Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:48:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167551 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #280 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 05:20:45 pm »

Những ngày ấy thật vô vàn khó khăn, thương trường thực sự là chiến trường; cơ chế và một số người thực hiện chính sách nhà nước chưa có sự thông thoáng thực sự là những rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, Công ty Hồng Ngọc lại chọn đối tượng lao động là những người khuyết tật. Cái khó cũng là đây: người khuyết tật sống nhờ gia đình, trình độ văn hóa không cao; phần lớn trong số họ lại mang nặng tâm trạng bi quan. Làm sao giúp họ có thể hòa nhập với xã hội'? Hơn thế, khi Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc ra đời, khách du lịch quốc tế đến nước ta thưa vắng, sản phẩm làm ra gần như không có chỗ tiêu thụ.

Tiền lương ban đầu rất thấp khiến nhiều công nhân nghỉ việc, Trung tâm lao đao; bản thân anh đã có lúc nghĩ đến bỏ cuộc. Nhưng một lần nữa ý chí của người lính lại giúp anh chiến thắng. Đoàn Xuân Tiếp bán cả những đồ quý trong nhà, vật dụng cá nhân, huy động đến đồng tiền cuối cùng vào nghiệp kinh doanh. Anh đôn đáo tìm cách hợp tác với các đơn vị tổ chức các tour du lịch, thuyết phục họ dẫn khách nước ngoài vào Trung tâm Hồng Ngọc.

Trời không phụ người có tâm, Hồng Ngọc dần khẳng định được chỗ đứng của mình và trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. Từ một Trung tâm nhân đạo chỉ có vài chục công nhân, hoạt động trong khuôn viên 0,6ha, đến nay Hồng Ngọc đã có gần 700 cán bộ, công nhân viên với 3 cơ sở lớn : cơ sở Sao Đỏ và cơ sở Hoàng Tân ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương; cơ sở Chân - Thiện Mỹ ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Ngoài ra, anh còn làm chủ 2 cơ sở khai thác, chế tác đá tại Nghệ An, Yên Bái.

Được sự hỗ trợ từ Tỉnh ủy, Sở Lao động- Thương binh xã hội 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh, bằng bàn tay trí óc Đoàn Xuân Tiếp đã vượt qua thử thách, nêu cao truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ". Không chỉ làm giàu cho bản thân, Đoàn Xuân Tiếp đã tạo dựng nên một mô hình mới - mô hình doanh nghiệp cho người khuyết tật vì người khuyết tật.

Thắp sáng niềm tin cho người khuyết tật

Có người nói nghiệp kinh doanh của Đoàn Xuân Tiếp gắn liền với lòng yêu thương bởi ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, anh đã chăm lo cho người khuyết tật. Anh bảo: "Chứng kiến những đứa con khuyết tật của đồng đội, mình rất xót xa và tự nhủ phải làm một điều gì đó để sẻ chia". Hơn thế, theo anh những khuyết tật còn có những điểm mạnh riêng, cái khó là đánh thức những điểm mạnh ấy. "Con cá" và "cần câu”, câu nói nghe ra quen quá rồi nhưng làm được nó thật khó. Đoàn Xuân Tiếp đã làm được, hàng trăm công nhân khuyết tật đã làm ra sản phẩm tự nuôi sống mình và thêm tin yêu cuộc sống.

Điều này được thực hiện ngay từ năm 1994, khi cơ sở sản xuất còn khiêm tốn của gia đình, anh đã kết hợp Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, mở lớp đào tạo nghề đầu tiên ở Cầu Chui. Kết quả bước đầu đó giúp anh mạnh dạn mở rộng bằng việc mở Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc tại Sao Đỏ với khóa đầu tiên chỉ dạy nghề chạm khắc đá, gỗ mỹ nghệ cho 60 học viên. Càng về sau, Trung tâm Sao Đỏ càng mở rộng về quy mô dạy nghề. Hàng trăm người đã theo học tại Trung tâm trong các lớp như: may, thêu, sơn mài, chạm khắc đá, sản xuất đồ gốm và kim hoàn. Công ty còn tổ chức cho các em học văn hóa, học ngoại ngữ, giao lưu, học tập kinh nghiệm ở các cơ sở bạn. Và một điều lạ lùng nhưng cũng đầy tự hào, nhiều anh chị em đã thành thạo từ 2 đến 3 ngoại ngữ.

Trong số những học sinh khuyết tật theo anh từ ngày đầu (năm 1996) có chị Lưu Thị Tình. Khi nghe đài phát thanh huyện thông báo có lớp dạy nghề cho người khuyết tật, miễn phí, có chỗ ăn chỗ ở, chị nộp đơn vào học ngay. Nhưng háo hức ban đầu qua đi rất nhanh, nhường chỗ cho khó khăn thực tế: cơ sở còn nhỏ chưa hoàn thiện, công việc phức tạp. Lùi bước chăng? Lưu Thị Tình nghĩ: họ là người xa lạ, họ đã đến và cho mình một cơ hội để vươn lên, vậy không có lý gì để mình không thành nghề. Giờ đây khi đã là người quản lý, đủ thu nhập để nuôi gia đình và giúp người em học đại học, chị đang là tấm gương sáng cho những thế hệ học trò tiếp theo của Công ty.

Không chỉ dạy nghề, tạo việc làm, Công ty của Đoàn Xuân Tiếp còn quan tâm đến đời sống của họ: không chỉ là những dụng cụ y tế, đảm bảo kịp thời sơ cứu cấp cứu mà còn là những đợt phẫu thuật miễn phí cho người khuyết tật. Từ năm 2000 đến nay, Công ty đã phối hợp với Hội Chữ thập xanh, tổ chức phi Chính phủ Mỹ tổ chức phẫu thuật chỉnh hình miễn phí 2 đợt cho 17 người khuyết tật tại Bệnh viện Tình Thương, tỉnh Nam Định và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.... Từ Hồng Ngọc, nhiều cô gái, chàng trai đã nên duyên vợ chồng cùng xây tổ ấm. Hồng Ngọc là, một mái nhà đầy tình thương luôn rộng cửa với mỗi người khuyết tật.

Chia tay với cựu chiến binh, doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp, chúng tôi nhớ mãi câu chuyện anh kể: vào dịp 20-11-2001, anh đi công tác tới 11 giờ khuya mới về xưởng nhưng vẫn thấy một nhóm em khuyết tật. Trời lúc đó rất lạnh, các em đứng nép bên cổng chờ anh về chỉ để tặng một bó hoa rất giản dị. Ồ cái được của đời doanh nhân không chắc đã phải là sản nghiệp mà chính là sự đồng cảm biết sẻ chia.
Tạm biệt người cựu chiến binh Trường Sơn, chúng tôi ra về mang theo niềm cảm phục về tinh thần và nghị lực của anh, mang theo những niềm tin của cuộc sống đang dần được thắp sáng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #281 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 05:21:58 pm »

NƠI TÌNH YÊU CHÁY MÃI
(Trọng Đạt thực hiện)

17 tuổi chị đã là một nữ văn công Trường Sơn. Nơi ấy chị đã dành cả một thời tuổi trẻ để cống hiến cho Tổ quốc, để yêu và để có thêm nghị lực. Giờ chị đã là một người vợ hạnh phúc bên người chồng luôn dành bờ vai để chị ngả đầu mỗi lúc buồn vui. Là người mẹ của hai cô con gái giỏi giang, xinh đẹp. Là một nữ doanh nhân thành đạt, với một trang trại 50 ha, lập công ty có doanh thu cả tỷ đồng mỗi tháng. Là một phụ nữ nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia, cưu mang những mảnh đời khốn khó. Nhưng chị vẫn thường tâm sự với bạn bè, nếu có thể đánh đổi tất cả để sống lại những năm tháng Trường Sơn, chị cũng không hề do dự, bởi với chị, Trường Sơn là máu thịt, là nơi tình yêu cháy mãi.

Quê chị ở thành Nam, nơi người phụ nữ vốn có tiếng đảm đang, tháo vát. Bố là cán bộ kỹ thuật, mẹ là công nhân Nhà máy dệt Nam Định. Là con thứ tư trong một gia đình có chín người con. Trong tâm trí của chị vẫn thường bị ám ảnh với hình ảnh nồi cơm còn nóng bốc hơi mà cơm đã hết rồi.

Thiếu thốn đủ đường, nhưng bố chị vẫn thường khuyên các con: "Bố không có tiền nong của cải cho các con, bố chỉ cho các con cái chữ. Nó sẽ giúp các con biết cách sống để thành người". Những lời căn dặn ấy đã theo các chị em chị suốt cuộc đời. Có lẽ vì thế mà dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu họ vẫn vượt qua thử thách, và đều thành đạt. Còn với chị, từ những lời căn dặn ấy, cùng với những năm tháng Trường Sơn máu lửa đã tiếp thêm nghị lực để sống, để chiến đấu và để hạnh phúc.

Tôi gặp chị đúng dịp cả nước đang náo nức chuẩn bị lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Chị như trẻ lại như sống lại một thời tuổi trẻ. Chị bận rộn tối ngày, không phải chỉ chuyện kinh doanh mà là tham gia các cuộc hội ngộ, những chuyến đi làm từ thiện...Và trong không khí phấn chấn ấy, chị đã kể cho tôi nghe những kỷ niệm Trường Sơn, nơi tình yêu hòa quyện trong tình đồng chí, đồng đội để rồi trong hành trang ngày trở về của mỗi người lính Trường Sơn luôn ấm áp nghiã tình.

Tuổi 14 và khát vọng lên đường

14 tuổi, cái tuổi chưa đủ trải nghiệm để cảm nhận về Tổ quốc, về độc lập. Vậy mà cô bé Vũ Thúy Lành đã trốn nhà, dối tuổi, tình nguyện vào tuyến lửa. Chị bảo: "Chính cái hối hả, gấp gáp của đất nước trong những ngày chiến tranh khốc liệt đã cuốn hút tôi". Mỗi lần cắp sách đến trường, nhìn những chàng trai, cô gái trong màu xanh áo lính khiến lòng chị háo hức, nôn nao.

Dịp đó có đoàn văn công về tuyển nữ diễn viên vào phục vụ Bộ đội Trường Sơn, chị đã tham gia và trúng tuyển vòng đầu, nhưng không ai đồng ý khi biết chị mới 14 tuổi.

Chị còn nhớ người trực tiếp làm công tác tuyển quân, chị vẫn gọi là "chú Cường". Khi biết mình không được nhận vào tuyến, chị đã gặp chú và khóc. Chị bảo: "Nhà cháu không có anh trai, nên chưa có ai đi bộ đội. Nhà ai cũng có người vào quân đội, chỉ nhà cháu là chưa có. Xin chú cho cháu đi. Nếu không cháu sẽ bỏ học và đi làm ăn thật xa". Những lời nói trong veo của một cô bé khiến “chú Cường" cảm động. Thế là "chú Cường" đã đồng ý gửi chị vào Trường múa của Tống cục Chính trị, chờ đến khi tròn 17 tuổi sẽ được vào Trường Sơn.

Tháng 12/1973 chị lên đường. Được phân công vào đoàn múa nghệ thuật của Đoàn văn công đội Tuyên văn, Sư đoàn bộ binh 968 - Quân tình nguyện Nam Lào. Tuổi 17, vừa rời xa vòng tay gia đình đã phải đối mặt với cuộc chiến. Trong tâm trí của chị không thể quên những lần đang biểu diễn thì bị lộ và bị máy bay địch ném bom, thám báo lùng bắt. Địch còn rải truyền đơn nói rằng chị đã bị bắt và đòi tiền chuộc. Rồi lần đầu tiên bị sốt rét, cơn nóng lạnh thất thường, mồ hôi rịn ra thấm vào mặt đất. Cái nóng, cái rét như từ trong ruột, trong gan. Nhưng vừa bình phục là chị lại tung tăng trên sàn diễn.

Hình ảnh cô bé Lành nhí nhảnh hồn nhiên như bông hoa thắm giữa rừng, mang đến những giây phút yên bình hiếm hoi sau mỗi cuộc đối đầu máu lửa. Là một diễn viên múa, lại thuộc sư đoàn bộ đội tình nguyện chiến trường Lào, một trong những mặt trận tàn khốc, nhiều lúc chị đã không dám nghĩ đến ngày về. Nhưng sự hồn nhiên của tuổi trẻ, lại được các thủ trưởng và đồng đội dìu dắt đã giúp chị vững vàng để đi hết cuộc chiến tranh.

Gần 40 năm qua, cứ mỗi lần có dịp ôn lại quá khứ, chị lại thấy tự hào với những tháng ngày đẹp đẽ ấy. Chị bảo: "Tôi chỉ ước ao cuộc đởi của mình có dịp sống lại những ngày oanh liệt ấy để được ôm ấp nâng niu”. Những ngày ăn lương khô, uống nước suối, đối mặt với mất mát, hy sinh nhưng thật đẹp và trong sáng.

Hình ảnh những cô gái ngây thơ, đội mũ tai bèo, sắn quần lội suối nhưng miệng vẫn hát vang bài “anh vẫn hành quân". Tiếng hát ấy có thể chưa hay, phong cách biểu diễn không chuyên nghiệp nhưng lại có sức lay động, lại đi vào lòng biết bao chiến sĩ. Với chị, Trường Sơn đã là một phần xương thịt của mình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #282 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 05:22:51 pm »

Tình yêu thuở ấy

Cô bé 17 tuổi với những điệu múa mượt mà đã lay động tâm hồn bao chiến sĩ. Qua chị, họ tìm thấy hình bóng của quê hương, của mẹ tần tảo sớm hôm. Và trong hàng nghìn ánh mắt ấy đã có một ánh nhìn đam mê. Chị đã nhận ra anh và chị đã yêu với một tình yêu lửa cháy.
Kể đến đây tôi thấy chị ngập ngừng. Chị bảo đã có nhiều người đến gặp chị với ý tưởng sẽ viết thành một cuốn tiểu thuyết, nhưng chị chối từ. Bởi tình yêu của chị được viết lên bằng cả cuộc đời, cả những mất mát, hy sinh đâu dễ đem sẻ chia với mọi người được.

Sau một năm vào chiến trường, trong một lần đi biểu diễn ở Sa Ra Van, địa danh thuộc một tỉnh cao nguyên (nước Lào) chị đã gặp anh. Lúc đó đoàn của chị ở sát một trạm thông tin thuộc một trung đoàn bộ binh. Người cùng với chị viết lên câu chuyện tình lãng mạn giữa rừng Trường Sơn có tên Nguyễn Thanh Tùng. Anh quê ở Cổ Đô, Ba Vì, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Phải 25 năm sau chị mới có địa chỉ rõ ràng thế. Khi quen nhau, rồi yêu, chị chỉ biết anh ở Hà Tây, nhưng cụ thể ở đâu thì không nhớ rõ. Tình yêu trong bom đạn đâu cần phải tìm hiểu quá nhiều.

Hai người quen nhau cũng thật tình cờ. Hai doanh trại đóng ở gần nhau, mỗi lần chị ra sân tập múa, hay ra suối giặt quần áo thì hai người gặp nhau. Chung một bờ rào, chung một dòng suối, một bến nước và tình yêu nảy nở. Tuổi 18, sẵn sàng yêu thương, vậy mà suốt 2 năm họ cũng chỉ dừng lại ở những ánh nhìn âu yếm, những cái nắm tay vội vàng. Chị bảo, đó chính là nét đẹp nhất của tình yêu Trường Sơn. Có những đôi nam nữ nằm chung với nhau trong một chiến hào để tránh đạn, nhưng họ vẫn vượt qua được ham muốn nhục dục. Bởi kỷ luật chiến trường, bởi tư cách của một quân nhân không cho phép họ vượt qua giới hạn.

Nhưng tình yêu của chị không thể tới đích. Sau hai năm quen nhau, năm 1975, đơn vị của anh về nước, tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Chị vẫn còn nhớ cái đêm chia tay ấy. Hai tiếng đồng hồ ngồi với nhau ở cổng doanh trại, lần đầu tiên họ trao cho nhau nụ hôn đầu. Động viên anh rắn rỏi lên đường, chị nói với anh rằng: vì độc lập, vì kỷ luật của người lính, không thể không chấp hành mệnh lệnh. Không thể vì tình yêu mà quay lưng với đồng đội, với Tổ quốc.

19 tuổi yêu và sống, và đã biết hy sinh. Chỉ có trong chiến tranh, trong bom đạn mới rèn đúc được những con người như thế.
Và họ chia tay với niềm tin ngày giải phóng sẽ tìm thấy nhau. Anh bảo: "Nhà anh nằm bên bờ sông Hồng. Nếu em về Việt Nam thì cứ đi dọc bờ sông Hồng là sẽ đến nhà anh". Và hàng chục năm sau chị vẫn khắc khoải nhớ câu nói ấy.

Thân gái dặm trường

Khi chia tay người yêu, do bị sốt rét, sức khỏe suy giảm nên chị không thể tiếp tục làm diễn viên múa. Năm 1976, chị được chuyển sang học nghề y tá. Tốt nghiệp chị đi phục vụ cho một đội nghệ thuật. Đến năm 1977 chị ra tuyến. Chị được cử đi học về nông nghiệp, học ghép cây, trồng lúa. Rồi chị đi chăn dê. Được giao quản lý cả đàn dê 700 con, chỉ có trong tay chiếc đàn acmonica, chị đã huấn luyện đàn dê thuần thục. Chính từ đó mà chị đam mê nghề chăn nuôi và đó cũng là vốn kiến thức đầu tiên cho con đường khởi nghiệp của chị sau này.

Năm 1978, chị ra quân và cũng là lúc chị phải đối mặt với những tháng ngày bi kịch. Chị lấy chồng, có con và thi đỗ Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Quan hệ quốc tế). Ra trường chị đi xuất khẩu lao động 4 năm tại Tiệp Khắc, với mong muốn sẽ kiếm được nhiều tiền để chăm lo cho chồng, cho con.

Ở xứ người, chị mải mê kiếm tiền, phải thức trắng đêm đan móc áo bán cho người nước ngoài. Rồi chị mua xích líp xe đạp và gửi về nước. Vất vả là thế, nhưng đổi lại là sự bất hạnh.

Gia đình chị tan vỡ. Không hiểu bằng phép lạ nào mà chị đã vượt qua giai đoạn khó khăn ấy. Một mình bươn chải để gây dựng sự nghiệp và trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Chị bảo có lẽ chính những năm tháng Trường Sơn đã tiếp cho chị nghị lực. Những kỷ niệm Trường Sơn đã làm dịu vợi trái tim chị mỗi khi rỉ máu. Và hơn hết chị còn có các con, chỗ dựa tinh thần để chị đứng dậy và sống.

Nhưng rồi hạnh phúc đã đến khi chị gặp anh V, giờ là chồng của chị. Người đàn ông điềm tĩnh, ít nói và rắn rỏi. Anh là một sĩ quan không quân. Cuộc đời của anh cũng là một chuỗi ngày bất hạnh. Vợ mất vì tai nạn giao thông. Anh ở một mình nuôi hai con nhỏ. Vốn đã quen anh từ lâu, nhưng giữa họ mới chỉ dừng lại ở tình đồng đội. Chứng kiến nỗi đau của anh, trái tim chị đã động lòng trắc ẩn. Rồi được sự vun vén của đồng đội, hai người đến với nhau. Chị bảo, khi gặp anh, chị thực sự tìm thấy hạnh phúc.

Sự đồng cảm của người lính cùng với sự trải nghiệm đằng sau những mất mát khiến anh có đủ bao dung và sẻ chia những vui buồn với chị. Sống với nhau gần 20 năm, anh không thể đem lại cho chị nguồn tài chính dồi dào, cũng không cho chị thêm một đứa con. Nhưng anh luôn dành bờ vai để chị ngả đầu sau một ngày mệt nhọc.

Chị bắt tay vào làm kinh tế từ những đồng vốn ít ỏi khi đi xuất khẩu lao động. Nắm bắt cơ hội khi đất nước mở cửa, hội nhập, chị bước vào con đường kinh doanh. Năm 2003, chị đầu tư một trang trại rộng 50 ha tại tỉnh Hòa Bình. Chị trồng keo, đào ao thả cá, chăn nuôi gà, trâu bò, dê. Tại đây, chị còn xây dựng nhà trẻ và bệnh xá, chị vừa là giáo viên, vừa làm y tá để giúp bà con địa phương.

Chị thành lập Công ty tại Bình Dương, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Rồi chị tiếp tục mở rộng chi nhánh công ty tại Hưng Yên. Chị thường tâm niệm, chính những năm tháng Trường Sơn đã cho chị kiến thức, bản lĩnh để đối mặt với thách thức của thị trường, tạo bước phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #283 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 05:23:15 pm »

Hơn cả tình yêu

Trở thành một người vợ, người mẹ, nhưng chị vẫn không quên những năm tháng Trường Sơn, nơi tình đồng đội, đồng chí còn mãi với thời gian. Trong bộn bề của cuộc sống đời thường, chị vẫn canh cánh bên lòng khi nghĩ đến "người xưa”. Không biết anh còn hay đã mất và lời hứa ngày đất nước độc lập sẽ gặp lại khiến chị quyết tâm đi tìm. Chỉ biết nhà anh nằm bên bờ sông Hồng và trong suốt 25 năm, không biết bao lần chị tìm về bên dòng sông ấy. Nếu không có một niềm tin và sự động viên của chồng, chắc chị không thể đi hết đoạn đường để tìm thấy anh.

Đã gần 10 trôi qua, nhưng chị vẫn còn nhớ cái ngày hai người gặp nhau. Đó là một buổi chiều chị đến bến xe Trung Hà, cũng như mọi lần chị lại đi tìm dọc bờ sông. Nhưng lần này may mắn hơn bởi chị tình cờ gặp một người phụ nữ, nhà cũng có người là bộ đội Trường Sơn đã hy sinh và có mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Xúc động với câu chuyện của chị, người phụ nữ ấy đã nhờ người đưa chị đi tìm. Và lần đó chị đã tìm thấy nhà anh.

Cả nhà anh xúc động khi biết chị chính là cô văn công tên Lành. Bởi những lá thư của chị gửi, anh Tùng vẫn giữ, và câu chuyện tình yêu về một cô văn công nơi hỏa tuyến anh vẫn thường kể cho mọi người. Họ gặp nhau, mừng tủi, vui sướng. Lúc này chị mới biết anh đã lấy vợ và có ba con.

Và trong hành trình đi tìm người yêu cũ, nguồn động viên nhiều nhất lại chính là chồng chị. Anh dõi theo từng bước chân của vợ. Chính tình yêu mãnh liệt của chị đã chinh phục anh, làm cho anh thấy tự hào. Chị bảo với anh rằng: “em tìm anh ấy, nếu anh ấy có là liệt sĩ thì em sẽ thắp cho anh ấy một nén nhang và sẽ thay mặt anh ấy để chăm nom bố mẹ. Nếu anh còn thì vợ chồng mình sẽ có thêm một người bạn". Và anh đã đồng cảm với chị, giúp chị tìm được người yêu cũ.

Chị tìm "người xưa" không phải để đến với nhau. Đi tìm để lời hứa trọn vẹn, để nghĩa tình Trường Sơn mãi mãi đong đầy. Hai năm quen nhau, đổi lại là cả một hành trình 25 năm thực hiện lời hứa. Chỉ khi tìm thấy anh, chị mới thanh thản. Lúc này anh đã yên bề gia thất, thấy gia cảnh anh Tùng khó khăn, vợ chồng chị đã cưu mang các con. Sau khi chu cấp cho ba người con của anh học hành, thành đạt, vợ chồng chị còn xây tặng cho anh Tùng một căn biệt thự tại Cổ Đô, bên bờ sông Hồng.

Đến khi đó, chị mới cảm thấy nhẹ nhõm, chồng chị cũng khuyên chị rằng: "Em làm thế là đủ rồi, đã đến lúc phải dành phần cho chị ấy". Giờ đây, hai gia đình họ đã trở thành những người bạn tốt. Chỉ có những người lính Trường Sơn trải qua những khoảnh khắc của sự sống và cái chết mới có những tình cảm trong sáng, vị tha đến thế.

Giờ chị đã có một gia đình hạnh phúc, các con của chị đều trưởng thành. Niềm vui lớn nhất của chị là thấy các con mạnh khỏe, thông minh. Điều mà nhiều đồng đội của chị không có được. Chính vì thế, chị coi việc làm từ thiện là cách để tri ân với đồng đội. Chị đến từng nhà, giúp vốn, giúp kiến thức để đồng đội có thể tạo công ăn việc làm. Chị không tiếc thời gian, công sức, tiền bạc để giúp những đồng đội không may mắn và những đồng vốn ấy đà giúp nhiều người thoát khỏi khó khăn.

Chưa có bài báo nào viết về chị, chị bảo mình làm là vì cái tâm, vì những kỷ niệm Trường Sơn, đâu phải để đánh bóng mình. Suy nghĩ ấy thật giản dị, nó không có ở bất kỳ trường đại học hay giáo trình đạo đức nào. Nó chỉ có được từ những năm tháng Trường Sơn khốc liệt, nhưng rất đỗi tự hào.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #284 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 05:24:49 pm »

Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
TỪ GIAN KHÓ VƯƠN TỚI MỤC TIÊU TRỞ THÀNH MỘT TẬP ĐOÀN KINH TẾ MẠNH
Vũ Ngọc Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Petrelimex

Với 41 Công ty Xăng dầu, 23 Công ty cổ phần, 3 Công ty liên doanh liên kết, 1 chi nhánh Petrolimex tại Singapore với hơn 1.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động trên khắp mọi miền của Tô quốc, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang ngày càng phát triển bền vững. Thương hiệu chữ "P” ngày càng chiếm được lòng tin của khách hàng trong và ngoài nước.

Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam tiền thân là Tổng Công ty Xăng dầu mỡ được thành lập theo Nghị định số 09/BTN-NĐ.KB ngày 12-1-1956 của Bộ Thương nghiệp và được thành lập lại theo Quyết định 224/TTG ngày 17-4-1995 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Từ khi thành lập đến nay, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Tổng Công ty luôn hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.”

Dòng xăng vào chiến trường

Ngay khi thành lập, Tổng Công ty Xăng dầu mỡ (từ tháng 4-1964 là Cục Xăng dầu mỡ) bắt tay ngay vào việc kiện toàn tổ chức, đồng thời tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghiã xã hội ở miền Bắc. Năm 1965, giặc Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc mà một trong những trọng điểm mà chúng dồn sức phá hoại là các kho, các tuyến tiếp tế xăng dầu. Cuộc chiến giành lại xăng, mở đường cho xăng vào kho, bảo vệ xăng có khi phải đánh đổi bằng máu của những người công nhân cán bộ Tổng Công ty.

Nhưng vượt qua bom đạn, vượt qua những mất mát hy sinh và những lần các tổng kho xăng dầu bị đánh phá, những chiến sĩ xăng dầu vẫn luôn đảm bảo cho dòng xăng không ngừng vươn tới chiến trường. Họ đã có mặt ở khắp các nẻo đường ra trận trên các cung đường Trường Sơn huyết mạch. Từ điểm đầu là Tổng kho B 12 tại Quảng Ninh, xăng dầu được bơm tới các kho ở Hải Dương, Hà Nội (Đức Giang), Thanh Hóa (Đinh Hương), Nghệ An (Vinh, Bến Thủy, Tân Kỳ, Nam Đàn ....)... để tiếp vận ra tiên tuyến.

Năm 1968, Trung ương quyết định xây dựng "đường Trường sơn xuyên lòng đất", những cán bộ ngành xăng dầu đã cùng chiến sĩ đường Trường Sơn làm nên một huyền thoại. Trong bảy năm (1968 - 1975), cán bộ ngành xăng dầu đã xây dựng nên đường ống kéo dài từ biển cả vào nội địa, từ Bắc vào Nam. Đường ống đó xuyên lòng biển vượt sông suối, núi đèo, cánh đồng qua cả những tọa độ lửa vào thẳng tới chiến trường để quân dân ta đánh Mỹ.

"Có ai dám vượt Cổng Trời
Để cho suối chảy ngược đồi lên non
Cổng Trời mở rộng chọc thông đỉnh đồi
Đưa bể lớn chứa xăng dầu
Khẩn trương đáp ứng nhu cầu tiền phương
"

Đó là những câu thơ, niềm tự hào rất riêng của cán bộ ngành xăng dầu khi góp tay xây dựng đường Trường Sơn xuyên lòng đất. Ghi nhận những công lao ấy, Nhà nước đã phong tặng 8 đơn vị thành viên của Tổng công ty danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 1 cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng lao động. 31 cán bộ công nhân viên Tổng Công ty đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và được công nhận liệt sĩ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, những người lính xăng dầu khi xưa bắt tay vào nhiệm vụ mới, không bom đạn nhưng cũng rất cam go, quyết liệt

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #285 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 05:25:14 pm »

Nhiên liệu cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Sau khi đất nước thống nhất, cùng cả nước vượt qua gian khó, Tổng Công ty Xăng dầu đã lập được những thành tích vẻ vang và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, một cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều cá nhân, tập thể đã được tặng thưởng Huân chương Lao động. Đó là hành trang góp thêm động lực để Tổng Công ty chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Năm 1986, Tổng Công ty chuyển sang hạch toán kinh doanh và bắt đầu giại đoạn phát triển toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu. Tổng Công ty đã phát triển sang các lĩnh vực kinh doanh như: vận tải xăng dầu viễn dương, gas, dầu mỡ nhờn, nhựa đường, thiết kế và xây lắp các công trình xăng dầu, bảo hiểm, tài chính, bất động sản, v.v.. Đến nay đã có nhiều lĩnh vực đứng hàng đầu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty tiếp tục mở rộng quy mô, hiện đại hoá hệ thống cơ sở vật chất và thiết lập mạng lưới kinh doanh xăng dầu, xác lập cơ chế kinh doanh phù hợp đặc thù từng giai đoạn; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quản lý sản xuất.. Những nỗ lực đó đã đem lại hiệu quả trong kinh doanh, đáp ứng thuận tiện nhu cầu xăng dầu từ thành thị đến nông thôn, đến vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc, vươn ra xuất khẩu dầu. Petrolimex trở thành một thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng cả nước, một địa chỉ tin cậy của các đối tác, khách hàng nước ngoài.

Hiện nay, Tổng Công ty hoạt động trên 13 lĩnh vực khác nhau nhưng đều phục vụ cho nhiệm vụ chính là kinh doanh xăng dầu. Năm 2008, lợi nhuận trước thuế của toàn Tổng Công ty đạt 1.082 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 16.500 tỷ đồng. Những lĩnh vực đặc biệt quan trọng như vận tải xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu, gas, thiết kế, xây lắp xăng dầu và sản xuất thiết bị chuyên dùng luôn khẳng định được vị thế của Petrolimex trên thị trường.

Những lĩnh vực mới như ngân hàng - tài chính, bất động sản đã và đang vượt qua những thách thức, biến động của nền kinh tế. Đặc biệt năm 2008, để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu phục vụ cho ngành hàng không, Petrolimex đã bắt đầu triển khai kinh doanh mặt hàng nhiên liệu bay, cung ứng tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang nước bạn Lào và Campuchia. Và tháng 2 - 2009, tại nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, dòng xăng dầu mang thương hiệu "Ma de in Việt Nam" lần đầu tiên xuất xưởng.

Vận tải xăng dầu: Petrohmex tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về vận tải viễn dương và vận tải bộ. Tổng Công ty có đội tàu với tổng trọng tải 300.000 DWT trực tiếp vận chuyển gần 70% lượng xăng dầu nhập khẩu. Vận tải bằng đường ống, đường bộ và đường sông đáp ứng được đầy đủ và liên tục cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang nước bạn Lào và Campuchia. Doanh thu vận tải đạt 5.737 tỷ đồng.

Các sản phẩm hoá dầu (dầu nhờn, nhựa đường, hoá chất,v.v.. tiếp tục đạt mức độ tăng trướng tích cực về số lượng và hiệu quả, khẳng định vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực như nhựa đường với sản lượng trên 110.000 tấn, doanh.thu đạt 2.909 tỷ đồng. Mặt hàng gas doanh thu đạt 1.700 tỷ, khẳng định vị trí số một về kinh doanh gas tại Việt Nam.

Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, Tổng Công ty đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Petrolimex đã và đang khẳng định vai trò chủ đạo của một Tổng Công ty nhà nước góp phần quan trọng trong việc điều tiết ổn định thị trường xăng dầu và các sản phẩm hoá dầu, cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu Đảng và Nhà nước đề ra "dân giàu, nước mạnh, xà hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Ghi nhận những thành tích nổi bật này, Nhà nước đã tặng thưởng cho Tổng Công ty Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Chiến công hạng Nhì, phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho 2 đơn vị thành viên; vinh danh 5 Chiến sĩ thi đua toàn quốc và tặng 114 Huân chương Lao động cho tập thể và các cá nhân của Petrohmex.

Phát huy truyền thống, đưa con người là trung tâm, từ đó khơi dậy sức sáng tạo, khẳng định văn hoá doanh nghiệp, Petrohmex chuẩn bị cho bước tiến trở thành một tập đoàn kinh tế nhà nước vững mạnh và năng động.

Cùng với đó, Tổng công ty tập trung vào những nhóm giải pháp sau: tiếp tục đa dạng hoá có chọn lọc các lĩnh vực kinh doanh; đẩy mạnh việc ứng dụng các dịch vụ tiên tiến; chương trình hiện đại hoá quản lý và áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh lĩnh vực hạ nguồn, Petrolimex sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực lọc dầu, hoá dầu và các lĩnh vực khác trong lĩnh vực thượng nguồn dầu khí; khai thác các tiềm năng kinh tế biển; thúc đẩy kinh doanh trên thị trường quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại Singapore - một trong những trung tâm thương mại lớn của thế giới về xăng dầu.

Và mục tiêu trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, năng động cạnh tranh thành công trên thị trường quốc tế là điều mà chúng tôi, những cán bộ, công nhân của Petrolimex tin tưởng sẽ đạt được.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #286 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 05:26:33 pm »

TẬP ĐOÀN CAO SU VIỆT NAM - TRƯỞNG THÀNH CÙNG ĐẤT NƯỚC

Tập đoàn cao su Việt Nam là một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam, có nhiều thành tựu và đóng góp quan trọng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời hòa bình.

Lịch sử kiêu hùng

Lịch sử ra đời và hình thành ngành khai thác cao su, giai cấp công nhân cao su; phong trào đấu tranh của công nhân cao su gắn liền với chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Từ năm 1858, khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên bắt đầu cuộc đánh chiếm Việt Nam, nhận thấy điều kiện thuận lợi của thổ nhưỡng ở đây thích hợp với cây cây cao su, chúng đã đầu tư phát triển cây cao su trên vùng đất Đông Nam Bộ, diện tích cây cao su vì thế tăng lên rất nhanh. Các đồn điền cao su dần dần lan rộng khắp miền đất đỏ Nam Kỳ.

Sự tăng lên về quy mô khai thác khiến người dân địa phương không đáp ứng được lượng nhân công cho các đồn điền, do đó chúng phải ra Bắc, ra Trung để tuyển mộ mà chúng hay gọi là "mộ phu” hay "chiêu mộ nhân công giao kèo". Công nhân bị bóc lột thậm tệ: tăng giờ làm, cúp lương, thậm chí bị đánh đập, lăng nhục,... do đó phong trào đấu tranh của công nhân cao su dâng cao.

Sau thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, việc bóc lột công nhân tuy có thay đổi về hình thức nhưng bản chất vẫn là một. Phong trào đấu tranh của công nhân cao su vẫn liên tục tiếp diễn.

Từ sau năm 1968 đến ngày giải phóng đất nước, mức độ bom pháo của Mỹ - ngụy càng ác liệt, các kế hoạch bình định, gom dân được tiến hành khốc liệt hơn, chiến dịch bình định của địch liên tiếp mở ra đi đôi với việc bắt lính đôn quân của ngụy quyền... Nhiều phong trào đấu tranh của công nhân liên tục nổ ra, trong đó Dầu Tiếng và Bình Sơn là hai nơi có phong trào công nhân đấu tranh mạnh mẽ và làm công tác binh địch vận đạt hiệu quả cao.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: "Lịch sử đấu tranh của công nhân cao su Đông Nam Bộ là lịch sử đấu tranh liên tục".

Trong kháng chiến chống Mỹ, rừng cao su là nơi bộ đội đóng quân. Gỗ cao su dùng làm hầm trú ẩn, hầm giấu xe tăng và pháo hạng nặng. Rừng cao su nông trường Việt Trung, nông trường Phú Quý (Quảng Bình), Bài Hà (Vĩnh Linh) đã ghi dấu chân hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vào Nam đánh giặc. Rừng cao su Đông Nam Bộ từng là cứ điểm xuất phát của những cánh quân tham gia các chiến dịch.

Tiếng súng tiến công vào mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ để giành độc lập cho dân tộc. Cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời người công nhân cao su Việt Nam vĩnh viễn chấm dứt những năm tháng nô lệ và trở thành những người chủ thật sự của những đồn điền cao su.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #287 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 05:26:40 pm »

Thời kỳ hòa bình: tập đoàn kinh tế lớn mạnh

Với địa vị mới và với niềm phấn khởi dạt dào của người chiến thắng, công nhân tích cực ra sức khôi phục sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm để làm giàu cho Tổ quốc. Qua nhiều năm đấu tranh với khó khăn và đói nghèo, ngành công nghiệp cao su Việt Nam đã từng ngày thay da đổi thịt, từng bước khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế của đất nước.

Ngày 22-4-2007, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (chuyển đổi từ Tổng Công ty cao su Việt Nam) với chức năng ngành nghề được xác định là thực hiện kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực trong đó ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chính là trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su, làm nòng cốt để thực hiện chương trình phát triển 700.000 ha cao su đến năm 2010 và làm đầu mối để phát triển 100.000 ha cao su ở các tỉnh biên giới Lào và Campuchia...

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam hiện gồm 80 đơn vị thành viên và liên kết, 4 đơn vị sự nghiệp, 22 doanh nghiệp nhà nước và hơn 50 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đặc biệt có 13 công ty được thành lập để đầu tư ra nước ngoài. Tổng tài sản của Tổng công ty cao su Việt Nam đến cuối năm 2006 là 14.350 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 7.320 tỷ đồng.

Năm 2008, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã thu được nhiều thành công, giá bán bình quân năm 2008 cao hơn năm trước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định cây cao su là cây đa mục đích có thể sử dụng cả cho các mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp. Quyết định này sẽ tạo điều kiện cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, tháo gỡ những thủ tục đất đai, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên.

Về tình hình khai thác cao su, tính đến cuối tháng 12/2008, Tập đoàn đã khai thác được 316.341 tấn cao su, đạt 105,20% kế hoạch năm, nhiều công ty đạt kết quả cao như Công ty cao su Phú Riềng đạt 114,8%; Công ty cao su Dầu Tiếng 107,4%, Công ty Cao su Bình Long 105,2%. Diện tích cao su khai thác đạt 173.903 ha, trong đó miền Đông Nam Bộ 132.161 ha, Tây Nguyên 36.518 ha, Duyên hải Miền Trung 5.223 ha, năng suất bình quân của tập đoàn đạt 1,82 tấn/ha. Trong đó có 8 công ty, 43 nông trường miền Đông Nam Bộ đạt năng suất bình quân trên 2 tấn/ha, 2 công ty, 11 nông trường Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung đạt năng suất bình quân trên 1,8 tấn/ha, chiếm 43.85% trên tổng diện tích khai thác.

Toàn Tập đoàn hiện có 40 nhà máy, xí nghiệp và xưởng chế biến mủ cao su: tổng công suất thiết kế các nhà máy chế biến là 354.500 tấn/năm, trong năm 2008 đã chế biến được 324.993 tấn cao su các loại, đạt 107% kế hoạch. Các nhà máy chế biến trong Tập đoàn không ngừng được nâng cấp cải tạo liên tục trong năm qua. Nhiều công ty được đầu tư máy chế biến, trang thiết bị hiện đại cùng với việc áp dụng quy trình công nghệ chuẩn chế biến cao su SVR đã có hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng cao su sơ chế, tỷ lệ rớt hạng giảm, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Năm 2008, Tập đoàn đã đưa dây chuyền thiết bị công nghệ mới vào hoạt động gồm: dây chuyền mủ SVR 10,20 3.000 tấn/năm, nhà máy K'dang, công ty cao su Mang Yang; dây chuyền mủ SVR 10,20 3000 tấn/năm, nhà máy Ia Chim, công ty cao su Kon Tum; dây chuyền mủ SVR 31 9.000 tấn/ năm, nhà máy Long Hà, công ty cao su Phú Riềng,..

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cao su lớn trên thế giới. Trong đó, cao su thiên nhiên là sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu gần 85% sản lượng. Nhận rõ tiềm năng của thị trường cao su thế giới và lợi ích của việc phát triển cây cao su, Chính phủ Việt Nam đã lên nhiều kế hoạch để giữ vững vị thế của ngành cao su như tăng diện tích và nâng sản lượng cao su thiên nhiên lên con số 1,5 triệu tấn.

Với lợi thế rất lớn là có khí hậu, đất đai thuận lợi, người dân đồng lòng trong việc mở rộng mô hình trồng cây cao su nên hướng mở rộng diện tích cây cao su trong nhiều vùng là hoàn toàn khả thi. Trong những năm qua, Nhà nước cũng đã tạo nhiều điều kiện để ngành cao su có thể nhân rộng diện tích cây cao su tự nhiên ở nhiều vùng trong cả nước, qua đó góp phần làm tiền đề để cây cao su Việt Nam nâng cao vị trí trên trường quốc tế.

Để tăng giá trị sản phẩm, Tập đoàn Công nghiệp cao su đã áp dụng nhiều phương thức, trong đó yếu tố khoa học công nghệ được ngành tập trung cao độ. Từ công ty mẹ là Tập đoàn cao su Việt Nam đến các thành viên khác đều chủ trương đầu tư đổi mới công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước sản xuất cao su và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #288 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 05:28:13 pm »

KHI NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ
Phan Quang - Thành Trung

Chúng tôi bắt đầu việc tiếp xúc với Tổng Công ty Đông Bắc bằng cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Đạt, ông là người gắn bó với Tổng Công ty Đông Bắc từ ngày đầu mới thành lập và là vị chỉ huy trưởng của đơn vị này từ năm 2000 tới cuối tháng 3 - 2009.

Cuộc trò chuyện với người chiến binh già đã đưa chúng tôi tìm về quá khứ, về với đường Trường Sơn huyền thoại nơi ông cùng nhiều cán bộ lãnh đạo của Tổng Công ty Đông Bắc đã từng sống, chiến đấu.

Khi ký ức vọng về, ông kể: đơn vị công binh của ông ngày ấy chốt trên điểm Trà Ang, cứ chiều muộn thì máy bay Mỹ kéo tới nã rocket thẳng vào sườn núi. Cả ngàn tấn đá đổ xuống và sau đó là đợt rải bom nổ chậm. Nhiều người lính công binh của binh Đoàn 559 đã hy sinh vì dẫm phải loại bom, mìn này khi thông đường cho xe, cho thiết giáp, pháo ta vào trận.

Chúng tôi có hỏi ông: tuổi 20 khi ấy nghĩ gì khi đến với đường Trường Sơn, đến với sự sống, cái chết cách nhau trong tấc gang? ông bảo: "Ghét thằng Mỹ xâm lược thì chúng tôi lên đường thôi, khi ấy chỉ nghĩ tới việc nhanh chóng đuổi nó đi để đất nước mình yên bình". Thế đó, cái khát vọng lớn nhất của dân tộc này là cuộc sống bình yên bởi đã có bao kẻ thù xâm lược, bao bom rơi đạn nổ trên quê hương rồi.

Cuộc kháng chiến thắng lợi, nhiều người lính công binh trong đó có Nguyễn Mạnh Đạt nhận nhiệm vụ xây dựng đường Trường Sơn phục vụ cho phát triển kinh tế, quốc phòng. Ít lâu sau, ông được cấp trên cử đi học ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, rồi về phục vụ tại lực lượng công binh Quân khu III. Khi Bộ Quốc phòng chủ trương đưa một số đơn vị bộ đội chuyển sang sản xuất và kinh doanh, xây dựng các doanh nghiệp chủ lực của quân đội, Nguyễn Mạnh Đạt đến với Đông Bắc.

Những ngày gian khó.

Người lính từ mặt trận trở về, không còn đội trên đầu mình mưa bom bão đạn nữa, những hụt hẫng là khó tránh khỏi, huống chi cũng người lính ấy nay thành doanh nhân lo miếng cơm, manh áo cho đồng đội, con em mình thì còn bỡ ngỡ lạ lùng hơn nhiều. Hơn 10 doanh nghiệp vốn là lính công binh của Quân khu III, Tăng - thiết giáp, Phòng không - không quân đóng trên địa bàn Quảng Ninh bắt đầu loay hoay làm kinh tế. Có than, có sức đấy lo gì. Buổi đầu mấy ông lính chiến nghĩ vậy! Nhưng thương trường cam go không kém chiến trường.

Mười mấy sứ quân cứ mạnh ai nấy làm, cộng với tình hình khai thác bừa bãi tự phát của người dân khiến cho việc khai thác than ở Quảng Ninh thời gian đó "hỗn loạn". Để chấm dứt tình trạng đó, Chính phủ đã có Quyết định 381 ngày 27-7-1994 và Chỉ thị 382 ngày 28/7/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập lại trật tự khai thác và kinh doanh than. Đối với các đơn vị bộ đội đang hoạt động khai thác than thì hợp nhất lại thành Công ty Đông Bắc. Với biên chế đặc thù của Bộ nhưng quản lý và phân công nhiệm vụ là của Tổng Công ty Than (nay thuộc Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV).

Lính trận, quen phá đá làm đường, quen cầm súng ngắm bắn giờ đi làm than. Chỉ nội cái việc "đào lò trong lòng đất, bóc đất trên tầng cao" cho hiệu quả cũng đã khó rồi. Không có kinh nghiệm khai thác hầm lò, không có vốn để đầu tư công nghệ nên Tổng công ty Đông Bắc làm lò hầm thủ công kiểu "xúc bằng tay, quay bằng sườn". Công sức, mồ hôi và đôi khi cả máu đổ xuống các hầm than mà đời sống cán bộ, vẫn công nhân viên chưa khấm khá. Ngay trong năm đó Công ty Đông Bắc đạt sản lượng 200 ngàn tấn nhưng có một thực tế là đơn vị nào có được mỏ than tốt thì đời sống anh em có khấm khá và ngược lại.

Và vòng xoáy thương trường khéo thử sự kiên gan của người lính. Vừa hợp nhất được bốn năm, đang loay hoay kiếm cho mình một chỗ đứng thì Đông Bắc phải đương đầu với cuộc khủng hoảng thừa. Năm đó ngành than cả nước làm được 10 triệu tấn thì có đến 20% trong số đó không xuất khẩu được. Sống cách nào đây? Nhiều hướng đi đã được đưa vào thực hiện, nhưng không khả quan.

Cuộc khủng hoảng của ngành than còn dẫn tới một tác hại khác, đó là sự giảm sút lòng tin của người dân, công nhân vùng mỏ với Tổng Công ty Đông Bắc. Khó khăn đến nỗi giờ nhắc lại chuyện xưa nét mặt vị Thiếu tướng không khỏi đăm chiêu.

Có điều gì đó như sự tự ái chăng? Không, cao hơn đó là quyết tâm khẳng định mình. Lãnh đạo của Tổng Công ty Đông Bắc đã tự hứa với mình, với người dân đất mỏ rằng: người lính cầm súng đánh giặc giỏi thì cũng làm kinh tế giỏi. Và ở Đông Bắc người ta đã thấy một cuộc cách mạng.

Vững bước trên thương trường

Vượt lên khỏi thách thức bắt đầu từ đâu? Giành lại tình cảm, lòng tin của mọi người bắt đầu từ đâu? Không thể cứ trông chờ vào cấp trên được mà phải dựa vào chính mình. Nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích đúng - sai, tìm ra nội lực của mình từ đó đề ra hướng đi phù hợp. Vậy là Tổng Công ty cơ cấu lại tổ chức.

Thay vì việc để các doanh nghiệp thành viên mạnh ai nấy làm, thì Đông Bắc thực hiện việc chuyên môn hóa cao, sử dụng triệt để thế mạnh của từng công ty thành viên. Trên cơ sở sự phân công công việc theo tính chuyên môn hóa, Tổng Công ty Đông Bắc trở thành người bao tiêu toàn bộ số than khai thác được; tùy theo tình hình thực tiễn của từng mỏ, từng vỉa than mà có giá thu mua đáp ứng được yêu cầu của người lao động.

Tác phong quân đội được đưa vào sản xuất: họp ít, bàn nhanh và chính xác; giám đốc nói là mệnh lệnh của cấp trên. Không những thế, để làm chủ công nghệ các "ông lính" còn mời cả giảng viên trường Đại học Mỏ địa chất về Quảng Ninh mở khóa đào tạo Đại học cho cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty và các doanh nghiệp thành viên.

Tiếp đó Tổng Công ty tập trung đầu tư vốn vào các mỏ than trọng điểm, bắt đầu từ các mỏ lộ thiên (mỏ có yêu cầu công nghệ không cao), tiến hành cơ giới hóa; và đầu tư cho công nghệ hầm lò. Cuộc chiến khẳng định chính mình bắt đầu từ chính cuộc cách mạng về con người và công nghệ.

Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng Công ty Đông Bắc còn đang triển khai các dự án khai thác đá, vàng ở Lào Cai, quặng sắt ở Hà Giang, crommit ở Thanh Hóa, điện đạm khí ở Bình Thuận và đặc biệt là mũi nhọn trong dự án bô xít ở Tây Nguyên. Đông Bắc giờ không chỉ bó hẹp trong phạm vi hoạt động ở vùng Đông Bắc nữa mà đã có những bước tiến vững vàng chắc chắn trên cả nước. Chúng tôi tin những người lính Cụ Hồ sẽ làm tốt cả hai nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng Tổ quốc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #289 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 05:29:17 pm »

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN VÀ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH QUA NHỮNG CON SỐ

a)   Những con số huyền thoại

Trong toàn bộ quá trình mở đường, bộ đội và dân quân xung phong đã đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá.

- Xây dựng 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 2 vạn km; 1 tuyến đường kín dài 3.140 km, hệ thống đường sông dài 500 km.

- Xây dựng đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km nối dài từ Quảng Bình, Vĩnh Linh vào tới Bình Phước. Toàn tuyến có 113 trạm bơm đẩy, 33 trạm cấp phát xăng dầu. Từ 1968 - 1975 đã nhập vào tuyến 317.596 tấn, cấp phát cho chiến trường 61.064 tấn xăng dầu.

- Xây dựng trên 4.000 km đường dây trần dùng cho máy tải ba, 11.569 km đường dây bọc thông tin hữu tuyến, 384 km dây cáp và thiết bị như 299 bộ máy thu phát sóng ngắn, 163 bộ tải ba (loại 1, 3, 6, 12 kênh); 590 tổng đài (từ 10, 30, 100 số); 15 xe điện đài (1 w, 50w, tiếp sức 401 và 104AM)

- San lấp 78.000 hố bom, phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 mìn các loại.

- Đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến 18.740 tên địch, bắt sống 1.190 tên; thu giữ và phá hủy hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng các loại; bắn rơi 2.455 máy bay

- Vận chuyển tổ chức hành quân hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ dân quân. Vận chuyển tới các chiến trường hơn 1 triệu tấn vật chất kỹ thuật .

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ngoài tuyến Tây và Đông Trường Sơn còn đảm bảo giao thông toàn tuyến đường quốc lộ 1 và 7 tuyến đường ngang khác, bắc lại 88 cầu, sử dụng trên 2.000 xe ô tô chở 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn chủ lực, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật và đưa 40 vạn quân hành quân bằng ô tô vào các chiến trường. Cấp phát 4.100 tấn xăng dầu cho các đơn vị tham gia chiến dịch.

b) Những địa danh, kỷ vật và con người huyền thoại

Trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn có gần 20.000 chiến sĩ đã anh dũng hy sỉnh, hơn 32.000 người bị thương.

- Nghĩa trang Trường Sơn hiện là nơi an nghỉ của hơn 10.300 liệt sĩ bộ đội Trường Sơn

- Chiếc xe thồ đầu tiên được đưa vào Trường Sơn từ năm 1961 là chiếc Favorit có số khung 20220, từ năm 1963 - 1965 đã thồ 1.800 tấn hàng vào chiến trường. Trong 2 năm (1969- 1970) đã chở 50 thương binh, 450 ba lô, 1.000 kg lương thực, thực phẩm.

- Chiếc bao gùi đầu tiên dùng để gùi hàng bằng vải bạt dài 0,7m, rộng 0,4 m, cho đến 15-3-1970 đã gùi được 50 tấn hàng, 915 kg công văn từ các chiến trường.

- Đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất trên tuyến đường là Tiểu đoàn cao xạ 36 đã bắn rơi 157 máy bay Mỹ.

- Anh hùng Nguyễn Viết Sinh (Tiểu đoàn 11, Bỉnh trạm 3) trong gần 6 năm làm nhiệm vụ gùi, thồ vận chuyển hàng vượt Trường Sơn, tổng cộng đã đi 1 chặng đường vượt độ dài vòng quanh trái đất.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM