Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 08:31:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167927 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #190 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:32:35 pm »

Cũng ngay tại Hà Nội, tôi đã gặp lại một số đồng đội cũ hiện nay đang có đời sống sung túc. Chẳng hạn như V.X hồi chiến tranh, anh là lái xe Trường Sơn. Mùa hè năm ngoái khi tôi gặp lại thì V.X đã là một giám đốc của một tập đoàn kinh tế mạnh. Tiền anh kiếm được chủ yếu là tiền thưởng được công bố công khai nhờ làm lợi cho tổng công ty. Chỉ trong năm 1998, riêng cá nhân anh đã làm lợi cho tổng công ty trên một trăm tỷ đồng.

Cách đây vài năm, một nhà báo ở Thái Bình có một bài phóng sự về hàng chục sư nữ ở tỉnh ấy nguyên là bộ đội và thanh niên xung phong Trường Sơn. Lần theo địa chỉ bài báo, tôi đã đến tận nơi và thấy tài liệu của nhà báo ấy là đúng sự thực. Chỉ một ngôi chùa ở huyện Kiến Xương kề gần thị xã Thái Bình đã có đến ba sư nữ xuất xứ từ Trường Sơn, trong đó có một sư thầy nguyên là đội viên thanh niên xung phong của Tiểu đoàn 25, Binh trạm 14. Tôi chỉ nói thêm rằng họ không hề bi luỵ, mà ngược lại, rất giác và rất ngộ công việc từ thiện mà họ làm, cũng chẳng mong thành Phật mà trước hết là để quên mình lần nữa cho chúng sinh.

Không làm sao biết hết được, hàng triệu lượt người đã đến với Trường Sơn những năm tháng ấy đang sống ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Tuy chưa được gặp lại, nhưng tôi hoàn toàn tin rằng, từ lâu họ đã hoà nhập với cuộc sống thường nhật đầy vất vả nhưng còn giữ mãi cốt cách của những người đã từng sống và chiến đấu trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Trường Sơn người cũ giờ này ở đâu?

Vâng, cái "con voi" tên là 559 thì bây giờ không thấy, nhưng cái "ngà voi" rất dài thì vẫn tồn tại: Đó là Binh đoàn 12 - Binh đoàn Trường Sơn. Bộ Tư lệnh Trường Sơn thì giải thể nhưng gần 20 đơn vị cấp sư đoàn và trung đoàn (chủ yếu là các đơn vị xe, công binh và các đơn vị kỹ thuật) thì vẫn tồn tại và tồn tại một cách đáng tự hào.

Tuy nhiên, chỉ có các sĩ quan chỉ huy là có người cũ ngày nào. Đội ngũ các chiến sĩ thì là mới cả, đa phần sinh trước và sau năm 1975 chút ít và chỉ biết Trường Sơn đánh giặc thông qua các lời kể. Điều này cũng dễ hiểu, lịch sử đánh Mỹ của Trường Sơn dù dài đến 16 năm vẫn ngắn hơn chặng đường sau chiến dịch của Binh đoàn 12: hơn 20 năm.

Vấn đề làm kinh tế ở nước ta không phải là vấn đề mới. Phan Đình Phùng đã trụ bám ở Trường Sơn trên 10 năm, vừa đúc súng, chế tạo đạn dược, luyện quân vừa làm kinh tế để nuôi quân, chuẩn bị cho việc đánh thực dân Pháp. Việc bộ đội làm kinh tế bộc lộ phẩm chất tốt đẹp là sự không phân biệt tố chất của người chiến sĩ, phần nào là lính, phần nào là dân. ấy thế mà khi chiến tranh kết thúc, Bộ đội Trường Sơn đang còn quản lý một khối lượng xe, máy (ô tô vận tải các loại máy húc, máy ủi, xe lu, máy trộn bê tông...) và các phương tiện kỹ thuật với một khối lượng khổng lồ.

Và thế là một chặng đường mới của Bộ đội Trường Sơn lại được mở ra. Công việc đầu tiên của họ là một công việc mang tính lịch sử: tham gia sửa chữa và xây dựng tuyến đường sắt nối liền Nam-bắc mà suốt mấy thập kỷ đã bị cắt rời và băm nát. Cùng thời điểm, họ còn xây dựng cơ bản Đường Hồ Chí Minh dọc theo Đông Trường Sơn có tổng chiều dài tới 1920 km.

Tôi sẽ không nói tới tất cả các công việc mà đơn vị "hậu duệ" của 559 đã làm, chỉ cốt nhấn mạnh đến một số việc có ý nghiã để các thế hệ mai sau này không thể quên: làm thủy điện Sông Đà (cả hai đơn vị tham gia đều được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lao động); đường dây siêu cao áp 500 kv Bắc-nam; đường ô tô cấp cao Bắc Thăng Long-Nội Bài; tham gia xây dựng lại đường số 1 đường số 5; xây dựng lại nghĩa trang đồi A1 và Sài Gòn Điện Biên Phủ; nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo và nhiều công trình khác. Góp phần xây dựng đường sá, cầu cống, các công trình về y tế, văn hoá... tại Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào sau chiến tranh, 5 đơn vị của Binh đoàn 12 đã được Nhà nước ta tuyên dương đơn vị Anh hùng.

Hiện nay, Binh đoàn 12-tên giao dịch là Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn là một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước ta đang tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trường Sơn người cũ giờ này ở đâu? 

Câu hỏi ấy là câu nhắn tìm đồng đội. Sau biết bao nhiêu năm, sống chết có nhau, giờ mong mỏi được biết về nhau, được gặp lại.

Câu hỏi ấy cũng dành cho tất cả những ai từng một lần tới Trường Sơn nhưng trong sâu thẳm của trái tim vẫn dành một góc cho những người xẻ núi mở đường vào mặt trận ngày nào.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #191 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2010, 03:16:54 pm »

MANG CẢ TRƯỜNG SƠN VỀ NHÀ SỐ 4
Ngô Vĩnh Bình


Tôi về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội 30 năm nay và có cái may mắn là được cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhiều thế hệ nhà văn thuộc đủ các sắc lính, như: đặc công có ông thiếu tướng Dũng Hà, ông đại tá Chu Lai; thông tin có các ông đại tá Anh Ngọc, Hồng Diệu, Lê Thành Nghị; quân tiên phong có tướng Hồ Phương; hải quân có ông thượng tá Trần Đăng Khoa, ông đại tá Tô Nhuần; trinh sát có các ông đại tá Nguyễn Minh Châu, Khuất Quang Thuỵ; quân y có ông đại tá Nguyễn Khải; pháo binh có ông đại uý Ngô Thảo, tư pháp có ông đại uý Nguyễn Đình Tú; vốn là lính lái xe có các sĩ quan trẻ Đỗ Tiến Thuỵ, Phùng Văn Khai...

Với Bộ đội 559, với Bộ đội Trường Sơn thì thời nào cũng có, lúc nào cũng có thể gặp các nhà văn "từ trong rừng ra" nơi " nhà số 4" (trụ sở toà soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở số 4 phố Lý Nam Đế Hà Nội), mà là lính Trường Sơn thực sự chính hiệu.

Người mang Tây Nguyên - Trường Sơn ra Thủ đô giải phóng (1954) trước tiên là nhà văn Nguyên Ngọc. Bấy giờ ông là một anh chiến sĩ còn rất trẻ, mới 22 tuổi. Ra Bắc tập kết có chừng hai năm, ông cho trình làng luôn cuốn tiểu thuyết viết về Tây Nguyên nổi tiếng Đất nước đứng lên và được Tổng cục Chính trị điều liền về Văn nghệ Quân đội tham gia Ban biên tập đầu tiên của tạp chí này và tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất với tư cách là hội viên sáng lập Hội (1957).

Cuốn Đất nước đứng lên với nhân vật Anh hùng Núp và dân làng Bông Hoa đã đem đến cho bạn đọc phương Bắc một cái nhìn mới về một Trường Sơn - Tây Nguyên hùng vĩ và bất khuất. Tiểu thuyết đã được nồng nhiệt đón nhận và sau đó được trao Giải thưởng Văn nghệ Vệt Nam (1954- 1955), được tái bản rất nhiều lần, dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia, đưa vào văn tuyển trong nhà trường...

Trong lần vượt Trường Sơn trở lại chiến trường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này, ông lại có Rừng xà nu (1969) - một tập truyện ký không chỉ mang hơi thở nóng bỏng của chiến trường Tây Nguyên mà còn có sức lay động, cổ vũ rất lớn đối với nhân dân miền Bắc, đặc biệt là lớp trẻ trong sự nghiệp " Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" lúc bấy giờ. Tập truyện Rừng xà nu sau khi xuất bản đã được tặng nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải Lotus của Hội Nhà văn Á Phi.

Đến bây giờ, Nguyên Ngọc vẫn được coi là nhà văn có những trang viết hay nhất về mảnh đất " mái nhà Đông Dương "và là một trong những chuyên gia hàng đầu về Trường Sơn Tây Nguyên của nước ta.

Nhà văn Xuân Thiều cũng là người có những trang viết đáng nhớ về miền đất này. Trước khi giữ cương vị Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội ông đã có nhiều năm tháng chiến đấu dọc Trường Sơn với tư cách là phóng viên mặt trận với bút danh Nguyễn Thiều Nam.
Thôn ven đường - tiểu thuyết; Chiến đấu trên mặt đường ký sự cùng các truyện dài truyện ngắn: Người quản tượng và con voi chiến sĩ, Chuyện làng Rapông, Truyền thuyết quần tiên ... là những tác phẩm xuất sắc viết về cuộc chiến đấu anh hùng của bộ đội và nhân dân ta trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn trong những năm ác liệt nhất. Những trang viết ấy ngời ngời lửa đạn, nhưng cũng đậm đặc chất thơ, nặng tình đồng đội, nặng nghiã đồng bào và chan chứa tình yêu đôi lứa.

Trong số này có những tác phẩm được trao Giải thưởng văn nghệ Giải phóng, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; đồng thời cũng có những tác phẩm một thời bị coi là "có vấn đề" vì "dám" viết cả những chuyện thuộc về mặt trái của cuộc chiến tranh.

Có một vị tướng cùng thời với Nguyên Ngọc và Xuân Thiều viết ít nhưng kỹ tính trong văn chương là ông Nguyễn Chí Trung. Ông cũng là nhà văn "từ trong rừng ra”. Nói đến ông là người đọc nghĩ ngay tới Bức thư làng Mực viết năm 1969 và mới đây là Rừng khóc của Nàng út- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008. Bức thư làng Mực như bài ca ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tác phẩm được viết cùng năm với thiên tuỳ bút Đường chúng ta đi của Nguyên Ngọc. ông là nhà văn có gắn bó máu thịt với Trường Sơn, đặc biệt là miền đất Khu 5 kiên trung.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #192 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2010, 03:17:42 pm »

Nhưng nhà văn chính hiệu Trường Sơn - 559 lại là Đại tá - nhà văn Lê Lựu. ông nổi tiếng bởi các tiểu thuyết Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội và nhiều cuốn sách khác viết về nông thôn Bắc Bộ ... nhưng người ta vẫn cứ bảo ông là nhà văn của 559 bới vì ông vào Trường Sơn từ những năm đầu của công cuộc mở đường-mở rừng. ông có tiểu thuyết Mở rừng viết về con đường huyền thoại này từ đầu những năm 70, thế kỷ XX, nhưng có lẽ cái "công” lớn của ông với Trường Sơn không chỉ là tác phẩm mà là ở chỗ đã quần tụ được rất nhiều nhà văn áo lính đến với miền đất này ngay từ những năm lửa khói.

Bấy giờ các lớp tập huấn viết văn do Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Tổng cục Chính trị thường được tổ chức "tại trận". Ở những lớp trai ấy Lê Lựu được cử làm người chủ trì, lo tất các khâu từ chọn học viên, chọn người lên lớp, tổ chức đi thực tế, chấm bài...Cho đến hôm nay đã 40 năm có lẻ qua đi rồi mà những người viết vẽ "đồng môn" hồi ấy gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng, vẫn khôn nguôi những kỷ niệm đẹp về Trường Sơn những năm lửa khói.

Hồi Lê Lựu còn công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh chị em viết văn, làm thơ, sáng tác bài hát, vẽ tranh về đề tài Trường Sơn từ các đơn vị địa phương vẫn thường hay lui tới phòng ông. Nhà văn Nguyễn Việt Phương, các hoạ sĩ Đức Dụ, Phạm Lực, các nhà thơ Trọng Khoát, Trần Nhương... ở Tổng cục Hậu cần tuần nào cũng có mặt. Nói lớn, đọc thơ cũng lớn, cười cũng lớn là Trọng Khoát, ông đại tá này không chỉ có nhiều thơ mà còn có cả một kho “tiếu lâm" về Trường Sơn. Nguyễn Việt Phương thì là một tổng kho tư liệu về con đường xuyên Việt vĩ đại này. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cũng phải lặn lội tìm đến hỏi cụ.

Có những người không tham gia các trại viết, trại sáng tác Trường Sơn nhưng viết và vẽ nhiều viết và vẽ thành công về đề tài đường Trường Sơn, nổi danh vì những sáng tác về Trường Sơn cũng rất hay lui tới thăm Lê Lựu, lui tới "nhà số 4" để gặp gỡ nhau; trao đổi, thông tin cho nhau về đồng đội cũ, về Trường Sơn hôm nay, về những sáng tác mới của mình.

Trong số này có Phạm Tiến Duật - một "danh nhân Trường Sơn", một "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại", một nhà thơ của Bộ đội Trường Sơn mà ai cũng biết, ông không phải là người có biên chế ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng anh em ở tờ tạp chí này luôn coi ông như người nhà giống y như nhà văn Đỗ Chu vậy ông được bạn đọc biết tới sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 với chùm thơ viết về Trường Sơn: Lửa đèn, Nhớ, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong, sau đó là các tập thơ Vầng trăng quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971 ) ...

Thơ ông là cả một Trường Sơn thu nhỏ với những anh bộ đội lái xe vui tính, những chiến sĩ công binh mở đường quả cảm, những cô gái thanh niên xung phong hồn nhiên tinh nghịch ...; những "vùng rừng không dân" với rất nhiều hoa thơm cỏ lạ, rất nhiều chim thú quý và nhiều hơn cả là lửa khói đạn bom. Với những bài thơ về Trường Sơn những năm chiến tranh vừa hiện thực sinh động vừa lãng mạn, có cả "quầng lửa" có cả "vầng trăng”, có bom rơi, có máu đổ nhưng cũng có anh có em, có trai có gái, có "nhìn nhau mặt lấm cười ha ha", có "khăn xanh khăn xanh phơi đầy nắng sớm”.

Phạm Tiến Duật đã trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất trong thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ và như thế đương nhiên ông là nhà thơ tiêu biểu nhất của Bộ đội Trường Sơn, bộ đội đường dây 559.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, người cũng có nhiều bài thơ hay viết về Trường Sơn nói chính anh Duật là người đầu tiên đã đưa được cả Trường Sơn vào thơ, về thành phố, về Hà Nội, về nhà số 4. Có những khi vui chuyện, anh Duật nói, không có những năm ở Trường Sơn, không có Quật.

Lại có nhà phê bình văn học khen thơ ông, cám ơn ông; nói chính ông và các nhà thơ thế hệ các ông đã làm nên một thời đại trong thơ ca Việt Nam. Nghe vậy Phạm Tiến Duật cười kể lại một câu chuyện vui ông bảo, khi nghe bài thơ Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (được Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng) có người bảo cảm ơn mình vì câu thơ "muỗi bay rừng già cho dài tay áo", mình cười "ô hay, sao lại cảm ơn Duật, phải cảm ơn muỗi chứ!".

Cho đến hôm nay bài hát Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây cùng với các bài hát Lá đỏ (Hoàng Hiệp phổ thơ Nguyễn Đình Thi ), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung phổ thơ Nguyễn Trung Thu), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung phổ thơ Gia Dũng) ... vẫn là những bài ca về Trường Sơn hay nhất, sống mãi với thời gian.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #193 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2010, 03:18:18 pm »

Tác giả bài thơ Bài ca Trường Sơn - nhà thơ Gia Dũng cũng là người của "nhà số 4". Ông vốn là lính Sư đoàn 312 anh hùng nhiều năm có mặt ở Trường Sơn, ông viết bài thơ Bài ca Trường Sơn với những câu đầy lãng mạn cách mạng: Trường Sơn ơi / Nơi mà ta qua không một dấu chân người / Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác / Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát / Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi ...

Những câu thơ bây giờ đọc lại có người tỏ ra nghi ngờ, sao lại "đường ra trận mùa này đẹp lắm"?, đi chiến đấu chứ đi trẩy hội đâu mà “ngắt một đoá hoa rừng cài lên mũ ta đi"?, nhưng ở vào thời điểm cả dân tộc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / mà lòng phơi phới dậy tương lai" (Tố Hữu), hoặc như “có những ngày vui sao / cả nước lên đường” với những "tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” (Chính Hữu) là một sự thật.

Vì thế, bài thơ Bài ca Trường Sơn của Gia Dũng vừa mới ra đời đã được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc và nhanh chóng trở thành bài hát có sức lay động, cổ vũ hàng triệu con tim tuổi trẻ nâng bước họ lên đường chiến đấu. Với thanh niên Việt Nam những năm tháng ấy, câu thơ của Tố Hữu: Trường Sơn đông nắng tây mưa / Ai chưa đến đó như chưa rõ mình là thơ mà cũng là lời hiệu triệu, là lời của nước non kêu gọi người người lên đường đuổi giặc.

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu tác giả phần lời bài hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác cũng là người hay lui tới trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội để gặp gỡ những đồng đội viết văn, làm thơ ở Trường Sơn năm nào, bởi ông cũng là một nhà thơ áo lính. Rời Trường Đại học Tổng hợp lên đường nhập ngũ, ông vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường B.

Một đêm nghỉ lại giữa đại ngàn cùng trăng sao, cùng tiếng suối chảy, cùng tiếng hát văng vẳng, ông chợt nhớ tới Bác Hồ - vị cha già dân tộc năm nào nơi núi rừng Việt Bắc... và trong ông bật lên thành thơ: Đêm Trường Sơn / Chúng cháu nhìn trăng nhìn cây / Cảnh về khuya như vẽ / Bâng khuâng chúng cháu nghĩ / Bác như đã đến nơi này/ ơi đêm Trường Sơn/ nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa / Mà ngỡ như từ Pác Bó suối về đây ngân nga / âm vang Trường Sơn, âm vang Trường Sơn / Đường Trường Sơn mang bóng hình của Bác / Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước / Con đường của Bác mới đi qua...

Bài thơ hoàn thành ngay sáng hôm sau khi ông và đồng đội tiếp tục cuộc hành quân đánh giặc. Bài thơ là tấm lòng thành kính, là lời hứa của những người lính với Bác nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã vạch ra – con đường "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giữ cho được độc lập tự do”. Sau khi được phổ nhạc, sức lan toả cả bài thơ càng được lan rộng đến bây giờ, "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" vẫn là một trong những khúc ca hay nhất viết về tình cảm của người lính nói chung, của Bộ đội Trường Sơn nói riêng đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu.

Nói về những người lính, những nhà văn đã mang cả Trường Sơn về thành phố, về với Thủ đô với ngôi nhà số 4 còn phải kể đến nhiều tên tuổi khác. Đó là Chính Hữu với những Ngọn đèn đứng gác, Nguyễn Minh Châu với những Dấu chân người lính, Những người đi từ trong rừng ra, Những cánh rừng đầy giấy bay; Nguyễn Khải với Tháng ba ở Tây Nguyên, Khuất Quang Thụy với Trong cơn gió lốc. rồi Trung Trung Đỉnh với cuộc Lạc rừng. Đó là những tác phẩm xuất sắc viết về Tây Nguyên - Trường Sơn của các nhà văn áo lính. Những tác phẩm mà nói đến con đường huyền thoại Trường Sơn, nói đến một thời "Xẻ dọc Trường Sơn” của dân tộc ta mà người đời sau sẽ không thể không nhắc tới.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #194 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2010, 03:19:10 pm »

Đường Trường Sơn, Bộ đội 559 trong chiến tranh đã về thành phố theo những trang sách, những bài ca như thế. Đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh và cả Tây Nguyên hôm nay cũng về thành phố, về Thủ đô cùng những bài ca, những trang văn ngày nối ngày. Viết về bộ đội làm kinh tế ở Tây Nguyên, Nguyên Bảo có tiểu thuyết Giám định của đất, nhà văn trẻ Đỗ Tiến Thuỵ có tiểu thuyết Màu rừng ruộng; viết về vùng kinh tế mới nơi đây, Nguyễn Trí Huân có tập truyện ngắn Cao nguyên không xa xôi... và nhiều nữa. Đặc biệt là những trang viết của Nam Hà và Nguyễn Hữu Quý.

Ngay từ khi ta làm đường lớn - đại lộ Hồ Chí Minh và đường dây tải điện 500 kv, nhà văn Nam Hà - tác giả của những câu thơ bất hủ Đất nước của những người con gái con trai / Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép / Xa nhau không hề rơi nước mắt / Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt " đã khoác ba lô, bắt xe tải cùng những người thợ đường dây vượt Trường Sơn một lần nữa để có tập bút ký 500 trang mang tên Dặm dài đất nước. Cuốn sách được Hội Nhà văn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Giải thưởng cao, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt khen ngợi và ký lệnh cấp cho một chiếc xe ô tô con. Chiếc xe này hiện anh em phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân đội vẫn đang sử dụng

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý hiện là Đại tá -Trưởng ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng ông vốn sinh ra ở vùng gió Lào cát trắng dưới chân dãy Trường Sơn và là lính của Binh đoàn 12- Bộ đội Trường Sơn. Những bài thơ đầu tiên của ông là những bài viết về Trường Sơn và ông được mọi người biết đến cũng là nhờ những bài thơ này, trong đó nổi nhất là bài Khát vọng Trường Sơn viết dâng hương hồn 10.000 liệt sĩ đang nằm lại Nghiã trang Trường Sơn với những câu: Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn / Mười nghìn bài ca trong bài ca lớn / Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc /Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta /Mười nghìn con đò thương về bến đợi / Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa... Bài thơ được trao giải cao nhất trong cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức (1996) và được 3 nhạc sĩ (Phạm Tuyên, Võ Thế Hùng, Văn Chừng ) phổ nhạc thành ba bài hát cùng tên.

Ngoài ba bài hát này, bài Trường Sơn tóc dài của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cũng là bài phổ thơ Nguyễn Hữu Quý. Hơn 30 năm khoác áo quân nhân, trong đó có gần 20 năm là lính Trường Sơn những trang viết của anh (cả thơ, bút ký, truyện ngắn) dường như trang nào dòng nào cũng in đậm chất Trường Sơn, dấu ấn Trường Sơn.

Năm nay - 2009, Kỷ niệm 50 năm Đường Trường Sơn huyền thoại Nguyễn Hữu Quý lại vừa hoàn thành tập trường ca Vạn lý Trường Sơn. Anh tiết lộ, tập trường ca mới của anh không chỉ là "Một nghìn, một vạn Trường Sơn trong một Trường Sơn mà còn có cả máu và nước mắt của nhiều thế hệ chiến sĩ Trường Sơn nửa thế kỷ qua”... Và như thế, tôi nói: nếu như nói Phạm Tiến Duật là nhà thơ của Trường Sơn hôm qua thì cũng có thể nói Nguyễn Hữu Quý là nhà thơ của Trường Sơn hôm nay.

1959 - 2009, 50 năm Trường Sơn cũng là chẵn 50 năm có một đề tài Trường Sơn hiện hữu sáng ngời trong văn học, có một đội ngũ các nhà văn áo lính thế hệ sau nối thế hệ trước tâm huyết với đất và người Trường Sơn, gắn bó máu thịt với những trang viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Đội ngũ nhà văn ấy, những trang viết ấy không chỉ góp phần làm phong phú thêm mà còn tạo nên nét độc đáo của văn học Việt Nam hiện đại.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #195 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2010, 03:19:57 pm »

NHỮNG CHỚP SÁNG KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN
Thanh Thản


Mỗi người lính đã đi qua Trường Sơn đều có một Trường Sơn của riêng mình. Với những người đã nằm xuống thì đành một nhẽ. Nhưng với những người còn sống, tới bây giờ những đỉnh cao Trường Sơn vẫn còn in đậm trong ký ức. Thỉnh thoảng những chớp sáng ký ức lại rực lên...

1

Cự Nẫm, cái tên đã vang lên trong bài hát vượt thời gian của Nguyễn Văn Thương "Bình Trị Thiên khói lửa", là tên của một ngôi làng nhỏ, rất dễ bị lãng quên nếu nó không nằm trên trục đường giao liên, nếu nó không từng là "bệ phóng” cho những đoàn quân lên Trường Sơn.
Làng ấy, như bàn tay của người mẹ vuốt lên tóc con ngày con lên đường ra trận, như cái vẫy tay cuối cùng của đất Quảng Bình tiễn những đoàn quân lên đường 559. Cái làng ấy, cũng là nơi lính ta đã đặt ra biết bao chuyện tiếu lâm mà nhân vật chính là "bọ”, với vô số những đối thoại cười ra nước mắt của "bọ" và các con lính.

Ai đi qua Trường Sơn mà chẳng đã ngủ một đêm cuối cùng trên đất Bắc, đêm cuối ở hậu phương tại ngôi làng ấy. Nghe nói, bây giờ, sau chiến tranh ngót một phần ba thế kỷ, mà ngôi làng vẫn nghèo như thuở ấy, dân làng vẫn khổ như xưa. Có lẽ nói "như xưa” là chưa chính xác, đứng ra, phải nói là "khổ hơn xưa”, vì "ngày xưa” ấy, ngày nào làng cũng đón các đoàn quân ghé lại trước khi lên Trường Sơn, và những người lính với những ba-lô nặng trĩu lương thực, đã san sẻ bớt cho bà con trong làng những gạo, sữa bột ngọt, lương khô... một phần vì tình cảm quân dân, một phần để cho ba-lô bớt... nặng, trước khi vào cuộc đi bộ leo núi dài ngày.

Chiều ba mươi Tết năm ấy, chúng tôi đã có cuộc "liên hoan” cuối cùng với các bọ, các mẹ trong làng, gọi là "ăn Tết trước", kịp để 6 giờ chiều là lên đường. Thực đơn bữa liên hoan gồm có bánh kẹo, lương khô 701, chè Ba Đình, thuốc lá Điện Biên, được coi là một "thực đơn" vào hạng sang lúc bấy giờ. Tôi nhớ cái màu trời chiều 30 Tết, nhớ những mái nhà lợp lá gồi, lợp tranh nhỏ thấp, nhớ những mẹ già cũng thấp nhỏ dưới khung trời xám, nhớ cái không khí cuối cùng của đất Bắc mà chúng tôi sẽ không còn được thấy nữa vào đúng sáu giờ tối 30 Tết.

Bây giờ, sau ngót 40 năm, tôi vẫn chưa có dịp nào quay trở lại Cự Nẫm, càng khó hơn nếu quay lại đúng chiều 30 Tết. Hàng triệu người lính đã qua ngôi làng ấy, đã ngủ một đêm cuối cùng ở đó trước khi vượt Trường Sơn, mấy ai trong số họ quay trở lại nơi ấy được một lần nữa? Và những mái nhà tranh thấp nhỏ đã từng đón hàng chục vạn người lính qua đêm, võng mắc chéo hai tầng, những ngôi nhà ấy vẫn thấp bé mãi vậy sao?

2

Những tiếng súng mừng xuân nổ trước hang đá. Vòm hang âm u giữ lại rất lâu những âm thanh đột ngột trong buổi sớm đầy sương. Trạm 5. Đất Lào. Tỉnh Tà-ven-oọc (Mặt trời mọc). Những chàng trai trẻ măng lố ngố. Những cô gái trẻ măng cười thật tươi, dù mới nín khóc" (trích nhật ký).

Sáng mùng một Tết, không có pháo đốt, chúng tôi đã bắn mấy phát súng mừng xuân. Trước khi hành quân, chúng tôi đã có 15 phút để ăn Tết trên Trường Sơn với đủ cả khóc cười. Khóc nhớ nhà và cười vui như trong một cuộc dã ngoại. Chúng tôi đâu biết những gì sẽ chờ mình phía trước. Nhưng đời là vậy, cứ còn sống là còn khóc còn cười. Dù chiến tranh có bộ mặt đáng sợ như thế nào, chẳng bao giờ nó dập tắt hết được những tiếng khóc và những nụ cười.

Kể từ bước chân mở lối đầu tiên của đoàn quân ông Võ Bẩm, khai sinh con đường 559, đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng, nơi vết bàn chân người lính ăn lõm đá, nơi cái chết đồng hành hàng ngày cùng cái sống, nơi những nấm mộ mọc lên như những cọc tiêu chỉ đường, thì tôi vẫn thấy suốt 2 nghìn cây số ấy, những giọt nước mắt và những nụ cười.

Có lúc người ta chỉ viết về những nụ cười mà quên hoặc cố né tránh những giọt nước mắt. Có lúc, người ta lại chỉ viết về những giọt nước mắt mà không biết sự có mặt của những nụ cười. Tôi cũng đã từng ngạc nhiên: sao ở Trường Sơn mà vẫn còn những kẻ ác, những tên cơ hội, những thằng hèn? Đó là cái ngạc nhiên của người chưa trưởng thành, ở đâu mà chẳng có những người hiền kẻ ác, can đảm và hèn nhát, trung thực và cơ hội? Trường Sơn cũng là một mảng của cuộc đời này, dù là một mảng đặc biệt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #196 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2010, 03:20:54 pm »

3

Tôi không thể quên một vụ "hạ cờ tây" (thịt cầy tơ) dọc đường. Chúng tôi xé một nửa chiếc chăn mỏng đổi cho đồng bào Khơ me lấy một chú vện. Một tiểu đội trưởng được miễn mang ba lô để ôm chú vện. Đến trạm đã 7 giờ tối. Trong chốc lát triển khai xong kế hoạch. Tôi được phân công gác máy bay. Một cậu nữa gác trạm (gác “đằng mình"). Bộ phận chủ công thịt cầy dưới lòng suối cạn. Phải che kín ngọn lửa, đề phòng máy bay địch và các đồng chí trong trạm phát hiện.

Hơn nửa giờ sau, mọi việc đã hoàn tất. Có cả dồi, nướng, luộc. Có cả thứ rau rừng thơm mùi húng quế. Có cả bi-đông rượu "đồng bào” hơi nhạt nhưng cũng gây được không khí. Chúng tôi hể hả liên hoan". (trích nhật ký). Từ hơn hai chục năm nay, tôi tuyệt đối không ăn thịt chó, nhưng phải thú thật bữa "hạ cờ tây” trên Trường Sơn năm ấy là bữa liên hoan ngoại hạng, ngon nhất mà tôi được ăn từ trước đến nay. Ngon và vui.

Anh đã bao giờ thấy một đàn công rực rỡ bảy màu đột ngột bay lên trước mắt mình? Anh đã thấy một cánh rừng đầy những giò hoa phong lan nở thơm ngát? Anh đã thấy... Nếu không gặp những cái đẹp nho nhỏ những niềm vui nho nhỏ như thế, làm sao chúng tôi đi qua được Trường Sơn.

4

“Buổi sáng ấy tôi bước vào tuổi 25
Ở đường dây 559 - trạm 73
ngày sinh nhật bắt đầu bằng cơn sốt
cổ đắng khô ngồi thở trên đỉnh dốc
bạn mở bi-đông nhường hớp nước cuối cùng
hớp nước cuối cùng giữa cơn sốt đầu tiên
ngày sinh nhật tuổi 25 mình được uống"

(Trích “Những người đi tới biển") 

Rất ít khi tôi nhớ ngày sinh nhật của mình, càng không bao giờ tổ chức lễ sinh nhật. Nhưng ngày sinh lần thứ 25 giữa rừng Trường Sơn, với cơn sốt rét đầu tiên, với hớp nước cuối cùng bạn tôi nhường cho trong cơn khát hoa mắt... là những gì tôi cứ phải nhớ mãi. Với tôi, có được một "lễ sinh nhật” như thế là đủ cho cả một đời.

5

Mỗi người lính đã đi qua Trường Sơn đều có một Trường Sơn của riêng mình. Với những người đã nằm xuống thì đành một nhẽ. Nhưng với những người còn sống tới bây giờ, thì thỉnh thoảng, Trường Sơn lại sừng sững hiện lên trước họ như một thách thức. Lại phải leo dốc. Lại chinh phục những đỉnh cao của riêng mình. Lại khóc và lại cười. Đôi khi lại nghe thoang thoảng hương hoa phong lan. Và có lúc nào, trong giấc mơ, được trở lại con đường mòn ấy, thấy hiện trước mắt, không phải một con gấu ngựa, mà rực rỡ cả một đàn công bay lên với đủ bảy màu ...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #197 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2010, 03:21:58 pm »

ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH XUYÊN LÒNG ĐẤT
Tuấn Phùng


Đi qua "tam giác lửa"

“Nếu mọi người gọi đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn là một huyền thoại thì công trình đường ống dẫn xăng dầu vượt Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại đó". Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - đánh giá như vậy về công trình đường ống vượt Trường Sơn đưa xăng dầu vào chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong vòng sáu năm (6/1968 đến 2/1975), những người lính xăng dầu đã làm nên một "đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất” dài gần 5.000KM từ biên giới Việt - Trung vào Bình Phước. Một huyền thoại lịch sử đã được ghi. Huyền thoại về những người đã lập nên kỳ tích và về những người đã ngã xuống để đường ống xăng dầu thông suốt vào Nam. .

Đối xăng bằng máu

Cuối tháng 3/1968, Mỹ tăng cường ném bom nhằm chặt đứt giao thông ở các tỉnh khu IV để băm nát "khu vực cán xoong" từ vĩ tuyến 19 trở vào. Đặc biệt, ba trọng điểm phà Bến Thủy - Nam Đàn - Linh Cảm bị đánh bom triền miên tạo thành một "tam giác lửa" ngăn chặn vận chuyển từ miền Bắc vào. Ngã ba Đồng Lộc cũng bị ném bom cày đi xới lại tạo thành điểm tắc, xe vận tải, xe chở xăng khó lòng qua lọt.
Chiến sĩ đưa xăng qua suối: các đoạn ống cao su nối nhau bị thiếu nên phải dùng ống lồ ô khoét rỗng để nối vào .

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn nhớ như in những ngày đứng ngồi không yên vì xe không vượt qua được tuyến lửa để vào Trường Sơn:
"Lúc này ở Trường Sơn, gần nửa tháng Đoàn 559 không còn xăng cho cơ giới hoạt động, kế hoạch vận tải cho mùa khô có nguy cơ bị trì hoãn. Có lúc cả ngàn xe vận tải nằm chờ. Thiếu xăng nên đạn, lương thực, quân nhu không vào được chiến trường. Thiếu gạo, thiếu muối, khẩu phần ăn của chiến sĩ chỉ còn 4 lạng gạo/ngày, có khi chỉ còn 2 lạng".

Lúc này, ở phía trong "tam giác lửa”, Binh trạm 12 nhận lệnh phải bằng mọi giá đưa nốt số xăng dầu còn lại vượt Trường Sơn giao cho Đoàn 559.

Tuy nhiên, tại cửa khẩu Binh trạm 12 (Tuyên Hóa, (Quảng Bình), đoạn ngã ba Khe Ve đến đèo La Trọng bị bom dội làm đất đá trên núi trút xuống tạo thành một đỉnh lầy hàng km. Đã có tám chiến sĩ mất bàn chân do vấp phải các loại mìn lá, mìn gíp... lẫn trong bãi lầy khi cõng hàng qua đó.

Lực lượng công binh phải dùng mìn định hướng, bộc phá nhằm thổi bay bùn đất nhưng tốn hàng tấn thuốc nổ mà bãi lầy vẫn không di chuyển, xe không thể qua. Binh trạm phải bơm xăng vào phi 200 lít rồi cho 4 chiến sĩ khiêng qua bãi lầy.

Nhưng 3 tốp chiến sĩ (12 người) suốt một ngày chỉ khiêng được 15 phuy. Ròng rã hai ngày, binh rạm giao đủ hai xe xăng cho Đoàn 559 nhưng tổn thất nặng nề: một chiến sĩ trượt chân rớt xuống vực, hai chiến sĩ trúng mìn hy sinh.

Không khuất phục, cả binh trạm tiến hành gùi xăng vượt bùn. Xăng được bọc trong 4.000 túi nilông (20 lít/túi) rồi cho vào ba lô để từng người cõng qua trọng điểm. Sau một ngày cõng xăng chân bì bõm lội bùn, đầu hứng đạn chịu bom, 500 chiến sĩ cũng chỉ vận chuyển được 10m3 xăng (đủ hai xe xitec) nhưng 40 chiến sĩ đã bị rộp lưng, bỏng da vì xăng làm giòn túi nilông thấm qua ba lô ướt đẫm cả áo, ngấm vào da thịt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #198 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2010, 03:22:39 pm »

“Một số chiến sĩ gùi xăng bị bỏng rộp da quá nặng, nhiễm độc chì nên hi sinh. Vì vậy Binh trạm trưởng Nguyễn Đàm đã bàn với chúng tôi làm đường ống dẫn xăng qua núi" - đại tá Lưu Vĩnh Cường (nguyên kỹ sư xây dựng kho chứa xăng cho Binh trạm 12 lúc bấy giờ) cho biết về đường ống tự tạo "đặc biệt".

Tôn cuốn, các đoạn ống cao su nối với nhau vẫn thiếu 100M nên phải dùng ống lồ ô khoét rỗng nối vào. Máy bơm đẩy xăng từ sườn phía bắc theo đường ống lên bể chứa (làm bằng phuy 200 lít đặt trên đỉnh đèo) rồi cho xăng tự chảy xuống. Trong vòng hai tháng "đường ống” này đưa được khá nhiều xăng vào phía trong nhưng luôn xảy ra trục trặc vì sau một tuần những đoạn lồ ô bị xăng làm teo tóp lại làm trật điểm nối khiến xăng thất thoát nhiều.

Cũng trong thời gian này, Binh trạm 14 cũng không thể đưa hàng và xăng vào chiến trường. Ngoài các đoạn đường hiểm yếu, cửa khẩu Trà Ang (km 12 và km 16 đường 20) mỗi ngày hứng 30-40 trận bom khiến đường đứt đoạn, xe không thể qua. Binh trạm đã kết các phuy xăng thành bè để thả xuôi sông Nậy, chống ngược sông Son.

Nhưng bè xăng trúng thủy lôi, xăng và máu chiến sĩ loang lổ khắp sông, ba ngày sau vẫn chưa tìm vớt hết thi hài liệt sĩ. Các tổ chuyển tải được lập để kéo từng phuy xăng ngược suối Trà Ang.

Đêm đầu, đối phương ném bom trúng hai phuy xăng khiến ngọn lửa trùm lên cả đoạn suối chụp xuống đội quân chuyển tải, 20 phuy xăng được kéo qua trọng điểm nhưng có chín chiến sĩ hi sinh. Đêm thứ hai kéo được 30 phuy lại thêm 29 người ngã xuống lòng khe. Nước suối Trà Ang thêm một lần đượm máu và xăng.

Kéo ống vượt sông

Ở tuổi 84, đại tá Phan Tử Quang (nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu đầu tiên của quân đội người nhận trách nhiệm xây dựng tuyến đường ống) vẫn nhớ rõ nhiệm vụ mang tính lịch sử từ Quân ủy Trung ương giao phó cho Cục Xăng dầu vừa mới thành lập: làm đường ống vượt Trường Sơn.

Đại tá Quang nhớ lại: "Theo nhận định của Quân ủy Trung ương, đối phương sẽ đánh phá ác liệt các cửa khẩu của hậu phương vận chuyển hàng vào cho đoàn 559. Quân ủy Trung ương đã đồng ý đưa đường ống vào làm tuyến từ Khe Ve vượt đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) xuyên qua tây Trường Sơn xuống Lùm Bùm (Lào) để tiếp cận Đường 9 tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn 559 vận tải vào Nam".

Ngày 12/4/1968, 12 cán bộ, chiến sĩ của đoàn khảo sát tuyến đường từ Khe Ve theo đường 12 qua đèo Mụ Giạ sang Lùm Bùm do đại úy Trần Xanh (đang là Phó phòng xăng dầu) làm trưởng đoàn lên đường làm nhiệm vụ.

Đại tá Quang kể: "Nhưng lúc đó các xe chở xăng không thể vượt qua được "tam giác lửa" để chuyển cho Đoàn 559. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện cử tôi sang báo cáo tình hình với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Sau khì nghe báo cáo, Đại tướng chỉ thị: "Phải đảm bảo xăng dầu cho Đoàn 559 hoạt động. Đồng ý với phương án của các anh, trước mắt làm đường ống vượt các trọng điểm đánh phá, nhưng sau đó phải làm ngay đường ống vượt Trường Sơn vào càng sâu càng tốt".

Vì vậy đội khảo sát thứ hai do Hoàng Ngọc Minh dẫn đầu tiếp tục đi khảo sát từ Thiệu Dương (Thanh Hóa) vào Nam Đàn, Linh Cảm qua Hương Khê (Hà Tĩnh) vào giáp đoạn đoàn của Trần Xanh đang khảo sát. Công trường 18 được thành lập do Mai Trọng Phước (đang là thiếu tá chủ nhiệm khoa xăng xe vận tải của Trường Sĩ quan hậu cần, sau này là Cục trưởng Cục Xăng dầu) làm đoàn trưởng, thiếu tá Hoàng Sùng làm Chính ủy chuẩn bi vào Nghệ An làm đường ống vượt "tam giác lửa".

Đêm 12/6/1968, hơn 400 người của công trường 18 trong đó có 240 cán bộ, công nhân của Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Thủy lợi, Công ty Gang thép Thái Nguyên, công nhân Xây dựng khu nam Hà Nội) rời Hà Nội hành quân vào Nam Đàn.

Khúc sông Lam nằm giữa bến đò Vạn Rú (xã Nam Đông, nay là Khánh Sơn, Nam Đàn) cách trọng điểm Rú Trét 500m (còn gọi là Rú Chết do kẻ thù đánh phá quá ác liệt) được chọn làm điểm thi công tuyến đường ống đầu tiên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #199 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2010, 03:23:36 pm »

Đúng 21g, hiệu lệnh vượt sông bắt đầu.

Mai Trọng Phước - chỉ huy lực lượng công trường 18 cùng dân quân xã Nam Đông kéo ống phía bờ nam. Phía bờ bắc, lực lượng do Trần Xanh chỉ huy nối ba ống vào nhau, đầu ống lắp cút chữ T để buộc dây. Đến 5h sáng ngày 23/6/1968, 500m đường ống đầu tiên đã vượt sông an toàn. Từ đây, đường ống tiếp tục vượt sông La (Hà Tĩnh) vào Nga Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).

Ngày 10/8/1968, tuyến đường ống 42 km vượt "tam giác lửa" hoàn thành. Dòng xăng từ kho Đại kho N 1 (Nam Thanh, Nam Đàn) bơm vào kho N2 (Nga Lộc). Chai xăng đầu tiên của dòng xăng đi qua "tam giác lửa” được chuyển ra Tổng cục Hậu cần để báo cáo.

Một kỷ niệm đáng nhớ của cán bộ, chiến sĩ làm tuyến đường ống này là quá trình đào hào đặt ống đều phải làm đêm để che mắt máy bay đối phương nên rất khó chôn ống, tiến độ thi công bị chậm. Đại tá Mai Trọng Phước kể:

“Chúng tôi thấy người dân vẫn làm đồng bình thường mà không bị máy bay ném bom. Khi hỏi, bà con cho biết là đối phương rải truyền đơn bảo dân cứ làm ruộng bình thường, đừng cho bộ đội vào thì nó không đánh. Vì vậy, bộ đội cũng mặc áo tơi, đội nón làm nông dân đào rãnh qua đồng ruộng ban ngày, tối chôn ống. Để bảo đảm bí mật, chúng tôi thông báo với bà con là đặt ống làm thủy lợi dẫn nước sông vào chống hạn cho đồng ruộng phía trong".

Ngoài ra, ban ngày các chiến sĩ nhờ người dân dùng trâu kéo cày theo tuyến để tạo rãnh sâu, đêm đến đào hào chôn ống.

Dòng xăng vượt Trường Sơn

Theo kế hoạch, đường ống từ Ka Vạt (Lào) sẽ đi đến Lùm Bùm vào Đường 9 nhưng đây là con đường vòng cung có cự ly xa. Vì vậy, Tổng cục Hậu cần yêu cầu làm đường ống từ Long Đại (Qủang Bình) theo đường 18 vòng sang Lào để xuống Đường 9.

Ngoài những khó khăn do thiên nhiên gây ra, bộ đội đường ống phải chống lại sự đánh phá khốc liệt của đối phương. Để bảo vệ đường ống, mồ hôi, máu của các chiến sĩ phải đổ nhiều hơn.

Vượt “tam giác lửa" thành công, một bộ phận của công trường 18 tiếp tục dẫn ống vào Hương Khê (Hà Tĩnh) hướng tới Khe Ve (Quảng Bình). Tuy nhiên, lúc này không lực Mỹ lại tăng cường đánh phá các cửa khẩu từ Quảng Bình sang Lào, đặc biệt là các trọng điểm cua chữ A, Ta Lê, Phulanhic...

"Tổng cục Hậu cần yêu cầu thi công nhanh đoạn đường ống vượt đèo Mụ Giạ sang Na Tông (Khăm Muộn, Lào) để đảm bảo xăng cho chiến dịch vận tải nước rút của Đoàn 559. Chúng tôi bàn giao phần việc đang làm cho bộ phận khác, khẩn trương vào Quảng Bình để làm đoạn đường ống từ Cổng Trời vượt qua đèo Mụ Giạ xuống Na Tông” - đại tá Mai Trọng Phước (Chủ nhiệm khoa xăng xe vận tải của Trường Sĩ quan hậu cần, sau này là Cục trưởng Cục Xăng dầu) cho biết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM