Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:18:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 168016 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #150 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2010, 02:24:59 pm »

Nhằm thống nhất tư tưởng, hành động, động viên khí thế bộ đội nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới. Đảng uỷ Bộ Tư lệnh quyết định tổ chức Hội nghị Quân chính. Sau đó là Đại hội mừng công khai mạc vào ngày 7 tháng 3 năm 1973, đây là Đại hội lớn nhất. Tham dự có đầy đủ các đồng chí trong Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh, các đồng chí cấp cục và cấp phòng, các chỉ huy sư đoàn, trung đoàn, đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ Quốc phòng, các tổng cục, các quân binh chủng, Bộ Giao thông Vận tải, đại diện một số tỉnh, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và các nhà văn, nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh...

Trong không khí dạt dào phấn khởi, Đại hội đã nồng nhiệt chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào dự. Đây là lần thứ ba Đại tướng tới dự hội nghị tổng kết của Bộ đội Trường Sơn. Điều đó nói lên sự quan tâm sâu sắc của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với vị trí nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn. Sự có mặt của Đại tướng là sự khích lệ, cổ vũ lớn đối với cán bộ, chiến sĩ trên toàn tuyến.

Thông qua bản báo cáo của Chính uỷ và Tư lệnh, các đại biểu dự Hội nghị Quân chính và Đại hội mừng công đều tự hào về sự đóng góp xương máu của hàng chục vạn bộ đội thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến trên tuyến chi viện chiến lược suốt 5.000 ngày đêm, góp phần to lớn vào thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời thấy rõ thời cơ mới và nhiệm vụ to lớn của Bộ đội Trường Sơn còn ở phía trước, xác định quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh.

Trong đại hội mừng công, với phát biểu của mình, Đại tướng thay mặt Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân uỷ Trung ương Bộ Quốc phòng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương chiến công to lớn của Bộ đội Trường Sơn: “Những chiến công trong 14 năm qua của các đồng chí đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của các chiến trường. Đó là những cống hiến lớn lao, một trong những cống hiến có tính quyết định về chiến lược vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta. Không những thế, những thành tích, những chiến công đó đã có tác dụng giúp Trung ương và Quân ủy Trung ương thực hiện chính sách đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, thực hiện có hiệu lực phương châm chiến lược "Đông Dương là một chiến trường"

Thành tích chiến đấu, công tác và xây dựng trong 14 năm qua của các lực lượng vũ trang, của các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn là một trong những thành công kiệt xuất của đường lối chính trị và quân sự của Đảng ta, là những kinh nghiệm quý báu làm phong phú thêm khoa học và nghệ thuật quân sự của quân đội ta.

Trong thành công to lớn của Bộ đội Trường Sơn, chứa đựng lời đáp về câu hỏi: “Vì sao một dân tộc nhỏ mà anh hùng như Việt Nam ta đã đánh thắng được một tên đế quốc to như đế quốc Mỹ xâm lược, tên đế quốc đầu sỏ?".

Giải thích về nhiệm vụ mới, Đại tướng nói: Đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước chưa từ bỏ dã tâm của chúng, hiện đang vi phạm trắng trợn và có hệ thống nhiều điều trong Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tiếp tục mưu đồ duy trì chủ nghiã thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình hình mới, đáp lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chính phủ, các lực lượng vũ trang nhân dân ta hãy tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác, ra sức phấn đẩu để củng cố những thắng lợi đã giành được, nắm vững thời cơ, sáng tạo thời cơ tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Đại tướng nhắc nhở:

“Thắng lợi của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn vừa qua là to lớn nhưng mới là cơ sở để tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Những cố gắng, thành tích và thắng lợi mới của các đồng chí sẽ là một trong những nhân tố quyết định, góp phần vào sự thành công của cách mạng nước ta và cách mạng các nước anh em trên bán đảo Đông Dương”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #151 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2010, 02:25:44 pm »

Sau Hội nghị Quân chính và Đại hội mừng công, Chính uỷ và Tư lệnh đã hướng dẫn Đại tướng đi thị sát chiến trường. Trên lộ trình dài khoảng 300km. Đại tướng đã đi qua các trọng điểm địch đánh phá ác liệt trước đây và đã dừng lại thăm nhiều đơn vị anh hùng: Tiểu đoàn ô tô 101 - đơn vị hai lần được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Trung đoàn ô tô vận tải 13; Đại đội 2 công binh (thuộc Tiểu đoàn 31 công binh) là đơn vị đã giành giật với địch từng thước đường trên đèo Văng Mu suốt 2.000 ngày đêm, được mệnh danh là “cánh cửa thép Văng Mu”, hai lần được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đến trọng điếm ATP trên đường 20, một trọng điểm cửa khẩu bị đánh phá huỷ diệt. Gần 20 km2 rừng núi nguyên sinh trước đây, nay chỉ còn lại một số thân cây cháy trụi, hố bom chồng chất và xác xe pháo ngổn ngang.

Dừng lại trên đỉnh đèo Phu La Nhích, Đại tướng quan sát địa hình và nói: "Quan sát trọng điểm đánh phá của địch mới thấy hết sức chịu đựng, trí sáng tạo của Bộ đội đường Hồ Chí Minh. Đây thực sự là một kỳ công, kỳ tích do ý chí vì độc lập tự do của bộ đội ta".

Tiếp đó Đại tướng đến thăm Đại đội 5 công binh (thuộc tiểu đoàn 33 công binh Anh hùng) đang bám trụ trên đỉnh đèo Phu La Nhích, thăm Đại đội 1 bảo vệ ngầm Ta Lê, thăm Đại đội 25 thanh niên xung phong - đơn vị Anh hùng bảo vệ cua chữ A và một đơn vị pháo bảo vệ trọng điểm này. Nói chuyện với các đơn vị bám trụ trọng điểm, Đại tướng giải thích:

Trong cuộc chiến đấu, đây là lần đầu tiên, Đảng ta, nhân dân ta đương đầu với một tên đế quốc đầu sỏ cả về vật chất và khoa học kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới. Chỉ riêng việc ngăn chặn tuyến đường của chúng ta, Mỹ đã huy động trí tuệ của rất nhiều nhà khoa học kỹ thuật nổi tiếng thế giới, đề ra các chương trình chiến tranh điện tử, hoá học... Bởi vì các nhà chiến lược Mỹ nhận thức rằng con đường Hồ Chí Minh cũng là chiếc thòng lọng thắt vào cổ họng "con người khổng lồ".

Đại tướng chỉ rõ: "Muốn đạt được đỉnh cao toàn thắng, chúng ta cần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo hơn. Đường Trường Sơn không dừng lại ở mức độ này mà phải mở rộng, rải đá đi được hai chiều, cả mùa nắng và mùa mưa...".

Thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, Đại tướng nhiệt liệt biểu dương cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, đã góp phần làm nên thắng lợi to lớn của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vĩ đại này.

Cùng với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, sau nhiều năm phối hợp chiến đấu chống kẻ thù chung, cách mạng Campuchia cũng giành được thắng lợi quan trọng. Vùng giải phóng, căn cứ của lực lượng kháng chiến Campuchia được củng cố và mở rộng.

Nhân dịp này Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc sau nhiều năm sống ở nước ngoài được Chính phủ ta giúp đỡ về thăm vùng giải phóng theo đường Hồ Chí Minh. Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao nhiệm vụ đưa đón Quốc trưởng cùng vợ là bà Môních và Phó chủ tịch mặt trận kháng chiến Campuchia Iêngxan về vùng giải phóng theo nghi thức nguyên thủ quốc gia.

Trong điều kiện thiếu thốn kham khổ của chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn và các đơn vị trên tuyến đã cố gắng hết sức mình tạo mọi điều kiện tốt nhất, đảm bảo cho phái đoàn về nước chu đáo, an toàn tuyệt đối.

Trên đường quay trở lại, đoàn ghé nghỉ tại Sở chỉ huy Sư đoàn 471 ở Xê Sụ, Quốc trưởng Xihanúc đã dừng điện thoại nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ đội Trường Sơn đã ưu ái đặc biệt, tạo điều kiện cho Đoàn hoàn thành chuyến đi lịch sử.

Ngày 5 tháng 4 năm 1973, đoàn về đến chỉ huy sở Bộ Tư lệnh Trường Sơn, dừng chân nghỉ lại một ngày. Trong buổi Bộ Tư lệnh Trường Sơn chiêu đãi mừng thắng lợi chuyến đi của đoàn, Quốc trưởng Xihanúc đã xúc động nói:

"Đây là một chuyến đi lịch sử có một không hai. Qua chuyến đi, chúng tôi được tận mắt chứng kiến thắng lợi và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổ chức của các ngài rất khoa học, bộ đội các ngài rất có kỷ luật và thiện chiến. Việt Nam nhất định thắng, cách mạng ba nước Đông Dương nhất định thắng”.

Tháng 4 năm 1973. phái đoàn của Trung ương Đảng, Uỷ ban Thống nhất Trung ương và một số cơ quan nhà nước do đồng chí Tố Hữu - Bí thư Trung ương Đảng dẫn đầu vào làm việc với chiến trường. Thành phần của Đoàn có Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, Phó Ban thống nhất Trung ương Nguyễn Thọ Chân và một số cán bộ chủ trì cơ quan chuyên ngành, trong đó có cục trưởng hầu hết các cục của Tổng cục Hậu cần. Đoàn đi và về trên cả hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn; thăm và làm việc với các quân khu.

Lúc quay về, đồng chí Tố Hữu và đồng chí Đinh Đức Thiện đã vào thăm Sư đoàn 471 và Sư đoàn 473. Hai đồng chí khen ngợi Bộ đội Trường Sơn có ý thức kỷ luật và trình độ thiện chiến, đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà các đồng chí yêu cầu. Trong không khí cởi mở, hân hoan, đồng chí Tố Hữu đọc bài thơ "Nước non ngàn dặm" vừa mới sáng tác.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #152 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2010, 02:26:28 pm »

Cũng trong giai đoạn này, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường: Võ Chí Công - ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu uỷ Khu 5, Chu Huy Mân - ủy viên Trung ương Đảng Tư lệnh Quân khu 5, Nguyễn Văn Linh - ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Hoàng Văn Thái - ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh bộ đội miền Nam, Trần Văn Trà - ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tư lệnh bộ đội miền Nam, Trưởng ban Liên hiệp bốn bên tại Tân Sơn Nhất, Võ Văn Kiệt - ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, Phó Chính uỷ bộ đội miền Nam, Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên... ra Bắc làm việc với Trung ương và Quân uỷ Trung ương đều được Bộ đội Trường Sơn đón tiếp, chăm sóc hết sức chu đáo, đảm bảo đi đường an toàn tuyệt đối với thời gian nhanh nhất và sức khoẻ tốt nhất.

Sau Hội nghị Quân chính và Đại hội mừng công, Bộ Tư lệnh bắt tay ngay vào nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn mới, phân công các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và cơ quan nắm tình hình, chuẩn bị phương án để báo cáo Bộ Quốc phòng, Quân uỷ Trung ương, nhất là phương án xây dựng đường tiêu chuẩn Đông Trường Sơn.

Để có đầy đủ luận chứng trình lên cấp trên, Bộ Tư lệnh tổ chức hai đoàn đi khảo sát, nắm tình hình trên cả hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn. Đoàn đi tuyến Đông do Tư lệnh dẫn đầu, đoàn đi hướng Tây do Chính uỷ dẫn đầu. Đoàn của Chính uỷ xuất phát từ Hướng Hoá (Quảng Trị) theo đường 9 đến Bản Đông rẽ sang đường 128 qua đường 17 đến cao nguyên Bô Lô Ven đi vào miền Đông Nam Bộ.
Kết hợp với việc thị sát tuyến đường, đoàn đã làm việc với các Sư đoàn 471 472, 565, 968, Quân khu Hạ Lào để thống nhất chủ trương, biện pháp tiến hành xây dựng cơ bản tuyến đường, chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụtới và giúp bạn xây dựng vùng giải phóng...

Sáng ngày 3 tháng 4 năm 1973, đoàn đi thăm đơn vị tiền tiêu của Sư đoàn bộ binh 968 chốt ở Pắc Xoong - vị trí chiến lược ở Nam Lào mới được giải phóng. Trên đường đi, xe trúng mìn, đồng chí Đặng Tính và các đồng chí Vũ Quang Bình - Chính uỷ Sư đoàn 968, Nguyễn Xuân Yêm - Cục phó Cục tham mưu công binh, Trịnh Quý - nhạc sĩ đoàn văn công Trường Sơn, cùng đồng chí y sĩ và lái xe đều hy sinh. Đây là một tổn thất nặng nề của Bộ đội Trường Sơn trước khi bước vào giai đoạn chiến đấu mới.

Tư lệnh đi khảo sát tuyến Đông đã làm việc với Sư đoàn 473, các Bộ Tư lệnh Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và Bộ Tư lệnh Miền. Trên đường về chỉ huy sở thì nhận được tin đau xót này, Tư lệnh đã chỉ thị và phân công các đồng chí trong Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh báo cáo lên Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức tang lễ trọng thể đồng chí Đặng Tính tại Hà Nội.

Ngày 10 tháng 4, Bộ Tư lệnh tổ chức lễ truy điệu Chính uỷ Đặng Tính tại sở chỉ huy. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn tỏ lòng thương tiếc vô hạn đối với người Chính uỷ tài năng mẫu mực thân thiết của mình, nguyện ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Để kịp thời kiện toàn Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh sau khi Chính uỷ Đặng Tính qua đời, ngày 1 tháng 5 năm 1973. Quân uỷ Trung ương quyết định cử đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Bí thư Đảng uỷ và Chính uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Sau khi trực tiếp khảo sát và nắm tình hình các mặt, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh họp thông qua kế hoạch 3 năm (1974 - 1976) với yêu cầu nắm vững thời cơ, nỗ lực vượt bậc tạo thế, tạo lực cho chiến trường tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Nội dung như sau:

1. Cải tạo tuyến Tây Trường Sơn và xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn cùng với hệ thống đường ống xăng dầu, tạo cơ sở vững chắc cho vận chuyển lớn khối lượng vật chất và cơ động bộ đội, binh khí kỹ thuật ra chiến trường.

2. Dự kiến khối lượng vận chuyển 3 năm là 400.000 - 500.000 tấn, quyết tâm mùa khô năm 1973 - 1974 phải đạt 207.000 tấn.

3. Cơ giới hoá toàn bộ hệ tuyến hành quân, bảo đảm hành quân đơn vị lớn và đưa binh khí kỹ thuật nặng vào chiến trường.

4. Chuẩn bị tăng cường lực lượng cho chiến trường, bảo đảm vận tải chiến dịch.

5. Cải tiến tổ chức, bổ sung lực lượng và vật chất trang bị đáp ứng nhiệm vụ với quy mô lớn và yêu cầu cao.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #153 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2010, 02:27:09 pm »

Từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 5 năm 1973. Tư lệnh trực tiếp báo cáo với Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các Phó Thủ tướng Đỗ Mười, Phan Trọng Tuệ về vấn đề xây dựng cơ bản tuyến đường Sau đó phân công các đồng chí trong Bộ Tư lệnh cùng các đồng chí phụ trách đầu ngành làm việc với các cơ quan Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Ngày 25 tháng 5 năm 1973, Phó Thủ tướng Đỗ Mười thông qua kế hoạch xây dựng cơ bản đường Trường Sơn với nội dung:

- Đối với đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn là đường xuyên Bắc - Nam xây dựng theo tiêu chuẩn cấp bốn miền núi từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Phước Bình). Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách xây dựng từ Khe Gạt (Quảng Bình) vào Chơn Thành, trước mắt đến Bù Gia Mập, có tổng chiều dài 1.200km. Nền đường 9m, mặt đường 7m, cá biệt nền đường 7m, mặt đường 5,5m. Cầu, cống vĩnh cửu hoặc bán vĩnh cửu. Bảo đảm hành quân cơ giới và vận chuyển cả hai mùa với tốc độ tối đa 60km/giờ.

- Đối với tuyến Tây Trường Sơn: Cải tạo nâng cấp trên hai trục. Trục thứ nhất: Từ Phong Nha (đường 20) và từ Thạch Bàn (đường 16) kéo vào PPlây Khốc, rồi nối với tuyến đông, chiều dài khoảng 720km. Trục thứ hai: Gồm đường 9 từ Hướng Hoá đến Mường Phin theo đường 23 xuống Sa Ra Van, A Tô Pơ, chiều dài khoảng 520 km.

Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Quốc phòng phụ trách toàn bộ công trình bao gồm khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cử cán bộ tham gia xây dựng tuyến đường, giúp đỡ tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày cho cán bộ và nhân viên kỹ thuật của công trình. Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Vật tư, các ngành, các địa phương có liên quan tích cực giúp đỡ Bộ Quốc phòng hoàn thành công trình Trường Sơn trong thời hạn quy định.

Thực hiện chỉ thị trên, Bộ Tổng tham mưu đã duyệt nâng tổng quân số cầu đường Bộ đội Trường Sơn lên 37.388 người; trong đó được Trung ương Đoàn thanh niên chi viện 8.542 thanh niên xung phong. Các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh huy động 3.219 dân công. Bộ cũng quyết định bổ sung và đổi mới trang bị cơ giới làm đường gồm 221 máy húc (C 100 và Hồng Kỳ), 632 xe ben, 428 xe tải, 51 xe lu, 99 máy ép hơi, 37 máy nghiền đá.

Trường Đại học Địa chất và Đại học Mỏ cử một số giáo viên; Trường đại học Xây dựng cử một đoàn giáo viên và sinh viên Khoa Cầu đường do đồng chí Đặng Hữu chủ nhiệm khoa dẫn đầu; Bộ Giao thông Vận tải cử Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cùng một số cán bộ chuyên môn kỹ thuật hàng đầu và bốn tổ khảo sát vào giúp đỡ Bộ đội Trường Sơn.

Các chuyên gia cầu đường đã cùng công binh Trường Sơn khảo sát cắm tuyến, nghiên cứu địa chất, thăm dò mỏ đá, thiết kế nền, móng, cầu cống, rãnh thoát nước, giúp xây dụng công trình sản xuất đá ở Đầu Mầu, trực tiếp khảo sát thiết kế đoạn có địa hình phức tạp: Bù Lạch - Khâm Đức. Bộ Giao thông Vận tải còn khẩn trương tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn vào các trường đào tạo cấp tốc và trường chuyên môn tu nghiệp.

Được Chính phủ, Bộ Quốc phòng hoàn toàn nhất trí và tạo mọi điều kiện cho Bộ đội Trường Sơn tiến hành xây dựng cơ bản tuyến đường, đồng thời được các bộ các ngành tận tình giúp đỡ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã khẩn trương điều chỉnh lực lượng công binh ở các binh trạm thành 16 trung đoàn, trong đó có hai trung đoàn làm cầu cống và dự kiến triển khai bố trí: Tuyến đông từ Khe Gạt đến Bù Gia Mập, trọng điểm là từ Thạch Bàn qua Cù Bai đến Ngọc Hồi, bố trí 14 trung đoàn xây dựng đường cơ bản. Tuyến tây từ Bản Đông đến PPlây Khốc bố trí một trung đoàn củng cố cầu đường. Tuyến ngang đường 9 bố trí một trung đoàn và thanh niên xung phong cải tạo mở rộng đoạn Rào Quán - Lao Bảo.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #154 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2010, 02:32:26 pm »

Trong khi Bộ đội Trường Sơn đang hối hả chuẩn bị công trình lịch sử này thì Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Cuba Phiđen Cátxtơrô, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Cuba, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam sang thăm nước ta, vào thăm khu giải phóng tỉnh Quảng Trị. Được chứng kiến công trình xây dựng đường Trường Sơn phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam của quân dân ta, thông cảm với sự khó khăn của một đất nước bị tàn phá nặng nề, Thủ tướng hứa sẽ báo cáo với Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng; trước mắt sẽ điều một số chuyên gia làm việc tai Trường Sơn và tặng Bộ Tư lệnh Trường Sơn một bộ máy làm đường trị giá 6 triệu đô la. .

Về nước, Thủ tướng Phiđen Cátxtơrô phái ngay một đoàn chuyên gia gồm 73 kỹ sư, công nhân lành nghề sang Việt Nam công tác trên đường Trường Sơn và nhận 30 cán bộ Việt Nam sang học nghề ở Cuba. Sáu tháng sau ngày Thủ tướng Cuba về nước, chuyến tàu chở máy móc làm đường đầu tiên của bạn cập bến Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn cử Phó Cục trưởng công binh Nguyễn Đình Cầu và Trưởng phòng vật tư kỹ thuật Đặng Hương cùng một số kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và trung đoàn 515 tiếp nhận chuyển gấp vào tuyến.

Trước sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và quân đội đối với việc xây dựng cơ bản tuyến đường Hồ Chí Minh cũng như trước tinh thần quốc tế cao cả của Thủ tướng Phiđen Cátxtrô, Bộ đội Trường Sơn càng nhận rõ trách nhiệm và vinh dự của mình, quyết tâm đem hết tinh thần và nghị lực thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một vấn đề nổi bật mang tính cấp bách là nhu cầu chi viện cho miền Nam tăng theo bước nhảy vọt đòi hỏi Bộ đội Trường Sơn phải đổi mới tổ chức, đổi mới thế trận thật khẩn trương, nhanh chóng tăng cường sức chiến đấu và hiệu suất chiến đấu mới đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Đảng ủy Bộ Tư lệnh quyết định đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho bỏ cấp binh trạm và các sư đoàn khu vực, thành lập các sư đoàn binh chủng nhằm tạo được quả đấm mạnh thực hiện vận chuyển đường dài cũng như tập trung thực hiện các công trình trọng điểm.

Trong lúc chờ đợi quyết định chính thức, được sự đồng ý của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã giải thể các binh trạm, dồn các tiểu đoàn thành 15 trung đoàn binh chủng (công binh, pháo cao xạ, ô tô vận tải) trực thuộc các bộ tư lệnh sư đoàn khu vực; đồng thời thành lập thêm năm trung đoàn trong đó có hai trung đoàn độc lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn: trung đoàn 541 kho, Trung đoàn 572 giao liên.

Ngày 11 tháng 5 năm 1973, Quân ủy Trung ương phê chuẩn thành lập một sư đoàn xe và một sư đoàn công binh.

Đây là hai sư đoàn binh chủng đặc thù đầu tiên trong tổ chức của quân đội ta và chưa thấy có trong bất kỳ quân đội nước nào trên thế giới .

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, tháng 7 năm 1973, Bộ Tổng tham mưu ra quyết định chuyển Sư đoàn khu vực 571 thành Sư đoàn ô tô cơ động vận tải quân sự 571 và Sư đoàn khu vực 473 thành Sư đoàn công binh 473 trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đây là sự phát triển mới về tổ chức, đánh dấu bước trưởng thành lớn của Bộ đội Trường Sơn.

Bàn đạp đứng chân xuất phát của một sư đoàn xe có trên 2.000 ô tô vận tải là một trong những yếu tố cấu thành thế trận vận chuyển đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn và chỉ huy Sư đoàn 571 quan tâm đặc biệt. Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đích thân cùng các đồng chí chỉ huy sư đoàn trực tiếp khảo sát địa bàn, quyết định chỗ đứng cho bốn trung đoàn xe trên một khu vực rộng lớn bao gồm Đông Hà, Cam Lộ (thuộc bắc Quảng Trị) và Mỹ Đức, Thạch Bàn (thuộc nam Quảng Bình) có chính diện 30km, chiều sâu 50 km. Các trung đoàn, tiểu đoàn ô tô có bãi xe chính quy có các trục đường cơ động bảo đảm thời gian từ lúc hạ đạt mệnh lệnh xuất phát đến chiếc xe thứ 160 của tiểu đoàn ra khỏi bãi hết 15 - 20 phút.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #155 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2010, 02:34:15 pm »

Vấn đề cung độ trả hàng, cung độ tạm nghỉ đều được nghiên cứu bố trí khớp với chu kỳ bảo dưỡng kỹ thuật, tiêu thụ nhiên liệu, sinh lý con người. Hệ thống chỉ huy giao thông, điểu chỉnh đội hình được bố trí trên các tuyến, đảm bảo cự ly, tốc độ và ký luật hành quân.
Phong trào xây dựng đơn vị chính quy được thực hiện rầm rộ trong toàn sư đoàn với quyết tâm biến sư đoàn thành đơn vị thiện chiến, ra quân đánh thắng trận đầu.

Bộ Tư lệnh chỉ đạo xây dựng lại hệ thống kho theo cung cách vận chuyển mới; thành lập trung đoàn kho 541. Khu vực kho rải từ Đông Hà lên Hướng Hoá, có trữ lượng 25.000 tấn, đủ sức xuất nhập mỗi ngày 15.000 tấn cho từ hai đến ba trung đoàn xe một lúc và tiếp nhận khối lượng vật chất từ hậu phương chuyển lên bằng đường bộ và đường biển tại cảng Cửa Việt - Đông Hà.

Các trạm xưởng được quy hoạch thành hệ dây chuyển từng cấp. Cục Vận tải Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách xưởng đại tu bộ phận xe máy, súng pháo. Các sư đoàn phụ trách xưởng trung tu và đội sản xuất gỗ đóng thùng bệ. Các trung đoàn phụ trách xưởng tiểu tu sửa chữa nhẹ và tổ chức các đội kỹ thuật cơ động.

Đối với lực lượng công binh, Bộ Tư lệnh quyết định đào tạo và huấn luyện lại đội ngũ cán bộ và chiến sĩ nhằm vượt qua những thách thức về xây dựng cơ bản tuyến đường chiến lược theo tiêu chuẩn cấp bốn miền núi.

Đầu tháng 6 năm 1973, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh họp bàn chuyên đề về xây dựng cơ bản tuyến đường; sau đó mở Hội nghị tập huấn cho 202 cán bộ cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn công binh và các cơ quan Bộ Tư lệnh. Hội nghị tập huấn này có tầm lịch sử như Hội nghị tập huấn chiến dịch, chiến thuật vận tải năm 1967 tại Hương Xuân, Hương Khê, Hà Tĩnh. Nó nhằm chuyển hướng phương pháp thi công công trình theo một sơ đồ mang tính chất công nghiệp với tư duy khoa học sáng tạo.

Trong Hội nghị này, Tư lệnh trực tiếp giảng bài về tư tưởng và phương châm xây dựng cơ bản cầu đường. Các chuyên gia giảng về kỹ thuật chuyên môn - Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy và Tham mưu trưởng công binh Phan Quang Tiệp trực tiếp tổ chức hướng dẫn thảo luận.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh còn truyền đạt phương án, tiến độ và bố trí lực lượng với quyết tâm chia giai đoạn thông toàn tuyến sớm, kịp tạo thời cơ và sử dụng thời cơ. Tổ chức thi công chia thành bốn mũi trên bốn đoạn để sớm hợp điểm. Thực hiện thi công đồng bộ cầu và đường, vừa thi công xây dựng cơ bản, vừa bảo đảm vận chuyến thông suốt, liên tục. Mạnh dạn cải tiến tổ chức, bỏ cấp tiếu đoàn, nhằm tăng quân số lao động trực tiếp và chỉ huy trực tiếp.

Lực lượng chủ yếu tập trung xây dựng đường cơ bản đông Trường Sơn cụ thể:

- Từ Cù Bai đến Khâm Đức, bố trí Sư đoàn 473 cùng 7.500 thanh niên xung phong, sau đó thêm Sư đoàn 472.

- Từ Khâm Đức đến Bù Gia Mập, bố trí Sư đoàn 470 cùng hai trung đoàn độc lập.

- Từ Khe Gạt đến Cù Bai bố trí ba trung đoàn độc lập cùng 4.000 thanh niên xung phong, sau đó thêm Sư đoàn 565.

Để một trung đoàn cùng 3.000 dân công hoả tuyến duy tu đường 20, đường 16 vào đến Plây Khốc ngã ba biên giới.

Sử dụng hai trung đoàn cải tạo, mở rộng đoạn Rào Quán trên đường 9, rải đá đoạn Thà Khống - Mường Phin, mở các đoạn đường vươn sâu tới hậu cứ các chiến trường. Để rút ngắn thời gian hoàn thành trục đông Trường Sơn, Bộ Tư lệnh quyết định thành lập đoàn công binh kỹ thuật trực tiếp thi công các trục đường phía nam tuyến từ Sê Rê Pốc tới Đồng Xoài, giao cho kỹ sư Đỗ Xuân Diễn, nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn công binh 473 làm Trưởng đoàn, Lê Đình Xuyến làm Chính uỷ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #156 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2010, 02:34:56 pm »

Cùng với việc xây dựng và bố trí lại lực lượng ô tô vận tải và công binh, lực lượng tác chiến cũng được củng cố và bố trí theo yêu cầu mới. Sư đoàn phòng không 377 và 5 trung đoàn phòng không của Bộ phối thuộc được triến khai bố trí từ khu vực bàn đạp Cửa Việt, Đông Hà ngược lên Khe Sanh và dọc đường 14 Hướng Hóa, Ly Tôn, A Lưới, Trao, Giàng.

Với các lực lượng khác, Bộ Tư lệnh quyết định: nhập các đơn vị bộ binh trực thuộc vào Sư đoàn bộ binh 968, tăng cường trang bị hoả lực cho bộ binh địa phương của bạn, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, củng cố vững chắc vùng giải phóng Nam Lào, bảo vệ sườn phía tây hành lang.

Lực lượng đảm bảo xăng dầu đường ống được bố trí theo hai trục đông và tây Trường Sơn đảm bảo nhiên liệu cho các binh chủng thuộc Bộ đội Trường Sơn và các đơn vị kỹ thuật của Bộ qua tuyến. Đồng thời tiếp tục thi công đường ống theo kế hoạch mới. Ở hướng đông, bố trí một trung đoàn đường ống củng cố và tiếp tục thi công từ Hướng Hoá vào A Lưới - Trao. Ở hướng tây bố trí một trung đoàn đường ống củng cố và thi công từ đường 9 đến Bạc, khảo sát và thi công tiếp đến Pô Cô.

Hai trung đoàn thông tin chuyên trách mạng hữu tuyến đường dài và mạng vô tuyến tiếp sức được bố trí khớp tuyến nhằm điều chỉnh hệ thống đường dây phù hợp với thế trận mới.

Sở chỉ huy các sư đoàn được bố trí lại. Riêng Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn được chuyển về Thạch Bàn.

Địa bàn bắc Quảng Trị lúc này trở thành căn cứ của Bộ đội Trường Sơn, là nơi hội lưu lực lượng hậu cần quân đội các binh chủng, các đoàn cán bộ quân, dân, chính, đảng dừng chân trước khi đi sâu vào chiến trường.

Hàng loạt việc chấn chỉnh tổ chức, bổ sung quân số xây dựng lực lượng, bố trí thế trận được tiến hành dồn dập.

Phong trào thi đua vượt các chỉ tiêu tiên tiến về năng suất, chất lượng, an toàn, tiết kiệm trên “mặt trận cầu đường" diễn ra sôi nổi. Công trình mỏ đá Đầu Mầu khoan nổ, phá đá nghiền đá suốt ngày đêm. Hàng nghìn xe máy rầm rập hoạt động, hàng mấy vạn lao động thủ công không quản nắng mưa tác nghiệp 10 giờ/ngày. Diện mạo tuyến đường Trường Sơn thay đổi từng ngày.

Trong mùa khô năm 1972 - 1973, ta mở đường mới được 359 km, cải tạo đường cũ được 778 km, với khối lượng 7.817.000 m3 đất đá, làm công trình vượt sông được 134 cầu cứng, 15 cầu nổi, 489 cống và tôn cao các ngầm. Nhờ đó đường từ chỗ tuyến hẹp, dốc cao, bán kính nhỏ trở thành đường rộng từ 6 đến 8m, được rải đá hoặc cấp phối ở những vùng trọng điểm, được "là phẳng" ở những nơi nền có địa chất tốt; vượt sông suối hầu hết bằng cầu, bảo đảm lưu lượng trên dưới 1.000 xe chạy cả ngày đêm với tốc độ 25 - 30 km/giờ. Việc xây dựng tuyến đường ống cũng được tiến hành khẩn trương quyết liệt.

Tận dụng những thành quả về xây dựng hạ tầng cơ sở của các lực lượng bạn, bộ đội ô tô vận tải đã nỗ lực vượt bậc, phát huy chủ nghiã anh hùng cách mạng trong điều kiện mới, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ vận chuyển với khối lượng là 222.823 tấn , đạt 182% kế hoạch Bộ giao. Với các chiến trường đã thực hiện được 88.222 tấn, đạt 147%. Việc đảm bảo xăng dầu cho các chiến trường đạt tỷ lệ gấp hai lần so với mùa khô 1971 - 1972. Năng suất vận chuyển một đầu xe từ 15.500 tấn/km trong mùa khô trước, nay tăng lên 20.000 tấn/km, bằng 130%.

Đảm bảo toàn bộ quân và binh khí kỹ thuật vào hết các chiến trường. Chuyển trên 5.000 thương binh bằng cơ giới ra hậu phương. Đưa đón nhiều đoàn khách đặc biệt, nguyên thủ một số quốc gia, các cán bộ lãnh đạo Đảng, Chính phủ và quân đội chu đáo, tận tình, an toàn tuyệt đối.   

Đảng uỷ Bộ Tư lệnh đánh giá mùa khô 1972-1973, nhất là từ sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Bộ đội Trường Sơn đã nắm bắt thời cơ, kịp thời đổi mới một bước quan trọng về tổ chức lực lượng, triển khai xây dựng thế trận mới, thực hiện vận chuyển đạt thành tích vượt trội hơn mùa khô năm trước. Nhưng với yêu cầu của tình hình mới thì vẫn chưa đáp ứng được. Mùa khô 1973 - 1974 tới, toàn tuyến phải nỗ lực cao độ thực hiện quyết tâm đổi mới tổ chức một cách căn bản, hoàn thiện thế trận mới, chuẩn bị cho thời cơ mới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #157 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2010, 11:14:00 am »

Thực tế từ sau Hiệp định Pari, đế quốc Mỹ vẫn bám chặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, biến miền Nam thành một "quốc gia” thân Mỹ. Chúng tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu nhằm tập trung lực lượng thực hiện các kế hoạch "bình định", mở các cuộc hành quân càn quét, thực hiện các chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ" hòng lấn chiếm vùng giải phóng, tiêu diệt một bộ phận lực lượng của ta, đẩy lực lượng của ta ra sát biên giới, loại Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra khỏi đời sống chính trị ở miền Nam. Cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam diễn ra rất quyết liệt.

Tháng 7 năm 1973, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21 đã kịp thời khẳng định nhiều vấn đề quan trọng về đường lối cách mạng và chỉ đạo chiến lược; khẳng định con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực. Bất kể trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Phải đẩy mạnh đấu tranh trên ba mặt trận: chính trị, quân sự, ngoại giao. Trung ương cũng xác định hàng loạt nhiệm vụ lớn cấp bách để thực hiện đường lối chủ trương trên. Mặt trận chi viện chiến lược tuyến đường Trường Sơn được Trung ương Đảng và Chính phủ quan tâm đặc biệt.

Ngày 3 tháng 8 năm 1973, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh tổ chức Hội nghị Quân chính nhằm quán triệt quan điểm tư tưởng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21, triển khai kế hoạch mùa khô 1973 - 1974.

Trong kế hoạch mùa khô này, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao nhiệm vụ vận chuyển 282.000 tấn và kế hoạch bổ sung do Chính phủ giao nhằm ổn định đời sống nhân dân vùng giải phóng là 60.000 tấn. Bộ Tư lệnh quyết tâm phấn đấu đạt 350.000 tấn và thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương là ưu tiên số một cho hàng quân sự, coi trọng nhu cầu xây dựng cơ bản tuyến đường chiến lược, đảm bảo đúng mức và có trọng điểm các nhu cầu dân sinh kinh tế. Đối với chiến trường, ưu tiên vận chuyển cho Nam Bộ, Tây Nguyên, coi trọng đáp ứng các yêu cầu cho bạn Lào và Campuchia.

Để thực hiện được chỉ tiêu nhiệm vụ và tư tưởng chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ trương sử dụng lực lượng linh hoạt, tập trưng dứt điểm từng hướng, từng nhiệm vụ, từng thời gian nhất định; trong vận tải, bỏ cung ngắn chạy cung dài, thực hiện chạy thẳng đối với nhiệm vụ đột xuất những hàng đặc biệt.

Nhằm quán triệt phương châm vận chuyển trong điều kiện mới là năng suất, chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả, đầu tháng 11 năm 1973, Bộ Tư lệnh mở lớp tập huấn cho cán bộ của tám trung đoàn ô tô vận tải và các tiểu đoàn ô tô trực thuộc để quán triệt nhiệm vụ, phương châm và chiến thuật vận tải mới, phổ biến chỉ tiêu kế hoạch vận chuyến cho từng sư đoàn, trung đoàn, các chỉ tiêu về cây số chạy trong ngày, về hệ số kỹ thuật, xăng dầu, trọng tải...

Bộ Tư lệnh dự định chiến dịch vận chuyển mùa khô 1973 - 1974 sẽ được mở vào ngày 15 tháng 11 năm 1973 và bằng nhiều đợt liên tục, kéo dài trong 10 tháng, chia thành hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1 từ ngày 15 tháng 11 năm 1973 đến ngày 15 tháng 5 năm 1974, tập trung phần lớn lực lượng xe vận chuyển chủ yếu theo tuyến tây, dứt điểm cho chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên, Campuchia, Lào. Khi thời tiết cho phép sẽ cơ động một bộ phận lực lượng sang phía đông, đi sâu đến hậu cứ Khu 5 và Trị - Thiên, thực hiện được một phần ba tổng khối lượng chi viện cho hai chiến trường này. Trong khi thực hiện khối lượng cho chiến trường thì kết hợp tỷ lệ thoả đáng giải quyết các khối lượng về xây dựng cơ bản đường bộ, đường ống và nhu cầu hậu cần cho các lực lượng nội bộ Bộ Tư lệnh Trường Sơn công tác ở hướng đó.

- Giai đoạn 2, lật cánh sang phía đông, dứt điểm cho Trị - Thiên, Khu 5 và nhu cầu xây dựng cơ bản. 

Trong giai đoạn này trên toàn tuyến Trường Sơn hơn 6.000 ô tô của bộ đội vận tải cùng hàng nghìn xe máy của bộ đội công binh chuyển động ầm ầm từ 4 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm. Chiến trường đã ngớt tiếng bom đạn nhưng núi rừng vẫn rung chuyển. Chỉ mới một tháng đầu ra quân vận chuyển trong thời tiết và đường cầu chưa thật ổn định mà ta đã giao cho Nam Bộ được khối lượng bằng 25% khối lượng cả năm 1972 - 1973, giao cho Tây Nguyên khối lượng bằng 16% cả năm trước; đồng thời tạo chân hàng dự trữ lớn ở KG4.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #158 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2010, 11:14:45 am »

Sang tháng 1 năm 1974, thời tiết ở hướng tây đi vào ổn định, Bộ Tư lệnh lập tức bỏ cung trung chuyển Ka Nốt; kéo dài cung vận chuyển từ Long Đại, Đông Hà vào tới Xê Sụ có cự ly 500 km và từ Xê Sụ vận chuyển trực tiếp giao hàng cho các chiến trường, trong đó xa nhất là giao hàng cho Nam Bộ tại Bù Gia Mập.

Hết tháng 1 năm 1974, khối lượng giao cho các chiến trường tăng vọt; riêng Nam Bộ đã giao 8.024 tấn các loại, bằng 106 % so với khối lượng cả năm 1972-1973, kịp thời bảo đảm cho quân và dân Nam Bộ tiến công liên tục. Giao cho bạn Lào đạt 105 % kế hoạch. Giao đủ hàng cho Campuchia đẩy mạnh cuộc tiến công, mở rộng vùng giải phóng. Năng suất bình quân mỗi đầu xe biên chế của các sư đoàn trong tháng đạt 3.608 tấn/km đến 3.928 tấn/km.

Kết quả hai tháng vận chuyển đầu mùa đã chứng tỏ tính ưu việt của mô hình tổ chức mới và thế trận vận chuyển, thế trận cầu đường mới, cũng như cung cách tập trung đội hình vận chuyển lớn chạy đường dài. Đồng thời cũng phản ánh chủ nghiã anh hùng cách mạng, lao động sáng tạo, quên mình trong điều kiện cực kỳ gian khổ, căng thẳng của cán bộ, chiến sĩ các binh chủng.

Trong không khí thi đua "Mừng xuân dâng Đảng", tối 30 Tết Giáp Dần tức ngày 22 tháng 1 năm 1974, Bộ đội Trường Sơn vinh dự được đồng chí Trường Chinh ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đến thăm và cùng vui Tết.

Tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh, sau khi nghe Tư lệnh báo cáo về tình hình hoạt động của tuyến chi viện chiến lược, Chủ tịch Trường Chinh biếu dương tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng miền Nam và cả nước, hoan nghênh những việc làm sáng tạo, táo bạo của Bộ đội Trường Sơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.

Đồng chí giải thích: Kinh nghiệm đấu tranh cách mạng cho thấy đối phương khó có thiện chí. Nếu Mỹ - ngụy trắng trợn phản bội Hiệp định Pari thì tuyến Trường Sơn cực kỳ quan trọng, là một trong các điều kiện có tính quyết định để miền Bắc thực hiện sự chi viện cho cách mạng miền Nam giành thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 21 tháng 2 năm 1974, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp mở rộng, đánh giá về khả năng chiến đấu và thắng lợi của ba tháng đầu mùa khô. hạ quyết tâm động viên mọi lực lượng hiệp đồng chiến đấu hoàn thành dút điểm cơ bản kế hoạch năm 1973- 1974 cho Nam Bộ và Tây Nguyên vào tháng 3 năm 1974.

Từ tháng 4 năm 1974 sẽ tập trung lực lượng lập chân hàng cho đường sông để tiếp tục vận chuyển mùa mưa giao tiếp kế hoạch bổ sung cho Nam Bộ, Campuchia và vận chuyển bảo đảm nhu cầu cho lực lượng xây dựng cơ bản tuyến phía tây, đồng thời điều Trung đoàn 36 thuộc Sư đoàn 471 và Trung đoàn 17 thuộc Sư đoàn 571 lật cánh hoạt động sang tuyến phía đông nhằm bảo đảm nhu cầu đầu mùa mưa cho Trị - Thiên và Khu 5.

Tháng 2 và tháng 3 là những tháng cao điểm của mùa khô, rất thuận lợi cho vận chuyển cơ giới đường bộ, nhưng lại nảy sinh những khó khăn không nhỏ đe dọa đến việc thực hiện quyết tâm trên. Tuyến đường tuy được cải thiện nhưng vẫn là đường đất, dù có lát đá hoặc rải cấp phối được một số đoạn, nhưng không sao chịu nổi lưu lượng xe hàng nghìn chiếc chạy trong ngày. Xe càng chạy, đất càng bị vụn, đường càng bị đào thành "hào" bụi, sâu từ 30 đến 40cm.

Bụi trở thành kẻ thù nguy hiểm, đã che tầm nhìn của lái xe, giảm độ bám của đường, làm tốc độ xe bị chậm, thậm chí làm tắc đường do xe bị “lầy bụi". Nóng cũng nguy hiểm không kém, ngoài trời 40oC thì trong buồng lái 60oC, dưới chân ga 70oC, chênh lệch giữa nhiệt độ con người và nhiệt độ của môi trường trong buồng lái từ 20oC đến 30oC. Nhiệt độ cao cũng làm cho hệ thống làm lạnh của xe giảm tác dụng: máy bị nóng, ăn xăng nhiều và giảm sức kéo.

Vì bụi và nóng nên sau đợt vận chuyển tháng 2 và tháng 3 lái xe bị kiệt sức, sụt cân từ 4 đến 6kg. Mốt trung đoàn xe, hệ số kỹ thuật tụt xuống còn 45-50%. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có nhiều biện pháp giải quyết tích cực:

Tập trung lực lượng công binh, bào mặt đường, rải tiếp cấp phối, tưới nước; tổ chức bếp ăn trên dọc đường; tăng thêm định lượng cho lái xe gấp ba lần lao động khác; cấp thêm sữa, thịt tươi, viên tăng lực, khẩu trang cho lái xe; tăng thêm quân số bảo dưỡng xe; tăng vòi tiếp xăng trên mỗi trạm từ 10 lên 20 vòi; tăng các đội văn hoá, văn nghệ, điện ảnh lưu động phục vụ bộ đội xe trên các khu tạm dừng. Các chỉ huy sư đoàn, trung đoàn thay nhau đi trên đường chỉ huy động viên bộ đội.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #159 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2010, 11:15:45 am »

Đồng chí Tư lệnh và Phó Chính uỷ Lê Xy lên đường kiểm tra toàn tuyến và vào chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ làm việc với các Bộ Tư lệnh chiến trường nắm yêu cầu, hợp đồng kế hoạch trước mắt và kế hoạch năm 1975.

Với sự nỗ lực vượt bậc hiệp đồng chiến đấu của các binh chủng, cuối tháng 3 toàn tuyến đã vận chuyển được 94% kế hoạch cho Nam Bộ, 80% kế hoạch cho Tây Nguyên và trên 90% kế hoạch cho Campuchia và Lào; chở 4.000 thương bỉnh ra Bắc trong đó có chị Võ Thị Thắng.

Lúc này Bộ lại bổ sung thêm kế hoạch cho Nam Bộ và Tây Nguyên, với sự điều khiển linh hoạt và tinh thần khắc phục khó khăn của các cấp khi kế hoạch bị đảo lộn, hết tháng 5 năm 1974, tất cả mọi nhiệm vụ đều vượt chỉ tiêu Bộ giao: Nam Bộ đạt 116% kế hoạch, Tây Nguyên đạt 108% kế hoạch, Lào và Campuchia đạt từ 103 đến 105% kế hoạch.

Nhằm đáp ứng yêu cầu chi viện chiến lược quy mô lớn hơn, ngày 15 tháng 5 năm 1974, Quân uỷ Trung ương phê chuẩn thành lập thêm sư đoàn ô tô vận tải thứ hai lấy phiên hiệu Sư đoàn ô tô vận tải 471. Chuyển các sư đoàn khu vực 470, 472 thành các sư đoàn công binh. Thành lập thêm Sư đoàn 565 công binh. Bộ Quốc phòng đồng ý để Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức thêm sáu trung đoàn công binh trực thuộc, tăng cường quân số cho hai trung đoàn thông tin 49 và 596, dồn lực lượng đủ biên chế cho Trung đoàn hành quân cơ giới 572 và Trung đoàn kho 541.

Như vậy, vào thời điểm này Bộ Tư lệnh Trường Sơn có tất cả 8 sư đoàn binh chủng, 20 trung đoàn và tương đương trực thuộc, hàng chục tiểu đoàn trực thuộc các cục nghiệp vụ. Tổng quân số lên đến 100.495 người trong đó có 13.155 sĩ quan. Lực lượng chuyên môn có 12.318 lái xe, 961 lái xe húc, 3.618 thợ sửa chữa, 291 bác sĩ, 880 y sĩ, 3.450 y tá, 583 đài trưởng báo vụ thông tin.

Sau khi khẩn trương sắp xếp kiện toàn tổ chức và cán bộ, Sư đoàn ô tô vận tải 471 và Sư đoàn công binh 472 lật cánh sang hướng đông, tập trung lực lượng xây dựng cơ bản tuyến đường đông Trường Sơn, đồng thời vận chuyển dứt điểm kế hoạch cho Khu 5, Trị - Thiên, cho nhu cầu xây dựng cơ bản của công binh và đường ống, lập chân hàng dự trữ cho Nam Bộ năm 1975.

Đầu tháng 4 năm 1974, Quân uỷ Trung ương triệu tập Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân nghiên cứu Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng và Nghị quyết tháng 3 năm 1974 của Quân ủy Trung ương. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên được triệu tập dự Hội nghị. Trong dịp này đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Trung tướng. Sau Hội nghị, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp báo cáo tình hình và kết quả hoạt động của Bộ đội Trường Sơn từ sau Hiệp định Pa ri đến nay với đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng rất phấn khởi trước bước phát triển mạnh mẽ và những thành tích đạt được của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, góp phần quan trọng tạo thế, tạo lực của cách mạng miền Nam, làm chuyển biển tương quan lực lượng trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta.

Các đồng chí chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải cố gắng hơn nữa để vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 1974. Đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lưu ý Bộ Tư lệnh Trường Sơn trong việc chuẩn bị kế hoạch năm 1975, ngoài kế hoạch thông thường phải sẵn sàng bảo đảm cho kế hoạch đột xuất khi thời cơ chiến lược xuất hiện.

Cuối tháng 5 năm 1974, phía tây Trường Sơn chuyển vào mùa mưa.

Bộ Tư lệnh quyết định lật cánh toàn bộ lực lượng từ phía tây sang phía đông Trường Sơn nhanh chóng chuẩn bị và thực hành giai đoạn hai chiến dịch vận tải, chỉ duy trì trên hướng tây Trung đoàn vận tải đường sông 53 của Sư đoàn 470 hoạt động từ Xê Ca Mán theo sông Sê Kông, Mê Kông, vận chuyển hàng giao cho Nam Bộ, Campuchia.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM