Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:39:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167531 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #10 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2010, 08:52:24 am »

Để hỗ trợ cho Đoàn 559 hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tổng tham mưu quyết định tăng cường cho Đoàn ba trung đội trinh sát bảo vệ lấy từ Lữ đoàn 341. Số cán bộ, chiến sĩ trinh sát này có kinh nghiệm nắm địch, thông thuộc địa hình, đường sá và dân tình trong vùng. Ba trung đội phối hợp cùng lực lượng trinh sát, bảo vệ của tiểu đoàn 301 đảm trách những cung, chặng trọng yếu nhất. Một trung đội phụ trách khu vực Ra Gã (trạm 3 - trạm 4). Một trung đội do thiếu úy Nguyễn Minh Thông chỉ huy, phụ trách khu vực đường số 9 (trạm 5 - trạm 6). Một trung đội do chuẩn úy Võ Sĩ Bơi chỉ huy, phụ trách khu vực Đak Rông - Đá Bàn - Ly Tông - Tà Riệt. 

Để bảo đảm bí mật, việc giao nhận hàng giữa các trạm được quy định theo ký, tín hiệu, mật khẩu. Riêng giao nhận hàng giữa trạm 5 và trạm 6 (qua đường số 9) phải tiến hành vào ban đêm. Lối vượt đường số 9 cũng phải luôn luôn thay đổi. Tuy nhiên những lối vượt đó chỉ tập trung từ cầu Đak Rông đến Khe Sanh (km 14 đến km 61).

Cán bộ, chiến sĩ trên tuyến không ở cố định một chỗ, không sinh hoạt tập trung. Từng tổ, trạm trú dưới từng mái đá, tán cây rừng rậm rạp, cứ sau ba đến năm ngày lại chuyển chỗ. Bộ đội chỉ được nấu ăn ban ngày. Ban đêm chỉ những trường hợp cần thiết mới được sử dụng đèn pin, song phải hạn chế ánh sáng ở mức thấp nhất...

Đầu tháng 7 năm 1 959, việc rải quân trên tuyến, từ trạm đầu đến trạm cuối Pa Lin được triển khai xong. Về cơ bản, độ dài từng cung chặng khoảng một ngày đi bộ; toàn tuyến đi mất tám ngày. Lực lượng trinh sát cũng được cài cắm trên tuyến, tích cực nắm địch, thông báo kịp thời cho từng trạm và chỉ huy tiểu đoàn.

Cùng thời gian này, Ty Giao thông Quảng Bình đã hoàn thành việc mở gấp đường ô tô từ bến Long Đại đến Bang dài 70km. Đoạn tiếp theo dài 80km từ Bang vào Khe Ổ cũng được Sư đoàn 325 khẩn trương khai thông. Theo tuyến đường cơ giới làm gấp các đoàn xe của Tổng cục Hậu cần được lệnh bí mật vận chuyển vũ khí, khí tài, gạo... vào lập chân hàng cho Đoàn 559 tại khu vực Khe Hó.

Sự phối hợp hoạt động giữa Đoàn 559 với các đơn vị, ban, ngành có liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hậu cần, Sư đoàn 325, Ty Giao thông Quảng Bình ... ngay từ đầu đã khá đồng bộ, nhịp nhàng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho Đoàn 559 ra quân trận đầu thắng lợi.

Đúng vào lúc cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 gấp rút chuẩn bị chuyển hàng qua tuyến thì địch cho một lực lượng lớn xe quân sự chở lính quần đảo liên tục dọc đường số 9; trọng tâm là khu vực từ Khe Sanh đến Lao Bảo. Ban chỉ huy tiểu đoàn 301 kịp thời báo cáo tình hình lên Ban Cán sự Đoàn 559 và tăng cường trinh sát nắm địch.

Cuộc lùng sục, vây ráp của địch kéo dài ba tuần. Nhờ chủ động nắm địch và đã có phương án đối phó, ta kịp thời “án binh bất động”, làm cho địch không phát hiện được dấu vết nào. Khi hoạt động tuần phòng của chúng trở lại với quy luật thường nhật, tiểu đoàn 301 được lệnh tiếp tục chuyển hàng qua tuyến.

Ngày 13 tháng 8 năm 1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn. Với quyết tâm giành thắng lợi trận đầu, cán bộ, chiến sĩ các cung trạm đã không quản núi cao, suối sâu đêm tối, tuyệt đối bảo đảm bí mật, an toàn, đưa hàng tới đích ...

Từ chuyến ra quân đầu tiên, đối với người lính vận tải Trường Sơn cuộc sống yên bình những ngày qua đã lùi vào ký ức. Đối mặt với họ giờ đây là gian khổ, hy sinh...

Vượt đường số 9 vào ban đêm không trăng, các chiến sĩ vận tải vẫn phải sử dụng hai miếng gỗ nhỏ, nhẹ, khi qua đường mọi người lần tìm và dẫm đúng miếng gỗ đó; tuyệt đối không để lại dấu chân. Khi vượt sông Bến Hải, Ra Gã, Đak Rông ... , bộ đội phải dùng dây mây rừng buộc nối hai gốc cây ở hai bờ sông, kết thân cây chuối làm bè. Người vượt sông ngâm mình trong nước, một tay bám giữ bè chuối, trên bè là súng đạn, một tay lần dây mây rừng để sang bờ bên kia. Hết sông sâu là núi cao, dốc đứng. Có những dốc muốn vượt qua, sau này bộ đội đã phải sử dụng bốn chiếc thang, thậm chí tới sáu thang. Cũng vì vậy mà có tên là dốc "Bốn Thang", dốc “sáu Thang"...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2010, 08:52:59 am »

Sau tám ngày đêm, vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn của kẻ thù, chuyến hàng đầu tiên (gồm 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường) đã được tiểu đoàn 301 chuyển tới Tà Riệt an toàn. Đồng chí Nguyễn Vạn - Thường vụ Liên khu ủy, đại diện Liên khu ủy khu 5 cùng một sổ cán bộ, chiến sĩ vô cùng phấn khởi và xúc động khi tiếp nhận số hàng này; vì họ biết mỗi khẩu súng, viên đạn đến được nơi này là tình dân ý Đảng, là tình cảm của Bác Hồ, của quân dân miền Bắc gửi gắm tới đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

Phát huy thắng lợi chuyến đi đầu tiên, đồng thời tranh thủ yếu tố bí mật, bất ngờ, toàn Đoàn dốc sức chuyển hàng và dẫn quân qua tuyến. Đến hết tháng 8 năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển giao tiên khu 5 được 60 súng trung liên, 100 súng tiểu liên, súng trường và hàng nghìn viên đạn súng bộ binh.

Ngày 3 tháng 9 năm 1959, Ban Cán sự Đoàn 559 họp, đánh giá kết quả những chuyến đi đầu tiên, biểu dương thành tích bước đầu của toàn đơn vị; đồng thời chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Ban Cán sự đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm bí mật bất ngờ; luôn thay đổi quy luật hoạt động, tìm nhiều điểm vượt đường số 9.

Trong khi việc mở đường Trường Sơn đưa lực lượng, vũ khí trang bị vào miền Nam được xúc tiến khẩn trương, phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam tiếp tục phát triến mạnh.

Lực lượng vũ trang tự vệ từng bước được khôi phục và phát triển. Đến đầu năm 1959, ở Nam Bộ đã có 139 trung đội vũ trang tự vệ; miền núi Liên khu 5 có 34 trung đội vũ trang tự vệ và hàng trăm đội tự vệ ở các xã, ấp. Đây là một thành quả to lớn của cách mạng miền Nam trong những năm đấu tranh chính trị 1954 - 1959, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát triển lực lượng, đưa cách mạng miền Nam đi lên.

Cũng trong năm 1959, trước yêu cầu ngày càng cấp thiết của chiến trường, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy quyết định mở tuyến vận tải đường biển, chủ yếu vào Nam Bộ, Khu 6 (cực Nam Trung Bộ). Cùng với phát triển tuyến đường vận tải đường bộ, Đoàn 559 được giao nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược này.

Ban Cán sự Đoàn 559 cử cán bộ đến các Sư đoàn 324, 325 và một số đơn vị thuộc Quân khu Tả Ngạn, tuyển mộ một số cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết, thạo nghề đi biển để thành lập đoàn vận tải đường biển. Việc tuyền quân khá thuận tiện, bởi lẽ trong số cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết có rất nhiều người quê ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi ... xuất thân là ngư dân. Đặc biệt, một số người đã tham gia Đoàn 248 vận tải biển của Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, trong đó có đồng chí Nguyễn Bất - chiến sĩ thi đua Cục Hải quân. Nguyễn Văn Nửa - nguyên chiến sĩ thi đua Liên khu 5 (thời kỳ kháng chiến chống Pháp).

Tháng 7 năm 1959, tiếu đoàn 603 vận tải biển trực thuộc Đoàn 559 được thành lập Tiểu đoàn biên chế 107 cán bộ, chiến sĩ (90 phần trăm là đảng viên). Đồng chí Hà Văn Xá - nguyên là cán bộ Cục Hải quân làm tiểu đoàn trường, đồng chí Lưu Đức làm chính trị viên tiểu đoàn.

Sau khi ổn định tổ chức, biên chế, khảo sát tình hình, tiểu đoàn chọn cảng cá Thanh Khê cách cửa sông Gianh (Quảng Bình) về phía nam 4 km làm địa điểm đóng quân. Với danh nghĩa "Tập đoàn đánh cá miền Nam", tiểu đoàn vừa khẩn trương xây dựng doanh trại, vừa chuẩn bị thuyền buồm và các loại “ngư cụ” khác.

Để có được những thuyền biển như của ngư dân Liên khu 5, nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam biết nghề mộc đã được điều về tiểu đoàn 603 để đóng thuyền. Riêng buồm phải nhờ Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức cho ngư dân làm và chuyển qua sông Bến Hải ra Thanh Khê.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #12 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 11:26:19 am »

Sau hai tháng chuẩn bị khẩn trương, tháng 9 năm 1959, tiểu đoàn đã cơ bản xây dựng xong doanh trại, đóng hoàn chỉnh hai thuyền; một thuyền có trọng tải bảy tấn và một thuyền có trọng tải hai tấn. Tiểu đoàn chủ động tổ chức bộ đội đánh cá và vận chuyển tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, kết hợp tập dượt làm quen với sông nước ...

Để có thêm lực lượng vận tải biển, Ban Cán sự Đoàn 559 đề nghị Quân khu tăng cường đội thuyền vận chuyển hàng ra đảo Cồn Cỏ cho tiểu đoàn 603; đồng thời khẩn trương đóng thêm thuyền, chuẩn bị hàng, tìm hiểu quy luật hoạt động của địch trên biển. Theo lệnh của Ban Cán sự Đoàn 559, đầu tháng 9 năm 1959, tiểu đoàn 603 tổ chức một tổ vô tuyến điện bí mật vào “cắm" tại khu vực đèo Hải Vân, liên lạc với Liên khu 5 chuẩn bị bến bãi, đón hàng...

Đối với tuyến vận tải bộ, sau khi đã ổn định, bước đầu phát triển về tổ chức, lực lượng và vận chuyển những chuyến hàng đầu tiên thành công, ngày 12 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ-QP chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng; về Đảng, trực thuộc Tổng Quân ủy. Nhiệm vụ của Đoàn lúc này là mở đường, vận chuyển vật chất, đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển và bảo đảm hậu cần cho Đoàn 959 chuyên gia ở Lào và vận chuyển vật chất giúp bạn Lào. Bộ Quốc phòng cung quy định một số chính sách cụ thể đối với cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 (tiền lương, phụ cấp khu vực, chế độ bồi dưỡng ... ) .

Quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Đoàn 559 và những chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ trên tuyến là nguồn lực mới, động viên toàn Đoàn cố gắng hơn nữa, năng động, khôn khéo tìm mở đường, đưa lực lượng và vận chuyển hàng vào chiến trường đạt hiệu quả cao hơn.

Sau hội nghị lần thứ nhất trên tuyến của Ban Cán sự, tranh thủ những ngày khô ráo hiếm hoi ở đông Trường Sơn, toàn Đoàn tập trung sức vận chuyển liên tục, gần như không một ngày nghỉ. Vấn đề hệ trọng lúc này là tìm những giải pháp vượt đường số 9 cho thích hợp, bảo đảm bí mật, tránh qua lại một lối ...

Từ cách dùng hai miếng gỗ để vượt đường số 9 được áp dụng buổi đầu, bộ đội đã tìm ra cách rải tấm vải tăng hẹp (khổ rộng khoảng 40cm) qua mặt đường, người đi sau cùng sẽ cuộn mang theo. Tuy vậy, vượt đường số 9 trên mặt đất cạnh đồn Rào Quán của địch là mạo hiểm, sớm muộn sẽ bị lộ.

Biết được nỗi lo lắng này của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559, đồng chí Lê Duẩn - ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng gợi ý Đoàn nên nghiên cứu đào đường ngầm xuyên qua đường số 9. Mặc dầu phương án đào đường ngầm không thực hiện được, song gợi ý của đồng chí Lê Duẩn đã giúp Đoàn tìm được một đường cống ngầm ở khu vực Rào Quán. Hai bên miệng cống có cây cối um tùm. Đường kính của cống chỉ một mét. Do vậy, muốn qua được, từng người phải lần bò khá vất vả.

Cuối tháng 10, khi những đợt gió mùa đầu tiên tràn về biên giới phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ. Thanh, Nghệ Tĩnh..., thì vùng cửa khẩu cũng xuất hiện những đợt mưa tầm tã. Song vì chỉ tiêu kế hoạch vận chuyển chưa hoàn thành, toàn Đoàn vẫn dồn sức để chuyến hàng. Dù đường xa vác nặng, trèo đèo vượt suối ..., cán bộ, chiến sĩ vẫn động viên nhau chuyển hết hàng, không để hàng ứ đọng ở các trạm.

Những tháng cuối năm 1959, do có kẻ đầu thú khai báo, địch tăng cường củng cố “phòng tuyến chống thâm nhập". Dọc đường số 9 - chỉ riêng đoạn từ Cam Lộ đi Lao Bảo, địch đóng tới bảy đồn (Tân Lâm, Ba Trang, Mai Lãnh, Rào Quán, Khe Sanh, Làng Vây. Lao Bảo), nhiều đồn nằm sâu trong các bản làng hai bên đường số 9 như Miệt Xá, Tà Cơn, Làng Cát... Bọn bảo an, thám báo, dân vệ... lùng sục suốt ngày đêm. Thâm độc và giảo quyệt hơn, chúng còn giả dạng người tìm trầm, phu đồn điền cao su, cà phê, lần mò phát hiện tuyến chi viện của ta, tìm bắt cán bộ, chiến sĩ vận tải, giao liên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #13 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 11:27:01 am »

Vào một đêm cuối tháng 10 năm 1959, trong khi bảo vệ cho đội 6 và đội 7 giao hàng ở nam đường số 9, tổ trinh sát do thiếu úy Nguyễn Minh Thông phụ trách đã lọt vào ổ phục kính của thám báo địch tại bờ sông Đak Rông. Trong tình thế bị động, tồ trinh sát đã dũng cảm chiến đấu chặn địch, tạo điều kiện cho lực lượng vận tải rút lui bảo toàn lực lượng. Thiếu úy Nguyễn Minh Thông (quê Nghi Lộc, Nghệ An) đã hy sinh anh dũng sau khi đã cùng đồng đội tiêu diệt 4 tên địch. Thượng sĩ Trần Tương (quê Đại Lộc - Quảng Đà) bị thương và bị địch bắt đưa về căn cứ. Trước mọi đòn tra tấn dã man của kẻ thù, Trần Tương vẫn một mực trả lời là "cán bộ nằm vùng" và đanh thép tuyên bố với kẻ thù rằng: đồng chí, đồng đội của anh sẽ bắt chúng đền tội. Không nhận được nguồn tin gì ở Trần Tương, kẻ thù đã thủ tiêu anh.

Tổ trinh sát do Võ Sĩ Bơi phụ trách có mặt ở đó, súng đạn trong tay, nhưng đành phải nén lòng, náu mình để bảo toàn lực lượng và giữ bí mật tuyến chi viện. Thiếu úy Nguyễn Minh Thông và thượng sĩ Trần Tương - những chiến sĩ kiên trung bất khuất chiến đấu dũng cảm, là những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên hy sinh trên tuyến vận tải quân sự 559, để lại trong lòng đồng đội, nhân dân địa phương niềm cảm phục và tiếc thương vô hạn.

Vào cao điểm mùa khô 1959 - 1960, cường độ hoạt động của lực lượng vận chuyển trên tuyến ngày càng cao. Biên chế từng trạm không được bổ sung, bộ đội nghỉ do sốt rét ngày càng nhiều. Khối lượng hàng mang vác của từng người tăng lên. Vì vậy việc giao hàng trong đêm theo nguyên tắc “vai sang vai" để tránh bỏ quên đã không thực hiện được.

Tháng 10 năm 1 959, trong khi giao hàng tại đồn điền cà phê Rômơ (của một tư bản người Pháp ở Khe Sanh), đội 6 và đội 7 đã bỏ quên một gói hàng gồm 2 khẩu súng trường Mát. Hôm sau, vợ người chủ đồn điền phát hiện được đã bảo anh Cha Mồm - cai đồn điền có cảm tình với cách mạng cất đi. Cha Mồm đem giấu súng và báo cho ta đến lấy. Vì vậy, một tháng sau anh đã bị thủ tiêu. Từ sự việc ấy, đối phương đã có thêm tín hiệu về một tuyến chi viện quân sự từ miền Bắc vào miền Nam đang hoạt động.

Ngay sau những "sự cố” trên, tháng 10 năm 1959 Đoàn 559 quyết định chuyển chỉ huy sở, hệ thống kho tàng, sở chỉ huy tiểu đoàn 301, đội 1 ra làng Mít (Quảng Bình). Sở chỉ huy mới nằm sát hữu ngạn sông Kiến Giang, cách Bang Rợn 10km về phía nam, cách đội 2 ở làng Mít (Vĩnh Linh) bắc sông Bến Hải một cung đường đi về khoảng 10 giờ. Đồng thời theo lệnh của Ban Cán sự, đội 12, tiểu đoàn 301 khẩn trương cơ động theo hướng tây tới khu vực làng Ho, tây Quảng Bình - cạnh thượng nguồn một nhánh khác của sông Kiến Giang, sát chân đỉnh núi 1001. khẩn trương xây dựng lán trại, kho tàng. Đây là khu vực Đoàn chọn làm hậu cứ cơ bản, thuận tiện cho việc cơ động ở cả hai hướng đông và tây Trường Sơn.

Hành động ngăn chặn của kẻ thù, sự hy sinh của đồng chí, đồng đội không làm giảm nhiệt tình cách mạng của cán bộ, chiến sĩ trên tuyến. Những khẩu súng, hòm đạn đêm đêm vẫn được chuyển vào chiến trường. Tuy vậy, trước thử thách vô cùng gay go, khốc liệt của những ngày đầu hoạt động: dãi dầu nắng mưa. gối đất nằm sương, đói rét đeo đuổi suốt ngày đêm, kẻ thù luôn rình chụp, hơn thế cuộc sống âm thầm gần như câm lặng giữa rừng đại ngàn, gặp nhân dân phải tránh, gặp kẻ thù không được nổ súng tiêu diệt..., đã có chiến sĩ không tránh khỏi mềm lòng, nhớ lại những ngày sống yên bình, sôi động trên đất Bắc.

Nắm bắt những diễn biến khá phức tạp trong tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, Ban Cán sự kịp thời chỉ đạo Đảng ủy tiểu đoàn 301 có biện pháp giáo dục, động viên bộ đội nêu cao tình cảm, trách nhiệm với đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #14 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 11:27:31 am »

Kết thúc năm 1959, Đoàn đã chuyển vào Tà Riệt - Pa Lin 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn, súng trường, tiểu liên, súng ngắn... và một số quân dụng thiết yếu khác giao cho Liên khu 5. Một phần trong số đó được Liên khu 5 chuyển tiếp vào phía trong để trang bị cho các đơn vị vũ trang tự vệ vừa thành lập ở Tây Nguyên và miền tây các tỉnh Trung Bộ. Ngoài số hàng vận chuyển qua tuyến, Đoàn còn tạo chân hàng ở hậu cứ tiểu đoàn 301 và đoàn 603 một khối lượng khá lớn.

Cũng theo tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn, đến cuối năm 1959, đã có 542 cán bộ, chiến sĩ gồm phần lơn là cán bộ chỉ huy cấp trung đội, đại đội, cán bộ kỹ thuật quân khí vào làm nhiệm vụ ở miền Nam, trong đó có 515 người vào Liên khu 5 và 27 người vào Nam Bộ. Những cán bộ, chiến sĩ này đã tham gia ngay vào việc thành lập các tiểu đoàn, đại đội bộ đội tập trung ở Liên khu 5 và Nam Bộ ...

Trong khi tuyến giao liên vận tải quân sự từ miền Bắc dọc theo dãy Trường Sơn tiến dần vào phía Nam thì ở Trung Bộ các con đường giao liên được mở tiếp vào các khu căn cứ, và từ miền Đông Nam Bộ các đội vũ trang tuyên truyền cũng tiến hành soi đường ra Bắc.
Tại Trung Bộ, Liên khu ủy 5 tổ chức các đường dây hành lang vận chuyển từ Pa Lin qua các khu căn cứ vào các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Tháng 5 năm 1959. Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn B90 tăng cường cho Liên khu 5 soi đường nối hai chiến trường Khu 5 và Nam Bộ, nối thông hành lang chiến lược Bắc- Nam. Đoàn B90 gồm 25 cán bộ, chiến sĩ (quê ở Nam Bộ, Khu 5, từng hoạt động ở chiến trường rừng núi miền Đông Nam Bộ, nam Tây Nguyên và đông bắc Campuchia) do đồng chí Trần Quang Sang (nguyên cán bộ Phòng Quốc dân thiểu số miền Đông Nam Bộ) làm Đoàn trưởng; hai Đoàn phó là đồng chí Phùng Đình Ấm (Ba Cung) và đồng chí Phạm Lạc.

Ngày 20 tháng 6 năm 1959, Đoàn B90 vượt thượng nguồn sông Bến Hải theo đường giao liên hành quân qua miền tây các tỉnh Trị - Thiên vào Quảng Nam. Tiếp đó Liên khu ủy Liên khu 5 quyết định sáp nhập Đoàn B90 với đội vũ trang công tác tỉnh Đắk Lắk, lấy phiên hiệu là B4 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phụ trách. Phương châm hoạt động của B4 là vừa soi đường, vừa tuyên truyền trong nhân dân để gây dựng cơ sở, tạo lập tuyến hành lang.

Ngoài một bộ phận xây dựng cơ sở giữ mối liên hệ với Tỉnh ủy Đắk Lắk và tuyến đường dây Thống nhất, B4 chia làm hai bộ phận soi đường vào Nam Bộ. Bộ phận thứ nhất do đồng chí Trần Quang Sang (đội trưởng) và đồng chí Nguyễn Quang Nhường (đội phó) chỉ huy, đi từ phía đông tỉnh Quảng Đức qua Kờ Pút, vượt sông Đồng Nai Thượng phát triển về hướng Tà Lài - Cát Tiên. Bộ phận thứ hai do đồng chí Phùng Đình Ấm (đội trưởng) và đồng chí Nguyễn Đình Kính (đội phó) chỉ huy, mở đường ra phía nam Đắc Min, vượt đường 14 tiến về Bà Rá, chiến khu Đ...

Khu vực tiếp giáp giữa Khu 5 và Nam Bộ, nơi B4 soi đường tạo lập tuyến hành lang, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hầu như là một "vùng trắng"; cách mạng chưa "cắm rễ" được ở nơi đây. Ngay trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), nhiều đợt vũ trang tuyên truyền từ Nam Bộ ra hay từ Khu 5 vào đều bị địch đẩy bật trở lại. Để bám được vào dân, gây dựng được cơ sở cách mạng, mở tuyến hành lang nhích dần về Nam, cán bộ, chiến sĩ B4 đã phải "hóa thân thành người các dân tộc Ê Đê, Mơ Rông, Châu Ro... ; cùng làm nương rẫy và sinh sống với bà con dân tộc. Có đồng chí đã hy sinh do địch phục kích hoặc bị "quật ngã” bởi những cơn sốt rét rừng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #15 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 11:28:04 am »

Ở Nam Bộ, từ cuối năm 1958, Xứ ủy đã chủ trương mở tuyến giao liên bộ ra bắt liên lạc với Trung ương. Đội vũ trang tuyên truyền của Xứ ủy do đồng chí Lâm Quốc Đăng phụ trách; đội vũ trang tỉnh Phước Long do đồng chí Phạm Thuận - Bí thư Tỉnh ủy phụ trách và đại đội 59 thuộc Liên tỉnh ủy miền Đông Nam Bộ do đồng chí Nguyễn Văn Tâm phụ trách đã cắt rừng, xuyên qua những vùng chưa từng có dấu chân người ở Bù Đăng, Bù Gia Mập (Phước Long), Sơ Nia (Quảng Đức) tiến ra cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Sau những tháng ngày len lỏi tìm đường giữa những cánh rừng hoang vu và núi non hiểm trở, với một niềm tin son sắt vào ánh sáng của Đảng, vào sự tất thắng của cách mạng, vào lúc 16 giờ ngày 30 tháng 10 năm 1960, đội thứ nhất của B4 đã bắt được liên lạc với đại đội 59 Liên tỉnh ủy miền Đông Nam Bộ tại một dòng suối cạn thượng nguồn sông Đồng Nai Thượng; và ngày 4 tháng 11 năm 1960, tại km 5 trên đường 14, khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, đội vũ trang tuyên truyền tỉnh Phước Long đã bắt được liên lạc với đội thứ hai của B4 do đồng chí Phùng Đình Ấm phụ trách.

Thiết lập được tuyến hành lang giao liên từ Trung Bộ vào miền Đông Nam Bộ, tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ địa miền Bắc với miền Nam.

Ngày 15 tháng 1 năm 1960, Ban Cán sự họp lần thứ hai trên tuyến, đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm bước đầu triển khai nhiệm vụ và đề ra chủ trương, biện pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả hơn.

Ở miền Nam, sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, phong trào cách mạng đã có những chuyển biến mau lẹ, mạnh mẽ. Nhân dân miền Nam vùng dậy đấu tranh với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Từ phong trào đấu tranh của quần chúng, từ những cuộc khởi nghĩa nổ ra ở vùng rừng núi Liên khu 5, cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã phát triển thành phong trào Đồng Khởi cuối năm 1959 - đầu năm 1960.

Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi giáng một đòn mạnh và bất ngờ vào chính quyền phát xít Mỹ - Diệm. Vùng giải phóng và vùng quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ được mở rộng. Lực lượng đấu tranh chính trị có tổ chức của quần chúng phát triển nhanh chóng, trở thành lực lượng tiến công hùng hậu và sắc bén của cách mạng. Lực lượng vũ trang cách mạng qua phong trào Đồng Khởi có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Bằng phong trào Đồng Khởi, cách mạng miền Nam đã từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công.

Trước bước phát triển có ý nghĩa chiến lược của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh hoạt động chi viện chiến trường. Vị trí, vai trò của Đoàn 559 ngày càng quan trọng, nhiệm vụ của Đoàn ngày càng nặng nề hơn. Trong thư gửi Ban Cán sự Đoàn 559 nhân dịp Tết Canh Tý, Thường trực Tổng Quân ủy đánh giá cao cố gắng nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559: "Các đồng chí đã đảm nhiệm một nhiệm vụ vinh quang, góp phần cống hiến rất cụ thể vào sự nghiệp đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc của nhân dân ta ... Các đồng chí có những người rất gương mẫu ..., tinh thần yêu nước cách mạng cao, nên đã vượt mọi khó khăn gian khổ, đạt những kết quả bước đầu tốt đẹp ...".

Chúng ta tin tưởng rằng rồi đây dù khó khăn gian khổ gấp bội, với quyết tâm ngày càng được củng cố, ý chí ngày càng cao, chúng ta sẽ vượt qua tất cả, bắt đỉnh Trường Sơn phải cúi đầu, Mỹ - Diệm phải khuất phục... Tổng Quân ủy khẳng đinh: “Nhiệm vụ công tác của Đoàn 559 ngày càng trở thành quan trọng, cấp thiết hơn; cán bộ, chiến sĩ của Đoàn càng phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ hơn nữa". Ngày 15 tháng 1 năm 1960, Ban Cán sự Đoàn họp ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của tuyến trước yêu cầu và tình hình mới.

Trên cơ sở đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn, Ban Cán sự chủ trương: "Tăng cường xây dựng kế hoạch vận chuyển cho hợp lý, cụ thể, nhằm bảo đảm số lượng hàng chính và chủ yếu... Luôn luôn bảo đảm chất lượng hàng hóa trên đường. Bảo đảm bí mật, sẵn sàng đối phó với địch trong mọi trường hợp... Lấy tránh địch là chủ yếu; trường hợp không tránh được thì phải có kế hoạch đối phó, chiến đấu, không được để lọt vào tay địch".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #16 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 11:28:35 am »

Thực hiện chủ trương của Ban Cán sự và được sự giúp đỡ trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Trị, một ban chỉ huy hành lang hỗn hợp được thành lập gồm các đồng chí: Chu Đăng Chữ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 301, Nguyễn Danh - Chính ủy tiểu đoàn 301 và đồng chí Đào - Tỉnh ủy viên Quảng Trị. Ban chỉ huy hành lang hỗn hợp có nhiệm vụ liên hệ chặt chẽ với Tỉnh ủy Quảng Trị và Ban Cán sự Đoàn 559, tổ chức nắm cụ thể tình hình địch và ta trên đường để quyết định nhưng giải pháp cụ thể, kịp thời.

Thực hiện nhiệm vụ năm 1960, toàn Đoàn bước vào đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, thư của Thường trực Tổng Quân ủy và Nghị quyết Hội nghị Ban Cán sự lần thứ hai; tiếp đó tiến hành Đại hội Đảng từ chi bộ tới Đảng bộ Đoàn. Công việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức kéo dài gần hết tháng 1.

Khi quân và dân miền Bắc nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền Canh Tý, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 chính thức ra quân trên tuyến - cả hai tuyến vận chuyển đường bộ và đường thủy.

Đêm 27 tháng 1 năm 1960 (đêm 30 Tết Canh Tý), con thuyền chở chuyến vũ khí đầu tiên của Đoàn 603 được lệnh rời cảng Gianh vào giao hàng cho Liên khu 5. Thuyền có 6 người do trung úy Nguyễn Bất làm thuyền trưởng, Trần Thuế thuyền phó và các thuyền viên: Nguyễn Sanh, Nguyễn Sơn, Nguyễn Văn Nửa, Huỳnh Ba. Thuyền chở hơn 5 tấn vũ khí, đạn và thuốc quân y.

Triệt để lợi dụng yếu tố bí mật bất ngờ (đêm giao thừa), thuyền lặng lẽ rời cảng Gianh. Nhưng càng ra khơi, sóng biển càng to, gió nổi lên mỗi lúc thêm mạnh. Sáu cán bộ, thuyền viên dũng cảm chống chọi với sóng gió, đưa thuyền vào được vùng biển Quảng Nam thì bất ngờ thuyền bị gãy bánh lái và trôi dạt tới Cù Lao Xanh (thuộc vùng biển tỉnh Quảng Ngãi). Lực lượng phòng thủ của địch phát hiện được và lập tức tổ chức vây bắt thuyền của ta. Để giữ bí mật ý định chiến lược mở tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam bằng đường biển; theo phương án đã định sẵn, thuyền trưởng Nguyễn Bất lập thời quyết định thả hàng xuống biển trước khi sáu cán bộ, thuyền viên rơi vào tay địch. Bị địch bắt và tra khảo dã man, lưu đày qua nhiều nhà tù, song cả sáu cán bộ, chiến sĩ vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, giữ vững bí mật tuyến đường và phương thức vận chuyển.

Sau chuyến đi đầu tiên không thành công, tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động. Mặt khác trên thực tế lúc này việc cùng một lúc tổ chức điều hành hai tuyến vận chuyển chi viện với các phương thức khác nhau, địa bàn cách xa nhau là một trở ngại, phức tạp đối với lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 559. Trước tình hình đó, tháng 4 năm 1960, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể tiểu đoàn 603, giao nhiệm vụ vận tải chi viện bằng đường biển cho bộ đội hải quân. Phần lớn lực lượng tiểu đoàn 603 sáp nhập vào tiểu đoàn vận tải bộ 301 

Tháng 11 năm 1960, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Đoàn 70, lực lượng nòng cốt là tiểu đoàn 301. Tiểu đoàn 603 (Đoàn 759 - Tập đoàn đánh cá miền Nam) chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, thực hiện chuyến ra quân đầu tiên tuy không thành công nhưng đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý về phương thức bí mật vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường bằng đường biển, giúp bộ đội hải quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này trong những năm sau.

Trên tuyến đường bộ, đầu tháng 2 năm 1960, tiểu đoàn 301 (sau là Đoàn 70) chính thức vào tuyến. Sau đợt sinh hoạt chính trị, củng cố tổ chức, rút kinh nghiệm, tranh thủ thời tiết khá thuận lợi, tới trung tuần tháng 2, Đoàn 70 đã chuyển vào tuyến 5.870kg vũ khí, đạn (giao cho trạm đầu của Liên khu 5 được 5.190kg) đồng thời lập chân hàng ở trạm 2 (bắc sông Bến Hải) được 1.042 kg.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #17 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 11:29:08 am »

Để đối phó với hoạt động đánh phá, ngăn chặn của địch, ngày 20/2/1960 - ngay sau khi địch mở cuộc càn “Hoành Sơn", Ban Cán sự họp khẩn cấp (lần thứ ba). Hội nghị thống nhất phương châm ánh địch tích cực, bảo đảm an toàn bí mật, tranh thủ mọi điều kiện để thực hành vận chuyển; đồng thời chỉ rõ một số nhiệm vụ cụ thể: yêu cầu trước mắt là phối hợp với địa phương ra sức củng cố cơ sở nhân dân...; tăng cường cán bộ cho những trạm xung yếu (mỗi rạm có từ 2 - 3 cán bộ cấp đại đội). Bố trí mạng vô tuyến điện, bảo đảm chỉ huy cả hai đường, tổ chức nắm địch chặt chẽ hơn nữa.

Chủ trương mới của Ban Cán sự chưa kịp triển khai, cuộc càn "Hoành Sơn" vừa kết thúc, thì đầu tháng 4 năm 1960, địch mở tiếp cuộc càn lần thứ hai, nhằm tiếp tục khủng bố triệt phá cơ sở, chặn cắt hành lang giao liên vận tải Bắc - Nam. Một trung đoàn chủ lực và nhiều đại đội địa phương quân ngụy lùng sục suốt hai tháng dọc theo hai bên đường số 9, phía bắc tới vĩ tuyến 17. Chúng đã truy bắt hơn 200 thường dân và một số đồng chí chi ủy viên, đảng ủy xã, cơ sở mật. Già Nường, già Riêu lái đò trên sông Đak Rông bị địch bắn chết. ông Vô Hơ phải bỏ thuyền trốn vào rừng. Già Lừa ở làng Bíu bị địch tra khảo đến tàn phế...

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng địa phương, đồng bào các dân tộc trong vùng đã đoàn kết, kiên cường đấu tranh chống địch khủng bố, bắt bớ, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ tuyến hành lang... Trong đấu tranh, đã xuất hiện nhiều gương dũng cảm, mưu trí, anh dũng hy sinh.

Khi địch mở cuộc càn lớn thứ hai, đồng chí Hồ Vang - người bản Nước Chảy, cơ sở liên lạc với đội 5 nhận lệnh của Tỉnh ủy Quảng Tri báo cho Đoàn 559 biết kế hoạch càn quét của địch. Dù địch có chỉ điểm, lại bị khống chế chặt, Hồ Vang vẫn khôn khéo hướng dẫn vợ tìm cách bí mật báo cho chỉ huy Đoàn 70. Nhờ đó lãnh đạo chỉ huy Đoàn kịp thời dồn đội 7 và đội 8 vào khu vực đội 9; đội 6 và đội 5 ra khu vực đột 3, nhanh chóng cất giấu hàng hóa, bảo đảm bí mật.

Làng Cát - một làng nhỏ cạnh đường số 9, thuộc xã Hương Sơn (Hướng Hóa) nằm giữa trạm 5 và trạm 6 là trọng điểm càn quét của địch. Phát hiện địch phục kích trên tuyến vận chuyển, một số thiếu nữ Vân Kiều làng Cát đã tìm cách đấu tranh trực diện để báo động cho các trạm vận chuyển có kế hoạch phòng tránh. Vợ chồng anh Lâm Pàng - người làng Cát được giao nhiệm vụ mua và chuyển gạo, thực phẩm khô cho trạm 5. Khi bị địch bắt, tra tấn dã man, vợ chồng Lâm Pàng vẫn không khai một lời, thà hy sinh, không để tuyến đường bị lộ. Có người dân tộc Vân Kiều sáng sớm ra suối, lên nương thấy lối mòn do bộ đội hành quân trong đêm hiện rõ trên cỏ ướt lập tức quay về gọi dân bản lùa trâu bò ra quần đảo, xóa nhanh dấu vết con đường ...

Trước sự khủng bố truy bắt ráo riết của kẻ thù, hầu hết nhân dân 39 thôn, bản bắc đường số 9 phải tạm lánh vào rừng. Khác với những cuộc càn trước đây, lần này địch chốt lại vùng càn trong một thời gian khá dài, tiếp tục lùng sục tìm bắt cơ sở và manh mối tuyến vận tải quân sự. Nhân dân buộc phải ở lâu trong rừng. Bản làng tiêu điều xơ xác thưa vắng bóng người. Khu vực bắc đường số 9 dọc tuyến hành lang trở thành “vùng trắng".

Trước tình hình đó, Ban Cán sự Đoàn 559 kịp thời báo cáo Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng và quyết định đưa toàn bộ Đoàn 70 lùi về hậu cứ để củng cố lực lượng, chuẩn bị tìm phương thức mới.

Việc địch truy quét gắt gao, chốt giữ lâu ngày tạo nên "vùng trắng” dọc tuyến hành lang đặt Đoàn 559 trước những khó khăn rất lớn. Không thể tiếp tục vận chuyển trên tuyến cũ, Ban Cán sự quyết định tìm mở đường mới. Ngay sau khi rút toàn bộ đội hình ra làng Mít (Quảng Bình), nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ được cử đi soi tìm đường mới ở tuyến đông Trường Sơn song đều không có kết quả.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 11:29:42 am »

Tháng 6 năm 1960, một đoàn cán bộ, chiến sĩ kết hợp cùng với một số cán bộ Tỉnh ủy Quảng Trị, Huyện ủy Hướng Hóa, Huyện ủy Cam Lộ soi đường, song không bắt liên lạc được với quần chúng cơ sở ở khu vực nam - bắc đường số 9, vì phần lớn nhân dân phải chạy vào rừng lánh giặc. Một bộ phận trở về bản làng cũ do sợ địch khủng bố, không dám hoạt động. Đoàn soi đường không vượt được đường số 9, phải quay về hậu cứ.

Tháng 8 năm 1960, Đoàn trưởng Võ Bẩm vào làng Mít trực tiếp chỉ đạo tổ chức lực lượng soi đường mới dọc biên giới Việt - Lào, với phương châm "tránh địch, giấu dân", vừa tìm đường vừa gây dựng cơ sở. Mãi tới tháng 3 năm 1961, tổ soi đường này mới bắt được liên lạc với đại diện Liên khu ủy 5 ở vùng Chun, trên dãy Trường Sơn. 

Trên thực tế, mùa mưa năm 1960 hoạt động vận chuyển của Đoàn 559 gần như ngừng trệ. Đường cũ không duy trì được. Đường mới chưa khai thông; các giải pháp khắc phục hoạt động ngăn chặn của kẻ thù chưa có kết quả.

Gần cuối mùa mưa năm 1960, qua trinh sát nắm tình hình, ta biết sau một thời gian chốt chặn, lừng sục, không tìm được gì hơn lực lượng địch càn quét khu vực đường số 9 đã rút về Đông Hà - Quảng Trị. Hầu hết nhân dân vào rừng lánh giặc đã trở về bản làng cũ, từng bước ổn định đời sống, sản xuất.

Trước tình hình đó, ngày 1 tháng 9 năm 1960, Ban Cán sự họp hội nghị lần thứ năm, nghiên cứu tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả nhằm chấm dứt sự ngừng trệ vận chuyển chi viện trong gần 6 tháng vừa qua (từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1960). Ban Cán sự chủ trương "phải quyết tâm tự lực cánh sinh, tranh thủ sử dụng đi đường cũ đồng thời tiếp tục soi đường mới để làm đường dự bị

Ngay sau hội nghị Ban Cán sự, một đoàn cán bộ gồm các trung đội trưởng và trinh sát viên do đồng chí Hà Kỳ Thự chỉ huy nhận nhiệm vụ trinh sát lại đường cũ, nắm tình hình và quy luật hoạt động của địch sau cuộc càn, tình hình nhân dân trong vùng chuẩn bị kỹ phương án bố trí lại các trạm, nghiên cứu nắm lại những đoạn đường buộc phải điều chỉnh.

Trở lại tuyến hành lang cũ sau những cuộc càn quét, chà xát dài ngày khốc liệt của địch, đoàn trinh sát tận mắt chứng kiến đời sống nhân dân vốn khó khăn càng thêm khốn khó. Những gì có thể dùng được đã bị kẻ địch cướp hết. Vào đúng thời kỳ giáp hạt, dân các bản làng hầu như cạn kiệt gạo, bắp ...; nguồn sống chủ yếu là măng rừng, lõi cây chuối non ...

Ban Cán sự Đoàn 559 quyết định đưa ngay một bộ phận Đoàn 70 vào tuyến, khẩn cấp chuyển muối, gạo, thuốc chữa bệnh, cứu đói, cứu bệnh cho dân. Khi cuộc sống của nhân dân tạm qua buổi cùng cực, thì việc khôi phục tuyến hành lang cũng được hoàn tất về cơ bản; lực lượng cảnh giới, trinh sát tăng gấp 4 đến 5 lần. Toàn Đoàn được lệnh chuyển hàng qua tuyến.

Phương thức vận chuyển lúc này cũng có một số thay đổi tùy theo tình hình thực tế, chủ yếu là chuyển hàng về đêm; song cũng có lúc, có chặng tổ chức vận chuyển ban ngày. Bình thường vận chuyển tuần tự từng cung, trạm; nhưng khi nắm chắc tình hình an toàn, Đoàn tổ chức đi ồ ạt từng chuyến. Trước khi bộ đội vượt đường số 9, các tổ trinh sát cảnh báo tình hình địch chính xác. Với nhiều giải pháp vận chuyển khá năng động, năng suất vận chuyển của bộ đội tăng đáng kể. Trung bình lượng hàng vận chuyển của Đoàn trong một tháng vào mùa khô 1959 - 1960 là 4 tấn, nay tăng lên 6 tấn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #19 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2010, 11:30:14 am »

Với quyết tâm dồn sức vận chuyển bù lấp khoảng thời gian dài hoạt động của tuyến bị ngừng trệ, kết thúc năm 1960, Đoàn 70 đã chuyển giao cho Liên khu 5 được 30,6 tấn vũ khí, đạn và hàng quân dụng (trong tổng số hàng bao gói xuất tại kho hậu cứ là 50 tấn). Hàng chục tấn gạo, muối được gùi cõng vào tuyến, bảo đảm cho Đoàn và cứu đói cho dân. 1.808 cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm hành quân vào miền Nam.

Ngày 22 tháng 11 năm 1960, Ban Cán sự họp đánh giá: " Thắng lợi lớn nhất là mặt bảo đảm nhiệm vụ chính trị. Kẻ địch đã dùng đủ các loại quân (chủ lực, công an, mật vụ gián điệp, bảo an, biệt kích), có lúc chúng kéo cả trung đoàn sục sạo phục kích chúng ta, có lúc chúng cải trang thành thường dân, có lúc chúng trú quân ngay trên hành lang của ta, bắt bọn phản động người địa phương dẫn đi trên đường của ta ..., nhưng chúng ta đều tránh khỏi, không để lọt vào tay chúng một vật gì và cũng không cho chúng giáp mặt lần nào".

Tuy nhiên, từ thực tiễn khó khăn của hoạt động vận chuyển trong mùa mưa năm 1960, ngoài nguyên nhân địch tăng cường đánh phá, ngăn chặn, Ban Cán sự cũng sớm thấy sự bị động lúng túng của Đoàn, không phát huy được tính tích cực chủ động khi cơ sở bị vỡ, trông nhờ địa phương mở đường mới. Đặc biệt, chủ trương lánh dân đã bộc lộ rõ sự bị động của ta. "Khi địch đánh phá đường dây dễ bị đứt, lúc địch rút thì không nắm được tình hình để nhanh chóng khôi phục hoạt động bình thường. Khi cần tìm đường mới thì không có người thông thuộc địa hình giúp đỡ. Việc tiếp tế lương thực cho số anh em hoạt động trong lòng địch không khai thác được khả năng tại chỗ, phải gùi từ ngoài vào, làm giảm khả năng mang hàng chính cho chiến trường”.

Những bài học rút ra từ thực tiễn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo tiền đề khi điều kiện cho phép, Đoàn nhanh chóng chuyển đổi phương thức vận chuyển cho phù hợp, từ phòng tránh bị động tiến tới phòng tránh tích cực và cao hơn là: đánh địch mà đi, đánh địch để vận chuyển.

Kết thúc kế hoạch vận chuyển năm 1960, Đoàn tổ chức hội nghị mừng công tại sở chỉ huy tiền phương, khẩn trương củng cố tổ chức, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Hội nghị mừng công của Đoàn vinh dự được đón các đồng chí Trần Nam Trung (Trần Lương) - ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Liên khu ủy 5, đồng chí Trần Văn Trà - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tới dự, tặng quà và động viên cán bộ, chiến sĩ.

Nhân dịp này Đoàn 70 vận tải bộ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ba đơn vị trực thuộc Đoàn 70: đội 6, đội 7 vận tải bộ, đội 10 trinh sát bảo vệ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Thiếu úy liệt sĩ Nguyễn Minh Thông được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và bằng khen của Nhà nước. Đây là những phần thưởng cao quý đầu tiên mà Đảng Nhà nước dành cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 - là sự ghi nhận những chiến công thầm lặng song có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong bước khởi đầu của những người lính giao liên, vận tải trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử.

Tròn 18 tháng, trải qua hai mùa khô và một mùa mưa Trường Sơn, Đoàn vận tải quân sự chiến lược 559 đã tiến được những bước mở đầu quan trọng trên con đường chiến lược Bắc - Nam. Từ những bước lặng lẽ soi đường mở lối đầu tiên, những người lính Trường Sơn đã thiết lập được tuyến hành lang giao liên, vận tải quân sự dài hàng trăm kilômét trong điều kiện địa hình bị chia cắt và kẻ thù ngăn chặn quyết liệt. Theo nhưng con đường rừng ấy, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu đã được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, hơn hai nghìn cán bộ, chiến sĩ đã được bảo đảm hành quân vào các chiến trường.

Từ đại ngàn Trường Sơn, bằng những chiến công thầm lặng của mình, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã viết nên màn dạo đầu của bản trường ca hào hùng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM