Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:46:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167519 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #210 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2010, 05:10:56 pm »

Gió rừng!

Rời khỏi lừa bếp vào rừng chỉ cần ba năm mà chưa ngã xuống là người lính mặc nhiên đánh mất khá nhiều những khái niệm cơ bản của thủ tục đời thường. Trận mạc liên miên. Sáng rừng, trưa rừng, tối rừng, đêm rừng và sáng mai tỉnh dậy, chao ôi, lại vẫn rừng. Rừng xanh thế mà rờn rợn tâm hồn. Xanh như không thể xanh hơn được nữa. Trong màu xanh có màu đỏ. Trong gió xanh có cả hương vị diêm sinh, xương thịt ngào vào.

Chiến tranh là lý trí, là lý tưởng nhưng chiến tranh cũng là bản năng, là tự vệ. Tự vệ mù mịt. Tự vệ triền miên, nỗi nhớ gia đình, nhớ hậu phương, nhớ bờ môi ngọt lịm người tình Trưng Vương bỗng nhạt dần thành không. Ngày sinh, ngày Tết, mùa nắng mùa khô cũng chỉ còn là mờ ảo. Ngày nào cũng hành quân, nắng mưa đều nổ súng, ngày Tết còn chôn nhau thì mọi cái mốc ước lệ kia đâu còn có ý nghĩa gì.
Khổ chịu được, chết cũng chịu được, thậm chí chịu hết sức nhẹ nhàng, nhưng sự hẫng hụt trong tâm hồn thì đúng là tan hoang thật. 
Chặng đời binh đao có ba lần hẫng hụt.

Lần thứ nhất, cả trung đội đùm bọc, dắt díu nhau hành quân suốt nửa năm mới vào đến nơi, nửa năm là bao nhiêu kỷ niệm là bao nhiêu buồn vui, gắn bó đến tận cùng máu thịt vậy mà đến nơi, bỗng bị xé ra mỗi người mỗi ngả. Ngơ ngác, chống chếnh, cô đơn như bị bỏ rơi, như bị một trái B52 mồ côi dội giữa đội hình. Nhưng rồi cảm giác đó cũng qua thật nhanh. Những trận đánh, những đêm bôn tập, những cơn sốt rét, những ngày đói ăn... đã cuốn con người vào vòng quay nghiệt ngã của nó khiến cho đầu óc không còn giây phút nào trở về được sự tĩnh lặng mà nhớ mà thương.

Lần thứ hai mới thật sự bàng hoàng. Nhằm đúng những ngày Mậu Thân, lệnh xuống nửa đêm: tất cả chuẩn bị Tổng tiến công, tổng công kích vào hang ổ của kẻ thù! Chúng ta sẽ ăn Tết một cái Tết chiến thắng giữa lòng nhân dân, giữa lòng đường phố, xóm ấp.

Chao ôi là cái mệnh lệnh chứa đựng đầy khát vọng nhân văn. Thế là sống rồi, thắng lợi rồi, sắp được trở về nhà rồi. Mẹ ơi, con sắp về với mẹ đây. Em ơi, ráng chờ anh thêm ít ngày nữa nhé. Lúc ấy hình ảnh người thân mới phá vỡ cái vỏ bọc vô cảm ùa về. Thôi, phen này vĩnh biệt bạn bè không may còn nằm lại, vĩnh biệt dòng sông nằm vùng bám trụ đêm đêm có tiếng bìm bịp kêu ẩm ướt trong lòng nước, tiếng con tắc kè nào khàn khàn đếm tuổi trên chạc cây, vĩnh biệt những ngày ở rừng khố nhưng mà vui, vĩnh biệt tất cả để ngày mai làm thằng người tự do, xoải chân trên xa lộ, ngẩng đầu đón nắng gió, ghé vào vệ đường húp một tô phở nóng bỏng môi, thêm một ly trà đá mát rượi, dẫu có chết cũng cam lòng.

Thế là chẳng ai bảo ai, cứ bấm nhau bỏ, ném quách lại mọi thứ bấy lâu đã trở thành cứu cánh, đã trở nên quá đỗi thân yêu. Ngày mai vào thành rồi, nồi niêu, cuốc xẻng, bao tượng, thùng đại liên, tăng võng rườm rà, rách rưới... còn cần gì đến nữa. Các chú mày đã hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử của các chú mày rồi, ở lại nhé, bọn tao đi đây, mai này nếu còn sống, thỉnh thoảng sẽ ghé vào thăm chơi.

Cuộc chia tay hân hoan và bịn rịn với rừng diễn ra như thế. Như diễn ra một lần cho mãi mãi. Ai dè, chiến tranh là bao hàm một hệ thống những ai dè, sau hai lần ào ra trong tư thế xông lên như chẻ tre chẻ trúc, mấy tháng sau các đoàn quân lại lặng lẽ trở về rừng, tâm tư trĩu nặng, quân số hao đi quá nửa, nhìn nhau nửa cười nửa khóc. Và rưng rưng bảo nhau, thôi đành vậy, ngã keo này bày keo khác, lại chịu khó xuống sông mò lên nồi niêu, cuốc xẻng để ngày mai ta sẽ làm lại từ đầu.

Làm lại! Cái động từ mang ý nghĩa mệnh lệnh thức ấy vang lên tưởng như mới dễ dàng trôi chảy làm sao vậy mà cũng phải đến cả mấy tháng sau thế giới tâm hồn người lính mới lấy lại được thế cân bằng.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #211 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2010, 05:11:04 pm »

Lần thứ ba xảy ra sau đó bốn năm, vào những ngày đầu của năm 1973 khi hiệp định về hoà bình ở Pa ri vừa được ký xong. Lại nửa đêm lệnh xuống: thời cơ đã đến, tất cả dời rừng ra ấp ra phố, khẩn trương chồm lên giữ đất giữ dân không cho kẻ thù lấn chiếm. Tức là lại ra với cuộc đời. Lại nắng gió, lại lộ mặt, lại hủ tiếu lại cà phê.

Nhưng lần này, như có sự mách bảo âm thầm của tâm linh, không ai vứt lại cái gì cả. Cứ coi như một trận đánh mới lạ trên toàn tuyến đi rồi lại về Khát vọng bỗng có độ lùi. Niềm say sưa bỗng có độ chín chắn xen vào. Và đúng là trở về thật. Trở về thật nhanh như cái mệnh lệnh chồm lên kia chỉ vang lên trong mơ. Trở về vì đối phương tráo trở không chấp hành hiệp định. Vẫn là sự trở về lặng lẽ nhưng bình thản hơn. Cũng hụt hẫng nhưng là cái hụt hẫng có chuẩn bị trước. Và vì vậy mà chỉ mấy ngày sau những cây súng đã lấy lại được thế tự tin trấn ngự ở các cửa rừng.

Và lần thứ tư, đúng hơn là lần thứ ba vì lần thứ nhất suy cho cùng chỉ là một cú hụt hẫng, may sao, chỉ xảy ra sau đó có hai năm. Năm 1975, cũng là mùa xuân. Mọi cuộc tấn công giải phóng sao bao giờ cũng là mùa xuân, lạ quá! Là lính vùng ven sát nách Sài Gòn nên cuộc tổng tiến công đến chậm. Mọi bước đi thần tốc của đại quân chỉ được nghe qua đài, qua mật báo cơ sở và qua chính đôi mắt hãi hùng của đối phương mỗi lần va đụng.

Ba lần ra đi hai lần trở lại.

Đây là lần thứ ba. Bất quá tam. Ông bà nói vậy. Liệu lần thứ ba này có là lần cuối cùng không? Hay là... Một hy vọng cháy lên, một thất vọng kéo xuống. Mỗi lần trở lại là mỗi lần già đi, vật vã, tê lạnh, tinh thần thể chất bị huỷ diệt như chết đi một nửa, nói phỉ thui, lần này mà còn trở lại nữa thì rồi không biết điều gì sẽ xảy ra với sức chịu đựng của người lính, sức người có hạn, thà cứ đánh cho liền mạch rồi đến đâu thì đến.

Để rồi vào một ngày đầy nắng ba mươi tháng tư, dường như hơi xuân, nhựa sống, khí đất khí trời, lịch sử, non sông đã thấu hiểu được nỗi lòng của người lính, thấu hiểu được nỗi khổ đau của con người mà cùng kéo về phù hộ cho cái nung nấu ngàn năm kia được biến thành hiện thực. Năm cánh quân tràn vào. Năm đại dương khát vọng tràn vào. Cái gì cần đến đã đến. Đạo lý đã thắng phi nhân. Điều chính trực đã vượt lên trên đầu tà khí. Vượt lên trên những nấm mồ đồng đội để ca khúc khải hoàn tức tưởi và kiêu hùng giữa thành đô. Mười người ra đi là chín người không có mặt trong ngày vui đại thắng này.

Gió rừng đã thổi vào bếp lửa. .

Nhân nghiã đã thắng hung tàn. Tư tưởng của thi nhân bất hủ Nguyễn Trãi một lần nữa lại được hiển hiện giữa tầng cao chói sáng. Tuy cái giá phải trả là không thể lường trước được.

Trong đó có cái giá của những ngày Tết Mậu Thân năm xưa đã làm kinh động đến tận cội rễ ý chí xâm lược kiêu ngạo của đối phương. Một cái giá thật đắt để tạo lập nên một chiến tích bất diệt, mãi mãi huy hoàng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #212 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2010, 05:12:00 pm »

GẶP NGƯỜI "ĐƯỢC" TRUY ĐIỆU SỐNG HAI LẦN
Châu Nho


Dọc đường Hồ Chí Minh trong chuyến đi làm cuốn sách "Trường Sơn- Đường khát vọng", sực nhớ ông bạn Lại Đăng Thiện- người được đơn vị truy điệu sống hai lần mà cả hai lần Diêm Vương đều từ chối, chúng tôi ghé thăm anh.

Nhà anh ở Tân Kỳ, Nghệ An, cách cột mốc số không 15 km về phía bắc. Từ khi có đường Trường Sơn trải nhựa, anh rời làng ra bám mặt đường trồng cây cảnh kiếm sống. Nói chuyện với anh cứ phải hét thật to vì di chứng bom nổ, tai điếc. Tôi và Thiện hai đứa cùng làng, nhập ngũ lại cùng đơn vị Tiểu đoàn 27 công binh, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Gặp chúng tôi, anh tất bật, tay bắt, mặt mừng:

- Trưa rồi, mời các ông ở lại ăn cơm. Các ông thích món gì?:

- Gà nấu xáo- tôi đáp.

- Cá nấu cháo á?

- Gà xáo ! Tai ông thật là... . .

- Ờ ờ gà xáo gà xáo.

Thế rồi anh xăng xái đi ra ngoài. Tôi ở lại, bất giác những kỷ niệm cũ hiện về... 

Lễ truy điệu sống lần thứ nhất .

Tháng 11 năm 1967 tại phà Long Đại, Quảng Bình. 

Long Đại là bến phà trên sông Hiền Ninh, đường 15 Quảng Bình. Long Đại với tần suất bom đạn dày đặc liên tục được mệnh danh là "long đầu”. Mỗi chiến sĩ công binh trấn ải ở đây được chia mỗi ngày 15 - 20 quả bom các loại, bom bi như cơm bữa. Lấy Long Đại quay bán kính 2 km, quân bình mỗi ngày có 15 - 16 trận oanh tạc, đủ các cỡ loại bom chờ nổ chậm, bom từ trường, bom nổ hẹn giờ, không quy luật nào cả. 

Tại đây đã ba ngày đêm không thông xe, bờ Bắc các loại xe pháo nằm ngụy trang dài hàng kilômét bên đường Trường Sơn. Bộ tư lệnh Quân khu 4 chỉ thị cho D27: Bằng mọi giá mở đường máu thông phà. Với 2 phương án: Rà bom bằng nam châm và dùng bộc phá chìm xuống sông kích nổ đều không có hiệu quả số lượng bom nổ rất ít nên Tiểu đoàn trưởng Phạm Nhưng đưa ra phương án 3 là dùng ca nô kích nổ bom bằng cảm tử quân.

Tổ 4 người do Lại Đăng Thiện làm tổ trưởng gồm Nguyễn Văn Hương, Hà Huy Ty và Đậu Anh Côi được sự chấp thuận của lãnh đạo bởi bốn quyết tâm thư bằng máu xin làm cảm tử quân. Bốn chiến sĩ đứng yên dưới mưa, trăng đầu tháng lờ mờ, nghe chính trị viên Trần Sĩ Khiêm và Trung đội trưởng Phạm Thế Khang giao nhiệm vụ. Phía trước pháo sáng, bom máy bay địch thả liên hồi.

Lễ truy điệu trước giờ xuất kích đơn giản, chóng vánh. Sau khi đọc quyết tâm thư và điếu văn, đứng trước bến phà là 4 con người, trông họ như 4 vị tướng thời cổ đại. Xung quanh người phồng lên phao cứu sinh, đầu đội mũ sắt, chân đất. Họ nhìn lại đoàn quân, nhìn xuống dòng sông nơi cái chết đang thách thức họ. Tiếng chính trị viên hỏi lớn: Các đồng chí có quyết tâm không? Cả tổ dõng dạc hô vang: Chúng tôi quyết tử cho bến phà sống mãi.

Cùng lúc đó 4 người chạy ào xuống ca nô. Có tiếng máy bay, kẻng cảnh giới: Tất cả sơ tán, lùi lại dạt ra hai bên đường. Hai pháo sáng địch phóng ra, cả bến phà rực lên như ban ngày. Năm phút, mười phút trôi qua, pháo sáng tắt. Tiếng hô của tổ trưởng: Xuất kích.

Tiếng ca nô gầm lên, lao vút về phía bờ Nam như một mũi tên, hai phía bom nổ, những cột nước cao hơn mái nhà trắng xóa, bom dâng những cột nước cao mờ mịt cả bến sông. Ca nô chòng chành, nghiêng ngả gần phía bờ Nam, một cột sóng tung cả ca nô lên trời rồi rơi xuống - bốn người tung bốn phía. Chúng tôi lặng lẽ, hồi hộp chờ,...

Ba phút sau, bỗng chiếc ca nô chồm lên vòng trở lại, người tổ trưởng giơ tay vẫy vẫy chúng tôi. Ca nô chạy tiếp hai vòng, thêm 3 quả bom nổ lẫn trong tiếng hô: "Thuyền cao su cấp cứu bờ Nam". Bỗng một cột nước dâng cao đẩy nghiêng ca nô, người lái ca nô cuối cùng bị hất lên bờ. Tiếng B trưởng Cao Chung báo cáo: Đã nổ 16 quả - thông bến, ba chiến sĩ bị thương đang cấp cứu.

Từ trong động Phong Nha đoàn thuyền sắt nối đuôi nhau ra nhanh chóng ghép thành một con phà và được một ca nô dắt ra cập bến.
Xe pháo lần lượt qua sông lên đường. Pháo sáng lại thả, có lẽ địch nhận được tín hiệu từ những cây nhiệt đới có xe pháo di chuyển nên chúng chuẩn bị thả đợt bom chờ nổ mới .
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #213 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2010, 05:12:34 pm »

Lễ truy điệu sống lần thứ hai.

Bến phà Linh Cảm có ba bờ Nam Đàn, Hương Sơn và Đức Thọ nằm ở ngã ba dòng sông La và sông Ngàn Phố. Qua tọa độ lửa Truông Bồn gặp ngay Linh Cảm, từ đây đi vào Nam hoặc vượt của khẩu Cầu Treo qua Lào.

Linh Cảm - Bến Thủy- Ngã ba Đồng Lộc là tam giác lửa của không quân Mỹ.

Tháng 2/ 1968 tại đây đã hai ngày không thông bến vì đài quan sát phát hiện nhiều bom nổ chậm. Ba đội rà phá bom: Bờ Bắc Nam Đàn do B trưởng Lê Duy Ý chỉ huy các chiến sĩ Hồ Xuân Thìn, Lê Văn Quang, Nguyễn Đức Trí, Nguyễn Văn Tiến. Phía bờ Nam do Trung đội Lê Doãn Dần, Hoàng Đức Thân, Nguyễn Văn Cảnh, Lê Tiến Chấn dùng bộc phá kích nổ. Dưới bến phà lúc này tiểu đội ca nô do Vũ Ngọc Chương chỉ huy làm cảm tử quân gồm có Đậu Anh Côi Nguyễn Xuân Tình, Lại Đăng Thiện.

Lễ truy điệu có đại diện phòng công binh Quân khu 4 Phạm Văn Tánh. 16 giờ ngày 18 tháng 2 năm 1968 Vũ Ngọc Chương xuất kích đầu tiên, sau 3 vòng nổ 8 quả, ca nô hất văng Vũ Ngọc Chương, bị thương nặng anh vẫn gắng hết sức bình sinh cho ca nô lao tiếp vòng thứ 4, thêm 2 quả nổ hất tung ca nô, Vũ Ngọc Chương hy sinh. Đậu Anh Côi được thay, chiếc ca nô móp méo, vượt sóng lao về bên kia bờ, 3 quả nổ hất ca nô dạt về bờ bắc. Nguyễn Xuân Tình, Lại Đăng Thiện thay thế. Đậu Anh Côi bị thương, chạy 4 vòng nổ 12 quả. Pháo hiệu thông bến.

Bây giờ trở lại với đời thường, Thiện trồng cây cảnh và làm thơ. Những vần thơ dung dị, run rẩy thấm đượm tình yêu cuộc sống. Những lúc một mình, anh thường lặng lẽ. Với tôi, Lại Đăng Thiện là người anh hùng thực sự.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #214 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2010, 05:14:52 pm »

CHƯƠNG BA
TRƯỜNG SƠN - BẢN ANH HÙNG CA BẤT TẬN

Những vần thơ trên "Con đường chạy thẳng vào tim”
Nguyễn Trọng Tạo .

Mỗi lần nhớ về Trường Sơn, tôi lại nhớ về con đường mòn ấy. Con đường mòn từng nâng bước những đoàn quân kháng chiến. Con đường mòn huyết mạch nối hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam nước Việt.

Con đường mòn - CON ĐƯỜNG CHẠY THẲNG VÀO TIM những người yêu nước luôn khát khao đất nước mình thống nhất, hòa bình và giàu mạnh. Con đường ấy giờ đã thành đại lộ Hồ Chí Minh xuyên Việt. Giờ chạy xe bon bon trên con đường ấy, tâm trí của tôi luôn hiện lên ký ức xa xưa của một thời làm anh bộ đội vượt đèo lội suối với ba lô trên lưng và khẩu súng trên vai cùng với những bài thơ bài hát như một hành trang tinh thần không thể thiếu trong cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng và đau thương của dân tộc.

Có thể nói, Trường Sơn là đề tài nổi bật trong thơ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dòng văn học chiến tranh cách mạng. Những người thanh niên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa thuở ấy luôn ấp ủ giấc mơ "vượt Trường Sơn" đánh giặc. Và họ đã "vượt Trường Sơn" trên con đường mòn ấy. Họ không chỉ là người lính cầm súng, mà chính lòng yêu nước và tâm hồn lãng mạn cách mạng đã chắp cánh cho họ làm nên những bài thơ lưu danh vào sử sách.

Và cũng có thể nói, Trường Sơn đã "đẻ" ra cho đất nước thật nhiều nhà thơ lính, mà Phạm Tiến Duật là một nhà thơ hàng đầu của thế hệ nhà thơ thời chống Mỹ, cứu nước. Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng thừa nhận điều đó: "Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã "đẻ" ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn".

Vâng, tâm hồn những người lính Trường Sơn thời ấy thật đẹp, họ nhìn cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh với cái nhìn lạc quan, và luôn tin vào chiến thắng:

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn
.



Không có kính, rồi xe không có đèn.
Không có mui xe, thùng xe có xước, 
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.


Những người lính ra trận hầu hết là lính trẻ, nhưng họ đã có những suy nghĩ thật sâu sắc về tình yêu đất nước:

Trời không mây mà lạ lắm hôm nay
Đường ra trận lòng ta thành náo động
Sờ lên súng thấy bàn tay mình nóng
Hiểu đốt lòng người đâu chỉ lúc xung phong
.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #215 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2010, 05:15:01 pm »

Và họ luôn mang theo truyền thống hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc:

Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...


Và họ biết phải dồn nén tất cả những gì cho ngày về chiến thắng:

Đất Nước Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng cứng như sắt thép 
Xa nhau không hề rơi nước mắt.
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt 


Những nhà thơ trên con đường sinh tử ấy luôn hiểu được cái giá máu xương của cả dân tộc để có được hòa bình thống nhất: .

Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định, 
Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba
Những ngã ba vận mệnh
Những cái nút trên đêm dài lịch sử
Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc .
Ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu.


Ngay cả với cái chết, luôn được coi là sự hy sinh, là cao cả, là đẹp - vẻ đẹp của sự dâng hiến cho lý tưởng chung của cuộc chiến đấu:

Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng.


Cái chết của đồng đội, của người thân luôn là lời kêu gọi đối với người đang sống:

Em ra đi chẳng để lại gì 
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống ...

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #216 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2010, 05:16:20 pm »

Thơ Trường Sơn cũng là thơ nói lên ý chí của cả một dân tộc trong cuộc chiến đấu chung. Vì vậy mà nó đồng điệu về tư tưởng, nó lạc quan về tinh thần, và mạnh mẽ về giọng điệu. Nó như một giàn hợp xướng nhiều bè, nhưng lại quán xuyến trong tổng thể của giai điệu chính.

Những “nhà thơ Trường Sơn" thời đó làm thơ cho mình, nhưng cũng là làm thơ cho đồng đội, cho dân tộc mình trong dòng mạch cả dân tộc "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Thời mà nhiều câu thơ cũng là câu khẩu hiệu, là lời hiệu triệu cho kháng chiến thành công. Thời mà thơ ào ào chất liệu cuộc sống chiến đấu. Thời của gian khổ, hy sinh, trên bom, dưới đạn, nhưng cũng đầy tính lạc quan thường trực của người lính chiến. Thời "có những ngày vui sao / cả nước lên đường" với những "tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” để rồi những câu thơ như reo lên suốt đường ra trận: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm", “Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân!"...

Cái nhìn của người lính vào cuộc chiến như vậy có lạc quan quá hay không? Có là sự thật hay không? Sau cuộc chiến nhìn lại thấy có gì như là tô hồng lên, nhưng thử sống lại tâm trạng những người lính thời đó thì quả là đúng như vậy. Những người lính ra đi từ cổng trường đại học, từ cổng trường trung học... vốn nhiều mơ mộng, lại sải chân tới những vùng quê, vùng rừng tươi đẹp của đất nước quảlà gặp nhiều bất ngờ thú vị.

Thời của "cái chết nhẹ như lông hồng" đối với những chàng trai cô gái tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho lý tưởng chung. Đó cũng là thời mà anh lính Trường Sơn Phạm Tiến Duật cũng bất ngờ phát hiện ra một "định luật" mang tính vật lý của cuộc sống: “giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ".

Nhưng không chỉ có mộng mơ, lạc quan và chiến thắng, thơ của những người lính Trường Sơn viết về Trường Sơn vẫn còn rỏ máu trong từng con chữ. Hàng vạn người lính đã nằm lại với Trường Sơn hùng vĩ. Hàng vạn bài thơ khóc bạn đã ra đời. Và hình như càng lùi xa cuộc chiến, nỗi đau càng thấm đẫm vào con chữ.

Những người lính Trường Sơn xưa, nay trở lại Trường Sơn tìm bạn. Rừng đã khép lại vết thương chiến tranh, nhưng vết thương trong lòng người thì mãi còn rỉ máu. Những ngôi mộ có tên và không tên. Những bài thơ có đề và không đề Tất cả đều hiện lên nỗi niềm người lính:

"Chết - Hy sinh cho Tổ quốc
Hùng ơi! Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng.


Đến cả tiếng ve cũng kêu "mất - còn", cũng khắc khoải gọi người:

Ve kêu mất - còn
Tiếng kèn chiêu tập
Ve kêu mỏi mòn
Nhắc thời máu ứa
"Về chưa... về chưa?"
"Về chưa ... về chưa?"
Cũng đành nhắc lại
Với mồ không tên và mộ có tên
Đến cả cỏ cùng xanh vì người đã khuất:
Những bó hoa đến viếng đã tàn đi
Chỉ sắc cỏ vẫn sinh sôi mãnh liệt
Xanh đến rợn người
Xanh đến nhức mắt
Xanh như là vì máu đỏ mà xanh


Và Trường Sơn là núi, là đường, là mộ, là con đê chở che cho bạn hữu, chở che cho dân tộc trường tồn:

Ở đó, những con sóng chiến tranh dai dẳng không mùa
như răng kẻ xâm lược
cắn vào dân tộc tôi
cắn vào lục đị này ...
bốc lửa cánh đồng
bốc lửa rừng cây
dãy Trường Sơn máu ứa
dân tộc tôi mang thương tích đứng lên .
trùng trùng rừng xanh núi đỏ
bao người con hy sinh
sóng dạt vào đất đá
nhập với Trường Sơn dựng lũy thành ...


Rồi những đời sau sẽ hiểu tâm hồn người lính một thời qua những bài thơ Trường Sơn thuở ấy, những bài thơ như những cột mốc, hoa tiêu hay tượng đài của sự hy sinh cao cả trên dọc dài lịch sử.

50 bài thơ tuyển chọn trong cuốn sách này chỉ thể hiện một phần tâm hồn của những người lính, những nhà thơ gắn bó với Trường Sơn trong cuộc chiến tranh qua. Còn hàng nghìn, hàng vạn những bài thơ, những trường ca của lính và những người kháng chiến đã công bố hoặc chưa công bố. Và chúng ta đọc thơ họ, đọc tâm hồn lẽ sống của họ, đọc quá khứ vinh quang và cay đắng của dân tộc mình những năm ngàn cân treo sợi tóc hẳn không khỏi tự hào về thời oanh liệt ấy, thời con đường 559 - Đường Hồ Chí Minh - đã nối liền đất nước bị cắt chia, đã làm nên chiến thắng vẻ vang trong công cuộc bảo vệ và kiến thiết Tổ quốc mình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #217 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2010, 05:18:11 pm »

50 BÀI THƠ TRƯỜNG SƠN
Nguyễn Trọng Tạo tuyển và giới thiệu

Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây
PHẠM TIẾN DUẬT

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa nay đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khóc
Như anh với em, như nam với bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền.
Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không.
Em thương anh bên tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù
Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cói gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.
Đông sang tây không phải đường thư
Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Đông Trường Sơn, cô gói “ba sẵn sàng"xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.
Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn, nối Tây Trường Sơn. .

Bài thơ về tiểu đội xe không kính
PHẠM TIẾN DUẬT

Không có kính không phải vì xe khòng có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gì vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim ..
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như sa vào buồng lái
Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời .
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước.
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #218 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2010, 05:19:04 pm »

Gửi em, cô thanh niên xung phong
PHẠM TIẾN DUẬT

Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất
Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần .
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn”
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn ư
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.
Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bọn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim “Thạch Nhọn”
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung tăng cả rừng chiều.
Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mê
Đất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim
Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Đường trong tim anh in những dấu chân.
Chiếc võng bạc trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gói
Đâu em tinh nghịch của anh?
Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Đêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường
Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà .
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em! thương em! thương em biết mấy...
Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình đường mới to xây
Đõ có độ dài hơn cả độ dài
Của đường sá đời xưa để lại
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất.
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi.
Em là cô thanh niên xung phong.

(Bài thơ viết tại Đức Thọ, năm 1968)

Năm 1965, địch ném bom miền Bắc, Hà Tĩnh- mà đặc biệt là ngã ba Đồng Lộc là một túi bom của bắc miền Trung. Một năm sau, theo tiếng gọi thiêng, O Nhị và bạn bè lên đường, người đi bộ đội vào các chiến trường, người vào thanh niên xung phong đến với những trọng điểm bị địch bắn phá ác liệt để bảo vệ những chuyến giao thông nối từng phút lộ trình bắc-nam. O Nhị vào ngã ba Đồng Lộc thuộc quân số của C4 - Tổng đội Thanh niên xung phong 55 khi O tròn 20 tuổi.

O Nhị nhớ lại thời mình trở thành nguyên mẫu bài thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật. "Hồi đó, đoàn xe của đường dây 559 trong Nam ra thì dừng lại Đức Thọ. Một anh bộ đội có cái mũi rất thẳng và giọng bắc ngọt lịm nhỏ nhẹ như con gái. "Quê em ở đâu?" O trả lời. "Quê em qua Thạch Bằng rồi đến Thạch nớ là Thạch Nhọn eng nờ”. Cả tiểu đội con gái cười giòn như pháo. Sau đó anh bộ đội ấy hỏi rõ mới biết Thạch Nhọn là Thạch Kim, và mãi sau này bài thơ phát trên đài O mới biết anh đó là Phạm Tiến Duật và là nhà thơ, nhà báo chứ lúc đó biết ông là ai? Khi bài thơ được phát thì đơn vị có gọi O lên khiển trách "tại răng lại đi nói dối anh bộ đội”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #219 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2010, 02:09:31 pm »

Ngã ba Đồng Lộc
HUY CẬN

Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta,
Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc
Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba
Và có nhiều ngã ba nổi tiếng:
Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của một đại châu, sóng dựng trùng trùng,
Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to
Như những mạch máu khổng lồ
Trên thân hình trái đất
Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói,
Có những ngã ba là nơi gặp gỡ cho những dòng văn minh lớn, đông, tây, kim cổ...
Tất cả những ngã ba trên, con có thể học biết
(trong sách địa dư, trên những bản đồ),
Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh nữa...
Xong rồi, con có thể quên
Nhưng con ơi, con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc
Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định,
Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba
Những ngã ba vận mệnh
Những cái nút trên đêm dài lịch sử
Gặp những ngã ba đời con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc.
Là ngã ba nhưng nào có phân vân
Nào có đắn đo do dự
Là ngã ba trên những đường quyết liệt
Nhưng hướng đi đã quyết
Không phải cho một lần
Mà cho tất cả mọi lần
Không phải cho một người
Mà cho tất cả quê hương, đất nước.
Hướng về Nam, một nửa mình Tổ quốc
Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước,
bằng sông, bằng thuỷ triều lên xuống
Hay bằng đá, bằng đất
Bằng xi măng cốt sắt
Bằng vôi trắng, gạch nâu
Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu
Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã,
Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu.
Khi con về quê con nhớ viếng thăm
Mộ mười cô kề bên đường đỏ.
Các cô như còn đứng đó
Chờ lấp hố bom
Đường thông xe các cô mới đi nằm.
Các cô để lại tuổi thanh niên
Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi
Cho đất nước, quê hương
Hồn trong như suối
Bình minh đời sống rực vừng dương...
Con sẽ tìm thăm mời cô La Thị Tám
Từ trường học lại về trận địa đầu non
Đứng giữa đàn bò bê mũm mĩm
Trên sườn núi cao cỏ đã mướt màu xanh
Như mảng da non trên thân thể đang lành
Cô sẽ chỉ con xem
Những hố bom loang lổ
Như đất trên mặt trăng
Mỗi thước vuông ba quả bom to bự
Cô sẽ chỉ con xem
Nghìn vạn điểm lăn bom nổ chậm
Cô từng đến cắm cờ
Mỗi lần chạy đua với cái chết
Đôi Chân cô nhanh hơn kíp nổ,
Cô là một ngọn cờ đỏ của quê ta.
Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi
Những năm tháng chiến tranh ác liệt
Nghìn vạn chuyến xe đi
Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc
Máu qua tim máu lọc
Xe vượt ngõ ba xe xốc tới miền Nom.
Và con ơi, bố ngồi nghĩ miên mon:
Bạn bè ta trong cơn gió lốc
Hẳn cũng đang vượt những ngã ba Đồng Lộc,
Những ngõ ba Việt Nom.
Dọc đường dài kẻ địch còn găm
Nhiều bom nổ chậm
Nhưng chẳng hề chi.
Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám.
Nhiều Võ Thị Tần
Đường sẽ thông xe đi về các mọng.


(Hà Tĩnh 1971)

- Chị La Thị Tám chuyên phát hiện bom nổ chậm, cắm cớ bên cạnh bom để xe tránh và để hướng dẫn đội công binh đến phá bom, chị đã được tuyên  dương Anh hùng.

-  Chị Võ Thị Tần đội trường đội thanh niên xung phong (10 cô) chuyên lấp hố bom đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ: toàn tổ đã được tuyên dương Anh hùng
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM