Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:45:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167979 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #110 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:23:30 pm »

Về lực tuy bị một số tổn thất, nhưng các đơn vị đang ở thời điểm sung sức. Hội nghị quyết tâm phát động "Tổng công kích" đợt 2 trên toàn tuyến nhằm:

- Cơ bản dứt điểm chỉ tiêu vượt khẩu trong cả mùa để chủ động chân hàng và tạo dự trữ cho chiến dịch. 

- Thực hiện kỳ được khối lượng vượt đường 9 bằng ba phần tư kế hoạch cả mùa, tạo dự trữ chiến lược lớn để có điều kiện chuyển trọng tâm “tổng công kích" vào các binh trạm phía nam. Càng về cuối, càng phải tổ chức lực lượng đột kích mạnh, vươn sâu, vươn xa.

- Đối với các binh trạm tiếp giáp chiến trường, phải tranh cướp với trời, với địch, nắm vững thời cơ, tranh thủ dứt điểm kế hoạch.

- Để đảm bảo chắc thắng, phải tiếp tục mở thêm đường vòng, đường tránh những trọng điểm xung yếu, nắn lại đường, hạ độ dốc, mở rộng và san phẳng mặt đường nhằm nâng tốc độ xe, hạn chế hiệu quả đánh phá của địch, phải khẩn trương hoàn thành lập bể xăng bằng các xitéc 25m3 ở phía nam, đồng thời thi công nhanh đường ống, nối từ Bản Cọ tới ngã ba La Hạp để chủ động chân xăng khi trọng tâm "Tổng công kích" dồn xuống các binh trạm phía nam.

- Thực hiện đồng bộ mọi mắt xích, kết hợp mọi phương thức vận chuyển bổ trợ nhau, giữ vững tính nhịp nhàng cân đối, đẩy tổng công kích lên cao trào mới.

Ngày 16 tháng 2, toàn tuyến 559 đồng loạt xuất kích trên nhiều hướng với chính diện tiến công khoảng 150 km và chiều sâu khoảng 1.000 km. Phát hiện hoạt động quy mô lớn của ta, địch mở ngay một tam giác lửa tại Xiêng Phan – ATP - Văng Mu nhằm "thắt cổ họng" ở phía tây bắc đường 9, đồng thời mở thêm trọng điểm mới tại đèo 900 trên tuyến vượt khẩu đường 18 ở phía đông. Mỗi ngày địch huy động gần 700 lần/chiếc máy bay ném hàng vạn quả bom vào các trọng điểm. Nhưng bằng sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng, toàn tuyến vẫn giữ được quy mô, nhịp độ vượt khẩu, vượt đường 9, vượt La Hạp, vượt Bạc, vượt Chà Vằn vào các chiến trường.

Để thực hiện mục tiêu ngăn chặn, địch ra sức cải tiến vũ khí, thay đổi chiến thuật và quy luật đánh phá, sử dụng la de điều khiển bom đến mục tiêu, tăng cường hoạt động của máy bay AC 130 gắn khí tài quan sát bằng tia hồng ngoại, tăng cường trinh sát điện tử, mở rộng căn cứ xuất phát của không quân.

Đặc biệt, khi phát hiện tuyến đường ống dẫn xăng dầu của ta ngày càng vươn sâu vào chiến trường, không quân Mỹ huy động máy bay trinh sát, máy bay cường kích, máy bay chiến lược B52 đánh phá nhiều điểm, nhất là ở khu vực Pha Băng Nưa và Bản Cọ Có ngày, hàng chục lần/chiếc B52 ném bom rải thảm, phá nát cả một khu vực dài 3 km, bốc đi hàng trăm ống. Trong thời gian 5 tháng, ta phải thay thế 1318 ống, làm đi làm lại tới 4 lần.

Hàng ngàn bộ đội xăng dầu, bộ đột thông tin, thanh niên xung phong ngày đêm bám đường giành giật với địch từng giờ, từng phút vừa sửa đường, đặt ống, vừa rải thông tin, làm tuyến nghi binh... Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Tiểu đội trưởng Bùi Văn Ngạn dũng cảm cởi áo dập lửa cứu xăng. Lương Văn Định anh dũng vác ống vượt bom từ trường, bom kích nổ, bị trọng thương vẫn không rời vị trí. Đặng Thị Thanh Xuân khi hy sinh tay vẫn cầm chắc tổ hợp máy thông tin...

Phát hiện các tuyến đường B45 vào chiến trường Trị - Thiên; tuyến đường B46 vào Khu 5; tuyến đường 49 đi Xiêng Pạng (đông bắc Campuchia) đã khô ráo thuận lợi cho vận chuyển cơ giới, địch tăng cường trinh sát tìm những đoạn còn độc đạo đề đánh phá. Động Con Tiên (đường B45) trở thành một trọng điểm lớn bị địch đánh phá gây tắc.

Bộ Tư lệnh điều đồng chí Võ Sở làm Chính ủy cử đồng chí Bùi Đức Tạm - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh và Nguyễn Văn Kỷ Tham mưu phó cầu đường xuống giúp binh trạm; điều Trung đoàn 83 công binh về mở đường tránh từ A Túc qua bắc Cô Ca Va tiến thẳng xuống A Lưới dài 70 km. điều Trung đoàn 4 mở đường tránh đi Trao dài 81 km. Sau 1 tháng chiến đấu quyết liệt ta mới phá được sự ngăn chặn của địch.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #111 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:24:07 pm »

Phát hiện ta thả trôi hàng trên sông Sê Băng Hiếng, địch cho máy bay tốc độ chậm, bay thấp dọc dòng sông, xả đạn 20 ly làm cho hàng trăm phuy xăng và bao gạo bốc cháy hoặc chìm xuống lòng sông.

Tuy nhiên, trên toàn tuyến, đặc biệt, trên các hướng tiến công chủ yếu, thế trận cầu đường và sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng phát triển đến trình độ cao đã làm thất bại các thủ đoạn mới của địch.

Trong 30 ngày, toàn tuyến bắn rơi 63 máy bay, trong đó có 28 chiếc rơi tại chỗ. Không quân ta từ sân bay dã chiến Khe Gạt ở tây Quảng Bình cũng bất thần  xuất kích làm rối loạn hoạt động của máy bay địch, tạo điều kiện cho đội hình xe đột kích liên tục.

Ngày 16 tháng 3, "Tổng công kích" đợt 2 kết thúc Các kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch vượt khẩu, cơ bản hoàn thành.

Đánh giá "Tổng công kích" đợt 2, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Đoàn nhận định toàn tuyến thắng lợi lớn, các mục tiêu đề ra đều vượt trội. Song, việc tiếp cận sâu vào chiến trường còn hạn chế. Hoạt động của địch trong đợt 2 "Tổng công kích" đúng như dự kiến của ta. Sắp tới cũng chưa có thay đổi gì lớn về số lượng, về vũ khí, nhưng địch có.thể chuyển làn, đánh mạnh hơn các binh trạm phía nam. Cũng có thể địch cho bộ binh nống ra ngăn chặn một số điểm tiếp giáp chiến trường.

Từ tháng 3, thời tiết ở cao điểm mùa khô, tạo điều kiện cho ta nâng cao hiệu suất chiến đấu của mỗi binh chủng. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định phải phát động "Tổng công kích" đợt 3 nhằm dứt điểm toàn bộ nhiệm vụ mùa khô 1969 - 1970; đồng thời sẵn sàng đón nhận kế hoạch bổ sung khi xuất hiện tình huống mới của chiến trường, chủ động chuẩn bị sớm hơn cho mùa khô tới. Mục tiêu chính của "Tổng công kích" đợt 3 là các binh trạm phía nam tổ chức đột kích mạnh vào các chiến trường: Trị - Thiên, Quân khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Để đảm bảo chắc thắng, Bộ Tư lệnh tăng cường lực lượng xây dựng đường dây thông tin tải ba tới ngã ba biên giới ba nước; xây dựng đường ống dẫn xăng tới Bản Đông, lắp đặt một nhánh đường ống từ Bản Cọ (đường 18) kéo ngang sang Na Lai bảo đảm xăng cho các lực lượng trên tuyến đường 128B, phát triển đường giao liên tới Bù Gia Mập; cơ giới hóa vận chuyển đường sông từ A Tô Pơ (Hạ Lào) xuống Tra Chim (đông bắc Campuchia).

Bộ Tư lệnh ra lệnh cơ động 6 tiểu đoàn pháo cao xạ (8, 18, 12, 14, 26, 20) của các binh trạm phía bắc tăng cường cho các binh trạm phía nam từ La Hạp trở vào.

Ngày 18 tháng 3 năm 1970, "Tổng công kích" đợt 3 mở màn. Dựa vào thế vững chắc của cầu đường, sự bảo vệ có hiệu quả của bộ đội phòng không, sự hiệp đồng chặt chẽ giải phóng xe nhanh của lực lượng kho, sự nỗ lực nâng cao chất lượng kỹ thuật và khôi phục đầu xe của các xưởng sửa chữa, các tiểu đoàn xe các binh trạm phía bắc đường 9 đã chạy tới tốc độ 17-20 km/giờ. Từ 95% đến 100% số xe đạt cung độ 2 đêm/chuyến; 20% số xe quay vòng khép kín 1 đêm 1 chuyến. Hàng dồn dập chở vào chất đầy các kho ở khu vực nam đường 9.

Không quân địch hoạt động ráo riết, luôn thay đổi cách đánh trên địa bàn từng binh trạm, có lúc chúng đánh cuốn chiếu, có lúc từ hai đầu đánh giáp lại. Phong trào bắn rơi máy bay bay thấp được phát động Hiệu suất chiến đấu của bộ đội lên cao. Bình quân mỗi ngày các lực lượng cao xạ, công binh bắn rơi từ 2 đến 3 chiếc. Một số đơn vị đánh tốt như ngày 15 tháng 3 năm 1970, tiểu đoàn 22 bắn rơi 5 chiếc tại Văng Viếng, có 3 chiếc rơi tại chỗ. Ngày 21 tháng 4 tiểu đoàn 28 bắn rơi 6 chiếc tại đường B46, có 3 chiếc rơi tại chỗ.

Ngày 30 tháng 3, Bộ Tư lệnh ra lệnh cơ động toàn bộ lực lượng ô tô vận tải của Binh trạm 12 từ địa đầu tuyến chiến lược vào tăng viện cho Binh trạm 34. Trung tá Binh trạm trưởng Cao Đôn Luân trực tiếp chỉ huy 2 tiểu đoàn xe 101 và 770, vượt qua 3 binh trạm trên chặng đường dài 350 km vào bắc Bạc vận chuyển  hàng xuống Chà Vằn, sớm dứt điểm kế hoạch chuyển hàng cho Khu 5 - Tây Nguyên và tạo điều kiện cho các binh trạm 50, 51 dứt điểm kế hoạch chuyển hàng cho Đông Nam Bộ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #112 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:24:37 pm »

Bộ Tư lệnh cũng ra lệnh cơ động chiến thuật theo lối cuốn chiếu. Điều 54 xe của Binh trạm 34 tăng cường cho Binh trạm 35. Điều tiểu đoàn ô tô 59 của Binh trạm 35 tăng cường cho Binh trạm 36, điều tiểu đoàn ô tô 53 của Binh trạm 31 và tiểu đoàn ô tô 60 của Binh trạm 32 tăng cường cho Binh trạm 33. Điều tiểu đoàn ô tô 965 của Binh trạm 33 và tiểu đoàn ô tô 52 của Binh trạm 14 tăng cường cho Binh trạm 41. Điều tiểu đoàn 93 công binh tăng cường cho Binh trạm 27. Điều 2 trung đoàn 10 và 83 công binh mở đường tránh Tăng Cát và đường vòng qua Bạc.

Phát hiện hoạt động của ta, địch cũng chuyển làn, đánh mạnh các tuyến phía nam đường 9. Trung bình mỗi ngày chúng huy động 200 phi vụ máy bay cường kích và 10 phi vụ máy bay B52 đánh vào các trọng điểm. Dốc Thơm, La Hạp, Bạc, Tăng Cát và Chà Vằn là những trọng điểm bị địch dội bom mạnh nhất. Các đơn vị pháo đánh trả rất quyết liệt nâng tổng số máy bay bị bắn rơi lên 73 chiếc trong đợt 3 “tổng công kích".

Tuy nhiên, do mật độ xe quá đông, đường chỉ có hai trục, một số đoạn là đường độc đạo, lại bị địch ngăn chặn quyết liệt nên khó cơ động vu hồi chuyển hướng làm cho chiến dịch phát triển chậm và chịu nhiều tổn thất. Hàng chục xe bị đánh cháy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bị thương vong ngay trong tuần lễ đầu đợt 3 "Tổng công kích".

Ngày 18 tháng 3 năm 1970, đế quốc Mỹ tiếp tay cho tập đoàn phản động Lon non Xirích Ma tắc đảo chính lật đổ Chính phủ Xihanúc, xóa bỏ chế độ trung lập của Campuchia, lôi cuốn nước này vào quỹ đạo chiến tranh. Cảng "Xihanúcvin" bị khóa chặt. Tiếp tế đường biển của ta bị cắt đứt. Các cơ sở hậu cần của chiến trường miền Đông Nam Bộ hoạt động trên đất Campuchia phải rút vào bí mật. Tuyến đường 559 ở hướng này gặp khó khăn lớn.

Ngày 30 tháng 4 năm 1970, lực lượng hỗn hợp Mỹ - ngụy Sài Gòn gồm trên 100.000 tên được máy bay pháo binh yểm trợ mở chiến dịch "Thần lửa" ào ạt tiến công vào vùng "lưỡi câu” thuộc tỉnh Công Pông Chàm giáp với Tây Ninh nhằm "cất vó” cơ quan đầu não của chiến trường, tìm diệt khối chủ lực và phá hủy căn cứ hậu cần của ta. Các đoàn hậu cần 50, 70, 82, 86, 100 của miền Đông Nam Bộ bị tổn thất nặng. Chiến trường Nam Bộ và Nam Tây Nguyên bị cắt đứt nguồn tiếp tế, lâm vào khó khăn nghiêm trọng.

Cùng thời điểm này, Mỹ tăng cường chiến tranh ở Lào, sử dụng một bộ phận quân Thái và quân ngụy Lào mở cuộc tấn công vào Cánh Đồng Chum, Xảm Thông, Long Chẹng ở Thượng Lào và Mường Phin ở Trung Lào, đồng thời cho không quân ném bom từng đợt vào các mục tiêu giao thông vận tải ở Quảng Bình và Nghệ An.

Để phá thế bao vây chiến lược mới của Mỹ, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất với Đảng anh em Lào, Campuchia mở đợt tiến công mới, mở rộng vùng giải phóng ở Trung - Hạ Lào và Đông Campuchia nối tiếp với Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, hình thành một căn cứ hậu phương chiến lược của các chiến trường Nam Đông Dương, đưa vận tải cơ giới lớn vào sâu đáp ứng kịp thời nhu cầu cách mạng ba nước.

Bộ Chính trị kịp thời chỉ thị cho bộ đội ta phối hợp với bạn tiến mạnh về phía tây Chủ động đánh nhanh, đánh mạnh, đánh liên tục, không hạn chế, tạo một bước chuyển biến quan trọng về cục diện chiến lược có lợi cho ta và bạn trong thời gian ngắn.

Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, trung tuần tháng 4 năm 1970, Bộ Tư lệnh mở đợt phản công đánh chiếm Kra Chim, Stung Treng, vượt sông Mê Kông, giải phóng Vây Riêng, Xiêm Riệt. Một lực lượng Bộ đội 559 phối hợp đánh Xiêng Pạng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #113 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:25:31 pm »

Bị thất bại lớn trên chiến trường Campuchia và trước sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, ngày 30 tháng 6 năm 1970, Tổng thống Níchxơn buộc phải tuyên bố rút quân khỏi Campuchia.

Vùng cao nguyên rộng lớn tương đối bằng phẳng ở khu vực biên giới ba nước được giải phóng, gồm các tỉnh Sa Ra Van, A Tô Pơ và một nửa cao nguyên Bô Lô Ven của Hạ Lào, nối tiếp với 4 tỉnh đông bắc Campuchia: Ra Ta Na Ki Ri, Stung Treng, Kra Chim, Môn Đun Ki Ri men theo quốc lộ 13 xuyên Đông Dương, cặp theo bờ sông Mê Kông kéo dài về Nam Bộ, rồi từ miền Đông Nam Bộ đi ngược lên đường 14 qua Đồng Xoài, Phước Long, qua Tây Nguyên về Plây Khốc sang Phi Hà, đông tỉnh A Tô Pơ. Một căn cứ hậu cần chiến lược mới hình thành, có các trục đường cơ giới thủy, bộ, ngang, dọc tạo thế đứng và phát triển vững chắc cho tuyến 559.

Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng chỉ thị cho tuyến 559 tập trung lực lượng vận chuyển mọi nhu cầu vật chất giao cho hai chiến trường. Ý thức sâu sắc trách nhiệm to lớn của mình, các lực lượng Đoàn 559 nỗ lực cao độ, vượt qua bom đạn, vận chuyển giao cho chiến trường vượt khối lượng Bộ giao. Đồng thời, đưa 120 đoàn với 30.800 quân vào bổ sung cho chiến trường Nam Bộ, đưa 4.000 thương binh từ Nam Bộ ra hậu phương, tạo điều kiện cho chiến trường Nam Bộ phát triển thế chủ động tiến công.

Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo bảo đảm kịp thời cho tuyến 559 những nhu cầu bức thiết như phương tiện kỹ thuật, vật tư, xe pháo. Đặc biệt, đã thay đường ống xăng phù hợp, bảo đảm xe Zil 130 và các chủng loại xe khác, phát huy cao độ tính năng xe trọng tải 6 tấn, nâng cao sức đột kích, nhanh chóng dứt điểm kế hoạch trên các hướng.

Mặc dù một bộ phận lực lượng địch bi hút vào chiến trường Campuchia, địch vẫn đánh mạnh trên tuyến 559. Mỗi ngày địch huy động 600 lần/chiếc, đưa tổng số máy bay ném bom cả mùa lên tới 117.648 lần/chiếc. Trong đó, có 276 lần/chiếc máy bay chiến lược B52, tăng 10% so với mùa khô 1968- 1969. Số bom trúng đường lên tới 6.337 quả. Nhưng cho đến những ngày cuối cùng của chiến dịch mùa khô 1969- 1970, các lực lượng Đoàn 559 vẫn giữ vững nhịp độ vận chuyển.

Các cụm pháo ở La Hạp bắn rơi thêm 2 chiếc, cụm pháo ở Bạc bắn rơi 2 chiếc, cụm pháo ở Chà Vằn bắn rơi thêm 1 chiếc, cụm pháo ở Văng Mu bắn rơi 2 chiếc, nâng tổng số máy bay bị bắn rơi trong mùa khô 1969- 1970 lên 423 chiếc, có 180 chiếc rơi tại chỗ, 68 chiếc rơi đêm. Các trung đoàn công binh cơ động: 98, 279, 1, 10, 217 tiếp tục mở rộng các đường 18, 16, 45, 46, B70, B45, B46, đường tránh Tăng Cát, đường vòng Bạc... Các tiểu đoàn công binh chốt ở các trọng điểm bám chặt đội hình xe, bảo đảm cho xe lăn bánh liên tục.
Các ngầm, cầu, dốc, mặt đường tiếp tục được cải thiện trên các hướng, các đơn vị binh chủng hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ.

Đến ngày 16 tháng 4, kế hoạch giao hàng cho chiến trường Nam Bộ đạt 605% kế hoạch, chiến trường Trị - Thiên đạt 102% kế hoạch, chiến trường Tây Nguyên đạt 110% kế hoạch, chiến trường Khu 5 đạt 101% kế hoạch, chiến trường Nam Lào đạt 124% kế hoạch, đồng thời đã đảm bảo hành quân thực hiện 120% kế hoạch, đảm bảo cho nội bộ 94% kế hoạch, giao quân cho chiến trường gần 100% kế hoạch.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #114 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:25:38 pm »

Nửa cuối tháng 4, trời bắt đầu đổ những cơn mưa lớn. Ngày 18 tháng 4, Bộ Tư lệnh ra lệnh kết thúc đợt 3 "Tổng công kích"; đồng thời kết thúc cơ bản chiến dịch mùa khô 1969- 1970. Ngày 20 tháng 4, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh họp đánh giá toàn bộ chiến dịch mùa khô 1969-1970 và đề ra nhiệm vụ chuẩn bị cho mùa khô 1970- 1971. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh thống nhất đánh giá: chiến dịch mùa khô 1969- 1970 hoạt động của ta và địch đã diễn ra ác liệt nhất, quy mô lớn nhất cả về không gian, thời gian và lực lượng tham chiến.

Tư tưởng tiến công được quán triệt trong.các giai đoạn và mọi hoạt động của ta từ chuẩn bị, thực hành, phát triển đến kết thúc chiến dịch. Đây cũng là chiến dịch thắng lợi giòn giã, toàn diện, toàn tuyến, lớn nhất từ trước tới nay, thể hiện sự trưởng thành về vận dụng và phát triển khoa học nghệ thuật quân sự của Đảng vào lĩnh vực vận chuyển chi viện chiến lược trong chiến tranh ngăn chặn quyết liệt của không quân Mỹ.

Đây cũng là chiến dịch được hậu phương miền Bắc, nhất là nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh hết lòng chi viện; được Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chỉ đạo chặt chẽ, được sự giúp đỡ to lớn của bạn Lào, sự phối hợp của các chiến trường và các quân, binh chủng, nhất là Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh chủng Công binh.

Thắng lợi của chiến dịch đã góp phần đẩy mạnh tác chiến lớn trên các chiến trường.

Trong cuộc họp ngày 20 tháng 7 năm 1970, Thường trực Quân ủy Trung ương đánh giá về hoạt động của Đoàn 559:

"Đối chiếu với nhiệm vụ 1969-1970 mà Thường trực Quân ủy Trung ương giao thì Đoàn 559 đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện. Thắng lơi đó góp phần rất quan trọng vào chiến thắng của toàn quân và dân ta trên khắp các chiến trường. Đồng thời đã rút được nhiều kinh nghiệm mới, mở ra triển vọng mới về khả năng chi viện chiến lược ngày càng vững chắc trong những điều kiện khó khăn quyết liệt hơn".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện biểu dương: "Kế thừa các năm trước, mùa khô 1969- 1970 này, tuyến đường Trường Sơn đã thực hiện thành công bất ngờ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các chiến trường đánh lớn hơn, dài ngày hơn, rộng khắp hơn. Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương rất vui mừng. Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, tôi nhiệt liệt chúc mừng cán bộ, chiến sĩ các binh chủng, thanh niên xung phong, dân công... đã làm nên thành tích xuất sắc năm 1970". Các Bộ Tư lệnh chiến trường Trị - Thiên, Quân khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ đều gửi điện chúc mừng thắng lợi của Đoàn 559.

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22 tháng 12 năm 1969 và Cách mạng Tháng Tám, năm 1970, Đảng, Nhà nước quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 12 đơn vị và 4 cá nhân thuộc Đoàn 559.

Sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đem đến nguồn lực mới, có sức động viên to lớn bộ đội, thanh niên xung phong trên toàn tuyến phấn khởi quyết tâm giành thắng lợi lớn hơn nữa trong mùa khô 1970- 1971
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #115 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2010, 05:25:15 pm »

V. MỘT CHIẾN TRƯỜNG TRONG CHIẾN TRƯỜNG LỚN

Sau những thất bại trong cuộc hành quân xâm lược Campuchia vào đầu năm 1970, Tổng thống Mỹ Níchxơn vẫn cho rằng kế hoạch "bình định" ở miền Nam đã có kết quả, quân ngụy Sài Gòn được xây dựng mạnh lên. Ở chiến trường miền Nam còn có 28 vạn quân Mỹ và 70 vạn quân ngụy. Ở chiến trường Cam-pu-chia có 12 vạn quân của Lon non. Ở chiến trường Lào có 8 vạn quân Hoàng gia và phỉ Vàng Pao cùng 10 tiểu đoàn quân Thái Lan. Với lực lượng quân sự hùng hậu. Níchxơn cho rằng cần tranh thủ hành động nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh", tạo vốn chính trị để giành thắng lợi trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1972.

Đánh giá đúng bản chất hiếu chiến của Níchxơn và những âm mưu thủ đoạn mới của Mỹ - ngụy, Bộ Chính trị nhận định: Trong mùa khô 1970- 1971, địch có thể mở những cuộc tiến công quy mô vừa và lớn bằng lực lượng quân ngụy miền Nam là chủ yếu, có một bộ phận quân Mỹ hỗ trợ. Mục tiêu của địch là đánh vào Trung - Hạ Lào và vùng đông bắc Campuchia nhằm phá cơ sở cách mạng của hai nước bạn, đồng thời phá hủy cơ sở hậu cần và cắt đứt tuyến hành lang vận tải chiến lược của ta, cô lập chiến trường miền Nam, tiếp tục thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", giành thế mạnh trong đàm phán.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đề ra những chủ trương mới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ tuyến vận tải chiến lược và căn cứ hậu phương chiến lược của chiến trường ba nước Đông Dương.

Tháng 6 năm 1970, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng Chi viện tiền tuyến Trung ương nhằm động viên hơn nữa nỗ lực của quân và dân ở miền Bắc, phát huy sức mạnh của hậu phương lớn phục vụ các chiến trường. Đồng chí Đỗ Mười - ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, được Chính phủ cử làm Chủ tịch Hội đồng.

Bộ Chính trị phê duyệt đề nghị của Quân ủy Trung ương về việc thành lập Bộ Tư lệnh khu vực 470 trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, nhằm xây dựng khu căn cứ chiến lược ở vùng biên giới giữa ba nước, trực tiếp vận chuyển phục vụ chiến trường Hạ Lào, đông bắc Campuchia, Tây Nguyên và Nam Bộ. Đồng chí Lê Đình Sum - Phó Tư lệnh Đoàn 559 được cử làm Tư lệnh. Đồng chí Bùi Đức Tạm - Phó Chính ủy Đoàn 559 được cử làm Chính ủy Bộ Tư lệnh khu vực.

Theo đề nghị của Bộ, Chính phủ ra quyết định bổ nhiệm các đồng chí Phan Hữu Đại, Vũ Quang Bình làm Phó Chính ủy; Hoàng Anh Vũ, Nguyễn Kỷ, Nguyễn Đức Phương làm Phó Tư lệnh. Nhưng sau đó đồng chí Lê Đình Sum được Bộ Tư lệnh cử phụ trách Bộ Tham mưu. Đồng chí Nguyễn An vào thay đồng chí Lê Đình Sum. Đồng chí Phan Hữu Đại được cử làm Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị. Đồng chí Cao Tâm vào thay đồng chí Phan Hữu Đại.

Cơ quan Bộ Tư lệnh gồm các đồng chí: Trần Vinh - Tham mưu trưởng tác chiến, Hoàng Anh Vũ kiêm Tham mưu trưởng vận chuyển, Chu Minh Đông - Tham mưu trưởng công binh, Vũ Quang Bình kiêm Chủ nhiệm chính trị, Nguyễn Tương Phùng Chủ nhiệm hậu cần.

Nhiệm vụ của Sư đoàn 470 là trực tiếp vận chuyển phục vụ chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên, Hạ Lào và đông bắc Campuchia; xây dựng căn cứ địa nam Đông Dương; chiến đấu bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược khu vực cực nam; giúp bạn xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng; khai thác nguồn hàng tại chỗ; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo đảm tự tức một phần lương thực.

Phạm vi hoạt động của Sư đoàn được xác định từ khu vực ngã ba biên giới trở vào Plây Khốc và đường ngang số 49 từ Phi Hà đến Tà Ngâu; đường sông Sê Kông, Sê Xan, Mê Kông từ Sê Ca Mán đến Kra Chim (Campuchia). Bộ Tư lệnh Sư đoàn được giao trách nhiệm như tiền phương của Bộ Tư lệnh 559, trực tiếp quan hệ với các chiến trường ta, bạn; nắm bắt và bảo đảm kịp thời các yêu cầu chi viện của các chiến trường, đồng thời xử lý các tình huống cấp thiết. Bộ Tư lệnh Sư đoàn được quản lý 3 binh trạm (37, 50, 51), trung đoàn 4 công binh và một số đơn vị trực thuộc khác.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #116 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2010, 05:25:57 pm »

Ngày 26 tháng 6 năm 1970, Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng triệu tập Bộ Tư lệnh 5 59 ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mùa khô 1970- 1971. Đoàn gồm các đồng chí: Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm, Phó Tư lệnh Nguyễn Lang, Phó Chính ủy Bùi Đức Tạm.

Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Trung tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh.

Đồng chí Bộ trưởng nêu rõ: Từ khi Lon non nắm chính quyền ở Campuchia, cảng Xihanúcvin bị khóa chặt, tuyến vận chuyển chiến lược 559 trở thành tuyến duy nhất thực hiện nhiệm vụ chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.

Vì vậy một trong những mục tiêu chiến lược rất quan trọng của Mỹ là dùng sức mạnh tổng lực cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh, nhằm loại bỏ thảm họa đối với chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của chúng.

Sắp tới chúng sẽ đặc biệt chú trọng đánh phá vùng Trung - Hạ Lào và vùng đông bắc Campuchia. Không những bằng không quân, biệt kích mà có thể dùng những lực lượng bộ binh lớn của ngụy quân miền Nam, Lào, Thái Lan và Cam pu chia, khi cần có thể dùng cả bộ binh Mỹ để mở cuộc tiến quân bằng binh chủng hợp thành quy mô lớn.

Hướng tiến công chủ yếu có khả năng là địa bàn đường 9, Nam Lào. Địch có thể tổ chức cuộc hành quân bằng lực lượng cơ động dự bị chiến lược, thực hiện chiến thuật "Trực thăng vận" đổ quân xuống các điểm cao nam - bắc đường 9, kết hợp mũi tiến công bằng bộ binh cơ giới vượt Lao Bảo tiến lên Sê Pôn, hợp điểm với quân ngụy Lào, Thái đánh từ Mường Pha Lan xuống nhằm chiếm toàn bộ đường 9, cắt hẳn tuyến chi viện chiến lược.

Vì vậy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải theo dõi và chuẩn bị cho tình huống này. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn có lực lượng binh chủng hợp thành mạnh, rất quen thuộc chiến trường, phải là một trong những lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch, đồng thời là lực lượng tại chỗ đánh địch và là căn cứ hậu cần chiến dịch.

Trong bất cứ tình huống nào, Bộ đội Trường Sơn cũng phải thực hiện sự chi viện tớn hơn, sâu hơn, xa hơn, bảo đảm được các yêu cầu trước mắt, đồng thời có một phần dự trữ cho các chiến trường. Mặt khác, phải chuẩn bị phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống ngăn chặn của địch. Phải có kế hoạch cơ bản, toàn diện về xây dựng vùng ba biên giới thành căn cứ vững chắc về mọi mặt.

Ngày 30 tháng 6 năm 1970, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp quán triệt tình hình nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương.

Căn cứ vào những nhận định của Quân ủy Trung ương và thực tiễn chiến trường, Đảng ủy Bộ Tư lệnh cho rằng hiện nay chiến tranh đã thực sự mở rộng ra cả ba nước Đông Dương. Nhân dân Đông Dương đã hình thành liên minh chống đế quốc và đã giành được thắng lợi, đang phát triển mạnh mẽ về thế và lực

Về phía Mỹ, chúng ngày càng nhận rõ giá trị chiến lược của tuyến hành lang đối với sự thành bại của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Sự thành công của tuyến vận tải chiến lược trong mùa khô 1970-1971 sẽ tạo điều kiện cho các chiến trường miền Nam có cơ sở để chuyển hướng tiến công, nắm lấy nông thôn thay đổi cục diện. Vì vậy, chứng sẽ dùng mọi thủ đoạn, tập trung lực lượng không quân ngày càng lớn đánh phá tuyến đường và vùng giải phóng của bạn, kết hợp bộ binh nống ra ngăn chặn.

Sắp tới địch có thể mở chiến dịch binh chủng hợp thành nống ra đường 9, ngã ba La Hợp, ngã ba Phi Hà hoặc Khâm Đức nhằm cắt tuyến vận tải của ta trên các hướng vào chiến trường. Ở phía tây, chúng có thể nống ra Sa Ra Van, A Tô Pơ, Mường Phin.

Có hai khả năng: một là sử dụng bộ binh lớn chốt thành tuyến phòng ngự, ngăn chặn; hai là dùng đơn vị vừa hoặc nhỏ để quấy phá ta. Chúng có thể kết hợp cả phía đông và phía tây, kết hợp cả quân Mỹ, quân ngụy miền Nam, ngụy Lào và quân Thái Lan. Thời gian nống ra có thể trong mùa mưa 1970, cũng có thể đầu mùa khô 1971.

Với nhận định đó Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559 chủ trương trong mùa mưa 1970 chỉ rút một bộ phận nhỏ thuộc lực lượng cơ giới ra miền Bắc để củng cố, bổ sung phương tiện; tuyệt đại đa số ở lại để chuẩn bị thế trận cho nhiệm vụ chi viện chiến lược và chuẩn bị chiến trường, sẵn sàng đối phó với các cuộc hành quân của địch; đồng thời tiếp tục củng cố xây dụng lực lượng, huấn luyện bộ đội.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #117 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2010, 05:26:31 pm »

Do tầm quan trọng của mùa khô 1970-1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được Bộ Tổng tham mưu, các tổng cục quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ. Về quân số, Bộ bổ sung 24.114 người, trong đó có 3.335 lái xe, 382 thợ sửa chữa, 124 kỹ thuật viên đường ống. Về phương tiện, bổ sung 3.657 ô tô các loại, 96 máy húc, 64 xe BTR phóng từ, 188 xe ben. Về lực lượng làm đường, tăng cường và phối thuộc 3 trung đoàn công binh (219, 83, 7). Về lực lượng tác chiến, phối thuộc 6 trung đoàn phòng không, trong đó có 4 trung đoàn cao xạ (282, 224, 284, 230) 2 tiểu đoàn cao xạ ( 105, 11) và 2 trung đoàn tên lửa phòng không (238, 275).

Để thống nhất thành một chiến trường, nhằm đối phó với mọi âm mưu của địch ngăn chặn từ trên không và mặt đất, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược, củng cố và mở rộng vùng giải phóng của bạn, giúp bạn xây dựng cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế một cách toàn diện, ngày 29 tháng 7 năm 1970, Quân ủy Trung ương quyết định sáp nhập Đoàn 968 quân tình nguyện và Đoàn chuyên gia quân sự 565 ở Trung - Hạ Lào vào Đoàn 559.

Bộ cũng quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực thuộc Bộ Quốc phòng, về Đảng trực thuộc Quân ủy Trung ương. Đoàn 968 quân tình nguyện được bố trí trên hai hướng: X (khu vực đường 9, Mường Phin, Pha Lan) và Z (khu vực A Tô Pơ, Bô Lô Ven, Sa Ra Van).

Theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tháng 10 năm 1970, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Trung đoàn cao xạ 593, Trung đoàn 592 đường ống, Binh trạm 39, Trường đào tạo lái xe 963, Trường quân chính 969, khôi phục lại Trung đoàn 591 cao xạ...

Bộ cũng cho phép thành lập Đoàn hậu cứ 571 đứng chân tại nam Quảng Bình có nhiệm vụ thu dung điều trị và an dưỡng thương, bệnh binh của nội bộ Đoàn; quản lý và tổ chức việc giao nhận xe, phương tiện kỹ thuật và quân bổ sung; huấn luyện bổ túc cán bộ đào tạo lái xe và thợ sửa chữa; làm công tác chính sách hậu phương; đón tiếp và hướng dẫn khách vào tuyến.

Như vậy, bước vào mùa khô 1970-1971, số quân của Bộ Tư lệnh Trường Sơn lên tới 62.992 người. Về đơn vị, có 4 sư đoàn và tương đương, gồm Bộ Tư lệnh khu vực 470, Sư đoàn bộ binh 968, Đoàn chuyên gia 565, Đoàn hậu cứ 571, 30 binh trạm, trung đoàn và tương đương, 144 tiểu đoàn và tương đương trực thuộc binh trạm.

Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương tăng cường cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhiều cán bộ cao cấp. Các đồng chí Hoàng Thế Thiện, Nguyễn Lệnh làm Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh; các đồng chí Cao Văn Khánh, Nguyễn Hòa, Hoàng Kiện, Nguyễn Quang Bích làm Phó Tư lệnh; đồng chí Nguyễn Quang Bích nguyên là Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.

Chuẩn bị bước vào mùa khô 1970- 1971, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn ra một loạt quyết định: trước hết là xây dựng thế trận vận chuyển chiến lược kết hợp với thế trận tác chiến để đối phó với các cuộc hành quân bằng bộ binh của Mỹ - ngụy nhằm đánh phá cơ sở hậu cần, ngăn chặn tuyến hành lang chiến lược của ta; mở thêm hướng vượt khẩu đường 16 đảm bảo vận tải bằng ô tô và cơ động binh khí kỹ thuật tiếp cận nhanh với chiến trường Trị - Thiên, tạo ra một chính diện vượt khẩu vào Trường Sơn từ đông sang tây có khoảng cách 200 km; củng cố, nâng cấp, sửa chữa đường 20, đường 12, đường 19, khôi phục đường 23, 21 B, mở thêm 10 đường vòng, đường tránh liên tục tạo thành đường 22 từ Sa Đi vào Bạc chạy song song với đường 128; mở thêm bến vượt Sê Pôn, đảm bảo có 3 bến, 2 ngầm, 1 phà; bến vượt qua Tha Mé đảm bảo có 6 bến, 3 phà, 3 ngầm; bến vượt Bạc thứ hai ở đường 22, đảm bảo có 2 phà, 1 ngầm; làm cầu nổi ở các sông hẹp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #118 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2010, 05:27:25 pm »

Cuối tháng 9, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn tại tỉnh Quảng Bình. Tham gia làm việc có một số đồng chí trong Bộ Tư lệnh: Đồng Sĩ Nguyên, Cao Văn Khánh, Hoàng Thế Thiện, Lê Xy, Nguyễn Lang, Lê Đình Sum. 

Sau khi nghe đồng chí Đồng Sỹ Nguyên báo cáo mọi mặt công tác trên tuyến, Đại tướng nêu rõ: Theo dự đoán của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 18, địch có thể trở lại ném bom, bắn phá miền Bắc và mở rộng chiến tranh trên đất Lào và Campuchia để củng cố chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

Trên các chiến trường miền Nam, ta đang phát triển mạnh, khả năng Mỹ ngụy có thể sử dụng binh lực lớn, cắt đứt tuyến vận chuyển chi viện 559. Trước mắt, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải bằng mọi nỗ lực đảm bảo vận tải chi viện chiến lược cho các chiến trường. Đồng thời, phải phối hợp với bạn Lào tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng thêm đất đai, bảo vệ vững chắc tây Trường Sơn, nhanh chóng mở đường đông Trường Sơn thông suốt từ Cù Bai (tây Quảng Trị) đến phía tây tỉnh Thừa Thiên. Mở nhanh đường 71 vào hướng Bình Điền (tây Thừa Thiên) chuẩn bị nối đường từ A Lưới đến Khâm Đức (Quảng Nam). Chuẩn bị kế hoạch đảm bảo và phối hợp với bộ đội chủ lực của Bộ đánh địch có hiệu quả nhất nếu chúng liều lĩnh mở cuộc hành quân lên tây Trường Sơn.

Đầu tháng 11 năm 1970, Mỹ - ngụy âm mưu sử dụng binh lực lớn, cắt hẳn tuyến Trường Sơn cả đông và tây ở khu vực đường 9 từ Lao Bảo trên đất Việt Nam đến Mường Phìn trên đất bạn Lào bằng một cuộc hành quân lớn của các binh đoàn thiện chiến. Mỹ sẽ chốt một lực lượng không quân ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, trên các tàu sân bay ngoài biển và các căn cứ ở Thái Lan nhằm thực hiện công thức: bộ binh ngụy Việt - Lào - Thái cộng với chỉ huy, hỏa lực và hậu cần Mỹ.

Biết được kế hoạch này, Bộ Tư lệnh đã báo cáo với Tổng Tham mưu trưởng các mặt chuẩn bị đường sá, tác chiến bộ binh, phòng không, thông tin, khả năng vận chuyển chiến lược và phục vụ chiến dịch nếu xảy ra chiến sự ở đường 9, cũng như khả năng của Bộ đội Trường Sơn và bạn Lào tác chiến trên địa bàn phía tây Trung - Hạ Lào.

Căn cứ vào phán đoán của Trung ương và Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ động chuẩn bị bốn nhiệm vụ cấp bách:

Một là, giữ vững và đẩy mạnh vận tải chiến lược, tranh thủ dồn nhanh hàng vào nam đường 9, chủ động đối phó khi địch cắt đứt đường 9.

Hai là, chuẩn bị chiến trường, tổ chức vận chuyển chiến dịch đảm bảo hậu cần trực tiếp cho mặt trận đường 9, cả Đông, Tây Trường Sơn và Trị - Thiên.

Ba là, thống nhất chỉ huy các lực lượng tác chiến phía tây Trường Sơn thành một cánh của chiến dịch đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch đường 9. Đảng ủy Bộ Tư lệnh nhận định: nếu địch hành quân đánh chiếm tuyến vận tải chiến lược, nhất định chúng phải thực hiện chiến thuật trực thăng vận một cách quy mô, vì vậy cần bố trí lại thế trận tác chiến phòng không, điều các trung đoàn, tiểu đoàn cao xạ tổ chức thêm nhiều phân đội súng máy 12,7 ly, 14,5 ly chốt ở các điểm cao nam - bắc đường 9, nơi dự kiến chúng sẽ đổ quân tạo thành lưới lửa mạnh, đánh bại chiến thuật trực thăng vận, đưa chúng vào thế bị động, rối loạn ngay từ đầu.

Bốn là, phối hợp với bạn Lào tiêu diệt cánh quân ngụy Lào và Thái ở phía tây, đẩy chúng ra xa, đảm bảo an toàn tuyến vận chuyển chiến lược và không cho chúng hợp điểm với cuộc hành quân của Mỹ - ngụy từ hướng đông lên.

Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh quyết định triển khai ngay nhiệm vụ vận chuyển chiến lược, đồng thời chuẩn bị tích cực các nhiệm vụ khác.

Phương án làm đường goòng được hủy bỏ vì thiếu tính khả thi nên phương án đẩy nhanh việc xây dựng hướng vượt khẩu đường 16 nhằm đón trước thời cơ khi xảy ra chiến sự lớn trên đường 9, đường 16 sẽ trở thành hướng chủ yếu để tập kết lực lượng, cơ động binh khí kỹ thuật chiến dịch.

Đẩy mạnh xây dựng tuyến đường ống kéo vào Mường Noọng, xây dựng các kho xăng dầu bằng bể sắt, các phuy cố định và bể cao su tại Bản Đông, Mường Noọng, La Hạp. Xây dựng mạng thông tin kéo dài tới Bộ Tư lệnh khu vực 470 và trục đường 16.

Hiệp đồng với Cục Vận tải - Tổng cục Hậu cần tổ chức cho các binh trạm 25, 26 vượt cung lên phía trước, đẩy hàng vượt khẩu sâu hơn tạo điều kiện cho các binh trạm phía nam vượt cung.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #119 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2010, 05:28:06 pm »

Trung tuần tháng 10 năm 1970, việc chuẩn bị thế trận cơ bản hoàn thành. Nhưng khi quân ta chuẩn bị ra quân thì không quân Mỹ tập trung đánh phá dữ dội các cửa khẩu và một số trọng điểm quan trọng.

Để kéo bớt địch và giảm mật độ xe ở hướng đường 20, Bộ Tư lệnh nhanh chóng tăng cường lực lượng công binh khôi phục hướng vượt khẩu đường 12, tăng cường Trung đoàn cao xạ 284 và 1 tiểu đoàn tên lửa bảo vệ hướng này. Tham mưu phó vận tải Nguyễn Việt Phương được cử xuống phụ trách khôi phục hướng vượt khẩu đường 12.

Ngày 1 tháng 12 năm 1970, trên đường 20, bộ đội phòng không phóng 1 quả tên lửa vào tốp B52 đang hướng tới trọng điểm Chà Là. Tuy không diệt được mục tiêu nhưng đã làm cho địch phải ngừng đánh phá Chà Là 14 ngày, tản ra đánh các trọng điểm khác, chủ yếu tập trung vào cửa khẩu đường 16 và 18. Sau khi đường tránh QZ25 hoàn thành, điểm Chà Là được giải tỏa, đường 20 - hướng đột kích chủ yếu thông suốt hên tục.

Từ tháng 10 đến tháng 12, các binh trạm gặp khó khăn nghiêm trọng do cản trở của thời tiết và địch đánh phá. Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh đã phân công nhau xuống các binh trạm chỉ đạo khắc phục. Các cấp chỉ huy binh trạm đều ra mặt đường động viên bộ đội chống phá hoại, làm đường.

Đầu tháng 12 năm 1970, thời tiết ngày càng thuận lợi, các đơn vị tranh thủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng thế trận mùa khô. Sau khi kiểm tra toàn diện, Bộ Tư lệnh quyết định: hoàn thành gấp đường tránh Phu La Nhích và Ka Tốc, phá triệt để thế độc đạo ở hướng chủ yếu đường 20; mở rộng toàn bộ đường 16; củng cố và bảo vệ các căn cứ xuất phát tiến công, tăng cường sửa chữa, nâng cao hệ số kỹ thuật phương tiện vận tải cơ giới và tỷ lệ lái xe; bảo đảm vững chắc khâu nhiên liệu, lập chân hàng cân đối trên các cung, bảo vệ vững chắc bốn hướng vượt khẩu.

Bộ Tư lệnh nhấn mạnh yêu cầu tổ chức chỉ huy đồng bộ cả phía trước, phía sau, chỉ huy hai đầu trọng điểm và chính giữa trọng điểm, củng cố các mạng thông tin để chỉ huy hiệp đồng binh chủng tại sở chỉ huy cơ bản, sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh và các binh trạm; điều chỉnh vị trí chỉ huy, cử cán bộ có năng lực vào các binh trạm trọng yếu; tích cực chuẩn bị đội ngũ cán bộ; tăng cường chỉ đạo xây dựng hậu cứ, đặc biệt là chỉ đạo khâu bổ sung tiếp nhận người và phương tiện kịp thời cho các binh chủng.

Với hàng loạt biện pháp được các cấp ráo riết thực hiện, ngày 15 tháng 12 năm 1970, Bộ Tư lệnh ra lệnh mở màn "chiến dịch" mùa khô 1970- 1971.

Phát hiện hoạt động của ta, địch tăng cường ngăn chặn trên toàn tuyến. Các loại máy bay B52, cường kích, liên tục dội bom trên hầu hết các trọng điểm. Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm và bản lĩnh chiến đấu vững vàng, nên sau 10 ngày ra quân, đội hình vận tải ngày càng phát huy sức mạnh.

Đến cuối tháng 12 năm 1970, vận chuyển vượt đường 9 được 12.708 tấn, vượt Bạc 6.384 tấn, vượt Chà Vằn 1.156 tấn, giao cho Trị - Thiên và Khu 5 được 1.358 tấn.

Ngày 10 tháng 12, 3 tiểu đoàn ngụy Lào và Thái nống ra khu vực Mường Phin, uy hiếp trục vận chuyển hướng tây, Trung đoàn 29 bộ binh được lệnh của Bộ Tư lệnh đã phối hợp với phân đội xe tăng, pháo mặt đất đánh bật chúng về Đồng Hến.

Với phương châm vừa đẩy mạnh vận chuyển chiến lược, vừa khẩn trương chuẩn bị đối phó với cuộc hành quân lớn của bộ binh địch đánh chiếm Sê Pôn, Tha Mé cửa ngõ vận chuyển tiến vào các binh trạm phía nam, Bộ Tư lệnh điều 2 trung đoàn công binh 10, 98 mở trục ngắn 36 km đường 129 từ Na Phi Lăng qua Na Ka Nông xuống đường 9, nối với đường 23 tạo thành một trục vận chuyển phía tây chọc thẳng xuống Sa Ra Van.

Tranh thủ thời cơ khi địch chưa mở cuộc hành quân lên đường 9, Bộ Tư lệnh yêu cầu đẩy nhanh hàng vượt đường 9, đồng thời chủ động phối hợp với các quân binh chủng chuẩn bị tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ an toàn tuyến hành lang chiến lược.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM