Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:26:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167545 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« vào lúc: 09 Tháng Tư, 2010, 09:21:52 pm »



Tên sách: Trường Sơn - Đường khát vọng
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia
Năm xuất bản: 2009
Số hoá: ptlinh, Sao Vàng


BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN
Nguyễn Bắc Sơn
Vũ Tiến Lộc
Nguyễn Duy Hùng

BAN BIÊN SOẠN
Đồng Trưởng ban:
Nguyễn Thế Kỷ
Nguyễn Sĩ Cử (chủ biên)

Các thành viên:
Nguyễn Thanh Yên,
Ngô Doãn Khuyển,
Thành Tâm,
Bùi Minh Châu,
Hương Ly,
Nguyễn Trọng Tạo,
Nguyễn Thụy Kha
Nguyễn Thanh Châu


Lời Nhà xuất bản


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Hồ Chí Minh là tuyến chi viện và căn cứ chiến lược, một hướng chiến trường trọng yếu, một tổ chức giúp bạn xây dựng cơ sở cách mạng và phối hợp với bộ đội ta đánh địch ở Trung - Hạ Lào. Trong 16 năm từ 1959- 1975, đường Hồ Chí Minh luôn là trọng điểm đánh phá, là chiến trường thực nghiệm chiến tranh ngăn chặn, chiến tranh điện tử, chiến tranh hoá học ... của đế quốc Mỹ hòng cô lập miền Nam, thực hiện mưu đồ xâm lược, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Với mục tiêu cao cả giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu và phục vụ chiến đầu anh dũng chống chiến tranh ngăn chặn khốc liệt của đế quốc Mỹ, đưa sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền bắc đến các chiến trường miền Nam và chiến trường nước bạn. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, một kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong thế kỷ XX.

Ngày 3 tháng 12 năm 2004, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 38/2004/QH 11) với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3.167 km. Từ năm 2003 đến nay, nhiều tuyến trên đường Hồ Chí Minh được thi công và nghiệm thu đã phát huy hiệu quả, tạo ra sức vươn và diện mạo mới cho nhiều vùng quê từ đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn, từ Bắc vào Nam. Đây là những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa kinh tế yếu kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng cũng là những địa phương có nhiều thế mạnh chưa được khai thác, nhất là tiềm năng về đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản...

Đường Hồ Chí Minh nay đã dần trở thành con đường huyết mạch, phá thế độc đạo của quốc lộ 1A,. trở thành trục đường xuyên Việt, có tầm quan trọng lớn lao trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đặc biệt với các vùng đất dọc suốt chiều dài phía tây Tổ quốc.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh ra đời và ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (5/1959 - 5/2009), nhằm góp phần tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần vượt qua khó khăn đồng thời củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tạp chí Vietnam Business Forum - Cơ quan tuyên truyền đối ngoại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách: "Trường Sơn - Đường khát vọng.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 5 năm 2009
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2020, 08:40:10 am gửi bởi Giangtvx » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2010, 09:23:02 pm »

Lời nói đầu


Đường Trường Sơn được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh vào ngày 19/5/1959. Lúc đầu là tuyến vận tải chiến lược, sau này mang tên Đường Hồ Chí Minh.

Đường mòn Hồ Chí Minh khởi đầu từ huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vượt qua dãy Trường Sơn trùng điệp chạy suốt đến Chơn Thành (Bình Phước)  dài khoảng 16.000 km gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, một tuyến đường cho xe chạy ban ngày dài 3.100 km, một hệ thống sông dài 500 kilômét, một hệ thống đường ống dài 3.000 km từ miền bắc vào tận Lộc Ninh.

Đường mòn Hồ Chí Minh, trung bình cứ 200mi có một dốc cao, 1 đến 2 km có một suối nhỏ, 10 đến 20 km có một sông hoặc một suối lớn.
Trường Sơn nơi đây đã ghi dấu chân của khỏng biết bao nhiêu chàng trai cô gái đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình trong sự nghiệp giòi phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những địa danh nổi tiếng như. Truông Bồn, Đồng Lộc, Xuân Sơn, Phong Nho, Long Đọi, ATP cổng Trời, động Voi Mẹp, Đak Rông A So, Pa Lin, A Lưới .... đã gắn liền với tuổi thanh xuân của những thanh niên xung phong đầy nhiệt huyết cùng những người lính quả cảm của Bộ đội Trường Sơn.

Ai đã một lần có mặt ở đường Trường Sơn hẳn sẽ hiểu rõ sự hy sinh, mất mát và sức chịu đựng vô bờ bến của một dân tộc ra trận đã trả giá như thế nào cho ngày chiến thắng.

Trong một bài viết nhân kỷ niệm 30 năm ngày mở đường Trường Sơn, cố thi sĩ phạm Tiến Quật đã viết: “... trong lịch sử chiến tranh nhiều thời của nhiều vùng đất trên hành tinh này, có những tuyến đường quân sự nổi tiếng: Đường vận chuyển quân lính trong bụng con ngựa gỗ khổng lồ vào thành Tơroa, đường vận tải qua hồ Lađôga đóng băng của Liên Xô bao vệ thành phố Lêningrát, “Con đường xanh" của Stalin xuyên dọc châu Âu đánh vào sào huyệt của phát xít Đức... Nhưng tuyến đường Trường Sơn có hai sự độc đáo. Một là, thời gian tồn tại của tuyến đường dài hơn mọi tuyến đường chiến tranh ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Hai là, tuyến đường Trường Sơn là một chiến trường trọng yếu và là một căn cứ hậu phương chiến lược cho chiến trường ba nước Đông Dương”.

Trong Ban biên soạn chúng tôi nhiều người đã từng sống, chiến đấu ở Trường sơn hoặc đã từng hành quân vượt Trường Sơn. Nhưng khi tiếp cận với các tư liệu về Trường Sơn, chúng tôi mới thực sự kinh ngạc về tầm vóc của tuyến đường và những kỳ tích của dân tộc Việt Nam mà cụ thể là các lực lượng đã từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các tuyến đường Trường Sơn.

Tài liệu về đường Trường Sơn phong phú đến mức phải ví như một núi băng mà Ban biên soạn chúng tôi chỉ tiếp cận được một phần nổi. Chiến tranh đã lùi xa và người cầm bút còn suốt đời mang nợ Trường Sơn.

Câu hỏi đặt ra với Ban biên soạn là: với khối tư liệu đồ sộ như thế thì cần tiếp cận lịch sử Trường sơn từ đâu?

May sao, trong khi đang thực hiện đề cương cuốn sách thì chúng tôi có Tài liệu tuyên truyền 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2009) do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam ấn hành với những nội dung cô đọng để Ban biên soạn bám sát và triển khai. Như vậy trong quá trình biên soạn chúng tôi coi tư liệu trên là Chính sử về đường Trường Sơn và Bộ đội Trường Sơn.

Cuốn sách còn tập hợp các bài viết của những nhà văn, nhà báo, người lính từng có mặt ở Trường Sơn. Trong các bài viết cũng đề cập những số liệu và vì tôn trọng các tác giả nên Ban biên soạn không chỉnh lý các số liệu này (chẳng hạn, bài viết của cố thi sĩ Phạm Tiến Duật) và đề nghị bạn đọc cũng xem như là số liệu tham khảo. Số liệu chính thức đã có ở phần “chính sử"

Ban biên soạn cũng tuyển chọn và giới thiệu các bài viết về ký ức Trường Sơn, 50 bài thơ, 50 bản nhạc, một số bức ký hoạ về Trường Sơn nhằm giới thiệu những "binh chủng" từng góp phần cùng Bộ đội Trường Sơn dựng nên một con đường huyền thoại.

Phần thứ hai. Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá - Một khát vọng hùng cường, Ban biên soạn không đề cập nhiều đến công việc xây dựng đường Trường Sơn “nối dài" hai phía đã và đang tiến hành mà chú trọng đến việc làm thế nào để sử dụng, khai thác tốt nhất tuyến quốc lộ thứ hai chạy dài theo đất nước. Phần này liên quan đến một số địa phương có tuyến đường chạy qua.

Do thời gian gấp gáp và khả năng có hạn, cuốn sách không khỏi có những khiếm khuyết nhất định. Chúng tôi mong bạn đọc góp ý, phê bình và lượng thứ

Nhân dịp cuốn sách hoàn thành và được xuất bản, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Ban Tuyên giáo Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chỉ đạo góp ý kiến để cuốn sách được hoàn thành. Cảm ơn một số tỉnh thành, địa phương nằm trên đường Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã Cung cấp tư liệu, hình ảnh hoạt động của Bộ đội Trường Sơn xưa và nay. Cảm ơn các nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, hoạ sĩ, những cựu chiến binh Trường Sơn đã gửi tác phẩm, tư liệu hoặc những ý kiến đóng góp cho cuốn sách. Cảm ơn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã tạo điều kiện để cuốn sách kịp ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm lần thứ 50, ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
BAN BIÊN SOẠN
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2010, 09:28:43 pm »

PHẦN THỨ NHẤT
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI
.

“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước...”

(Nguyễn Khoa Điềm)


CHƯƠNG MỘT
CON ĐƯỜNG VÀ SỨ MỆNH LỊCH SỬ

I. NHỮNG BƯỚC CHÂN THẦM LẶNG

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của Mỹ (1945 - 1954) mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dút chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết. Các nước tham gia hội nghị long trọng tuyên bố tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.

Là một nước trực tiếp giúp Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương (1945 - 1954) và là một thành viên của Hội nghị Giơnevơ, nhưng Tổng thống Mỹ Aixenhao tuyên bố "Mỹ không bị hiệp định này ràng buộc". Từ đó Mỹ ráo riết thực hiện việc hất cẳng Pháp, thống trị miền Nam nước ta bằng chủ nghĩa thực dân mới, chia cắt lâu dài nước Việt Nam; ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và trên thế giới, uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa.

Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ và luôn theo dõi sát âm mưu, hành động của chúng. Giữa tháng 7 năm 1954, trong diễn văn bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Mỹ không những là kẻ thù chính của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt - Miên - Lào. Người chủ trương: “Tập trung lực lượng chống đế quốc Mỹ”. Từ đây bắt đầu một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc: thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 5 tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, ra nghị quyết về “Tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng", chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt của quân và dân ta trên hai miền Nam - Bắc là: đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơnevơ, ra sức củng cố miền Bắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của quân và dân miền Nam nhằm củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, quân và dân ta trên hai miền Nam - Bắc khẩn trương củng cố, sắp xếp lại lực lượng, chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới.

Trên miền Bắc, nhân dân ta khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành cải cách ruộng đất, khôi phục và phát triển kinh tế, nhằm đưa miền Bắc tiến dần từng bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng miền Bắc thành cái "Nền", cái "Gốc" của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. thống nhất nước nhà. Quân đội nhanh chóng chấn chỉnh tổ chức, sắp xếp lại lực lượng; xây dựng theo hướng chính quy từng bước hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.

Ở miền Nam, quân và dân ta một lòng hướng về Trung ương Đảng, Bác Hồ, hướng về miền Bắc, tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ chống mưu đồ chia cắt đất nước của Mỹ - Diệm, chống “quốc sách tố Cộng, diệt Cộng"
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2010, 09:29:34 pm »

Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, Mỹ - Diệm đã vứt bỏ mặt nạ "thực thi dân chủ”, thẳng tay dùng chính sách phát xít, khủng bố, nhằm duy trì chế độ thống trị của chúng.

Nhân dân ta ở miền Nam không có con đường nào khác hơn là phải vùng lên, sống chết với kẻ thù.

Thực tiễn nóng bỏng của cách mạng miền Nam vừa là điều kiện, vừa đặt ra yêu cầu bức bách đòi hỏi Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tìm ra con đường đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Tháng 1 năm 1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (mở rộng) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Hà Nội, xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch ra mục tiêu và phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng.

Dự kiến xu thế phát triển của cách mạng miền Nam, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã chỉ ra phương hướng xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang trên hai miền Nam - Bắc, giao nhiệm vụ cho quân đội chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình.

Tháng 2 năm 1959, Tổng Quân ủy họp bàn những nhiệm vụ cấp thiết về xây dựng lực lượng vũ trang ở miền Nam, phát huy vai trò của miền Bắc đối với miền Nam, chuẩn bị cho lực lượng vũ trang cả nước sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược của địch.

Chấp hành Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Tổng Quân ủy Trung ương, cùng với việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại trên miền Bắc, việc chuẩn bị lực lượng và vật chất chi viện cho miền Nam được xúc tiến. Sư đoàn 338 bộ đội miền Nam tập kết và một số trung đoàn bộ binh chuyển thành cán đoàn huấn luyện cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở miền Nam. Từ Vĩnh Linh - giới tuyến quân sự tạm thời đến biên cương phía Bắc, các đơn vị trong toàn quân đều tổ chức cho bộ đội học tập, rèn luyện, sẵn sàng vào Nam chiến đấu. 

Thực hiện chủ trương chi viện lực lượng vật chất cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ và trên biển.

Ngày 5 tháng 5 năm 1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm ủy ban Thống nhất Trung ương thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao cho thượng tá Võ Bẩm - nguyên Cục phó Cục Nông trường tổ chức "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam; tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Quyết định thành lập tuyến vận tải quân sự Trường Sơn là một sáng tạo về chiến lược, thể hiện quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2010, 08:48:37 am »

Cơ quan chỉ đạo, tổ chức mọi hoạt động của Đoàn khi mới thành lập là Ban Cán sự Đảng, gồm ba người, do đồng chí Võ Bẩm làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư.

Tiếp đó, trung tá Nguyễn Thạnh - nguyên Giám đốc nông trường quân đội Đồng Giao, Ninh Bình, được điều về làm Đoàn phó. Đại úy Nguyễn Chương là ủy viên Ban Cán sự kiêm trợ lý bảo vệ.

Trợ lý cơ quan Đoàn ban đầu có: thượng úy Lê Trọng Tâm - bí thư Đoàn trưởng, thượng úy Huỳnh Chuẩn - trợ lý quân nhu, thượng úy Huỳnh Thường - trợ lý tài vụ, trung úy Nguyễn Ngọc Linh - trợ lý quân giới, Phạm Công Chuyên - trợ lý xây dựng... đều là những cán bộ đã từng chiến đấu trên chiến trường Trị - Thiên và Khu 5 trong kháng chiến chống Pháp.

Thời gian mới thành lập, cơ quan "Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm việc tại các nhà số 61, 63 và 83 phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Những vị trí này xen giữa khu dân cư, gần cơ quan Bộ Quốc phòng, vừa tiện liên hệ với cấp trên và cán bộ miền Nam ra công tác, vừa bảo đảm bí mật.

Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Ban Cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1959, Đoàn có nhiệm vụ soi đường bảo đảm giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5 (gồm 7.000 súng bộ binh), tổ chức bảo đảm cho 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực.

Trong điều kiện bình thường, với biên chế và thời gian cho phép, khối lượng công việc trên giao không có gì khó khăn. Nhưng đối với "Đoàn công tác quân sự đặc biệt” lúc này là một thử thách lớn, đòi hỏi phải cố gắng vượt bậc mới có thể vượt qua. Bởi lẽ đối với Đoàn, tất cả đều là bước khởi đầu. Mọi công việc từ tổ chức lực lượng, chuẩn bị vật chất, soi đường mở tuyến giao liên vận chuyển bí mật về Nam... đều còn ở phía trước. Đặc biệt toàn bộ hoạt động của Đoàn phải bảo đảm bí mật tuyệt đối cả khi chuẩn bị trên đất Bắc và khi thực hành trên tuyến

Với ý đồ chiến lược bí mật chủ động tiến công, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy yêu cầu Đoàn tuyệt đối không để đối phương biết được sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam - dù chi là một hoạt động nhỏ lẻ. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định biên chế bước đầu của Đoàn là 500 cán bộ chiến sĩ. Ngoài Đoàn bộ, Đoàn sẽ tổ chức tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận: xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đoàn 559 đã định hình về tổ chức, nhiệm vụ và phương thức hoạt động.

Ra đời tháng 5 năm 1 959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Ngày 1 9/5- ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở tuyến chiến lược Trường Sơn được xác định là ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2010, 08:49:18 am »

Ngày 20 tháng 5 năm 1 959 - một ngày sau khi chính thức nhận nhiệm vụ. tại nhà số 25A phố Phan Đình Phùng - Hà Nội, Ban Cán sự họp phiên đầu tiên quán triệt chỉ thị của Tổng Quân ủy và bàn biện pháp tổ chức thực hiện.

Nhận rõ bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, nơi đang ngày đêm trông đợi người và vũ khí từ miền Bắc, Ban Cán sự Đảng, các cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đoàn 559 gấp rút lao vào mặt trận mới, thầm lặng và vô cùng khẩn trương.

Một kế hoạch tổng thể về tổ chức các mối quan hệ công tác giữa Đoàn 559 với các cơ quan Bộ Quốc phòng và các đơn vị tuyển quân, mở đường, chuẩn bị cơ sở vật chất... nhanh chóng hoàn thành để thông qua đồng chí Chủ nhiệm ủy ban Thống nhất Trung ương và trình Bộ Chính trị. Sau khi được Bộ Chính trị phê duyệt, một số cán bộ chủ trì cơ quan Bộ Quốc phòng như Cục phó Cục Cán bộ, Cục trưởng Cục Quân giới, Cục phó Cục Tài vụ... được giao nhiệm vụ trực tiếp giúp Đoàn 559 tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ bảo đảm trang bị và tài chính...

Những ngày cuối tháng 5 năm 1959, chiếc xe Gát 69A của Đoàn gần như lăn bánh suốt ngày đêm đưa các đồng chí trong Ban Cán sự đến các tập đoàn sản xuất miền Nam, các Sư đoàn 324, 325, 305 ... tuyển nhận quân. Lực lượng vận tái bộ (sau này là tiểu đoàn vận tải bộ 301) chủ yếu được tuyển ở Sư đoàn 305 bộ đội Liên khu 5 tập kết. Thời gian này, tình hình tư tưởng bộ đội Sư đoàn 305 đang có những diễn biến khá phức tạp. Phần đông cán bộ, chiến sĩ đã chuyển ra công tác tại các cơ sở kinh tế thuộc Khu công nghiệp Việt Trì, Nhà máy supe phốt phát Lâm Thao, Nông trường Việt Lâm, Nông trường Đồn Vàng..., vừa được huy động trở lại xây dựng quân đội.

Mặc dầu đang trong quá trình ổn định tổ chức, gặp nhiều khó khăn, song với tình cảm và trách nhiệm đối với miền Nam, những yêu cầu của Đoàn 559 đều được Bộ Tư lệnh sư đoàn và các đơn vị hết lòng giúp đỡ. Sau khi thống nhất nguyên tắc, yêu cầu tuyển nhận quân với Bộ Tư lệnh Sư đoàn, Đoàn phó Nguyễn Thạnh trực tiếp tiếp nhận lực lượng, giáo dục nhiệm vụ và huấn luyện bộ đội. Đoàn trưởng Võ Bẩm tổ chức lực lượng khảo sát đường và hiệp đồng với các đơn vị, cơ quan có liên quan.

Mở đường về Nam - nhiệm vụ mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân gửi gắm vào cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 là trọng trách vô cùng lớn lao. Con đường bắt đầu từ đâu, cung chặng bố trí như thế nào cho thích hợp; phương thức hoạt động trên tuyến như thế nào để bí mật vượt qua được cái gọi là “phòng tuyến chống thâm nhập" mà kẻ thù chủ định dựng lên ngay khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, sẽ đem quân, đem hàng đến bờ bắc sông Bến Hải hay vượt qua bờ nam... ? là những vấn đề đặt ra lúc này với bao trăn trở đối với lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 559.

Tiên liệu những khó khăn trở ngại kể trên, trong khi giao nhiệm vụ, đồng chí Chủ nhiệm uỷ ban Thống nhất Trung ương đã gợi ý Ban Cán sự nên trực tiếp gặp và trao đổi cụ thể với đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung) Bí thư Khu ủy Khu 5 tìm giải pháp tháo gỡ từng bước ...

Được đồng chí Trần Lương giúp đỡ tích cực, đầu tháng 6 năm 1959, Đoàn trưởng Vò Bẩm vào Hồ Xá, Vĩnh Linh chủ trì cuộc họp bàn cụ thể việc mở đường vào Nam. Dự họp có các đồng chí Nguyễn Quyết (ông giáo Dụng) - ủy viên Khu ủy Khu 5, phụ trách công tác liên lạc với miền Bắc, Trương Chí Công - Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị, Lê Hành - Tỉnh ủy viên Quảng Trị, Hồ Sĩ Thản - Bí thư đặc khu Vĩnh Linh.

Qua báo cáo của các đại biểu Trị - Thiên và Liên khu 5, Ban Cán sự Đoàn 559 bước đầu nắm được tình hình đấu tranh của nhân dân, tình hình hoạt động của địch ở phía nam sông Bến Hải và miền tây Trị - Thiên, Quảng Nam. Điểm nổi bật là càng ngày địch càng tăng cường hệ thống đồn bốt, bổ sung lực lượng tuần phòng dọc đường số 9... Chúng ráo riết gom dân vào các trại tập trung, tung biệt kích rình mò, lùng sục dọc theo bờ nam sông Bến Hải. Các cơ sở cách mạng trong vùng bị đảo lộn. Tuyến giao liên Thống Nhất từ Tây Nguyên ra Bắc thường xuyên bị đứt. Cùng với hoạt động đánh phá của kẻ địch, khí hậu nghiệt ngã của núi rừng Trường Sơn cũng gây cho tuyến giao liên Thống Nhất không ít khó khăn, tổn thất. Các đại biểu Khu ủy 5 và Trị - Thiên còn nêu một số kinh nghiệm cụ thể về tổ chức, duy trì tuyến giao liên Thống Nhất.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2010, 08:49:58 am »

Từ thực tiễn tình hình chiến trường, hội nghị chủ trương thời gian đầu tuyến vận tải quân sự chiến lược được mở dựa vào tuyến giao liên Thống Nhất. Nguyên tắc hoạt động là vừa mở đường, vừa giữ được cơ sở cách mạng những nơi tuyến đường đi qua. Hội nghị xác định hướng mở tuyến, vị trí đặt trạm, quy ước thông tin liên lạc...

Một trong những vấn đề quan trọng và bức xúc được bàn kỹ ở hội nghị là Đoàn 559 dừng lại ở bờ bắc sông Bến Hải hay vượt qua bờ nam sông Bến Hải. Các đại biểu chiến trường khẩn thiết yêu cầu cấp trên cho Đoàn 559 đưa người, hàng vào sâu hơn bởi vì lúc này Liên khu 5 và Trị-thiên thiếu người để vận chuyển hàng; lực lượng vũ trang thiếu, không thể tổ chức một lực lượng bảo vệ tuyến ... Đồng chí Đoàn trưởng đã lĩnh hội ý kiến của các đại biểu chiến trường, báo cáo cấp trên và nguyện vọng chính đáng này đã được Bộ Chính trị chấp nhận.

Mặc dù hội nghị được tiến hành hết sức bí mật, nhưng mạng lưới tình báo, gián điệp của địch cũng “đánh hơi" thấy. Tình hình đó càng đòi hỏi mọi hoạt động của Đoàn 559 phải tuyệt đối bí mật. Ban Cán sự kịp thời và chủ động đề đạt với Bộ Công an có giải pháp phối hợp đối phó các hoạt động tình báo, gián điệp của địch.

Sau hội nghị ở Hồ Xá, Đoàn 559 tổ chức ngay đội khảo sát mở tuyến do Đoàn trưởng Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy. Tỉnh ủy Quảng Trị cử đồng chí Pả Cương - Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa và một số cán bộ địa phương thông thạo địa hình Trường Sơn giúp mở đường. Đồng chí Ngô Văn Diệm - tiểu đoàn phó tiểu đoàn 301 và một số cán bộ trợ lý tiểu đoàn tham gia đội khảo sát. Qua nghiên cứu thực địa, đặc biệt là nghiên cứu con đường do Lữ đoàn 270 Quân khu 4 mở ở khu vực tây nam Vĩnh Linh để kết hợp khai thác gỗ và cơ động chiến đấu để phòng địch tiến công ra miền Bắc, đội khảo sát quyết định chọn Khe Hó là điểm khởi đầu cho tuyến đường lịch sử.

Khe Hó nằm giữa thung lững hẹp ở tây nam Vĩnh Linh, dưới chân dãy núi Động Nóc, kề thượng nguồn Rào Thanh. Ở đây dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Pa Cô Vân Kiều, mức sống thấp kém, nhưng nặng nghĩa nặng tình với cách mạng. Mặc dầu vị trí khởi đầu nằm gần khu phi quân sự, nhưng nếu ta giữ được bí mật sẽ tạo được yếu tố bất ngờ, phát huy được hiệu quả.

Sau khi khảo sát tuyến đường bộ ở bắc sông Bến Hải, Đoàn trưởng Võ Bẩm khẩn trương trở ra Hà Nội chỉ huy việc tổ chức lực lượng, chuẩn bị “hàng" đưa vào chiến trường. Nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy khảo sát mở tuyến vào phía Nam sông Bến Hải được giao cho đồng chí Ngô Văn Diệm tiếp tục thực hiện. Căn cứ sơ đồ khảo sát Đoàn 559 quyết định mở tuyến hành lang bắt đầu từ Khe Hó phát triển về hướng tây nam qua làng Mít (Quảng Bình) vượt các đỉnh 1001, 1600, vượt sông Bến Hải. qua đỉnh 1701 (động Voi Mẹp), Chăng Hin, động Cà Lư, Cát Sứ, Rào Quán, vượt đường số 9, qua Đá Bàn vào Tà Riệt. Điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5.
Với lộ trình trên, tuyến giao liên vận tải quân sự buổi đầu phải vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, vượt qua nhiều sông suối và qua cả hệ thống đồn bốt của địch.

Địa hình Trường Sơn nói chung và khu vực “cửa khẩu” là nơi “thiên hiểm", có giá trị lớn về mặt chiến lược: che đậy kín đáo những hoạt động quân sự, hoạt động vận chuyển của ta trên mặt đất, giành lợi thế trong chiến tranh ngăn chặn hiện đại... Tuy vậy, trở ngại lớn nhất đối với những người tìm đường mở tuyến cũng như sau này thực hành vận chuyển là địa hình bị chia cắt mạnh.

Các sông, suối dọc Trường Sơn ở khu vực nam - bắc sông Bến Hải phân bố tự nhiên, trung bình 1 đến 2 km có một suối nhỏ, 10 đến 20 km có một sông hoặc một suối lớn. Sông, suối đều phát nguyên từ đỉnh Trường Sơn đổ về hai hướng đông và tây. Phía đông xuôi về biển, phía tây hợp lưu với sông Mê Kông. Ở vùng thượng nguồn, hầu hết sông, suối nơi đây có độ chênh lớn, nhiều thác ghềnh. Mùa khô gần như cạn kiệt, cả vùng thiếu nước. Mùa mưa hết thảy những dòng sông, ngọn suối đều trở nên hung hãn, nước chảy xiết... Cũng do địa hình, đặc biệt là sự xen kẽ giữa những thung lũng hẹp dưới chân các ngọn núi nhỏ, nên mùa mưa nước các triền sông suối dâng cao đột ngột (2 – 18m) nhiều điểm trở thành những túi nước lớn, chia cắt núi đồi thành những khu vực biệt lập.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #7 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2010, 08:50:30 am »

Điều kiện khí hậu nghiệt ngã của vùng rừng nhiệt đới gió mùa đầy tính chất hoang sơ nơi đây là môi trường thuận lợi cho các loạt ký sinh trùng, côn trùng gây bệnh và một số vật chủ mang bệnh phát triển. Đáng lo ngại nhất là muỗi Anôphen truyền bệnh sốt rét.

Dẫu biết rằng mọi con đường cách mạng đều xuất phát từ lòng dân, dựa chặt vào dân, song do yêu cầu bảo đảm hết sức bí mật trong buổi đầu mở tuyến, ta không chỉ chủ trương tránh địch mà tạm thời phải tránh dân (tránh địch - bí mật với dân). Đội khảo sát không theo những lối mòn dân đi lại ở bình độ thấp, mà tìm hướng đi mới ở bình độ cao hơn, địa hình hiểm trở hơn. Khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là: “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Từ Khe Hó theo hướng tiếp cận sông Bến Hải qua đường số 9, đội khảo sát phải vượt đính núi 1001, ngược lên động Voi Mẹp - đỉnh 1701. Lên tới động Hàm Nghi, bắt gặp lác đác những gốc cam, gốc chè của nghĩa quân Cần Vương xưa còn lại như lời nhắc với những người mở đường nỗi đau một thời đất nước đắm chìm trong đêm trường nô lệ, thôi thúc họ nhanh chóng mở đường về Nam, góp phần đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến ngày toàn thắng.

Qua khảo sát tổng thể, Đoàn tập trung nghiên cứu dự kiến các cung đoạn, những điểm vượt xung yếu như sông Ra Gã (thượng nguồn sông Cam Lộ), khe Nước Chảy (một nhánh thượng nguồn sông Ba Trăng). Hai nơi này có đường tuần tra của lực lượng bảo an từ Ba Trăng đến Miệt Xá - bắc Làng Vây. Đặc biệt, đội khảo sát phải tìm được điểm vượt qua đường số 9 và sông Đak Rông (một nhánh của sông Thạch Hàn), vùng trọng yếu trong thế phòng ngự chốt chặn của địch.

Trong khi bộ phận khảo sát thăm dò tìm đường thì bộ phận phía sau khẩn trương tổ chức lực lượng và chuẩn bị nguồn hàng đưa vào chiến trường.

Trong điều kiện miền Bắc có hòa bình, quân đội từng bước xây dựng chính quy hiện đại, một số cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những người là con em đồng bào miền Nam tập kết được đào tạo tại các trường sĩ quan trong quân đội. Một số đã chuyển ngành sang các cơ quan nhà nước, cơ sở kinh tế. Được điều trở lại miền Nam chiến đấu theo yêu cầu của cách mạng, vì nghĩa tình son sắt với miền Nam... tất cả đã vượt lên mọi toan tính đời thường, nhanh chóng xác định quyết tâm, sẵn sàng lên đường.

Cuối tháng 5 năm 1959, Đoàn đã tuyển được 440 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức hoàn chỉnh tiểu đoàn 301. Cán bộ, chiến sĩ được chọn hầu hết quê miền Nam, chủ yếu là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Toàn tiểu đoàn được tổ chức thành 11 đội (9 đội làm nhiệm vụ vận tải, 1 đội trinh sát bảo vệ, 1 đội làm nhiệm vụ xây dựng hậu cứ). Ban chỉ huy tiểu đoàn lúc mới thành lập gồm đại úy Chu Đăng Chữ (tức Vũ) tiểu đoàn trướng, đại úy Nguyễn Danh (tức Chính) chính trị viên, đại úy Ngô Văn Diệm tiếu đoàn phó. Về tổ chức Đảng, toàn tiểu đoàn tổ chức một Đảng bộ. Đảng ủy gồm ba đồng chí là Nguyễn Danh - Bí thư, Chu Đăng Chữ và Trần Ất (đảng ủy viên). Mỗi đội tổ chức một chi bộ. Cơ quan tiểu đoàn có các tiểu ban tham mưu, chính trị, hậu cần.

Sau khi ổn định tổ chức, toàn tiểu đoàn bước vào học tập chính trị. Cán bộ, chiến sĩ được phổ biến sẽ về Nam công tác, song tuyệt đối phải giữ bí mật ngay cả với gia đình, người thân. Yêu cầu cao nhất đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ lúc này là hoàn toàn tự nguyện, sẵn sàng cống hiến hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều nhận rõ vinh dự, tự hào, đồng thời cũng nhận rõ đây sẽ là một trận tuyến mới thầm lặng, nhiều thử thách khốc hệt. Ở đây người lính không chỉ chiến đấu với kẻ thù mà còn phải chống chọi với thời tiết nghiệt ngã, với thú dữ... của núi rừng Trường Sơn, với sự cô quạnh, cách biệt tổ ấm gia đình và xã hội.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #8 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2010, 08:51:04 am »

Những ngày tiếp theo, bộ đội được huấn luyện thể lực, tăng cường sức chịu đựng, chủ yếu là tập mang vác nặng, hành quân xa trong điều kiện đêm tối, trên địa hình phức tạp trung du vào mùa mưa. Những dãy núi đồi san sát ở Lâm Thao, Phú Thọ trở thành thao trường và điều kiện huấn luyện khá lý tưởng của tiểu đoàn 301. Đêm đêm, bất kể trời tạnh ráo hoặc mưa rào xối xả, trên vai là ba lô gạch nặng 30kg, những người lính lầm lũi leo đồi, vượt dốc. Thời gian hành quân mỗi đêm thường là 6 giờ. Lửa thử vàng, gian lao tôi luyện sức vóc và ý chí con người.

Việc chuẩn bị vũ khí trang bị để vận chuyển vào Nam cũng được tiến hành khẩn trương. Số vũ khí bộ binh chiến lợi phẩm ta thu được trong kháng chiến chống Pháp (chủ yếu là súng trường Mát, tiểu liên Tuyn - khoảng 20 tấn) trước đây do Cục Quân giới quản lý được lệnh chuyển toàn bộ cho Đoàn 559. Địa điểm tập kết vũ khí là bốt Lũ - Kim Giang, huyện Thanh Trì (cạnh bờ sông Tô Lịch), phía nam Hà Nội. Ngoài vũ khí, một số quân trang, quân dụng chiến lợi phẩm như ống nhòm, địa bàn, dao găm ... đã trang bị cho các đơn vị cũng được lệnh thu hồi và chuyển giao cho Đoàn 559.

Lúc này bốt Lũ vừa là kho, vừa là xưởng sửa chữa, hiệu chỉnh vũ khí do trung úy Nguyễn Ngọc Linh phụ trách. Mười bốn cán bộ, công nhân quân giới J23 ngày đêm tập trung sửa chữa, hiệu chỉnh từng khẩu súng bảo đảm chính xác cao. Nếu là vũ khí, trang bị do các nước xã hội chủ nghĩa sản xuất thì phải tẩy xóa hết ký hiệu.

Vũ khí sau khi sửa chữa, hiệu chỉnh, được bao gói, bảo quản cẩn thận. Việc đóng gói phải tính toán trọng lượng vừa sức người mang vác hành quân đường dài trong điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở (mỗi gói nặng khoảng 25kg). Súng đạn bao gói còn phải dự kiến tình huống khi vận chuyển gặp địch, phải cất giấu trong nước, trong bùn đất lâu ngày mà không han gỉ, hư hỏng.

Qua nhiều lần thử nghiệm, bộ phận bao gói tìm ra cách bôi khắp súng, đạn một lượt mỡ bảo quản, bọc một lớp vải nhúng paraphin và bọc ba lớp vải chống ẩm bên ngoài. Cả gói được cuộn chặt, đem dìm xuống đáy sông Tô Lịch; hơn nửa tháng vớt lên súng, đạn vẫn khô ráo bình thường. Kết quả thử nghiệm khiến mọi người vô cùng phấn khởi.

Vũ khí trang bị sau khi hoàn tất khâu bảo dưỡng, bao gói, được đoàn xe đặc biệt cua Tổng cục Hậu cần bí mật chuyển tới khu tập kết (chân hàng) của Đoàn 559 tại một cánh rừng già gần Khe Hó. Những đồ dùng thiết yếu hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn cũng được chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo. Từ chiếc bút viết, ca uống nước, thắt lưng, đến chiếc bật lửa... đều mua loại mà trước đây binh lính Pháp thường dùng trên chiến trường Việt Nam.

Các bước chuẩn bị cơ bản hoàn thành, toàn Đoàn được lệnh hành quân nhập tuyến. Ngày 4 tháng 6 năm 1959, tiểu đoàn 301 có lệnh "cấm trại", tổ chức cấp phát bổ sung quân trang, lương thực, thuốc quân y và những đồ dùng cá nhân thiết yếu. 19 giờ ngày 4 tháng 6, tiểu đoàn 301 hành quân từ nông trường Vân Lĩnh về ga Tiên Kiên (Lâm Thao, Phú Thọ). Sau đó đoàn tàu quân sự đưa những người con của miền Nam “thành đồng Tổ quốc" rời vùng đồi trung du về Hà Nội và chuyển tàu đi Hàm Rồng, Thanh Hóa. Tạm biệt những vùng quê còn nghèo nhưng đã gắn bó, đùm bọc trong mấy năm hòa bình xây dựng, cán bộ, chiến sĩ ra đi không khỏi bùi ngùi xúc động.

Từ Hàm Rồng, sau hai ngày, đoàn xe Lam Sơn (đoàn xe I) Tổng cục Hậu cần đã chở tiểu đoàn 301 vào tập kết tại doanh trại của Sư đoàn 325 ở tây nam thị xã Đồng Hới (Quảng Bình). Riêng đội 12 rẽ về huyện Lệ Thủy, hành quân bộ lên vùng núi Bang Rợn, thượng nguồn sông Kiến Giang, tổ chức khu hậu cứ của Đoàn tại làng Ho (Quảng Bình). Để bảo đảm bí mật, bộ phận xây dựng hậu cứ lấy danh nghĩa bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #9 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2010, 08:51:47 am »

Ngày 16 tháng 6 năm 1959, tại nhà khách Tỉnh ủy Quảng Bình, Ban Cán sự Đoàn 559 họp mở rộng triển khai kế hoạch rải tuyến. Dự họp có các đồng chí Bí thư Đảng ủy tiểu đoàn 301, bí thư các chi bộ. Đồng chí Ngô Văn Diệm báo cáo tình hình khảo sát mở tuyến, đặc biệt trên địa bàn phía nam sông Bến Hải, Tỉnh ủy Quảng Trị và huyện ủy Hướng Hóa đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ, cử cán bộ tham gia chỉ đạo giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa địa phương và đơn vị. Tỉnh ủy Quảng Trị cử 3 đoàn viên ưu tú người dân tộc Vân Kiều làm liên lạc, trinh sát ở những trọng điểm xung yếu: Hồ Ôi ở Ra Gã, Hồ Nuồn ở Chăng Hin - khe Nước Chay, Hồ Tèo khu vực đường số 9.

Vấn đề đặt lên hàng đầu là Đoàn 559 phải giữ được bí mật, giữ được cơ sở nhân dân. Để làm được điều đó, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 phải thật sự "địa phương hóa” cả về trang phục, cách thức sinh hoạt... Bộ đội hành quân cũng như trong khi chuyển hàng không được dùng gậy và giày, dép... Nếu trường hợp bị địch bắt phải nhận là cán bộ nằm vùng để nhân dân và cơ sở địa phương có lý do đấu tranh với địch. Việc mua bán hàng hóa tại chỗ tuyệt đối hạn chế, tránh gây xáo động lớn, làm cho địch nghi ngờ...

Từ thực tế trên, các đại biểu dự hội nghị xác định quyết tâm: "Lấy ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam làm cơ sở để chiến thắng mọi khó khăn thử thách ... đưa được nhiều vũ khí, trang bị về miền Nam. Thường trực cảnh giác với mọi hành động để tránh địch; dựa vào dân, hoạt động lâu dài”.

Sau hội nghị, Ban Cán sự lệnh cho cán bộ, chiến sĩ khẩn trương thay đổi trang phục, tìm kiếm mây rừng đan gùi như đồng bào Vân Kiều vẫn dùng để thay thế ba lô. Được sự hỗ trợ hết lòng của Khu ủy Đặc khu Vĩnh Linh, chỉ sau mấy ngày, toàn Đoàn đã có được hơn 1.000 bộ quần áo bà ba, 600 đôi dép lốp...

Hoàn thành các khâu chuẩn bị, ngày 20 tháng 6, tiểu đoàn 301 hành quân vào tập kết tại khu vực Khe Hó, lấy danh nghĩa là "Công trường khai thác gỗ" và "Nông trường chăn nuôi bò". Trên cơ sở kết quả khảo sát, toàn tuyến được bố trí làm chín đội. Quân số mỗi đội giảm dần từ đội đầu đến đội cuối cùng. Đội đầu có 60 cán bộ, chiến sĩ. Đội cuối: 30 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi đội tổ chức một chi bộ.

Đội 1 : Phụ trách cung đầu tiên, do trung úy đội trưởng Phan Văn Nho và thiếu úy đội phó Nguyễn Văn Hóa chỉ huy. Điểm đặt trạm 1 gần sở chỉ huy cơ bản tiểu đoàn 301 ở Khe Hó.

Đội 2: Phụ trách cung làng Mít (Vĩnh Linh) - Ra Gã, do trung úy đội trưởng Phạm Canh và trung úy chính trị viên Nguyễn Thúc Xuyên chỉ huy. Vị trí đặt trạm 2 ở bắc làng Mít.

Đội 3 : Phụ trách cung Ra Gã - bắc Chăng Hin, do trung úy đội trưởng Nguyễn Văn Chừng và thiếu úy đội phó Lê Toán chỉ huy. Điểm đặt trạm 3 ở nam sông Ra Gã.

Đội 4: Phụ trách cung Chăng Hin - nam động Voi Mẹp, do trung úy đội trưởng Nguyễn Cửu và thiếu úy đội phó Thi Huỳnh chỉ huy. Điểm đặt trạm 4 ở đỉnh 1600 (núi Chăng Hin).

Đội 5: Phụ trách cung nam động Voi Mẹp đến làng Cát Sứ bắc đường số 9, do trung úy đội trưởng Nguyễn Văn Tứ và thiếu úy đội phó Nguyễn Tiên chỉ huy. Điểm đặt trạm 5 ở đỉnh 1701 - nam động La Rừng.

Đội 6: Phụ trách cung từ làng Cát Sứ - vượt đường số 9 đến Ba Lòng, do trung úy đội trưởng Nguyễn Xuất và thiếu úy đội phó Trần Văn Hỷ chỉ huy. Điểm đặt trạm 6 ở nam động Cà Lư.

Đội 7: Phụ trách cung Ba Lòng - A So, do trung úy đội trưởng Hồ Huyền và thiếu úy đội phó Nguyễn Văn Tri chỉ huy.

Đội 8: Phụ trách cung A So - Pa Lin do trung úy đội trưởng Phạm Mãn và thiếu úy đội phó Nguyễn Văn Toàn chỉ huy. Điểm đặt trạm 8 ở Ly Tông.

Đội 9: Đóng ở Tà Rụt, bắc A Lưới, do trung úy đội trưởng Nguyễn Hiến và thiếu úy đội phó Nguyễn Văn Khánh chỉ huy. Đội có nhiệm vụ nhận hàng do đội 8 chuyển vào, giao cho đại diện Liên khu 5.

Chỉ huy tiền phương của tiểu đoàn 301 đứng ở trạm 5 và trạm 6 trực tiếp chỉ huy toàn tuyến, tại đây bố trí một máy vô tuyến điện và hai tổ trinh sát kiêm bảo vệ, liên lạc. Vô tuyến điện của sở chỉ huy tiền phương tiểu đoàn 301 chỉ được làm việc với vô tuyến điện chỉ huy sở Lữ đoàn 341 ở Vĩnh Linh. Từ Vĩnh Linh về Khe Hó dùng liên lạc chạy chân.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM