cao. Đứng ở bức tường bao quanh ngôi chùa, phía sát con đường đá chạy lên hướng núi nhìn thấy được cả một đoạn dài của sông Hương. Từ thượng nguồn đổ về đến đây dòng sông như mở rộng. Hàng cây phượng vĩ và mấy cây dừa cao ngả ngọn xuống dòng song. Buổi cuối ngày, con đường thưa vắng khách, ít xe qua lại. Cửa chùa đã đóng, các hàng quán bán đồ lưu niệm rẻ tiền cũng đã nghỉ cả, trả lại cho không gian ngôi chùa sự yên tĩnh, vắng vẻ, cô tịch. Chỉ có tiếng thuyền máy lâu lâu gõ vào mặt sông âm vang...

   Ở bến nước này, trong buổi chiều một ngày cuối tháng tư, tôi và thằng Cường đã lên đây ngồi hàng giờ nhìn ánh nắng tàn dần trên sông.

   Làng Xuân Hòa bình yên sau những ngày thành phố được giải phóng. Phần đông các gia đình ở lại, một số gia đình di tản vào Đà Nẵng, Sài Gòn đang lục đục trở về. Đó là những gia đình công chức, sĩ quan ngụy, làm việc trong bộ máy chính quyền của ngụy... Họ đã có bài học thấm thía của bảy năm trước, sợ “Việt cộng” trả thù. Tiểu đoàn bộ K10 đóng quân ngay ở trang ấp của bà Tuần Chi, một nhân sĩ trí thức tham gia trong chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Khuôn viên của một gia đình trong dòng tộc vốn rộng rãi, thoáng mát, rợp bóng nhiều loại cây xanh. Trong không gian vườn nhà luôn phảng phất mùi thơm của hoa ngọc lan, của huệ. Đại đội 1 đóng quân rải rác trong các ngôi nhà của dân. Đại đội 2 đóng quân ở Kim Long, đại đội 3 chốt giữ vùng cầu An Hòa. Đại đội 4 giữ thôn An Ninh. Hệ thống thông tin hữu tuyến chỉ vài ngày đã nối thông giữa các đơn vị. Dân làng Xuân Hòa đã quen với hình ảnh anh giải phóng. Bất kể già trẻ trai gái đều nhất loạt gọi “bộ đội” bằng “chú”. Không xa lạ nhưng cũng không mấy tỏ ra thân thiện. Sài Gòn vẫn chưa giải phóng. Bộ đội đang vây ép phòng tuyến Xuân Lộc. Đêm đêm, những người dân Huế vẫn ghé sát tai vào những chiếc rađiô nghe cả đài Hà Nội lẫn đài Sài Gòn để coi tình hình chiến sự.

   Buổi giao ban ở cơ quan tiểu đoàn bộ kết thúc sớm. Không có chuyện gì đột xuất xảy ra, ngoại trừ các đơn vị cử người tham gia vào các đơn vị quân quản để tiêp nhận sĩ quan, binh lính ngụy ra trình diện tại địa phương.

   Cường rủ tôi đi uống cà phê. Anh bảo: “Có chỗ ngồi hay lắm!”. Chúng tôi đi dọc theo bờ sông Hương, ngược lên ngả chùa Thiên Mụ. Con đường rải đá cấp phối bị hư hại nhiều, vắng người qua lại. Các ngôi nhà dân nhỏ bé, lợp tôn, lợp ngói nằm lọt trong các khu vườn được bao quanh bằng hàng rào chè gai. Một vài nhà bán quán ven đường bày những lọ kẹo, bao thuốc lá, bịch bắp rang bán cho khách qua đường. Quán cà phê buổi chiều vắng khách. Chị chủ quán chiều chúng tôi, pha cho mỗi người một ly cà phê đá. Tôi và Cường không ngồi trong quán mà đưa nhau xuống bờ sông ngồi ở bậc tam cấp xây bằng đá dẫn xuống bến sông trước chùa Thiên Mụ. Dòng sông vào tháng tư, nước trong xanh. Không gian yên bình đến độ không ai nghĩ chưa đầy ba mươi ngày trước nơi đây vẫn còn là vùng đất của chiến tranh, của bom đạn, của chết chóc, của thù hận. Và ở một nơi cách đây hơn bảy trăm cây số, bom vẫn nổ và những người lính vẫn ngã xuống từng ngày. Tâm lý bất an, phập phồng, lo sợ vẫn còn trĩu nặng trong tâm can của nhiều người. Cuộc chiến đang đi vào hồi kết.

   - Cuộc sống kỳ lạ thật! - Cường bật nói - Kỳ lạ ở chỗ cả tao và mày còn sống đến bây giờ ngồi ở đây, bên bờ sông Hương, uống cà phê hút thuốc Rubi.

   - Cái ngày ta ra đi... Chẳng đứa nào dám nghĩ tới một kết cục như thế này. - Tôi tiếp theo ý nghĩ của Cường.

   Chợt Cường bảo tôi:

   - Tao nhớ Thắng, thằng Nam “mực”, Nghi “phở”, Chiến “Kỳ Bá”...

   - Vả cả Hạnh nữa chứ...! - Rồi tôi hỏi - Mày đã về gặp thím Tư chưa?

   - Rồi... - Cường vung tay búng mạnh mẩu thuốc lá ra xa. Mẩu thuốc lá nổi phập phềnh trên mặt nước. Một con cá tưởng mồi nhao lên đớp, vẽ lên những vòng sóng nhỏ.

   - Nàng viết gì...?

   - Hạnh yêu tao. Mày biết thế là đủ... Bây giờ là lúc tao muốn hỏa táng cho nàng.

   Cường chậm rãi mở chiếc túi mìn claymo lấy ra một cuốn sổ nhỏ, to bàng bàn tay, bìa ni lông đỏ. Nó không đưa cho tôi coi cuốn sổ mà lần gỡ xé từng trang và châm lửa đốt. Ngọn lửa liếm vào trang giấy dày đặc những chữ viết bằng mực bút bi. Tôi không biết Hạnh viết những gì cho người yêu, nhưng nhìn gương mặt sạm tối của Cường, tôi biết nó đau đớn lắm mới hành động như vậy. Cường đốt từng tờ giấy trong cuốn sổ tay hết tờ này mới đốt tiếp tờ khác. Những tờ giấy cháy đen, bất ngờ gió thổi mạnh, hất tàn than bay lả tả lên trời rồi rớt xuống, dính cả vào áo quần, đầu tóc của tôi và Cường. Có một mẩu giấy chưa cháy hết còn sót lại đúng ba chữ “Dấu yêu ạ!”. Nét bút thanh, mảnh, chữ tròn đẹp, rõ là chữ của con gái.

   Mặt sông đang tím dần lại. Phía bên kia bờ sông thấp thoáng trong những vạt tre xanh, những vườn dừa ngọn đèn hột vịt của nhà dân le lói, hiu hắt. Một con đò ngược lầm lũi giữa dòng sông thăm thẳm gió. Chúng tôi chưa muốn về. Muốn ngồi mãi đây tận hưởng sự tĩnh lặng, yên ả đến tê dại. Dượng như chúng tôi đang làm sống dậy cái khoảng khắc của thời xưa cũ. Vào những đêm hè, Cường, Thắng và tôi, sau những giờ học lén rủ nhau leo lên gác thượng của nhà Thắng bằng một cây thang tre dài. Trên khoảng không bao la rất gần với trăng sao không ai nhìn thấy chúng tôi. Ba đứa trẻ ranh, mặc quần đùi áo may ô, có đứa để trần mặc sức nói đủ mọi thứ chuyện. Lôi từ trong bọc áo may ô nào mận, nào ổi hái trộm được ở khu vườn của cụ giáo Châu. Vườn cụ giáo rộng hàng mẫu, có ao thả cá, trồng nhiều cây trái. Tất cả đám trẻ con thò lò mũi xanh trong phố đều là học trò của cụ. Cụ là một giáo chức từ thời Pháp thuộc. Thời ta, cụ giáo Châu không đi dạy nữa mà ờ nhà làm vườn và mở lóp dạy a-b-c cho con nít. Bài học vỡ lòng mà tôi và thằng Cường thuộc cho đến bây giờ là “Phở là món ăn bổ tì, bổ vị...”. Mười mấy đứa trẻ gò lưng trên những chiếc bàn gồ hoen ố đầy mực xanh, mực tím vừa tập viết, tập đọc, có đứa còn chưa bao giờ được ăn phở. Lũ trẻ đồng thanh cẩt cao giọng đọc từng chữ theo tay thước của cụ giáo Châu: “Phở... là... món... ăn...!”.

   Cường ngồi thu lu sát mép nước. Thỉnh thoảng đầu thuốc lá lại hồng lên. Chợt nó hỏi tôi:

   - Mày nghĩ gì vậy?

   - Tao nghĩ tới Thắng!

   - Còn tao nghĩ tới Hạnh, tới chị Tâm... - Lặng đi một lúc lâu, nó bật ra một câu, đầy giọng triết lý - Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu con người dũng cảm, tử tế...

   - Nhưng những người còn lại vẫn phải sống... - Tôi bảo nó - Tao vừa đọc xong cuốn “Con đường đau khổ” của một nhà văn Nga. Trong cuốn sách ấy có câu “Năm tháng sẽ phôi pha..”.

   Cường đứng vụt lên, thân hình nó lừng lững như một khối đen, đổ bóng xuống lòng sông thăm thẳm. Nó tiếp lời tôi bằng một giọng đọc trầm, ấm nhưng tha thiết. Nó đọc như thể muốn cho tôi nghe, cho Hạnh, cho Thắng và những linh hồn bé nhỏ đang nhảy múa như những ánh lân tinh trên mặt nước cùng nghe: “Những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét... Chỉ còn lại mối tình em trong trắng dịu dàng và rất đỗi yêu thương...” .

   Chúng tôi lên tới mặt đường, cũng là lúc tiếng chuông chùa đổ nhịp chậm rãi. Tiếng chuông trong vắt, ấm áp vang lên trên đỉnh tháp.

Huế, 1975 - Hà Nội, 2008
Đ.K.C



Hết
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #117 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 10:32:09 am »


Nhà văn Đỗ Kim Cuông

   Quê quán: Thành phố Thái Bình. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Đã được tặng nhiều giải thưởng Văn học của các cơ quan Trung ương và địa phương.

   ĐÃ XUẤT BẢN:

- Người đàn bà đi trong mưa - Tiểu thuyết - NXB Thanh niên 1986.
- Hai người còn lại - Tiểu thuyết - NXB Thanh niên 1987.
- Một nửa đại đội - Tiểu thuyết - NXB Thuận Hóa 1987.
- Người dị hình - Tiểu thuyết - NXB Phú Khánh 1988.
- Khát vọng tình yêu - Tiểu thuyết - NXB Phụ nữ 1989.
- Miền hoang dã - Tiểu thuyết - NXB Phú Khánh 1989.
- Thung lũng tử thần - Tiểu thuyết - NXB Khánh Hòa 1990.
- Mảnh sân sau u ám - Tiểu thuyết - NXB Phụ nữ 1991.
- Vùng trời mộng ảo - Tiểu thuyết - NXB Phụ nữ 1992.
- Giáp ranh - Tiểu thuyết - NXB Quân đội Nhân dân 1996.
- Đêm ngâu - Tập truyện ngắn - NXB Công an Nhân dân 1998.
- Tự thú của người gác rừng - Tập truyện ngắn - NXB Thanh niên 2000.
- Đá trắng - Tập truyện ngắn - NXB Văn hóa Thông tin 2004.
- Một mảnh hồn quê - Tập truyện ngắn - NXBHNV 2006.

   SẼ XUẤT BẢN:

- Phía sau cánh rừng - Tiểu thuyết.
- Trang trại hoa hồng - Tiểu thuyết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM