Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:42:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những câu chuyện về Hà Nội 60 ngày đêm  (Đọc 94801 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ducanbaby
Thành viên
*
Bài viết: 9

''honor is my loyalty''


« Trả lời #20 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2010, 10:46:09 am »

Các bác í thật dũng cảm. Thật đáng tự hoà cho thanh niên Hà Nội biệt bao, họ đã sống một cuộc hào hùng mà cũng rất đỗi hào hoa nhưng có lần hồi bé cháu nghe ông cháu kể là ''hồi toàn quốc kháng chiến thì người ta chia làm 2 đội rõ ràng ngoài các trung đoàn, tự vệ thủ đô ra thì ai cũng biết nhưng trong nhưng ngày gay go ác liệt nhất của cuộc chiến ở khu 1 thì chia ra làm 2 là ''cảm tử'' và ''quyết tử'' .theo cháu hiểu là những người cảm tử là để nói về tất cả những người lính vệ quốc nói chung sẵn sàng hi sinh vì đất nước nhưng mới chỉ sẵn sàng, dũng ''cảm'' đối mặt với cái chết thôi... còn nhưng người chiến sĩ với danh hiệu là chiến sĩ ''quyết tử'' thì đúng như cái tên đó họ quyết lấy cái chết của mình để ôm bom ba càng lao vào mạng đội mang với quân thù, tiêu diệt xe tăng và cơ giới của chúng. Mấy bác đó mới thực sự đáng nể cháu nghĩ thế, tinh thần chiến đấu của họ quá mạnh mẽ đến kì lạ. cháu hiểu thế Không biết có đúng không ak.Huh
Logged
superhv
Thành viên
*
Bài viết: 74


« Trả lời #21 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2010, 10:14:12 pm »

Giữa những lúc tổ quốc gian nguy mới thấy hết được ai là người yêu nước, ai mới xứng đáng là anh hùng ! Ngàn lần xin được nói lời cảm ơn với các thế hệ đi trước đã chiến đấu vì độc lập tự do và niềm tự hào dân tộc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #22 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 06:54:47 pm »

Trang này có nhiều bài về HN 60 ngày đêm, em cóp về đây:

60 năm nhìn lại 60 ngày “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”      


Hồi ấy, tôi là Bí thư chi bộ, chính trị viên Tiểu đoàn Đông Thành tức Tiểu đoàn 102 Trung đoàn Thủ đô Liên khu I. Tên gọi Tiểu đoàn Đông Thành do trận địa chiến đấu của chúng tôi nằm gọn trong khu Đông Thành, một trong bẩy tiểu khu của Liên khu I.

Khu Đông Thành có vị trí đặ biệt hiểm yếu, nằm sát Thành cổ Hà Nội, đại bản doanh quân đội Pháp, cũng là nơi tập trung quân đội Pháp đông nhất.

Giữa ta và địch chỉ cách nhau một con đường nhựa: đường Phùng Hưng chạy dài từ ngã 3 Phùng Hưng, Hàng Vải đến sát đường Hàng Bông – Cửa Nam, có 8 ngõ phố đâm thẳng vào khu Đông Thành: Hà Trung – Ngõ Trạm – Nguyễn Văn Tố - Chợ Hàng Da – Đường Thành – Nhà Hỏa – Bát Đàn – Cửa Đông.

Tất cả bộ binh, xe cơ giới trong thành đi đánh các nơi đều cơ động trên con đường này. Đường thẳng từ Cửa Đông ra rất thuận tiện cho bộ binh – xe tăng, xe bọc thép của địch kéo vào khu Đông Thành – phía Cổng Đục (ngã ba Hàng Vải – Phùng Hưng). Địch xây bốt ngay sát chùa Thái Cam, vì vậy mà ngay từ những ngày đầu kháng chiến, anh em Đông Thành đã phải chiến đấu rất gay go, quyết liệt, không ngày nào là không có đụng độ, và gần như đã xâm xẩm tối ta đánh địch, quấy phá địch. Vũ khí còn quá tiếng: Chiêng trống, thanh la, thùng, chậu, nồi, xoong, đám cháy sáng rực làm địch hoảng hồn.

Trong tất cả các trận đánh, quyết liệt nhất, táo bạo nhất, kéo dài nhất (3 ngày 3 đêm), hy sinh nhiều nhất và cũng là trận tấn công lớn nhất của địch vào khu Đông Thành là trận Hàng Thiếc.

Vị trí Hàng Thiếc là tuyến đầu, gắn bó mật thiết với sự sống còn của Tiểu đoàn bộ Đông Thành và sự an toàn của Trung đoàn bộ.

Cả Tiểu đoàn có 5 Trung đội chiến đấu và một Trung đội dự bị tăng cường đều bố trí bảo vệ xung quanh tuyến phố hàng Thiếc.

Đầu phía nam Hàng Thiếc đi vào Hàng Nón 200m là sở chỉ huy Tiểu đoàn (đóng tại nhà dệt Cự Doanh – phố Hàng Quạt), bố trí trung đội 5. Trung đội trưởng Tạ Doãn Địch giữ tuyến Hàng Quạt chặn đứng địch đánh từ hướng Lương Văn Can – Tô Tịch – Hàng Hòm đánh vào.

Đầu phía Bắc Hàng Thiếc qua Hàng Bồ là vào trung tâm Liên khu I (toàn bộ Trung đoàn bộ đóng tại phố Hàng Bạc và đầu phố Hàng Ngang, Ban chỉ huy trung đoàn đóng tại nhà Đức Bảo 94 Hàng Bạc) bố trí trung đội 2. Trung đội trưởng Nguyễn Trọng Hàm giữ dãy số lẻ Hàng Thiếc, Hàng Bồ Hàng Bút (Thuốc Bắc), Hàng Vải chặn đánh địch từ Thái Cam, Cửa Đông, Hàng Phèn.

Trung đội 4 – Trung đội trưởng Phùng Như Hùng giữ hai dãy phố chẵn lẻ Hàng Nón, Hàng Điếu chặn địch từ phía Hà Trung, Nguyễn Văn Tố, Ngõ Trạm, chợ Hàng Da đánh ra.

Trung đội 3 gồm phần lớn là tự vệ chiến đấu, công an xung phong, tự vệ thành do Trung đội trưởng Nguyễn Anh Dũng chỉ huy, bố trí dãy số chẵn phố Hàng Thiếc, Bát Đàn chặn địch đánh từ phía Cửa Đông, Đường Thành, Hàng Điếu, Bát Đàn đánh vào.

Trung đội 1 – Trung đội trưởng Lưu Đình Quế giữ tuyến dãy số chẵn phố hàng Gai (1/2 dãy phố còn lại của khu Hoàn Kiếm) – Hàng Hòm, Hàng Chỉ chặn đánh địch từ phía Hàng Trống, hỗ trợ cho tuyến Hàng Thiếc.

Trung đội 6 dự bị cơ động tăng cường Trung đội trưởng Xuân Viễn đóng tại nhà dệt Cự Doanh.

Từ sáng sớm ngày 7/02/1947 (10 ngày trước đêm lui quân) tất cả các khu vực phòng ngự của tiểu đoàn chìm trong khói lửa, nơi bị pháo địch nã dồn vào và bị tàn phá nặng nề nhất là phố Hàng Thiếc. Xe tăng địch đã vào ngã ba Hàng Nón – Hàng Điếu, bộ binh đi theo tràn vào Hàng Nón, sang Hàng Thiếc. Nhà thứ 1, thứ 2 bên số chẵn Hàng Thiếc đã bắn phá tan tành, Trung đội phó Trần Đan phải rút sang nhà thứ 3, liên tục ném lựu đạn. Anh em đã gom hết số lựu đạn ít ỏi cho Trần Đan, 1 quả nổ trong tay, bàn phải bị đứt máu chảy ròng ròng, lại tiếp tục ném bằng tay trái, anh em phải lôi ra đưa về quân y, cắt bỏ không có thuốc mê.

Một số anh em xông lên đã bị thương. Dư Quý Thu do ngắm bắn hở vai trái đã hi sinh ngay tại chỗ, anh em đưa về mai táng tại 20 Hàng Thiếc (nhà ông Lang Vòng).

Phía Hàng Nón địch chiếm nhà số 35 (Kim Quy) đặt súng máy trên tầng 2 bắn kiểm soát suốt dọc Hàng Thiếc, Hàng Bút (Thuốc Bắc); lập tức tiểu đội trưởng Cao Khắc Định (chốt 24 Hàng Nón) mang theo xăng crếp lao sang đốt phá tầng 1, miệng la hét “A-la-xô” rồi chay vội về vị trí an toàn, heo chiến sĩ Nguyễn Văn Quang yểm hộ cho Định đã hi sinh. Đồng thời địch tấn công sang nhà thuốc Đào Sĩ Chu bên số lẻ Hàng Nón. Ở đây có một tổ 6 chiến sĩ của trung đội 5 đã hi sinh 3, 1 bị thương cụt ngón út bàn tay phải khi tụt ống máng tầng 2 xuống (hiện đồng chí đó còn sống).

Phía hàng Hòm, xe bọc thẹp đã lù lù đầu Hàng Trống câu moóc – chi – ê sang Hàng Hòm. Khi em Trang Công Lũy đưa tôi sang tới nơi thì nhà Trung  đội trưởng Lưu Đình Quế đóng, mái ngói đã thụng trông thấy trời, nhiều anh em bị thương; có đồng chí đạn trúng đầu, óc bắn ra tung tóe, thật thảm thương.

Phía Bát Đàn địch đã chiếm nhà Nguyên Cát số 24.

Phía Hàng Vải, tiểu đội Nguyễn Hương Trọng đã mấy ngày bị đánh 4 trận liền, ụ chiến đấu đầu Hàng Vải giáp Bát Sứ bị bắn sập tan tành, chiến sĩ Hợi hy sinh, đến đêm anh em ra nhặt từng mảng thịt, xương bỏ vào bao tải mai táng tại một nhà gần đấy. Sáng 7/2 đánh phối hợp với trận đình Hàng Vải, tiến sát đình ném lựu đạn qua tường, anh em vừa nhặt ném lại vừa lui về Thuốc Bắc. Ụ chiến đấu của Phạm Khắc Khảo tại hè số 93 phố Thuốc Bắc (Quảng Hưng) bị ụ sung cối từ Cửa Đông nã thẳng vào, một quả trúng ụ, Khảo bị thương vào vai và gáy (hiện còn sống đã xếp hạng thương binh 4/4).

Địch đã thọc sâu vào Hàng Thiếc, ta địch giành nhau từng căn buồng, từng bờ tường, góc phố. Chúng chiếm nhà khôi Ký (số 18) đặt sung máy trên tầng 2 bắn thẳng sang dãy số lẻ là nơi quân ta đóng. Trung đội 2 phải rút sang Thuốc Bắc nhường Trung đội 3 Anh Dũng được lệnh rút về bên số lẻ.

Ta địch cách nhau một con đường hẹp, lúc ta đánh địch, lúc địch đánh ta, nên không còn dùng bộ binh được nữa mà hoàn toàn bằng hỏa lực, địch bắn liên thanh phun xăng đốt phá; đồng thời máy bay khu trục nhào lộn bắn xả xuống phía sau Hàng Thiếc.

Học tập kinh nghiệm Trung đội 5 Tạ Doãn Định hôm trước đã lập công xuất sắc bắn rơi máy bay địch bằng súng trường khi chúng nhào lộn uy hiếp và ném bom Hàng Bạc, Hàng mắm (sau trận đánh được tặng thưởng Huân chương chiến công ngay tại mặt trận), Nguyễn văn Phúc, chiến sĩ trung đội 2 nằm trên sân thượng nhà in Lê Cường (Hàng Bồ) bắn máy bay, bị địch trên máy bay bắn thủng sườn (đêm lui quân, anh em khiêng Phúc ra quân y viện Sơn Đồng – Hoài Đức – Hà Tây, bị Pháp tấn công bắn chết ngay sáng chuẩn bị ra viện).

Dãy số lẻ hàng Thiếc ngày càng bị tàn phá nặng nề. Phía sau sở chỉ huy tiểu đoàn, nếu địch vượt được qua đường đánh thốc vào các nhà đều thông nhau là chiếm được tiểu đoàn bộ, từ đó phát triển sang trung tâm sở chỉ huy trung đoàn chỉ còn một đoạn đường ngắn, già ½ phố Hàng Bồ.

Ngày 2 lần sáng chiều, Ban chỉ huy trung đoàn lệnh xuống “bằng bất cứ giá nào phải lấy lại bằng được dãy số chẵn”. Quá căng thẳng, chiến sĩ Thông, công nhân nhà máy thủy tinh Thanh Đức, giữa trưa vác búa lao sang đập phá rầm rầm cửa nhà Khôi Ký, khi quay về bị địch bắn chết giữa đường. Đêm đến ta ra mang đồng chí về làm lễ mai táng tại 31 Hàng Thiếc (nhà đồng chí Thọ “mù”, hòa bình về đồng chí Thọ đã lập bàn thờ 2 liệt sĩ, trước là bạn chống Pháp, sau là con trai liệt sĩ chống Mỹ).

Suốt 3 ngày đêm chiến đấu căng thẳng, quyết liệt, ngùn ngụt trong máu lửa, chiến sĩ Đông Thành đã lập công xuất sắc buộc địch phải rút quân, trả lại ta toàn bộ tuyến phố Hàng Thiếc và anh em Đông Thành đã giữ được nó trọn vẹn đến đêm cuối cùng lui quân 17/12/1947.

Địch bị thương và chết, khi lui quân chúng đã mang đi hết. Về phía ta, anh em ta bị thương nhiều, một số hy sinh không rõ tên tuổi. Buổi tối hôm trước mới bổ sung anh em chưa kịp tâm sự, thăm hỏi tên tuổi hoàn cảnh gia đình quê quán, vào trận đánh sáng hôm sau đã ngã xuống không một lời trăng trối. Các anh đã nằm lại trong lòng đất Hàng Thiếc ở tuổi 20, để lại bao tiếc thương cho đồng đội. Các anh đã thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng Bác trao: “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Hà Nội xưa là Khu XI có 3 liên khu I, II, III.

Liên khu I ở phía bắc nội thành (chiếm phần lớn là đất Hoàn Kiếm và một phần Ba ĐÌnh ngày này). Phía bắc liên khu coi như đất địch, ở đó có phủ toàn quyền, Sở Tài chính Đông Dương, Thành cổ Hà Nội, trường Chu Văn An … là nơi quân Pháp đóng và cũng là nơi tập trung biệt thự sĩ quan và gia đình Pháp kiều.

Khu Trúc Bạch nằm trong khu phố này nên từ ngày đầu chuẩn bị kháng chiến Thành ủy đã cho nhập vào khu Lãng Bạc thành khu Trúc Lãng, cửa ngõ tiếp tế vào Liên khu I.

Khu Hồng Hà nằm trên bãi giữa sông Hồng.

Khu Long Biên trụ được 1 ngày, ngày thứ 2 máy bay địch thả các thùng nhiên liệu xuống đốt phá. Cả khu Long Biên cháy như một biển lửa, cán bộ nhân dân táo tác chạy vào khu Đông Xuân và khu Đông Kinh Nghĩa Thục.

Khu Hoàn Kiếm sau hơn một tuần chiến đấu cầm cự chỉ còn lại ½ dãy số chẵn phố Hàng Gai phần nhập vào Đông Thành.

Liên khu I chỉ còn lại 3 phân khu không nguyên vẹn: Đồng Xuân, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục. Bốn bề địch bao vây khó khăn ngày càng nhiều, nước ăn uống, tắm giặt ngày càng hạn chế. Hàng ngày từng đoàn người cả Hoa lẫn Việt khó khăn tìm đến các giếng nước Hàng Thiếc – Hàng Mành … xếp hàng, hàng chục đơn của người Hoa xin tiếp tế lương thực … Để giảm bớt khó khăn, Ban chỉ huy quân sự mặt trận, Bộ tổng tư lệnh quyết định phải giảm bớt số quân ở lại, mỗi tiểu đoàn chỉ được giữ lại 150 người trực tiếp chiến đấu có chọn lọc. Người ở lại phải là tự nguyện, khỏe mạnh, có tinh thần chiens đấu cao. Đảng viên, đoàn viên được chọn trước, quần chúng do Đảng viên, đoàn viên giới thiệu.
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #23 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 06:54:53 pm »

Ngày 12/01/1947, tại Hội nghị quân sự Trung ương lần thứ 1, theo đề nghị của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn liên khu I được mang danh hiệu Trung đoàn Thủ đô – cũng trong ngày 14/01/1947 giữa ta và địch có thỏa thuận một ngày ngừng bắn để Hoa kiều, Ấn kiều và dân thường rút ra khỏi vùng chiến sự. Bác chỉ thị chỉ giữ lại 500 người, gửi danh sách ra cho Bác. Còn phải vận động theo dân ra hết để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài. Trong đoàn ra đi này có đồng chí Mai Trình, đội viên đội tuyên truyền xung phong khu Đông Thành do bị thằng “Thới” phố Hàng Nón chỉ điểm nên sau này đã bị bắt, bị giam và hy sinh trong tù Hỏa Lò.

Chỉ thị để lại 500 người, nhưng nhiều anh chị em, các cháu thiếu niên đã trốn ở lại, đêm tối mới trở về đơn vị, con số lúc báo ra đêm lui quân 17/02/1947 không kể số đã hy sinh là 1.200 (trong đó có 200 phụ nữ, 170 vệ út sinh quân).

Tiểu đoàn Đông Thành chấp hành nghiêm chỉnh, giữ lại đúng 500 người, bố trí đủ văn thư, quân y, trinh sát, quân báo – liên lạc, cứu thương … Vì vậy cả 5 trung đội chiến đấu và 1 trung đội dự bị tăng cường, quân số đều thiếu hụt, phải trải rộng ra để bảo vệ trận địa trước đây lực lượng đông hàng ngàn người.

Đinh ninh trong dạ sứ mệnh lịch sử Bác trao “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” với lời thề “Thanh niên Thủ đô sống chết với Thủ đô”. Anh em Đông Thành rất lạc quan, tin tưởng, không hề nghĩ đến ngày ra hậu phương dứt khoat nằm trong lòng Thủ đô thân yêu, tình đồng chí, đồng đội càng gắn bó thân thiết.

Nhưng đã đến lúc lương thực cạn, đạn chia nhau đến từng viên. Đã qua đi một tuần liên lạc ngoài tự do không tiếp tế vào được, Trung đoàn được lệnh lui quân ra hậu phương để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài.

Đêm 17/2 – đêm ra đi, Tiểu đoàn Đông Thành được lệnh “ra dưới gầm cầu Long Biên gặp địch đánh mở mở đường máu, không gặp địch bố trí nằm lại, các đoàn qua hết sẽ đi”.

Chiến sĩ Đông Thành ra đi bịn rịn không nỡ rời xa Hà Nội, nhưng phải chấp hành lệnh – nằm dưới gầm cầu Long Biên, bên trên là họng súng địch, chó béc-giê, trong đêm tối mênh mông nhìn Hà Nội bốc cháy, lòng ngậm ngùi hẹn ngày trở lại.

60 năm đã qua, nhìn lại những ngày đầu sục sôi chiến đấu, càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác, vào các thế hệ con Lạc cháu Hồng tương lai, khi đất nước có nguy biến tất cả đều xông lên, xả thân cứu nước, giữ nước, bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc.

Bác Hồ, Đại tướng Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã sáng suốt lựa chọn Liên khu I là nơi tiêu biểu của Hà Nội, với 36 phố phường nhà cửa san sát, đục tường nhà nọ bịt mắt địch, ta dễ dàng cơ động bên trong, bất thình lình tập kích địch, xong lại biến vào các nhà mất tăm.

Ta đã phá được âm mưu của địch “đánh úp, đánh chớp nhoáng” tiêu diệt lực lượng ta, chiếm Hà Nội trong vòng 24 tiếng.

(Địch gửi tối hậu thư buộc ta nộp vũ khí đầu hàng nên ta đã chủ động nổ súng trước, vào 8 giờ tối ngày 19/12/1946).

Khi cần thiết phải hy sinh, đã bố trí một lực lượng nhỏ ở lại kìm giữ chân buộc địch phải lúng túng đối phó với Hà Nội để cả nước có điều kiện chuẩn bị đi vào cuộc kháng chiến lâu dài. Khi Hà Nội còn tiếng súng, Pháp không thể tuyên bố đã chiếm được Hà Nội rảnh tay mở rộng chiến tranh ra ngoại thành và các tỉnh lân cận.

Khi điều kiện tới, đã sáng suốt mưu trí, trong tình thế cực kỳ khó khăn nguy hiểm, đã triệt để vận dụng 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Không còn cách nào khác là lựa chọn nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Chỉ trong một đêm đã đưa hết đoàn quân 1200 người (cả thương binh, phụ nữ, thiếu niên) ra hậu phương an toàn không mất một viên đạn.

Cuộc lui quân đã được dư luận thế giới và trong nước đánh giá cao là một cuộc “lui quân thần kỳ” có một không hai chưa từng xảy ra ở một cuộc chiến tranh nào, một quốc gia hay trong một lãnh thổ nào.

Giữ được bí mật tuyệt đối là điều quyết định nhất.

Theo lệnh của Ban chỉ huy Trung đoàn, Ban chỉ huy tiểu đoàn đã họp phân công rõ ràng, đi theo đội hình tiểu đoàn săn sàng chiến đấu: Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên đi đoạn đàu, Ủy viên chính trị, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Đàm Văn Ngọ đi đoạn giữa, Chính trị viên Tuyết Minh đi đoạn cuối cùng. Cán bộ Trung đội chỉ được phổ biến trước 2 giờ, chiến sĩ mang hết đồ đạc cá nhân coi như một cuộc chuyển quân, khi tập trung bắt đầu đầu đi mới được biết.

Về phía địch chúng tin tưởng chắc chắn sẽ tiêu diệt được ta. Khi Trung đoàn Thủ đô biến mất, thật là một điều hoàn toàn bất ngờ, một sự thất bại đau đớn. Chúng điên cuồng lồng lộn đuổi theo. Đội giao thông liên lạc do đội lạc hướng địch, 8 người hy sinh. Quân dân Tứ Liên chờ sẵn thuyền đưa bộ đội qua sông bị chúng trả thù đốt nhà, giết dân, phá nát thuyền bè…

Trong cuộc sống thường có may rủi một cuộc lui quân hàng ngàn con người thắng lợi là một vận may vô cùng to lớn, chỉ sơ xuất một tý địch phát hiện được thì tai họa sẽ vô cùng khốc liệt, sẽ hy sinh nhiều, một số có thể bị bắt sống.

Có hai tình huống đã xảy ra lúc đó: Đêm đó tối mênh mông mưa phùn gió rét buốt căm căm, sáng sớm hôm sau sương mù còn dày đặc, lính và chó chui hết vào trong vọng gác. Mặt khác, các vọng gác bố trí trên thành cầu để kiểm soát đường liên lạc tiếp tế ra vào của hậu phương đã bị tập kích, quấy rối liên tục đã phải rút sâu vào trong cầu. Một phần nữa rất quan trọng là đối với một đội quân gồm đủ cả ba thứ quân: Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu, Tự vệ sao vuông đủ thành phần học sinh, thợ thủ công, thanh niên, nam nữ thiếu niên, người các địa phương về học tập chữa bệnh tham gia, Lưu Công Hùng cán bộ Hà Tây đã trở thành chính trị viên Trung đội I – một đội quân đã được Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chăn lo sinh mệnh theo dõi từng ngày từng giờ, có nhân dân cả nước luôn hướng về Thủ đô với lòng yêu thương mến trọng – Một đội quân đã tự nguyện sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” nên đã có một sức mạnh thiêng liêng nào đó ủng hộ giúp đỡ, bịt mắt địch, khiến chúng có mắt như mù, lúc mở mắt ra cả một trung đoàn đã biến mất. Đó là Vận nước.

Một điều cơ bản nữa là truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Hào khí Thăng Long từ ngàn xưa còn truyền lại, truyền thống ngoại xâm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã thấm sâu vào máu thịt con em đất Tràng An. Hầu hết các chiến sĩ quyết tử là con em gia đình các khu phố cổ. Với tất cả nhiệt tình hăng say của tuổi trẻ đã nhất tề đứng lên kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch với lời thề ”Thanh niên Thủ đô quyết sống chết với Thủ đô” rất tự nguyện tin tưởng lạc quan, coi cái chết nhẹ nhàng “Dứt tiếng súng là tiếng đàn tiếng hát lại vang lên khắp chiến hào” với quyết tâm thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng Bác Hồ trao “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

60 năm đã qua đi, những anh em còn sống đến ngày nay chúng tôi vẫn thường gặp mặt thăm hỏi động viên nhau ôn lại kỷ niệm xưa, lại nhớ đến đồng đội của mình đã hy sinh còn nằm lại trong mảnh đất Đông Thành thân yêu.

Riêng tôi mỗi khi có việc về hoặc đi qua Đông Thành lòng lại bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày đêm Hà Nội chìm trong máu lửa, bao đồng đội, đồng chí của tôi đã ngã xuống lúc tuổi còn phảng phất đâu đây, mang nặng lời thề “Sống chết với Thủ đô”.

Những địa danh: Hàng Thiếc, Hàng Hòm, Hàng Nón, đình Hàng Vải, Rạp O-lym-pi-a, chợ Hàng Da, Nguyễn Văn Tố, Đường Thành… còn vang mãi trong lòng người dân Đông Thành, ghi đậm chiến công, gương hy sinh oanh liệt của các đồng chí, đã góp phần làm Liên khu I thành một điểm son lịch sử oai hùng chống ngoại xâm của Hà Nội.

Tuyết Minh

Nguyên chính trị viên tiểu đoàn 102

Khu Đông Thành, Liên khu I

Theo Hà Nội bản hùng ca bất tử mùa Đông năm 1946, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội – Ban Tuyên giáo, NXB Thế Giới, 2006.
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #24 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 06:55:31 pm »

Tuổi thơ tôi mùa Đông Hà Nội
     

Cuối năm 1946, do yêu cầu của tình hình nhiệm vụ, Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, đổi tên là “Đội đặc vụ Vệ quốc đoàn” nòng cốt của tự vệ Hà Nội với 5 Trung đội đóng quân trong Thành phố. Đêm đêm phân tán thành những tổ chiến đấu xuống các cơ sở cùng tự vệ và nhân dân các khu phố xây dựng lực lượng, để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Là liên lạc viên của Đội, ban ngày tôi làm việc tại nhà Đấu Xảo (nay là Cung văn hóa hữu nghị) nơi đặt Sở chỉ huy của Đội. Ban đêm tôi thường về ở với tổ chiến đấu ở số nhà 4 và số nhà 6 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Nơi đây là nhà riêng, và là bệnh viện tư của gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính thành phố Hà Nội. Tổ này gồm 6 người do anh Bạch Ngọc Liễn làm tổ trưởng (anh Liễn sau là Thiếu tướng, Viện phó chính trị Học viện sĩ quan hậu cần). Tổ được lệnh: khi bọn Pháp đưa hai Tiểu đội Âu Phi đến đóng ở nhà tên Lơ-Mét, sĩ quan pháo binh Pháp, ngay cạnh nhà anh Trần Duy Hưng thì nhiệm vụ chính của tổ là: bảo vệ đồng chí Chủ tịch và gia đình; ngoài ra còn có nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị tự vệ quanh khu vực khoan cây, đục tường và bí mật đào ra một đường hào ngầm từ bên trong nhà 71 Tràng Thi ra tới tim đường để chôn 1 quả bom 50 kg đánh cơ giới địch.

Sáng ngày 19/12, tôi qua Tòa soạn báo Cứu quốc ở phố Hàng Trống để nhận báo cho đơn vị. Khi trở về Đấu Xảo, tôi được anh Vũ Yên trong Ban chỉ huy Đội (anh Vũ Yên sau là Thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân). Anh gọi tôi vào phòng làm việc, không giao cho tôi những công văn, giấy triệu tập như mọi ngày mà truyền đạt lệnh bằng lời, không cho ghi chép. Nội dung lệnh: Đúng 8 giờ tối nay, khi toàn Thành phố tắt điện- đó là hiệu lệnh nổ súng. Các đơn vị phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

Tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, ghi nhớ trong lòng rồi ra đi chuyển lệnh cho các Trung đội. Ở tuổi 13 lúc đó tôi hiểu mật lệnh chính là ý chí và quyết tâm, với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhân dân ta luôn mong muốn được sống hòa bình, đã buộc phải cầm súng chấp nhận một cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc, giành lại độc lập tự do cho đất nước.

Buổi chiều tôi trở về nhà Đấu Xảo thấy quang cảnh thật nhộn nhịp. Mọi người đều khẩn trương chuẩn bị. Cửa kho quân khí mọi ngày luôn khóa chặt hôm nay được mở rộng. Súng đạn, lựu đạn, mìn dẻo… trong kho được đem chia hết cho các đơn vị., Khi qua khu nhà bếp, tôi thấy các anh nuôi đang làm thịt ngỗng. Đàn ngỗng chúng tôi nuôi đã từng giúp đơn vị trong việc phát hiện người lạ, bảo vệ doanh trại. Nhìn những con ngỗng bị giết nằm ngổn ngang, tôi thấy thương thương. Tuổi trẻ tinh nghịch, hàng ngày mấy đứa liên lạc chúng tôi thường rủ nhau trêu đùa với những con ngỗng rồi bỏ chạy cho chúng đuổi theo, và cùng thích thú vui cười với nhau. Thấy tôi im lặng đứng buồn, các anh nuôi an ủi: Em yên tâm, ngày mai các anh sẽ đi mua đàn khác về nuôi. Các chú ngỗng con có bộ lông vàng đẹp hơn nhiều.

Như thường lệ, tối 19/12 khi trở về chiến đấu ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, tôi đã thấy mọi người tập trung đông đủ mang theo vũ khí. Ngoài các anh quen biết trong tổ: Liễn, Tuyển, Tân, Cần, Định, Châu, còn có các anh Dũng, Vượng, Nhượng. Anh Nguyễn Anh Dũng vừa đi dự một lớp tập huấn quân sự ở Sơn Tây về, là cán bộ chỉ huy chung của các tổ của đơn vị ở khu vực Ngã tư Cửa Nam, nhưng anh Dũng trực tiếp đi với tổ.

Hai anh Trần Duy Vượng, Trần Duy Nhượng là em anh chị Trần Duy Hưng và là hai thầy thuốc chính của bệnh viện gia đình, hàng ngày ngoài giờ khám chữa bệnh cho bệnh nhân, các anh lại tranh thủ học sử dụng các loại súng, tham gia đào đường hào, đặt bom cùng anh em trong tổ. Đêm 19/12 gia đình đã rời khỏi thành phố, nhưng các anh xin ở lại để được cùng anh em chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Tổ còn được bổ sung Đội Tự vệ  bến xe Cửa Nam của anh Nguyễn Đình Nghi. Các anh Vượng, Nhượng được tổ tin tưởng giao giữ khẩu trung liên Bờ-ren-nô đầu bạc. Anh Nguyễn Quang Châu xin nhận nhiệm vụ điểm hỏa quả bom 50 kg đánh xe địch trên đường Tràng Thi. Anh Dũng, anh Liễn kiểm tra và nhắc nhở anh em nhiệm vụ lần cuối rồi ôm hôn từng người. Anh Thừa Tuyển, người vui tính nhất của tổ rất xúc động tới bên tôi, anh cho tôi quả lựu đạn Nhật của riêng mình mà hàng ngày anh rất quý, giữ gìn cẩn thận không cho ai động tới. Anh em trao đổi cho nhau những viên đạn, những quả lựu đạn vàcùng hứa hẹn lập công, rồi chia tay.

Tôi theo anh Dũng và tổ Trung liên sang dãy nhà lẻ phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, vào một cửa hàng bánh ngọt đối diện với nhà Lơ-Mét. Chủ nhà đã tản cư khỏi thành phố, chỉ còn lại người thợ trẻ phụ việc làm bánh trông nom, tên anh là Sinh; theo yêu cầu của anh Dũng, anh vui vẻ mở cửa dẫn chúng tôi lên sân thượng để tìm vị trí đặt khẩu trung liên hướng sang nhà Lơ-Mét. Trên cao gió mùa đông bắc thổi mạnh, giá lạnh cùng sự hồi hộp làm tôi rét run người.

Mấy anh em ngồi sát vào nhau cho đỡ lạnh để chờ hiệu lệnh. Giờ này, bên nhà Lơ-Mét bọn lính Âu Phi đang ăn tối. Chúng cười nói, gọi nhau ầm ĩ, chắc không nghĩ giờ đền tội của bọn chúng sắp tới.

Đã quá giờ quy định, nhưng Hà Nội vẫn sáng đèn. Mọi người đang nóng lòng chờ đợi, chỉ lo giờ G không tới. Bỗng đèn thành phố vụt tắt, tiếp đó là những tiếng nổ lớn. Tiếng anh Dũng nhắc: Anh em, chuẩn bị bắt đầu rồi! Chúng tôi nhanh chóng về vị trí. Sau khẩu lệnh: “Mục tiêu nhà Lơ- Mét, bắn!”, khẩu trung liên bắt đầu khai hỏa, cùng tiếng súng trường, tiểu liên và lựu đạn nổ bên trong nhà Lơ-Mét. Ngay từ phút đầu bọn lính Âu Phi bên nhà Lơ-Mét bất ngờ bị trúng đạn, hoảng hốt rên la kêu khóc. Hình ảnh những tên lính Pháp mọi ngày nghênh ngang, hống hách đi gây tội ác giờ đang bị trừng trị làm chúng tôi thêm hào hứng phấn khởi. Súng nổ khắp nơi, cả Hà Nội dêm nay đang bắt bọn xâm lược Pháp phải đền tội. Khẩu trung liên của các anh Vượng, Nhượng liên tiếp nhả đạn yểm trợ cho các tổ vượt tường sang nhà Lơ-Mét phá cửa lao vào đánh chiếm tầng dưới, diệt những tên địch đang ngoan cố chống cự.

Một tiếng nổ lớn của quả bom trên đường Tràng Thi làm rung chuyển nhà cửa. Bụi đá bay rào rào, cửa kính của những nhà xung quanh khu vực đổ vỡ loảng xoảng. Mắt hoa, tai ù, ngực đau tức, tôi có cảm giác như chính ngôi nhà mình đang đứng bị sập. Cùng lúc đó, từ phía ngã tư Quán Sứ xuất hiện một đoàn xe địch hướng về nhà Đấu Xảo. Bỗng một chiếc xe bọc thép tách khỏi đoàn hướng về phía chúng tôi. Khẩu đại liên trên xe nhả đạn dọc con đường Hàng Bông Thợ Nhuộm. Bọn địch liều mạng tới cứu nguy cho đồng bọn ở nhà Lơ-Mét. Anh Dũng nhắc anh em chuẩn bị đánh xe địch. Tôi nắm chặt trong tay quả lựu đạn Nhật mà anh Tuyển cho, rút sẵn chốt an toàn, chờ cho xe địch đến gần, khi khẩu trung liên chuyển làn đón xe địch, tôi đập mạnh quả lựu đạn. Tiếng nổ của kíp làm tôi hoảng hốt vội vàng ném luôn. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ném lựu đạn. Do ném vội nên không rtúng xe địch, vì quả lựu đạn đã rơi và nổ trên vỉa hè. Xe địch đã chạy thoát nhưng hoảng sợ trước hỏa lực của các đơn vị quân ta trong khu vực, bọn địch không dám quay đầu lại để cứu đồng bọn ở nhà Lơ- Mét. Còn tôi đã có những bài học đầu tiên và lòng tin ở mình, sau này qua những năm tháng trong quân ngũ, được tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh, tôi không nhớ mình đã ném bao nhiêu quả lựu đạn, nhưng tôi mãi mãi không bao giờ quên quả lựu đạn Nhật đầu tiên tôi đã ném trên đường Hàng Bông Thợ Nhuộm đêm 19/12/1946 – khi Hà Nội cùng cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược Pháp.

Bên nhà Lơ-Mét cuộc chiến đấu đang tiếp diễn, những tên địch sống sót rút chạy thẳng lên tầng trên liều chết chống cự. Khẩu trung liên của anh Vượng, Nhượng đang bắn bỗng dở chứng kẹt đạn. Mất hoả lực kiềm chế, từ cửa sổ tầng trên nhà Lơ-Mét bọn địch thả lựu đạn, bắn tiểu liên xuống khu vực quanh sân. Tổ anh Nghi báo cáo đã có thương vong, hai anh Vượng, Nhượng vẫn loay hoay với khẩu súng bị kẹt đạn. Anh Dũng lệnh phải sang tổ anh Liễn, Tuyển lấy thông nòng. Biết nhiệm vụ của mình, tôi bật dậy chạy xuống cầu thang lao nhanh qua đường sang nhà số 4, nhưng cổng ngoài cửa đã khóa, muốn vào bên trong chỉ còn cách trèo qua cổng. Bọn địch từ cửa sổ tầng hai nhà Lơ-Mét liên tiếp ném lựu đạn, bắn tiểu liên sang nhà số 4. Trèo qua cổng lúc này không an toàn, nhưng nghĩ tới khẩu trung liên bị kẹt đạn đang cần thông nòng, quân ta đang cần hỏa lực yểm trợ để tiếp tục cuộc chiến đấu. Tôi vùng dậy, hai tay bám vào cổng sắt leo nhanh. Khi vừa đưa được một chân qua cổng, còn đang lúng túng chưa kịp tụt xuống bỗng một bàn tay nắm chặt cổ chân tôi kéo mạnh. Tôi ngã đè lên một người. Đúng lúc đó từ cửa sổ tầng hai nhà Lơ-Mét chớp lửa, một băng tiểu liên nổ, đạn găm vào bức tường rào trên chỗ chúng tôi nằm. Có tiếng quát nhẹ bên tai: “Sao liều thế, chúng có thể bắn chết em”. Tôi vui sướng nhận ra anh Thừa Tuyển. Biết tôi sang lấy thông nòng, anh tháo chiếc thông nòng ở khẩu súng trường của mình đưa cho tôi và dặn: “Đừng trèo qua cổng nguy hiểm lắm, anh có chìa khóa”, rồi anh dướn cao người mở khóa. Khi cánh cổng sắt vừa hé mở, tôi lách người vọt chạy sang đường. Có tiếng súng địch bắn đuổi nhưng tôi đã ở trong nhà, và lao nhanh lên chỗ khẩu trung liên trước sự vui mừng của mọi người. Chiếc vỏ đạn kẹt nhanh chóng được lấy ra. Khảu trung liên lại tiếp tục nhả đạn diệt hỏa điểm của địch ở cửa sổ tầng 2 nhà Lơ-Mét, yểm trợ cho tổ anh Liễn, Tuyển, Nghi phản kích lại tầng 1 diệt thêm một số tên địch.

Trời đã gần sáng, theo lệnh anh Dũng, anh em khuân những chiếc đệm bông của bệnh viện chất quanh chân cầu thang, rồi dùng chai xăng crếp phóng hỏa đốt. Ngọn lửa bùng cháy trong tiếng la thét của giặc. Cả đơn vị rút sang dãy nhà số lẻ phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, kiểm điểm quân số, thiếu vắng một số người. Ba anh trong tổ tự vệ của Bến xe Cửa Nam đã hy sinh. Các anh đều còn rất trẻ. Chúng tôi mới chỉ gặp được nhau vài giờ trước lúc nổ súng, chưa kịp biết tên nhau. Anh em thương tiếc vĩnh biệt các anh – những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đầu tiên của đơn vị bảo vệ Hà Nội. Ngoài các anh đã hy sinh, anh Nguyễn Quang Châu khi cho nổ quả bom đánh xe địch trên đường Tràng Thi, bị bụi vữa, đất đá văng vào mắt, không nhìn được, anh em đang dùng nước sạch rửa mắt cho anh. Trên vỉa hè đường Tràng Thi, sát tường nhà số 71-73, xác chiếc xe tăng địch bị sức nổ của quả bom 50 kg hất lên cháy đen thui còn đang nằm chềnh ềnh ra đó!

Nguyễn Hoán

Nguyên vệ út, liên lạc viên trung đội 3, Tiểu đoàn 102 khu Đông Thành, Liên khu I kể

Đặng Tích ghi

Theo Hà Nội bản hùng ca  bất tử mùa Đông năm 1946, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội- Ban Tuyên giáo, NXB Thế giới, 2006.
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #25 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 06:56:40 pm »

Đánh địch ở Bắc Bộ phủ
    

Khoảng  8 giờ tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, cả thành phố Hà Nội đèn điện phụt tắt. Giặc pháp nổ súng tấn công đánh úp ta ở trụ sở liên lạc Việt- Pháp, ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên, vv… để mở đầu cho mưu toan tấn công toàn diện vào cơ quan Chính phủ và quân đội ta ở Thủ đô Hà Nội vào sớm ngày 20 tháng 12.

Tổ quốc lâm nguy! Giờ cứu nước đã đến!

Không còn con đường nào khác, chúng ta phải vùng dậy kháng chiến chống xâm lăng. Bản mệnh lệnh lịch sử của đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp được nhanh chóng truyền đi khắp mặt trận. Pháo của ta ở pháo đài Láng và Xuân Tảo gầm thét trút căm hờn bắn vào đầu giặc trong thành Hà Nội. Tiếng súng lớn, súng nhỏ ầm vang. từng đám lửa bùng cháy đỏ rực thành phố. Các tổ tuyên truyền sục sôi phát đi những lời kêu gọi cứu nước.


Bắc Bộ phủ ngày nay. Ảnh: Vũ Hưng

Khắp nơi nhân dân khẩn trương khuân bàn ghế, tủ chè, sập gụ, quầy hàng, hương án, hòm xiểng và hàng trăm đồ đạc quý giá khác quăng ra đường phố làm chướng ngại hàng cây số để cản trở cơ giới của giặc. Công nhân xe lửa, xe điện đánh đổ đầu tầu, toa tầu để ngăn các ngả đường Cửa Nam, Khâm Thiên, Phố Huế. Ở nhiều nơi  nhân dân đã cùng các chiến sỹ tự vệ khu phố tiếp tục đào hào, xếp bao cát thành các ụ súng. Tại chỉ huy sở tiền phương (1), của Bộ chỉ huy mặt trận, chuông điện thoại réo liên hồi. Đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn luôn theo dõi sát sao tình hình, ra chỉ thị và động viên các cán bộ, chiến sỹ đang ngoan cường anh dũng chiến đấu trên toàn mặt trận. Đồng chí Nguyễn Văn Trân ở chỉ huy sở cơ bản, qua đường dây điện thoại  luôn luôn nhắc nhở, củng cố quyết tâm cho cán bộ chỉ huy mặt trận kiên quyết chấp hành sáng tạo quyết tâm của Đảng ủy. Sau đó đồng chí trực tiếp đi kiểm tra, động viên bộ đội ở Pháo đài Láng. Tin chiến sự từ các liên khu được báo cáo tới tấp về chỉ huy sở. Ngay từ phút đầu cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt.

Tướng tá thực dân Pháp ở Hà Nội hí hửng cho rằng chúng đánh úp Chính phủ ta, xâm chiếm Thủ đô dễ như trở bàn tay, chỉ 24 tiếng đồng hồ là nuốt chửng Hà Nội. Nhưng tiếng súng xâm lược của chúng vừa nổ, nhân dân Hà Nội vạn người như một đã nhất tề đứng lên kháng chiến. Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội ra lệnh cho các đơn vị Vệ quốc đoàn, công an, dân quân tự vệ lập tức đánh trả lại quân xâm lược trên toàn mặt trận. Khu vực Bắc Bộ phủ đã diễn ra những đợt chiến đấu vô cùng ác liệt kéo dài suốt một đêm, một ngày. Khi quân địch bắt đầu nổ súng, chiến sỹ ta nhanh chóng bấm điện trái bom 25 kg theo đường ngầm đã đặt sẵn ở dưới nền nhà khách sạn Mê-tơ-rô- pôn (2) nhưng rất tiếc là bom cũ, hỏng kíp nên không nổ. Quân địch dùng súng máy bắn sang Bắc Bộ Phủ rất dữ dội. Ta cũng dùng súng máy bắn trả lại và cho bộ binh xung phong sang khách sạn …

Ngay khi đó, ở nhà máy điện Bờ Hồ, trong chớp nhoáng, công nhân nhà máy điện đã cùng Vệ quốc đoàn quật cho bọn gây chiến ở đây không sống sót một tên. Bộ chỉ huy Pháp ở trong thành tung lực lượng cơ động đi các hướng hòng đè bẹp các lực  lượng của ta trong chốc lát. Cánh quân thứ nhất chừng 300 lính lê dương, 8 xe tăng, 10 xe bọc sắt có pháo binh súng cối yểm hộ, từ trong thành tiến ra khu vực Bờ Hồ, hy vọng nhanh chóng bao vây, bắt sống, tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não của ta. Đoàn xe của địch tới ngã năm Cửa Nam, ta giật trái bom chôn ngầm dưới đất nhưng bom không nổ. Bộ binh cơ giới địch vượt qua được Cửa Nam. Chúng hùng hổ tiến đầu phố Tràng Thi thì phải dừng lại, vì bị tủ chè, sập gụ, quầy hàng của nhân dân vứt chồng chất như núi ở giữa đường. Tự vệ từ trên mái nhà, trên tầng gác lao bom, ném lựu đạn, nã súng máy như đổ lửa xuống đầu địch. Bom nổ, một xe thiết giáp của địch bị tan tành. Quân địch chạy toán loạn lùi trở lại bắn phá, đồng thời chúng tách một bộ phận theo đường phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm để đánh vòng sau lưng ta. Nhưng toán quân này cũng bị chặn lại. Pháo binh, súng cối của chúng bắn phá rầm rầm vào hai dãy nhà bên đường phố. Hơn một giờ sau, quân địch tới Bắc Bộ Phủ. Một xe tăng án ngữ ở cửa nhà băng(3), một xe tăng trước cửa nhà Gô- đa(4), một xe tăng ở phía trước cửa Nhà hát Lớn, còn một số xe bọc sắt đến vườn hoa Chí Linh ( 5) dừng lại, 3 tên lính Pháp nhảy xuống đặt súng máy trên nền đất cao định bắn vào Tòa thị chính (6), bị bộ đội ta trên gác bắn ra, một tên địch chết ngay tại chỗ, hai tên khác rút chạy lên xe. Trong đêm 19 tháng 12, ở Bắc Bộ, quân ta chiến đấu vô cùng anh dũng, quân địch không thể nào tiến vào được. Một quyết tử quân là cán bộ tiểu đội sắp được Bộ chỉ huy quyết định đề bạt lên trung đội trưởng đã ôm bom ba càng lao tới phá hủy ngay tức khắc chiếc xe tăng địch đi đầu. Chiếc xe khác đi vòng sang bên sườn bắn yểm hộ, đồng chí đã trở vào xin thêm bom. Nhanh như cắt, đồng chí lao cả người, cả bom vào xe tăng địch. Nhưng bom không nổ, đồng chí đã hi sinh, Tinh thần chiến đấu anh dũng ấy đã động viên các chiến sỹ ở Bắc Bộ phủ ngoan cường giữ từng cửa sổ, từng bức tường, quyết không cho địch đánh chiếm dễ dàng. Quân địch đành phải tập trung quân tấn công đánh chiếm Tòa thị chính, tạo thành thế bao vây phía tây bắc đối với Bắc Bộ phủ, chờ quân tiếp viện và chờ trời sáng sẽ tiếp tục tấn công ta.

8 giờ sáng ngày 20 tháng 12, địch lại nã trọng pháo, súng cối vào Bắc bộ phủ, yểm hộ cho một cánh quân đánh thẳng chính diện, một cánh quân từ vườn hoa Chí Linh đánh tạt sang, một cánh quân khác tiến đánh nhà Bưu điện hình thành mũi bao vây phái sau Bắc Bộ phủ, xe tăng địch lồng lên, gầm rú nhằm vào cửa sổ, góc tường, ụ đất bắn phá hòng uy hiếp tinh thần chiến sỹ ta. Các chiến sỹ vẫn giữ bí mật, không hò reo, bắn trả lại. Chúng tưởng quân ta bị tê liệt. Nhưng vừa tới tầm lựu đạn, từ các góc tường, cửa sổ, hàng loạt bom, chai cháy, lựu đạn ném ra; súng trường tiểu liên bắn xả vào bộ binh địch. Bọn sống sót lại xô đẩy nhau rút chạy. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 11 giờ 30. Đạn dược gần hết, lựu đạn, chai cháy, bom ba càng cũng không còn nữa. Các chiến sĩ đề nghị chiến đấu đến người cuối cùng. Lê Gia Đỉnh, chính trị viên đại đội ra lệnh cho tất cả các chiến sỹ còn lại dìu thương binh theo giao thông hào rút về nhà Bưu điện. Các chiến sỹ nói: " Sống cùng sống, chết cùng chết, cho chúng tôi ở lại đây chiến đấu với anh ". Lê Gia Đỉnh giải thích: "Kháng chiến còn lâu dài, chúng ta không chủ trương cố thủ mấy ngôi nhà này. Chiến đấu như vậy là các đồng chí đã làm tròn nhiệm vụ. Các đồng chí phải rút để bảo toàn lực lượng, nhiệm vụ các đồng chí còn nặng nề. Các đồng chí hãy xứng đáng là những người chiến sỹ bảo vệ dinh Hồ Chủ tịch."

Giặc Pháp thấy quân ta bắn ra lẻ tẻ, chúng dùng xe  tăng húc đổ hàng rào sắt, bộ binh ào ạt xung phong. Chúng tiến vào cầu thang, đánh lên gác. Lê Gia Đỉnh xông ra dật kíp quả bom  lớn (7)…Nhưng tên giặc đi đầu hoa mắt, chạy tóe trở ra vô cùng khiếp đảm, run sợ trước tinh thần chiến đấu quật cường của chiến sỹ ta, những con người của một dân tộc anh hùng:’’ Quyết không chịu làm nô lệ"…Bắc Bộ phủ lúc này chỉ còn là những căn phòng đổ nát, không người. Vì Bác và cơ quan Chính phủ đã rời khỏi đây từ lâu, làm việc bí mật ở nơi khác và đã về căn cứ chỉ đạo ngay từ khi quân địch sắp gây hấn. Giặc Pháp vừa run sợ trước tinh thần chiến đấu của quân dân ta, vừa thất vọng vì phải trả một giá rất đắt mà cuối cùng vẫn không thực hiện được cuồng vọng là đánh úp cơ quan lãnh đạo và lãnh tụ của ta. Chúng dè dặt, tiếp tục tấn công sang Bưu điện, ở đây có hơn 20 nam, nữ công nhân viên, một tiểu đội Vệ quốc đoàn và một chiến sỹ ở Bắc Bộ phủ về thành một lực lượng phòng thủ tương đối mạnh. Quân địch tấn công đến chiều tối vẫn không chiếm được đành phải rút về nhà băng Đông Dương để củng cố. Sau một đêm ngày giao chiến, giặc Pháp đã phải bỏ xác tại khu vực này 122 tên (số bị thương chúng chuyển đi nên không rõ), 2 xe tăng, 1 xe gip, 2 xe vận tải bị phá hủy và 2 xe tăng khác bị đứt xích; bên ta gần một trung đội Vệ quốc đoàn thuộc tiểu đoàn 101 đã anh dũng hi sinh . Các chiến sỹ Bắc Bộ phủ đã làm cho kẻ địch bắt đầu dè chừng, chùn bước.

Trung tướng Vương Thừa Vũ

Theo Hà Nội bản hùng ca bất tử mùa Đông 1946, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội - Ban Tuyên giáo, NXB Thế giới, 2006, tr 25- 30.

(1) Nhà gạch hai tầng, đông bắc cầu xi măng, phía trường Bạch Mai.

(2) Ngay từ khi giặc Pháp ráo riết hành động mở đầu cuộc gây hấn xâm chiếm Thủ đô thì tự vệ và Vệ quốc đoàn đã đào đường ngầm chôn bom sẵn sàng đánh lại khi bị chúng tấn công.

(3) Nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(4) Nay là Trung tâm thương mại  Tràng Tiền.

(5 ) Nay là vườn hoa Lý Thái Tổ

(6 ) Nay là trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố.

(7 ) Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, quân ta rút ra khỏi Bắc Bộ Phủ. Quân địch ập vào. Để giữ trọn lời thề trước khi nổ súng: "không cho địch nghênh ngang chiếm nhà Cha Hồ", Lê Gia Định đã nhanh nhẹn xông ra đập kíp làm nổ quả bom lớn nhưng bom không nổ và anh đã hy sinh vì trúng đạn địch.
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #26 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 06:57:59 pm »

Trận đánh ngoại giao giữa lòng Hà Nội kháng chiến
      

Vào một buổi chiều cuối tháng 1/1947, trước tết Đinh Hợi ít hôm, anh Lê Trung Toản, Bí thư Đảng ủy, chính trị viên Trung đoàn nói với anh Siêu Hải, Trung đoàn trưởng vào tôi: “ Này! Các cậu nghĩ xem ta có nên tổ chức một bữa chiêu đãi lãnh sự quốc tế và dịp Tết không? Nếu có buổi đó sẽ làm cho nước ngoài thấy rõ bọn Pháp nói láo và thấy người Hà Nội ta vẫn đàng hoàng mặc dù đang đánh ác liệt. Tiện thể ta thăm dò thái độ của họ xem sao”. Tôi và anh Siêu Hải hưởng ứng ngay vì từ lâu chúng tôi muốn đập lại luận điệu tuyên truyền của Pháp nào là: “ Sẽ quét sách sự đề kháng của Việt minh trong vòng 24 tiếng”, nào là “ Việt minh đang bị khốn quẫn và đói rách trong vòng vây ngày càng xiết chặt ở Thủ đô”. Tuy vậy cũng phân vân không biết mời họ có đến không, nhưng vẫn nhất trí điện ra ngoài xin ý kiến.

Tôi lúc đó là tham mưu trưởng, được phân công chuẩn bị tiếp khách. Bắt tay vào mới thấy lắm vấn đề vì đây là công việc mới mẻ, chưa làm bao giờ. Nào là chọn địa điểm ở đâu cho thuận tiện vừa đàng hoàng, vừa lịch sự vừa giữ được bí mật an toàn; nào là bố trí đưa đón khách, nghi lễ ra làm sao, bài trí phòng khách thế nào, rồi thực đơn, rồi những ai cùng tiếp v.v… Tôi tự nhủ cứ coi đây là một “ trận đánh ngoại giao” của trung đoàn, phải làm bằng được. Họp phân công anh em, mỗi người lo một việc. Đúng là “ ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, mọi người góp nhiều sáng kiến giải quyết. Tôi nhớ anh Vị Hải, Chủ tịch Kháng chiến khu Trúc Bạch – Lãng Bạc(1), đã chỉ huy anh em giao thông tiếp tế mang từ ngoại thành vào mấy cành đào rất đẹp, quất thật sai, còn có cả hoa lay-ơn và vi-ô-lét rất tươi, rồi rau, quả, thịt, bánh chưng… để phục vụ cuộc tiếp tân đặc biệt này. Các khu Đông Thành, Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục tìm những đầu bếp giỏi nhất lo việc nấu nướng. Chúng tôi chọn được ngôi biệt thự Anh Hoa, nằm giữa hai mặt phố Ngõ Gạch – Hàng Chiếu và còn có lối sau thông ra phố Hàng Đường khá đẹp, có vườn cây cảnh, hòn non bộ. Những anh khéo tay được giao trang trí nội thất phòng khách. Bức chân dung Bác Hồ được lồng vào khung kính treo ở nơi trang trọng. Góc phòng là cành đào to, chúm chím nụ và hoa được trồng trong chậu cảnh bằng sứ. Bàn tiệc kê giữa phòng hình chữ U trải khăn trắng. Rồi nến, đèn măng sông, rồi quần áo mặc tiếp khách…

Hai hôm sau, Bộ chỉ huy khu 11 (Mặt trận Hà Nội) điện trả lời đồng ý và nêu rõ: Ban chỉ huy trung đoàn không ra mắt nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu chu đáo, lịch sự, mến khách mà vẫn giữ được tư thế. Có ý kiến của trên như vậy nên chúng tôi quyết định chọn anh Bùi Nguyên Cát, quản lý Trung đoàn (Chủ nhiệm hậu cần) có “mẽ người” đóng làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến liên khu I, thay anh Toản đứng ra mời khách. Tôi đóng vai phiên dịch tiếng Pháp cho anh Cát để nếu có tình huống gì thì tùy cơ ứng biến. Khách` mời gồm lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa dân quốc, một số đại biểu Hoa kiều, cộng với bên ta tất cả chừng 20 – 25 người. Dự kiến đón khách vào 17 giờ ngày mùng 1 Tết, 18 giờ bắt đầu và kết thúc 20 giờ. Toàn bộ kế hoạch được báo cáo lên trên. Anh Trần Quốc Hoàn lúc đó là đặc phái viên của Trung ương theo dõi Hà Nội viết thư vào nhắc chúng tôi phải giữ bí mật cơ quan chỉ huy, đề phòng sau Tết địch bắn phá khu vực tiếp khách (lời nhắc quả không thừa, mấy hôm sau Tết, ngôi biệt thự bị phía Pháp “căn” Pháo làm sạt mất một góc). Giấy mời được in trang trọng, đẹp và gửi cho khách qua viên thư ký của lãnh sự Trung Hoa dân quốc (nhà ở phố Hàng Buồm). Trong thời gian chuẩn bị đón khách, chúng tôi vẫn vừa chiến đấu vừa lo Tết cho anh em. Có anh được phân công treo cờ đỏ sao vàng lên Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn. Ở các liên khu II, III, chiến sĩ ta luồn vào khu vực địch đóng treo nhiều bánh pháo, bờ tường kín đáo, buộc ngòi vào chân nén hương tính toán sao cho pháo nổ đúng giao thừa.


Lực lượng vũ trang thủ đô anh dũng chiến đấu. Ảnh : Tư liệu

Mồng Một Tết, trời se lạnh, mưa bụi lất phất. Tuy không khí Tết có khác mọi năm, nhưng mọi người vẫn đi lại chúc Tết, thăm hỏi tin tức người thân, chia nhau những món quà từ ngoài gửi vào. Đến 17 giờ, từ phía Hàng Bài, một nhóm người, đi đầu là lãnh sự Trung Hoa dân quốc, cầm cờ Tưởng, dẫn hai tổng lãnh sự Anh, Mỹ cùng vài nhân viên bảo vệ tiến về phía Tràng Tiền. Một sĩ quan liên lạc của ta chờ sẵn đón họ về biệt thự Anh Hoa. Ông Viên Tử Kiên,lãnh sự Trung Hoa dân quốc, đến sớm vài phút. Trang nghiêm trong bộ âu phục loại sang, ông tươi cười bắt tay anh em ta đứng đón khách. Anh Cát “Chủ tịch” đang đứng trò chuyện với Viên Tử Kiên thì hai lãnh sự Anh, Mỹ tới. Anh Cát tươi cười giơ tay chào: “ Chào ngài Wilson chào ngài Sullivan, rất hân hạnh được đón các ngài cùng ngài Kiên đây nhân dịp đầu xuân”.

Chủ khách vào phòng trà. Những ngọn bạch lạp đặt ở các góc thích hợp khiến cho ánh sáng trong phòng đủ để tôn hết vẻ đẹp của các bức tranh, vẻ duyên dáng của cành đào, cây quất, các vị lãnh sự đều ngạc nhiên. Họ đến cốt để thăm dò tình hình chứ không trông chờ quang cảnh một bữa tiệc thịnh soạn và lịch sự thế này. Trên bàn có đầy đủ thịt, rau quả tươi, các món yến, vây, bóng, mực, bánh chưng và nhiều loại rượu hảo hạng.

Khi vào tiệc, anh Cát giới thiệu chủ, khách, nói vắn tắt lý do buổi mới và mong những vị khách lượng thứ những gì chưa chu đáo do đang chiến đấu. Anh cảm ơn các vị Tổng lãnh sự đã tạo điều kiện để bà con thủ đô tản cư an toàn hôm 15/1/1947 và nói lên 3 ý: việc cầm súng kháng chiến của Việt Nam là chính nghĩa; chúng tôi sẽ được nhân dân Pháp và thế giới đồng tình và quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập, tự do. Anh đề nghị nâng cốc chúc các vị lãnh sự, các đại biểu sức khỏe và chuyển lời chúc mừng năm mới của Hồ Chủ tịch đến chính phủ và nhân dân các nước Anh, Mỹ, Trung Hoa dân quốc. Rượu khai vị nấu bằng nếp cẩm rất ngon. Thấy khách chú ý đến cành đào cắm trong lọ độc bình cổ, anh Cát vốn sành về hoa liền hào hứng giới thiệu về cách ươm trồng, hãm thế nào cho đào nở đúng dịp Tết. Anh càng đi sâu vào” kỹ thuật uốn thế” cho đào bao nhiêu thì tôi càng lúng túng bấy nhiêu. Tôi phải ra hiệu cho anh hiểu vốn từ tiếng Pháp của tôi chỉ có hạn. Các vị khách dừng lại hồi lâu trước bức chân dung Bác Hồ và kể cho mọi người ấn tượng kính trọng của họ qua mấy lần được diện kiến Cụ Chủ tịch. Thức ăn tiếp tục được bưng lên. Chủ khách trò chuyện râm ran.

Ông Vương Tử Kiên, ngồi đối diện anh Cát, là khách đầu tiên đứng lên đáp lời. Bằng tiếng Việt khá sõi, ông cảm ơn Chính phủ và quân đội Việt Nam đã giúp đỡ, bảo vệ Hoa kiều giúp cho chính bản thân ông hoàn thành chức trách trong tình cảnh khó khăn và chúc Cụ Chủ tịch Hồ, các vị chỉ huy và “cán binh” Liên khu I sức khỏe. Tiếp tục, ông Wílson, người thấp mập chậm rãi đứng lên nở nụ cười, nói bằng tiếng Pháp: “Xin ngài Chủ tịch nhận ở tôi lòng biết ơn về sự giúp đỡ các Ấn kiều, bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ. Tôi ghi nhận tinh thần kỷ luật rất cao của quân đội các ngài. Thế giới sẽ biết đến sự tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam”. Ông nâng cốc chúc mừng năm mới hạnh phúc và uống cạn một hồi ly rượu trắng Việt Nam mà ông nói thích hơn các thứ rượu Tây bày trên bàn. Nhiều đại biểu người Hoa bày tỏ ý mong muốn chiến tranh sớm chấm dứt vì “Thăng Long phi chiến địa”. Một thanh niên hoa kiều trẻ sôi nổi:”Chúng tôi sống hơn một tháng trong chiến tranh nên thấy rõ và khâm phục trí tuệ, sự dũng cảm của bộ đội Viêt Nam, chúng tôi đồng tình với các bạn”.

Bữa tiệc kéo dài hơn 1 tiếng. Lúc này lãnh sự Mỹ là Sullivan, ngồi cạnh Wilson và đối diện với Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên, đứng dậy xin có mấy lời. Cũng bằng tiếng Pháp ông cảm ơn thiện ý của ngài Chủ tịch liên khu I đã mời ăn Tết, cảm ơn sự đón tiếp hữu nghị và bữa cơm dân tộc rất ngon lần đầu được ăn kể từ khi tới Việt Nam, ca ngợi sự bảo đảm an toàn cho khách. Có lẽ thấy được thiện chí, sự chân tình của ta, ông thốt ra: “Hãy kiên trì, và kiên trì các bạn sẽ thắng” (Patience et patience, vous aurez la victoire). Lúc đầu nghe câu này tôi ngỡ mình nghe lầm, nhưng nhìn thái độ xúc động của ông, tôi biết là đúng vậy. Mọi người vỗ tay kéo dài hưởng ứng trong khi ông kết thúc bằng câu: "Nhờ ngài Chủ tịch chuyển lời chúc sức khỏe Cụ Hồ kính mến”.

Sau này được biết Bộ chỉ huy Pháp tại Hà Nội tức tối kéo tới chất vấn các Tổng lãnh sự. Họ yêu cầu ông Sullivan cải chính câu nói ở buổi chiêu đãi. Làm sao có thể cải chính trong khi hàng chục người có mặt đều nghe thấy như vậy. Châm ngôn có câu “Nhất ngôn phóng xuất, tứ mã nan truy”. (Một lời nói ra, bốn ngựa không đuổi kịp) còn gì.

Tiệc kết thúc. Anh Cát tiễn các vị khách vui vẻ ra về và không quên tặng mỗi người một chai rượu và bó hoa tươi. Ông Sullivan còn xin thêm một quả cam giấy về làm quà.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Trung đoàn đã hoàn thành tốt  nhiệm vụ đột xuất đặc biệt, được Thành ủy và Mặt trận Hà Nội khen ngợi. Báo của ta, cả Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đưa tin về sự kiện này. Ai cũng hoan hỉ, chỉ có phía Pháp là hậm hực, bẽ bàng.

Trung tướng Hoàng Phương

Nguyên tham mưu trưởng trung đoàn Thủ đô

Theo Hà Nội bản hùng ca bất tử mùa Đông 1946, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội - Ban Tuyên giáo, NXB Thế giới, Hà Nội, 2006, tr38-42.
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #27 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 06:59:28 pm »

Bám trụ giữ đất, bảo vệ mặt trận đông bắc thành phố   
   

Dải đất bãi ngoài đê sông Hồng (gồm 3 làng: Nghĩa Dũng, Tân Ấp, Phúc Xá) từ tháng 5/1946 có tên mới là khu Hồng Hà, dân cư hầu hết là dân nghèo thành thị, viên chức lớp dưới, công nhân làm việc trong nội thành. Năm1946, khu Hồng Hà có vinh dự được Hồ Chủ tịch tới thăm 3 lần (một lần ở lớp bình dân học vụ Phúc Xá, hai lần ở Nghĩa Dũng). Chúng tôi nhớ mãi lần Bác tới thăm bà con Nghĩa Dũng. Nhận bó hoa cô giáo Nội, thay mặt nhân dân kính tặng, Bác tặng lại cụ Giáp, cụ già nhất làng (bố của đồng chí Nam Hà, sau này là thiếu tướng). Bác giản dị, đầm ấm và đầy tình nghĩa với dân biết bao.

Tháng 10/1946, chuẩn bị kháng chiến, Ủy ban bảo vệ các khu vực được thành lập. Đồng chí Trương Cao Phong là Chủ Tịch Ủy ban bảo vệ khu Hồng Hà, trực thuộc Liên khu I. Chiều 19/12/1946, đồng chí Trương Cao Phong nhận lệnh cấp trên: 8 giờ tối, nổ súng tấn công thực dân Pháp. Đêm 19/12/1946, cùng với vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu Liên khu I, tự vệ Hồng Hà đánh địch ở cầu Long Biên, nhà máy điện, nước Yên Phụ, nhà máy in Viễn Đông, dốc Hàng Đậu…

 

Vinh dự đứng dưới lá cờ thêu 4 chữ vàng "Trung đoàn Thủ đô" do Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp trao tặng. Ảnh tư liệu

Ngày 20/12/1946, khu Hồng Hà nhận lệnh của Ban chỉ huy Liên khu I: Phải bám trụ giữ đất, giữ vững mặt trận phía đông bắc của thành phố. Ba đại đội của Phúc Xá, Tân Ấp, Nghĩa Dũng, sau một đêm chiến đấu, được tổ chức lại thành đại đội Hồng Hà gồm 4 trung đội do đồng chí Tuấn Lâm làm Đại đội trưởng, đồng chí Hiển làm Đại đội phó. Từ xã Liên Mạc (Từ Liêm), đại đội trở về khu Hồng Hà, tiếp tục chiến đấu.

Đại đội Hồng Hà chiến đấu phòng ngự trên địa hình hoàn toàn bất lợi, ba bề có địch phong tỏa; phía đông là sông Hồng. Vũ khí của chúng tôi rất thiếu thốn và thô sơ. Mỗi trung đội có từ 8 đến 10 khẩu súng trường các loại, vài chục quả lựu đạn, trong đó một nửa lấy được của Pháp – Nhật cũ, một nửa là tự tạo. Cả đại đội có 2 khẩu tiểu liên (1 Sten, 1 Thompson tự tạo).

Suốt 2 tháng trời tự nuôi quân bám trụ, chiến đấu trong hoàn cảnh đầy khó khăn, gian khổ hiểm nguy như vậy, cán bộ, chiến sỹ đại đội Hồng Hà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn mặt trận phía đông bắc thành phố. Chúng tôi thường xuyên lên đê, quấy rối và đột kích các vị trí địch ở nhà máy nước, dốc Hàng Đậu, khu nhà đỏ Yên Phụ, nhà in Viễn Đông; đánh và ngăn chặn địch, tiến hành các hoạt động trinh sát, vũ trang, tuần tra canh gác đề phòng bọn Việt gian thâm nhập. Đặc biệt, hàng đêm, chúng tôi làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho đội liên lạc – tiếp tế Liên khu Trúc – Lãng và đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại vào Liên khu I qua khu Hồng Hà, đồng thời bảo đảm tính mạng, tài sản cho hàng nghìn đồng bào từ Liên khu I tản cư ra ngoài. Con đường nằm dưới chân đê qua khu Hồng Hà trở thành đường giao thông kiên lạc huyết mạch nối liền Liên khu I với khu XI và hậu phương bao la. Ngày 16/2/1947, đại đội Hồng Hà đã đánh tan cuộc tấn công lớn của địch bằng lực lượng bộ binh, thủy quân, không quân nhằm chiếm giữ Hồng Hà, cắt đứt cuống nhau vào Liên khu I, tiêu diệt Trung đoàn Thủ đô. Đêm 16/2/1946, đại đội Hồng Hà được lệnh rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến. Chúng tôi lại lên Liên Mạc. Đêm 17 rạng sáng 18/2/1947, một trung đội của đại đội Hồng Hà được cử sang bến đò Dâu đón Trung đoàn Thủ đô ra hậu cứ.

Nhớ lại những sự kiện đã qua, chúng tôi cán bộ, chiến sĩ đại đội Hồng Hà rất tự hào. Trong những chiến công lẫy lừng của quân dân Liên khu I, của Trung đoàn Thủ đô, có chiến công thầm lặng không thể nào quên của đại đội và nhân dân khu Hồng Hà.

Ông Ngô Trọng Bảo

Theo Hà Nội - Bản hùng ca bất tử mùa đông 1946, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội - Ban Tuyên giáo, NXB Thế giới, 2006, tr 87- 91
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #28 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 07:00:04 pm »

Đội giao thông liên lạc Trúc – Lãng
      

Đã thành lệ, cứ vào tháng Chạp, các bà gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng. Ngồi quây quần quanh người Anh Cả (ông Vị Hải(1), người chỉ huy năm xưa vẫn được gọi bằng cái tên trìu mến như vậy). Các bà kể cho nhau nghe chuyện gia đình, con cháu, và cuối cùng, vẫn không quên câu chuyện “ngày xưa …” đầy gian khổ và oanh liệt của thời thanh xuân.

Cuối tháng 12 năm 1946, chúng tôi được anh Vị Hải, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Trúc Bạch – Lãng Bạc, tổ chức vào đội liên lạc, tiếp tế cho Liên khu I đang chiến đấu giam chân giặc Pháp giữa lòng thành phố. Đội gồm các anh tự vệ và gần 30 chị em phụ nữ ở Yên Phụ, Trúc Bạch, Nghĩa Dũng, Phúc Xá do anh Mạc Phúc Ứng làm đội trưởng. Phương tiện vận tải chuyên chở duy nhất là sức người, mỗi người gùi được 20 kg. Hàng ngày, vào khoảng 5 - 6 giờ chiều, chúng tôi nhận hàng (gạo, tài liệu, báo chí, lựu đạn…) cho vào ba lô, ruột tượng. Cứ một nam – một nữ chúng tôi men theo chân đê Tứ Tổng, Yên Phụ, qua gầm cầu Long Biên, đến Cột đồng hồ thì vượt đê vào ngõ Phất lộc giao hàng tại 98 Hàng Bạc (hiệu thuốc Phan Anh) cho đồng chí  Bùi Nguyên Cát, Trưởng ban quản lý của Trung đoàn Thủ đô. Sau đó, ngay trong đêm, chúng tôi lại mang thuốc men, đưa thương binh nặng và đồng bào tản cư ra ngoài. Thường thì 2 giờ sáng chúng tôi về đến địa điểm đóng ở Tứ Tổng. Việc liên lạc, tiếp tế vận tải khi đó rất vất vả, cái chết luôn kề cận. Để cho an toàn, chúng tôi chia thành từng tốp, cách xa nhau, khi đi, khi bò, có khi phải nằm thành dẫy dài như luống đất bãi để tránh đèn pha và tầm súng của địch. Hồi hộp nhất là lúc bò qua gầm cầu Long Biên; trời rét nhưng chúng tôi toát mồ hôi, vì địch bố trí canh gác ngay trên sân, sẵn sàng nhả đạn bất cứ khi nào phát hiện ra mục tiêu. Cứ như vậy, ngày nghỉ, đêm đi, chúng tôi bảo đảm con đường huyết mạch, nối mặt trận Liên khu I với hậu phương.

Tết Đinh Hợi (1947), để cho các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đón Tết kháng chiến đầu tiên vui vẻ, lạc quan, đầm ấm, nhận lệnh trên giao, đêm 29 Tết, chúng tôi mang thư từ, quà Tết của đồng bào hậu phương rau quả, thịt lợn, thịt bò, bánh chưng, chè lam vào Liên khu I. Là người Hà Nội, chúng tôi không quên mang hoa thược dược, cúc, lay-ơn và cả cành đào Nhật Tân rất đẹp cho anh em ăn Tết, ngắm hoa. Sau này, chúng tôi mới biết, một phần hoa quả, bánh Tết đó đã được Ủy ban kháng chiến Liên khu I dùng trong tiệc mừng xuân tiếp các lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa dân quốc nhằm bóc trần luận điệu huênh hoang, lừa bịp của Pháp: “Việt minh đang bị khốn quẫn chết đói dần mòn, quân Pháp đã làm chủ tình thế ở Hà Nội”. Sáng mồng Một Tết Đinh Hợi (22/1/1947), bữa tiệc được tổt chức tại một biệt thự xinh đẹp đầu phố Ngõ Gạch, có cành đào Nhật Tân và đủ các món ăn dân tộc, món ăn mới rất “Hà Nội”,  các vị lãnh sự đến dự tiệc đều ngạc nhiên, sửng sốt. Họ không ngờ những người kháng chiến Hà Nội vẫn có bữa tiệc “Tết” đàng hoàng, thịnh soạn như vậy. Tổng lãnh sự Mỹ Sullivan nói: “Kiên trì, kiên trì, các ông sẽ là người chiến thắng”.

Mồng 2 Tết Đinh Hợi (25/1/1947), Pháp đánh chiếm Nhật Tân, chúng tôi phải rút lên Phú Gia. Việc liên lạc tiếp tế cho Trung đoàn Thủ đô do Đội Nguyễn Ngọc Nại ở Bãi giữa (Trung Hà – Bắc Biên) đảm nhiệm. Sau đó, một số anh chị em chúng tôi vẫn tiếp tham gia Ủy ban kháng chiến hoặc trở lại nội thành hoạt động cho đến ngày Thủ đô giải phóng.

Bà Nguyễn Thị Thuần

Tháng Chạp năm 1991, kỷ niệm 45 năm ngày toàn quốc kháng chiến

Theo Hà Nội bản hùng ca bất tử mùa Đông năm 1946, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội – Ban Tuyên giáo, NXB Thế giới, 2006, tr 77 – 79.
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #29 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 07:01:32 pm »

Chiến đấu ở khu Đấu Xảo
      

Nhà Đấu Xảo, nay là Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô, thời Pháp thuộc, có nhà bảo tàng Maurice Long đồ sộ, với khuôn viên rất rộng, thuộc "khu phố Tây". Mặt tiền giáp đường Trần Hưng Đạo, một phía giáp phố Yết Kiếu, một phía giáp phố Trần Bình Trọng, phía sau là phố Thuyền Quang.

Khi Nhật vào Đông Dương, chúng chiếm Đấu Xảo làm doanh trại và kho quân lương, quân khí vì nhà bảo tàng có tầng trệt là một tầng hầm kiên cố, xây bằng đá hộc.


Toàn cảnh Khu Đấu Xảo xưa. Ảnh tư liệu

Ít lâu sau, quân đồng minh dùng không quân ném bom, làm sập tầng trên Đấu Xảo. Rồi quân Nhật thua trận, đầu hàng. Quân Tưởng vào Việt Nam giải giáp quân Nhật cũng đóng ở Đấu Xảo vì gần ga, đầu mối Bắc - Nam. Âm mưu chiếm đóng nước ta một lần nữa, thực dân Pháp thương lượng với đồng minh để thay thế quân Tưởng quản lý miền Bắc Việt Nam. Chúng rục rịch chuyển quân đến tiếp quản Đấu Xảo. Ta nhanh chân, khôn khéo giải quyết với quân Tưởng để đại đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu từ trụ sở 107 Trần Hưng Đạo sang đóng ở Đấu Xảo trước (tháng 6/1946 Từ đây khu Đấu Xảo rộng lớn vừa là vị trí đóng quân chủ yếu của Đội tự vệ chiến đấu, vừa là trụ sở của Ban chỉ huy tự vệ Thành và Trường đào tạo cán bộ tự vệ của Thành phố.

Những tháng cuối năm 1946, tình hình Hà Nội ngày càng căng thẳng. Để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, Ban chỉ huy Đội đã tổ chức huấn luyện cho toàn Đội và tự vệ thành tại Đấu Xảo về cách đánh trong thành phố, cách dùng bom mìn phá hoại, lập chướng ngại vật và phổ biến kinh nghiệm chiến đấu của tự vệ và nhân dân Hải Phòng chống cuộc gây hấn của quân Pháp tháng l0/1946.

Theo kế hoạch của Ban chỉ huy, các trung đội được phân tán về các Liên khu giữ những chốt trọng điểm hoặc làm nòng cốt trong tự vệ khu phố, nắm dân. Đấu Xảo chỉ còn hai tiểu đội cung mấy đội viên Văn phòng đại đội bộ bảo vệ.

Trung đội trưởng Tô An (Toản), Trung đội phó Hà Giáp được điều từ trung đội Tô Hiệu ở khu Trục Bạch (Liên khu I) về làm Chỉ huy trưởng và phó khu Đấu Xảo (l0/1946).

Theo kế hoạch của Đại đội trưởng Vỵ Hải và Đại đôi phó Phạm Văn Tường, Đấu Xảo tuy lực lượng rất mỏng song sẽ là mục tiêu đánh chiếm của địch khi có chiến sự. Do vậy anh em còn lại phải khẩn trương củng cố các hầm hào, hố cá nhân ở quanh các chân tường và gia cố 2 ụ súng ở hai phía cổng chính. Tiểu đội đồng chí Dung được giao nhiệm vụ đào gấp trong hai ngày một giao thông hào từ chỉ huy sở xuyên tường ra mặt đường phía trước và đắp 1 ụ súng cạnh cổng phụ. Với tinh thần cách mạng hăng say của tuổi thanh niên quyết sống mái với địch, anh em đã hoàn thành trong một ngày. Trước toàn đơn vị, tiểu đội 1 được tuyên bố cho nghỉ một buổi chiều tranh thủ về thăm gia đình. Trần Nhật Hiên - một thanh niên học sinh Hà Nội phơi phới lãng mạn cách mạng, không về nhà, mà rủ một vài đồng đội đi xem kịch Lôi Vũ ở Nhà Hát Lớn. Đó là tối 17/12/1946 mà ban ngày vừa xẩy ra vụ khiêu khích thảm sát của Pháp đối với tự vệ và nhân dân phố Hàng Bún, Yên Ninh. Anh em vẫn bình tĩnh không dao động, song xôn xao căm tức, người nào việc nấy, đợi chờ lệnh trên, quyết chiến với quân thù.

Ngày hôm sau 18/12, trung đội phó Hà Giáp cùng một số anh em đi nắm lại các nhà Pháp kiều hoặc nghi vấn cộng tác với địch. Một số anh em đi khoan các cây to trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ ngã ba phố Trần Bình Trọng đến ngã ba Phan Bội Châu và đào một số hố trước cổng để chôn bom. Đồng chí Giang phân phối thêm đạn và lựu đạn "lọ mực" cho anh em, rồi loay hoay với khẩu trọng liên 12 ly 7 hỏng hóc không chữa nổi, mà đưa đi công binh xưởng thì xa. Đồng chí Hưởng chuẩn bị thêm gạo, nước và thực phẩm, thuốc men...

Khoảng 16 giờ 50 ngày l9/12/1946, theo truyền đạt của Chính trị viên Đại đội Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Nguyễn Quang Tường - Đại đội phó cùng Trung đội trưởng Tô An (toàn), Trung đội phó Hà Giáp họp cấp tốc toàn đơn vị ở Đấu Xảo phổ biến âm mưu thực dân Pháp, rồi lệnh cho anh em từ giờ phút này không ai được rời doanh trại, chuẩn bị sẵn sàng, gọn gàng về vũ khí, quân trang, có thể đêm nay nổ súng; mỗi người theo sự phân công phải làm tròn nhiệm vụ, xứng đáng người đội viên tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu.

Sau cuộc họp, mọi người hối hả với công việc, lau súng, nạp đạn, chuẩn bị mìn, kíp nổ. Các nồi xoong, ống bơ nghi trang mìn được rải, đặt trên sân mặt tiền. Một không khí náo nức, sôi động trong mọi người. Nhiều anh em sung sướng hồi hộp, nôn nao không thiết ăn cơm chiều hôm đó.

Đến 20 giờ 3 phút, đèn toàn thành phố vụt tắt. Trời tối om. Tiếng đại bác nổ vang. Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Toàn đơn vị triển khai vào vị trí chiến đấu. Một nửa tiểu đội 1 do Tiểu đội phó Thanh phụ trách có nhiệm vụ trực chiến ở cổng chính và giữ ụ súng phía phố (Trần Bình Trọng). Một nửa tiểu đội 2 bố phòng ở vị trí phía trái dọc tường rào Yết Kiêu và ụ súng đầu cổng dưới sự chỉ huy của đồng chí Tô An, trung đội trưởng. Một số theo kế hoạch nổ mìn các cây to từ ngã ba Trần Bình Trọng đến ngã ba Phan Bội Châu - Trần Hưng Đạo và chôn quả bom 25kg ở trước cổng. Mìn nổ, song sức công phá không mạnh và chưa đúng kỹ thuật nên phần lớn các cây chỉ bị toác, cành lá lả tả trên đường.

Trong khi đó, nửa tiểu đội 1 của đồng chí Dung và nửa tiểu đội 2 của đồng chí Khuông dưới sự chỉ huy của đồng chí và Giáp đi lùng sục tiêu diệt các ổ mật phục của địch, với mệnh lệnh là bắt sống đưa về Đấu Xảo, kể cả bọn nghi vấn Việt gian, Hán gian, không được đánh đập, bắn chết họ. Nếu ngoan cố chỉ được bắn chỉ thiên.

Tiểu đội trưởng Dung phụ trách quét từ bệnh viện Đặng Vũ Lạc (nay là Việt Nam - Cu Ba) cho đến cạnh nhà có tổ Liên kiêm đóng. Tiểu đội trưởng Khuông lùng sục từ đầu ngõ Tức Mạc đến trường Mỹ nghệ (Yết Kiêu).

Các mũi được phân công rất hăng say sục sạo. Phần lớn các nhà đến đều đóng chặt cửa, cổng, ta phải treo tường, leo rào, nậy cửa mới vào được. Có nhà đã bỏ không vì chúng đã sơ tán vào trong Thành. Có nhà do sợ quá, hai vợ chồng chui vào gầm giường gọi không ra. Đồng chí ta lấy súng có cắm lưỡi lê kêu ra, chạm vào vai mụ vợ, máu chảy nó mới lóp ngóp bò ra van xin đừng giết vì là Pháp kiều. Có một số tên trẻ tuổi ngang bướng không chịu đi, anh em nghĩ là lính mật phục vì nhà có quần áo quân đội, nên cũng phải nện cho mấy báng súng mới đi. Có trường hợp đồng chí Hà Giáp phải rút thanh kiếm Nhật ra uy hiếp. Đến quá 12 giờ đêm, thu quân, ta bắt giam giữ tại hầm khoảng 30 tên cả đàn bà, trẻ con mũi lõ và Việt gian, Hán gian. Điều đáng tiếc là không lần mò ra vũ khí phần vì chúng cất giấu kỹ, trời lại tối, phần vì vội lùng sục e trời sáng, địch phản công. Trong đêm, một số đơn vị tự vệ không có chỗ giam giữ cũng đưa số bị bắt giữ đến Đấu Xảo gửi. Buộc lòng chúng tôi phải hướng dẫn để anh em giải khoảng 20 tên về phía Bạch Mai giao cho Ban chỉ huy mặt trận.

Qua một đêm đầu vật lộn với công việc chiến đấu và chuẩn bị đối phó với cuộc tán công của địch, hầu như không ai chợp mất, ăn đêm cũng qua quýt, căng thẳng đợi chờ, không hiểu cuộc chiến sẽ diễn biến ra sao vì cũng không có mạng lưới quân báo. Mọi liên lạc với Ban chỉ huy đội không có.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 20/12 có tiếng động cơ gầm rú phía phố Phan Bội Châu. Xe bọc thép địch thập thò tiến ra đường Trần Hưng Đạo, bị tổ tự vệ chiến đấu đóng ở 107 Trần Hưng Đạo nổ súng trước tiên làm chúng rụt lại. Từ Quán Sứ, một vài xe chở lính tiến vào phía Đấu Xảo, có cả một xe tăng đỗ án ngừ ngay ngã ba, súng chĩa thẳng vào doanh trại của ta. Một số lính pháp đổ xuống tập kết ở trụ sở Liên kiểm phố Quán Sứ. Chúng tôi nổ súng trước về phía Pháp, kiềm chế không cho chúng tiến vào doanh trại, phải co cụm lại. Khoảng 8 giờ, có mấy xe bọc thép từ phía ga Hàng Cỏ tiến vào đường Trần Hưng Đạo, ụ súng máy của đồng chí Khuông ở phía trái bắn xối xả vào chúng, làm cả bọn ở phố Phan Bội Châu mò đến phải dồn vào nhà số 90 mà trên gác chúng lén đặt một khẩu 12 ly 7 từ cửa sổ bắn sang nhà số 107 vào ụ súng của đồng chí Khuông. Căm thù giặc cao độ, đồng chí Khuông rời khỏi ụ súng, vác khẩu tiểu liên Sten treo lên nóc ụ khỏi khuất cây nã súng vào bọn chúng. Tiểu đội đồng chí Dung bên cánh phải tập trung súng bắn yểm trợ cho đồng chí Khuông, song vì hoả lực địch mạnh, đồng chí Khuông đã trúng đạn hy sinh trên nóc ụ. Một tấm gương hy sinh đầu tiên của đơn vị Tự vệ chiến đấu ở Đấu Xảo. Thấy đồng chí Khuông ngã, một đồng chí khác nhẩy lên kéo xác đồng đội xuống, lấy súng chui vào ụ tiếp tục nã đạn vào địch. Lợi dụng hoả lực cánh phải của ta dồn sang hướng trái, bọn Pháp ở cửa chùa Quán Sứ chạy ào ào sang sân sau nhà Hoả xa Việt-Điền (nay là trụ sở Tổng Công đoàn) chiếm lĩnh cao điểm. Chúng bắn xối xà vào Đấu Xảo, song không có hiệu quà vì anh em ta bố phòng ở các hố chiến đấu dưới chân tường.

E gờm lực lượng ta, xe bọc thép của địch nổ máy chạy quanh để thăm dò và uy hiếp tinh thần ta. Không may, đồng chí Hợp, men giao thông hào vào Chỉ huy sở bị một phát đạn từ cao điểm bắn xuống chết ngay tại chỗ. Gần trưa, trinh sát cho biết phía Thuyền Quang và Nguyễn Du, đồng bào tản cư bị ùn tắc trước chùa Quang Hoa, vì bọn địch ở một số nhà gác đầu ngã tư Nguyễn Du – Trần Bình Trọng, đặc biệt là nhà bọn sỹ quan không quân, có súng trung liên từ trên bắn xuống đường rút của ta, làm một số đồng bào chết, bị thương. Có người liều vượt hồ đã chết đuối.

Phía trước cổng, xe tăng địch bắt đầu nã pháo 37 ly thẳng vào nhà Bảo tàng. Tôi và đồng chí Giang men đường hầm ra quan sát địch. Bọn Pháp ở nhà số 90 đang theo xe bọc thép tiến vào cùng với bọn ở Quán Sứ sang, rất dè dặt vì đạn của ta bắn sang và các dụng cụ ngụy trang của ta. Một phát đạn 37 ly nổ gần đường làm đồng chí Giang bị thương nặng - tôi kéo đồng chí vào hầm. Xe địch từ từ tiến vào Quả bom 25kg chôn trước cổng không nổ nên không ngăn được xe tăng địch. Tuy nhiên, chúng cũng chẳng đủ lực lượng để tấn công rộng ra. Ta vẫn liên tục bắn và ném lựu đạn. Một xe gạt lù lù tấn vào gạt chướng ngại vật, vài xe bọc thép của chúng lọt vào trong sân nhà đạn.

Cũng lúc đó, bên Sở Liêm phóng, cuộc chiến với địch hầu như kết thúc. Số đông công an xung phong đã rút sang Đấu Xảo rồi cùng chúng tôi rút về phía Thuyền Quang để bảo toàn lực lượng trước sự tấn công bằng pháo và trọng liên của xe tăng và xe bọc thép của địch dần tiến sâu vào trong Đấu Xảo. Mặt khác cũng để mở đường rút cho đồng bào, một số anh em đề nghị tập trung nhiều súng bắn lên áp đào các cao điểm, đặc biệt là ổ trung liên của bọn không quân án ngữ đường Nguyễn Du. Đồng thời một số tự vệ chiến đấu, công an hỗ trợ cho đồng bào chạy qua chùa Quang Hoa về Kim Liên, Bạch Mai. Đại bộ phận nhân dân và công an xung phong cùng đơn vị tự vệ chiến đấu đã rút lui an toàn. Một hàng binh Nhật ở lại Việt Nam chiến đấu cùng chúng tôi trong khi yểm trợ cho đồng bào ta rút đã trúng đạn ngã giữa đường trước chùa Quang Hoa, khẩu súng Chiêu hoà văng ra. Rất đáng tiếc là đơn vị chúng tôi mải mê chiến đấu chống đỡ với hoà lực địch quá mạnh, khi rút quên không mang theo được gần 30 tên bắt giữ đêm trước. Xế chiều ngày 20/12/1946, người ra trước, người ra sau, có đồng chí lạc đơn vị, và đều mệt mỏi. Đêm hôm sau, 21/12 theo chỉ thị của Ban chỉ huy mặt trận, tổ đồng chí Dung 3 người, cùng tổ đồng chí Hiển 3 người trở lại Đấu Xảo nắm tình hình và thu gom, chôn cất các đồng chí đã hy sinh.

Các đồng chí lên đê La Thành, qua ngõ Trại Khách, sang phố Khâm Thiên, xuyên đường rào nhà Ga ra đường Hàng Lọng vào trường Mỹ nghệ, sang cổng sau Đấu Xảo vào tìm không thấy xác đồng chí Khuơng, đồng chí Hợp, chỉ thấy xác đồng chí Giang nằm cạnh nhà hầm. Không thể mang xác ra được, các đồng chí đã tìm hố chôn cất đồng chí Giang trong đó. Ngay đêm đó, hai tổ trở về an toàn, mang về được một khẩu súng trường, một mũ sắt và ít tư trang của đồng chí Hiển.

Từ ngày 23/12  đơn vị Tự vệ chiến đấu Đấu Xảo được phiên chế phối hợp với Tiểu đoàn 77 Vệ quốc đoàn tiếp tục tham gia chiến đấu ở phố Huế, Hàng Bài, Hàm Long...và rồi suốt cà cuộc kháng chiến thần kỳ.

Theo Hà Nội - Bản hùng ca bất tử mùa đông 1946, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội - Ban Tuyên giáo, NXB Thế giới, 2006, tr 100 – 106
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM