Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:28:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 168023 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:21:17 pm »

Bằng cố gắng nỗ lực của toàn đoàn, phối hợp đồng bộ giữa tuyến trước và tuyến sau, giữa hai tuyến hành lang, đặc biệt được Tổng cục Hậu cần và Sư đoàn 325 tạo chân hàng đủ, kịp thời, trung đoàn 70 đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao trong những tháng mùa khô đầu năm 1962.

Sáu tháng đầu năm 1962, Trung đoàn 70 giao cho Khu 5 tại A Túc và Pe Hai được 388 tấn vũ khí, trang bị; 35 tấn muối, 23 tấn gạo; tổ chức đưa đón và bảo đảm hậu cần bảo đảm an toàn cho 5 tiểu đoàn thực binh, 19 khung trung đoàn, tiểu đoàn với 5.877 cán bộ vượt Trường Sơn vào chiến trường.

Tháng 5 năm 1962, Đoàn trưởng Võ Bẩm cùng một số cán bộ chủ trì cơ quan ra Hà Nội làm việc theo điện triệu tập của Bộ Quốc phòng. Thật vinh dự và cảm động, đồng chí Võ Bẩm đã được gặp và trực tiếp báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Bác Hồ, miền Nam luôn luôn trong trái tim Người; đồng bào, chiến sĩ miền Nam và đường Trường Sơn - con đường nối hai miền Nam - Bắc, con đường của ý chí thống nhất đất nước luôn hằn sâu trong nếp nghĩ và tình cảm của Người.

Làm việc với đồng chí Võ Bẩm, Bác ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559. Người đặc biệt quan tâm đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số dọc theo dãy Trường Sơn.

Sau khi nghe đồng chí Võ Bẩm báo cáo tổng thể hoạt động của Đoàn 559, hiệu quả của việc mở đường tây Trường Sơn, Bác động viên và nhắc nhở: “các chú mở được đường như vậy là tốt, cần tiếp tục phát huy. Mọi hoạt động phải khôn khéo để làm việc tốt hơn nữa".

Khi được kể về đồng bào các dân tộc thiểu số dọc tuyến hành lang dẫu muôn vàn gian khổ: thiếu muối, gạo, quần áo bị kẻ thù kìm kẹp... song vẫn sắt son một niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vào tương lai của cách mạng, Bác vô cùng xúc động và giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Bẩm: Việc đầu tiên, chỉ huy Đoàn lựa chọn danh sách những anh em nào hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhất, báo cáo để Bác khen thưởng. Đoàn tổ chức chuyển gấp cho đồng bào dọc tuyến hành lang 30 tấn muối, 10 tấn vải.

Thực hiện lời căn dặn và nhiệm vụ Bác Hồ giao, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 559 khẩn trương phối hợp với Uỷ ban Thống nhất Trung ương chuẩn bị số muối và vải nói trên.

Trở lại tuyến, Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy nhanh chóng triệu tập hội nghị quân chính toàn Đoàn để truyền đạt tình cảm, sự động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng dành cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, đồng thời phổ biến nhiệm vụ của Đoàn trong mùa khô 1962 - 1963. Lúc này nguồn hàng gạo, muối cũng đã được Uỷ ban Thống nhất Trung ương chuyển vào tập kết tại hậu cứ trung đoàn 71. Ban chỉ huy Đoàn lập tức lệnh cho trung đoàn 71 vận chuyển theo tuyến từ Bang vào cung cấp cho nhân dân dọc hành lang.

Trên đà thắng lợi của kế hoạch vận chuyển, bảo đảm hành quân những tháng đầu năm 1962, lại được Bác Hồ động viên, nhắc nhở, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 tích cực chủ động chuẩn bị cho một mùa khô giành nhiều thắng lợi. Đúng vào thời điểm này tình hình cách mạng Lào có bước chuyển biến mới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #31 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:22:00 pm »

Ngày 23 tháng 7 năm 1962, Hiệp định Giơnevơ về Lào được ký kết. Ngày 12 tháng 8 năm 1962 Chính phủ Liên hiệp ba phái của Lào được thành lập. Hiệp định Giơnevơ về Lào được ký kết là một thắng lợi của cách mạng Lào, buộc đế quốc Mỹ phải rút khỏi nước Lào. Tuy vậy, sự kiện trên cũng đặt Đoàn 559 trước những phức tạp và khó khăn mới.

Với bản chất phản động, tráo trở, mặc dầu về danh nghĩa buộc phải thừa nhận Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, công nhận Chính phủ Liên hiệp ba phái, rút cố vấn quân sự, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ khỏi lãnh thổ Lào, song đế quốc Mỹ vẫn rắp tâm nuôi dưỡng lực lượng phản động, phá hoại cách mạng Lào một cách có hệ thống.

Tôn trọng Hiệp định Giơnevơ về Lào, tôn trọng đường lối trung lập lại hòa bình của Chính phủ Liên hiệp ba phái của Lào, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương kịp thời chỉ đạo Đoàn 559 chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới.

Tình hình chuyển biến hết sức mau lẹ. Lãnh đạo và chỉ huy Đoàn 559 kịp thời đề đạt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho phép thực hiện các giải pháp tình thế:

1. Chuyển hướng đường trên đất bạn, mở đường mới, bỏ đường cũ, tổ chức và hoạt động tuyệt đối bí mật, đồng thời dùng đường trong nước với mức độ có thể gấp đôi hiện thời.

2. Đối với đường trên đất bạn, trước mắt tạm thời hạ mức vận chuyển xuống còn mỗi ngày 200 kg, chủ yếu là lương thực, công cụ. Đồng thời ra sức cộng tác với tổ chức Đảng của bạn xây dựng cơ sở chính trị các cấp, tạo mọi điều kiện đảm bảo cho hành lang được vững chắc, lâu dài...

3. Bảo đảm các hành lang phải "địa phương hóa” và vũ trang tự vệ. Đồng thời phải ra sức sản xuất để dần dần tự cấp, giảm bớt số lượng tiếp tế nội bộ.

Nắm vững tình hình cách mạng Lào, yêu cầu của Đoàn 559 tổ chức một đợt vận chuyển đột xuất từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 25 tháng 8 năm 1962, nhằm tăng nhanh số lượng hàng giao cho miền Nam, nhanh chóng kết thúc vận chuyển ở tuyến đường cũ, kịp triển khai các giải pháp đã được Quân ủy Trung ương và Bộ thông qua.

Bảo đảm cho Đoàn 559 thực hiện mệnh lệnh trên, Bộ chỉ thị Cục Không quân tiếp tục cho máy bay chuyển gấp hàng vào Sê Pôn, Mường Phin; Sư đoàn 325 cho bộ đội gùi hàng vào Sê Pôn. Đồng thời, trung đoàn 101 Sư đoàn 3 25 đang làm nhiệm vụ giúp bạn bảo vệ vùng giải phóng và bảo vệ hành lang cũng được lệnh rút quân, giao lại toàn bộ vũ khí nặng, một số lương thực để Đoàn 559 chuyển giao cho chiến trường.

Thực hiện nhiệm vụ đột xuất trên giao, trung đoàn 70 huy động hơn 1.800 cán bộ, chiến sĩ và 250 xe đạp thồ tập trung chuyển hết số hàng hiện có tại Sê Pôn, Mường Phin vào La Hạp, Pe Hai. Đến cuối tháng 9, trung đoàn 70 đã chuyển được 440,6 tấn hàng các loại vào Pe Hai.

Hoàn tất việc chuyển số hàng ở Sê Pôn, Mường Phin giao chiến trường, ngày 15 tháng 9 năm 1962 Đoàn 559 được lệnh của Bộ bố trí 166 cán bộ, chiến sĩ ở lại vừa giúp bạn củng cổ cơ sở, vừa nắm địch; lực lượng còn lại rút về hoạt động trên tuyến hành lang dọc theo biên giới Việt -Lào, chờ khi điều kiện cho phép để trở lại hoạt động. 

Hoàn thành việc rút quân của trung đoàn trên tuyến hành lang phía tây Trường Sơn Đoàn 559 có điều kiện củng cố, điều chỉnh lại tổ chức hoạt động trên tuyến đông Trường Sơn, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chi viện lực lượng cho đường dây Trị - Thiên và Khu 5 đã được Đảng ủy Đoàn đề ra trong nghị quyết hội nghị Đảng ủy ngày 18 tháng 1 năm 1962.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #32 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:08:52 am »

Theo đề nghị của lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 559, ngày 18 tháng 10 năm 1962, Bộ  Tổng tham mưu ra quyết định (số 392TM) tổ chức một khung tiểu đoàn huấn luyện biên chế 35 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tổ chức huấn luyện tiểu đoàn 72 vận tải bộ giao cho Khu 5. Sau 2 tháng huấn luyện, tiểu đoàn 72 gồm 250 cán bộ, chiến sĩ - phần đông rút từ trung đoàn 71, do đồng chí Nguyễn Thân - trung đoàn phó trung đoàn 71 phụ trách, được bàn giao cho Khu 5, kịp bổ sung cho lực lượng vận tải chủ yếu của khu (đoàn Bình Sơn).

Trên cơ sở phát triển mạnh về tổ chức biên chế, đặc biệt tận dụng ưu thế hoạt động trên tuyến hành lang tây Trường Sơn, được đơn vị bạn và nhân dân, quân đội cách mạng Lào hỗ trợ tích cực, Đoàn 559 đã hoàn thành vượt mức, toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 1962.

Về tạo lập phát triển hành lang vận chuyển, chi viện, Đoàn đã mở được trục chính và trục dự bị, tuyến vận chuyển và tuyến hành quân, cả đường gùi thồ và đường ô tô báo đảm liên tục và bí mật. Nhờ xây dựng tốt cơ sở quần chúng, tổ chức trinh sát quân báo chu đáo và vũ trang cho phần lớn lực lượng vận tải, bộ đội ta đã tổ chức chiến đấu, tiêu hao sinh lực định khi buộc phải nổ súng, bảo vệ được hành lang, tránh được tổn thất, thực hành vận chuyến và đảm bảo hành quân đạt hiệu quả cao.

Trong năm, với quân số khoảng 3.200 cán bộ, chiến sĩ, được trang bị hơn 1.000 xe đạp toàn Đoàn đã chuyển được 625 tấn vũ khí, trang bị thiết yếu giao cho chiến trường, bảo đảm 140 tấn gạo cho lực lượng hành quân; chi viện cho hành lang Khu 5 và Trị - Thiên 196 tấn gạo, muối. Tổng lượng hàng chuyển giao qua tuyến là 961 tấn, chưa kể bảo đảm nội bộ (so với kế hoạch 670 tấn Bộ giao, đạt 143% kế hoạch).

Trên cả ba trục hành lang Trường Sơn có 9.990 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ dân - chính - Đảng được bảo đảm hành quân vào chiến trường chu đáo; 320 cán bộ từ miền Nam và 520 thương binh (có 30 cáng thương binh) được tổ chức đón, đưa ra Bắc an toàn.

Cuối năm 1962, Đoàn 559 tổ chức hội nghị mừng công tại Câu lạc bộ Quân nhân. Nhiều cán bộ quân chính và những điển hình tiên tiến của Đoàn vinh dự được về dự hội nghị giữa Thủ đô. 

Hội nghị được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới dự. Thay mặt Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đại tướng biểu dương thành tích to lớn của Đoàn 559 trong hơn 3 năm kể từ ngày thành lập. Đặc biệt Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng đánh giá cao cống hiến lớn lao, sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ trên mặt trận mở đường, vận chuyển vào chiến trường. Nhưng do tình hình cụ thể ở trong nước và thế giới lúc bấy giờ, thành tích cùng như sự hy sinh lớn lao của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn không thể tuyên truyền công khai với bất cứ hình thức nào.

Sau hội nghị, Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã bổ sung một số tiêu chuẩn về bảo đảm hậu cần, tài chính đối với Đoàn 559.

Đánh giá của đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ là nguồn động viên cố vũ lớn lao, tăng thêm sức mạnh mới, tạo đà cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn tiếp tục vượt qua những thử thách, khó khăn trên chặng đường mới.

Cuối năm 1962, chương trình bình định miền Nam trong 18 tháng của Mỹ - Diệm căn bản bị đánh bại. Đây là thất bại bước đầu rất quan trọng của chiến lược “chiến tranh đặc biệt". Tuy nhiên, với viện trợ kinh tế, quân sự, cùng cố vấn quân sự và lực lượng đặc biệt được đưa vào miền Nam ngày càng nhiều, Mỹ đã tạo nên chỗ dựa cho chính quyền, quân đội Sài Gòn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh. Cục diện chiến trường ta và địch ở thế giằng co quyết liệt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #33 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:10:48 am »

Từ đầu năm 1963, ở miền Nam, bằng thủ đoạn chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận"..., Mỹ - ngụy liên tiếp mở nhiều cuộn hành quân càn quét vùng nông thôn đồng bằng và tăng cường đánh phá vùng rừng núi.

Ở Lào, Mỹ và tay sai phá bỏ Chính phủ liên hiệp. Mặc dầu vùng giải phóng do lực lượng cách mạng làm chủ vẫn được giữ vững, nhưng hoạt động tề điệp, thám báo của địch đã gây không ít khó khăn cho đồng bào các bộ tộc Lào dọc tuyến hành lang Đoàn 559.

Trên cả hai tuyến hành lang đông và tây Trường Sơn lúc này, tình hình khách quan khó khăn ngoài dự kiến của lãnh đạo, chỉ huy Đoàn. Trong khi đó nhu cầu của chiến trường ngày càng tăng cả về khối lượng, quy mô, chủng loại ... Trong kế hoạch vận chuyển chi viện chiến lược, Quân ủy Trung ương chỉ thị: Năm 1963, ngoài bảo đảm hành quân, bảo đảm nội bộ, Đoàn 559 có nhiệm vụ vận chuyển, giao cho Khu 5, Tây Nguyên và Trị - Thiên 600 tấn vũ khí, trang bị. Hai tháng sau (tháng 3 năm 1963), chỉ tiêu được nâng lên 1.020 tấn gồm cả vũ khí, trang bị và hàng sinh hoạt thiết yếu.

Để bảo đảm cho Đoàn 559 hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng chuẩn y phương án tổ chức đã được điều chỉnh và bổ sung cho Đoàn 1.600 chiến sĩ mới vừa tuyển từ miền Bắc vào, cùng với 400 người chọn trong số cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tình nguyện ở lại phục vụ quân đội. Quân số toàn Đoàn lúc này lên hơn 5.000. Đồng thời, Bộ cũng cấp bổ sung cho Đoàn 450 xe đạp thồ, 31 xe Gát 63.

Ngày 3 tháng 2 năm 1963, Đảng ủy Đoàn họp, thống nhất chủ trương: Trong năm 1963 phải giữ vững và củng cố hành lang hiện có, đồng thời xây dựng thêm hành lang dự bị. Nhiệm vụ chủ yếu của hành lang là nhất thiết bảo đảm giao thông bí mật, liên tục, lâu dài. Do đó công tác hành lang phải gắn chặt với công tác dân vận, địch vận và nắm địch... Trong trường hợp cần thiết, các lực lượng trên hành lang phải chủ động đánh địch. Nếu địch ít thì kiên quyết bao vây tiêu diệt, nếu địch đông thì đánh đuổi ra khỏi khu vực hành lang, kiên quyết không để người và hàng rơi vào tay chúng.

Về vận chuyển, Đảng ủy chỉ rõ trong tình hình địch đánh phá quyết liệt, tuyến hành lang trên đất bạn gặp khó khăn, toàn Đoàn phải phấn đấu thực hiện chỉ tiêu Quân ủy Trung ương và Bộ đã giao. Trường hợp quá khó khăn, cũng phấn đấu giao chiến trường 660 tấn hàng chính. "Đó là cơ sở tối thiểu để bảo đảm những chủ trương, đường lối của Trung ương đối với miền Nam. Để thực hiện được chỉ tiêu đó trong vận chuyển phải bảo đảm số lượng, chất lượng, thứ tự ưu tiên, đồng bộ... Tạo điều kiện tận dụng mọi phương tiện thô sơ ở những chặng đường có thể dùng đưực, tận dụng khả năng thực phẩm của địa phương và tăng gia tự túc để giảm bớt sự tiếp tế, tăng lượng hàng cho chiến trường”.

Để thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 1963, sau khi được bổ sung lực lượng, Ban chỉ huy Đoàn 559 củng cố lại tổ chức, biên chế các đơn vị. Trung đoàn 70 gồm 2.328 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành cơ quan trung đoàn và 4 tiểu đoàn vận tải bộ, 1 tiểu đoàn bảo vệ trinh sát, 2 đại đội phụ trách đường dự bị, bệnh xá, tổ sản xuất lương thực, thực phẩm.

Do tình hình vùng giải phóng Trung - Hạ Lào chưa ổn định, trung đoàn 70 có nhiệm vụ xây dựng hành lang và thực hành vận chuyển dọc biên giới từ Cù Bai đi A Túc. Dự kiến trên cung đường này sẽ bố trí 18 trạm thồ, gùi, nhiều đoạn vẫn đi theo đường cũ, vượt đường số 9 ở khu vực Bản Đông. Trong năm 1963, trung đoàn 70 có nhiệm vụ chuyển giao chiến trường 180 tấn vũ khí, trang bị, 120 tấn gạo, muối cho hành lang Trị - Thiên và Khu 5.

Trung đoàn 71 trên hành lang đông Trường Sơn trung đoàn tổ chức 12 trạm gùi thực hiện chỉ tiêu chuyển giao chiến trường 120 tấn vũ khí, trang bị... Trên tuyến của trung đoàn 71, sau một vài tháng đầu năm vận chuyển trót lọt, Mỹ - ngụy tập trung đánh phá tuyến hành lang đông Trường Sơn và vùng căn cứ miền núi Trị - Thiên ngày càng quyết liệt. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1963, địch mở liên tiếp 4 cuộc càn vào miền tây Trị - Thiên, dọc theo đường số 9.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #34 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:11:32 am »

Ngày 23 tháng 3 năm 1963, địch mở "Chiến dịch Phượng Hoàng" đánh vào hành lang tây Trị - Thiên. Với lực lượng hai trung đoàn chủ lực có máy bay, cơ giới và pháo binh yểm trợ, địch chia làm hai cánh: từ tây Thừa Thiên đánh ra Tà Rụt và từ Đá Bàn đánh vào Ba Bình, đồng thời địch còn cho máy bay lên thẳng bất ngờ đổ quân xuống Ly Tôn. Mặc dầu bị lực lượng vũ trang và nhân dân vùng núi Trị- Thiên đánh trả quyết liệt dũng cảm chặn các mũi càn quét thọc sâu của địch, song với "Chiến dịch Phượng Hoàng" kéo dài 2 tháng, địch cũng gây cho ta một số tổn thất.

Do địch càn quét ác liệt, dài ngày, nhân dân khu vực hành lang nam- bắc đường số 9 chạy dạt lên vùng rừng núi cao hơn. Nhiều đoạn trên trục đường hành lang trở thành "vùng trắng”. Trung đoàn 71 mất dần chỗ dựa. Có những lúc tình hình hết sức căng thẳng. Hàng hóa dồn ứ lại các trạm hoặc rải rác dọc hành lang. Các lực lượng phải tìm mọi cách cất giấu, tránh rơi vào tay địch. Đường tắc, bộ đội cùng cán bộ dân - chính - đảng dồn lại trên tuyến cólúc gần 1000 người. Việc bảo đảm sinh hoạt và an toàn cho "khách” bình thường đã vất vả, nay khó khăn gấp bội, đặc biệt là đối với thương binh nặng và các cháu nhỏ từ nam ra Bắc...

Ba tháng đầu năm 1963, hoạt động của trung đoàn 71 trên tuyến hành lang trong nước rất hạn chế. Trung đoàn chỉ chuyển vào Mường Noọng được trên 4 tấn vũ khí.

Nhằm nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc, đưa hoạt động vận chuyển, bảo đảm hành quân trên hành lang trở lại bình thường, Đoàn trưởng Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy một bộ phận cán bộ chủ trì các cơ quan đoàn bộ vào kiểm tra gấp tình hình tuyến đông Trường Sơn, kịp thời báo cáo lên Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu.

Từ thực trạng của tuyến, Đảng ủy họp khẩn cấp, chủ trương: “chỉnh đốn kế hoạch nắm địch và chuẩn bị mọi mặt chống địch, giữ vững cơ sở quần chúng, giữ vững hành lang”. Đảng ủy đề ra một số giải pháp tình thế như: củng cố các đơn vị bảo vệ, trinh sát chính trị; Củng cố lực lượng địa phương về các mặt tổ chức, huấn luyện và tác chiến du kích; Xây dựng kế hoạch bố phòng, chống càn quét cho đơn vị cơ sở dọc hành lang; Tuyển chọn, bố trí những cán bộ, chiến sĩ có năng lực, tư tưởng vững vàng ở những quãng hành lang trọng yếu nguy hiểm... Đảng ủy Đoàn đề nghị Phân khu Trị - Thiên đẩy mạnh hoạt động quân sự ở miền Tây, tăng cường cho Đoàn một lực lượng cơ động đủ sức bẻ gãy các cuộc càn sâu, quy mô nhỏ của địch vào địa bàn hành lang

Đảng ủy chỉ đạo cơ quan và chỉ huy trung đoàn 71 tổ chức cho các phân đội sinh hoạt rút kinh nghiệm, mạnh dạn chỉ ra những tồn tại về phương diện bảo mật, phê phán tình trạng lơ là mất cảnh giác, dẫn đến hy sinh mất mát, không hoàn thành nhiệm vụ.

Khi toàn trung đoàn kết thúc sinh hoạt chính tri, xác định quyết tâm, tăng cường lực lượng cho các khâu, các vi trí xung yếu, hiệp đồng cùng các địa phương xây dựng hành lang, tác chiến, bảo vệ tuyến ... thì mùa mưa Trường Sơn đã tới . Sáu tháng đầu năm 1963 kết thúc đối với trung đoàn 71 trong sự day dứt, trăn trở bởi hiệu quả vận chuyển còn hạn chế.

Trên trục hành lang dọc theo biên giới, tháng 2 năm 1963 trung đoàn 70 mới chính thức hoạt động, vừa khảo sát tìm mở đường mới, vừa tổ chức vận chuyển, bảo đảm hành quân... Ban chỉ huy trung đoàn lên đứng chân tại La Hạp.

Do việc tìm đường mới, rải trạm mất thời gian khá dài, nên đầu tháng 4 năm 1963, trung đoàn 70 mới chính thức chuyển hàng. Trong khi đó, do đường mới làm gấp, chất lượng quá kém, từ tháng 5 trở đi mưa lớn kéo dài, nhiều đoạn đường dốc trơn như đổ mỡ. Những quãng thấp trở thành túi bùn, túi nước... Không kể hết nỗi nhọc nhằn của các lực lượng trên tuyến. Từ dùng xe thồ, bộ đội phải gùi hoàn toàn. Sau đó, một bộ phận thay gùi bằng gánh mà hiệu quả vận chuyển vẫn rất thấp...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #35 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:12:31 am »

Sáu tháng đầu năm 1963, Đoàn 559 chỉ chuyển giao cho Khu 5 và Tây Nguyên được 36 tấn vũ khí, trang bị; bảo đảm cho hành quân được hơn 47 tấn gạo; tiếp tế cho hành lang Trị - Thiên trên 11 tấn gạo, muối (tổng cộng 94 tấn); đón dẫn quân vào 2.200 và ra 100 người. Từ đường số 9 trở ra hoạt động có hiệu quả hơn, lại được lực lượng vận tải cơ giới của Tổng cục Hậu cần tạo chân hàng 167 tấn ở khu vực đường số 9, ở Cù Bai 386 tấn. Đây là nguồn hàng đảm bảo cho Đoàn có khả năng hoàn thành chỉ tiêu vận chuyển trong 6 tháng còn lại của năm 1963.

Trước tình hình khó khăn của tuyến, ngày 30 tháng 6 năm 1963, Đảng ủy Đoàn 559 họp khẩn cấp, thống nhất đánh giá: Ngoài những nhân tố khách quan (địch ngăn chặn, thời tiết) thì nguyên nhân cơ bản thuộc về chủ quan là: "Việc tổ chức lãnh đạo kế hoạch của hai trung đoàn còn yếu; chưa xem kế hoạch vận chuyển như là một mệnh lệnh tác chiến... Quản lý lực lượng chưa chặt, chưa tốt. Nhiều đơn vị chỉ sử dụng 50o/o lực lượng vận chuyển... Tổ chức đường sá, nhất là đường dự bị quá gần đường chính, nên khi đường chính bị tắc thì đường dự bị cũng không dùng được...”.

Đánh giá xác đáng, khách quan tình hình, nhận thấy tuyến hành lang đông Trường Sơn tiếp tục bị địch đánh phá, ngăn chặn, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 559 quyết định tạm đưa trung đoàn 71 sang mở thêm một trục đường từ bắc sông Bến Hải qua biên giới Việt - Lào, đến Cù Bai, qua Lây Nhây, Lây Nòi, Bản Keng, Bản Đông, điểm cao 700, giao hàng cho trung đoàn 70 tại Mường Noọng. Chỉ huy Đoàn 559 đề nghị Tổng cục Hậu cần đảm bảo đủ chân hàng tại khu vực làng Ho và đường số 9. Đồng thời, Bộ Tổng tham mưu bổ sung cho Đoàn 559 đại đội 36 công binh gồm 109 cán bộ, chiến sĩ.

Theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, Cục Công binh khẩn trương khảo sát, chuẩn bị mở đường ô tô từ Bản Đông đi Bạc. Tháng 6 năm 1963, một tổ gồm ba cán bộ công binh do đồng chí Hoàng Đình Luyến phụ trách được phái vào Trường Sơn. Sau gần hai tháng khảo sát, được trung đoàn 70 và nhân dân địa phương giúp đỡ, tổ khảo sát đã chọn được hai tuyến, định vị trên bản đồ và lập được hồ sơ kèm theo làm cơ sở cho việc mở đường cơ giới khi điều kiện cho phép.

Để bảo đảm đủ hàng cho Đoàn 559 tại khu vực đường số 9, đầu mùa khô 1963 - 1964 Tổng cục Hậu cần quyết định tăng cường lực lượng cơ giới chuyển hàng trên đường 129. Đoàn xe 3 (Đoàn xe 245) được tung vào Trường Sơn. Ngày đầu nhập tuyến lượng xe của Đoàn 245 gồm hơn 60 chiếc, sau nâng dần lên hàng trăm chiếc.

Đoàn xe 245 không thuộc quyền quản lý của Đoàn 559. Tuy vậy, quyết định đưa một đơn vị cấp trung đoàn vận tải cơ giới vào Trường Sơn, hoạt động trên đường 129 đánh dấu một bước phát triển quan trọng của quá trình tổ chức vận chuyển trên tuyến chi viện chiến lược. Bằng cố gắng nỗ lực của mọi lực lượng trên tuyến, lại được sự hỗ trợ có hiệu quả của cấp trên và các đơn vị bạn, đến cuối tháng 9 năm 1963, Đoàn 559 đã chuyển giao chiến trường 240 tấn vũ khí, trang bị; tiếp tế cho hành lang Trị - Thiên hơn 11 tấn gạo, bảo đảm cho hành quân hơn 47 tấn gạo.

Mọi hoạt động của Đoàn đang có những chuyển biến tính cực thì tình hình chiến sự trong khu vực lại diễn biến phức tạp.

Tháng 5 năm 1963, Mỹ - ngụy điều 6 tiểu đoàn bộ binh có máy bay, pháo binh yểm trợ từ Đà Nẵng ra, mở cuộc càn "Lam Sơn 12" vào khu vực tây Trao (trạm 3), đánh phá cắt đứt hành lang vận chuyển của đoàn Bình Sơn (khu 5). Tiếp đó, ngày 15 tháng 7 năm 1964, địch mở liên tiếp hai cuộc càn “Bình Châu” và “Dân Chiến" đánh phá miền tây Khu 5. Quân và dân Khu 5 đã dũng cảm chiến đấu tiêu hao một phần sinh lực địch. Nhưng do địch tập trung lực lượng lớn, càn quét dài ngày nên đường dây Bình Sơn tạm thời bị đứt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #36 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:13:17 am »

Không để tuyến giao liên chi viện Bắc - Nam bị gián đoạn, tháng 10 năm 1963 đoàn 559 được Bộ giao nhiệm vụ tổ chức 3 tiểu đoàn đủ quân vào “tiếp quản" đường dây Bình Sơn. Đoạn đường này kéo dài từ Ba Tôi vào làng Y Óp, Tăng Non gồm 12 trạm gùi. Nhiệm vụ trước mắt của Đoàn 559 là thu gom gần 200 tấn hàng còn tồn đọng rải rác trên tuyến hành lang Bình Sơn giao cho Khu 5, tiếp đó tổ chức chuyển hàng sâu vào các hướng chiến trường.

Xem xét quá trình phát triển về tổ chức cũng như hoạt động của Đoàn 559 kể từ ngày thành lập, đồng thời dự kiến bước phát triển mới của tình hình, trung tuần tháng 8 năm 1963, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Đoàn 559 trực thuộc Tổng cục Hậu cần. Bộ còn giao cho Đoàn 559 tổ chức tiểu đoàn tìm mở đường từ Ba Tôi qua Bạc vào Nậm Hiên để chuyển hàng giao cho bạn Lào thông qua Đoàn 963 và tổ chức một tiểu đoàn khác được tăng cường đại đội 36 công binh (Cục Công binh) khôi phục đường Na va cũ (tức đường từ Bản Đông đi Mường Noọng).

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đảng ủy Đoàn 559 thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện kế hoạch thường xuyên, đồng thời khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ mới.

Để tăng cường cán bộ cho Đoàn 559, ngày 10 tháng 10 năm 1963, Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm trung tá Nguyễn An, Trưởng phòng Giao thông quân sự - Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần làm Đoàn phó, Đảng ủy viên Đoàn 559.

Tháng 10 năm 1963, Trung đoàn 70 tổ chức hai tiểu đoàn vào tiếp thu đường dây Bình Sơn, một tiểu đoàn được tăng cường đại đội công binh 36 sửa chữa đường ô tô Bản Đông - Mường Noọng. Trung đoàn 71 đưa tiểu đoàn 4 (do Quân khu 4 bổ sung) vào mở đường Ba Toi đi Bạc.

Do một phần lực lượng phải vào tiếp nhận đường dây Bình Sơn, một bộ phận khác vươn sâu mở đường mới nên việc bảo đảm hậu cần cho những lực lượng này gặp nhiều khó khăn. Lực lượng vươn sâu, đặc biệt là tiểu đoàn 1 (trung đoàn 71) mở đường Ba Tôi - Bạc thiếu đói trầm trọng. Nếu không giải quyết được vấn đề thiếu đói thì không những kế hoạch thường xuyên không thực hiện được mà ngay cả nhiệm vụ đột xuất cũng có nguy cơ không hoàn thành.

Trước tình hình đó, Đảng ủy Đoàn 559 xin ý kiến Bộ Quốc phòng và quyết định: từ ngày 25 tháng 11 năm 1963, lực lượng vận chuyển tạm dừng vận chuyển hàng theo kế hoạch để tập trung vận chuyển gạo bảo đảm cho các đơn vị phát triển hành lang sâu về phía nam đủ gạo ăn đến hết năm 1963, có "gối đầu” và chuẩn bị một phần cho toàn tuyến. Đối với hàng trong kế hoạch, chỉ tập trung chuyển giao chiến trường những thứ thiết yếu có sẵn trên tuyến. Vì vậy việc vận chuyển hàng kế hoạch quý IV năm 1963 giao chiến trường chỉ đạt một phần tư chỉ tiêu đề ra. Số vũ khí, trang bị và hàng dân chính (hàng của ủy ban Thống nhất Trung ương) tồn đọng trên tuyến đến giữa tháng 11 năm 1963 là 340 tấn, chỉ chuyển được 170 tấn; số còn lại, đầu năm 1964 Đoàn mới tổ chức chuyển tiếp.

Kết thúc năm 1963 , mặc dầu có nhiều khó khăn, biến động về nhiệm vụ cũng như tổ chức, kẻ thù đánh chặn quyết liệt đường trên đất bạn gần như không hoạt động, nhưng Đoàn 559 đã chuyển giao cho Tây Nguyên và Khu 5, Trị - Thiên... 436 tấn hàng; trong đó vũ khí, trang bị thiết yếu khoảng 340 tấn; số còn lại là hàng bảo đảm hành quân, gạo và muối bảo đảm cho đường dây Khu 5. Khối lượng lương thực, thực phẩm bảo đảm nội bộ khoảng 1 .600 tấn. Số cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm hành quân qua tuyến vào chiến trường là 7.116 người; số từ Nam ra Bắc là 1.080 người.

Thắng lợi nổi bật của Đoàn 559 trong năm 1963 ngoài nhiệm vụ vận chuyển, mở thêm đường mới, tiếp quản đường dây Khu 5, còn kéo dài thêm 8 cung trạm trên tuyến hành lang chiến lược từ Pe Hai, A Túc vào đến La A Bơ Rơ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #37 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:13:57 am »

Ngày 2 tháng 1 năm 1964, Đảng ủy Đoàn 559 họp đánh giá: "Qua một năm phấn đấu đầy gian khổ hy sinh, Đảng bộ đã cố gắng cao để lãnh đạo, xây dựng đơn vị lớn lên một bước về mọi mặt. Thành công lớn nhất của chúng ta là nắm vững lãnh đạo chính trị tư ltởng, phát huy yếu tố tinh thần quyết định mọi thắng lợi. Chủ trương lãnh đạo về tổ chức kế hoạch khá toàn diện. Nhưng chúng ta phải nhận thấy một cách sâu sắc những khuyết điểm, nhược điểm cũng còn nhiều, có nơi, có việc còn nghiêm trọng... Trình độ lãnh đạo, khả năng chỉ huy của cán bộ còn yếu, tác phong một số còn quan liêu, mệnh lệnh... Tổ chức và biện pháp chỉ đạo thực hiện chưa toàn diện, sáng tạo còn ít tự lực cánh sinh còn thấp”.

Đánh giá của Đảng ủy là cơ sở để các lực lượng trên toàn tuyến củng cố quyết tâm, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, tạo bước tiến vững chắc trong thời gian tới .

Bước sang năm 1964, tình hình nhiệm vụ cách mạng trên cả hai miền Nam - Bắc có bước phát triển quan trọng.

Trên miền Bắc, công cuộc lao động thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được nhiều thành tựu, bước đầu thiết lập được hình thái kinh tế - xã hội mới, với quan hệ sản xuất mới và những cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội, đưa lại những biến đổi sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực Đánh giá những thắng lợi quan trọng đó, tại Hội nghị chính trị đặc biệt (3 - 1964) Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới". Những thắng lợi đó đã tạo cơ sở vật chất - tinh thần để miền Bắc thực hiện ngày càng tốt hơn nghĩa vụ đối với cách mạng miền Nam.

Ở miền Nam, sau một năm rưỡi thực hiện kế hoạch Xtalây - Tay lo mà không thể cứu được tình thế nguy ngập của chính quyền và quân đội Sài Gòn, giới cầm quyền Mỹ cho rằng nguyên nhân chính của tình hình là do tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm bất tài, bất lực. Ngày 1 tháng 11 năm 1963 thông qua nhóm tướng lĩnh quân đội Sài Gòn do Dương Văn Minh cầm đầu, Mỹ đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm. Nhưng hy vọng "thay ngựa giữa dòng” để "rút ngắn cuộc chiến tranh và tinh thần quân đội Việt Nam cộng hòa sẽ được cải thiện”, đã trở thành ảo vọng. Chính quyền Sài Gòn từ đó lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên

Gần một tháng sau ngày Ngô Đình Diệm bị giết, ngày 23 tháng 11 năm 1963, tổng thống Mỹ Kennơđi bị ám sát, Giônxơn được đưa lên làm tổng thống. Tập đoàn cầm quyền Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tục chính sách tăng cường chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 12 năm 1963, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) tiếp tục khẳng định phương châm của chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam là kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Nhân dân và lực lượng vũ trang trên miền Bắc phải tăng cường hơn nữa tiềm lực kinh tế, quốc phòng, đẩy mạnh chi viện miền Nam về mọi mặt, đồng thời khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng đánh bại hành động mở rộng chiến ranh xâm lược của địch.

Thực hiện chủ trương của Đảng, quân và dân ta ở miền Bắc đẩy mạnh hoạt động xây dựng, tăng cường tiềm lực về mọi mặt sẵn sàng chiến đấu, đồng thời tăng cường chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Đầu năm 1964, Đoàn 759 được thành lập (sau đổi thành Đoàn 125) tổ chức vận chuyển chiến lược vào miền Nam bằng đường biển.

Trên tuyến chi viện chiến lược đường bộ, Quân ủy Trung ương chỉ thị củng cố và phát triển tuyến vận tải quân sự Trường Sơn.

Ngày 4 tháng 12 năm 1963, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 559 họp, quyết định một số việc cụ thể: chấn chỉnh cơ bản tổ chức Đoàn 559, tăng cường lực lượng chỉ huy trên tuyến, tổ chức sản xuất tự túc một phần lương thực, thực phẩm; tăng cường lực lượng quân y, điều trị có hiệu quả, hạn chế tử vong do sốt rét...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #38 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:14:35 am »

Ngày 24 tháng 1 năm 1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết đinh số 19/QĐ-QP (Thiếu tướng Trần Quý Hai - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký) chuyển Đoàn 559 trực thuộc Tổng cục Hậu cần và điều chỉnh hướng hoạt động, bổ sung chỉ tiêu vận chuyến, bảo đảm giao liên hành quân của Đoàn trong năm 1964.

Theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Đoàn 559 giao lại toàn bộ hành lang đông Trường Sơn cho Trị - Thiên, chuyển toàn bộ hoạt động sang tuyến tây Trường Sơn chuyển hàng và dẫn quân từ làng Ho vào khu vực ba biên giới. Hàng chi viện cho Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên giao ở A Tép, Tăng Non... Hàng chi viện cho bạn Lào giao ở Nậm Hiên. Chỉ tiêu vận chuyển năm 1964 của Đoàn được trên giao gồm 1.000 tấn hàng cho miền Nam và bạn Lào 220 tấn gạo bảo đảm giao liên hành quân .

Tháng 1 năm 1964, Đảng ủy Đoàn 559 họp bàn chủ trương, biện pháp phát triển đường đảm bảo giao thông, điều chỉnh lại đội hình, bố trí lực lượng phụ trách từng tuyến cho phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới. Đảng ủy thống nhất chỉ đạo tuyệt đối giữ bí mật, an toàn, đoàn kết chặt chè với bạn, dựa vào dân tạo thế vững chắc, cùng bạn kiên quyết đánh địch, xây dựng, bảo vệ hành lang vững chắc lâu dài.

Để chi viện ngày càng tốt hơn cho chiến trường, đầu năm 1964 Bộ Quốc phòng tổ chức một đoàn cán bộ, do đồng chí Trần Thọ - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đồng chí Đỗ Đức Kiên - Cục trưởng Cục Tác chiến phụ trách vào chiến trường Khu 5, nghiên cứu nhu cầu trang bị vật chất của bộ đội, trong đoàn có Đoàn trưởng Đoàn 559.

Thời gian này trung tá Nguyễn Lang - Phó Văn phòng Bộ Tổng tham mưu, sau khi đi học quân sự ở Học viện Bộ Tổng tham mưu Liên Xô về được bổ nhiệm giữ chức Đoàn phó Đoàn 559.

Tháng 1 năm 1964, quân số toàn Đoàn được biên chế 5.901 cán bộ, chiến sĩ. Do phải căng lực lượng ra trên địa bàn dài, rộng, nên ngoài một số phân đội trực thuộc, hai trung đoàn 70 và 71 được tổ chức thành 10 tiểu đoàn vận tải (mỗi trung đoàn có 5 tiểu đoàn) Tuy vậy, do nhiệm vụ của Đoàn 559 luôn ở trong trạng thái động, nên tổ chức Đoàn liên tục được điều chỉnh nhằm phát huy tối đa năng lực từng lực lượng, đơn vị tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành nhiệm vụ.

Trong đợt điều chỉnh tổ chức lần này, bộ phận bao gói vũ khí trang bị ở Hà Nội và các kho trạm từ Vinh (Nghệ An) vào Vĩnh Linh được chuyển giao cho Tổng cục Hậu cần. Hệ thống kho, trạm trên tuyến được tăng cường đáng kể. Hai đại đội kho xe được bố trí ở khu vực đường 12, tây nam Quảng Bình là cơ sở để xây dựng tổng kho "R” sau này.

Lực lượng quân y phát triển mạnh. Tháng 8 năm 1963, ban quân y 559 được thành lập, do bác sĩ Lê Trung Nguyên làm chủ nhiệm. Bệnh xá của Đoàn đặt tại Bang, có 50 giường, do bác sĩ Phạm Văn Phối (bác sĩ vào tuyến sớm nhất) phụ trách, cùng với hai bệnh xá của trung đoàn 70, trung đoàn 71, bước đầu hình thành bậc thang điều trị, nâng cao hiệu quả cứu chữa thương bệnh binh trên tuyến. 

Từ bài học thiếu cảnh giác, không quan tâm đúng mức việc xây dựng cơ sở, bị động hoàn toàn khi địch đánh phá hành lang..., nên bước vào chấn chỉnh tổ chức, củng cố lực lượng, chỉ huy Đoàn 559 đặc biệt coi trọng xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, thực hiện phương châm "Tăng cường khả năng tổ chức, nâng cao trình độ kỹ thuật và tinh thần sẵn sàng chiến đấu để đủ sức tự vệ thực hiện kế hoạch bố phòng tác chiến cùng bạn tích cực xây dựng củng cố địa bàn hành lang thành căn cứ vững chắc..." .
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #39 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2010, 09:15:20 am »

Về tổ chức trang bị, Đảng ủy chủ trương đảm bảo chất lượng mạnh cho các lực lượng chiến đấu và dân vận ở những nơi xung yếu đồng thời tăng cường và cải tiến trang bị thích hợp...". Đối với lực lượng bảo vệ trinh sát và cán bộ đi công tác lẻ 100% được trang bị súng bộ binh, 30% lực lượng vận tải được trang bi vũ khí. Mỗi tiểu đội vận tải được trang bị 2 tiếu liên, 1 súng trường, 2 lựu đạn ...

Thực hiện kế hoạch chuyển toàn bộ lên hoạt động ở tuyến tây Trường Sơn, trung đoàn 70 phụ trách từ làng Ho vào A Tép, có nhiệm vụ vận chuyển giao cho Khu 5 (tại A Tép) 200 tấn vũ khí, trang bị; giao cho Trị - Thiên (tại La Hạp) 50 tấn vũ khí, trang bị và 180 tấn gạo bảo đảm giao liên hành quân. Tổng khối lượng hàng phải chuyển qua là 430 tấn.

Trung đoàn 71 phụ trách các cung đường từ Pe Hai đi Tăng Non, có nhiệm vụ vận chuyển 350 tấn vũ khí, trang bị giao cho Khu 5 tại Tăng Non (tây nam Quảng Đà).

Ngoài số hàng trên, trong năm 1964, Đoàn còn phải vận chuyển bảo đảm nội bộ 2.106 tấn lương thực, thực phẩm. Số hàng này được Tổng cục Hậu cần chuyển giao 2.066 tấn tại Sê Pôn, Mường Phin và 40 tấn tại làng Ho.

Nhận nhiệm vụ trên giao, lãnh đạo, chỉ huy các trung đoàn 70, 71 khẩn trương điều chỉnh đội hình, giải quyết dứt điểm những phần việc còn lại của kế hoạch năm 1963, đồng thời nhanh chóng triển khai nhiệm vụ mới. Do số lượng xe ít, lại thiếu kinh nghiệm vận tải cơ giới trên tuyến nên hiệu quả hạn chế; tuy vậy, đã giải phóng được một lực lượng đáng kể để tập trung rải tuyến sâu hơn.

Từ đầu năm 1964, hành lang tây Trường Sơn hoạt động thuận lợi. Nhưng các lực lượng của ta vào chiến trường, cả những đơn vị cấp trung đoàn theo tuyến giao liên đều phải đi vòng qua A Túc, sau đó đi tiếp vào miền tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi..., đường vừa xa vừa hiểm trở. Được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho phép, Đoàn 559 tổ chức mở đường mới gùi thồ và giao liên qua Bạc xuống Tà Xẻng nối với đường CD2 của Tây Nguyên và mở tiếp đường vào tây Quảng Ngãi, qua Chà Vằn, Đắc Mỹ..., rút ngắn được một phần ba cung đường.

Tháng 3 năm 1964, Đoàn 559 bố trí lại lực lượng để mở đường dây mới. Hai tiểu đoàn của trung đoàn 71 sau khi giải quyết số hàng tồn đọng trên đường dây Bình Sơn sẽ rải trạm vận chuyển từ La Hạp vào A Tép. Trung đoàn 70 phụ trách đường từ La Hạp đi Bạc.

Tuy nhiên, do nhiệm vụ biến động lớn, thiếu cân đối giữa mở đường vươn quá xa và tổ chức vận tải gùi thồ nên kết quả vận chuyển chi viện chiến trường của Đoàn 559 trong sáu tháng đầu năm 1964 chỉ đạt một phần sáu chỉ tiêu hàng hóa và hai phần năm kế hoạch bảo đảm hành quân.

Mùa mưa tới, ngoài khó khăn do thiên nhiên khắc nghiệt, tuyến chi viện quân sự chiến lược phải đối đầu với những hoạt động phá hoại ngày càng tăng của địch.

Tiếp tục chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, tháng 3 năm 1964 Tổng thống Mỹ Giônxơn thông qua kế hoạch Giônxơn - Macnamara tăng cường sự chỉ huy trực tiếp cua Mỹ, tăng viện trợ hậu cần, kỹ thuật cho quân đội Sài Gòn..., cố gắng ổn định tình hình miền Nam trong 2 năm (1964 - 1965); dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam và Lào hòng phá hoại tiềm lực kinh tế và làm nao núng quyết tâm giải phóng miền Nam, buộc miền Bắc phải ngừng chi viện cho miền Nam.

Ngày 17 tháng 4 năm 1964, Mỹ họp bộ tư lệnh Thái Bình Dương ở Hônôlulu (quần đảo Haoai) vạch kế hoạch "OPLAN-37" đánh phá các đường thâm nhập từ miền Bắc vào qua biên giới Lào và Campuchia. Để tạo thuận lợi cho việc thực thi kế hoạch trên, đế quốc Mỹ mua chuộc, lôi kéo Coongle và lực lượng phái hữu ở Lào phá hoại Chính phủ Liên hiệp. Hai ngày sau (19/4/1964) được Mỹ hỗ trợ, quân ngụy Lào tiến công lấn chiếm vùng giải phóng Cánh Đồng Chum, đánh ra đường số 7, mở rộng "Chiến tranh đặc biệt” ở Lào...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM