Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:37:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167508 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #20 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:14:09 pm »

II. NHỮNG BƯỚC TIẾN DÀI, VƯƠN RỘNG

Mùa thu năm 1960, miền Bắc cơ bản hoàn thành kế hoạch khôi phục và cải tạo kinh tế bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, Mỹ-ngụy chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt”. Cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị lên kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Tình hình mới đòi hỏi Đảng ta kịp thời đề ra chiến lược cách mạng mới.

Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tiến hành tại Thủ đô Hà Nội.

Khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà".

Sau 3 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, miền Bắc đã có sự thay đổi sâu sắc toàn diện trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Những thành tựu đó không chỉ khẳng định thắng lợi bước đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc mà còn tạo cơ sở vật chất, kinh tế - xã hội, sức mạnh chính trị - tinh thần cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Ở miền Nam, từ cuối năm 1960, hình thức thống trị thực dân mới thông qua chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm bị thất bại. Mỹ - ngụy buộc phải thay đổi chiến lược.

Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ (28/1/1961) Kennơđi đã chọn miền Nam Việt Nam làm nơi thí nghiệm chiến lược "Chiến tranh đặc biệt”. Quân đội Sài Gòn được sử dụng làm công cụ tiến hành càn quét, dồn dân, lập ấp chiến lược trên quy mô lớn, hòng tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân; chiếm lại những địa bàn và những vùng đông dân cư đã mất do cuộc Đồng Khởi của ta; nhanh chóng bình định miền Nam.

Để đối phó, tiến tới đánh thắng chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, trên cơ sở thế và lực đã có Đảng ta chủ trương chuyển cách mạng miền Nam lên giai đoạn mới, phát triển các cuộc khởi nghĩa từng phần thành chiến tranh cách mạng trên toàn miền Nam.

Ngày 31 tháng 1 năm 1961, Bộ Chính trị ra nghị quyết về nhiệm vụ quân sự 5 năm (1961- 1965) và phương hướng, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam. Bộ Chính trị chỉ rõ những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng miền Nam lúc này là: Phát triển nhanh lực lượng vũ trang, cả lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động; chú trọng mở rộng các căn cứ địa, xây dựng hậu phương tại chỗ...

Về tổ chức chỉ đạo, chỉ huy, Bộ Chính trị đề ra những chủ trương quan trọng; đặc biệt là: "Mở rộng đường hành lang vận chuyển Bắc - Nam, cả đường bộ và đường biển, tăng cường cán bộ chỉ huy, chính trị, hậu cần và một số đơn vị chiến đấu cấp đại đội tiểu đoàn, nâng dần quy mô và khối lượng tiếp tế, vận chuyển phương tiện vũ khí, cung cấp tài chính từ miền Bắc vào miền Nam".

Trong tình hình thế giới còn có những diễn biến phức tạp, đối với hoạt động vận tải vào chiến trường cũng như đối với cách mạng miền Nam nói chung, Bộ Chính trị vẫn chủ trương: "Phải hành động khéo léo để tránh một cuộc can thiệp vũ trang lớn của đế quốc, thực hiện kiềm chế Mỹ và thắng Mỹ ở miền Nam. Đồng thời phải tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với âm mưu và hành động mở rộng chiến tranh của địch".

Chủ trương của Bộ Chính trị có ý nghĩa chỉ đạo trực tiếp đối với hoạt động của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #21 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:15:05 pm »

Cùng với các lực lượng vũ trang trên miền Bắc, đầu xuân 1961, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị quán triệt các nghị quyết của Đảng về kế hoạch quân sự 1961- 1965, về nhiệm vụ cách mạng hai miền Nam - Bắc và nhiệm vụ của Đoàn năm 1961. Đoàn trưởng Võ Bẩm vào làng Ho tổ chức hội nghị Ban Cán sự, phổ biến nhiệm vụ của Đoàn trong năm 1961 là: vận chuyển vào miền Nam 300 tấn vũ khí, trang bị (gấp 3,5 lần năm 1960) và tổ chức bảo đảm cho 6.000 cán bộ, chiến sĩ qua tuyến công tác ở chiến trường. 

Để thực hiện được nhiệm vụ trên giao, Ban Cán sự ra nghị quyết: "Ra sức nâng cao quyết tâm, nâng cao ý chí phấn đấu hy sinh, lòng phấn khởi, tin tưởng trong Đảng bộ hơn nữa vào sự nghiệp giải phóng miền Nam... Sẵn sàng phấn đấu lâu dài, bền bỉ, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng giao... Đoàn kết phối hợp với địa phương để củng cố hành lang chiến lược hiện có và khẩn trương xây dựng hành lang mới bảo đảm vững chắc, hoạt động tích cực...

Về phương châm công tác: phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn cho cán bộ, bộ đội vũ khí, hàng hóa, tài liệu; không để lọt vào tay địch... Tất cả hoạt động của Đoàn phái tránh địch là chủ yếu, đánh địch là trường hợp phải tự vệ”.

Kết thúc đợt sinh hoạt chính trị và hoàn tất công tác chuẩn bị, toàn Đoàn chính thức nhập tuyến. Đoàn 70 trở lại hoạt động trên tuyến hành lang cũ. Một số cán bộ cơ quan và trinh sát viên xuất phát từ Hướng Lập tìm mở đường mới dọc theo biên giới Việt - Lào.

Do chuẩn bị chu đáo, triệt để tận dụng thời cơ địch "lơi lỏng” tuần phòng, sục càn trong dịp Tết Tân Sửu (1961), Đoàn 70 bí mật, khẩn trương chuyển hàng và bảo đảm hành quân qua tuyến. Đến cuối tháng 2 năm 1961, Đoàn đã chuyển giao Khu 5 được 4,034 tấn vũ khí, trang bị; bảo đảm cho gần 600 cán bộ, chiến sĩ hành quân vào chiến trường.

Nhưng thời cơ kể trên chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Để thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt”, từ đầu năm 1961cùng với việc tăng cường cố vấn và lực lượng đặc biệt của Mỹ vào miền Nam, cải tiến hệ thống tổ chức chiến trường, tăng viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, Mỹ gấp rút triển khai chương trình bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Nhằm củng cố "Phòng tuyến chống thâm nhập từ miền Bắc”, Mỹ giúp Diệm xây dựng "lực lượng đặc biệt” chốt chặn dọc theo đường số 9.

Trên chiến trường Trị - Thiên, địch điều đại bộ phận sư đoàn 1 ngụy ra Quảng Trị. Trung đoàn 1 ngụy được bố trí ở La Vang. Trung đoàn 2 đóng ở Đông Hà và một bộ phận dọc theo đường số 9. Trung đoàn 3 đứng chân ở miền tây và vùng núi giáp anh hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên. Cùng với xây dựng quân chủ lực cơ động, Mỹ ngụy khẩn trương gia tăng lực lượng biệt kích, chú trọng tuyển mộ lính là người các dân tộc thiểu số để dễ bề phục kích đánh phá tuyến hành lang của ta. Đồng thời địch ra sức kìm kẹp nhân dân, hòng tách nhân dân khỏi ảnh hưởng của cách mạng, triệt phá sức đề kháng của nhân dân ở vùng đồng bằng, tạo điều kiện để chúng dồn lực lượng lên đánh phá miền núi, trọng tâm là dọc đường số 9 và khu vực dọc theo biên giới Việt - Lào.

Ngay sau khi điều chỉnh lực lượng, tháng 3 năm 1961, quân ngụy Sài Gòn phối hợp với quân của Phumi Nôxavẳn (quân ngụy Lào) mở cuộc hành quân càn quét quy mô lớn dọc theo đường số 9 đánh vào một số căn cứ của ta và bạn trên hành lang đông Trường Sơn. Trong trận càn này, địch đã tập kích một trạm vận chuyển của Đoàn 70, hai lần phục kích buộc hai tổ trinh sát của Đoàn 70 ở khu vực đường số 9 phải nổ súng tự vệ. Địch cũng ráo riết dồn dân về các trại tập trưng: A Lưới, A So, Rào Quán, Tân Lâm..., mở rộng "vành đai trắng"...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #22 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:15:48 pm »

Trước hoạt động đánh phá ngăn chặn ngày càng quyết liệt của kẻ thù, tháng 3 và tháng 4 năm 1961, Đoàn 70 được lệnh tạm ngừng chuyển hàng, bảo toàn lực lượng và tìm giải pháp mới.

Để thống nhất lực lượng cũng như hoạt động giao liên vận tải vào chiến trường trên cùng tuyến hành lang, tháng 4 năm 1961, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng quyết định sáp nhập tuyến giao liên của ủy ban Thống nhất Trung ương gồm 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Hành quân và các trạm giao liên từ Vinh (Nghệ An) tới Thừa Thiên (trong vùng địch kiểm soát gọi là đoàn Lam Sơn) vào Đoàn 559.

Tổ chức lực lượng của Đoàn 559 được tăng cường đáng kể; đồng thời cũng kết thúc tình hình trên một địa bàn, một tuyến hành lang tồn tại hai tổ chức, hai lực lượng cùng làm nhiệm vụ vận tải vào chiến trường, bảo đảm giao liên hành quân.

Chủ động đánh địch, tháng 5 năm 1961, công an vũ trang Vĩnh Linh phối hợp với trung đoàn 270 được sự hỗ trợ của nhân dân, tổ chức một đợt hoạt động kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính tri ở khu vực phía tây bắc đường số 9, buộc địch phải rút bỏ các vị trí: A Rông, Tà Riệt, Nguồn Rôn, Ra Gã, Tà Rụt... Ta giải phóng 6 tổng phía bắc đường số 9.

Khi địch giảm cường độ sục càn tuyến hành lang và sau khi tiếp nhận đường dây Thống Nhất, "xốc" lại đội hình, Ban Cán sự quyết định đưa Đoàn 70 trở lại tuyến hoạt động. Nhưng lúc này mưa ngàn đã vào mùa nên hiệu quả vận chuyển, bảo đảm hành quân của Đoàn 70 trong những tháng đầu hè năm 1961 rất hạn chế. Triển vọng thực hiện kế hoạch vận chuyển cả năm rất khó khăn. 

Hoạt động trên tuyến hành lang cũ gần như ngưng trệ. Tuyến đường dọc theo biên giới Việt - Lào qua kết quả khảo sát của hai đoàn được phái đi trước đã có tín hiệu khả quan nhưng nếu mở được tuyến thì địa hình phức tạp khó có thể tổ chức vận chuyển, hành quân quy mô lớn. Trong khi đó, nhu cầu của chiến trường ngày càng cấp thiết, nóng bỏng. Trách nhiệm chính trị, nghĩa tình đối với đồng bào, đồng chí trên chiến trường đặt cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 trước những thử thách hết sức căng thẳng.

Phương án tìm mở đường "lật cánh" sang tây Trường Sơn, một vấn đề có tính chiến lược đã được Ban Cán sự Đoàn 559 trình lên Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Theo yêu cầu của bạn, từ đầu tháng 1 năm 1961, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bộ đội Pa thét Lào tiến công địch, giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, khu vực đường số 8, đường số 12. Cuối tháng 4 năm 1961, liên quân Lào - Việt tiến công địch ở khu vực đường số 9, giải phóng một loạt các căn cứ quan trọng: Sê Pôn, Mường Phin, Mường Pha Lan... 

Với thắng lợi liên tiếp trong các chiến dịch đầu xuân 1961 trên địa bàn tây Trường Sơn vùng giải phóng ở Trung Lào được mở ra từ Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng xuống Khăm Muộn, Sa Van Na Khét, nối thông với vùng giải phóng Hạ Lào và miền Nam Việt Nam.

Thắng lợi của liên quân chiến đấu Việt - Lào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo bước ngoặt có tính chiến lược đối với Đoàn 559. Vùng giải phóng Trung - Hạ Lào được mở rộng, tạo thành thế liên hoàn là điều kiện rất thuận lợi để khi hai Đảng, hai Nhà nước Việt - Lào cho phép Đoàn 559 có thể lật cánh sang tây Trường Sơn mở đường dọc theo biên giới Việt - Lào tây Trường Sơn, chấm dứt tình trạng độc tuyến tồn tại đã gần 2 năm, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của chiến trường.

Ngay sau khi tiếp nhận lực lượng của đường dây Thống Nhất, tháng 5 năm 1961 Đoàn 559 được Bộ bổ sung 500 cán bộ, chiến sĩ, phần lớn mới tuyển ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Được tăng cường lực lượng, Đoàn vừa có thể tiếp tục chuyển hàng, bảo đảm hành quân trên tuyến hành lang cũ, vừa khẩn trương mở đường mới .

Căn cứ vào kết quả của hai đoàn trinh sát tìm đường, đầu tháng 3 năm 1961, Ban Cán sự Đoàn 559 đệ trình Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phương án mở đường dọc theo biên giới . Trung tuần tháng 3 năm 1961, chỉ huy Đoàn 70 cùng với trạm đầu chuyển lên chốt ở Bang, trực tiếp chi huy bộ đội mở đường và thực hành vận chuyển. Ở làng Ho, chỉ còn Chủ nhiệm hậu cần và một bộ phận trông coi kho tàng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #23 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:16:23 pm »

Đầu tháng 5 năm 1961, việc soi đường xác định các cung, trạm dọc theo biên giới cơ bản hoàn tất. Ngày 14 tháng 6 năm 1961, tuyến mới chính thức bước vào hoạt động. Phần lớn Đoàn 70 chuyển sang hoạt động ở tuyến này. Trên tuyến hành lang cũ chỉ còn một bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ giao liên.

Tuyến đường mới bắt đầu từ Vít Thù Lù (cao điểm 592) đi ngang qua động Vàng Vàng, bản A Chốc, vượt biên giới sang bản Tà Ha - cao điểm 1034 (đất bạn), xuôi xuống bản Tà Lăng, qua Cha Ky, vượt sông Sê Pôn, đường số 9 (vùng Bản Keng), men theo phần cao điểm 549, qua Sa Đi, Mường Noọng tới La Hạp.

Cuối năm 1961, một số vùng các huyện miền tây Quảng Trị được giải phóng, Đoàn 559 có điều kiện phát triển tuyến hành lang dọc theo biên giới Việt - Lào. Từ La Hạp, Đoàn 70 mở thêm một đường nữa vượt sông Tam Luông, qua Ta Oác vào tới Pe Hai giao hàng cho Trị -Thiên và Khu 5 . Một đường khác được phát triển tiếp vào Ton Sa, làng Y Óp (thượng nguồn sông Sê Keng, tây bến Giàng khoảng 60km) rồi vào Tăng Non, giao hàng cho Khu 5 và Tây Nguyên.

Các tuyến mới mở ở nam đường số 9 có rất nhiều đoạn khá bằng phẳng; bộ đội ta chỉ cần mở rộng mặt đường và gia cố thêm là có thể sử dụng xe đạp thồ để chuyển hàng.

Đường từ Hướng Lập vào đường số 9 có thể sử dụng ngựa, voi để thồ hàng, tuy vậy cũng có chặng chỉ sử dụng được sức người. Đoạn đường này đi qua ba tổng đất Lào; cơ sở của bạn được xây dựng từ trước, bản làng nào cũng tổ chức dân quân du kích, nên hoạt động trên tuyến khá thuận lợi. Khu vực phía nam đường số 9 vào La Hạp trên đất bạn là vùng mới giải phóng đầu năm 1961, cơ sở còn yếu, chưa phân biệt rõ địch - ta.

Ở những địa bàn phức tạp, Mỹ - ngụy đã tổ chức nhiều tổ biệt kích, thám báo, tề điệp trà trộn vào nhân dân, phá hoại hành lang. Để bảo vệ hành lang, thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển, Đoàn 70 đã nhiều lần buộc phải nổ súng đánh địch.

Tháng 8 năm 1961, một tiểu đội bảo vệ của Đoàn 70 đẩy lùi một đại đội biệt kích của địch đột nhập vùng giải phóng và hành lang vận chuyển nam đường số 9.

Tháng 10 năm 1961, một tiểu đội vận tải có vũ trang của Đoàn 70 chủ động vây bắt 6 tên biệt kích ngụy Lào khi chúng đang lùng sục phía bắc đường số 9, đuổi một số khác ra khỏi tuyến hành lang.

Tuy vậy, những hoạt động biệt kích, thám báo của địch cũng gây cho ta một số tổn thất. Mùa mưa năm 1961, thượng úy Nguyễn Xuất - tiểu đoàn phó tiểu đoàn trinh sát Đoàn 70 bị địch phục kích và hy sinh trong khi chỉ huy một tổ trinh sát địa hình ở khu vực bờ nam sông Sê Pôn, đối diện Bản Đông. Tiếp đó, một tiểu đội trưởng trinh sát cùng một chiến sĩ bị địch phục kích và hy sinh ở dốc Bà Riềng.

Để bảo vệ hành lang vận chuyển, Đoàn 70 điều động hai trung đội bảo vệ, một trung đội trinh sát phối hợp hoạt động với lực lượng du kích địa phương. Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 được giao nhiệm vụ chiến đấu, trực tiếp bảo vệ hành lang của Đoàn 559.

Sau những thắng lợi của liên quân Lào - Việt ở Trung - Hạ Lào và sau khi được hai Đảng, hai Nhà nước Việt - Lào chấp thuận, Đoàn 559 khẩn trương "lật cánh" sang tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #24 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:17:15 pm »

Đầu tháng 4 năm 1961, khi liên quân Việt - Lào chuẩn bị mở chiến dịch giải phóng khu vực đường số 9, Đoàn trưởng Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy một lực lượng trinh sát gồm các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm, được tăng cường 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân khu 4 hiệp đồng với Tỉnh ủy, Tỉnh đội Sa Van Na Khét trinh sát thực địa chuẩn bị đón thời cơ.

Chiến dịch giải phóng đường số 9 kết thúc thắng lợi, theo lệnh của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 điều gấp tiểu đoàn 25 và tiểu đoàn 27 công binh, tiểu đoàn 927 bộ đội địa phương Hà Tĩnh khẩn trương mở đường nối đường số 12 với đường số 9.

Cùng với cán bộ, chiến sĩ ta, nhân dân các bộ tộc Lào đã góp công, góp của để mở đường. Nhân dân nhiều bản làng của bạn đã tự động rời nhà, bỏ nương rẫy đã từng nuôi sống họ bao đời để tuyến đường mới đảm bảo được yêu cầu "gần nhất, dễ đi nhất". Nhân dân bạn sẵn lòng chia sẻ cùng bộ đội lon gạo, bắp ngô, củ sắn cuối cùng khi bộ đội thiếu đói.

Đến cuối tháng 6 năm 1961, đường mới mở nối liền đường số 12 ở Lằng Khăng tới Pác Pha Năng và đến tháng 12 năm 1961 đã thông tới đường số 9 ở Mường Phin. Tuyến đường này dài trên 180km, mặt đường rộng 4m, vượt sông Sê Băng Phai, sông Sê Băng Hiêng và nhiều suối nhỏ. Do nối đường số 12 với đường số 9 nên đường này có tên là đường 129.

Thông đường 129 là một bước phát triển quan trọng của tuyến chiến lược 559 - đường Hồ Chí Minh. Từ thế độc tuyến đông Trường Sơn, Đoàn 559 đã mở thêm đường dọc theo biên giới Việt - Lào và đặc biệt quan trọng là đường tây Trường Sơn Từ đơn thuần là đường gùi thồ nội địa và dọc theo biên giới, Đoàn đã tiến tới mở thêm ở tây Trường Sơn gần 200 km đường cho xe cơ giới.

Trước yêu cầu ngày càng lớn của chiến trường và do hệ thống đường phát triển khá mạnh, tổ chức biên chế Đoàn 559 không còn phù hợp với tình hình mới, không đủ lực lượng hoạt động trên ba tuyến hành lang.

Ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 96/QP phát triển Đoàn 559 tương đương cấp sư đoàn, chuyển Đoàn 70 thành trung đoàn 70, thành lập trung đoàn 71 trực thuộc Đoàn 559.

Ngày 24 tháng 10 năm 1961, Bộ Tổng tham mưu ra Quyết định số 98/TM-06, bổ sung cho Đoàn 800 tân binh vừa tuyển ở Nghệ An, Hà Tĩnh (chế độ nghĩa vụ) và 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc đối tượng quân tình nguyện.

Trên cơ sở Quyết định số 96/QP của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu ra Quyết định số 131/TM quy định biên chế cụ thể của đoàn bộ và các đơn vị trực thuộc. Đoàn bộ gồm: Phòng Tham mưu (thiếu tá Nguyễn Văn Cẩm - Tham mưu trưởng), Phòng Chính trị (thiếu tá Trần Trọng Kiếm - Chủ nhiệm chính trị), Phòng Hậu cần (đại úy Trần Kim Thạch - Chủ nhiệm hậu cần).

Biên chế cơ quan gồm 16 cán bộ, chiến sĩ, Đoàn trưởng - thượng tá Võ Bẩm, Đoàn phó - trung tá Nguyễn Thạnh. Trung đoàn 70 có 2.653 cán bộ, chiến sĩ. Cơ quan trung đoàn gồm các ban: tham mưu, chính trị, hậu cần. Trung đoàn trưởng - thiếu tá Chu Đăng Chữ, Chính ủy - thiếu tá Nguyễn Danh, trung đoàn phó Tham mưu trưởng - đại úy Nguyễn Thiện Lành, phó chính uỷ, chủ nhiệm chính trị - đại úy Nguyễn Xuân Liễu.

Trung đoàn 70 biên chế 3 tiểu đoàn vận tải, 1 đại đội bảo vệ, 1 trung đội trinh sát, có nhiệm vụ vận chuyển, bảo đảm hành quân, mở đường trên tuyến hành lang dọc theo biên giới và hành lang tây Trường Sơn.

Trung đoàn 71 có 1.308 cán bộ, chiến sĩ. Cơ quan trung đoàn gồm các ban: tham mưu, chính trị, hậu cần. Trung đoàn trưởng - Lê Quang Dự, Chính ủy Nguyễn Linh Anh, trung đoàn phó - Nguyễn Thân, Tham mưu trưởng - Hòa Bái, chủ nhiệm chính trị - Hồ Anh, chủ nhiệm hậu cần - Phùng Sẻ.

Ngày 23 tháng 10 năm 1961, trung đoàn 71 mới chính thức được thành lập, nhưng từ giữa năm 1961, các đồng chí Nguyễn Thân, Hồ Anh, Phùng Sẻ đã nhận nhiệm vụ vào Vĩnh Linh làm việc với các đồng chí: Hồ Sĩ Thản - Bí thư Đặc khu ủy, Trần Đồng - Chủ tịch ủy ban hành chính Đặc khu và đồng chí Phan Du - Tỉnh ủy viên Quảng Trị phụ trách đường dây Thống Nhất trên địa bàn Trị - Thiên để tìm hiểu tình hình, tiếp nhận lực lượng, trang bị của đường dây sáp nhập vào Đoàn 559.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #25 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:18:05 pm »

Tiếp theo là ổn định biên chế cơ quan trung đoàn, khung cán đơn vị trực thuộc, tiếp nhận thêm cán bộ, chiến sĩ, bước đầu làm quen với nhiệm vụ vận chuyển, bảo đảm giao liên hành quân ... Do vậy khi có quyết định chính thức thành lập, trung đoàn 71 có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng củng cố tổ chức, thực hành huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ mới. Hành lang của trung đoàn 71 từ Cù Bai (tây nam Vĩnh Linh), vượt sông Bến Hải, qua Ra Gã, động Voi Mẹp, Chăng Hin, Cà Lư, vượt đường số 9 và sông Đak Rông, Đá Bàn, giao hàng cho Thừa Thiên tại Tà Riệt.

Về phương tiện hoạt động, Đoàn 559 được trang bị sáu xe Gát 69, hai xe Gát 51, 16 xe Gát 63, hơn 600 xe đạp thồ, 1 tổng đài, 10 đài thông tin 15W, 5 máy bộ đàm, 40 ống nhòm, 40 địa bàn. Đặc biệt do yêu cầu chiến đấu tự vệ, tiến tới đánh địch mà đi, đánh địch để vận chuyển, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn được trang bị một số vũ khí bộ binh gồm: 313 súng ngắn, 173 súng trường, 1.100 súng tiểu liên, 15 trung liên, 3.222 lựu đạn bộ binh, 40 lựu đạn chống tăng, 340 mìn muỗi, 40 mìn hộp. Chủ trương của lãnh đạo, chỉ huy Đoàn là: 100o/o lực lượng trinh sát, bảo vệ được trang bị súng trường, tiểu liên; các lực lượng khác được trang bị 30o/o súng trường, tiểu liên và 100o/o lựu đạn

Không chỉ phát triển về số lượng, Đoàn 559 đã có bước phát triển quan trọng về chất lượng. Các chiến sĩ Trường Sơn vừa là người lính vận tải, vừa là chiến sĩ bộ binh, công binh, vừa công tác vừa chiến đấu. .

Sau bước ổn định về tổ chức lực lượng, cuối năm 1961, Quân ủy Trung ương ra quyết định (do đồng chí Văn Tiến Dũng - Phó Bí thư Quân ủy Trung ương ký) thành lập Đảng ủy 559, chỉ định đồng chí Võ Bẩm làm Bí thư Đảng ủy và các ủy viên: Nguyễn Thạnh, Nguyễn Văn Cẩm, Trần Trọng Kiếm, Nguyễn Danh, Nguyễn Linh Anh, Phạm Tề.

Cùng với củng cố tổ chức lực lượng, Đoàn 559 đẩy mạnh hoạt động vận chuyển, triệt để tận dụng tuyến hành lang mới mở và thời tiết mùa khô thuận lợi.

Do trung đoàn 71 cần một thời gian để ổn định tổ chức, huấn luyện, nên trung đoàn 70 có nhiệm vụ vận chuyển, bảo đảm hành quân ở cả tuyến hành lang dọc theo biên giới và trên đất bạn Lào. Ban chỉ huy tiền phương Đoàn 559 do Đoàn phó Nguyễn Thạnh phụ trách cùng với ban chỉ huy trung đoàn 70 vươn ra phía trước đứng chân ở bắc Bản Đông, cách đường số 9 khoảng 600 in về phía bắc. Trung đoàn 70 thành lập một đại đội kho xe ở tây thị trấn Sê Pôn để nhận hàng do ô tô của Tổng cục Hậu cần từ Mụ Giạ - đường số 12 chuyển vào.

Hoạt động trên tuyến hành lang mới, trung đoàn 70 cùng lúc thực hiện ba nhiệm vụ chủ yếu:

- Vận chuyển vật chất, vũ khí cho lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam và bạn Lào.

- Đưa đón, bảo đảm cho các lực lượng hành quân qua tuyến...

- Cùng Đảng bộ, chính quyền, quân đội Pa thét Lào và nhân dân bạn xây dụng, bảo vệ hành lang, củng cố vùng giải phóng.

Do đường 129 đang trong quá trình thi công nên ở các cung đoạn từ nam - bắc đường số 9 vào trong tuyến, trung đoàn 70 áp dụng phương thức gùi thồ là chủ yếu

Đối với đường 9, căn cứ vào hiện trạng cụ thể, trung đoàn 70 sử dụng từ 2 - 3 xe Gát 63, xe GMC chuyển hàng thay cho hai cung gùi thồ.

Để tăng cường xây dựng cơ sở dọc hành lang vận chuyển trên đất bạn, Ban Cán sự tăng cường cho trung đoàn 10 sáu cán bộ dân vận thông thạo tiếng Lào, giúp ban chỉ huy trung đoàn hiệp đồng với đồng chí Xổm Xắc, Tỉnh đội trưởng tỉnh Sa Va Na Khét xây dựng kế hoạch bảo vệ hành lang, xây dựng cơ sở của bạn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #26 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:18:48 pm »

Ở tuyến đường dọc theo biên giới, trung đoàn 70 tổ chức 13 đại đội vận chuyển, 1 đại đội trinh sát bảo vệ, 1 đại đội cơ động, vận chuyển hàng từ làng Ho vào giao cho Khu 5 ở Mường Noọng. Tuyến đường này, đặc biệt là đoạn từ Vít Thù Lù đi Hướng Lập (từ Bang, làng Ho vào cầu Khỉ) quá xấu. Bộ đội đánh vật với đèo cao dốc đứng, năng suất vận chuyển rất thấp, tốc độ chậm. Để hỗ trợ cho Đoàn 559 hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng kịp thời đề ra một số giải pháp tình thế:

Ngày 13 tháng 10 năm 1961, theo đề nghị của Ban Cán sự Đoàn 5 59, Tổng Tham mưu phó Trần Văn Trà ký Quyết định số 90/TM điều một tiểu đoàn công binh Sư đoàn 325, tăng cường cho trung đoàn 70 làm đường thồ từ Vít Thù Lù đi Hướng Lập; phấn đấu tháng 11 năm 1961 hoàn tất tuyến đường này với yêu cầu: mở rộng nền, bạt bớt dốc, bảo đảm vận chuyển bằng phương tiện thô sơ được dễ dàng.

Sau khi liên quân Việt - Lào giải phóng khu vực đường số 9, tiểu đoàn công binh Sư đoàn 325 khẩn trương sửa chữa sân bay Tà Khống theo lệnh của Bộ. Tiếp đó, Bộ Quốc phòng lệnh cho trung đoàn không quân 919 chuyển hàng vào Sê Pôn.

Trung đoàn không quân vận tải 919 - đơn vị không quân đầu tiên của quân đội ta đã mở đầu trang sử truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến thống Mỹ, cứu nước, bằng nhiệm vụ vận chuyển hàng vào chiến trường miền Nam. Bộ đội không quân vận tải của ta với sự giúp đỡ của phi công Liên Xô đã đưa máy bay từ các sân bay Vinh, Đồng Hới, hạ cánh ở sân bay Sê Pôn hoặc thả bằng dù xuống Mường Phin hàng chục tấn hàng; trong đó có một số sơn pháo 75 mm, ĐKZ 75 mm, súng cối 120 mm, máy vô tuyến điện... Đặc biệt toàn bộ trang thiết bị kỹ thuật đầu tiên để lắp đặt Đài phát thanh Giải phóng cũng được chuyển vào Sê Pôn bằng đường không và Đoàn 559 chuyển tiếp về vị trí quy định.

Ngày 2 tháng 7 năm 1961, Bộ Tổng tham mưu ra mệnh lệnh số 336/TM quyết định sử dụng gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 vận chuyển gấp 40 tấn vũ khí từ Vít Thù Lù vào Sê Pôn. Trong thời gian một tháng, Sư đoàn 325 đã hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp đó, đầu mùa khô 1961- 1962, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị Sư đoàn 325 tổ chức 2 đợt vận chuyển đột kích đưa 60 tấn vũ khí và 60 tấn lương thực, thực phẩm vào lập chân hàng cho Đoàn 559 tại Sê Pôn.

Những người lính Sư đoàn 325 đã từng vượt núi, cắt rừng đuổi giặc, cùng bạn tạo điều kiện cho Đoàn 559 "lật cánh" sang tây Trường Sơn, giờ đây lại ghé vai, chung sức cùng Đoàn 559 chuyển hàng ra phía trước.

Đầu năm 1961, lượng người vào công tác ở chiến trường ít và chủ yếu qua tuyến hành lang trong nước. Khi ta bắt đầu mở chiến dịch Trung Lào, mặc dầu lực lượng bảo đảm giao liên hành quân đã chủ động và khẩn trương mượn nhà dân để đặt trạm và tổ chức phục vụ, song do thời gian chuẩn bị chỉ có 2 ngày nên chỉ bảo đảm được những cung trạm từ Lằng Khăng trở ra. Từ Lằng Khằng trở vào, các đơn vị phải tự soi đường mà đì. Việc tiếp tế gặp khó khăn vì bạn và Khu 5 không chuẩn bị kịp, có đơn vị bị đói. Trong khi đó, quy mô tổ chức các đơn vị vào chiến trường ngày càng lớn; từ các đơn vị nhỏ lẻ đến đại đội, tiểu đoàn.

Ngày 4 tháng 9 năm 1961, tiểu đoàn pháo binh Lữ đoàn 338 gồm 163 cán bộ, chiến sĩ nhập tuyến, được Đoàn 559 bảo đảm hành quân tăng cường cho Khu 5. Hơn 10 ngày sau (15/9/1961) tiểu đoàn 12 Quân khu 4 cũng vượt Trường Sơn vào tăng cường cho Khu 5. Bộ đội được tổ chức đưa đón, bảo đảm hành quân an toàn, chu đáo vào chiến trường đúng thời gian quy định.

Về xây dựng lực lượng, củng cố tổ chức, trong điều kiện nhiệm vụ, kế hoạch luôn biến động, Đoàn đã tích cực, tháo vát cơ động, linh hoạt sắp xếp tổ chức biên chế trang bị phù hợp với yêu cầu của từng nơi, từng lúc, từng mặt công tác... Từ một trung đoàn phát triển thành đơn vị cấp sư đoàn; từ một trung đoàn thành hai trung đoàn... thật sự là bước nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #27 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:19:27 pm »

Trên mặt trận mở đường, Đoàn thực hiện tốt chủ trương giữ và củng cố đường cũ mở thêm và xây dựng đường mới, phá được thế độc tuyến. Đặc biệt từ đường gùi cõng hàng để tiến tới mở đường dùng cho phương tiện thô sơ và bước đầu làm đường cho cơ giới hoạt động.

Năm 1961, Đoàn 559 đã vận chuyển giao cho Khu 5 được 317 tấn; vận chuyển tiếp tế bảo đảm hành quân 91 tấn gạo, tiếp tế cho đường dây Trị - Thiên 20 tấn gạo và muối; bảo đảm nội bộ và Khu 5 ra trực tiếp lấy 324 tấn gạo. Ngoài ra, còn 117 tấn vũ khí trang bị đang được chuyển tải trên tuyến, lập chân hàng ở khu vực đường số 9 hơn 200 tấn.

Trong năm, Đoàn 559 tổ chức đưa đón, bảo đảm cho 7.664 cán bộ, chiến sĩ qua tuyến tăng cường cho các chiến trường và 616 người từ Nam ra Bắc. Dù đi lẻ hay hành quân quy mô cấp đại đội tiểu đoàn, bộ đội đều được bảo đảm, bảo vệ chu đáo và an toàn...

Đoàn đã thực hiện vượt chỉ tiêu Bộ giao về vận chuyển hàng cũng như bảo đảm giao liên hành quân. Về người vượt 28%, về hàng vượt 5%...; quán triệt tốt phương châm "tuyệt đối bí mật và an toàn, liên tục và bảo đảm kế hoạch".

Ngày 23 tháng 11 năm 1961, Đảng ủy Đoàn 559 họp, kịp thời rút kinh nghiệm, xây dựng quyết tâm, ban lãnh đạo chuẩn bị chu đáo cho đợt ra quân mới. Nghị quyết hội nghị Đảng ủy chỉ rõ phải tuyên truyền, giáo dục trong toàn đơn vị tài liệu: "Hãy quán triệt tình hình nhiệm vụ và phương châm công tác của Đoàn".

Tài liệu do Đảng ủy soạn thảo khái quát phương châm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương đối với Đoàn 559 trong năm 1962 gồm những nội dung cơ bản như: Bảo đảm tuyệt đối an toàn; Vận chuyến liên tục, bảo đảm tính kế hoạch, chất lượng hàng; Dựa vào cơ sở chính trị, vũ trang quần chúng để tạo lập hành lang và bảo vệ hành lang; Tránh địch là chính, đánh địch là trường hợp bất đắc dĩ phải tự vệ, nhưng khi đã đánh thì phải kiên quyết diệt địch, bảo vệ mình.

Ngày 28 tháng 2 năm 1962, Đảng ủy Đoàn 559 họp ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 1962. Theo kế hoạch Bộ giao, năm 1962, Đoàn phải báo đảm giao liên hành quân 110 tấn gạo, vận chuyển giao các hướng chiến trường 380 tấn vũ khí trang bị.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 1962, trung đoàn 71 được giao phụ trách tuyến hành lang đông Trường Sơn, trung đoàn 70 phụ trách tuyến hành lang dọc theo biên giới Việt - Lào và hành lang tây Trường Sơn.

Vào thời điểm nhập tuyến, trung đoàn 71 gồm ba tiểu đoàn vận chuyển bộ và một số phân đội trực thuộc (trung đội bảo vệ, trung đội trinh sát, tổ cán bộ xây dựng cơ sở, tổ sản xuất lương thực, bệnh xá), tổ chức 13 trạm. Phương thức vận chuyển chủ yếu là gùi, cõng hàng. Do tuyến hành lang chủ yếu đi qua vùng địch kiếm soát nghiêm ngặt nên phải chuyển hàng theo đội hình nhỏ lẻ, hạn chế đụng độ với địch.

Tiếp tục thực hiện thủ đoạn "chống thâm nhập", trong mùa khô 1961- 1962, Mỹ ngụy liên tục tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, dài ngày dọc đường số 9 và miền tây Trị - Thiên.

Ngày 27 tháng 11 năm 1961, địch mở cuộc càn quy mô tiểu đoàn, kéo dài đến ngày 3 tháng 2 năm 1962 đánh vào khu vực Ba Lòng - Cam Lộ, hòng phá hoại căn cứ kháng chiến tây Quảng Trị, chặn cắt tuyến hành lang chi viện của ta. Địch đã đốt phá nhiều bản làng, giết hại hàng trăm dân thường.

Tiếp đó, chúng mở chiến dịch "Lê Lợi", huy động 800 quân và hơn một chục máy bay càn đi quét lại hàng tháng khu vực Ngược Nước (đường số 9). Địch còn chốt thêm một số đồn bốt tại các vị trí hiểm yếu: Tà Rụt, Tà Lương, Cô Ca Va, A So, A Lưới ... Quân ngụy đã ba lần sục vào các kho, trạm của ta ở bắc đường số 9 và phát hiện một bộ phận nhỏ của Đoàn 559 ở Sa Moi.

Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 71 dũng cảm kiên trì bám tuyến, tranh thủ từng đêm, từng quãng đường vắng địch để chuyển hàng. Nhưng gặp lúc địch đánh phá quyết liệt, hiệu quả vận chuyển, bảo đảm giao liên hành quân của trung đoàn rất hạn chế. Mùa khô 1961- 1962 đã qua, nhưng hàng qua tuyến chỉ tính từng cân, quân vào chiến trường tính từng người.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #28 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:20:05 pm »

Mùa mưa đến, tình hình hoạt động của trung đoàn 71 trên tuyến đông Trường Sơn càng khó khăn hơn. Cũng chính thời điểm đó (tháng 7 năm 1962) địch mở cuộc càn lớn vào khu vực tây Trị - Thiên, đổ trực thăng xuống Đá Bàn trên trục hành lang. Trung đoàn 71 chủ động kịp thời mở đường tránh Đá Bàn để tiếp tục vận chuyển.

Nhiều gương tiêu biểu xuất hiện trên mặt trận vận chuyển trong thời gian này như Văn Tiến Mòi (quê Quảng Trị), người tuy nhỏ nhắn nhưng luôn gùi cõng 40 - 50 kg hàng qua những cung đường phức tạp. Nhiều tân binh quê Nghệ An, Hà Tĩnh, còn tươi nguyên màu quân phục, đã dùng gánh thay gùi, gắng thêm từng cân cho mỗi chuyến hàng vào miền Nam.

Với những cố gắng rất lớn, đến cuối năm 1962, trung đoàn 71 đã chuyển được trên 65 tấn vũ khí, trang bị qua tuyến. Lượng hàng giao Khu 5 là trên 39 tấn. Số hàng còn lại báo đảm cho giao liên hành quân. Hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ đã được Trung đoàn 71 tổ chức đưa đón, bảo đảm hành quân vào chiến trường an toàn.

Trên tuyến hành lang dọc biên giới Việt - Lào và tây Trường Sơn, Đoàn 559 bước vào mùa vận chuyển mới đầy lạc quan, tin tưởng. Sở chỉ huy tiền phương Đoàn 559 và sở chỉ huy trung đoàn 70 vẫn đứng chân ở khu vực Sê Pôn trực tiếp chỉ huy mọi hoạt động của trung đoàn 70.

Cuối năm 1961, đường 129 cơ bản khai thông. Năm 1962, cung đường Bản Đông - Mường Noọng được tiểu đoàn 1 trung đoàn 98 sửa chữa để xe ô tô hoạt động và đường gùi thồ từ Mường Noọng vào A Túc cũng được mở mang, tu chỉnh thêm.

Sau khi thông đường 129, Bộ Tổng tham mưu lập tức lệnh cho trung đoàn 101 Sư đoàn 325 phối hợp cùng bộ đội Pa thét Lào xây dựng thế trận chốt giữ các khu vực trọng yếu: cầu Ka Ky, Bản Đông, Mường Phin, Mường Pha Lan..., đánh trả các cuộc hành quân càn quét, các hoạt động biệt kích, thám báo của địch, bảo vệ tuyến hành lang giao liên vận chuyển.

Tháng 1 năm 1962, Quân khu 4 được lệnh điều tiểu đoàn 927 thuộc Tỉnh đội Hà Tĩnh cơ động tới phối hợp với lực lượng tại chỗ bảo vệ đường số 12 và tiểu đoàn 44 chốt giữ hướng Tà Khống .

Tháng 3 năm 1962 ta hạ đồn La Vi (km 84 đường 22 sau này) là vị trí còn sót lại của địch trong khu vực. Tuyến hành lang tây Trường Sơn càng vững chắc hơn.

Đầu năm 1962, Tổng cục Hậu cần tổ chức một lực lượng gồm 60 xe ô tô điều từ đoàn xe 1 và đoàn xe 3, chạy theo đội hình nhỏ lẻ chuyển hàng vào theo đường 129 giao cho Đoàn 5 59 tại Sê Pôn, Mường Phin...

Từ Vít Thù Lù, làng Ho, Sư đoàn 325 tiếp tục gùi hàng vào Sê Pôn và trung đoàn không quân vận tải 919 từ sân bay Gia Lâm - Hà Nội cũng tiếp tục chuyển hàng cho khu vực này. Mặc dầu lực lượng vận tải cơ giới và lực lượng không quân vận tải không thuộc quyền quản lý của Đoàn 559, song sự xuất hiện của những loại hình vận tải này đã đem đến cho tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn một sắc thái mới, một sự phát triển về chất. Kết thúc mùa khô 1961- 1962, các đơn vị phối thuộc đã lập chân hàng cho Đoàn 559 tại khu vực Sê Pôn, Mường Phin 828 tấn (chủ yếu là vận chuyển bằng ô tô).

Kết quả vận chuyển tạo chân hàng của các lực lượng phối thuộc tạo điều kiện cho trung đoàn 70 dồn sức tiếp chuyển hàng từ khu vực đường số 9 vào các hướng chiến trường.

Trên cơ sở đường sá hiện có, với biên chế 3 tiểu đoàn vận tải, trung đoàn 70 bố trí đội hình vận chuyển như sau: tiểu đoàn 1 nhận hàng ở Sê Pôn, Mường Phin, chuyển vào La Hạp. Tiểu đoàn 3 chuyển hàng từ làng Ho vào La Hạp. Tiểu đoàn 2 nhận hàng và số cán bộ, chiến sĩ vào công tác ở chiến trường do tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 3 giao tại La Hạp; dẫn quân và chuyển hàng từ đó vào A Túc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #29 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2010, 03:20:44 pm »

Phương châm chỉ đạo vận chuyển của Đoàn lúc này là: Chủ động, linh hoạt, tận dụng triệt để mọi phương tiện phù hợp với điều kiện địa hình mà vẫn bảo đảm được bí mật. Tuyến đường Sê Pôn - La Hạp và từ La Hạp đi A Túc do địa hình khá bằng phẳng, đường được mở mang, gia cố khá tốt nên tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 sử dụng xe đạp thồ là chủ yếu. Năng suất bình quân mỗi chuyến của các chiến sì xe thồ Trường Sơn lúc này thường từ 90- 100kg.

Về phía địch, nhằm đẩy mạnh hoạt động "chống thâm nhập”, ngày 1 tháng 11 năm 1961, tướng D. Tay lo, cố vấn quân sự đã gửi điện văn lên Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi đề nghị “tổ chức một lực lượng biệt động biên phòng để tiến hành một chiến dịch dài hạn ở vùng biên giới Lào, chống Vệt cộng thâm nhập”. Tháng 1 năm  962, quân ngụy Lào cũng liên tục tung tề điệp phá cơ sở cách mạng, tiến hành chiến tranh tâm lý phá hoại vùng giải phóng Lào, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của ta trên tuyến hành lang tây Trường Sơn.

Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 559 và trung đoàn 70 luôn sâu sát nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời lực lượng trinh sát bảo vệ, lực lượng xây dựng cơ sở phối hợp với các cấp bộ Đảng, chính quyền, nhân dân các bộ tộc Lào và lực lượng vũ trang của bạn thành lập các tổ “quân báo nhân dân", phát triển dân quân du kích, hình thành mạng lưới bố phòng đường dây. Các lực lượng phối thuộc đều chủ động đánh địch, bảo vệ hành lang, bảo đảm hoạt động vận chuyển liên tục, có hiệu quả cao.

Trên tuyến hành lang dọc biên giới, do địa hình khá phức tạp, mặc dầu công binh Sư đoàn 325 tập trung cải tạo nâng cấp, song kết quả rất hạn chế. Bộ đội gùi, cõng hàng là chủ yếu. Nhưng năng lượng cơ bắp của người lính cũng chỉ có hạn. Để giải phóng sức người và nâng cao hiệu quả vận chuyển đòi hỏi cán bộ. chiến sĩ năng động tìm kiếm những phương thức vận chuyển mới.

Phương án dùng voi, ngựa chuyển hàng ở những cung đường hiểm trở từ làng Ho vào La Hạp đã được Đoàn áp dụng. Với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, trung đoàn 70 nhanh chóng có được một số ít voi đã qua thuần dưỡng. Ngựa thồ chủ yếu là số ngựa chiến lợi phẩm mà liên quân Việt - Lào thu được trong chiến dịch giải phóng khu vực tây đường số 9 (đầu năm 1961), đơn vị bạn giao lại cho Đoàn 559. Dưới sự điều khiển của các quản tượng lão luyện số voi, ngựa nhanh chóng được đưa vào tuyến chuyển hàng.

Việc sử dụng voi, ngựa chuyển hàng trên những cung đường núi hiểm trở tuy có kết quả nhất định, nhưng tốc độ chậm, khối lượng hạn chế; đặc biệt việc nuôi dưỡng voi, ngựa khá tốn kém, phức tạp, nên chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Trên tuyến hành lang tây Trường Sơn, trung đoàn 70 còn sử dụng thuyền gỗ nhỏ chuyển hàng từng quãng ngắn trên sông Sê Băng Hiêng, Sê Pôn... Những cung vận chuyển đường sông ngắn, sơ khai này tạo tiền đề cho Đoàn phát triển vận chuyển đường sông khi mở tuyến xuống vùng Hạ Lào.

Tháng 2 năm 1964, trung đoàn 70 sử dụng 4 chiếc Oõ tô cũ của Pháp (loại xe Đốt - chiến lợi phẩm thu được của địch trong chiến dịch giải phóng đường số 9) chuyến hàng từ Sê Pôn đi Bản Đông sau một thời gian, thay xe Đốt bằng xe Gát). Để khắc phục khâu vượt sông Sê Băng Hiêng và sông Sê Pôn, chỉ huy Đoàn 559, trực tiếp là hai đồng chí Võ Bẩm, Nguyễn Thạnh đã chỉ đạo làm phà bằng cách kết thùng xăng rỗng, trên ken nhiều lớp tre. Những chiếc phà tre, thùng phi tự tạo đã đưa nhiều chuyến xe qua sông tại bến vượt giữa Bản Đông và Bản Keng an toàn.

Mặc dù mới chỉ sử dụng 4 ô tô trên mỗi cung đường, Trung đoàn 70 đã có điều kiện dồn lực lượng phát triển vào sâu hơn, tổ chức thêm hơn chục trạm gùi thồ từ A Túc vào Pe Hai giao hàng cho đoàn vận tải Bình Sơn của Khu 5 ở vùng A Sáp, A Vương...

Tuy vậy, ngay từ bước khởi đầu đưa cơ giới vào tuyến, trung đoàn 70 đã chịu tổn thất. Tháng 6 năm 1962, thượng sĩ Nguyễn Cảnh Thiềm lần đầu tiên điều khiển xe Gát 63 chở gạo từ Sê Pôn đi Bản Đông bất ngờ bị lũ lớn cuốn trôi mất tích cả người và xe hàng ra sông Sê Pôn tại khu vực bản Keng. Nguyễn Cảnh Thiềm là chiến sĩ lái xe đầu tiên của Đoàn 559 hy sinh trên đường Trường Sơn. Tổn thất này cho thấy một thực tế ở Trường Sơn, hiểm họa "giặc trời" không hề kém kẻ thù Mỹ-ngụy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM