Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 07:17:53 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167973 lần)
0 Thành viên và 6 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #180 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:23:33 pm »

Phải đánh địch mà đi, mở đường mà tiến

Kết thúc nhiệm vụ mùa khô 1968 - 1969, một mùa chiến đấu cực kỳ khó khăn. So với nhiệm vụ Quân ủy giao, Đoàn 559 mới đạt được chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch, chưa đạt yêu cầu bổ sung cao ...

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ mùa khô tới sẽ tăng gấp hai ít nhất cũng phải tăng gấp rưỡi trong tình hình giặc Mỹ dồn sức ngăn chặn “đường mòn" với ý tưởng "cắt đứt cái cuống nhau nuôi dưỡng cuộc kháng chiến ở miền Nam". Quân ủy Trung ương phê chuẩn đề nghị tập kết đại bộ phận xe máy của Đoàn ra hậu phương để củng cố kỹ thuật, bổ sung phương tiện, rèn luyện bộ đội ... Và tổng kết kinh nghiệm, tìm biện pháp thắng chiến tranh ngăn chặn của địch trên Trường Sơn.

Ngày 31/7/1969, Bộ Tư lệnh 559 tổ chức Hội nghị Quân chính tại Sầm Sơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dự (có các thủ trưởng tổng cục và đại diện Bộ Giao thông Vận tải). Đại tướng khái quát tình hình cách mạng hai miền, khẳng định thắng lợi chiến lược của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân ...

Với Đoàn 559, Đại tướng đánh giá cao kết quả mùa khô 1968 - 1969, hoan nghênh tinh thần phát huy ưu điểm nhưng không coi thường khuyết điểm... Đại tướng phân tích cách vận dụng tư tưởng tiến công vào mặt trận giao thông vận tải như thế nào, không thể cường điệu yếu tố dũng cảm của bộ đội mà đặt khẩu hiệu hành động “địch cứ đánh, ta cứ đi"... Thế là liều lĩnh. Có xác định đúng, bộ đội mới tin tưởng.

Trên mặt trận giao thông vận tải khẳng định "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến". Bộ đội cao xạ đánh địch bảo vệ mục tiêu giao thông vận tải thế nào? Tất nhiên phải đánh tiêu diệt, nhưng nếu chỉ chú trọng tiêu diệt nhiều máy bay địch mà đường bị tắc nghẽn vẫn không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu hạ máy bay ít hơn, mà đuổi được địch đạt xa mục tiêu, đường không bị tắc là thắng lợi. Bộ đội công binh cần tích cực khảo sát mở đường mới, đường dự bị. Bộ đội xe cũng phải luôn sẵn sàng chủ động sửa đường, khai thông đường mà tiến ...
Người nghe bất giác ngẩng nhìn bảng thống kê so sánh diệt địch với thời gian tắc nghẽn vận tải ... Ngộ ra ý sâu sắc của những lời phân tích ...

Đại tướng khen đơn vị công binh đã biết lợi dụng những chiếc senso-máy do thám của Mỹ để lừa máy bay Mỹ oanh tạc mục tiêu giả... Đấy là cách đánh hay gọi là "chiến thuật thắng địch" cũng đúng...

Hơn hai trăm cán bộ Đoàn 559 dự họp rất xúc động với những lời chỉ dẫn đằm thắm ... , "Thì ra Tổng Tư lệnh dù bận trăm ngàn chuyện trọng đại, vẫn luôn theo dõi từng việc làm bước đi của Bộ đội Trường Sơn...".

Câu nói giản dị của Đại tướng “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" bám chặt ý nghĩa các chiến binh Trường Sơn từ đấy.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #181 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:23:40 pm »

Đập tan Chiến dịch Cắt cổ của Hoa Kỳ

Liên tiếp hai năm 1970 - 1971, lại cùng vào tháng 3 Mỹ bị đánh trên chiến trường Campuchia và Lào. Các chuyên gia chiến lược nhận định "Kết cục bi thảm đến mất uy danh Hoa Kỳ đều bắt nguồn từ con đường mòn ấy...". Tổng thống R.Níchxơn căm uất vì nó đe dọa tiêu vong cái học thuyết "Việt Nam hóa chiến tranh" sau khi tái đắc cử vào Nhà Trắng, ông ta liền bật tín hiệu tái diễn chiến tranh phá hoại miền Bắc, mở "Chiến dịch Cắt cổ" con đường mòn thâm nhập. Pháo đài bay B52 dồn dập trút bom dải thảm đợt sau chồng lên đợt trước dọc đường số 9... Suốt ngày đêm rực lửa.

Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương quyết nghị phải đánh bại âm mưu chiến lược của Mỹ. Đại tướng Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo Bộ Tư lệnh Trường Sơn Quân khu 4, Quân chủng Phòng không - Không quân hiệp đồng đập tan “chiến dịch Cắt cổ" của địch; đẩy mạnh chi viện chiến lược đảm bảo cho các chiến trường tiến công đồng loạt phá sản hoàn toàn "chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh " của Hoa Kỳ.

Sư đoàn 472 được tăng cường trung đoàn cao xạ thiện chiến. Tập trung đánh bại thủ đoạn "Trinh sát điện tử” và thủ đoạn "Tia la de" của địch, bảo đảm cho tên lửa SAM của ta lên tây Trường Sơn. Cuộc họp hiệp đồng ngay tại trận, Sư đoàn 472 thực hiện mọi biện pháp ngụy trang bảo mật khu vực, xây dựng công sự mở đường đưa tên lửa tiếp nhận trận địa nhanh gọn, an toàn. Thông tin đặt vọng quan sát trên các đỉnh núi thành mạng lưới nắm địch trên vùng trời tây nam Lào từ ngoài 200 cây số. Có mạng vô tuyến điện thoại tiếp sức tăng hiệu quả thông báo thẳng về sở chỉ huy sư đoàn và tên lửa...

Cao xạ có khí tài của sư đoàn đánh trước để thu hút và làm rối loạn sự phán đoán của địch, nhất là vô hiệu hóa "con mắt điện tử" của máy bay EB66, tạo tình huống bất ngờ cho tên lửa.

Đầu tháng 12/1972, bầu trời Nam Lào trong xanh, nắng lóa trên nóc rừng. Các trạm quan sát T25 trên đỉnh Phu Ca Tè, T26 Phu Co Po cùng báo:

"Có tiếng rù rù nặng chịch ở hướng tây... ".

8 giờ 25, trạm T27 Phu Can đôi báo:

"Chín F4 bay qua dãy Phu Khộp đến Phu Thuổng... vọt qua Voi Mẹp lao xuống dọc đường 9...".

Lập tức, hơn chục nòng cao xạ của ta phun lửa vào địch. Chúng bật lên cao, lách qua đảo lại hung hăng nhưng không đánh trả. Đài chỉ huy biết chúng giở trò thủ thuật nhứ dử phát hiện SAM ...

T26 báo cáo: "ống nhòm rõ hai tên rất to, cao ngất ngưởng như tòa nhà hai tầng”.

Đài chỉ huy tên lửa biết ngay là CB66 - B một loại máy bay chuyên dụng gây nhiễu ngụy trang. Tên này đi thì nhất định có B52 bay tiếp theo. Nó dài 20m, cao 7m, nặng 34 tấn cơ động, không linh hoạt, bay ở độ cao một vạn “phit" (foot = 0,3048m). Nó được trang bị khí tài phát hiện sóng ra đa đối phương từ ngoài tầm phóng tên lửa để chỉ thị mục tiêu cho pháo đài bay oanh kích tức thời.

Mạng thông tin từ các trạm quan sát vùng trời liên tục báo cáo, đường bay của các tốp phản lực của EB66 được phản ánh lên bản tiêu đồ... Các sĩ quan điều khiển tên lửa căng mắt theo dõi đường bay của địch trên màn hiện sóng... Người trắc thủ kỳ cựu điều chỉnh tách mục tiêu, những tín hiệu chuyển động như bầy nhặng, nổi rõ bốn tín hiệu to đậm - đó là B52 và một EB66 gây nhiễu tích cực yểm trợ.

Trung đoàn trưởng nén thở, cả tốp vào đúng tầm, bật tiếng đanh gọn: “phóng!".

Hai quả tên lửa lao vút. Chớp mắt, những trái cầu lửa bùng đỏ rực trời giữa "bầy nhặng". Vô vàn tiếng nổ chát chúa khắp dải núi.

Cháy rồi, cháy rồi ... - Tiếng hò reo vang lừng - Tên lửa muôn năm!

Bọn giặc trời tán loạn. Chiếc pháo đài bay thoát chết vội tháo bừa bom, ngoặt đầu về hướng xuất phát... Những chiếc "F" hộ tống vội tản đi các ngả. Một tốp bay ngang đường 9 liền bị lưới lửa cao xạ bủa vây. Hai "Con Ma" tung xác, bùng cháy, giặc lái không kịp nhảy dù ...

Báo cáo về Bộ tổng. Đại tướng điện biểu dương trận tiêu diệt bẻ gãy cổ giặc lái trên Trường Sơn, đã đánh bại thủ đoạn phong tỏa của không lực Mỹ ... Đại tướng kêu gọi Bộ đội Trường Sơn khẩn trương bảo đảm quân vào nhanh, khỏe chiến đấu ngay được. Vũ khí hỏa lực mạnh kịp đến chiến trường phát huy hiệu quả cao ...đấy là mục tiêu trọng yếu nhất của tuyến chi viện trong giai đoạn này.

Lời lẽ ngắn gọn hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc, khiến người nghe mường tượng sắp có biến chuyển động trời. Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị các sư đoàn trưởng phải trực tiếp đi kiểm tra các trục hành quân, cải tạo theo phương châm: "Dưới phẳng, trên quang, vượt sông không lội" quân đi “mang nhẹ, mang đủ, ngủ tốt không ốm".

Sáu trung đoàn công binh hối hả nâng cấp 900km đường giao liên trong hai tuần hoàn thành đúng tiêu chuẩn chỉ đạo. Hậu cần các binh trạm, sư đoàn tăng cường lực lượng quân y, quân nhu xuống từng cung đoạn hành quân bộ, tổ chức chuyển thương bằng ô tô kết hợp chở ra... Một bước quan trọng của tuyến Trường Sơn .

Trên các trục "đường kín" suốt ngày ồn ã tiếng máy nổ xe tải, tiếng xích xe tăng nghiến đá kèn kẹt... Từng lớp, từng lớp xe pháo dầm dập bụi đỏ cuồn cuộn như sóng hồng dội xuống phía nam ...

Tin chiến thắng như chẻ tre của các chiến dịch... Cấm Dơi ở Khu 5, Đăk Tô, Tân Cảnh ở Tây Nguyên, Quảng Trị B4, Chiến dịch Nguyễn Huệ Nam Bộ cứ dồn dập bay về tuyến Trường Sơn làm nức lòng người ... Ai cũng nghĩ thật xứng đáng với quyết tâm chiến lược của Trung ương, chỉ đạo sát sao của Tổng Tư lệnh đối với Trường Sơn đập tan "Chiến dịch Cắt cổ", đưa cuộc chiến tranh giải phóng lên giai đoạn mới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #182 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:24:46 pm »

BÍ MẬT ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH
Phạm Tiến Duật


Cho đến tận bây giờ, mùa hè năm 1999, sau 24 năm kết thúc chiến tranh, công dân các nước Việt Nam, Mỹ và một số nước khác có tham chiến ở Việt Nam vẫn chưa có điều kiện để hiểu đầy đủ về tuyến đường xuyên ngang, xẻ dọc dãy núi Trường Sơn trùng điệp của ba nước Đông Dương.

Mật danh, tên gọi công khai, chính thức được các phương tiện thông tin đại chúng của phía ta công bố là "Đoàn vận tải quân sự Quang Trung" để chỉ các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn. Cái tên ấy được lặp đi lặp lại trên báo, trên đài nhiều năm thành quen. Không chỉ cán bộ dân sự mà cả bộ đội ta, nhiều người chỉ hiểu "Đoàn vận tải" nghiã là một đoàn xe tải, chắc là hàng trăm chiếc hay nhiều hơn nữa.

Bằng suy diễn và tưởng tượng, người ta hiểu thêm rằng, xe muốn chạy thì phải có đường và người làm đường. Và bên cạnh các anh lái xe Trường Sơn còn có thanh niên xung phong làm đường. Hiểu như thế là đúng ý định của Tổng hành dinh quân đội ta lúc đó. Cách nguỵ trang chiến lược ấy rất tốt, làm cho kẻ địch không nắm được ý đồ chiến lược, không hiểu được quy mô của một thế trận.

Thực ra, cái tên “đoàn vận tải quân sự Quang Trung", có một từ phát lộ bí mật mà ít ai để ý: từ “Quang Trung". Tại sao không gọi là Đoàn vận tải quân sự Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hay một vị anh hùng nào khác mà lại phải gọi là Quang Trung? ấy chỉ vì Quang Trung (Nguyễn Huệ) là vị tư lệnh, vị anh hùng duy nhất của thời phong kiến nước ta lập được tuyến đường quân sự Nam-bắc vượt Trường Sơn người đã có mệnh lệnh "thần tốc!" nổi tiếng vào năm 1789.

Tuy nhiên, cái tên "Đoàn vận tải quân sự Quang Trung" ít thấy phía Mỹ và phương Tây dùng, trừ những khi họ đưa tin theo tin tức mà ta công bố. Để chỉ tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn, phía đối phương gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh" (Ho Chi Minh Trail).
Tên gọi "Đường mòn Hồ Chí Minh" do ai, ở đâu đặt và được đặt ra khi nào? Chính là tại đây, Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ ta đã đặt tên. Cái tên ấy có từ cuối năm 1945 khi đoàn quân Nam tiến chống thực dân Pháp.

Tháng 5-1959

Cùng với những mật danh: Đường Trường Sơn, Đường mòn Hồ Chí Minh, Đường dây Thống Nhất, Đoàn vận tải quân sự Quang Trung, Bộ đội Trường Sơn - rồi tiếp đến là Đoàn 559 - đây là một phiên hiệu khái quát nhất, ngắn nhất và cũng rất thiêng liêng vì nó ra đời ngày 19-5-1959. Càng thiêng liêng hơn khi người thay mặt Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ là Bác Hồ. Người nhận nhiệm vụ là Đại tá Võ Bẩm.

Đằng sau các mật danh, thực chất quy mô của hệ thống Tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh như thế nào xin hãy suy ngẫm từ các con số sau đây dựa trên Tập số liệu 16 năm của Bộ Tư lệnh 559:

- Quân số cao nhất ở một thời điểm: trên 20 vạn người (nếu tính số lượt người tham gia chiến đấu trên Trường Sơn thì đến trên 1 triệu).

- Số bom đạn Mỹ trút xuống Trường Sơn: hơn 3 triệu tấn, gồm bom khoan, bom phá, bom cháy; các loại mìn; các loại đạn pháo; chất độc hoá học các loại trong đó có chất độc màu da cam.

- Số cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên Trường Sơn: gần 3 vạn.

- Số cán bộ, chiến sĩ bị thương: trên 10 vạn. .

- Số xe, máy bị đánh hỏng: 14.500 chiếc.

- Số hàng hoá bi phá huỷ: 90.000 tấn, trong đó có 703 súng, pháo. Độ dài của tuyến đường giao liên: 1.600 km. 

- Độ dài hệ thống đường ô tô “chỉ tính hệ thống đường ngang dọc trên Trường Sơn): 20.000 km, trong đó có 5 hệ thống đường trục dọc (theo chiều dài dãy núi đến Đông Nam Bộ), 21 đường trục ngang. Trong 2 vạn km ấy có 3.140 km đường kín (đường được nguỵ trang để xe chạy ban ngày).

- Độ dài tuyến cơ giới đường sông (chủ yếu là các nhánh của sông Xê Kông và Mê Kông): 600 km. 

- Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển: 1 tiểu đoàn (tiểu đoàn 603) gồm 107 cán bộ, chiến sĩ do Đoàn 559 thành lập tại Cảng cá Thanh Khê (cách cửa sông Gianh, Quảng Bình 4 km) với mật danh "Tập đoàn đánh cá miền Nam". Sau này bàn giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân quản lý.

- Số máy bay Mỹ bị lực lượng phòng không thiết giáp bắn rơi: 2.455 chiếc.

- Số bộ binh địch bị tiêu diệt trên Trường Sơn: 18.000 tên, bắt sống 1.190 tên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #183 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:26:21 pm »

"Thà xước da người còn hơn sẩy da cống"

Có một bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác từ năm xưa cho tới bây giờ mà không mấy ai không thuộc, bài Chiếc gậy Trường Sơn: “thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân...". Chữ "quê tôi" trong bài hát có địa chỉ cụ thể: đấy là làng Hoà Xá, huyện Vân Đình, tỉnh Hà Tây, nơi có sáng kiến làm gậy leo núi để tặng bộ đội. Tuy nhiên, không phải đến khi có bài hát này mới có các cuộc tập leo núi. Sau Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đáng (khoá 11) và sau khi thành lập Đoàn 559, các cuộc tập leo núi đã được tiến hành ở một nơi bí mật, ấy là vùng núi phía nam tỉnh Hoà Bình-vùng địa hình na ná như Trường Sơn.

Những chiến sĩ được huấn luyện chuẩn bị vượt Trường Sơn phải giữ bí mật tuyệt đối kể cả với bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Họ lên xe đi tập trong những chiếc xe vận tải buông kín bạt và chỉ lái xe mới được biết là đang đi đâu. Và thế là sáng sáng, chiều chiều, ở vùng núi Xuân Mai từng đoàn chiến sĩ, với chiếc gậy trong tay, nối nhau trèo núi, hết ngày này sang ngày khác.

Đoàn người đầu tiên vượt Trường Sơn gồm nửa nghìn chiến sĩ tình nguyện, được tập họp thành Tiểu đoàn giao liên vận tải 301 do đồng chí Hà Kỳ Thự phụ trách.

Bối cảnh miền Nam cuối năm 1959 là bối cảnh đầy máu lửa và sự nhảy múa của quỷ dữ. Con đường số 9 từ cảng Cửa Việt qua thị trấn Đông Hà (Quảng Trị) cắt ngang Trường Sơn, nối với thị xã Thà Khét của Lào, hoàn toàn do địch kiểm soát. Quân lính của Ngô Đình Diệm, có cả lính con gái của Lệ Xuân ngày đêm tuần tiễu. Chúng vừa nắn bóp trêu đùa nhau vừa quăng lựu đạn, bắn vu vơ vào các bụi rậm ven Đường 9. Cho đến những năm sau này, cả Trường Sơn đều là tuyến lửa nhưng chặng đường vượt qua Đường 9 vẫn là chặng đường gian nan, ác liệt.

Các chiến sĩ đầu tiên ngày ấy tập trung tại một thung lũng hẻo lánh phía tây Vĩnh Linh, gọi tên là Khe Hò. Trước khi hành quân vào Nam, họ phải bỏ lại tất cả các hiện vật có liên quan đến các lai lịch đơn vị và cá nhân: tiền miền Bắc, tem phiếu, các sổ sách có ghi các đìa chỉ ... Con đường mà họ sẽ vượt qua là phía tây tỉnh Quảng Trị đến phía tây Thừa Thiên, tuyến đường mòn của dân đi hái củi và lối mòn của voi, của thú rừng đi qua.

Vượt rừng không khó vì đã có nhân dân các dân tộc thiểu số trên Trường Sơn mà ở phía tây Quảng Trị là bà con Vân Kiều, chỉ đường dẫn lối. Đoạn khó nhất vẫn là vượt qua Đường 9. Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn, các chiến sĩ đã tuân thủ một mệnh lệnh có vần, dễ nhớ: "ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Còn khẩu hiệu để vượt Đường 9 là: "Thà xước da người còn hơn sầy da cống".

Nguyên do là đoàn chiến sĩ vượt qua Đường 9 không thể băng qua mặt đường mà phải chui qua những cái cống ngầm ở đó. Họ phải gùi những hòm đạn, hòm súng trên lưng. Dưới cống lẹt xẹt nước có rất nhiều cây xấu hổ (hay còn gọi là cây mắc cỡ), rất nhiều gai. Nếu nâng người lên để tránh gai thì các thùng hàng sẽ làm xước thành cống, để lại dấu vết, sẽ lộ. Mà ép bụng xuống thì gai cây xấu hổ sẽ xé áo rách da. Thế là các chiến sĩ ta dũng cảm chọn cách thứ hai.

Chuyến hàng đầu tiên chưa phải là vào Nam Bộ mà là tới Thừa Thiên, phía tây huyện Phong Điền. Chuyến hàng xuất phát ngày 13-8-1959, tới đích ngày 21-8 cùng năm. Số vũ khí vận chuyển đầu tiên mang tiến công thăm dò, số lượng rất ít ỏi, bao gồm 20 khẩu tiểu liên (loại Tuyn), 20 khẩu súng trường (Mát), 10 thùng đạn. Đồng chí Bí thư huyện Phong Điền tiếp nhận lô vũ khí đầu tiên từ miền Bắc gửi vào đã ôm lấy bó súng mà reo lên: "Cách mạng đây rồi! Chính quyền đây rồi!".

Cũng vào tháng 5-1959, Bộ Quốc phòng còn quyết định thành lập Đoàn B90 tăng cường cho Liên khu 5. Đoàn B90 gồm 25 cán bộ, chiến sĩ đã vượt thượng nguồn sông Bến Hải để khai đường, mở lối, nối hai chiến trường miền Trung và Nam Bộ. Các đơn vị giao liên, vận tải, gùi thồ kế tiếp được thành lập ngày càng nhiều, ngày càng đông. Chặng đường gùi thồ kéo rất dài, rất dài.

Từ năm 1959 một phương thức mới, lại rất hiện đại: vận chuyển bằng cầu hàng không. Những chiếc máy bay cánh quạt Liên Xô vận chuyển hàng cho Lào, kết hợp vận chuyển cho ta. Những chiếc Li-2 thả dù hàng xuống phía bắc và nam Đường 9. Đội quân gùi thồ đỡ được một đường, lại gùi tiếp, thồ tiếp. Phải nói thêm rằng việc thả hàng từ máy bay Li-2 cũng chỉ được một số chuyên thôi. Công cuộc gùi thồ tiếp tục kéo qua các năm 1963, 1964.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #184 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:26:28 pm »

Từ năm 1963, ta đã bắt đầu dùng ôtô vận chuyển từng đoạn. Những văn bản nói lên chủ trương của những năm ấy có ghi "kết hợp cơ giới với gùi thồ", nhưng số phương tiện chiến đấu vận chuyển bằng gùi thồ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Vận chuyển cơ giới đáng kể là từ mùa khô 1963- 1964.

Do xuất hiện việc vận chuyển bằng cơ giới nên một mặt hàng cần thiết cung cấp cho ôtô trên đoạn đường tây Quảng Trị-Thừa Thiên là xăng dầu.

Dưới gầm trời này không có một nơi nào vận chuyển xăng dầu như ở Trường Sơn. Bộ đội khiêng và vác các thùng phuy xăng qua đèo, qua suối. Người ta bắc các máng từ đỉnh núi xuống chân núi, đổ xăng rồi hứng ở dưới, như thể hứng nước.

Cái kỳ lạ nhất là gùi xăng trên lưng. Người ta cho nilông vào trong ba lô rồi đổ xăng vào, buộc chặt và gùi. Một ba lô xăng nhẹ hơn nhiều so với một ba lô đạn, mà dường như lại nặng hơn gấp bội: ba lô xăng lại cọ vào da gây bỏng da lưng, ấy là chưa nói đến sự nguy hiểm. Băng qua các vạt lửa do dân đốt nương, do đạn pháo của giặc bắn, mỗi chiến sĩ gùi xăng đều có thể biến thành một cây đuốc sống. Chỉ có anh bộ đội Cụ Hồ mới làm được những việc như vậy.

Cho đến mãi những năm 1967- 1968, khi từng đoàn ô tô cỡ tiểu đoàn, trung đoàn rồi sư đoàn xẻ dọc Trường Sơn thì đội quân gùi thồ vẫn còn tồn tại. Chừng ấy năm họ đã gùi những gì trên vai mình? Đủ các thứ: đạn cối, tên lửa loại nhỏ, vàng bạc, ngoại tệ, máy móc, chữ chì của nhà in, thuốc men, công văn, thư từ. Khi có đội quân cơ giới rồi thì trên lưng người là những mặt hàng quý hiếm, cần độ an toàn cao.

Cuối năm 1964, "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ thất bại hoàn toàn và đến năm 1965, bộ binh Mỹ phải ồ ạt đổ bộ vào miền Nam thì Bộ đội Trường Sơn gùi các trận đánh trên vai mình. Lối mòn của người chiến sĩ gùi thồ ngoằn ngoèo vắt qua hệ thống hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ của Trường Sơn cũng là tuyến đường giao liên chuyển quân nối hai miền Nam-bắc.

Đã đến lúc bộ Từ điển tiếng Việt phải bổ sung một số định nghĩa để thế hệ sau hiểu rõ về các cuộc chiến tranh đã qua. Ví dụ:

- Trạm giao liên: Là nơi đón các đoàn bộ đội hành quân. Mỗi trạm thường cách nhau từ 6 đến 8 giờ đi bộ, nếu là đường đèo thì thường cách nhau một con đèo.

- Bãi khách: Là cánh rừng bộ đội nghỉ qua đêm có sẵn cây cối để buộc võng và gần suối nước để tiện nấu ăn.

- Dốc ba thang: Dốc dựng đứng, phải dùng ba đoạn thang (gỗ hoặc dây) mới có thể qua được...). 

Năm 1970, tôi có gặp một chiến sĩ gái trên tuyến giao liên, cô tâm sự: “em cứ tưởng Trường Sơn là một quả núi thật to, trèo lên đến đỉnh là nhìn thấy miền Nam. Nào ngờ Trường Sơn nhiều núi thế, đi mấy tháng mà không hết núi". Một anh hoạ sĩ trên đường giao liên nói: "Núi trên Trường Sơn nhiều như số gai mít trên vỏ quả mít", nghe buồn cười nhưng cũng đúng.

Những năm đầu khi đường giao liên thuần tuý là "đường mòn", chưa được cải tạo đi bộ từ Quảng Bình đến Đông Nam Bộ phải mất khoảng 5 tháng, có khi tới 6 tháng. Chặng sau, đường tốt, khoảng cách ấy cũng phải đi bộ tới 3 tháng. Vừa sốt rét vừa đi với đôi chân sưng tấy và đôi vai bỏng rát vì mang vác có chiến sĩ phải kêu lên: "Cho tôi bay vào Nam đánh giặc, tung hoành lửa đạn chết cũng được, chứ đi bộ thế này thì khổ quá".

Tuy gian khổ, nhưng các chiến sĩ giao liên Trường Sơn và bộ đội hành quân qua Trường Sơn không ít những niềm vui. Mỗi một ngày đi bộ đều có cái gì khấp khởi chờ đợi ở phía trước.

Chẳng hạn Trạm giao liên T8 là trạm có con chồn bay. Con chồn bay to như con mèo nhưng có cánh như con dơi, thịt nó ăn mềm mà thơm. Chẳng biết tại sao cánh rừng ở Trạm T8 nhiều chồn bay đến vậy. Ngày nào bộ đội cũng bắn được chồn bay để ăn thịt mà không hết. Không biết chúng ở đâu bay đến. Khi hoàng hôn đổ sập xuống cánh rừng già, những con chồn bay từ các ngọn cây cao buông mình rơi xuống rồi xoè hai cánh chao liệng một vòng và đậu đâu đó ở một lùm cây khác, tiếng kêu khe khẽ mà nhọn như tiếng kim khí.
Hay như ở Trạm 21 rất nhiều thỏ rừng. Chỉ trông thấy chúng lướt qua chứ ít khi bắt được. Niềm vui của chiến sĩ giao liên đôi khi chỉ đơn giản là ở trạm trước mặt có mấy cô nuôi quân cực kỳ xinh đẹp.

Trong số các cán bộ, chiến sĩ được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có chiến sĩ giao liên Nguyễn Viết Sinh. Nếu cộng độ dài mà anh đã đi lại nhiều lần trên Trường Sơn thì tổng chiều dài bằng hơn một lần đi quanh quả đất.

Đường giao liên Trường Sơn đã đưa đón nhiều triệu lượt người (cả bộ đội và cán bộ các ngành, các địa phương, phụ nữ và trẻ em ra vào hai miền Nam- Bắc). Cho đến bây giờ, sau hơn 40 năm, không biết có đoạn nào trên vệt đường dài dằng dặc ấy còn nguyên vẹn hay không.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #185 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:28:30 pm »

Những câu chuyện mà các nhà chế tạo bom đạn của Mỹ nên biết

Tại chương "Cái giá của cuộc chiến tranh" trong bộ Sử biên niên quốc tế của cuộc chiến tranh Việt Nam, trang 358, các tác giả đã công bố hàng loạt số liệu. Số sĩ quan và binh lính Mỹ của bốn quân chủng từ tháng 8- 1964 đến tháng 1-1973 có 8.744.000 lượt người Mỹ tham chiến. Cũng chừng ấy năm họ tiêu tốn tới 150 tỷ USD tại Việt Nam.

Họ không công bổ tổng số máy bay Mỹ các loại bị bắn rơi nhưng có đưa ra con số máy bay trực thăng Mỹ bị mất tại Việt Nam là 4.865 chiếc. Số lượng bom Mỹ sử dụng trên Đường mòn Hồ Chí Minh (hình như con số này thấp hơn sự thật rất nhiều-PTD) là 2.236.000 tấn bom. Các tác giả Mỹ nói rằng nếu cộng cả số bom Mỹ đánh xuống miền Bắc thì gấp bốn lần số bom trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tôi đã từng là người trong cuộc của các trận bom Mỹ ném xuống các vùng đất khác nhau của miền Nam: Thừa Thiên, Tây Quảng Đà, Tây Ninh, Củ Chi (ngoại thành Sài Gòn). Và cũng chứng kiến các trận bom Mỹ ném xuống Hà Nội, Hà Bắc, Phú Thọ và các tỉnh thuộc Khu Bốn cũ. Cuộc chiến tranh giữa trên không và mặt đất không đâu giống như ở Trường Sơn. Dường như, cuộc hợp đồng tác chiến giữa các loại máy bay trên Đường mòn Hồ Chí Minh, Mỹ tiến hành công phu, bài bản hơn cả.

Phải chăng Mỹ hoàn toàn nắm thế chủ động, làm chủ hoàn toàn bầu trời Trường Sơn?

Có những buổi trưa, nằm trên bãi cỏ, tôi nhìn bầu trời thấy tầng cao, tầng thấp máy bay Mỹ và ao ước ở đâu đó của mạn Quảng Bình có được mấy cái sân bay cho máy bay MIG của ta thì tốt biết bao. Ngoài kia, xa quá. Nhưng không phải hoàn toàn như vậy.

Theo cách phân tích của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thì không quân Mỹ dù áp đảo trên không, song sức mạnh có hạn, tập trung đánh trọng điểm này thì giảm hoặc bỏ trọng điểm khác. Tập trung đánh đêm thì giảm ngày và ngược lại, ấy là chưa kể thời tiết xấu không hoạt động được. Tổng kết lại 24 giờ trong ngày, máy bay Mỹ chỉ hoạt động được từ 3 đến 4 giờ. Người thực sự làm chủ dưới mặt đất là Bộ đội Trường Sơn.

Bằng tin tức tình bảo chiến lược, chiến thuật và thiết bị kỹ thuật của chúng ta, hằng ngày, tại Bộ Tư lệnh 559, họp giao ban có thể dự đoán được số lượng máy bay chiến đấu của Mỹ chuẩn bị tác chiến ở Việt Nam. Tại các sân bay của Mỹ trên đất Thái Lan: Utapao, Đôn Mường, có bao nhiêu chiếc B52 đã mắc bom, bao nhiêu chiếc đã bơm đủ xăng dầu... Tình hình di chuyển của các hàng không mẫu hạm Mỹ, tình hình các địa điểm mà máy bay Mỹ tập trung trinh sát...

Có thể nói, một trong những lý do mà không quân Mỹ tác chiến kém hiệu quả là vì ta nắm được khá chính xác ý đồ chiến lược, chiến thuật của Mỹ. Cùng với việc nắm chắc diễn biến thời tiết hằng ngày ở cả Đông và Tây Trường Sơn, chúng ta có thể dự báo đúng ý đồ của không quân Mỹ. Cũng có khi chúng ta dự báo đúng cả nơi đánh, giờ đánh và quy mô đánh của Mỹ.

Các sĩ quan tham mưu của quân đội ta, từ sĩ quan tham mưu của Bộ Tổng tham mưu đến ban tham mưu của Bộ tư lệnh 559, là những người phân tích trận chiến tuyệt vời. Không chỉ có các tướng lĩnh và sĩ quan tham mưu mà mỗi chiến sĩ Trường Sơn đều có cái đầu tham mưu như thế. Nghe cánh đuôi bom của Mỹ từ không trung xé gió, chiến sĩ Trường Sơn đoán biết đấy là loại bom gì và nó sẽ nổ cách mình bao xa. Nghe tiếng động cơ máy bay, các chiến sĩ có thể biết là nó chở nặng hay nhẹ, còn bom hay đã trút hết bom.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #186 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:28:37 pm »

Trong số các chiến sĩ của Tiểu đoàn 2 Công binh, đơn vị anh hùng, có một chiến sĩ học dở dang năm thứ hai Đại học Mỹ thuật công nghiệp, quê ở Thái Bình. Tên anh là Phùng Hoàng Nam. Anh đã từng cho tôi xem các ký hoạ của mình vẽ các loại bom mìn của Mỹ ném xuống Trường Sơn.

- Làm sao cậu có màu để vẽ thế này, mang ở Hà Nội vào à? -Tôi hỏi.

Phùng Hoàng Nam đáp:

- Không. Hôm qua ở Phanốp (một địa danh gần Song Phan, thuộc tỉnh Khăm Muộn, Trung Lào) có một chiếc xe bị đánh hỏng, trên xe chở toàn văn hoá phẩm, có rất nhiều bột màu và sơn dầu.

Chỉ vào mấy bức ký hoạ, Nam nhận xét:

- Phải công nhận cái tài tạo dáng công nghiệp của các nhà chế tạo vũ khí Mỹ. Không biết khi chế tạo, các kỹ sư Mỹ có biết là sẽ đem dùng những thứ bom mìn này tại Việt Nam không mà họ toàn lấy hình thù các trái cây nhiệt đới để tạo dáng.

Tôi ngắm nhìn. Đúng là như vậy. Này là bom bi hình quả dứa, quả ổi, quả bom này giống hình quả bầu, quả bom kia giống chính quả dưa hấu. Trông vẻ đẹp của bom đạn mà thấy gai người. Phải lạnh lùng trước sự sống của con người đến thế nào, máu phải lạnh mới đủ bình tĩnh tỉa tót cho các dụng cụ giết người man rợ ấy.

Có một vài loại bom mìn hình như Mỹ chỉ sử dụng ở Trường Sơn. Ví dụ như mìn vướng. Nó giống hệt loại bom bi hình quả ổi. Quả bom mẹ rơi nổ trên không trung làm văng xuống đất hàng trăm quả bom con, mỗi quả có đường kính khoảng 6 cm. Khi rơi xuống đất chừng mấy chục giây, từ xung quanh cái quả nổ ấy văng ra những cái lò xo, kéo theo các sợi dây mảnh màu xanh lá cây. Nếu người đì qua gạt phải cái dây là mìn nổ. Tất cả những điều này nằm trong sự tính toán của các nhà chế tạo Mỹ.

Chỉ tình tiết sau đây là Mỹ không biết: các sợi dây mìn vướng là một loại chỉ khâu rất đẹp, rất bền. Nhiều chiến sĩ công binh đã lấy dây mìn vướng tặng người yêu của mình. Cách lấy dây mìn vướng rất dễ. Chỉ cần vào bãi bom với một cái bật lửa. Tất nhiên, phải rất tinh mắt vì các sợi chỉ ấy mảnh lắm, rất khó thấy, gạt vào là nổ ngay. Chớ chạm tay vào mà chỉ dùng bật lửa đốt ở hai đầu, lấy đoạn giữa. Mỗi sợi chỉ của mìn này dài đến 8 mét, tha hồ mà khâu vá. Tuy nhiên, việc đi lấy dây mìn làm chỉ khâu bị các cấp chỉ huy nghiêm cấm. Dù cẩn thận đến đâu cũng mất an toàn. Vào những đêm gió Trường Sơn, người ta thấy tiếng nổ liên tiếp của mìn do các cành cây gạt nổ, ấy vậy mà có chiến sĩ lấy được từng cuộn dây mìn to bằng cuộn chỉ lớn. Tình yêu trai gái được kết nối bằng loại dây mìn này chắc là bền vững lắm.

Còn một loại mìn nữa chỉ Trường Sơn mới có là mìn lá. Đấy là những cái gói nhỏ bằng vải, giống hệt những cái băng y tế cá nhân, nhỏ hơn bao thuốc lá. Trong bọc vải là bột thuỷ tinh trộn với thuốc nổ và một loại chất độc nào đó: Chỉ cần giẫm chân lên là mìn nổ, tiếng nổ chỉ bằng tiếng pháo tép. Người giẫm phải mìn lá bàn chân bi xé rách. Phải cắt cụt nhanh chóng, để thuốc mìn ngấm vào sẽ hoại thư mà chết.

Tôi đã từng đi bộ, lột qua trọng điểm La Hạp (đất Lào, phía Tây Thừa Thiên, ngã ba của Đường B41 và Đường 128) cùng một đồng chí đội trưởng công binh. Chúng tôi giẫm lên bước chân của nhau mà đi. Mỗi người ôm một cái mũ cối để ngửa, vừa đi vừa nhặt mìn lá, bỏ vào mũ. Đi hết trọng điểm thì hai cái mũ đã đầy ắp các gói chết chóc. Chúng tôi đặt hai cái mũ thật nhẹ nhàng vào một nơi rồi quay lui mấy bước, rút súng bắn. Một bưng khói lớn bốc cao. Hai cái mũ đi tong, tiếc ngẩn người.

Nghe những chuyện này, có người sẽ cho rằng các chiến sĩ Trường Sơn rất táo gan, chẳng sợ gì bom đạn Mỹ. Không hoàn toàn thế đâu. Có những lúc rất sợ. Chẳng hạn câu chuyện sau đây:

Một hôm vào mùa khô 1969- 1970, tôi đi cùng một đoàn xe tải của Tiểu đoàn 102, đơn vị anh hùng. Tôi là phóng viên mặt trận. Anh lái chính tên Thủy, người Thái Bình. Anh lái phụ tên Mẫn, quê Thanh Hóa. Dọc đường, xe của chúng tôi bị địch đánh cháy... Chỉ còn một cách là băng rừng, tìm đến trạm giao liên gần nhất để về đơn vị. Suốt đêm quần nhau với giặc, vừa đói, vừa mệt. Chúng tôi thèm thuốc lào. Trong túi có thuốc, có lửa mà không có điếu. Bỗng giữa rừng chúng tôi thấy một hố nước to bằng cái nong. Mẫn reo lên:

- Điếu bát đây rồi! -Tôi nghe mà không hiểu.

Mẫn ngồi sụp xuống, chúng tôi ngồi theo. Mẫn lấy nước nhào đất, đắp thành một cái ụ rỗng rồi cho nước ở cái hố to chảy vào. Thế là thành cái điếu bát. Lấy lá cây cuộn vào làm xe điếu ... Chúng tôi hút ngon lành và thở khói trắng bay mờ mịt trên cái hố nước yên tĩnh.
Hút đã rồi chúng tôi đi tiếp. Mới đi được chừng ba chục mét thì một tiếng nổ lớn hất cả ba ngã nhào. Ngoảnh lại, thấy một cột khói bom và đất đá rụng rào rào như mưa. Thì ra cái hố nước kia là một hố bom nổ chậm bị nước mưa che phủ. Qua bao nhiêu bom đạn không thấy sợ mà lần ấy thấy sợ. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy gai người. Ai đời châm lửa vào đuôi bom mà hút thuốc bao giờ.

Bom Mỹ đã làm thay hình đổi dạng sông núi Trường Sơn. Có những quả núi biến thành núi bột, chỉ cần mưa xuống, núi sẽ hoá thành dòng sông bùn.

Những thân cây cổ thụ, ba bốn người ôm, bom làm thân cây cổ thụ to cỡ ấy giập nát như tăm.

Thuốc độc hóa học của Mỹ làm từng cánh rừng đại ngàn rụng lá.

Không biết có bao nhiêu loại chất độc hóa học Mỹ rải trên Trường Sơn? Cho đến tận bây giờ, thuốc độc Mỹ vẫn để lại bao di họa. Nhiều phụ nữ không thể sinh đẻ được. Nhiều đứa trẻ dị dạng, khuyết tật.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #187 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:29:48 pm »

Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559 đóng ở đâu?

Bộ Tư lệnh Đường mòn Hồ Chí Minh (559) đã trải qua nhiều thời, nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của quân đội ta được phân công phụ trách suốt chặng đường 16 năm chiến tranh (1959- 1975), nhưng vị Tư lệnh có thâm niên lâu nhất, ở chặng đường ác liệt nhất là đồng chí Đồng Sĩ Nguyên.

Sau chiến tranh, anh đã từng tham gia nhiều công việc khác nhau của Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ-ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, anh là chuyên viên cao cấp của Chỉnh phủ.
Trước khi vào Trường Sơn nhận chức vụ Tư lệnh 559, anh Đồng Sĩ Nguyên đã từng đảm nhận các chức vụ: Cục trưởng Cục Dân quân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Trung- Hạ Lào, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Chính ủy Quân khu IV, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương.

Anh Đồng Sĩ Nguyên có dáng người to cao và có nhiều cử chỉ, thói quen điển hình của một người được đào tạo chính quy ở Học viện quân sự: mạch lạc, dứt khoát, không có cử chỉ thừa.

Trong một cuộc chiến tranh lớn, muốn thắng lợi phải cần đến các vi tướng giỏi. Nhưng một vi tướng dù tài đến mấy cũng không thể làm nên chiến thắng. Trước hết phải nói đến cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến là các đồng chí lãnh đạo hàng đầu của Đảng, của Nhà nước và quân đội ta. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1970. ấy là khi đồng chí tiếp một số nhà thơ được giải thưởng cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ, trong đó có tôi chị Phan Thị Thanh Nhàn và anh Bế Kiến Quốc. Cuộc gặp còn có nhà thơ Chế Lan Viên và thư ký riêng của Thủ tướng là anh Trần Việt Phương. Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau một hồi tư duy, trầm ngâm nói:

- Tôi chỉ có khoảng ba mươi phần trăm thì giờ để làm công tác Thủ tướng. Bảy mươi phần trăm thì giờ là để cùng Bộ Chính trị suy nghĩ về đánh giặc.

Rồi Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi tôi về sức khỏe của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, sau đó ông nhắm mắt, khẽ gật đầu mấy lần và thốt lên:

- Đấy là một người thật có tài, thật có tài!

Kể lại câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói rằng, các đồng chí lãnh đạo hàng đầu của đất nước quan tâm thế nào đến tuyến đường mang tên Bác, bên cạnh các đồng chí trực tiếp lãnh đạo của Bộ Tổng tư lệnh đêm ngày theo dõi mọi diễn biến trên Trường Sơn. Về những điều này, các tổng thống Mỹ thời ấy và các tướng lĩnh Mỹ đều biết rất rõ. Nhưng guồng máy trực tiếp quyết đáp hằng ngày trên Trường Sơn là Bộ Tư lệnh 559 thì Mỹ biết rất muộn và rất ít chuẩn xác.

Mùa khô 1968- 1969, Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559 đóng tại xã Cổ Giang, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi đầu Đường 20. Địa điểm ấy được thiên thời, nhân hòa, nhưng địa không lợi. Sở chỉ huy ở hơi xa các trục đường huyết mạch. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, sau khi nghiên cứu địa thế, đã dời Sở chỉ huy đến một ngôi làng kề bến phà Xuân Sơn. Nói tới phà Xuân Sơn là nói tới một trọng điểm lửa vô cùng ác liệt trên quốc lộ 20.

Trong một cuộc họp quan trọng bao gồm các thành viên chủ chốt của Sở chỉ huy, có nhiều ý kiến không tán thành. Được Chính ủy đồng ý, Tư lệnh quyết định lập tức làm công sự và di chuyển Sở chỉ huy đến gần Xuân Sơn. Một quyết định táo bạo. Nhưng rồi thực tế chứng minh quyết định của Tư lệnh là đúng.

Từ vùng ngã ba kề Xuân Sơn là điểm bắt đầu của Đường 20 nối với Đường 15 “tọa độ lửa". Tại đây, Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh nắm tình hình một cách chặt chẽ hơn trước, các quyết đáp cần triển khai được thực hiện nhanh chóng hơn. Và cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh sau đó đều hiểu rõ: đây là một cử chỉ mà Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên muốn thử thách và đào luyện cán bộ; cần phải gan góc trước mọi khó khăn, xóa tan tâm lý hoảng sợ trước sức mạnh vũ khí của địch.

Sự kiện dời Sở chỉ huy ra gần phà Xuân Sơn chính là giành yếu tố bất ngờ, độ an toàn cao hơn. Mỗi ngày, máy bay Mỹ hàng chục lần xuất kích ném bom bắn phá xuống Xuân Sơn. Tầm lượn của máy bay bao quát tất cả các cơ quan của Sở chỉ huy. Nhưng phi công Mỹ đã có mục tiêu sẵn, chỉ dán mắt vào con phà mà không nhìn thấy gì khác. Từ đó khi chuyển sang Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào, một Sở chỉ huy dưới địa đạo hiện đại nhất, cũng đóng ngay bên “tọa độ lửa”.

Vào chặng cuối của cuộc kháng chiến, Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559 còn trú đóng ở một địa điểm nữa tại phía Đông Trường Sơn, bên bờ sông Bến Hải, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Các địa điểm khác của Sở chỉ huy đều đặt ở phía Tây Trường Sơn, trên đất Bạn.
Có thể nói rằng, cho tới khi chiến tranh kết thúc, chưa bao giờ phía Mỹ tìm được vị trí Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Nói chính xác thì có hai lần bom Mỹ rơi xuống Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559 nhưng cả hai lần đều là ngẫu nhiên. Thượng tướng Đinh Đức Thiện đã nói về sự kiện này: “bọn Mỹ đi mò cua nhưng lại suýt bắt được ếch mà chúng không biết".

Giữ được bí mật của Sở chỉ huy là một việc không dễ. Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559 có quy mô như bộ khung của một tổng cục. Ngoài trụ sở của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh còn có các Cục: Chính trị, Tham mưu tác chiến (phòng không và mặt đất), Tham mưu vận chuyển (vận chuyển xăng dầu, vận chuyển thô sơ, cơ giới đường bộ, cơ giới đường thủy), Công binh (xây dựng và sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn), Hậu cần và các cơ quan khác như Thông tin, Hành chính. Cơ quan đông người, phạm vi đóng quân rộng, phương tiện, khí tài nhiều... mà hàng chục năm trời, địch không phát hiện ra, không bị đánh trúng; vừa bảo vệ được mình, vừa đánh thắng địch, phải nói là một sự kiện lịch sử kỳ diệu, một chiến công tuyệt vời của Bộ Tư lệnh 559-trong đó được đúc kết bằng sự tài giỏi, khôn khéo, dũng cảm của người chỉ huy, của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn và điều quan trọng là có công lao chăm sóc, đùm bọc, che chở của nhân dân, của đồng bào các dân tộc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #188 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:30:44 pm »

Binh trạm và trọng điểm lửa

Cho tới những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định giải tán các binh trạm để lập thành các sư đoàn, kịp ứng phó với mọi diễn biến của chiến tranh. Nhưng đến nay, khi Bộ Tư lệnh 559 đã giải thể thì Ban liên lạc của các binh trạm khi xưa vẫn hoạt động. Vậy thực chất binh trạm là gì? Ai là người đầu tiên sáng tạo ra các binh trạm dọc dài theo đất nước?

Trong lịch sử chiến tranh có những tuyến đường quân sự nổi tiếng: Đường vận chuyển quân lính trong bụng con ngựa gỗ khổng lồ vào thành Tơroa; đường vận tải qua hồ Lađơga đóng băng của Liên Xô bảo vệ thành phố Lêningrát; “con đường xanh" của Stalin xuyên dọc châu Âu đánh vào sào huyệt của phát xít Đức...

Nhưng tuyến đường Trường Sơn có hai sự độc đáo. Một là, thời gian tồn tại của tuyến đường dài hơn mọi tuyến đường chiến tranh ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Hai là, tuyến đường Trường Sơn là một chiến trường trọng yếu và là một căn cứ hậu phương chiến lược cho chiến trường ba nước Đông Dương.

Tôi không thật rõ ai là tác giả của việc lập các binh trạm đầu tiên trên Trường Sơn thời chống Mỹ, nhưng từ "binh trạm" thì đã có ở nước ta từ lâu rồi. Thời Quang Trung đã thành công trong đợt hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc dẹp giặc ngoại xâm năm 1789. Hệ thống binh trạm thời bấy giờ là tuyến đường chạy từ trung tâm của Vua Tây Sơn-ấp Bình Sơn, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. theo dọc đường ven biển ra Bắc, có một số đoạn đi qua dãy Trường Sơn. Trạm U Bò là một trạm của Quang Trung đã trùng với hệ thống trạm giao liên Trường Sơn.

Về mặt biên chế, các binh trạm của Bộ đội Trường Sơn được tổ chức theo "biên chế mềm", nghĩa là tùy theo yêu cầu của mỗi nơi mà tổ chức lớn hay nhỏ. Một binh trạm cỡ trung bình có quy mô như một trung đoàn. Những binh trạm lớn hơn có quy mô như một lữ đoàn. Đại thể, mỗi binh trạm có khoảng 2 tiểu đoàn ôtô, 1-2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội hoặc 1 tiểu đoàn thanh niên xung phong, 1-2 tiểu đoàn pháo cao xạ, 1 đại đội thông tin, 1 tiểu đoàn bốc vác và các khu kho (vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm...), 4-6 trạm giao liên chuyển quân gồm các trạm giao liên và các cung đường giao liên.

Trước đây, các quốc lộ nối Việt Nam với Lào ở miền Bắc có mấy con đường chính: Đường 217 nối Thanh Hóa với Sầm Nưa, đường số 7 nối Nghệ An với Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, đường số 8 nối Hà Tĩnh với Bo ly Khăm xay, đường số 12 nối Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn. Quốc lộ duy nhất mà chúng ta sử dụng vào Tuyến chi viện chiến lược là đường số 12. Binh trạm làm nhiệm vụ vượt đỉnh Trường Sơn ở Cổng Trời - kề gần Đồn biên phòng Cha Lo mang theo tên đường: Binh trạm 12.

Cái tên “trọng điểm” là do ta đặt ra. Mỹ thì gọi là các "Điểm tắc". Muốn tạo ra một trọng điểm, không quân Mỹ dùng pháo đài bay B-52 ném bom rải thảm liên tục xuống nơi đó nhằm “bẻ gãy" hết các con đường và làm thay đổi cả địa hình. Sau đó, cho máy bay cường kích liên tục oanh tạc.

Cho tới đầu những năm 70, thế kỷ XX việc tạo ra những trọng điểm được các nhà quân sự Mỹ tiến hành một cách bài bản hơn: dùng bom cháy, bom hóa học phát quang; dùng B-52 thay đổi địa hình; ném bom nổ chậm, bom từ trường, bom bi không cho bộ đội ta sửa đường, rải các loại mìn: mìn cóc, mìn vướng, mìn lá... đế ngăn chặn công binh ta gỡ bom nổ chậm; gài các loại vũ khí trinh sát - như cây nhiệt đới - một loại máy thu phát và đo đạc tự động trông giống như một cái cây xương rồng không gai - ở hai đầu trọng điểm. Ấy chỉ là mưu mẹo của Mỹ mà chiến tranh thì không có điều nào gọi là đơn giản cả.

Điều mà phía Mỹ phán đoán nhầm liên miên trong cuộc chiến tranh là từ sự chủ quan: khả năng sử dụng lối đánh hiện đại và tổng hợp của quân đội ta. Ví dụ như về lý thuyết thì không có cách gì có thể làm đường ống dẫn xăng vượt qua trùng điệp các dãy núi hàng ngàn cây số. Trùng điệp các trọng điểm lửa mà Mỹ ngăn chặn đêm ngày, làm sao đưa xe tăng, đưa tên lửa và các loại vũ khí khác vào được miền Nam... Và ở đây trọng điểm, nếu chỉ tháo gỡ bom mìn bằng tay, nếu chỉ làm đường bằng cuốc xẻng thì làm sao khai thông các trọng điểm nhanh chóng. Vậy mà phía Mỹ lại đánh nhau theo các chương mục viết trong sách giáo khoa. Người lính thường mà nhiều kinh nghiệm cũng có thể biết được cách sắp xếp, bài bản của Mỹ.

Mỗi khi máy bay Mỹ rải mìn vướng, mìn lá xuống đâu thì y như rằng, ngày hôm đó tại địa điểm ấy tạm yên.

Chưa dứt tiếng máy bay, đã thấy tiếng gầm rú của nhiều xe bọc thép phóng từ của công binh lao vào các bãi bom. Bom mìn nổ rền như thể lại có một đợt bom B-52 mới. Khói bom chưa tan, từ trong các khe núi, góc rừng, từng đoàn máy ủi, máy xúc và trên xe là các chiến sĩ đội mũ sắt, mặc áo giáp lẫm liệt tiến ra trọng điểm. Những đoạn đường cũ, những đoạn đường mới dù còn lô mô đất đá trộn sắt thép nhưng dẫu sao cũng vẫn hiện ra.

Trong chiến tranh, bất kỳ ở đâu cũng có kẻ bạo, người nhát. Nhút nhát vốn dĩ không phải là lỗi lầm mà do khí chất của mỗi người, nhưng khi đối mặt với cam go phải quyết đoán thì cái nhát rất dễ biến thành cái hèn. Những kẻ hèn nhát như thế, ở Trường Sơn chắc là cũng có nhưng rất ít. Cái quả cảm làm cho cái thấp kém gượng dậy mà biến cải...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #189 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2010, 12:32:29 pm »

Trường Sơn người cũ giờ này ở đâu?

Nếu như câu hỏi ấy, Trường Sơn người cũ giờ này ở đâu? chỉ để nói đến người của một tờ báo mặt trận tên là Trường Sơn thì câu trả lời đã khó nhưng không khó lắm. Nếu "người cũ” là hàng triệu lượt người ngày nào đã gặp nhau, cùng chiến đấu những năm gian khó thì câu hỏi ấy chỉ là một tiếng vọng thật dài.

Ở vào chặng đường trước năm 1968, Bộ Tư lệnh 559 chỉ có một tờ tin in rônêô với cái tên nghe như tên một vở chèo: “Hoa thắm Trường Sơn”. Người làm tờ tin ấy là một sĩ quan chính trị, anh đã về hưu với quân hàm đại tá. Còn tờ báo in ti pô ra đời từ cuối năm 1968 do một nhà báo chuyên nghiệp, nguyên là Trưởng phòng Quân sự báo Quân đội nhân dân tăng cường cho Trường Sơn, làm Tổng biên tập. Tên anh là Lục Văn Thao. Thời chống Pháp, anh Thao làm ở báo Quân đội nhân dân và đã có những năm tháng sống cùng với nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Tưởng.

Cũng ở báo Quân đội nhân dân tăng cường cho tờ Trường Sơn, còn có hai phóng viên nữa là Như Phong và Xuân Hội. Sau chiến tranh có lẽ các anh đã về quê, đồng đội cũ không ai được gặp. Nhà báo Phương Nam, phóng viên quân sự của bảo Tiền phong tăng cường cho tờ Trường Sơn thì đã bị bom, hy sinh ngay tại tòa soạn.

Còn một nhà báo nữa, vốn là cán bộ của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, sau chiến tranh về làm ở tạp chí Văn nghệ quân đội là nhà báo, nhà thơ Duy Khán. Anh đã từng có một tập văn xuôi hay đến mức khó ngờ là tập Tuổi thơ im lặng đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Rất tiếc do bệnh trọng, anh đã mất cách đây nhiều năm.

Cùng làm báo Trường Sơn, chúng tôi còn có nhà văn Lê Lựu. Khi vào với Trường Sơn anh mới có một tập truyện ngắn trình làng là tập Người cầm súng. Nay thì Đại tá Lê Lựu có hàng chục tiểu thuyết trong đó có Thời xa vắng nổi tiếng.

Phóng viên ảnh của Trường Sơn sau chiến tranh đã có những năm làm Phó Tổng Thư ký Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng. Bây giờ anh vẫn sáng tác ảnh và còn viết văn, làm báo nữa. Bốn họa sĩ chính của Trường Sơn thì một đã mất vì tai nạn là họa sĩ Vĩnh Phúc. Nhà điêu khắc chân phương và cần mẫn Minh Đinh vẫn làm tượng đều đều. Còn họa sĩ Hoàng Đình Tài thì từ ký họa đã và đang chuyển qua lĩnh vực sơn dầu, sơn mài. Họa sĩ Đức Dụ vẫn vẽ chăm chỉ.

Đấy là mới điểm xuyết một số tên người trong đội ngũ biên tập, ở Trường Sơn còn có nhà in nữa. Nòng cốt của bộ phận in là mấy chiến sĩ vốn là thợ bậc cao của Nhà máy in Tiến Bộ, của Nhà in báo Hải Phòng kiến thiết và xưởng khắc gỗ nổi tiếng của Hà Nội - Xưởng Tinh Hoa. Những người có nghề ấy kèm cặp những người lính mới học nghề. Trong số các cô lính trẻ làm nghề sắp chữ hồi ấy nay có một người nổi tiếng, nhà báo Nghiêm Thi Hằng. Chị đã có gần trăm bài thơ được phổ nhạc...

Nhưng không phải tất cả những người ở Trường Sơn từ mặt trận về đều thành đạt cả. Xin bạn hãy đến đầu phố Lê Văn Hưu của Hà Nội, nơi giáp với phố Huế, nhìn sang bên trái sẽ thấy một thiếu phụ ngồi bán rượu trắng và chân chó hầm. Chị chỉ ngồi ghé bên vỉa hè chứ không có quán. Chị có tên là T.B, vốn là một chiến sĩ gái đẹp đến mức lộng lẫy của Trường Sơn. Chồng đã mất, chị ở vậy nuôi con.

Chị kể, ở Hà Nội thôi, hình như phố nào cũng có người của Trường Sơn. Phố Vọng ở gần Bạch Mai, cứ vài ba nhà lại có một nhà mà chủ hộ là cựu chiến binh. Gần quán bia hơi Cây Gạo có một ngôi nhà xây dở dang, trước cửa có biển quảng cáo nước giải khát Co ca - Co la và Pepsi. Chủ hộ là anh Lê Điềm, nguyên là Xưởng trưởng một xưởng sửa chữa xe máy công binh Trường Sơn, trú đóng ở vùng ngã ba biên giới thuộc Binh trạm 37. Gần đây, anh có tặng Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh một cái cờ lê mang về từ mặt trận và một cái ba lô con cóc bị bom bi xé rách. Anh cùng nhập ngũ với nghệ sĩ ưu tú Hoàng Chè (Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu II - vốn là ca sĩ của Đoàn văn công Trường Sơn) Bây giờ hai người vẫn thân nhau.

Nghe nói về Lê Điềm thì thấy mát lòng: hết chiến tranh, về học tiếp đại học, hiện đang sinh hoạt trong một câu lạc bộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ cho việc huấn luyện. Anh không giấu được tôi bao cực nhọc đăng sau cái biển quảng cáo.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM