Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:32:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giáp ranh  (Đọc 80192 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #80 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2012, 09:53:57 am »

   Trăng mười sáu lên cao. Gió tươi lồng lộng tràn qua cánh đồng rớt xuống mặt sông lấp loáng ánh vàng. Mới có 9 giờ làng quê đã ắng lặng. Không một tiếng chó sủa. Giữa sông một con đò xuôi, tiếng mái chèo táp nước đều đặn. Nhà ai cắt tranh phơi đầy trên mặt đê. Phong kéo Thơm ngồi dưới một bụi tre ngay sát bờ sông. Anh thiệt thà bảo vợ:

   - Hay ta tắm một cái cho mát?

   - Tắm giờ này?

   - Có ai đâu mà sợ. Chỗ này vắng. Nếu em ngại, ngồi trên bờ coi quần áo cho anh. Bao năm ở chiến trường anh chỉ mơ một lần được về tắm trên con sông này.

   - Anh cứ xuống trước... Em trông đồ.

   Phong cởi quần áo giao cho Thơm rồi lao cắm đầu xuống mặt sông, lặn một hơi dài. Anh sải tay định bơi ra giữa dòng, được một phần ba quãng đường, thấy không đủ sức đành quay lại. Trên bờ sông, dưới gốc tre không thấy Thơm đâu cả. Phong đã phát hoảng, định đi lên bờ. Anh lạnh người khi thấy có bàn tay ai níu vai mình. Thì ra Thơm đã theo chân Phong xuống sông.

   - Em làm anh sợ hết hồn. Tưởng ma bắt. - Phong chống chế cho sự ngượng ngùng của mình.

   - Bộ đội giải phóng mà còn sợ ma. Anh có dám bơi thi với em không? Đích đến là bệ đá dưới chân cầu.

   Chỉ thấy cánh tay trắng muốt của Thơm huơ trên mặt nước chỉ vào một khoảng đen ngoài sông, chếch về phía thượng lưu chừng vài chục thước. Đấy là chân móng đường sắt làm từ thời Pháp cho tàu hỏa chạy qua. Dạo kháng chiến chín năm, những thanh sắt bị Việt Minh lột lên đưa vào lò rèn làm kiếm, giáo mác. Bom Mỹ ném cho một chặp, các khoang sắt chìm xuống sông, chỉ còn trơ lại ba mố cầu đúc xi măng. Thời nhỏ, đám trẻ con ở làng Thượng thường ra đấy bơi thi và câu cá ngạnh.

   Thơm trêu Phong:

   - Có dám bơi thi không, hay sợ?

   - Thi thì thi, sợ quái gì!

   Dứt lời, Thơm như một con rái cá lặn sâu xuống nước. Lúc cô nổi lên đã cách Phong vài sải. Anh nhao người đuổi theo. Sức trẻ ăn đứt sức khỏe của một anh lính sốt rét kinh niên.

   Càng bơi, Thơm càng bỏ Phong tụt lại phía sau. Hết bơi sải, rồi chuyển sang bơi ếch, Phong tới được mố cầu, đã thây Thơm ngồi chỏn lỏn bên trên. Cô kéo anh lên mố cầu. Thơm lồ lộ hiện ra như một nàng tiên cá. Phong vừa mệt vừa hoảng loạn, khi nhìn thấy Thơm trần truồng lồ lộ dưới ánh trăng. Anh ngã vào người cô, ép đầu lên đôi bầu vú tròn, thở dốc. Một gã trai đã ba mươi tuổi là Phong, chết hụt bao phen lần đầu tiên được hưởng vị ngọt của tình yêu, mới hiểu thật sự thế nào là nụ hôn con gái.

   Chẳng hiểu sao, khi anh được hưởng trọn vẹn tột cùng niêm hạnh phúc, Phong lại nhìn thây gương mặt Tâm. Cô ẩn hiện dưới làn sóng xanh... Tiếng khóc nức nở không rõ là của Thơm, vì được yêu, vì sung sướng. Hay của Tâm? Anh không biết nữa. Nằm gối đầu lên ngực Phong, Thơm thật thà hơn:

   - Ba ngày trước, em không biết anh là ai cả. Bữa chú Đán thông báo có cấp trên xuống kiểm tra, tụi em cứ tưởng thiệt. Ai ngờ chú Đán bày trò để anh đi kén vợ.

   - Em có giận anh không? - Phong miết nhẹ tay lên tấm lưng trần của cô.

   - Giận mà như ri, ông tướng!

*

   Quãng 3 giờ chiều, tiếng khóa cửa phòng giam Phong nghe lách cách. Anh mở mắt, bắt gặp ngay cái nhìn của người lính gác. Hắn nhìn quanh quất trong phòng một lát rồi tới rờ vào vòng sắt khóa cổ chân Phong. Hắn mở khóa và bỏ ra ngoài. Có hai người mặc áo hộ lý, y tá bước vào. Họ mang theo hộp đồ nghề, chắc hẳn lại thay băng, tiêm thuốc. Lần này, Phong chủ động lên tiếng trước:

   - Các chị ơi! Tôi là bộ đội giải phóng. Tôi xin hỏi hai chị đây là đâu?

   Im lặng. Hai người vẫn lúi húi dùng kéo cắt băng ở ngực Phong. Họ liếc nhìn anh, rồi đưa mắt nhìn nhau. Lát sau, một người trả lời:

   - Bệnh viện Trung ương Huế!

   - Vết thương của tôi ra răng? - Phong được đà hỏi tiếp.

   - Một chân của chú tiêu rồi. Bác sĩ Mỹ tháo khớp ba ngón. Mấy ổng sợ chú nhiễm trùng máu.

   - Tôi vào đây là ngày thứ mấy rồi?

   - Thứ ba. Chú được Ty chiêu hồi gởi sang...

   Nghe tiếng nói chuyện, người lính ngụy gác ngoài bước vào. Hai người y tá, hộ lý im lặng tiếp tục chăm chú làm việc.

   Một người nói như cố ý cho người lính gác cùng nghe:

   - Cho một ống kháng sinh!

   Vào lúc đèn đường bật sáng, cánh cửa phòng giam Phong lại mở một lần nữa. Người lính gác sau lúc mở khóa, lui ra ngoài. Một người mặc quần áo sĩ quan cảnh sát ngụy bước vào. Gã đến bên giường Phong và khẽ lay nhẹ vào vai anh. Phong biết cả, nhưng giả vờ ngủ.

   Gã sĩ quan nói chậm rãi:

   - Tôi bên Ty cảnh sát sang hỏi anh vài điều. Anh tên chi?

   - Phong! - Anh đáp tên thật không cần nói dối,

   - Cấp bậc, đơn vị mô?

   - Tôi là lính nấu ăn cho đơn vị chủ lực quân giải phóng.

   Gã sĩ quan nhìn ngó Phong một lát, rồi cúi xuống sát mặt anh nói nhỏ: “Chị Hạnh gửi anh mẩu giấy. Đọc xong, nuốt cho lẹ”.

   Gã sĩ quan quay ra, đóng sầm cánh cửa. Phong ngơ ngác không biết chuyện đùa hay là thực?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #81 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 07:46:25 am »

7

   Thím Tư và Quyên vào thành phố từ sớm. Sau chiếc xe honđa thím còn chở theo một cặp vịt, ít chục hoa huệ. Thím bảo với mấy người quen “đi kỵ ông thông gia!”.

   Buổi sớm, Kiều - con dâu thím Tư đã đi chợ mua sắm đầy đủ các thứ rau quả, gà thịt đủ để sắp vài mâm cỗ. Nam, chồng Kiều trước lúc tới công sở đã dặn vợ:

   - Lát nữa, mạ với cô Quyên lên giúp em. Sớm nay anh phải bay vô Đà Nẵng có công chuyện với ngài phó tỉnh trưởng. Chiều anh mới về. Em nói với mạ, có thể anh mời thêm vài ba người bạn sĩ quan tới kỵ ba đó nghe. Không ngại gì cả.

   Kiều nhìn chồng. Cô hiểu ý.

   - Càng đông, càng vui chớ sao! Bữa nay em để thằng cu Bi ở nhà chơi với bà nội, o Quyên... nghe anh. Nhớ chiều về cho sớm. Tiện đường, anh mua vài chai bia. Rượu nhà có sẵn rồi.

   Căn nhà của vợ chồng Nam nằm lọt thỏm trong một khuôn viên rộng ở ấp Xuân Hòa. Thông gia của thím Tư là ông giáo Thiên chỉ còn độc có một cô con gái. Anh trai Kiều, năm mười ba tuổi, theo đám bạn ra sông Hương tắm, sảy chân chết đuối. Hai ngày trời cụ giáo Thiên thuê cánh vạn đò quăng lưới, lặn sông tìm con trai. Mất ba ngày, xác trôi về đến bến chợ Đông Ba mới tìm thấy được. Khi anh chết, Kiều chưa sinh. Vợ chồng thầy giáo Thiên buồn vì thương con, buồn vì lo không ai nối dõi tông đường. Bà vợ ông giáo suốt ngày đi cầu cúng ở các chùa. Hai năm sau, bà mới có mang Kiều thì cũng là lúc ông giáo Thiên ra đi theo cậu con trai. Kiều chỉ học xong đệ nhị, nghỉ ở nhà giúp mẹ chăm sóc vườn tược. Đên năm mười sáu tuổi, Kiều xin với mẹ vô Sài Gòn theo học nghề may rồi về làng mở một tiệm may nhỏ ngay tại nhà. Mười tám tuổi, Kiều đã lấy chồng, một viên sĩ quan cảnh sát làm việc ngay tại Huế. Trong con mắt của những người dân sống dọc theo dãy phố nhỏ Kim Long, Xuân Hòa, gia đình viên thiếu úy Nam là một gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Từ ngày mẹ mất, Kiều phải lo việc giỗ cha mẹ và người anh xấu số. Hàng ngày cô đứng đo cắt cho khách hàng, còn lại giao cho thợ giúp việc. Đã từ lâu, Kiều hiểu rõ công việc nguy hiểm của chồng và của mẹ chồng. Thím Tư, không muốn kéo cô con dâu vào công việc hệ trọng nguy hiểm tới tính mạng cho đám con cháu của bà, nhưng dường như không thể. Nam làm việc ở công sở suốt ngày. Mối liên hệ nhanh nhất và thuận tiện nhất giữa thím và con trai chính là Kiều. Quyên nhận hàng may vá của chị dâu, hai chị em có thể gặp nhau hàng ngày để thực hiện mệnh lệnh của mẹ. Để đề phòng bất trắc, mỗi năm chỉ một đôi lần, giỗ kỵ thông gia, thím Tư mới ghé Xuân Hòa. Còn không vợ chồng Nam tự tìm về với thím.

   Sau lúc thím Tư cắt đặt mọi chuyện bếp núc cho Kiều và Quyên, thím Tư vào gian phòng khách ngồi nghỉ, vừa têm trầu, vừa suy tính công việc. Hai đêm trước ở bãi cồn mả làng Liễu Thượng, thím Tư đã có cuộc gặp gỡ với chú Sáu Thọ và Hạnh. Đã lâu rồi, thím Tư mới có dịp gặp lại Sáu Thọ.

   - Cô Tư à... Tình hình của huyện ta sau khi ký hiệp định Ba Lê cô biết cả rồi. Bộ đội về đánh chi khu gặp khó khăn. Địch phòng thủ chặt và tăng quân đột biến khiến ta bất ngờ. Trận đánh về chi khu, về La Chữ, An Hòa..., các mũi các hướng đều không thuận lợi. Cái gay là một đồng chí cán bộ chỉ huy của bộ đội đang bị địch bắt. Cơ sở trong nội thành báo cho biết: đồng chí nớ bị thương, hiện giờ đang được người của Ty chiêu hồi gửi cho bệnh viện Trung ương Huế coi giữ, thuốc men. Thành ủy giao nhiệm vụ cho huyện ta, phải tìm cách đưa đồng chí chỉ huy ra bằng được... - Sau khi nghe kế hoạch của đồng chí bí thư chú Sáu chỉ vào Hạnh - Huyện ủy dự kiến giao việc này cho tổ của cô, cô tính sao?

   Thím Tư nghĩ một lát rồi trả lời:

   - Anh Sáu giao việc tôi xin nhận. Kế hoạch cụ thể thế nào hả Hạnh?

   Hạnh trình bày kỹ lưỡng, khúc chiết từng chi tiết để thím Tư hiểu và nhớ kỹ. Riêng bữa cỗ chiều nay để tưởng nhớ ông giáo Thiên, do thím chủ động đề xuất được chú Sáu tán thành ngay. Chú Sáu Thọ còn dặn dò, trao đổi với thím Tư nhiều chuyện về về công việc và tình hình giữa ta và địch sau khi có hiệp định Pari. Kể từ ngày 27 tháng giêng, hiệp định ngừng bắn được bốn bên ký kết, quân ngụy tuy được tăng cường mạnh, nhưng thực sự không yên khi quân lực Hoa Kỳ rút khỏi đất này. Không một ai tin rằng: chiến cục đã kết thúc. Đây chỉ là một khoảng lặng trong bản hòa tấu lúc trầm, lúc bổng, lúc ầm ào sôi động, lúc du dương... Còn người trong cuộc hiểu rằng đây là thời gian chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới để giành và giữ cho được những cái mình đã có: đất đai, lòng ngườị và chờ đợi thời cơ mới.

   Chú Sáu Thọ còn nói thêm:

   - Ít ngày nữa, cả phía ta và địch sẽ trao trả tù binh. Nhưng riêng trường hợp đồng chí bộ đội chỉ huy bị bắt này ta có điều kiện để giải thoát sớm. Không cần chờ lâu đến ngày trao trả.

   Thím Tư đã đi gặp Ngật và gọi Nam về. Để tìm cho ra manh mối chú Phong bị địch bắt giữ, đối với Nam không khó. Chỉ một cuộc nhậu với mấy người bạn bên Ty chiêu hồi, Nam đã biết nhiều thông tin quan trọng. Buổi nói chuyện tìm cách bắt liên lạc với Phong đã được Nam thu xếp gọn gàng. Theo kế hoạch, sáng nay thím Tư đã có mặt tại Huế.

   Kiều đi vào nhà tìm thím Tư:

   - Mạ ơi! Mấy con gà con vừa xé phay vừa nấu ca ri mạ nghe.

   - Ừ. Vậy mà còn hỏi, cái con ni!

   Quyên giúp chị bưng bình hoa đặt lên bàn thờ Phật nói đỡ chị dâu:

   - Chị Hai sợ mạ ngủ, nên hỏi chuyện cho vui đó mà!

   - Tụi bay đã mua ngũ vị hương chưa?

   - Dạ rồi...

   Nhìn Quyên, thím Tư lại nhớ tới chồng. Cô con gái út của thím có đôi mắt, cái miệng, vầng trán giống cha như lột. Cô nhanh nhẹn, tháo vát trong khi anh trai trông bề ngoài hiền lành và có phần chậm chạp. Nhưng thím Tư biết, con trai có quan hệ rộng trong Ty cảnh sát được nhiều người quý mến. Là viên sĩ quan cảnh sát nắm giữ hồ sơ nên chỉ vài ngày sau Nam đã lần ra dấu vết của Phong. Bộ đội du kích địa phương bị bắt làm tù binh trong chiến dịch “giành đất, cắm cờ” khi hiệp định Ba Lê ký kết tại Thừa Thiên - Huế không nhiều. Một người bạn làm việc ở khu Mang Cá còn cho Nam biết Phong đã được một bác sĩ Mỹ trực tiếp mổ gắp mảnh đạn ra khỏi phổi và xử lý vết thương chân đã nhiễm trùng nặng... Khi biết chính xác Phong đang nằm điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế, thím Tư cho rằng cơ hội để cứu Phong đã tới. Hạnh đồng ý ngay với kế hoạch giải thoát Phong do Nam đề xuất.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #82 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 07:47:38 am »

   Ngật sang làng Xuân Hòa vào buổi chiều. Đầu đội chiêc mũ dạ cũ, áo trắng, quần tây như một anh nông dân lên tỉnh. Ngật không quên mang theo thẻ “thương phế binh”. Chiếc thẻ làm được khối việc. Anh có lương ăn. Đi lại không một sắc lính nào dám động vào “một người đã hoàn thành nhiệm vụ với quốc gia”.

   Ngật vào bàn thờ thắp hương cho cụ giáo Thiên rồi xuống dãy nhà ngang ngồi uống nước với thím Tư. Hai người chỉ nói đôi ba câu về chuyện mùa màng, cấy hái rồi im lặng kẻ ăn trầu, người hút thuốc. Không ai nói ra nhưng tâm lý chờ đợi đều hiện rất rõ ở trên gương mặt, ánh mắt nhìn. Chỉ cần nghe tiếng còi xe hú ngoài đường, thím Tư đã ngong ngóng nhìn ra ngoài cánh cổng gỗ khép hờ. Ngật điềm tĩnh hon, nhưng cũng không giấu được vẻ bồn chồn, lo lắng.

   Hơn 4 giờ chiều, Nam và năm người bạn trở về nhà trên hai chiếc xe Zip. Họ đều ăn mặc quần áo sĩ quan cảnh sát ngụy và được giới thiệu là bạn đồng ngũ trong đơn vị của Nam. Mấy ông già, bà cả họ hàng của ông giáo Thiên nhà ở kế bên cũng lục tục kéo sang ăn cỗ. Mâm cỗ mời khách cũng chỉ có đám bạn bè của Nam và hai cô bạn học cùng với Kiều ở trường Đồng Khánh. Một cô nay đang học Văn khoa nhà ở trên gần chùa Thiên Mụ. Một cô cũng giống như Kiều, nghỉ học lấy chồng và mở tiệm bán vải ở chợ Đông Ba. Các cô bạn của con dâu, thím Tư biết mặt cả. Họ là các cô gái phù dâu ngày đám cưới Nam. Ngày giỗ kỵ, ăn tất niên ở nhà cụ giáo Thiên các cô đều có mặt, có lần họ còn mang theo cả chồng con. Thỉnh thoảng vợ chồng Nam còn kêu xe lam đưa cả hội bạn của Kiều về chơi ở nhà thím Tư ngày chủ nhật mang theo đồ ăn thức nhậu, phá tanh bành cả khu vườn vốn yên tĩnh và ngào ngạt hương thom của hoa cam, hoa bưởi.

   Thím Tư, Ngật và các ông bà già ngồi ăn cỗ ở dãy nhà ngang. Quyên chạy đi chạy lại tiếp thức ăn, nhưng cô bé thường xuyên bị mấy anh sĩ quan cảnh sát bạn của Nam mời ép uống bia. Mặt cô đỏ bừng, đôi mắt sáng lên không hiểu do hơi men hay vì bị mấy anh con trai trêu ghẹo. Đám thanh niên ăn uống ồn ào. Lâu lâu, một ai đó xướng “Nào! Dô!”, chỉ nghe thấy tiếng cốc chạm nhau lanh canh... Thím Tư cảm thấy nóng ruột. Không biết thằng Nam sắp xếp công chuyện ra sao, từ lúc về nhà hầu như chưa gặp mẹ... Quãng gần 6 giờ tối, bữa cỗ mới tan. Nam và Kiều tiễn bạn bè ra xe, chờ cho họ đi khuất vào bóng cây đa đầu làng họ mới trở vào nhà. Gặp thím Tư và Ngật còn đang ngồi uống nước, Nam bảo:

   - Mạ và chú Ngật về đi kẻo tới giờ giới nghiêm. Ngày mốt con đưa cháu về thăm nhà.

*

   Chỉ đến khi lọt thỏm trong chiếc xe chở rác của bệnh viện, Phong mới tin rằng anh đang được “người của ta” giải thoát. Trong thùng xe rác bịt bùng, anh nằm lẫn giữa những thùng nhựa chứa rác thải của bệnh viện, cùng với đám vỏ hộp, chai thuốc, không nhìn thấy cảnh vật bên ngoài, nhưng anh biết là xe đang chạy.

   Trong khoảng tối mung lung, hôi hám của chiếc xe chở rác, ngoài Phong ra còn hai loại sinh vật tồn tại cùng với anh là lũ gián và chuột. Gián nhiều vô kể, như thể ngửi thây hơi người, hơi máu, mủ và mùi xú uế không biết từ ngõ ngách nào gián tuôn ra nhiều thế. Chúng ngang nhiên bò qua những túi bao ni lông đựng chất thải ra từ bệnh viện, bò qua đống hộp các tông, bò qua đầu mặt Phong. Chỉ thấy buồn buồn trên mặt, trên cổ, ngưa ngứa và mùi hôi của lũ gián, anh phẩy tay, lũ gián hoảng loạn chạy tứ tung. Con này đi thì con khác kéo đến, lại bò trinh sát coi thử xem đây có phải là một xác chết. Đám chuột ít hơn. Lại toàn là chuột nhắt. Chúng có tổ đâu đó trong cái xe rác to đùng và bẩn thỉu này. Qua khe sáng hẹp chỉ nhỏ bằng đầu đũa lọt vào thùng xe, Phong nhìn thấy những con chuột nhắt chỉ nhỏ bằng cán dao. Đôi mắt láo liên nhìn anh không hề sợ hãi. Những con chuột nhắt lịch sự hơnn nhiều lũ gián. Thấy anh khẽ động tay, thở phì phì, chúng đứng một lát rồi chui tọt vào khoảng tối, kêu “chít, chít”.

   Sẽ không bao giờ Phong hiểu được vì sao anh lại được cứu thoát. Càng không bao giờ biết rõ mặt mũi “ân nhân” nào đã đưa được anh vào chiếc thùng xe tải bịt bùng này. Trong căn phòng tối râm rê tiếng ve ran ở hàng cây bên ngoài vọng vào chỉ nghe có giọng nói: “Chú nằm im, đừng nói năng chi, chịu khó ngủ đi chốc lát nghe!”. Như thể có một ai đó trùm lên mặt anh một cái khăn ướt, thoáng mùi ê te. Vậy là Phong thiếp đi. Một giấc ngủ nặng nề, mê mệt. Chỉ đến khi chiếc xe chạy trên một đoạn đường gồ ghề, xóc nảy, Phong mới tỉnh lại và nhận ra anh đang nằm trong một cái bao gai mở sẵn một đầu. Chiếc bao gai còn được đặt trong một thùng các tông lớn. Hạnh viết trong mảnh giấy dặn rằng: “Sẽ có người tới đón anh đưa đi!”. Ai đón? Bao giờ? Mảnh giấy không nói rõ. Nhưng cả đêm ấy Phong thao thức không ngủ được. Và anh cứ mường tượng một cuộc vượt ngục, đào thoát sẽ đến ngay tức khắc, đến bất cứ lúc nào trong đêm. Anh sợ rằng ngủ quên sẽ không kịp nhận ra người đến cứu. 9 giờ khuya, người lính gác vào một lần coi ngó qua quýt rồi khóa cửa đi ra. Gã lính đi ngủ như mọi đêm... Chỉ có điều anh ta không khóa chân vào sợi xích chó để cho anh được tự do. 2 giờ sáng, Phong thấy ớn lạnh dọc sống lưng, đầu đau như búa bổ. Và nóng. Anh biết là cơn sốt đã đến. Thứ sốt rét kinh niên đến với Phong hàng tháng, hệt như người đàn bà đến kỳ có kinh. Đều đặn không trễ hẹn. 6 giờ sáng, cơn sốt rét lặng lẽ rút lui để lại một thân xác mệt mỏi rã rời. Khát nước như xé họng. Phong tu một hơi hết cả nửa bi đông nước lạnh. Đói cồn cào. Có tiếng mở khóa lách cách, người mặc áo blu trắng bước vào và đặt trên mặt bàn suất cơm sáng. Ngó nhìn như không hề biết anh vừa trải qua cơn sổt. “Ráng mà ăn đi, chú!”. Bụng đói, nhưng cơm nuốt sao nổi. “O có cháo, cho tui xin một tô. Đêm qua tôi sốt”. “Đau hả? Sẽ có cháo”. Một lúc lâu sau, người hộ lý quay trở lại mang theo cả cà mèn cháo đậu xanh và một cốc sữa. Ăn xong cà mèn cháo, mồ hôi túa ra, Phong thấy đầu nhẹ bẫng, cái ý nghĩ được ai đó đến cứu nung nấu chờ đợi suốt cả đêm qua cũng không còn nữa.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #83 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 07:49:32 am »

   Bây giờ anh đã ngồi đây, trong căn nhà chật hẹp của người giữ ngôi chùa cổ. Ngôi chùa nằm sát bên con đường lộ nhỏ một bên là dòng sông Hương. Phong biết chắc là sông Hương vì đã nhận ra rặng dừa, rặng tre của làng Nham Biều. Hơn bốn năm trước K10 của anh đã từng có những trận đánh bắn tàu Mỹ trên dòng sông này. Chuyến xe rác giấu Phong chỉ dừng lại trước cửa chùa chừng hơn một phút. Bác tài xế lái xe chỉ nói gọn lỏn: “Chú vô đây, có người chờ!”. Cánh cổng gỗ ngôi chùa cổ dường như đã mở sẵn. Phong vừa lách người vào, kéo theo cây nạng gỗ, đã được một thầy chùa dìu đi. Hai người cắt băng qua một con đường nhỏ dẫn ra khu vườn phía sau chùa... Nhà sư cũng chỉ nói: “Chú ngồi yên ở đây nghe... Đừng lo chi cả. Lính chẳng mấy khi vô đấn đây mô. Hoặc giả nếu có động gì có người tới đưa chú đi... Nam mô a di đà Phật!”.

   Trời chưa sáng rõ, một vị sư nữ đưa tới cho Phong một tô cơm, chút dưa, muối vừng, đậu lạc. “Chú giải phóng thông cảm nghe! Nhà chùa chỉ có chút cơm chay..”. Phong đỡ giỏ cơm và bình nước chưa kịp có lời cảm ơn thì người sư nữ đã quay ra, khóa cửa lại.

   Không gian trong chùa yên tĩnh, phẳng lặng. Lắng tai nghe, lâu lâu mới thấy tiếng xe lam chạy ngoài đường, tiếng thuyền máy rầm rì chạy trên sông, tiếng mõ tụng kinh ở gian nhà thờ chính điện. Thấp thoáng ưong vườn có những vị sư mặc áo dài nâu đi quét lá khô. Mùi hương ngọc lan thơm dịu nhẹ tỏa ra từ một góc vườn nào đó khiến Phong ngây ngất. Đây là thực hay mơ? Phong luôn tự hỏi mình. Một cuộc đào thoát kỳ lạ. Có thể bắt đầu từ Hạnh. Nhưng một cô bí thư xã nhỏ nhoi, yếu đuối làm sao có thể đưa Phong ra khỏi hang hùm, thoát ra khỏi vòng vây dày đặc của địch? Những người đến với anh, giúp anh từ tối qua đến giờ, Phong không biết một ai. Không nhận ra một ai. Họ mờ mờ, ảo ảo như những bóng ma. Ma Việt cộng - thằng địch hay nói vậy mà. Nhưng những con ma ấy, hiện thời đang là ân nhân của anh, đưa anh thoát ra khỏi cảnh cùm kẹp, tù tội. Chẳng lẽ, từ cô y tá, hộ lý trong bệnh viện, đến anh lính ngụy có bộ mặt lầm lì, không mấy thiện cảm, đến anh lái xe chở rác, vị sư tăng mặc áo choàng nâu cho đến ni cô đang quét rác ngoài kia, hết thảy đều là Việt cộng? Những ngày cùng K10 về đánh giải phóng Phú Vang, các làng quanh đầm phá Tam Giang, dạo Mậu Thân được sống trong dân, Phong đã gặp nhiều mẹ, nhiều chị, các ông già bà cả giúp đỡ bộ đội đánh giặc. Họ nấu cơm vẳt cho bộ đội, dành nhà nghỉ ngơi, cho đào hầm, hào ngay trên nương vườn của họ để bộ đội đánh địch chống càn. Phong chỉ hiểu đơn thuần theo ý nghĩa đấy là tình quân dân như cá với nước.

   Chả lẽ tay cảnh sát ngụy đến gặp anh ở phòng giam trong bệnh viện cũng là “người của ta?”. Không phải phía đằng mình thì sao lại biết Hạnh? Cái chân bị thương của Phong vẫn còn căng tức. Thỉnh thoảng lại giật giật, nhói đau. Nhìn bàn chân trái chỉ còn lủng lẳng hai ngón anh chạnh buồn. Và hiểu rằng cuộc chiến này đã loại anh ra khỏi vòng, nếu có còn sống, anh khó có thể trở lại với tiểu đoàn và những người lính.

   Buổi chiều chậm chạp trôi đi trong không gian thanh vắng, êm ả của ngôi chùa. Không có một ai bén mảng tới dãy nhà kho nằm khuất trong khu vườn. Phong thỉnh thoảng ngó qua khe cửa hẹp đo vệt nắng đổ bóng xuống thân cây nhãn trước cửa nhà. Lặng nghe tiếng chim hót lảnh lót đâu đó ngoài bờ tre... Tiếng con cu gáy cất lên xa vắng, buồn thảm. Rồi bóng tối cũng trùm phủ lên khu vườn. Vị sư nữ lặng lờ như một cái bóng bưng đến cho Phong một giỏ thức ăn và chai nước lọc. Cơm nóng, muối mè, lọ tương chao, đĩa xôi và cả một chén chè... Lúc quay trở ra, vị sư nữ làm như vô tình không khóa cửa. Ăn cơm xong, Phong lết từng bước ra khoảng đất trống trước cửa căn nhà. Anh ngồi bệt xuống thảm cỏ giấu mình sau gốc cây nhãn đếm từng hồi chuông thả nhịp vào làng quê đang chìm dần trong bóng tối.

   Cho đến khuya, Phong đang thiu thiu ngủ thì nghe có tiếng súng nổ đâu đó trong làng. Anh vơ vội cây nạng và tập tễnh ra khỏi nhà. Anh nhận ra tiếng súng AK điểm xạ từng loạt ba viên một. Và hình như còn có cả tiếng nổ của trái B40... Tiêng súng rộ lên chừng năm phút rồi lịm đi. Từ phía bên kia sông Hương, địch bắn những trái pháo sáng lên bầu trời. Không gian sáng rực, soi ánh sáng xuống cả khu vườn tối tăm, ẩm ướt. Từ phía bờ tre cuối vườn chợt xuất biện ba bốn bóng người. Phong chột dạ. Anh nằm ép xuống nép sau một khóm hoa ngâu. Vừa lúc đó, trong ngách cửa của gian hậu cung ngôi chùa, người sư nữ đi ra như có ý đón đợi những người lạ.

   - Chú bộ đội ở mô, o Sen?

   - Ở trong nớ...

   Phong nhìn rõ ánh đèn pin quét loang loáng trong nhà. Họ đã trở ra. Ba bốn người tụm lại ngay trước cửa gian nhà bàn bạc, Phong nghe không rõ. Lát sau, vị sư nữ nói:

   - Hồi chiều tôi mới đưa cơm cho chú bộ đội mà!

   Phong lúc ấy mới bước ra khỏi bụi hoa ngâu và cất tiếng nói:

   - Tôi ở đây!

   Một người bước tới, đầu đội chiếc mũ vải có vành nhỏ, tay cầm theo khẩu AK báng gấp.

   - Eng Phong phải không? Cha trời... không thấy anh tôi phát hoảng.

   - Ai vậy hè...?

   - Tui, Ngọc Anh đây... Chú Sáu biểu tôi về đón anh lên.

   - Sao vừa rồi súng nổ dữ vậy hè?... - Phong chỉ về hướng đầu làng.

   - Anh khỏi lo. Quân anh Ngọc, anh Đoàn về đánh tụi bảo an ở Đình An Ninh...    Ngọc Anh quay ra gọi:

   - Xuôi, Miên ơi, tụi bay mang cáng vô cáng anh Phong đi cho kịp.

   Lúc Phong vừa được đưa lên cáng, Ngọc Anh còn quay lại nói với vị sư nữ:

   - Có chi ăn không o Sen, cho tụi này ăn với. Đi cả đêm đói hung.

   Vị sư nữ bảo Ngọc Anh:

   - Em lên chùa chào thầy một tiếng. Chị để phần xôi chè trong nớ.

   Phong chân đau, không thể đi được. Những người lính biệt động đưa anh lên cáng. Họ len lách qua những khu vườn, đi trên những con đường nhỏ băng qua xóm. Chừng nửa giờ sau, toán cáng thương đã tới được cánh đồng. Ngọc Anh lưng đeo một gùi to, tay cầm súng AK ghé sát mặt Phong hỏi: “Ráng chịu khó nghe anh Phong, sắp tới Bồn Phổ rồi...”. “Không sao... chỉ thương tụi bay khiêng cáng tao vất vả...!”. “Vất vả chi! Anh nhẹ chưa bằng bao gạo... - Một anh lính đang khiêng Phong nói - Tụi tôi có bốn đứa thay nhau, lo chi”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #84 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 07:51:47 am »

   Phong biết Ngọc Anh đã vài năm nay. Cậu ta vốn là quân của Tâm - trong đội đường dây an ninh thành phố, quê ở Lai Bằng, lên rừng từ những năm “sáu bảy”, rồi được đưa ra miền Bắc học ở trường An ninh của Bộ. Cuối năm 1971, Ngọc Anh trở lại chiến trường và công tác ở cơ quan an ninh của huyện. Lúc còn đang chỉ huy đại đội 3, bám chốt giáp ranh đã nhiều lần. Ngọc Anh và Tâm đưa bộ đội về làng mua gạo, thực phẩm. Ngọc Anh cũng là người biết rõ mối tình thầm kín của anh với Tâm...

Dạo ấy, Tâm hy sinh được một năm. Đúng kỳ giỗ đầu, Phong cùng mấy người lính vận tải trên hang đá về đồng bằng mua hàng. Một đêm mưa dầm, gió bấc, rét như cắt một, về Phú Ổ mua được mấy gùi mì chính, dầu đậu phộng, đường sữa, thuốc lá... lúc lên tới đầu làng Văn Xá Trung, Ngọc Anh đã đưa Phong tới tận vựa ruộng trồng đậu, nơi Tâm hy sinh. Gió ào ạt thổi trên đồng trống, đưa tới cả mùi cao su đốt cháy khét lẹt của tụi lính bảo an đồn trú qua đêm ở làng Văn Xá Thượng. Mặc gió rét, hiểm nguy, hai anh em lần mò quanh vạt đẩt, bãi cồn mồ mả cả giờ đồng hồ để đoán định, coi thử tụi Mỹ nồi xanh đã gài mìn như thế nào đế rồi dẫn đến cái chết của Tâm? Nhưng từ trong sâu thẳm, Phong muốn tới đây thêm một lần nữa để anh được tới bên cô. Tâm thức anh, Tâm chưa chết. Chưa bao giờ chết. Cô đang lẩn quất đâu đó sau những bụi dứa dại, trùm ni lông để kẹt lửa hút thuốc. Tâm nghiện thuốc nặng. Lá thuốc Phong Lai, cô dùng làm giấy cuốn thuốc. Một nhúm thuốc sắt lấy ra từ trong chiếc bao vải may bằng bạt Mỹ, túi vuông to bằng ba ngón tay, lăn vài lượt trên môi, cô đã có một điếu thuốc tổ sâu. Trên tuyến đường vô định lọt qua các điểm chốt, bãi phục kích của địch về đồng bằng mỗi đêm, bao giờ người ta cũng lựa chọn một, hai điểm để tập kết quân. Đây được xem là nơi bí mật để bộ đội, du kích, cán bộ địa phương về đồng bằng đánh địch, nếu lạc đường cứ tìm tới điểm tập kết sẽ có người đến đón đưa lên “xanh” (hậu cứ). Điểm tập kết có thể là một cái miếu thờ, một khu mồ mả giữa đồng, một ngã ba đường làng, đường ray xe lửa... Bộ đội, du kích đi đồng bằng lên, gùi gạo nặng, thường gặp nhau ở điểm tập kết để ngồi ăn nắm cơm lót dạ, hút thuốc. Tất cả đều diễn ra trong đêm tối. Núp sau một ngôi mộ cổ, Tâm chỉ cần trùm lên đầu một tấm vải mưa, cô đã có thể ung dung kẹt chiếc bật lửa Zíppô hút thuốc. Đốm lửa đỏ của điếu thuốc cũng được cô giấu kín trong lòng bàn tay. Đốm lửa đỏ chuyền kín đáo qua tay người này sang người khác. Đêm rét, bụng đói có được hơi thuốc lá cũng đỡ cồn cào. Đã nhiều lần, Phong và Tâm ngồi châm thuốc lá cho nhau phía sau ngôi mộ cổ ở làng Văn Xá Thượng. Không nói gì cả. Tâm kín đáo ngả đầu và bờ vai Phong... Tiếng cô thì thào: “Em yêu anh!”. Bàn tay nhỏ nhắn, lạnh buốt sương đêm của cô luôn vào đan lấy những ngón tay anh. Phong sợ. Chỉ cách dăm ba mét phía ngoài bức tường bộ đội, du kích ngồi thu lu ngủ gà, ngủ gật, người ăn cơm vắt, kẻ giấu điếu thuốc lá trong bàn tay, hút thuốc...

Cái khoảng thời gian để được ngồi bên nhau như vậy chỉ mươi phút nhưng thật là hiếm hoi cho những kẻ yêu nhau. Lâu lâu, từ các căn cứ địch lại thổ lên trời vài quả pháo sáng. Thứ ánh sáng xanh ma quái xé toang màn đêm, biến những người lính thành những mô đất bất động. Đầu Tâm rời khỏi vai Phong. Cô ngồi hơi tách xa như giữa họ chưa hề có sự đụng chạm nào. Nhiều người biết Tâm yêu anh bộ đội K10. Không ai nói ra, cũng chẳng ai vun vào. Không ai nói ra, nhưng tất thẩy đều ngầm hiểu, chuyện yêu đương giữa một anh bộ đội “Bắc Kỳ” với một cô cán bộ huyện tài sắc, dũng cảm là chuyện viển vông. Một thứ hạnh phúc mù mờ như người lính đi gùi gạo dưới đồng bằng đi trong sương sớm. Không nhìn thấy núi, không nhìn thấy rừng cây. Chỉ có nẻo đường mòn dưới chân và bao quanh là màn sương trắng đục. Niềm hạnh phúc mong manh ấy còn luôn bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi từ trong tâm thức. Rằng yêu là khuyết điểm. Là vi phạm kỷ luật. Là không hoàn thành nhiệm vụ. Thảm hại hơn nữa là vì yêu có thể làm cho hình ảnh của người lính giải phóng mất đi cái vẻ đẹp cao cả, toàn mỹ.

Có một lần, trong lúc ngồi nghỉ ở điểm tập kết tại Trường Bia chờ cánh quân đi đồng bằng ở Bầu Tháp lên để lên núi, Tâm đã kéo Phong lùi lại. Cô bảo: “Để họ đi trước, anh và em đi sau chốt đuôi... Dừng lại một chút em bảo cái này...”. Hai người nép sau bức tường đất vốn là nơi tập bắn bia của lính ngụy. Chờ cho những người lính bộ đội và dáng người cao gầy của chú Hoa, cán bộ xã Hương Thạnh đi khuất sau tảng đá để bắt đầu leo dốc, Tâm mới bảo Phong: “Mình ngồi với nhau vài phút đã anh. Tuần sau là em với chú Sáu phải về nằm hầm ở vùng sâu rồi...”. Tâm chủ động gỡ chiếc mũ tai bèo trên đầu cô và Phong đặt lên chiếc gùi căng tròn. Đồng hồ chỉ 4 giờ sáng, vầng trăng hạ tuần treo trên mỏm Núi Dài soi rõ gương mặt trắng nhợt nhạt của Tâm. Phong nói một câu mà nhiều năm sau nhớ lại anh thấy mình là một kẻ ngu, thật thà, quê kệch hết sức: “Ờ, em đi ít bữa rồi lên, anh em ta gặp nhau chớ sao!”. Tâm không nói gì chỉ nhìn anh. Đôi mắt mở to. “Anh phải giữ gìn sức khỏe. Thỉnh thoảng em thấy anh ho... Nào, anh lại đây.”

   Tâm đã chủ động kéo Phong vào vòng tay cô, siết chặt. Gương mặt lạnh lẽo của cô áp vào ngực anh. Bất chợt cô vít đầu anh xuống, hôn lên đôi mắt, lên vầng trán, lên gò má và đôi môi khô rát của anh, cồn cào và mãnh liệt. Nghe rõ tiếng gió thổi ào ạt trên những vạt lá tranh, lá cỏ voi. Tiếng con suối chảy từ trong núi ra róc rách... Hôn Tâm mà Phong vẫn còn sợ. Anh còn nhìn thấy cả bóng những người lính đang gùi gạo bắt đầu leo lên sườn đồi tranh. Rất xa một chiếc máy bay trinh sát của địch bay đến, đèn đỏ nhấp nháy. Bàn tay Tâm ấm nóng lùa vào ngực anh. Chỉ đến khi khẩu K54 của Phong chạm mạnh vào trái lựu đạn US của Tâm phát ra âm thanh sắc lạnh, cô mới tỉnh ra, rời Phong. Chỉ nói mỗi câu: “Đời mình gặp được nhau là quý... Biết đâu!”. Phong đâu biết rằng bữa gặp Tâm ở Trường Bia cũng là lần cuối cùng anh được ở bên cô.

   Mỗi lần đưa bộ đội C3 về đồng bàng đánh địch, mua gạo. Nếu con đường cửa rừng qua Trường Bia không có địch, bao giờ anh cũng lén dành vài phút tìm tới bức tường đất nơi Tâm và anh đã ở bên nhau lần cuối... Câu nói của cô đêm nào và nụ hôn dài như một dự báo định mệnh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #85 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 07:53:06 am »

   …

   Hạnh gặp đoàn cáng thương của Phong ngay đoạn vượt con hói Bồn Trì. Nơi đây, địch thường hay phục kích. Lúc xuống đồng bằng, bộ đội C2 đã cho một tổ bám địch và chốt giữ con hói, đồng thời chờ đón Phong. Hạnh gặp Phong cũng chỉ được vài phút trong lúc đội của Ngọc Anh bàn giao Phong cho bộ đội. Cô tranh thủ đưa cho Phong hai hộp sữa Ông Thọ và cân đường. “Anh đi chữa bệnh cho khỏe - Hanh nói vậy - Lên trên ấy có gặp eng Cường cho em gửi lời hỏi thăm nghe”. “Cám ơn Hạnh nhiều... Anh em K10 không quên em đâu”.

   Hạnh chờ cho những người bộ đội C2 đưa cáng thương của Phong đi xa, cô mới nhập vào toán của Ngọc Anh, đi theo một con đường khác lên rừng. Chú Sáu Thọ có thư gọi Hạnh về căn cứ gấp để nhận lệnh. Thấm thoát Hạnh đã rời hậu cứ hơn một tháng. Được gặp lại những người lính biệt động, cán bộ xã cô như thấy được trở lại nhà. Con đường lên xanh lần này đi theo ngả dốc Mồng. Đường xa hon vài giờ đồng hồ nếu so với đường đi theo ngả dốc Đu, dốc Cát, Khe Đá Liếp. Căn cứ Hòn Vượn bây giờ như một trạm gác, quan sát suốt ngày đêm mọi nẻo đường về đồng bằng Hương Trà. Mỗi con đường bí mật mở về đồng bằng dù kín đáo, được ngụy trang nhưng cũng chỉ vài ba tháng đã bị lộ. Các đơn vị thám báo ngụy, các đại đội lính bộ binh hàng ngày mở các cuộc đi càn rừng. Nhiệm vụ duy nhất cho các toán quân càn rừng là tìm cho ra nơi ẩn náu của “Việt cộng”. Pháo cối bắn suốt ngày vào các hẻm núi, các cánh rừng có dấu hiệu nghi ngờ. Con đường về đồng bằng qua ngả dốc Mồng nằm ngay dưới chân Hòn Vượn. Bộ đội, du kích xuống làng, hoặc trở lại rừng đều phải đi đêm. Thời gian ở lại làng gặp dân, bám địch thường vài ba tiếng.

Vài tháng nay, Hạnh ít khi ở “cứ”. Có được vài ba “lõm” dưới đồng bằng an toàn, cô chỉ đạo anh chị em cán bộ, biệt động, du kích trụ bám ngay tại các “lõm”. Đã diễn ra vài trận đánh diệt ác, trừ gian, rải truyền đơn, vận động quần chúng trong các xóm, ấp vùng ngoại vi thành phố. Địch đã đánh hơi thấy sự hiện diện nguy hiểm của “Việt cộng” tại các làng, xã. Đêm nào các đại đội lính, bảo an, dân vệ, nghĩa quân cũng phân công nhau về các xóm gài mìn phục kích, trấn giữ các điểm trọng yếu... Hạnh đã từng cùng với các đội biệt động của Huy Ngọc, của anh Đoàn, anh Sẹo, tổ chức những trận tập kích các đơn vị địa phương quân của địch vào các xã vùng sâu của huyện, áp sát thành phố Huế. Cánh biệt động còn có lần mặc quần áo rằn ri của lính biệt động ngụy đánh tụi bảo an vào lúc 4 giờ chiều ngay tại ấp Triệu Sơn Tây. Trận đánh diễn ra bất ngờ, mau lẹ đến nỗi địch không kịp trở tay. Lúc lính quận Hương Trà nghe tin tiếp viện và các đơn vị đồn trú ở An Hòa ra hỗ trợ thì căn nhà xây nơi địch tập trung chỉ còn là một đống đổ nát và những xác lính chết. “Việt cộng chui ở mô ra bay? Chúng biến đi mô cả rồi... Chả lẽ chúng có cánh?” - Viên đại úy chỉ huy hỏi một vài người lính bảo an đang sợ tái xanh, tái xám thoát chết khi trái thủ pháo giật sập căn nhà.

   Việt cộng không có cánh nhưng họ là những “bóng ma” giấu mình trong lòng đất và có khi ngủ ngon lành trong những ngôi nhà dân, ngoài cửa đã in sẵn lá cờ vàng ba sọc đỏ... Hạnh cười thầm với ý nghĩ ấy khi thấy thím Tư đi thăm dò về báo cho cô biết số lính bảo an bị chết, bị thương... “Hạnh à! Tụi thằng Ngọc dùng súng loại chi mà ngôi nhà tôn của nhà Ba Gạc gạch vỡ, tôn bay mất tiêu... Dân chúng tới coi, sợ xanh mắt”.

   Sau trận đánh tập kích địch giữa ban ngày, các xã vùng ven Huế trở nên căng thẳng. Địch tổ chức vây ráp các ấp giữa ban ngày. Chúng tung quân lùng sục, săn tìm hầm bí mật. Một đội quân tề điệp đi bán hàng rong, mua ve chai, lông gà lông vịt, bán báo dạo, đi chợ tung về các xóm ấp để nghe ngóng, tìm dấu vết Việt cộng.

   Huyện ủy, huyện đội buộc phải lệnh cho các đầu mối bám các lõm lên xanh, dưỡng quân và chuẩn bị cho mùa mưa đang đến...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #86 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 07:54:56 am »

8

   Ngày...
   Lâu lắm rồi em mới có dịp ra Khe Dứa “tẩy trần”. Chữ ấy lần đầu nghe anh nói, em ngu ngơ còn chưa hiểu. Đến khi anh nói trắng ra là đi giặt giũ, tắm rửa em vừa phá ra cười và xẩu hổ. Em chỉ còn biết chống đỡ bằng cách lấp liếm: “Sao, bộ đội xạo ghê! Rứa đồng chí đi mô?”. “Được buổi sáng không phải đi chốt gác, tôi cũng đi “tẩy trần” và “cải thiện” về cho anh em “ca nhạc”.” Em ngớ ra không hiểu “ca nhạc” là cái gì? “Cải thiện” còn lờ mờ hiểu được nghĩa là các anh đi hái rau rừng, bắt con cua, con ốc về phụ vào bữa ăn. Còn “Ca nhạc” thì em chịu. Em hỏi: “Chỗ bộ đội các anh có văn công, văn nghệ hả?”. Anh lại phá lên cười: “Ca nhạc” là đánh chén, là được một bữa ăn tươi. Ví như đi đồng bằng lên có được vài ba gói mì chay ông Phật nấu với cá hộp, có được cân đường đổ ra nấu kẹo lạc. Bộ đội vừa ngồi ăn kẹo vừa uống trà Blao, chúng tôi gọi là “ca nhạc”(!)

Bộ đội thật kỳ cục và hay đùa tếu! Em nghĩ vậy, nhưng im lặng. Nhưng chỉ đến khi anh mở chiếc gùi bạt lấy ra mấy chùm giâu gia đưa cho em ăn, em mới thấm thía món quà quý giá của rừng. “Anh với em đang ca nhạc” - Em trêu. “Gọi vậy cũng phải. Rừng thì nhiều mấy khi anh em ta có giâu gia rừng để ăn!” - Anh nói. Em hỏi: “Cây giâu gia ở chỗ mô, chỉ cho em với!”. Anh giơ một ngón tay lên miệng ra dấu bí mật. Ghét anh ghê! Bây giờ nhìn anh mặc chiếc quần đùi, áo vải xanh, tay áo xắn cao, đầu không mũ, ngồi ở đâu khẩu AK kè kè bên cạnh, chiếc xanh-tuya-rông của Mỹ có đeo hai băng đạn, quả lựu đạn US thít chặt lấy bụng trông như con nhái, ngồi bình thản ăn cơm, nói chuyện trước mặt cánh chị em phụ nữ, em không còn thấy “úc dục” (xấu hổ) nữa. Ngày đầu mới lên rừng, nhìn thấy mẩy anh bộ đội, du kích mặc quần đùi, tay áo xắn cao như rứa, thấy kỳ quá. Cứ tưởng các anh không có quần áo! Đâu phải vậy. “Đã là lính Công trường V, Công trường VI là phải biết mặc quần đùi, tay áo xắn cao. Mặc quần dài, đội mũ đi rừng gặp nhau, tưởng ngụy bắn cho bể gáo!”. Đấy là bài học thứ hai em được chú Hoa dạy. Còn bài học thứ nhất là: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” em đã thuộc làm lòng. Cũng như việc bước chân ra khỏi hầm, việc đầu tiên là thắt xanh-tuya-rông, cầm cây AK. Ở hậu cứ trên rừng, đến như chú Sáu Thọ, chú Trình, chú Nhân lãnh đạo cấp côi chui ra khỏi hầm, đi hành quân cũng phải mặc quần đùi. Tụi em quần dài cũng phải xắn cao sát gối nữa là...

   Bữa gặp anh đi hái dâu rừng ở Khe Dứa, em thật tình chưa quen biết anh, chưa “ưa” anh. Chỉ thấy “tội tội” thế nào ấy! Bộ đội trẻ măng, đẹp trai. Chỉ phải nước da xanh rớt vì sốt rét. Sau lần mò hỏi người quen, chạm mặt nhau qua vài chuyến đi đồng bằng, em biết anh ở đại đội 3, lính của anh Hồng, anh Phong, anh Để. Em nhỏ bé nhất trong xã Y nên các anh thương. Có lần anh Phong đùa em: “Này Hạnh, bữa mô lội qua hói Liễu Thượng, hói Bồn Trì, tao cho mi ngồi lên vai tao, khỏi phải cởi quần, ướt quần... Cánh tao con trai, đàn ông, lội qua quần đùi ướt đi một chặp là khô ngay. Còn tụi bay con nít, hoặc như cánh bà Đắng, cô Don, cô Chồn, cô Nguyệt mặc quần ướt đi vào dân cực thấy mồ”. Những người đang đi đồng bằng ngồi chờ ở Khe Đá Liếp nghe anh Phong nói vậy, cười ré lên. Em đế vào: “Cũng được, em là con nít... nhưng anh phải cõng lên vai chị Tâm nữa chớ!”. Em chưa nói hết câu anh Phong đã la toáng lên. Hóa ra, chị Tâm đã đứng sau lưng anh Phong lúc nào và véo anh một cái đau điếng. Cánh con gái huyện này, ai cũng biết chuyện chị Tâm và anh Phong ưa nhau.

   Bây chừ, bên thác đã ở Khe Dứa, chỉ còn lại mỗi mình em. Sao vậy, Cường ơi!?

   Anh Để về với K4 bên Hương Thủy, anh Hồng cũng đã về bên tỉnh đội... Chị Tâm thì đã mất rồi. Eng Phong chỉ còn một chân là nguyên lành, cũng đã chia tay với Hương Trà, vĩnh viễn rời bỏ giáp ranh để ra Bắc. Còn anh đang ở đâu?

   Ngày...
   Dấu yêu ơi! Giá như chú Sáu biết em hay dành thời gian nghĩ ngợi chuyện riêng tư của hai đứa mình, hẳn là chú phê bình em chết mất! Em cá nhân quá phải không anh? Và nếu có một ai đó đọc được ý nghĩ trong đầu em lúc này hẳn họ sẽ coi cái con nhỏ này chẳng ra gì. Một bí thơ xã hẳn hoi, phải lo toan bao nhiêu việc vậy mà vẫn còn có chỗ dành cho người yêu, lại còn ghi ghi chép chép vào sổ tay nữa. Nhưng ở một chiều sâu kín khác, cái con bé láu lỉnh lại hay cãi với cái cô bí thơ. Nào ai cấm tôi đã nằm yên trong võng sau một đêm đi đồng bằng vất vả, gùi è cổ năm chục lon gạo không được suy nghĩ? Ai cấm được tôi sau lúc vô ấp móc nối được với T, với N, vào quán mụ Ch nắm tình hình... Cả một ngày dài đằng đẵng trong căn hầm ngột ngạt nhà thím Tư, ngoài việc ăn no, ngủ kỹ, lau súng K59 và hai trái da láng sáng bóng lên, tôi còn biết làm gì cho hết thời gian? Chẳng có ông chi bộ nào lặn lội về vùng sâu nằm hầm để mà kỷ luật tôi. Cũng chẳng có tổ chức nào bóp chết được tình cảm riêng tư dành cho người ta yêu dấu. Thời gian ấy chỉ có tôi đối diện với chính tôi, tự do suy nghĩ.

   Em ương bướng quá phải không anh? Nhưng em yêu quý cái khoảng thời gian quãng cách ấy. Thời khắc yên bình ấy là của em, dành cho riêng anh.

   Những lúc ấy, tất cả mọi kỷ niệm của anh và em ập ùa về trong em như một dòng thác cuộn chảy. Từ bữa anh về xã đi đồng bằng ôm cái chân căng tức. Cả lần cọ xát da thịt đầu tiên của em với một người con trai. Ấy là bữa em bị dòng nước lũ ở con hói ngoài làng Liễu Thượng nhấn chìm. Sao anh bạo vậy? Anh đã biết gì về em nào mà dám lao vào dòng lũ xoáy, bể bổng dốc ngược em lên cho nước ào ra... Lại còn ghé mồm vào miệng em hà hơi... Nghĩ lại chuyện “động trời” ấy, em còn thấy úc dục muốn chết. Nhưng con tim lại bảo, sức sống của anh đã đưa em từ cõi chết về với sự sống... Những đêm mưa dày hạt ở lùm tre bên ấp Liễu Nam trong căn hầm giữa ngôi vườn nhà N chúng ta đã yêu nhau, mặc xác những thằng bảo an đóng quân ở cách căn hầm nơi ta ẩn náu không xa. Bên anh, em cảm thấy đây là nơi an lành nhất.

   Sách vở, học đường, bạn bè trong cuộc đời dạy em bao điều hay lẽ phải để đi vào cuộc sống, nhưng chưa ai dạy em yêu như thế nào cho phải.

   Ngày...
   Không biết nói với ai tin vui này, đành nói với anh. Chú Sáu cho em và năm người nữa của huyện về tỉnh dự họp, chú biêu là đi “chỉnh huấn, chỉnh quân”. Chỉnh huấn, chỉnh quân là chi anh? Nhưng em được đi về tỉnh là vui rồi. Mới chỉ có ngừng bắn có mấy tháng, tình hình đã khác hẳn. Anh có biết không, lần đầu em được đi xe bộ đội. Con đường 71 từ núi Bông bây giờ đã được bộ đội công binh mở về xuôi nối từ đường tuyến về tới chân đồi Đức Mẹ. Chỉ mất có hai ngày đi bộ, tụi em đã ra tới đường tuyến. Người của tỉnh đã chờ sẵn ở binh trạm. Mấy “chú cháu” lên xe đi dọc theo thung lũng A Lưới về tỉnh. Ngồi học tập, chỉnh huấn một tuần được nghe cán bộ cấp côi nói chuyện trong nước, quốc tế, chuyện ông Xuân Thủy, ông Lê Đức Thọ đấu tranh ở hiệp định Ba Lê, chuyện bộ đội ta ở Tây Nguyên, ở Lộc Ninh, ở Nam Bộ tấn công địch để giữ dân, giữ đất mà sướng cả người. Em lại ao ước bao giờ người dân xã Y mới “tấn công, nổi dậy” được như họ.

   Một tin vui thứ hai chính em cũng không ngờ. Ít ngày sau về lại huyện, hội nghị huyện ủy đã bầu bổ sung em và anh Ngọc vào huyện ủy. Chú Hoa trong lúc giải lao thủng thẳng biểu em: “Mi là huyện ủy viên trẻ nhất tỉnh ta đó nghe...”. Bữa ấy, biệt động huyện về làng đón cả thím Tư lên họp đảng bộ huyện, đứng uống nước cùng chú Hoa và ẹm. Em nghe xong, xấu hổ đỏ mặt và tự thấy mình chưa xứng đáng. Em chỉ vào thím Tư: “Thành tích mà cháu có được, công đầu thuộc về thím Tư, về em Quyên, em Nam, anh Ngật... và nhiều người khác”. Thím Tư nguýt em: “Con ni nói lạ! Cấp côi có tin cháu họ mới giao cho cháu công việc lớn chớ! Những người như thím “tra” (già) rồi... Thím cố gắng sống chờ đến ngày thống nhất coi thử răng, lo cho con Quyên tấm chồng là thím đi theo chú...!”. “Thím đừng nói gở mà... sức lực của thím còn khỏe mà!”. Em bảo vậy. Chả thấy thím Tư nói gì, chỉ thở dài.

   Anh à, nhiều lúc em nghĩ kể từ ngày mạ em mất dạo Mậu Thân đển nay, đã có biết bao sự đổi thay. Mạ mất, chị Tâm mất. Chị Đắng, o Chồn, o Nguyệt, anh Đoàn, anh Châu, anh Thẻo lớp lớp hy sinh. Con Hoa bạn em bị thương ra Bắc. Chị Liễu, chị Don cũng hy sinh. Chị Cúc bị địch sát hại. Rồi còn bộ đội K10, K35, bộ đội khu, bộ đội chủ lực, đặc công, trinh sát bao nhiêu người chết nữa để có được một ngày phong trào của xã, của huyện mới vực dậy được như bây chừ! Cơ sở bị phá banh bể dĩa hết trọi sau dạo Mậu Thân, chừ mới gây dựng lại được từng khúc, từng vùng... Bộ đội không phải đói ăn nữa. Gạo từ đường tuyến đã về được thấu bến vượt sông Bồ anh à.

   Anh còn nhớ bến vượt sông Bồ nơi em đến tìm anh bữa anh mới về ỉại Hương Trà không. Bữa rồi, lúc họp ở tỉnh về, em đi qua bến vượt. Bây giờ chỗ ấy là kho quân lương. Bộ đội công binh thả gạo trong bao bố, bao ni nông trôi dọc sông... Chỉ thương anh và anh em bộ đội K10, lúc giáp ranh no đủ thì không còn lại mấy người. Bữa Mộc bị trúng cối cá nhân ở Văn Xá Trung, đưa lên được tới Trường Bia là mất. Lúc nó mê man, khi tỉnh lại tự nhiên nói đủ mọi chuyện. Nó bảo thế này: “Ngày sau còn sống dứt khoát chị không được bỏ eng Cường. Ảnh tốt lắm. Ảnh yêu chị... - Rồi nó bảo - Bao giờ có dịp chị gắng về quê em chơi. Đền Hùng, Phú Thọ chị nhớ chưa? Cứ về đến cửa Đền Hùng, hỏi bà cụ Thư bán nước chè mẹ cu Mộc là người ta chỉ cho...”. Tội không! Anh ơi! Đền Hùng, Phú Thọ là ở đâu? Có xa quê anh lắm không?

   Mộc hy sinh, chưa đầy một tháng sau, o Huệ theo chân Mộc chết. Mấy thằng lính trên đồi Chóp Nón xuống phục kích đường trục lên Khe Trái. Con Huệ đi gùi thuốc ở trên về, dọc đường bị phục kích. Địch bắn Huệ gãy chân không chạy được. Mấy thằng thám báo hãm hiếp Huệ cho đến chết, vất xác bên Khe Môn... Đã có lúc, em nằm trong hầm thím Tư nghĩ tới thằng Mộc, con Huệ khóc không thành tiếng. Em nguyền rủa chiến tranh. Mặc dù em vẫn phải cầm súng đêm đêm vào làng bám địch. Anh à! Chiến tranh đã cướp đi biết bao người trẻ tốt bụng và dũng cảm... Đau lắm chớ!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #87 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 07:57:12 am »

   Ngày…
   Đêm 12 em trở lại làng. Trăng sáng đến rợn người. Lội giữa cánh đồng làng đoạn từ Phúu Ổ sang La Chữ, em và tổ du kích đưa đường chỉ sợ trăng sáng quá tụi bảo an chốt giữ ở đình làng Liễu Thượng phát hiện. May mà không sao cả. Thím Tư ra tận bờ hói mở nắp hầm đưa em vào nhà. Làng không có địch. Trung đội nghĩa quân của thằng Vệ kéo nhau ra chợ, ngồi đánh bạc.

   Em có cả một ngày dài để nghỉ ngơi, tắm giặt và đọc lại những trang viết cho riêng anh. Đã có lúc em nghĩ, những dòng này, những chữ này giấu kín tình cảm của em dành cho anh. Liệu anh có hay? Bao giờ thì anh đọc được? Lâu lắm phải không anh? Mà chắc gì em đã cho anh đọc. Từ ngày gặp anh ở địa đạo 310, thoát đã hơn một năm rồi đó. Một năm là 365 ngày. Thề có Trời Phật, quỷ thần, không có ngày nào em không dành lấy chút thời gian ít ỏi để nghĩ đến anh. Nghĩ trong đầu và giấu kín trong lòng, vậy thôi. Từ cái làng nhỏ bé này, qua sông Bồ sang đất Phong Quảng, đường chim bay nào có xa. Em biết giờ này anh ở đâu đó trong cái khoảng không gian mờ mịt kia. Cứ theo đường bộ xe chạy chỉ nửa giờ đồng hồ là em tới được nơi anh đang đóng quân. Ngày nhỏ mạ đã từng cho em ngồi xe đa su ra chợ Sịa thăm bà dì... Vậy mà, em và anh cách xa ngàn trùng. Đâu chỉ cách mấy quãng đồng, cách một dòng sông mà đấy là quãng cách giữa sống và chết, giữa vinh và nhục, giữa hèn nhát và dũng cảm...

   Hôm nay ngày Rằm tháng bảy, dân làng cúng to. Từ sớm thím Tư và Quyên đã mua vàng mã cúng chú Tư và cúng luôn cho mạ em. Buổi chiều, thím làm mấy mâm cơm chay cúng nhà. Vợ chồng Nam cho cu con về thăm mẹ, kéo theo mấy người bạn là sĩ quan cảnh sát ngụy... Họ nói chuyện ồn ào ở nhà ngoài, ở vườn. Chỉ có em làm phận con cóc trốn trong nhà. Thím Tư và Quyên xếp cho em riêng một mâm đồ chay, xôi, chè nhưng em nuốt không vô.

   Đến 2 giờ chiều, mấy người bạn sĩ quan của Nam leo lên xe về Huế. Trong căn buồng của thím Tư, em và thím Tư đã làm một việc hệ trọng. Tổ chức kết nạp Đảng Nhân dân cách mạng cho thiếu úy cảnh sát ngụy Trần Nam và công bố quyết định tặng Huân chương chiến công cho tổ công tác nội thành của Nam trong chiến dịch giành đất cắm cờ, tấn công và nổi dậy Xuân 1973. Quyên ở nhà ngoài làm nhiệm vụ cảnh giới. Trong căn phòng tối âm u, thím Tư đọc quyết định... Vợ chồng thiếu úy Nam, lần đầu tiên được biết những người chỉ huy cao nhất của họ ở vùng sâu là Hạnh và mẹ đẻ của mình.

   Ngày...
   Em và tổ biệt động của anh Huy Ngọc có một đêm vất vả về ấp Cổ Bưu diệt ác. Cơ sở mật ở vùng sâu phải mất sáu tháng trời mới tìm ra quy luật hoạt động và địa điểm ngủ đêm của thằng Tháo, chỉ huy trung đội nghĩa quân của xã M. Tháo khôn ngoan, láu lỉnh từ ngày còn học phổ thông trung học. Hắn học trên em ba lớp, học cùng trường đi chung một con đường nên biết nhau. Học xong tú tài, Tháo đi học sĩ quan Đà Lạt, nghe nói dạo Mậu Thân, bộ đội ta tấn công vào nơi đóng quân, Tháo bị thương được cho chuyển ngạch làm lính địa phương quân về lại Hương Trà, chỉ huy nghĩa quân. Đã có thời gian đi học, Tháo tìm cách tán tỉnh em, nhưng bị em từ chối. Mạ em là người nóng tính. Hễ mỗi lần hắn đạp xe tà tà vô làng, chưa tới đầu cổng bà đã mắng chó chửi gà, hắt nước ra sân tung tóe. Tán không xong, lại bị chửi, thằng Tháo găm mối thù trong dạ. Ngày trở lại làng, hắn phát hiện ra mạ em là người của ta, bí mật báo cho quận cho lính vào vây bắt.

   Tháo lấy vợ sớm. Khi đang học tại trường võ bị Đà Lạt, gia đình hắn đã cưới cho một cô vợ trẻ, bán vải ở chợ Đông Ba. Mấy cô bạn cùng học cho em hay, hắn đã có vợ, con nhỏ nhưng lại là tay háu gái. Suốt ngày đi lang thang rình mò “Việt cộng” ở các xóm ấp, hắn tán tỉnh “bắt rễ, xâu chuỗi” với các cô gái nạ dòng, phần đông các cô là vợ lính trẻ có chồng đi trận. Vì cái tật “cuồng dâm”, Tháo đã từng bị một ông già cha của một cô gái ở làng Bần bị hắn rủ rê, tán tỉnh chém xả vai. Nhưng cái tội tày đình của thằng Tháo là chỉ điểm cho lính quận bắt hàng loạt cơ sở cách mạng ở Hương Thái, Hương Mai. Có người là cơ sở mua gạo cơm mắm muối cho bộ đội, du kích nhưng cũng có nhiều người chỉ vì do ghen tức, đố kỵ, thù hận cá nhân với Tháo và gia đình hắn nay hắn có dịp trả thù. Thằng Tháo cũng là kẻ đầu trò áp dụng kiểu gài mìn claymo kiểu so le, chập nổ. Chuyện là thế này, anh à...

Tụi nghĩa quân, bảo an rất ngại đụng độ với bộ đội, biệt động ở đồng bằng. Chúng sợ những trận đánh phản phục kích của bộ đội với những trái B41, B40 kinh hoàng... Địch nghĩ ra cách gài mìn trên những con đường bộ đội, du kích hay đột kích về làng. Mỗi lần chúng gài từ năm đến bảy quả mìn claymo lệch pha theo một góc tam giác sáu mươi độ. Chỉ cần bộ đội, du kích lọt vào góc tam giác tử địa, địch bấm mìn nổ, đủ sức quét cả một hai trung đội... Chính thằng Tháo là người chỉ huy trận đánh mìn ở hói Bồn Trì. Trận ấy, bộ đội, du kích, biệt động xã H đi về đồng bằng tuyên truyên, mua gạo thực phẩm cả thẩy 22 người, 19 người đã hy sinh, bị thương... Trung tá tỉnh trưởng Thừa Thiên đã đích thân về quận gắn mề đay cho thằng Tháo... Cơ sở báo rằng, ở mỗi ấp, mỗi xã trung đội nghĩa quân của thằng Tháo phục kích, nghỉ đêm... hắn có ít nhất hai địa điểm để trốn. Tối qua, thằng Tháo không theo trung đội nghĩa quân đi phục kích ở xóm Mới Văn Xá Trung mà về xóm Giếng thì thụt với một cô bồ. Lúc anh Ngọc vô nhà bắt thằng Tháo mới tỉnh ngủ... Thằng Tháo được dẫn ra mả Bà Tạ giữa đồng làng Giếng. Em đi cùng anh Ngọc và ba người lính biệt động. Miệng hắn được nhét giẻ và băng kín. Hắn sợ vừa đi vừa ngã dập dụi trên bờ ruộng. Chỉ đến khi thằng Tháo nghe anh Ngọc đọc quyết định của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hắn ngã sụp xuống. Nắm giẻ và cuộn băng đính trên miệng hắn đẵ được mở ra. Thằng Tháo khóc như mưa như gió. Bất chọt hắn ngửng lên nhận ra em (em đã bỏ chiếc khăn đen bịt mặt). “Chị Hạnh phải không? Em cắn rơm cắn cỏ lạy chị, người cùng xã chị nói giùm em một tiếng với mấy ổng. Em còn mẹ già, con dại...”. “Anh còn nhớ chuyện anh dẫn lính về lật hầm o Nguyệt không?...”. “Dạ, em biết tội rồi ạ, nhưng em cũng đã có lời xin với xã trưởng cho gia đình đem xác mợ Nguyệt về chôn...”. “Họ hàng với anh mà anh còn vậy, thử hỏi anh có còn là con người nữa không?...”.

   Hắn ngửa mặt lên nhìn, nước mắt nước mũi giàn giụa trên gương mặt dính đầy đất cát. Hắn vừa bíu ôm lấy chân em đã bị anh Ngọc đạp cho một đạp ngã dúi dụi. Chỉ thấy lưỡi dao xắt chuối trong tay cậu Miên giơ lên, thằng Tháo ngã sấp xuống mặt cỏ. Máu từ cổ hắn trào ra thấm ướt lưng áo...

   Anh à... em không ngủ được khi nghĩ tới cảnh thằng Tháo bị cách mạng xử tội. Một mạng hắn đã đổi biết bao mạng của bộ đội, cán bộ du kích hy sinh. Hắn chết là đáng đời... Vậy mà em cứ trằn trọc mãi...

   Ngày...
   Dấu yêu à!
   Cả đêm qua em bị cơn sốt hành hạ. Đại đội bảo an số 125 về đóng quân trong xã đã hai ngày. Một trung đội về đóng chốt lùng sục ở trong ấp Giếng. Có địch thím Tư vẫn không cho em xuống hầm. Thím biểu sợ em đang sốt, người yếu. Hầm ẩm thấp, em bị ngạt. Căn phòng nhỏ của Quyên thành nơi trú ẩn của em. Giấc ngủ đến chập chờn, mộng mị. Em mơ thấy được gặp mạ em, ba em và cả chị Tâm. Mạ em tay dắt theo một cậu bé, trên đầu có hai bím tóc như trái đào. Em hỏi mạ: “Ai đây mạ?”. “Anh hai con đó - mạ em mỉm cười - Anh con đi theo ba con, mạ mới tìm thấy được cả hai cha con”. Ba em còn trẻ hơn cả mạ em, ông mặc bộ quần áo vải nâu, vai đeo xắc cốt. Ông còn đeo cả một khẩu súng ngắn kiểu Pạc khoọc... Ông xoa đầu em. “Con lớn quá rồi... Con giỏi hung”. Em bảo với chị Tâm: “Anh Phong bị thương, được tụi em cứu thoát, chị biết không...”. Chị Tâm cười: “Chị biết cả... Chị còn biết cả chuyện em ưng thằng Cường, bộ đội. Đẹp đôi lắm...”. Đang lúc mọi người gặp nhau vui vẻ, em mừng ứa nước mắt, thì bừng tỉnh dậy. Rứa có uổng không?

   Thím Tư thấy em sốt cao, sợ em bị lên cơn co giật, ngồi canh chừng... Thím ép em ăn cháo. Miệng đấng nghét “Chừ mấy giờ rồi thím?”. “Quá nửa đêm. Cách đây hơn nửa giờ, súng nổ dữ lắm, ở ngả Bầu Tháp.. Chân tay em mệt rã rời, đầu nhức. Em có cảm giác rằng, mình đang kiệt sức dần...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #88 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 08:04:17 am »

9

   Căn nhà “hòa hợp” được dựng lên trên nền nhà của dân đã bỏ hoang từ lâu. Trong khu vườn cũ rộng vài sào vẫn còn lại một cây dừa, mươi gốc ổi, hai cây bưởi. Vị trí của ngôi nhà cũng chính là điểm phân cách giữa đại đội 1 và đại đội thủy quân lục chiến chốt ở cồn Nổi. Ngay tại cái “nền nhà lịch sử đó” (!), mấy anh lính trẻ Hà Nội gọi đùa như vậy, lần đầu tiên đã diễn ra một cuộc họp tay đôi. Một bên là bộ đội giải phóng. Phía bên kia là đại diện cho đơn vị lính ngụy đang chốt ở cồn Nổi. Chủ đề chính: bộ đội và quân ngụy phân công nhau cùng xây dựng căn nhà “hòa hợp”. Phía tây cồn Nổi, đất cao, sẵn tre lồ ô. Bộ đội có nhiệm vụ chặt tre, gióng dựng khung nhà. Phía nam Cồn Nổi, đất thấp, nhiều phù sa bãi bồi, cỏ tranh mọc cao lút đầu người. Những anh lính ngụy có nhiệm vụ cắt tranh, đánh gianh, lợp mái. Mỗi bên còn phải cử một tổ năm người, chọn những anh khéo tay, biết chút ít nghề mộc, đan lát... Những người tham gia dựng nhà việc ai nấy làm. Họ còn đập giập những cây tre lô ô đan những tấm liếp thưng quanh nhà. Tre lồ ô còn được dùng làm bàn, ghế. Đại loại đấy là một cái bàn dài chừng mười mét, rộng một mét, chạy dọc theo lòng nhà. Hai bên là hai dãy ghế băng chạy dài, có khung tre tựa hẳn hoi. Giáp vách tường còn có thêm một dãy ghế nữa, đủ chỗ cho hai, ba chục con người ngồi vừa uống nước, vừa nói chuyện.

   Khi căn nhà “hòa hợp” vừa xong, có một ý kiến nào đó đề nghị treo cờ. Treo hai cờ. Một đầu treo cờ nửa xanh, nửa đỏ của Mặt trận giải phóng. Một đầu treo cờ của Chính quyền Sài Gòn, nhưng sau một hồi cãi nhau việc treo cờ đành xếp lại. Tăng bạt ni lông cả hai bên đều sẵn, được trải phủ lên mặt bàn. Những anh lính thủy quân lục chiến còn về chợ Hiền Sĩ mua lên mấy chục chiếc ly uống nước, ấm pha trà. Bữa “ca nhạc” đầu tiên được ghi nhận ở chốt “hòa hợp” là bữa mười tám con người, cả ta cả địch cùng quần tụ quanh chiếc bài dài uống trà Hồng Đào hút thuốc Rubi quân tiếp vụ, Bát tô xanh, thuốc lá Tam Thanh và ăn lương khô 701. Mười tám người thợ dựng nhà đều không ai mang theo súng đạn, người cởi trần, người mặc áo may ô ba lỗ, áo đông xuân nhễ nhãi mồ hôi, đất cát, phoi tre dính trên cổ, trên đầu tóc chuyền tay nhau ấm nước trà xanh đặc sánh, phì phèo hút thuốc lá. Họ hỏi tên tuổi, quê quán, gia cảnh của nhau. Trong ánh mắt của từng người vẫn còn chút e dè ngại ngần nhưng không một ai trong câu chuyện đả động gì tới chuyện chính sự. Và khi một anh lính ngụy trẻ tuổi vô ý bị cật tre tuốt cho chảy máu, cậu Điều y tá của đại đội đã không ngần ngại lấy thuốc đỏ sát trùng vết thương và băng lại cẩn thận.

   Mấy ngày trời căn nhà hòa hợp đã dựng xong, đứng hoành tránh ngạo nghêu trên bãi đất cồn Nổi. Ông phó ban chính trị trung đoàn xuống thăm đơn vị, nhìn thấy ngôi nhà đã bật kêu lên: “Chà, ngôi nhà vừa to, vừa đẹp quá bay. Phòng họp của Ban chỉ huy trung đoàn không sang bằng nhà của tụi bay làm để tiếp tụi lính ngụy”.

   Cường chỉ cười và chẳng nói gì. Đêm ấy, mọi người đã đi ngủ, trong căn nhà hầm, anh lặng lẽ ghi vào một trang trong cuốn sổ công tác... “Ngôi nhà hòa hợp đã xong rồi. Nhưng nó vẫn chỉ là ngôi nhà khung tre lợp tranh vách nứa bình dị. Những con người ngồi trong ngôi nhà ấy mới là kỳ lạ. Chỉ có điều họ đã từng là đối thủ của nhau sau bao năm bắn giết đì đoàng. Vài tháng trước, năm trước hễ gặp nhau là nổ súng. Người bắn chẳng cần biết kẻ bị bắn là ai, trẻ hay già, đẹp hay xấu... Nhưng bất kể là phía nào đều có chung một lời giải thích ấy là “địch”. Đã là địch, là kẻ thù ắt phải tiêu diệt. Quy luật của chiến tranh là vậy. Bây giờ thì y đã có những giây phút được tận mắt quan sát kỹ lưỡng từng cái nốt ruồi, từng vết sẹo nhỏ ở đuôi mắt, nụ cười giọng nói của “phía bên kia”. Té ra đại đa số người Việt mình ở đâu cũng vậy cả... Hiền lành, chân thực đáng thương... Và tội nghiệp”. Gốc gác, tổ tông của những người lính ngụy chỉ là anh nông dân chân lấm tay bùn ở một miền vườn nào đó. Họ đi lính với nhiều cảnh ngộ khác nhau... Phải hơn ba mươi năm sau, khi đọc lại những dòng chữ nguệch ngoạc, viết vội vàng, lén lút trong căn nhà nửa chìm nửa nổi ở cồn Nổi trong tiếng mưa rơi xối xả ngoài sông và tiếng gió cồn cào vặn những thân cây lồ ô nghiêng ngả rên lên kẽo kẹt như đưa võng anh mới thấm thía một nỗi buồn.

   Nhưng những ngày đầu câu chuyện diễn ra trong căn nhà hòa hợp lại không mấy vui vẻ. Đại đội 1 cử Sùng, chính trị viên phó đại đội và thêm một trợ lý chính trị của trung đoàn xuống hỗ trợ để tiếp xúc gặp gỡ quân ngụy. Phía quân ngụy cũng chẳng phải tay vừa. Những viên sĩ quan được cử ra gặp bộ đội giải phóng thường từ phía bên kia sông sang. Ngó qua mặt từng tên, Cường biết ngay đây toàn là tụi tâm lý chiến. Một tuần hai lần, bên ta và bên đối phương gặp nhau vào thứ ba, thứ sáu. Phía quân ngụy, mỗi lần giao tiếp với bộ đội là một ê kíp khác nhau. Quanh đi quẩn lại trong cuộc trao đổi, đấu tranh trong căn nhà “hòa hợp” cũng chỉ là chuyện đôi co anh là “chính nghĩa” anh là “phi nghĩa”. Anh “cầm súng Mỹ”, anh bắn súng Liên Xô. Anh làm tay sai cho đế quốc Mỹ còn anh đi theo Nga xô, Trung cộng. Nhìn mặt nhau vài ba lần thấy quen, lần sau gặp lại đã chán, đã thấy ghét, nói gì tới chuyện “hòa họp”.

Chỉ có một lần, Sùng cảnh cáo quân ngụy: “Hai bên đã ngừng tiếng súng, chốt ở gần nhau, sông Bồ là con sông chung, yêu cầu cả hai bên không được bắn tỉa khi có người ra sông lấy nước, tắm giặt”. Viên sĩ quan ngụy cũng yêu cầu: “Nhờ các anh nói cho các đơn vị bộ đội đóng chốt ở Cổ Bi không được chĩa súng lên bắn vào “loa” của phía “quốc gia””. Quả là từ ngày có chốt “hòa hợp”, phía quân ngụy treo rất nhiều “loa” cỡ đại trên các ngọn cây. Những chiếc loa cỡ đại chủ yếu là phát ca nhạc. Lúc thì nhạc vàng, lúc cải lương, lúc dân ca Bắc Trung Nam... ồn ào như hội chợ. Khác với bên bộ đội, phía quân ngụy thường xuyên thay quân, mỗi đơn vị chốt ở một điểm không quá một tuần. Những cuộc thay quân đều diễn ra trong đêm, bí mật và mau lẹ. Các chốt tiền tiêu của ta đều phát hiện ra cả. Chỉ có một nhân vật phía bên quân ngụy trụ bám ở chốt Cồn Nổi lâu dài là viên trung úy tâm lý chiến. Các đơn vị thủy quân lục chiến thay nhau đến rồi đi còn hắn thì cứ đúng thứ ba và thứ sáu hàng tuần đều đặn xuất hiện ở căn nhà “hòa hợp”. Những anh lính trên đài quan sát ở cây muỗm già còn phát hiện ra, hắn không ở chung với những người lính ngụy ở chốt cồn Nổi. Viên sĩ quan tâm lý chiến ở bên bờ nam sông Bồ. Vào đúng ngày hai bên gặp gỡ “hòa hợp”, bảy giờ sáng hắn đi một chiếc thuyền máy từ bến sông Lai Bằng sang cùng với một hai người nữa, đến thẳng căn nhà “hòa hợp”.

Điều dễ nhận ra, những việc phía bên kia đưa ra bàn thảo, “tố cáo” bộ đội đều đã được tụi chỉ huy và tâm lý chiến bàn bạc kỹ, rất thuộc bài. Chính trị viên phó Sùng, một người vốn điềm đạm, hiền lành nhiều khi đi “hòa hợp, hòa giải” trở về cũng trở nên cáu bẳn, bực bội vì thái độ cố chấp, nói lấy được của đám tâm lý chiến ngụy. Có lần tức quá Sùng bảo: “Gặp anh hoài, nói mỗi một chuyện chán lắm. Các anh có ai biết đánh cờ tướng không, ra ngồi chơi với tôi vài ván?”. Thằng tâm lý chiến vặc lại ngay: “Chà! Ngồi đánh cờ để rồi lại nghe các anh rỉ rả tuyên truyền tư tưởng cộng sản cho tụi tôi phỏng? Cấp trên của tôi không cho phép!”. Sùng nổi nóng: “Vậy cấp trên các anh có cho các anh làm con người lính thường để chuyện trò, giao tiếp với nhau không?”. Viên trung úy tâm lý chiến không nói năng gì, cúp đuôi về thẳng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #89 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2012, 08:06:46 am »

   Nhưng vào những lúc yên tĩnh, khi viên sĩ quan tâm lý chiến đã về bên kia sông, những anh lính binh bét của cả hai bên lại kéo nhau lên mặt hào ngồi chơi, hút thuốc lá, cho nhau nắm rau đay, rau dền, rau tàu bay hái lượm được. Có lần một viên thượng sĩ ngụy còn cho bộ đội cả cá hộp và một bọc dưa môn. Ít ngày sau, bộ đội cho trung đội lính thủy quân lục chiến hai cân thịt heo rừng. Chuyện là thế này. Mấy ngày trời đổ mưa. Những trận mưa đầu mùa đánh thức cây cỏ đang chết khô sau những trận nắng như thiêu như đốt của tháng bảy. Cây cỏ gặp mưa tỉnh lại, tươi tốt. Heo rừng, nhím rừng, cầy cáo, chồn hương đua nhau ra bãi đầm lầy dưới chân đỉnh 165 để kiếm ăn, tìm nước uống. Bãi đầm lầy rộng vài héc ta. Vào mùa khô, cạn nước. Lau sậy, cỏ tranh mọc xanh như một cánh đồng. Để vượt ra sông Bồ, từ khu hậu cứ của tiểu đoàn bộ dưới chân chốt Khe Tre... Cánh lính thông tin cũng rải đường dây điện thoại men theo con đường mòn ấy để ra chốt. Nhưng vào mùa mưa, cánh đồng cỏ tranh ngập chìm trong nước, ở chỗ lũng sâu, các hố bom, hố pháo, có nơi nước ngập tới cả thước. Cánh đồng cỏ tranh trở thành một vùng đầm lầy rộng. Chim cò từ trong núi bay ra mò cá, đậu trắng trên những cây khô ngập nước ngang thân. Ở những vùng đầm lầy sát chân núi 165, khi nước rút, mầm cỏ tranh mọc lên tua tủa như chông, chỉ vài ngày đã trổ lá xanh non. Dưới đất nước lấp xấp ngang bàn chân, cua cá, rắn rết, chuột đồng ếch nhái chạy, nhảy loạn xạ khi nghe tiếng bước chân người đi tới.

Buổi sáng sớm, Cường và tiểu đội phó Nguyệt từ trên tiểu đoàn bộ trở về đi ngang qua vùng đầm lầy bất ngờ phát hiện ra một con heo rừng dài quãng “8 gang” ra ăn đọt cỏ tranh. Nghe tiếng động, ban đầu Cường tưởng là địch trên điểm cao xuống gài mìn đường trục nhưng nhìn kỹ không phải. Một con heo rừng cỡ đại. Núp sau một bụi sim rậm, Cường nhìn rõ bộ mặt lì lợm và chiếc răng nanh dài bằng một gang tay chìa ra khỏi miệng của con heo rừng. Kỳ lạ hơn nữa, lúc con heo chuyển động, Cường và Nguyệt nhìn rõ con heo rừng chỉ có ba chân. Hai chân sau và một chân trước. Một chân bên phải của con heo đã bị tiện cụt, lủng lẳng phần giò phía trên. Cường ra dấu cho Nguyệt mở rộng vòng cung. Con heo rừng dường như không hề hay biết đang bị vây giữa hai họng súng AK, nó vừa cạp cỏ, vừa bước xuống bãi lầy, đi ra phía mấy con cò đang đậu ngoài xa.

   Hai điểm xạ ngắn của súng AK với bốn viên đạn, con heo rừng đã trúng đạn, hộc lên một tiếng và lao lên được chừng 2 mét đã nằm úp mặt xuống vũng bùn.

   Tin đại đội 1 hạ được heo rừng, nặng hơn một tạ, chỉ nửa giờ sau cả tiểu đoàn đã biết. Miếng ngon của rừng là của chung thiên hạ. Tiểu đoàn trưởng Tư Nhất và Thai, quản lý tiểu đoàn xuống ngay C1 để chỉ huy mổ lợn, chia cho các đơn vị.

   Con lợn rừng ba chân, một răng nanh dài một gang thuộc loại lợn độc. Chân thứ tư của con lợn rừng bị mảnh pháo chém cụt. Chẳng hiểu bằng cách nào mà con lợn rừng lành được vết thương. Chiếc răng nanh độc nhất vô nhị được trao cho Cường. Anh cất để làm kỷ niệm. Đại đội 1 có công bắn lợn rừng được chia thêm bộ lòng và nửa cái thủ và nồi nước xuýt béo ngậy. Cường nói với trung đội 2 chia cho những người lính ngụy ở chốt liền kề hai cân thịt, biểu “anh em ăn cho vui!”.

   Những cuộc đấu tranh, đàm đạo trên chốt hòa hợp ở Cồn Nổi diễn ra được hơn một tháng, thì các đơn vị bộ đội ở chốt Thanh Tân, Sơn Quả cũng dựng được nhà “hòa hợp”. Phía bên làng Cổ Bi cũng dựng nhà “hòa hợp”. Các đơn vị quân ngụy chốt ở Thanh Tân, Sơn Quả, Cổ Bi, Hiền Sĩ... hầu hết là lính dù. Họ không căng thẳng như đám lính thủy quân lục chiến. Bộ đội trung đoàn 4 ở Thanh Tân, Sơn Quả đã dựng lên ở bãi đất trống một sân bóng chuyền, chiều nào các đơn vị không làm nhiệm vụ chốt gác đều cử người ra sân bóng đánh bóng hoặc đá “con tôm”. Đám lính dù ở các chốt bên kia bờ con suối Thanh Tân đều nhìn thấy bộ đội chơi bóng.

Địch cũng không còn bắn pháo cối vào các chốt của bộ đội, bắn pháo vào khu vực dốc Ông Già, đồi Đức Mẹ, nơi sở chỉ huy trung đoàn đóng quân. Chỉ có lâu lâu những trận địa pháo ở dưới đồng bằng hoặc trận địa pháo của địch ở Hòn Vượn, Văn Thánh mới bắn vài loạt pháo hạng nặng lên rừng, chủ yếu để ngăn chặn bộ đội công binh của giải phóng cũng đang suốt ngày nổ mìn phá đá, chặt cây để mở đường về phía đông. Các tuyến đường 71, 73, điểm bắt đầu từ đường tuyến đang vươn dài như những vòi bạch tuộc cắt rừng, xẻ núi hướng về đồng bằng. Tuyến đường xương cá này là nơi tiếp ứng gạo đạn cho bộ đội tuyến trước. Con đường đủ rộng để cho các xe Zin ba cầu chở gạo, kéo pháo hạng nặng về xuôi. Vào mùa khô, bộ đội sư đoàn 324 tiếp tục vây ép buộc địch phải rút khỏi Động Ông Do, Động Củng Cáp, điểm cao 367. Trên tuyến đường mới mở về chân dốc Đức Mẹ, bộ đội, du kích đã nhìn thấy vết xích xe tăng, xe gát, xe Zin kéo pháo về đồng bằng. Những chiếc OV10 vẫn quần đảo bay trên vòm trời Phong Quảng, gã phi công cùng với những tấm ảnh chụp bằng tia lade nhìn rõ con đường đất đỏ lòm cắt băng qua rừng về xuôi, nhưng dường như chúng bất lực. Máy bay A37 bay lên ném bom, lập tức bị pháo phòng không bắn rơi, địch khiếp đảm. Bộ đội, cán bộ địa phương có việc từ giáp ranh lên miền Tây đã có thể đi giữa ban ngày, không còn phải chui lủi, luồn rừng như trước. Cũng không còn sợ địch càn hay phục kích. Sau mùa xuân 1973, thế trận đang mở ra. Mọi ngả, mọi cánh quân đang hướng cả về đồng bằng giáp ranh suốt một dải từ sông Thạch Hãn tới bờ bắc sông Bồ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM