Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:44:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167535 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #130 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2010, 06:04:23 pm »

Ngày 4 tháng 5, Binh trạm 27 tổ chức 25 xe do Chính trị viên phó tiểu đoàn 62 Nguyễn Quốc Sử và chiến sĩ quyết thắng Triệu Duy Kéo dẫn đầu chạy trên đường 16 là đường trống trải. Các trọng điểm được bố trí pháo cao xạ bảo vệ khá mạnh. Đoàn xe xuất kích lúc 2 giờ chiều, đến 15 giờ 30 phút đội hình vượt trọng điểm Cha Li, bị máy bay trinh sát OV 10 phát hiện, ba máy bay cường kích kéo đến đánh thẳng vào đội hình bằng bom phá và bom phát quang làm 6 xe bị hỏng, pháo ta đánh trả quyết liệt buộc chúng phải bay cao. Các xe hỏng được khắc phục; đội hình tiếp tục hành tiến đến đèo 300 thì trời tối, ụii máy bay AC 130 phát hiện đánh hỏng 7 xe, đến 24 giờ qua Ta Lăng lại bị AC 130 đánh cháy hỏng chỉ còn 10 xe tới đích. .

Ngày 10 tháng 5, Binh trạm 38 thí điểm chạy ngày 30 xe trong điều kiện nhiều mây mù và đường kín. Kết quả 21 xe tới đích, 9 xe bị đánh hỏng do ngụy trang kém khi giấu xe.

Từ những thử nghiệm trên, Bộ Tư lệnh kết luận đội hình xe chạy ngày nếu đường kín, được tổ chức chỉ huy chặt chẽ sẽ ít tổn thất hơn nhiều so với chạy đêm.

Giữa tháng 5, thời tiết chuyển hẳn sang mùa mưa. Bộ Tư lệnh ra lệnh kết thúc chiến dịch vận tải mùa khô 1970-1971. Ngày 15 tháng 5 năm 1971, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp để kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chi viện mùa khô 1970- 1971 và bàn về việc chuẩn bị cho mùa khô 1971 - 1972 .

Đảng ủy đánh giá: Nhiệm vụ vận chuyển chiến lược mùa khô diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn phức tạp. Đầu mùa, máy bay B52 kết hợp với mưa lũ phá hoại quyết liệt ở các cửa khẩu gây nhiều ách tắc. Bước vào cao điểm thuận lợi của thời tiết thì địch lại mở cuộc hành quân lớn lên đường 9, cuối mùa khô lại bị đối phương thay đổi vũ khí và thủ đoạn đánh phá mới rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực cao độ, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao, trong đó nhiệm vụ trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào được hoàn thành xuất sắc.

Tổng khối lượng vận chuyển cho nội bộ và các chiến trường tuy mới được 63.145 tấn đạt 66%, trong đó vận chuyển cho các chiến trường được 28.623 tấn đạt 80,5%, nhưng mặt hàng chủ yếu là vũ khí, đạn cỡ lớn, đã bảo đảm đầy đủ, đặc biệt cho Nam Bộ. Riêng đối với chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đã thực hiện khối lượng gần 1 vạn tấn, cao hơn chỉ tiêu dự báo ban đầu 8,6 lần, xấp xỉ bằng 85% tổng khối lượng đã giao cho các chiến trường đảm bảo thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất cho chiến dịch.

Bên cạnh đó đã bảo đảm và đưa đón được 88.000 quân vào các chiến trường đặc biệt có 19.000 quân vào chiến trường Nam Bộ kịp thời gian chiến đấu và có sức khỏe tốt. Đã chỉ huy và bảo đảm cho trên 2.000 xe pháo vượt Trường Sơn vào địa bàn chiến dịch; mở thêm cửa khẩu mới; khôi phục trên 4.000 km đường cũ, làm lại hàng trăm cầu phà, ngầm; mở thêm 1.153 km đường mới, đảm bảo vững chắc cho vận chuyển chiến lược và chiến dịch.

Các lực lượng đã chiến đấu trên 22.077 trận, bắn rơi 620 máy bay địch, có 426 chiếc rơi tại chỗ, 98 chiếc rơi đêm. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đã đánh thắng giòn giã 481 trận, bắn rơi 356 máy bay địch. Trung bình mỗi trận bắn rơi một chiếc, làm thất bại chiến thuật trực thăng vận là thế mạnh của địch. Đồng thời, đã phối hợp tác chiến với các lực lượng chủ lực của Bộ và bạn diệt và bắt sống gần 1 vạn tên địch, phá hủy và thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh.

Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn đánh giá: “Trong hoàn cảnh vừa làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch vùa trực tiếp tác chiến chiến dịch trên cả hai hướng đông và tây Trường Sơn mà thực hiện được khối lượng như vậy là một cố gắng phi thường một thắng lợi to lớn”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #131 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2010, 06:05:10 pm »

Từ đánh giá thắng lợi và tồn tại, Đảng ủy Bộ Tư lệnh đề ra quyết tâm chuẩn bị ngay cho mùa khô 1971 - 1972 một cách toàn diện với sự nỗ lực cao nhất. Trong đó tập trung vào khâu củng cố, bổ sung phương tiện, quân số, xây dựng lực lượng huấn luyện bộ đội. Đặc biệt, phải khẩn trương xây dựng thế trận cầu đường nhằm hạn chế thiên tai và đối phó với sự đánh phá của địch, nhất là đánh phá của máy bay B52 ở cửa khẩu và của máy bay AC 130 vào đội hình xe; xúc tiến củng cố thế trận vượt khẩu; ưu tiên mở đường kín xây dựng thế trận chạy ngày, coi đây là vấn đề sống còn của vận tải chiến lược mùa khô 1971 - 1972 .

Đảng ủy Bộ Tư lệnh nêu rõ, mở hệ thống đường kín là cuộc cải cách cực kỳ lớn của tuyến vận tải cơ giới và là biện pháp tích cực nhất, chủ động nhất để chống thủ đoạn của máy bay AC 130, là việc làm thiết thực nhất để thực hiện vận chuyển cơ giới chạy thẳng.

Những nội dung kiểm điểm có tính nguyên tắc và những đề xuất chủ trương có tính sáng tạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Bộ đội Trường Sơn. Đó là nhân tố quyết định cho những thắng lợi mới to lớn toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược, đảm bảo cho các chiến trường phát huy thế chủ động tiến công, đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ trong mùa khô 1971 - 1972.

Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ba nước Đông Dương xuân hè 1971 đã dẫn đến những thay đổi quan trọng trong cục diện chiến tranh.

Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ bị thất bại một bước nghiêm trọng. Trên chiến trường miền Nam, Mỹ - ngụy phải chuyển hẳn vào thế phòng ngự, quân viễn chinh Mỹ tiếp tục rút khỏi chiến trường. Sức chiến đấu của quân ngụy Sài Sòn sa sút về nhiều mặt, nhất là về tinh thần chiến đấu và hỏa lực. Chúng lại phải dàn mỏng lực lượng để chiếm đóng các vị trí thay cho 30 vạn quân Mỹ đã rút nên càng thiếu quân cơ động.

Để cứu vãn tình thế, Mỹ - ngụy ra sức củng cố ngụy quân, đẩy mạnh hoạt động bình định nông thôn, củng cố thế phòng ngự. Đồng thời, chúng tăng cường hoạt động nống lấn, đánh phá vùng giải phóng và hành lang chi viện chiến lược của ta bằng không quân và biệt kích nhằm hạn chế tới mức tối đa sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, tạo điều kiện cho chúng tiếp tục thực hiện chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" nhằm giành thế mạnh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pari.

Để thúc đẩy chiều hướng phát triển của tình hình, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1971) chủ trương phát triển thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trong thế thua.

Trước mắt mở những chiến dịch tiến công lớn của bộ đội chủ lực trên các hướng chiến lược quan trọng, đồng thời đẩy mạnh tiến công quân sự rộng khắp, kết hợp với quần chúng nổi dậy, phá kế hoạch bình định của địch ở nông thôn, đồng bằng, thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng ở các thành thị, làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh ở miền Nam.

Thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 6 năm 1971, Hội nghị Quân ủy Trung ương thông qua kế hoạch tác chiến năm 1972, xác định ba hướng chính của cuộc tiến công chiến lược là miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị - Thiên. Mục tiêu phấn đấu trong năm 1972 là tiêu diệt một số chiến đoàn, lữ đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu sư đoàn chủ lực ngụy, giải phóng một số khu vực, mở rộng căn cứ, đưa các khối chủ lực trở về đứng chân trên các chiến trường miền Nam, trực tiếp hỗ trợ phong trào quần chúng tiến công và nổi dậy phá bình định ở nông thôn, đồng bằng.

Trên miền Bắc, tiếp tục củng cố nâng cao trình độ chiến đấu của các lực lượng vũ trang, sẵn sàng đánh bại mọi hành động phiêu lưu của địch, đồng thời tăng cường lực lượng và vật chất vào chiến trường.

Để chuẩn bị cho những đòn tiến công chiến lược mới, Quân ủy Trung ương chỉ đạo nhiệm vụ của tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn trong năm 1971 - 1972 là đảm bảo cho được yêu cầu tác chiến trước mắt, có một phần dự trữ ở chiến trường, tiện cho việc cơ động bộ đội, đồng thời có một phần dự trữ chân hàng trên tuyến, sẵn sàng bảo đảm cho các chiến dịch, tạo chân hàng cho hai năm 1972- 1973
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #132 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2010, 06:06:04 pm »

Quân ủy Trung ương nhấn mạnh nhiệm vụ của tuyến hành lang chiến lược là một trong các khâu quyết định góp phần đánh thắng địch trên chiến trường. Do đó phải bằng mọi cách hoàn thành bằng được kế hoạch đã giao.

Để thực hiện chủ trương trên, Quân ủy Trung ương chỉ đạo triển khai xây dựng tuyến đông Trường Sơn, chậm nhất tháng 12 năm 1971 phải thông tuyến, thông xe; đồng thời, củng cố tuyến tây Trường Sơn; triển khai mở tuyến đường kín; thi công kéo dài tuyến đường ống; nghiên cứu các biện pháp đối phó với các thủ đoạn đánh phá của máy bay chiến lược B52, các loại máy bay trang bị phương tiện điều khiển bằng tia la de và máy bay AC 130.

Tháng 5 năm 1971, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp, quán triệt tình hình nhiệm vụ theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương. Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh nhận định:

Sau thất bại của cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, cục diện chiến trường đã có bước phát triển mới. Ta có đủ khả năng mở các đòn tiến công chiến lược trên nhiều hướng. Vì vậy, nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược sẽ tăng gấp bội. Cuộc đọ sức trên đường Trường Sơn sẽ diễn ra ác liệt hơn, mang tính chất tổng hợp nhiều loại, nhiều quy mô. Vì vậy, phải chuẩn bị một cách toàn diện và sớm cho mùa khô 1971 - 1972, trong đó cần tập trung giải quyết ba vấn đề lớn:

Một là, xây dựng cho được thế trận cầu đường mới và các khu xuất phát của bộ đội xe hơi nhằm đối phó có hiệu quả với hai đối tượng cực kỳ nguy hiểm là thời tiết và không quân địch; thay đổi hẳn quy luật hoạt động của ta làm đảo lộn hiểu biết vốn có của địch đối với tuyến vận tải chiến lược. Đây là vấn đề quan trọng bậc nhất;

Hai là, nhanh chóng khôi phục, củng cố, phát triển và xây dựng lực lượng cả về quân số, phương tiện vật chất kỹ thuật, trình độ chính trị và tác chiến đáp ứng yêu cầu  nhiệm vụ mới;

Ba là, xây dựng phương án tổ chức mới phù hợp với tình hình của tuyến chiến lược trình Quân ủy Trung ương phê duyệt.

Bộ Tư lệnh xác định cầu đường luôn luôn phải đi trước một bước; đặc biệt trong mùa khô 1971 - 1972 phải đi trước, xa hơn, chủ động hơn. Vì vậy, phải triển khai ngay trong tháng 6 ba khối việc lớn:

a. Mở tuyến đường kín.

b. Mở tuyến đông Trường Sơn .

c. Rải đá trên các tuyến vượt khẩu.

Sau khi nghiên cứu các phương án do Cục Công binh chuẩn bị, Bộ Tư lệnh quyết định mở tuyến đường kín ngay từ đầu tháng 6. Điểm xuất phát tuyến đường cách nam ngầm Long Đại 2 km chạy vào tây Văng Mu, từ đó chạy song song với trục đường 128 vào tới ngã ba biên giới, chiều dài khoảng 800 km.

Để giữ được bí mật, tuyến đường chỉ được phép mở rộng 3,5 m đủ cho xe đi một chiều. Cứ 10 km, phải tạo một đường nhánh để xe tránh nhau. Những nơi trống trải phải trồng cây và ngụy trang kín đáo. Đội hình thi công chia làm 4 mũi trên 4 cung đoạn, cùng đồng thời khởi công và cùng đồng thời hoàn thành để thông tuyến vào tháng 11 năm 1971 .

Thực hiện các chủ trương trên sẽ tạo ra một thế trận lưới có chính diện vượt khẩu kéo dài 250 km với 6 tuyến cắt ngang dãy Trường Sơn nối với mạng tây Trường Sơn; có tuyến đông Trường Sơn chạy sát sườn địch, nhanh chóng tiếp cận chiến trường, nâng hiệu suất vận chuyển và binh khí kỹ thuật vào các chiến trường Trị - Thiên và Khu 5 nhanh gấp ba lần so với trước (vì không phải đi vòng, xa hơn khoảng 200 đến 300 km), đồng thời lợi dụng sự trái ngược thời tiết đông và tây Trường Sơn để vận chuyển cả hai mùa; có tuyến đường kín mang ý nghĩa chiến lược, gây cho địch bất ngờ lớn, có khả năng vô hiệu hoá đối tượng cực kỳ nguy hiểm là máy bay AC 130; đồng thời, cho phép thực hiện vận tải ban ngày theo đội hình lớn, chạy thẳng cung dài từ đầu tuyến đến vùng ba biên giới và hậu cứ Nam Bộ, xóa được phương thức đi theo cung ngắn vừa chậm chạp, vừa tốn kém.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #133 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2010, 06:06:48 pm »

Từ sau chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, địa bàn tuyến chiến lược được mở rộng với tổng diện tích khoảng 132.000 km2. Lực lượng phát triển lớn, quân số ước tính trên 8 vạn người. Các binh trạm, trung đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh tăng lên khoảng 50 đầu mối, phân bố trên nhiều khu vực khác nhau về địa hình, thời tiết, quy luật hoạt động, hình thức tổ chức đã mang lại hiệu quả trong những năm trước, đến lúc này không còn thích hợp, chứa đựng mầm mống quan liêu, trì trệ, thiếu sâu sát, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong chỉ huy, có thể dẫn đến những quyết định không kịp thời và chính xác.

Đảng ủy Bộ Tư lệnh đã cân nhắc và đi đến quyết định, đề nghị Quân ủy Trung ương phê duyệt phương án tổ chúc phân chia toàn tuyến thành 5 khu vực. Trên mỗi khu vực có một Bộ Tư lệnh chỉ huy bộ đội hợp thành làm nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông, vận tải chiến lược, chiến dịch, tổ chức hành quân, tác chiến đánh địch mặt đất, trên không, bảo vệ hành lang, giúp bạn...

Bộ Tư lệnh cũng đề nghị Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án tổ chức một số trung đoàn, binh chủng nhằm tăng cường sức cơ động, giải quyết dứt điểm các nhiệm vụ lớn trong những thời điểm quan trọng.

Để chủ động về mặt cán bộ cho phương án tổ chức mới, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh thông qua danh sách trên 300 cán bộ sắp xếp vào cấp phòng, binh trạm, trung đoàn do Phó Chính ủy Lê Xy và Trưởng phòng cán bộ Đặng Đình Miên đệ trình.

Qua thực tế tổ chức của Bộ Tư lệnh khu vực 470 và hiệu quả vận chuyển mùa khô vừa qua, ngày 20 tháng 7 năm 1971, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng phê chuẩn phương án tổ chức thêm ba Bộ Tư lệnh khu vực (473, 472, 471) và Bộ Tư lệnh khu vực hậu cứ 571, phân định giới tuyến hoạt động của từng Bộ Tư lệnh khu vực đồng thời điều động và bổ nhiệm cán bộ phụ trách.

Bộ Tư lệnh khu vực 473 phụ trách các tuyến đông - tây Trường Sơn chịu trách nhiệm vận chuyển bảo đảm cho Mặt trân Đường số 9 - Bắc Quảng Trị, chiến trường Trị - Thiên và bảo đảm cho các lực lượng cơ động của Bộ hoạt động ở hướng này; tiếp nhận vận chuyển tạo nguồn dự trữ chiến lược cho Trị - Thiên. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống đường đông Trường Sơn chọc sâu xuống Khâm Đức (Quảng Nam).

Bộ Tư lệnh khu vực 472 chịu trách nhiệm tiếp chuyển tạo chân hàng cho Bộ Tư lệnh khu vực 471; trực tiếp phục vụ cho Mặt trận Y (Trung - Hạ Lào) bảo đảm chi viện cho Quân khu Nam Lào, tổ chức đảm bảo hành quân trong phạm vi phụ trách.

Bộ Tư lệnh khu vực 471 có nhiệm vụ tiếp chuyển tạo chân hàng cho Bộ Tư lệnh khu vực 470; bảo đảm cho bộ đội tình nguyện và Pa thét Lào tác chiến củng cố vùng mới giải phóng; bảo đảm cho trung đoàn công binh mở đường 17 xuyên cao nguyên Bô Lô Ven đến Ta Pao, Nậm Công và tổ chức bảo đảm hành quân trong phạm vi phụ trách.

Bộ Tư lệnh khu vực 470 được giao nhiệm vụ là cơ quan tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn, trực tiếp quan hệ với chiến trường, giải quyết những yêu cầu cấp bách phục vụ tác chiến và thực hiện nội dung chức năng Bộ Tư lệnh khu vực gồm tiếp nhận hàng của Bộ Tư lệnh khu vực 471, vận chuyển đảm bảo cho chiến trường Tây Nguyên, Nam Bộ, Campuchia và Hạ Lào rồi chuyển ngược lại lương thực thực phẩm phục vụ chiến trường Tây Nguyên và bảo đảm một phần phục vụ sinh hoạt nội bộ.

Bộ Tư lệnh khu vực hậu cứ 571 đóng ở khu vực tây Quảng Bình từ sông Gianh vào Vĩnh Linh tiếp giáp các binh trạm cửa khẩu 27, 14, 9. Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh khu vực hậu cứ 571 là tiếp nhận xe pháo, vật liệu phụ tùng do Bộ bổ sung, chỉ huy các tổng kho hàng, tổng kho xe, vật tư kỹ thuật các xưởng đại tu, trung tu xe máy, trường huấn luyện, đoàn điều dưỡng, tuyến quân y phía sau của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước, quân đội và quốc tế ra vào Trường Sơn.

Riêng Sư đoàn bộ binh 968 trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn tiếp tục triển khai chiến đấu trên các khu vực nam Khăm Muộn, Sa Van Na Khét, Sa Ra Van, Bô Lô Ven, A Tô Pơ. Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh ở đông Sa Ra Van.

Ngoài 5 Bộ Tư lệnh khu vực còn có các binh trạm thuộc khu vực cửa khẩu trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn là: Binh trạm 12, Binh trạm 14, Binh trạm 9, Binh trạm 15, Binh trạm 31, Binh trạm 29.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #134 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2010, 06:07:31 pm »

Phương án tổ chức các trung đoàn binh chủng được Bộ phê duyệt gồm: năm trung đoàn công binh, hai trung đoàn ô tô, ba trung đoàn phòng không, hai trung đoàn đường ống xăng dầu, một trung đoàn thông tin, bốn quân y viện.

Bộ cho phép tăng thêm 61 tiểu đoàn, nâng tổng số lên 188 tiểu đoàn và tương đương trực thuộc các binh trạm.

Quân ủy Trung ương tăng cường và bổ nhiệm một số cán bộ vào Bộ Tư lệnh Trường Sơn và cơ quan Bộ Tư lệnh. Tháng 10 năm 1971, đồng chí Đặng Tính- Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân chủng Phòng không - Không quân được điều vào làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn thay đồng chí Vũ Xuân Chiêm; đồng chí Phan Khắc Hy nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân vào làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn; đồng chí Trần Quyết Thắng - Chính ủy Đoàn chuyên gia 565 được đề bạt làm Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh.

Trong cơ quan Bộ Tư lệnh có: Bộ Tham mưu gồm 9 phòng; Cục Tham mưu phòng không gồm 4 phòng; Cục Tham mưu vận tải gồm 5 phòng; Cục Tham mưu công binh gồm 5 phòng; Cục Chính trị gồm 9 phòng và tương đương; Cục Hậu cần gồm 6 phòng.

Để bảo đảm quân số cho các đơn vị, Bộ quyết định bổ sung 35.000 quân, trong đó có 20.000 bộ đội và 15.000 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông, nâng tổng quân số lên 92.000 người.

Về trang bị phương tiện cũng được bổ sung rất lớn. Bộ đội vận tải được bổ sung 3.768 ô tô vận tải, nâng tổng sổ xe trong biên chế lên 5.756 chiếc. Các lực lượng công binh, cao xạ, bộ binh và giao liên cơ giới được bổ sung 1.007 ô tô, nâng tổng số xe biên chế lên 2.578 chiếc.

Trang bị khí tài công binh được bổ sung 641 xe các loại (húc, ben, phóng từ, máy đẩy, ép hơi nâng tổng số lên 961 xe các loại. Trang bị cho lực lượng phòng không 728 khẩu pháo cao xạ. Trang bị khí tài cho thông tin hữu tuyến: 7.301 máy điện thoại, 173 máy tải ba, 745 tổng đài, 14.795km dây trần và dây bọc; cho thông tin vô tuyến: 811 bộ đàm 2W, 336 chiếc 5W, 15W, 40 bộ máy tiếp sức Vũ khí bộ binh có trên 10 nghìn khẩu các loại.

Ngày 13 tháng 8, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh họp quyết định tổ chức Hội nghị quân chính nhằm thống nhất quan điểm tư tưởng, nâng cao trình độ chính trị, quân sự cho cán bộ theo kịp yêu cầu phát triển tình hình nhiệm vụ mới.

Nội dung Hội nghị chủ yếu là quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ  9 và Nghị quyết Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ chi viện chiến lược mùa khô 1971 - 1972; quán triệt những bài học được thừa kế, sàng lọc rút ra từ nhiều năm vận tải chiến lược, đặc biệt là vận tải mùa khô 1970- 1971 mà Đảng ủy vừa tổng kết.

Hội nghị Quân chính được tổ chức vào ngày 22 tháng 8 năm 1971 tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở km 3 đường 18. Dự họp có đầy đủ các đồng chí trong Đảng ủy và Bộ Tư lệnh: Đồng Sỹ Nguyên, Hoàng Thế Thiện, Lê Đình Sum, Lê Xy, Hoàng Kiện, Ngô Thành Vân, Lê Nghĩa Sỹ, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Lệnh, Nguyễn Lang, Phan Khắc Hy, Nguyễn An; các đồng chí chỉ huy quân sự, chính trị các sư đoàn, binh trạm, trung đoàn; các đồng chí đại diện các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của Bộ Tư lệnh từ cấp phòng trở lên.

Dự họp có đồng chí Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đại diện Quân ủy Trung ương, đồng chí Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Nguyễn Tường Lân và Nam Hải - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Lê Văn Tri - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Đặng Tính - Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, các đồng chí chủ trì các cục trong cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, các tư lệnh công binh, thông tin. Đồng chí Nguyễn Tư Thoàn Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình, Hồ Sĩ Thản - Bí thư Đảng bộ đặc khu Vĩnh Linh.

Hội nghị đã thực sự hội tụ đông đủ trí tuệ của những người đã từng lăn lộn trên tuyến lửa Trường Sơn, phản ánh sự quan tâm sâu sắc, sự đùm bọc, chăm 10, giúp đỡ của toàn quân, toàn dân đối với Bộ đội Trường Sơn đang quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu mùa khô 1971 - 1972 sắp tới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #135 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2010, 06:08:17 pm »

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đọc báo cáo tổng kết. Với tinh thần tự phê bình nghiêm túc đồng chí đã nêu lên những ưu điểm, khuyết điểm trong cuộc chiến đấu vừa qua, đồng thời rút ra những bài học có tính phổ biến.

Báo cáo tập trung làm rõ các vấn đề:

- Nắm địch, thời tiết, địa hình có hệ thống, đánh giá đúng địch, lợi dụng mọi sơ hở của chúng, kết hợp khắc phục địa hình, thời tiết là một trong những yếu tố quyết định giành thắng lợi.

- Chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị thế trận, xây dựng và sử dụng lực lượng bước đầu là cơ sở vật chất vững chắc bảo đảm cho tổ chức chiến đấu thắng lợi.

- Giữ vững quyền chủ động, thực hiện tiến công kiên quyết liên tục tiến công trong mọi tình huống, trong mọi binh chủng là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt, là một trong những yếu tố hàng đầu đi tới thắng lợi.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng, lấy bộ đội xe hơi làm trung tâm, xây dựng phong cách chỉ huy trực tiếp là nguyên tắc bảo đảm chắc thắng.

- Liên tục động viên quần chúng. Xây dựng quan điểm tư tưởng đúng đắn là một trong những yếu tố quyết định tiến công thắng lợi.

- Nắm vững phương châm vận chuyển đa phương thức, lấy vận chuyển cơ giới đường bộ là cơ bản, coi trọng vận chuyển cơ giới đường sông, đẩy mạnh phát triển đường ống, duy trì gùi thồ ở nơi và lúc cần thiết. Trong vận chuyển phải vận dụng linh hoạt mọi hình thức chiến thuật: chạy ngày, chạy đêm, chạy lấn sáng, lấn chiều, chạy lớn, chạy vừa, chạy nhỏ, chạy cung ngắn, cung dài, chạy mùa khô, mùa mưa, lấn mùa, chạy bí mật, bất ngờ, chạy trong điều kiện địch đã biết ta và đánh ác liệt.

- Nắm vững phương châm tác chiến: táo bạo, vững chắc, linh hoạt, chủ động, bí mật, bất ngờ, tích cực đánh địch kết hợp chủ động phòng tránh. Nội dung của tích cực đánh địch là kiên quyết chiến đấu, trực diện chiến đấu, liên tục chiến đấu của mọi binh chủng trong thế hiệp đồng. Chủ động phòng tránh là tích cực xây dựng công sự, ngụy trang, nghi binh, lừa địch. Phòng tránh cũng là chiến thuật và nghệ thuật đánh địch.

Báo cáo đã phân tích thêm một số khái niệm về chiến dịch vận tải quân sự trên tuyến chiến lược với sự tham gia của nhiều lực lượng, nhiều binh chủng. Báo cáo nêu rõ trong điều kiện đánh phá, ngăn chặn quy mô, ác hệt của địch, muốn giành thắng lợi trong vận tải quân sự nhất thiết phải huy động sức mạnh tổng hợp, dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất các binh chủng hợp thành bằng tổ chức chiến dịch tiến công; chỉ có chiến dịch tiến công mà thôi. Chiến dịch có hướng chủ yếu, hướng phối hợp. Có giai đoạn mở đầu tạo thế, thực hiện đột kích tiến lên giai đoạn tổng công kích dứt điểm kế hoạch cho từng hướng. Có giai đoạn kết thúc chiến dịch đúng lúc.

Nội dung báo cáo được hội nghị thảo luận, bổ sung thực tiễn làm phong phú, sáng tỏ và sâu sắc thêm. Hội nghị đặc biệt quan tâm thảo luận biện pháp đánh bại thủ đoạn đánh phá của máy bay AC 130 và đi đến kết luận: máy bay AC 130 cực kỳ nguy hiểm, nhưng ta không sợ. Nếu làm đường kín chạy ngày kết hợp chạy đêm, đồng thời sử dụng tên lửa và pháo tầm cao chống lại, thì nhất định sẽ đánh bại chúng.

Ngày 29 tháng 8 năm 1971, đồng chí Lê Quang Đạo - đại diện Quân ủy Trung ương nói chuyện với hội nghị. Sau khi biểu dương những nỗ lực và thắng lợi của Bộ đội Trường Sơn, đồng chí nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược là chìa khóa để chiến trường tận dụng thời cơ; tạo thắng lợi mới, nhảy vọt mới... Cả nước, toàn quân tạo điều kiện cho Bộ đội Trường Sơn, tin tưởng Bộ đội Trường Sơn sẽ phát huy truyền thống vượt mọi thử thách giành thắng lợi ...".

Đồng chí nhắc nhở các cấp cần coi trọng công tác tư tưởng làm cho cán bộ và chiến sĩ thấy rõ thắng lợi và tồn tại, đánh giá đúng địch ta, khó khăn và khả năng, thời cơ và yêu cầu. Thường xuyên quán triệt phương châm tư tưởng chỉ đạo để hành động đúng; giữ gìn cần kiệm, dân chủ, kỷ luật, đoàn kết nội bộ và đoàn kết quốc tế. Coi trọng xây dựng trong chiến đấu mà khâu mấu chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #136 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2010, 06:08:55 pm »

Ngày 5 tháng 9, đồng chí Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần nói chuyện với hội nghị. Đồng chí khẳng đinh: “Đường Hồ Chí Minh là một chiến trường có vị trí chiến lược đặc biệt với ba nước Đông Dương, là chiến trường cực kỳ gian khổ, ác liệt. Nhiệm vụ lớn, lại khẩn trương, vừa vận chuyển vừa chiến đấu, vừa làm đường, bảo vệ đường, vì ta khai thác tại chỗ vừa giúp bạn”. Qua tổng kết thấy rõ Bộ đội Trường Sơn trưởng thành, phát triển, làm ăn bài bản, có lý luận, có sáng tạo. Cán bộ, chiến sĩ chiến đấu anh dũng mưu trí...

Sau khi biểu dương, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, đồng chí đã có những ý kiến chỉ đạo cụ thể từng mặt công tác: cầu đường, đường bộ, đường sông, đường ống, tác chiến, vận chuyển, giao liên, bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm đời sống, xây dựng tư tưởng, tổ chức. Đồng chí nhấn mạnh vấn đề then chốt là xây dựng con người có trình độ chính trị tư tưởng vững vàng, có trình độ chiến thuật, kỹ thuật và chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có sức khỏe tốt.

Hội nghị bế mạc trong không khí hân hoan, phấn khởi và tin tưởng. Từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 10 năm 1971 các Bộ Tư lệnh khu vực kiện toàn bộ máy lãnh đạo và chỉ huy, tập trung xây dựng chức trách nhiệm vụ, lề lối làm việc, tác phong chỉ huy, đồng thời tích cực xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng trên địa bàn được phân công phụ trách.

Do các Bộ Tư lệnh khu vực được cấu thành từ những cán bộ đã từng giữ cương vị chỉ huy cấp chiến dịch và chiến thuật, được rèn luyện trưởng thành trong nhiều năm chiến đấu trên tuyến lửa, vừa có trình độ tổ chức chỉ huy, vừa có quan điểm lập trường chính trị vững vàng và do các binh trạm trực thuộc đều đã thiện chiến, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có tinh thần đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể, nên chỉ trong một tháng, guồng máy hoạt động toàn Bộ Tư lệnh từ trên xuống dưới được thông suốt. Sức mạnh chiến đấu của các lực lượng trên từng khu vực được phát huy, hứa hẹn khả năng tổ chức các chiến dịch vận tải độc lập có hiệu quả.

Tháng 10 năm 1971, mùa mưa ở tây Trường Sơn cơ bản kết thúc. Trong 5 tháng liên tục lực lượng công binh lăn lộn chống chọi với mưa gió, muỗi độc, sên, vắt và thiếu thốn mọi mặt về sinh hoạt, đã san đắp được hàng triệu mét khối đất đá sụt lở khôi phục xong hệ thống đường cũ có tổng chiều dài 7.927 km.

Đặc biệt đã mở được trục đường kín dài khoảng 720 km và mở thêm một trục đường mới phía đông Trường Sơn từ Cầu Khỉ vươn tới Khe Sanh dài trên 50km. Đã rải đá được 117 km trên các đường ở cửa khẩu và khoảng 50km trên các đường ngang ra chiến trường. Đã làm được 13 phà vượt các sông lớn, có phà chở được xe tăng 36 tấn như phà Sê San khu vực Bộ Tư lệnh 470. Một số điểm vượt sông trọng yếu được bắc cầu quân sự. Các lực lượng kho, xe và cơ quan các binh trạm khẩn trương xây dựng các khu kho, bãi xe, sở chỉ huy ở các vị trí mới.

Lực lượng phòng không đã xây dựng xong các trận địa. Lực lượng bộ binh tổ chức chiến đấu giữ vững các vùng Mường Phin, cao nguyên Bô Lô Ven, A Tô Pơ, bảo vệ an toàn tuyến hành lang. Tuy nhiên, do đánh giá sai về địch và thiếu linh hoạt về chiến thuật vùng Sa Ra Van bị các binh đoàn cơ động (GM) của ngụy Lào chiếm lại.

Cùng với việc hoàn thành chuẩn bị thế trận, các lực lượng trên toàn tuyến đều được học tập về chính trị; tập huấn về quân sự, kỹ thuật. Các lực lượng bổ sung từ hậu phương cũng đã vào tới khu tập kết, sẵn sàng nhập tuyến.

Việc chuẩn bị cho mùa vận chuyển mới được tiến hành toàn diện và sớm, đã hoàn thành về cơ bản. Nhưng điều kiện để bước vào vận chuyển mùa khô còn chưa đầy đủ vì thời tiết còn diễn biến phức tạp. Hệ thống đường cũ vẫn chưa khô. Đường kín càng ẩm ướt và chưa có hệ thống bảo đảm. Các cửa khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp của ba cơn bão số 12, 13, 14. Mưa to, nước sông suối dâng cao.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #137 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2010, 10:57:50 am »

Bộ Tư lệnh ra lệnh cho các lực lượng phải nỗ lực chạy đua với thời gian để chiến thắng thời tiết củng cố thế trận, bảo đảm tổ chức nhập tuyến cho 70% số quân bổ sung, 70% số xe pháo cùng các khí tài công binh và thông tin để kịp tăng cường cho các lực lượng. Ngày 15 tháng 11 năm 1971 các chỉ tiêu trên phải hoàn thành. 

Chấp hành mệnh lệnh, các lực lượng công binh chở gấp hàng ngàn mét khối đá để tôn ngầm và gia cố mặt đường, bắc cầu quân sự hoặc làm các loại cầu ứng dụng khác. Lực lượng phòng không bố trí các trận địa đánh máy bay phản lực trên các cửa khẩu. Ngày 15 tháng 11 năm 1971, lực lượng cơ giới do Bộ bổ sung bắt đầu nhập tuyến.

Đúng như phán đoán của ta, bước vào mùa khô 1971 - 1972 địch phá chuẩn bị của ta rất sớm. Từ đầu tháng 9 năm 1971 địch tập trung đánh phá cửa khẩu. Cường độ đánh phá so với mùa khô 1970- 1971 không giảm. Mỗi ngày khoảng 40 lần chiếc máy bay B52 và 150 lần chiếc máy bay cường kích đánh phá liên tục trên bốn cửa khấu, chủ yếu là cửa khẩu đường 16 và cửa khẩu đường 20. Ban đêm địch cho máy bay B52 ném bom rải thảm, ban ngày sử dụng máy bay cường kích đánh bổ nhào. Mục đích chủ yếu của địch là cắt đường, kết hợp diệt các đội hình xe.

Tuy nhiên âm mưu cắt đường, bịt cửa khẩu bằng thủ đoạn mới của địch không thực hiện được vì thế trận vượt khẩu đã thay đổi căn bản. Không những ta có sáu tuyến vượt khẩu mà mỗi tuyến vượt khẩu lại có nhiều đường vòng, đường tránh được rải đá khá vững chắc. Lực lượng công binh bố trí trên các tuyến này đều là những đơn vị thiện chiến, giỏi rà phá bom mìn hỗn hợp, khắc phục phá hoại nhanh. Vì vậy các cửa khẩu vẫn thông suốt, chỉ có tắc giờ không có tắc đêm và tắc ngày.

Lợi dụng những ngày thời tiết âm u, các lực lượng cơ giới được lệnh nhập tuyến.

Từ ngày 20 tháng 10 đến ngày 15 tháng 11, trên 20 nghìn quân nhập tuyến, bổ sung cho các đơn vị, trong đó có hàng trăm sinh viên đại học của các trường đại học Thủy lợi, Bách khoa, Tổng hợp, Giao thông, Y dược. 1.200 xe, 250 khẩu pháo và hàng trăm tấn khí tài công binh, thông tin đã vượt qua cửa khẩu về tới vị trí tập kết.

Ở tung thâm, địch tăng cường trinh sát đánh phá các điểm vượt sông. Nhưng lực lượng phòng không của ta đã bảo vệ các điểm vượt có hiệu quả, trong vòng một tháng giao tranh đã bắn rơi 13 máy bay địch, trong đó có 6 chiếc rơi tại chỗ. Sau một tháng hoạt động hết sức khẩn trương, thế trận và lực lượng toàn tuyến đã sẵn sàng bước vào giai đoạn tổ chức chiến dịch vận chuyển mùa khô 1971 - 1972.

Ngày 19 tháng 11 năm 1971, Đảng ủy họp bất thường, nhận định: điều kiện cơ bản để đi vào vận chuyển mùa khô đã được xác lập, nhưng để đi đến giai đoạn chiến đấu đồng đều trên toàn tuyến với quy mô lớn thì chưa thực hiện ngay được, đòi hỏi phải có bước đi thích hợp. Song nếu chậm trễ thì không thể tạo điều kiện cho các chiến trường chủ động tranh thủ thời cơ có lợi để đánh thắng.

Đảng ủy quyết định mở một chiến dịch vận chuyển đột phá quy mô vừa trên hướng quan trọng nhất nhằm mục đích vượt khẩu lập chân hàng, tạo điều kiện cho lực lượng ở tung thâm thực biện từng đợt đột kích; đồng thời để biểu dương ý chí và sức mạnh của ta, thúc đẩy toàn tuyến dấy lên khí thế mạnh mẽ bước vào chiến dịch vận chuyển có quy mô lớn.

Chiến dịch được mang tên “chiến dịch Đồng Xoài". Lực lượng tham gia chiến dịch gồm bốn binh trạm phía bắc: 12, 14, 15, 31. Các đơn vị binh chủng có 7 tiểu đoàn xe hơi, 4 trung đoàn cao xạ, 3 trung đoàn công binh, 2 tiểu đoàn bộ binh. Tất cả các lực lượng đều đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #138 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2010, 10:58:45 am »

Quá trình thực hành chiến dịch, Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao cho Bộ Tư lệnh khu vực 473 trách nhiệm phối hợp, vận chuyển vượt khẩu phía đông, kéo bớt địch. Trung đoàn 29 bộ binh có trách nhiệm phối hợp ngăn chặn địch bảo vệ sườn phía tây. Các bộ tư lệnh khu vực khác khẩn trương củng cố thế trận, thực hiện từng đợt đột kích. Bộ Tư lệnh đề ra bốn mục tiêu lớn của chiến dịch:

- Tổ chức đánh thắng trận đầu bằng chiến đấu hiệp đồng binh chủng.

- Tạo chân hàng với khối lượng lớn trên khu vực bắc đường 9 để chuẩn bị phát triển vận chuyển quy mô lớn trên toàn tuyến.

- Tạo thế cho bước tiếp theo gồm hoàn thiện hệ thống cầu đường phù hợp với tư tưởng chỉ đạo mới; tổ chức thế trận tác chiến phòng không nhằm tiêu diệt các loại máy bay, đặc biệt là máy bay AC 130.

- Rèn luyện bộ đội xe hơi, tập dượt thực hành vận chuyển quy mô lớn.

Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định thiết lập sở chỉ huy nhẹ do Chính ủy Đặng Tính và Phó Chính ủy Lê Xy phụ trách trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia chiến dịch. 

Trước khi ra quân, Bộ Tư lệnh mở Hội nghị Quân chính để phổ biến nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua phối hợp với các chiến trường, quyết giành thắng lợi có ý nghiã quyết định trong năm 1972.

Tại Hội nghị, Bộ Tư lệnh đã công bố danh sách 6 đơn vị và 3 cá nhân vừa được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 1 tháng 10 năm 1971 .

Tin vui nhanh chóng được phổ biến, các đơn vị trên toàn tuyến dấy lên khí thế thi đua chiến đấu lập công trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ trước khi bước vào chiến dịch.

Ngày 12 tháng 12 năm 1971 , chiến dịch mở màn. Đúng vào thời điểm này, cơn bão số 15 gây mưa lớn trên các trục vượt khẩu, các sông suối nước dâng cao. Cán bộ, chiến sĩ công binh đã nêu cao ý chí thắng thời tiết, ngày đêm tập trung sức chở đá tôn ngầm và ngâm mình dưới dòng nước chảy xiết đế bắc cầu quân sự bảo đảm thông xe liên tục.

Từ khu vực Lùm Bùm trở vào, thời tiết khô ráo, trời quang mây tạnh. Nhưng "đường kín" còn mềm chưa sử dụng được, buộc bộ đội xe phải tiến công ban đêm trên “đường hở". Máy bay AC 130 săn lùng xe ráo riết. Bộ đội phòng không đã triển khai được 75% số pháo cao xạ và súng máy ở các trọng điểm Bản Đông, Tha Mé, Mường Phin, Na Hang, Tam Luông, Xóm Péng, đèo 500, Bạc...

Các đơn vị đánh trên 1.000 trận, bắn rơi 27 máy bay các loại có 13 chiếc rơi tại chỗ. Nhưng đổi với máy bay AC 130 thì đánh chưa hiệu quả. Đêm nào xe ta cũng bị loại máy bay này gây tổn thất nặng. Cuộc chiến đẩu giữa ta và địch ngày càng trở nên quyết liệt. Bộ đội xe hơi phải áp dụng chiến thuật lấn chiều, lấn sáng táo bạo hơn, vừa chạy đội hình nhỏ, vừa chạy đội hình vừa, vừa tập kích bí mật, vừa tiến công dưới điều kiện uy hiếp của địch. Lực lượng công binh tập trung đào công sự và làm đường nhánh "xương cá" cho xe trú ẩn, đẩy mạnh nghi binh, tiếp tục gia cố mặt đường.

Các trung đoàn công binh cơ động (4, 10, 98) tiếp tục mở thêm đường kín, củng cố nền đường rải đá chống lầy, bứng cây tươi trồng dọc đường trống, ngụy trang vách ta luy và các bến vượt bằng cây cỏ để nhanh chóng đưa đường kín vào sử dụng.

Lực lượng phòng không tăng cường đánh máy bay trinh sát và máy bay AC 130. Lực lượng bộ binh chuẩn bị đánh chiếm lại vùng vừa bị mất và chuẩn bị giải phóng một số vùng khác. Sau hơn nửa tháng tiến hành chiến dịch Đồng Xoài, toàn tuyến có bước phát triển mới, nhiều mặt phát triển tốt. Các binh trạm trực tiếp tham gia chiến dịch nỗ lực vượt bậc, hoàn thành chỉ tiêu lập chân hàng. Các lực lượng trên các khu vực phối hợp tốt, vừa hoàn thiện thế trận cầu đường, vừa thực hiện các đợt đột kích.

Sư đoàn khu vực 473 và Sư đoàn khu vực 472 đã thực hiện khối lượng vượt đường 9 (1.460 tấn), vượt La Hợp (828 tấn). Sư đoàn khu vực 471 triển khai mở đường kín và đẩy hàng vượt Bạc 228 tấn. Sư đoàn khu vực 470 tổ chức khai thác hàng ở hướng C4 đạt hiệu quả cao (1.000 tấn), đồng thời chuyển được số vũ khí cần thiết đảm bảo cho bộ đội Tây Nguyên và Nam Bộ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #139 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2010, 10:59:27 am »

Phản công đánh bại cuộc hành quân “Chen La 2" của 50 tiểu đoàn chủ lực ngụy Lon non đánh ra khu vực đường số 6 - Công Pông Thơm. Sư đoàn tình nguyện 968 phối hợp với bộ đội Pa thét Lào đập tan cuộc hành quân của 18 tiểu đoàn địch, khôi phục các khu vực Sa Ra Van - Tha Teng, Lào Ngàm, đuổi địch ra khỏi Pắc Xoong, giải phóng cao nguyên Bô Lô Ven, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược. Đoàn chuyên gia 565 tích cực giúp bạn ổn định đời sống nhân dân, phát triển lực lượng cách mạng.

Ngày 27 tháng 12 chiến dịch vận chuyển mang tên “chiến dịch Đồng Xoài" kết thúc, bước đầu tạo điều kiện phát huy sức mạnh trên toàn tuyến. Song so với yêu cầu về khối lượng và thời gian cần thiết đảm bảo cho chiến trường thì mức phấn đấu chưa đạt. Một trong những nguyên nhân là ảnh hưởng cơn bão muộn, đường xấu đánh máy bay AC 130 chưa có hiệu quả. Việc phát động quần chúng chưa mạnh và biểu hiện ngại địch dẫn đến cung cách làm ăn nhỏ, lẻ, phân tán, né tránh làm cho hiệu suất thấp.

Qua "Chiến dịch Đồng Xoài", các cấp lãnh đạo, chỉ huy nhận rõ những ưu điểm khuyết điểm, rút được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Do yêu cầu khẩn cấp của chiến trường, cần phải hoàn thành kế hoạch tháng 1 năm 1972 ở mức tối thiểu, theo thời gian khống chế của Quân ủy Trung ương, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định mở chiến dịch tiếp theo, lấy tên là “Chiến dịch Bình Giã" bắt đầu ngày 1 tháng 1 năm 1972.

Sau khi xem xét thế trận cầu đường, tình hình thời tiết địa hình và sự đánh phá của địch trên toàn tuyến, Bộ Tư lệnh quyết định địa bàn và hướng chủ yếu của "chiến dịch" là từ các cửa khẩu tây Trường Sơn đến Bạc. Lực lượng trên hướng chủ yếu gồm Bộ Tư lệnh khu vực 472, 4 binh trạm độc lập đã tham gia "Chiến dịch Đồng Xoài" và Trung đoàn bộ binh 29 trực thuộc. Ngoài lực lượng vận tải của Bộ Tư lệnh khu vực 472 và các binh trạm trên, Bộ Tư lệnh quyết định tăng cường trung đoàn ô tô cơ động 13 và 3 tiểu đoàn ô tô độc lập khác nhằm tăng sức đột phá, dứt điểm chỉ tiêu nhiệm vụ đúng thời hạn.

Ở hướng đông, Bộ Tư lệnh khu vực 473 có nhiệm vụ phối hợp vận chuyển hàng tới chiến trường Trị - Thiên. Ở hướng nam, Bộ Tư lệnh khu vực 470 và 471 tập trung lực lượng tiếp nhận bảo quản, đồng thời tổ chức những mũi vận chuyển liên tục đi sâu vào hậu cứ các chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên.

Hướng chủ yếu, Bộ Tư lệnh quyết định tăng cường lực lượng phòng không gồm: trung đoàn cao xạ 591 cơ động về khu vực Tha Mé; trung đoàn cao xạ 250 chuyển xuống Bản Đông; trung đoàn cao xạ 210 vào đường 22A; ba tiểu đoàn cao xạ 12, 88 và 98 bố trí bảo vệ đường kín; tiểu đoàn 67 tên lửa hành quân vào khu vực Na Bo đường 128.

Lực lượng thông tin hoàn thiện mạng tiếp sức tải ba, vô tuyến, giữ vững liên lạc với mọi đối tượng trong chiến dịch. Lực lượng đường ống xăng dầu gồm hai trung đoàn 592 và 352, khẩn trương xây dựng đường ống vào đến Bạc, xây các khu chứa tương ứng với các cung vận chuyển phục vụ đội hình xe vừa chạy theo cung, vừa chạy thẳng, đảm bảo vững chắc nhiên liệu cho các hướng.

Lực lượng kỹ thuật khôi phục nhanh đầu xe, thực hiện các chế độ bảo dưỡng, bảo đảm cho được 80% hệ số kỹ thuật. Tổ chức tốt việc ăn nghỉ dọc đường cho bộ đội xe hơi.

Các binh trạm cửa khẩu bảo đảm chân hàng đủ cơ số trực tiếp, cơ số dự bị, cơ số dự phòng. Triển khai hệ thống chỉ huy và bảo đảm giao thông trên trục đường kín. Bố trí hệ thống cấp cứu, phẫu thuật ngay tại các trọng điểm.

Ngày 27 tháng 12, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh triệu tập Hội nghị Quân chính. Sau Hội nghị các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy được phân công trực tiếp chỉ đạo các hướng quan trọng. Riêng hướng chủ yếu, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quyết định thành lập Chỉ huy sở tiền phương do Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy và Phó Chính ủy Lê Xy phụ trách.

Ngày 1 tháng 1 năm 1972, "Chiến dịch Bình Giã” mở màn. Phát hiện hoạt động tập trung quy mô lớn của ta, định huy động lực lượng đánh phá ác liệt. Một mặt, chúng duy trì ngăn chặn cửa khẩu; mặt khác tập trung kiếm soát gắt gao và đánh phá ác liệt khu vực đường 9 từ ngã ba Bản Đông đến Mường Phin, khống chế các điểm vượt sông Sê Băng Hiếng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM