Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 12:31:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những câu chuyện về Hà Nội 60 ngày đêm  (Đọc 94927 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Gondorian
Thành viên
*
Bài viết: 27


Knight of Gondor


« Trả lời #10 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 09:05:58 pm »

Để Tổ quốc quyết sinh: Cuộc địch vận bất ngờ
Tôi gặp lại cô nữ sinh Lê Thị Thoa trong dịp Trung đoàn Thủ Đô tổ chức buổi gặp mặt nữ chiến sĩ Quyết tử Liên khu 1 anh hùng tại dốc Hàng Than. Năm nay, bác đã sang tuổi 78 nhưng trông còn rất nhanh nhẹn. Nhớ lại những ngày chiến đấu trong nội thành, bác bồi hồi kể: “Những ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ thì tôi vừa vào Đảng được hơn 3 tháng và được giao nhiệm vụ là đội trưởng đội tuyên truyền của Liên khu I. Cấp trên chỉ thị cho chúng tôi mỗi ngày phải ra một tờ tin để phục vụ cho các tổ, đội chiến đấu trong nội thành, vì thế hằng ngày chúng tôi phân công nhau xuống các tổ chiến đấu lấy tin tức và các hoạt động chiến đấu của anh em, sau đó về viết bài rồi tổ chức in ấn và phát xuống các đơn vị chiến đấu. Nơi làm việc được đặt ngay tại 78 phố Hàng Bạc. Vào một đêm trăng tròn của tháng Giêng năm 1947, tôi cùng mấy chị em trong tổ xuống ụ chiến đấu tại số nhà 53 và 55 phố Hàng Than. Ngôi nhà đối diện, địch có một tốp đang chiếm giữ và chúng sẵn sàng nhả đạn vào ta bất kỳ lúc nào. Đến nơi thấy anh em đang trực chiến, chúng tôi liền hỏi thăm xem tình hình chiến sự đêm qua thế nào, có ai bị thương không? Biết chúng tôi ở ban tuyên truyền, các anh Vệ quốc đoàn liền bảo: “Tụi địch ở bên kia nhốn nháo lắm các cô ạ, không hiểu sao chúng nó cứ hát hò suốt cả ngày đêm”.

Nghe các anh nói vậy nên mấy chị em chúng tôi leo lên gác ba, nấp sau ụ chiến đấu nhìn sang. Nhờ ánh trăng sáng, nên tôi thấy rõ một nhóm khoảng 5 đến 6 tên đang hát, cười nói khá rôm rả. Lúc đó tôi chợt nảy ra ý nghĩ: Mình thử nói chuyện với mấy tên lính kia xem thế nào, biết đâu lại dụ được chúng không nổ súng, hoặc ít ra cũng có thể làm lung lay tinh thần chiến đấu của chúng? Nghĩ vậy tôi liền chạy ngay về hỏi đồng chí chỉ huy đơn vị. Được anh đồng ý tôi mới quay trở lại ụ chiến đấu thực hiện ý định của mình.

Các anh Vệ quốc đoàn sợ nguy hiểm nên đã ngăn tôi, nhưng lúc đó tôi không sợ mà chỉ nghĩ. Nếu tôi nói chuyện được với chúng để chúng hiểu thì anh em có thể sẽ đỡ thương vong. Ngay lập tức, tôi cầm khẩu súng nhỏ cho 2 tay vào túi và bình tĩnh bước ra rồi cất tiếng:

- Bonjour messieurs! (Chào các ông)

Tôi vừa dứt lời thì ở phía bên kia cũng im bặt tiếng hát hò. Dường như nghe tiếng con gái chào từ phía đối diện, nên chúng hơi ngạc nhiên. Khi chúng nhìn sang chỉ thấy mỗi mình tôi đứng đó, lại là con gái, nên chúng không cảnh giác, một tên hô lớn:

- A! Con gái, ra đây mà nói chuyện bọn mày ơi!

Tất cả những tên đang núp sau ụ chiến đấu đều ùa ra, nhìn sang tôi, thấy chúng không mang theo súng nên tôi ra hiệu cho 3 chị Xuyến, chị Quý và chị Oanh cùng ra với tôi. Thấy chúng tôi, chúng lại ồ lên:

- A, xin chào các cô. Thế các cô là tự vệ chiến đấu hả?

Tôi mạnh dạn trả lời: “Không, chúng tôi là nữ sinh đang học ở trường Trưng Vương. Các ông đánh nhiều quá làm chúng tôi không học được, vì vậy chúng tôi đang bị mắc kẹt ở đây đấy”.

Nghe thấy thế mấy tên liền nhao nhao đổ cho ta nổ súng trước, nhưng tôi nói ngay:

- Vì các ông đã sang xâm lược nước chúng tôi, chiếm đất đai, nhà cửa làm gia đình chúng tôi phải li tán, không được học hành, nhân dân thì đói khổ, nên chúng tôi đành phải đánh lại để bảo vệ đất nước và nhân dân.

Lúc đó địch đã chiếm khu vực cầu Long Biên và khu Hàng Buồm rồi. Nghe tôi nói vậy, chúng im lặng. Thấy chúng im lặng nên mấy chị em tôi bảo nhau hát bài “Khi nào anh trở về” bằng tiếng Pháp để gợi cho chúng nhớ quê hương, nhớ gia đình, từ đó đánh vào tâm lý của chúng, làm nhụt ý chí chiến đấu của quân địch… Mấy hôm sau trở lại vị trí này chúng tôi được biết, bọn địch đã bỏ bốt rút cả vào trong thành…

VŨ THÚY NGÂN 

Nguồn: qdnd.vn
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2008, 09:13:46 pm gửi bởi Gondorian » Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 09:06:39 pm »

Copy từ trang web khác, bạn phải ghi rõ nguồn. Nếu bài viết có ảnh thì nên copy cả ảnh, trong trường hợp không copy được ảnh thì đơn giản là xóa cái ghi chú đi. Trình bày như bạn hiện nay, bài viết xấu đi nhiều!
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Gondorian
Thành viên
*
Bài viết: 27


Knight of Gondor


« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 09:07:52 pm »

Để Tổ quốc quyết sinh: Giữ vững bờ bắc Hồ Gươm


Hồ Gươm, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” giữa Thăng Long-Hà Nội, vào mùa Đông 1946 lịch sử, lại nổi sóng cùng trận chiến ác liệt bảo vệ Bắc Bộ Phủ và những trận tiếp theo. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thời kỳ đầu, bộ đội ta ở tuyến phía đông Hồ Gươm lui về giữ khu phố cổ. Từ đó, đoạn phố hơn 100 mét ở bờ bắc Hồ Gươm của phố Đinh Tiên Hoàng (tạm gọi là phố Bắc Hồ Gươm) trở thành một trong những tuyến ngoài của Liên khu I, Hà Nội, nhất là khi địch đã chiếm khu đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn.

Đội tự vệ phố gồm 15 người phần lớn là công nhân của các cửa hiệu, chốt ở 3 nhà tương đối kiên cố (là hiệu Kem Zê Fia, nhà thuốc Vũ Đỗ Thìn và khách sạn Cai Kinh của Hoa kiều ở đầu phố Hàng Đào, sau này là nhà Bách hóa Bờ Hồ số 12). Vũ khí chỉ có mã tấu, lựu đạn và chai xăng Crếp. Sau đó, trên điều thêm một tổ Vệ quốc quân vừa từ Bắc Bộ phủ về, chốt ở Quán Tân nghệ sĩ (nay là hiệu sách Nhân Dân, Bờ Hồ), nhờ đó phố có thêm mấy súng trường.  
Hồ Gươm, thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô Hà Nội (ảnh: Internet).
Đội có 3 thiếu nữ rất nhiệt tình chăm lo việc nấu nướng, nên các bữa ăn dù chỉ có cá mắm và củ đậu, nhưng vẫn thấy ngon. Mọi người trong đội đều đã biết sự khổ nhục của thời kỳ mất nước, nên một lòng quyết chiến, “nhất định không chịu làm nô lệ”.

Sáng 28-12, trời còn tối đã thấy 4 xe hép-trắc (kiểu xe thiết giáp thời đó) của địch và 2 khẩu đại bác 75mm từ phía tượng Vua Lê, theo phố Lê Thái Tổ tiến vào. Đến nhà Thủy Tạ thì bộ binh xuống xe, nhưng lại theo phố Lương Văn Can tiến về phía Hàng Gai. Súng nổ dữ dội khá lâu rồi khói lửa ngày càng lớn ở sau phố.

Khoảng hơn 8 giờ, thấy địch quay trở lại rồi bỗng một tiếng nổ long trời ở buồng cạnh chúng tôi, cùng tầng 2 nhà Cai Kinh. Pháo địch bắn dồn dập phá hủy cả 2 tầng, nhưng anh em khéo nấp, nên chỉ bị thương nhẹ 2 người. Lúc pháo ngừng, xe thiết giáp tiến vào gần thì trung đội trưởng Nguyễn Đức Thiệp cũng dẫn mấy tự vệ tới tăng viện. Anh bố trí 2 người lên gác còn 4 người ở tầng một, nấp sau các lỗ đục thông nhà, đợi giặc vào thì dùng lựu đạn diệt. Anh em rất dũng cảm và mưu trí, nên địch tấn công mấy lần đều bị đánh lui.

Tổ ở nhà cuối phố cũng tìm cách bắn chéo sang bọn địch đi sau xe làm hỏa lực địch phải san bớt sang đó. Một tốp địch bất ngờ xông vào gần nhà Zê Fia bị anh Nguyễn Bá Tạo, dẫn mấy tự vệ đến dùng lựu đạn tiêu diệt. Một tổ viên nảy sáng kiến, lao nhanh lên gác thượng để tìm ra cách đánh tốt hơn. Đúng thế thật, lên tới nơi thấy rõ, có thể ném chai xăng Crếp tới xe địch. Cánh tay võ sĩ của anh Thiệp tung ngay một chai, nhưng còn cách một quãng. Địch phát hiện ra chúng tôi bèn tập trung bắn lên gác thượng, không sao ném tiếp được. Sau đó chúng tôi tìm ra cách nghi binh thu hút hỏa lực địch về một phía để 2 người khỏe nhất có thể nhổm lên ném tiếp. Hai chai xăng Crếp rơi sát một xe thiết giáp và bốc cháy. Chiếc xe vội lui và điều bất ngờ lớn là sau đó các xe khác cùng bộ binh cũng lui dần.

Chiều hôm đó, đại đội trưởng Tấn Công, sau là tiểu đoàn trưởng chỉ huy quân sự của khu Đông Kinh Nghĩa Thục, đến thăm tổ chúng tôi, xem xét các nơi rồi khen ngợi và dặn thêm cách chống trả nếu địch lại tấn công. Với chúng tôi, việc giữ vững được tuyến phố và lời khen ngợi của chỉ huy là sự động viên rất lớn để tiếp tục cùng nhau vượt qua nhiều thử thách.

NGUYỄN HẢI TRỪNG-(Nguyên chiến sĩ Vệ quốc quân Hà Nội)
 
Nguồn: qdnd.vn
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2008, 09:14:17 pm gửi bởi Gondorian » Logged
Gondorian
Thành viên
*
Bài viết: 27


Knight of Gondor


« Trả lời #13 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 09:08:28 pm »

Copy từ trang web khác, bạn phải ghi rõ nguồn. Nếu bài viết có ảnh thì nên copy cả ảnh, trong trường hợp không copy được ảnh thì đơn giản là xóa cái ghi chú đi. Trình bày như bạn hiện nay, bài viết xấu đi nhiều!

Xin lỗi các bác, em sẽ sửa ngay ạ! Smiley
Logged
Gondorian
Thành viên
*
Bài viết: 27


Knight of Gondor


« Trả lời #14 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 09:28:17 pm »

Kỷ niệm 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến: Chuyện em liên lạc dũng cảm

Câu chuyện về Trần Kim Luyện, một thiếu niên kiên cường đã tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm 1946 và sau này hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Ngày 16/12/1946, tôi đang huấn luyện ở Nhà máy Rượu về lúc 5 giờ chiều thì thấy anh Trần Kim Xuyến ngồi đợi tôi ở nhà. Thời gian đó anh Xuyến là Tổng Giám đốc Nha Thông tin (sau này là Thông tấn xã Việt Nam).

Gặp tôi anh nắm tay nói:

- Mình bận quá mà phải đến Giáp vì có việc nhờ Giáp giúp mình. Tình hình khẩn trương lắm, không thể tránh được cuộc chiến tranh với Pháp đâu. Chính phủ đã có lệnh cho đồng bào Thủ đô tản cư. Nhưng thằng Luyện em mình nó dứt khoát không chịu đi. Cả lớp nó viết quyết tâm thư xin ở lại Hà Nội phục vụ chiến đấu. Mới học đệ nhị ban Thành Chung 14, 15 tuổi thì không biết nó làm gì. Bảo thế nào cũng không được. Mình muốn nhờ Giáp cho nó vào tự vệ chiến đấu và trông nom giúp. Cơ quan mình không được cho gia đình đi theo. Mong Giáp giúp cho mình.

Với tôi, anh Xuyến không những là người bạn rất thân mà còn là huynh trưởng của tôi trong đoàn Hướng đạo nên tôi vui vẻ nhận lời.

Tối hôm đó khoảng gần 8 giờ. Em Trần Kim Luyện cầm thư của anh Xuyến đến gặp tôi. Đó là một em thiếu niên khoảng 14, 15 tuổi. Da ngăm ngăm đen nhưng có đôi mắt rất sáng. Tôi giới thiệu em vào tiểu đội Phạm Đường Bệ của tiểu khu 6, khu chợ Hôm. Anh Bệ phát cho em một ngôi sao trên nền vuông bằng vải. Em rất thích và lấy ngay chiếc mũ trong ba lô ra gắn vào đội lên đầu cười to:

- A ha! Mình cũng trở thành Việt minh ca-rê rồi.

Bắt đầu từ ngày hôm đó em Trần Kim Luyện trở thành tự vệ tiểu khu 6 khu Chợ Hôm. Ban ngày em tham gia đục tường làm chướng ngại vật. Buổi tối em được các anh lớn hướng dẫn cách sử dụng lựu đạn, tháo lắp súng…

Những ngày 17, 18 tình hình Hà Nội sôi sục, địch càn quét khu Yên Ninh, Hàng Bún, bắn giết đồng bào ta. Chúng phóng xe như điên trên đường phố, xả súng vào chợ Đồng Xuân và các anh em đang đắp chiến luỹ trên các đường.

Đêm 19/12, cuộc kháng chiến nổ súng lúc 20 giờ 3 phút. Hai tiểu đội của tiểu khu 6 được phân công vào kiểm tra các hầm mộ tại nghĩa địa Tây (nay là khu vực tập thể Nguyễn Công Trứ).

Đêm 19/12 trung đội tự vệ của tiểu khu 1 được lệnh tấn công ổ tác chiến của địch ở phố Ngô Thì Nhậm. Sáng 20 thì vào được trong nhà, ở tầng một, nhưng trung đội trưởng Lê Quang Tôn hy sinh. Đội tự vệ tiểu khu 6 được lệnh lên phối hợp với bộ đội đánh tiếp.

Vào trong tầng một, các chiến sĩ định đánh lên tầng hai nhưng bị bọn địch ở trên bắn khống chế rất dữ nên không lên được, có một vài đồng chí đã bị thương, Luyện phải gọi cứu thương đến khiêng các đồng chí đi.

Mỗi lần đi về em gặp tôi và nói:

- Anh Giáp ạ, đánh thế này không được, em thấy ở chỗ Ban chỉ huy các anh ấy nói: Bên khu Bảy Mẫu và khu Lò Đúc các anh ấy cho phóng hoả đốt là bọn chúng phải ra đầu hàng, nhưng ở đây ta đốt sẽ bị cháy lan sang bên thì làm gì còn chỗ mà bố trí đánh. Em đi bên ngoài thấy nhà này có một tầng mái bằng nối tiếp lên mái ngói mà ống máng lại bằng xi măng, có thể lên được anh ạ.

Tôi và anh Việt Tử - trung đội trưởng của tiểu đoàn 212 - nghe em nói thế liền sang nhà bên quan sát thì quả đúng như vậy. Đêm hôm đó đơn vị cho Phạm Quốc Bảo và một chiến sĩ bộ đội theo ống máng lên tầng thượng dỡ mái xuống trần và dùng lựu đạn đánh vào bọn đang cố thủ đồng thời tổ chức cho anh em lên cầu thang.

Bọn địch buông súng đầu hàng.

Ta bắt được sáu tên trong đó có hai tên bị thương và thu một số vũ khí. Tự vệ được chia khẩu Sten, 1 khẩu súng trường và 40 quả lựu đạn.

Em Luyện xí ngay phần khẩu Sten và nói:

- Khẩu này nhẹ, các anh để cho em.

Mọi người đều cười. Đội trưởng Việt Tử bảo: “Đúng, phải thưởng cho chú Luyện vì chính chú ấy nghĩ ra cách đánh hiệu quả này”.


Ngày 21/12, địch tấn công Nhà máy Rượu. Thời gian đó khu vực Nhà máy Rượu rất rộng bao gồm một khu vực hình chữ nhật giới hạn bởi đường Lò Đúc, Hoà Mã, Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Công Trứ, có tường cao 4 m và nhiều lỗ đục thông ra các phố. Trong Nhà máy Rượu khi đó có hai trung đội của tiểu đoàn 212 mà hơn một nửa là những người trước đây đã từng là lính của quân đội Pháp tham chiến tại chiến trường Pháp - Đức - Bỉ và sau ngày Việt Nam độc lập đã được trở về nước rồi gia nhập Vệ quốc đoàn, nên các anh thường được gọi với tên trìu mến là hải ngoại quân.

Cuộc chiến đấu diễn ra suốt cả ngày. Với bản lĩnh thiện xạ của các cựu binh, các chiến sĩ hải ngoại quân đã gây cho Pháp rất nhiều thương vong. Đến 14 giờ chiều, chúng cho ném bom vào nhà máy và cho xe tăng húc đổ tường xông vào. Các chiến sĩ ta phải rút về Chùa Vua. Đến 15 giờ 30 một tên lê dương mũ đỏ ló ra khỏi lỗ thông của Nhà máy Rượu sang phố Ngô Thì Nhậm. Hai phát đạn của tiểu đội Bệ và Đặng quật nó ngã sấp, chân vẫn ở trong nhà máy nhưng người thì nằm bên hè đường Ngô Thì Nhậm, khẩu carbin văng ra cách 1m.

Chưa ai kịp nói gì thì thấy Luyện đặt khẩu Sten xuống lao ra đường chạy như bay sang chỗ thằng Tây mũ đỏ.

Một tràng đạn liên thanh từ đầu phố Ngô Thì Nhậm phía Hàm Long quét xuống, mọi người thấy Luyện chạy thêm ba bước và ngã xuống cạnh xác thằng Tây. Anh Chi kêu lên: “Luyện bị rồi!". Trong lỗ thông đầu tây mũ đỏ ló ra, một loạt đạn bắn sang chúng thụt đầu vào, thằng nấp hai bên nắm chân thằng bị nạn lôi vào trong nhà máy. Mọi người chợt thấy Luyện vùng dậy một tay cầm khẩu carbin một tay kéo lê chiếc thắt lưng da trên có tám túi đựng băng đạn chạy như bay về. Thì ra em ngã không phải vì trúng đạn mà nằm xuống cạnh xác thằng Tây để cởi thắt lưng đạn của nó.

Chiều hôm ấy em mang súng, đạn về báo cáo Ban chỉ huy mặt trận. Khi về em cười hóm hỉnh: “Anh Quang Tuần khen anh em mình ghê lắm. Khẩu carbin anh ấy giữ cho đội cảnh vệ và đổi lại cho đơn vị mình hai khẩu mút-cơ-tông với 100 viên đạn. Em vẫn giữ khẩu Sten đấy nhé…”.

Ngày 23/12 địch phá ụ ngã năm Lò Đúc, tiến đánh trụ sở 18 Nguyễn Du (trụ sở Bộ tổng tham mưu) đồng thời mở cuộc càn lớn vào khu Chợ Hôm, Lê Văn Hưu, Nguyễn Công Trứ.

Chúng bố trí xe tăng và xe bọc thép đứng ở các ngã tu quét dọc các phố, cho bộ binh phá cửa xông vào các nhà tiêu diệt quân ta.

Trong khu vực này về phía ta có hai trung đội của đại đội Bảo Cường tiểu đoàn 77 và hai trung đội của tiểu đoàn Lê Tỵ, tiểu đoàn 212 cùng năm đội tự vệ của khu Chợ Hôm.

Tiểu đội Phạm Văn Đăng được cử đến góc phố Hoà Mã - Phố Huế, tiểu đội Phạm Đường Bệ được bố trí chặn ở góc Phố Huế - Trần Xuân Soạn.

Em Luyện đi theo tiểu đội trưởng Phạm Đường Bệ đến nhà góc phố số 77 chặn địch cả hai mặt phố Huế và Trần Xuân Soạn. Em Luyện phát hiện thấy nơi bố trí này không an toàn nên đã nói với tiểu đội trưởng Bệ:

- Anh Bệ ạ, em thấy ở đây không an toàn, địch có thể đánh sau lưng mình và đánh thông sang chỗ Ban chỉ huy.

Anh Bệ hỏi:

- Sao em lại nói thế?

Luyện đáp: “Anh có thấy không, lúc nãy khi qua nhà 81 em thấy ngoài lỗ thông qua nhà 79 ra còn một lỗ thông nữa trông sang phía Trần Xuân Soạn. Nếu bọn Tây nó vào được Trần Xuân Soạn thì coi như ta bị bao vây và chúng có thể đánh suốt dọc phố Huế.

Tiểu đội trưởng Bệ và tiểu đội trưởng Tâm vệ quốc đoàn quay lại nhà 81 xem thì thấy đúng như lời Luyện nói: Ngoài lỗ thông sang nhà 79, ở sân giữa còn một lỗ thông nữa qua lối đi nhà vệ sinh thông sang Trần Xuân Soạn. Hai tiểu đội trưởng tự vệ và vệ quốc đoàn liền rút quân về nhà 81 bố trí trên gác, cử hai tổ ba người cảnh giới hai lỗ thông, chiều hôm đó lúc 3 giờ địch phá được một nhà ở phố Phùng Khắc Khoan đánh thông suốt dọc phố Trần Xuân Soạn; tiểu đội Vũ Đình Tuân (con cụ Vũ Đình Tụng) của tiểu khu 3 bị hy sinh bốn người, số còn lại rút được về số nhà 81 và bố trí chiến đấu cùng với Tâm và Bệ. Địch lần đuổi theo nhưng bị quân ta bắn chặn lại, chúng ném lựu đạn, đưa súng phóng hoả bắn nhưng bị quân ta đánh trả lại quyết liệt. Trong những tiếng nổ phát một của súng trường, thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng nổ của khẩu tiểu liên của Luyện.

Cho đến 16 giờ chiều bọn địch không làm sao vào được nhà 81, xe cơ giới của chúng cũng không húc được cửa mà còn bị lựu đạn và chai xăng của ta ném cháy ba chiếc trên đường Phố Huế.

Những ngày sau đó các đội tự vệ khu Chợ Hôm được rút về dưới phố Bạch Mai và Việt Nam học xá tập hợp lại thành đội tự vệ Duy Tân, Luyện trở thành liên lạc viên của Ban chỉ huy trung đội. Những ngày này, khi thì em đi cùng anh Phạm Quốc Bảo lùng bắt bọn thám báo, khi thì đi cùng với Hoàng Thị Dung, Lưu Thị Hạnh mang cơm tiếp tế cho đơn vị, khi thì chốt trên đình Tô Hoàng tham gia giữ trận địa Ô Cầu Dền.

Sau ngày 19/01/1947, đội tự vệ Duy Tân sát nhập vào tiểu đoàn 64 trở thành trung đội 2 thuộc đại đội 4. Trong trận đánh lớn ngày 15/01/1974, trong thế bị bao vây ba mặt, Ban chỉ huy tiểu đoàn đã ra lệnh cho bộ phận y tế cấp dưỡng rút khỏi trận địa từ 12 giờ trưa. Tôi cùng cho mấy em liên lạc 14, 15 tuổi trong đó có Luyện rút theo bộ phận này. Nhưng không ngờ đến 15 giờ, tôi đến hầm chiến đấu của tiểu đội Bệ vẫn thấy Luyện và các chiến sĩ khác đang nhằm bắn bọn tây nhấp nhô trên đường số 1.

Đến 5 giờ chiều khi đơn vị rút thì Luyện cũng là những người rút sau cùng. Chỉ huy trung đội lúc đó chỉ còn tôi với Phạm Đăng Trung, đội phó (tất cả đều bị thương).

Về đến Huỳnh Cung nơi đóng quân của tiểu đoàn lúc 11 giờ đêm, Luyện chạy ra đón tôi và nói:

- Lúc anh Tri và anh Lục mất ở Lò Gạch, sau em có đến và tìm được trong túi các anh những di vật này, em trao lại cho anh. Và em đưa cho tôi hai cái ví.

… Ngày 20/3/1947, tiểu đoàn 64 tiến đánh Hà Đông theo dọc sông Nhuệ, trung đội tôi được bố trí thành một tuyến dài gần 700 m. Từ đầu cầu xuống Mỗ Lao, các tiểu đội cách nhau 200 m. Trong ngày hôm đó em Luyện và Lê là hai liên lạc viên phải chạy hàng chục lần từ tiểu đội này sang tiểu đội kia dưới làn đạn của địch. Đến 6 giờ chiều đơn vị được lệnh rút và hành quân hơn 30 km về làng Hữu Bằng ở Thạch Thất, Sơn Tây. Bố trí chỗ ăn nghỉ cho các đơn vị xong đã gần 8 giờ sáng. Chúng tôi vừa trở về nhà đóng quân của Ban chỉ huy trung đội thì liên lạc viên từ trung đoàn xuống đưa cho tôi một công văn.

Mở công văn ra xem tôi bàng hoàng cả người: Đây là công văn của Văn phòng Chính phủ gửi trung đoàn 37 đề nghị báo tin cho Trần Kim Luyện, chiến sĩ của tiểu đoàn 64 biết đồng chí Trần Kim Xuyến, Giám đốc Nha Thông tin đã bị dịch sát hại trong khi đi công tác ngày 2/3/1947. Chúng tôi nhìn nhau lòng nghẹn ngào vì mặc dầu đã chứng kiến sự hy sinh của nhiều đồng đội nhưng không biết em Luyện có thể chịu đựng nổi nỗi đau đớn, mất mát này không. Tôi và Đặng Thái - chính trị viên trung đội (thay anh Hoàng Tường Tri đã hy sinh) xuống nơi tiểu đội của Luyện đóng quân thấy em nằm ngủ rất ngon, miệng hơi hé cười. Chúng tôi bùi ngùi không muốn đánh thức em dậy vì biết rằng sau một ngày chiến đấu gian khổ và sau một cuộc hành trình dài vất vả hãy để cho em ngủ một giấc thoải mái phục hồi sức khỏe trước khi phải đón nhận nỗi đau đớn không thể cứu vớt này. Tối hôm đó, lúc 8 giờ Luyện chạy vào chỗ chúng tôi hớt hải nói:

- Các anh ơi, có phải anh Xuyến em mất rồi không?

Tôi và Thái nhìn nhau, Thái lặng lẽ đưa tờ công văn cho Luyện. Luyện cầm đọc nét mặt ngây đi. Hai dòng nước mắt từ từ lăn trên gò má sạm nâu, em đứng lặng chân. Tôi và Thái định lên tiếng thì Luyện nói:

Anh Xuyến hy sinh rồi, không biết mẹ em có chịu nổi mất mát này không. Em xin thề sẽ trả thù cho anh. Anh Giáp, anh Thái đừng lo, em không sao đâu. Mất mát này em chịu được. Em sẽ quyết tâm rèn luyện để trả thù cho anh Xuyến.

Nói xong em từ từ quay đi bước ra khỏi văn phòng trung đội.

Trong năm 1947, 1948 theo điều động của trung đoàn, Trần Kim Luyện được cử đi học lớp mật mã và trở thành điện đài viên của Trung đoàn bộ. Những năm ấy tôi và Đặng Thái được điều động đi mỗi người một công tác khác nhau, không ở gần Luyện nữa.

Cuối năm 1950 tôi được tin Luyện được cử đi học trường Lục quân khoá 6. Đến năm 1954 sau hoà bình lập lại tôi mới được biết sau khi học ở Lục quân, Luyện được điều về đại đoàn 312 và tham gia nhiều chiến dịch như Tây Bắc năm 1952, Thượng Lào 1953, Điện Biên Phủ 1954. Em đã hy sinh tại mặt trận Điện Biên trong trận chiến đấu ở đồi E1 với cương vị đại đội trưởng./.

Hoàng Giáp (Nguyên đội trưởng đội tự vệ khu Chợ Hôm, Liên khu II)

Nguồn: qdnd.vn

Logged
Gondorian
Thành viên
*
Bài viết: 27


Knight of Gondor


« Trả lời #15 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 09:29:06 pm »

Kỷ niệm 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến: Người chiến sĩ quyết tử giữ chợ Đồng Xuân

Trước ngày kháng chiến toàn quốc chống Pháp, nhà anh Thìn ở 68 phố Hàng Nâu. Lúc nhỏ anh rất chăm học, thông minh. Sau khi thi đỗ Certifica loại ưu, vốn là người con hiếu thảo, thương cha mẹ già yếu, anh đã thôi học đi làm tại bến xe ôtô Bến Nứa kiếm sống giúp đỡ gia đình.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, bến xe tổ chức đội tự vệ công nhân, anh là đội viên sao vuông "áo xanh" được anh em mến phục. Một lần xe jeep địch có ba lính mũ đỏ dừng lại bến xe đang lôi một thiếu nữ Việt Nam đưa vào Thành. Thìn trông thấy đã ra ngăn lại. Hai tên Pháp chĩa súng đe dọa. Anh kêu gọi anh em trong bến ra, và tự mình dang tay, ưỡn ngực trước mũi súng kẻ thù, dùng tiếng Pháp thuyết phục chúng, không cho mang cô gái lên xe. Địch thấy nhiều công nhân kéo đến phải bỏ chạy, một số anh em tức giận định xông vào đánh chúng, anh Thìn đã ngăn lại kịp thời. Anh nói: Hãy tuân theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: "Bình tĩnh, không mắc mưu khiêu khích của kẻ địch".

Hồi đó tập bắn đạn thật, cấp trên vận động tự vệ bỏ tiền mua ba viên đạn. Anh tích cực hưởng ứng và nói với mọi người: Khu Đồng Xuân giao cho trung đội tự vệ 3 khẩu súng trường là "quý hoá lắm rồi", nhiều đơn vị bạn chỉ có "gậy tre" luyện tập; còn một số đạn trang bị phải “để giữ nước”. Anh em vui vẻ thực hiện. Buổi bắn súng ở Cầu Guột, anh Thìn bắn trúng cả 3 viên, 2 viên trúng hồng tâm (bia bắn lúc này chưa chia vòng số điểm). Anh được anh em công kiêng rước một vòng trên bãi bắn như năm xưa Đinh Bộ Lĩnh thắng trận cờ lau.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hai giờ sáng 22/12/1946, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến khu Đồng Xuân Đỗ Tần điều trung đội công nhân bến xe về giữ chợ Đồng Xuân. Anh Tần giao nhiệm vụ: “… Chợ Đồng Xuân là điểm quan trọng, các đồng chí sống chết giữ cho bằng được. Phải tổ chức thành một trận địa vững chắc…”.

Thực hiện mệnh lệnh, chợ phải đào hầm hào, làm ụ súng, lô cốt. Chiến đấu trong phố, mục tiêu được che giấu vì có nhiều nhà, mỗi nhà là một ụ chiến đấu vững chắc. Còn chợ Đồng Xuân, rộng trên 1000m2, mục tiêu lồ lộ, chỉ che đậy bởi một mái tôn mong manh, đạn súng trường bắn thủng. Trung đội phải đào hố cá nhân dưới gầm phản thịt làm "thành nhà" để sống và chiến đấu. Chợ Đồng Xuân có năm khung nhà to, có xây năm dãy phản thịt, mặt và chân bàn đều xây bằng đá và xi măng, lát gạch men trắng. Mỗi dãy dài 30m, rộng 1m, cao 1m. Cứ cách 1m50 lại xây một chân chia thành từng bàn, giao cho các hộ bán lòng, thịt bò, lợn và nó cũng là "mái nhà" che hố cá nhân cho chiến sĩ giữ chợ.

Đào hầm hào cứng như đá trên nền xi măng, tay ai cũng phồng rộp. Đào tại gầm phản thịt càng gian khổ, nước cống hôi thối đọng lại. Hai chị Nga, Chúc đã bị ngất khi đào, khí độc xông lên. Chợ Đồng Xuân luôn được Chủ tịch Đỗ Tần cử các chị em xuống chợ động viên, cùng đào. Nhưng đào hố giỏi lại kể chuyện vui, pha trò dí dỏm vẫn là "thi sĩ cù" Đỗ Văn Thìn được anh em gọi là “cháu ba đời bà Hồ Xuân Hương".

Anh bảo: “Chúng minh đang đào hố cá nhân để thực hiện “Bốn tại chỗ…”. Đào hố để Ăn tại chỗ; Ngủ tại chỗ; Đánh nhau tại chỗ; và Chết chôn tại chỗ. Tất cả cười. Khái quát khá lắm. Tiếp đi – Vì thế tôi mới có bài tứ tuyệt tả hố cá nhân đặt tên là… là… là… "Vịnh cái lỗ". Mọi người cười phá lên, quên cả mệt nhọc.

Từ 19/12/1946 đến đầu tháng 1/1947 các chiến sĩ vẫn giữ vững khu Đồng Xuân.

Đêm đốc gác 6/1/1947, Thành Trường bàn với tiểu đội phó:

- Anh Vinh “đốp” ạ! Chào mừng ngày thành lập Trung đoàn Thủ đô tôi có ý định tổ chức tập kích nhà Lục Lộ để cho chúng biết tay. Anh xin ý kiến lãnh đạo nhé!

- Đúng, nó là cái gai nhức nhối "luôn nhòm ngó" vào chợ của ta. Kế hoạch anh thế nào?


- Ta phân công bốn người. Đỗ Văn Thìn sẽ trèo cột đèn trước cổng ném lựu đạn, bắn tiểu liên diệt địch trong nhà Lục Lộ. Tôi, Khang, Thọ bắn sten yểm trợ và tiếp tục nhả đạn khi địch nhô ra.


Kế hoạch thực hiện, Thìn hoàn thành xuất sắc, nhưng anh bị địch bắn rơi từ cột đèn xuống, kèm theo lựu đạn địch quăng ra nổ gần người, anh em phải đưa anh về quân y cấp cứu. Anh bị ngất, người dính đầy máu. Khi xem vết thương, chị Lan y tá băn khoăn nói với bác sĩ Thuận: Thuốc gây mê chúng ta vừa hết mà anh Thìn còn nhiều mảnh lựu đạn găm vào người, mổ sẽ rất đau đớn.

Cũng lúc đó Thìn chợt tỉnh nghe thấy nói ngay:


- Hết thuốc mê tôi chịu đựng được, xin bác sĩ cứ làm.


Chị Lan y tế kể lại: Lúc bác sĩ Thuận trưởng ban quân y mổ cho anh Thìn, tôi thấy bàn tay anh run quá. Phải nói rạch thịt ra mới đúng, người anh còn lại hơn chục mảnh lựu đạn, tôi vừa theo dõi, vừa nhìn anh Thìn nghiến răng chịu đựng. Thương anh quá, nước mắt tôi chảy tràn khăn bịt miệng. Khi lấy hết các mảnh lựu đạn, anh Thìn lại ngất tiếp. Thế mà ít hôm sau… anh đã về giữ chợ Đồng Xuân.

Sau ngày 15/1/1947, trung đội giữ chợ chọn 13 chiến sĩ quyết tử để lại. Trước ngày 14/1/1947 tiểu đội giữ chợ còn 9 sau bổ sung thêm 1. Tờ mờ sáng 14/2/1947, địch dùng không quân, pháo binh, pháo ở tàu hải quân trên sông Hồng, xe tăng, thiết giáp với hơn 400 lính lê dương mũ đỏ tấn công toàn khu Đồng Xuân. Đỗ Văn Thìn được phân công giữ ụ súng số 2 ngăn địch từ chùa Huyền Thiên đánh sang. Thìn đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững trận địa. 8 giờ sáng kết thúc đợt 1, địch chưa lọt được vào chợ.

Đợt 2, địch tập trung nhiều quân, dùng xe tăng húc đổ cổng sắt phụ phía Hàng Khoai vào chợ. Chiến sĩ giữ chợ mọi ngóc ngách đường hào, chìm, nổi thuộc như lòng bàn tay, nên vừa đánh, vừa nhử địch vào sâu bên trong để "chơi ú tim" và "tiếp đón tận tình". Bị thương vong nhiều, chúng la thét xen lẫn tiếng kêu khóc vang góc chợ. Khi địch mò tới "tiểu đội bộ” Thìn phát hiện thấy tiểu đội trưởng Thành Trường (mới thay thế Vinh “đốp” bị thương) đang nằm ở tư thế bất lợi quần nhau với tên lính mũ đỏ trên phản thịt. Tuy Thìn đang bị thương, anh vẫn bò tới dùng báng súng đánh vào đầu gối tên địch khuỵu xuống, Thìn cùng Thành Trường đâm tiếp. Do Thìn đứng dậy bị lộ mục tiêu, tên địch phía sau lưng đã quạt anh một băng tiểu liên, Thìn ngã gục. Thành Trường phát hiện bắn hạ tên địch rồi hô: "Toàn tiểu đội xung phong”… địch phải lùi dần rút khỏi chợ kết thúc đợt 2.

Anh em khiêng xác Thìn về đặt tại hào gian buồng bán vé bên trái cổng chợ. 43 năm sau, Thành Trường vẫn nhớ vị trí Thìn nằm. Khi đào hố tại chợ Đồng Xuân, chỉ nửa tiếng đã tìm thấy hài cốt của anh cùng một số vỏ đạn và lựu đạn sót lại.

Sáng 16/1/1990, đồng đội, gia đình và cán bộ ngành Lao động thương binh xã hội đưa hài cốt anh về nghĩa trang liệt sĩ.

Để ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, Thành uỷ, UBND Thành phố Hà Nội đã dựng một tượng đài bằng đồng kỷ niệm trận đánh ngày 14/2/1947 tại chợ Đồng Xuân. UBND phường Đồng Xuân đã làm nhà bia liệt sĩ tại chùa Huyền Thiên. Tên anh đã khắc trên bia đá cùng đồng đội. Hy sinh khi 19 tuổi, anh đã hiến trọng tuổi thanh xuân thực hiện lời Đảng gọi: “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”./.

Vũ Tâm (Nguyên tự vệ thành khu Đồng Xuân, Liên khu I)


Nguồn: qdnd.vn
Logged
Gondorian
Thành viên
*
Bài viết: 27


Knight of Gondor


« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2008, 09:36:58 pm »

Trận Hàng Thiếc

(HNM) - Năm 1946, phố Hàng Thiếc nằm giữa Đông Thành, một trong ba phân khu của Liên khu (LK) một. Đông Thành ở phía Tây LK, giáp Cửa Đông thành Hà Nội, đại bản doanh tập trung quân Pháp đông nhất. Trận địa khu do tiểu đoàn 102 trung đoàn Thủ đô phụ trách. Cửa Đông là nơi hàng ngày quân Pháp cơ động ra đánh LK một, các vị trí khác trong thành phố, nên chúng luôn đụng độ với bộ đội Đông Thành.

Sau 50 ngày đêm chiến đấu quyết liệt giam chân địch, lực lượng ta còn lại ít và mỏng, trận địa khu thu hẹp. Địch lấn ra các phố Đường Thành, Phùng Hưng, Hàng Gà, Hàng Da, Hàng Bông... Phố Hàng Thiếc trở thành tuyến đầu chặn địch tiến vào sở chỉ huy tiểu đoàn ở Hàng Đàn, phát triển qua Hàng Bồ đánh vào trung tâm LK một và đầu não của trung đoàn ở Hàng Bạc. Ban chỉ huy 102 huy động bộ đội bằng mọi giá giữ vững trận địa, kiên quyết không lùi nữa. Trung đội 3 do đồng chí Nguyễn Anh Dũng làm trung đội trưởng chặn hướng chính, Hàng Thiếc. Trung đội 2 (của anh Nguyễn Trọng Hàm) chốt giữ Hàng Bồ, Hàng Bút. Trung đội 4 (anh Phùng Như Hùng) chốt Hàng Nón, đầu Hàng Điếu. Trung đội 5 (anh Tạ Doãn Địch) giữ Hàng Quạt, Lương Văn Can. Trung đội 1 (anh Lưu Đình Quế) giữ dãy số chẵn bên Hàng Gai hỗ trợ cho tuyến Hàng Thiếc. Trung đội 6 của anh Xuân Viễn làm dự bị, chốt ở nhà dệt Cự Doanh đầu Hàng Đàn, sẵn sàng cơ động tăng cường cho hướng Hàng Thiếc.

Đầu năm 1947, sau Tết Đinh Hợi, địch tung các tốp trinh sát thăm dò ở Hàng Điếu, Hàng Mành, Hàng Nón, Yên Thái..., bắn pháo cối làm sập tường nhà chỗ Hàng Thiếc để phá hoại trận địa ta. Sớm 7-2, tất cả các trận địa của tiểu đoàn chìm trong khói lửa. Bom đạn dồn vào nhiều nhất là Hàng Thiếc. Xe tăng, bộ binh địch từ Cửa Đông kéo qua Đường Thành, chia hai mũi tiến rất thận trọng. Xe tăng địch yểm hộ cho bộ binh chiếm từng căn nhà bỏ trống ở Hàng Nón, Bát Đàn (vì ta không đủ lực lượng chốt giữ tất cả các nhà, các dãy phố). Lính công binh đi theo thu dọn, dẹp chướng ngại vật trên phố do ta dựng, san lấp chiến hào, giao thông hào. Súng ba-dô-ka và lựu đạn hóa học lần đầu tiên vào cuộc. Chúng tưới xăng rồi dùng súng phun lửa đốt nhà, các trận địa chốt. Đến trưa, xe tăng tiến đến ngã ba Hàng Nón, Hàng Thiếc, ngã tư Bát Đàn - Hàng Bồ - Hàng Thiếc - Thuốc Bắc. Khẩu đại liên đặt trên tầng hai nhà Kim Quy, 35 Hàng Nón kiểm soát dọc Hàng Thiếc, Hàng Bút chia cắt đội hình ta.

Trận đánh diễn ra quyết liệt. Hai bên giành giật từng căn nhà, căn buồng, cầu thang, bờ tường, góc phố. Tiểu đội trưởng Trần Đan, nguyên là chiến sĩ tự vệ Hoàng Diệu, nằm trên gác hai đầu Hàng Thiếc, được anh em dồn cho đầy rổ lựu đạn, kiên cường đánh bật nhiều đợt xung phong của địch, diệt hàng chục tên từ Hàng Nón sang. Bị thương nát bàn tay phải, anh ném lựu đạn bằng tay trái. Anh em phải lôi anh về phía sau, cắt bỏ bàn tay phải mà không có thuốc mê.

Đồng chí Lưu Nguyên Minh, nguyên công an xung phong quận Hàng Trống nhảy lên thay, tiếp tục chiến đấu bằng lựu đạn. Thời gian này, bom ba càng và chai xăng crếp không còn sau nhiều ngày chiến đấu, đạn và lựu đạn cũng rất ít, phải dè sẻn, chiến đấu càng khó khăn. Đồng chí Minh và nhiều đồng đội bị lựu đạn hóa học làm mờ mắt, ho sặc sụa, vẫn giữ vững vị trí. Bị ba-dô-ka bắn sập tầng hai, rơi xuống tầng một, không còn nhìn rõ, cứ nghe tiếng giày phía nào, đồng chí Minh nổ súng hoặc ném lựu đạn về phía đó. Nhiều tên đổ vật hoặc kêu la, xô nhau chạy. Trung đội trưởng Anh Dũng cùng tiểu đội trưởng Phí Văn Mùa cơ động khẩu trung liên hỗ trợ diệt nhiều tên - vào chủ yếu từ phía Hàng Điếu.

Đang khó khăn, tiểu đoàn kịp điều một tiểu đội dự bị tăng cường cho các tổ chiến đấu, đưa người hy sinh, bị thương về tuyến sau. Khẩu đại liên ở ngã ba Hàng Nón rất ác, kiểm soát dọc Hàng Thiếc. Đồng chí Dư Quý Thu, nguyên tự vệ Hoàng Diệu, xung phong ra hè đường, nấp sau cột đèn trước nhà ông lang Vòng bắn lên. Khẩu đại liên câm họng. Nhưng rồi bị địch phát hiện, bắn trả, anh đã hy sinh.

Gần chiều, địch chiếm dãy số chẵn phố Hàng Thiếc, ta chỉ còn làm chủ bên số lẻ. Từ nhà Khôi Ký, chúng dùng súng máy, súng phun lửa đốt sang bên này. Anh Trần Văn Thông, nguyên là một công nhân, vượt đường sang tưới xăng đốt nhà Khôi Ký, lúc chạy về trúng đạn hy sinh.

Chiều tối, địch quan sát khó. Từ hiệu thuốc Thanh Xa bên số lẻ, tiểu đội trưởng Cao Khắc Định (trung đội 4) theo giao thông hào qua đường đột nhập vào tầng một nhà 35 Hàng Nón tưới xăng thiêu trụi vị trí lợi hại này, rồi rút về an toàn. Ngày chiến đấu đầu tiên có một điều đặc biệt: trung đội 5, với trung liên và các tổ súng trường bố trí trên các gác thượng ở Hàng Quạt bắn rơi chiếc khu trục Spít - phai đi oanh tạc trận địa ta. Cấp trên tặng Huân chương Chiến công hạng Hai ngay tại trận cho trung đội.

Buổi tối, địch rút về phía Đường Thành, Hàng Da. Liên tiếp những ngày sau, chúng lại đánh ra. Giành đi giành lại, ta vẫn giữ được bên số lẻ. Địch không phát triển vào sâu trận địa ta được, ban ngày bắn pháo cối, dùng xăng và súng phun lửa thiêu các ụ chiến đấu. Tối đến, ta lại đột nhập sang dãy số chẵn đốt phá, ném lựu đạn tiêu diệt chúng.

Sau 3 ngày chiến đấu, ta diệt hơn 100 địch, bắn rơi một máy bay. Quân Pháp rút bỏ. Trận địa tuyến Hàng Thiếc được giữ vững cho đến đêm lui quân cuối cùng ngày 17-2-1947, buộc chúng phải chuyển hướng tấn công sang phía bắc LK một.

Nguyễn Huy Du


Nguồn: hanoimoi.com.vn
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2008, 08:50:32 pm »

Nói về HN 60 ngày đêm, có 1 bài trên mạng (chắc mr banzua đã đọc Grin) ghi lời kể của tay Tây lai Fernand Petit. Theo lời kể thì của tay này thì hắn lọt được vào hàng ngũ tự vệ ta và biết được kế hoạch tiến công đêm 19/12 (không hiểu bằng cách nào?). Tay này đã thông báo cho bộ chỉ huy Pháp biết trước giờ nổ súng 2 tiếng. Do đó tướng Morliere đã kịp cấm trại trở lại toàn bộ lính Pháp (vừa được xả trại từ sáng). Tướng Giáp định huỷ bỏ cuộc tiến công nhưng không kịp.

Xung quanh chuyện này còn nhiều điều khó hiểu, nhưng nếu tay này nói đúng thì rất có thể trận đánh ở HN đáng lẽ đã diễn ra theo một hướng khác hẳn. Tiếc là các sách báo của ta hầu như chưa đề cập đến chi tiết này. Chỉ có hồi ký tướng Giáp có dẫn lại theo sách của Philippe Deviller và bình luận 1 câu là quân Pháp không hoàn toàn bị bất ngờ.

Có bác nào có thông tin gì thêm không?
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2008, 08:54:35 am »



Đường màu đỏ: chiến tuyến phòng ngự LK1 vào ngày cuối cùng, 17/2/47

Các vị trí được đánh số:
1. Khu vực đình Phất Lộc: điểm xuất phát rút quân.
2. Chợ Đồng Xuân: trung tâm phòng ngự mạn bắc LK1, bỏ trống sau ngày 14/2/47.
3. Hai đầu cầu Long Biên, có lính Pháp chốt giữ.
4. Nhà máy điện và 5. Nhà máy nước, đều có lính Pháp chốt giữ.
Tất nhiên không chỉ có các vị trí này, dọc đê xuống phía nam và lên phía bắc đều có các chốt của quân Pháp


18h: các đơn vị đầu tiên xuất phát từ đình Phất Lộc, qua cột Đồng hồ, men theo đê sông Hồng. Thứ tự rút quân: d101, d102 + BCH e, d103.

20h: đơn vị đầu tiên luồn qua gầm cầu Long Biên (có lính Pháp gác bên trên). Trong LK1 vẫn còn 1 bộ phận nghi binh, gài mìn và đốt phá tại những điểm đã định.

24h: toàn bộ trung đoàn đã rời khỏi LK1, bắt đầu vượt sông Hồng bằng thuyền.

Tuy nhiên hiện nay có một số tài liệu mâu thuẫn về quá trình vượt sông:

1. Theo đại đa số các tài liệu, trong đó có nhiều cựu binh TĐTĐ:
- Sau khi luồn qua gầm cầu Long Biên, bộ đội lội qua nhánh sông thứ nhất (sâu đến đầu gối) sang bãi giữa.
- Từ 2h sáng 18/2, bộ đội vượt nhánh sông thứ hai bằng thuyền.
- Khoảng 8-9h sáng 18/2, toàn bộ đội hình đã rút hết qua sông Hồng.
- Cùng thời điểm TĐTĐ hoàn thành vượt sông, địch tổ chức truy kích, tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại hy sinh khi đánh chặn.

2. Theo một số nguồn khác, trong đó có b trưởng tự vệ, phụ trách đội chèo thuyền:
- Sau khi luồn qua gầm cầu Long Biên, bộ đội vượt nhánh sông thứ nhất bằng thuyền sang bãi giữa. 
- Khoảng 8h sáng 18/2, bộ đội rút hết sang bãi giữa.
- Cả ngày 18/2, trung đoàn ẩn nấp ở bãi giữa.
- Đêm 18/2, đội hình di chuyển lên phía bắc và tiếp tục vượt nhánh sông thứ hai bằng thuyền.
- Khoảng nửa đêm 18/2 rạng 19/2, trung đoàn hoàn tất rút qua sông Hồng.
- Sáng 19/2, tự vệ phát hiện 1 trung đội ngủ quên ở bãi ngô chưa sang sông.
- Trong lúc đơn vị này vượt sông thì quân Pháp đổ quân lên bãi giữa càn quét, hơn 20 tự vệ hy sinh.

Đây là chuyện rất khó hiểu.

http://www.qdnd.vn/qdnd/baongay.60nam.8349.qdnd
....
2 - Về thời gian kết thúc cuộc rút lui toàn thắng của Trung đoàn Thủ Đô

Trung đoàn Thủ Đô sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong Liên khu 1, theo kế hoạch, đã thực hiện rút lực lượng ra khỏi Hà Nội về vùng tự do. Đã có nhiều công trình, bài viết về cuộc rút lui toàn thắng đó nhưng có một số chi tiết khác nhau, mà cụ thể là:

- Đồng chí Vương Thừa Vũ, nguyên Khu trưởng kiêm Phó Chủ tịch ủy ban kháng chiến Khu XI, trong cuốn Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa, Nxb Hà Nội, 1996 (tái bản) viết: “Trời vừa sáng, giặc Pháp phát hiện được. Chúng cho 2 xe tăng và một toán quân từ đầu cầu Gia Lâm theo bờ sông đi ngược lên phía Bắc cùng một đoàn ca-nô chở đầy quân xăm xăm chạy rẽ nước đuổi theo đoàn thuyền cuối cùng của ta” (tr.193). Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại đã chiến đấu và hy sinh anh dũng. “12 giờ trưa ngày 18 tháng 2 năm 1947, trung đoàn Thủ Đô về tới Văn Hoạch, Long Tựu (Đông Ngàn), bên kia sông Đuống” (tr.195).

- Ông Lê Trung Toản, nguyên Bí thư Đảng bộ Liên khu 1, Chính uỷ Trung đoàn Thủ Đô, người đã tham gia chỉ huy, chiến đấu suốt 60 ngày đêm ở Hà Nội (19-12-1946 – 18-2-1947) có bài Cuộc rút lui toàn thắng đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự, số 2-1987, tr.16-23, viết: “2 giờ sáng ngày 18 tháng 2, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô bắt đầu sang sông. Thuyền nhỏ lại ít, người đông, phải đến 9 giờ sáng, các chiến sĩ mới sang hết”. Ngày 18 tháng 2, toàn Trung đoàn đã về tới địa điểm đã định.

- Bài Tiểu đội du kích Hồng Hà của Phan Xuân Trà đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự, số 10, năm 1989, tr.9-13, viết: buổi sáng ngày 18-2, Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại ở lại chiến đấu trên Bãi Giữa có 9 người. (Thông và Hát trúng đạn trong lúc yểm trợ cho đồng đội Nại, Diên, Mão, Quảng, Cung, Văn, Lực). Diên là người duy nhất sống sót trong số 9 chiến sĩ của đội liên lạc và chính Diên là nhân chứng duy nhất kể lại tấm gương hy sinh của đồng đội. Đồng chí Nguyễn Ngọc Nại và một số chiến sĩ của tiểu đội này hy sinh ngày 18-2-1947.

- Sách Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, tập 2, Toàn quốc kháng chiến, Nxb QĐND, Hà Nội, 2005, của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, viết: “Khoảng 8 giờ sáng 18 tháng 2, chuyến thuyền cuối cùng chở bộ đội sang sông an toàn.{…} khoảng 9 giờ sáng 18, quân Pháp mới phát hiện toàn bộ lực lượng ta đã rời Liên khu 1 (tr.48)”. Nguyễn Ngọc Nại và hầu hết các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và hy sinh vào ngày 18-2.
 
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, Hà Nội, 2006, viết: “Trưa ngày 18, anh Thái tới vui vẻ báo cáo cuộc rút lui của trung đoàn Thủ Đô đã thành công trọn vẹn, trung đoàn rút không thiếu một người, không thiếu một khẩu súng” (tr.404). “Trưa khi trung đoàn đã rút khỏi bến Long Tựu, quân Pháp mới phát hiện bộ đội ta đã rút khỏi Liên khu 1. Địch huy động lực lượng đuổi theo. Nguyễn Ngọc Nại ra lệnh cho tiểu đội nổ súng từ bãi Tầm Xá thu hút sự chú ý của địch để đảm bảo cho sự an toàn của trung đoàn. Cả tiểu đội dàn ra chặn đánh địch. Tám trong số mười chiến sĩ của tiểu đội du kích anh hùng đã hy sinh, kể cả tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại”
(tr. 406 ).

- Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2005, có mục từ Rút lui của Trung đoàn Thủ đô, viết: “Sáng 18 tháng 2 quân Pháp phát hiện thấy dấu vết và tổ chức lực lượng truy đuổi, bị Tiểu đội du Hồng Hà chặn đánh ở Bãi Giữa, Phúc Xá. Tiểu đội đã anh dũng chiến đấu đến người cuối cùng, bảo vệ an toàn cuộc rút quân” (tr. 858).

- Sách Tổng kết 60 ngày đêm chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Thủ đô Hà Nội (19-12-1946–18-2-1947) của Thành uỷ Hà Nội-Quân khu Thủ đô, Nxb QĐND, Hà Nội, 1997, tr.165-166 viết: “Đến khoảng 11 giờ đêm 18, tuyệt đại bộ phận của trung đoàn sang tới Dâu Canh.

Sáng 19 tháng 2, khi địch phát hiện quân ta đã rút khỏi Liên khu 1, chúng liền huy động thuỷ, lục, không quân đuổi theo hòng tiêu diệt Trung đoàn Thủ Đô. Nghe có tiếng súng nổ ở phía Tứ Tổng, đồng chí Nguyễn Ngọc Nại, liền trèo lên một cây cao ở chùa Tàm Xá, nơi đóng quân của của Đội liên lạc đặc biệt để quan sát và phát hiện địch đang truy kích. Đồng chí lập tức lệnh cho 2 đội viên tiếp tục dẫn đường cho tiểu đội sau cùng của trung đoàn vượt sông”. Và, tiểu đội này chiến đấu, hy sinh vào ngày 19-2-1947 tại khu vực Tứ Tổng và Tàm Xá.

- Sách Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến-tầm vóc và ý nghĩa (Kỷ yếu Hội thảo khoa học kỷ niệm 50 ngày Toàn quốc kháng chiến, in lần thứ 2), Nxb QĐND, Hà Nội, 2004, tr. 68 viết: “Khi lần vượt sông cuối cùng vào sáng 19 tháng 2, đơn vị đã bị địch phát hiện và tổ chức truy kích dữ dội”. Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại hy sinh ngày 19-2-1947.

- Bài Đội liên lạc anh hùng Nguyễn Ngọc Nại và khúc bi tráng bên dòng sông Hồng của Phạm Kim Thanh trên báo Văn nghệ Công an điện tử (Website Cand.com), ngày 16-8-2006, viết: Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại có 8 người hy sinh vào ngày 19-2-1947 (29-1 năm Đinh Hợi) và hai đội viên là Nguyễn Thị Chén và Đỗ Văn Túc bị thương.

Điểm qua các sách nói trên, chúng tôi thấy:

- Về thời gian quân Pháp phát hiện và truy đuổi Trung đoàn Thủ Đô rút quân, Tiểu đội du kích Hồng Hà hy sinh chênh nhau. Đa số viết khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng ngày 18-2, chuyến thuyền cuối cùng đã sang sông, đến trưa hôm đó (18-2) toàn bộ Trung đoàn đã đến bên kia sông Đuống, Tiểu đội du kích Hồng Hà chiến đấu và hy sinh vào ngày 18-2. Các cuốn: Tổng kết 60 ngày đêm chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Thủ đô Hà Nội (19-12-1946 - 18-2-1947) và Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến-tầm vóc và ý nghĩa lại viết đến 11 giờ đêm 18-2 tuyệt đại bộ phận lực lượng của Trung đoàn mới tới Dâu Canh, địch tuy đuổi Trung đoàn Thủ Đô và Tiểu đội du kích Hồng Hà hy sinh diễn ra vào ngày 19 tháng 2. Các tác giả cuốn “Tổng kết 60 ngày đêm…” lý giải rằng do có 1 tiểu đội đi lạc đường nên đến sáng 19-2, Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại còn ở lại Bãi Giữa làm nhiệm vụ. Đây là một chi tiết mới, cần được xác minh thêm. Căn cứ theo các bài viết của nhân chứng như Vương Thừa Vũ, Lê Trung Toản, Võ Nguyên Giáp… và tính toán thời gian, chúng tôi nghiêng về phía viết việc địch truy đuổi Trung đoàn Thủ Đô diễn ra vào buổi sáng ngày 18 tháng 2.

- Theo bài báo nói trên của Phạm Kim Thanh, hiện nay tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội, ghi ngày hy sinh của 8 đội viên Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại là 29-1 năm Đinh Hợi (tức 19-2-1947). Điều lưu ý ở đây là đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nghĩa là sau gần 50 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện trên, mới phát hiện được phần mộ của các anh. Do đó, khẳng định ngày hy sinh của các liệt sỹ là rất khó. Ngày 29-1 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của nhiều người dân trước đây ở Tứ Tổng, Tàm Xá…, (bởi sau khi không truy đuổi được Trung đoàn Thủ Đô, địch đã tàn sát nhân dân), rất có thể vì thế nên ngày 29-1 âm lịch được coi là ngày hy sinh của các liệt sỹ. Hiện nay, tại Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội có Danh sách, năm hy sinh của các liệt sỹ Tiểu đội du kích Hồng Hà, nhưng không ghi ngày tháng mất.

- Về số cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đội du kích Hồng Hà có chiến đấu và hy sinh, các sách, bài viết cũng khác nhau. Một số viết toàn bộ số người trong Tiểu đội du kích Hồng Hà ở lại chiến đấu đều hy sinh. Nếu đúng như vậy thì còn ai để có thể biết các chiến sĩ đó đã chiến đấu, hy sinh như thế nào. Chúng tôi thấy những bài viết nói rằng Tiểu đội đó còn có người bị thương, sống sót sau đó là nhân chứng kể lại trận chiến đấu là hợp lý hơn.

« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tư, 2008, 09:08:10 am gửi bởi Tunguska » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
ChimViet
Thành viên
*
Bài viết: 58


« Trả lời #19 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2008, 04:55:05 pm »

Chuyện Hà Nội 60 ngày còn phải tiếp tục dài.
Sao lại không có một Bảo tàng Hà Nội kháng chiến ? (Từ Thang Long xưa + 60 ngày khói lửa + chống Mỹ)
Mới đây, trên HTV có chương trình về một cậu hoạ sĩ, hậu sinh hoàn toàn. Chỉ đọc về HN60 ngày, mà xúc động quá, nung nấu vẽ một bức tranh lớn.
Tôi xem mấy trích đoạn mà phải tâm phục khẩu phục. Tranh như sống.
Cứ như là tay này từng tham chiến ở Hà nội ấy.
Ai xem ai biết vụ này chỉ điểm giúp tôi.
 
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM