Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 08:40:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167928 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #50 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2010, 11:12:41 pm »

Từ Tà Khống trở vào, Tuyến II phải chống lầy để vận chuyển thường xuyên. Đồng thời tổ chức 2.000 người gánh bộ theo đường từ làng Ho kết hợp với mở đường thồ vào đường 9 (khu vực Bản Đông) để thồ hàng đảm bảo kế hoạch và nội bộ. Đến 30 tháng 10 năm 1965, Tuyến II phải giao 2.247 tấn cho Tuyến III, giao cho Trị - Thiên tại A Túc 245 tấn và đảm bảo 230 tấn gạo cho bộ đội hành quân.

Tuyến III sử dụng lực lượng gùi thồ và một phần cơ giới đưa vào Sa Khe 1.334 tấn Đắc Lây 345 tấn và đảm bảo cho bộ đội hành quân 189 tấn.

Để vận chuyển vượt túi nước, việc quan trọng đầu tiên là chuẩn bị khoảng 300 đến 400 thuyền nhỏ, loại từ 0,5 tấn đến 1 tấn và hàng trăm thủy thủ. Bộ Tư lệnh Đoàn chủ trương đóng tại chỗ một phần, đưa một số thuyền từ Tuyến II ra và mua thêm thuyền nan từ Nam Hà, Phú Thọ chuyển vào.

Bộ Tư lệnh Đoàn đã cử cán bộ ra các tỉnh Quảng Bình, Nam Hà huy động gấp một số công nhân lên mở công trường đóng thuyền ngay tại rừng săng lẻ ở khu vực 050. Đồng thời chuyển 700 nam thanh niên xung phong của Thanh Hóa dự định sử dụng làm lực lượng thồ ở Tuyến II, bổ sung cho Tuyến I đưa vào phục vụ công trường đóng thuyền và huấn luyện làm thủy thủ; giao cho lực lượng công binh đi phát cây, đánh đá, khai quang luồng lạch. Thuyền đóng được đến đâu đưa vào vận chuyển đến đấy.

Do lúng túng về tổ chức và gấp gáp về chuẩn bị, nên đến giữa tháng 7 mới vận chuyển được thuyền đầu. Thời tiết mưa lũ lớn, thủy thủ mới huấn luyện, phải chèo chống trên dòng sông hẹp, nước chảy mạnh, luồng lạch chưa quen, thuyền gặp chướng ngại tránh không kịp thường bị lật. Thuyền xuôi dòng từ 050 xuống Xiêng Phan khoảng 35km chỉ mất 1 ngày nhưng ngược về phải lên bờ kéo nên thường mất 3 - 4 ngày mới được một chuyến. Những ngày sau dùng thêm thuyền nan và một số thuyền bằng vải bạt bọc khung tre, để khi về có thể khiêng bộ nhưng vô cùng nặng nề, vất vả. Hiệu suất vận chuyển rất thấp, mỗi ngày chỉ được từ 10 đến 20 tấn.

Đến cuối tháng 8 số thuyền đóng được lên tới 84 thuyền gỗ, 250 thuyền bạt. Nhưng vì tải trọng hạn chế, thới gian mỗi chuyến bị kéo dài, từ cuối tháng 8 trời giảm mưa, nước cạn dần khó đi, nên chỉ đưa vào Xiêng Phan được 460 tấn là phải kết thúc.

Đoạn phía nam túi nước từ Xiêng Phan vào Xóm Péng đã lát "rông đanh" toàn bộ, nhưng đường rất lầy, ô tô không đi được, phải dùng một số đại đội dân quân gánh bộ vào Pác Pha Năng được hơn 20 tấn. Phần lớn số hàng vượt túi nước vẫn đọng lại ở Xiêng Phan. Kế hoạch vận chuyển hàng vào đường 9 tuy đã phấn đấu rất gian khổ tốn kém, nhưng đành bỏ dở.

Ở tuyến 11, tuy không có hàng từ Tuyến I đưa vào, Ban chỉ huy tuyến đã huy động mọi lực lượng ra chống lầy, vận chuyển số hàng tồn từ đường 9 vào Tuyến III cung cấp cho chiến trường, bộ đội hành quân và cứu đói cho lực lượng phía trong.

Đường gùi từ làng Ho đi Bản Đông không có hiệu quả; Bộ Tư lệnh cho mở thành đường thồ đồng thời khai thác chở thuyền theo sông Sê Băng Hiêng từ Chà Lì về Bản Cọ, rồi gùi tiếp về Bản Đông được hơn 100 tấn. Tuyến III cũng cố gắng đảm bảo cho Khu 5 được 2 tấn/ngày ở hướng B46 và từ 1 tấn đến 2 tấn/ngày ở Sa Khe.

Thời gian này, Bộ Tư lệnh Đoàn đã động viên các đơn vị ở bên kia tai nước, nhất là ở Tuyến II và Tuyến III rút bớt khẩu phần gạo xuống 3 đến 4 lạng mỗi ngày để tăng thêm lượng hàng cung cấp cho chiến trường.

Nhờ các biện pháp tích cực như vậy nên kế hoạch vận chuyển van đảm bảo được một phần gạo cho chiến trường và đủ gạo cho các đơn vị hành quân. Riêng đối với đời sống của bộ đội trên toàn tuyến rất thiếu thốn, kham khổ, ốm đau bệnh tật hoành hành.

Công việc mở đường mới cũng gặp khó khăn lớn. Tiến độ thi công đường 128 rất chậm. Tuy có nhiều máy nhưng do mưa lớn, đất lầy không phát huy được. Đường mở đến đâu bị lầy đến đó lại phải chặt cây chống lầy, nên càng thiếu lực lượng thi công nghiêm trọng. Ngay lực lượng tiếp tế hậu cần cho các đơn vị cũng không đảm bảo. Bộ đội thiếu đói, ốm đau hàng loạt. Nhất là số nữ công nhân và nữ thanh niên xung phong sống rất cực vì thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu cho sinh hoạt, vệ sinh và phòng bệnh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #51 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2010, 11:13:29 pm »

Giữa tháng 10 năm 1965, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ vào kiểm tra tình hình ở công trường đã chỉ thị Tuyến I tổ chức một chuyến hàng đặc biệt gồm 20 xe Zil 57 đưa hàng tứ Xóm Péng vào Lùm Bùm cứu đói cho công trường 128. Nhờ đó tiến độ thi công được đẩy lên nhưng thời gian cũng phải kéo dài tới đầu tháng 11 mới thông đến đường 9.

Đoạn đường từ Bạc đi Tà Xẻng còn khó khăn hơn. Thời gian thi công triển khai chậm, máy móc ít, thuốc nổ thiếu, phần lớn phải dùng lao động thủ công. Gặp những đoạn núi đá các đơn vị phải nhảy cóc thi công sang đoạn khác chờ khi có thuốc nổ mới quay lại làm tiếp.

Lương thực và thuốc men đều rất thiếu thốn. Bộ đội phải đào củ mài, củ dái ngựa, củ chuối để ăn. Thực phẩm chủ yếu là măng, lá sần. Thuốc sốt rét và các loại vi-ta-min không đủ, ăn uống kham khổ trong khi lao động rất căng thẳng, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ giảm sút nghiêm trọng, quân số ốm cao. Nhiều người gầy sút, cơ bắp bị teo lại. Tuy vậy, cán bộ chiến sĩ các đơn vị vẫn động viên nhau giữ vững quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Trước tình hình bức xúc, Bộ Tư lệnh 559 đã điều tiểu đoàn 56 ô tô vận tải dưới sự chỉ huy của thượng úy tiểu đoàn trưởng Trần Đức Dục và thượng úy chính trị viên Nguyễn Long thực hiện một chuyến vận chuyển đột kích mang mật danh “ngọn đèn xanh Bác Hồ" xuất phát từ Xóm Péng thuộc Tuyến I, theo đường 129 vào thẳng Tuyến III, chuyển gấp một số lương thực, thực phẩm, thuốc nổ và dụng cụ làm đường để đẩy nhanh việc làm đường từ Bạc vào Tà Xẻng kịp đưa vào sử dụng.

Đại đội trưởng Nguyễn Văn Cân được chỉ định trực tiếp lái xe mở đường mỗi khi vượt qua những đèo dốc hiểm trở. Được tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ lái xe tay nghề vững và hành quân bí mật bất ngờ, không bị địch phát hiện đánh phá nên toàn đơn vị đến đích gọn, đúng thời gian, tổn thất nhẹ, một xe đổ xuống vực khi qua dốc Đèo Long.

Được tiếp tế những nhu cầu cần thiết, tiến độ thi công được đẩy mạnh. Đầu tháng 1 năm 1966, đường đã được mở thông đến Tà Xẻng tạo được tuyến giao thông vận tải cơ giới liền mạch từ Mụ Giạ vào ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia.

Hoàn thành được đoạn đường này là một thắng lợi to lớn, thể hiện nỗ lực phi thường của Bộ đội 559. Tuy vậy đường vẫn mang tính chất quân sự làm gấp, mặt đường và bán kính đường vòng rất hẹp, gồ ghề, độ dốc leo đèo rất cao đòi hỏi phải tiếp tục cải tạo mới sử dựng có hiệu quả và an toàn.

Cùng với việc mở đường mới, từ tháng 9, Tuyến I đã đưa lực lượng công binh, công nhân, thanh niên xung phong vào sửa chữa đường 129 rút được số xe bị mắc kẹt từ Na Mô, Na Nhôm, khôi phục lại hệ thống đường, cầu trên đường 12; củng cố hoàn chỉnh đường 050 tránh đèo Mụ Giạ. Từ 19 tháng 9 năm 1965, xe đã chạy được từng đoạn. Đầu tháng 11 đường đã thông từ Mụ Giạ đến Tà Khống trên cả 2 trục đường 129 và 128.

Trong khi phải tập trung cố gắng thực hiện các nhiệm vụ mở đường và vân chuyển, Bộ Tư lệnh Đoàn vẫn xúc tiến nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm cho bộ đội hành quân vào chiến trường. Toàn tuyến giao liên được tổ chức thành 33 trạm: Từ làng Ho đến Bạc có 18 trạm. Từ Bạc trở vào có 15 trạm. Mỗi trạm có từ 9 đến 11 người do một chuẩn úy hoặc thiếu úy (có nơi là thượng sĩ phụ trách).

Lưu lượng hành quân mỗi ngày khoảng 600 người và ngày càng tăng thêm, nhưng biên chế phục vụ của các trạm giao liên quá ít, không đủ người làm cấp dưỡng, cáng thương, dẫn đường, đào hầm hố, làm lán trại. Có chiến sĩ đang lên cơn sốt rét cũng phải lên đường đưa quân. Với sự nỗ lực vượt bậc của bộ đội giao liên, đến tháng 10 năm 1965, đã có 29.000 người được giao cho các chiến trường.
Nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ hành lang cũng bắt đầu được đặt ra.

Mùa mưa ở Lào là lúc địch thường lợi dụng tung các toán quân thâm nhập, hoạt động gián điệp, biệt kích phá hoại kho tàng của ta, chỉ điểm cho máy bay đánh phá. Các đơn vị trên tuyến đã chủ động ngụy trang che phòng, truy lùng gián điệp biệt kích, không cho chúng tiếp cận phá hoại. Ngày 7 tháng 5 năm 1965, Tuyến III sử dụng đặc công tiêu diệt đồn Na Kay diệt 60 tên, bắt 1 tên.

Nhiệm vụ tác chiến phòng không ngày càng bức thiết nhưng Đoàn chưa có biên chế lực lượng cao xạ. Vì vậy còn lấy phương châm phòng tránh là chủ yếu. Tiểu đoàn 20 và tiểu đoàn 12 cao xạ 37 ly của Quân khu 4 vào phối hợp chiến đấu ở khu vực Lằng Khằng, Tà Khống đã chiến đấu dũng cảm, lần đầu tiên bắn rơi 2 máy bay F 105 trên tuyển Trường Sơn nhưng bộ đội pháo cao xạ chưa quán triệt tư tưởng tác chiến bảo vệ hành lang và đội hình xe, nên tác dụng còn hạn chế.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #52 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2010, 11:14:02 pm »

Qua 7 tháng thực hiện chủ trương đưa cơ giới vào vận chuyển trên tuyến Trường Sơn nhằm kịp thời phục vụ yêu cầu đánh thắng “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 đã vượt qua những thử thách nghiệt ngã của mùa mưa lũ, liên tục phấn đấu mở được 328km đường, vận chuyển được một khối lượng vật chất vào chiến trường lớn hơn mùa khô trước, tổ chức bảo đảm hành quân quy mô tương đối lớn, đánh địch bảo vệ an toàn hành lang, bước đầu hình thành một tổ chức làm nhiệm vụ chi viện chiến lược bằng phương thức vận tải cơ giới. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh đã tự kiểm điểm và khẳng định quyết tâm khắc phục khuyết điểm chủ quan, hạn chế khó khăn khách quan, tiếp tục thực hiện chủ trương vận chuyển cơ giới chi viện chiến lược.

Đánh giá tình hình và hoạt động trên tuyến, Quân ủy Trung ương cũng chỉ rõ: "Do yêu cầu của cách mạng miền Nam, Quân ủy đề ra làm đường để chạy mùa mưa là cần thiết, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Đoàn cũng quyết tâm hoàn thành, nhưng chưa nắm chắc thủy văn địa chất, lại không đủ thì giờ chuẩn bị mà cứ triển khai công tác. Khi gặp khó khăn không kịp thời phát hiện để Quân ủy giải quyết, đưa lại nhiều khó khăn không hoàn thành kế hoạch, để lại hậu quả về người đau, xe hỏng... Về khách quan, sự lãnh đạo của trên cũng chưa sát; do thiếu kiểm tra nên vạch kế hoạch còn chủ quan; các Tổng cục của Bộ Quốc phòng yêu cầu thực hiện kế hoạch thì nhiều, nhưng giải quyết những khó khăn cho 559 và chỉ đạo có tính chất toàn diện thì còn lúng túng và có lúc khoán trắng. Tổ chức và hoạt động gặp nhiều khó khăn nhưng không có hậu phương đắc lực trợ giúp. Các ngành Trung ương tuy được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đảm bảo cho 559 nhưng thực tế chưa được biết và chưa quán triệt nhiệm vụ của 559 nên còn chậm trễ, thậm chí khi giải quyết còn gây khó khăn ảnh hưởng đến thời gian cần có của 559".

Nhận xét của Quân ủy Trung ương đã chỉ ra phương hướng tiến lên thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược của tuyến.

Đầu tháng 11 năm 1965 thời tiết Trường Sơn chuyển sang mùa khô. Nhà nước và Bộ Quốc phòng bổ sung lực lượng, tăng quân số toàn Đoàn lên 25.754 người, trong đó có 16.485 quân nhân, 1.604 công nhân giao thông, 7.665 thanh niên xung phong, cùng 46 máy húc, 10 máy ép hơi khoan đá, 738 xe ô tô các loại. Bộ Tư lệnh Đoàn khẩn trương sắp xếp lại tổ chức để bước vào cuộc chiến đấu mới.

Toàn Đoàn vẫn tổ chức ba tuyến tương đương cấp lữ đoàn. Lực lượng từng tuyến được tăng cường và điều chỉnh mạnh và hợp lý hơn.
Các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần được kiện toàn. Đồng chí Hồng Kỳ - Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu Tây Bắc được điều vào làm Chủ nhiệm chính trị Đoàn 559. Đồng chí Hồng Tiến vào làm Chủ nhiệm hậu cần thay đồng chí Võ Văn Dật. Đồng chí Trần Trọng Kiếm làm Chính ủy hậu cần thay đồng chí Lê Xy vào làm Chính ủy Tuyến III.

Tổ chức Đảng được kiện toàn, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Đoàn, Đảng ủy tuyến có 32 Đảng ủy cơ sở 6 liên chi và 232 chi bộ.

Mùa khô năm 1965 - 1966, cuộc chiến đấu trên chiến trường miền Nam đang bước vào trận quyết chiến mới. Đế quốc Mỹ đã đưa hơn 20 vạn quân viễn chinh cùng hơn 3 vạn quân các nước chư hầu vào trực tiếp tham chiến. Chúng gấp rút chuẩn bị cuộc phản công mùa khô để "tìm diệt” chủ lực ta. Quân dân miền Nam qua những trận đọ sức đầu tiên với quân viễn chinh Mỹ, đã giành được chiến thắng vang dội ở Núi Thành, Ba Gia, Vạn Tường, Bầu Bàng, Plây Me... đang tích cực chuẩn bị quyết đánh bại cuộc phản công của địch, tiếp tục tạo thời cơ giành thắng lợi quyết định.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #53 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2010, 11:14:48 pm »

Tình hình mới càng đòi hỏi sự chi viện lớn từ miền Bắc. Tháng 11 năm 1965, Ban Bí thư Trung ương và Quân ủy Trung ương quyết định nhiệm vụ của Đoàn năm 1965 - 1966 với khối lượng vận chuyển và đảm bảo hành quân rất lớn. Quân ủy Trung ương chỉ rõ:

"Phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho miền Nam còn lâu dài và hành lang qua đất bạn là con đường vận chuyển chiến lược cho đến khi chiến thắng đế quốc Mỹ ở Việt Nam và ở Lào. Trước hết, để phát huy trận thắng phủ đầu và phá tan âm mưu lấn chiếm vùng rừng núi, hòng gây cho ta bị động, ta phải thường xuyên tăng cường chi viện cho miền Nam để chủ động tấn công địch, bảo đảm các trận đánh mạnh, đánh lớn, đồng thời ngăn chặn âm mưu lấn chiếm vùng Hạ Lào và chủ động đối phó với âm mưu chiếm đóng từng vùng trên đường số 9 để ngăn chặn chi viện của ta. Do đó, vận chuyển phải thỏa mãn yêu cầu cấp bách, tối thiểu của chiến trường và có dự trữ cần thiết ở gần chiến trường miền Nam và phía nam đường số 9, phục vụ mặt trận Trung - Hạ Lào và chú trọng đối phó với địch khi chúng đánh chiếm đường 9”

Bộ Chính trị điều đồng chí Phan Trọng Tuệ trở lại cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải để tăng cường chỉ đạo củng cố hệ thống giao thông cả nước đủ sức đối phó có hiệu quả với cuộc chiến tranh phá hoại, ngăn chặn của Mỹ.

Để thống nhất chỉ đạo công tác vận tải quân sự, phối hợp chặt chẽ giữa tuyến trước và tuyến sau, Quân ủy Trung ương quyết định chuyển Đoàn 559 trực thuộc sự chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần và chỉ định đại tá Hoàng Văn Thái, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần làm Tư lệnh Đoàn 559; đại tá Vũ Xuân Chiêm giữ chức Chính ủy Đoàn. Bộ Giao thông Vận tải cử Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân vào làm Phó Tư lệnh Đoàn 559 đặc trách về làm đường và đảm bảo giao thông. Phó Tư lệnh Võ Bẩm về Bộ nhận nhiệm vụ khác. Chỉ huy sở của Đoàn được chuyển vào khu vực Ka Tốc (đường 20) gần khu vục Lùm Bùm thuộc tỉnh Khăm Muộn của Lào.

Tháng 12 năm 1965, Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559 họp và tổ chức hội nghị cán bộ để quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương và Quân ủy Trung ương đồng thời bàn phương hướng hoạt động mùa khô 1965 - 1966. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Đoàn hạ quyết tâm :

1. Cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành cho được các đường quan trọng và từng bước nâng cao mặt đường để chạy được cả mùa mưa. Bên cạnh đường cơ giới vẫn duy trì và cải thiện đường thồ, đường sông để hỗ trợ nhau.

Chỉ tiêu quy định: Đầu tháng 1 năm 1966 phải thông đường đến Tà Xẻng. Nền đường rộng từ 4,5m - 5m, tốc độ xe chạy được 100 km một đêm và cơ động được xe kéo pháo; Mở thêm đường 35 từ Tha Mé - Mường Noọng để tránh 2 bến phà Tà Khống và Bản Đông đang bị địch đánh phá ác liệt và đề phòng địch chiếm đường số 9; Lát mặt đường 050 và làm đường tránh Pha Nốp; Đến 15 tháng 6 năm 1966 thông xe đường 20 từ Phong Nha đến Lùm Bùm, để kịp sử dụng trong mùa mưa 1966; Chuẩn bị xẻ sẵn gỗ để lát đường từ nam đường 9 đến bờ sông Sê Kông cho xe chạy trong mùa mưa và làm mặt đường cấp phối từng đoạn để xe có thể chạy được tốc độ trung bình. Từ Bạc đi Tà Xẻng chống lầy từng đoạn để đến mùa mưa xe tranh thủ chạy từng chuyến đảm bảo được 8 tấn/ngày; Khảo sát đường từ Tà Xẻng nối với đường 14, và từ Tà Xẻng nối về Nam dọc theo 3 biên giới; Cải tạo và duy trì vận chuyển đường sông đoạn từ Bạc đi Pác Ca Don; duy trì đường thồ B44 (từ làng Ho vào Bản Đông) và cải thiện đường thồ C4 (Tà Ngâu về Phi Hà).

2. Trong nhiệm vụ vận chuyển, phương châm chung là phát huy cao độ khả năng cơ giới đồng thời tận dụng mọi phương tiện thô sơ; tranh thủ vận chuyển trong mùa khô đẩy càng nhiều hàng vào phía Nam đường 9 càng tốt, chuẩn bị để đối phó với mùa mưa không để vận chuyển bị bế tắc. Phối hợp đẩy mạnh vận chuyển đường C4 từ Campuchia về Phi Hà. Nếu khai thác được nhiều gạo và xăng ở hướng đó thì tuyến ngoài Bắc vào sẽ tập trung chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam và Trung-Hạ Lào. Kế hoạch quy định trong năm 1966 phải vận chuyển giao cho các chiến trường miền Nam 14.345 tấn; giao cho bạn Lào 5.919 tấn; đảm bảo cho nhu cầu nội bộ Đoàn 559: 23.842 tấn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #54 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2010, 11:15:38 pm »

Tuyến I hoàn toàn dùng cơ giới vận chuyển từ Tổng kho 050 vào giao cho Tuyến II tại Na Hi (S1) hoặc Mường Noọng, (9B) giao cho bạn tại Mường Xén. Ngoài ra, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1966 phải vận chuyển 1.748 tấn đi Mường Phin cho kế hoạch dân sinh của bạn do Bộ Giao thông Vận tải bàn giao sang. Tổng khối lượng vận chuyển cả năm của Tuyến I là 32.417 tấn.

Tuyến II tiếp nhận hàng của Tổng cục Hậu cần ở làng Ho và hàng của Tuyến 1 tại Na Hi, Mường Noọng, dùng ô tô kết hợp với gùi thồ chuyển vào giao cho Trị - Thiên và cho Tuyến III. Khối lượng vận chuyển cả năm là 25.827 tấn.

Tuyến III kết hợp vận chuyển cơ giới và thô sơ, nhận hàng ở Bạc đưa tới Pác Ca Don (cho bạn), Đắc Lây (cho Khu 5), Tà Xẻng (cho Tây Nguyên) và đưa vào Tà Ngâu (C4) theo nhu cầu của Bộ. Khối lượng cả năm phải đảm bảo 17.766 tấn.

3. Trong nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ hành lang, phải thực hiện thật tốt biện pháp phòng tránh máy bay địch, đồng thời tập trung một số hỏa lực cao xạ vào các vùng trọng điểm như: Lằng Khằng, Xóm Péng, Tà Khống... và những nơi có kho tàng lớn, các đèo hiểm trở, bến phà... Quá trình chiến đấu phải nắm vững nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, trên cơ sở quyết tâm bảo vệ mục tiêu mà tiêu diệt sinh lực địch. Với địch mặt đất, chú trọng đề phòng biệt kích, gián điệp, chủ động phá kế hoạch tấn công lấn chiếm của địch, đẩy địch ra xa để bảo vệ và giữ vững đường hành lang.

4. Công tác đảm bảo hành quân phải phục vụ cho các đơn vị đi liên tục, nhanh chóng, an toàn, sức khỏe tốt để khi đến nơi chiến đấu được ngay. Tăng cường lực lượng cho các trạm giao liên, chuẩn bị chỗ trú quân cho chu đáo và giúp các đơn vị nấu ăn được nhanh chóng. Mở thêm những đoạn đường mới để hành quân được nhiều, nhanh và giữ được bí mật.

Trước những yêu cầu to lớn, nặng nề của nhiệm vụ mới, các cán bộ tham dự hội nghị đều xác định quyết tâm thực hiện. Cũng có một vài băn khoăn vì công việc rất mới mẻ, khó khăn, nhưng nhận thấy yêu cầu của thời cơ cách mạng là cấp bách không thể bàn lùi, nên nhất trí cao với nhiệm vụ.

Theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục bổ sung quân, tăng cường cán bộ, khẩn trương bổ sung lực lượng công binh và pháo phòng không, đưa số quân của Đoàn lên 30.000 người. Đồng thời bổ sung thêm các phương tiện thiết bị làm đường, tăng thêm phương tiện vận chuyển, bổ sung lái xe, cho đổi xe 2 cầu lấy xe 3 cầu, tăng cường lực lượng phòng không từ biên giới Lào - Việt vào Trường Sơn, tăng cường các chuyên gia và cố vấn giúp bạn ở hành lang, cho kinh phí về công tác dân vận, cho mua đài bán dẫn loại tốt phân phối đến đạt đội để theo dõi thời sự và đảm bảo sinh hoạt tinh thần cho bộ đội trên tuyến.

Quân ủy Trung ương còn đề nghị trung ương Đảng và Chính phủ chỉ thị cho các Bộ, các ngành đặt quan hệ chặt chẽ và giúp đỡ Đoàn 559 một cách khẩn trương tích cực.

Từ tháng 1 năm 1966 thời tiết Trường Sơn đã khô ráo. Với lực lượng, phương tiện được bổ sung, toàn tuyến chính thức bước vào kế hoạch năm 1966, nhưng cũng là lúc địch thực hiện âm mưu mới rất xảo quyệt. Nhân dịp lễ Nôen 1965, chúng tuyên bố kéo dài thời gian ngừng đánh phá ở miền Bắc, bề ngoài làm ra vẻ thiện chí "hòa bình" để đánh lừa dư luận, thực chất là tập trung lực lượng không quân đánh phá tuyến 559 hòng chặn đứng nguồn chi viện trên đoạn xung yếu nhất.

Từ ngày 14 tháng 1 đến ngày 16 tháng 1 năm 1966, đường bị đánh tắc ở Pha Nốp, Xiêng Phan, Pác Pha Năng, Văng Mu, Tà Khống, đến ngày 24 mới khắc phục xong. Vận chuyển trên toàn tuyến bị đình trệ mất hơn nửa tháng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #55 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2010, 11:16:29 pm »

Kế hoạch vận chuyển tháng 1 năm 1966 đạt thấp: Tuyến I chuyển vào Tuyến II chỉ được 815 tấn (34% kế hoạch) Tuyến II chuyển vào Tuyến III được 356 tấn (40% kế hoạch). Hàng giao cho các chiến trường được rất ít. Chỉ tiêu tối thiểu đưa vào Trị - Thiên 200 tấn, nhưng chỉ thực hiện được 79 tấn. Khu 5 yêu cầu 100 tấn chỉ giao được 27 tấn.

Trước tình hình trên Thường trực Quân ủy Trung ương gửi thư cho Đảng ủy - Bộ Tư lệnh 559 nhận xét:

"Trong thời gian vừa qua, các cơ quan hậu phương đã cố gắng đảm bảo khối lượng vật chất lớn, tạo chân hàng vững, cung cấp cán bộ, phương tiện... cho Đoàn 559. Tuy có những lúc chưa kịp thời, song cơ bản đã tạo thuận lợi cho Đoàn. Phía Đoàn 559 đã có cố gắng nhất định, một số nhiệm vụ đã đạt được hiệu quả, đặc biệt là đảm bảo cho các đơn vị hành quân nhưng việc vận chuyển hàng cho chiến trường hiệu quả quá thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến chiến trường. Nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo của Đoàn còn nhiều thiếu sót, nhận thức trách nhiệm chính trị đối với địch và quyết tâm chiến lược của Trung ương chưa đầy đủ; ý chí chiến đấu, tinh thần khắc phục khó khăn chưa cao; chỉ huy ở xa đường không nắm được tình hình để đường tắc; chuyển biến tổ chức chậm, nhiều cấp trung gian!”

Thường trực Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Đoàn và các đơn vị phải nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả hơn.

Nhận được chỉ thị của Quân ủy, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Đoàn đã họp kiểm điểm và bàn các biện pháp khắc phục.

Đầu tháng 1 năm 1966, đề án mở đường 20 nhằm tăng thêm một cửa khẩu vào tuyến, tạo thế trận phân tán sự ngăn chặn của địch và ánh túi nước ở đường 12 được Ban Bí thư Tnmg ương Đảng và Hội đồng Chính phủ thông qua. Đây là công trình trọng điểm được Bộ Tư lệnh khẩn trương khai thác, tập trung lực lượng thi công nhanh để kịp sử dụng vào mùa mưa 1966 và chuẩn bị cho những năm sau.

Tuyến đường được mở từ Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) qua U Bò, Cà Rùng, Ta Lê nối sang đường 128 ở Lùm Bùm. Đường dài 125km, do công trường 20 và công trường 128 thi công từ hai đầu vào. Công trường 20 thi công từ Phong Nha đến km 82 (Tà Lê). Công trường 128 làm từ Lùm Bùm ra km 82. Khối lượng thi công khoảng trên 1.000.000 m3 đất đá. Thời gian dự định trong 3 tháng sẽ hoàn thành.

Công trường 20 có hơn 7.000 người gồm Trung đoàn 10 và Trung đoàn 4 công binh, 4 đội thanh niên xung phong của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nam Hà, Ninh Bình cùng hơn 100 cán bộ công nhân của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy được tăng cường đội thi công cơ giới số 6 với 50 máy húc và máy Gát, nhưng vì triển khai gấp, việc đưa máy móc từ hậu phương vào không kịp, nên thời gian đầu việc thi công của công trường hoàn toàn dựa vào sức người và bộc phá. Bộ đội công binh là lực lượng xung kích nhận những đoạn khó, khối lượng lớn. Chỉ tiêu toàn công trường mỗi tháng phải mở được 25km, làm đến đâu gia cố ngay đến đó. Riêng đầu mối đường từ Phong Nha vào, mở sau để giữ bí mật.

Ngày 21 tháng 1 năm 1966 tức sáng mồng 1 Tết Bính Ngọ, tại công trường 20, Phó Tư lệnh Nguyễn Tường Lân ra lệnh nổ loạt bộc phá đầu tiên mở đầu chiến dịch "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi" do Bộ Tư lệnh 559 phát động. Từ dốc Đồng Tiền vào đến km 25 là đoạn trọng điểm về khối lượng đá. Dốc Ba Thang ở km 16 có mỏm núi đá phải phá 10.000 m3, là cái chốt của toàn chiến dịch. Tiểu đoàn 3 - đơn vị thiện chiến nhất của trung đoàn 10 - được giao mở thông dốc này. Nhiều đồng chí dũng cảm quên mình đứng trên đỉnh của 3 cái thang tre ghép lại, cột mình hàng giờ vào sườn đá để choòng đục các lỗ bộc phá. Hết tốp này đến tốp khác, hết loạt này đến loạt khác, liên tục trong 15 ngày với 900 lượng bộc phá, 9 tấn thuốc nổ, trung đoàn 10 đã hạ gục dốc Ba Thang, "Chọc thủng Trường Sơn".

Địch phát hiện ta mở đường, cho máy bay đánh phá mạnh khu vực phà Xuân Sơn và dốc Đồng Tiền. Đại đội 4 súng máy 12,7 ly bảo vệ phà Xuân Sơn dũng cảm chiến đấu bắn rơi một máy bay F 105. Toàn công trường vẫn bám tuyến mở đường vượt tiến độ thi công.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #56 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2010, 11:17:13 pm »

Phía tây, công trường 128 thi đua với công trường 20 quyết thông đường nhanh trước thời hạn. Cùng thời gian này, tại Tuyến I, đường tránh Pha Nốp được mở thông. Bộ Tư lệnh Đoàn còn chỉ đạo mở thêm đường từ Bản Viếng đi Na Phi Lăng nối với đường 129 tạo thành đường vu hồi tránh trọng điểm Văng Mu xuống đường 9.

Tại Tuyến II, công trình mở đường 35 (Tha Mé - Mường Noọng) cũng được thi công gấp...

Cuối tháng 2 năm 1966 Bộ Tư lệnh Đoàn giải thể các tuyến, chia thành 7 binh trạm nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp. Việc điều chỉnh lớn về tổ chức đã bước đầu tăng cường được chỉ huy trực tiếp nhưng chưa tạo được chuyển biến về vận chuyển. Toàn Đoàn vẫn trong thế bị động, khó khăn. Cầu đường tuy được mở thêm nhưng chất lượng rất xấu và mang tính độc đạo. Lực lượng cao xạ mỏng, không đủ chốt ở các trọng điểm. Lực lượng ô tô vận tải chủ yếu là xe cũ nhiều chủng loại (gát 63, Praga, Star cũ) sức chở thấp (2 tấn), đầu xe thường xuyên bị hao hụt do hư hỏng không có phụ tùng vật tư thay thế, nhiều xe bị đâm đổ và bị địch đánh cháy.

Đặc biệt là khâu chỉ đạo chỉ huy còn rất hạn chế. Thế trận vận chuyển chưa được hoạch định. Quan điểm tư tưởng đánh giá địch ta chưa rõ ràng, chiến thuật vận chuyển, tác chiến phòng không, chống phá hoại chưa được định hình. Nhận thức tư tưởng của bộ đội về tình hình nhiệm vụ chưa sâu. Thông tin liên lạc chưa đáp ứng yêu cầu chỉ huy thông suốt từ trên xuống dưới để đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trên đường.

Từ tháng 2 năm 1966, địch đánh trở lại miền Bắc nên cường độ đánh phá trên toàn tuyến có giảm. Tuy vậy các trọng điểm Văng Mu, Tà Khống, Bản Đông, Dốc Thơm vẫn bị địch khống chế, đánh tắc liên tục. Cuối tháng 2, một đoàn xe của tiểu đoàn 52 bị tắc đường ở Dốc Thơm, Bản Đông, đã ùn lại tại cua chữ S phía đông Tà Khống. Địch phát hiện, tập trung đánh phá liên tục 2 ngày, phá hủy 45 xe.

Một số đơn vị cao xạ 37 ly và súng máy 12,7 ly đã tích cực đánh địch, hạ được 3 máy bay, bắn bị thương một số khác, nhưng do không bám và bảo vệ mục tiêu vẫn để chúng tự do đánh phá cầu đường và đội hình xe.

Mặc dù cán bộ, chiến sĩ nỗ lực rất lớn nhưng khối lượng vận chuyển trong tháng của toàn tuyến đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch. Hàng vào đường 9 được 870 tấn (32%), vào La Hạp được 232 tấn (23%), giao cho Trị - Thiên được 327 tấn (96%), vào Chà Vằn được 107 tấn (27%), giao cho Khu 5 được 35 tấn.

Sau 4 tháng mùa khô 1965 - 1966 toàn Đoàn mới giao cho các chiến trường được 10% kế hoạch. Riêng với lực lượng nội bộ của các binh trạm từ Sa Khe vào Tà Xẻng và chiến trường Tây Nguyên hoàn toàn chưa chuyển được gì, gây nên thiếu đói nghiêm trọng, gạo không đủ để nấu cháo!

Để cứu vãn tình hình, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cẩn chỉ thị cho Bộ Tư lệnh 559 phái đồng chí Hồng Kỳ vào tổ chức rút hàng từ phía Tà Ngâu ra Tà Xẻng, Chà Vằn cứu đói cho các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên và các binh trạm phía trong; đồng thời chỉ thị cho bộ phận thu mua của Tổng cục Hậu cần do đồng chí Đức Phương phụ trách khai thác nguồn hàng ở đông bắc Campuchia và nam Lào khoảng 10.000 tấn gạo, thực phẩm và 1.000 tấn xăng dầu giao cho Đoàn 559.

Do đường từ Campuchia về còn là đường thồ nên khối lượng vận chuyển được không đáng kể. Ngày 24 tháng 1 năm 1966, Bộ Tư lệnh Đoàn lệnh cho trung đoàn 98 cơ động gấp sang mở đường C4 từ Phi Hà đi Tà Ngâu thành đường cơ giới - gọi là đường 49, cố gắng hoàn thành vào tháng 3 năm 1966 để đưa xe từ các binh trạm ngoài vào rút hàng ra Tà Xẻng, Chà Vằn.

Trước những khó khăn gay gắt trên tuyến 559, đầu tháng 3 năm 1966, Quân ủy Trung ương cử đồng chí Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và đồng chí Phạm Ngọc Mậu - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính tri vào tuyến kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo. Nhiều cán bộ ở cơ quan Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị đi cùng. Đồng chí Đinh Đức Thiện và đồng chí Phạm Ngọc Mậu đã cùng Bộ Tư lệnh 559 nghiên cứu, đề ra nhiều biện pháp cụ thể về vận chuyển, đảm bảo giao thông, tác chiến bảo vệ hành lang, về công tác chính trị và cải thiện đời sống vật chất cho bộ đội để đẩy mạnh các hoạt động trên tuyến.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #57 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2010, 11:17:50 pm »

Căn cứ vào tình hình chân hàng và khả năng vận chuyển trong 2 tháng còn lại của mùa khô, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cho tính toán điều chỉnh lại kế hoạch nhằm đảm bảo cho được những nhu cầu chính là gạo cho các đơn vị hành quân và cho nội bộ 559, xăng cho xe hoạt động và đảm bảo yêu cầu của chiến trường. Kế hoạch này cần có 3.400 tấn gạo rải tới Bạc, 2.500 tấn xăng dầu rải xuống đến Tà Xẻng; phải đưa được 500 tấn vũ khí cho chiến trường Nam Bộ, 1.000 tấn dự trữ ở Tà Xẻng và đảm bảo cho Lào 2.500 tấn các loại.

Tổng cục ra lệnh cho tuyến hậu phương điều chỉnh mặt hàng đưa vào và giao cho cơ quan Tổng cục ở Hà Nội tổ chức 2 đoàn xe chở 1.000 tấn đạn đi thẳng từ Hà Nội vào Tà Xẻng, giao hàng xong thì ở lại tăng cường cho Đoàn 559. Cuối tháng 3 năm 1966, đoàn thứ nhất phiên hiệu là Đoàn 90 trang bị 100 xe Gát 63 mới, có rất nhiều xe đầu tời, chở 200 tấn đạn vào; khi giao hàng xong ở Tà Xẻng, tổ chức thành tiểu đoàn 58, hoạt động trên đường 49, trực thuộc Binh trạm 8. Đoàn thứ hai gọi là Đoàn 100 có 314 xe, đầu tháng 4 cũng vào đến tuyến, tăng thêm lực lượng vân tải cơ giới cho tuyến 559.

Cùng với việc điều chỉnh kế hoạch, tăng cường lực lượng ô tô vận tải, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chỉ đạo tập trung lực lượng thi công dứt điểm các đường Tha Mé Mường Noọng, đường 49; khẩn trương hoàn thành đường 20 để đưa vào sử dụng; tăng cường chỉ huy chống phá hoại ở các trọng điểm; hạn chế thời gian tắc đường; tích cực chuẩn bị chống lầy để vận chuyển trong mùa mưa; đồng thời chỉ thị điều nhanh 4 tiểu đoàn cao xạ (10, 14, 16, 18) vào chiến đấu bảo vệ vận chuyển, tập trung vào đoạn đường từ Mụ Giạ đến La Hạp.

Để giúp cấp dưới quán triệt tình hình nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đã cùng Bộ Tư lệnh Đoàn lần lượt làm việc với cán bộ chỉ huy 4 binh trạm, các tiểu đoàn xe, tiểu đoàn công binh, trạm giao liên từ phía bắc trở ra để nghe báo cáo và trực tiếp giao nhiệm vụ.

Trong các cuộc gặp, Chủ nhiệm Tổng cục phê phán lối làm ăn tắc trách, tuỳ tiện, không bám sát nhiệm vụ, phòng tránh đơn thuần, bị động chờ đợi, không tích cực chủ động khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác đồng chí tỏ thái độ thông cảm với những gian lao vất vả của cán bộ, chiến sĩ, chỉ ra những việc cần làm và ân cần động viên mọi người nỗ lực phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Tuy các cuộc gặp diễn ra khá căng thẳng, nhưng cán bộ dự họp đều nhận thức rõ hơn nhiệm vụ, tăng thêm tin tưởng và quyết tâm. Ra về, cán bộ các đơn vị đều nhận được quà của Tổng cục.

Cuối tháng 3 năm 1966, đường Tha Mé - Mường Noọng được đưa vào sử dụng, giảm bớt được mật độ xe trên đường Tà Khống, Bản Đông, Dốc Thơm. Ngày 3 tháng 4, trung đoàn 98 hoàn thành đường 49, lập chiến công mở đường thần tốc: Trong 38 ngày đêm làm cấp tốc 204km đường từ Phi Hà vượt bãi đá Lâm Phu, vượt dốc 200 đến Xiêm Pạng đáp ứng kịp thời kế hoạch rút hàng từ Campuchia, Hạ Lào về.
Các đơn vị phòng không đánh địch tích cực hơn. Ngày 15 tháng 3 năm 1966, tiểu đoàn 16 cao xạ 37 ly đánh một trận xuất sắc ở bản Na Hi, nam đèo Văng Mu, hạ 8 máy bay địch.

Trận đánh quyết liệt này diễn ra liên tục từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Mở đầu, tiểu đoàn bắn rơi tại chỗ một máy bay L19. Địch kéo đến đánh phá nhiều đợt bị tiểu đoàn bắn rơi liên tiếp 4 máy bay F 105. Địch càng lồng lộn kéo đến đánh phá đông hơn nhưng bị tiểu đoàn chống trả kịch liệt, bắn rơi thêm 3 chiếc nữa. Đây là trận thua đau nhất đối với không quân Mỹ trên tuyến 559 kể từ trước đó .

Kết quả vận chuyển đạt thấp, việc cung cấp cho các chiến trường cũng như cho lực lượng của Đoàn 559 từ nam đường 9 trở vào gặp khó khăn lớn. Theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Tổng cục Hậu cần, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 559 chỉ đạo kế hoạch hoạt động mùa mưa 1966 tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản khẩn cấp nhất là vận chuyển bổ sung cho các nơi, bảo đảm cho hành quân trong mùa mưa, tổng kết xây dựng lực lượng chuẩn bị cho năm sau.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #58 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2010, 11:18:26 pm »

Nhằm rút bớt số người trên tuyến để giảm bớt khối lượng phải đảm bảo trong mùa mưa và tranh thủ xây dựng củng cố lực lượng, ngày 4 tháng 5 năm 1966, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Bộ Tư lệnh 559 chuyển một phần lực lượng về hậu phương, chỉ để lại đủ số người và phương tiện cần thiết làm nhiệm vụ bảo đảm hành quân và chuyển đạn cho chiến trường.

Chấp hành lệnh trên, Bộ Tư lệnh Đoàn cho rút ra hậu phương 12.270 người, gồm tất cả các tiểu đoàn ô tô, tiểu đoàn cao xạ, những người ốm yếu, các thương, bệnh binh và những người không cần thiết cho công tác trong mùa mưa. Các lực lượng rút ra chia làm 2 khu vực. Từ Sa Nắc trở ra rút về nước; 4 tiểu đoàn xe (51, 52, 54, 55) về Nghệ An, các đơn vị khác về vùng Bố Trạch - Quảng Bình. Từ Sa Nắc trở vào tập trung ở vùng từ Lâm Phu đến Nậm Công. Các đơn vị cao xạ chỉ rút quân, tổ chức cất giấu pháo tại chỗ.

Lực lượng để lại làm nhiệm vụ trong mùa mưa có 16.609 người, gồm 7.320 người trực tiếp làm công việc vận chuyển (xe, thồ gùi, thủy thủ); 9.289 người ở cơ quan, kho tàng, công binh, bộ binh, 2 tiểu đoàn cao xạ bảo vệ đường 20 và 17 đại đội 12,7 ly bảo vệ địa bàn các binh trạm, một số lái xe, pháo thủ, thợ sửa chữa, làm nhiệm vụ sửa chữa, bảo quản xe, pháo.

Cơ quan Đoàn bộ chuyển về Bố Trạch (Quảng Bình) để tiện chỉ đạo chung.

Tháng 7 năm 1966, Bộ Quốc phòng tăng cường trung tá Bùi Đức Tạm vào làm Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn, đồng chí Phạm Đôn làm Tham mưu phó phòng không, đồng chí Võ Văn Ve làm Trưởng phòng xăng dầu; trung tá Phạm Hồng Thái làm Binh rạm trưởng Binh trạm 2 thay đồng chí Nguyễn Lang, trung tá Cao Tâm làm Chính ủy Binh trạm 2 thay đồng chí Đặng Ba.

Để thực hiện nhiệm vụ mùa mưa, sau khi cân nhắc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chủ trương giao cho Binh trạm 2 để lại 1 đại đội xe Zil 157 chạy từ Ta Lê đến Noọng Kà Đeng bảo đảm mỗi ngày 8 tấn. Từ Noọng Kà Đeng đi Tà Khống và Tà Khống đi Bản Đông, vận chuyển bằng thuyền và máy đẩy. Từ Ho vào Bản Đông sử dụng 1500 xe đạp thồ đảm bảo một ngày 8 tấn. Từ Bản Đông trở vào sử dụng xe đạp thồ và gùi. Từ Bạc đi Pác Ca Don sử dụng thuyền; kế hoạch vận chuyển giao cho bạn Lào ở Tà Khống 37 tấn, giao cho Trị - Thiên 8 tấn, giao cho Binh trạm 5 ở Bạc 70 tấn, cho bộ đội hành quân 63 tấn, giao cho Khu 5 (đường B46) 23 tấn. Vận chuyển từ hướng C4 ra cung cấp cho hành quân, nội bộ và Tây Nguyên.

Liên tục trong mấy tháng mùa mưa, cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đã nỗ lực hết mình, vật lộn với bao khó khăn để mở đường và vận chuyển. Nhưng do mưa lũ kéo dài, đường nhiều dốc đèo trơn lầy, ô tô cũng như xe đạp thồ không đi được. Vận chuyển bằng mang vác bị hạn chế. Hàng từ hậu phương vào cũng gặp khó khăn. Lực lượng Đoàn 559 bị đói nghiêm trọng, số ốm đau lên tới 50 – 60% quân số, có đơn vị 100% mất sức chiến đấu hoàn toàn. Đây là lần thứ hai kế hoạch vận chuyển mùa mưa trên địa bàn Trường Sơn thiên hiểm không thành công.

Trong khi đó ở hậu phương, việc chuẩn bị cho mùa khô 1966 - 1967 được xúc tiến rất khẩn trương. Lực lượng xe tập kết ở Nghĩa Đàn được Tổng cục Hậu cần trực tiếp theo dõi chỉ đạo, ưu tiên sửa chữa và khôi phục đầu xe, bổ sung xe mới, chấn chỉnh tổ chức các tiểu đoàn. Phương tiện thông tin được cấp khá đồng bộ để tăng cường mạng thông tin hữu tuyến, phục vụ cho chỉ huy vận chuyển, chiến đấu. Công tác đảm bảo hậu cần cho các lực lượng cũng khá hơn. Riêng các đơn vị xe, trước khi vào tuyến được cấp phát đủ tiêu chuẩn cho cả mùa. Quân số tập kết được điều trị bồi dưỡng, nâng sức khỏe lên 90%.

Với sự chuẩn bị một cách toàn diện, lại được hậu phương tích cực giúp đỡ, bước vào mùa khô 1966- 1967, tuyến 559 đã tạo được thế trận và sức mạnh mới, hứa hẹn sẽ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chi viện chiến trường trên giao.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #59 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2010, 01:19:08 pm »

III. ĐÁNH ĐỊCH MÀ ĐI, MỞ ĐƯỜNG MÀ TIẾN

Sau thất bại trong cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng quân ráo riết chuẩn bị mở cuộc phản công lớn lần thứ hai. Đến tháng 8 năm 1966, số quân Mỹ tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã lên gần 300.000 tên. Hải quân và không quân Mỹ tăng cường tối đa các vụ oanh kích hòng chặn đứng mọi nguồn chi viện của miền Bắc cho các chiến trường miền Nam. Số lượng máy bay và số trận máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc trong năm 1966 tăng gấp hai lần năm 1965 .

Ngày 29 tháng 6 năm 1966, đế quốc Mỹ đã leo nấc thang mới rất nghiêm trọng: Ném bom một số điểm ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.

Trước hành động mở rộng chiến ranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ngày 17 tháng 7 năm 1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân cả nước: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Miền Bắc càng sục sôi khí thế đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của địch, dồn sức chi viện cho miền Nam đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của địch. 

Tình hình đặt ra yêu cầu mới và thôi thúc cán bộ, chiến sĩ tuyến 559 cố gắng hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ mới. Tháng 6 năm 1966, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh 559 và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần báo cáo kế hoạch mùa khô 1966 - 1967 lên Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, dự tính nhu cầu vận chuyển từ tháng 11 năm 1966 đến tháng 10 năm 1967 khoảng 42.210 tấn, trong đó giao cho chiến trường miền Nam 16.400 tấn, chiến trường Lào 3.010 tấn.

Phương thức hoạt động: Lấy cơ giới là chủ yếu, đồng thời tận dụng mọi phương tiện thô sơ, kết hợp cả phương tiện đường thủy để bổ sung cho vận chuyển cơ giới. Trong đối phó với địch, phải tích cực giành chủ động bằng nhiều cách: Vừa tổ chức đánh địch, vừa làm nhiều đường vòng đường tránh để phân tán địch, kết hợp với phòng tránh ngụy trang nghi binh, thay đổi phương thức và quy luật vận chuyển để giữ được bí mật bất ngờ.

Sau khi nghe báo cáo, Thường trực Quân ủy chỉ thị phương hướng đặt kế hoạch thực hiện chi viện cho chiến trường miền Nam cần bảo đảm một cách vững chắc, đề ra mức tối thiểu phải hoàn thành bằng được, trên cơ sở đó sẽ phấn đấu để tăng khối lượng lên.

Riêng vấn đề phương thức hoạt động của tuyến chi viện chiến lược, trong cuộc họp Thường trực Quân ủy Trung ương ngày 7 và 8 tháng 9 năm 1966, khi thảo luận nguyên nhân tình hình vận tải cơ giới ở Tây Trường Sơn mùa khô 1965 - 1966 chưa thành công và tổn thất lớn, có hai loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng địch đánh phá dữ dội như vậy không thể vận chuyển cơ giới được, phải chuyển sang vận chuyển bằng gùi thồ, tuy nhỏ nhưng chắc.

Ý kiến thứ hai, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Đinh Đức Thiện và đồng chí Phan Trọng Tuệ là người đã trực tiếp chỉ huy vận chuyển cơ giới trên tuyến mùa khô 1965 - 1966 là năm chưa thành công, đều khẳng định: Phải vận chuyển bằng cơ giới là chính, nếu gùi thồ thì không thể theo kịp sự phát triển của chiến trường. Ta chưa thành công trong một mùa khô chưa thể khẳng định không vận chuyển cơ giới được.

Sau cuộc thảo luận sôi nổi căng thẳng, đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp kết luận: Mỹ đã chuyển chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sang "Chiến tranh cục bộ”. Chúng huy động một triệu quân Mỹ - chư hầu và quân ngụy, nhằm đánh bại Cách mạng miền Nam trong vòng 25 - 30 tháng, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hội nghị Trung ương Đảng đã động viên và tổ chức cả nước kháng chiến chống Mỹ. Từ nửa nước có chiến tranh thành cả nước có chiến tranh, với mức độ và hình thức khác nhau.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM